Trung Quốc Đưa Tên Lửa Đất Đối Không và Tên Lửa Hành Trình Chống Hạm đến Trường Sa

Biên dịch và tổng hợp: Nguyễn Trịnh Đôn và Huệ Việt

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 7 tháng 5 năm 2018

105178474-gettyimages-945531624-530x298
Một hạm đội Hải quân PLA bao gồm tàu sân bay Liêu Ninh, tàu ngầm, tàu và máy bay chiến đấu tham gia vào một cuộc tổng duyệt tại Biển Đông vào ngày 12 tháng 4 năm 2018. Nguồn: CNBC.

Tóm tắt: Các nguồn tin của CNBC cho biết Trung Quốc đã đặt các tên lửa hành trình đối hạm và hệ thống tên lửa đất đối không tại 3 tiền đồn chiến lược của họ ở quần đảo Trường Sa. Các hệ thống này cho phép Trung Quốc tấn công các tàu thuyền trên mặt biển trong khoảng cách 295 hải lý từ các tiền đồn, và có thể ngắm bắn máy bay, thiết bị bay không người lái (drone), hay tên lửa hành trình trong khoảng cách 160 hải lý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận thông tin này. Một số chuyên gia dự đoán bước tiếp theo của Trung Quốc sẽ là triển khai máy bay chiến đấu và lập đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa.

Các nguồn tin của CNBC cho biết Trung Quốc đã âm thầm triển khai các tên lửa hành trình đối hạm và hệ thống tên lửa đất đối không trên đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), đá Xu Bi (Subi Reef), và đá Vành Khăn (Mischief Reef) ở quần đảo Trường Sa. Các tên lửa hành trình đất đối hạm có ký hiệu là YJ-12B này cho phép Trung Quốc tấn công các tàu thuyền trên mặt biển trong khoảng cách 295 hải lý từ các đảo đá trên. Còn các tên lửa đất đối không tầm xa có ký hiệu HQ-9B có thể ngắm bắn máy bay, thiết bị bay không người lái (drone), hay tên lửa hành trình trong khoảng cách 160 hải lý.

Một nguồn tin đề nghị giấu tên cho biết, qua đánh giá các tin tức tình báo thì các bệ phóng tên lửa đã được chuyển đến những tiền đồn này trên Biển Đông trong vòng 30 ngày vừa qua. Việc đặt các vũ khí này cũng diễn ra ngay sau khi Trung Quốc đặt các thiết bị phá sóng vô tuyến quân sự gần đây ở Biển Đông, đây là hệ thống gây nhiễu hoặc chặn thông tin liên lạc và các hệ thống radar. Theo những thông tin đã thu thập được thì các hệ thống mới này là bổ sung rất đáng kể vào cơ sở quân sự của Bắc Kinh ở một trong những vùng tranh chấp gay gắt nhất trên thế giới.

dcwtzwcxcaapbrq
Phạm vi tác động của hệ thống tên lửa của Trung Quốc, miêu tả bởi Thomas Shugart [Xem Thomas Shugart (2016)]. Theo Shugart, YJ-12 có phạm vi dài hơn chút so với YJ-62. Những hệ thống tên lửa này không phải là hệ thống phòng thủ mà là những vũ khí chống xâm nhập (area-denial) [Đọc thêm Robert Harddick (2014)]

Người Phát Ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thừa nhận khi được đề nghị xác nhận về thông tin mà báo chí Mỹ đưa ra là Trung Quốc lần đầu tiên triển khai hệ thống tên lửa ở quần đảo Trường Sa. Nguyên văn câu trả lời như sau:

“Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên quần đảo Nansha (tên Trung Quốc đặt cho quần đảo Trường Sa) và các vùng nước lân cận. Các hoạt động xây dựng hòa bình của chúng tôi trên quần đảo Nansha, bao gồm cả việc triển khai các cơ sở quốc phòng cần thiết, nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, và cũng là quyền mà một quốc gia có chủ quyền được hưởng. Hoạt động triển khai này không nhắm tới ai. Bất cứ ai không có ý định xâm lấn sẽ không tìm thấy lý do gì để lo lắng về điều này. Chúng tôi hy vọng rằng bên liên quan có thể xem vấn đề này một cách khách quan và bình tĩnh. Tôi phải nhấn mạnh rằng Trung Quốc là một quốc gia lớn về mặt thương mại, và cũng là một nhà vô địch về sự trung thành với hòa bình và ổn định khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các nước để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”

Cùng ngày truyền thông Mỹ đưa tin về hệ thống tên lửa Trung Quốc triển khai ở Trường Sa, thì trên tờ báo Quân Sự Hoàn cầu của Trung Quốc cũng đăng tải một bài báo với tựa đề “Bố cục Nam Hải của Trung Quốc cuối cùng cũng được công bố, phương Tây xem xong thất sắc.” Nam Hải là tên mà Trung Quốc đặt cho Biển Đông. Trang đầu của bài báo viết:

“Lấy Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi, Đá Vành Khăn làm tâm, với bán kính 1.000 km, ba khu vực chồng lấn bao phủ hầu hết Nam Hải, trên mỗi đảo bố trí 1 trung đội 10 máy bay thế hệ 3, ba căn cứ bố trí một trung đoàn 30 máy bay thế hệ 3. Ba căn cứ trên toàn bộ khu vực chồng lấn phối hợp nhịp nhàng với nhau, oai phong tự tin.

Từ những khu vực tác chiến của máy bay chiến đấu thể hiện trên biểu đồ, có thể thấy 3 căn cứ địa lớn này bao phủ toàn bộ Nam Hải, đồng thời bán kính tác chiến kéo dài đến tận lãnh thổ Philippines, Malaysia và Miền Nam Việt Nam. Khi chiến đấu, khả năng ngăn chặn các nước xung quanh của ba căn cứ địa lớn ở Nam Sa TQ là đáng gờm đến nhường nào!

Nhất là lãnh thổ Miền Nam của Việt Nam, trước đây Trung Quốc bị hạn chế hành trình bay nên không thể mở chiến dịch đánh lãnh thổ Miền Nam Việt Nam, còn bây giờ thì lãnh thổ Miền Nam Việt Nam đã nằm trong phạm vi tác chiến của không quân Trung Quốc, chưa hết, căn cứ quân sự Cam Ranh chủ yếu nhất của VN cũng đã nằm trong phạm vi tác chiến của lính hàng không Giải phóng quân.”

Còn Người Phát ngôn của tổng thống Philippines là Harry Roque thì nói: “Với mối quan hệ gần gũi phát triển gần đây giữa chúng tôi với Trung Quốc, chúng tôi tin tưởng rằng những tên lửa đó không hướng đến chúng tôi,”

Người Phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders thì cho biết Mỹ đã nêu ra “mối quan ngại” với Trung Quốc. “Chúng tôi biết rất rõ về hoạt động quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc,” bà phát biểu. “Sẽ có những hậu quả ngắn hạn và dài hạn, và dĩ nhiên chúng tôi sẽ giữ các bạn cập nhật.”

Đáp trả, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói:

“Các hoạt động xây dựng hòa bình của Trung Quốc trên quần đảo Nansha, một phần lãnh thổ của Trung Quốc, bao gồm cả việc triển khai các cơ sở quốc phòng cần thiết, nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, và nó cũng là quyền mà bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào được hưởng. Nó không giống chút nào với “quân sự hóa”, mà ai đó đang cố dán nhãn cho chúng tôi. Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các nước để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Điều đáng nói đến là Mỹ đã tăng cường triển khai quân sự và phô diễn cơ bắp của mình ở Biển Đông. Đó mới chính xác là “quân sự hóa”. Họ cần suy nghĩ về hậu quả. Chúng tôi thúc giục phía Mỹ dừng việc đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm và suy nghĩ về những gì họ đã làm sai, và thực sự đóng một vai trò mang tính xây dựng trong việc bảo tồn hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Nhiều chuyên gia cho rằng thật khó có thể gọi những hệ thống tên lửa này là “phòng thủ”. Ashley Townshend, Giám đốc chương trình Chính sách đối ngoại và Phòng thủ ở Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ nhận định trên Twitter: “Gọi những tên lửa được triển khai trên những thực thể địa lý… đã được chiếm đoạt bất hợp pháp là “phòng thủ” là bóp méo định nghĩa của từ này. Đây phải gọi là “triển khai sức mạnh quân sự” (power projection).

Quá rõ ràng, chỉ có một cách để hiểu là Trung Quốc đang quân sự hoá Biển Đông, Lyle Morris, nhà phân tích chính sách cao cấp của Rand, bình luận.

Bonnie Glasier, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, thì dự đoán: “Các hoạt động và triển khai vũ khí của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa đã phục vụ như là bản thiết kế chi tiết cho những gì họ đang làm ở Trường Sa. Bước tiếp theo của họ sẽ là triển khai máy bay chiến đấu và lập đường cơ sở”.

“Trước đây, nếu anh là một bên tranh chấp, anh chỉ biết rằng Trung Quốc đang theo dõi mọi bước đi của anh. Còn bây giờ, anh sẽ biết rằng anh đang hoạt động trong phạm vi tên lửa của Trung Quốc. Đây là một lời đe doạ khá mạnh mẽ, nếu vẫn coi là mối đe doạ ngầm,” Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nói với Reuters.

Tuần vừa rồi, đô đốc hải quân Hoa Kỳ Philip Davidson, người được trông đợi là đề cử thay thế đô đốc Harry Harris làm tư lệnh vùng Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã mô tả sự hiện diện đang tăng lên của Trung Quốc ở Biển Đông là “một thách thức lớn đối với các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực.”

Trong một báo cáo gửi cho Ủy ban quân lực Thượng nghị viện Hoa Kỳ, Davidson nói rằng Trung Quốc dường như đã hoàn tất việc phát triển các căn cứ tiền phương ở các khu vực đang tranh chấp gay gắt. Davidson viết: “Thứ duy nhất còn chưa có là triển khai lực lượng. Một khi đã chiếm đóng, Trung Quốc sẽ có thể mở rộng ảnh hưởng hàng ngàn dặm về phía nam và thể hiện sức mạnh sâu tận bên trong Châu Đại Dương. Nói ngắn gọn, hiện nay Trung Quốc có khả năng kiểm soát biển Đông trong tất cả các tình huống trừ chiến tranh đối với Hoa Kỳ.”

Những bình luận của Davidson cũng tương tự như những lời cảnh cáo ngày càng lớn tiếng của Harris về sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc.

Đầu năm nay, Harris nói với Quốc hội Mỹ rằng việc củng cố cơ sở quân sự đáng kinh ngạc của Trung Quốc bao gồm cả việc trang bị vũ khí siêu thanh (hypersonic) có thể thách thức Hoa Kỳ “hầu như trên mọi mặt trận”.

Harris nói với Ủy ban quân lực Hạ nghị viện rằng: “Có một số người coi hành động của Trung Quốc là mang tính cơ hội, còn tôi thì không nghĩ vậy. Tôi coi đây là hành động có phối hợp, có trình tự phương pháp và có chiến lược, dùng sức mạnh quân sự và kinh tế nhằm làm xói mòn trật tự quốc tế tự do và thông thoáng”.

Harris, người được cho là sẽ được tổng thống Donald Trump đề cử làm đại sứ Hoa Kỳ ở Hàn Quốc, hiện đang quản lý khoảng 375.000 quân nhân và chịu trách nhiệm phòng thủ một khu vực quân sự rộng lớn bao trùm gần một nửa bề mặt trái đất. Ông đã nói “Thưa quý ông quý bà, ý định của Trung Quốc là rất rõ ràng. Phớt lờ nó là liều lĩnh.”

Hiện vẫn chưa có báo cáo nào về quan điểm của Việt Nam về việc Trung Quốc lần đầu tiên đưa tên lửa ra Trường Sa.

———-

Bản tin trích và tổng hợp từ các tài liệu sau:

Amanda Macias, “Trung Quốc âm thầm đặt hệ thống tên lửa phòng ngự tại quần đảo Trường Sa chiến lược trong vùng biển Đông đang tranh chấp gay gắt”, CNBC ngày 2 tháng 5 năm 2018. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Trịnh Đôn (Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.)

Thomas Shugart, “China’s Artificial Islands are Bigger (and a Bigger Deal) than You Think,” War on the Rocks 21/9/2016. Truy cập online ở https://warontherocks.com/2016/09/chinas-artificial-islands-are-bigger-and-a-bigger-deal-than-you-think/ (truy cập ngày 5/5/2018).

Robert Haddick, “China’s Most Dangerous Missile (So Far),” War on the Rocks 2/7/2014. Truy cập online ở https://warontherocks.com/2014/07/chinas-most-dangerous-missile-so-far/ (truy cập ngày 5/5/2018).

“Foreign Ministry Spokesperson Hua Chunying’s Regular Press Conference on May 3, 2018,” Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China ngày 3/5/2018. Truy cập online tại http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/t1556501.shtml.

“中国南海布局终公开 西方看后大惊失色,” Quân sự Hoàn cầu ngày 2/5/2018. Truy cập online tại http://www.armystar.com/zhanlue/201805/67829.html. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Trung Thuần.

“Philippines ‘confident’ Chinese missiles ‘not directed at us’,” Aljazeera ngày 4/5/2018. Truy cập online ở https://www.aljazeera.com/news/2018/05/philippines-confident-chinese-missiles-directed-180504101427158.html

Ben Westcott, Ryan Browne and Zachary Cohen, “White House Warns China on Growing Militarization in South China Sea,” CNN ngày 4/5/2018. Truy cập online ở https://edition.cnn.com/2018/05/03/asia/south-china-sea-missiles-spratly-intl/index.html

“Foreign Ministry Spokesperson Hua Chunying’s Regular Press Conference on May 3, 2018,” Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China ngày 4/5/2018. Truy cập online ở: http://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/2511_665403/t1556810.shtml

Steve Mollman, “China now has cruise missiles on what started as a “fishermen’s shelter” in the South China Sea,” Quartz ngày 3/5/2018. Truy cập online ở https://qz.com/1269030/south-china-sea-china-has-cruise-missiles-on-what-started-as-a-fishermens-shelter/

Nhóm biên dịch và tổng hợp đến từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Nguồn tư liệu được cung cấp bởi nhóm South China Sea: News and Analysis

Những quan điểm nêu trong bản tin tổng hợp không nhất thiết là quan điểm của các thành viên và cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hay của các nhà tài trợ Dự án.

Bản tin tổng hợp được hỗ trợ kinh phí từ quỹ tài chính chung của Dự án Sự Ký Biển Đông, được tài trợ bởi những nhà tài trợ. Xem thông tin những nhà tài trợ của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tại https://daisukybiendong.wordpress.com/nha-tai-tro/nha-tai-tro-nam-2015-2017/

Advertisement

4 thoughts on “Trung Quốc Đưa Tên Lửa Đất Đối Không và Tên Lửa Hành Trình Chống Hạm đến Trường Sa

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.