Bản Tin Biển Đông Số 112

(Tuần từ 20/6 – 27/6/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Ngô Trung Hiếu, Hương Nguyễn, Lưu Việt Hà, Trần Phạm Bình MinhĐinh Tùng Lâm

Biên tập: Phạm Huệ Việt

Tư liệu: South China Sea News

BBT: Vì có một thành viên của chúng tôi đang phải nằm nhà thương trong khi khối lượng thông tin phải xử lý nhiều ít nhất gấp 3 lần so với trước do những biến đổi dịch chuyển trên bàn cờ khu vực gây ra bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraine, chúng tôi xin phép một số tuần tới có thể có những lúc không thể đăng Bản Tin Biển Đông đúng ngày, để đảm bảo chất lượng biên tập bản tin. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng cập nhật kịp thời những thông tin quan trọng. Mong độc giả hiểu và thông cảm cho chúng tôi.

Tải bản PDF ở

—————

Trong Bản Tin Biển Đông Số 112 có những nội dung sau:

I- TRÊN THỰC ĐỊA – ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

II- CUỘC HỌP BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ASEAN VÀ CÁC ĐỐI TÁC

III- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ

IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ – MẠNG

V- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á

VI- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

VII- ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG & CHÂU ÂU – NATO

VIII- HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

IX- HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH NATO

X- LIỆU KALININGRAD CÓ TRỞ THÀNH ĐIỂM NÓNG TIẾP THEO?

XI- VÌ SAO TRUNG QUỐC MỞ RỘNG ẢNH HƯỞNG Ở THÁI BÌNH DƯƠNG?

XII- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

XIII- THẾ GIỚI SAU CUỘC CHIẾN TẠI UKRAINE – PHẦN 1

XIV- QUY TRÌNH GIA NHẬP EU HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

—————

I- TRÊN THỰC ĐỊA – ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Tường thuật từ thực địa: Hải cảnh Trung Quốc giám sát chặt chẽ Bãi Cỏ Mây như thể chờ cơ hội thiết lập quyền kiểm soát hoàn toàn

Các phóng viên của tờ The Daily Inquirer gần đây đã đi cùng với Hải quân Philippines tham gia một nhiệm vụ tiếp tế cho quân nhân Philippines đang đóng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Những gì họ chứng kiến là hai tàu hải cảnh Trung Quốc đã được triển khai để theo dõi chặt chẽ bãi đá ngầm này, và cảnh báo các tàu tiếp tế của Philippines không nên chở vật liệu xây dựng để sửa chữa chiếc tàu BRP Sierra Madre được phía Philippines sử dụng như một tiền đồn để đóng quân ở đây.

Đã có lúc, hải cảnh Trung Quốc áp sát vào mạn thuyền tàu tiếp tế của Philippines, đuổi bám tàu trong vài phút và có những lần chỉ cách tàu 150 mét, trước khi đưa ra lời cảnh báo rằng chỉ được phép tiếp tế thức ăn, không được phép vận chuyển vật liệu xây dựng.

Xem thêm:

The Philippine Daily Inquirer ngày 24/6/2022: Eyewitness at Ayungin: Chinese force, PH grit

Đài Loan tập trận bắn đạn thật gần Đảo Ba Bình. Bộ Ngoại giao Philippines gọi đây là hành động bất hợp pháp, khẳng định chủ quyền của Philippines với thực thể tự nhiên lớn nhất quần đảo Trường Sa

Ngày 28/6/2022, Bộ Ngoại giao Philippines đã “bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ” về cuộc tập trận bắn đạn thật “bất hợp pháp” mà Đài Loan tiến hành từ ngày 28-29/6/2022 trong khu vực lân cận Đảo Ba Bình. Philippines tuyên bố rằng Đảo Ba Bình là “một phần không thể tách rời của Nhóm đảo Kalayaan” mà “Philippines có chủ quyền”. Hơn nữa, hoạt động phi pháp này làm gia tăng căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Đài Loan sau đó đã bác bỏ phản đối của Philippines, nói rằng họ có quyền làm như vậy và luôn đưa ra cảnh báo trước về các cuộc tập trận của mình.

Xem thêm:

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Philippines ngày 28/6/2022

Reuters ngày 29/6/2022: Taiwan rebuffs Philippines complaint about S.China Sea live fire drills 

Quân đội Hoa Kỳ tăng cường các hoạt động trong và xung quanh Okinawa

Các lực lượng Hoa Kỳ đã tăng cường hoạt động trong và xung quanh tỉnh Okinawa, với các cuộc tập trận quân sự được tiến hành thường xuyên tại các căn cứ ở Kadena và các thành phố lân cận trong tỉnh, nơi có sự hiện diện lớn nhất của lực lượng Hoa Kỳ ở Viễn Đông. Hoa Kỳ dường như đang cố gắng nâng cao năng lực triển khai các lực lượng ở Đông Á như một phần trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc và Triều Tiên, trong bối cảnh môi trường an ninh đang trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Xem thêm:

The Japan News ngày 21/6/2022: US military ramps up activities in and around Okinawa

Hoa Kỳ bảo vệ tính hợp pháp của chuyến bay qua Eo biển Đài Loan

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ hôm thứ Ba ngày 28/6/2022 cho biết rằng chuyến bay của một máy bay chống tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ qua Eo biển Đài Loan vào thứ Sáu ngày 24/6 là “phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế” và cho thấy “cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Tuyên bố của Mỹ nhằm đáp trả cáo buộc của Trung Quốc là chuyến bay đã gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực.

Xem thêm:

Reuters ngày 28/6/2022: US says Taiwan Strait flight shows commitment to open Indo-Pacific 

Máy bay tác chiến chống tàu ngầm của Trung Quốc xâm nhập ADIZ của Đài Loan

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, chiếc máy bay Y-8 ASW đã bay ở góc tây nam của ADIZ, ngay ngoài rìa tây nam của đường trung tuyến và đông bắc của đảo Đông Sa, hôm 26/6/2022.

Số lượng máy bay lớn nhất của Lực lượng Không quân Trung Quốc được phát hiện tại ADIZ của Đài Loan trong cùng một ngày trong năm nay là 39 máy bay PLAAF. Đó là vào ngày 23/1. Kế đó là 30 chiếc vào ngày 30/5 và 29 chiếc vào ngày 22/6. Kỷ lục số máy bay quân sự được nhìn thấy nhiều nhất trong cùng một ngày là 56 chiếc vào ngày 04/10/2021.

Xem thêm:

Taiwan News ngày 27/6/2022: Chinese anti-submarine warfare aircraft intrudes on Taiwan’s ADIZ

Chỉ vài giờ sau khi một chiếc máy bay phản lực bị không quân Trung Quốc bay chặn “một cách nguy hiểm” vào tháng trước, Không quân Úc tiếp tục điều máy bay phản lực thứ hai vào Biển Đông

Như đã đưa tin trong Bản Tin Biển Đông trước đây, Bộ Quốc phòng Úc đã tiết lộ rằng vào ngày 26/5/2022, một chiếc P-8 Poseidon của Không quân Hoàng gia Úc (RAAF) bị “một máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc bay chặn” khi đang tiến hành “hoạt động giám sát hàng hải thường lệ” trong không phận quốc tế ở khu vực Biển Đông. Tuy nhiên quan chức quốc phòng Úc đã không cho biết thông tin đầy đủ rằng chỉ vài giờ sau đó, Úc đã tiếp tục điều một máy bay quân sự thứ hai tới Biển Đông. Dù vậy, dữ liệu chuyến bay do ABC News thu được tiết lộ các chi tiết mới về chuyến bay cũng như các nhiệm vụ giám sát hàng hải khác của Lực lượng Phòng vệ gần đây được thực hiện từ Căn cứ Không quân Clark ở Philippines.

Xem thêm:

ABC News ngày 22/6/2022: RAAF sent second jet into South China Sea hours after Chinese air force’s ‘dangerous’ interception 

———-

II- CUỘC HỌP BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ASEAN VÀ CÁC ĐỐI TÁC

Nhật Bản lo ngại về việc hiện đại hóa căn cứ hải quân Campuchia với viện trợ của Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, trong buổi hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh tại Phnom Penh hôm thứ Ba ngày 21/6/2022, đã bày tỏ quan ngại về việc hiện đại hóa Căn cứ Hải quân Ream với viện trợ của Trung Quốc và đề nghị Tea Banh giải thích lý do đằng sau việc hiện đại hóa căn cứ vào thời điểm Trung Quốc tiếp tục mở rộng tham vọng lãnh thổ ở các vùng biển phía Đông và Nam Trung Quốc. Tea Banh giải thích rằng căn cứ cần được hiện đại hóa để cho phép các tàu của Campuchia, tàu từ Nhật Bản và các nơi khác có thể dễ dàng cập cảng và sửa chữa.

Cuộc hội đàm diễn ra một ngày trước khi Campuchia tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và ASEAN kể từ tháng 11/2019.

Trong cuộc hội đàm song phương, Kishi cũng nêu quan ngại về việc Nga có thể tham gia vào cuộc họp vào tháng 11 của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN cùng với 8 quốc gia trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ và Nga, trong bối cảnh Nga đang là quốc gia xâm lược Ukraine. Kishi nói nếu Nga được mời tham dự cuộc họp, Nhật Bản sẽ xem xét lại việc có tham gia hay không.

Tuy nhiên, Tea Banh cho biết còn quá sớm để nêu quan ngại về sự tham gia của Nga và tình hình ở Ukraine có thể thay đổi vào thời điểm đó.

Xem thêm:

The Japan Times ngày 21/6/2022: Japan concerned over Cambodia naval base modernizing with Chinese aid

Indonesia muốn tiếp tục hợp tác công nghiệp quốc phòng với Nhật Bản

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi tại Phnom Penh vào thứ Ba ngày 21/6/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác phát triển và chuyển giao công nghệ cho thiết bị hệ thống vũ khí chính (alutsista) với Nhật Bản. Indonesia và Nhật Bản trước đó đã ký một thỏa thuận về việc chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng vào tháng 3/2021 trong cuộc họp “2 + 2” giữa Bộ trưởng Subianto và Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi với Bộ trưởng Kishi và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi tại Tokyo.

Ngoài ra, ông Subianto khẳng định với nỗ lực hiện đại hóa trang thiết bị quốc phòng và làm chủ công nghệ quân sự mới nhất, Bộ Quốc phòng đã thay đổi chính sách từ chi tiêu quốc phòng sang đầu tư cho quốc phòng. Để thực hiện chính sách này, Subianto cho biết Indonesia đã hợp tác với một số quốc gia.

Xem thêm:

Antara News ngày 22/6/2022: Indonesia to continue defence industry cooperation with Japan

Việt Nam tham dự ADMM 16 tại Campuchia

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 16 tại Phnom Penh và tham dự các cuộc họp không chính thức của ASEAN với Trung Quốc và Nhật Bản vào ngày 21-23/6/2022.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, sự hiện diện của phái đoàn Việt Nam tại các sự kiện nhằm khẳng định vai trò của Việt Nam là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng nội khối cũng như quan hệ quốc phòng giữa ASEAN và các đối tác. Điều này cũng thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam đối với Campuchia với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2022.

Xem thêm:

VietnamPlus ngày 21/6/2022: Vietnam attends 16th ADMM in Cambodia

———-

III- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ

Đài Loan và Mỹ tổ chức các cuộc hội đàm an ninh thường niên thảo luận về vũ khí và chiến lược bảo vệ hòn đảo trước Trung Quốc

Từ ngày 15 đến ngày 22/6/2022, các quân nhân Hoa Kỳ và Đài Loan đã tổ chức các cuộc hội đàm tại Washington và Annapolis để thảo luận về các hệ thống vũ khí và chiến lược có thể được sử dụng để phòng thủ trước một chiến dịch quân sự từ đại lục trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Eo biển Đài Loan. Hội đàm thường niên đã bắt đầu bằng các cuộc đàm phán giữa các nhóm công tác từ thứ Tư ngày 15/6 đến thứ Sáu ngày 17/6 trước khi các cuộc đàm phán cấp cao được tiến hành từ ngày 20 – 22/6. Tổng Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan Wellington Koo sẽ tham dự cuộc đàm phán cấp cao.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 15/6/2022: Taiwan-US security and military talks will discuss weapons and strategies to defend island against Beijing. Một bản PDF được lưu ở đây.

Đối tác Thái Bình Dương năm nay được tổ chức tại Việt Nam

Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo của Việt Nam và Đối tác Thái Bình Dương đã khai mạc sự kiện tại Quảng trường Nghinh Phong, Phú Yên, ngày 20/6/2022. Đến nay đã tròn 17 năm, Đối tác Thái Bình Dương là sứ mệnh hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai đa quốc gia hàng năm lớn nhất được thực hiện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

U.S. Pacific Fleet Commander ngày 21/6/2022: Pacific Partnership Kicks off in Vietnam

Bộ trưởng Quốc phòng Úc thăm Ấn Độ để thúc đẩy quan hệ quân sự, đánh giá các thách thức chiến lược và so sánh cách tiếp cận Trung Quốc của mỗi nước

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles đã có chuyến công du 4 ngày tới Ấn Độ và có các cuộc thảo luận song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh tại New Delhi vào hôm thứ Tư ngày 22/6/2022. Hai bộ trưởng đã “xem xét các thách thức chiến lược và tình hình an ninh khu vực và tái khẳng định mục tiêu chung về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở, tự do, bao trùm, thịnh vượng và dựa trên luật lệ”, một tuyên bố chung sau cuộc họp cho biết. Hai nhà lãnh đạo đã xem xét các hoạt động hợp tác quốc phòng hiện có và thảo luận về các cách thức để tăng cường hợp tác hơn nữa trong quan hệ quân sự và công nghệ quốc phòng. Tuyên bố cũng cho biết hai bên mong muốn Ấn Độ tham gia vào cuộc tập trận Indo Pacific Endeavour của Australia vào tháng 10 năm nay. 

Trong một cuộc phỏng vấn với ABC, ông Marles đã thẳng thắn nói “Tôi không nghĩ rằng có thời điểm nào trong lịch sử của cả hai nước lại có sự tương đồng chiến lược mạnh mẽ như vậy.” Trung Quốc vừa là đối tác thương mại lớn nhất nhưng đồng thời cũng là thách thức an ninh lớn nhất của cả hai nước Ấn Độ và Úc.

Xem thêm:

The Indian Express ngày 22/6/2022: Indian and Australian defence ministers review strategic challenges

ABC News ngày 22/6/2022: Defence Minister Richard Marles visits India to boost military ties, compares notes on approach to China

Hàn Quốc muốn tham gia các cuộc tập trận mạng do Hoa Kỳ và NATO dẫn đầu 

Quân đội Hàn Quốc có kế hoạch tham gia cuộc tập trận đa quốc gia do Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hoa Kỳ dẫn đầu vào tháng 10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hôm thứ Hai ngày 27/6/2022 trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng từ Bắc Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc tham gia vào cuộc tập trận thường niên này. 

Phó Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói thêm rằng Hàn Quốc cũng đang tham vấn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc thúc đẩy tham gia một cuộc tập trận mạng khác do tổ chức này dẫn dắt vào tháng 11.

Xem thêm:

Yonhap News ngày 28/6/2022: S. Korea to join US-led cyber exercise in October

Úc cam kết huấn luyện lực lượng phòng thủ cho các quốc đảo ở Thái Bình Dương

Bộ trưởng Thái Bình Dương của Úc thông báo rằng Úc sẽ thành lập một trường học để đào tạo lực lượng quốc phòng và an ninh từ các quốc đảo Thái Bình Dương. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ an ninh với khu vực.

Xem thêm:

Reuters ngày 28/6/2022: Australia commits to Pacific islands defence training as China plans rival meet

———–

IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ – MẠNG

Canada cam kết hàng tỷ USD nâng cấp công nghệ giám sát vũ khí NORAD

Canada hôm thứ Hai ngày 20/6/2022 đã cam kết dành 30 tỷ USD tài trợ cho việc nâng cấp các hệ thống cảnh báo sớm của NORAD phát hiện và theo dõi các mối đe dọa vũ khí ở khu vực Bắc Cực. Khoản chi đầu tiên trị giá 4 tỷ USD sẽ diễn ra trong 6 năm tới, với phần còn lại được phân bổ cho giai đoạn đến năm 2042. Việc tăng ngân sách quốc phòng diễn ra khi các quan chức Canada nhận thấy nguy cơ ngày càng tăng đối với các mối đe dọa từ Nga. Gần đây Nga đã tiến hành cải tiến các căn cứ quân sự phía bắc, cho phép Nga có thể duy trì các hoạt động quân sự trên Bắc Cực, theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự.  

Xem thêm:

The Wall Street Journal ngày 20/6/2022: Canada Plans Billions in Military Spending to Counter Russia Threat in Arctic. Một bản PDF được lưu ở đây.

Bộ phận mới của Google sẽ nhắm vào các hợp đồng mạng chiến đấu của Lầu Năm Góc

Google đang tạo ra một bộ phận để giúp giành được nhiều hợp đồng với chính phủ liên bang và tiểu bang hơn, bao gồm cả công việc cho các mạng chiến đấu của Bộ Quốc phòng. Các quan chức của công ty đã thông báo hôm thứ Ba.

Xem thêm:

Defense One ngày 28/6/2022: New Google Division Will Take Aim at Pentagon Battle-Network Contracts 

Trung Quốc sử dụng công cụ mạng kích động công chúng Mỹ chống công ty khai thác đất hiếm có hợp đồng với Lầu Năm Góc

Các nhà nghiên cứu từ công ty tình báo mạng Mandiant cho biết một chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc đã không thành công trong việc kích động công chúng Mỹ phản đối công ty khai thác đất hiếm của Úc có hợp đồng với Lầu Năm Góc mở rộng hoạt động tại Texas nhằm bảo vệ sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường. Các nhà nghiên cứu của Mandiant nhận định chiến dịch tác động tới công chúng có tên Dragonbridge cho thấy khả năng các chiến thuật tương tự có thể được sử dụng để thao túng các cuộc thảo luận về những chủ đề chính trị khác tại Mỹ theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Xem thêm:

CyberScoop ngày 28/6/2022: Chinese influence operation aimed to protect Beijing’s stake in rare earth mining, research finds 

Truyền thông Trung Quốc: Tàu vũ trụ Trung Quốc thu được hình ảnh toàn bộ hành tinh Sao Hỏa

Truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư ngày 29/6/2022, một tàu vũ trụ không người lái của Trung Quốc đã thu được dữ liệu hình ảnh về toàn bộ sao Hỏa, bao gồm cả hình ảnh về cực nam của nó, sau khi bay quanh hành tinh này hơn 1.300 lần kể từ đầu năm ngoái.

Tianwen-1 của Trung Quốc đã tiếp cận thành công Sao Hoả vào tháng 2/2021 trong sứ mệnh đầu tiên của đất nước tới hành tinh này. Kể từ đó, một người máy rô bốt đã được triển khai trên bề mặt như một tàu quỹ đạo khảo sát hành tinh từ không gian.

Xem thêm:

Reuters ngày 29/6/2022: Chinese spacecraft acquires images of entire planet of Mars

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra vô số lỗi hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng

Công ty an ninh mạng Forescout báo cáo rằng 56 lỗ hổng mới đã được phát hiện trong các hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng. Các lỗi bảo mật đã được phát hiện trong hệ thống điều khiển phân tán và thiết bị đầu cuối từ xa được sử dụng trong đường ống, hệ thống nước và các thành phần cơ sở hạ tầng khác. Phần mềm có vấn đề, được các nhà nghiên cứu gọi là “không an toàn theo thiết kế”, có thể cung cấp cho tin tặc cơ hội phá vỡ, đánh sập mạng hoặc giành quyền kiểm soát hệ thống. Honeywell, Motorola và Siemens nằm trong số các công ty bị ảnh hưởng bởi các lỗ hổng bảo mật.

Xem báo cáo ở đây.

Nghiên cứu cho thấy các lỗi bảo mật hiện cần gấp đôi thời gian để khắc phục

Linux Foundation và Snyk công bố một báo cáo cho biết năm ngoái, các tổ chức đã yêu cầu trung bình 110 ngày để sửa lỗi bảo mật, tăng từ 49 ngày vào năm 2018. Báo cáo được công bố nhân dịp hội nghị thượng đỉnh Quỹ An ninh Nguồn mở mở điều trần về những khó khăn mà chính phủ và ngành công nghiệp phải đối mặt khi củng cố an ninh phần mềm mã nguồn mở. 

Xem báo cáo ở đây.

———-

V- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á

Washington lo lắng Trung Quốc đang thắng tại Thái Lan

Các cựu quan chức quân sự và dân sự Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ ngày càng lo lắng về việc Thái Lan rơi vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, với việc Bắc Kinh gây áp lực đáng kể lên đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á để mua tàu ngầm do Trung Quốc sản xuất.

Mặc dù thỏa thuận trị giá khoảng 400 triệu USD – được ký kết lần đầu vào năm 2017 trước sự dè bỉu của Washington – hiện có vẻ bị đe dọa vì một công ty có trụ sở tại Đức từ chối cung cấp động cơ diesel cho tàu, nó cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với một nước là đồng minh hiệp ước gần hai thế kỷ của Hoa Kỳ, nhưng cũng là một phần nằm trong tầm vươn tới Đông Nam Á của Bắc Kinh. 

Bangkok đã tỏ ra ngày càng mệt mỏi với việc Washington phê phán nền dân chủ và những vi phạm nhân quyền ở nước này, nổi bật là các cuộc đảo chính vào năm 2006 và 2014, cuộc đảo chính thứ hai  đưa Thủ tướng Thái Lan đương nhiệm Prayuth Chan-ocha lên nắm quyền nhưng cũng khiến Hoa Kỳ tạm thời ngừng viện trợ quân sự cho Thái Lan. Một số người ở Washington (và bên trong quốc hội Thái Lan) lo sợ rằng Thái Lan có thể tiến xa hơn về con đường của Philippines, một đồng minh lâu năm khác của Mỹ đã có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh trong những năm gần đây.

Xem thêm:

Foreign Policy ngày 17/6/2022: Washington Worries China Is Winning Over Thailand. Một bản PDF được lưu ở đây.

Đường sắt Trung Quốc-Lào kéo dài qua Thái Lan

Đường sắt Trung Quốc-Lào khai trương cuối năm ngoái, sẽ được kéo dài qua Thái Lan. Cựu Phó Thủ tướng Thái Lan Pinit Jarusombat nói rằng tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã cung cấp một lựa chọn hậu cần mới cho trao đổi thương mại giữa Thái Lan với Trung Quốc.

Xem thêm:

Silk Road Briefing ngày 08/6/2022: China-Laos Railway Extending Through To Thailand

Thủ tướng Campuchia và Việt Nam nhất trí về các biện pháp thúc đẩy quan hệ

Trong lễ kỷ niệm 45 năm “Hành trình hướng tới lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot”, Thủ tướng Hun Sen khẳng định với Thủ tướng Việt Nam: “Tôi không có quyền cho Việt Nam đất, dù chỉ 1 milimet, và tôi cũng không muốn đất Việt Nam dù chỉ 1 milimet..” Thủ tướng cũng đề ra hai phương hướng chính, bao gồm: (i) biến tất cả các chiến trường trước đây thành các chiến khu phát triển; và (ii) biến đường biên giới với tất cả các nước láng giềng thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Cũng trong ngày 20/6/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Hun Sen đã nhất trí về các biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia. Hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh trao đổi đoàn cấp cao và tổ chức hiệu quả các hoạt động của Năm Hữu nghị Việt Nam-Campuchia 2022, trong đó có Lễ kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương tại Hà Nội vào ngày 24/6.

Xem thêm: 

Khmer Times ngày 21/6/2022: Cambodian and Vietnamese PMs agree on measures to foster ties

Khmer Times ngày 21/6/2022: PM: I have no right to hand over a millimetre of land to Vietnam

Tân Ngoại trưởng Úc thăm Việt Nam

Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã có chuyến công du tới Việt Nam từ ngày 26 đến 28/6/2022. Đây là chuyến thăm Việt Nam chính thức đầu tiên của bà Wong kể từ khi đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng Úc. Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Wong đã trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Úc, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Úc, cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Việt Nam và Úc đang hướng đến cột mốc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Hai bên nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2018 và đang đặt mục tiêu tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế trong thời gian tới.

Xem thêm:

Tuổi Trẻ ngày 23/6/2022: Tân ngoại trưởng Úc sắp thăm Việt Nam

Báo Quốc tế ngày 22/6/2022: Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm về khả năng tự cường của chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á

Đại sứ EU tại Philippines: Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữ vị trí trung tâm của Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU

Ngày 21/6/2022, Đại sứ EU tại Philippines Luc Véron đã có bài xã luận trong loạt bài tổng hợp về “Cách tiếp cận Chính sách Đối ngoại và An ninh của EU tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của tờ FactAsia, để giải thích về Chiến lược Hợp tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU, về tầm quan trọng của hợp tác giữa EU và ASEAN, và về các lĩnh vực hợp tác chính trong khuôn khổ chiến lược. Đại sứ Véron khẳng định rằng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một khu vực địa lý quan trọng đối với thương mại toàn cầu, và EU có nhiều đối tác quan trọng tại khu vực này, do đó đây là một khu vực địa lý có vai trò quan trọng đối với EU và toàn thế giới.

Tuy nhiên, Đại sứ cho biết Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với nguy cơ bất ổn gia tăng trong đó có tranh chấp Biển Đông, và EU cam kết đối với việc hợp tác với các đối tác khu vực để phản ứng lại với các động thái ảnh hưởng tới ổn định. Đối với Biển Đông, EU ủng hộ: (i) duy trì trật tự hàng hải dựa trên luật lệ và luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS và các cơ chế giải quyết tranh chấp của luật này; (ii) các bên liên quan không đơn phương hành động làm ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh, và ổn định của khu vực, cũng như ảnh hưởng tới trật tự thế giới dựa trên luật lệ; (iii) kêu gọi ASEAN và các quốc gia láng giềng xây dựng một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông hiệu lực, thực chất, và ràng buộc về mặt pháp lý, không nên làm phương hại đến lợi ích của bên thứ ba.

Ngoài ra, EU cam kết củng cố hợp tác với ASEAN trong các cơ chế do ASEAN lãnh đạo như Hội nghị Cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. EU cũng mong muốn mở rộng hợp tác với ASEAN trong lĩnh vực an ninh hàng hải, thông qua mở rộng sáng kiến Các Tuyến Hàng hải Huyết mạch tại Ấn Độ Dương (CRIMARIO). CRIMARIO là một sáng kiến có mục tiêu hỗ trợ các quốc gia khu vực nâng cao Nhận thức Tình huống Hàng hải (MSA) bằng cách chia sẻ dữ liệu giám sát hàng hải từ nhiều nguồn, từ đó thúc đẩy hợp tác, phối hợp hoạt động chung giữa các trung tâm giám sát khu vực. Với sự tham gia của ASEAN, CRIMARIO sẽ bao gồm hai thành phần mới là: (i) trao đổi thông tin giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp ở cấp quốc gia, khu vực, và quốc tế; (ii) giám sát việc tuân thủ quy định, luật pháp quốc tế.

Xem thêm:

Fact Asia ngày 21/6/2022: Indo-Pacific: At the Heart of the European Union’s Foreign and Security Policy

CRIMARIO Indo-Pacific: CMR Indo-Pacific 2015/2024

Philippines chấm dứt hoàn toàn đàm phán thăm dò năng lượng chung với Trung Quốc

Theo Philippines New Agency, vào ngày 23/6/2022, Bộ trưởng Locsin cho biết Philippines đã khởi xướng việc chấm dứt đàm phán thăm dò dầu khí với Trung Quốc. Mặc dù cả hai bên đã cố gắng đàm phán trong 3 năm, thỏa thuận phải huỷ bỏ vì nguy cơ xảy ra “khủng hoảng hiến pháp”. Bộ trưởng cũng lưu ý rằng trong suốt tiến trình đàm phán, Philippines chưa bao giờ từ bỏ dù chỉ một phần chủ quyền. 

Philippines, quốc gia chủ yếu dựa vào nhập khẩu nhiên liệu, đã phải tìm kiếm các đối tác nước ngoài giúp khai thác nguồn dự trữ năng lượng ngoài khơi do các yêu sách chồng chéo của Trung Quốc. Từ năm 2018, hai nước đã cam kết cùng thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bất chấp việc Trung Quốc cũng đưa ra yêu sách đối với vùng biển này. Hai nước thành lập một ban hội thẩm đặc biệt để khai thác những khu vực đó mà không cần phải giải quyết vấn đề chủ quyền. Nhiều chuyên gia cảnh báo bất kỳ thỏa thuận chia sẻ tài nguyên năng lượng nào có thể được coi là hợp pháp hóa yêu sách của bên kia hoặc từ bỏ lãnh thổ có chủ quyền.

Xem thêm:

Philippines News Agency ngày 23/6/2022: PH terminated oil exploration talks with China: Locsin

Rappler ngày 23/6/2022: Philippines abandons joint energy exploration talks with China

South China Morning Post ngày 23/6/2022:Philippines, China abandon joint energy exploration talks. Một bản PDF được lưu ở đây.

Nikkei Asia ngày 23/6/2022: Philippines abandons joint energy exploration talks with China

The Diplomat ngày 24/6/2022: South China Sea: Philippines Nixes Joint Maritime Resource Exploration Talks With China

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thông báo về Phái đoàn Tổng thống đến Philippines dự Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Ferdinand Romualdez Marcos, Jr.

Đệ nhị Phu quân của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, ông Douglas Emhoff, sẽ dẫn đầu Phái đoàn Tổng thống của Mỹ tới tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Ferdinand Romualdez Marcos, Jr nhằm thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc tăng cường mối quan hệ với Philippines.

Xem thêm:

The White House ngày 26/6/2022: ​​President Biden Announces Presidential Delegation to the Republic of the Philippines to Attend the Inauguration of His Excellency Ferdinand Romualdez Marcos, Jr.

———-

VI- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Tân Hoa Xã: Giải thích “Sáng kiến An ninh Toàn cầu”

Cuối tháng 5 – đầu tháng 6 vừa qua, Tân Hoa Xã đã có loạt bài bình luận 4 kỳ nhằm giải thích “Sáng kiến An ninh Toàn cầu” – ý tưởng mới được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất tại Diễn đàn Bác Ngao 2022 – trên bốn phương diện: trí tuệ, chủ trương, năng lực và tinh thần.

Về trí tuệ: Tân Hoa Xã giải thích đây là sáng kiến nhằm trả lời câu hỏi “Thế giới cần quan niệm an ninh nào, và các nước có thể thực hiện an ninh chung thế nào?”. Theo đó, đây là sáng kiến hoàn chỉnh, phong phú, “siêu việt” so với các lý thuyết an ninh – địa chính trị phương Tây, thích ứng với các thách thức an ninh chung của cộng đồng quốc tế trong tình hình mới, đáp ứng mong muốn và nguyện vọng chung của các quốc gia.

Về chủ trương: Tân Hoa Xã gọi đây là chủ trương “công bằng và chính nghĩa” của Trung Quốc, thể hiện trên 4 mặt: (i) quan điểm an ninh chung, tổng hợp, hợp tác bền vững; (ii) kế thừa và đề cao tôn chỉ và tinh thần của Hiến chương Liên Hợp Quốc; (iii) tính đến quan tâm an ninh chính đáng của mọi quốc gia; (iv) đưa ra phương án công chính cho các điểm nóng toàn cầu.

Về năng lực: Tân Hoa Xã tuyên bố Trung Quốc là quốc gia yêu hòa bình và đóng góp tích cực trên trường quốc tế, sẵn sàng làm trung gian hòa giải tại các điểm nóng, thúc đẩy hợp tác trước các thách thức.

Về tinh thần: Tân Hoa Xã đúc kết tinh thần của sáng kiến bằng bốn chữ: “Dĩ hòa vi quý”. Theo đó, sáng kiến đề ra phương hướng để đạt được hòa bình và an ninh, phê phán các hành động gây hại, cũng như đề cao sự “hòa hợp” và truyền thống yêu hòa bình của người Trung Quốc.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 29/5/2022: 标本兼治的中国智慧——解读全球安全倡议系列评论之一

Tân Hoa Xã ngày 30/5/2022: 公平正义的中国主张——解读全球安全倡议系列评论之二

Tân Hoa Xã ngày 31/5/2022: 知行合一的中国力量——解读全球安全倡议系列评论之三

Tân Hoa Xã ngày 1/6/2022: 以和为贵的中国精神——解读全球安全倡议系列评论之四

Bắc Kinh dự kiến sẽ giới thiệu mô hình quản trị của mình tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS

Bắc Kinh sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 vào ngày thứ Năm 23/6/2022. Diễn đàn trực tuyến của “các quốc gia mới nổi” sẽ bao gồm các nhà lãnh đạo của Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Bên cạnh đó là 13 nước không phải thành viên được mời bao gồm Algeria, Argentina, Ai Cập, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Senegal, Uzbekistan, Campuchia, Ethiopia, Fiji, Malaysia và Thái Lan.

Các nhà phân tích cho rằng chủ đề của sự kiện năm nay là “kỷ nguyên phát triển toàn cầu mới.” Các quốc gia BRICS chiếm khoảng 1/4 nền kinh tế toàn cầu. Bắc Kinh dự kiến sẽ giới thiệu mô hình quản trị của mình như một giải pháp phi phương Tây trong hội nghị.

Xem thêm:

Al Jazeera ngày 22/6/2022: At BRICS summit, China sets stage to tout its governance model

Ông Tập kêu gọi BRICS bảo vệ công lý thế giới, chống lại bá quyền và bắt nạt

Tại hội nghị thượng đỉnh BRICS thường niên vào thứ Năm, năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước BRICS cùng chung tay bảo vệ công lý thế giới và phản đối chủ nghĩa bá quyền và bắt nạt là “những thách thức chưa từng có” do đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine mang lại đe dọa an ninh và phát triển toàn cầu.

“Thế giới của chúng ta ngày nay bị lu mờ bởi những đám mây đen của tâm lý Chiến tranh Lạnh và chính trị quyền lực, và bị bao vây bởi những mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống liên tục nổi lên,” ông Tập nói.

Xem thêm:

Gov.cn ngày 24/6/2022: Full Text: Remarks by President Xi Jinping at the 14th BRICS Summit

CGTN ngày 23/6/2022: Xi Jinping calls on BRICS to uphold solidarity, safeguard world peace

Tập Cận Bình: Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang “vũ khí hóa” nền kinh tế thế giới

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã có ý định hướng cho hội nghị thượng đỉnh BRICS trực tuyến bằng một bài phát biểu vào tối thứ Tư, trong đó ông chỉ trích các lệnh trừng phạt là “vũ khí hóa” nền kinh tế toàn cầu và kêu gọi đoàn kết khi đối mặt với những thách thức tài chính.

“Cuộc khủng hoảng Ukraine là một lời cảnh tỉnh khác cho tất cả thế giới. Nó nhắc nhở chúng ta rằng niềm tin mù quáng vào cái gọi là ‘vị thế của sức mạnh’ và nỗ lực mở rộng liên minh quân sự và tìm kiếm an ninh của chính mình bằng thiệt hại của nước khác sẽ chỉ đặt mình vào thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh,” Tập nói, ám chỉ đến Hoa Kỳ và NATO mà Bắc Kinh đã nhiều lần đổ lỗi cho việc kích động sự xâm lược của Nga ở Ukraine, nơi Nga đang tàn phá các công trình dân sinh, văn hoá và khu dân cư, huỷ diệt mùa màng và ăn cắp ngũ cốc của người Ukraine, mở ra nguy cơ khiến nhiều triệu người chết đói.

Tập nhắm vào các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, gọi những hình phạt này là “con dao hai lưỡi” vũ khí hoá nền kinh tế toàn cầu và sẽ “gây hại cho người dân trên thế giới.”

Xem thêm:

CNN ngày 23/6/2022: BRICS: China’s Xi Jinping blasts Western sanctions for ‘weaponizing’ world economy

Tuyên bố Bắc Kinh: Tuyên bố chung của các nước thành viên BRICS

Mặc dù cả Tập Cận Bình và Putin đều đề cập đến vấn đề an ninh, “sự bành trướng” của liên minh quân sự phương Tây, trong Tuyên bố chung của các nước BRICS đã không đề cập đến những sáng kiến của Bắc Kinh như Global Development Initiative hoặc Global Security Initiative. Thay vào đó, Tuyên bố tái khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò lãnh đạo của nhóm G-20 trong quản trị kinh tế toàn cầu và nhấn mạnh phải giữ nguyên vẹn nhóm G-20 (ám chỉ bác bỏ ý định loại bỏ Nga của các nước phương Tây vì cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine).

Về Ukraine, tuyên bố cho biết các nước đã thảo luận về tình hình ở Ukraine và nhắc lại các lập trường mỗi nước như đã được bày tỏ tại các diễn đàn thích hợp, cụ thể là UNSC và UNGA. Các nước BRICS ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 23/6/2022: XIV BRICS Summit Beijing Declaration 

The Print ngày 23/6/2022: BRICS supports Russia-Ukraine talks at 14th Summit, Putin says ‘joint efforts’ answer to conflict

Truyền thông Trung Quốc trích dẫn bình luận của lãnh đạo một số quốc gia ca ngợi Tập Cận Bình trong Hội nghị BRICS

Tổng thống Ai Cập đã gọi Tập Cận Bình là “người anh em” trong bài phát biểu của mình. Ông đánh giá cao Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (Global Development Initiative) do ông Tập đưa ra và cảm ơn các nước BRICS đã thống nhất quan điểm về các vấn đề chính trị và kinh tế mà các nước đang phát triển quan tâm.

Tổng thống Senegal thay mặt Liên minh Châu Phi nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – mà ông gọi là một “người bạn thân yêu” – và lãnh đạo các nước tham gia rằng các nước Châu Phi mong muốn có một trật tự quốc tế hợp lý và bao trùm hơn, đồng thời chân thành đánh giá cao tinh thần cởi mở mà các nước BRICS thể hiện.

Tổng thống Argentina chúc mừng Trung Quốc đã đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông cho rằng các nước đang phát triển đang phải đối mặt với nhiều thách thức chung và cuộc đối thoại mang lại cơ hội cho tất cả các nước và bày tỏ rõ ràng mối quan tâm của mọi người về sự phát triển.

Tổng thống Kazakhstan cho rằng Sáng kiến Vành đai Con đường cung cấp một nền tảng tốt để tất cả các bên thực hiện hợp tác. Ông nói rằng ông đồng tình với khái niệm về một cộng đồng với một tương lai chung cho nhân loại, các Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến An ninh Toàn cầu do Tập Cận Bình đề xuất.

Thủ tướng Fiji đã thu xếp để vẫn có thể tham dự hội nghị trực tuyến BRICS trong chuyến công du tới Châu Âu. Ông cho rằng các nước lớn có thể đóng vai trò lớn hơn và có thể giúp các quốc đảo nhỏ đạt được Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Fiji là thành viên thứ 14 tham gia khởi động Khung Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng là một trong những nước ủng hộ Quan hệ Đối tác Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh triển khai mới đây.

Xem thêm:

Nhân dân Nhật báo ngày 27/6/2022: 在历史发展关键当口引领前进方向 ——记习近平主席出席金砖国家领导人第十四次会晤系列活动

Nhân dân Nhật báo ngày 29/6/2022: 金砖合作机制彰显开放性和包容性(国际论坛) 

Iran, Argentina xin gia nhập câu lạc bộ BRICS

Một quan chức Iran cho biết nước này đã nộp đơn xin gia nhập nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – được Bắc Kinh và Moscow lựa chọn như một thị trường mới nổi mạnh mẽ thay thế cho phương Tây. Iran có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Argentina cũng đã nộp đơn xin gia nhập nhóm. Việc mở rộng BRICS tiềm năng diễn ra khi Nga đang tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước không phải phương Tây để vượt qua các lệnh trừng phạt đối với cuộc xâm lược Ukraine.

Xem thêm:

Reuters ngày 28/6/2022: Iran applies to join China and Russia in BRICS club

Bắc Kinh tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự xuyên biên giới Trung – Ấn

Trung Quốc đã nâng cấp cơ sở hạ tầng quân đội trên khắp khu vực Ladakh thuộc biên giới Trung Quốc-Ấn Độ, bao gồm nâng cấp nơi đồn trú của quân đội, hệ thống pháo và tên lửa tầm xa, hệ thống phòng không, mở rộng đường băng, củng cố nhà chứa máy bay chiến đấu được củng cố, theo những nguồn tin từ quan chức tình báo Ấn Độ tiết lộ với tờ The Hindu ngày 27/6/2022. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang củng cố sự hiện diện lâu dài ở đây và tranh chấp biên giới giữa hai nước có khả năng sẽ còn tiếp tục.

Xem thêm:

The Hindu ngày 27/6/2022: China upgraded firepower on LAC: official source

Trung Quốc tiếp tục nỗ lực tăng cường ảnh hưởng trên truyền thông Úc

Ngày 23/6/2022, Đại sứ Trung Quốc tại Úc thăm Trụ sở Đài truyền hình Quốc gia ABC tại Sydney và đã gặp gỡ Phó Giám đốc Gavin Fang, Tổng biên tập Lisa Whitby cùng một số công sự của đài. Tại đây Xiao Qian đã kêu gọi hãng này “truyền thông quan hệ Trung Quốc-Australia một cách hợp lý và khách quan hơn, đồng thời đóng góp tích cực vào việc tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân hai nước.”

Sau chuyến thăm của Đại sứ Trung Quốc, Đài ABC đã có một thông cáo ngắn nêu rõ lập trường của mình về cuộc gặp nhạy cảm này và cho biết họ đã nói với Đại sứ Trung Quốc rằng ABC là một tổ chức truyền thông độc lập đại diện cho lợi ích của khán giả Úc và Đài mong muốn thúc đẩy các cuộc thảo luận hơn nữa trong những tuần tới.

Xem thêm:

Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc ngày 24/6/2022: 肖千大使访问参观澳大利亚广播公司总部

ABC News ngày 27/6/2022: ABC comment on China coverage

Đại sứ Trung Quốc tại Úc phủ nhận danh sách 14 điểm yêu sách trong nỗ lực cải thiện quan hệ song phương với Úc

Năm 2020, trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Trung Quốc và Úc tăng cao và Trung Quốc thực hiện một loạt các hành động cản trở nhập khẩu hàng hoá Úc, một danh sách 14 điểm bất bình đã được Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra giao cho truyền thông Úc trong một bước đi ngoại giao dường như muốn gây sức ép buộc chính phủ Morrison phải đảo ngược quan điểm của Úc về các chính sách quan trọng.

Danh sách 14 điểm Trung Quốc bất bình với Úc bao gồm: tài trợ của chính phủ cho nghiên cứu “chống Trung Quốc” tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, các cuộc truy quét các nhà báo Trung Quốc và hủy visa học thuật, “mở đầu một cuộc thập tự chinh” tại các diễn đàn đa phương về các vấn đề của Trung Quốc ở Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương , kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19, cấm Huawei tham gia mạng 5G vào năm 2018 và chặn 10 thương vụ đầu tư nước ngoài của Trung Quốc trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và chăn nuôi.

Tờ The Sydney Morning Herald trích dẫn lời quan chức Trung Quốc cho biết nếu Úc lùi bước khỏi các chính sách trong danh sách, điều đó “sẽ có lợi cho bầu không khí tốt hơn.” Thủ tướng Úc khi đó, ông Morrison, cho biết danh sách này cho thấy “cách Úc bị Trung Quốc cưỡng bức” và tạo ra rào cản để cải thiện quan hệ.

Hôm thứ Sáu ngày ngày 24/6/2022, trong bối cảnh Trung Quốc và Úc đã có cuộc gặp cấp Bộ trưởng đầu tiên và đang tìm cách cải thiện mối quan hệ một cách thận trọng, Đại sứ Trung Quốc tại Úc Xiao Qian đã phủ nhận rằng danh sách 14 điểm bất bình đó đặt ra điều kiện tiên quyết để khôi phục quan hệ bình thường. “Tôi không có danh sách; Tôi chưa bao giờ nhìn thấy danh sách 14 điểm,” ông Xiao nói. “Những quan ngại của Trung Quốc đã bị diễn giải quá xa như cái gọi là điều kiện tiên quyết, như những yêu sách. Đây không phải là sự thật.”

Trước đó, Thủ tướng Úc đã nói rằng “Trung Quốc đã thay đổi, chứ không phải là Úc. Và Úc cần luôn luôn bảo vệ các giá trị của mình.”

Xem thêm:

The New York Times ngày 24/6/2022: After Years of Acrimony, China and Australia Cautiously Reach Out

The Sydney Morning Herald ngày 18/11/2020: ‘If you make China the enemy, China will be the enemy’: Beijing’s fresh threat to Australia

Financial Times ngày 24/6/2022: China’s ambassador to Australia heckled as he calls for closer ties. Một bản PDF được lưu ở đây

News ngày 23/5/2022: Anthony Albanese addresses China relationship, climate change at Quad meeting

Cứ 10 người Úc thì chỉ có 1 người tin tưởng Chính phủ Trung Quốc

Một cuộc thăm dò hàng năm của Viện Lowy, một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại có trụ sở tại Sydney, cho thấy chỉ 12% người Úc nói rằng họ tin tưởng Trung Quốc trong vai trò quốc tế. Kết quả đã giảm mạnh so với 4 năm trước vào năm 2018 khi nhóm nghiên cứu cho thấy khoảng 52% người Úc có cái nhìn tích cực về đất nước này.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 22/6/2022: One in 10 Australians Trust China’s Government, Lowy Survey Says. Một bản PDF được lưu ở đây

​​Natasha Kassam (2022) Understanding Australian attitudes to the world.pdf

Vai trò chủ nợ của Trung Quốc đang bị theo dõi chặt chẽ khi các quốc gia vay mượn đứng bên bờ vỡ nợ

Trong vòng vài tháng sau cuộc bầu cử vào năm ngoái, Tổng thống Hakainde Hichilema của Zambia đã thành công trong việc đàm phán khoản cứu trợ 1,4 tỷ đô la của IMF cho quốc gia miền nam Châu Phi đang mắc nợ này. Nhưng để đạt được một thỏa thuận với tất cả các chủ nợ của nó, chủ yếu là Trung Quốc, có thể mất nhiều thời gian hơn nữa.

Với việc Bắc Kinh hiện là nhà cho vay song phương lớn nhất đối với các quốc gia có thu nhập thấp, Zambia sẽ là một ví dụ thực tiễn cho biết Bắc Kinh liệu có sẵn sàng đi đầu trong việc cơ cấu lại các nghĩa vụ nợ để các quốc gia không vỡ nợ, trong thời điểm căng thẳng kinh tế gia tăng khi Sri Lanka vỡ nợ và Pakistan cận kề bên bờ vực. Cho đến nay, Bắc Kinh đã đàm phán với các bên đi vay của mình sau những cánh cửa đóng kín. Cuộc khủng hoảng Zambia cũng cho thấy các khoản vay của Trung Quốc đến từ nhiều tổ chức chính phủ và tư nhân khác nhau mà quyền lợi của họ thường khác nhau, làm tăng thêm sự phức tạp cho những nỗ lực đạt được một thỏa thuận.

Hôm thứ Ba ngày 28/6/2022, Đại sứ Trung Quốc tại Tonga Cao Xiaolin đã bác bỏ các mối quan ngại về “bẫy nợ”, khẳng định các khoản vay của Tonga không đi kèm với “ràng buộc chính trị nào.” Bắc Kinh sẽ không bao giờ buộc các nước Thái Bình Dương phải trả các khoản vay.

Xem thêm:

Financial Times ngày 28/6/2022: China’s pivotal role under scrutiny as Zambia seeks debt relief. Một bản PDF được lưu ở đây

The Guardian ngày 29/6/2022: China insists Tonga loans come with ‘no political strings attached’

Nhu cầu về các chuyên ngành chủ nghĩa Marx tăng cao trong bối cảnh thị trường lao động gặp nhiều khó khăn

Theo Yingjiesheng, một trang web tìm kiếm việc làm hàng đầu cho sinh viên tốt nghiệp đại học, các tuyển dụng yêu cầu bằng cấp về chủ nghĩa Marx đã tăng 20% số lượng tuyển dụng trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái.

Xem thêm:

Financial Times ngày 29/6/2022: China’s Marxism majors prosper amid labour market woes. Một bản PDF được lưu ở đây.

PetroChina có thể bán tài sản ở Úc, Canada để bù lỗ

PetroChina có thể rút khỏi các dự án khí đốt tự nhiên ở Úc và cát dầu ở Canada để tránh thua lỗ và chuyển nguồn vốn sang các địa điểm sinh lợi hơn ở Trung Đông, Châu Phi và Trung Á, theo Reuters, trích dẫn những người có hiểu biết về vấn đề này.

Xem thêm:

Energy Voice ngày 29/6/2022: PetroChina may sell Australian, Canadian assets to stem losses

ExxonMobil, CNOOC và Shell hợp tác làm trung tâm thu giữ và lưu trữ carbon ở Trung Quốc

ExxonMobil, Shell, CNOOC và Ủy ban Cải cách & Phát triển tỉnh Quảng Đông đã ký một biên bản ghi nhớ để đánh giá tiềm năng cho một dự án thu giữ và lưu trữ carbon quy mô thế giới nhằm giảm phát thải khí nhà kính tại Khu công nghiệp hóa dầu Dayawan ở Huệ Châu, Tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Xem thêm:

Energy Voice ngày 29/6/2022: ExxonMobil, CNOOC and Shell team up for carbon capture and storage hub in China. Một bản PDF được lưu ở đây.

———-

VII- ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG & CHÂU ÂU – NATO

Đàm phán giữa EU-Trung Quốc

Theo Nicolas Chapuis, Đại sứ Liên minh Châu Âu (EU) tại Trung Quốc, EU và Trung Quốc đang lên kế hoạch cho hai cuộc gặp cấp cao trong những tuần tới, nhưng các cuộc đàm phán phải giải quyết các vấn đề song phương thực sự và mang lại lợi ích rõ ràng. Mối quan hệ đạt mức cao vào cuối năm 2020 khi hai bên ký hiệp ước đầu tư được chờ đợi từ lâu, nhưng nhanh chóng xấu đi sau khi EU trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì cáo buộc lạm dụng nhân quyền ở Tân Cương. Châu Âu gần đây cũng đã phải xem xét lại các mối quan hệ với Trung Quốc của mình, do lo ngại về cuộc chiến của Nga với Ukraine.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 20/6/2022: EU, China Aim for Talks in Next Few Weeks, Ambassador Says. Một bản PDF được lưu ở đây.

Thủ tướng Nhật Bản cho biết các cuộc đàm phán với Trung Quốc là chìa khóa cho hòa bình khu vực trong bối cảnh căng thẳng hàng hải gia tăng

Tại cuộc tranh luận gần đây giữa các nhà lãnh đạo đảng ở Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida lưu ý rằng các cuộc thảo luận với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc là chìa khóa cho hòa bình và ổn định khu vực và quốc tế. “Điều quan trọng là phải duy trì các mối quan hệ ổn định và mang tính xây dựng… Đối thoại là rất quan trọng,” Kishida nhấn mạnh. Những tuyên bố này được đưa ra khi Bắc Kinh gia tăng hoạt động quân sự xung quanh Nhật Bản và ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trước đó, khi được yêu cầu bình luận về việc Nhật Bản phản đối Trung Quốc xây dựng các cơ sở thăm dò mỏ khí đốt ở Biển Hoa Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói rằng “Các hoạt động thăm dò dầu khí của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông đều được tiến hành trong vùng biển thuộc quyền tài phán không thể tranh cãi của Trung Quốc. Đây hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc. Nhật Bản không nên đưa ra những nhận xét không xác đáng.”

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 22/6/2022: Japan’s Kishida says talks with China key to regional peace amid rising maritime tensions. Một bản PDF được lưu ở đây.

Kyodo News ngày 21/6/2022: China urges Japan not to meddle in gas development in E. China Sea

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21/6/2022: Foreign Ministry Spokesperson Wang Wenbin’s Regular Press Conference on June 21, 2022

Việc Elon Musk viện trợ Starlink cho Ukraine kích thích Trung Quốc xem xét về các liên kết với quân sự Mỹ

Musk được phương Tây khen ngợi vì đã gửi một lô hàng bộ vệ tinh Starlink để củng cố mạng lưới internet của Ukraine chống lại lực lượng của Putin, nhưng sự trợ giúp của ông lại bị Trung Quốc, một thị trường tăng trưởng quan trọng nơi Tesla tạo ra một phần tư doanh thu cho đế chế kinh doanh của ông, lại có một cách nhìn khác. Musk đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ phe diều hâu trong lĩnh vực an ninh quốc gia và dữ liệu của Bắc Kinh, đe dọa khả năng tiếp cận thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng và các đối thủ cạnh tranh xe điện địa phương áp sát Tesla.

Xem thêm:

Financial Times ngày 21/6/2022: Elon Musk’s Starlink aid to Ukraine triggers scrutiny in China over US military links

Reuters ngày 20/6/2022: Tesla cars barred for 2 months in Beidaihe, site of China leadership meet 

China News ngày 15/6/2022: 露营热带动房车热新能源汽车能不能一起“玩”? 

Chính phủ Séc phê duyệt phiên bản tiếng Séc của Đạo luật Magnitsky. Slovakia liệt Nga và Trung Quốc là các mối đe dọa gián điệp hàng đầu

Chính phủ Séc đã thông qua luật trừng phạt nhân quyền dựa trên Đạo luật Magnitsky Toàn cầu của Hoa Kỳ, có thể được sử dụng để trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền.

Trong khi đó, ​​Cơ quan Tình báo Dân sự của Slovakia đã liệt Nga và Trung Quốc vào danh sách các mối đe dọa gián điệp hàng đầu.

Xem thêm:

English Prague International ngày 22/6/2022: Government approves Czech version of Magnitsky Act

Slovak Information Service ngày 21/6/2022: Pre Vás | Správa o činnosti SIS 

Thủ tướng Australia tới thăm Pháp để tái khởi động quan hệ song phương

Tân Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gửi lời mời tới thăm và làm việc tại Pháp để tái khởi động quan hệ Pháp – Australia, nhân dịp Thủ tướng Albanese tới Châu Âu tham dự Thượng đỉnh NATO tại Madrid. Lời mời được đưa ra sau khi hai phía khẳng định cam kết phục hồi quan hệ song phương, và sau khi chính quyền Australia khẳng định cam kết này thông qua việc chấp nhận chi trả 555 triệu euro phí hủy hợp đồng cho tập đoàn Naval Group của Pháp.

Xem thêm:

AP News ngày 23/6/2022: Australian leader to visit France to fix damaged relations

Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ bị loại khỏi Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương để giúp cuộc họp tránh khỏi căng thẳng cạnh tranh địa chiến lược

Các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương được cho là sẽ không mời Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia lớn khác tham dự cuộc họp các nhà lãnh đạo sắp tới sẽ được tổ chức tại Suva, Fiji vào giữa tháng Bảy. Diễn đàn Đảo Thái Bình Dương có 21 đối tác, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ và Vương quốc Anh, và thường có một cuộc họp Đối tác Đối thoại trực tiếp bên cạnh cuộc họp các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương.

Xem thêm:

ABC News ngày 24/6/2022: United States and China set to be excluded from Pacific Islands Forum meeting to avoid ‘distraction’

Hoa Kỳ và các đồng minh khởi động sáng kiến ​​giúp đỡ các quốc đảo Thái Bình Dương

Mỹ, Anh, Australia, New Zealand và Nhật Bản đã đưa ra một sáng kiến ​​mới với tên gọi “Đối tác Thái Bình Dương Xanh” vào thứ Sáu ngày 24/6/2022 sau nhiều ngày đàm phán với các quốc đảo Thái Bình Dương. Kế hoạch này nhằm giúp các quốc đảo nhỏ – như Fiji, Palau, Samoa và Quần đảo Marshall – giải quyết các vấn đề từ biến đổi khí hậu đến đánh bắt bất hợp pháp, nhưng nó cũng đánh dấu một nỗ lực tăng cường nhằm chống lại các sáng kiến ​​của Trung Quốc.

“Có thể có một số bước an ninh mà chúng tôi sẽ thực hiện theo thời gian để giúp củng cố vị thế của chúng tôi trong khu vực,” Một quan chức Mỹ nói với Financial Times, không phủ nhận “an ninh” là một thành phần trong sự can dự của Hoa Kỳ. 

Sáng kiến Đối tác Thái Bình Dương Xanh đặt ra một tiền lệ mới cho các nước phương Tây điều phối các hoạt động ở Châu Á – Thái Bình Dương, đảo ngược thái độ xa cách truyền thống mà phương Tây đã thể hiện đối với khu vực. Đây là cơ hội để các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ có thể tối đa hóa lợi ích chính trị và đầu tư của riêng họ. Ngoài ra, nếu Hoa Kỳ cho các đảo Thái Bình Dương lựa chọn các mục tiêu ưu tiên, biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng hậu cần sẽ là trọng tâm chính trong tương lai.

Xem thêm:

The White House ngày 24/6/2022: Statement by Australia, Japan, New Zealand, the United Kingdom, and the United States on the Establishment of the Partners in the Blue Pacific (PBP)

Financial Times ngày 25/6/2022: US and allies launch initiative to help Pacific Island nations. Một bản PDF được lưu ở đây

Stratfor ngày 27/6/2022: Asia-Pacific: West to Lead New Engagement Initiative. Một bản PDF được lưu ở đây.

Hoa Kỳ, Đài Loan tổ chức các cuộc đàm phán đầu tiên về lộ trình cho các thỏa thuận thương mại

Các quan chức cấp cao của Mỹ và Đài Loan đã tổ chức các cuộc đàm phán đầu tiên về việc phát triển một “lộ trình đàm phán đầy tham vọng” nhằm làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước. Dẫn đầu hai phái đoàn đàm phán là Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Sarah Bianchi và Bộ trưởng Đài Loan John Deng với nỗ lực đặt nền móng để thúc đẩy “các ưu tiên thương mại chung” thông qua các thỏa thuận tiềm năng trong các lĩnh vực như nông nghiệp, chính sách và thực tiễn chống tham nhũng và phi thị trường, theo thông cáo của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ.

Xem thêm:

USTR ngày 27/6/2022: United States and Taiwan Hold Inaugural Meeting of the US-Taiwan Initiative on 21st-Century Trade

Bloomberg ngày 27/6/2022: US, Taiwan Aides Hold Opening Talks on Road Map for Trade Deals. Một bản PDF được lưu ở đây.

Hàn Quốc hy vọng Mỹ bảo vệ Đài Loan

Theo một quan chức Hàn Quốc, Hàn Quốc hy vọng Mỹ sẽ sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ Đài Loan nếu nước này bị tấn công. Quan chức này nói rằng trong khi Trung Quốc chỉ gây ra “rủi ro” về an ninh cho Hàn Quốc chứ không phải là “mối đe dọa trực tiếp”, thì Seoul sẽ “thoải mái hơn” nếu Mỹ can thiệp quân sự vào một cuộc xâm lược Đài Loan. Nếu Mỹ không đáp trả, điều đó sẽ báo hiệu rằng Mỹ có thể không bảo vệ Hàn Quốc trước một cuộc tấn công của Triều Tiên. Quan chức này không nói liệu Hàn Quốc có sẵn sàng giúp đỡ Đài Loan hay không.

Xem thêm:

Axios ngày 28/6/2022: South Korea would expect US to intervene if China invades Taiwan, official says 

Phát ngôn viên Duma Quốc gia Nga chế giễu Ukraine là thuộc địa của Hoa Kỳ

Phản ứng trước quyết định sửa lại tên đường Yury Gagarin tại Kyiv thành Neil Armstrong, Phát ngôn viên Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin khẳng định rằng đây là bằng chứng cho thấy chính quyền “phát xít mới” tại Ukraine đang từng bước xóa đi lịch sử dân tộc Ukraine. Volodin cũng cho biết Ukraine đã thay đổi lịch sử được dạy tại các trường học về Ngày Chiến thắng và về Cuộc chiến Vệ quốc Vĩ đại, cấm người dân đeo biểu tượng chiến thắng, tôn thờ các tổ chức phát xít như Quân đội Giải phóng Ukraine và Tổ chức Quốc gia Ukraine. Volodin cho rằng với xu hướng này, chẳng mấy mà Ukraine sẽ trở thành một thuộc địa hoàn chỉnh của Mỹ, với thủ đô Kyiv được đổi tên thành Nuland. Các phát ngôn của Volodin nằm trong nỗ lực thúc đẩy diễn ngôn về một trật tự thế giới mới, với các quốc gia không có chủ quyền phải trở thành các thuộc địa mà Tổng thống Putin đưa ra trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới St. Petersburg.

Xem thêm:

TASS ngày 16/6/2022: Nuland, Ukraine, instead of Kiev: Top MP mocks Zelensky regime’s ploy to rewrite history

Liên minh Châu Âu đưa Ukraine trở thành ứng viên ​​của khối – bước đi lịch sử mở ra kỷ nguyên mới cho cả Ukraine và EU

Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu đã trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên trong một bước đi lịch sử đối với quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá trên con đường dài và khó khăn để trở thành thành viên của khối. Những nhà lãnh đạo chính phủ các quốc gia thành viên EU đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày tại Brussels và thông qua khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về việc cấp quy chế cho Ukraine. Kyiv, đã nộp đơn xin gia nhập ngay sau cuộc xâm lược của Nga vào tháng Hai, sẽ phải đáp ứng các điều kiện trong tương lai về các vấn đề liên quan đến pháp quyền, công lý và chống tham nhũng. Đối với EU, động thái này mở ra một kỷ nguyên mở rộng mới về phía đông tiềm ẩn rủi ro và là một trong những nguyên nhân chính khiến trước đây nhiều nước thành viên EU không muốn kết nạp Ukraine vào Liên minh.

Xem thêm:

Hội đồng Châu Âu ngày 23/6/2022: European Council, 23-24 June 2022

Sueddeutsche ngày 20/6/2022: Scholz pocht auf EU-Reformen

The Hill ngày 20/6/2022: In Georgia, fears of Russia aggression amplified by Ukraine war

Reuters ngày 21/6/2022: EU leaders to keep sanction pressure on Russia, gold flagged as new target

Politico ngày 23/6/2022: As it happened: European Council summit

Bloomberg ngày 23/6/2022: Ukraine Wins Crucial Nod on Long Path to EU Membership. Một bản PDF được lưu ở đây.

Bloomberg ngày 23/6/2022: A Risky New Expansion Toward Russia for the EU

Washington muốn EU giảm bớt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga

Washington được cho là đã yêu cầu EU điều chỉnh lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, cụ thể là phần cấm các công ty Châu Âu cung cấp bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga, ngay cả đối với các nước không thuộc EU. Chính quyền Biden được cho là lo ngại rằng lệnh cấm bảo hiểm sẽ loại bỏ quá nhiều dầu của Nga khỏi thị trường toàn cầu, đến mức nó sẽ gây ra một đợt tăng giá năng lượng mạnh mẽ và gây bất ổn trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ dự kiến vào tháng 11. Mỹ đã yêu cầu EU điều chỉnh lệnh cấm để tạo ra một giới hạn đối với bảo hiểm cung cấp cho các tàu chở dầu, nhằm làm cho phí bảo hiểm rất đắt nhưng không bị cấm bảo hiểm cho tàu Nga. Canada đã tham gia với Hoa Kỳ trong yêu cầu này, theo các nguồn tin của EU.

Xem thêm:

Energy Monitor ngày 23/6/2022: EU’s Russian oil ban: What to expect for energy markets

Financial Times ngày 16/6/2022: ​​US fears ban on insuring Russian tankers will drive up oil prices 

Tổng thống Nga và Tổng thống Belarus gặp gỡ, thảo luận về việc thiết lập tên lửa Iskander-M trong lãnh thổ Belarus

Ngày 25/6/2022, Tổng thống Putin và Tổng thống Lukashenko đã có buổi làm việc trực tiếp tại Điện Konstantinovsky/St. Petersburg. Trong buổi làm việc này, hai nội dung đáng chú ý nhất là: (i) thiết lập tên lửa Iskander-M tại Belarus: Lukashenko cho rằng NATO đã cho máy bay mang đầu đạn hạt nhân tiến sát tới lãnh thổ Belarus, do đó yêu cầu Putin cho phép Belarus cải tiến máy bay SU-25 mang theo đầu đạn hạt nhân để răn đe. Putin từ chối yêu cầu này và cho biết Iskander-M sẽ được chuyển giao tới Belarus trong thời gian sớm nhất để răn đe NATO; (ii) tiến trình hội nhập Nga – Belarus trong khuôn khổ Quốc gia Liên minh: Putin thể hiện sự bất bình đối với sự chậm trễ của tiến trình hội nhập, cụ thể là việc triển khai từ phía Belarus. Trong khi đó, Lukashenko kêu gọi Nga ủng hộ tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), và không được Putin lên tiếng đồng thuận. Nội dung đối thoại này, cùng với sự hỗ trợ không tích cực trong cuộc chiến tại Ukraine cho thấy quan hệ thực tế giữa Nga và Belarus có nhiều trắc trở hơn so với những gì thể hiện ra bên ngoài.

Xem thêm :

Kremlin ngày 25/6/2022: Meeting with President of Belarus Alexander Lukashenko

Tổng thống Moldova thăm Kyiv, gặp Tổng thống Ukraine

Tổng thống Maia Sandu đã tới Ukraine vào ngày 27/6/2022 trong chuyến công du đầu tiên tới nước láng giềng của Moldova kể từ khi chiến tranh bắt đầu và thăm các thị trấn Bucha và Irpin – những địa điểm bị cáo buộc là nơi xảy ra hành động tàn bạo của Nga đối với dân thường.

Sandu cho biết bà rất “đau lòng” khi nghe những lời kể của các nhân chứng và nạn nhân của cuộc chiến. “Bất kể chi phí kinh tế, bất kể chi phí chính trị, chúng ta phải ngăn chặn chiến tranh và chúng ta phải đảm bảo rằng những hành động tàn bạo này sẽ không bao giờ lặp lại.”

“Không nói nên lời trước mức độ bạo lực và tàn phá mà chúng tôi đã chứng kiến,” Sandu sau đó đã viết riêng bằng tiếng Anh trên Twitter. “Đó là một bi kịch không thể tưởng tượng nổi và chúng tôi hết lòng cầu chúc những người dân Ukraine dũng cảm vị tha sẽ đạt được hòa bình, tự do & thịnh vượng và cuộc sống do chính họ lựa chọn.”

Trước đó, trong chuyến thăm Iprin và Bucha cùng với các Tổng thống Pháp, Italy và Rumani, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã thốt lên: “Giống như Bucha, Irpin từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự tàn khốc không thể tưởng tượng nổi của cuộc chiến tranh gây ra bởi Nga, của bạo lực vô nghĩa. Sự tàn phá tàn bạo ở thành phố này là một đài tưởng niệm – cuộc chiến này phải kết thúc.” 

Xem thêm:

RFE/RL ngày 27/6/2022: Moldovan President Visits Kyiv, Will Meet Zelenskiy

Mỹ đưa vào danh sách đen các công ty Trung Quốc và một số quốc gia khác trong đó có Việt Nam vì bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Nga

Chính quyền Biden đã đưa 5 công ty Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu do vi phạm các lệnh trừng phạt khi bị cáo buộc cung cấp hỗ trợ cho các công ty quân sự và quốc phòng của Nga trước và trong cuộc xâm lược Ukraine. Các công ty Mỹ sẽ bị cấm xuất khẩu cho các công ty bị liệt trong danh sách đen. Những công ty Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen không phải là những công ty có tên tuổi trên toàn cầu. Danh sách cũng được bổ sung 31 thực thể khác từ các quốc gia như Nga, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Lithuania, Pakistan, Singapore, Vương quốc Anh, Uzbekistan và Việt Nam. 25 trong số 36 công ty này có hoạt động tại Trung Quốc. 

Xem thêm:

U.S. Department of Commerce (30 June 2022) Addition of Entities, Revision and Correction of Entries, and Removal of Entities from the Entity List

Reuters ngày 28/6/2022: US accuses five firms in China of supporting Russia’s military

Mỹ nhắm mục tiêu Cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga, cấm nhập khẩu vàng của Nga

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 70 thực thể và 29 cá nhân quan trọng đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và có liên quan đến việc phát triển và triển khai vũ khí và công nghệ. Những đối tượng được nhắm đến bao gồm tập đoàn quốc phòng Rostec và công ty hàng không vũ trụ United Aircraft Corporation. Mỹ cũng cấm nhập khẩu vàng có xuất xứ từ Nga, đây là mặt hàng xuất khẩu phi năng lượng lớn nhất của Moscow.

Xem thêm:

U.S. Department of the Treasury ngày 28/6/2022: US Treasury Sanctions Nearly 100 Targets in Putin’s War Machine, Prohibits Russian Gold Imports

Reuters ngày 28/6/2022: New US sanctions target Russian gold imports, defense industry 

———-

VIII- HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Công chúng xuống đường bày tỏ ủng hộ Ukraine trước thềm hội nghị

Một cuộc biểu tình ủng hộ Ukraine đã được tổ chức tại thành phố Hanover và tại ​​​​Cộng đồng Garmisch-Partekihern (Bavaria) gần địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 26/6/2022.

Xem thêm:

Flash ngày 26/6/2022: ​​A rally in support of Ukraine in the Garmisch-Partekihern community (Bavaria) near the venue of the G7 summit

Flash ngày 26/6/2022: One more video from the rally in the bulk of Garmisch-Partekichörn

Flash ngày 26/6/2022: The rally in support of Ukraine in Hannover

Thượng đỉnh G7 diễn ra với lo ngại về tình hình chính trị tại Mỹ và về sức chịu đựng của Châu Âu

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới tham gia Thượng đỉnh G7 tại Đức, được tổ chức trong hai ngày 26-27/6/2022. Mặc dù đây là một sự kiện tập trung vào vấn đề toàn cầu, và chính quyền Biden đã rất thành công trong việc đoàn kết các đồng minh, đối tác để đối phó với các thách thức lớn, các đồng minh không khỏi lo ngại về tình hình chính trị nước Mỹ khi bầu cử nghị viện đang tới gần. Cuộc chiến do Nga tiến hành tại Ukraine đã đẩy giá năng lượng tại Mỹ tăng cao, cùng với đó khiến lạm phát tăng mạnh, đã tạo ra sự bất ổn và chia rẽ trong xã hội Mỹ ngày một rõ nét. Tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Biden giảm xuống mức 38%, trong khi tỷ lệ không tán thành lên tới 58% trong ngày 22/6/2022, có thể dẫn tới nguy cơ đánh mất đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện. Tuy nhiên trước những áp lực chính trị trong nước và cáo buộc từ Đảng Cộng hòa, Biden khẳng định rằng những gì mình làm tại Ukraine và những chính sách nhằm củng cố nội lực đất nước là để “bảo vệ lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ, chứ không phải để bảo vệ sự nghiệp chính trị của mình.”

Ngoài vấn đề chính trị Mỹ, EU cũng đang lo ngại về đề xuất điều chỉnh lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ từ Nga. Mỹ đề xuất rằng EU nên đặt ra một mức giá trần đối với dầu Nga bằng cách nới lỏng lệnh cấm bảo hiểm vận tải dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Nga. Tuy nhiên, các lãnh đạo Mỹ và Anh thừa nhận rằng sẽ cần thêm thời gian để xem xét khả năng chịu đựng của Nga và của Châu Âu trước khi có thể tiến hành thay đổi này.

Xem thêm:

The Japan Times ngày 25/6/2022: Biden limps to G7 as allies fret over his troubles at home

AP News ngày 17/6/2022: Transcript of AP interview with President Joe Biden

Reuters ngày 23/6/2022: Biden approval ratings

Các nhà lãnh đạo Khối G7 chính thức khởi động Quan hệ đối tác về Đầu tư và Cơ sở Hạ tầng Toàn cầu, hướng tới hỗ trợ tài chính cho Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam để chuyển đổi năng lượng 

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 26/6/2022, các nhà lãnh đạo G7 đã chính thức khởi động Quan hệ Đối tác về Đầu tư và Cơ sở hạ tầng Toàn cầu (Partnership for Global Infrastructure & Investment – PGII), nhắm tới huy động được 600 tỷ USD từ giờ cho đến năm 2027 nhằm cung cấp các dự án tạo ra sự thay đổi đột phá để thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, củng cố nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời thúc đẩy lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và các nước đồng minh. Riêng Mỹ sẽ huy động 200 tỷ USD trong vòng 5 năm tới cho PGII. 

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết nhóm G7 hiện đang hợp tác với Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam để hướng tới các quan hệ đối tác sẽ cung cấp tài chính hỗ trợ quá trình giảm thải carbon và hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn. Trước đó tại Hội nghị khí hậu COP26 vào năm 2021, Nam Phi, EU và các thành viên G7 gồm Pháp, Đức và Anh đã đạt được thoả thuận quan hệ đối tác nhằm hỗ trợ các nỗ lực giảm thải carbon của Nam Phi trong dài hạn, tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng có tính bao trùm và công bằng, phát triển các cơ hội kinh tế mới tại đất nước này.

Xem thêm:

The White House ngày 26/6/2022: FACT SHEET: President Biden and G7 Leaders Formally Launch the Partnership for Global Infrastructure and Investment

Nikkei Asia ngày 27/6/2022: G-7 infrastructure investment to target Indo-Pacific’s clean-energy transition. Một bản toàn văn được lưu ở đây

Politico ngày 26/6/2022: G-7 unveils $600B plan to combat China’s global reach 

Nga tấn công trung tâm thương mại tại miền trung Ukraine

Một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào một trung tâm mua sắm ở Kremenchug, Poltava thuộc miền trung Ukraine, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và ít nhất 59 người bị thương. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã sử dụng tên lửa dẫn đường chính xác nhắm tới các nhà chứa vũ khí và đạn dược mà Ukraine đã nhận từ Mỹ và các nước Châu Âu và vụ nổ đã châm ngòi cho một đám cháy ở trung tâm mua sắm gần đó, mà Nga nói là “không hoạt động.” Tuy nhiên, như thường lệ, phía Nga đã không cung cấp bằng chứng để chứng minh các tuyên bố của mình và Ukraine đã nhanh chóng bác bỏ chúng. Bộ trưởng Nội vụ Denys Moosystemrsky cho biết không có cơ sở quân sự nào trong bán kính 5 km từ trung tâm mua sắm. Ông cũng nói rằng hơn 100 tên lửa đã được bắn vào Ukraine trong ba ngày qua.

Tối qua, Tổng thống Ukraine Zelensky đã công bố thước phim ghi lại được cuộc tấn công bằng tên lửa dẫn đường chính xác vào trung tâm mua sắm Kremenchuk nơi vẫn đang diễn ra hoạt động mua bán thường ngày. Xem đầy đủ thước phim ở đây.
Một người Ukraine đã mua hàng ở trung tâm mua sắm đăng hình chiếc hoá đơn để chứng minh trung tâm vẫn hoạt động bình thường. 
Đã có nhiều thành phố dân sinh, khu công nghiệp trù phú của Ukraine bị huỷ diệt gần như hoàn toàn, không còn sự sống, sau những đợt oanh tạc của phía Nga. Xem đầy đủ thước phim về một thành phố như vậy ở https://twitter.com/EuromaidanPress/status/1541058704904052737

BBC cũng đã có một báo cáo điều tra dựa trên chứng cứ là các thước phim, bản đồ và ảnh được ghi lại trước và sau khi vụ tấn công xảy ra, xác nhận cuộc tấn công nhắm vào khu vực thương mại vẫn đang hoạt động.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh cho biết có khả năng thực tế là tên lửa của Nga đã tấn công nhầm và Nga dự định tấn công các mục tiêu khác gần đó. Bộ cho biết “sự thiếu chính xác của Nga” trong các cuộc tấn công tầm xa trước đây đã gây ra thương vong cho dân thường và dù vậy quân đội Nga vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro này.

Chưa đầy 24 giờ sau khi tấn công trung tâm thương mại, Điện Kremlin ra điều kiện rằng Nga sẽ dừng tấn công nếu Ukraine chịu đầu hàng.

Các nhà lãnh đạo Nhóm G7 coi vụ tấn công là tội ác chiến tranh và nhất trí rằng cần khẩn trương thảo luận và đánh giá xem giá dầu và khí đốt của Nga có thể được kiềm chế như thế nào để hạn chế nguồn thu chảy về Moscow. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã có bài phát biểu trực tuyến với Hội nghị G7 và nói rằng ông muốn chiến tranh kết thúc vào cuối năm nay, theo các quan chức quen thuộc với phát biểu của ông.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 28/6/2022: Ukraine Latest: At Least 18 Dead After Missile Strike on Mall. Một bản PDF được lưu ở đây.

Một số video clip quay tại hiện trường sau vụ tấn công:

https://twitter.com/dekuve/status/1541509485558210560 https://twitter.com/estet_dp/status/1541494888000372740 

Báo cáo điều tra của BBC về vụ tấn công

Bộ Quốc phòng Anh ngày 29/6/2022: Latest Defence Intelligence update on the situation in Ukraine – 29 June 2022

Bản đồ các vụ tấn công tên lửa và ném bom của Nga khiến dân thường tử vong ngày 27/6/2022 

Bloomberg ngày 28/6/2022: G-7 Latest: Leaders Want Urgent Evaluation of Energy Price Caps. Một bản PDF được lưu ở đây

Bloomberg ngày 27/6/2022: G-7 Latest: Zelenskiy Tells Leaders Aid Will Be Needed Long Term. Một bản PDF được lưu ở đây

Al Jazeera ngày 28/6/2022: G7, UN condemn ‘deplorable’ Russian attack on Kremenchuk mall

AP News ngày 28/6/2022: Russian missile strike hits crowded shopping mall in Ukraine 

CNN ngày 28/6/2022: Russian airstrike hits busy shopping mall in central Ukraine, sparking fears of mass casualties 

Reuters ngày 28/6/2022: Dozens missing after Russian missile strike on mall kills 18 

European Union ngày 28/6/2022: Ukraine: Statement by the High Representative on the attack in Kremenchuk

AP News ngày 29/6/2022: Ukrainian survivor: Only a ‘monster’ would attack a mall 

Các nước G7 cam kết hơn 4,5 tỷ USD để giải quyết vấn đề an ninh lương thực

Nhà Trắng cho biết hơn một nửa nguồn tài trợ sẽ đến từ Hoa Kỳ. Nhóm G7 đặt mục tiêu giải quyết tình trạng giá lương thực toàn cầu tăng cao trong bối cảnh Nga gây chiến ở Ukraine. Trước đó, Hoa Kỳ cáo buộc Matxcơva tổ chức một chiến dịch phát tán thông tin sai nhằm đánh lạc hướng nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lương thực hiện đang bao trùm Châu Phi và các khu vực Trung Đông sang các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. 

Xem thêm:

The White House ngày 28/6/2022: FACT SHEET: President Biden and G7 Leaders Announce Further Efforts to Counter Putin’s Attack on Food Security

The Japan News ngày 28/6/2022: Kishida announces $200 million in aid for food crisis at G7 summit 

The New York Times ngày 28/6/2022: G7 Leaders Pledge $4.5 Billion for Food Security Amid Ukraine War. Một bản PDF được lưu ở đây.

G7 kết thúc hội nghị thượng đỉnh với cam kết về Nga và Trung Quốc. Tuyên bố chung đề cập đến Trung Quốc 14 lần trong nhiều vấn đề

Các nhà lãnh đạo G7 đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Đức với cách cam kết hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn cần thiết” và áp đặt “chi phí kinh tế nghiêm trọng và tức thời “đối với Nga. Các cuộc thảo luận tiếp theo dự kiến sẽ nghiên cứu chi tiết về cách giới hạn giá dầu của Nga trong nỗ lực mới nhất nhằm hạn chế khả năng của Moscow cung cấp tài chính cho cuộc chiến ở Ukraine bằng doanh số bán dầu toàn cầu. Các nhà lãnh đạo G7 cũng nhất trí duy trì tập trung vào những thách thức do Bắc Kinh đặt ra và lên án Trung Quốc về các hoạt động kinh tế và hồ sơ nhân quyền.

Xem thêm:

G7 Leaders’ Communiqué

The Wall Street Journal ngày 28/6/2022: G-7 Meeting Concludes With Focus on China. Một bản PDF được lưu ở đây.

AP News ngày 28/6/2022: ​​G-7 leaders end summit pledging to hurt Russia economically

CNN ngày 28/6/2022: G7 summit was “intensive and constructive,” says German chancellor

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ  28/6/2022: Targeting Russia’s War Machine, Sanctions Evaders, Military Units Implicated in Human Rights Abuses, and Officials Involved in Suppression of Dissent 

Kishida, Biden khẳng định hợp tác trong việc tổ chức đàm phán kinh tế 2+2 đầu tiên giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7, Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã có cuộc hội đàm ngắn và xác nhận sự hợp tác của họ nhằm hướng tới tổ chức thành công cuộc gặp 2+2 lần đầu tiên giữa các bộ trưởng ngoại giao và kinh tế Nhật Bản và Hoa Kỳ sẽ được tổ chức vào tháng 7.

Xem thêm:

Jiji Press/The Japan News ngày 28/6/2022: Kishida, Biden affirm cooperation on 2-Plus-2 economic talks 

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 27/6/2022: Japan-US Summit Meeting

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 26/6/2022: Japan-France Summit Meeting  

Thủ tướng Đức nói rằng quan hệ với Nga không thể trở lại tình trạng trước chiến tranh Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết hôm thứ Hai ngày 28/6/2022 rằng quan hệ với Nga không thể trở lại như trước khi Moscow xâm lược Ukraine. Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã mở ra những thay đổi lâu dài trong quan hệ quốc tế. Trong một tuyên bố trên truyền hình vào cuối hội nghị thượng đỉnh G7, Scholz nói “khi tình hình thay đổi, chúng ta phải thay đổi.”

Xem thêm:

Reuters ngày 27/6/2022: Ties to Russia cannot return to what they were pre-Ukraine war – Scholz

———-

IX- HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH NATO

Trung Quốc tăng cường hùng biện chống NATO trong khi hy vọng thuyết phục được các nhà lãnh đạo Châu Âu tin rằng Trung Quốc không ủng hộ Nga xâm lược Ukraine

Trung Quốc đang đẩy mạnh các luận điệu chống NATO trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự NATO sẽ diễn ra vào thứ Tư tuần này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân ngày 23/6/2022 gọi “NATO là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh và liên minh quân sự lớn nhất thế giới do Mỹ thống trị,” là “một công cụ để Hoa Kỳ duy trì quyền bá chủ của mình và ảnh hưởng đến bối cảnh an ninh của Châu Âu” mà ông cho rằng đi ngược lại xu hướng thời đại.  

Trong khi đó, tham tán văn hóa tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan Zhang Heqing dán nhãn cho một cuộc biểu tình ở Brussels hôm 20/6 chống lại khủng hoảng giá sinh hoạt là một cuộc biểu tình chống NATO.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga, Châu Âu và Châu Á của Bỉ cho biết cuộc biểu tình không liên quan gì đến NATO và nhận định rằng Bắc Kinh đang sử dụng hình thức chiến tranh chính trị hoặc chiến tranh thông tin sai lệch và cùng quan điểm về NATO với đồng minh của họ là Nga.

Sự tăng cường hùng biện chống NATO trái ngược với những nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xoa dịu các nhà lãnh đạo Châu Âu, khi cử đặc phái viên Wu Hongbo đến gặp các nhân vật chủ chốt trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO, trong bối cảnh nền kinh tế dưới sự chỉ đạo của ông Tập đang tăng trưởng chậm lại một cách nguy hiểm, nguồn tài chính cho Sáng kiến Vành đai và Con đường giảm xuống, chính sách Zero COVID tiếp tục kìm hãm kinh tế, và Tập cần kiểm soát khủng hoảng trước Đại hội ĐCSTQ vào mùa thu nhằm củng cố việc tiếp tục nắm quyền của mình. Bắc Kinh đang cố gắng khiêu vũ ngoại giao, khi một mặt cố gắng thuyết phục người Châu Âu rằng họ thực sự không ủng hộ Nga, nhưng vẫn nói chung luận điệu với Nga, và là khách hàng năng lượng lớn nhất của Nga, đóng góp vào kho bạc cho chiến tranh của Putin, các nhà phân tích Châu Âu nhận định.

Xem thêm:

RFA ngày 24/6/2022: ​​China steps up anti-NATO rhetoric ahead of Madrid summit, citing ‘Cold War’ ethos

Tân Hoa Xã ngày 28/6/2022: Chinese FM meets with outgoing EU ambassador 

Cựu Tổng thống Nga đe doạ: Hành động của NATO ở Crimea sẽ gây ra Thế Chiến III. Nga sẽ trả đũa nếu NATO trao tư cách thành viên cho Phần Lan và Thuỵ Điển

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói với một tờ báo Nga hôm thứ Hai ngày 27/6/2022 rằng bất kỳ sự xâm phạm nào của NATO trên bán đảo Crimea sẽ là “lời tuyên chiến chống lại đất nước chúng ta” có thể dẫn đến Thế chiến thứ ba. Ông nói thêm rằng nếu NATO trao quyền thành viên cho Phần Lan và Thụy Điển, Moscow sẽ “sẵn sàng cho các bước trả đũa” và tăng cường năng lực phòng thủ biên giới của mình, bao gồm cả việc triển khai tiềm năng tên lửa siêu thanh Iskander ở ngưỡng cửa các nước Bắc Âu.

Xem thêm:

Reuters ngày 28/6/2022: Russia’s Medvedev says any NATO encroachment on Crimea could lead to World War Three

NATO tăng cường lực lượng phản ứng nhanh trong ‘cuộc đại tu lớn nhất’ kể từ Chiến tranh Lạnh

NATO sẽ tăng mạnh số lượng lực lượng mà họ giữ ở mức sẵn sàng cao từ 40.000 lên 300.000 người để đối phó với mối đe dọa từ Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói động thái tăng cường năng lực ứng phó với khủng hoảng là một phần trong “cuộc đại tu lớn nhất” về năng lực phòng thủ và răn đe tập thể của NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các kế hoạch củng cố sườn phía đông của liên minh, vạch ra một mô hình lực lượng mới, công bố các quyết định tài trợ và xuất bản tài liệu đưa ra chiến lược của NATO trong những năm tới. Tài liệu này cũng sẽ lần đầu tiên phác thảo quan điểm của NATO về thách thức Trung Quốc, mặc dù các nước NATO vẫn chưa quyết định về ngôn ngữ chính xác sẽ được sử dụng.

Xem thêm:

The Washington Post ngày 27/6/2022: NATO to boost high-readiness forces in ‘biggest overhaul’ since Cold War. Một bản PDF được lưu ở đây

Politico ngày 28/6/2022: NATO pledges 300K troops, then leaves everyone guessing

Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Phần Lan và Thuỵ Điển gia nhập NATO. NATO xác nhận Thụy Điển và Phần Lan sẽ chính thức được mời tham gia liên minh quân sự

Ngày 28/6/2022, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö và Thủ tướng Thuỵ Điển Magdalena Andersson đã có cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan dưới sự thúc đẩy của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Cuộc họp đã đạt được kết quả có tính lịch sử khi Bộ trưởng Ngoại giao ba nước đã ký một bản ghi nhớ xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ủng hộ Phần Lan và Thuỵ Điển trở thành thành viên của NATO, sau khi nhận được cam kết của hai nước sẽ giải quyết các lo ngại về an ninh từ họ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức thông báo lập trường mới của mình tại Hội nghị thượng đỉnh NATO. Động thái này “gửi một thông điệp rất rõ ràng tới Tổng thống Putin rằng cánh cửa của NATO vẫn đang rộng mở,” Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.

Trong một tuyên bố ngày 29/6 tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nói: “Hôm nay, chúng tôi đã quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO, và đồng ý ký các nghị định thư gia nhập.” “Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập sẽ khiến họ an toàn hơn, NATO mạnh hơn và khu vực châu Âu-Đại Tây Dương an toàn hơn.” Tuyên bố cũng không quên nhắc nhở Nga rằng “An ninh của Phần Lan và Thụy Điển có tầm quan trọng trực tiếp đối với Liên minh, kể cả trong quá trình gia nhập.”

Tuyên bố cũng kêu gọi Nga phải “ngay lập tức” rút quân khỏi Ukraine.

​​Thông tin này được đưa ra sau khi Nga không thể trả được nợ nước ngoài lần đầu tiên kể từ năm 1918 và khi Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine bắt đầu. Điểm đến là Trung Á nơi có những nước thân thiện với Nga.

Theo Tổng thống Phần Lan, các bước cụ thể về việc gia nhập NATO của hai nước sẽ được NATO nhất trí trong hai ngày tới.

Xem thêm:

Statement by President of the Republic of Finland Sauli Niinistö on 28 June 2022 

Trilateral Memoradum.pdf

The Wall Street Journal ngày 28/6/2022: Turkey Backs NATO Membership for Sweden, Finland. Một bản PDF được lưu ở đây

NATO ngày 28/6/2022: Press conference by NATO Secretary General Jens Stoltenberg following the trilateral meeting between Türkiye, Finland and Sweden

Anh kêu gọi cảnh giác cao hơn đối với Trung Quốc

Đưa ra bằng chứng trước một uỷ ban của Bộ Ngoại giao Anh vào ngày 28/6/2022, Ngoại trưởng Liz Truss nhận xét: “Luôn có xu hướng – và chúng ta đã thấy điều này trước chiến tranh Ukraine – mơ tưởng, hy vọng rằng sẽ không xảy ra những điều tồi tệ hơn và chúng ta cứ thế ngồi yên cho đến khi quá muộn. Đáng lẽ chúng ta nên làm mọi việc sớm hơn, đáng lẽ chúng ta nên cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine sớm hơn. Chúng ta cần phải học bài học đó cho Đài Loan. Mỗi thiết bị chúng ta gửi đi đều phải trải qua nhiều tháng đào tạo, vì vậy chúng ta cần làm càng sớm càng tốt ”.

Xem thêm:

The Guardian ngày 28/6/2022: UK calls for extra vigilance on China ahead of Nato summit

Đông Á lần đầu tiên tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh xuyên Đại Tây Dương

Như tin chúng tôi đã đưa trong các bản tin trước, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đều đang tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO hiện đang diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha. Đây là lần đầu tiên các đồng minh Đông Á của Hoa Kỳ (cùng với Úc và New Zealand) tham gia ở cấp lãnh đạo trong một hội nghị thượng đỉnh của liên minh xuyên Đại Tây Dương. Sự tham dự của họ cho thấy mong muốn tăng cường khả năng lãnh đạo toàn cầu (chứ không chỉ khu vực) của Kishida và Yoon cũng như sự tập trung ngày càng tăng của NATO vào thách thức Trung Quốc.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 29/6/2022: NATO Asia-Pacific partners (AP4) Leaders’ Meeting 

NATO gọi Nga là ‘mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất’. Ukraine yêu cầu NATO hỗ trợ trong việc ngăn chặn nguy cơ Nga tấn công hạt nhân hoặc hóa học

NATO tuyên bố Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất” đối với hòa bình và an ninh của các thành viên, khi liên minh quân sự nhóm họp hôm thứ Tư để đối đầu với điều mà người đứng đầu NATO gọi là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, phá vỡ hoà bình của Châu Âu.

NATO cũng hứa sẽ “tăng cường hỗ trợ chính trị và thiết thực” cho Ukraine khi nước này chống lại sự xâm lược của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đã khiển trách NATO vì đã không bao bọc đất nước đang bị bao vây bởi chiến tranh một cách đầy đủ hơn và yêu cầu cung cấp thêm vũ khí để đánh bại lực lượng của Moscow. Theo một văn bản ở dạng dự thảo mà Foreign Policy có được, các quan chức Ukraine có khả năng sẽ yêu cầu NATO làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn các cuộc tấn công hóa học và hạt nhân của Nga có thể nhắm tới Ukraine. Các quan chức Ukraine cũng đang kêu gọi “thiết lập các biện pháp răn đe hiệu quả” để ngăn chặn Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Xem thêm:

AP News ngày 29/6/2022: NATO chief: Alliance faces biggest challenge since WWII 

Foreign Policy ngày 28/6/2022: Ukraine Ask NATO for Help Deterring Russia. Một bản PDF được lưu ở đây.

Biden công bố kế hoạch tăng cường sự hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ ở Châu Âu 

Tổng thống Biden hôm thứ Tư ngày 29/6/2022 đã công bố kế hoạch tăng cường lực lượng Hoa Kỳ ở Châu Âu để bảo vệ “từng inch” lãnh thổ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong bối cảnh mối đe dọa dai dẳng từ Nga. Ông Biden tuyên bố sẽ tăng quân số đồn trú ở Châu Âu, công bố kế hoạch đặt trụ sở chính của Quân đoàn V Hoa Kỳ ở Ba Lan, và tăng cường triển khai luân phiên đến các quốc gia Baltic – cả hai động thái sẽ hỗ trợ lực lượng bên sườn phía đông của NATO. Biden nói rằng NATO sẽ “sẵn sàng cho các mối đe dọa theo mọi hướng.” Ông cũng khen ngợi tiến trình bổ sung Phần Lan và Thụy Điển làm thành viên của liên minh, nói rằng: “Hiện nay NATO cần hơn bao giờ hết”. Stoltenberg nói rằng các cam kết mới về phân bổ lực lượng quân sự của Hoa Kỳ là minh chứng cho vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ.

Xem thêm:

The Hill ngày 29/6/2022: Biden announces plans to bolster US force presence in Europe

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ngày 29/6/2022: FACT SHEET – U.S. Defense Contributions to Europe 

Stars & Stripes ngày 29/6/2022: US to augment military’s air defenses in Europe, Biden says at NATO summit

USNI News ngày 28/6/2022: Biden Administration Basing Two More Destroyers in Rota, Spain 

NATO ngày 27/6/2022: Defence Expenditures of NATO Countries (2014-2022) 

Tên lửa của Nga dội xuống Ukraine như mưa trút khi phương Tây cam kết hỗ trợ lâu dài

Các lực lượng Nga đã tấn công vào các mục tiêu ở khu vực Mykolaiv, miền nam Ukraine hôm thứ Tư ngày 29/6/2022 và tăng cường các cuộc tấn công trên các mặt trận trên khắp đất nước khi các thành viên NATO nhóm họp tại Madrid để lên kế hoạch hành động chống lại thách thức từ Moscow.

Thị trưởng thành phố Mykolaiv cho biết một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga đã giết chết ít nhất 3 người trong một tòa nhà dân cư ở đó, trong khi Moscow cho biết lực lượng của họ đã tấn công nơi mà họ gọi là căn cứ huấn luyện lính đánh thuê nước ngoài trong khu vực.

Xem thêm:

Reuters ngày 29/6/2022: Russian missiles rain down on Ukraine as West pledges enduring support

Governor: Six Russian missiles target Dnipro Oblast on June 28

“Khái niệm Chiến lược” của NATO, một định hướng chiến lược mới trong một thế giới nguy hiểm và cạnh tranh hơn. Từ mong muốn mối quan hệ đối tác chiến lược giữa NATO và Nga năm 2010, Nga giờ đã trở thành mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất. Lần đầu tiên Trung Quốc được đưa vào chiến lược của NATO

Trong Thượng đỉnh NATO tại Madrid, ngày 29/6/2022, NATO đã chính thức công bố phiên bản thứ 8 của văn kiện định hướng chiến lược cho NATO trong thời kỳ tới với tên gọi “Khái niệm Chiến lược”. Nhiệm vụ của văn kiện này là mô tả môi trường an ninh chiến lược mà NATO đang phải đối mặt, và đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm mà NATO cần thực hiện trong giai đoạn tới. Văn kiện được cập nhật mỗi 10 năm một lần, để đảm bảo rằng liên minh NATO luôn sẵn sàng đối phó với các thách thức an ninh mới. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định: “Khái niệm Chiến lược mới của NATO sẽ là một định hướng quan trọng cho Liên minh trong một thế giới nguy hiểm và cạnh tranh hơn”.

(1) Về môi trường an ninh chiến lược, NATO nhìn nhận rằng môi trường đã thay đổi đáng kể, từ “khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương đang hòa bình và nguy cơ tấn công quy ước nhắm vào đồng minh là rất thấp” sang “khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương đang không ở trong trạng thái hòa bình, và NATO không thể bỏ qua nguy cơ một cuộc tấn công nhắm vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các đồng minh”.

(i) Về nước Nga, lần gần đây nhất liên minh công bố loại tài liệu chiến lược là vào năm 2010, với ngôn ngữ cho thấy quan hệ giữa NATO với Nga đã nồng ấm hơn đáng kể. “Chúng tôi muốn thấy một mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự giữa NATO và Nga, và chúng tôi sẽ hành động theo đó,” tài liệu năm 2010 cho biết. Nhưng trong phiên bản lần này, NATO nhìn nhận rằng Nga đang là “nguy cơ an ninh lớn nhất và trực diện nhất đối với NATO, và đối với hòa bình ổn định của khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương”. Nga đang tìm cách “xây dựng lại vùng ảnh hưởng và kiểm soát trực tiếp các quốc gia láng giềng thông qua cưỡng ép, phá hoại, gây hấn, và chiếm đoạt. Vì những động thái của Nga, NATO không thể đánh giá Nga là một đối tác”. Tuy nhiên, NATO vẫn khẳng định: “NATO không tìm kiếm xung đột với Nga và không đe dọa nước Nga, và sẵn sàng duy trì các kênh liên lạc để kiểm soát nguy cơ an ninh, tăng tính minh bạch, và ngăn căng thẳng tăng cao”.

(ii) Về nguy cơ khủng bố, NATO đánh giá rằng đây là “nguy cơ an ninh bất đối xứng trực tiếp nhất, đe dọa hòa bình và thịnh vượng của NATO”. NATO nhấn mạnh rằng ổn định tại Châu Phi và Trung Đông sẽ bảo đảm an ninh của khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương.

(iii) Về Trung Quốc, NATO khẳng định nước này tạo ra “thách thức đối với lợi ích, an ninh, và giá trị của NATO”. Các thách thức mà Trung Quốc tạo ra đối với NATO bao gồm trên các lĩnh vực an ninh mạng; chiến dịch tuyên truyền tin giả; kiểm soát, chiếm đoạt các ngành công nghiệp cốt lõi; sử dụng sức mạnh kinh tế để cưỡng ép các quốc gia khác; làm suy giảm trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; và củng cố quan hệ đối tác với Nga. NATO khẳng định sẽ tập trung vào các thách thức đến từ Trung Quốc đối với an ninh Châu Âu – Đại Tây Dương thông qua chia sẻ nhận thức; củng cố năng lực sẵn sàng đối phó và tính bền vững của các thành viên; đoàn kết bảo vệ các giá trị chung và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm tự do hàng hải. Ngoại trưởng Anh Liz Truss nhận định: “Với việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng thông qua cưỡng ép kinh tế và xây dựng một quân đội có năng lực, tồn tại nguy cơ thực về một tính toán sai lầm thảm khốc như xâm lược Đài Loan.”

Tuy nhiên NATO vẫn sẽ tiếp tục có cách tiếp cận tích cực đối với Trung Quốc. “Trung Quốc không phải là kẻ thù của chúng ta,” Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nói, “nhưng chúng ta phải nhìn rõ những thách thức nghiêm trọng mà Trung Quốc đặt ra.”

(2) Về các nhiệm vụ trọng tâm của NATO, văn bản lần này vẫn duy trì ba trọng tâm là quốc phòng và răn đe; kiểm soát và ngăn chặn khủng hoảng; hợp tác an ninh.

(i) Về trọng tâm quốc phòng và răn đe: NATO sẽ “răn đe, bảo vệ, chống lại, và ngăn chặn các đòn tấn công trên mọi lĩnh vực và từ mọi hướng, thông qua sự kết hợp phù hợp của năng lực phòng thủ hạt nhân, quy ước, và chống tên lửa với năng lực giám sát không gian và không gian mạng”.

NATO có một sự thay đổi trong chiến lược theo hướng “tiền duyên phòng ngự”, củng cố mạnh mẽ năng lực răn đe và tư thế phòng thủ để ngăn chặn ngay lập tức bất cứ nguy cơ tấn công nào, thông qua nâng cao hiện diện một cách lâu dài trên bộ, trên không, trên biển các lực lượng phối hợp nhiều quân chủng tại tiền phương. Năng lực tấn công hạt nhân chiến lược vẫn là một trong những năng lực chủ chốt của chiến lược răn đe. Tuy nhiên, NATO vẫn tiếp tục cam kết với việc bảo đảm ổn định chiến lược, thông qua sự kết hợp của răn đe, kiểm soát vũ khí, và đối thoại chính trị có ý nghĩa.

(ii) Về kiểm soát và ngăn chặn khủng hoảng: NATO nhìn nhận “nhu cầu đoán định và chuẩn bị trước đối với khủng hoảng”, thông qua “các gói hỗ trợ xây dựng năng lực cho các thành viên và đối tác dễ bị tổn thương trong việc nâng cao tính bền vững và sẵn sàng”.

(iii) Về hợp tác an ninh: NATO khẳng định rằng chính sách mở cửa và hoan nghênh các thành viên mới của NATO là một thành công lớn đối với an ninh chung của khu vực, quay trở lại tinh thần Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008. NATO sẽ tiếp tục củng cố quan hệ với các đối tác như Bosnia và Herzegovina, Georgia, và Ukraine, và để ngỏ cơ hội cho các quốc gia này gia nhập trong tương lai. Văn kiện có những đoạn viết: “An ninh của các quốc gia mong muốn trở thành thành viên của Liên minh gắn liền với an ninh của chính chúng tôi.” “Chúng tôi hết sức ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của họ. Chúng tôi sẽ tăng cường đối thoại và hợp tác chính trị với những nước muốn tham gia Liên minh, giúp tăng cường khả năng phục hồi của họ trước sự can thiệp của kẻ xấu, xây dựng năng lực của họ và tăng cường hỗ trợ thiết thực của chúng tôi để thúc đẩy khát vọng của họ ở Châu Âu – Đại Tây Dương.” “Chúng tôi khẳng định lại quyết định mà chúng tôi đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008 và tất cả các quyết định tiếp theo đối với Georgia và Ukraine.”

Riêng đối với EU, NATO coi EU là một “đối tác đặc biệt và cốt lõi của NATO”, kêu gọi củng cố hợp tác EU – NATO để đối phó với các thách thức chung như phối hợp quân sự; củng cố tính bền vững; nghiên cứu và quản lý các công nghệ mới nổi; đối phó với các nguy cơ an ninh mạng và an ninh hỗn hợp; cũng như quản lý các thách thức mang tính hệ thống với Trung Quốc.

Đối với các đối tác khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, NATO sẽ tiếp tục mở rộng đối thoại và hợp tác để giải quyết các thách thức liên khu vực, cũng như bảo vệ các lợi ích chung về an ninh.

Xem thêm:

NATO: NATO’s Strategic Concept 2022. Toàn văn chiến lược: Strategic Concept 2022

Pierre Morcos ngày 29/6/2022: Unpacking NATO Strategic Concept

Gov.uk ngày 29/6/2022: NATO Public Forum session on NATO in an era of great power competition: Foreign Secretary’s remarks 

NATO ngày 29/6/2022: Madrid Summit Declaration issued by NATO Heads of State and Government (2022), 29-Jun. 

BBC Tiếng Việt ngày 30/6/2022: NATO chào đón Phần Lan, Thụy Điển; công khai lo ngại cả Nga, Trung Quốc  

———-

X- LIỆU KALININGRAD CÓ TRỞ THÀNH ĐIỂM NÓNG TIẾP THEO? 

Lãnh đạo các nước NATO đã thực hiện các bước bất thường để đảm bảo rằng cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine không mở rộng sang lãnh thổ NATO. Cho đến nay, họ đã thành công. Tuy nhiên, chính phủ Nga cho biết rất tức giận khi Lithuania – một nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ hiện là thành viên NATO và EU – đang chặn các chuyến hàng của Nga đến Kaliningrad qua đường sắt, một khu dân cư của Nga nằm giữa Lithuania và Ba Lan, cách xa phần còn lại của Nga 1.300 km. Kaliningrad được Liên Xô giành chủ quyền từ Đức sau Thế chiến II và do Moscow kiểm soát từ đó. Kaliningrad, nơi sinh sống của khoảng 1 triệu người, là một địa điểm chiến lược quan trọng. Đây là nơi đặt trụ sở Hạm đội Baltic của Nga và mặc dù Nga phủ nhận, nhưng có thể có tên lửa Iskander có năng lực hạt nhân được cất giữ ở đó. Tên lửa Iskander có tầm bắn tới thủ đô của Quốc gia Baltic và 2/3 lãnh thổ Ba Lan.

Nga tuyên bố động thái của Lithuania là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. Lithuania cho biết họ chỉ đơn giản là thực thi lệnh cấm của EU đối với việc vận chuyển qua lãnh thổ EU một loạt sản phẩm của Nga, từ máy móc hạng nặng, công nghệ tiên tiến có thể được sử dụng cho mục đích quân sự, kim loại, gỗ, xi măng và các vật liệu xây dựng, than, dầu mỏ và các sản phẩm dầu tinh luyện, cho đến hàng xa xỉ. Nếu Lithuania tiếp tục, Nga sẽ buộc phải chuyển hàng hoá đến cảng của Kaliningrad trên Biển Baltic. Nhưng Moscow cảnh báo rằng Lithuania sẽ phải đối mặt với những hậu quả “nghiêm trọng” trừ khi nước này cho phép các đoàn tàu chạy qua. 

Ngày 25/6/2022, Andrey Gurulyov, một thành viên của Quốc hội Nga, cho biết London sẽ là thành phố đầu tiên bị Nga ném bom nếu việc phong tỏa Kaliningrad dẫn đến một cuộc chiến với NATO. “Nơi đầu tiên bị tấn công sẽ là London. Rõ ràng là mối đe dọa đối với thế giới đến từ người Anglo-Saxon.” ông nói trên kênh truyền hình quốc gia Nga. Ông cũng tuyên bố rằng Nga sẽ phá hủy các vệ tinh không gian của NATO.

EU đã ủng hộ việc Lithuania từ chối nối lại các chuyến hàng đường sắt. Đại sứ EU tại Moscow Marks Ederer nói rằng EU không tìm cách phong tỏa Kaliningrad và việc vận chuyển hàng hoá không nằm trong danh mục bị trừng phạt vẫn tiếp tục bình thường. Thống đốc Kaliningrad Anton Alikhanov ngày 20/6 cho biết theo ước tính sơ bộ, khoảng 40-50% lượng hàng hóa vận chuyển giữa khu vực này và các khu vực khác của Nga sẽ giảm do việc Lithuania thực thi các lệnh trừng phạt của EU.

Căng thẳng sẽ gia tăng đến mức độ nào tuỳ thuộc Tổng thống Vladimir Putin. Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng Bảo an Nga, thông báo rằng một nhóm liên ngành đang chuẩn bị các biện pháp đáp trả đối với việc Lithuania thực thi các lệnh trừng phạt gần đây của EU đối với Nga, và ông cho biết hành động của Nga sẽ xảy ra “trong tương lai gần” và “có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến dân số Lithuania.

Vào tháng 4/2022, lực lượng không quân của Hạm đội Biển Baltic của Nga đã thực hiện các chiến dịch ném bom mô phỏng ở Kaliningrad. Với hơn 1.000 quân nhân – và vào thời điểm xung đột về Ukraine ngày càng gia tăng – đây là một mối lo ngại lớn đối với Vilnius.

Ngày 22/6, quân đội Nga đã mô phỏng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Estonia với sự tham gia đông đảo của Hạm đội Biển Baltic và máy bay trực thăng xâm phạm không phận Estonia.

Có một dải đất dài 100 km trải dài dọc theo biên giới Lithuania và Ba Lan được gọi là Khoảng trống Suwalki (Suwalki gap) phân chia Belarus và Kaliningrad. Khoảng trống Suwalki từ lâu đã là điểm yếu của NATO vì Nga có thể nhanh chóng cô lập các nước Baltic. Vì vậy, các cuộc tập trận của quân đội Nga ở Kaliningrad khiến Lithuania cảm thấy báo động.

Và, trong khi Lithuania có thiểu số người Nga nhỏ nhất ở các nước Baltic, tuyên truyền của Moscow đối với phần lớn người dân gốc Nga cũng theo cách tương tự với sự khăng khăng rằng Crimea và vùng Donbas có mối liên hệ mật thiết với nhau thông qua các liên kết văn hóa và ngôn ngữ với “đất mẹ” của Nga.

Theo phân tích của Stratfor, Nga có vài cách hiệu quả để đáp trả việc Lithuania thực thi các lệnh trừng phạt của EU mà không dẫn đến leo thang đáng kể với NATO. Sự leo thang với NATO có thể xảy ra nếu Nga vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không tới Kaliningrad mà không được phép của chính quyền Lithuania. Khi đó NATO sẽ bị đặt vào tình thế, hoặc phải chấp nhận các chuyến bay trái phép hoặc bắn hạ máy bay vận tải dân sự do vi phạm không phận của mình. Tuy nhiên, thay vì leo thang căng thẳng với NATO, Nga có thể sẽ tập trung vào việc tới Kaliningrad bằng đường biển và tiến hành các hành động trả đũa và tấn công kinh tế nhằm vào Lithuania và EU trong thời gian tới, trước khi thúc đẩy đàm phán với EU để nối lại việc vận chuyển các hàng hoá nằm trong lệnh trừng phạt. Liên minh Châu Âu có thể tin rằng các hạn chế là một đòn bẩy có trọng lượng đối với Nga và sẽ duy trì lập trường không thể giảm bớt các lệnh trừng phạt trừ khi đây là một phần của thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình với Ukraine.

Quy chế lệnh trừng phạt của EU “có nghĩa là Lithuania phải áp dụng các biện pháp kiểm tra bổ sung đối với vận chuyển đường bộ và đường sắt,” người phát ngôn Ủy ban EU Eric Mamer phát biểu hậu thuẫn cho hành động của Lithuania. “Tất nhiên, các cuộc kiểm tra này có tính tập trung, tương xứng và hiệu quả. Chúng sẽ dựa trên việc quản lý rủi ro một cách thông minh, phòng ngừa sự tránh né lệnh trừng phạt trong khi vẫn cho phép vận chuyển tự do.” Dù vậy, Mamer nói thêm rằng ủy ban đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Lithuania và sẽ cung cấp hướng dẫn bổ sung chi tiết hơn trong quá trình tiếp tục thực thi lệnh trừng phạt.

Stephen Hall, một giảng viên về Chính trị, Quan hệ Quốc tế và Nga tại Đại học Bath, bình luận: “Phản ánh thế giới quan thường kỳ quái của Nga, các nhà chức trách Nga tuyên bố việc phong tỏa Kaliningrad là bất hợp pháp theo luật quốc tế. Nhưng nếu đó thực sự là một sự phong tỏa, thì đó là một sự phong tỏa rất lỏng lẻo – và Moscow biết tất cả về các cuộc phong tỏa, đã cô lập các cảng của Ukraine, gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay. Lithuania một lần nữa cho thấy rằng họ đã sẵn sàng để chống lại những kẻ chuyên quyền.”

Xem thêm:

CNN ngày 22/6/2022: Why Kaliningrad, Russia’s toehold in Europe, could be the next flashpoint in its war against Ukraine

BBC ngày 21/6/2022: Kaliningrad: Russia warns Lithuania of consequences over rail transit blockade

Stratfor ngày 21/6/2022: Russia, Lithuania: Moscow to Retaliate Over Vilnius’ Ban on Sanctioned Goods to Kaliningrad. Một bản PDF được lưu ở đây.

Financial Times ngày 23/6/2022: EU leaders gather for ‘geopolitical summit’. Một bản PDF được lưu ở đây.

EURACTIV ngày 20/6/2022: EU says Lithuania acted ‘by the book’ in Kaliningrad standoff with Russia

Deutsche Welle ngày 22/6/2022: Russia threatens Lithuania over Kaliningrad ′blockade′ 

BBC News ngày 09/10/2016: Russia’s missile deployment in Kaliningrad ups the stakes for Nato

Reuters ngày 09/4/2022: Russia stages war games in Kaliningrad enclave, Ifax says

Bloomberg ngày 21/4/2022: ​​NATO Member Estonia Says It’s Targeted by Russian Missile Simulations. Một bản PDF được lưu ở đây.

Marshall Center năm 2020: Irine Burduli (2020) Testing NATO vulnerabilities – Russian soft power in the Baltics.pdf 

The Conversation ngày 23/9/2022: Ukraine war: all eyes on Lithuania as sanctions close Russian land access to Kaliningrad

Sky News ngày 25/6/2022: Russian MP threatens London with bombardment

———-

XI- VÌ SAO TRUNG QUỐC MỞ RỘNG ẢNH HƯỞNG Ở THÁI BÌNH DƯƠNG? 

Cuối tháng 5 – đầu tháng 6 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến công du kéo dài 10 ngày tới 8 quốc đảo Thái Bình Dương bao gồm Quần đảo Solomon, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea và Đông Timor. Chuyến thăm nhận được sự chú ý trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tầm quan trọng của các quốc đảo Thái Bình Dương

Các quốc đảo Thái Bình Dương là vùng không gian chiến lược quan trọng với Trung Quốc. Đối với Bắc Kinh, khu vực này là nơi họ có thể triển khai sức mạnh bên ngoài chuỗi đảo thứ hai của Mỹ trên Thái Bình Dương, qua đó làm giảm khả năng triển khai sức mạnh quân sự và năng lực giám sát của Mỹ nhằm vào các vùng biển gần Trung Quốc, cũng như khiến Mỹ khó khăn hơn trong nỗ lực tạo chiều sâu chiến lược cho căn cứ tại Guam.

Bên cạnh đó, các quốc đảo Thái Bình Dương sở hữu vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng lớn, đem lại tiềm năng kinh tế đáng kể. Ngoài ra, không thể kể đến việc các quốc gia này nắm giữ số phiếu bầu đáng kể trong các cơ chế đa phương như Liên Hợp Quốc.  

Ngoài ra, với Trung Quốc, các quốc đảo Thái Bình Dương còn có ý nghĩa trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan – việc tăng cường quan hệ với khu vực vừa giúp Trung Quốc phá các “chuỗi đảo” trên Thái Bình Dương, vừa lôi kéo các quốc gia này khỏi Đài Loan và phương Tây, khiến mục tiêu thống nhất dễ dàng hơn.

Trung Quốc đã làm gì?

Theo một số nhà phân tích – như Malcolm Davis tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), Trung Quốc hướng đến việc xây dựng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực Tây Nam Thái Bình Dương. Với mục tiêu này, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận an ninh mang tính lịch sử với Quần đảo Solomon hồi tháng 4 – văn bản đặt ra quan ngại với một số nhà quan sát rằng Trung Quốc sẽ xây dựng một căn cứ tại đây.

Dù vậy, kế hoạch của Trung Quốc không hoàn toàn thành công, khi họ không thể đạt được thỏa thuận chung với các quốc đảo Thái Bình Dương nhân hội nghị ngoại trưởng giữa các bên. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng kịp đạt thỏa thuận song phương với một số quốc gia riêng biệt.

Xem thêm:

Stratfor ngày 1/6/2022: The Pacific Islands Emerge as the Next Theater for Great Power Competition. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

VOA ngày 3/6/2022: China’s End Game for South Pacific and Why it Matters Now

The Hindu ngày 3/6/2022: China’s growing footprint in the Pacific Islands

The Interpreter ngày 8/6/2022: China-Solomon Islands pact: Reading between the lines

China.Table ngày 7/6/2022: Botched charm offensive in the Pacific. Một bản toàn văn được lưu trữ tại đây

———-

XII- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

ASEAN có nên từ bỏ Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông?

Quy trình COC không bao giờ được thiết kế một cách rõ ràng như một “giải pháp giải quyết tranh chấp” cuối cùng đối với Biển Đông. COC được phát triển như một công cụ quản lý căng thẳng khu vực mà ở đó các biện pháp xây dựng lòng tin và thói quen đối thoại đủ để kiểm soát các tranh chấp ở Biển Đông giữa các bên. 

Với câu hỏi có nên tiếp tục đàm phán hay từ bỏ COC, các học giả có những quan điểm khác nhau. Bích Trân, nhà nghiên cứu tại Washington, cho rằng ASEAN nên từ bỏ COC vì “nó không hiệu quả và không khả thi”. Thay vào đó, ASEAN nên tập trung vào nhiều hơn vào các biện pháp hiệu quả, bao gồm cả việc theo đuổi các biện pháp tư pháp quốc tế như cách mà Manila đã hành động vào năm 2014 (BTV: 2013). 

Aristyo Rizka Darmawan, một giảng viên luật quốc tế tại Đại học Indonesia ở Jakarta, cho rằng ASEAN không nên từ bỏ COC vì nó có thể là “cách duy nhất để đảm bảo Trung Quốc tuân thủ một trật tự dựa trên quy tắc” bởi lẽ việc đàm phán đa phương với Trung Quốc sẽ có lợi hơn đối với các nước nhỏ. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là COC phải phù hợp với luật pháp quốc tế. Nếu Trung Quốc kiên quyết theo đuổi các vấn đề hay tuyên bố vi phạm luật quốc tế, ASEAN có thể xem xét từ bỏ COC hoàn toàn.

Với Collin Koh, một nghiên cứu viên tại Singapore, trong khi đàm phán COC với Trung Quốc có thể không đạt như mong đợi, các nước ASEAN vẫn cần duy trì các cơ chế xây dựng lòng tin và củng cố cho hoạt động ngoại giao. Nếu CoC không có các điều khoản tuân thủ hay các điều khoản thực thi để giải quyết các vi phạm có thể xảy ra, Bộ Quy tắc sẽ trở thành “một sự thất bại đáng tiếc”. 

Xem thêm:

Counterpoint Southeast Asia số 2 (2022): Should ASEAN walk away from the South China Sea Code of Conduct process?.pdf

Susannah Patton: Những hướng đi mới trong quan hệ Australia-Đông Nam Á

Bài viết đề xuất những việc mà Chính phủ của Thủ tướng Úc Anthony Albanese cần làm trong nỗ lực tái tập trung sự chú ý vào Đông Nam Á, trong bối cảnh Ngoại trưởng Penny Wong đang có chuyến công du tới Việt Nam và Malaysia sau những tuần đầu tiên bị chi phối bởi Thái Bình Dương, Trung Quốc và Bộ Tứ. 

Trước chuyến công du tới Đông Nam Á mà Việt Nam được chọn là điểm dừng chân đầu tiên, Ngoại trưởng Wong đã cho biết Úc sẽ lắng nghe khu vực. Thủ tướng Albanese cũng đã cam kết tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tổ chức bởi Indonesia. Theo tác giả, trong bối cảnh đó, Úc cần bổ nhiệm một đặc phái viên ở Đông Nam Á, người sẽ có thẩm quyền truyền tải các thông điệp từ khu vực cho những người quyết định chính sách ở Canberra.

Trong hợp tác với khu vực, Úc hiện đang có chương trình “Đối tác về Cơ sở hạ tầng” tập trung cung cấp hỗ trợ các chính phủ Đông Nam Á điều tiết, lập kế hoạch và mua sắm trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng (trái ngược với sự hỗ trợ cho Thái Bình Dương tập trung vào tài trợ cho các dự án). Theo tác giả, Úc nên ưu tiên những lĩnh vực mà chính phủ đóng vai trò là chất xúc tác. Năng lượng nên là lĩnh vực quan trọng cho hợp tác mới giữa Úc và Đông Nam Á, vì điều này cũng phù hợp với lợi ích kinh doanh ngày càng tăng của Úc trong lĩnh vực năng lượng ở Đông Nam Á. Tác giả cho rằng các chủ đề về an ninh năng lượng hay chuyển đổi năng lượng xanh có thể sẽ được các nước Đông Nam Á hoan nghênh.

Về dài hạn, Úc cần tăng cường hiểu biết về Đông Nam Á thông qua tăng cường hiểu biết về ngôn ngữ của các nước trong khu vực, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp Úc tại khu vực thông qua các công cụ như thúc đẩy khởi nghiệp song phương và quỹ đầu tư mạo hiểm. 

Hai nguyên tắc nên định hướng cho cách tiếp cận của Úc với Đông Nam Á. Thứ nhất là lấy mối quan hệ song phương với từng nước Đông Nam Á là đòn bẩy ảnh hưởng quan trọng nhất để thúc đẩy lợi ích của Úc đồng thời mang lại cho các nước Đông Nam Á những lựa chọn thực sự và quan hệ đối tác sâu rộng. Nguyên tắc thứ hai là các mối quan hệ của Úc với Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng bởi các chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn, và do vậy thông điệp cần phải được truyền tải phù hợp. Đối thoại với khu vực cần trở nên thẳng thắn, thực chất và liên tục hơn để khu vực có sự hiểu biết tốt hơn đối với các ý định của Úc.

Xem thêm:

The Interpreter ngày 27/6/2022: New directions in Australia- Southeast Asia relations

Chính phủ Úc: Partnerships for Infrastructure

David Hutt: Khảo sát Đông Nam Á về việc cắt đứt quan hệ với Trung Quốc nếu nước này xâm lược Đài Loan

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy phần lớn người Đông Nam Á sẽ không ủng hộ việc chính phủ của họ cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc nếu Bắc Kinh tiến hành cuộc xâm lược Đài Loan.

Indonesia, Việt Nam và Singapore là quốc gia có tỉ lệ người không ủng hộ việc cắt đứt cao nhất. Kết quả khảo sát ngược lại với hầu hết các nước phương Tây và các đối tác châu Á chính, như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo tác giả, các chính phủ Đông Nam Á đều thừa nhận cái gọi là chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh, và do dự khi thảo luận về Đài Loan. Một giải thích có thể là tư lợi kinh tế khiến người Đông Nam Á không muốn chính phủ của họ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc trong trường hợp Đài Loan xâm lược. Tuy nhiên, nhấn mạnh rằng, kết quả khảo sát không nhất thiết có nghĩa là Đông Nam Á không có thiện cảm với Đài Loan.

Bài viết so sánh với trường hợp của Nga – Ukraine. Kết quả là đa số người Đông Nam Á không muốn chính phủ của họ cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga nhưng hầu hết đều thông cảm với hoàn cảnh của người Ukraine. Với trường hợp của Indonesia, người tham gia khảo sát không muốn cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga mặc dù Nga, không phải là một trong 15 đối tác thương mại hàng đầu của nước này. Kết quả cho thấy lợi ích kinh tế rõ ràng không phải là yếu tố thúc đẩy duy nhất.

Xem thêm:

Asia Times ngày 01/6/2022: Southeast Asians sticking with China on Taiwan: survey

Sinolytics: Chỉ số Lý Khắc Cường – sự thay thế cho GDP

Các tác giả nhận định chỉ số Lý Khắc Cường – bao gồm các chỉ số về tăng trưởng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt, tiêu thụ điện và số tiền các ngân hàng cho vay – đang là công cụ hữu hiệu để quan sát nền kinh tế Trung Quốc. Trong tháng 4 – đầu tháng 5/2022, chỉ số Lý Khắc Cường cho thấy bức tranh đáng quan ngại của nền kinh tế Trung Quốc.

Xem thêm:

Table China ngày 15/6/2022: The Keqiang index as an alternative to GDP. Một bản toàn văn được lưu tại đây

Chuyên gia: Phải chăng sự thần kỳ kinh tế của Trung Quốc đã chấm dứt?

Project Syndicate hỏi ý kiến của bốn chuyên gia về việc liệu kinh tế Trung Quốc có thể phục hồi một cách mạnh mẽ hay không.

George Magnus: Sự thần kỳ về kinh tế đã mất đi động lực từ nhiều năm trước, bao gồm cả các yếu tố về kinh tế lẫn quản trị. Bên cạnh đó, Trung Quốc phải đối mặt với môi trường quốc tế không thuận lợi, trong khi chính sách Zero Covid-19 làm sụt giảm lòng tin và cả đầu tư từ nước ngoài.

Eswar Prasad: Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều thế lưỡng nan, và việc giải quyết sẽ dẫn đến các va vấp và tai nạn. Trong khi đó, các chính sách của chính phủ cũng gây ra sự bất định trong ngắn hạn, gây ảnh hưởng tới sự ủng hộ cải cách trong dư luận. Các nhân tố như dân số, nợ hay hệ thống tài chính thiếu hiệu quả cũng cản trở sự tăng trưởng của Trung Quốc.

Nancy Qian: Covid-19 làm trầm trọng thêm các vấn đề sẵn có của Trung Quốc. Khi mở cửa trở lại, nền kinh tế nước này có thể trở lại mạnh mẽ hơn, nhưng cũng có thể đình trệ. Nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung vẫn lạc quan trong dài hạn, nhưng chưa rõ ràng trong những năm tới.

Angela Huyue Zhang: Miễn là nhận được thông tin chính xác, chính phủ Trung Quốc sẽ làm tất cả để cứu nền kinh tế vì tăng trưởng là nhân tố quan trọng trong tính chính danh của Đảng. Dù vậy, đây chỉ là một nhân tố bên cạnh ổn định xã hội và chủ nghĩa dân tộc – đây là lý do chính phủ Trung Quốc tìm kiếm sự cân bằng giữa tăng trưởng và chống dịch. Theo tác giả, khả năng học hỏi sẽ là chìa khóa cho sự thần kỳ trong tương lai.

Xem thêm:

Project Syndicate ngày 02/6/2022: Is China’s Economic Miracle Over?. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Ryan Scoville: Bằng chứng mới về việc Trung Quốc sử dụng ngoại giao chủ thể dưới nhà nước trong công cuộc theo đuổi Mỹ về công nghệ

Theo tác giả, Trung Quốc đã ký kết các thỏa thuận với các bang của Mỹ nhằm thúc đẩy trao đổi công nghệ trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ thông tin, nano, hàng không vũ trụ, sinh học hay bán dẫn. Hầu hết trong số đó là sáng kiến của Trung Quốc và đã có hiệu lực lâu dài, không được công khai và không được chính quyền liên bang tư vấn, chấp thuận hay để ý. Tác giả đề xuất Quốc hội Mỹ cần có các dự luật giúp chính quyền liên bang giám sát các thỏa thuận tương tự, cũng như buộc các bang công khai trước công chúng.

Xem thêm:

Lawfare ngày 10/6/2022: New Evidence on the Role of Subnational Diplomacy in China’s Pursuit of U.S. Technology

Keun Lee: Tham vọng công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc có thực tế không?

Bất chấp những khát vọng lớn – và đầu tư lớn – Trung Quốc đã phải vật lộn để bắt kịp Mỹ trong một ngành công nghiệp quan trọng cả về kinh tế và chiến lược, và sẽ tiếp tục đối mặt với những rào cản đáng kể để phát triển. Nhưng một số yếu tố – từ lạm phát gia tăng của Mỹ đến năng lực khoa học phát triển nhanh – có thể có lợi cho tham vọng của Trung Quốc.

Xem thêm:

Project Syndicate ngày 27/6/2022: How Realistic Are China’s Semiconductor Ambitions?. Một bản PDF được lưu ở đây.

Minxin Pei: Cuộc chiến tại Ukraine đem tới cho Trung Quốc bài học gì

Theo tác giả, các điểm yếu của Nga trên chiến trường là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều vấn đề của quân đội Trung Quốc: (i) tham nhũng; (ii) các vấn đề về cấu trúc như quá chú trọng vào vũ khí, thiếu sót trong huấn luyện, hậu cần hay khả năng phối hợp giữa các quân binh chủng; (iii) chính trị hóa; và (iv) thiếu kinh nghiệm chiến trường.

Xem thêm:

The Strategist ngày 9/6/2022: What the Ukraine war should teach China

Vincent Brussee & Roderick Kefferpütz: Trung Quốc và Nga: Thống nhất trong sự đối lập

Qua phân tích các tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Nga trong những năm qua (từ 2013), các tác giả chỉ ra một số đặc điểm: (i) càng ngày càng nhắc nhiều đến Mỹ; (ii) từ “phản đối” xuất hiện nhiều hơn – thể hiện hai bên có quan điểm tương đồng về thế giới; (iii) các thuật ngữ liên quan đến các lĩnh vực địa chính trị quan trọng (như không gian mạng, vũ trụ, Bắc Cực), và cả “nhân quyền” xuất hiện nhiều hơn – thể hiện hai bên đã chuyển trọng tâm hợp tác từ chính trị – kinh tế song phương tới quan điểm mang tính toàn cầu. Các tác giả cho rằng quan hệ Trung – Nga vừa mang tính phòng thủ (hướng đến ổn định và vị thế chính trị vượt trội trong khu vực), vừa mang tính tấn công (phản ứng trước phương Tây và hợp tác trong các lĩnh vực “tiền tiêu” (frontier) và dân chủ – nhân quyền). Các thay đổi cũng cho thấy mục tiêu trong chính sách với Nga của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là tập hợp lực lượng, chống Mỹ và đồng minh, cũng như định hình trật tự thế giới theo quan điểm và lợi ích của Trung – Nga.

Xem thêm:

MERICS ngày 16/6/2022: China and Russia: united in opposition

Nicholas Trickett: Châu Á không thể cứu ngành năng lượng của Nga

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2/2022, xuất khẩu năng lượng của nước này sang Châu Âu đã giảm mạnh. Đối phó với các lệnh trừng phạt cũng như xu hướng độc lập năng lượng của Châu Âu, Moscow đã tìm đến các nước Châu Á như một thị trường thay thế – đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. 

Dù vậy, xuất khẩu khí đốt của Nga sang Trung Quốc và Ấn Độ phần lớn vẫn đi theo quỹ đạo trước đó với cơ sở hạ tầng đường ống đã hạn chế sản lượng. Trong khi đó, mặc dù doanh số bán dầu của Nga tăng mạnh nhưng tiềm ẩn rủi ro vì thiếu sự cạnh tranh về người mua, Nga buộc phải chào bán dầu thô với giá thấp hơn. Trong ngắn hạn, điều này có thể che đậy được nỗi đau của ngành năng lượng Nga, nhưng khó duy trì về lâu về dài.

Quyết định cấm bảo hiểm đối với các chuyến hàng vận chuyển dầu của Nga qua đường biển trong gói trừng phạt mới nhất của EU sẽ làm tăng thêm rủi ro cho người mua Châu Á, có khả năng đẩy giá xuống thấp hơn bao giờ hết, bởi có tới 97% tàu chở dầu thô đường biển từ Nga đến Ấn Độ từ tháng 4 đến tháng 5 đã được bảo hiểm bởi các công ty ở Anh, Na Uy và Thụy Điển. Trong các lĩnh vực khác, như khí đốt và than đá, xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc, Ấn Độ và xa hơn nữa đang nhanh chóng tiệm cận giới hạn bởi năng lực cơ sở hạ tầng hiện có có thể duy trì. Điều đó có nghĩa là sự gia nhập khẩu năng lượng của Nga bởi Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ bão hoà, thay vì tiếp tục tăng lên.

Xem thêm:

The Diplomat ngày 28/6/2022: Asia Can’t Save Russia’s Energy Sector

Basil Germond: Khi xung đột trên biển tăng cao, khả năng chiến thắng của Nga ngày một giảm

Tác giả nhận định rằng các tình hình chiến sự tại khu vực Donbas đang diễn ra căng thẳng đã thu hút hết sự tập trung của giới quan sát, và do đó đã bỏ lỡ những thay đổi nhỏ nhưng đáng chú ý trên biển. Theo tác giả, sự mạnh dạn của Ukraine trong việc tấn công hải quân Nga và sự tham gia của các doanh nghiệp vận tải biển trong trừng phạt kinh tế Nga đang đẩy cường quốc trên đất liền này tới kịch bản thất bại về mặt chiến lược.

Từ đầu cuộc chiến cho tới nay, Nga có vẻ như chiếm lợi thế trong chiến đấu trên biển, khi có thể bao vây cảng Odessa để tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, với mục tiêu sử dụng cuộc khủng hoảng này làm lợi thế đàm phán dỡ bỏ trừng phạt. Tuy nhiên chính những động thái này đã giúp phương Tây sử dụng lập luận bảo vệ quyền tự do hàng hải như một căn cứ để đoàn kết các quốc gia trên thế giới phản đối cuộc chiến của Nga. Về quân sự, sự giúp đỡ từ phương Tây đã cung cấp cho Ukraine công cụ để tấn công lực lượng của Nga trên biển Đen, và phương Tây đã sử dụng biển Baltic để cô lập Kaliningrad của Nga, buộc Nga phải suy nghĩ về sự cần thiết của tự do hàng hải. Về ngoại giao, tự do hàng hải được sử dụng để gắn liền hành vi bao vây Ukraine với khủng hoảng lương thực nhằm kêu gọi sự ủng hộ của phần lớn các quốc gia đang phát triển, vốn lựa chọn trung lập hoặc ủng hộ Nga. Về thương mại, các doanh nghiệp vận tải hàng hải lớn của thế giới đã phản ứng và từ chối làm việc với Nga, gây ra áp lực lớn trong dài hạn đối với kinh tế nước này.

Những diễn biến trên Biển Đen thể hiện lợi thế của các cường quốc hàng hải trong cạnh tranh chiến lược. Sở hữu lực lượng hải quân lớn mạnh nhất không nhất thiết mang lại lợi thế trong cạnh tranh, mà thay vào đó việc kiểm soát các tuyến giao thương hàng hải huyết mạch mới mang lại các lợi thế chiến lược. Phương Tây và các đồng minh của mình đang kiểm soát gần như tất cả các lợi thế chiến lược trong lĩnh vực hàng hải, từ thiết lập và quản trị hệ thống quy định, quy tắc, quản lý các chuỗi cung ứng toàn cầu, cho tới luật chiến đấu trên biển, và cả nắm giữ lợi ích của các doanh nghiệp bảo hiểm vận tải hàng hải. Quyền kiểm soát những lợi thế chiến lược này thường thể hiện tác động trong dài hạn, và các cường quốc trên đất liền như Nga không có nhiều sự lựa chọn để đối phó lại những lợi thế trên biển của phương Tây. 

Xem thêm:

The Conversation ngày 23/6/2022: Ukraine war: as the conflict at sea intensifies, Russia’s prospects of victory look further off than ever

Danish Defense Attache ngày 24/6/2022: Denmark strengthen deterrence in North Atlantic

Mart Kuldkepp: Trạng thái Trung lập Vĩnh viễn đối với Ukraine là không thể thực hiện được

Trước những lời kêu gọi Ukraine xác nhận trạng thái Trung lập liên tiếp được đưa ra trong thời gian qua, tác giả đã lập luận rằng Trung lập chưa bao giờ ngăn chặn được chiến tranh trong quá khứ, và do đó trạng thái này không thể là giải pháp an ninh lâu dài cho Ukraine.

Khác với trạng thái trung lập bình thường, vốn là một sự lựa chọn của một quốc gia có chủ quyền, Trạng thái Trung lập Vĩnh viễn là một thỏa thuận quốc tế, được thống nhất bởi nhiều quốc gia, và được áp đặt lên một quốc gia khác. Trạng thái này đã được áp dụng với nhiều quốc gia trong quá khứ, bao gồm Thụy Sỹ (1815), Bỉ (1839), Luxembourg (1867) và Albania (1913). Đây đều là những quốc gia nhỏ với năng lực quốc phòng gần như không tồn tại, do đó đây là một lựa chọn tốt. Hơn nữa, các thỏa thuận với 4 quốc gia này đều diễn ra trong thời bình bởi các nước lớn tại Châu Âu, do đó khi Thế chiến Thứ Nhất nổ ra, trừ Thụy Sỹ thì tất cả đều đã bị kéo vào chiến tranh.

Ngoài ra, việc một quốc gia xâm lược đứng ra đảm bảo sự trung lập của quốc gia bị xâm lược là một điều khó có thể xảy ra. Do đó, Nga không thể trở thành một quốc gia đảm bảo an ninh cho Ukraine. Ở phía ngược lại, phương Tây với những do dự trong giúp đỡ Ukraine bảo vệ tổ quốc sẽ khó có thể là những quốc gia sẵn sàng bảo trợ an ninh cho Ukraine sau cuộc chiến, bởi vì phương Tây sẽ không chiến đấu vì Ukraine.

Với việc Trạng thái Trung lập Vĩnh viễn không có thành tựu về bảo vệ an ninh quốc gia, và việc không có quốc gia nào có thể thực sự bảo trợ an ninh của Ukraine sau cuộc chiến, tác giả khẳng định rằng cách tốt nhất để bảo vệ an ninh của Ukraine lúc này chính là tiếp tục cung cấp những gì mà Ukraine cần để tự bảo vệ tổ quốc trước cuộc xâm lược của Nga.

Xem thêm:

RUSI ngày 15/6/2022: Permanent Neutrality for Ukraine is a Chimera

—————

XIII- THẾ GIỚI SAU CUỘC CHIẾN TẠI UKRAINE – PHẦN 1

Để đánh giá về sự phân cực của thế giới sau cuộc chiến mà Nga tiến hành tại Ukraine và tác động của cuộc chiến tới toàn cầu hóa, tạp chí The International Economy đã tổng hợp các đánh giá của 27 chiến lược gia về nghiên cứu quốc tế từ các viện nghiên cứu hàng đầu thế giới đóng góp ý kiến của mình như sau:

Scott Bessen: Thế giới Lưỡng cực đang tới gần

Tác giả nhận định rằng hệ thống thương mại toàn cầu và các chuỗi cung ứng kinh tế hiện tại sẽ bắt buộc phải thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch và cuộc chiến tại Ukraine. Hai khủng hoảng này đã thể hiện rõ sự đứt gãy giữa khối các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia đang phát triển lớn như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không cắt đứt quan hệ thương mại với Nga do sự phụ thuộc về năng lượng, lương thực, hàng tiêu dùng, trong khi các quốc gia phát triển phương Tây tiến hành chính sách “dịch chuyển sang nước bạn” (friend-shoring) đối với các chuỗi cung ứng. Điều này sẽ dẫn tới một sự phân tách thương mại và kinh tế toàn cầu dựa trên hệ giá trị của phương Tây, khiến cho giá cả tăng cao và khan hiếm hàng hóa trong ngắn hạn.  

Daniel Sneider: Cuộc chiến tại Ukraine đã hồi sinh hệ thống an ninh Đông Á

Tác giả cho rằng ảnh hưởng rõ rệt nhất của cuộc chiến tại Ukraine có thể được nhìn thấy tại Đông Á, và đã hồi sinh trật tự an ninh thời Chiến tranh Lạnh tại khu vực. Cuộc chiến tranh Triều Tiên cũng xuất phát từ một sai lầm chiến lược, khi Stalin cho rằng Mỹ quá bận rộn tại Châu Âu để có thể can thiệp vào khu vực Đông Á nên đã “bật đèn xanh” cho Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, với sự ủng hộ có phần do dự của Trung Quốc. Cuộc chiến này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và phương Tây, và kết quả là trật tự an ninh khu vực được hình thành và duy trì cho tới hiện nay. Tương tự như vậy, Nga lại một lần nữa tính toán sai lầm về phương Tây, kéo theo Trung Quốc về phe mình trong cuộc chiến tại Ukraine. Cuộc chiến này đã khiến cho hệ thống các đồng minh, đối tác trải dài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, cho tới Đài Loan và Australia nhìn nhận rõ sự cần thiết của quan hệ đồng minh với Mỹ và thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng, với tiềm năng đưa Ấn Độ và Đông Nam Á vào hệ thống này để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

James A. Lewis: Toàn cầu hóa chưa đến hồi kết, nhưng đây là thời điểm để xem xét lại

Theo tác giả, toàn cầu hóa phát triển hay suy giảm phụ thuộc vào biến động và xung đột trên thế giới. Toàn cầu hóa lên tới đỉnh cao trong những năm 2000, và đã từng bước suy thoái với sự chống đối của Nga và Trung Quốc đối với trật tự thế giới lấy Mỹ làm trung tâm. Do sự phụ thuộc lẫn nhau quá chặt chẽ, toàn cầu hóa chưa thể chấm dứt ngay tức khắc, nhưng cuộc chiến tại Ukraine đã đẩy nhanh tốc độ cắt đứt sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Các quốc gia như Trung Quốc đẩy nhanh quá trình bảo vệ nền kinh tế nội địa, và cùng lúc đó tạm dừng để đánh giá lại về tham vọng của mình trước sự phản ứng mạnh mẽ của phương Tây. Châu Âu cần phải nhanh chóng tìm ra vị trí của mình trên thế giới, sửa chữa những sai lầm của mình trong những thập kỷ qua trước khi Mỹ chuyển toàn bộ trọng tâm chiến lược sang Thái Bình Dương. Với Mỹ, Kỷ nguyên Hòa bình Mỹ (Pax Americana) đã chấm dứt từ các cuộc chiến tại Trung Đông, và chính quyền Mỹ cần phải củng cố xã hội và chính trị của mình để có thể trở lại đảm nhận vai trò lãnh đạo phương Tây. Tác giả dự báo rằng toàn cầu hóa sẽ tiếp tục tồn tại, thế lưỡng cực sẽ hình thành trên một số lĩnh vực, tuy nhiên toàn cầu hóa vẫn sẽ tồn tại như một cuộc cạnh tranh về quản trị, thiết lập quy tắc và tiêu chuẩn trên toàn thế giới.

Michael C. Kimmage: Mỹ là một “ốc đảo của an ninh và ổn định”, và sẽ từng bước trở lại vị trí trung tâm thế giới

Tác giả cho rằng cuộc chiến tại Ukraine là một sự kiện có ảnh hưởng lịch sử quá lớn, tới mức sẽ không có cách nào để thế giới trở về như trước kia. Với Ukraine và với Nga, với Châu Âu và Châu Á, với Mỹ và với Trung Quốc. Toàn cầu hóa sẽ bị phân mảnh thành các hệ thống khác nhau, với Mỹ và Trung Quốc là hai trung tâm lớn nhất. Hàng hóa và vốn sẽ không thể được dịch chuyển dễ dàng như trước đây, và sẽ không có quốc gia nào được hưởng lợi hoàn toàn. Tác giả đánh giá rằng sau cuộc chiến, cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ bị ảnh hưởng, tuy nhiên do những lợi thế về địa lý sẽ giúp Mỹ ít bị thiệt hại hơn so với Trung Quốc, do đó sẽ vượt lên hồi phục trước để trở lại vị trí trung tâm.

Marina V.N. Whitman: Mỹ, Trung Quốc, hay trở lại như thời kỳ trước: không đáp án nào phù hợp

Tác giả đánh giá rằng cuộc chiến tại Ukraine đã có tác động ngay tức khắc là suy giảm toàn cầu hóa, phân tách Nga cùng các đồng minh với các quốc gia phương Tây phát triển, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến cho phương án Pax Americana khó có thể xảy ra. Nền kinh tế Trung Quốc chưa đủ phát triển và chưa đủ độc lập để có thể đối đầu với Mỹ, do đó một cuộc phân tách quá sớm khiến cho cạnh tranh chiến lược với Mỹ ngày càng khó khăn. Vai trò của Nga trong thị trường năng lượng và lương thực thế giới quá lớn, các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga đã phá vỡ các chuỗi cung ứng toàn cầu đại diện cho thời kỳ trước chiến tranh, do đó phương án trở lại cũng có thể bị loại bỏ.

Jennifer Lind: Cuộc chiến tại Ukraine đã giúp Trung Quốc thu hút ưu tiên chiến lược của Mỹ

Theo tác giả, xu hướng phát triển của hệ thống trật tự toàn cầu đã dịch chuyển theo hướng có lợi cho Trung Quốc, và cuộc chiến tại Ukraine sẽ đẩy nhanh điều này. Mỹ đã phải dành sự ưu tiên chiến lược cho Ukraine trong thời điểm cần phải tập trung cạnh tranh tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, tức là Trung Quốc có cơ hội đối mặt với một đối thủ vừa mất tập trung vì đấu tranh nội bộ, vừa mất tập trung bởi khủng hoảng ở nước ngoài. Hơn nữa, cuộc chiến đã đẩy Nga phụ thuộc vào Trung Quốc hơn do bị cô lập, do đó có thể thấy cuộc chiến tại Ukraine là một “món quà địa chính trị” dành cho Trung Quốc.

Edwin M. Truman: Một thế giới tam cực thay vì lưỡng cực

Theo tác giả, thế giới đã phải đối mặt với đại dịch Covid-19 và đang trong giai đoạn đầu của phục hồi trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, do đó thế giới không thể trở lại trạng thái như trước năm 2019. Sự đoàn kết của phương Tây để đối phó với Nga và các đối tác đã cho thấy hai cực lớn của thế giới. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch vẫn chưa được khắc phục, tác giả cho rằng các quốc gia đang phát triển sẽ tìm mọi cách để tránh bị cuốn vào cạnh tranh chiến lược này, tạo ra một cực thứ ba của các quốc gia trung lập.

Ewald Nowotny: Một thế giới của những liên minh khu vực chồng lấn

Tương tự như các tác giả khác, Nowotny đồng thuận rằng toàn cầu hóa đã bị suy yếu từ đầu những năm 2000. Đại dịch Covid-19 và cuộc chiến tại Ukraine đẩy nhanh tốc độ này, tuy nhiên ảnh hưởng của cuộc chiến phân bố không đồng đều. Mỹ là quốc gia đi đầu trừng phạt, tuy nhiên ảnh hưởng lại tương đối nhỏ so với những gì mà Châu Âu đang phải trải qua. Ở Trung Đông – Bắc Phi, các quốc gia tại đây đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng lương thực. Các quốc gia khác như Trung Quốc e ngại việc vũ khí hóa đồng USD, do đó sẽ thúc đẩy các đồng tiền khác làm đồng tiền dự trữ. Các khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực ngày càng có vai trò quan trọng hơn, thay thế cho toàn cầu hóa, do đó tác giả đánh giá rằng tương lai thế giới sẽ là những liên minh khu vực có sự chồng lấn lẫn nhau.

Harold James: Putin đã hồi sinh EU và NATO, và sẽ hồi sinh chủ nghĩa đa phương

Theo tác giả, các lập luận về phân cực thế giới hay chấm dứt toàn cầu hóa sẽ ngày càng mất đi tính thuyết phục, bởi vì đây chỉ là một bộ phận của quá trình lặp lại kéo dài hàng trăm năm: cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng về nguồn cung thì thương mại lại càng phát triển, kéo theo đó là hợp tác và xây dựng những thể chế mới để quản trị phục hồi. Tác giả cũng đánh giá rằng Putin đã tiến hành một cuộc chiến sai lầm, biến Nga thành một quốc gia bị cô lập trên thế giới, hồi sinh EU và NATO, và thách thức mối quan hệ đối tác “không vùng cấm” giữa Nga và Trung Quốc. Tiếp tục xu hướng lặp lại của lịch sử, sau cuộc chiến tại Ukraine sẽ là một thời kỳ mà chủ nghĩa đa phương được hồi sinh, tuy nhiên đây sẽ không nên là một trật tự do Mỹ lãnh đạo.

Atman Trivedi: Tương lai của toàn cầu hóa đang mờ mịt hơn bất cứ lúc nào

Tác giả đánh giá rằng một kết quả của cuộc chiến tại Ukraine là tạo ra ba cực trên thế giới: phương Tây và các đối tác, đồng minh; Trung Quốc và đồng minh thứ cấp là Nga, cùng với các quốc gia chuyên chế như Triều Tiên, Syria, Venezuela; và khối các quốc gia không liên kết bao gồm Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Nam Phi. Do tồn tại khối các quốc gia không liên kết này, thế giới khó có thể trở về với Pax Americana, tuy nhiên phương Tây đang có nhiều lợi thế hơn trong một thế giới hậu chiến khó đoán định. Nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang dần hiện hữu, cùng với xu hướng củng cố của chủ nghĩa dân tộc, dân túy, đang khiến cho tương lai của toàn cầu hóa trở nên mù mịt hơn lúc nào hết.

Anders Aslund: Một thất bại của Nga tại Ukraine có thể sẽ tạo ra một đội quân phương Tây hùng mạnh hơn và một Pax Americana mới

Tác giả cho rằng cuộc chiến tại Ukraine đã làm thức tỉnh sự đoàn kết của phương Tây, đặc biệt là của EU, tuy nhiên các quốc gia đang phát triển vẫn còn bị chia rẽ. Trong số các quốc gia đang phát triển, tác giả cho rằng khối BRICS đã được coi là có triển vọng nhất, tuy nhiên về kinh tế các quốc gia này hiện nay đều không thực sự quá ấn tượng. Do đó, tác giả cho rằng phương Tây sẽ chiến thắng và thúc đẩy một Pax Americana mới.

Jeffrey D. Sachs: Chúng ta cần tập trung vào các thách thức toàn cầu, thay vì cuộc cạnh tranh hệ giá trị mà Biden đang thúc đẩy

Tác giả cho rằng khó có thể đoán định được tương lai, tuy nhiên có thể đưa ra tầm nhìn về một tương lai mong muốn. Tác giả mong muốn một cuộc hòa đàm dựa trên một Ukraine trung lập, giải quyết thực tế các vấn đề còn tồn đọng, và Nga rút toàn bộ quân đội khỏi Ukraine. Sau cuộc chiến, thế giới cần chung tay xây dựng một trật tự thế giới dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tuyên ngôn về Quyền con người, cải tổ tài chính quốc tế để đối phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu thay vì lao vào một cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chuyên chế. Trong một tương lai này, con người có thể đặt lợi ích chung lên cao hơn những khác biệt.

Robert D. Atkinson: Cuộc chiến của Putin nên dẫn tới sự củng cố hợp tác thực chất về đối ngoại, quốc phòng, và công nghiệp giữa các đồng minh dân chủ

Tác giả tin rằng điều nên xảy ra và điều sẽ xảy ra sau cuộc chiến tại Ukraine hiện tại đang không nhất quán. Theo tác giả, điều nên xảy ra là các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là tại EU, cần phải hợp tác chặt chẽ hơn với nhau trong các lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng, công nghiệp, công nghệ, và chống lại các chính sách trọng thương về sáng tạo của Trung Quốc. Tuy nhiên, viễn cảnh này khó có thể xảy ra do sự khác biệt giữa các đồng minh toàn cầu của Mỹ, và sự thống nhất đối với Nga sẽ khó có thể được áp dụng để đối phó với Trung Quốc, đặc biệt là khi các đồng minh như Đức vẫn tiếp tục dựa dẫm vào an ninh của Mỹ nhưng lại muốn chống lại các doanh nghiệp Mỹ. Tác giả kêu gọi các đồng minh của Mỹ thức tỉnh trước những hành vi ăn cắp bản quyền và trợ cấp bóp méo cạnh tranh lành mạnh, những hành vi cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc, thay vì tập trung trừng phạt các tập đoàn của Mỹ như hiện nay.

Mohamed A. El-Erian: Đã tới lúc hình thành một con đường tới chủ nghĩa đa phương mới

Theo tác giả, toàn cầu hóa về kinh tế và thương mại đang thay đổi, rời khỏi chủ nghĩa đa phương và tiến gần hơn tới phân mảnh kinh tế thế giới. Xu hướng này đã bắt đầu nhiều năm trước, và được đẩy nhanh bởi cuộc chiến tại Ukraine, tức là chủ nghĩa đa phương kiểu cũ không còn phù hợp, và thế giới cần chung tay hợp tác xây dựng một chủ nghĩa đa phương kiểu mới.

Lorenze Bini Smaghi: Phi toàn cầu hóa đang tới quá sớm đối với Trung Quốc, buộc nước này phải đánh giá lại chiến lược phát triển

Cuộc chiến tại Ukraine đã khiến thế giới phải đánh giá lại về toàn cầu hóa kinh tế và chính trị. Tác giả cho rằng lẽ ra toàn cầu hóa phải là một công cụ đảm bảo quan hệ hòa bình giữa các quốc gia, tuy nhiên nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc đã quyết định rằng các mục tiêu chính trị trong nước quan trọng hơn phát triển kinh tế, dẫn tới hệ quả không thể tránh khỏi là tái cấu trúc trật tự quan hệ quốc tế dựa trên lợi ích địa chiến lược. Trật tự quan hệ quốc tế mới sẽ không mang lại ưu đãi cho Trung Quốc như trước đây, và Trung Quốc chưa kịp đạt được tự chủ công nghệ và tài chính, do đó sẽ buộc nước này phải đánh giá lại chiến lược phát triển của mình.

Daniel Twining: Cuộc chiến hiện thực hóa đế quốc Nga đang khiến nước này phụ thuộc vào một đế quốc Trung Quốc

Tác giả so sánh cuộc chiến tại Ukraine như một bước ngoặt địa chính trị tương tự như năm Liên Xô tan rã 1989 hay cuộc khủng bố nhắm vào nước Mỹ năm 2001. Nga và Trung Quốc tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn”, kết nối hai quốc gia này thành một khối. Việc Nga bị cắt đứt khỏi kinh tế thế giới thông qua các lệnh trừng phạt đã hình thành nên một quan hệ phụ thuộc giữa Nga và Trung Quốc. Trung Quốc đang từng bước tự bảo vệ mình trước một thế giới phân tách với “tuần hoàn kép”, trong khi phương Tây vẫn chưa thể tự cắt đứt sự phụ thuộc do chính mình tạo ra đối với thị trường Trung Quốc. Tác giả cho rằng các quốc gia dân chủ cần phải đoàn kết phối hợp với nhau để đối phó với thời đại cạnh tranh mới với Trung Quốc, và Ấn Độ có thể sẽ là một quốc gia có vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh này.

Patrick M. Cronin: Cuộc chiến tại Ukraine làm suy yếu nước Nga, tuy nhiên chỉ khiến Nga phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc xây dựng một thế giới cho chủ nghĩa chuyên chế

Tác giả cho rằng cuộc chiến tại Ukraine có khả năng thay đổi bộ mặt thế giới, bao gồm việc đẩy nhanh sự xuất hiện của một thế giới lưỡng cực với cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc Trung Quốc tuyên truyền các luận điểm của Nga cho thấy nước này đang ủng hộ Nga, để xây dựng một thế giới gồm các vùng ảnh hưởng của các quốc gia chuyên chế, với hệ thống quốc tế có lợi cho các quốc gia này. Cuộc chiến tại Ukraine cũng có nguy cơ làm bùng nổ một cuộc đua về vũ trang và công nghệ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương.

John M. Deutch: Cách tốt nhất để tránh một thế giới lưỡng cực là tích hợp Nga vào hệ thống kinh tế Châu Âu

Tác giả cho rằng các đợt mở rộng NATO đã khiến cho Nga cảm thấy bị bao vây, dẫn tới một kịch bản Nga phản ứng lại bằng một cuộc xung đột vũ trang như cuộc chiến tại Ukraine. Tác giả cho rằng cuộc chiến tại Ukraine sẽ hình thành một thế giới lưỡng cực với phương Tây cạnh tranh với Trung Quốc, Nga, Iran, và có thể là cả Ấn Độ, và để tránh kịch bản này thì phương Tây cần tìm cách tích hợp Nga vào hệ thống kinh tế Châu Âu. Do đó, các nỗ lực để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh cần được đẩy mạnh, đi kèm với giảm dần trừng phạt đối với Nga. Tác giả cũng cho rằng thị trường năng lượng thế giới đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến tại Ukraine, và cho rằng thế giới hậu chiến sẽ gắn chặt với hạ tầng thị trường năng lượng trong tương lai.

Mansoor Dailami: Tình trạng đạo đức và công lý toàn cầu thể hiện rõ sự suy giảm của trật tự quốc tế

Tác giả nhận định rằng trật tự quốc tế hiện tại đã mang lại lợi ích cho kinh tế và tăng trưởng toàn cầu, tuy nhiên lại không thể tạo ra một đồng thuận về chấm dứt chiến tranh để bảo vệ an ninh toàn cầu. Tác giả cho rằng việc cuộc chiến tại Ukraine tạo điều kiện cho Trung Quốc và Nga thách thức trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo, tuy nhiên sẽ không phân cực như Chiến tranh Lạnh hay phân mảnh. Thay vào đó, đây là cơ hội để Mỹ thuyết phục Trung Quốc và Nga trở lại với một trật tự quốc tế rộng mở được vận hành dựa trên các thể chế đa phương, bởi vì cả hai nước này đều có những lợi ích lớn từ trật tự này.

Toàn văn tổng hợp đánh giá: How Ukraine changes the world.pdf

Jason Bordoff và Meghan L. O’Sullivan: Trật tự Năng lượng mới

Các tác giả đưa ra nhận định rằng dưới tác động của biến đổi khí hậu và nguy cơ an ninh năng lượng do cuộc chiến tại Ukraine tạo ra, trật tự năng lượng thế giới có nguy cơ thay đổi theo hướng phân mảnh hơn, tạo ra các khối hợp tác năng lượng chiến lược. Mặc dù nhu cầu sử dụng năng lượng đã giảm và chuỗi cung ứng năng lượng đã bền vững hơn so với trong quá khứ, các chính sách chống biến đổi khí hậu trong những năm qua đã khiến cho thế giới phụ thuộc hơn vào nguồn cung năng lượng tái tạo không đồng đều, đồng thời khiến cho sản lượng năng lượng hóa thạch giảm đi trên toàn thế giới, đặt hệ thống năng lượng toàn cầu vào tình trạng căng thẳng. Cuộc chiến tại Ukraine đã làm rõ rệt hơn những vấn đề này, tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu với ảnh hưởng lớn đối với Châu Âu. Các công cụ kiểm soát thị trường năng lượng có thể sẽ là lời giải cho thách thức hiện tại của Châu Âu nếu được kiểm soát hợp lý và đảm bảo rằng chuyển đổi xanh kinh tế vẫn sẽ tiếp tục được triển khai. Nếu các chính phủ Châu Âu thành công trong việc kiểm soát thị trường năng lượng, một trật tự năng lượng mới có thể được hình thành với một Châu Âu tự chủ năng lượng và một nước Nga bị suy yếu lâu dài vì giảm nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng sang Châu Âu.

Xem thêm:

Foreign Affairs số tháng 7-8/2022: The New Energy Order

Cùng một chủ đề: Financial Times ngày 7/6/2022: Russian oil and gas: headed for long-term decline?. Một bản PDF được lưu ở đây.

—————

XIV- QUY TRÌNH GIA NHẬP EU HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO? 

Nhân sự kiện Ukraine và Moldova được trao tư cách ứng cử viên EU, tờ Deutsche Welle đã giải thích cụ thể về quy trình gia nhập EU và tiến độ của các ứng cử viên khác trong thời gian qua.  

(1) Quy trình gia nhập EU: được chia làm ba bước chính, được quy định cụ thể trong mục 49 của Hiệp ước Lisbon:

Bước 1: Nộp đơn xin gia nhập. Bất cứ quốc gia Châu Âu nào tôn trọng các giá trị dân chủ, thượng tôn pháp luật, và nhân quyền đều có thể xin gia nhập EU.

Bước 2: Hội đồng Châu Âu, là cơ quan đại diện cho các quốc gia thành viên, đồng thuận tuyệt đối với đơn xin gia nhập và đề xuất của Ủy ban Châu Âu, bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập. Ủy ban Châu Âu đưa ra các đề xuất cho quá trình đàm phán, và Nghị viện Châu Âu phải phê chuẩn các đề xuất này. Các ứng cử viên phải đạt được các điều kiện trong “bộ tiêu chí Copenhagen” theo cách có thể xác thực được, để quá trình đàm phán gia nhập được tiến hành. Bộ tiêu chí này được chia làm 35 mục lớn, và việc hoàn tất mỗi mục tiêu chí phải nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của tất cả thành viên EU trước khi bước sang mục tiếp theo.

Bước 3: Sau khi thỏa mãn “bộ tiêu chí Copenhagen”, Hội đồng Châu Âu và ứng cử viên sẽ ký một hiệp ước gia nhập, tuân thủ luật pháp quốc tế và được thông qua bởi tất cả các quốc gia thành viên EU. Tư cách thành viên sẽ có hiệu lực sau khi bước 3 được hoàn tất.

(2) Tiến trình gia nhập trên thực tế của các ứng viên EU: tùy thuộc vào tình trạng thực tế của từng ứng viên, quy trình gia nhập có thể kéo dài vài năm hoặc vài thập kỷ. Các ứng viên hiện tại có thể được chia làm 4 nhóm:

Nhóm 1: Các quốc gia đang chuẩn bị nộp đơn xin gia nhập: Kosovo.

Nhóm 2: Các quốc gia đã nộp đơn gia nhập: Georgia, Bosnia và Herzegovina.

Nhóm 3: Các quốc gia ứng cử viên chính thức: Albania, Bắc Macedonia, Ukraine, Moldova.

Nhóm 4: Các quốc gia đang đàm phán gia nhập: Serbia, Montenegro, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tốc độ hoàn thiện quy trình gia nhập của từng quốc gia phụ thuộc vào tình trạng thực tế của từng quốc gia, do đó có sự khác biệt rất lớn. Trong những năm 1990, Phần Lan hoàn tất quy trình chỉ trong 3 năm, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đàm phán gia nhập từ 2005 tới nay nhưng vẫn chưa có kết quả cụ thể. Một mặt, tốc độ hoàn thiện quy trình phụ thuộc vào tốc độ triển khai các cải cách trong nước để thỏa mãn “bộ tiêu chí Copenhagen”. Mặt khác, quy trình gia nhập hoàn toàn có thể bị chặn đứng bởi một thành viên EU, do cơ chế đồng thuận tuyệt đối.

Một số thỏa thuận hợp tác khác đã được thiết kế để khuyến khích cải cách tại các quốc gia ứng cử viên, trong đó có sáng kiến Đối tác Hướng Đông. Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề cuối cùng mà các quốc gia ứng cử viên phải giải quyết trước khi gia nhập, đó là giải quyết hết các tranh chấp trong nước và tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Đây sẽ là trở ngại lớn nhất đối với Ukraine trong con đường hướng tới tư cách thành viên EU, bên cạnh các yêu cầu cải cách hệ thống tư pháp hay kinh tế trong nước.

Xem thêm:

DW ngày 24/6/2022: How does EU accession work?

CSIS ngày 18/5/2022: Ukraine’s Road to EU Membership

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.