Chưa Thể Đạt Được Một Thỏa Thuận Trong Tầm Tay, Các Bên Yêu Sách Ở Biển Đông Tiếp Tục Quân Sự Hóa

RANE analysis ngày 22/3/2023

Biên dịch: Đinh Tùng Lâm | Hiệu đính: Vân Phạm

Tàu kiểm ngư số hiệu 278 của Việt Nam rượt đuổi Hải cảnh 5205 khi tàu Trung Quốc áp sát các lô dầu khí của Việt Nam ngày 25/3/2023. Thước phim trích xuất từ Marine Traffic bởi Nhóm thực địa – Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Bất chấp các cuộc đàm phán giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông đã được nối lại, những khác biệt cơ bản cho thấy thế bế tắc lâu nay vẫn sẽ tiếp diễn, khiến các bên tuyên bố chủ quyền đẩy nhanh quá trình quân sự hóa khu vực. 

Vào ngày 10 tháng 3, Trung Quốc và ASEAN đã kết thúc vòng đàm phán mới nhất về một bộ quy tắc ứng xử được đòi hỏi từ lâu nhằm điều chỉnh hành vi của các quốc gia có yêu sách tại các vùng tranh chấp ở Biển Đông. Đúng như dự đoán, cuộc họp không đạt được nhiều tiến triển. Kết quả chính đạt được, chủ yếu mang tính biểu tượng, là một thỏa thuận nhằm “nỗ lực” thiết lập đường dây nóng an ninh giữa ASEAN và Trung Quốc vào một thời điểm nào đó trong năm 2023 – một biện pháp đã được nhất trí vào năm 2016 nhưng chưa bao giờ được thực hiện để giảm khả năng leo thang trong trường hợp đối đầu trên biển hoặc va chạm bất ngờ. Hậu quả là, Trung Quốc và ASEAN đã không thảo luận về việc liệu bộ quy tắc ứng xử có ràng buộc pháp lý hay không (điều mà ASEAN kiên quyết và Trung Quốc phản đối).

– Các cuộc đàm phán mới nhất được tổ chức tại Jakarta, Indonesia, nước hiện đang là chủ tịch ASEAN. Quan chức cấp cao ASEAN của nước này nói với các phóng viên vào ngày 10 tháng 3 rằng “hiện tại chúng tôi tránh các từ mang tính ràng buộc [liên quan đến bộ quy tắc ứng xử].

– Vào ngày 13 tháng 3, Nhật Bản đã thiết lập một đường dây nóng an ninh với ASEAN, trở thành quốc gia đầu tiên ngoài khối ASEAN làm như vậy và hoàn thành điều đó trước Trung Quốc. Diễn tiến này nhấn mạnh Đông Nam Á đang nhanh chóng trở thành một lĩnh vực cạnh tranh địa chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản, và điều này làm nổi bật tốc độ chậm chạp của các cuộc thảo luận về bộ quy tắc ứng xử.

– Trung Quốc đã thiết lập đường dây nóng song phương với các bên yêu sách là Việt Nam vào năm 2021 và Philippines vào tháng 1 năm 2023, cho thấy Bắc Kinh ưu tiên đàm phán riêng rẽ với từng quốc gia (qua đó Trung Quốc có thể sử dụng các lợi thế bất đối xứng) hơn là với ASEAN với tư cách là một khối.

– Một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về mặt pháp lý sẽ dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Tòa án Công lý Quốc tế sau đó sẽ có thẩm quyền xét xử các tranh chấp.

Sau ba năm COVID-19 gây ra sự gián đoạn, các bên đã nối lại đàm phán. Nhưng căng thẳng đang sôi sục trong khu vực và thế trận ngoại giao là động lực dẫn tới cuộc họp này hơn là để thực sự thúc đẩy đạt được một bộ quy tắc ứng xử. 

Trong những tháng gần đây, căng thẳng ở Biển Đông gia tăng, đặc biệt giữa Trung Quốc và Philippines, góp phần khiến các bên yêu sách mong muốn nối lại đàm phán. Hơn nữa, với tư cách là chủ tịch ASEAN, Indonesia đã tuyên bố sẽ tận dụng quyền lực lớn hơn của mình so với các nước Đông Nam Á khác để tích cực thúc đẩy Trung Quốc ký kết bộ quy tắc ứng xử. Tuy nhiên, trong cuộc đàm phán, quan điểm hai bên vẫn còn khác biệt đến mức các nhà đàm phán đã chọn thảo luận về các vấn đề nhỏ, chẳng hạn như đường dây nóng, trong khi chủ động tránh các vấn đề chính về hiệu lực thi hành. Mặc dù vậy, việc tổ chức cuộc họp vẫn phục vụ các lợi ích khác. Ví dụ, bằng cách đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán, Indonesia có thể nâng cao uy tín của mình với tư cách một nhà lãnh đạo khu vực và một thế lực ngoại giao mới nổi. Về phần mình, Trung Quốc cần duy trì đối thoại với các bên yêu sách chủ quyền của ASEAN để tránh nguy cơ các quốc gia này rơi vào ảnh hưởng lớn hơn của phương Tây, ngay cả khi Trung Quốc không có ý định theo đuổi bộ quy tắc ứng xử theo những đường lối khả thi hơn.

– ASEAN đã tìm kiếm một thỏa thuận ràng buộc về Biển Đông từ năm 1996. Khối này đã đưa ra một dự thảo quy tắc ứng xử và chuyển cho Trung Quốc để tham vấn vào năm 1999.

– Sau nhiều năm đàm phán, các bên đã đồng ý với tuyên bố ứng xử không ràng buộc vào năm 2002, trong đó các bên yêu sách đồng ý giải quyết một cách hòa bình những khác biệt và thực hiện tự kiềm chế, nhưng văn bản này không cung cấp bất kỳ cơ chế nào để thực hiện các cam kết. Vào thời điểm đó, bản tuyên bố ứng xử được ca ngợi là một cột mốc quan trọng hướng tới giải pháp cuối cùng. Tuy nhiên, kể từ khi được ký, bản chất không ràng buộc của tuyên bố đã không thể hạn chế một cách có ý nghĩa hành vi của các quốc gia có yêu sách, vốn ngày càng trở nên hung hăng hơn theo thời gian. Các văn bản không ràng buộc tiếp theo nhằm điều chỉnh hành vi cũng có ít tác động tương tự.

Lợi ích chiến lược cốt lõi của Trung Quốc có nghĩa nước này khó có thể nhượng bộ về Biển Đông và ASEAN thiếu đòn bẩy cần thiết để buộc các bên phải thỏa hiệp. Vị thế và sự quân sự hóa mạnh mẽ của Trung Quốc ở Biển Đông phục vụ để đảm bảo các tuyến liên lạc trên biển quan trọng và các điểm nút hàng hải quan trọng. Hơn nữa, Trung Quốc có động lực duy trì các yêu sách của mình và quyền tự do đi lại trên thực tế vì muốn có các tuyến đường thương mại và các nguồn tài nguyên biển như dầu, khí đốt và thủy sản để đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng, đặc biệt khi Trung Quốc đã cạn kiệt nguồn cá trong nước. Ngoài ra, Biển Đông có thể là một chiến trường then chốt trong cuộc tranh chấp với Đài Loan; nếu Trung Quốc có thể giám sát và ngăn chặn hiệu quả việc Hoa Kỳ và các đồng minh gửi vật tư, tàu và máy bay qua vùng biển này, Trung Quốc có thể cắt đứt sự hỗ trợ Đài Loan từ bên ngoài một cách hiệu quả hơn. Về lâu dài, điều này còn cho phép Trung Quốc thiết lập kiểm soát trên một khu vực rộng lớn xa hơn các bờ biển của riêng mình, để trở thành quân đội thống trị ở Tây Thái Bình Dương. Một cách liên quan, việc kiểm soát các vùng biển rộng lớn cũng cho phép Trung Quốc kiểm soát các dự án lắp đặt và sửa chữa cáp internet dưới biển ở Biển Đông, ngăn cản việc lắp đặt các hệ thống giám sát của các đối thủ và trao cho Bắc Kinh quyền kiểm soát trên thực tế đối với phần lớn các kết nối internet của khu vực hàng hải. Tất cả những lợi ích này có nghĩa Trung Quốc rất khó có thể cho phép một bộ quy tắc ứng xử hạn chế những lợi thế chiến lược đáng kể của của nước này. Điều này đã được chứng minh là một điểm vướng mắc lớn, vì lợi ích của Trung Quốc thường mâu thuẫn trực tiếp với lợi ích của các bên yêu sách chủ quyền của ASEAN.

– Khoảng 3,4 nghìn tỷ đô la thương mại toàn cầu di chuyển qua Biển Đông hàng năm.

– Trung Quốc chiếm 20 tiền đồn ở Quần đảo Hoàng Sa và 7 tiền đồn ở Quần đảo Trường Sa sau khi tạo ra khoảng 3.200 mẫu Anh (1.295 ha) đất mới kể từ năm 2013.

– Các tuyến cáp ngầm dưới biển ở Biển Đông cung cấp các kết nối viễn thông và internet từ khu vực này đến phần còn lại của thế giới. Hai tuyến cáp hiện đang được xây dựng là Apricot (nối Nhật Bản với Singapore) và Echo (nối Indonesia với Hoa Kỳ) đang được xây dựng để đi vòng qua Biển Đông.

Thiếu triển vọng cho một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc trong bối cảnh ngày càng có nhiều căng thẳng khu vực, cho thấy các bên yêu sách sẽ tiếp tục mở rộng quân đội để đảm bảo lợi ích của họ, điều này sẽ dẫn đến nhiều sự cố nguy hiểm hơn trên biển. Mặc dù Trung Quốc có thể tuân theo một bộ quy tắc ứng xử cho phép nước này chính thức hóa việc kiểm soát các thực thể chiếm đóng, vẫn không có khả năng Bắc Kinh chấp nhận một thỏa thuận ràng buộc pháp lý sẽ hạn chế các lựa chọn quân sự của nước này. Và bởi vì các quốc gia ASEAN khó có thể đồng ý với một văn bản không ràng buộc sẽ khiến yêu sách của các quốc gia thành viên không được giải quyết và không được bảo vệ, đồng thời cho phép Trung Quốc duy trì kiểm soát các vùng lãnh thổ tranh chấp trong khi sử dụng năng lực hàng hải rộng lớn của mình để vượt qua đối thủ, nên khó có khả năng một thỏa thuận sẽ thành hiện thực. Điều này có nghĩa mức độ hoạt động quân sự gia tăng hiện nay sẽ tiếp tục diễn ra, đặc biệt từ Trung Quốc, Philippines và Việt Nam – ba cường quốc hàng hải hung dữ nhất trong khu vực. Trong khi Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự trên các thực thể nước này chiếm đóng, Philippines thúc đẩy liên minh với Hoa Kỳ, cho phép lực lượng Hoa Kỳ xây dựng và hoạt động tại 9 địa điểm quân sự ở nước này. Manila cũng đang áp dụng những hùng biện hiếu chiến hơn liên quan đến sự xâm lấn của Trung Quốc và tìm kiếm quan hệ đối tác quốc phòng sâu sắc hơn với các đối thủ của Trung Quốc, chẳng hạn như Úc và Nhật Bản. Về phần mình, Việt Nam đang tăng cường đáng kể các nỗ lực cải tạo đất ở Biển Đông và ưu tiên khả năng vừa mở rộng vừa bảo vệ các khu vực đã nằm dưới sự kiểm soát trên thực tế của mình. Các hoạt động này cho thấy các quốc gia yêu sách của ASEAN không mong đợi sớm ký kết một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý. Nếu không có cơ chế quản lý hành vi của các quốc gia có yêu sách, việc quân sự hóa ngày càng tăng sẽ báo trước một hiện trạng khó khăn hơn trong tương lai, điều này sẽ dẫn đến nhiều hơn những sự cố trên biển, sự xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các bên có yêu sách, quấy rối ngư dân của các bên có yêu sách và tranh chấp về dầu mỏ và thăm dò khí đốt. Điều này cũng ngụ ý rằng xung đột giữa các quốc gia đang dần trở nên dễ xảy ra hơn, mặc dù cách tiếp cận thận trọng đặc trưng của các quốc gia ASEAN có thể sẽ thúc đẩy những nỗ lực lớn nhằm giảm leo thang tình hình nếu triển vọng này đạt đến điểm khủng hoảng thực sự.

– Vào ngày 8 tháng 3, ASEAN tuyên bố sẽ nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2023, cho thấy khối này sẽ lôi kéo các cường quốc khác để cân bằng với Trung Quốc.

– Hoa Kỳ sẽ bắt đầu luân chuyển tài sản và nhân sự quân sự đến Philippines vào năm 2023 theo Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường năm 2014, mà Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã hồi sinh vào tháng 11 năm 2022 và mở rộng vào tháng 2 năm 2023.

– Các bên tranh chấp khác là Malaysia và Brunei cũng đang tăng cường hợp tác an ninh với nhau và với Indonesia. Philippines và Malaysia cũng tăng cường hợp tác quốc phòng vào tháng Ba.

– Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Hoa Kỳ, Việt Nam đã tạo ra khoảng 420 mẫu Anh (170ha) đất mới vào năm 2022 so với 540 mẫu Anh (219 ha) trong cả thập kỷ trước — tăng 80% chỉ trong một năm. Việt Nam cũng đã mở rộng đáng kể năng lực chống tiếp cận và chống xâm nhập khu vực để ngăn chặn các đối thủ triển khai lực lượng đến các khu vực nằm trong kiểm soát của mình đồng thời ngăn chặn sự di chuyển của các lực lượng đối phương hiện diện trên thực địa.

– Ngày 6/2, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã chiếu tia laser cấp quân sự vào các thủy thủ Philippines, gây mù tạm thời. Tổng thống Marcos sau đó đã ban hành phản đối chính thức và thiết lập một chính sách truyền thông rộng rãi sự xuất hiện của các cuộc xâm nhập trong tương lai của Trung Quốc trong nỗ lực gây ảnh hưởng đến dư luận.

Trong báo cáo gốc có một bản đồ các sự cố xảy ra trên Biển Đông từ đầu năm 2023. Do tính bản quyền, mời độc giả truy cập báo cáo gốc để xem bản đồ. Một ghi chú cập nhật của Nhóm thực địa Dự án Đại Sự Ký Biển Đông: Tàu Hải Dương Địa Chất 4 không thực sự rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam mà đang tiếp tục hoạt động trong khu vực những lô dầu khí mà Trung Quốc đã mời gọi thầu. Tính tới ngày 26 tháng 3, Hải Dương Địa Chất 4 cách Bãi Tư Chính khoảng 100 hải lý.

Đinh Tùng Lâm là cộng tác viên Luật quốc tế và TS. Vân Phạm là thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Truy cập báo cáo gốc ở đây. Một bản PDF được lưu trữ tại Thư viện điện tử Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ở đây.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Dựa vào hỗ trợ tài chính từ cộng đồng là cách để chúng tôi có thể tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào tổ chức chính trị hay thương mại nào. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy cần phải có một dự án tri thức độc lập, hãy chung tay với chúng tôi để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.