Trích Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ Việt Nam: Phần về Biển Đông

Sáng 22/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2026 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội. Dưới đây là nội dung phần báo cáo đề cập đến Biển Đông. 

Nghe toàn văn báo cáo tại  Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam

6. Về quản lý công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kiến nghị với Đảng, Quốc hội nhiều quyết sách quan trọng về đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là Luật Biển Việt Nam và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Chỉ đạo triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại trên các lĩnh vực và Chương trình hành động về hội nhập quốc tế, vì lợi ích cao nhất của quốc gia dân tộc, góp phần quan trọng tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững hòa bình, bảo vệ chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Tập trung chỉ đạo nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; đưa quan hệ với các nước, các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả [28] . Đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao đa phương, chuyển từ tích cực tham gia sang chủ động đóng góp, định hình khuôn khổ hợp tác. Tham gia tích cực vào các hoạt động của Liên hợp quốc, Cộng đồng ASEAN, các tổ chức, các diễn đàn quốc tế và khu vực [29]. Chú trọng chỉ đạo và thực hiện hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân và tăng cường thông tin đối ngoại [30].

Trước tình hình diễn biến phức tạp ở Biển Đông, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định rõ lập trường và chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, được đồng bào ta trong và ngoài nước, cộng đồng quốc tế đồng tình ủng hộ. Chủ động cùng các nước thành viên ASEAN tạo đồng thuận, yêu cầu các bên liên quan thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC, bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC. Đồng thời đã chủ động chỉ đạo chuẩn bị các Đề án và đã báo cáo đề nghị đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam theo quy định của luật pháp quốc tế.

Chỉ đạo đẩy mạnh chủ động hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế. Chú trọng khai thác các cơ hội thuận lợi trong các thỏa thuận hợp tác đã ký, đồng thời tích cực đàm phán tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước [31].

Chú thích:

[28] Trong 5 năm qua, đã thiết lập thêm 9 quan hệ đối tác chiến lược, 3 quan hệ đối tác toàn diện; đưa tổng số đối tác chiến lược lên 15 (Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italy, Pháp, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines) và đối tác toàn diện lên 10 nước (Nam Phi, Chi lê, Bra-xin, Vê-nê-xu-ê-la, Úc, Niu Di lân, Argentina, U-crai-na, Hoa Kỳ, Đan Mạch), trong đó có quan hệ đối tác sâu rộng, toàn diện với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Quan hệ Việt Nam – Lào tiếp tục phát triển trên nhiều lĩnh vực; hợp tác quốc phòng an ninh chặt chẽ; hoàn thành cắm mốc biên giới và dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới giữa hai nước; hợp tác kinh tế phát triển thuận lợi, Việt Nam luôn trong nhóm 03 nước có quan hệ thương mại – đầu tư lớn nhất của Lào. Quan hệ hữu nghị, hợp tác với Cam-pu-chia tiếp tục phát triển ổn định, công tác phân giới cắm mốc cơ bản hoàn thành 90%. Nhật Bản tiếp tục là đối tác phát triển quan trọng hàng đầu của Việt Nam, quan hệ hai nước trong 5 năm qua không ngừng dược phát triển và nâng lên Đối tác chiến lược sâu rộng (3/2014). Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với tổng vốn đăng ký cho đến thời điểm này là 37,9 tỷ đô la cho 2.706 dự án. Kim ngạch song phương giữa hai nước năm 2015 đạt 28,6 tỷ đô la. Quan hệ Việt Nam – Nga tiếp tục phát triển, nâng quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện (2012). Với các nước ASEAN, ta đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên thúc đẩy đoàn kết, hợp tác, xây dựng Cộng đồng ASEAN và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực. Triển khai nhiều hoạt động ngoại giao song phương và đa phương với In-đô-nê-xia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Bru-nây nhằm củng cố quan hệ chính trị, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch; duy trì đoàn kết, hợp tác trong ASEAN, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015. Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn thứ 03 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

[29] Thủ tướng Chính phủ đã tham gia 34 diễn đàn đối ngoại đa phương cấp cao, thể hiện rõ lập trường của Việt Nam và góp phần tích cực giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Nổi bật là trong ASEAN, Liên hợp quốc, Cơ chế hợp tác tiểu vùng Mê-công, Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về An ninh hạt nhân… Đặc biệt, Việt Nam đã nỗ lực cùng các quốc gia thành lập Cộng đồng ASEAN 2015, xây dựng Tầm nhìn chiến lược 2025. Việt Nam bước đầu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Xu Đăng (năm 2014) và Cộng hòa Trung Phi (năm 2015).

[30] Luật Quốc tịch (sửa đổi), Luật nhà ở; Nghị định 82/2015/NĐ-CP về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đã đưa trên 11.000 lao động (năm 2011) và 1.750 lao động (năm 2014) ở Li-bi về nước; bảo hộ và sơ tán hàng ngàn công dân ta khỏi các khu vực có khủng hoảng (U-crai-na, Ai-cập, An-giê-ri, Nê-pan); bảo hộ, cứu nạn kịp thời 855 tàu cá trong gần 500 vụ việc liên quan đến 6.200 ngư dân ta trên Biển Đông. Lượng kiều hối hàng năm tăng; năm 2014 là 12 tỷ USD, năm 2015 là 12,5 tỷ USD.

[31] Đến nay, Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, trong đó năm 2015 ký FTA với Liên minh Kinh tế Á – Âu, FTA với Hàn Quốc và 2 Hiệp định FTA thế hệ mới là FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đang tích cực đàm phán nhiều Hiệp định FTA mới.

Nguồn: Báo Chính phủ & Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.