Tác giả: James Borton & John W. McManus
Geopolitical Monitor, ngày 5 tháng 3 năm 2017
Biên dịch và giới thiệu: Bùi Ngọc Hà
Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng.

Bảo vệ môi trường biển và đảm bảo tính bền vững của đại dương là một vấn đề toàn cầu thiết yếu đối với toàn bộ sự sống, và không đâu quan trọng như ở Biển Đông.
Trải rộng khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, vùng biển này có một hệ sinh thái biển phong phú và phức tạp. Tuy nhiên, các yêu sách lãnh thổ giữa Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia, và Brunei ở Biển Đông vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh chính trị và sinh thái của Đông Nam Á. Bởi vậy, suy thoái môi trường là một trọng tâm trong các thảo luận chính sách khoa học về Biển Đông, và đối với ngày càng nhiều các nhà khoa học và hoạch định chính sách thì giải quyết vấn đề axít hóa, mất đa dạng sinh học, tác động khu vực của biến đổi khí hậu, sự tàn phá rặng san hô, và cạn kiệt nguồn cá là một vấn đề cấp bách.
Hãy bước vào ngoại giao khoa học. Được Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Mỹ (AAAS) định nghĩa là ngành khoa học dùng để cung cấp thông tin cho các quyết định chính sách ngoại giao, thúc đẩy cộng tác khoa học quốc tế, và thành lập hợp tác khoa học để xoa dịu căng thằng giữa các quốc gia, ngoại giao khoa học là một biện pháp được chấp nhận rộng rãi mà các nhà hoạch định chính sách môi trường dùng để góp phần giải quyết xung đột và trong nhiều thập niên qua đã được nhiều nước áp dụng làm một công cụ ngoại giao để xây dựng hòa bình. Trong thời kỳ chia rẽ Chiến tranh Lạnh, hợp tác khoa học đã được sử dụng để xây dựng cầu nối hợp tác và tin cậy.
Ngoại giao khoa học không phải là cách tiếp cận hoàn toàn mới trong quan hệ quốc tế và hiện tại nó đặt ra hai câu hỏi quan trọng trong những nỗ lực nhằm giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông, đó là: Chúng ta có nên áp dụng nó không? Và nó có hiệu quả không?
Câu trả lời cho cả hai là “có.”
Ngoại giao khoa học trực tiếp và gián tiếp thúc đẩy xây dựng lòng tin giữa các bên tranh chấp trên Biển Đông, đem lại một khoảng ngừng chiến thuật cần thiết cho những căng thẳng đang gia tăng trong khu vực. Khả năng ngoại giao khoa học có thể quản lý thành công tranh chấp trên Biển Đông là khá cao vì thời điểm, độ tin cậy, cũng như tiềm năng được các nước lớn ủng hộ. Nó cũng đem lại nhiều lợi thế, không chỉ về mặt kinh tế, chính trị, trách nhiệm xã hội, mà còn hơn thế nữa. Quan trọng hơn cả là giờ đây đã có một làn sóng hợp tác trong việc trao đổi dữ liệu và thông tin, sự đồng thuận về giá trị của các khu vực biển được bảo vệ, cũng như sự tăng cường hợp tác thám hiểm nghiên cứu.
Các nhà khoa học ở Đông Nam Á và Trung Quốc có những mối quan hệ vững chắc, một phần nhờ chuỗi dự án, hội thảo, và các khóa học đào tạo khoa học quốc tế, ví dụ như Chương trình Phối hợp và Phát triển Nghề cá trên Biển Đông của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc từ giữa thập niên 1970 đến giữa thập niên 1980. Nhóm làm việc “Track 2” không chính thức và công việc thực địa liên quan từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000 bao gồm nhiều nhà khoa học trong khu vực và dự án của họ là nhằm thúc đẩy hợp tác quản lý hòa bình nguồn tài nguyên. Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc và Quỹ Môi trường Toàn cầu đã tài trợ cho một dự án phân tích và quản lý môi trường Biển Đông từ năm 2002 đến 2009, và đang có những nỗ lực để khởi xướng một dự án tiếp theo. Các hoạt động xây dựng lòng tin tương tự cũng đang được thảo luận.
Các biện pháp phối hợp khoa học được đề xuất là cần thiết trong bối cảnh khai thác quá mức tràn lan và suy thoái rặng san hô ở Biển Đông, một phần vì các yêu sách chủ quyền tranh chấp ở đây đã khiến các hoạt động phân tích và quản lý sinh thái gặp khó khăn. Có những dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sự sụp đổ sắp xảy ra của nghề cá và nguy cơ tuyệt chủng một số loài. Với việc Biển Đông là nơi trú ngụ của một số lượng lớn các sinh vật biển nổi tiếng, trong đó có sò tai tượng khổng lồ, rùa biển, và các loài thú biển vốn đang bị đe dọa, thì không còn thời gian để lãng phí.
Các nước có yêu sách lãnh thổ nên đặc biệt chú ý đến viễn cảnh sụp đổ nghề cá ở Biển Đông, vì tất cả đều phụ thuộc vào nguồn protein hải sản để nuôi sống số dân ngày càng lớn, hiện xấp xỉ 1,9 tỷ người. Những thách thức xung quanh an ninh lương thực và nguồn cá tái tạo được đang nhanh chóng trở thành một thực tế khó khăn không chỉ với ngư dân. Năm 2014, Trung tâm Đa dạng Sinh học đã cảnh báo nó có thể là một tương lai đáng sợ khi mà có 30 đến 50% số lượng loài có nguy cơ tuyệt chủng vào giữa thế kỷ này.
Tuy nhiên, có một điều đáng khích lệ là các nhà khoa học Trung Quốc đã tham gia ngoại giao khoa học ở các vùng cực trong ba năm qua. Điều này bao gồm việc nghiên cứu quy định khai thác cá và đặc biệt là sự tham gia của họ trong các nỗ lực ngoại giao đa phương ở vùng trung tâm Bắc Băng Dương. Dù vai trò của Bắc Kinh vẫn còn hạn chế, họ cũng đang chuẩn bị để gánh vác một vai trò thực chất trong nền quản trị tốt ở Bắc Cực.
Bất chấp các vấn đề chủ quyền nan giải ở Biển Đông và khó khăn trong việc xin phép làm việc môi trường thực địa, ngay cả ở các khu vực phi tranh chấp, sự tập trung của các nhà khoa học trong khu vực vào vấn đề bảo vệ môi trường và các vấn đề ngành cá có thể sẽ gặp ít khó khăn hơn các vấn đề ở Bắc Cực.
Ngoại giao khoa học có vẻ tương đối dễ chấp nhận đối với tất cả các nước tranh chấp. Trên thực tế, mặc dù khó mà so sánh được chính xác chi phí mà một chính phủ dành cho các cách giải quyết tranh chấp Biển Đông khác, ngoại giao khoa học sẽ rất hiệu quả về mặt chi phí. Bởi vì các sáng kiến quân sự và kinh tế, khác với các sang kiến khoa học, đặc biệt là việc cải tạo các rặng đá ngầm thành tiền đồn quân sự, thường được xem là hành động bảo vệ chủ quyền đất nước và liên quan trực tiếp tới quốc phòng, nên bất cứ sự liên quan nào của các chủ thể phi nhà nước cũng chắc chắn sẽ trở thành chủ đề nhạy cảm và bị xem là không phù hợp.
Mấu chốt ở đây là phải khuyến khích hợp tác khoa học quốc tế. Qua các cuộc khảo sát nghiên cứu hàng hải chung, các nhà khoa học khu vực có thể cung cấp dữ liệu và thông tin mà các nhà làm chính sách cần có để đưa ra những quyết định có thông tin và có trách nhiệm trên Biển Đông.
Các sáng kiến khoa học thường được chấp nhận rộng rãi như là những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu vốn đòi hỏi sự đóng góp từ mọi chủ thể trên trường quốc tế. Điều này không chỉ giúp các sáng kiến khoa học liên quan đến ngoại giao khả thi về mặt tài chính, mà còn giúp phổ biến kết quả rộng rãi hơn và nâng cao tác động của chúng trong quá trình ra quyết định và xây dựng năng lực hoạch định chính sách ở cấp độ khu vực.
Hầu hết các nước Biển Đông đều dùng các khu vực bảo tồn biển để giải quyết các vấn đề môi trường hiện tại và tương lai, và có những kế hoạch bao gồm cả các khu vực trong vùng biển tranh chấp. Các khu bảo tồn biển hiện tại có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển; chúng nâng cao mức sống của các cộng đồng ngư dân ven biển, đồng thời là một mô hình trực tiếp xuất sắc về chính sách khoa học. Nếu có thể đặt vấn đề chủ quyền sang một bên trong các hiệp ước đóng băng các hoạt động tuyên bố và ủng hộ tuyên bố lãnh thổ, như ở Nam Cực, thì các khu vực bảo tồn biển và các công cụ quản lý tài nguyên thiên nhiên khác có thể được sử dụng một cách hiệu quả hơn nhiều để bảo vệ nghề cá và đa dạng sinh học, cũng như đẩy mạnh du lịch.
Thứ hai, ngoại giao khoa học là một cách tiếp cận an toàn và trung lập trong quan hệ quốc tế đối với mọi chính phủ. Trong khi hợp tác kinh tế hay quân sự đòi hỏi sự cân nhắc kỹ càng để tìm các dấu hiệu phương hướng chính sách ngoại giao thì hợp tác khoa học lại trung lập hơn nhiều, ngay cả ở các nước bị giằng xé bởi xung đột, bởi họ có thể hợp tác với nhau trong các dự án khoa học “nhằm khẳng định và cải thiện đời sống con người” mà không cần lo lắng về việc làm cộng đồng quốc tế hiểu nhầm về định hướng chính sách ngoại giao của mình hay làm dấy lên sự giận dữ trong nước vì bắt tay với “đối tác sai lầm.”
Cuối cùng, ngoại giao khoa học phục vụ cho những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống con người. Trong khi các loại hình ngoại giao khác có xu hướng chỉ giải quyết các vấn đề ở cấp độ nhà nước như chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ thì hợp tác nghiên cứu khoa học ở Biển Đông lại nhắm tới một cách tiếp cận “hướng về biển” nhiều hơn, đó là đảm bảo ngư dân có thể đánh cá an toàn, hải sản cho con người không bị ô nhiễm, và các nguồn tài nguyên biển được bảo vệ đúng cách.
Nhìn từ góc độ rộng hơn thì ngoại giao khoa học còn mang lại lợi ích bổ sung để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Năm ngoái, Fidel V. Ramos, cựu tổng thống Philippines (1992-1998) và thành viên nhóm Nhân sĩ ASEAN (EPG) đã tuyên bố rằng hợp tác môi trường có thể hứa hẹn mang lại “những nỗ lực có lợi lẫn nhau nhằm thúc đẩy du lịch, khuyến khích giao thương và đầu tư, và xúc tiến trao đổi giữa các viện nghiên cứu chính sách và các thể chế học thuật về các vấn đề có liên quan.”
Ngoại giao khoa học đem lại một cơ chế xây dựng hòa bình để các cố vấn khoa học ở Biển Đông có thể chứng minh vai trò của mình là “các nhà phân tích tài nguyên, những người phát hiện xu hướng, các nhà truyền thông khoa học, và các nhà cố vấn chính sách ứng dụng”.
Khi nền chính trị tài nguyên thiên nhiên đang lèo lái câu chuyện Biển Đông thì ngoại giao khoa học mang lại hy vọng kép để bảo vệ các thánh đường san hô, môi trường biển, và các loài cá, và nó cũng có thể là một mô hình xây dựng hòa bình cho các xung đột môi trường tương tự ở những nơi khác.
James Borton là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Mỹ-Á ở Washington, DC. John W. McManus là giáo sư ngành sinh học biển tại Trường Rosenstial, Đại học Miami.
Bùi Ngọc Hà và Nguyễn Huy Hoàng là cộng tác viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Nguồn bản gốc tiếng Anh: https://www.geopoliticalmonitor.com/science-offers-peace-building-mechanism-in-south-china-sea-dispute/
———-
Tư liệu liên quan:
Sách: Marine Protected Areas Network in the South China Sea: https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/01/10/sach-marine-protected-areas-network-in-the-south-china-sea-vu-hai-dang/