Tác giả: Malcolm Jorgensen
Opinio Juris ngày 17 tháng 10 năm 2017
Biên dịch: Vũ Ngọc Trang | Hiệu đính: Hải Quang
Trong cuốn sách mới “Chủ nghĩa quốc tế: một kế hoạch cấp tiến nhằm loại bỏ chiến tranh ra ngoài vòng pháp luật đã tái thiết thế giới như thế nào”, Oona Hathaway và Scott Shapiro cho rằng việc Trung Quốc chiếm đóng các thực thể trên Biển Đông là “không đáng giá nhiều chừng nào mà phần còn lại của thế giới vẫn từ chối công nhận hành động này”. Kết luận này được đưa ra sau khi các tác giả đã lập luận, một cách hết sức tinh vi, rằng các quy định pháp lý chống lại hành vi xâm chiếm lãnh thổ từ năm 1928 vẫn là một nguồn đánh giá tính hợp pháp quan trọng để đánh giá việc thực hiện quyền lực toàn cầu trên thực tế. Tuy nhiên, những bằng chứng từ Biển Đông dường như đã đưa ra một ngoại lệ quan trọng cho nhận định này. Ở đó Trung Quốc đang chứng minh sự hiệu quả trong việc thực hiện quyền lực trong khu vực mà không có sự cho phép của Luật Quốc tế.
Nhận định cho rằng luật pháp quốc tế tạo điều kiện cho việc thực hiện quyền lực trên thực tế thiết lập một trật tự được công nhận trên toàn cầu. Trong trật tự này, các quy định pháp lý chỉ dẫn cho quốc gia những tính toán hợp lý về các hành vi có nhiều khả năng sẽ bị thách thức vì bị coi là mối đe dọa đối với trật tự này. Theo Hathaway và Shapiro: “Quyền lực thực chất – quyền lực hữu ích nhằm đạt được các mục tiêu chính trị quan trọng – không thể tồn tại ngoài pháp luật. Luật pháp tạo ra sức mạnh thực sự. Các quốc gia chỉ có thể đạt được mục đích khi được các quốc gia khác công nhận kết quả của những hành động của mình”. Để chứng minh cho luận điểm này, Hathaway và Shapiro lập luận rằng việc cấm chiến tranh trong Hiệp ước Kellogg-Briand năm 1928 đã khiến cho việc Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu năm 1931 đem lại rất ít lợi ích, vì “hành vi này là không đủ nếu không ai coi Mãn Châu là Mãn Châu Quốc”. “Học thuyết Stimson” năm 1932 tái khẳng định điều này trong chính sách của Mỹ chống lại các yêu sách lãnh thổ do xâm chiếm.
Các yêu sách trên biển của Trung Quốc rõ ràng là bất hợp pháp, với việc yêu sách “Đường chín đoạn” mà nước này vẫn sử dụng lâu nay bị bác bỏ thẳng thừng trong phán quyết của Toà án Trọng tài Thường trực năm 2016, ở một vụ kiện do Philipines khởi xướng. Tuy nhiên, giờ Trung Quốc đã được hưởng sở hữu thực tế các đảo nhân tạo mà quốc gia này yêu sách mà không bị cản trở. Các đảo này được mô tả như là “những tàu sân bay không thể chìm“, cho phép Trung Quốc thể hiện sức mạnh quân sự rất xa lãnh thổ lục địa của mình. Trong bảy đảo nhân tạo, nhiều khả năng có tới ba đảo có khả năng chứa máy bay chiến đấu do có đường băng, radar và tên lửa đất đối không. Tương tự, chiếm hữu thực tế tạo điều kiện cho phép Trung Quốc có thể tiếp cận những nguồn tài nguyên biển mà quốc gia này vẫn yêu sách lâu nay.
Hơn nữa, sự suy giảm tương đối của quyền lực của Mỹ trong khu vực cho thấy ít có khả năng Trung Quốc sẽ bị đánh bật khỏi các thực thể đang chiếm đóng – viễn cảnh phải sử dụng bạo lực quân sự để phá bỏ nguyên trạng không đem lại lợi ích cho một quốc gia hay liên minh quốc gia nào. Quân đội Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải và kêu gọi các đồng minh ủng hộ mình bằng cách nhấn mạnh tính bất hợp pháp trong hành vi chiếm hữu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ không đưa ra các biện pháp nhằm đưa khu vực trở về tình trạng hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã từ bỏ những lời chỉ trích về hành vi “lấn biển và quân sự hóa” trong tuyên bố chính thức. Các tiếp cận đã chuyển từ ngăn chặn sang quản lý hành vi chiếm đóng của Trung Quốc.
Hạn chế của cuốn sách là không tính đến cách mà luật quốc tế bị biến đổi theo các định dạng địa lý của quyền lực, mà do đó sẽ vận hành theo các cách khác nhau ở các vùng khác nhau. Châu Á – Thái Bình Dương hiện tại giống như một khu vực “địa pháp lý” chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc, trong đó sự thống trị ngày một đi lên của Trung Quốc trong khu vực đối với các thiết chế đa phương và sự phát triển luật pháp càng làm tăng thêm sức mạnh địa chính trị của Trung Quốc. Lợi ích địa – chiến lược chính hàng đầu của Trung Quốc là sự thống trị về sức mạnh quân sự trong vùng “biển gần“, chứ không phải là bá chủ toàn cầu, và bây giờ Trung Quốc đang thúc đẩy phạm vi địa pháp lý của mình để khiến các quốc gia mặc nhiên thừa nhận một trật tự quốc gia trên biển, xa rời với luật pháp quốc tế.
Phạm vi địa pháp lý của Trung Quốc được xây dựng dựa trên lịch sử của Trung Quốc rằng đó là một quốc gia là tích cực thúc đẩy xây dựng luật pháp – dẫn tới thất bại to lớn về ngoại giao trong việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á bất chấp những phản đối của Hoa Kỳ và thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực như một hiệp định tự do thương mại thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Từ lâu, những người ủng hộ Trung Quốc hội nhập với các quy định và thiết chế hiện có lâu nay vẫn cho rằng việc vai trò của Trung Quốc trong trật tự pháp lý quốc tế hiện tại trở nên tương xứng với quyền lực ngày một đi lên của mình sẽ góp phần bổ trợ trật tự pháp lý hiện có và vì thế “ít có khả năng làm thay đổi các quy tắc, quy chuẩn và những cấu trúc hiện hành”. Song, vai trò pháp lý lớn hơn của Trung Quốc hiện nay nhiều khả năng đang cổ vũ nhiều hơn là hạn chế mong muốn tạo ra các vùng phi luật pháp trên đại dương mà không phải chịu sự trừng phạt của luật pháp.
Việc gia tăng quyền lực về mặt địa pháp lý của Trung Quốc thể hiện ở hành vi gây sức ép bắt các quốc gia khác chấp nhận nhận ý chí của Trung Quốc, trong đó có cả việc Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp một cách song phương hơn là thông qua các thể chế pháp lý. Năm 2012, Philippines đã sử dụng tàu hải quân nhằm bảo vệ bãi cạn Scarborough, khu vực đang có tranh chấp. Hành động này bị Trung Quốc trả đũa bằng các biện pháp kinh tế – từ lệnh cấm du lịch tới từ chối thông quan khiến hàng tấn chuối nhập khẩu của Philippines bị hỏng tại các cảng biển. Việc tăng cường quản lý đối với các quy định kinh tế quốc tế sẽ chỉ làm gia tăng quyền lực địa pháy lý và làm gia tăng thiệt hại đối với các hành vi phản kháng. Philippines hiện đã đặt Phán quyết năm 2016 có lợi cho mình sang một bên để theo đuổi một thỏa thuận cùng phát triển với Trung Quốc. Điều này được gọi là “modus vivendi” (biện pháp tạm thời) không thách thức lập trường pháp lý nguyên trạng của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc coi thỏa thuận này đơn giản là một sự nhượng bộ chính trị.
Sự quy phục của Philippines cho thấy một bức tranh toàn cảnh có lợi cho Trung Quốc hơn, đó là việc các quốc gia đơn lẻ không muốn bị cô lập khi công khai chống lại Bắc Kinh. Đây chính là một ví dụ điển hình của tình trạng tiến thoái lưỡng nan, trong đó Trung Quốc chia rẽ và khuất phục các quốc gia chống đối cho đến khi họ quy phục sự thống trị của mình dù có hợp pháp hay không. Vấn đề cốt lõi đối với phán quyết trọng tài và hệ thống pháp lý rộng hơn mà nó đại diện là chúng bị tách ra khá xa khỏi quyền lực địa chính trị khu vực nên Trung Quốc có thể công khai thực hiện các nguyên tắc phi luật pháp khác để phân bổ quyền lợi và nguồn lực và những điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng hữu hiệu sức mạnh chính trị. Nếu so sánh giữa những tuyên bố của PCA và CPC, những tuyên bố của CPC đang ngày càng mô tả chính xác hơn về các quy tắc thực tế đang được áp dụng ở Biển Đông.
Trung Quốc tiếp tục khẳng định các yêu sách bằng nhưng lời lẽ và các hình tượng của luật quốc tế, nhưng lại dựa vào”các quyền lịch sử” theo cách hiểu gần như là không tồn tại trong luật. Lần khẳng định gần đây nhất của Trung Quốc về đường chín đoạn đã vận dụng chính các quy tắc của Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển để có thể đưa ra những yêu sách lãnh thổ đối với các nhóm đảo “Tứ Sa” nằm trong phạm vi của đường này. Tuy nhiên, đây là những quyền chỉ có hiệu lực đối với một quốc gia quần đảo – mà Trung Quốc lại không phải là một quốc gia như vậy. Trong tình huống lạc quan nhất, những tuyên bố của Trung Quốc giống với “Luật quốc tế dân gian” – “một lập luận gần giống như luật dựa trên sự kết hợp lộn xộn và mềm dẻo giữa các nguyên tắc để giải thích những hành vi mà dường như là không phù hợp với luật pháp quốc tế.” Dù vậy, mục tiêu của Trung Quốc, bị hạn chế về mặt địa lý, là kiểm soát các vùng biển gần bờ có nghĩa là việc thiếu sự công nhận pháp lý toàn cầu chỉ còn là thứ yếu. Chính những quy tắc do Trung Quốc tự đặt ra mới là kim chỉ nam để các quốc gia có thể biết được là những hành động nào sẽ bị coi là mối đe dọa đối với trật tự hiện hành.
Giả thuyết về mối quan hệ tích cực giữa việc Trung Quốc ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong hệ thống pháp luật quốc tế với việc tôn trọng hệ thống này dường như không có cơ sở, bởi vì Trung Quốc tận dụng phạm vi địa pháp lý của mình để tạo ra khu vực trên biển mà ở đó luật quốc tế không được tôn trọng. Vì thế sẽ ít có triển vọng để Châu Á Thái Bình Dương quay trở lại thành một khu vực với một trật tự hàng hải phù hợp với các quy định của UNCLOS – Công ước mà trước đây tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, đã ký kết hoặc phê chuẩn. Việc tiếp tục phủ nhận tính hợp pháp của trật tự còn trứng nước này vẫn đóng một vai trò rất quan trọng, vì nó chắc chắn sẽ làm cho quyền lực của Trung Quốc trở nên kém hữu hiệu hơn, nhưng các điều khoản của UNCLOS không còn là một chỉ dẫn hiệu quả về các hành vi hợp lý của các bên liên quan trong khu vực.
Kết luận của Hathaway và Shapiro là nguy hiểm nếu họ coi lý tưởng của luật pháp quốc tế như một thực tế chính trị. Họ cho rằng nền tảng cho một trật tự pháp lý quốc tế hiệu quả vẫn phụ thuộc vào việc Mỹ sẵn sàng bảo vệ nó với sức mạnh cứng của mình – sự tiếp nối của Pax Americana (Thái bình Mỹ – Hòa bình tương đối ở Tây bán cầu). Ở đây sự rút lui khỏi TPP của chính quyền Trump có thể làm mất đi sáng kiến quan trọng cuối cùng có khả năng làm chậm lại quá trình chuyển giao quyền lực địa pháp lý. TPP quan trọng ở chỗ nó không chỉ là tập hợp của các quy tắc thương mại tự do, mà còn là một minh chứng cho vai trò của Hoa Kỳ như là một người neo giữ trật tự đó. Hiện tại, đang có những yêu cầu của quốc tế về việc áp dụng luật pháp quốc tế trong khu vực sau khi quyền lực địa chính trị đã bị phân mảnh.
Biển Đông vẫn là một cuộc đối thoại đang diễn ra giữa các quy định hàng hải phôi thai của Trung Quốc và việc áp dụng luật pháp quốc tế, nhưng cuộc đối thoại này sẽ ngày càng khó giải quyết. Điểm tựa của chính sách pháp luật phương Tây để đảm bảo một “trật tự khu vực dựa trên luật pháp” bởi vậy, về nghĩa đen, chỉ như một chiếc mỏ neo cắm trên dải cát đang chuyển động thay đổi. Mục tiêu chiến lược cho các bên liên quan trong khu vực nên là đảm bảo cân bằng hiệu quả về mặt địa pháp lý bằng cách phủ nhận tính hợp pháp của các yêu sách của Trung Quốc, nhưng như một sự bổ sung hơn là thay thế cho việc cân bằng quyền lực địa – chính trị trên thực tế. Thất bại trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế sẽ khiến cho các vùng phi luật pháp do một quốc gia tuyên bố được mở rộng tới mức che mờ trật tự trước đây và cuối cùng tự trở thành chính luật pháp quốc tế.
Malcolm Jorgensen là nghiên cứu viên thuộc nhóm nghiên cứu Potsdam Berlin với đề tài “Luật Quốc tế – phát triển hay thụt lùi?”. Nhóm dịch và hiệu đính thuộc Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Nguồn bản gốc tiếng Anh: http://opiniojuris.org/2017/10/17/chinas-rising-geolegal-sphere/