Tổng hợp: Bùi Ngọc Hà và Huệ Việt
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 5 tháng 5 năm 2018.
Theo lời một nhà khoa học cao cấp liên quan đến một dự án do chính phủ Trung Quốc tài trợ, được dẫn lại bởi Bưu Điện Hoa Nam ngày 22 tháng 4 năm 2018, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang đề xuất một đường biên giới mới trên Biển Đông mà họ cho rằng có thể hỗ trợ cho việc nghiên cứu khoa học tự nhiên đồng thời có khả năng tăng giá trị cho các yêu sách của Trung Quốc, giúp xác định rõ ràng hơn các yêu sách của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp.
Một đường biên giới có toạ độ rõ ràng và liên tục sẽ chia Vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, chạy về phía nam tới vùng biển được yêu sách bởi Malaysia, tạo ra một đường vòng chữ U tới phía Bắc dọc theo bờ biển phía Tây của Philippines và kết thúc tại phía Đông Nam của Đài Loan. Một vùng biển rộng lớn được xác định bởi đường biên giới mới này, có hình dáng giống như tất Giáng sinh ở phía Nam của Trung Quốc, trùm lên các đoạn và lấp đầy các khoảng trống. Vùng này bao gồm tất cả các vùng biển tranh chấp, như quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bãi cạn James và Bãi cạn Scarbrough.
Theo nhà nghiên cứu trên, đường biên giới mới này sẽ lần đầu tiên xác định chính xác khu vực mà Trung Quốc có yêu sách về các quyền lịch sử trên Biển Đông.
Mục đích của dự án một phần là để nghiên cứu khoa học tự nhiên và một phần được thúc đẩy bởi động cơ chính trị nhằm “củng cố các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng biển để chuẩn bị cho các khả năng thay đổi trong chính sách Biển Đông của nước này trong tương lai”, nhà nghiên cứu cho hay.
Trong phạm vi đường biên giới này, Trung Quốc sẽ yêu sách các quyền đối với các hoạt động từ đánh bắt cá, thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng đến việc xây dựng các căn cứ quân sự cùng với các bến cảng nước sâu và sân bay.
Tuy nhiên, việc các quốc gia khác có được tiếp cận với các quyền này hay không sẽ được để ngỏ cho thảo luận, giống như trường hợp tại Bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc kiểm soát nhưng cho phép các tàu cá Philippines được quyền tiếp cận.
Nhà nghiên cứu này cho biết, trong khi Bắc Kinh coi các khu vực nằm trong đường biên giới là lãnh thổ quốc gia mình, thì các quốc gia khác vẫn có thể được hưởng tự do hàng hải qua khu vực.
Nhóm dự án đã xác định địa điểm đầu tiên của đường biên giới bằng việc sử dụng định vị vệ tinh toàn cầu.
“Việc thiết lập các dữ liệu GPS đã sẵn sàng”, nhà nghiên cứu – người yêu cầu không nêu tên vì mức độ nhạy cảm của nghiên cứu – cho biết. “Có thể có một vài lựa chọn về độ phân giải khác nhau, từ một ki-lô-mét đến vài cen-ti-mét [xét về độ rộng của đường này], tùy thuộc vào nhu cầu trên thực tế.”
Theo nhà nghiên cứu ẩn danh này, vẽ đường biên giới mới chỉ là bước đi đầu tiên. Việc tính toán tổng số sinh khối, trữ lượng dầu, khí, khoáng sản và các tài nguyên khác trong khu vực Trung Quốc yêu sách cũng đang được tiến hành, với tài trợ từ chính quyền Trung ương Trung Quốc và chính quyền tỉnh Quảng Đông
“Chúng tôi sẽ sớm có được một ý tưởng rõ ràng về những gì thuộc về chúng tôi và không thuộc về chúng tôi ở Biển Đông”, nhà nghiên cứu này cho biết. “Điều đó sẽ cho phép chúng tôi đưa ra kế hoạch và phối hợp các nỗ lực để bảo vệ lới ích của quốc gia mình trong khu vực đồng thời giảm thiểu nguy cơ xung đột với các quốc gia khác do thiếu đi một đường biên giới trên toàn bộ vùng biển này.”
“Đường chín đoạn sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng đối với các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông,” Bưu Điện Hoa Nam dẫn lời nhà nghiên cứu trong dự án.
Giáo sư Zou Jingui, Phó Khoa Đo dạc và Địa chất học của Đại học Vũ Hán cho biết: “Sẽ không có cách nào có thể tính toán được độ rộng của một khu vực bằng cách vẽ đường đứt đoạn”. “Bạn phải cung cấp cho máy tính một đường biên giới khép kín. Việc thay thế đường chín đoạn bằng một đường ranh giới chính xác và liên tục sẽ làm cho công việc trong lĩnh vực này trở nên dễ dàng hơn.”
Đường biên giới liên tục này được tạo ra không chỉ bằng các thuật toán mở rộng đường cong và nối liền các đoạn trên máy tính. Theo nhóm dự án, công việc này còn được thực hiện dựa trên các bằng chứng lịch sử vững chắc.
Bằng chứng lịch sử mà nhóm dự án đưa ra là một bản đồ được xuất bản vào năm 1951 bởi Câu lạc bộ Guanghua và Khoa học Địa lý (Guanghua and Geosciences Club), nhưng theo họ, nó đã được thông qua bởi chính phủ Trung Quốc lúc đó. Bản đồ này đã đánh dấu khu vực Trung Quốc yêu sách trên Biển Đông bằng một cặp đường nối liền liên tục. Đường màu đen phía trong chỉ đường biên giới chủ quyền và đường màu đỏ bên ngoài là đại diện cho nơi Trung Quốc có thể thực hiến quyền quản trị.

“Chúng tôi đã rất vui mừng khi phát hiện được tấm bản đồ này, nhà nghiên cứu này cho biết.” “Đây là thứ mà chúng tôi có thể cho cả thế giới thấy.”
Miêu tả chi tiết về tấm bản đồ này đã được nhóm dự án trình bày trong một bài báo xuất bản trên Bản tin khoa học Trung Quốc – một tạp chí học thuật nội địa vào tháng Ba năm nay.
Các tác giả của bài báo đề nghị sử dụng đường biên giới hình chữ U liên tục này thay thế cho đường chín đoạn. Họ viết: “Đường biên giới chữ U là đường biên giới trên biển ở Biển Đông của Trung Quốc, và chủ quyền của nó thuộc về Trung Quốc.” “Đường biên giới này có thể thể hiện rõ ràng về tính toàn vẹn, liên tục và biên giới cho các vùng biển của Trung Quốc tại Biển Đông, và đường biên giới này sinh động, chính xác, hoàn thiện và khoa học hơn.”
Có thể đọc toàn văn bài báo đã đăng trên Bản tin Khoa học Trung Quốc tại Tang Danling et al. (2018) A newly-discovered historical map using both national boundary and administrative line to represent the U-boundary in the South China Sea.
Giáo sư Yu Minyou, giám đốc Viện Trung Quốc Nghiên cứu Biên giới và Đại Dương tại Đại học Vũ Hán nói rằng nếu như tấm bản đồ cổ này đã được xuất bản với sự chấp thuận của chính phủ, điều thường xuyên diễn ra tại Trung Quốc, thì “chắc chắn tấm bản đồ sẽ tăng thêm giá trị pháp lý cho những yêu sách của Trung Quốc” trong khu vực.
Xác định cơ sở khoa học cho việc tính toán các nguồn tài nguyên thiên nhiên là quan trọng đối với Trung Quốc. Nếu không Trung Quốc sẽ không có bất cứ thứ gì cụ thể và chính xác để đặt lên bàn đàm phán với các quốc gia láng giềng.
Tuy nhiên ông Yu khẳng định các quốc gia khác cũng cần phải nhớ rằng đường này sẽ không thể hiện lập trường của chính phủ Trung Quốc khi mà đường chín đoạn vẫn còn trên các bản đồ chính thức, và cũng bổ sung thêm rằng chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông là “mở và rõ ràng.”
Ông khẳng định “Trung Quốc muốn đạt được hòa bình, ổn định, hài hoà và thịnh vượng ở khu vực.”
Điều chúng ta đang làm bây giờ là tạo ra môi trường phù hợp để đưa ra được giải pháp cuối cùng cho vấn đề này.”
Theo một chuyên gia – người yêu cầu giấu tên bởi vì ông không được phép chia sẻ với truyền thông nước ngoài về những vấn đề nhạy cảm – không có khả năng là đường này sẽ được in trên bản đồ chính thức. “Theo hiểu biết của tôi, chính phủ Trung Quốc hiện tại không có kế hoạch thay đổi đường chín đoạn”, “hầu hết các nhà ngoại giao và chuyên gia về luật biển sẽ phản đối việc nối các đoạn đứt khúc,” ông phát biểu.
Căng thẳng trên Biển Đông đã hòa dịu rõ ràng trong thời gian gần đây, với việc các quốc gia láng giềng như Philippines và Việt Nam không gây ra các đối đầu trực tiếp với Trung Quốc tại khu vực tranh chấp. “Mọi thứ đang đi đúng hướng”, chuyên gia này cho biết. “Đây không phải là thời điểm tốt nhất để xác định rõ ràng một đường biên giới”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời các đề nghị bình luận về vấn đề này.

Tiến sỹ Ian J. Storey, nghiên cứu viên cao cấp về an ninh hàng hải tại Châu Á – Thái Bình Dương và quan hệ Đông Nam Á – Trung Quốc, Viện Yuso Isak –Singapore cảnh báo việc thay đổi đường chín đoạn có thể làm nguy hại tới ổn định khu vực.
Ông Storey nhận định, nếu như Trung Quốc chỉ rõ các yêu sách của mình tại Biển Đông bằng một đường liên tục nối liền 9 đoạn đứt khúc, thì điều này là sự bác bỏ hoàn toàn đối với phán quyết của Toà trọng tài 7/2016. Động thái này có thể “gây ra những quan ngại sâu sắc cho các quốc gia của Đông Nam Á và bên ngoài khu vực.”
Còn GS Carlyle Alan Thayer cho rằng bản đồ năm 1951 không có tư cách pháp lý bởi nó không gắn liền với một hiệp ước nào. Trung Quốc sẽ cần phải cung cấp thêm các bằng chứng về chiếm hữu thực tế và quản lý liên tục. Cũng hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy cộng đồng quốc tế đã chấp nhận bản đồ này.
Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển thuộc Đại học Philippines khẳng định bản đồ năm 1951 không thể sử dụng cho những yêu sách trên Biển Đông, vì sự quy đổi về tỉ lệ bản đồ so với trên thực tế không chính xác, và phía Trung Quốc cũng chưa công nhận về sự hợp pháp của bàn đồ này. Việc sử dụng đề xuất của nhóm nghiên cứu Trung Quốc để thúc đẩy việc quản lý tài nguyên theo ông cũng không hợp lý bởi tài nguyên thiên nhiên không tồn tại theo ranh giới chính trị.
Giáo sư Jay Batongbacal chỉ trích nhóm nghiên cứu Trung Quốc đang đưa ra những kết luận pháp lý thiếu khách quan và thiếu chứng cứ kèm theo. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ cũng như cộng đồng nghiên cứu Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Từ đó, ông khẳng đinh nếu Trung Quốc công nhận đề xuất này đồng nghĩa với việc công khai đi ngược lại với UNCLOS, và bởi vậy họ nên tránh những đề xuất tương tự như vậy.
Trong Background Brief của mình, Giáo sư Thayer kết luận rằng nếu chính phủ Trung Quốc thông qua bản đồ này, nó sẽ dẫn đến các cuộc đối đầu thực địa giữa Hải quân Trung Quốc, Cảnh sát biển và ngư dân Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên. Đây sẽ là một bước thụt lùi và kích động chống đối.
———-
Bản tin được tổng hợp từ các nguồn sau:
“Các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông lần đầu tiên được thể hiện bằng một đường biên giới liên tục.” Bưu điện Hoa Nam ngày 22 tháng 4 năm 2018. Bản dịch của Nghiên cứu Biển Đông ngày 26 tháng 4 năm 2018: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/6941-cac-yeu-sach-cua-trung-quoc-tren-bien-dong-lan-dau-tien-duoc-the-hien-bang-mot-duong-bien-gioi-lien-tuc.
Tang Danling et al. (2018) A newly-discovered historical map using both national boundary and administrative line to represent the U-boundary in the South China Sea: https://daisukybiendong.files.wordpress.com/2018/05/tang-danling-et-al-2018-a-newly-discovered-historical-map-using-both-national-boundary-and-administrative-line-to-represent-the-u-boundary-in-the-south-china-sea-signed.pdf
Jay Batongbacal, “Implications of the Proposed Continuous Boundary in the South China Sea”: https://www.facebook.com/jay.batongbacal/posts/10156388058754485
Carlyle A. Thayer, “South China Sea: China’s “New” 1951 Map Has No Basic in International Law,” Thayer Consultancy Background Brief, 24/4/2018.
———–
Bùi Ngọc Hà và Huệ Việt đến từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Nguồn tin được cung cấp bởi nhóm South China Sea: News and Analysis.
Những quan điểm nêu trong bản tin tổng hợp không nhất thiết là quan điểm của các thành viên và cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hay của các nhà tài trợ Dự án.
Bản tin tổng hợp được hỗ trợ kinh phí từ quỹ tài chính chung của Dự án Sự Ký Biển Đông, được tài trợ bởi những nhà tài trợ. Xem thông tin những nhà tài trợ của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tại https://daisukybiendong.wordpress.com/nha-tai-tro/nha-tai-tro-nam-2015-2017/