Thực hiện: Nhóm cộng tác viên thực địa Dự án Đại Sự Ký Biển Đông
—————
Theo Bloomberg ngày 20/12/2022 dẫn nguồn từ các quan chức phương Tây và hình ảnh vệ tinh, các đội tàu cá mà trên thực tế hoạt động như lực lượng dân quân biển dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh đã tiến hành các hoạt động xây dựng tại 4 thực thể chưa có người chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa trong thập kỷ qua. Đó là các thực thể Én Đất, Bãi Ba Đầu, An Nhơn và Sandy Cay. Trong những năm gần đây, một số cồn cát đã được mở rộng kích thước hơn 10 lần. Có những khu vực vốn chìm giờ đã nổi trên mặt nước một cách bền vững. Các quan chức phương Tây cảnh báo các hoạt động xây dựng mới nhất của Bắc Kinh cho thấy nỗ lực thay đổi hiện trạng và thúc đẩy một “nguyên trạng” mới.
Vì tồn tại những tranh luận rằng liệu những cồn cát được bồi tụ tự nhiên hay quả thật là hoạt động xây đảo bởi bàn tay con người, Báo cáo tổng hợp của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông là một nỗ lực xác định rõ hơn thực hư của quá trình hình thành những dải đất nổi trên mặt nước tại bốn thực thể được nêu trong báo cáo của Bloomberg. Song song với quá trình này, chúng tôi đang cố gắng có được những tấm ảnh vệ tinh độ phân giải cao một cách hệ thống hơn. Vì đây là việc đòi cần thêm thời gian, chúng tôi sẽ cập nhật khi có những tư liệu mới.
Chúng tôi rất mong được lắng nghe thông tin từ những người làm việc trong các cơ quan có thẩm quyền cũng như các nhà nghiên cứu Việt Nam về vấn đề này.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tuân thủ tiêu chuẩn học thuật quốc tế phổ quát trong việc trích dẫn các nguồn thông tin, bao gồm tính nguyên vẹn và trung thực về nội dung, và giữ nguồn tin ẩn danh và bảo vệ danh tính nếu được yêu cầu. Mọi thông tin, bình luận xin gửi về email của Dự án: sukybiendong@gmail.com.
———-
Phần 1: Những hình ảnh và diễn biến trên Én Đất từ những năm 2000 cho tới nay
Én Đất là thực thể lớn nhất của cụm Nam Yết. Mặc dù báo cáo của David Hancox và Victor Prescott vào năm 1995 cho rằng ở đây có nhiều tảng đá lớn nổi cao hơn mặt nước đến 1,3 m khi thuỷ triều lên, Hàng Hải chỉ nam Cục Tình báo Địa-Không gian Hoa Kỳ chỉ miêu tả sơ sài rằng đây là một thực thể chìm ở triều cao, và không đề cập đến dải cát xuất hiện ở phía cực bắc của Én Đất. Theo một báo cáo của Viện Hàn lâm Trung Quốc sau một cuộc đổ bộ tới Én Đất vào tháng 5 năm 1993, tại thời điểm họ tới, họ không thấy có cấu trúc đá hay dải cát nổi trên mặt nước.
Theo bài báo của các nhà nghiên cứu Trung Quốc công bố vào năm 2018 dựa trên nguồn ảnh vệ tinh mà họ có được, các vật liệu đá vôi bắt đầu tích tụ ở góc đông bắc của Én Đất từ năm 1998, và cồn cát có thể được nhìn thấy rõ ràng khi các tích tụ cao lên nổi trên mặt nước vào năm 2000. Địa hình của một cồn cát như vậy dễ thay đổi dưới tác động của gió mùa và triều cường, nhưng càng ngày diện tích cồn cát nổi ở triều cao càng tăng dần. Báo cáo của các nhà nghiên cứu Trung Quốc không cho biết rõ ngày cụ thể của tấm ảnh vệ tinh.

Một bài viết trước đó vào năm 2015 của Ethan Rosen, một nhà nghiên cứu và phân tích địa chính trị của China Six, nhận định rằng kích thước và hình dạng của dọi cát không đổi trong các tấm ảnh được chụp từ tháng 01/2012 đến tháng 11/2013. Cuối năm 2014 sang đầu năm 2015, kích thước của dọi cát tăng lên một chút, gợi ý có thể có một dự án nạo vét bồi đất ở đây ở mức độ thấp như những gì tình báo Philippines khẳng định vào tháng 6 năm 2014.

Báo cáo phân tích Én Đất qua ảnh vệ tinh của Trung tâm Luật quốc tế tại Đại học Quốc gia Singapore cũng cho biết dấu vết nạo vét có thể nhìn thấy trên một số phần cát của rạn san hô, tổng diện tích bề mặt là 1,35m2. Mặc dù vào thời điểm những năm đó, chưa có ảnh vệ tinh chụp được các tàu nạo vét, tình báo và phương tiện truyền thông Philippines khẳng định Én Đất đã là mục tiêu hoạt động xây dựng của Trung Quốc khi đó. Tháng 6/2014, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippine Peter Paul Galvez cung cấp hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy tàu dân quân biển Trung Quốc được hình dung đang bốc dỡ một máy đào thủy lực đổ bộ tại Én Đất. Theo các quan chức phương Tây được trích dẫn trong báo cáo của Bloomberg ngày 21/12/2022, các hình ảnh ở Én Đất cho thấy những hố lớn, đống mảnh vỡ và dấu vết của máy xúc tại một địa điểm trước đây chỉ lộ ra một phần khi thuỷ triều lên.


Năm 2015, trong nỗ lực tìm sự xác nhận của cơ quan chức năng Việt Nam về tình trạng của một số thực thể bị nghi là đang diễn ra hoạt động xây dựng và cắm cấu trúc của Trung Quốc trong đó có Én Đất, Bàn Than… chúng tôi được biết Hải quân Việt Nam đã cung cấp câu trả lời cho nội bộ nhưng đóng dấu mật. Bởi vậy Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã không thể có được nguồn xác nhận từ cơ quan chức năng Việt Nam.
(Còn tiếp).
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Dựa vào hỗ trợ tài chính từ cộng đồng là cách để chúng tôi có thể tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào tổ chức chính trị hay thương mại nào. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy cần phải có một dự án tri thức độc lập, hãy chung tay với chúng tôi để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.