Tác giả: Ryan D. Martinson
CMSI Red Books ngày 2 tháng 5 năm 2018.

Chuyên khảo này khảo sát việc Trung Quốc sử dụng các lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển (coast guard force) để thúc đẩy các yêu sách biển của mình trong giai đoạn kể từ năm 2006. Những yêu sách này bao gồm các tuyên bố chủ quyền đối với hàng chục thực thể địa lý ở biển, chẳng hạn như Scarborough Shoal. Chúng cũng bao gồm yêu sách về quyền sử dụng và quản lý các vùng biển rộng lớn trên cơ sở diễn giải luật pháp quốc tế theo một cách riêng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) cho phép họ có quyền tài phán trên ba triệu kilômét vuông của không gian biển, thường được gọi là “lãnh thổ xanh” của Trung Quốc (蓝色 国土). Gần một nửa không gian này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường than thở, bị tranh chấp bởi các quốc gia khác. Để bảo vệ “những quyền hàng hải” này, các tàu Trung Quốc được giao một loạt các nhiệm vụ thường được tiến hành ở những vùng biển xa xôi ngoài tầm nhìn của đất liền.
Phần 1 của chuyên khảo phác thảo những yêu sách biển của Trung Quốc, những giá trị mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc gán cho chúng, và những mục tiêu tổng thể thúc đẩy chính sách của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. Phần 2 sẽ tập trung vào các lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển được giao nhiệm vụ bảo vệ và thúc đẩy những yêu sách này: tổ chức, học thuyết và năng lực của họ. Phần 3 phác thảo bối cảnh chiến lược của phương pháp phòng thủ của Trung Quốc. Phần 4 phân tích sáu loại hoạt động chính của các lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển của Trung Quốc được tiến hành ở các khu vực tranh chấp. Chuyên khảo kết thúc với phân tích sự bành trướng của Trung Quốc trong khoảng thời gian 10 năm từ năm 2006 đến năm 2016, trong đó bao gồm các quyết định quan trọng hướng dẫn và kích hoạt sự bành trướng đó.
Đọc toàn văn chuyên khảo ở Ryan D. Martinson (2018) Echelon Defense- The Role of Sea Power in Chinese Maritime Dispute Strategy
Ryan D. Martinson là một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ. Ông có bằng thạc sĩ của Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts và bằng cử nhân khoa học của Union College. Martinson cũng đã học tại Đại học Fudan, Đại học Văn hóa và Ngôn ngữ Bắc Kinh, và Trung tâm Hopkins-Nam Kinh của Trung Quốc. Trước đây ông từng là Phó Giám đốc Chương trình Sáng kiến Trao đổi Trung Quốc.
Những quan điểm trong ấn phẩm không nhất thiết là quan điểm của các thành viên và cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hay của các nhà tài trợ Dự án.
———-
Đọc thêm những nghiên cứu khác về Trung Quốc:
https://daisukybiendong.wordpress.com/tag/nghien-cuu-trung-quoc/