(Tuần từ 25/9 – 24/10/2022)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Ngô Trung Hiếu, Trần Phạm Bình Minh, Hương Nguyễn, Đinh Tùng Lâm, Nguyễn Huy Hoàng
Biên tập: Vân Phạm & Nguyễn Nhật Minh
Tư liệu: South China Sea News
Tải bản PDF ở
—————
Trong Bản Tin Biển Đông Số 118 + 119 + 120 có những nội dung sau:
I- TRÊN BIỂN
II- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ
III- XUNG QUANH CÁC BIỆN PHÁP MỚI KIỂM SOÁT XUẤT KHẨU CÔNG NGHỆ CỦA HOA KỲ
IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ
V- CHUYỂN ĐỘNG AN NINH MẠNG
VI- CHUYỂN ĐỘNG HIỆP ƯỚC CPTPP
VII- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
VIII- CHUYỂN ĐỘNG BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ Ở BIỂN ĐÔNG
IX- CHUYỂN ĐỘNG LIÊN BANG NGA
X- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
XI- ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ HAI MƯƠI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC
XII- CHUYỂN ĐỘNG ĐÀI LOAN
XIII- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ
XIV- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
XV- CUỘC CHIẾN CỦA NGA Ở UKRAINE
XVI- NHỮNG PHÂN TÍCH KHÁC
XVII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH – NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
—————
I- TRÊN BIỂN
Ngư dân Philippines cố gắng mưu sinh trong bóng của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough
Trung Quốc vẫn kiểm soát việc tiếp cận bãi cạn Scarborough mà hai bên đều khẳng định chủ quyền, nhưng ngư dân Philippines cho biết họ đã được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các ngư trường phong phú. Joe Saligan, một thuyền trưởng 43 tuổi, người đã dành phần lớn cuộc đời mình để đánh cá trong và xung quanh vùng biển của Bãi cạn Scarborough, cho biết ông có thể thấy sự cải thiện trong việc tiếp cận xung quanh bãi cạn.
“Có những thời điểm chúng tôi không được phép vào cửa bãi cạn nơi hai tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đang neo đậu. Nhưng điều này tốt hơn những lần bắt nạt trước đây. Nhiều năm trước, chúng sẽ quấy rối chúng tôi ngay cả khi chúng tôi ở bên ngoài hoặc gần bãi cạn.”
Tuần trước, hai tàu và máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã tuần tra gần Bãi cạn Scarborough và báo cáo rằng nhiều ngư dân Philippines sẽ đến đó bất chấp sự hiện diện liên tục của lực lượng hàng hải Trung Quốc.
Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines nói rằng ông “rất vui khi thấy ngư dân cả hai nước đều đánh bắt trên biển một cách hòa bình và họ thực sự hòa thuận với nhau.”
Xem thêm:
RFA ngày 17/10/2022: Filipino fishermen eke out living in China’s shadow at disputed Scarborough Shoal
INQUIRER.net ngày 25/10/2022: China envoy ‘happy’ as Filipino, Chinese fishers fish ‘peacefully’ in disputed areas
Đài Loan: Trung Quốc đại lục triển khai 4-6 tàu chiến mỗi ngày. “Nếu đây không phải là hành động khiêu khích thì đó là gì?”
Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính nói rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân đã triển khai 4-6 tàu chiến đến vùng biển gần Đài Loan mỗi ngày kể từ tháng 8 cùng với nhiều lần xuất kích của máy bay chiến đấu. Mặc dù các đợt triển khai như vậy không phải là bất thường, ngay cả trong thời bình, nhưng đây là lần đầu tiên Đài Bắc công bố số lượng tàu chiến PLA triển khai hàng ngày gần hòn đảo.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 11/10/2022: ‘If this is not provocation, what is it?’: Taiwan says mainland China sends 4-6 warships every day
Hải quân, Thủy quân lục chiến thử nghiệm các khái niệm Tích hợp Hải quân Mới trong Hạm đội 7
“Hải quân và Thủy quân lục chiến đang hợp tác để hợp lý hóa việc chỉ huy và kiểm soát các yếu tố đổ bộ và ứng phó khủng hoảng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tạo ra một lực lượng đặc nhiệm mới sẽ thử nghiệm các khái niệm và công nghệ hàng hải mới.”
Khinh hạm Hải quân Úc rời Top End để triển khai ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Các tàu HMA của Hải quân Hoàng gia Úc (RAN) Adelaide và Anzac đã rời Darwin để tham gia Chiến dịch Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2022 (IPE22), được Bộ Quốc phòng Úc mô tả là “hoạt động tham gia khu vực hàng đầu” của Úc. Các tàu này được thiết lập để liên kết với các đối tác trong khu vực khi xảy ra giao tranh lớn trên biển.
Xem thêm:
Defence Connect ngày 14/10/2022: RAN frigate, LHD depart Top End for Indo-Pacific deployment
Hai miền Triều Tiên nổ súng cảnh cáo lẫn nhau gần biên giới biển trong bối cảnh căng thẳng gia tăng
Sự việc xảy ra ngoài khơi bờ biển phía Tây hôm thứ Hai ngày 24/10/2022 khi hai bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm biên giới trên biển trong bối cảnh căng thẳng quân sự gia tăng. Tham mưu trưởng Liên quân miền Nam cho biết họ đã phát đi cảnh báo và bắn cảnh cáo để đuổi một tàu buôn của Triều Tiên vượt qua Đường giới hạn phía Bắc, ranh giới trên biển trên thực tế. Quân đội Triều Tiên cho biết họ đã bắn 10 loạt đạn rocket sau khi một tàu hải quân Hàn Quốc vi phạm biên giới biển và nổ súng “với lý do truy tìm một con tàu không rõ lai lịch”.
Xem thêm:
Reuters ngày 25/10/2022: Two Koreas exchange warning shots near sea border amid tensions
Japan Times: Quần đảo Senkaku – điểm nút căng thẳng kéo dài cả thập kỷ giữa Trung Quốc và Nhật Bản
Ngày 11/9/2022 đánh dấu 10 năm ngày Tokyo mua lại quyền sở hữu ba trên bốn đảo không người ở thuộc Quần đảo Senkaku từ sở hữu tư nhân. Quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, liên tục chứng kiến các động thái tranh chấp cả trên lĩnh vực pháp lý và thực địa trong những năm sau đó. Sau sự kiện ngày 11/9/2012, Trung Quốc liên tục triển khai tàu tới hoạt động xung quanh quần đảo này, thông qua dự luật cho phép hải cảnh sử dụng vũ lực với tàu nước ngoài, lên án các động thái của Nhật Bản trên mặt trận ngoại giao, và mở ra một triển lãm kỹ thuật số vào năm 2020 để tuyên truyền về việc Nhật Bản đã giành lấy quần đảo này. Sự phối hợp tuyên truyền trên mọi mặt trận này đang buộc giới chức Nhật Bản có phương án đối phó trên nhiều lĩnh vực, và tờ Japan Times đăng tải biên niên sử tranh chấp liên quan tới Quần đảo Senkaku để tuyên truyền thông tin chính xác liên quan tới tranh chấp tại đây, không để cho Trung Quốc độc chiếm diễn ngôn.
Xem thêm:
Japan Times ngày 10/9/2022: China’s Senkaku sailings: A decadelong point of friction with Japan
CNOOC nói tìm thấy mỏ khí đốt nước sâu đầu tiên ở Biển Đông
Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC Limited đưa tin, cấu trúc chứa khí Baodao 21-1 là mỏ khí đốt tự nhiên nước sâu quy mô lớn đầu tiên ở Biển Đông với lượng khí đốt đã được chứng minh là trên 50 tỷ mét khối.
Xem thêm:
Energy Voice ngày 24/10/2022: CNOOC finds first deep-water gas field in South China Sea
———-
II- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ
Lào, Việt Nam, Campuchia lần đầu tiên diễn tập chung cứu nạn
Từ ngày 10 – 15/9/2022, Campuchia, Lào và Việt Nam đã lần đầu tiên thực hiện diễn tập cứu hộ chung sau nhiều năm nỗ lực đạt được. Mặc dù sự tương tác chỉ là một trong nhiều bước phát triển trong mối quan hệ giữa ba quốc gia lục địa Đông Nam Á, sự kiện thể hiện những nỗ lực không ngừng của ba nước nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng ba bên, bất chấp những thách thức song phương kéo dài và một môi trường khu vực và toàn cầu ngày càng phức tạp và tranh chấp.
Xem thêm:
Vientiane Times ngày 16/9/2022: Laos, Vietnam, Cambodia take part in joint rescue exercise
The Diplomat ngày 24/10/2022: What Lies Ahead for Cambodia-Laos-Vietnam Trilateral Security Cooperation?
Tập trận chung giữa các thành viên Thỏa thuận Phòng thủ Ngũ cường tại Singapore
Lực lượng Phòng thủ Úc đã triển khai 30 quân nhân tới Singapore tham dự cuộc tập trận Suman Protector – một cuộc tập trận dành cho các tư lệnh – kéo dài 9 ngày, nhằm mục đích xây dựng các mối quan hệ được thiết lập thông qua Thỏa thuận Phòng thủ Ngũ cường (FPDA) và hỗ trợ các mục tiêu an ninh chung. Cuộc tập trận sẽ có sự tham gia của hơn 260 quân nhân đến từ Úc, Malaysia, New Zealand, Singapore và Anh quốc là những thành viên của FPDA.
Phó Tổng tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Úc, Phó Đô đốc David Johnston cho biết “FPDA là một mỏ neo cho an ninh và ổn định khu vực.”
Xem thêm:
Defence Connect ngày 13/10/2022: ADF deploys to Singapore for multinational engagement
Nhật Bản, Philippines, Hoa Kỳ thảo luận về các ưu tiên quốc phòng
Tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, bảo vệ tự do hải hành ở các vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và tăng cường hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa là những chủ đề trọng tâm tại Đối thoại Chính sách Quốc phòng Ba bên Nhật Bản-Philippines-Hoa Kỳ được tổ chức trực tuyến vào giữa tháng 9/2022. Hợp tác quốc phòng giữa các nước là chìa khóa để chống lại những thách thức dai dẳng đối với sự ổn định ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, theo các nhà phân tích.
Xem thêm:
Indo-Pacific Defense Forum ngày 11/10/2022: Japan, Philippines, U.S. discuss defense priorities
Tàu Hải quân Hoa Kỳ cập cảng Palawan sau tập trận chung ‘KAMANDAG’
Các lực lượng vũ trang của Philippines và Hoa Kỳ đã tổ chức cuộc tập trận hải quân chung KAMANDAG kéo dài hai tuần. Được đặt tên theo một từ viết tắt trong tiếng Philippines của “Sự hợp tác của các chiến binh trên biển”, cuộc tập trận có sự tham gia của 3.760 binh sĩ. Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hàn Quốc và Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản tham gia với tư cách quan sát viên.
Xem thêm: Manila Bulletin ngày 14/10/2022: US Navy ship docks in Palawan as ‘KAMANDAG’ Exercise concludes
Máy bay chiến đấu Đức lần đầu tiên thăm Nhật Bản và tập trận chung với Không quân Nhật Bản
Như chúng tôi đã thông tin hồi giữa tháng Tám, Phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Đức đã hạ cánh xuống căn cứ Hyakuri của Không quân Nhật Bản ở thành phố Omitama thuộc tỉnh Ibaraki, miền đông Nhật Bản, hôm thứ Tư ngày 28/9/2022, đánh dấu chuyến thăm lần đầu tiên tới Nhật Bản. Không quân Đức cũng đã tiến hành một cuộc tập trận chung với máy bay chiến đấu F-2 của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản. Trong cuộc tập trận chung được coi như sự kiện làm nổi bật mối quan hệ hợp tác Nhật-Đức, ba máy bay phản lực Eurofighter và ba máy bay phản lực F-2 đã bay theo đội hình trên núi Phú Sĩ, ngọn núi cao nhất ở Nhật Bản.
Xem thêm:
Jiji Press ngày 29/9/2022: German Air Force Fighter Jets Arrive for 1st Japan Visit
Air Force Technology ngày 29/9/2022: Japan and German air forces conduct first bilateral exercise
Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tập trận chống tàu ngầm
Lần đầu tiên sau 5 năm, hải quân Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc tổ chức các cuộc tập trận chung chống tàu ngầm. Các cuộc tập trận, được tổ chức ở vùng biển quốc tế ngoài khơi bờ biển phía Đông của Hàn Quốc, cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gần đây gia tăng về các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Xem thêm:
Reuters ngày 30/9/2022: South Korea, U.S., Japan stage anti-submarine drills amid North Korea tension
Quân đội Hoa Kỳ, Hàn Quốc tập trận vượt sông. Triều Tiên phản đối
Là một phần của cuộc tập trận chung Hoguk 22 kéo dài 12 ngày, quân đội Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã thực hành xây dựng cầu nổi và vận chuyển vật liệu qua sông. Cuộc tập trận diễn ra ngay phía nam Seoul đã bị Triều Tiên lên án vì làm gia tăng căng thẳng. Để đáp trả, Triều Tiên đã bắn thử tên lửa và pháo.
Xem thêm:
Reuters ngày 19/10/2022: U.S., S.Korean troops stage river-crossing drills as North Korea protests
Các chỉ huy quân đội hàng đầu của Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản cam kết hợp tác an ninh chặt chẽ để chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên
Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng ba bên đã diễn ra vào ngày thứ Năm 21/10/2022, với sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, Tướng Kim Seung-kyum cùng với người đồng cấp Hoa Kỳ và Nhật Bản là Tướng Mark Milley và Tướng Koji Yamazaki. Ngoài ra còn có sự tham gia của tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, Đô đốc John C. Aquilino, và tư lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại Hàn Quốc, Tướng Paul J. LaCamera.
Một tuyên bố chung đưa ra sau đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác an ninh ba bên chống lại các mối đe dọa của Triều Tiên, Washington tái khẳng định cam kết bảo vệ các đồng minh trong khu vực.
Xem thêm:
Korea Times ngày 21/10/2022: Top commanders of S. Korea, US, Japan vow close security ties to counter N. Korean threats
Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Úc sẽ tập trận không quân chung với máy bay phản lực tàng hình F-35B
Các quan chức Seoul cho biết Hàn Quốc và Hoa Kỳ sẽ bắt đầu các cuộc tập trận không quân quy mô lớn với sự tham gia của máy bay phản lực tàng hình F-35B của Hoa Kỳ từ ngày 31/10 đến ngày 04/11/2022 trong nỗ lực tăng cường năng lực răn đe trước các hành động khiêu khích tiềm tàng của Triều Tiên.
Các cuộc tập trận sẽ diễn ra trên không phận Hàn Quốc. Không quân Hàn Quốc sẽ huy động khoảng 140 máy bay chiến đấu, bao gồm các máy bay chiến đấu F-35A, F-15 và KF-16. Quân đội Hoa Kỳ có kế hoạch triển khai khoảng 100 máy bay, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình F-35B từ một căn cứ của Hoa Kỳ ở Nhật Bản. Úc cũng dự kiến sẽ tham gia với một tàu chở dầu, như một động thái nhấn mạnh sự thống nhất của ba nước.
Xem thêm:
Yonhap News ngày 18/10/2022: S. Korea, U.S. to launch joint air drills using F-35B stealth jets this month
Hoa Kỳ đàm phán với Đài Loan để cùng sản xuất vũ khí của Hoa Kỳ
Ba nguồn tin ẩn danh được cho là có thông tin cho biết chính quyền Biden đang xem xét kế hoạch hợp tác sản xuất vũ khí với Đài Loan. Kế hoạch nhằm mục đích tăng năng lực sản xuất vũ khí do Hoa Kỳ thiết kế, tăng tốc độ chuyển giao và tăng cường năng lực răn đe đối với Trung Quốc.
“Đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận từ Bắc Kinh đối với Đài Loan trong những năm gần đây,” Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết tại một sự kiện ngày 17/10/2022 ở California. Bắc Kinh đã không còn chấp nhận hiện trạng và “quyết tâm theo đuổi việc thống nhất [với Đài Loan] trên một mốc thời gian nhanh hơn nhiều.” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ nhận nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba chưa từng có tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản và ông có thể sẽ gây thêm áp lực quân sự lên Đài Loan.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 19/10/2022: U.S. in talks with Taiwan to coproduce American weapons: sources. Một bản toàn văn được lưu ở đây
Reuters ngày 20/10/2022: U.S. considering joint weapons production with Taiwan
Úc và Nhật Bản ký thỏa thuận hợp tác an ninh
Thủ tướng Úc Anthony Albanese và người đồng cấp Nhật Bản, Kishida Fumio, đã ký Tuyên bố chung về Hợp tác An ninh (JDSC), trong đó cập nhật cam kết năm 2007 nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh song phương. Các lĩnh vực JDSC mới đề xuất hợp tác trong thập kỷ tới bao gồm phòng thủ, chia sẻ thông tin tình báo, chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thảm họa, an ninh y tế, an ninh hàng hải và an ninh kinh tế.
Nền tảng cho JDSC là những tham vọng chung nhằm thúc đẩy một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao trùm và có năng lực chống chịu.”
Xem thêm:
The Australian ngày 21/10/2022: Don’t threaten us, Japan PM Fumio Kishida warns China. Một bản PDF được lưu ở đây.
The Australian ngày 22/10/2022: Eye on China as Australia, Japan ink security pact. Một bản PDF được lưu ở đây
Yomiuri Shimbun ngày 23/10/2022: New security declaration clearly demonstrates quasi-alliance between Japan, Australia
Máy bay không người lái của Không quân Hoa Kỳ sẽ bắt đầu các chuyến bay giám sát bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản trong vòng vài tuần
8 máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Không quân Hoa Kỳ đã bắt đầu đợt triển khai kéo dài một năm tới miền nam Nhật Bản và sẽ bắt đầu các chuyến bay giám sát trong vòng vài tuần, theo các quan chức Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Xem thêm:
Stars & Stripes ngày 24/10/2022: Air Force Reaper drones to begin surveillance flights out of Japan within weeks
Hoa Kỳ và Nhật Bản chuẩn bị tập trận chung quy mô lớn Keen Sword với sự tham gia của Úc, Canada và Anh
Cuộc tập trận sẽ diễn ra từ ngày 10 đến ngày 19/11/2022 tại các cơ sở của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản, vùng biển và không phận của Nhật Bản, trên đảo Tsutara, nằm ở phía tây Nagasaki và trên các đảo phía nam của Amami Oshima và Tokonushima. Cuộc tập trận sẽ bao gồm các cuộc tập bắn đạn thật và tập trung vào một loạt các hoạt động đổ bộ, trên mặt đất, trên biển, trên không và trong các hoạt động trong các lĩnh vực không gian và mạng.
Xem thêm:
USNI News ngày 21/10/2022: U.S. and Japan Prepare for Joint Exercise; U.S. Wraps up Drills with Allies in South China Sea
———-
III- XUNG QUANH CÁC BIỆN PHÁP MỚI KIỂM SOÁT XUẤT KHẨU CÔNG NGHỆ CỦA HOA KỲ
Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ sâu rộng
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố các quy định kiểm soát xuất khẩu mới sẽ khiến các công ty Trung Quốc cực kỳ khó có được hoặc sản xuất được chip máy tính tiên tiến và sẽ làm chậm tiến độ phát triển trí tuệ nhân tạo của họ. Các biện pháp này cũng được thiết kế để khiến Trung Quốc khó khăn hơn nhiều trong việc phát triển siêu máy tính với các ứng dụng quân sự, từ mô hình vũ khí hạt nhân đến phát triển vũ khí siêu thanh.
Nhưng trong nỗ lực giảm thiểu gián đoạn chuỗi cung ứng, chính quyền Biden sẽ đưa ra một ngoại lệ đối với các cơ sở sản xuất chip ở Trung Quốc thuộc sở hữu của các công ty từ Hoa Kỳ hoặc các nước đồng minh đang xuất khẩu chip.
Thea Kendler, một quan chức cấp cao của bộ phận thương mại cho biết Trung Quốc đã dồn nguồn lực vào việc phát triển các năng lực siêu máy tính và tìm cách trở thành nhà lãnh đạo thế giới về trí tuệ nhân tạo vào năm 2030. Nhưng nước này lại đang sử dụng những năng lực này để giám sát và theo dõi công dân, đồng thời thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quân đội. Bởi vậy hành động của chính phủ Biden sẽ bảo vệ an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, nhóm vận động hành lang chính của Hoa Kỳ cho ngành công nghiệp chip, cho biết họ đang “đánh giá” tác động của các biện pháp kiểm soát và làm việc với các thành viên để đảm bảo tuân thủ.
Theo Reva Goujon tại Rhodium Group, các biện pháp kiểm soát công nghệ của chính quyền Biden được đề xuất theo cách có thể gây khó chịu cho các đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Âu. Một phái đoàn từ Washington sẽ đến Berlin trong những tuần tới để thảo luận, trong số các vấn đề khác, hợp tác chặt chẽ hơn về kiểm soát xuất khẩu, sàng lọc đầu tư ra nước ngoài và chuỗi cung ứng. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Washington ngày càng thất vọng trước những tín hiệu từ Berlin và Paris về Trung Quốc. Francois Godement của Institut Montaigne ở Paris đã tóm tắt điều đó rất hay trên Twitter: “Nếu diễn ngôn về quyền tự chủ chiến lược làm giảm bớt quyền của chúng ta để nói chuyện và giao dịch với các đối thủ chiến lược – và kẻ thù – trong khi chúng ta không quyết đoán các vấn đề khác, chúng ta sẽ bị gạt ra ngoài lề như Châu Âu”.
Ở Châu Á, những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Alibaba phụ thuộc rất nhiều vào các cường quốc sản xuất chip trong khu vực, bao gồm TSMC của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc, để chế tạo những con chip tiên tiến nhất. Các công ty viễn thông khổng lồ như SK Hynix của Hàn Quốc cũng đã đầu tư hàng tỷ đô la vào các khoản đầu tư tại Trung Quốc, làm phức tạp thêm khả năng Seoul sẽ hoà nhập được với những nỗ lực do Washington dẫn đầu để “tách rời” khỏi Bắc Kinh. Các quan chức Hàn Quốc cho biết họ không cảm thấy hoàn cảnh hiện tại có thể biện minh cho việc cắt đứt thương mại chip và công nghệ sản xuất chip với Trung Quốc.
Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Hoa Kỳ, hoan nghênh các biện pháp kiểm soát nhưng nói rằng Hoa Kỳ cần phải đi xa hơn. Ông cho biết Thượng viện đang tìm cách đưa các biện pháp vào dự luật chi tiêu quốc phòng sắp tới nhằm chống lại những nỗ lực của Trung Quốc phá hoại ngành công nghiệp chip của Hoa Kỳ.
Các quy định mới cũng sẽ cấm cả cá nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ các công ty Trung Quốc sản xuất chip tiên tiến. Lệnh cấm cũng ngăn chặn việc bên thứ ba bán bất kỳ con chip nào sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ cho các thực thể Trung Quốc.
Mark Li, một nhà phân tích bán dẫn kỳ cựu của Sanford C. Bernstein, cho rằng nếu lệnh cấm mở rộng sang “cấm công dân hoặc người dân Hoa Kỳ hỗ trợ các công ty Trung Quốc, thì điều đó cũng có thể có ảnh hưởng lớn.” “Xét cho cùng, tài năng và bí quyết của họ là tài sản tuyệt vời để phát triển các công nghệ chip thế hệ tiếp theo,” ông nói.
Rui Zhong: Phản ứng với những quy định mới của Hoa Kỳ, Bắc Kinh có thể có động thái với công ty sản xuất chip Đài Loan
Theo đuổi máy tính tốc độ cao, đặc biệt là phát triển công nghiệp sản xuất chip trong nước, là ưu tiên hàng đầu của Tập, nhưng cho đến nay vẫn còn khó nắm bắt. Nỗ lực của Trung Quốc nhằm phát triển sản xuất thiết bị sản xuất bán dẫn bản địa gặp phải nhiều trở ngại, bao gồm việc thiếu khả năng tiếp cận nguồn nhân tài, sở hữu trí tuệ và các nguồn lực quan trọng khác cần thiết để sản xuất chip tiên tiến. TSMC và Samsung đã lấp đầy khoảng trống mà các công ty nội địa Trung Quốc thiếu năng lực và bí quyết.
Trong phát biểu trước công chúng vào tháng trước thềm đại hội đảng lần thứ 20, Tập Cận Bình nói: “Cần phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của… Ủy ban cải cách sâu rộng toàn diện Trung ương và thiết lập một hệ thống chỉ huy ra quyết định có thẩm quyền [đối với Công nghệ].” Tuyên bố của Tập cho thấy Tập không hài lòng về cách các cơ quan đảng đã hoạt động và có khả năng Tập sẽ giám sát mạnh mẽ mẽ hơn trong nỗ lực tạo ra một ngành công nghiệp bán dẫn trong nước tự chủ.
Nhưng theo ước tính năm 2021 từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc, thiết kế phần mềm và in thạch bản trong công nghiệp bán dẫn sẽ cần nhiều thập kỷ để các chuyên gia Trung Quốc bắt kịp các nhà lãnh đạo toàn cầu, cũng như khoảng 300.000 kỹ sư bổ sung. Các hạn chế đối với thương mại công nghệ do chính quyền Trump áp đặt lên Bắc Kinh, Đạo luật CHIPS mà Biden đã ký thành luật vào tháng 8 và hiện nay là các hạn chế mới nhất đối với thương mại chip là một tín hiệu rõ ràng cho các quan chức Trung Quốc rằng sự phụ thuộc vào công nghệ của Hoa Kỳ, mặc dù là cần thiết trong quá khứ không đáng tin cậy và không bền vững trong dài hạn.
Về lâu dài, mong muốn thiết lập một “Pháo đài Trung Quốc” tự chủ về kinh tế của Tập sẽ trở nên cấp thiết hơn nhiều khi Washington dường như có ý định tấn công vào các lỗ hổng còn lại nằm ở trọng tâm của mục tiêu bán dẫn của Bắc Kinh. Tuy nhiên, cũng như nhiều mục tiêu kinh tế khác, nỗ lực không ngừng của Tập trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước đang bị hủy hoại bởi chính các mục tiêu chính trị và tư tưởng của ông. Đặc biệt, việc giám sát mở rộng, kiểm soát chặt chẽ xã hội dân sự và kiểm soát chặt chẽ Hồng Kông và Tân Cương đã đốt cháy cầu nối cho đầu tư và thương mại quốc tế vốn là chỗ dựa cho tăng trưởng và đổi mới của ngành. Sự thịnh vượng kinh tế của Trung Quốc vẫn đòi hỏi phải có mối quan hệ với phần còn lại của thế giới, nhưng người chèo lái ở Bắc Kinh tiếp tục làm tăng các loại chi phí thương mại khác nhau với Trung Quốc, khiến nó ngày càng trở thành liều thuốc khó khăn hơn cho các đối tác kinh tế của nước này mỗi năm trôi qua.
Hiện tại, Tập còn phải dành thời gian trong sự cuồng nhiệt xung quanh sự kiện ông nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba nên có lẽ sẽ chưa làm gì để đáp lại nỗ lực mới nhất của Washington nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi đại hội đảng kết thúc, ông ta có thể tìm cách tạo ra phản ứng dữ dội bên trong Trung Quốc trước khi thực hiện động thái tiếp theo. Trong tất cả khả năng, động thái đó sẽ nhằm vào các nhà máy sản xuất vật liệu bán dẫn ở Đài Loan.
Xem thêm:
Rhodium Group ngày 28/9/2022: Running Target: Next-Level US Tech Controls on China
Financial Times ngày 07/10/2022: US hits China with sweeping tech export controls. Một bản PDF được lưu ở đây
Nikkei Asia ngày 08/10/2022: U.S. intensifies assault on China chip ambitions
Bloomberg ngày 12/10/2022: Applied Materials Cuts Forecast, Blaming Export Curbs to China (AMAT)
Caixin Global ngày 12/10/2022: In Depth: Can Beefed Up U.S. Chip Restrictions Energize China’s Local Tech Push
Bloomberg ngày 13/10/2022: Taiwan Urges Calm on TSMC, Downplays Impact of Biden Chip Rules
World Politics Review ngày 12/10/2022: The U.S. Takes Aim at China’s Semiconductor Ambitions. Một bản PDF được lưu ở đây
Nikkei Asia ngày 13/10/2022: TSMC gets 1-year U.S. license for China chip expansion
Các nhà sản xuất chip toàn cầu được miễn trừ quy định kiểm soát xuất khẩu mới để sử dụng các sản phẩm có công nghệ thấp hơn của Hoa Kỳ trong các nhà máy ở Trung Quốc
Những gã khổng lồ chip toàn cầu Intel, Samsung và TSMC cho biết họ đã được Washington miễn trừ một năm để sử dụng các sản phẩm do Hoa Kỳ sản xuất trong các nhà máy chip Trung Quốc công nghệ thấp hơn.
Tập đoàn Intel có thể tiếp tục sản xuất chip nhớ NAND ở Đại Liên. Nhà máy ở thành phố đông bắc này đã được bán cho nhà sản xuất chip Hàn Quốc SK Hynix, công ty sẽ tiếp quản hoàn toàn vào năm 2025. SK Hynix cũng đã được bật đèn xanh để sử dụng thiết bị chip của Hoa Kỳ tại Trung Quốc trong một năm.
Xem thêm:
Caixin Global ngày 14/10/2022: Global Chipmakers Win Waiver to Use Lower-Tech U.S. Products in Chinese Factories
Các phản ứng từ phía Trung Quốc
Phản ứng của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc
Bản tiếng Anh của bản tuyên bố bày tỏ sự “lo lắng” về việc áp dụng khái niệm an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại để thực hiện chính sách thương mại “phân biệt đối xử”. “Không chỉ biện pháp đơn phương như vậy sẽ gây tổn hại thêm cho chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bán dẫn, mà quan trọng hơn, sẽ tạo ra một bầu không khí bất ổn, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin, thiện chí và tinh thần hợp tác trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu mà vốn đã được phát triển và duy trì cẩn thận trong nhiều thập kỷ qua.”
Xem thêm:
CSIA ngày 13/10/2022: 中国半导体行业协会声明
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Trong buổi họp báo ngày 14/10/2022, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Hoa Kỳ mở rộng khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để cố tình lũng đoạn các doanh nghiệp Trung Quốc. Chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu hình thành là kết quả của cả quy luật thị trường và sự lựa chọn của các doanh nghiệp. Tự ý đặt ra các cản trở vì mục đích chính trị làm mất ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp, làm tổn thương người khác và gây phản tác dụng cho chính mình. Điều đó sẽ chỉ làm suy yếu thêm nền kinh tế thế giới vốn đã mỏng manh… Chúng tôi sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế để chống lại chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và các hành vi bắt nạt trong khoa học công nghệ, duy trì nguyên tắc cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử, cùng bảo vệ sự ổn định của hệ thống, quy tắc và nền tảng của nền kinh tế thế giới, và thúc đẩy sự phục hồi ổn định của nền kinh tế thế giới.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/10/2022: Foreign Ministry Spokesperson Mao Ning’s Regular Press Conference on October 14, 2022
Nhà quan sát khu vực công nghiệp bán dẫn Trung Quốc
Semiconductor Bellweather, một tài khoản hàng đầu về công nghiệp bán dẫn trên WeChat, đề xuất bốn xu hướng trong tương lai cho ngành bán dẫn của Trung Quốc:
1. Quay trở lại sản xuất trong phân khúc công nghệ đã trưởng thành (mature node manufacturing): [thị phần của] chip 90/55 nm thế hệ mới lớn hơn nhiều so với [của] chip 7 nm thế hệ cũ. Một khi một công ty nằm trong danh sách đen, việc tập trung vào mảng công nghệ đã trưởng thành trên thực tế với máy móc trong nước có ý nghĩa hơn nhiều so với sản xuất chip 7nm bằng các công cụ của Hoa Kỳ. Mâu thuẫn cơ bản của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc đi từ việc thiếu kiến thức công nghệ tiên tiến hàng đầu đến việc thiếu các thiết bị sản xuất trong nước.
2. Quay trở lại với việc mở rộng năng lực sản xuất: các nhà sản xuất [Trung Quốc] trước đây đã dành phần lớn sức lực để đạt được những đột phá trong công nghệ tiên tiến, nhưng giờ đây họ nên tận dụng thời kỳ quan trọng đối với mảng công nghệ trưởng thành trong nước và mở rộng sản xuất một cách mạnh mẽ. Các nhà máy sản xuất vi mạch điện tử do Đại lục tài trợ chiếm 5% sản lượng toàn cầu và khoảng cách thị trường cao tới 700%. Mở rộng năng lực trong nước để hỗ trợ các quá trình hạ nguồn ổn định là ưu tiên cấp thiết nhất.
3. Tiếp tục tăng lưu hành thị trường nước ngoài: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc không phải là bốn mặt của cùng một đồng xu; mỗi nước có tính toán lợi ích của mình. Tiến trình nội địa hóa trong tương lai sẽ diễn tiến cùng với những diễn tiến địa chính trị. Nhưng hiện tại Nhật Bản và Châu Âu vẫn là những thị trường lưu hành trung gian.
4. Tránh rơi vào bẫy mật ngọt của Hoa Kỳ: đối với lĩnh vực công nghệ trưởng thành nằm ngoài các thông số của các quy định hạn chế của Hoa Kỳ, các nhà máy sản xuất vi mạch điện tử phải đặt vật liệu và thiết bị hỗ trợ do Trung Quốc sản xuất làm mục tiêu hàng đầu.
Xem thêm:
Toàn văn nội dung bình luận trên Wechat
Bình luận trong khối doanh nghiệp Hoa Kỳ
Kevin Wolf, một luật sư đang đại diện cho nhiều công ty chịu tác động của quy định mới của Hoa Kỳ và là một cựu quan chức của Cơ quan Công nghiệp và An ninh với 30 năm kinh nghiệm cho biết tất cả những lĩnh vực thuộc phạm vi áp dụng quy định mới của Hoa Kỳ, từ đầu vào, công cụ, công nghệ hoặc phần mềm, dù do Hoa Kỳ hay nước ngoài sản xuất, và các dịch vụ hỗ trợ, đều là những lĩnh vực được nhắc tới trong bài phát biểu của Jake Sullivan trước đó. Đó là các công nghệ liên quan đến máy tính, công nghệ sinh học và công nghệ sạch.
Vấn đề cần giải quyết ở đây là Trung Quốc đã huy động các nguồn lực khổng lồ để hỗ trợ hiện đại hóa quốc phòng và chiến lược tổng hợp dân sự-quân sự nhắm tới máy tính tiên tiến và sản xuất vật liệu bán dẫn nút tiên tiến.
Lập Đảng, một doanh nhân có ảnh hưởng trong lĩnh vực công nghệ tại Hoa Kỳ nhận định về quy định mới nhắm tới công dân Hoa Kỳ làm việc tại Trung Quốc không khác gì hành động “chặt đầu” trong toàn ngành, tàn phá ngành công nghiệp chip của Trung Quốc.
Nói một cách đơn giản, Biden đã buộc tất cả những người Mỹ làm việc tại Trung Quốc phải lựa chọn giữa việc bỏ việc và mất quyền công dân Mỹ. Mọi giám đốc điều hành và kỹ sư người Mỹ làm việc trong ngành sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc sẽ phải từ chức. Các nhà cung cấp khối IP, linh kiện và dịch vụ của Hoa Kỳ sẽ phải rời đi. Các công ty bán dẫn nút tiên tiến phải đối mặt với việc cắt nguồn cung toàn diện, các nhân viên người Mỹ từ chức, và hoạt động bị tê liệt.
Nhà cung cấp công nghệ Nhật Bản Murata cảnh báo về sự tách rời nhanh chóng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sẽ phải thiết lập hai chuỗi cung ứng
Chủ tịch Murata Manufacturing cho biết nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tách ra nhanh chóng hơn bao giờ hết sau khi Washington áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất đối với lĩnh vực chip Trung Quốc.
Hơn một nửa doanh số bán hàng của Murata, công ty sản xuất điện thoại thông minh quan trọng và các linh kiện khác, phụ thuộc vào Trung Quốc Đại lục, bao gồm cả Đài Loan.
Nakajima cho biết công ty ông vẫn sẽ làm những gì họ đã và đang làm: Phát triển các chuỗi cung ứng trùng lặp – một cho khối kinh tế do Hoa Kỳ lãnh đạo và một cho khối do Trung Quốc lãnh đạo.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 18/10/2022: Japan tech supplier Murata warns over rapid U.S.-China decoupling. Một bản toàn văn được lưu ở đây.
Apple đóng băng kế hoạch sử dụng chip YMTC của Trung Quốc trong bối cảnh áp lực chính trị gia tăng
Theo báo cáo của Nikkei Asia, trong bối cảnh áp lực chính trị gia tăng, Apple đã tạm dừng kế hoạch sử dụng chip nhớ của Công ty Công nghệ Bộ nhớ Dương Tử (YMTC) của Trung Quốc trong các sản phẩm của mình.
Xem thêm:
Mac Daily News ngày 17/10/2022: Apple freezes plan to use China’s YMTC chips amid mounting political pressure
YMTC của Trung Quốc yêu cầu nhân viên nòng cốt người Mỹ rời đi bởi quy định kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ
Nhà sản xuất chip Trung Quốc Yangtze Memory Technologies Corp đã yêu cầu nhân viên có quốc tịch và thẻ xanh Hoa Kỳ ở các vị trí công nghệ cốt lõi rời đi, vì họ phải gấp rút tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Hoa Kỳ đang làm gián đoạn ngành công nghiệp chip của nước này.
Các nhà cung cấp thiết bị chip hàng đầu của Hoa Kỳ là Lam Research, Applied Materials và KLA Corporation đã đình chỉ việc bán hàng và dịch vụ cho các nhà sản xuất vật liệu bán dẫn ở Trung Quốc. ASML có trụ sở tại Hà Lan đã yêu cầu nhân viên Hoa Kỳ ngừng phục vụ tất cả các khách hàng Trung Quốc trong khi họ đánh giá các biện pháp trừng phạt.
Xem thêm:
Financial Times ngày 24/10/2022: China’s YMTC asks core US staff to leave due to chip export controls
“Friendshoring” đảm bảo Hoa Kỳ không đơn độc trong việc di chuyển các chuỗi cung ứng chính ra khỏi Trung Quốc
Bên cạnh việc tăng cường chính sách công nghiệp trong nước thông qua các đạo luật như Đạo luật Khoa học và Chíp và Đạo luật Giảm lạm phát, chính quyền Biden đang nâng cao năng lực cạnh tranh của Hoa Kỳ với Trung Quốc thông qua các chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thương mại cũng như các quy định xuất khẩu.
Như các nhà kinh tế và các nhà lãnh đạo trong thế giới doanh nghiệp đã nhấn mạnh, việc chỉ có chuỗi giá trị giữa những nước bạn bè ở một số ngành là không khả thi. Tuy nhiên, sự tin cậy quá mức vào một nhà cung cấp có thể được giảm bớt thông qua việc đa dạng hóa. Đây là nơi mà “friend-shoring” có thể đóng một vai trò nào đó.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Sentieo, việc đề cập đến các hình thức “friend-shoring” khác nhau trong các cuộc gọi cho công ty cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác kể từ năm 2005, cho thấy quyết định di dời chuỗi cung ứng không chỉ là hiện tượng của mỗi Washington.
Xem thêm: South China Morning Post ngày 20/10/2022: ‘Friendshoring’ ensures the US is not alone in moving key supply chains away from China
Chris Miller: Siêu vũ khí mới
Đầu tháng này, chính quyền Biden áp đặt các hạn chế xuất khẩu sâu rộng nhất chưa từng có đối với ngành công nghiệp bán dẫn, thể hiện đỉnh cao của chính sách công nghệ của Hoa Kỳ trong bảy năm thực hiện. Kể từ những ngày cuối cùng của chính quyền Obama, chính phủ Hoa Kỳ đã dần nhận ra rằng một trong những lựa chọn tốt nhất để bảo vệ lợi thế công nghệ của Hoa Kỳ là bằng cách vũ khí hóa chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn. Vật liệu bán dẫn, như tác giả lập luận, định hình chính trị quốc tế, cấu trúc của nền kinh tế thế giới và cán cân sức mạnh quân sự – điều này giải thích tại sao Washington sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn Trung Quốc.
Xem thêm:
The Wire China ngày 23/10/2022: The New Superweapon. Một bản PDF được lưu ở đây.
———–
IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ
Tướng Chỉ huy Lực lượng Không gian Hoa Kỳ: Các tiến bộ an ninh mới, các công ty tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng đối với năng lực phòng thủ không gian của Hoa Kỳ trong tương lai
Tương lai của các hoạt động quân sự toàn cầu trong không gian sẽ do Hoa Kỳ định hình và thành công sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như quan hệ đối tác tư nhân và những tiến bộ mới trong lĩnh vực mạng, lãnh đạo Lực lượng Không gian Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Sáu ngày 14/10/2022.
Trung tướng Stephen Whiting, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian Hoa Kỳ, đã đưa ra nhận xét trên trong một cuộc phỏng vấn tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington.
Xem thêm:
Stars & Stripes ngày 14/10/2022: New security advances, private companies critical to future US space defense, Space Force general says
Cảnh sát biển Hoa Kỳ ban hành chiến lược mới
Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Hoa Kỳ Linda Fagan ngày 14/10/2022 đã phát hành một Chiến lược Cảnh sát biển mới của Hoa Kỳ.
“Thế giới ngày nay đang thay đổi nhanh chóng. Cạnh tranh chiến lược địa chính trị, biến động kinh tế, tác động của biến đổi khí hậu, kỳ vọng thay đổi lực lượng lao động, sự phát triển của công nghệ và các doanh nghiệp mới về biển đang hội tụ và thúc đẩy sự thay đổi cho Lực lượng của chúng tôi,” Fagan viết trong lời giới thiệu cho chiến lược mới. “Nếu chúng ta không thích ứng, tốc độ thế giới thay đổi ngày càng nhanh này sẽ vượt qua năng lực của chúng ta trong việc bảo vệ người dân Hoa Kỳ. Bây giờ là lúc cần đưa lực lượng của chúng ta tiến về phía trước.”
Tải toàn văn chiến lược ở đây.
Các nhà lập pháp muốn cấp quyền hạn khẩn cấp cho hợp đồng chiến tranh Ukraine của Lầu Năm Góc
Dự thảo luật lưỡng đảng được đưa ra tại Thượng viện sẽ cấp cho Lầu Năm Góc quyền mua sắm thời chiến, cho phép họ mua số lượng lớn các loại vũ khí có mức độ ưu tiên cao sử dụng các hợp đồng nhiều năm để giúp Ukraine chống lại Nga và bổ sung vào kho dự trữ của Hoa Kỳ. Đề xuất luật thay cho ý tưởng lập quỹ mua vũ khí quan trọng mà Lầu Năm Góc và một số nhà lập pháp tìm kiếm mà Thượng viện dự kiến sẽ bỏ phiếu vào tháng 11.
Xem thêm:
Defense News ngày 17/10/2022: Lawmakers seek emergency powers for Pentagon’s Ukraine war contracting
Lockheed Martin Úc mở văn phòng Adelaide
Công ty quốc phòng hàng đầu đã chính thức khai trương văn phòng mới ở trung tâm Thành phố Adelaide như một phần của nỗ lực mở rộng phạm vi hoạt động tại địa phương. Phó Thủ hiến Nam Úc Susan Close đã tham dự buổi lễ ra mắt được tổ chức vào thứ Năm ngày 13/10/2022.
Văn phòng Thành phố Adelaide sẽ bao gồm một STELaRLab, được quảng cáo là một cơ sở nghiên cứu đa lĩnh vực, thúc đẩy đổi mới trong một số lĩnh vực chủ đề, bao gồm trí tuệ nhân tạo, quyền tự chủ, siêu thanh, xử lý hình ảnh và tín hiệu, theo dõi và kết hợp cảm biến, phân tích hoạt động và tối ưu hóa phức tạp.
Xem thêm:
Defence Connect ngày 13/10/2022: Lockheed Martin Australia opens Adelaide office
Bộ Quốc phòng Úc điều tra về cáo buộc phi công không quân Úc huấn luyện lực lượng vũ trang Trung Quốc
Bộ Quốc phòng Úc sẽ mở một cuộc điều tra về các báo cáo của tờ Times of London rằng các phi công không quân đang huấn luyện các lực lượng vũ trang Trung Quốc trên các máy bay như Typhoons, Jaguars, Harriers và Tornados. Theo tờ báo, cả nhân viên hiện tại và cựu nhân viên RAF đều được trả 430.000 đô la Úc một năm để giúp Trung Quốc “phát triển chiến thuật và chuyên môn công nghệ.” Tờ The Australian sau đó tiết lộ rằng các phi công của RAAF là một phần của nhóm 30 người phương Tây đã được tiếp cận thông qua một trường bay ở Nam Phi đóng vai trò trung gian.
Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles cho biết ông sẽ “bị sốc và lo lắng” nếu các phi công bị dụ dỗ bởi một khoản lương từ “một nhà nước nước ngoài kể trên để phục vụ đất nước của họ”.
Xem thêm:
The Times ngày 18/10/2022: RAF pilots could be banned from training Chinese military. Một bản toàn văn được lưu ở đây.
The Independent ngày 20/10/2022: Australia investigates if its former pilots are being recruited by China after UK’s own warning. Một bản PDF được lưu ở đây.
Anh quốc dự định chi 100 triệu Bảng cho các giải pháp chống tàu ngầm
Hải quân Hoàng gia Anh đang kêu gọi các tập đoàn công nghiệp quốc phòng phát triển và cung cấp các hệ thống chống tàu ngầm cho dòng tàu ngầm Astute, Vanguard, Dreadnought cũng các tàu ngầm thông thường và tàu ngầm hạt nhân tương lai. Dự kiến hệ thống này sẽ có tên gọi “Giải pháp Chống ngầm Thế hệ mới”, nằm trong chương trình “Bộ Công cụ Hỗ trợ Phòng thủ Ngầm”, với thời hạn hợp đồng kéo dài 6 năm từ tháng 3/2025 tới tháng 3/2030.
Xem thêm:
UK Defense Journal ngày 29/9/2022: UK to spend £100m on defensive submarine countermeasures
Trung Quốc xuất bản “Biên niên Sử 10 năm của Một Quân đội Mạnh mẽ”
Để chào mừng Đại hội Đảng lần thứ 20, Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã biên soạn “Biên niên sử mười năm về một Quân đội mạnh” (强 军 十年 大事记), được xuất bản bởi Nhà xuất bản Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân, với sự chấp thuận của Quân ủy Trung ương. Mục đích của biên niên sử nhằm phản ánh “lịch sử hào hùng” của PLA trong thời kỳ mới.
Biên niên sử đã điểm lại những thành tựu chính của PLA kể từ sau Đại hội Đảng lần thứ 18, nêu rõ rằng PLA đã “lập được những thành tích lịch sử to lớn trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và xây dựng quân đội”, tiếp tục “viết một chương mới trên con đường trở thành một quân đội mạnh đặc sắc Trung Quốc (中国 特色 强 军),” và cho thấy một “phong cách mới của thời đại”. Biên niên sử tập trung phản ánh “sự thật và sức mạnh thực tế của Tư tưởng Tập Cận Bình về củng cố quân đội (习近平 强 军 思想),” thể hiện “lòng trung thành của tất cả các sĩ quan và binh lính (维护 核心),” và “kiên quyết thực hiện sứ mệnh và nhiệm vụ của thời kỳ mới.”
Xem thêm:
中国军网 ngày 10/10/2022: 强军十年大事记
Trung Quốc sử dụng công nghệ Hoa Kỳ để thúc đẩy chương trình tên lửa siêu thanh
Các nhóm nghiên cứu quân sự đứng đầu trong các chương trình siêu thanh và tên lửa của Trung Quốc – nhiều nhóm nằm trong danh sách đen xuất khẩu của Hoa Kỳ – đang mua một loạt công nghệ chuyên biệt của Hoa Kỳ, bao gồm các sản phẩm từ các công ty phát triển đã nhận được hàng triệu USD tài trợ và hợp đồng từ Lầu Năm Góc, theo một cuộc điều tra của The Washington Post.
Xem thêm:
The Washington Post ngày 17/10/2022: American technology boosts China’s hypersonic missile program. Một bản PDF được lưu ở đây.
———-
V- CHUYỂN ĐỘNG AN NINH MẠNG
Tin tặc tận dụng trí tuệ nhân tạo để thực hiện các phi vụ lừa đảo
Acumen Research and Consulting cho biết thị trường toàn cầu cho các sản phẩm bảo mật dựa trên AI đã tăng lên 14,9 tỷ USD vào năm 2021 và ước tính đạt 133,8 tỷ USD vào năm 2030 do sự gia tăng của các cuộc tấn công mạng thúc đẩy nhu cầu sử dụng AI dẫn tới sự tăng trưởng của thị trường.
Mặt khác, những kẻ xấu cũng có thể lợi dụng AI theo một số cách. Ví dụ, AI có thể được sử dụng để xác định những điểm yếu trong hệ thống máy tính hoặc chương trình bảo mật, cho phép tin tặc khai thác những điểm yếu mới được phát hiện đó. Khi kết hợp với thông tin cá nhân bị đánh cắp hoặc dữ liệu nguồn mở được thu thập, ví dụ như các bài đăng trên mạng xã hội, tội phạm mạng có thể sử dụng AI để tạo ra số lượng lớn email lừa đảo nhằm phát tán phần mềm độc hại hoặc thu thập thông tin có giá trị.
Xem thêm:
Cyber Security Connect ngày 15/9/2022: Hackers leveraging AI to launch phishing scams
Singapore thông báo về tiến độ thành lập Nhóm Phản ứng Khẩn cấp Máy tính Khu vực ASEAN
Kế hoạch tổng thể về CNTT ASEAN 2020 đã kêu gọi nghiên cứu khả thi về việc thành lập Nhóm Phản ứng Khẩn cấp Máy tính (CERT) khu vực ASEAN như một sáng kiến quan trọng trong việc tăng cường an ninh mạng ASEAN.
Sự cần thiết phải có sự phối hợp mạnh mẽ của khu vực trong việc chia sẻ thông tin CERT và trao đổi các kinh nghiệm tốt nhất trước các mối đe dọa mạng xuyên biên giới ngày càng phức tạp và ngày càng được nhấn mạnh trong Chiến lược Hợp tác An ninh mạng ASEAN 2017-2020.
CERT khu vực ASEAN có mục tiêu thành lập vào năm 2023/2024, sau khi đạt được Thỏa thuận giữa các nước thành viên ASEAN về Khung hoạt động trong năm nay và Mô hình tài trợ sau đó.
Xem thêm:
Security Brief ngày 21/10/2022: Establishment of ASEAN Regional Computer Emergency Response Team
———-
VI- CHUYỂN ĐỘNG HIỆP ƯỚC CPTPP
Bộ trưởng Tài chính Úc: Úc thấy Trung Quốc “không có triển vọng” được chấp nhận vào CPTPP
Trao đổi với Nikkei Asia ngày thứ Hai 11/10/2022 trong một chuyến thăm Tokyo cho một sự kiện kinh doanh, Bộ trưởng Thương mại Úc cho biết ông không tin “có bất kỳ triển vọng nào để Trung Quốc có thể tham gia” một trong những hiệp định thương mại tự do đa phương lớn nhất thế giới do những tranh chấp giữa hai nước đang căng thẳng, mặc dù ông cho biết Canberra sẵn sàng đàm phán song phương với Bắc Kinh để giải quyết các vấn đề bất đồng.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 11/10/2022: Australia sees ‘no prospect’ of China being accepted into CPTPP
Thủ tướng Singapore: Chưa có đồng thuận về việc Trung Quốc tham gia hiệp ước thương mại khu vực
Hôm thứ Ba ngày 18/10/2022, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết vẫn chưa có sự đồng thuận nào để Trung Quốc tham gia hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương, mặc dù Singapore tin rằng Bắc Kinh có thể đáp ứng các điều kiện của khối thương mại.
Xem thêm:
Reuters ngày 18/10/2022: No consensus yet on China joining regional trade pact – Singapore PM
———-
VII- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
Bộ Ngoại giao Philippines muốn có quỹ tài chính dành riêng cho thúc đẩy Phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông
Ngày 30/9/2022, Bộ Ngoại giao Philippines đã kêu gọi các nhà lập pháp nước này cung cấp thêm cho Bộ 29 triệu peso để khởi động một chiến dịch vận động ủng hộ trong nước và quốc tế đối với phán quyết trọng tài mang tính bước ngoặt về Biển Đông, bao gồm quỹ cho xuất bản sách báo, xây dựng trang web và tổ chức các đối thoại hàng hải.
Xem thêm:
Rappler ngày 30/9/2022: DFA seeks P29 million to promote 2016 Hague ruling on West PH Sea
Palawan từ chối thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc
Hội đồng thị trấn Kalayaan ở Palawan vào ngày 20/9/2022 đã chính thức thông qua một nghị quyết từ chối đề xuất tiến hành thăm dò dầu khí chung giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông. Một thành viên hội đồng, Maurice Phillip Albayda, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư ngày 30/9/2022 rằng thỏa thuận như vậy sẽ tương đương với việc tạo cơ hội cho Trung Quốc khẳng định yêu sách của mình trên lãnh thổ Philippines.
Tuy nhiên, Albayda cho biết sự phản đối này không phải là vì nhắm tới Trung Quốc. Ông cho rằng cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bất kỳ dự án nào liên quan đến tài nguyên thiên nhiên của Philippines cần phải được cung cấp đầy đủ thông tin và được tự do quyết định.
Xem thêm:
Philippine Daily Inquirer ngày 30/9/2022: Palawan folk reject joint project with China
Tập Cận Bình sẽ được mời đi thử tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á mà Trung Quốc xây dựng kết nối các thành phố Indonesia
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể là một trong những hành khách đầu tiên đi tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á nối Jakarta và Bandung sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 11. Theo Bộ trưởng Giao thông Indonesia Budi Karya Sumadi, Tổng thống Joko Widodo sẽ mời người đồng cấp Trung Quốc đi trên chuyến tàu cao tốc do Trung Quốc sản xuất nối thủ đô Jakarta với thủ đô Tây Java sau hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali vào ngày 15-16/11/2022. Dự án đường sắt cao tốc nối hai thành phố lớn của Indonesia đang được phát triển bởi KCIC, một liên doanh giữa các công ty nhà nước của Indonesia và Trung Quốc. Hai bên cũng đang chuẩn bị thảo luận về kế hoạch mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc về phía đông vượt ra ngoài Bandung, đến thành phố Surabaya lớn thứ hai của Indonesia, đi qua Purwokerto, Yogyakarta, Solo và Madiun.
Những tranh chấp giữa Jakarta và Bắc Kinh về việc tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna đã khiến quan hệ song phương trở nên khó xử, nhưng hai nước luôn đảm bảo hợp tác kinh tế được tiếp tục.
Xem thêm:
The Straits Times ngày 04/10/2022: Xi Jinping to test ride Indonesia’s new China-made high-speed train. Một bản PDF được lưu ở đây.
Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc đoàn kết vượt qua khủng hoảng khí hậu
Ông Guterres có mặt tại Việt Nam để tham gia lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam trở thành thành viên Liên Hợp Quốc. Tại đây, ông đã có các cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các quan chức cấp cao khác như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Bộ Môi trường Trần Hồng Hà.
Phát biểu tại Cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam ở Hà Nội, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả các chính phủ cần chuẩn bị sẵn sàng cho thiên tai. Mục tiêu là có hệ thống cảnh báo sớm ở tất cả các quốc gia trong vòng 5 năm, “để chấm dứt thảm kịch người chết, sinh kế bị phá hủy, vì mọi người không biết rằng thảm kịch đang diễn ra,” ông nói.
Guterres sẽ đưa ra một kế hoạch hành động tại Hội nghị Khí hậu của Liên Hợp Quốc COP27 ở Ai Cập vào tháng tới để biến thời hạn 5 năm thành hiện thực. Ông cũng khen ngợi nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long. Vùng trung tâm nông nghiệp và công nghiệp này là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất trên thế giới vì phải hứng chịu mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn, lũ lụt và cường độ mưa thay đổi.
Xem thêm:
UN News ngày 23/10/2022: In visit to Viet Nam, UN chief stresses critical need for solidarity to overcome climate crisis
———-
VIII- CHUYỂN ĐỘNG BỘ QUY TẮC ỨNG XỬ Ở BIỂN ĐÔNG
Tổng Thư ký ASEAN: ASEAN và Bắc Kinh đang làm việc về dự thảo thứ hai của Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông
Tại Hội nghị bàn tròn lần thứ 11 do Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á và Khmer Times tổ chức ngày 18/10/2022, Tổng thư ký Dato Paduka Lim Jock Hoi cho biết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc hiện đang nghiên cứu dự thảo thứ hai của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đã hoàn thành bản dự thảo đầu tiên, chúng ta sẽ chuyển sang bản thứ hai vì vậy chúng tôi hy vọng rằng các cuộc đàm phán về COC sẽ tiếp tục được tiến hành bằng hình thức gặp trực tiếp,” ông nói và cho biết nhóm công tác chung đã tiếp tục “tái khẳng định nguyện vọng xúc tiến đàm phán COC và hướng tới việc sớm đạt được một COC thực chất và hiệu lực.”
“Trong thời gian chờ đợi, ASEAN sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc với sự quan tâm đúng mức đến các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa nhằm nâng cao lòng tin và sự tin cậy giữa các bên nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC,” ông nói thêm.
Xem thêm:
GMA News ngày 19/10/2022: ASEAN, Beijing working on second draft of South China Sea Code of Conduct
Việt Nam nói ASEAN và Trung Quốc mong muốn sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 20/10/2022, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Nhóm công tác chung của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp lần thứ 37 về việc thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tại Campuchia vào ngày 01-03/10. Hai bên đã trao đổi về tình hình Biển Đông, việc thực hiện DOC và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Bên cạnh việc nhắc lại những diễn ngôn quen thuộc về tầm quan trọng của an ninh, hoà bình, tự do hải hành và không hành, không có những hành động làm phức tạp tình hình và giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình phù hợp với luật quốc tế, bà Hằng nói hai bên mong muốn sớm hoàn thành vòng rà soát thứ hai Văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), sớm thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông thực chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Xem thêm:
Uỷ ban Biên giới Quốc gia ngày 20/10/2022: Phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng về tiến trình đàm phán COC
Collins Chong Yew Keat: Quy tắc ứng xử “chỉ dành cho các bên tranh chấp” trên Biển Đông có nguy cơ phân cực ASEAN
Nội dung cụ thể mà nhóm công tác chung ASEAN và Trung Quốc trao đổi trong quá trình đàm phán COC không được tiết lộ chi tiết cho báo giớ. Ttuy nhiên ngày 23/10/2022, trên tờ The Star của Malaysia, nhà nghiên cứu Collins Chong Yew Keat từ Đại học Malaya đã có cảnh báo về một đề xuất đàm phán COC chỉ nên tiến hành giữa các nước có yêu sách thay vì giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc sẽ có nguy cơ làm rạn nứt khối 10 quốc gia. Sự thống nhất của Hiệp hội sẽ bị xói mòn nếu sáu thành viên tham gia vào các cuộc đàm phán với Trung Quốc thay vì ASEAN nói chung, cho phép nước láng giềng phương bắc hùng mạnh của ASEAN vượt qua vai trò trung tâm của ASEAN và đưa ra các điều khoản có lợi cho họ.
Xem thêm:
The Star ngày 23/10/2022: ‘Claimants only’ Code of Conduct on South China Sea risks polarising Asean
———-
IX- CHUYỂN ĐỘNG LIÊN BANG NGA
Putin đã mất nhiều năm cố gắng thay thế các bộ phận thiết bị và công nghệ phương Tây trong quân đội, nhưng hầu hết đều thất bại
Ngay cả trước khi các lệnh trừng phạt cắt đứt quyền tiếp cận của Vladimir Putin đối với những nguồn cung ứng phương Tây quan trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng, một cuộc đánh giá nội bộ của chính phủ Nga cho thấy nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhập khẩu trong nhiều năm của nước này đã thất bại. Bây giờ quân đội của Putin đang phải trả giá. Nhưng nhà lãnh đạo Nga vẫn khẳng định hôm thứ Sáu ngày 14/10/2022 rằng ông không hối tiếc về cuộc chiến kéo dài 8 tháng ở Ukraine, trong đó các lực lượng Nga đã giết chết hàng chục nghìn người và bị cáo buộc tra tấn trên diện rộng và hành quyết hàng loạt dân thường.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 14/10/2022: Putin Tried for Years to Stop His Military Using Western Parts and Mostly Failed. Một bản PDF được lưu ở đây.
———–
X- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Nhật Bản và Trung Quốc đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao với thông điệp sẵn sàng hợp tác trong bối cảnh căng thẳng gia tăng
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trao đổi điện mừng hôm thứ Năm nhân kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tập nói với Kishida rằng ông coi trọng “tầm quan trọng lớn” đối với sự phát triển của các mối quan hệ và ông sẵn sàng hợp tác để xây dựng các mối quan hệ “đáp ứng các yêu cầu của kỷ nguyên mới.” Tương tự, Kishida nói với Tập rằng mặc dù có “nhiều vấn đề và thách thức” trong mối quan hệ, nhưng ông hy vọng sẽ mở đường cho một “tương lai mới”.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 29/9/2022: Japan, China mark 50 years of diplomatic ties as tensions mount. Một bản toàn văn được lưu ở đây.
Niềm tin của các công ty Hoa Kỳ vào Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục do chính sách Zero COVID của Trung Quốc và những căng thẳng chính trị
Một cuộc khảo sát gần đây của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Trung Quốc, một tổ chức gồm hơn 270 công ty Hoa Kỳ, cho thấy sự lạc quan của các công ty Hoa Kỳ về Trung Quốc đã giảm xuống mức mới vì phải đối mặt với các chính sách nghiêm ngặt về COVID-19, những căng thẳng địa chính trị và mối quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng xấu đi.
Chỉ còn 51% số người được hỏi bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh doanh của họ ở Trung Quốc, so với 69% trong năm ngoái. Khoảng 96% công ty bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp kiểm soát đại dịch của Trung Quốc, với hơn một nửa số công ty tạm dừng, trì hoãn hoặc hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch đầu tư của họ tại nước này.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 29/8/2022: US Firms’ China Optimism Falls to Record Low on Covid Zero, Political Tensions. Một bản PDF được lưu ở đây.
Tập Cận Bình: Đồng tư duy, chung nhịp đập để giương buồm đưa con tàu vĩ đại của Giấc mơ Phục hưng Dân tộc Trung Hoa tiến về phía trước
Ngày 17/10/2022, Tập Cận Bình đã tham dự một phiên thảo luận với phái đoàn Quảng Tây dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần thứ 20, mà trên danh nghĩa ông là đại biểu. Tập chỉ rõ “phương hướng sự nghiệp của ĐCSTQ và đất nước” là “Tuyên ngôn chính trị và kế hoạch hành động” của đảng để đoàn kết, lãnh đạo nhân dân các dân tộc Trung Quốc đi lên và phát triển chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc ở kỷ nguyên mới và hành trình mới. Ông kêu gọi phải nắm vững những yêu cầu quan trọng của việc lãnh đạo cuộc đại cách mạng xã hội (伟大 社会 革命) với đại cách mạng tự thân (伟大 自我 革命); nắm vững “yêu cầu của thời đại về đoàn kết và đấu tranh”; toàn đảng và nhân dân các dân tộc ở Trung Quốc đoàn kết dưới ngọn cờ của ĐCSTQ là “thép cứng” (一块 坚硬 的 钢铁); “Đồng tư duy, chung nhịp đập cùng về một nơi” (心 往 一 处 想 、 劲 往 一 处 使); đưa “con tàu vĩ đại của giấc mơ phục hưng dân tộc Trung Quốc” ra khơi. Tập lưu ý rằng 5 năm qua cũng như 10 năm kể từ khi kỷ nguyên mới bắt đầu là “cực kỳ bất thường và phi thường.” Tập kêu gọi kiên trì phát huy tinh thần tự cách mạng của đảng để bảo đảm rằng ĐCSTQ “không bao giờ thay đổi về chất, sắc, và hương”, luôn là hạt nhân lãnh đạo vững chắc trong sự nghiệp chủ nghĩa xã hội đặc trưng Trung Quốc. Tập đã điểm lại những thành tựu chính của đảng kể từ sau Đại hội ĐCSTQ lần 18, bao gồm ổn định nền kinh tế, thúc đẩy phát triển, chống đói nghèo, xây dựng một xã hội thịnh vượng vừa phải và kiểm soát đại dịch, cùng những thành tựu khác. Ông nói rằng nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là “xắn tay áo và làm việc chăm chỉ” để thực hiện các quyết định và sự sắp xếp lớn được đưa ra tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20.
Xem thêm:
Nhân dân Nhật báo ngày 18/10/2022: 心往一处想劲往一处使推动中华民族伟大复兴号巨轮乘风破浪扬帆远航
———-
XI- ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ HAI MƯƠI CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC
Toàn văn Báo cáo Đại hội
Đại hội đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc sẽ diễn ra trong một tuần từ ngày 16 đến ngày 22/1/2022 và sẽ sửa đổi Điều lệ đảng, một người phát ngôn của đảng cho biết hôm thứ Bảy. Việc sửa đổi Điều lệ đảng nằm trong dự đoán của các nhà phân tích nhằm mở đường cho Tập Cận Bình tiếp tục là Tổng bí thư của đảng nhiệm kỳ 5 năm thứ ba và trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Đại hội sẽ kết thúc với việc giới thiệu Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị tiếp theo, cơ quan ưu tú hiện gồm bảy thành viên và ông Tập nắm quyền thống trị.
Đại hội đảng lần thứ 20 dự kiến sẽ đưa ra những dấu hiệu về những gì Tập dự định thực hiện trong nhiệm kỳ sắp tới. Các câu hỏi lớn xoay quanh các cuộc bổ nhiệm cấp dưới quan trọng, liệu Tập có được trao quyền lực cao hơn nữa trong đảng hay không, ông dự định làm gì đối với nền kinh tế bị tàn phá của Trung Quốc và cam kết nắm quyền kiểm soát Đài Loan.
Tập Cận Bình với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc Đại hội bằng việc trình bày báo cáo chính trị của mình, hay còn gọi là zhengzhi baogao (政治 報告), trong đó ông ca ngợi vai trò lãnh đạo của Đảng và vạch ra những ưu tiên chính trong 5 năm tới.
Báo cáo trước Đại hội Đảng về mặt kỹ thuật là báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19 sắp mãn nhiệm trước Đại hội Đảng lần thứ 20. Báo cáo nhằm mục đích báo cáo tóm tắt công việc của Đảng trong năm năm qua, “báo cáo” về trước Đại hội (về mặt kỹ thuật là tổ chức Đảng cao nhất).
Còn trên thực tế, phần lớn báo cáo là hướng về tương lai, là bản tuyên ngôn công khai có thẩm quyền nhất về chính sách của Đảng về tất cả các vấn đề lớn mà từ đây tất cả các tài liệu khác của hệ thống chính sách và cơ sở sẽ được tạo ra sau đó.
Toàn bộ quá trình đọc bản báo cáo kéo dài gần hai giờ đồng hồ, trong đó hàng trăm đại biểu có mặt chăm chú viết vội các bản sao của mình và khi được nhắc nhở, họ đã vỗ tay tán thưởng, theo tường thuật của China Media Project.
Tuy nhiên, phiên bản được Tập Cận Bình trình bày tại đại hội ngắn hơn ít nhất một phần ba so với bản báo cáo đầy đủ, như các nhà bình luận trên phương tiện truyền thông nhà nước đã tiết lộ ngay sau khi phát sóng. Đọc bản báo cáo đầy đủ có lẽ sẽ cần thêm một giờ trình diễn của Tập Cận Bình, điều mà các nhà lập kế hoạch có thể cảm thấy là một yêu cầu quá cao đối với nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước, hiện đã 69 tuổi.
Thay vào đó, Tập đã làm điều được gọi là “chọn ra những điểm mấu chốt”, hay tiao zhongdian (挑 重点). Tại những thời điểm nhất định, Tập tạm dừng để hắng giọng, ho hoặc uống một ngụm trà hoặc nước ngắn, chiếc cốc kêu lục cục khi ông đưa nó trở lại đĩa.
Lần cuối cùng có sự khác biệt đáng kể như vậy giữa báo cáo được trình bày và báo cáo toàn văn là tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 16 của ĐCSTQ năm 2002, khi người báo cáo khi đó là Giang Trạch Dân, lúc đó 76.
Đính kèm dưới đây là toàn văn báo cáo của Tập tại Đại hội và bản dịch tiếng Anh.
20th Party Congress Report_English.pdf
20th Party Congress Report_中文.pdf
Xem thêm:
The Guardian ngày 14/10/2022: China’s Communist party congress: everything you need to know
China Talk ngày 13/10/2022: 20th Party Congress Report Crash Course
China Media Project ngày 16/10/2022: The Long and Short of Xi’s Political Report
Danh sách Uỷ ban Trung ương khóa mới và các văn bản nghị quyết Đại hội
Danh sách Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 (205 người)
Tân Hoa Xã ngày 22/10/2022: (二十大受权发布)中国共产党第二十届中央委员会委员名单
Danh sách Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 20 (171 người)
Tân Hoa Xã ngày 22/10/2022: (二十大受权发布)中国共产党第二十届中央委员会候补委员名单
Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc về Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 19
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 22/10/2022: (CPC Congress) Full text of resolution on 19th CPC Central Committee report
Tân Hoa Xã ngày 22/10/2022: (二十大受权发布)中国共产党第二十次全国代表大会关于十九届中央委员会报告的决议-新华网
Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc về Hiến pháp sửa đổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 22/10/2022: (二十大受权发布)中国共产党第二十届中央纪律检查委员会委员名单
Thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc: Một đồng minh trung thành với Tập, người giám sát chính sách Zero-COVID nghiêm ngặt ở Thượng Hải
Bí thư Thượng Hải Lý Cường, người đã giám sát việc phong tỏa Thượng Hải kéo dài hai tháng với chính sách Zero-COVID đang trên đường trở thành thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc sau khi ông được nâng lên vị trí số 2 trong Ủy ban thường vụ.
Xem thêm:
Reuters ngày 23/10/2022: China’s next premier Li: A Xi loyalist who oversaw Shanghai lockdown
Nhóm cố vấn của Tổng thống Biden vẫn tiếp tục cố gắng thiết lập cuộc gặp với Tập Cận Bình
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ sẽ không thay đổi lập trường đối với Trung Quốc của một Tập Cận Bình giờ đây nắm nhiều quyền lực hơn. Các cố vấn của chính phủ Biden đang cố gắng thiết lập một cuộc họp giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Tập trong dịp Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali vào tháng tới. Sau khi Tập thành công đưa được các đồng minh thân cận vào các cơ quan quyền lực nhất của Trung Quốc, các quan chức Hoa Kỳ kỳ vọng Tập sẽ giảm nhẹ các chính sách theo chủ nghĩa biệt lập và dự đoán Tập sẽ trỗi dậy mạnh mẽ hơn từ nhóm theo xu hướng hung hăng hơn đối với Hoa Kỳ và các quốc gia khác.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 24/10/2022: Biden Team Works on Setting Up Xi Meeting as Chinese Leader Tightens Grip. Một bản PDF được lưu ở đây.
Phần thưởng cho những tướng lĩnh sẵn sàng chiến đấu
Hôm Chủ nhật ngày 23/10/2022, Tập Cận Bình đã giao các vai trò quan trọng cho hai tướng lĩnh quân đội khi trong nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng chiến đấu của Trung Quốc và tiếp tục gây áp lực lên Đài Loan.
Trương Hựu Hiệp, 72 tuổi, giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và hiện là thành viên lớn tuổi nhất của Bộ Chính trị sau khi Tập xóa bỏ định mức nghỉ hưu. Đại tướng là cộng sự lâu năm của Tập và là một trong số ít quan chức quân đội cấp cao có kinh nghiệm chiến đấu, từng tham chiến chống Việt Nam hàng chục năm trước.
Vị trí phó chủ tịch khác thuộc về Hà Vệ Đông, người đứng đầu bộ chỉ huy quân sự chịu trách nhiệm về Đài Loan. Khi khai mạc đại hội đảng, Tập đã nói rằng “việc thống nhất” với Đài Loan “phải được thực hiện và chắc chắn có thể thực hiện được.”
Xem thêm:
Bloomberg ngày 24/10/2022: Xi Rewards Combat-Ready China Generals as Taiwan Tensions Rise. Một bản PDF được lưu ở đây.
Joern Petring: Tại sao thị trường chứng khoán giảm – bất chấp dữ liệu kinh tế tích cực
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 đã kết thúc và dữ liệu kinh tế đã được công bố: Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn dự kiến. Tuy nhiên, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sụp đổ. Các nhà đầu tư tin rằng một tương lai đặc biệt tồi tệ đang chờ đợi lĩnh vực công nghệ bị vùi dập.
Thị trường chứng khoán ở Trung Quốc và Hồng Kông đã bất ngờ thức tỉnh vào thứ Hai. Trái ngược với những gì mà các đại diện doanh nghiệp đã hy vọng từ trước, Ủy ban thường vụ bảy thành viên của Tập Cận Bình chỉ gồm những người trung thành. Không một nhà cải cách kinh tế nào lọt vào ủy ban quyền lực nhất của đất nước.
Trong khi chỉ số hàng đầu tại Thượng Hải mất khoảng 2%, giá trên sàn chứng khoán Hồng Kông đã giảm mạnh hơn 6% vào thứ Hai. Điều này cho thấy các nhà đầu tư quốc tế nói riêng, những người có khả năng tiếp cận dễ dàng hơn với Hồng Kông so với các thị trường đại lục, xem sự thay đổi hướng đi của Bắc Kinh là một tín hiệu báo động cho sự phát triển thị trường trong tương lai.
Cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc đã bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng sau khi họ đã trở thành mục tiêu của các nhà quản lý trong hai năm qua và từ đó đã mất đi một lượng giá trị đáng kể. Gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến Alibaba đã mất khoảng 10% vào thứ Hai. Tập đoàn Internet Tencent mất hơn 11%.
Sự phục hồi đứng trên nền đất rung chuyển
Nhưng các số liệu kinh tế được công bố hôm thứ Hai có vẻ không quá tệ. Theo các số liệu chính thức, nền kinh tế đã tăng trưởng 3,9% trong quý thứ ba, mạnh hơn dự kiến của các nhà phân tích. Trong quý hai, tăng trưởng chỉ đạt 0,4%, chủ yếu do các hạn chế nghiêm ngặt chống dịch Covid.
Ban đầu, dữ liệu đáng lẽ đã được công bố vào tuần trước. Không có lý do nào được đưa ra cho sự chậm trễ. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng mọi sự chú ý được cho là tập trung vào Đại hội CP. Các dữ liệu kinh tế khác vào thứ Hai đã vẽ nên một bức tranh hỗn hợp: Trong khi sản xuất công nghiệp tăng đáng kể 6,3% trong tháng Chín, thì tăng trưởng doanh số bán lẻ chậm hơn dự kiến là 2,5%. Tỷ lệ thất nghiệp chính thức ở thành thị cũng tăng lần đầu tiên sau 4 tháng, tăng 0,2 điểm phần trăm lên 5,5 phần trăm.
Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu yếu tiếp tục làm chậm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc. Xuất khẩu trong tháng 9 chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái tính theo USD, Hải quan Trung Quốc báo cáo hôm thứ Hai. Xuất khẩu đã mất đà trong tháng trước, chỉ tăng 7,1%. Nhập khẩu cũng chỉ tăng 0,3% trong tháng 9, bằng với tháng trước. Xuất khẩu chỉ tốt hơn một chút so với dự đoán của các chuyên gia, trong khi nhập khẩu kém hơn một chút. Do đó, sự phục hồi kinh tế vẫn còn chưa ổn định.
Thị trường bất động sản vẫn không ổn định
Kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ sẽ tiếp tục là động lực kinh tế. Nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard của Capital Economics cho biết: “Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ dỡ bỏ chính sách zero-Covid trong tương lai gần cho đến năm 2024, và do đó, một căng thẳng tương ứng đối với sự tăng trưởng kinh tế. Nhà kinh tế Iris Pang của công ty ngân hàng ING cũng tin rằng việc đối phó với đại dịch sẽ rất quan trọng trong tương lai gần. Pang nói: “Ngay cả khi các biện pháp chống dịch trở nên linh hoạt hơn, thì phong tỏa vẫn là một yếu tố chính khó đoán biết, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản.”
Tình hình thị trường bất động sản thực sự vẫn rất quan trọng. Kể từ sau vụ phá sản kéo theo sự phá sản của công ty dẫn đầu thị trường Evergrande, ngành công nghiệp này đã không thể đứng vững và giá tiếp tục giảm. Trong quá khứ, xây dựng nhà ở đã từng là mũi nhọn của các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc. Bất cứ khi nào họ phát hành thêm các khoản vay thế chấp, hoạt động xây dựng tăng lên – và tăng trưởng cũng tăng lên.
Nhưng cả các hộ gia đình và các nhà phát triển bất động sản hiện nay đều không có khả năng chấp nhận rủi ro của các dự án mới. Ngay cả những đơn đặt hàng từ quân đội cũng không tạo được động lực cho lĩnh vực này, cũng như không có nguồn tài chính dồi dào. Thay vào đó, các ngân hàng nhà nước hiện mua tài sản để hỗ trợ giá. Vì niềm tin vào giá cả tăng liên tục đã bị mất, bong bóng trong những năm qua tiếp tục co lại một cách khó tin. Do đó, các ngành chủ chốt như ngành thép cũng bị ảnh hưởng.
Bởi vậy, các nhà phân tích được khảo sát bởi Reuters dự kiến chỉ tăng trưởng 3,2% trong năm nay. Con số đó sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 5,5% ban đầu do chính phủ Bắc Kinh đặt ra. Đặc biệt gây thất vọng cho Đảng Cộng sản Trung Quốc: 50 chương trình kích thích kinh tế mà nó đưa ra vào mùa xuân không có tác dụng đáng kể, mặc dù chính phủ đã đầu tư rất lớn. Và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cũng vẫn ở mức cao, có thể tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội lớn nhất cùng với tình hình thị trường bất động sản.
Eliot Chen: Tập Cận Bình qua những con số
Vào trước ngày đăng quang dự kiến của Tập Cận Bình nhiệm kỳ thứ ba, hãy xem những con số minh họa quyền lực của Tập và đất nước đã thay đổi như thế nào trong suốt thập kỷ của ông.
Xem thêm:
The Wire China ngày 16/10/2022: Xi Jinping By the Numbers. Một bản PDF được lưu ở đây.
Han Chen Bethany & Allen-Ebrahimian: Trung Quốc sau một thập kỷ cầm quyền của Tập Cận Bình
Một số nhà quan sát phương Tây tin rằng thương mại toàn cầu sẽ giúp truyền bá các giá trị dân chủ tự do tới Trung Quốc, nhưng sự trỗi dậy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng minh rằng chủ nghĩa độc tài cũng có thể lan truyền thông qua các mối quan hệ kinh tế.
Trong nhiệm kỳ 10 năm của mình, Tập đã biến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thành một công cụ để thể hiện sức mạnh địa chính trị. Bằng cách cho nước ngoài tiếp cận nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc phụ thuộc vào đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập đã gây áp lực buộc các công ty và chính phủ trên khắp thế giới ủng hộ các mục tiêu chính trị trong nước và quốc tế của Bắc Kinh, cũng như làm tăng khả năng của Trung Quốc trong việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế, tạo thuận lợi cho các công ty Trung Quốc có chỗ đứng trên thị trường toàn cầu. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền. Việc Tập tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba bất chấp tiền lệ dự đoán quỹ đạo hiện tại của Trung Quốc sẽ tiếp tục.
Xem thêm:
Axios ngày 15/10/2022: What China looks like after a decade of Xi Jinping’s rule
Bilahari Kausikan: Trung Quốc của Tập Cận Bình đã mắc 3 sai lầm trong chính sách đối ngoại
Trong bài phỏng vấn tờ Nikkei Asia, nhà ngoại giao hàng đầu đã nghỉ hưu của Singapore đã nhận định rằng Trung Quốc đã phạm phải ba sai lầm rất cơ bản. Sai lầm lớn đầu tiên là đã sớm từ bỏ cách tiếp cận của Đặng Tiểu Bình là ẩn mình chờ thời kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và dẫn đến khoe khoang quá nhiều. Đây là một sai lầm không thể sửa chữa vì một khi bạn khoe khoang, dù bạn có im lặng đi chăng nữa thì mọi người cũng sẽ không quên những gì bạn đã nói.
Sai lầm thứ hai cũng liên quan tới năm 2008. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tin vào chính những tuyên truyền của họ, mà vốn chỉ dành cho công chúng. Đó là Hoa Kỳ nói riêng và phương Tây nói chung đang suy sụp tuyệt đối và không thể phục hồi được.
Khoảng một tháng trước, Giáo sư Vương Tập Tư của Đại học Bắc Kinh đã rất dũng cảm khi đưa ra một điểm rất quan trọng nhưng trái với lập trường chính thống rằng phương Đông đang trỗi dậy. Ông nói rằng đừng tin Hoa Kỳ đang suy sụp tuyệt đối; Hoa Kỳ chỉ suy giảm tương đối so với Trung Quốc bởi vì Trung Quốc đang phát triển. Nhưng Hoa Kỳ vẫn hoàn toàn chiếm ưu thế so với mọi quốc gia lớn khác.
Và sai lầm thứ ba là mối quan hệ đối tác “không có giới hạn” với Nga. Nga chỉ có thể ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Trung Quốc có thể nhận được một số năng lượng rẻ nhưng như chúng ta có thể thấy, Trung Quốc lo lắng hơn về việc bị vướng vào mối quan hệ ở thời điểm có quá nhiều vấn đề kinh tế trong nước và tăng trưởng đang chậm lại.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 12/10/2022: Xi’s China has made 3 foreign policy mistakes: Bilahari Kausikan. Một bản PDF được lưu ở đây.
James Palmer: Cái quái gì vừa xảy ra với Hồ Cẩm Đào?
Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc đã kết thúc vào thứ Bảy với một đoạn phim truyền hình trực tiếp hiếm hoi và gây sốc. Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ năm 2002 đến năm 2012, đã bị các nhân viên hộ tống rời khỏi Đại hội Đảng một cách công khai, ngay trước các cuộc bỏ phiếu cuối cùng của kỳ họ. Nét mặt của ông cho thấy rõ ràng một sự bối rối và khó chịu. Hồ được sắp xếp ngồi ở vị trí nổi bật bên cạnh nhà lãnh đạo ĐCSTQ hiện tại Tập Cận Bình, và vụ việc đã được ghi lại trên máy quay; ông dường như hỏi Tập và Thủ tướng Lý Khắc Cường một câu hỏi và cả hai đều gật đầu, trong khi Tập ngăn ông lấy một số giấy tờ bằng cách đặt tay lên chúng. Lật Chiến Thư đã đứng dậy để hỗ trợ Hồ khi ông rời đi nhưng bị nhà lý luận chính trị Vương Hỗ Ninh ngồi bên cạnh kéo áo khoác của ông trở lại.
Tác giả đưa ra một số giả thuyết về lý do đằng sau sự kiện này. Khả năng thứ ba, và đáng lo ngại nhất, nhưng lại là khả năng mà có lẽ nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc đồng tình, là sự kiện này đã được lên kế hoạch, và chúng ta vừa chứng kiến Tập cố tình và công khai làm nhục người tiền nhiệm của mình. Đây có thể là tiền thân của việc sử dụng các công cụ kỷ luật đảng, sau đó là sự trừng phạt của tư pháp, chống lại ông ta. Đây sẽ là một động thái phi thường nhưng là một động thái truyền tải thông điệp về quyền lực tuyệt đối của Tập – một điều được củng cố bởi phần còn lại của Đại hội Đảng.
Xem thêm:
The Straits Times ngày 23/10/2022: China’s ex-president Hu Jintao leaves stage unexpectedly at closing session of CPC congress
Foreign Policy ngày 22/10/2022: Did Xi Jinping Just Purge Hu Jintao at China’s Party Congress?. Một bản PDF được lưu ở đây
Nikkei Asia ngày 23/10/2022: China’s Vice Premier Hu Chunhua demoted from Politburo
Susan Shirk: Sự tập trung quyền lực quá mức của Tập Cận Bình
Theo tác giả, khi các thể chế cũ của Đảng tan biến dưới thời cầm quyền của ông, Tập Cận Bình có thể sẽ bắt đầu một thời kỳ bất ổn chính trị mới, bề ngoài là ổn định, nhưng rất mong manh về mặt cấu trúc. Sự quá đà của ông Tập có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong nhiệm kỳ thứ ba khi sự tập trung quyền lực của ông sẽ còn lớn hơn. Nhưng chi phí của cách tiếp cận quá đà này và thiếu sự chia sẻ quyền lực Tập đang khiến các thành viên ưu tú của Trung Quốc thất vọng.
Xem thêm:
The Wire China ngày 23/10/2022: Xi Jinping’s Overconcentration of Power. Một bản PDF được lưu ở đây.
China Leadership Monitor & Freeman Chair of the Center for Strategic and International Studies: Tương lai Trung Quốc dưới quyền lực của Tập Cận Bình
Theo nội dung rút ra từ cuộc thảo luận giữa hai nhóm học giả, sau khi đảm bảo nhiệm kỳ Tổng Bí thư thứ ba vào tháng 10 tới đây, ông Tập sẽ phải đương đầu với những thách thức khó khăn trong nước và quốc tế. Những thành công và thất bại trong quá khứ, cũng như điểm mạnh và điểm yếu của cá nhân ông, làm sáng tỏ những gì ông nắm quyền trong những năm tháng sau này.
Với tư cách là nhà lãnh đạo đảng, Tập đã tích lũy được quyền lực cá nhân đáng kể nhưng đi kèm là cái giá phải trả. Các cuộc thanh trừng thường xuyên trong các cấp bậc trong đảng đã dẫn đến nhiều kẻ thù hơn, khiến Tập cảm thấy bất an hơn về quyền lực và do đó cần phải tiếp tục thanh trừng, ngay cả những người trung thành và đồng minh cũ. Ông cũng phải đối mặt với giới tinh hoa đảng bất mãn bị tước bỏ khả năng tích lũy vận may từ các vị trí của họ trong đảng.
Qua lăng kính lịch sử, việc duy trì quyền kiểm soát đảng có thể là thách thức đối với Tập. Không giống như Mao và Đặng, những người đã tích lũy được vốn chính trị đáng kể trước khi vấp phải những khó khăn chính trị nghiêm trọng, Tập không có cùng mức độ quyền lực trong đảng và không tích lũy được số vốn chính trị tương đương như Mao hay Đặng. Trong những năm tới, Tập có thể sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc thanh trừng khi gặp phải sự phản kháng và trau dồi nhân cách sùng bái để duy trì quyền lực. Do những tương tác hạn chế của Tập với các cán bộ trẻ hơn, ai có thể kế nhiệm ông vẫn chưa rõ ràng, thậm chí có thể với chính Tập.
Việc mở rộng khái niệm về an ninh quốc gia cũng đặt ra những thách thức đối với an ninh thực tế của Trung Quốc. Vì hầu hết mọi thứ đều có thể nằm trong tầm ngắm của an ninh quốc gia, các quan chức sẽ ưu tiên điều gì? Có thể các quan chức sẽ loại bỏ những rủi ro thực sự có ảnh hưởng đến an ninh của Trung Quốc và ưu tiên các mối đe dọa mà họ thận thức đối với an ninh của đảng. Bằng cách này, Triển vọng An ninh Quốc gia Tổng thể đã thể chế hóa sự hoang tưởng của đảng vào việc quản lý nhà nước.
Đài Loan là điểm nhấn quan trọng đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc và sẽ tiếp tục nằm trong số các ưu tiên hàng đầu của Tập, và có thể tiếp tục được tăng cường gấp đôi sau Đại hội Đảng. Mặc dù Tập muốn sử dụng các đòn bẩy chính trị và kinh tế để thúc đẩy thống nhất Đài Loan, nhưng sức mạnh quân sự đang ngày càng trở thành một công cụ hấp dẫn. Quan hệ xuyên eo biển chắc chắn sẽ được đánh dấu bằng sự bất ổn lớn hơn trong những tháng và năm tới.
Trong số những điểm yếu lớn nhất của ông Tập là khả năng nắm bắt nền kinh tế kém. Nhiều chính sách công nghiệp và môi trường của ông đã được chứng minh là mâu thuẫn và không hiệu quả. Những sự siết chặt kiểm soát thông qua các quy định đã tác động đáng sợ đối với môi trường kinh doanh của Trung Quốc và khiến các công ty phải trì hoãn kế hoạch mở rộng. Chính sách Covid của Tập và kết quả là kinh tế trì trệ ngày càng trở thành một khía cạnh cuộc sống sẽ còn tồn tại lâu dài ở Trung Quốc. Vẫn còn phải chờ xem Tập có thành công trong chủ trương tự cung tự cấp nền kinh tế của Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung cao cấp của nước ngoài. Ngoài ra, chi phí nhà ở cao, tỷ lệ thất nghiệp đáng kể của thanh niên và tăng trưởng kinh tế chậm lại đều có thể trở thành tiêu điểm của sự bất mãn lan rộng.
Tập có thể sẽ sử dụng vài năm tới để củng cố vị thế quốc tế của Trung Quốc và sự hấp dẫn của nước này với tư cách là một lựa chọn thay thế nhà lãnh đạo toàn cầu. Trong giai đoạn này, Hoa Kỳ sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng của các cuộc bầu cử, bị phân tán bởi sự phân cực trong dân chúng và khả năng bị chia rẽ trong chính phủ. Tập có thể sẽ thúc đẩy một phần (hoặc các phần) quan trọng trong chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của mình. Thành tích của Tập cho thấy ông là một nhà lãnh đạo có tham vọng lớn và có khả năng sẽ tận dụng những khoảnh khắc nắm bắt được các cơ hội chiến lược khi chúng xuất hiện.
Xem thêm:
China Leadership Monitor ngày 08/9/2022: Summary of a Joint CLM and Freeman Chair of CSIS Conference on Xi Jinping’s Decade in Power
John Dotson: Dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục cứng rắn hơn đối với Đài Loan sau Đại hội Đảng lần thứ 20
Các hoạt động quân sự cưỡng chế của CHND Trung Hoa nhằm vào Đài Loan vào tháng 8 đã đi kèm với một chiến dịch thông tin nhằm củng cố lập trường ngày càng cứng rắn của Bắc Kinh. Phát biểu của Vương Nghị và Sách Trắng về Chính sách Đài Loan là hai trong những yếu tố nổi bật nhất của chiến dịch này, nhằm đưa ra bốn thông điệp lớn: tính tất yếu của sự thống nhất; sự thất bại tất yếu của các âm mưu bất chính của Hoa Kỳ và đảng cầm quyền Đài Loan nhằm ngăn chặn sự thống nhất; quyết tâm kiên cường của CHND Trung Hoa nhằm đạt được sự thống nhất này theo các điều kiện của riêng mình; và sự lãnh đạo của ĐCSTQ trong việc theo đuổi mục tiêu này như một thành phần cơ bản của “sự phục hưng quốc gia”.
Các hành động và thông điệp của Bắc Kinh về Đài Loan đã được cho là chủ yếu nhằm phục vụ khán giả trong nước và tạo thuận lợi cho việc Tập Cận Bình giữ vững ngôi vị Tổng Bí thư ĐCSTQ nhiệm kỳ thứ ba. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu giả định Tập sẽ thực thi một đường lối mềm mỏng hơn đối với Đài Loan sau khi kết thúc đại hội đảng. Một khi được bảo đảm trong nhiệm kỳ thứ ba, Tập có khả năng sẽ rảnh tay hơn để theo đuổi các động thái thậm chí còn gây bất ổn và quyết liệt hơn ở Eo biển Đài Loan. Đường lối cứng rắn trong thông điệp của Bắc Kinh vào mùa hè này có thể là dấu hiệu của những điều xa hơn sắp xảy ra.
Xem thêm:
China Brief ngày 20/9/2022: Beijing Signals a Harder Line Policy on Taiwan Through the 20th Party Congress and Beyond
———–
XII- CHUYỂN ĐỘNG ĐÀI LOAN
Các công ty Đài Loan tại Trung Quốc đang có xu hướng tới Đông Nam Á hoặc trở lại Đài Loan
Một cuộc khảo sát với hơn 500 giám đốc điều hành công ty Đài Loan được tiến hành CSIS và được công bố trong tuần này cho thấy hơn một phần tư (25,7%) các công ty được khảo sát có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã chuyển một số hoạt động sản xuất hoặc tìm nguồn cung ứng ra khỏi Trung Quốc và một phần ba khác đang xem xét làm như vậy. Trong số các công ty đang di chuyển, 63,1% sẽ đến Đông Nam Á, và hơn một nửa chuyển một số hoạt động kinh doanh của họ trở lại Đài Loan.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 08/10/2022: Taiwanese companies in China flocking to Southeast Asia: survey
———-
XIII- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ
Ấn Độ phản đối chuyến thăm của nhà ngoại giao Hoa Kỳ tới phần lãnh thổ Kashmir phía bên Pakistan
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi cho biết Ấn Độ đã chuyển tới phía Hoa Kỳ sự phản đối của Ấn Độ với chuyến thăm và các cuộc họp tại các vùng lãnh thổ Jammu và Kashmir do “Pakistan chiếm đóng” của Đại sứ Hoa Kỳ tại Pakistan. Ấn Độ coi những vùng lãnh thổ này là của mình.
Xem thêm:
Reuters ngày 07/10/2022: India objects to U.S. diplomat’s visit to Pakistan side of Kashmir
———-
XIV- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đề xuất ủy ban ‘Chiến lược lớn’ đối với Trung Quốc hướng dẫn chính sách của Hoa Kỳ
Một nhóm lưỡng đảng gồm 15 thượng nghị sĩ đang tìm cách thành lập một ủy ban có nhiệm vụ xây dựng “chiến lược lớn” đối với Trung Quốc nhằm tránh xung đột với quốc gia đông dân nhất thế giới trong khi cho phép Hoa Kỳ theo đuổi lợi ích của mình.
Các thượng nghị sĩ và 12 đồng bảo trợ của họ – hầu hết ở trong Ủy ban Dịch vụ Vũ trang Thượng viện Hoa Kỳ – hy vọng sẽ đệ trình dự luật dưới dạng sửa đổi cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng mà Thượng viện dự kiến sẽ bắt đầu tranh luận vào tháng 10.
Xem thêm:
Defense News ngày 30/9/2022: Senators propose China ‘Grand Strategy’ commission to guide US policy
Thủ tướng Đức sẽ thăm Bắc Kinh và gặp Tập Cận Bình đầu tháng 11 với quan điểm không đảo lộn quan hệ với Trung Quốc nhưng khuyến khích các doanh nghiệp Đức đa dạng hóa thị trường
Theo nguồn tin từ Văn phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ thăm Bắc Kinh vào đầu tháng 11. Chuyến đi được kỳ vọng là tín hiệu khởi đầu chính thức cho việc nối lại quan hệ ngoại giao trực diện giữa Liên minh Châu Âu và CHND Trung Quốc, và do đó cũng là cơ hội để điều chỉnh lại quan hệ hai bên. Tuy nhiên, Scholz dừng chân tại Trung Quốc trong bối cảnh thiếu sự đoàn kết giữa chính phủ Đức và EU về quan hệ đối với Trung Quốc.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kỹ thuật Cơ khí của Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Cơ khí Đức lần thứ 13 được tổ chức trong hai ngày 10 và 11/10/2022, ông Scholz đã bày tỏ lập trường rõ ràng chống lại sự tách rời khỏi Trung Quốc: “Toàn cầu hóa là một câu chuyện thành công giúp tạo ra sự thịnh vượng cho nhiều người. Chúng ta phải bảo vệ nó,” Scholz nói. Theo Scholz, điều đúng đắn không phải là dừng làm ăn với Trung Quốc, mà là phải đa dạng hoá quan hệ giao thương. “Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta phải tiếp tục làm ăn với Trung Quốc. Nhưng chúng ta cũng phải đảm bảo rằng chúng ta giao thương với phần còn lại của thế giới, hãy nhìn sang phần còn lại của Châu Á, Châu Phi, Nam Mỹ – đó là cơ hội.”
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban Châu Âu, Valdis Dombrovskis, tại hội nghị cũng kêu gọi các công ty Châu Âu không rút khỏi thị trường Trung Quốc. “Tách khỏi Trung Quốc không phải là một lựa chọn cho các công ty ở Liên minh Châu Âu. Trung Quốc là một thị trường tăng trưởng quan trọng và là nhà cung cấp đầu vào quan trọng với giá cả phải chăng,” ông nói.
Văn phòng Ngoại giao Đức, nơi đang soạn thảo chiến lược Trung Quốc đầu tiên của chính phủ Đức, cũng có quan điểm tương tự. Tờ Handelsblatt dẫn lời Petra Sigmund, người đứng đầu bộ phận Châu Á, giải thích: “Giảm sự phụ thuộc về kinh tế không có nghĩa là chúng tôi muốn tách biệt hoàn toàn khỏi Trung Quốc. Đây là vấn đề về quản lý rủi ro, không phải phân tách.” Theo đó, Sigmund nhấn mạnh rằng Đức muốn tiếp tục làm việc với Trung Quốc. “Nhưng trong chính phủ đồng thuận với nhau rằng mọi chuyện cứ đơn giản tiếp diễn như cũ.
Tuy nhiên, Scholz tới Bắc Kinh trong bối cảnh Đức vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng về Trung Quốc. Và ở Brussels hiện đang có sự chia rẽ về chiến lược Trung Quốc của EU. Trong khi Ủy viên các vấn đề kinh tế Dombrovskis phản đối sự tách rời với Trung Quốc, Josep Borrell, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, đã đưa ra một bài phát biểu gần như bốc lửa và trực tiếp bất thường về một thế giới mà sự hợp tác với Trung Quốc không còn được mong đợi.
“Mọi người không nhận thức được điều đó nhưng thực tế là Nga và Trung Quốc không còn là những nước [họ] dành cho sự phát triển kinh tế của chúng ta sẽ đòi hỏi chúng ta tái cấu trúc mạnh mẽ nền kinh tế,” Borrell nói với các đại sứ EU hôm thứ Hai ngày 10/10. Thế giới mà Trung Quốc và Nga đã cung cấp nền tảng cho sự thịnh vượng của chúng ta không còn tồn tại nữa, Borrell nói. Ông cũng cảnh báo về xu hướng chung đối với các chế độ chuyên quyền trên toàn thế giới. Châu Âu cũng không còn có thể dựa vào sự bảo vệ của Hoa Kỳ trong vấn đề này.
Các Bộ trưởng Ngoại giao EU sẽ gặp nhau vào thứ Hai tuần tới với Trung Quốc và chiến lược Trung Quốc của EU trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên theo nội bộ EU, đã không có đủ thời gian để chuẩn bị cho một cuộc tranh luận sâu hơn về Trung Quốc.
Theo Joerg Wuttke, người đứng đầu Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, Bắc Kinh rất muốn có chuyến thăm này. Tập đã gửi lời mời Scholz tới Bắc Kinh từ hồi tháng 7, khi mà về lý thuyết, không thể xác nhận ông có tiếp tục tại vị sau tháng 10. Mục đích của Bắc Kinh là để phát đi thông điệp rằng Trung Quốc vẫn đang chơi “trong buổi hoà nhạc của các nghệ sĩ lớn.” “Chuyến thăm của Scholz trước thềm cuộc họp G20 cho thấy thế giới đang quay trở lại với Trung Quốc.”
Xem thêm:
VDMA ngày 11/10/2022: Scholz credits mechanical engineering with global solutions expertise
European Commission ngày 11/10/2022: Speech by Executive Vice-President Dombrovskis at 13th German Mechanical Engineering Summit
Annette Schavan: Scholz in Beijing – short trip without strategy?
———-
XV- CUỘC CHIẾN CỦA NGA Ở UKRAINE
Chính phủ Đức hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng cao
Đức tuyên bố sẽ tài trợ một “lá chắn bảo vệ” trị giá 200 tỷ USD cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chi phí năng lượng tăng cao. Đây được coi là sự can thiệp lớn nhất từ bất kỳ chính phủ Châu Âu nào để bảo vệ người tiêu dùng khỏi cuộc khủng hoảng năng lượng. Thủ tướng Olaf Scholz, người đã cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng, cho biết chính quyền của ông “sẽ làm mọi thứ có thể” để giảm chi phí năng lượng cho tất cả mọi người, từ những người nghỉ hưu đến các doanh nghiệp lớn.
Xem thêm:
Federal Ministry for Economic Affairs and Climate Action ngày 29/9/2022: Pressekonferenz zu aktuellen Fragen der Energieversorgung von Bundeskanzler Olaf Scholz, Robert Habeck, Bundesminister für Wirtschaft und Klimaschutz und Christian Lindner, Bundesminister der Finanzen
Reuters ngày 29/9/2022: Germany agrees 200 bln euro package to shield against surging energy prices
Scholz & Biden: Những lời đe dọa hạt nhân của Nga là “vô trách nhiệm”
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lên án việc Nga sáp nhập bất hợp pháp lãnh thổ Ukraine trong một cuộc điện đàm vào ngày 09/10/2022, theo Nhà Trắng. Chính phủ Đức cho biết các nhà lãnh đạo chỉ trích các mối đe dọa hạt nhân mới nhất của Điện Kremlin và đồng ý rằng một cuộc tấn công hạt nhân sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với Nga.
Xem thêm:
The White House ngày 09/10/2022: Readout of President Joe Biden’s Call with Chancellor Olaf Scholz of Germany
Các nhà lãnh đạo EU, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc lên án các cuộc không kích quy mô lớn của Nga
Tổng thống Estonia Alar Karis cho biết đây không chỉ là một cuộc chiến mà là “một tội ác chống lại loài người, kẻ tổ chức sẽ bị trừng phạt.” Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nhấn mạnh rằng “sự coi thường trắng trợn” của Nga đối với tính mạng dân thường đặt vấn đề trách nhiệm giải trình lên hàng đầu. Bộ Ngoại giao Lithuania kêu gọi hỗ trợ thêm cho Ukraine để nước này có thể tự vệ khi Nga tiếp tục khủng bố. Ít nhất 13 người thiệt mạng và 89 người, trong đó có 11 trẻ em, bị thương trong vụ tấn công ngày 9/10/2022.
Trong khi đó, người đứng đầu Liên Hợp Quốc António Guterres nói rằng các cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội Nga vào thủ đô Kyiv của Ukraine và các địa điểm khác đã gây sốc sâu sắc và thể hiện “một sự leo thang không thể chấp nhận được nữa.”
Xem thêm:
UN News ngày 10/10/2022: Ukraine: Russian large-scale strikes are ‘unacceptable escalation’, says Guterres
Campuchia chống lại việc Nga sáp nhập các khu vực của Ukraine
Chỉ vài giờ sau khi Moscow tuyên bố sáp nhập bốn khu vực của Ukraine, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết Campuchia duy trì nguyên tắc chống lại việc sáp nhập bất hợp pháp lãnh thổ của một quốc gia và sử dụng vũ lực để làm như vậy. Ông Hun Sen nói thêm rằng Campuchia sẽ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án hành động này của Nga nếu nó được đưa ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Xem thêm:
Cambodianess ngày 01/10/2022: Cambodia Stands against Russian Annexation of Ukraine’s Regions
Indonesia tại Liên Hợp Quốc: Các nguyên tắc cơ bản về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là không thể thương lượng. ASEAN từ chối làm con tốt trong ‘Chiến tranh Lạnh mới’
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã hai lần nói về “các nguyên tắc cơ bản về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là không thể thương lượng” nhưng không nhắc trực tiếp cuộc chiến của Nga ở Ukraine hay căng thẳng lãnh thổ ở Biển Đông. Đại diện cho Tổng thống Indonesia Joko “Jokowi” Widodo, Retno cũng chỉ trích hiện tượng hình thành các “nhóm nhỏ” thời hậu chiến, “trở thành một phần của chiến tranh ủy nhiệm giữa các cường quốc.”
“Đây không phải là kiến trúc khu vực nên có. Kiến trúc khu vực phải đóng vai trò là khối xây dựng cho hòa bình và ổn định hơn là phá hoại chúng,” bà nói. Một trong những khối như vậy là ASEAN được thành lập để thúc đẩy hòa bình trong khu vực.
“ASEAN được xây dựng chính xác cho mục đích này. Chúng tôi từ chối trở thành một con tốt trong một cuộc Chiến tranh Lạnh mới,” Retno nói. “Thay vào đó, chúng tôi tích cực thúc đẩy mô hình hợp tác với tất cả các quốc gia. Mô hình này cũng sẽ chỉ dẫn vai trò Chủ tịch của Indonesia trong ASEAN vào năm tới.”
Xem thêm:
RFA ngày 26/9/2022: Indonesia at UN: ASEAN refuses to be a pawn in ‘a new Cold War’
Thương vong không thể cứu vãn của Nga ở Ukraine lên tới 90.000 quân
iStories, một dự án báo chí điều tra độc lập của Nga, đã trích dẫn một nguồn ẩn danh tại Cơ quan An ninh Liên bang của đất nước và một cựu sĩ quan tình báo. Thương vong không thể phục hồi bao gồm những người thiệt mạng hoặc mất tích trong khi hành động, những người chết trong bệnh viện và những quân nhân bị thương không thể trở lại nghĩa vụ quân sự. Vào cuối tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Nga đã mất hơn 80.000 quân trong sáu tháng ở Ukraine so với 15.000 mà họ mất trong một thập kỷ ở Afghanistan.
Xem thêm:
iStories ngày 12/10/2022: Источники «Важных историй»: безвозвратные потери российской армии в Украине могут составлять более 90 тысяч человек
Stoltenberg: Phòng không là ‘ưu tiên hàng đầu’ trong hỗ trợ của NATO cho Ukraine
Trong các cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng NATO và Nhóm liên lạc về Ukraine tại Brussels vào ngày 12-13/10/2022, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước Đồng minh NATO cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine, gọi đây là “ưu tiên hàng đầu” đối với những người tham dự. Ông nói: “Các cuộc tấn công bừa bãi khủng khiếp nhằm vào các thành phố của Ukraine… cho thấy nhu cầu cấp bách về việc tăng cường phòng không cho Ukraine.”
Xem thêm:
The Kyiv Independent ngày 12/10/2022: Stoltenberg: Air defense to be ‘top priority’ in NATO support for Ukraine
NATO ngày 12/10/2022: Doorstep statement by NATO Secretary General Jens Stoltenberg ahead of the meetings of NATO Defence Ministers in Brussels
Đức cung cấp thêm cho Ukraine thêm MLRS, pháo
Đức sẽ bàn giao “thêm” cho Ukraine pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 và nhiều hệ thống tên lửa phóng MARS II “trong vài tuần tới”, Bộ Quốc phòng Đức đã tweet trong cuộc họp Ramstein lần thứ sáu tại Brussels vào ngày 12/10/2022.
Xem thêm:
The Kyiv Independent ngày 12/10/2022: Germany to give Ukraine additional MLRS, howitzers
Hà Lan cung cấp tên lửa đất đối không trị giá 14,5 triệu USD cho Ukraine
Sau các cuộc tấn công bằng tên lửa hàng loạt gần đây của Nga vào Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Kajsa Ollongren ngày 12/10/2022 cho biết các cuộc tấn công này sẽ chỉ nhận được phản ứng là “sự hỗ trợ không ngừng cho Ukraine và người dân nước này.”
Xem thêm:
De Telegraaf ngày 12/10/2022: Nederland levert extra luchtafweerraketten aan Oekraïne: boekwaarde 15 miljoen euro
Pháp cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine
Pháp sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không, bao gồm radar và tên lửa, trong những tuần tới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Pháp France 2 vào ngày 12/10/2022. Ông không cung cấp chi tiết về loại tên lửa chống máy bay hoặc bao nhiêu tên lửa sẽ được chuyển giao. Macron cũng xác nhận rằng ông đã đàm phán về việc chuyển giao 6 xe pháo Caesar cho Ukraine.
Xem thêm:
France 24 ngày 12/10/2022: France to supply air defence systems to Ukraine after wave of Russian strikes
Anh cung cấp tên lửa phòng không cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết Anh sẽ chuyển giao tên lửa AMRAAM cho Ukraine. “Những vũ khí này sẽ giúp Ukraine bảo vệ bầu trời của mình khỏi các cuộc tấn công và tăng cường năng lực phòng thủ tổng thể của họ cùng với NASAMS của Hoa Kỳ,” Wallace cho biết.
Xem thêm:
The Guardian ngày 13/10/2022: Ukraine claims gains near Kherson as UK sends anti-aircraft missiles
Canada thông báo viện trợ quân sự bổ sung trị giá 47 triệu USD cho Ukraine
Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand hôm 12/10/2022 cho biết gói viện trợ quân sự mới sẽ bao gồm quần áo và thiết bị mùa đông, đạn pháo và công nghệ thông tin liên lạc. Trước đó, bà nói rằng quân đội Canada sẽ triển khai khoảng 40 kỹ sư chiến đấu đến Ba Lan để đào tạo cho quân đội Ukraine các kỹ năng kỹ thuật, sử dụng chất nổ để phá dỡ và rà phá bom mìn.
Xem thêm:
CBC ngày 12/10/2022: Canada announces $47M in new military aid for Ukraine
Washington cung cấp hỗ trợ ngân sách 4,5 tỷ USD cho Ukraine
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho Ukraine 4,5 tỷ USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp trong những tuần tới.
Xem thêm:
Reuters ngày 12/10/2022: Yellen calls for allies to quickly disburse committed funds to Ukraine
Các quốc gia NATO ủng hộ dự án Lá chắn chống tên lửa cho Châu Âu do Đức lãnh đạo
Ít nhất 15 quốc gia NATO đã ký bày tỏ ý định tham gia một dự án dài hạn của Đức nhằm tạo ra lá chắn tên lửa cho Châu Âu. Mục đích của lá chắn nhiều lớp là tăng cường bảo vệ phần lớn lục địa sau khi Nga xâm lược Ukraine và các mối đe dọa do Tổng thống Vladimir Putin tạo ra.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 13/10/2022: NATO States Back German-led Anti-Missile Shield for Europe. Một bản PDF được lưu ở đây
NATO ngày 13/10/2022: https://www.nato.int/cps/en/natohq/news_208103.htm
Estonia World ngày 17/10/2022: Estonia joins the European Sky Shield Initiative
Sự hỗ trợ của Belarus cho cuộc chiến của Nga
Theo ấn phẩm độc lập Nasha Niva của Belarus trích dẫn một số nguồn tin ẩn danh, nhằm mục đích “tăng cường các đơn vị chiến đấu hiện có,” Belarus bắt đầu bí mật động viên quân dịch quy mô nhỏ “dưới vỏ bọc của một cuộc kiểm tra năng lực chiến đấu.” “Ở giai đoạn đầu, chiến dịch này sẽ không ảnh hưởng đến các thành phố lớn – người dân nông thôn sẽ được huy động trước.”
Còn nhóm giám sát độc lập Belarus Hajun cho biết Belarus đã cung cấp ít nhất 67 xe tăng T-72 và 28 xe tải quân sự Ural cho Nga.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Belarus dẫn lời Phó tổng tham mưu trưởng Belarus Viktor Tumar cho biết quân đội Nga sẽ đến Belarus “trong những ngày tới,” và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý thành lập một bộ chỉ huy quân sự chung giữa hai nước.
Xem thêm:
Nasha Niva ngày 13/10/2022: Крыніцы: Рашэнне аб мабілізацыі ў Беларусі прынятае. Яна пройдзе пад выглядам праверкі баяздольнасці
Belarusian Hajun project ngày 14/10/2022: Режим Лукашенко передал РФ ещё минимум 22 танка
UNN ngày 14/10/2022: У білорусі заявили, що російські військові почнуть прибувати найближчими днями
Người Nga đang sử dụng Telegram để mua chứng nhận y tế giả nhằm trốn lệnh gọi nhập ngũ
Tờ Defense Connect ngày 11/10/2022 đã công bố những phát hiện trong nghiên cứu của công ty Flashpoint, khẳng định rằng những công dân nam giới người Nga đang tìm mua chứng nhận y tế và chứng nhận việc làm giả mạo trong các lĩnh vực được đặc cách như dầu khí để tránh lệnh gọi nhập ngũ. Giá của các chứng nhận y tế giả mạo này có giá từ 245 tới hơn 1000 USD. Các dịch vụ này còn khẳng định có thể trực tiếp xóa tên của các cá nhân khỏi danh sách gọi nhập ngũ của cơ quan tuyển quân, với các mức giá như sau: (i) xóa tên khỏi hệ thống dữ liệu gọi nhập ngũ: 403 USD; (ii) dời thời hạn gọi nhập ngũ tạm thời: từ 300 – 450 USD; (iii) “giải cứu” khỏi trung tâm tuyển quân: 680 USD; (iv) xóa vĩnh viễn thông tin khỏi danh sách gọi nhập ngũ: 1500 USD. Flashpoint phân tích những động thái này tại Nga sau khi có một số nguồn cho rằng đã có hơn 700 nghìn công dân nam người Nga chạy trốn khỏi nước này để tránh bị gọi nhập ngũ.
Xem thêm:
Defense Connect ngày 11/10/2022:Russians using Telegram to buy fake certificates to avoid mobilisation
Putin tuyên bố không cần tiếp tục không kích Ukraine, dự đoán kết thúc động viên quân dịch
Phát biểu trước các nhà báo tại thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 14/10/2022 sau Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia độc lập, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh với sự tham gia của một bên hòa giải quốc tế nếu Ukraine cũng đi đến bàn đàm phán. Putin – người từng tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Nga – nói rằng Nga không cần thiết phải tiếp tục không kích Ukraine “quy mô lớn” nhưng cũng cảnh báo về một “thảm họa toàn cầu” trong trường hợp xảy ra đụng độ trực tiếp giữa quân đội NATO và Nga. Tuy nhiên, ông nói rằng ông không cần phải đàm phán với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, theo phân tích của Stratfor, mục đích Putin tuyên bố lệnh động viên sẽ dừng lại có thể vì để người Nga không tìm cách rời khỏi đất nước, nhưng nỗ lực này có thể không hiệu quả và thậm chí có thể khiến phe cực hữu của Nga kêu gọi tiếp tục động viên quân dịch. Bất chấp điều đó, Nga sẽ cần hơn 300.000 quân như một phần của “động viên cục bộ” của nước này để xoay chuyển tình thế trong cuộc chiến Nga-Ukraine, vì vậy Moscow có thể sẽ tiếp tục huy động trong thời gian tới dưới nhiều hình thức khác nhau.
Xem thêm:
RFE/RL ngày 14/10/2022: Putin Says No Need For Further Massive Air Strikes On Ukraine, Foresees End To Mobilization
Stratfor ngày 14/10/2022: Russia: Putin Claims Mobilization Will Be Complete Within Two Weeks. Một bản PDF được lưu ở đây.
Ukraine: Nga không kích quy mô lớn phá huỷ một phần ba cơ sở hạ tầng điện của Ukraine. Ukraine gấp rút bảo vệ mạng lưới điện khỏi sự phá hủy của Nga
Mặc dù có một số cuộc không kích dường như có tính ngẫu nhiên, các quan chức Ukraine nói rằng Nga đang cố gắng phá hủy một cách có hệ thống các nhà máy điện và sưởi ấm của nước này khi thời tiết trở nên lạnh hơn. Theo Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galuschenko, gần một phần ba cơ sở hạ tầng điện của Ukraine đã bị hư hại do các cuộc tấn công bằng tên lửa, máy bay không người lái hoặc pháo binh của Nga vào thứ Hai và thứ Ba ngày 10 và 11/10/2022.
Xem thêm:
Financial Times ngày 16/10/2022: Ukraine rushes to protect power network from Russian destruction. Một bản PDF được lưu ở đây.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh: Nga tiếp tục tiến hành trục xuất cưỡng bức người Ukraine quy mô lớn
Ngày 14/10/2022, Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin trả lời báo chí báo rằng “hàng nghìn” trẻ em từ Kherson Oblast “đã được đưa tới các khu vực khác của Nga, nghỉ ngơi trong các nhà nghỉ và trại trẻ em.” Theo tài liệu trước đây của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, các quan chức Nga đã thừa nhận công khai việc đưa trẻ em từ các vùng bị chiếm đóng của Ukraine đến làm con nuôi trong các gia đình Nga theo cách có thể vi phạm Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội ác Diệt chủng.
Xem thêm:
RIA ngày 14/10/2022: https://ria.ru/20221014/deti-1824187647.html
Institute for the Study of War ngày 15/10/2022: Russian Offensive Campaign Assessment, October 15
Cố vấn Văn phòng Tổng thống Ukraine: Ukraine sẽ tìm giải pháp để giữ hệ thống Starlink hoạt động
Trước đó vào ngày 14/10/2022, Elon Musk đã gửi một lá thư tới Lầu Năm Góc cho biết họ không thể tiếp tục tài trợ dịch vụ Starlink cho Ukraine. Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, cho biết ông hy vọng Starlink sẽ “cung cấp kết nối ổn định cho tới cuối các cuộc đàm phán.” Podolyak nói thêm rằng “Elon Musk đã giúp chúng tôi sống sót qua những thời khắc quan trọng nhất của cuộc chiến.” Cho đến nay, khoảng 20.000 đơn vị vệ tinh Starlink đã được tài trợ cho Ukraine.
Trong khi đó, một thông cáo của Lầu Năm Góc cho biết Hoa Kỳ đang đánh giá các lựa chọn và cố gắng làm những gì có thể để “giúp giữ lại các vệ tinh này cho lực lượng Ukraine.”
Xem thêm:
Михайло Подоляк ngày 14/10/2022: “Давайте відверто. Подобається це комусь чи ні, але @elonmusk допоміг нам вистояти у найбільш критичні моменти війни. Бізнес має право на власні стратегії. 🇺🇦 знайде рішення, аби #Starlink продовжив роботу. Очікуємо, що до кінця переговорів компанія забезпечить стабільний зв‘язок.”
Defense News ngày 14/10/2022: Musk seeks US funding of Ukraine satellite network, official says
Stars & Stripes ngày 14/10/2022: Pentagon exploring communications options for Ukrainian military as Starlink service threatens pullout
Elon Musk: Công ty của ông sẽ tiếp tục tài trợ cho dịch vụ Starlink ở Ukraine. Liên minh Châu Âu và Lầu Năm Góc bàn về việc tài trợ chi phí cho Ukraine
Người đàn ông giàu nhất thế giới thông báo trên Twitter vào ngày 15/10/2022 rằng công ty của ông sẽ tiếp tục tài trợ cho hoạt động của dịch vụ Internet Starlink ở Ukraine mặc dù Starlink đang thua lỗ trong khi các công ty khác đang thu được hàng tỷ USD. Thông báo được đưa ra một ngày sau khi Musk nói rằng công ty SpaceX của ông không thể trả tiền cho Starlink “vô thời hạn,” nhưng đồng thời vẫn gửi thêm “vài nghìn thiết bị đầu cuối có mức sử dụng dữ liệu lớn hơn gấp 100 lần so với các thiết bị sử dụng trong các hộ gia đình thông thường.”
Trong khi đó, tờ Financial Times dẫn nguồn tin từ ba quan chức ẩn danh cho biết Liên minh Châu Âu cũng đang thảo luận về việc trang trải chi phí của dịch vụ Starlink ở Ukraine. Josep Borrell đã yêu cầu các quan chức bắt đầu soạn thảo kế hoạch tăng cường phủ sóng internet ở nước này sau khi Musk đe dọa rút dịch vụ.
Xem thêm:
Financial Times ngày 17/10/2022: EU weighs paying for Musk’s donated Starlink internet service in Ukraine. Một bản PDF được lưu ở đây.
Putin tuyên bố thiết quân luật ở bốn khu vực chiếm đóng
Nga áp đặt thiết quân luật đối với các khu vực của Ukraine mà nước này chiếm đóng và bắt đầu di dời người Ukraine khỏi Kherson khi lực lượng của Kyiv áp sát thành phố quan trọng trên sông Dnipro. Hành động của Putin dường như cho thấy ông có ý định chiến đấu giữ thành phố và các quan chức Hoa Kỳ nói rằng Ukraine có một khoảng thời gian hạn chế để đạt được các mục tiêu của mình vào mùa thu trước khi mùa đông khiến các hoạt động cơ giới hóa không thể thực hiện được.
Theo các nhà phân tích, chiến đấu trong thành phố việc chiến đấu có thể khiến Kyiv phải trả giá nhiều hơn số nhân mạng mà họ có thể mất nếu Nga sẵn sàng khai thác nhân lực của mình. lợi dụng và hy sinh nhiều quân để củng cố phòng tuyến.
Xem thêm:
CNN ngày 20/10/2022: Putin declares martial law in four occupied regions as Kyiv presses offensive
The New York Times ngày 20/10/2022: U.S. Sees Opportunity for Ukraine to Capitalize on Russian Weakness
Giá khí đốt tự nhiên ở Châu Âu giảm 7%
Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu đã đạt được đồng thuận giới hạn mức giá tối đa trên các sàn giao dịch lục địa, một thỏa thuận được thực hiện bởi sự nhượng bộ vào phút cuối của Thủ tướng Đức Olaf Scholz miễn là kế hoạch không được thực hiện trước khi đáp ứng được một số điều kiện liên quan đến an ninh của các đường cung cấp. Các nhà lãnh đạo ca ngợi kế hoạch này đã có tác động đến thị trường, nhưng Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cảnh báo rằng khí đốt của Nga được lưu trữ trong các bồn chứa của Châu Âu hiện sẽ không có sẵn để lấp đầy chúng vào năm tới, và kêu gọi các đồng nghiệp của ông có kế hoạch lâu dài hơn.
Xem thêm:
Financial Times ngày 21/10/2022: EU leaders hail breakthrough in gas cap plan to tackle energy crisis. Một bản PDF được lưu ở đây.
Hoa Kỳ, Anh và Pháp cảnh báo Nga không sử dụng “cáo buộc sai sự thật” làm cớ leo thang chiến tranh
Ngoại trưởng Antony J. Blinken trong cuộc điện đàm ngày 23/10/2022 với Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã khẳng định Hoa Kỳ bác bỏ cáo buộc sai sự thật của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoygu rằng Ukraine đang chuẩn bị sử dụng một quả bom bẩn trên lãnh thổ của mình và thế giới sẽ nhìn thấy bất kỳ nỗ lực nào của Nga sử dụng cáo buộc này làm cái cớ để leo thang.
Chính phủ các nước Hoa Kỳ, Anh và Pháp cũng đã đưa ra tuyên bố chung cho biết trong cuộc điện đàm riêng rẽ theo yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoygu, Bộ trưởng Quốc phòng ba nước đã lần lượt bác bỏ cáo buộc trên của Nga và bác bỏ bất cứ cáo buộc nào từ phía Nga như một cái cớ để leo thang chiến tranh
Xem thêm:
Stars & Stripes ngày 23/10/2022: Russia’s defense chief warns of ‘dirty bomb’ provocation from Ukraine
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 23/10/2022: Secretary Blinken’s Call with Ukrainian Foreign Minister Kuleba
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 23/10/2022: Joint Statement on Ukraine
Shirin Jaafari: Nga đang sử dụng máy bay không người lái tự sát do Iran sản xuất tại Ukraine
Mặc dù cả Nga và Iran đều chối cãi rằng các máy bay không người lái được sử dụng để tấn công vào dân thường tại Ukraine là do Iran sản xuất, các bằng chứng do vệ tinh thu thập và trên thực địa đều đang chỉ ra rằng điều này là sự thật. Các báo cáo tình báo của Hoa Kỳ và Anh đã chỉ ra những bằng chứng cho thấy các container chở máy bay không người lái đã rời khỏi Iran và tới Nga, đồng thời các mảnh vỡ thu thập được tại Ukraine cũng cho thấy đây là các máy bay Shahed-136 do Iran sản xuất. Tác giả cho rằng việc cả Nga và Iran từ chối không công nhận điều này có thể liên quan tới việc quân đội Nga, mặc dù tự hào là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, lại không thể sản xuất được một loại máy bay không người lái đơn giản và giá rẻ như Shahed-136. Tác giả cũng nhận định rằng sự xuất hiện của máy bay do Iran sản xuất trong chiến tranh quy ước đã chấm dứt tranh biện về vấn đề này trong giới nghiên cứu quân sự, và tất cả đều đang đồng thuận rằng việc sử dụng máy bay không người lái trong chiến tranh sẽ ngày càng lan rộng hơn trong tương lai, và cần có các biện pháp đối phó phù hợp với loại năng lực giá rẻ này.
Xem thêm:
The World ngày 17/10/2022: Russia is using suicide drones in Ukraine. They’re coming from an unlikely source
Fareed: Ukraine Đối mặt với Làn sóng Drone
Khi Nga được cho là đang triển khai máy bay không người lái của Iran nhằm vào các thành phố và cơ sở hạ tầng điện của Ukraine, The Economist viết, “Một lần nữa, Ukraine là bãi thử nghiệm cho chiến tranh thế kỷ 21.”
Nhưng đối với tất cả những thiệt hại mà những chiếc máy bay không người lái này đang gây ra, Robert A. Pape viết cho Foreign Affairs rằng việc ném bom dân thường không có tác dụng, về mặt chiến lược. Không quân đã tỏ ra hiệu quả khi được sử dụng để đạt được các mục tiêu quân sự hơn là trừng phạt dân thường – đặc biệt khi được sử dụng kết hợp với lực lượng mặt đất.
“Thật vậy, dù ném bom sát thương vào dân thường đến mức nào, Nga cũng không thể đảo ngược những thất bại chiến lược của mình ở Ukraine, vốn đang diễn ra,” Pape viết.
Về mặt địa chính trị, Elizabeth Hagedorn và Andrew Parasiliti viết cho Al-Monitor, “Sự tham gia sâu hơn của Iran vào cuộc chiến chống lại Ukraine của Nga đánh dấu một chương mới trong quan hệ giữa hai quốc gia.”
Xem thêm:
CNN ngày 21/10/2022: US State Department says there’s ‘abundant evidence’ Russia is using Iranian drones in Ukraine
The Economist ngày 19/10/2022: Iranian drones pose a fiendish military problem for Ukraine
Foreign Affairs ngày 20/10/2022: Bombing to Lose: Why Airpower Cannot Salvage Russia’s Doomed War in Ukraine
Al-Monitor ngày 19/10/2022: The Takeaway: Iranian drones in Ukraine send message to West
James Stavridis: Chiến dịch khủng bố bằng tên lửa của Nga tại Ukraine đang thất bại
Cựu Tổng Tư lệnh NATO Stavridis khẳng định rằng sự thất bại ngày một rõ rệt của Tổng thống Nga trên chiến trường đang khiến Nga phải lựa chọn các phản ứng bất đối xứng, rõ rệt nhất là tiến hành một chiến dịch khủng bố bằng tên lửa đối với dân thường Ukraine. Tác giả cho rằng tương tự như chiến dịch V2 mà Phát xít Đức tiến hành với Anh trong Thế chiến Thứ Hai, những đòn tấn công này sẽ không mang lại thành công chiến dịch nào mà chỉ củng cố quyết tâm của người Ukraine và tăng tốc độ chuyển giao vũ khí từ phương Tây, cũng như nhanh chóng khiến cho kho vũ khí chiến lược của Nga bị thu hẹp mà khó có thể được hồi phục. Stavridis đề xuất rằng phương Tây nên trang bị thêm các hệ thống vũ khí phù hợp để ngăn Nga tiếp tục các chiến dịch khủng bố tương tự, bao gồm máy bay Mig-29, F-16, các hệ thống phòng thủ tên lửa như Patriot hoặc Iron Dome, các hệ thống gây nhiễu điện tử hiện đại. Đồng thời, phương Tây có thể nâng cao năng lực tấn công mạng của Ukraine, ngăn chặn các chiến dịch tình báo và tìm kiếm mục tiêu của Nga. Phản ứng lại với những thất bại này, Stavridis nhận định rằng có thể Putin sẽ tiếp tục chiến dịch khủng bố tên lửa trong suốt mùa đông 2022, hoặc mở rộng các chiến dịch tấn công mạng nhắm vào các hạ tầng dân sự thiết yếu của Ukraine. Về nguy cơ hạt nhân, theo Stavridis, trường hợp xấu nhất là Putin quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để buộc Ukraine khuất phục, tuy nhiên khả năng này sẽ chỉ ở khoảng 10 – 15% do những phản ứng quốc tế đối với quyết định này.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 13/10/2022: Putin’s Air-Terror Campaign Against Ukraine Is Already Failing. Một bản PDF được lưu ở đây.
Keith Gessen: Cuộc chiến tại Ukraine có thể kết thúc như thế nào
Trong kho tàng lý thuyết về chiến tranh, đã có rất nhiều nghiên cứu về cách thức mà một cuộc chiến tranh nổ ra và làm thế nào để ngăn sự kiện này, tuy nhiên lại không có quá nhiều nghiên cứu về lý thuyết chấm dứt chiến tranh. Tác giả Hein Goemans là một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên về lý thuyết này, và đã đặt ra 03 trụ cột cho phép một cuộc chiến kết thúc: (i) cân bằng thông tin: một số cuộc chiến nổ ra do sự mất cân bằng về thông tin giữa hai phe về năng lực quân sự của mình và của đối thủ. Ngay khi cuộc chiến bắt đầu thì sự chênh lệch sức mạnh quân sự này đã nhanh chóng được làm rõ, dẫn tới cuộc chiến nhanh chóng được hai bên chấp nhận dừng lại; (ii) niềm tin vào cam kết của đối phương: do bản thân các hiệp ước hòa bình không có chế tài thực thi và kiểm soát, chiến tranh không thể ngừng lại nếu như một trong hai phía không có niềm tin vào việc đối phương tôn trọng thỏa thuận; (iii) ảnh hưởng của chính trị nội bộ lên giới lãnh đạo: một số lãnh đạo quốc gia, do chế độ không đủ dân chủ hoặc không đủ chuyên chế, không thể lùi bước trong một cuộc chiến do lo ngại đánh mất quyền lực khi thua cuộc, dẫn tới việc tiếp tục đẩy quốc gia lấn sâu hơn vào chiến tranh.
Tác giả Gessen đã phỏng vấn Goemans, và đi tới nhận định rằng với cuộc chiến tại Ukraine, việc kết thúc chiến tranh là chưa thể xảy ra được do hai trụ cột niềm tin vào đối phương và ảnh hưởng chính trị nội bộ vẫn tiếp tục không được thỏa mãn: người Ukraine không thể tin vào một “hòa ước” mà Nga sẵn sàng phá bỏ ngay khi có thể, trong khi Tổng thống Putin không thể chấp nhận thua cuộc do lo ngại bất ổn chính trị nội bộ. Goemans cho rằng tương tự như Thế chiến Thứ nhất khi Đức sử dụng tàu ngầm U-boat để đánh cược vào việc tiêu diệt nước Anh nhưng bị thất bại do việc kéo Hoa Kỳ tham chiến, Nga cũng đang tiến gần tới ngưỡng phải đánh cược để chấm dứt chiến tranh. Vũ khí mà Putin có thể sử dụng là vũ khí hạt nhân, tuy nhiên các yếu tố bên ngoài như nguy cơ phương Tây can thiệp sâu rộng hơn hay nguy cơ bị các đối tác bỏ rơi vẫn sẽ tiếp tục ngăn Putin sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt này. Do đó, Goemans và tác giả tin rằng Ukraine sẽ đạt được chiến thắng cuối cùng, tuy nhiên cái giá về sinh mạng phải đánh đổi sẽ vô cùng lớn.
Xem thêm:
The New Yorker ngày 29/9/2022: How the War in Ukraine Might End
Boris Bondarev: Nguồn gốc của những hành vi sai trái của nước Nga
Tác giả Bondarev là một cố vấn cho Phái đoàn Ngoại giao Nga tại Liên Hiệp Quốc với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong Bộ Ngoại giao Nga. Bondarev là nhà ngoại giao Nga đã từ bỏ chức vụ của mình để phản đối cuộc chiến do chính quyền Nga tiến hành tại Ukraine, và đã sử dụng nền tảng kinh nghiệm sinh ra lớn lên trong môi trường ngoại giao Xô Viết để tường thuật lại sự thay đổi của Bộ Ngoại giao Nga dưới thời Tổng thống Putin. Tác giả kết luận rằng, mặc dù nguồn gốc sâu xa nhất của những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và tấn công các quốc gia láng giềng đến từ Tổng thống Putin, chính những nhà ngoại giao Nga hoạt động trong Bộ Ngoại giao với tâm lý tìm mọi cách để làm hài lòng ông chủ Điện Kremlin đã tạo điều kiện cho cuộc chiến này diễn ra. Bondarev kêu gọi Hoa Kỳ và phương Tây hãy nhìn nhận cả góc nhìn của những người Nga đã thất vọng với thời kỳ đổi mới hậu Xô Viết để tránh tái hiện kịch bản một nhà độc tài mới xuất hiện nhờ có tâm lý chống phương Tây sau khi Putin thất bại tại Ukraine.
Xem thêm:
Foreign Affairs tháng 11/2022: Boris Bondarev: The Sources of Russian Misconduct. Một bản PDF được lưu ở đây
———-
XVI- NHỮNG PHÂN TÍCH KHÁC
Sheena Chestnut Greitens: Nhiệm vụ của Tập Cận Bình trong Sáng kiến An ninh Toàn cầu
Vào tháng 4/2022, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI) nhằm “thúc đẩy an ninh chung của thế giới” trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại tại Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, một hội nghị thường niên của các giám đốc điều hành doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo thế giới ở tỉnh Hải Nam. GSI đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Được thành lập dựa trên khái niệm an ninh quốc gia toàn diện và tìm cách hướng trọng tâm khái niệm đó tập trung vào an ninh chế độ và đưa ra nước ngoài, nó trực tiếp thách thức vai trò của các liên minh và quan hệ đối tác của Hoa Kỳ trong an ninh toàn cầu và tìm cách sửa đổi quản trị an ninh toàn cầu tương thích hơn với những lợi ích an ninh chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sử dụng chính sách đối ngoại của Trung Quốc như một công cụ để đảm bảo nắm giữ quyền lực tại quê nhà.
Các quốc gia thường tìm kiếm công nghệ hoặc sự hỗ trợ của Trung Quốc trong nỗ lực giải quyết các thách thức quản trị nội tại và các quan chức Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng hiệu quả trong việc kết hợp những lời chỉ trích của họ về hành vi của Trung Quốc với các giải pháp thay thế mang tính xây dựng. Tuy nhiên, các hoạt động và xuất khẩu của Trung Quốc đã đặt ra những mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh dữ liệu, quyền riêng tư của công dân, nhân quyền và dân chủ tự do, và với sự triển khai GSI, những mối đe doạ này có thể sẽ tăng lên. Cho đến nay, Washington tập trung vào cạnh tranh quân sự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, có nguy cơ bỏ sót các thách thức phi quân sự – nhưng không kém phần nghiêm trọng – mà GSI đặt ra đối với trật tự an ninh toàn cầu và khu vực cũng như lợi ích của Hoa Kỳ.
Xem thêm:
Foreign Affairs ngày 03/10/2022: Xi Jinping’s Quest for Order. Một bản PDF được lưu ở đây.
John Culver: Làm sao để biết khi nào Trung Quốc chuẩn bị xâm lược Đài Loan
Theo tác giả, một nhà phân tích và quản lý mới nghỉ hưu sau 35 năm kinh nghiệm khu vực Đông Á trong Cục Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, nếu Trung Quốc quyết định tiến hành một cuộc chiến tranh giành quyền lựa chọn đối với Đài Loan, bất ngờ chiến lược sẽ là một thương vong ở quy mô tuyệt đối của hành động này. Ngay cả khi Tập muốn khởi động một chiến dịch nhanh chóng để làm sụp đổ nhanh chóng ý chí chiến đấu của Đài Loan, thì cuộc xâm lược thảm khốc của Nga vào Ukraine có lẽ đã khiến Bắc Kinh phải thận trọng hơn. Việc tung xúc xắc như vậy về phía Trung Quốc sẽ rủi ro hơn nhiều so với cuộc xâm lược trên bộ của Nga, không chỉ vì quân đội Trung Quốc sẽ phải tiến hành một cuộc xâm lược đổ bộ lớn nhất và xa nhất trong lịch sử hiện đại, mà còn bởi vì — không giống như ở Ukraine — các nhà hoạch định chiến tranh của PLA thận trọng sẽ phải giả định rằng Hoa Kỳ và một số đồng minh trong khu vực sẽ nhanh chóng bố trí lực lượng chiến đấu để bảo vệ hòn đảo. Bất kỳ cuộc xâm lược nào vào Đài Loan sẽ không thể giữ bí mật trong nhiều tháng trước khi Bắc Kinh bắt đầu các hành động thù địch. Bởi đó sẽ là một cam kết của quốc gia, của toàn bộ hệ thống chính trị cho một cuộc chiến có khả năng kéo dài nhiều năm.
Xem thêm:
Carnegie Endowment for International Peace ngày 03/10/2022: How We Would Know When China Is Preparing to Invade Taiwan
Ian Easton: Tập Cận Bình và ván bài chiến lược cuối cùng đối với Hoa Kỳ
Các tài liệu bí mật được khám phá và các bài phát biểu chưa từng được dịch trước đây đã làm sáng tỏ những suy nghĩ thực sự trong đầu Tập Cận Bình. Đã từ lâu, nhân vật thống trị Trung Quốc đã nói về việc tiêu diệt Hoa Kỳ và trật tự thế giới tự do mà Washington đã giúp tạo ra sau Thế chiến thứ hai. “Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập, hiện thực hóa chủ nghĩa cộng sản đã là lý tưởng tối cao và mục tiêu cuối cùng của đảng,” đó là những dòng diễn ngôn ít người để ý trong bài phát biểu của Tập Cận Bình tại Đại lễ đường Nhân dân năm năm trước, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 ở Bắc Kinh.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 16/9/2022: Xi Jinping and China’s endgame for America
Michael Laha: Trung Quốc sẽ vượt qua “nút thắt” công nghệ như thế nào
Tác giả nhận định rằng giới nghiên cứu phương Tây thời gian qua đã thảo luận và tập trung rất nhiều về vấn đề phụ thuộc chiến lược vào tài nguyên và nguyên liệu đầu vào được sản xuất tại Trung Quốc, tuy nhiên đang chưa dành sự chú ý đúng mức tới việc Trung Quốc đã có nhiều thay đổi mang tính hệ thống để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ chất lượng cao của phương Tây. Trong gần năm năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có nhiều chỉ thị yêu cầu giới khoa học và công nghệ “bứt phá”, vượt qua những “nút thắt” nhập khẩu công nghệ hiện đại. Những lệnh trừng phạt nhắm vào tập đoàn Huawei hay các gói trừng phạt đối với Nga đang càng khiến cho giới lãnh đạo Trung Quốc lo lắng hơn, và gấp rút đẩy nhanh tiến độ của các sáng kiến nhằm giảm tối đa sự phụ thuộc vào phương Tây.
Một trong các sáng kiến chủ đạo là việc thành lập hệ thống các Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Quốc gia (NERC), kết nối giới doanh nghiệp với giới học thuật để đẩy nhanh tiến trình áp dụng công nghệ mới vào các sản phẩm kỹ thuật. Tháng 1/2022, Trung Quốc đã công bố thành lập 191 NERC mới, chọn lọc từ 131 trung tâm nghiên cứu và 217 phòng thí nghiệm kỹ thuật quốc gia. Trong số các NERC, hiện tại nổi lên NERC về Tự động hóa Thiết kế Điện tử hiện đang phối hợp với công ty Empyrean Technology, được dự báo là một công ty có khả năng thách thức vai trò dẫn đầu của các tập đoàn Hoa Kỳ như Cadence và Synopsys trong vấn đề xây dựng phần mềm thiết kế vi mạch máy tính. Trung Quốc có nhiều hy vọng vào việc NERC này có thể hiện thực hóa kế hoạch thay thế toàn bộ phần mềm thiết kế trong thị trường Trung Quốc trong năm 2025, và mở rộng ra thị trường quốc tế trong năm 2030. Không chỉ đóng góp vào việc nâng cấp hạ tầng công nghiệp dân dụng trong nước, các NERC còn có nhiệm vụ nghiên cứu các công nghệ lưỡng dụng cho công nghiệp quốc phòng. NERC về Phần mềm Viễn thông và Thiết kế Vi mạch Tích hợp Ứng dụng Cụ thể của Trung Quốc đã thành công trong việc phát triển bộ chuyển mạch kết nối RapidIO đóng vai trò quan trọng trong truyền dẫn tín hiệu không dây và trong các thiết bị điện tử hàng không, vốn gần như được độc quyền sản xuất bởi các tập đoàn như Texas Instrument và Ericsson. NERC này có liên kết với Trung tâm Nghiên cứu số 54 của Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc, hiện có tên trong danh sách các thực thể bị cấm vận bởi Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Những nỗ lực này cho thấy lãnh đạo Trung Quốc nhận thức rất rõ ràng về điểm yếu trong việc phụ thuộc vào công nghệ của phương Tây, và đã có nhiều nỗ lực mang tính hệ thống để giải quyết những yếu điểm từ phụ thuộc này, thông qua việc tận dụng năng lực sáng tạo nội địa. Tác giả đánh giá rằng các nhà hoạch định chính sách tại Hoa Kỳ, Châu Âu, và Đông Á cần phải nhận thức rõ ràng về những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc, và đánh giá kỹ càng sự phụ thuộc lẫn nhau với Trung Quốc để có các chính sách phù hợp.
Xem thêm:
ASPI ngày 26/9/2022: How China plans to engineer its way out of technology ‘strangleholds’
Mike Mullen và các cộng sự: Những gì Tập phải nói với Putin ngay bây giờ
Nhóm tác giả trong ban lãnh đạo Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân, Cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Mike Mullen, cựu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Sam Nunn (D-Ga.) và cựu Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Ernest J. Moniz, cho rằng lựa chọn chính sách hợp lý nhất đối với Trung Quốc là sử dụng vị trí ảnh hưởng độc quyền của mình đối với Nga để khuyến khích Putin ra quyết định “hợp lý” hơn. Đặc biệt, Chủ tịch Tập phải nói rõ với Tổng thống Putin rằng việc sử dụng hạt nhân là ranh giới mà ông không được vượt qua và bản thân việc phóng ra những tuyên bố đe dọa công khai một cách khoa trương sẽ biến đổi trật tự hạt nhân toàn cầu và mở ra cuộc chạy đua hạt nhân, đặc biệt ở Châu Á.
Xem thêm:
The Washington Post ngày 29/9/2022: China’s Xi should press Russia’s Putin for peace in Ukraine. Một bản PDF được lưu ở đây.
Scott Waldron et al.: Khám phá nền tảng nội địa của các biện pháp trừng phạt kinh tế Trung Quốc: Trường hợp của Úc
Phân tích của nhóm tác giả cho thấy rằng các yếu tố thúc đẩy các rào cản của Trung Quốc đối với hàng hóa xuất khẩu của Úc khác nhau tùy theo mặt hàng, các hạn chế được đưa ra bởi các tác nhân đa dạng với nhiều mục tiêu và các mục tiêu đó đôi khi có thể chỉ là đột xuất và thiếu cân nhắc. Những đặc điểm này, phát sinh từ các quy trình quan liêu có phần mơ hồ và thường kém hiểu biết làm cơ sở cho việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, cung cấp thêm thông tin chi tiết về lý do tại sao các rào cản không có khả năng áp đặt các loại chi phí cần thiết để thay đổi chính sách hấp dẫn ở Canberra.
Xem thêm:
China Brief ngày 04/102/2022: Exploring the Domestic Foundations of Chinese Economic Sanctions: The Case of Australia
Rajan Menon và Eugene Rumer: Một chương mới trong quan hệ Nga – Ấn
Những diễn biến kể từ sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra đang đẩy nhanh tốc độ thay đổi của quan hệ Nga – Ấn. Mặc dù quan hệ song phương vẫn đang trong trạng thái tương đối hữu nghị, những trụ cột chính trong quan hệ song phương đang bị suy yếu nhanh chóng.
Quan hệ Nga – Ấn là sự tiếp nối của quan hệ Liên Xô – Ấn Độ, dựa trên những trụ cột: (i) trao đổi mua bán vũ khí; (ii) sự tương đồng giữa chính sách kinh tế và các khoản hỗ trợ tài chính từ Liên Xô; (iii) cạnh tranh giữa khối Hoa Kỳ – Pakistan – Trung Quốc với Liên Xô – Ấn Độ. Những thay đổi địa chính trị trong những thập kỷ vừa qua đã khiến trụ cột về kinh tế và địa chính trị bị phá vỡ: Liên Xô sụp đổ chấm dứt các khoản hỗ trợ tài chính cho Ấn Độ, và sự xoay trục của nước Nga về Trung Quốc khiến cho Ấn Độ ngày càng xích lại gần hơn với Mỹ và nhóm Bộ Tứ Quad. Mua bán vũ khí là trụ cột cuối cùng còn được duy trì trong quan hệ song phương, tuy nhiên cuộc chiến tại Ukraine đang làm suy yếu nhanh chóng trụ cột này. Quan hệ Nga – Ấn tiếp nối nền tảng này, và trong những thập kỷ qua Nga đã giữ được tam giác Nga – Ấn – Trung tương đối ổn định. Việc Nga xoay trục về Trung Quốc ngày càng rõ rệt hơn sau khi tách rời khỏi phương Tây đã khiến cho quan hệ Nga – Ấn dần dần đi xuống, và sụt giảm ngày một rõ hơn sau khi Nga một lần nữa phát động cuộc chiến tại Ukraine trong năm 2022.
Tuy nhiên, quan hệ Nga – Ấn vẫn sẽ được duy trì và tiếp tục có sự thay đổi trong những năm tới. Mặc dù Ấn Độ đang đa dạng hóa nguồn cung vũ khí của mình, tỷ trọng vũ khí của Nga trong quân đội Ấn Độ vẫn còn cao và sẽ tiếp tục là động lực duy trì quan hệ Nga – Ấn. Giao thương giữa Nga và Ấn Độ đã tăng nhanh trong thời gian qua đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, tuy nhiên tổng khối lượng trao đổi thương mại sẽ không quá lớn, và khó có thể trở thành trụ cột mới trong quan hệ song phương. Nga sẽ ngày bị giới hạn hơn trong những lựa chọn của mình khi vừa phải duy trì quan hệ với đối tác lâu đời là Ấn Độ, vừa phải phụ thuộc ngày một nặng nề hơn vào Trung Quốc. Vai trò của Ấn Độ trong quan hệ song phương Nga – Ấn sẽ ngày càng được mở rộng, và quan hệ sẽ được định hình bởi lợi ích quốc gia của Ấn Độ chứ không phải bởi ảnh hưởng của các cường quốc khác như Hoa Kỳ.
Xem thêm:
Carnegie Endowment for International Peace ngày 20/9/2022: Russia and India: A New Chapter
Alexandre Brans: Công nghiệp quốc phòng Nhật Bản đối mặt với khó khăn
Tác giả nhận định rằng Nhật Bản đã từ lâu nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc như nguy cơ lớn nhất đối với nhu cầu an ninh của Nhật ở biển Hoa Đông và biển Đông. Nguy cơ này, kết hợp với việc chính quyền Nhật hiểu rằng Nhật không thể dựa vào sự bảo vệ của quân đội Hoa Kỳ trong mọi trường hợp, đã thúc đẩy chính quyền đưa ra những sáng kiến nhằm cải cách công nghiệp quốc phòng của mình kể từ năm 2014.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, công nghiệp quốc phòng Nhật Bản vẫn chưa phát triển tương xứng với nền kinh tế. Một trong những nguyên nhân là do cơ chế pháp lý của Nhật từ thời hậu chiến đã giới hạn khả năng hợp tác quốc phòng và bán vũ khí ra nước ngoài. Ngân sách hạn hẹp và không sở hữu công nghệ hiện đại cũng là những thách thức lớn ngăn Nhật hiện đại hóa nền công nghiệp quốc phòng. Sự đình trệ trong nâng cấp công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản trong những năm qua đang khiến cho các đồng minh, bao gồm Hoa Kỳ lo ngại, đặc biệt là khi diễn biến khu vực ngày một trở nên căng thẳng.
Xem thêm:
Asia Power Watch ngày 6/7/2022: Japan’s defense industry in dire straits – Asia Power Watch
Keith Krach và Kersti Kaljulaid: Công nghệ mới nổi có thể bảo vệ tự do dân chủ
Chủ nghĩa khủng bố đã đẩy nước Mỹ vào những ngày đen tối nhất trong lịch sử. Sự kiện 11/9 là một sự kiện mang tính bước ngoặt, đoàn kết lưỡng đảng Hoa Kỳ xây dựng một ủy ban chống khủng bố nhằm không để những sự kiện này lặp lại. Hiện nay, các công nghệ mới nổi như điện toán lượng tử, công nghệ không người lái, công nghệ kỹ thuật sinh học hiện đại cũng đang từng bước mang một bước ngoặt tương tự trở lại. Các công nghệ này có tiềm năng thay đổi xã hội, có thể đưa toàn nhân loại tiến lên phía trước, nhưng cũng là nguy cơ lớn đối với thế giới nếu như bị kiểm soát của những kẻ có ý đồ xấu với mong muốn làm suy giảm nền dân chủ toàn cầu. Các tác giả cho rằng không thể chờ tới lúc một cuộc khủng hoảng từ các công nghệ mới nổi này xảy ra thì nước Mỹ mới hành động được, do đó đã cùng với Học viện Ngoại giao Kỹ thuật Krach thuộc Đại học Purdue/Hoa Kỳ và Hội đồng Đại Tây Dương thành lập một Ủy ban An ninh Kỹ thuật Toàn cầu tập trung vào việc xây dựng một chiến lược an ninh chung quản lý các công nghệ mới nổi, xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh trong các lĩnh vực công nghệ này, và tìm kiếm giải pháp xây dựng những tiêu chuẩn đáng tin cậy cho đầu tư và hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ. Ủy ban này đã nhận được sự ủng hộ của Thứ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Alan Estevez và Điều phối viên khu vực Châu Á Kurt Campbell, và sẽ tích hợp những kinh nghiệm được rút ra từ “Mạng lưới Sạch”, bảo đảm rằng những bước tiến công nghệ phải đi kèm với bước tiến của tự do.
Xem thêm:
National Interest ngày 9/9/2022: Emerging Technologies Can Protect Democratic Freedoms
Yoko Iwama: Hòa bình hạt nhân sẽ là một ưu tiên của Thượng đỉnh G7 năm tới tại Hiroshima
Tác giả khẳng định rằng năm 2022 là một năm bước ngoặt của thế kỷ 21, chấm dứt quá trình hội nhập của nước Nga vào trật tự thế giới với cuộc chiến tại Ukraine. Tình hình an ninh ngày càng căng thẳng khi Nga và Trung Quốc đang hợp tác ngày một chặt chẽ hơn về ngoại giao và chiến lược, đe dọa môi trường an ninh và ổn định toàn cầu. Trong khi đó, nước Nga đang tiếp tục mở rộng các nỗ lực đe dọa nước Đức và Châu Âu bằng năng lượng, và đang tạo ra nguy cơ lớn đối với an ninh hạt nhân với việc tấn công vào các nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine. Tác giả lập luận rằng đây là thời điểm để một lần nữa đặt an ninh hạt nhân vào các cuộc đối thoại, để ngăn ngừa những nguy cơ phổ biến, tai nạn, và xung đột hạt nhân trong thế giới hậu Fukushima và hậu Ukraine. Để làm được điều này, đối thoại này cần phải trở thành một ưu tiên trong Thượng đỉnh G7 năm 2023 tại Hiroshima, để không chỉ nhắc lại thông điệp “không một lần nữa”, mà còn để hiện thực hóa thông điệp này.
Xem thêm:
East Asia Forum ngày 24/9/2022: Nuclear peace a priority ahead of Hiroshima G7 Summit
Paul Poast: ‘Kỷ nguyên vàng’ của toàn cầu hóa đã chính thức kết thúc
Với sự leo thang mới nhất của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc, rõ ràng thế giới khác xa so với “Thời kỳ vàng” của toàn cầu hóa kinh tế đánh dấu những năm 1990 và đầu những năm 2000. Vậy “thời kỳ vàng son” của toàn cầu hóa đã dừng lại như thế nào? Ba yếu tố chính góp phần vào sự mong manh của nền kinh tế toàn cầu.
Xem thêm:
World Politics Review ngày 21/10/2022: The ‘Golden Age’ of Globalization Is Officially Over. Một bản PDF được lưu ở đây.
Natalie Armbruster và Benjamin H. Friedman: Quốc gia nào là đồng minh, và tại sao vấn đề này lại đáng chú ý?
Ngày 12/10/2022, Viện nghiên cứu Defense Priority đã công bố một báo cáo nghiên cứu về chính sách đồng minh của Hoa Kỳ. Các tác giả đã khẳng định rằng ngoài 51 đồng minh hiệp ước đi kèm với hiệp ước bảo vệ lẫn nhau, Hoa Kỳ còn cung cấp hỗ trợ quân sự và chính trị cho một số “bán đồng minh” trên toàn thế giới. Hoa Kỳ không có cam kết bảo vệ quân sự những “bán đồng minh” này, tuy nhiên có lợi ích trong việc duy trì hỗ trợ quân sự và chính trị đối với những quốc gia này trong đối đầu với các quốc gia đối thủ. Hiện tại, danh sách các “bán đồng minh” của Hoa Kỳ bao gồm Bahrain, Ai Cập, Israel, Jordan, Kuwait, Morocco, Pakistan, Qatar, Đài Loan, Thái Lan, Tunisia, và kể từ sau khi Nga mang chiến tranh trở lại với Ukraine, quốc gia này cũng đã trở thành một “bán đồng minh” của Hoa Kỳ.
Khái niệm “bán đồng minh” là một hậu quả của chiến lược đối ngoại chủ đạo của Hoa Kỳ là duy trì tư thế lãnh đạo thế giới tự do. Theo khái niệm này, Hoa Kỳ sẽ bảo đảm được an ninh của mình thông qua việc duy trì sự áp đảo về quân sự ở mọi nơi trên thế giới, bảo vệ các đồng minh, và răn đe các quốc gia gây rối tiềm năng. Mở rộng răn đe thông qua mở rộng số lượng các “bán đồng minh” góp phần vào việc ngăn chặn kịch bản thế giới rơi vào thế chạy đua vũ trang, gây ra bất ổn toàn cầu. Tuy nhiên sự mở rộng này cũng khiến cho vấn đề liên quan tới các “bán đồng minh” ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề đối với các “bán đồng minh” đến từ việc các quốc gia này thường giữ vai trò “đồng minh lớn không thuộc NATO”, gây ra sự nhầm lẫn giữa khái niệm đồng minh và “bán đồng minh”, tức là nhầm lẫn rằng Hoa Kỳ cần phải cam kết với cả các quốc gia mà Hoa Kỳ không có lợi ích từ việc bảo vệ. Sự nhầm lẫn xuất hiện cả trong xã hội Hoa Kỳ cũng như trong xã hội các “bán đồng minh”, và cả ở các quan chức và người dân. Từ phía Hoa Kỳ, người dân và những đại diện của người dân như Quốc hội ngày càng gây áp lực mạnh mẽ hơn buộc chính quyền phải duy trì và mở rộng hỗ trợ cho các “bán đồng minh”, trong khi quan chức Hoa Kỳ lo ngại rằng nếu không khẳng định sự hỗ trợ đối với các “bán đồng minh” thì sự tín nhiệm của các đồng minh đối với cam kết của Hoa Kỳ sẽ bị suy giảm. Từ phía các “bán đồng minh”, hiểu nhầm về cam kết an ninh do Hoa Kỳ cung cấp khiến các quốc gia này ỷ lại và không tự mình nâng cao năng lực quốc phòng, thậm chí có thể tiến hành những động thái gây hấn với các đối thủ. Những sự hiểu nhầm này góp phần khiến cho nguy cơ xung đột tăng cao thay vì được kiểm soát, tức là đi ngược lại với mục tiêu của chiến lược. Do đó, các tác giả cho rằng cần hiểu rõ sự khác biệt giữa đồng minh và “bán đồng minh”, để có thể có những chính sách phù hợp.
Xem thêm:
Defense Priorities ngày 12/10/2022: Who is an ally, and why does it matter?
———-
XVII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH – NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Congressional Research Service (2022) Russia’s War in Ukraine: Military and Intelligence Aspects
Ngày 14/9/2022, Đơn vị Nghiên cứu của Thượng viện Hoa Kỳ đã công bố cập nhật báo cáo về khía cạnh quân sự và tình báo trong cuộc chiến của Nga tại Ukraine. Báo cáo nhấn mạnh rằng cuộc xâm lược mà Nga tiến hành là một cuộc xung đột nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, có ảnh hưởng tới khu vực và thế giới. Cuộc xâm lược của Nga đã bắt đầu vào ngày 24/02/2022 với nhiều mũi tấn công khác nhau và Nga đã chiếm được một vùng lãnh thổ rất rộng lớn, tuy nhiên sau đó Nga đã vấp phải sự chống trả quyết liệt và bất ngờ từ Ukraine. Giới tình báo Hoa Kỳ đánh giá rằng quân đội Nga không chỉ bị ngăn chặn bởi sự chống trả của Ukraine, mà còn bởi sự thiếu chuẩn bị, huấn luyện kém, hậu cần không tốt, và hệ thống thông tin chỉ huy kém hiệu quả. Những yếu tố này đã khiến cho Nga phải có những điều chỉnh về mục tiêu thuận theo diễn biến trên chiến trường vào tháng 5/2022, rút quân từ miền Bắc để tập trung vào khu vực Donbas tại miền Đông.
Sau khi tập trung lực lượng cho miền Đông, Nga đã từ từ có bước tiến trên chiến trường từ tháng 5 tới tháng 9/2022. Tuy nhiên, không rõ rằng Nga có đủ lực lượng để đạt được mục tiêu tại khu vực Donbas hay không, khi mà thiệt hại về người và trang thiết bị rất lớn. Sự khó khăn của Nga ngày càng tăng cao khi mà các vấn đề về hậu cần tiếp tục không được giải quyết, tạo điều kiện cho Ukraine tổ chức phản công. Quân đội Ukraine đã kết hợp vừa huấn luyện, vừa sử dụng lợi thế vũ khí hiện đại của phương Tây để tấn công vào các hạ tầng hậu cần và chỉ huy của Nga. Giới tình báo Hoa Kỳ đánh giá rằng phương thức tận dụng tài nguyên có hạn và nhân lực chất lượng của mình sẽ quyết định diễn biến cuộc chiến thời gian tới.
Giới quan sát tại Hoa Kỳ đánh giá rằng sự thành công của cuộc phản công tại Kharkiv trong tháng 9/2022 đã đặt thế chủ động vào tay quân đội Ukraine trong tương lai gần. Quân đội Ukraine đã thể hiện năng lực chiến đấu tấn công hiệu quả, ở phía ngược lại quân đội Nga đang tiếp tục chưa thể giải quyết được vấn đề mang tính hệ thống; những thiệt hại về nhân lực, trang thiết bị và tinh thần chiến đấu của Nga sẽ tiếp tục là những thách thức cho quân đội Nga trong thời gian tới. Thượng viện Hoa Kỳ sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến trên chiến trường, đặc biệt là để tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong tương lai.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.