Bản Tin Biển Đông Số 116 – Phần 1: Eo Biển Đài Loan Những Ngày Đầu Tháng 8

Thực hiện: Trần Phạm Bình Minh, Lưu Việt Hà, Ngô Trung Hiếu, Đinh Tùng Lâm, Hương Nguyễn, Nguyễn Nhật Minh

Biên tập: Phạm Huệ Việt

Tư liệu: South China Sea News

Bản đồ tổng kết sơ bộ vòng tập trận đầu tiên của Trung Quốc từ ngày 4 – 7/8/2022. Ảnh: Damien Symon

Tải bản PDF ở

—————

Trong Bản Tin Biển Đông Số 116 – Phần chuyên đề về diễn biến căng thẳng Eo Biển Đài Loan những ngày đầu tháng 8 có những nội dung sau:

PHẦN 1: CĂNG THẲNG XUNG QUANH EO BIỂN ĐÀI LOAN NHỮNG NGÀY ĐẦU THÁNG TÁM

A. NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

I. TRÊN THỰC ĐỊA

II. TẤN CÔNG MẠNG VÀ CHIẾN DỊCH THÔNG TIN SAI LỆCH

III. TRỪNG PHẠT KINH TẾ

IV. HÌNH SỰ HOÁ NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA LY KHAI

V. NHỮNG BIỆN PHÁP TRẢ ĐŨA CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI MỸ

PHẦN 2: PHẢN ỨNG CỦA QUỐC TẾ – PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN

B. CÁC TUYÊN BỐ/BÌNH LUẬN CỦA CÁC BÊN LIÊN QUAN – PHẢN ỨNG CỦA QUỐC TẾ

C. PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

—————

PHẦN 1: CĂNG THẲNG XUNG QUANH EO BIỂN ĐÀI LOAN NHỮNG NGÀY ĐẦU THÁNG TÁM

Pelosi tới Đài Loan trong một chuyến bay không cần giấu diếm bất chấp những lời đe dọa của Tập: Phép thử cho Trung Quốc, Mỹ và thế giới những quốc gia yêu chuộng độc lập, tự do

Mặc dù trong thông cáo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ trước ngày công du Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không đề cập đến điểm dừng chân Đài Loan, chuyến thăm đầu tiên của người quyền lực thứ ba ở Mỹ tới Đài Loan trong vòng 25 năm đã được nhìn nhận là chuyến thăm chính thức (official visits) trong thông cáo trên trang chính thức của Chủ tịch Hạ viện. Điều này có nghĩa đây không phải là một chuyến thăm không chính thức, có tính cá nhân. Theo phân cấp của Mỹ về các chuyến thăm ngoại giao, chuyến thăm chính thức (official visits) chỉ xếp sau cấp cao nhất là chuyến thăm cấp nhà nước (state visits) vốn chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia. Đối với Mỹ, một chuyến thăm chính thức được dành cho người đứng đầu chính phủ, ví dụ như Thủ tướng, và phải do chính Tổng thống Mỹ mời. Trong một chuyến thăm chính thức, người khách được mời sẽ được gặp Tổng thống Mỹ và được đón tiếp với đầy đủ các nghi thức ngoại giao trang trọng nhất cùng với bữa tối cấp nhà nước. Bà Pelosi trở thành quan chức cấp cao nhất tới thăm Đài Loan kể từ năm 1997.

Chỉ trong vòng 24 giờ, trước và sau khi máy bay của bà Pelosi hạ cánh, các quan chức và nhà tuyên truyền Trung Quốc đã đi từ những cảnh báo đầy mùi thuốc súng sang cầu xin sự kiên nhẫn  của công chúng trong nước bởi Bắc Kinh vẫn còn chưa quyết định được một phản ứng thống nhất đối với chuyến đi của Pelosi. Chuyến đi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã đặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tình thế khó xử chỉ vài tháng trước khi diễn ra đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối năm nay. Tập sẽ phải phản ứng đủ cứng rắn để đáp ứng công chúng theo chủ nghĩa dân tộc khi mà sự kiện đang bị thổi phồng bởi các nhà bình luận hiếu chiến. Nhưng Tập cũng không thể chấp nhận rủi ro gây bất ổn hơn nữa mối quan hệ với Mỹ và gây thêm thiệt hại cho nền kinh tế vốn đang chững lại của Trung Quốc. 

Tại cuộc họp báo chiều thứ Tư ngày 03/8/2022, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đề nghị công chúng cho chính phủ thêm thời gian để cân nhắc các hành động trừng phạt Mỹ và Đài Loan. “Chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi đã nói. Bởi vậy, hãy kiên nhẫn về điều đó.”

Xem thêm:

Speaker of the House ngày 02/8/2022: Pelosi, Congressional Delegation Statement on Visit to Taiwan

———-

A. NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

I. TRÊN THỰC ĐỊA

Một bản đồ lịch tập trận dày đặc của Trung Quốc ở các vùng biển. Theresa Fallon nhận xét: Những cuộc diễn tập phong tỏa/bắn đạn thật này xung quanh Đài Loan nhằm dạy cho họ một bài học có thể gây ra hiệu ứng “boomerang” đối với Tập Cận Bình. Ông có thể nhận được nhiều lời khen ngợi trên Weibo nhưng sẽ khiến mọi quốc gia khác ở Châu Á sợ hãi. Không một nỗ lực quyền lực mềm nào của Bắc Kinh có thể xoá bỏ được hành động hiếu chiến này.

Ngày 24 – 28/7/2022: Trung Quốc tập dượt cho các cuộc tập trận phong tỏa Đài Loan, triển khai máy bay không người lái xâm nhập không phận của Đài Loan

Theo dữ liệu của chính phủ Đài Loan, vào ngày 24/7, PLA đã tiến hành các cuộc diễn tập liên quân trên không và trên biển ở ba phía xung quanh Đài Loan, bao gồm một máy bay không người lái tấn công và một tàu khu trục ngoài khơi bờ biển phía đông, một máy bay tác chiến chống tàu ngầm, hai máy bay chiến đấu và một máy bay trinh sát xâm nhập vào rìa tây nam của “vùng nhận dạng phòng không” của Đài Loan. Một ngày sau những chuyển động đó – một số trong đó chưa được công bố – quân đội Nhật Bản cho biết một loại máy bay không người lái tấn công khác của Trung Quốc đã bay giữa Yonaguni, một hòn đảo của Nhật Bản gần bờ biển phía đông Đài Loan.

Ngay khi thông tin được rò rỉ cho báo chí về chuyến công du Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của bà Pelosi sẽ có một điểm dừng chân tại Đài Loan, vào ngày 28/7, Trung Quốc đã bắt đầu thử nghiệm năng lực phòng thủ của Đài Loan bằng cách triển khai các máy bay không người lái (UAV) qua đảo Đông Dẫn của Đài Loan, một tiền đồn được bảo vệ tốt của Đài Loan, là một phần của quần đảo Mã Tổ nằm gần Trung Quốc đại lục. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc điều máy bay không người lái qua không phận của Đài Loan.

Xem thêm: 

Bloomberg News ngày 28/7/2022: Unidentified Drone Flew Over Dongyin Island: Taiwan Military. Một bản PDF được lưu ở đây

Financial Times ngày 01/8/2022: Nancy Pelosi to meet Taiwan’s president on Wednesday. Một bản PDF được lưu ở đây.

Từ ngày 28/7 – 01/8 – Trước ngày bà Pelosi tới Đài Loan: Trung Quốc phô diễn việc điều động quân, tập trận quân sự trên biển từ Malaysia tới Đài Loan 

Hôm 03/8, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết tàu hộ tống Hiếu Cảm Type 056 của Hải quân Trung Quốc đã hoạt động ngoài khơi bờ biển Đông Bắc Đài Loan kể từ ngày 27/7/2022. Lực lượng phòng vệ hàng hải của Nhật Bản đã cử tàu khu trục Yudachi và các máy bay tuần tra P-3 theo dõi.

Cho tới ngày 01/8, Trung Quốc thông báo rằng Bộ Chỉ huy Chiến khu Đông (ETC) của PLA, cơ quan chỉ huy các hoạt động quân sự chống lại Đài Loan, đã được đặt ​​trong tình trạng báo động cao. Đã có sự di chuyển đáng kể của quân đội và thiết bị trong ETC ở các khu vực gần Đài Loan nhất.

PLA tiếp tục tái bố trí các khí tài quân sự từ các khu vực khác cho Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông. Hai tàu sân bay đang hoạt động là Liêu Ninh và Sơn Đông, trước đó đã rời khỏi cảng nhà là Thanh Đảo và Tam Á, và di chuyển trong vùng biển xung quanh Trung Quốc. Các tàu kéo lớn của Trung Quốc cũng được phát hiện trên đường tới Đài Loan.

Trung Quốc thông báo các cuộc tập trận quân sự và diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông từ ngày 02–06/8. Bộ chỉ huy Chiến khu Nam (STC) của PLA, chịu trách nhiệm về các hoạt động ở Biển Đông và một số hoạt động xung quanh Đài Loan, đã được loan tin là đang trong tình trạng báo động cao.

Vào ngày 02/8, các máy bay của PLA đã bay sát đường trung tuyến Eo biển Đài Loan. 

Tất cả những hoạt động này dường như muốn tạo một bức tranh khiến dư luận hiểu rằng PLA có thể đã sẵn sàng tiến hành một số hoạt động quân sự chống lại đoàn tùy tùng của Pelosi nếu máy bay của bà bay theo tuyến đường truyền thống đi qua Biển Đông và Eo biển Đài Loan để đến Đài Bắc.

Thay cho kịch bản dự tính này, máy bay của bà Pelosi đã đi đường vòng để tránh cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông và bay đến Đài Bắc qua phía đông Đài Loan. Sẽ rủi ro hơn đáng kể đối với Trung Quốc nếu thực hiện các hoạt động quân sự ở phía đông Đài Loan do khoảng cách xa hơn và vào ban đêm nên khó hỗ trợ, trong khi nhiều khí tài quân sự của Mỹ đã được bố trí ở khu vực lân cận.

Bản đồ đường bay của máy bay của bà Pelosi từ Malaysia tới sân bay Đài Bắc Tùng Sơn được theo dõi bởi ứng dụng theo dõi các chuyến bay Flightradar24. Ảnh: Flightradar24. 

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 02/8/2022: Taiwan Strait on the boil as US, Beijing and Taipei put military on high alert. Một bản PDF được lưu ở đây.

Lầu Năm Góc sẽ sử dụng lực lượng ngay tại khu vực nếu Trung Quốc chặn máy bay của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, không cần thay đổi lịch trình có sẵn

Lầu Năm Góc từ chối bình luận về việc chuẩn bị bảo vệ Pelosi và phái đoàn của bà. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nếu Trung Quốc điều máy bay chiến đấu đánh chặn máy bay của Pelosi, Không quân và Hải quân Mỹ có thể điều máy bay chiến đấu từ các tàu trên biển hoặc từ các căn cứ trong khu vực để đánh chặn chúng. Trong khu vực tại thời điểm này, quân đội Mỹ đã có sẵn các khí tài hải quân bao gồm tàu sân bay tiền phương USS Ronald Reagan huyền thoại và USS Tripoli, một tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn mang theo máy bay chiến đấu.

Chuyến đi của Pelosi không làm xáo trộn các kế hoạch đã có sẵn của lực lượng quân đội Mỹ tại khu vực. Trong lúc bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc hoạt động tối đa công sức và lợi dụng các công cụ mạng xã hội để định hình kịch bản chuyến đi của bà Pelosi là lý do khủng hoảng nổ ra ở Eo biển Đài Loan, nguy cơ đụng độ không tránh khỏi, thì Tư lệnh các lực lượng quân sự Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đô đốc John C. Aquilino đã đến thăm Căn cứ Amberley của Không quân Hoàng gia Úc trong khi đang ở Úc tham dự Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thường niên lần thứ 24. 

Đây là lý do chúng tôi triển khai một lực lượng đóng sẵn tại khu vực, để chúng tôi không cần phải di chuyển lực lượng một cách đột ngột tới khu vực khi khủng hoảng xảy ra, quan chức này nói với Financial Times.

Xem thêm:

Financial Times ngày 02/8/2022: Chinese fighter jets fly close to Taiwan ahead of Nancy Pelosi’s visit. Một bản PDF được lưu ở đây.

Asia Pacific Security Magazine ngày 01/8/2022: United States Indo-Pacific Commander visits RAAF Base Amberley 

Ngày 02/8: Tuy đi đường vòng tránh quân Trung Quốc dàn trận ở Biển Đông, chuyến bay của bà Pelosi là một chuyến bay công khai. Ngay từ rất sớm, những giao tiếp giữa máy bay và trạm không lưu đã cho thấy điểm hạ cánh là sân bay Tùng Sơn Đài Bắc

Chỉ sau vài phút máy bay của bà Pelosi đáp xuống sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã công bố sáu khu vực cấm đi lại bao quanh Đài Loan cho các cuộc tập trận quân sự bắn đạn thật từ thứ Năm ngày 04/8/2022 đến Chủ Nhật ngày 07/8. Các hoạt động cụ thể bao gồm: (1) Một loạt các chiến dịch quân sự liên quân xung quanh Đài Loan; (2) Các cuộc tập trận phối hợp trên không và trên biển ở phía bắc, tây nam và đông nam các đảo Đài Loan; (3) Bắn đạn thật tầm xa ở Eo biển Đài Loan; và (4) Thử nghiệm bắn tên lửa thông thường ở vùng biển phía đông Đài Loan.

Khu vực 1: Khu vực này nằm ngoài khơi đảo Bình Đàn (Pingtan) của Trung Quốc đại lục ở phần hẹp nhất của Eo biển Đài Loan. Các nhà phân tích của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lưu ý rằng các hoạt động ở khu vực cổ hẹp này có thể cho phép Trung Quốc đóng cửa phía bắc vào Eo biển Đài Loan. Khu vực này cũng được chọn để cố ý vi phạm và làm suy yếu tính hợp pháp của “đường trung tuyến” chạy qua Eo biển Đài Loan, nơi các lực lượng PLA thường hoạt động ở phía tây của giới tuyến.

Khu vực 2: Nằm ở phía bắc của Đài Loan, khu vực này xâm nhập vào lãnh hải của Đài Loan, cách mũi đảo 22,5 km và cách Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan khoảng 50 km. Nó gần cả Cảng Đài Bắc và Cảng Cơ Long, một cảng quan trọng cho cả hoạt động quân sự và thương mại. Cả hai cảng đều rất quan trọng đối với nền kinh tế của Đài Loan và xử lý khoảng 20% ​​tổng lượng hàng hóa đến hòn đảo này. Khu vực 2 cũng nằm gần Sân bay Quốc tế Đào Viên của Đài Bắc, sân bay bận rộn nhất của hòn đảo, cũng như Sân bay Tùng Sơn Đài Bắc, đóng vai trò là căn cứ không quân quân sự và đón hơn sáu triệu hành khách vào năm 2019. Khu này nằm gần các bãi biển và khu vực ven biển phía tây bắc và phía tây của Đài Bắc mà các nhà hoạch định quân sự cho là phù hợp cho một cuộc đổ bộ tiềm năng của PLA lên Đài Loan.

Khu vực 3: Nằm cách Đài Loan 18,5 km về phía đông bắc, vùng này gần các bãi biển duy nhất ở bờ biển phía đông Đài Loan có thể thích hợp cho một cuộc đổ bộ của PLA. Góc đông nam của khu vực 3 xâm nhập vào EEZ của Nhật Bản và chỉ cách quần đảo Senkaku một khoảng ngắn. Do đó, Khu vực này cho phép PLA tiến hành các hoạt động chống lại cả Đài Loan và Nhật Bản. Tương tự như khu vực 2, khu này gần Đài Bắc và Cảng Cơ Long (Keelung). Việc kiểm soát cả hai khu vực có thể gây khó khăn cho Mỹ hoặc Nhật Bản trong việc điều động lực lượng vào Đài Bắc từ phía đông bắc và có thể cho phép PLA phong tỏa Cảng Cơ Long. Hoạt động từ các khu vực 1, 2 và 3 có thể cho phép PLA nhanh chóng tiến lên chiếm Đài Bắc từ ba hướng khác nhau và có thể đặc biệt quan trọng nếu PLA tìm cách triển khai một cuộc tấn công “đánh dập đầu não” nhằm vào lãnh đạo Đài Loan.

Khu vực 4: Vùng này cách bờ biển phía đông của Đài Loan ở Thái Bình Dương khoảng 130 km. Do khoảng cách với Trung Quốc và địa hình tương đối nhiều núi ở bờ biển phía đông của Đài Loan, PLA ít hoạt động và tập trận hơn ở khu vực này so với phía tây của Đài Loan. Khu vực này đối diện trực tiếp với hai căn cứ không quân tại Hoa Liên và Đài Đông, là một trong những căn cứ quân sự quan trọng nhất của Đài Loan. Việc bố trí lực lượng ở đó sẽ cho phép PLA tiến hành các cuộc tấn công vào các bờ biển và căn cứ phía đông của Đài Loan, đồng thời giúp ngăn chặn Mỹ và các quốc gia khác đổ quân vào Đài Loan từ phía đông. Vùng này cũng chồng lấn với EEZ của Nhật Bản. Kẹp giữa khu vực này và khu vực 3 là đảo Yonaguni của Nhật Bản, nơi có căn cứ quân sự, radar và các thiết bị khác và đóng vai trò là tiền đồn quan trọng gần Đài Loan và quần đảo Senkaku.

Khu vực 5: Vùng này nằm ở phía đông nam của cực nam Đài Loan, giữa Đảo Orchid của Đài Loan và các đảo tạo nên tỉnh Batanes của Philippines và xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Vùng biển này, được gọi là Kênh Bashi, là một điểm tắc nghẽn quan trọng ngăn cách vùng nước trong Chuỗi đảo thứ nhất với Biển Philippines và Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Kênh Bashi cũng là nơi có một số tuyến cáp ngầm dưới biển, có thể bị đứt làm gián đoạn nghiêm trọng việc truy cập internet và thông tin liên lạc trong khu vực.

Khu vực 6: Khu này nằm ở góc Tây Nam của Đài Loan và là khu lớn nhất trong sáu khu. Nó nằm gần khu vực từng là thành trì của Đảng Dân Tiến (DPP) của Tổng thống Thái Anh Văn và Bắc Kinh coi là thúc đẩy Đài Loan độc lập. Góc tây nam của ADIZ của Đài Loan là nơi PLA thực hiện nhiều cuộc xâm nhập đường không nhất, nhưng thường ở khoảng cách xa đảo chính của Đài Loan hơn nhiều so với khu vực tập trận. Khu vực này tiếp cận lãnh hải của Đài Loan, gần các thành phố lớn Cao Hùng và Tả Doanh, cả hai đều là nơi có các căn cứ quân sự quan trọng. Cao Hùng cũng tự hào có cảng thương mại quan trọng nhất của Đài Loan – nơi xử lý gần 59% tổng sản lượng vận chuyển của Đài Loan vào năm 2021 – và là sân bay bận rộn thứ hai của Đài Loan. Tương tự như các khu vực ở phía bắc Đài Loan, khu vực này gần các bãi biển và khu vực ven biển thích hợp cho một cuộc đổ bộ xâm lược Đài Loan. Các hoạt động quân sự từ Khu vực 6 có thể nhắm vào những người ủng hộ DPP, làm suy yếu đáng kể nền kinh tế của Đài Loan (như một phần của cuộc phong tỏa) và hỗ trợ một cuộc xâm lược tiềm tàng vào hòn đảo này.

Mặc dù thông báo các cuộc tập trận bắt đầu từ ngày 04/8, ngay sáng sớm ngày thứ Tư 03/8, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận liên quân giữa lực lượng hải quân và không quân xung quanh Đài Loan, trong đó có hoạt động thử nghiệm tên lửa ở vùng biển phía đông.

Xem thêm:

ChinaPower Project ngày 10/8/2022: Tracking the Fourth Taiwan Strait Crisis 

Ngày 03/8/2022, máy bay Trung Quốc vượt qua đường trung tuyến. Lần đầu tiên máy bay không người lái của Trung Quốc xâm nhập không phận quần đảo Kim Môn. Tàu USS America đang ở Biển Hoa Đông

Trong ngày này, PLA đã triển khai 27 máy bay vào ADIZ của Đài Loan. Sáu máy bay chiến đấu J-11 và 16 máy bay chiến đấu Su-30 đã vượt qua đường trung tuyến Eo biển Đài Loan và sáu máy bay chiến đấu J-11 bay vào góc tây nam của ADIZ của Đài Loan.

Đường trung tuyến Eo biển Đài Loan được Tướng Không quân Mỹ Benjamin Davis thiết lập vào năm 1955 sau khi PLA giành quyền kiểm soát quần đảo Nhất Giang Sơn ngoài khơi tỉnh Chiết Giang từ quân đội Quốc dân đảng. Trong nỗ lực muốn trung lập hoá eo biển, Washington gây áp lực buộc cả hai bên phải chấp nhận một thỏa thuận ngầm không gửi lực lượng quân sự qua chiến tuyến và duy trì hiện trạng của eo biển.

Đây được coi như một đường biên giới trên biển trên thực tế, ngăn cách Trung Quốc đại lục với Đài Loan. Trước đây Bộ Quốc phòng Đài Loan đã từng nói việc vượt qua đường trung tuyến là “khiêu khích” và gây tổn hại cho hoà bình và ổn định của khu vực. Máy bay quân đội Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua đường trung tuyến eo biển vào ngày 09/7/1999, sau khi Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Lý Đăng Huy đã mô tả quan hệ xuyên eo biển là một mối quan hệ “đặc biệt giữa hai nhà nước.”

Quay trở lại diễn biến đang diễn ra ngày 03/8/2022, một phân tích của Janes cho thấy đã có chiếc máy bay đến cách bờ biển Đài Loan chỉ 65 km, gần thành phố Đào Viên. Chiếc máy bay này sau đó đã quay trở lại Trung Quốc đại lục hướng về phía tây bắc.

Hai máy bay không người lái của Trung Quốc đã xâm nhập không phận trên quần đảo Kim Môn của Đài Loan, nằm ngay ngoài khơi bờ biển Trung Quốc đại lục. Đây là lần đầu tiên máy bay không người lái của PLA làm được như vậy. Bộ Tư lệnh Quốc phòng Kim Môn của Đài Loan đã phản ứng bằng cách bắn pháo sáng để cảnh báo các máy bay không người lái rời khỏi không phận của Đài Loan.

Quy mô thực tế các chiến dịch của Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng. Chẳng hạn, truyền thông Trung Quốc đã chia sẻ video được cho là máy bay chiến đấu J-20 đang cất cánh, nhưng Bộ Quốc phòng Đài Loan nói không có chiếc J-20 nào hoạt động ở ADIZ của Đài Loan vào ngày 03/8.

Cùng ngày, tàu sân bay đổ bộ tấn công USS America (LHA 6) tiền phương đang đi trên Biển Hoa Đông và diễn tập một vụ cháy máy bay mô phỏng trong khoang chứa máy bay của con tàu.

Xem thêm:

Taiwan News ngày 04/8/2022: Taiwan fires flares at 1st Chinese drones seen over Kinmen 

Janes ngày 04/8/2022: ​​China conducts largest air breach of median line to date 

Taipei Times ngày 28/9/2020: Air defense must be free of political calculation 

Hạm đội 7 ngày 04/8/2022: Hoạt động của tàu USS America

Ngày 04/8/2022: Trung Quốc lần đầu tiên bắn tên lửa bay qua lãnh thổ Đài Loan

Một điều ít người chú ý là vào sáng sớm ngày 04/8, Trung Quốc đã công bố thêm vùng nguy hiểm thứ 7, được đánh dấu màu đỏ trong bản đồ dưới đây của Damien Symon, một nhà phân tích quân sự từ dữ liệu thực địa. 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra xác nhận nhận chính thức đầu tiên cho biết 4 tên lửa đạn đạo do Quân đội Giải phóng Nhân dân bắn trong cuộc tập trận hôm thứ Năm được cho là đã bay qua đảo chính của Đài Loan. Bốn tên lửa đó nằm trong số năm tên lửa của Trung Quốc đã hạ cánh trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản, Bộ cho biết.

Bản đồ chồng lấn giữa các khu vực nguy hiểm mà Trung Quốc thông báo với EEZ của Nhật Bản. Ảnh: Damien Symon

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đã có 9 tên lửa tầm xa và tên lửa đạn đạo thông thường từ bốn khu vực chính bên trong Trung Quốc được bắn vào vào 4 khu vực tập trận ở phía bắc, đông và nam của Đài Loan, trong khi Trung Quốc và Đài Loan báo cáo 11 tên lửa, với một số báo cáo của Trung Quốc cho thấy chỉ có 3 khu vực bị bắn trúng. Đoạn video do truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải cho thấy ít nhất một số tên lửa là tên lửa tầm ngắn DF-15B. 

Ảnh chụp màn hình từ một video được đăng lên tài khoản Weibo của Bộ chỉ huy quân sự phía Đông của Quân giải phóng nhân dân về tên lửa được bắn từ đất liền. Nguồn: Bộ chỉ huy quân sự phía Đông của Quân giải phóng nhân dân.

Đài Loan đã không phát ra tiếng còi cảnh báo không kích khi 4 tên lửa Trung Quốc bắn ra bay qua Đài Loan vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày là đường bay chính của loạt tên lửa đạn đạo Đông Phương nằm bên ngoài bầu khí quyển, không gây ra mối đe dọa nào đối với mặt đất. Nhưng họ không muốn tiết lộ đường bay cụ thể của tên lửa để “bảo vệ các hoạt động quân sự.” Giới quan sát có nhiều nghi vấn và quan điểm khác nhau về việc liệu Đài Loan có hệ thống đủ năng lực phát hiện được tên lửa ở tầm cao hơn 300 km.

Bản đồ và thông tin về các vụ bắn tên lửa của Trung Quốc trong báo cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

PLA đã bắn tên lửa từ Khu vực 1, gần quần đảo Mã Tổ của Đài Loan và bắn pháo tầm xa gần Mã Tổ, Ô Khâu, Đông Dẫn và các đảo xa xôi khác, làm tăng thêm lo ngại của Đài Loan về ý định của Trung Quốc xung quanh các đảo.

Cùng ngày thứ Năm, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của Trung Quốc cho biết họ đã huy động hơn 100 máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và các loại máy bay khác, cũng như hơn 10 tàu khu trục và tàu hộ vệ, để “thực hiện các chiến dịch đồng thời kiểm soát và đóng chặn.” Hình ảnh cho thấy máy bay trực thăng quân sự bay qua đảo Bình Đàn, một trong những điểm gần nhất của Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, đã tham gia các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan cùng với ít nhất một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.

PLA đã đưa 22 máy bay vào ADIZ của Đài Loan. Trong số này có 12 máy bay chiến đấu Su-30 băng qua đường trung tuyến phía tây bắc Đài Loan và 8 máy bay chiến đấu J-11 và 2 máy bay chiến đấu J-16 băng qua đường trung tuyến phía tây nam Đài Loan.

Cùng ngày thứ Năm, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông cho biết họ đã hoàn thành khóa huấn luyện bắn đạn thật, và dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát trên không và trên biển. Tuy nhiên trong ngày này xuất hiện thông báo trên truyền thông rằng Trung Quốc đã thiết lập khu vực tập trận thứ bảy, nằm ở phía đông của Đài Loan, kéo dài từ ngày 04 – 08/8, nghĩa là sẽ kéo dài thêm một ngày so với sáu khu vực còn lại.

Phản ứng của người dân Đài Loan

Trên đảo Bắc Can (北竿) phía tây bắc Đài Loan, một số người dân có thể quan sát tên lửa Trung Quốc bắn ra từ đại lục cách đó vài km vào buổi chiều. Nhưng không phải nơi nào ở Đài Loan cũng quan sát được gần như thế. “Tôi đã ở văn phòng cả ngày hôm nay và chỉ biết về nó sau đó,” Chen Kao-liang, 33 tuổi (tên đã được biên tập viên thay đổi) nói với China.Table vào buổi tối. Bởi vì Trung Quốc đã không tăng cường quân số hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp trên bờ biển, họ không coi trọng mối đe dọa.

​​Abigail Chou cũng không quá lo lắng, mặc dù các hoạt động của Trung Quốc rất gần nhà. Người đàn ông 32 tuổi gốc Đài Bắc này điều hành một cửa hàng ăn sáng nhỏ trên hòn đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía nam Đài Loan. “Dù sao thì chúng tôi cũng lớn lên với mối đe dọa từ Trung Quốc. Trung Quốc chỉ muốn thể hiện sức mạnh của mình, chứ không thật sự là liên quan tới chúng tôi.”

Người dân Đài Loan nhận thức được nguy cơ leo thang nhưng không hoảng sợ. Vào thứ Năm, một ứng dụng được phát triển bởi sở cảnh sát là ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trong kho ứng dụng Apple. Một trong những tính năng chính của nó: Bản đồ các hầm trú bom.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 04/8/2022: 中国のミサイル5発が日本のEEZに落下 

Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 04/8/2022: https://www.mnd.gov.tw/Publish.aspx?p=80175&title=國防消息&SelectStyle=即時軍事動態 

Focus Taiwan ngày 05/8/2022: Taiwan’s silence on China missile paths draws mixed views

People’s Daily ngày 04/8/2022: Video footage suggesting DF-15B short-range missiles  

ifeng ngày 04/8/2022: 东部战区出动上百架多型战机 

Liberty Times Net ngày 04/8/2022: 獨家》航港局︰台灣東部共軍演訓區再增一處 延長至8日10時 – 政治 

Global Times ngày 04/8/2022: PLA aircraft carrier group with nuclear-powered submarine joins drills around Taiwan: expert 

CTWANT ngày 04/8/2022: 馬祖民眾捕捉共軍發射飛彈軌跡 白色硝煙乍現空中畫面曝光| 國際 

Ngày 04/8/2022: Hai máy bay không người lái của Trung Quốc bay giữa các hòn đảo ở tây nam Nhật Bản

Đài Loan cho biết máy bay không người lái đã bay qua vùng biển xung quanh quần đảo Kim Môn, Đông Dẫn và Mã Tổ vào thứ Năm. Các UAV cũng được phát hiện ở vùng biển gần Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết một máy bay không người lái do thám và tấn công TB-001 và một máy bay không người lái giám sát BZK-005 xuất phát từ hướng Biển Hoa Đông, bay trên vùng biển giữa đảo chính của Okinawa và đảo Miyakojima tới Thái Bình Dương. Những chiếc máy bay này đã đến các khu vực huấn luyện mà Trung Quốc khoanh vùng ở phía đông và nam Đài Loan, ở đó một thời gian rồi lại bay trở lại giữa hai hòn đảo của Nhật Bản và hướng về Trung Quốc. 

Một chiếc khác có thể là của Trung Quốc cũng đã được phát hiện trong khu huấn luyện của Trung Quốc ở phía đông bắc Đài Loan. Tuy nhiên máy bay không người lái đã không đi vào không phận Nhật Bản. Phía Nhật đã điều máy bay chiến đấu để chặn.

Xem thêm: 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 04/8/2022: 中国機の動向について 

NHK News ngày 05/8/2022: Two Chinese unmanned aircraft flew between islands in southwest Japan 

Ngày 04/8/2022: Tàu USS Ronald Reagan cùng mốt số tàu đổ bộ và máy bay ở phía đông Đài Loan. Không quân Mỹ và Nhật Bản tập trận chung xung quanh Okinawa 

Ảnh: Bản đồ cho biết tương quan vị trí giữa Biển Philippine và Đài Loan, nơi bị các cuộc tập trận của Trung Quốc bao vây.

Từ sáng ngày thứ Năm, Hải quân Mỹ đã bố trí nhóm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan và 2 tàu đổ bộ boong lớn (USS America và USS Tripoli) cùng với F-35B Lightning II của Thuỷ quân Lục chiến di chuyển tới phía đông Đài Loan, theo nguồn tin quốc phòng trích dẫn bởi USNI News.

Vì những lý do an ninh hàng hải và chính trị, vị trí và hành trình chính xác của tàu USS Ronald Reagan đã không được công bố chi tiết. Tuy nhiên, những hình ảnh được Hạm đội 7 công bố cho thấy các thuỷ thủ trên tàu sân bay USS Ronald Reagan đang tham gia vào các hoạt động bay xuất phát từ tàu khi tàu đang di chuyển ở Biển Philippines ngày 04/8.

Cùng ngày, các máy bay F-15 của Không quân Mỹ và Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản đã tiến hành các cuộc huấn luyện chiến thuật trong vùng không phận xung quanh Okinawa.

Xem thêm:

USNI News ngày 04/8/2022: 11 Chinese Ballistic Missiles Fired Near Taiwan, U.S. Embarks USS America From Japan 

JASDF ngày 09/8/2022: Japan-U.S. Bilateral Training 

05/8/2022: Máy bay quân sự và tàu chiến Trung Quốc tăng cường số lượng vượt qua đường trung tuyến

Bộ Tư lệnh Chiến Khu Đông thông báo họ đã tiến hành các cuộc tập trận trên không và trên biển ở phía bắc, đông và tây nam của Đài Loan để kiểm tra năng lực tác chiến liên quân giữa các đơn vị quân đội.

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 68 máy bay quân sự và 13 tàu chiến của Trung Quốc đã hoạt động ở Eo biển Đài Loan. Bốn mươi chín chiếc máy bay đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan và 30 chiếc trong số đó đã vượt qua đường trung tuyến.

Cụ thể, 24 máy bay chiến đấu Su-30 và 6 máy bay chiến đấu J-11 băng qua đường trung tuyến phía tây bắc Đài Loan và 10 máy bay chiến đấu J-16, 7 máy bay chiến đấu J-10, một máy bay Y-8 EW và một máy bay Y-8 ASW băng qua đường trung tuyến phía tây nam của Đài Loan. Đây là số lượng máy bay cao thứ hai từng được ghi nhận bay vào ADIZ của Đài Loan trong một ngày, chỉ sau ngày 04/10/2021 với 56 máy bay. Nói rộng hơn, các cuộc xâm nhập ADIZ của PLA trung bình gần 26 máy bay mỗi ngày trong khoảng thời gian từ ngày 02 – 08/8, tăng từ mức trung bình khoảng ba máy bay mỗi ngày từ ngày 01/1 đến ngày 01/8/2022.

Đài Loan đã phản ứng bằng cách cử các đội tuần tra trên không và trên biển và đưa ra cảnh báo vô tuyến.

​​Một góc nhìn khác đã được một nguồn tin giấu tên ở Đài Loan cung cấp cho Reuters, “khoảng 10 tàu hải quân Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến và ở lại khu vực này vào sáng thứ Sáu, và khoảng 20 máy bay quân sự Trung Quốc đã nhanh chóng băng qua đường trung tuyến.”

​​Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, phía Đài Loan đã đáp lại hoạt động của PLA “bằng các hệ thống giám sát, máy bay [tuần tra trên không], tàu hải quân và hệ thống tên lửa.”

Ảnh vệ tinh kết hợp với một số tấm ảnh trên mạng xã hội gợi ý rằng có thể nhiều tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã bị tàu của Hải quân Đài Loan bám sát. Ảnh: Damion Symon

Những tấm ảnh được công bố bởi Bộ Quốc phòng Đài Loan sau đó cũng cho thấy khoảng cách rất gần giữa tàu Đài Loan và tàu Trung Quốc.

Tân Hoa Xã cho biết Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông đã bắn “phiên bản tên lửa mới” nhắm vào các mục tiêu không xác định ở eo biển Đài Loan “một cách chính xác”. Nếu thông tin này là đúng thì có thể liên quan tới những báo cáo chưa được xác nhận về tên lửa DF-16ZD mới, dường như là một biến thể mới của tên lửa cơ động đường bộ, DF-16 SRBM.

Tân Hoa Xã cũng đã nói rằng Trung Quốc cũng đã triển khai các máy bay quân sự không người lái gần các đảo xa xôi của Đài Loan, đồng thời triển khai 10 tàu khu trục và tàu hộ vệ tiến hành các hoạt động phong tỏa chung ở vùng biển ngoài khơi Đài Loan. 

Bộ Tư lệnh Phòng thủ Kim Môn đã quan sát thấy bốn máy bay không người lái của PLA đã bay trên vùng biển xung quanh đảo Kim Môn và đảo Tiểu Kim Môn (Liệt Tự) và đảo Bắc Đĩnh gần đó vào buổi tối. Đáp lại, Bộ Tư lệnh Phòng thủ Kim Môn đã bắn pháo sáng cảnh báo để đẩy lùi các máy bay không người lái. Cũng trong khoảng thời gian đó, các máy bay tương tự đã được phát hiện bay trên đảo Lượng và đảo Đông Dẫn, là một phần của quần đảo Mã Tổ của Đài Loan.

Lầu Năm Góc đã duy trì tàu sân bay tiền phương USS Ronald Reagan và nhóm tàu tấn công đi cùng ở gần khu vực để theo dõi tình hình. Tuy nhiên, Mỹ sẽ hoãn một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III trong tuần này để giảm rủi ro “tính toán sai lầm” hoặc nhận thức sai. 

Ông Kirby nói: “Khi Trung Quốc triển khai các cuộc tập trận gây bất ổn xung quanh Đài Loan, Mỹ đang thể hiện hành vi của một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm bằng cách giảm thiểu rủi ro tính toán sai lầm.”

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 05/8/2022: PLA had crossed the median line and jeopardized the status quo of the strait 

Military News Agency ngày 06/8/2022: 陸軍:外島多地區晚間發現無人機 射擊信號彈示警應處 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 05/8/2022: 东部战区继续位台岛周边海空域​进行实战化联合演训 

Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông ngày 05/8/2022: https://mp.weixin.qq.com/s/00xupULLqR6shTAoHHMF6Q 

Focus Taiwan ngày 06/8/2022: 4 drones spotted over Taiwan’s Kinmen islands 

Reuters ngày 05/8/2022: China’s military makes dozens of crossings of Taiwan median line 

CNN ngày 21/9/2020: Almost 40 Chinese warplanes breach Taiwan Strait median line; Taiwan President calls it a ‘threat of force’

The Drive ngày 05/8/2022: Record-Breaking 68 Chinese Warplanes Just Flew Into The Taiwan Strait 

Ngày 05/8/2022: Các cuộc gọi của các lãnh đạo Lầu Năm Góc đều không được Trung Quốc đáp lại dù căng thẳng leo thang

Lầu Năm Góc vẫn thường cố gắng duy trì các đường dây liên lạc ngay cả với các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc để ngăn ngừa sự cố hay các tính toán sai lầm khác có thể biến thành một cuộc xung đột toàn diện. Tuy nhiên trong tuần này, khi căng thẳng đang leo thang ở Eo biển Đài Loan, các quan chức quân sự hàng đầu của Trung Quốc đã không trả lời những cuộc gọi từ những người đồng cấp Mỹ dù phía Mỹ đã cố gắng nhiều lần.

Xem thêm:

Politico ngày 05/8/2022: Pentagon chiefs’ calls to China go unanswered amid Taiwan crisis 

Nico Beckert: Chuỗi cung ứng hầu như không bị ảnh hưởng bởi các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc

Các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến một số tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới. Các nhà chức trách Đài Loan đã yêu cầu các thuyền trưởng tránh các khu vực này. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sẽ chỉ có tác động tiềm tàng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu nếu các cuộc tập trận quân sự được mở rộng hoặc kéo dài.

Nhà kinh tế Wan-Hsin Liu thuộc Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel) nói: “Nếu các cuộc diễn tập quân sự chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không quá rộng, sự gián đoạn sẽ bị hạn chế. Sẽ có các tuyến đường thay thế. Thời gian dự kiến ​​của các cuộc tập trận là ba ngày cũng nằm trong phạm vi trì hoãn cho phép mà các công ty vận tải hàng hóa vẫn có thể dễ dàng chấp nhận.

Trên thực tế, các cuộc tập trận quân sự vẫn chưa gây ra bất kỳ sự chậm trễ lớn nào hoặc các vấn đề về chuỗi cung ứng trong ngày đầu tiên. Một số công ty vận tải đã ngay lập tức định tuyến lại các con tàu của họ sang các tuyến đường thay thế. Các cơ quan vận tải của Đài Loan đã cung cấp rộng rãi các lựa chọn để tránh các khu vực nguy hiểm.

Một số hãng vận tải cũng đã thay đổi điểm đến và hiện đang ghé các cảng trên đất liền. Những hãng khác đã giảm tốc độ để đến các khu vực quan trọng vào cuối tuần sau khi các cuộc tập trận kết thúc. Tuy nhiên, hầu hết những chuyến vận chuyển hàng hóa chỉ đơn giản là đi qua các khu vực đang diễn ra các cuộc tập trận quân sự.

Các tàu không có điểm đến trực tiếp trên Đài Loan cũng bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của Bloomberg, gần một nửa số tàu container trên thế giới đã đi qua Eo biển Đài Loan vào năm ngoái. Do đó, các khu vực cấm không chỉ cản trở giao thông của Đài Loan mà còn cả các tàu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với các điểm đến ở Châu Âu hoặc Mỹ.

Nhưng ngay cả khi các con tàu không thể đi qua Eo biển Đài Loan và thay vào đó đi qua sườn phía đông của hòn đảo, sự chậm trễ chỉ khoảng ba ngày. Sự chậm trễ như vậy không phải là hiếm trong vận chuyển toàn cầu. Thời tiết khắc nghiệt, chẳng hạn như bão, thường xuyên gây ra những sai lệch tương tự.

Dù vậy, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn. Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, chỉ dành vài giờ ở Đài Loan. Các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan đã đạt đến một tầm vóc mới. Liệu CHND Trung Hoa có hài lòng dừng ở mức như vậy vẫn còn đang được cân nhắc. Việc chỉ định các khu vực cơ động giống như một cuộc tập trận chuẩn bị cho một cuộc phong tỏa hải quân đối với Đài Loan. Theo truyền thông Đài Loan, đây chính là cách Tướng Trung Quốc Mạnh Thường Thanh (Meng Xiangjun) miêu tả tình hình.

Nếu Trung Quốc gia hạn các cuộc tập trận, các công ty và nhà hậu cần sẽ phải chuẩn bị cho “những gián đoạn đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu và cũng như nền kinh tế toàn cầu”, theo chuyên gia toàn cầu hóa Liu từ IfW. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn quá sớm để quá cảnh giác. Huang Huiming, một nhà quản lý quỹ tại Nanjing Jing Heng Investment Management, cho biết: “Chúng ta có thể lo ngại nếu các cuộc tập trận trở nên lâu hơn và căng thẳng hơn sẽ tác động đến chuỗi cung ứng, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy điều đó xảy ra ngay bây giờ.”

Tuy nhiên, ngay cả việc xử lý kịch bản cũng khá phù hợp dựa trên kinh nghiệm của vài năm qua. Đài Loan sở hữu cơ sở sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới. Riêng công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) dẫn đầu thị trường đã nắm giữ 53% thị phần.

Theo Liu, chất bán dẫn chiếm 51% xuất khẩu của Đài Loan trong nửa đầu năm. Nếu thiếu những thành phần này, các dây chuyền lắp ráp tại Đức cũng sẽ đi vào bế tắc. Kết quả là nền kinh tế Đức phụ thuộc mạnh mẽ vào Đài Loan. Trên hết, Đức sẽ càng nhận thức được tính khí của Trung Quốc sẽ tác động bất lợi thế nào dù điều này đã được coi là một vấn đề ngay cả khi chưa xảy ra căng thẳng Eo biển Đài Loan.

Việc phong tỏa Đài Loan cũng sẽ gây hại cho Trung Quốc

Trung Quốc cũng có lựa chọn gia hạn lệnh trừng phạt đối với các nhóm hàng hóa khác của Đài Loan sau chuyến thăm của bà Pelosi. Kịch bản này sẽ liên quan đến một thủ thuật hải quan thay vì một cuộc phong tỏa hải quân. Trung Quốc đã từ chối nhập khẩu hàng hóa nhiều lần với nhiều lý do đáng nghi vấn.

Cho đến nay, các ngành công nghiệp thực phẩm và xây dựng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhưng các nhóm sản phẩm liên quan đến sản xuất cũng có thể trở thành mục tiêu trả thù. Điều này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Đài Loan. CHND Trung Hoa là đối tác thương mại lớn nhất của hòn đảo. 

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt sâu rộng hiện được coi là khó có thể xảy ra. Trung Quốc cũng sẽ tự làm tổn thương mình khi cô lập Đài Loan về mặt kinh tế. CHND Trung Hoa cũng phụ thuộc vào vật liệu bán dẫn từ Đài Loan.

Ngày 06/8/2022: PLA tập trận đổ bộ tấn công Đài Loan từ bờ biển

Trong ngày thứ ba của các cuộc tập trận, PLA tập trung vào việc kiểm tra năng lực tấn công trên bộ và trên biển của quân đội với các hoạt động liên quân giữa không quân và hải quân trên vùng biển và vùng trời ở phía bắc, đông và tây nam của Đài Loan. Các nhiệm vụ này nhằm dọn đường cho các lực lượng đổ bộ tiến hành các cuộc tấn công bãi biển nhằm vào Đài Loan. Lực lượng hải quân Chiến khu Đông đã triển khai tàu chiến, máy bay chiến đấu và tên lửa chống hạm trên bờ biển. Bộ Quốc phòng Đài Loan đã báo cáo 20 máy bay bao gồm 10 SU-30, 4 J-16, 4 J-11, Y-8 chống ngầm và Y-20 tiếp nhiên liệu trên không, 14 tàu  xung quanh Eo biển Đài Loan, một số đã băng qua đường trung tuyến và một số có thể mô phỏng các cuộc tấn công nhằm vào “HVA” (tài sản có giá trị cao). Tuy nhiên tuyên bố không nói rõ những “tài sản có giá trị cao” đó là gì.

Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động hải quân được tăng cường ở phía nam hòn đảo. Ảnh: Damien Symon.

Hình ảnh vệ tinh Eo biển Đài Loan vào đầu buổi sáng cho thấy hai tàu có thể là tàu hải quân trong vùng nguy hiểm. Cả hai đi song song với nhau đi qua phía Đài Loan của đường trung tuyến.

Một thước phim được công bố bởi Bộ Quốc phòng Đài Loan cho thấy tàu khu trục lớp Kee Lung Ma Kong của Hải quân Đài Loan theo dõi tàu hộ vệ Ma’anshan (525) của Hải quân Trung Quốc tại vùng biển phía đông Đài Loan. Lớp Kee Lung là tàu khu trục có sức rẽ nước lớn nhất từng có trong biên chế Hải quân Đài Loan trong khi Hải quân PLA chỉ có 2 chiếc Type 054.

Bên cạnh hoạt động quân sự diễn ra ở Eo biển Đài Loan, một nguồn tin cho Reuters biết ở ngoài khơi bờ biển phía đông Đài Loan và gần các đảo của Nhật Bản, tàu chiến và máy bay không người lái của Trung Quốc đã mô phỏng các cuộc tấn công nhằm vào tàu chiến của Mỹ và Nhật Bản.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 06/8/2022:  全球資訊網-即時軍事動態 

Military News Agency ngày 06/8/2022: 金防部:掌握周邊無人機動態 射擊信號彈警示 

Global Times ngày 06/8/2022: PLA focuses on land attack, sea assault on 3rd day of drills around Taiwan island 

07/8/2022: Ngày cuối cùng của các đợt tập trận vòng đầu tiên, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói Trung Quốc đang mô phỏng các cuộc tấn công vào đảo chính

Theo như kế hoạch mà Trung Quốc thông báo ban đầu, ngày 07/8 là ngày kết thúc các cuộc tập trận. Trong ngày này, khoảng 10 tàu chiến của Trung Quốc và Đài Loan đã chơi trò “mèo vờn chuột” ở Eo biển Đài Loan trong nỗ lực cố gắng kiềm chế. Một số tàu Trung Quốc đã vượt qua đường trung tuyến. Trong một tuyên bố sau đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết đã phát hiện 14 tàu chiến và 66 máy bay Trung Quốc xung quanh Eo biển Đài Loan. 

Trong đó, 8 máy bay chiến đấu Su-30 và 4 máy bay chiến đấu J-11 đã vượt qua điểm cuối phía bắc của đường trung tuyến. Có sáu lần xuất kích của máy bay chiến đấu J-16, ba lần xuất kích của máy bay ném bom Xian H-6N và một lần xuất kích của máy bay chống ngầm Yun-8 và đã đi vào phía tây nam của ADIZ của Đài Loan. 

Quân đội Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận liên quân trên biển và trên không, ở phía bắc, tây nam và đông của Đài Loan, tập trung vào năng lực tấn công trên bộ và trên biển.

Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, các tàu quân sự, máy bay và máy bay không người lái của Trung Quốc đang mô phỏng các cuộc tấn công vào Đài Loan. Phía Đài Loan đã gửi máy bay và tàu phản ứng một cách “thích hợp”.

Một tấm ảnh được chụp bởi ngư dân cho thấy tàu khu trục Type 052D của Trung Quốc đang bị giám sát bởi tàu khu trục lớp Kee Lung của Đài Loan ở khoảng cách rất gần. Cuộc chạm trán diễn ra bên ngoài Đông Áo, Quận Nghi Lan.

Đã không có máy bay hay tàu chiến nào của PLA đi vào lãnh hải của Đài Loan, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết nhưng không trả lời liệu có chiếc nào đi vào vùng tiếp giáp hay không. Họ cũng từ chối đưa ra con số cụ thể về khoảng cách gần nhất so với đường bờ biển nơi tàu và máy bay PLA bị phát hiện.

Trong nỗ lực bác bỏ thông tin tàu Trung Quốc đã đi vào lãnh hải gần Hoa Liên, hãng tin quân đội Đài Loan đã đăng tải những tấm ảnh cho thấy Lực lượng hỗn hợp Chiến thuật số 5 đóng tại căn cứ Hoa Liên đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra khu vực với tiêm kích F-16V gắn tên lửa tầm trung tiên tiến AIM-120 và các loại đạn khác. 

Máy bay chiến đấu F-16V được triển khai ở căn cứ Hoa Liên để giám sát hoạt động của tàu Trung Quốc. Ảnh: Taiwan’s Military News Agency.

Vào tối muộn, trên kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc, một nhà bình luận cho biết quân đội Trung Quốc giờ đây sẽ tiến hành các cuộc tập trận “thường xuyên” ở phía giới tuyến của Đài Loan, đồng thời nói rằng “nhiệm vụ lịch sử” của Trung Quốc là “thống nhất đất nước” có thể thành hiện thực.

Đài Loan cho biết tên lửa chống hạm trên bờ và tên lửa đất đối không Patriot của họ đã ở trong tư thế sẵn sàng. Các máy bay chiến đấu phản lực F-16 đã được triển khai với các tên lửa phòng không tiên tiến.

Mặc dù không có thông báo nào từ Trung Quốc và Đài Loan không thể xác minh liệu Trung Quốc có dừng các cuộc tập trận theo đúng lịch trình, Bộ Giao thông vận tải Đài Loan đang dần dỡ bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay qua không phận của mình, cho biết các thông báo về cuộc tập trận không còn hiệu lực.

Xem thêm:

Reuters ngày 07/8/2022: Chinese and Taiwanese warships shadow each other as drills due to end 

Military News Agency ngày 07/8/2022: 花蓮基地F-16V戰備巡弋 以實際行動反駁假訊息 

Military News Agency ngày 07/8/2022: 國防部:國軍情監偵系統嚴密掌握敵情狀況 

Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông ngày 07/8/2022: https://mp.weixin.qq.com/s/xKxOVN_FosI8aL2zRjIhnw 

Ngày 06/8/2022: Trung Quốc thông báo tập trận ở Hoàng Hải và Bột Hải

Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc hôm thứ Bảy đã công bố năm khu vực cấm ở Hoàng Hải, nơi Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tập trận từ ngày 05 đến ngày 15/8/2022, cũng như bốn khu vực bổ sung ở Biển Bột Hải, nơi các hoạt động quân sự không xác định của Trung Quốc sẽ diễn ra trong một tháng bắt đầu từ thứ Hai ngày 08/8.

Xem thêm:

The Washington Post ngày 07/8/2022: China expands military drills, escalates threats against Taiwan. Một bản PDF được lưu ở đây.

Ngày 07/8/2022: Hai tàu hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng biển Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku

Cùng ngày kết thúc vòng tập trận thứ nhất xung quanh Eo biển Đài Loan, hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku ở tỉnh Okinawa ngay gần khu vực tập trận, và là cực nam mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Khi các tàu của chính phủ Trung Quốc đang di chuyển để tiếp cận một tàu đánh cá của Nhật Bản, một tàu tuần tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã đảm bảo an toàn cho tàu đánh cá và cảnh báo các tàu Trung Quốc rời khỏi vùng biển Nhật Bản, truyền thông Nhật Bản cho biết.

Xem thêm:

Nippon ngày 07/8/2022: ​​2 Chinese Govt Ships Enter Japanese Waters around Senkaku Islands 

Phân tích sơ bộ vòng tập trận đầu tiên của Trung Quốc

Bản đồ tổng kết sơ bộ vòng tập trận đầu tiên của Trung Quốc từ ngày 4 – 7/8/2022. Ảnh: Damien Symon

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết sẽ mất vài tuần trước khi họ hoàn thành việc phân tích tất cả thông tin mà họ thu thập được trong quá trình theo dõi các cuộc tập trận của Trung Quốc, đặc biệt là cách hải quân nước này điều phối chuyển động và chỉ huy các tàu trong khi tiến hành một chiến dịch liên quân với không quân. 

Các nhà phân tích quân sự Trung Quốc và một số nhà phân tích quân sự Mỹ cho rằng với vị trí các cuộc tập trận, Bắc Kinh muốn gửi đi thông điệp họ không cần phải xâm lược Đài Loan để kiểm soát nó – thay vào đó Bắc Kinh có thể bóp nghẹt hòn đảo, cắt đứt liên hệ giữa Đài Loan và thế giới bên ngoài. 

Mạnh Tường Thanh (Meng Xiangqing), giáo sư tại Đại học Quốc phòng PLA, nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước CCTV rằng sáu khu vực được chọn cho thấy cách Trung Quốc có thể cắt đứt các cảng của Đài Loan, tấn công các cơ sở quân sự quan trọng nhất của nước này và cắt đứt đường tiếp cận của các lực lượng nước ngoài có thể viện trợ cho Đài Loan. Kết nối sáu khu vực trên một đường thẳng, giống như một sợi dây thòng lọng, với nút thắt của thòng lọng ở ngay hướng Tây Nam. Khu vực tập trận phía bắc sẽ phong tỏa Đài Loan khỏi Okinawa, căn cứ quân sự quan trọng của cả Nhật Bản và Mỹ. Tại các khu vực phía nam, PLA cho thấy họ có thể kiểm soát Kênh Bashi, con đường duy nhất để ra vào Biển Đông. Và ở các khu vực phía đông, lực lượng của Trung Quốc cho thấy rằng hỏa lực chính xác của tên lửa Trung Quốc có thể buộc các tàu chiến nước ngoài phải lùi lại.

Tương đồng với quan điểm này, Carl Schuster, một cựu giám đốc tại Trung tâm Tình báo Liên quân của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng các cuộc tập trận cho thấy trước tiên Bắc Kinh sẽ cô lập Đài Loan và sử dụng các cuộc không kích và tấn công tên lửa với hy vọng phá vỡ ý chí chính trị của Đài Bắc. Một cuộc xâm lược tốn kém có lẽ là biện pháp cuối cùng.

Schuster cho biết quy mô, phạm vi địa lý và độ phức tạp của cuộc tập trận cho thấy Trung Quốc đã chuẩn bị cho ngày này từ nhiều tháng, và chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi chỉ là một cái cớ để Trung Quốc thực hiện bước leo thang mới nhất trong chiến dịch uy hiếp Đài Loan.

Trung Quốc cũng có thể sử dụng chiến thuật tập trận này ở Biển Đông, Schuster cảnh báo.

Các nhà phân tích quân sự nói rằng trong khi Trung Quốc triển khai một số vũ khí mới nhất cho các cuộc tập trận, dường như không có khí tài quân sự nào chưa được biết đến. Một số người cho biết Trung Quốc không sử dụng đủ tàu để có thể cản trở lưu lượng tàu đến Đài Loan. Thay vào đó, Trung Quốc sử dụng các tàu như tàu khu trục và tàu tuần dương vốn không lý tưởng để tiến hành phong tỏa. Bryan Clark, một thành viên cấp cao tại Viện Hudson, cho biết, mặc dù triển khai tới 50 tàu tham gia tập trận, hải quân Trung Quốc không sử dụng đủ các tàu nhỏ hơn, nhanh nhẹn hơn, có thể duy trì phong tỏa xung quanh Đài Loan tốt hơn.

Christopher Twomey, phó giáo sư về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trường Sau đại học Hải quân Mỹ ở Monterey, California, cho biết thông tin tình báo hữu ích tiềm năng có thể thu được từ các cuộc tập trận bao gồm đánh giá cách các lữ đoàn tên lửa phối hợp với nhau và thiệt hại từ các cuộc tấn công. Ông nói, thông tin như vậy có thể được lấy bằng cách xâm nhập vào đường dây liên lạc để chặn lấy thông tin. 

Một số quan sát viên thân cận của quân đội Trung Quốc cũng thừa nhận rằng các cuộc tập trận không giống như một cuộc diễn tập đầy đủ cho một cuộc xâm lược Đài Loan. Nỗ lực chiếm và kiểm soát hòn đảo này sẽ liên quan đến một cuộc đổ bộ qua eo biển Đài Loan rộng 100 dặm, nhưng không có dấu hiệu nào về việc huy động lực lượng đổ bộ trong các cuộc tập trận mới nhất.

Xem thêm:

The New York Times ngày 07/8/2022: ​​Maps: Tracking Tensions Between China and Taiwan. Một bản PDF được lưu ở đây.

The Wall Street Journal ngày 07/8/2022: China’s Military Exercises Showcase Modern Fighting Force Preparing for Possible War in the Taiwan Strait 

CNN ngày 08/8/2022: China drills show Beijing is developing the ability to strangle Taiwan, experts say 

Nhà Trắng giữ nguyên đánh giá Trung Quốc sẽ không dùng vũ lực chiếm Đài Loan trong hai năm tới. Nhưng Trung Quốc có thể tạo “bình thường mới”, gây sức ép cho cộng đồng quốc tế 

Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai ngày 08/8/2022, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng về Chính sách Colin Kahl cho biết không có gì thay đổi trong đánh giá của chính quyền Biden rằng Trung Quốc sẽ không cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực trong hai năm tới. Các quan chức Mỹ, cũng như các đối tác Đài Loan, đã nhiều lần cảnh báo trong những năm gần đây rằng PLA đang nỗ lực để ít nhất vào năm 2027 sẽ thực hiện một cuộc can thiệp quân sự vào hòn đảo này. Mặc dù hiện tại, không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy quân đội Trung Quốc đang thực hiện một lịch trình chắc chắn để thực hiện một chiến dịch như vậy trong 5 năm tới.

Nhưng trong khi tên lửa của Trung Quốc bay qua Đài Loan vào tuần trước là một mối lo ngại, thì một mối quan tâm còn lớn hơn là sự hiện diện ngày càng lan rộng của Bắc Kinh quanh hòn đảo. Số lượng lớn tàu và máy bay đang vượt qua đường trung tuyến vốn đã mặc định trên thực tế, len lỏi đến gần các bờ biển Đài Loan cho thấy rõ ràng Bắc Kinh đang cố gắng tạo ra “bình thường mới, với mục tiêu nhằm cưỡng ép Đài Loan, nhưng cũng nhằm tạo sức ép với cộng đồng quốc tế vì tầm quan trọng của Eo biển Đài Loan với nền kinh tế toàn cầu, Kahl cho biết.

Xem thêm: 

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 08/8/2022: USD (Policy) Dr. Kahl Press Conference 

08/8/2022: Trung Quốc tiếp tục các cuộc tập trận, bao gồm tập trận chống tàu ngầm với chủ đích nhắm tới Mỹ. Giao thông đường không dần được khôi phục

Phớt lờ mọi lời kêu gọi ngừng tập trận, Trung Quốc hôm thứ Hai thông báo tiếp tục các cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, sẽ bao gồm các cuộc tập trận chống tàu ngầm, dường như nhằm đối phó với sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc xâm lược, theo thông báo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trên mạng xã hội. Ngay từ sáng sớm, hoạt động hải quân đã được nhìn thấy ở phía đông Đài Loan thông qua ảnh vệ tinh và một số tấm ảnh chụp tại thực địa, với những chiếc tàu dường như đang đi song song hay che khuất nhau như được thấy ở những ngày trước.

Ảnh vệ tinh sáng sớm ngày thứ Hai, 08/8/2022, phân tích bởi Damien Symon

Cho tới 5h chiều giờ địa phương, đã có 13 tàu và 39 máy bay của quân đội Trung Quốc được phát hiện, trong đó có 21 máy bay đã vượt qua đường trung tuyến ở Eo biển Đài Loan, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Dù vậy, theo Bộ Giao thông và Truyền thông Đài Loan, giao thông đường hàng không xung quanh Đài Loan đang dần trở lại bình thường sau khi không phận xung quanh hòn đảo mở cửa trở lại, bất chấp thông báo của Trung Quốc về đợt tập mới. Bắc Kinh cũng không thông báo gia hạn lệnh cấm tàu thuyền.

Xem thêm:

AP News/Federal News Network ngày 08/8/2022: China extends threatening military exercises around Taiwan

BBC News ngày 08/8/2022: China-Taiwan: Beijing conducts new military drills near island 

Global Times ngày 08/8/2022: PLA extends ‘Taiwan encirclement’ exercises with anti-submarine warfare, showcases unrivaled area denial capability; ‘drills will not stop until reunification’ 

Reuters ngày 09/8/2022: Air traffic around Taiwan returning to normal despite new Chinese drills 

Mỹ sẽ tiếp tục quá cảnh qua Eo biển Đài Loan, thực hiện Chiến dịch Tự do Hải hành ở Tây Thái Bình Dương

Cũng trong buổi họp báo hôm thứ Hai, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kahl nói với các phóng viên rằng các tàu chiến của Mỹ sẽ tiếp tục đi qua Eo biển Đài Loan và thực hiện các chiến dịch tự do hải hành ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bất chấp các cuộc tập trận bắn đạn thật gần đây của Trung Quốc.

Hải quân Mỹ dự kiến ​​sẽ tiến hành một số chiến dịch tự do hải hành trong khu vực trong những ngày tới, ông Kahl cho biết. Điều quan trọng là Bắc Kinh phải hiểu rằng Mỹ sẽ tiếp tục ra khơi trong các vùng biển quốc tế mà họ được phép.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đứng về phía các đồng minh và đối tác của mình. Vì vậy, ngay cả khi Trung Quốc cố gắng loại bỏ hiện trạng, chính sách của chúng tôi là duy trì hiện trạng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, điều mà tôi nghĩ rằng hầu hết các quốc gia trong khu vực đều muốn,” Kahl nói.

USS Ronald Reagan (CVN-76) và tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli (LHA-7) đã ở trong khu vực kể từ khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thăm Đài Loan. Cả hai tàu hiện đang ở Biển Philippines.

Xem thêm: 

USNI ngày 08/8/2022: U.S. Will Continue Taiwan Strait Transits, FONOPs in Western Pacific Despite Growing Tension with China 

Ngày 09/8/2022: Trung Quốc một lần nữa thông báo kéo dài cuộc tập trận xung quanh Đài Loan thêm một ngày

Sáng sớm ngày thứ Ba, Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của PLA một lần nữa tuyên bố kéo dài tập trận xung quanh Đài Loan thêm một ngày nữa. Tuyên bố cho biết cuộc tập trận hôm thứ Ba tập trung vào việc hình thành các cuộc phong tỏa phối hợp và phối hợp trên biển và trên không.

Cuối ngày, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã phát hiện được 10 tàu Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và 45 máy bay Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc xung quanh Đài Loan. 16 trong số các máy bay được phát hiện đã bay qua phía đông đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan. Một nguồn tin cho Reuters biết đã có khoảng 20 tàu hải quân Trung Quốc và Đài Loan bám sát đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan vào buổi sáng.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 09/8/2022: 東部戰區繼續位台島周邊海空域組織實戰化聯合演訓 

Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 09/8/2022: https://www.mnd.gov.tw/Publish.aspx?p=80214&title=國防消息&SelectStyle=即時軍事動態 

Ngày 09/8/2022: Đài Loan bắt đầu tập trận bắn đạn thật mô phỏng phòng thủ trước cuộc tấn công của Trung Quốc

Các cuộc tập trận của Đài Bắc, diễn ra vào thứ Ba và thứ Năm, sẽ bao gồm việc triển khai hàng trăm binh sĩ cùng 78 pháo 155 mm và 6 súng cối 120 mm, quân đội cho biết. Các lực lượng pháo binh như pháo và súng cối đóng vai trò chủ chốt trong việc ngăn chặn Quân Giải phóng Nhân dân xâm lược Đài Loan trong trường hợp khẩn cấp.

Xem thêm:

Channel News Asia ngày 09/8/2022: Taiwan begins live-fire artillery drill simulating defence against China attack 

The Wall Street Journal ngày 09/8/2022: Taiwan Starts Two-Day Defensive Drills as Tensions With China Remain High. Một bản PDF được lưu ở đây.

Ngày 10/8/2022: Trung Quốc tuyên bố kết thúc chiến dịch tập trận và sẽ thực hiện tuần tra thường kỳ

Tính tới 5h chiều, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã phát hiện được 10 tàu PLAN và 36 máy bay PLA xung quanh Đài Loan. 17 trong số các máy bay được phát hiện (bao gồm 9 SU-30 và 8 J-11)  đã băng qua phần phía đông của đường trung tuyến Eo biển Đài Loan.

Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của PLA thông báo kết thúc các chiến dịch quân sự liên quân và sẽ tiến hành tuần tra định kỳ. Dù vậy, Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết vẫn có những tàu hải quân Trung Quốc hoạt động gần Đài Loan. Dữ liệu ảnh vệ tinh không mâu thuẫn với báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan.

Ít nhất có hai nhóm tàu ở vị trí “song song” điển hình trong cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Đài Loan những ngày vừa rồi, gợi ý rằng tàu Trung Quốc vẫn đang hoạt động và được nhìn thấy ít nhất ở phía đông Đài Loan qua ảnh vệ tinh. Ảnh: Damien Symon.

Bộ Quốc phòng Đài Loan tuyên bố sẽ điều chỉnh cách thức triển khai lực lượng dựa trên nhiều yếu tố trong đó có tinh thần quân đội và các mối đe dọa, mà không để quân đội mất cảnh giác.

Xem thêm:

Reuters ngày 11/8/2022: China military ‘completes tasks’ around Taiwan, plans regular patrols 

AP News ngày 11/8/2022: China appears to wind down threatening wargames near Taiwan 

Ngày 12/8/2022: Trung Quốc tiếp tục đe dọa Đài Loan, Đài Bắc vẫn cứng cỏi thách thức

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định lời đe dọa tấn công Đài Loan của Bắc Kinh hôm thứ Năm ngày 11/8/2022, nói rằng “sự thông đồng với các lực lượng bên ngoài để đòi độc lập và khiêu khích” sẽ “đẩy Đài Loan xuống vực thẳm của thảm họa”. Đáp lại, Đài Bắc nói rằng những lời đe dọa như vậy là “đầy mơ tưởng.” Những lời lẽ gay gắt được đưa ra khi Đài Loan tiến hành các cuộc tập trận pháo binh ngoài khơi bờ biển phía tây nam.

Trong ngày 12/8/2022, Trung Quốc tiếp tục duy trì 6 tàu và 24 máy bay xung quanh Đài Loan, theo phát hiện của Bộ Quốc phòng Đài Loan. Trong đó, 10 máy bay đã bay qua phần phía đông của đường trung tuyến Eo biển Đài Loan và phía tây nam ADIZ của Đài Loan, bao gồm 2 J-10, 4 Su-30 và 4 J-16.

Xem thêm:

AP News ngày 11/8/2022: China renews Taiwan threats, island cites ‘wishful thinking’ 

Phản ứng và phân tích của quan chức Mỹ

Các quan chức chính quyền cho biết họ không muốn leo thang căng thẳng đối đầu, và nếu quan sát kỹ có thể nhìn thấy Trung Quốc cũng có những kiềm chế nhất định, không để leo thang thành chiến tranh. Dù vậy, các quan chức Mỹ và Đài Loan tin rằng Trung Quốc sử dụng chuyến thăm của bà Pelosi như một cái cớ để đẩy mạnh các hoạt động nhằm đe dọa Đài Loan trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới, và có thể đẩy nhanh thời gian biểu của các kế hoạch thiết lập kiểm soát đối với 23 triệu dân của hòn đảo, giống như ở Hồng Kông.

Hải quân Mỹ đang có kế hoạch cho tàu chạy qua Eo biển Đài Loan nhằm vô hiệu hoá tuyên bố của Trung Quốc rằng họ kiểm soát toàn bộ tuyến đường thuỷ. Tuy nhiên tàu Ronald Reagan sẽ không nằm trong kế hoạch này vì e sẽ quá khiêu khích.

Các cuộc phỏng vấn với nhiều quan chức chính quyền, tình báo và quân sự và chuyên gia cho thấy các cuộc tập trận của Trung Quốc là một bước ngoặt trong chiến lược của nước này, thể hiện sự sẵn sàng lớn hơn trong việc sử dụng vũ lực để sáp nhập Đài Loan. Chỉ vài tuần trước đó, một đánh giá tình báo mới của Mỹ đã kết luận Tập có thể sẽ có động thái xâm lược Đài Loan trong vòng một năm rưỡi tới, bởi lo ngại lợi thế quân sự của mình có thể giảm đi khi Mỹ đẩy nhanh quá trình vũ trang cho Đài Loan, bao gồm cả các loại vũ khí đã chứng tỏ hiệu quả trong việc chống lại cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan, một đảng viên Đảng Cộng hòa từ Alaska, gọi các mối đe dọa đối với Đài Loan là “một lời nhắc nhở khác rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới của sự xâm lược độc tài do các nhà độc tài Tập Cận Bình của Trung Quốc và Putin của Nga dẫn đầu. Họ ngày càng bị cô lập và nguy hiểm, bị thúc đẩy bởi những bất bình lịch sử, hoang tưởng về các nước láng giềng dân chủ và sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự và các hành động gây hấn khác để đè bẹp công dân của những quốc gia như chúng ta đang thấy ở Eo biển Đài Loan và Ukraine.”

Tại Lầu Năm Góc, các quan chức cho biết các cuộc tập trận của Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với các cuộc biểu dương lực lượng trước đây, chứng tỏ khả năng của Bắc Kinh trong việc triển khai các hạm đội máy bay, tàu chiến và các khẩu đội tên lửa trong thời gian ngắn.

Các quan chức cho biết Trung Quốc có thể duy trì những loại hoạt động đó lâu đến mức nào vẫn còn là điều chưa rõ ràng và sẽ là một bài kiểm tra quan trọng đối với quân đội của Bắc Kinh. Sức mạnh tên lửa được đặc biệt lưu ý. Eric Sayers, cựu cố vấn cấp cao của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời là thành viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết: “Trung Quốc có kho tên lửa tiên tiến nhất và lớn nhất trên thế giới. Họ thường thử nghiệm những năng lực này, nhưng việc thấy họ sử dụng các cuộc tấn công tên lửa trên nhiều miền hàng hải mới thực sự cho thấy lực lượng tên lửa của họ đã trở nên tiên tiến như thế nào.”

Các quan chức Mỹ cho biết các cuộc tập trận đã mang lại cho các nhà phân tích tình báo Mỹ một cơ hội bất thường để thu thập thông tin chi tiết về sức mạnh và những điểm yếu tiềm ẩn trong năng lực huy động và triển khai lực lượng của Trung Quốc. Đồng thời, các nhà phân tích cho biết, cuộc tập trận là lần đầu tiên kiểm tra năng lực của Trung Quốc trong việc thực hiện các cuộc diễn tập quân sự phức tạp trên tuyến đường thương mại trên biển và trên không, đồng thời đảm bảo độ chính xác và an toàn của các vụ phóng tên lửa gần các khu vực đông dân cư.

Tại Nhật Bản, sự kiện Trung Quốc bắn 5 quả tên lửa vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản là cơ hội vàng cho những người muốn tăng cường năng lực răn đe và phòng vệ của lực lượng vũ trang.

Xem thêm:

The New York Times ngày 10/8/2022: U.S. Insists It Will Operate Around Taiwan, Despite China’s Pressure. Một bản PDF được lưu ở đây.

Phân tích sơ bộ sau hai vòng tập trận của Trung Quốc

Vượt qua đường trung tuyến nếu trước đây là điều hiếm khi xảy ra, thì đã trở thành thực tế diễn ra hàng ngày trong hơn một tuần vừa rồi. Có những lúc máy bay Trung Quốc không chỉ bay ở phía tây nam hay đông bắc mà ngay ở giữa đường trung tuyến. Theo nhận định của nhiều nhà phân tích, Trung Quốc muốn gửi đi một thông điệp rằng vượt qua đường trung tuyến giờ đã trở thành một “bình thường mới”, và phủ nhận ý nghĩa của đường trung tuyến.

Theo John Culver, một nhà phân tích đã từng làm việc ở Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, nếu Trung Quốc tiếp tục các chuyến bay qua đường trung tuyến Eo biển Đài Loan trong nhiều tuần hoặc vô thời hạn, mục đích của Trung Quốc có thể là nhằm kiểm tra năng lực phản ứng của Đài Loan đối với từng chuyến bay, tạo ra tâm lý căng thẳng cho lực lượng phòng thủ trên không và hậu cần của Đài Loan. Các chuyến bay như vậy cũng có thể nhằm mục đích kích thích hệ thống phòng không, lập bản đồ các nút giao thông và raddar chính. Nếu kéo dài, sẽ làm suy yếu tính nhạy cảm của hệ thống phòng thủ. Đây là chiến thuật mà B-52 của Không quân Mỹ đã làm với Iraq trong cả hai cuộc Chiến tranh vùng Vịnh.

Một số kịch bản Trung Quốc có thể gây sức ép với Đài Loan trên thực địa mà các quan chức Mỹ tiết lộ với báo chí

Nhà Trắng và các quan chức Lầu Năm Góc đang theo dõi rất sát diễn biến trên thực địa. Theo đánh giá của họ, chiến lược của Trung Quốc sẽ là đe doạ và ép buộc chứ không gây xung đột trực tiếp. 

Mỹ đã xem xét khả năng Trung Quốc có thể phong tỏa chặn toàn bộ sự tiếp cận từ bên ngoài đối với Đài Loan, nhưng họ cho rằng kịch bản này khó có thể xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là vì điều này cũng sẽ gây tổn hại cho chính nền kinh tế của Trung Quốc vào thời điểm kinh tế suy thoái nghiêm trọng. Nhóm G7, nòng cốt của liên minh phương Tây, đã cảnh báo Trung Quốc không trả đũa chuyến thăm của bà Pelosi. Lời cảnh báo này phát đi thông điệp rằng nếu phản ứng thái quá, Trung Quốc cũng sẽ bị lên án rộng rãi giống như Nga khi Nga xâm lược Ukraine.

Tuy nhiên, một sự đối đầu nằm ngoài dự định vẫn có thể xảy ra giữa lực lượng Trung Quốc và Đài Loan, đặc biệt là khi quân đội Trung Quốc bắn tên lửa bay qua hòn đảo, hoặc xâm nhập vào không phận tranh chấp dẫn đến một cuộc đụng độ giữa không trung.

Một số học giả bên ngoài thì lo sợ các cuộc tập trận của Trung Quốc sẽ là bình phong để Trung Quốc thực hiện phong tỏa mà sẽ khó phân biệt được lằn ranh. Trên thực tế, kịch bản này cũng đã được Washington mô phỏng trong những lần thử nghiệm các kịch bản chiến tranh. Tuy nhiên một kịch bản mô phỏng không bao giờ có thể lường hết được sự đối đầu thực sự ngoài thực địa.

Một khả năng khác là thay vì tuyên bố phong tỏa quân sự, Trung Quốc có thể thông báo một cuộc tập trận quân sự mở rộng xung quanh Đài Loan nhằm đóng cửa hoặc gián đoạn các tuyến đường vận chuyển trong 30, 60 và 90 ngày. Hình thức này ít mang tính hoạt động quân sự hơn và trở thành một hình thức chiến tranh pháp lý mà Trung Quốc có thể sử dụng để biện minh cho một cuộc phong tỏa gián tiếp trong một thời gian mà Bắc Kinh có thể thao túng.

Lukasz Kobierski từ Viện Châu Âu Mới của Ba Lan thì cho rằng mặc dù đã có những lời lẽ rất gay gắt và hiếu chiến cùng với sự phô trương cơ bắp của quân đội, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không cố gắng ngăn cản người Mỹ tới thăm Đài Loan. Các động thái phong tỏa một phần trên biển và trên không sẽ cho phép ĐCSTQ vừa thể hiện sự bất bình tối đa, đồng thời có thể giữ sự chủ động trong việc kiểm soát động lực của leo thang. CHND Trung Hoa có thể tăng cường các hoạt động quân sự và trừng phạt kinh tế, nhưng một cuộc xâm lược khó có thể xảy ra vì Tập không thể chấp nhận rủi ro thất bại trước Đại hội Đảng lần thứ 20, một sự kiện có tính quyết định đối với việc ông nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ nhiệm kỳ thứ ba.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 02/8/2022: 东部战区将在台岛周边开展一系列联合军事行动-新华网

Tân Hoa Xã ngày 02/8/2022: 新华社受权公告 

The New York Times ngày 03/8/2022: As China Plans Drills Circling Taiwan, U.S. Officials Fear a Squeeze Play . Một bản PDF được lưu ở đây

Axios ngày 05/8/2022: Photos: China military drills encircle Taiwan for second day 

Institute of New Europe ngày 05/8/2022: Nancy Pelosi’s visit to Taiwan and its repercussions 

Bloomberg ngày 05/8/2022: China Likely Fired Missiles Over Taiwan in Military Drills, Japan Says. Một bản PDF được lưu ở đây

The Wall Street Journal ngày 04/8/2022: U.S. Delays Minuteman III Missile Test Amid Tensions Over Taiwan. Một bản PDF được lưu ở đây.

163.com ngày 04/8/2022: 境外媒体解读解放军六大演习区:多个台军基地首当其冲 

Taipei Times ngày 15/02/2022: Port throughput soars to record

Civil Aeronautics Administration: Evolution of passenger traffic in Taipei Songshan Airport

Reuters ngày 08/8/2022: Chinese and Taiwanese warships shadow each other as drills due to end 

The Wall Street Journal ngày War Game Finds U.S., Taiwan Can Defend Against a Chinese Invasion. Một bản PDF được lưu ở đây

———-

II. TẤN CÔNG MẠNG VÀ CHIẾN DỊCH THÔNG TIN SAI LỆCH

Trong buổi họp báo chiếu ngày 07/8/2022, Thiếu tướng Trần Du Lâm (陳俞霖), Phó Cục trưởng Cục Chính trị và Chiến tranh thuộc Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết chỉ trong vòng 1 tuần tính từ ngày 01/8 – 08/8 (12 giờ đêm), Trung Quốc đã triển khai 272 nỗ lực truyền bá thông tin sai lệch ở Đài Loan. Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu các cuộc tập trận bắn đạn thật, các tin tức giả mạo như một cuộc tấn công bằng tên lửa nhắm vào Sân bay quốc tế Đào Viên, hay một tấm ảnh cho thấy tàu chiến Trung Quốc tới sát bờ biển phía đông của Đài Loan đã lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Tấm ảnh này về sau đã được chỉ ra là dùng thủ thuật ghép ảnh. Ông Chen nói do sự phát triển nhanh chóng của cộng đồng trực tuyến và các phương tiện kỹ thuật số, các chiến lược chiến tranh đã thay đổi đáng kể so với trước đây, đặc biệt trong lĩnh vực chiến tranh nhận thức. Việc tấn công phá huỷ mạng Internet của Đài Loan và khoét sâu những chia rẽ giữa công chúng và chính quyền có thể có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả chiến trường. 

Sau khi phân tích sâu hơn, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã chia các đợt truyền bá thông tin sai lệch thành ba hạng mục là: “tạo ra bầu không khí thống nhất bằng vũ lực,” “tấn công chính quyền”, và “làm xáo trộn tinh thần của quân đội và công dân.” Chiếm phần nhiều nhất trong số này là thông tin sai lệch nhằm mục đích làm xáo trộn tinh thần của quân đội và công dân. Trong khi chỉ có sáu sự cố trước khi Trung Quốc tiến hành tập trận, thì đã có tới 124 vụ trong thời gian diễn ra tập trận. Những thông tin sai lệch này đã được sao chép và phổ biến rất nhiều, và Trần cảnh báo rằng không thể coi thường chúng.

Schee Tzu-han, một doanh nhân công nghệ, người đã tư vấn cho chính quyền thành phố Đài Bắc về các vấn đề kỹ thuật số, cảnh báo mặc dù các cuộc tấn công mạng mới dừng ở ​​việc sử dụng công nghệ mức thấp, tính chất còn đơn giản dễ nhận biết, nhưng những cuộc tấn công này “thực tế có khả năng thu thập thông tin tình báo về mạng không gian mạng của Đài Loan” cho những nỗ lực tinh vi, phức tạp hơn trong tương lai.

Công ty an ninh mạng Madiant (Mỹ) hôm 04/8 cho biết họ đã phát hiện ít nhất 82 trang web tin tức giả mạo và một số tài khoản mạng xã hội giả mạo được lập ra với mục đích truyền bá các nội dung có lợi cho Trung Quốc với 11 ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt). Madiant cho rằng các trang này có liên quan tới một công ty PR tại Trung Quốc có tên Shanghai Haixun (上海海讯).

Cụ thể, các trang web, tài khoản mạng xã hội trên chỉ trích Mỹ và đồng minh – bao gồm chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan, vụ Roe v. Wade hay nghi án “phòng thí nghiệm sinh học” của Mỹ tại Ukraine – cũng như đề cập đến Tân Cương và Hong Kong.

Một nghiên cứu khác của học giả Đài Loan Hồng Tử Vĩ (Hung Tzu-wei) chỉ ra các động thái “chiến tranh nhận thức” của đại lục nhằm vào Đài Loan đã đa dạng hóa, bao gồm cả các trang web cung cấp kiến thức và các trang web kiểu bách khoa toàn thư, nhằm tạo môi trường thông tin có lợi cho Bắc Kinh.

Xem thêm:

Focus Taiwan ngày 02/8/2022: Presidential Office website returns to normal service after cyber attack 

Taiwan News ngày 08/8/2022: China says it will hold ‘regular’ drills east of Taiwan’s median line

Liberty Times Net ngày 10/8/2022: 共艦逼近和平電廠目視台灣軍艦?查核中心:假的!

The Wall Street Journal ngày 08/8/2022: China Extends Military Exercises as Taiwan Battles Cyberattacks. Một bản PDF được lưu ở đây.

Madiant ngày 04/8/2022: Pro-PRC “HaiEnergy” Information Operations Campaign Leverages Infrastructure from Public Relations Firm to Disseminate Content on Inauthentic News Sites

The Record ngày 04/8/2022: Pro-China information campaign used fake websites to spread propaganda: Mandiant

Focus Taiwan ngày 29/7/2022: China’s cognitive warfare against Taiwan getting more diverse: Study 

———-

III. TRỪNG PHẠT KINH TẾ

Buổi tối trước ngày máy bay của Pelosi khởi hành từ Malaysia, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu thực phẩm từ hơn 100 nhà cung cấp Đài Loan, và sang sáng thứ Tư thì có thêm một số mặt hàng trái cây và cá. Riêng hôm thứ Tư, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tạm dừng xuất khẩu cát tự nhiên sang Đài Loan. Cát không chỉ là vật liệu xây dựng mà còn là một vật liệu quan trọng trong công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Cùng ngày, các tổ chức, công ty và cá nhân Trung Quốc đã bị cấm giao dịch với các công ty Đài Loan trong đó có Speedtech Energy và Hyweb Technology.

Bắc Kinh vốn có quy định yêu cầu những sản phẩm được sản xuất ở Đài Loan phải dán nhãn là “Made in Chinese Taipei” hoặc “Đài Loan, Trung Quốc” để được hiểu rằng Đài Loan là một phần của CHND Trung Hoa. Trung Quốc đã đưa ra quy định này từ lâu nhưng không thực sự thực thi. Sau sự kiện chuyến đi của bà Pelosi, Trung Quốc đã siết chặt kiểm tra hải quan và đe dọa là các mặt hàng nhập khẩu từ Đài Loan vào Trung Quốc, nếu không tuân thủ quy định, có thể bị hoãn lại, bị phạt hoặc thậm chí bị từ chối nhập. 

Đã có báo cáo cho biết hãng Apple tuân thủ với quy định này, yêu cầu tất cả các nhà cung cấp từ Đài Loan phải dán nhãn theo đúng quy định của nhà chức trách Trung Quốc khi xuất khẩu tới đại lục, dẫn tới việc công ty này bị chỉ trích gay gắt trên toàn cầu vì đã nhượng bộ Trung Quốc.

Các lô hàng đến nhà máy của nhà lắp ráp linh kiện điện tử Pegatron ở Trung Quốc đã bị các quan chức hải quan Trung Quốc giữ lại sau khi giám đốc điều hành cấp cao của công ty gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ở Đài Bắc. Pegatron chuyên lắp ráp cho các khách hàng lớn như Apple, Tesla, Microsoft.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Trung Quốc không áp dụng biện pháp trừng phạt tương tự đối với TSMC, mặc dù nhà sáng lập TSMC đồng thời là người sáng lập ngành công nghiệp bán dẫn ở Đài Loan, Morris Chang, cũng đã có buổi gặp mặt và ăn trưa với Pelosi.

Mặc dù đã đầu tư hàng tỷ USD vào phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Trung Quốc kiểm soát chưa đến 10% thị trường, dẫn đầu là SMIC có trụ sở tại Thượng Hải. Theo James Lee, một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Sinica của Đài Loan, Trung Quốc phụ thuộc vào Đài Loan bởi mặc dù các công ty Trung Quốc có thể thiết kế, năng lực sản xuất thiết bị bán dẫn của họ hạn chế, đặc biệt là các mẫu công nghệ tiên tiến. Gần đây có báo cáo rằng SMIC đã phát triển khả năng sản xuất chip 7 nm, nhưng họ vẫn đang chỉ ở giai đoạn đầu và còn kém khá xa TSMC và Samsung.

Chiao Chun, một nhà phân tích kinh tế và từng là nhà đàm phán thương mại của chính phủ Đài Loan, cho biết các lệnh cấm trái cây và cá có thể sẽ không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Theo Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan, xuất khẩu cam quýt của Đài Loan sang Trung Quốc chiếm 1,1% sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu của nước này. Chao cho rằng những lệnh trừng phạt này mang thông điệp chính trị nhiều hơn là tác động kinh tế.

Theo Ryan Hass, mục đích các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc là nhằm cho người Đài Loan thấy rằng họ sẽ phải lãnh những rủi ro và hậu quả khi dựa vào Mỹ thay vì hợp tác với Bắc Kinh. Bắc Kinh có thể muốn chứng minh cho người dân đại lục thấy rằng Trung Quốc đang “dạy cho Đài Loan một bài học”, nhưng sẽ là phản tác dụng đối với công chúng Đài Loan, là suy yếu sự hấp dẫn của CHND Trung Hoa ở Đài Loan.

Xem thêm:

聯合報 ngày 02/8/2022: 報復波洛西? 大陸突禁一百多家台灣食品廠產品進口

The New York Times ngày 02/8/2022: Key Moments From Nancy Pelosi’s Taiwan Visit 

Focus Taiwan ngày 02/8/2022: China suspends imports of multiple Taiwanese food brands (update) 

Focus Taiwan ngày 03/8/2022: China imposes new trade restrictions on Taiwan as Pelosi visits 

Liberty Times Net ngày 03/8/2022: 《央視》爆台灣男子楊智淵從事台獨浙江被捕 疑曾選新北市立委- 政治 – 自由時報電子報 

Reuters ngày 03/8/2022: Factbox: Sanctions China has imposed on Taiwan over Pelosi visit 

The Guardian ngày 07/8/2022: Apple asks suppliers in Taiwan to label products as made in China – report 

Nikkei Asia ngày 05/8/2022: Shipments to Pegatron’s China factory disrupted after exec met Pelosi. Một bản toàn văn được lưu ở đây

Aljazeera ngày 04/8/2022: Why China is not sanctioning Taiwan’s key chip industry 

Bloomberg ngày 04/8/2022: TSMC Chose the US Well Before Pelosi’s Visit. Now It Must Handle China. Một bản PDF được lưu ở đây.

———-

IV. HÌNH SỰ HOÁ NHỮNG NGƯỜI THEO CHỦ NGHĨA LY KHAI

Vào tháng 11 năm ngoái, Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Hội đồng Nhà nước đã cảnh báo rằng “Đại lục sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những phần tử cực đoan đòi Đài Loan độc lập theo quy định của pháp luật, có hiệu lực suốt đời.” Trong danh sách được đề cập khi đó có Su Tseng-chang, Yu Shyi-kun và Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu. Hôm thứ Tư ngày 03/8/2022, danh sách có thêm hai tổ chức là Quỹ Đài Loan vì Dân chủ (Taiwan Foundation for Democracy) và Quỹ Hợp tác và Phát triển Quốc tế (International Cooperation and Development Fund.)

———-

V. NHỮNG BIỆN PHÁP TRẢ ĐŨA CỦA TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI MỸ

Đối với chính phủ Mỹ

Ngày 05/8/2022, Trung Quốc đã công bố 8 hành động trả đũa Mỹ về chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan. Một điều tinh tế mà truyền thông Việt Nam đã không để ý đến, nhưng có thể ẩn chứa những thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi tới cho Mỹ. Đó là Trung Quốc sử dụng hai động từ khác nhau,  “suspend” (tạm đình chỉ) và “cancel” (huỷ bỏ).

Tám hành động trả đũa của Trung Quốc là:

1. Hủy bỏ đối thoại giữa các tư lệnh Trung Quốc và Mỹ

2. ​​Huỷ bỏ các cuộc đàm phán Phối hợp Chính sách Quốc phòng giữa Trung Quốc và Mỹ 

3. Huỷ bỏ các cuộc họp về Hiệp định Tham vấn Hàng hải Quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ

4. ​​Tạm đình chỉ hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ về việc hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp

5. Tạm đình chỉ hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ về trợ giúp pháp lý hình sự

6. Tạm đình chỉ hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ về chống tội phạm xuyên quốc gia

7. Tạm đình chỉ hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ trong việc ngăn chặn sử dụng hoặc phân phối trái phép chất ma tuý

8. Tạm đình chỉ đàm phán giữa Trung Quốc và Mỹ về biến đổi khí hậu.

Học giả nghiên cứu chính trị Đài Loan và Trung Quốc Wen-Ti Sung nhận định, 5 lĩnh vực mà Trung Quốc chỉ tạm đình chỉ là những hợp tác thực tế có thể tạo ra các kết quả cụ thể, ví dụ như lĩnh vực biến đổi khí hậu. Chỉ tạm đình chỉ, Trung Quốc có thể đang treo củ cà rốt để khiến các khu vực bầu cử của Mỹ gây áp lực buộc chính phủ Biden phải xuống nước. 

Các lệnh huỷ bỏ đều nhắm tới các cuộc đối thoại quân sự – an ninh vốn nhằm ngăn chặn xung đột. Việc huỷ bỏ tạo ra vẻ ngoài cứng rắn và sẵn sàng cho chiến tranh để thoả mãn chủ nghĩa dân tộc trong nước – có lẽ được hy vọng là đủ lâu để vượt qua Đại hội Đảng lần thứ 20. Nhưng nếu Trung Quốc dự định chiến tranh xảy ra, việc huỷ bỏ các cuộc đàm phán quân sự – an ninh chắc chắn nghe có vẻ là một điều xa xỉ thực sự. Bởi vì ngay cả trong chiến tranh, một số cuộc đối thoại như vậy vẫn hữu ích cho việc “kiểm soát leo thang” và cho con đường đàm phán hướng tới đình chiến (vì tất cả các cuộc chiến tranh cuối cùng vẫn phải kết thúc). 

Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ: nếu một nước có ý định chinh phục và thôn tính hoàn toàn một nước khác, thì huỷ bỏ các cuộc đàm phán quân sự là tất yếu. Nhưng ngoại lệ đó không áp dụng cho bối cảnh này. Bởi Mỹ không phải là nước Trung Quốc định thôn tính. Bởi vậy nếu Trung Quốc thực sự muốn chiến tranh xảy ra dịp này, Trung Quốc sẽ có mọi lý do duy trì đối thoại quân sự với Mỹ – để thuyết phục Mỹ đứng ngoài không can thiệp việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan. 

Bởi vậy, nghịch lý huỷ bỏ các cuộc đàm phán quân sự với Mỹ vào lúc này cho thấy Trung Quốc không nghĩ rằng chiến tranh sẽ xảy ra, bởi vì Trung Quốc không có ý định gây chiến. Vì vậy hành động huỷ bỏ này chỉ nhằm tạo ra bề ngoài cứng rắn mà Trung Quốc có thể duy trì một thời gian.

Các lệnh trừng phạt đối với bà Pelosi và gia đình 

Ngày 05/8/2022, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và gia đình, với lý do “tiến hành các hành vi gây hấn và nguy hiểm”. Tuyên bố cũng cho biết rằng: “Pelosi cố ý tiếp tục tiến hành chuyến thăm Đài Loan, can thiệp nghiêm trọng vấn đề nội bộ của Trung Quốc, làm suy giảm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Nguyên tắc Một Trung Quốc, và đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định tại Eo biển Đài Loan”. Tuy nhiên, tuyên bố này không đưa ra nội dung cụ thể các lệnh trừng phạt là gì.

Công ty tư nhân

Trong ngày bà Pelosi đang bay tới Đài Loan, nguồn tin ẩn danh tiết lộ với Bloomberg là nhà cung cấp pin EV khổng lồ của Trung Quốc CALT quyết định hoãn thông báo về kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá hàng tỷ USD ở Bắc Mỹ để cung cấp cho Telsla và Ford, với lo ngại rằng việc đưa ra thông báo vào thời điểm nhạy cảm này có thể tạo thêm căng thẳng cho quan hệ hai nước Mỹ – Trung. Dự tính thông báo sẽ được hoãn đến tháng 9 hoặc 10, nguồn tin cho biết.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 05/8/2022: The Ministry of Foreign Affairs Announces Countermeasures in Response to Nancy Pelosi’s Visit to Taiwan

The Guardian ngày 05/8/2022: Taiwan crisis: China imposes sanctions on Pelosi over ‘provocative actions’

Bloomberg ngày 02/8/2022: Nancy Pelosi’s Taiwan Trip Spurs Chinese Battery Giant CATL to Pause Plant Debut. Một bản PDF được lưu ở đây.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

One thought on “Bản Tin Biển Đông Số 116 – Phần 1: Eo Biển Đài Loan Những Ngày Đầu Tháng 8

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.