Với Tất Cả Những Sai Sót Và Hạn Chế, Luật Pháp Quốc Tế Vẫn Quan Trọng

Tác giả: Paul Poast | World Politics Review

Biên dịch: Đinh Tùng Lâm | Hiệu đính: Hải Quang

Luật pháp quốc tế có quan trọng không? Trong khi các nhà ngoại giao, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, thường nói về một trật tự “dựa trên luật lệ”, thì các sự kiện gần đây khiến một số người đặt câu hỏi “hiện nay ‘trật tự dựa trên luật lệ’ đang ở đâu?”

Hoa Kỳ đã liên tục phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi ngừng bắn ở Gaza. Ngay cả khi cuối cùng đã để một nghị quyết được thông qua bằng cách bỏ phiếu trắng cách đây hai tuần, quốc gia này vẫn tuyên bố nghị quyết này không có tính ràng buộc. Dù thế nào đi nữa, Israel đã thẳng thừng phớt lờ nghị quyết này. Việc Hội đồng Bảo an không thể thông qua một nghị quyết có thể thi hành được ở Gaza cũng giống như việc Hội đồng đã không thể thông qua một nghị quyết ngừng bắn đối với cuộc chiến ở Ukraina do bị Nga cản trở.

Việc thực thi luật pháp quốc tế dường như không có hiệu quả tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). ICJ đã ban hành phán quyết yêu cầu Israel giải quyết những lo ngại về việc tiến hành cuộc chiến ở Gaza và có thể sẽ tiếp tục đưa ra phán quyết chống lại tính hợp pháp của việc Israel chiếm đóng Lãnh thổ Palestine. Còn ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin vì chính sách của Nga bắt cóc trẻ em Ukraina trong cuộc chiến chống Ukraina. Mặc dù hành động của ICJ và ICC có thể gợi ý rằng các quốc gia và lãnh đạo của các nước này sẽ phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế, nhưng khó có thể thay đổi hành vi của những đối tượng này, tương tự như nghị quyết gần đây nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ngay cả trong lĩnh vực thương mại quốc tế, các cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới dường như chỉ được sử dụng ở phút cuối cùng do các quốc gia thành viên không sẵn sàng sử dụng hệ thống hoặc tuân theo bất kỳ phán quyết nào mà hệ thống đưa ra.

Nhà ngoại giao quá cố của Israel Abba Eban từng mô tả luật pháp quốc tế một cách mỉa mai và thương cảm là “luật mà kẻ ác không tuân theo và người công chính không thi hành”. Liệu bây giờ luật pháp quốc tế có đang chính thức trở thành đống phế liệu chưa?

Sự hoài nghi như vậy là điều dễ hiểu. Nhưng thật sai lầm khi nhìn vào tất cả những diễn biến gần đây và kết luận rằng các quy định tạo nên trật tự dựa trên luật lệ, mà các hiệp ước và văn bản pháp lý là thương hiệu, không quan trọng. Để hiểu được lý do tại sao lại như vậy đòi hỏi phải suy nghĩ cẩn thận hơn về mục đích của luật pháp quốc tế.

Bất chấp sự hoành tráng hay nghi lễ xung quanh việc ký kết hiệp ước và sự nhấn mạnh vào các phán quyết trong các phán quyết của tòa án quốc tế, bản thân các hiệp ước quốc tế không phải là mục đích cuối cùng. Thay vào đó, việc tạo ra các hiệp ước quốc tế và các phán quyết của tòa án quốc tế chỉ là những bộ phận của một quá trình ngoại giao mang tính lâu dài hơn.

Ví dụ, hãy xem xét quyết định của Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho phép tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho Gaza sau cuộc điện đàm gần đây của ông với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden. Nội dung cuộc trò chuyện đó cần phải được hiểu trong bối cảnh các quan chức chính quyền Biden đã đưa ra những bình luận chỉ trích kéo dài nhiều tháng, đỉnh điểm là việc Hoa Kỳ bỏ phiếu trắng tại Hội đồng Bảo an. Tác động tích lũy của những hành động này đã giúp tiết lộ một cách đáng tin cậy những ưu tiên chính sách của Hoa Kỳ và chỉ ra rằng Hoa Kỳ sẵn sàng tăng cường hơn nữa áp lực ngoại giao của mình.

Nói một cách chính xác, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã không chấm dứt được giết chóc ở Gaza và chính quyền Biden vẫn đang theo dõi chặt chẽ để xem ông Netanyahu thực hiện những hành động nào để đảm bảo có nhiều viện trợ nhân đạo hơn được chuyển giao. Nhưng hiệu quả tổng hợp của tất cả những nỗ lực này là đưa ra tín hiệu công khai rằng Israel cần phải hành xử khác đi. Và trong khi nhiều người chỉ trích sự nhẫn tâm trong những bình luận của cựu Tổng thống Donald Trump đến mức “Israel đang thua trong cuộc chiến tuyên truyền”, thì quan sát của ông hoàn toàn có điều gì đó: Nhận thức rằng một quốc gia sẵn sàng coi thường luật pháp quốc tế tạo ra những tiếng tăm xấu, có thể gây khó khăn cho việc thu hút hỗ trợ trong tương lai.

Tương tự, hãy xem xét tranh chấp gần đây giữa Ecuador và Mexico, sau khi cảnh sát Ecuador đột kích vào Đại sứ quán Mexico ở Quito vào tuần trước. Với sự không hài lòng có hài lòng về cuộc đột kích vì đã vi phạm quyền bất khả xâm phạm của đại sứ quán theo luật pháp quốc tế, Mexico đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador và sẽ đưa vấn đề này ra trước ICJ. Mặc dù điều đó sẽ không khắc phục được thiệt hại đã gây ra, nhưng nó giúp Mexico không cần phải thể hiện sự nghiêm túc của mình thông qua việc huy động quân đội hoặc thậm chí áp dụng các biện pháp trừng phạt.

Như Charlie Carpenter đã viết về luật chiến tranh, chúng cũng có thể đóng vai trò trung gian trong việc hạn chế hành vi trong các phe tham chiến, bằng cách cung cấp “ngôn ngữ để các bên tham chiến kiềm chế chính phe của họ”.

Khi nói đến mục đích ngoại giao của luật pháp quốc tế, người ta luôn phải hỏi: “Khán giả là ai?” Thông thường, không chỉ hoặc thậm chí chủ yếu không phải là các bên trực tiếp tham gia vào các tranh chấp, hiệp ước và các thỏa thuận song phương khác giữa các quốc gia. Đó là các bên thứ ba. Các quốc gia ký kết các hiệp ước phòng thủ chung để báo hiệu cam kết của họ đối với an ninh của nhau, nhưng cũng để phòng ngừa các quốc gia khác. Các nước ký kết các hiệp định đầu tư song phương nhằm khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia mở rộng hoạt động kinh tế ở cả hai nước. Việc Hoa Kỳ bỏ phiếu trắng nghị quyết ngừng bắn của Hội đồng Bảo an nhằm vào Israel, quốc gia mà nước này có quan hệ chặt chẽ, chứng tỏ rằng Hoa Kỳ có thể sẽ có hành động mạnh mẽ hơn chống lại các quốc gia khác trong hoàn cảnh tương tự.

Luật pháp quốc tế, giống như bất kỳ luật nào, không có tính tự thực thi. Nó cần phải được một chủ thể nào đó thực thi. Trong nước, nhà nước đảm nhận vai trò đó, dù thông qua việc bắt giữ của cảnh sát hay phạt tiền của các cơ quan nhà nước. Trên bình diện quốc tế, việc thực thi yêu cầu các thành viên khác của cộng đồng quốc tế có hành động nhằm đảm bảo các điều khoản của hiệp ước được tuân thủ hoặc các phán quyết của tòa án được đáp ứng. Tổng thư ký của một tổ chức quốc tế có thể lên tiếng thể hiện sự không hài lòng, và chánh án của một tòa án quốc tế có thể ban hành mệnh lệnh, nhưng ai đó phải đảm nhận nhiệm vụ thực thi các quy định. Trong phạm vi quốc tế, việc thực thi có nghĩa là bảo vệ công lý.

Tất cả những điều trên có thể vẫn khiến người ta nản lòng, vì nó cho thấy rằng công thức nổi tiếng của Đối thoại Melian – “kẻ mạnh làm những gì họ có thể và kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu” – vẫn được áp dụng trong chính trị thế giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là luật pháp quốc tế không có tác dụng điều chỉnh hành vi đó. Người ta phải luôn nghĩ đến tình huống phản thực tế: Hành vi sẽ ra sao nếu không có pháp luật? Trong hầu hết các trường hợp, câu trả lời là: có lẽ tệ hơn. Và sự khác biệt giữa chúng giải thích vì sao luật pháp quốc tế lại quan trọng.

Paul Poast là phó giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Chicago và là thành viên không thường trú tại Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu. Bản gốc được đăng trên World Politics Review ở https://www.worldpoliticsreview.com/war-gaza-international-law/. Một bản PDF được lưu ở đây.

Đinh Tùng Lâm và TS. Hải Quang lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Nguyên tắc hoạt động của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tồn tại dựa trên tài trợ của cộng đồng. Nếu quý độc giả muốn có một nguồn thông tin tri thức khách quan, đa chiều, hệ thống hoá và có chiều sâu chuyên môn, dựa trên dữ liệu (facts-based), Dự án Đại Sự Ký Biển Đông là một địa chỉ mà mọi người có thể tin tưởng. Hãy chung tay cùng với chúng tôi duy trì Dự án bằng cách tài trợ cho Dự án, và khuyến khích bạn bè, đồng nghiệp cùng tài trợ Dự án. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.