Bản Tin Biển Đông Số 102

(Tuần từ 11/04 – 18/04/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Đoàn Thị Hằng Ni, Trần Phạm Bình Minh, Hương Nguyễn, Đinh Tùng Lâm

Biên tập: Trần Bằng

Tư liệu: South China Sea News

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Momsen (DDG 92) và tàu hộ tống tuần tra đa năng lớp Bung Tomo KRI Bung Tomo (FF 357) của Hải quân Indonesia đã tiến hành huấn luyện song phương, tạo cơ hội cho Hải quân Hoa Kỳ và Indonesia tập trận chung, và cùng nhau hướng tới các mục tiêu chung trên biển. Ảnh: U.S. Pacific Fleet Commander

Tải bản PDF ở

—————

Trong Bản Tin Biển Đông Số 102 có những nội dung sau:

I- ĐIỆN ĐÀM VIỆT – TRUNG: NHỮNG ĐIỀU KHÔNG KHỚP NHAU GIỮA HAI BẢN TƯỜNG THUẬT. TRUNG QUỐC KHÔNG HÀI LÒNG VỚI VIỆT NAM? VIỆT NAM CÓ TỰ CÔ LẬP MÌNH?

II- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC AN NINH – QUÂN SỰ

III- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ

IV- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

V- CUỘC HỌP G-20

VI- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

VII- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

VIII- QUAN HỆ MỸ – TRUNG

IX- TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU CỦA CUỘC CHIẾN NGA – UKRAINE

X- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

XI- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – BÁO CÁO CHÍNH SÁCH

—————

I- ĐIỆN ĐÀM VIỆT – TRUNG: NHỮNG ĐIỀU KHÔNG KHỚP NHAU GIỮA HAI BẢN TƯỜNG THUẬT. TRUNG QUỐC KHÔNG HÀI LÒNG VỚI VIỆT NAM? VIỆT NAM CÓ TỰ CÔ LẬP MÌNH?

Ngày 14/4/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc điện đàm trao đổi về các vấn đề quan hệ chung hai nước, tháo gỡ vướng mắc thông quan cửa khẩu biên giới, vấn đề Biển Đông và cuộc chiến tranh ở Ukraine, theo tường thuật của hai bên. Trong khi tường thuật của phía Trung Quốc rất chi tiết, tường thuật của phía Việt Nam khá ngắn gọn và mang tính ngoại giao. 

Cuộc điện đàm diễn ra 2 ngày trước khi Nhà Trắng đưa ra thông báo chính thức về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN sẽ được tổ chức lại vào tháng Năm năm nay. Một số nguồn tin (chúng tôi không thể kiểm chứng) cũng cho biết Việt Nam đã có những vận động hậu trường mạnh mẽ để có một cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Quan hệ chính trị và giao thương hai nước

Bản tường thuật của Việt Nam cho biết Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc ổn định, bền vững.

Bản tường thuật của Việt Nam cho biết rằng phía Trung Quốc khẳng định Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, coi đây là hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.

Bản tường thuật của phía Trung Quốc cho biết ông Vương lưu ý hai bên là láng giềng gần gũi và cả hai cùng theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa. Trong thời điểm toàn cầu có nhiều thay đổi chưa từng có, đại dịch của thế kỷ và cuộc khủng hoảng Ukraine, hai nước cần phát huy đầy đủ những lợi thế chính trị của hai Đảng, hai nước, tiếp tục phát huy tình hữu nghị truyền thống “đồng chí và anh em ” ông Vương nói.

Ông Vương cho biết Trung Quốc sẽ tặng các thành viên ASEAN 150 triệu liều vắc xin COVID-19 trong năm nay và ngỏ ý sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chống dịch, trong đó có vắc-xin và thuốc. Tuy nhiên bản tường thuật của Việt Nam không đề cập đến điều này. Tường thuật của Việt Nam chỉ đề cập đến việc hai bên nhất trí thúc đẩy sớm công nhận hộ chiếu vắc-xin. Chúng ta biết Mỹ và Đức là hai quốc gia đứng đầu danh sách tài trợ vắc-xin COVID-19 cho Việt Nam và tới nay, Mỹ đã tài trợ gần 40 triệu liều vaccine. 

Trong khi tường thuật của phía Việt Nam cho biết hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao nhằm củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy triển khai các chuyến thăm lẫn nhau, bản tường thuật của phía Trung Quốc nói rằng Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nhắc nhở người đồng cấp Việt Nam rằng hai bên cần tăng cường giao tiếp chiến lược và đóng góp mới vào việc bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực.

Tường thuật của phía Việt Nam cho biết hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ tạo thuận lợi giao thương, tháo gỡ vướng mắc thông quan cửa khẩu biên giới. Còn tường thuật của phía Trung Quốc nói ông Vương kêu gọi hai bên tăng cường các nỗ lực phòng ngừa và kiểm soát chung tại các khu vực cửa khẩu biên giới để đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực biên giới và hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ông Vương cũng bày tỏ hy vọng hai nước sẽ triển khai thêm các dịch vụ đường sắt xuyên biên giới, thúc đẩy kết nối với hành lang biển – đất liền mới phía Tây và xây dựng “lối đi xanh” với dịch vụ hậu cần thông suốt hơn cho hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Bản tường thuật phía Việt Nam không đề cập chi tiết này.

Vấn đề Biển Đông – Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông

Về vấn đề Biển Đông, bản tường thuật của phía Việt Nam chỉ nói ngắn gọn, nhắc lại những câu chữ đã thành công thức, đó là “Hai bên đã trao đổi cởi mở và thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí cùng nỗ lực kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng trên tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cùng ASEAN đạt tiến triển tích cực về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.”

Bản tường thuật của phía Trung Quốc lại chứa đựng nhiều chi tiết mà bản tường thuật phía Việt Nam không nêu ra.

Cụ thể, phía Trung Quốc cho rằng tình hình ở Biển Đông nhìn chung vẫn ổn định với nỗ lực chung của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trên thực tế, đã có ít nhất 20 tàu khảo sát/nghiên cứu Trung Quốc đã liên tục hoạt động ở Biển Đông trong suốt năm 2021, và tàu hải cảnh Trung Quốc luân phiên túc trực ở Bãi Tư Chính, tiếp cận các hoạt động dầu khí của Việt Nam và các nước Đông Nam Á, chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường truyền thống ở bãi cạn Scarborough.

Ông Vương Nghị cũng đổ lỗi cho “một số lực lượng bên ngoài khu vực với động cơ thầm kín” chính là nguyên nhân gây hỗn loạn ở Biển Đông.

Ông Vương nhắc nhở cần phát huy hết vai trò của các cuộc đàm phán về ranh giới đất liền và ba nhóm công tác trên biển, thúc đẩy tiến bộ thực chất trong phân định biển khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và hợp tác phát triển chung ở Biển Đông, đồng thời tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình. Phải chăng ý ông Vương cho rằng các cuộc đàm phán phân định biển hiện tại không có nhiều tiến triển thực chất như mong muốn của phía Trung Quốc, và không rõ Việt Nam đã tiến hành “hành động đơn phương” gì có thể “làm phức tạp tình hình”?

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi các bên sớm đạt được thoả thuận về Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, và bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam sẽ đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong vấn đề này. Phải chăng phía Trung Quốc không hài lòng về những yêu cầu của Việt Nam đối với Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông?

Nhà nghiên cứu lâu năm Carl Thayer mới đây cho biết rằng văn bản đàm phán dự thảo COC hiện tại liên tục viện dẫn luật quốc tế trong đó có UNCLOS. Những tham chiếu này là vô nghĩa chừng nào Trung Quốc từ chối tuân thủ Phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài và vẫn tiếp tục duy trì yêu sách đối với các thực thể và vùng biển mà không có căn cứ pháp lý phù hợp với UNCLOS. Ông cho rằng sẽ khó có thể đạt được thoả thuận giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN về một Bộ Quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý ở Biển Đông, điều mà Việt Nam hướng tới lúc đầu. Hiện giờ chưa rõ lập trường của Việt Nam có lùi lại và chấp nhận thỏa hiệp. Nhưng có một hiện tượng mà chúng tôi đã đề cập nhiều lần, đó là trong diễn ngôn tiếng Việt, Việt Nam đã dùng từ “hiệu quả” thay cho “hiệu lực” để nói về mong muốn đối với COC, mặc dù từ tiếng Anh vẫn giữ nguyên là “effective”. Theo một số chuyên gia Đông Nam Á, “effective” được diễn giải theo nghĩa “có hiệu lực” mới có ý nghĩa. Còn diễn giải theo nghĩa “hiệu quả” là vô nghĩa.

Về cuộc chiến của Nga ở Ukraine – Lợi ích an ninh chính đáng của các bên?

Trong bối cảnh thực tế diễn ra cũng như theo định nghĩa pháp lý của quốc tế và Việt Nam cho thấy đây là một cuộc chiến tranh của một quốc gia xâm lược một quốc gia có chủ quyền khác, phía Trung Quốc đã sử dụng từ “khủng hoảng tại Ukraine” (Ukraine crisis) và phía Việt Nam dùng từ “xung đột ở Ukraine”. Phía Nga luôn bác bỏ đây là cuộc chiến tranh xâm lược và chỉ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Dù vậy, quan điểm của phía Việt Nam khá bám sát nhận thức phổ quát về các nguyên tắc luật quốc tế cũng như tính (bất) hợp pháp của cuộc chiến Nga gây ra, dù không nhắc trực tiếp tới Nga. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam, theo đó kiên trì ủng hộ giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. 

Tuy nhiên, tường thuật của phía Trung Quốc lại nhét thêm một cụm từ vào phát biểu của ông Sơn. Cụ thể, tường thuật của phía Trung Quốc viết rằng “Việt Nam cho rằng các bên liên quan cần tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tìm kiếm giải pháp lâu dài cho những khác biệt trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các bên.”

Cụm từ “lợi ích chính đáng của các bên” hay phiên bản đầy đủ hơn, “lợi ích an ninh chính đáng của các bên” có thể được ngầm hiểu là bao gồm cả những “mối lo an ninh” của phía Nga, mà Nga lấy đó là cơ sở để tiến hành cuộc chiến tranh ở Ukraine, tàn phá gần như hoàn toàn nhiều thành phố dân sinh của một quốc gia có chủ quyền, để lại nhiều bằng chứng về việc thực hiện tội ác chiến tranh và có dấu hiệu của ý định diệt chủng, xóa sổ quốc gia Ukraine.

Đây là cụm từ vẫn thường được thấy trong các tuyên bố của Trung Quốc và các nước thân Nga, trong các tuyên bố chung mà Nga đồng ý tham gia.

Các quốc gia bám sát những nguyên tắc về luật quốc tế, như Singapore, đều bác bỏ những điều được coi là “mối lo an ninh” của Nga, cho rằng những lập luận này không có căn cứ cả về mặt luật pháp cũng như bằng chứng thực tế. Ukraine hoàn toàn có quyền tự quyết hợp pháp về lựa chọn hướng đi an ninh vì lợi ích quốc gia mình, mặc dù thực tế thì việc Ukraine được chấp thuận gia nhập NATO là một tương lai xa vời.

Trong những diễn ngôn gần đây của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam với Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus đều đã không thấy sử dụng cụm từ này mà đều nhất quán ủng hộ giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Tường thuật của Việt Nam cũng cho biết ông Sơn yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn của thường dân, bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu; ủng hộ và sẵn sàng đóng góp tích cực cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán, cũng như trong tái thiết và phục hồi tại Ukraine.

Lợi ích an ninh của Trung Quốc – Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ là một phiên bản NATO Châu Á tạo tiền đề cho bi kịch Ukraine?

Một điểm đáng chú ý khác, đó là trong khi tường thuật của Việt Nam không nêu ra, tường thuật của Trung Quốc lại một lần nữa nhắc đến kịch bản nhận thức mà thời gian gần đây Trung Quốc liên tục thúc đẩy tuyên truyền, như chúng tôi đã đề cập trong Bản Tin Biển Đông Số 101. Đó là Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ, liên minh AUKUS là một phiên bản NATO Châu Á. 

Một trong những lý do mà Nga đưa ra để hợp lý hoá hành động xâm lược Ukraine, đó là vì NATO muốn bành trướng về phía đông khiến Nga buộc phải tự vệ. Lý do này, như đã nói ở trên, đã bị bác bỏ là không có căn cứ cả về mặt luật pháp quốc tế cũng như bằng chứng thực tế.

Nhưng có thể thấy Trung Quốc ủng hộ quan điểm này của phía Nga, thông qua các chiến dịch tuyên truyền bênh vực cho Nga. Nhiều nhà phân tích nhận định rằng, việc thúc đẩy quan điểm về một phiên bản NATO Châu Á của Mỹ không phải phản ánh sự lo lắng bất an của Trung Quốc về một “mối nguy an ninh”, mà vì quan điểm đó phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Nó có thể khiến các quốc gia láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc không dám thúc đẩy hợp tác an ninh với Mỹ và các nước phương Tây, như Ukraine đã tìm đến NATO và EU.

Tường thuật của phía Trung Quốc cho biết, ông Vương đã nói với Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn rằng vấn đề Ukraine đã một lần nữa khiến các nước Châu Á nhận ra rằng duy trì hòa bình và ổn định là điều quý giá và việc ham mê đối đầu phe nhóm sẽ dẫn đến vô vàn rủi ro.

Ông nói, Mỹ đang cố gắng tạo ra căng thẳng trong khu vực và kích động đối đầu bằng cách thúc đẩy “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển hòa bình khó giành được trong khu vực và làm xói mòn nghiêm trọng cấu trúc hợp tác khu vực lấy ASEAN làm trung tâm.

Ông Vương cho rằng những gì Mỹ đang làm là biểu hiện của tâm lý Chiến tranh Lạnh, và nhắc nhở Việt Nam không để cái mà Trung Quốc quy là “tâm lý Chiến tranh Lạnh” này quay trở lại khu vực vì có thể dẫn tới thảm kịch Ukraine. 

Lưu ý rằng cả Trung Quốc và Việt Nam đều là các nước xã hội chủ nghĩa, ông nói rằng Trung Quốc sẵn sàng tăng cường đoàn kết và hợp tác với Việt Nam, chống lại các nguy cơ bên ngoài, đối phó với tác động lan tỏa của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với khu vực và đóng vai trò tích cực trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

Trao đổi với RFA Tiếng Việt, giáo sư Carlyle Thayer lý giải việc Ngoại trưởng Trung Quốc đem chuyện Ukraine ra để nói với người đồng cấp Việt Nam: “Tôi đã phải suy nghĩ rất lâu và thấu đáo sau khi đọc bản ghi nhớ về cuộc điện đàm này, bởi vì kịch bản tương tự như Ukraine chỉ có thể xảy ra trong trường hợp Trung Quốc quyết định can thiệp vào Việt Nam. Cách mà Trung Quốc xoáy vào đề tài Ukraine có hàm ý rằng trong trường hợp Việt Nam ngả về phía Mỹ và làm tổn hại tới những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, thì Trung Quốc sẽ có quyền đáp trả như cách mà Nga làm với Ukraine. Đây là lý giải duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra được.”

Cuộc điện đàm lần này và lời lẽ được phía Trung Quốc sử dụng, theo Giáo sư Thayer, là nhằm cảnh báo và tạo ảnh hưởng lên Việt Nam, trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và các nước ASEAN sẽ diễn ra vào ngày 12 và 13 tháng 5 tới đây tại thủ đô Washington.

Việt Nam sẽ ứng xử thế nào trong chuyến công du Mỹ tới đây, cũng như cuộc gặp sắp tới với Thủ tướng Nhật Bản? Liệu Việt Nam có tiếp tục bỏ lỡ cơ hội đang ngày càng thu hẹp để thoát khỏi thế tự cô lập mình trong những mối quan hệ quốc tế đem lại thịnh vượng và văn minh cho Việt Nam, và trật tự thế giới dựa trên luật pháp đang ngày càng phát triển theo hướng bao trùm, khi các nước nhỏ cũng có thể tham gia vào định hình UNCLOS – Hiến pháp của Đại dương, là thành viên của Uỷ ban Luật quốc tế, và có tiếng nói ngày càng bình đẳng hơn tại Liên Hợp Quốc?

Xem thêm:

Vietnam+ ngày 15/4/2022: Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn diện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc

Tân Hoa Xã ngày 15/4/2022: Chinese, Vietnamese FMs hold phone talks over ties

RFA Tiếng Việt ngày 18/4/2022: ​​Trung Quốc có ý gì khi nói “không để chuyện như Ukraine xảy ra” với Việt Nam?

VOA Tiếng Việt ngày 18/4/2022: Phiếu ủng hộ của Việt Nam cho Nga và cảnh báo hệ lụy mối quan hệ với Mỹ 

Thayer Consultancy Background Brief ngày 16/4/2022: Explaining Vietnam’s Stance on the War in Ukraine

———-

II- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC AN NINH – QUÂN SỰ

​​Bộ Quốc phòng Nga: Quân đội Việt Nam và Nga sẽ diễn tập quân sự chung dưới tên gọi “Liên minh Lục địa 2022”

BBC Tiếng Việt dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga sẽ cùng Việt Nam diễn tập quân sự chung nhằm rèn luyện kỹ năng chỉ huy và tham mưu trong tổ chức hoạt động huấn luyện chiến đấu.

“Lần đầu tiên tại trụ sở Quân khu phía Đông đã tổ chức và tiến hành hội nghị lập kế hoạch diễn tập quân sự chung Nga-Việt. Cuộc họp của các phái đoàn diễn ra dưới hình thức video trực tuyến.”

Cuộc họp trực tuyến diễn ra giữa Thiếu tướng Sergei Lagutkin, người đứng đầu Trung tâm kiểm soát khu vực, và Đại tá Ivan Taraev, Trưởng phòng Hợp tác quân sự quốc tế. Ở phía Việt Nam, Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh, Tư lệnh Binh chủng Tăng thiết giáp, tham dự cuộc họp. Đại tá Ivan Taraev cho biết, mục tiêu của cuộc diễn tập quốc tế sẽ là “nâng cao kỹ năng thực hành của cán bộ chỉ huy và tham mưu trong việc tổ chức huấn luyện chiến đấu và quản lý các đơn vị trong tình huống chiến thuật khó khăn, cũng như phát triển các giải pháp phi tiêu chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ”. 

Các bên đã đề xuất có thể sẽ gọi tên cuộc diễn tập là “Kontinentalnyi Soyuz – 2022” (Liên minh lục địa 2022).

Việc thảo luận kế hoạch tập trận chung giữa Việt Nam và Nga diễn ra trong bối cảnh có ít nhất 145 quốc gia trên thế giới lên án việc Nga thực hiện chiến tranh xâm lược một quốc gia có chủ quyền khác, phá vỡ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế – một hành vi mà nhiều chiến lược gia có ảnh hưởng, bao gồm học giả Trung Quốc, e ngại rằng sẽ đẩy thế giới tới nguy cơ quay trở lại thời kỳ luật rừng mông muội, và là một dấu mốc rằng ảnh hưởng của Nga trên trường thế giới đã tới lúc suy tàn. 

Quân đội Nga cũng đang phải đối mặt với một loạt các cáo buộc và những bằng chứng ban đầu về các vi phạm luật nhân đạo quốc tế, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, bao gồm cố ý huỷ diệt công trình dân sự, giết hại và tra tấn dân thường có chủ đích, cưỡng hiếp phụ nữ và thiếu nữ, cướp bóc đồ đạc của nhà dân mang sang Belarus bán. Báo cáo điều tra của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu ngay từ ngày đầu chiến tranh cho tới trước khi xảy ra thảm sát Bucha đã đưa ra những bằng chứng cho thấy quân đội Nga đã thực hiện tội ác chiến tranh. Công tố viên Toà án Hình sự Quốc tế sau khi tới thị sát trực tiếp cũng đã xác nhận đã có tội ác chiến tranh xảy ra ở Ukraine và đã mở hồ sơ điều tra nhằm truy vấn trách nhiệm những cá nhân cụ thể. Danh sách các báo cáo và bằng chứng về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người đang được ghi lại qua lời kể các nạn nhân, qua công nghệ cao từ nhiều nguồn độc lập khác nhau, đang ngày càng dày lên với sự phẫn nộ của dư luận thế giới. 

Xem thêm:

BBC Tiếng Việt ngày 19/4/2022: Quân đội Việt Nam và Nga ‘sẽ diễn tập quân sự chung’ 

Organization for Security and Cooperation in Europe ngày 13/4/2022: Report on Violations of International Humanitarian and Human Rights Law, War Crimes and Crimes Against Humanity Committed in Ukraine Since 24 February to 1 April 2022

Liên Hợp Quốc ngày 11/4/2022: Ukraine war: Trauma ‘risks destroying a generation’, Security Council hears 

The Atlantic ngày 17/4/2022: How to Seek Justice for Rape in the War on Ukraine. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Trung Quốc bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể mà Nga là thành viên

Theo Sputnik, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko hôm 15/4/2022, Chủ tịch Nhân đại (Quốc hội) Trung Quốc Lật Chiến Thư tuyên bố bày tỏ coi trọng và sẵn sàng tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).

CSTO, được thành lập năm 1992, hợp nhất Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Nga hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của liên minh.

Xem thêm:

Sputnik ngày 15/4/2022: China Ready to Develop Cooperation With CSTO, Top Lawmaker Says

Máy bay chiến đấu của Nga và Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc vào tháng trước

Một quan chức Seoul cho biết các máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không (KADIZ) của Hàn Quốc vào tháng trước mà không thông báo trước trước, ngay trước khi Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa.

Xem thêm:

Yonhap News ngày 19/4/2022: Russian, Chinese warplanes entered S. Korea’s air defense zone last month 

Hải quân Indonesia và Hải quân Hoa Kỳ hoạt động song phương trên Biển Đông

Hải quân Hoa Kỳ và Indonesia đã kết thúc ba ngày hoạt động song phương trên biển ở Biển Đông từ ngày 12 đến ngày 14/4/2022. Các hoạt động tập trung vào việc xây dựng khả năng tương tác và tăng cường các mối quan hệ hai bên.

Xem thêm:

Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương ngày 14/4/2022: USS Momsen Conducts Underway Operations with Indonesian Navy 

Lãnh đạo Cảnh sát biển Indonesia tới thăm và làm việc với Lực lượng Biên phòng và Bộ Tư lệnh Biên phòng Hàng hải Úc

Lực lượng Cảnh sát biển Indonesia cho biết Chuẩn Đô đốc Aan Kurnia, người đứng đầu lực lượng đang có chuyến thăm và làm việc tại Úc từ ngày 10/4/2022. Trong chuyến công du này, ông đã tới thăm và làm việc tại Cơ quan An toàn Hàng hải Úc, thăm Quốc hội và một số bên liên quan của chính phủ trong lĩnh vực hàng hải của Canberra, trụ sở Lực lượng Biên phòng và Bộ Tư lệnh Biên phòng Hàng hải Úc. 

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines và Mỹ gặp mặt tại Pentagon để củng cố liên minh quân sự hai nước

Ngày 18/4/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin N. Lorenzana đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III tại Lầu Năm Góc nhằm tăng cường mối quan hệ đồng minh sâu sắc giữa hai nước. Đây là cuộc gặp quốc phòng cấp cao lần thứ 3 chỉ trong vòng 9 tháng, kể từ tháng 7/2021, thời điểm diễn ra sự kiện hai bên ký Hiệp định Lực lượng thăm viếng Hoa Kỳ, cho phép tiếp tục các cuộc tập trận liên lạc giữa quân đội hai nước.

Tại cuộc họp lần này, Austin và Lorenzana đã thảo luận về việc tăng cường các cam kết hiệp ước quốc phòng chung, tăng cường hợp tác hàng hải và cải thiện năng lực tương tác trong chia sẻ thông tin. “Tất cả những nỗ lực này nhấn mạnh lời hứa của chúng tôi trong việc đảm bảo rằng liên minh của chúng tôi sẵn sàng đối phó với những thách thức trong tương lai”, Austin nói.

Hai Bộ trưởng cũng đã thảo luận về tầm quan trọng của hành động đồng lòng lên án sự xâm lược của Nga và đoàn kết với Ukraine. Ông Austin nói rằng cuộc xâm lược vô cớ của Nga vào Ukraine cho thấy sự cần thiết của các quốc gia phải cùng nhau bảo vệ kiến trúc quốc tế dựa trên luật lệ đã mang lại lợi ích chung cho thế giới kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ngày 18/4/2022: Readout of Secretary of Defense Lloyd Austin III Meeting With Philippines Secretary of National Defense Delfin Lorenzana

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ngày 18/4/2022: U.S., Philippines Look at Ways to Strengthen Alliance

Đối thoại Quân sự Singapore – Nhật Bản

Vào ngày 19/4/2022, Đối thoại Quân sự Nhật Bản – Singapore lần thứ 17 đã được tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản.

Đoàn Nhật Bản do ông Noguchi Yasushi, Vụ trưởng Vụ Quốc tế, Cục Chính sách Quốc phòng, Bộ Quốc phòng dẫn đầu và đoàn Singapore do ông Teo Eng Dih, Thứ trưởng về Chính sách, Bộ Quốc phòng Singapore dẫn đầu. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, hai bên đã trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề, bao gồm hợp tác an ninh Nhật Bản – Singapore và các tình huống ở Ukraine. Hai bên cũng thảo luận về con đường phía trước cho hợp tác và trao đổi quốc phòng Nhật Bản – Singapore và các chủ đề liên quan khác.

Xem thêm: 

Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 19/4/2022: Japan-Singapore Military to Military (MM) Dialogue 

P-8I của Hải quân Ấn Độ tham gia các hoạt động hàng hải kết hợp tại Úc

Một máy bay P8I của Hải quân Ấn Độ đã đến thành phố Darwin ở Australia để tham gia các hoạt động phối hợp hàng hải như tác chiến chống tàu ngầm và giám sát mặt nước, theo một tuyên bố của Hải quân Ấn Độ hôm thứ Ba ngày 12/4/2022.

Xem thêm:

The Print ngày 12/4/2022: Indian Navy’s P-8I in Australia to participate in combined maritime operations 

Trong tương lai, các tàu Hải quân Hoa Kỳ có thể sẽ hiện diện tại các nhà máy đóng tàu của Ấn Độ

Trong khuôn khổ cuộc họp “2 + 2” giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Ấn Độ và Mỹ trong tuần này, hai nước đã nhất trí tìm hiểu khả năng các nhà máy đóng tàu của Ấn Độ cho bảo dưỡng và sửa chữa các tàu của Hải quân Mỹ (USN). Mặc dù tại thời điểm này vẫn còn rất ít thông tin chi tiết về sáng kiến này, Bộ chỉ huy quân sự của Hoa Kỳ, sở hữu và điều hành các tàu tiếp tế cho tàu chiến USN, có thể được phép gửi tàu vận tải đến các cảng của Ấn Độ để làm việc thường xuyên, một phần là để mở rộng khả năng hoạt động trong khu vực Ấn Độ Dương. Mặc dù thỏa thuận này vẫn còn chưa hoàn thiện, nhưng nó nhấn mạnh mối quan hệ ngày càng tăng giữa hải quân Ấn Độ và Mỹ, chẳng hạn như trong khuôn khổ Bộ Tứ, nhằm mở rộng khả năng giám sát và có khả năng chống lại các hoạt động hải quân của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

USNI News ngày 13/4/2022: India Considering Repairing US Military Sealift Ships Following 2+2 Dialogue 

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ tới thăm trụ sở Hawaii của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương  

Sau cuộc họp 2 + 2 giữa Mỹ và Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã đến thăm trụ sở Hawaii của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương và cơ sở đào tạo Arp 13 của Hoa Kỳ. Chuyến thăm được coi là một minh chứng cho thấy mối quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Xem thêm:

The Economic Times ngày 14/4/2022: Looking to scale up engagement, Defence Minister Rajnath Singh visits Hawaii command

Tàu sân bay hạt nhân của Mỹ tập trận chung cùng Nhật Bản

Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã tiết lộ với NHK hôm thứ Ba ngày 12/4/2022 rằng một trong những tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của họ, nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln, đang tiến hành một cuộc tập trận chung với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản ở Biển Nhật Bản.

Còn theo Lực lượng Phòng không Nhật Bản, vào ngày 13/4, các máy bay chiến đấu F-2 của Lực lượng Phòng không Nhật Bản cùng với các tàu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã tiến hành huấn luyện chống hạm với nhóm tàu sân bay tấn công Abraham Lincoln nhằm tăng cường năng lực ngăn chặn và phản ứng hiệu quả của Liên minh Nhật Bản – Hoa Kỳ.

Xem thêm:

NHK ngày 12/4/2022: US nuclear aircraft carrier, Japan’s MSDF conduct joint drill 

Bộ Tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ ngày 18/4/2022: Abraham Lincoln Carrier Strike Group conducts Exercises with the JMSDF 

NATO sẽ giúp New Zealand và Australia chống lại ‘ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc’ 

Trong bài phát biểu ngày 7/4/2022 sau các cuộc họp cấp cao giữa các Bộ trưởng Ngoại giao NATO, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh đã “đồng ý đẩy mạnh hợp tác với các đối tác ở Châu Á-Thái Bình Dương”. Trong đó, Liên minh quân sự NATO gồm 30 quốc gia trên khắp Châu Âu và Bắc Mỹ đã đồng ý “đẩy mạnh” và giúp New Zealand và Australia chống lại “ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc”. 

Xem thêm:

Newshub ngày 8/4/2022: NATO to help New Zealand and Australia combat ‘China’s growing influence’ 

Thủy quân lục chiến Mỹ tăng cường MV-22 Ospreys cho Lực lượng Luân phiên tại Úc 

Ngày 19/4/2022, Bộ Tư lệnh Vận tải thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ đã dỡ MV-22 Ospreys từ tàu chở hàng tại Darwin, NT, Australia. Sự hiện diện của những chiếc Ospreys này cho phép Lực lượng Luân phiên – Darwin 22 có thể nhanh chóng phản ứng với các cuộc khủng hoảng và tình huống xảy ra trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Lực lượng luân phiên của Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ được triển khai đến Úc và huấn luyện các nhiệm vụ hoạt động viễn chinh, tăng cường năng lực tương tác Hoa Kỳ – Úc để chuẩn bị cho khủng hoảng và phản ứng dự phòng, tăng cường an ninh khu vực và thể hiện sức mạnh của Liên minh Hoa Kỳ – Úc.

Xem thêm:

#Watch @USMC Marines unload MV-22 Ospreys from a cargo ship during the movement of equipment at Darwin, NT, Australia. The arrival of these Ospreys enables @MrfDarwin 22 to rapidly respond to crises and contingencies within the @INDOPACOM region. #TogetherWeDeliver @ARCships

Originally tweeted by USTRANSCOM (@US_TRANSCOM) on April 18, 2022.

Các máy bay F-35B của Thủy quân lục chiến sẽ huấn luyện cùng các máy bay chiến đấu tàng hình của Úc vào mùa hè này

Các máy bay chiến đấu tàng hình  F-35B Lightning II của Thủy quân lục chiến sẽ bay từ Trạm Không quân Thủy quân lục chiến Iwakuni, Nhật Bản tới Úc để huấn luyện với các đối tác Australia vào tháng 8 và tháng 9 trong một cuộc tập trận hai năm một lần của Úc, theo thông báo của Thủy quân lục chiến ở Nhật Bản và Australia.

Xem thêm:

Stars and Stripes ngày 15/4/2022: Marine Corps F-35Bs will train Down Under with Australian stealth fighters this summer 

———-

III- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ

Các lệnh trừng phạt đã làm bộc lộ những điểm yếu trong lĩnh vực công nghệ của Nga, nhiều nhà máy sản xuất vũ khí phải đình chỉ hoạt động

Xuất khẩu dầu và khí đốt mang lại cho nước này nhiều đòn bẩy trên thị trường thế giới. Nhưng phần lớn các lĩnh vực thương mại và quân sự của Nga phụ thuộc vào các bộ phận, sửa chữa và bí quyết công nghệ ở nước ngoài. Đó là một lỗ hổng lớn đối với Nga, khi quốc gia này đang bị cắt đứt kết nối với công nghệ nước ngoài bởi các lệnh trừng phạt cho chiến dịch xâm lược Ukraine.

Xem thêm:

Marketplace ngày 15/4/2022: Sanctions highlight Russia’s technology sector weaknesses 

Marketplace ngày 2/3/2022: How does isolating Russia affect global aviation? 

The Telegraph ngày 10/3/2022: Lada halts production as sanctions cripple supply of parts 

Fortune ngày 22/3/2022: Russia’s largest tank manufacturer may have run out of parts

The Jerusalem Post ngày 17/4/2022: Ukraine-Russia War: Sanctions shut down Russian SAM production plant-GUR 

Trung Quốc gửi tên lửa cho đồng minh của Nga là Serbia, thay thế cho S-300 của Nga

Các ứng dụng theo dõi chuyến bay đã quan sát thấy sáu máy bay không vận chiến lược Y-20 của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân (PLAAF) xâm nhập không phận Thổ Nhĩ Kỳ khi đang trên đường tới Serbia vào cuối tuần trước. Máy bay được cho là đang chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung HQ-22 mà quân đội Serbia đã đồng ý mua vào năm 2019, thay cho S-300 của Nga. Với việc chuyển giao này, Serbia là quốc gia đầu tiên ở Châu Âu khai thác tên lửa của Trung Quốc. Đây cũng là một trong những lần đầu tiên chiếc Y-20 – máy bay vận tải lớn nhất trong kho của PLAAF – xuất hiện ở Châu Âu. Các nhà phân tích thông tin tình báo nguồn mở cho rằng sứ mệnh này cũng nhằm mục đích kiểm tra và chứng minh năng lực không vận chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc. Y-20 có thiết kế và vai trò tương tự với C-17 Globemaster III do Mỹ chế tạo.

Xem thêm:

“Three of the six PLAAF 🇨🇳 Y-20As that flew to 🇷🇸 Serbia at Nikola Tesla Airport, Belgrade. 44.8238°, 20.2884°” / Twitter 

The War Zone ngày 9/4/2022: Half A Dozen Chinese Y-20 Cargo Jets Popped Up Over Europe Last Night (Updated) 

AP News ngày 10/4/2022: China makes semi-secret delivery of missiles to Serbia 

Defense News ngày 11/4/2022: China delivers anti-aircraft missiles to Serbia

AP News ngày 11/4/2022: China says ‘regular military supplies’ delivered to Serbia 

Không quân Ấn Độ hủy bỏ kế hoạch mua trực thăng Mi-17 V5 từ Nga để thúc đẩy sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ

Các nguồn tin chính phủ nói với India Today rằng quyết định rút lại gói thầu 48 máy bay trực thăng được đưa ra trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra và không liên quan gì đến bức tranh toàn cầu. Tuy nhiên, điều thú vị là thông tin được tiết lộ cho báo chí sau cuộc họp 2+2 giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ và Ấn Độ.

Xem thêm:

India Today ngày 16/4/2022: To boost Make in India, IAF cancels plans to buy 48 Mi-17 choppers from Russia 

Việc chuyển giao các thành phần tên lửa S-400 của Nga cho Ấn Độ có thể bị trì hoãn bởi chiến tranh Ukraine

Nga đã bắt đầu cung cấp các thành phần cấu thành hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumf cho Ấn Độ. Tổng cộng sẽ có tất cả 5 gói trong thương vụ tên lửa S-400 mà Nga bán cho Ấn Độ. Lần chuyển giao thứ hai được cho là có thể sẽ bị trì hoãn tới 3 tháng.

Hệ thống của Nga có khả năng tiêu diệt  các mục tiêu từ khoảng cách trên 400 km và về mặt kỹ thuật, có thể bao phủ hầu hết các căn cứ không quân lớn của Trung Quốc ở Tây Tạng hướng về phía Đông Ladakh. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã nhận được hệ thống S-400 của Nga và được cho là đã triển khai ở Tây Tạng.

Xem thêm:

Business Standard ngày 15/4/2022: Russia starts delivery of 2nd regiment of S-400 missile components to India 

The Print ngày 15/4/2022: Delivery of 2nd S-400 squadron from Russia set for 3-month delay due to war, simulators arrive 

The Times of India ngày 16/4/2022: Putin’s war delays delivery of second S-400 squadron

The Economic Times ngày 16/4/2022: s400: Russia delivers new systems for S-400  

Thương vụ tàu ngầm đầu tiên của Thái Lan với Trung Quốc bị mắc cạn

Công ty quốc tế Trung Quốc (CSOC) thuộc sở hữu nhà nước, đảm nhận việc chế tạo tàu ngầm cho Thái Lan, đã lên kế hoạch sử dụng động cơ của MTU Friedrichshafen, một nhà sản xuất động cơ lớn của Đức. Tuy nhiên, một bản tin của truyền thông Thái Lan hồi tháng 2 cho biết Đức đã từ chối chuyển động cơ cho Trung Quốc và công ty đóng tàu đã ngừng đóng tàu ngầm.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 12/4/2022: Thailand’s purchase of first Chinese submarine runs aground. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

​​Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu tiên tiến nhất tuần tra Biển Đông và Biển Hoa Đông

J-20, máy bay chiến đấu tàng hình mạnh nhất của Trung Quốc và được phát triển trong nước đã bắt đầu “tuần tra chiến đấu” ở Biển Hoa Đông và “tuần tra cảnh báo” ở Biển Đông trong các buổi huấn luyện định kỳ, theo truyền thông Trung Quốc.

Tờ Global Times trích lời các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết việc triển khai nhằm mục đích “bảo vệ tốt hơn an ninh không phận và các lợi ích hàng hải của Trung Quốc”.

Xem thêm:

Global Times ngày 13/4/2022: J-20 fighter jet starts routine training patrols in East, South China Seas

Janes ngày 14/4/2022: J-20 fighters start patrols in East, South China Seas 

CNN ngày 15/4/2022: China is sending its most advanced fighter jet to patrol disputed seas 

Trung Quốc tập trung nhiều tàu khu trục mạnh nhất khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận ngoài khơi bán đảo Triều Tiên

Bốn trong số các tàu khu trục lớn nhất và tiên tiến nhất của Trung Quốc đã được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển phía đông của Trung Quốc khi một nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc tập trận với Nhật Bản gần bán đảo Triều Tiên. Các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc, bao gồm tài khoản Weibo Eagle Eye on Military Vision, đã đăng tải hình ảnh của bốn con tàu trên biển, trong khi HI Sutton, một nhà phân tích tình báo quốc phòng, xác định chúng là bốn tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Type 055 Renhai ở vùng biển gần Thanh Đảo, trụ sở của Hạm đội Biển Bắc của Hải quân Trung Quốc.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 13/4/2022: China gathers most powerful destroyers as US carrier group holds exercise off Korean peninsula. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

Trung Quốc tập trận xung quanh Đài Loan “chuẩn bị cho giờ phút giải quyết vấn đề Đài Loan một cách dứt điểm”

Bộ Tư lệnh Chiến khu Đông của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hôm thứ Sáu đã tổ chức cuộc tập trận đa lực lượng, điều động lực lượng bao gồm tàu khu trục, tàu hộ vệ, máy bay ném bom và máy bay chiến đấu, đồng thời tiến hành các cuộc tập trận và tuần tra cảnh báo và diễn tập hiệp đồng tác chiến trong đó có tấn công trên biển, ở Biển Hoa Đông và các vùng biển và trên không xung quanh Đài Loan, trong bối cảnh một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang có chuyến thăm hòn đảo. Tờ Global Times dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc nói rằng cuộc diễn tập này không chỉ là lời cảnh báo tới Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, người vẫn có thể tới thăm Đài Loan sau khi phải hoãn vì bị nhiễm COVID-19. Cuộc diễn tập này đã vượt ra khỏi hình thức răn đe, chuẩn bị cho các hành động thực tế tiềm năng mà sẽ giải quyết câu hỏi Đài Loan dứt điểm một lần khi cần thiết.

Xem thêm:

Global Times ngày 15/4/2022: PLA drills around Taiwan targeted at US lawmakers’ visit, rehearse ‘real action’ once necessary 

Deutsche Welle ngày 15/4/2022: China conducts fresh military drills around Taiwan as warning for US ′bad actions′ 

Trung Quốc phát triển “áo choàng tàng hình” che giấu thiết bị khỏi radar vệ tinh do thám

Các nhà khoa học quân sự tại Đại học Kỹ thuật Không quân ở Tây An, tỉnh Thiềm Tây cho biết họ đã tạo ra “áo choàng tàng hình” có thể giúp che giấu thiết bị khỏi radar vệ tinh do thám.

Thiết bị mới là một mảnh vải có thể co giãn để vừa vặn gần như hoàn hảo trên nhiều loại vật dụng khác nhau như xe tăng, pháo hoặc đài radar.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 14/4/2022: Chinese military scientists say they have created ‘invisibility cloak’ that can help hide equipment from spy satellite radar. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Radar mới của Trung Quốc hướng về phía Nhật Bản

Một bức ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 2/2022 cho thấy Trung Quốc đã chế tạo một loại radar cảnh báo sớm tầm xa mới có thể được sử dụng để phát hiện tên lửa đạn đạo từ khoảng cách hàng nghìn dặm, có khả năng phủ sóng toàn bộ Nhật Bản.

Xem thêm:

Defense News ngày 18/4/2022: New Chinese radar looks toward Japan, satellite image shows

Nhật Bản được Đảng cầm quyền bật đèn xanh để phát triển năng lực tấn công căn cứ của kẻ thù

Ngày 11/4/2022, Ủy ban Nghiên cứu An ninh Quốc gia thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản thông báo LDP sẽ không phản đối đề xuất cho phép Nhật Bản phát triển “năng lực tấn công căn cứ của kẻ thù”. Sự thay đổi này sẽ đưa Tokyo vào cuộc đua phát triển tên lửa ở Châu Á. Đây được coi như một phần sửa đổi chiến lược an ninh quốc gia của nước này trong bối cảnh mối lo ngại ở Nhật Bản ngày càng tăng về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, vụ thử tên lửa của Triều Tiên và Trung Quốc đang ngày càng đạt được ưu thế trên biển. Một số thành viên của Uỷ ban Nghiên cứu muốn xác định năng lực tấn công hoàn toàn chỉ mang tính phòng thủ và về lâu dài, Nhật Bản đang cố gắng giảm bớt tính chất tự kiềm chế của quân đội vốn được mặc định sau Thế chiến II. 

Nhật Bản sẽ thảo luận về chiến lược an ninh quốc gia vào cuối tháng Tư.

Xem thêm:

RANE Worldview ngày 12/4/2022: Japan: Strike Capability Will Strengthen US Partner, Anger China and North Korea. Một bản PDF được lưu trữ tại đây.

Hải quân Hoa Kỳ tăng cường lực lượng tàu ngầm ở Guam để hỗ trợ các sứ mệnh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Hải quân Hoa Kỳ hiện có năm tàu ngầm đóng tại Guam – so với chỉ hai chiếc đóng tại đây vào tháng 11/2021. Các tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles Springfield và Annapolis đã chuyển đến Căn cứ Hải quân Guam vào tháng trước. Springfield trước đây đóng tại Căn cứ Liên hợp Trân Châu Cảng-Hickam ở Hawaii trong khi Annapolis đóng tại Căn cứ Hải quân Loma ở California.

Theo Bret Grabbe, phụ trách Phi đội tàu ngầm 15, việc tăng cường lực lượng tàu ngầm thể hiện cơ hội “hỗ trợ các sáng kiến và sứ mệnh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Xem thêm:

Navy ngày 10/4/2022: USS Annapolis Makes Fifth Submarine Homeported in Guam 

Navy Times ngày 15/4/2022: Navy bolsters submarine force in Guam to support Indo-Pacific missions 

Đài Loan mô phỏng cuộc tấn công trên không của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc

Quân đội Đài Loan đã điều các máy bay chiến đấu đến thủ đô của hòn đảo vào đầu ngày thứ Ba ngày 12/4/2022 cho một cuộc tập trận mô phỏng một cuộc tấn công trên không của Quân Giải phóng Nhân dân, trong khi một cuốn sổ tay sinh tồn được phát hành hướng dẫn người dân phải làm gì trong trường hợp bị pháo kích.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 12/4/2022: Taipei wakes to warplanes overhead as military drill simulates PLA attack. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Đài Loan xem xét việc bảo vệ tiền đồn chiến lược gần Trung Quốc

Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết họ đã hoàn thành thử nghiệm các hệ thống vũ khí được thiết kế để tăng cường năng lực phòng thủ của đảo Dongyin và đã yêu cầu các nhà lập pháp phê duyệt kế hoạch. Đảo Dongyin chỉ cách tỉnh Phúc Kiến ở Trung Quốc đại lục 30 dặm về phía đông và được coi là một trong những tiền đồn dễ bị tấn công nhất của Đài Loan trong trường hợp bị Bắc Kinh tấn công. Thiết bị này là một hệ thống phòng không tầm gần mà một số nhà phân tích cho rằng tương tự như hệ thống Phalanx của Mỹ được sử dụng để bảo vệ khỏi các mối đe dọa trên không hoặc trên mặt đất ở cự ly gần.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 13/4/2022: Taiwan to boost defences of tiny islet outpost Dongyin with short-range automated weapons. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Tài liệu tiết lộ 14 tỷ USD tồn đọng trong chuyển giao quốc phòng của Mỹ cho Đài Loan 

Tờ Defense News đã có được một bảng tính chi tiết các thiết bị tồn đọng, trong đó bao gồm 66 máy bay chiến đấu F-16 mà Đài Loan muốn mua, trị giá 8 tỷ USD, cũng như 620 triệu USD để thay thế các bộ phận sắp hết hạn sử dụng của Hệ thống tên lửa Patriot.

Xem thêm:

Defense News ngày 14/4/2022: Document reveals $14 billion backlog of US defense transfers to Taiwan 

Nhật Bản hiện đại hóa hạm đội để đương đầu với Trung Quốc

Tháng trước, Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản đã đưa vào sử dụng tàu hộ vệ JS Kumano, chiếc đầu tiên trong số các tàu hộ vệ đa năng lớp Mogami mới của nước này. Tàu được đóng tại cơ sở Mitsubishi Heavy Industries ở Tamano và là chiếc đầu tiên trong số 22 tàu được lên kế hoạch nhằm thay thế các tàu khu trục – hộ vệ lớp Abukuma và tàu khu trục hạng nhẹ lớp Asagiri đã già cỗi.

Với lượng giãn nước khoảng 3.900 tấn, các tàu hộ vệ mới có chỉ số radar thấp và sẽ cung cấp các năng lực mới, bao gồm các trang thiết bị hỗ trợ triển khai các tàu ngầm và tàu nổi không người lái, và được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng cho tên lửa biển đối không phục vụ năng lực tác chiến phòng không tầm trung. Chương trình đóng tàu lớp Mogami là chương trình mới nhất trong một loạt các dự án nâng cấp năng lực của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản, một trong những lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. 

Các tàu hộ vệ cũng được trang bị thiết bị thủy âm có độ sâu thay đổi và sonar mảng kéo cho các nhiệm vụ tác chiến chống tàu ngầm và sẽ có năng lực tác chiến mìn. Con tàu thứ hai, Mogami, do MHI đóng ở Nagasaki, sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay và chiếc thứ ba, Noshiro, sẽ được đưa vào hoạt động vào tháng 12.

Xem thêm:

USNI News ngày 11/4/2022: Japan Countering China’s Naval Build-up with Modern Fleet 

Máy bay chiến đấu Nhật gia tăng số lần đối đầu trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động gián điệp

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết số lần máy bay chiến đấu Nhật Bản phải triển khai nhanh và ngăn chặn máy bay Trung Quốc tiếp cận không phận là 1.004 lần trong năm 2021, tăng từ mức 725 lần một năm trước đó, và đạt mức cao kỷ lục thứ hai, trong bối cảnh các hoạt động tình báo của Trung Quốc gia tăng.

Xem thêm:

The Japan Times ngày 15/4/2022: Japan scrambled second most fighters on record in fiscal 2021 amid China spy activity. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Chính phủ bang New South Wales tài trợ cho năng lực phòng thủ dựa trên không gian

Chính phủ bang New South Wales của Úc đã phân bổ 500.000 AUD tài trợ cho “công nghệ tiên tiến nhất” giám sát các vệ tinh mục tiêu từ không gian.

Xem thêm:

Defence Connect ngày 13/4/2022: NSW government funds space-based defence capability

———-

IV- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

Chuyên gia tình báo mở thân thuộc của Điện Kremlin giúp Nga thực hiện các kế hoạch ở Myanmar

Andrei Masalovich, một cựu nhân viên an ninh truyền thông, người đã trở thành chuyên gia tình báo nguồn mở (OSINT) riêng cho bộ máy an ninh Nga, đã tiếp tục thực hiện một chuyến đi khác đến Đông Nam Á, một điểm đến mang tính chiến lược cao của Moscow.

Hệ thống Avalanche của Masalovich thuộc doanh nghiệp tư nhân ​​Lavina Pulse vốn được các cơ quan thực thi pháp luật và chính quyền Nga sử dụng để theo dõi dư luận và chống lại các mối đe dọa khủng bố, cho phép giám sát liên tục, tự động các phương tiện truyền thông xã hội, các kênh Telegram và darknet (mạng đen). Lavina Pulse cũng đã phát triển một hệ thống thương mại, được gọi là AVL LIGHT, để giám sát về khía cạnh cạnh tranh và danh tiếng. Masalovich cũng điều hành OSINT và công ty tư vấn an ninh kinh tế Masalovich & Partners cùng với Alexander Essaulov, một cựu phân tích gia của phong trào chính trị Mặt trận Nhân dân toàn Nga, được thành lập vào năm 2011 bởi Thủ tướng khi đó là Vladimir Putin.

Xem thêm:

Intelligence Online ngày 13/4/2022: Kremlin’s favourite OSINT expert helps Russian plans in Myanmar 

Quân đội Myanmar đốt cháy làng mạc ở trung tâm, tìm cách tiêu diệt quân phản kháng

Bin là một trong số hơn 100 ngôi làng bị quân đội Myanmar đốt cháy một phần hoặc hoàn toàn kể từ đầu năm nay. Các ngôi nhà ở đây nằm trong số hơn 5.500 tòa nhà dân sự bị san bằng khi quân đội cố gắng trấn áp phe phản đối cuộc đảo chính năm ngoái, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông được thu thập bởi một nhóm các nhà hoạt động có tên  Dữ liệu cho Myanmar. Hàng chục hình ảnh vệ tinh được Reuters xem xét, do công ty chụp ảnh trái đất Planet Labs của Hoa Kỳ và cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ NASA cung cấp, cũng cho thấy lửa cháy lan rộng tại các ngôi làng ở miền trung nước này.

Xem thêm:

Reuters ngày 14/4/2022: Troops burn villages in Myanmar heartland, seek to crush resistance

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN

Hôm 16/4/2022, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ đón các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tham dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào ngày 12 và 13 tháng 5 tới, một sự kiện đã bị hoãn lại vào tháng trước.

Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết cuộc họp giữa Mỹ với ASEAN sẽ “dựa trên” hội nghị thượng đỉnh tháng 10/2021 với 10 quốc gia. Tại cuộc họp năm ngoái, Biden đã công bố 102 triệu USD trong các sáng kiến tập trung vào khu vực nhắm mục tiêu phục hồi Covid-19, khủng hoảng khí hậu, tăng trưởng kinh tế và bình đẳng giới.

Thông cáo Nhà Trắng cũng nhấn mạnh “ưu tiên hàng đầu” đối với chính quyền Mỹ là đóng vai trò là một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy ở Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Azmin Ali sẽ có chuyến công du tới Washington vào tháng Năm, tại đây Hoa Kỳ và Malaysia có kế hoạch ký một bản ghi nhớ để củng cố năng lực phục hồi của chuỗi cung ứng. Vào tháng 6, Thứ trưởng phụ trách thương mại quốc tế của Mỹ, Marisa Lago, sẽ dẫn đầu một phái đoàn thương mại năng lượng sạch đến Indonesia, Việt Nam và có khả năng là Philippines để tìm kiếm cơ hội cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong khu vực. Vào giữa tháng 6, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dự kiến sẽ cử đại diện cấp cao tới Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Xem thêm:

Nhà Trắng ngày 16/4/2022: Statement by Press Secretary Jen Psaki on US-ASEAN Special Summit 

CSIS ngày 14/4/2022: The Latest on Southeast Asia: April 14, 2022 

Thủ tướng Nhật Bản dự định thực hiện chuyến công du tới Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Anh vào cuối tháng Tư

Trong chuyến đi này, Thủ tướng Fumio Kishida hy vọng sẽ thu hẹp sự khác biệt giữa cách tiếp cận của phương Tây và Đông Nam Á đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Trọng tâm của chuyến thăm của ông là mức độ hợp tác mà ông có thể thu hút được từ các nước Đông Nam Á, bao gồm cả các lệnh trừng phạt chống lại Nga.

Xem thêm:

The Japan Times ngày 15/4/2022: On Golden Week tour, Kishida aims to bridge gaps between Asia and West on Ukraine. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

———-

V- CUỘC HỌP G-20

Mỹ phản đối sự tham dự của Nga, Nga yêu cầu Brazil hỗ trợ

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương từ các nước G-20 sẽ họp vào ngày 20/4/2022 tại Washington, dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề tài chính toàn cầu trong đó có vấn đề lạm phát gia tăng. Căng thẳng giữa các đại diện của Mỹ và Nga có thể xuất hiện, vì Washington đã tuyên bố phản đối sự tham dự của Nga trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine.

Theo Reuters, Nga đã yêu cầu Brazil hỗ trợ để không bị trục xuất khỏi Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Nhóm G-20. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silunaov đã gửi một lá thư tới Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes yêu cầu Brazil “hỗ trợ để ngăn chặn các cáo buộc chính trị và nỗ lực phân biệt đối xử trong các tổ chức tài chính quốc tế và diễn đàn đa phương.” Trong lá thư, Silunaov nói rằng Mỹ và các đồng minh đang cố gắng trục xuất Nga khỏi quá trình ra quyết định quốc tế. Phản hồi lá thư, Thư ký phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế của Bộ Kinh tế Brazil Erivaldo Gomes bày tỏ một số sự ủng hộ đối với sự hiện diện của Nga tại các tổ chức đa phương và nói rằng: “Theo quan điểm của Brazil … giữ đối thoại cởi mở là điều cần thiết. Các cơ quan quốc tế là những cây cầu kết nối chúng ta và theo đánh giá của chúng tôi, những cây cầu này phải được duy trì.”

Xem thêm:

Reuters ngày 14/4/2022: Russia asks Brazil to help keep sway at IMF, World Bank

Trung Quốc nỗ lực gạt vấn đề Ukraine ra khỏi chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh G-20

Lãnh đạo và các nhà ngoại giao Trung Quốc – bao gồm cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Vương Nghị – đang nỗ lực vận động nước chủ nhà Indonesia để đưa vấn đề Ukraine ra khỏi chương trình nghị sự hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Bali năm nay, South China Morning Post đưa tin. Theo Bắc Kinh, G-20 là diễn đàn để thảo luận về các vấn đề kinh tế sau đại dịch và không nên bị chiếm bởi “chương trình nghị sự phương Tây”.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 19/3/2022: China tries to stop questions about Ukraine stance by asking G20 not to discuss war. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

———-

VI- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Công ty Trung Quốc đẩy mạnh mua đảo chiến lược của nước ngoài

Bài điều tra của Financial Times chỉ ra một số công ty tư nhân Trung Quốc đang tìm cách ký các hợp đồng thuê đất dài hạn ở một số địa điểm mang tính chiến lược trên khắp Thái Bình Dương, từ Campuchia, Philippines tới Quần đảo Solomon hay El Salvador. Trong số đó, một số công ty có quan hệ với chính phủ Trung Quốc, như công ty muốn thuê đất tại Solomon có quan hệ với Bộ An ninh Quốc gia và Bộ Quốc phòng. Ở một số thương vụ, như tai El Salvador người Hoa tại nước ngoài cũng có vai trò đáng kể. Các khu vực mà công ty Trung Quốc muốn thuê cũng có vị trí chiến lược. Đảo Fuga của Philippines ở eo biển Luzon án ngữ lối ra vào Biển Đông, trong khi Quần đảo Solomon là quốc gia có thể sắp ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc, theo các tài liệu mới được tiết lộ.

Xem thêm:

Financial Times ngày 11/4/2022: The Chinese companies trying to buy strategic islands.. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Trung Quốc và Nga cùng các thành viên BRICS kêu gọi tôn trọng “quan ngại an ninh chính đáng”, được ngầm hiểu là của Nga, không kêu gọi chấm dứt chiến tranh

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các nước BRICS – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – “quan ngại sâu sắc” về tình hình tại Ukraine, bày tỏ ủng hộ chủ nghĩa đa phương, tuân thủ hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng quan ngại an ninh chính đáng của mọi quốc gia, ủng hộ Nga và Ukraine tiếp tục đối thoại, cũng như bày tỏ quan ngại về tác động các các lệnh trừng phạt đơn phương.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/4/2022: BRICS Countries Clarify Common Position on the Ukraine Issue

Trung Quốc khai thác từ mỏ mới ở Biển Đông

Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) hôm 8/4/2022 thông báo bắt đầu sản xuất từ dự án phát triển mỏ dầu Weizhou 12-8E ở Vịnh Bắc Bộ. Ở mỏ này, CNOOC nắm 51% cổ phần, trong khi các đối tác bao gồm Roc Oil, Horizon Oil và Oil Australia.

Xem thêm:

Rigzone ngày 11/4/2022: CNOOC Brings Online One More South China Sea Oilfield

Tập Cận Bình thăm Viện Hải dương học Tam Á trong chuyến thị sát Hải Nam

Trong chuyến thăm Viện Hải dương học Tam Á, Đại học Hải dương Trung Quốc hôm 13/4/2022, ông Tập đã tìm hiểu về sự phát triển và ứng dụng của thiết bị quan sát đại dương và hệ thống dịch vụ thông tin kết nối với giàn khoan Biển sâu số 1, theo Tân Hoa Xã. Ông đã nói chuyện với “các nhân viên tiền tuyến” và nhấn mạnh rằng xây dựng cường quốc hàng hải là một nhiệm vụ chiến lược lớn nhằm thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc. Cần phát huy cao độ tính tự lực, tự cường trong khoa học và công nghệ biển, tăng cường nghiên cứu khoa học và công nghệ gốc, đi đầu, nắm chắc thiết bị do mình tự chế tạo, nỗ lực sử dụng thiết bị để phát triển dầu mỏ và tài nguyên khí đốt, tăng khả năng tự cung tự cấp năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

“Chúng ta đã đạt được một xã hội thịnh vượng vừa phải về mọi mặt và sẽ tiếp tục thúc đẩy thịnh vượng chung cho tất cả người dân trong quá trình phát triển một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại,” ông Tập nói tại quảng trường công cộng, kêu gọi những nỗ lực vững chắc nhằm củng cố các thành tựu xóa đói giảm nghèo và gắn kết chúng với sự tiến bộ đầy đủ của quá trình hồi sinh nông thôn.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 13/4/2022: Xi stresses building Chinese free trade port with global influence

People’s Daily ngày 14/4/2022: 习近平在海南考察时强调

Tình hình xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 3: Nhập khẩu giảm và xuất khẩu tăng, nhưng xuất khẩu sang Nga đạt mức thấp nhất trong hai năm

 Nhập khẩu của Trung Quốc giảm 0,1% trong tháng 3 so với tháng 3/2021, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 8% được dự báo trong cuộc thăm dò của Reuters. Nhập khẩu nhiên liệu giảm mạnh do nhập khẩu dầu thấp hơn 14%. Tuy nhiên, nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã tăng 26,4% so với năm ngoái, trong đó nhập khẩu khí đốt tự nhiên tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu trong tháng 3 của Trung Quốc tăng 14,7%, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga trong tháng 3 chỉ đạt 3,8 tỷ USD, ít hơn 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.

Theo phân tích của RANE Worldview, Trung Quốc dường như vẫn đang duy trì các không gian cho thương mại với Nga có lợi cho các kế hoạch kinh tế của Bắc Kinh trong năm 2022, ví dụ như an ninh năng lượng. Nhưng mặt khác Trung Quốc cũng hạn chế thương mại với Nga nhằm giảm nhẹ rủi ro bởi các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp dụng nhằm phản ứng với việc Nga xâm lược Ukraine. Trong khi đó, những tác động có hại đối với tình hình xuất khẩu do Thượng Hải bị phong toả vì dịch bệnh sẽ thể hiện mạnh hơn vào tháng 4. Nhập khẩu nhiên liệu từ Nga có thể bị tụt lại trong những tháng tới, nhưng giá tăng và nhu cầu tăng cường an ninh năng lượng sẽ chống lại áp lực này.

Các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo trái phiếu Trung Quốc ở tốc độ kỷ lục

Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán bớt lượng trái phiếu Trung Quốc mà họ đang nắm giữ với tốc độ kỷ lục vào tháng 3 trong bối cảnh lợi thế về lợi suất của nước này so với Hoa Kỳ không còn nữa, cùng những lo ngại về rủi ro địa chính trị. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho biết họ kỳ vọng dòng vốn sẽ tiếp tục trở lại trong quý II.

Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 3,88 nghìn tỷ nhân dân tệ (609 tỷ USD) trái phiếu trên thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc tính đến cuối tháng 3, ít hơn 12,5 tỷ so với cuối tháng 2. Đây là tháng giảm thứ hai kể từ tháng Hai.

Xem thêm: 

Caixin Global ngày 13/4/2022: Foreign Investors Cut China Bond Holdings at Record Pace 

Tập đoàn dầu khí hàng đầu Trung Quốc chuẩn bị rút khỏi phương Tây vì lo ngại các lệnh trừng phạt

Nhà sản xuất dầu khí hàng đầu của Trung Quốc CNOOC Ltd. đang chuẩn bị rút khỏi Anh, Canada và Mỹ, vì những lo ngại ở Bắc Kinh rằng tài sản của tập đoàn có thể bị phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt trong bối cảnh Trung Quốc từ chối phê phán Nga xâm lược Ukraine.

Xem thêm:

Reuters ngày 13/4/2022: Exclusive: China’s oil champion prepares Western retreat over sanctions fear 

Thượng Hải phong tỏa làm dấy lên nỗi lo về chuỗi cung ứng toàn cầu

Bài viết chỉ ra việc ngưng trệ sản xuất do phong tỏa tại vùng Thượng Hải – bao gồm Côn Sơn, một trong những khu vực sản xuất hàng điện tử lớn nhất thế giới – gây ra lo ngại với cả nền kinh tế Trung Quốc lẫn thế giới, không chỉ ngành điện tử mà cả một số ngành khác.

Xem thêm:

Financial Times ngày 13/4/2022: Shanghai lockdown stokes global supply chains anxiety. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Phong toả ở Thượng Hải tác động tiêu cực tới chuỗi cung ứng công nghệ

Đối với các nhà sản xuất chip ở Thượng Hải, một thách thức nghiêm trọng là đảm bảo việc vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm. Dịch vụ xe tải đường dài và luồng hậu cần ở các khu vực xung quanh Thượng Hải đã bị cắt giảm đáng kể do các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid. Nhiều bộ phận và linh kiện được sử dụng bởi các xưởng đúc và các công ty thiết bị bán dẫn dựa vào hàng nhập khẩu thông qua Cảng Thượng Hải. Wang Xiaolong ở công ty nghiên cứu ngành chip ICwise cho biết một khi hậu cần bị chặn, tác động sẽ lan rộng ra toàn bộ phía đông của Trung Quốc và thậm chí cả nước.

Xem thêm:

Caixin ngày 14/4/2022: Shanghai’s Covid Lockdown Forces Scramble by Tech Supply Chain 

Cuộc chiến tại Ukraine tác động tới các tuyến đường sắt tới Châu Âu của Trung Quốc

Các tuyến đường sắt nối Trung Quốc với châu Âu đang đứng trước thách thức lớn vì cuộc chiến tại Ukraine, khi hầu hết chúng đều đi qua Nga. Vấn đề này còn làm dấy lên câu hỏi về số phận của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong xây dựng cơ sở hạ tầng ở nhiều quốc gia. Trước thách thức này, Trung Quốc có thể tập trung vào tuyến đường qua Trung Á, vùng biển Caspi, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng gặp phải hạn chế về khả năng vận chuyển, trong khi tuyến đường qua cảng Gwadar của Pakistan cần thêm thời gian để hoàn thành.

Xem thêm:

VOA ngày 15/4/2022: War in Ukraine Challenging China’s Train Routes to Europe

Trung Quốc quyết giữ chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền về “Zero Covid-19”

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 13/4/2022 cảnh báo nước này không thể dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch và cần gắn chặt với nguyên tắc “đặt người dân và tính mạng lên trước”, theo South China Morning Post. Sau phát biểu này, truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục đăng các bài bình luận theo hướng Trung Quốc không thể thay đổi chính sách “Zero Covid-19”, nhấn mạnh đến các thiệt hại mà hệ thống y tế nước này có thể phải gánh chịu.

Xem thêm:

SCMP ngày 14/4/2022: Chinese state media says country must stick to zero-Covid policies as Shanghai cases continue to rise. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Financial Times ngày 14/4/2022: China escalates zero-Covid propaganda effort as experts warn of economic damage. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngày 15/4/2022 tuyên bố tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng sẽ được cắt giảm 0,25 điểm phần trăm. Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 25/4.

Trước đó, ngày 13/4, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố các chính sách tiền tệ, bao gồm cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, cần được áp dụng  “đúng lúc”.

Xem thêm:

Reuters ngày 15/4/2022: China cuts reserve requirements for banks as economy slows

Reuters ngày 13/4/2022: China set to loosen credit but economic woes may be too deep for quick turnaround

Xoay sở chống đỡ vũ khí tài chính của phương Tây, Bắc Kinh muốn xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế của riêng mình

“Chúng tôi bị sốc”, Yu Yongding, một nhà kinh tế nổi tiếng và là cựu cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói với Nikkei Asia, đề cập đến việc dự trữ của Nga ở nước ngoài bị đóng băng. “Chúng tôi không bao giờ mong đợi rằng một ngày nào đó Mỹ sẽ đóng băng dự trữ ngoại tệ của một quốc gia. Và hành động này về cơ bản đã làm suy yếu uy tín quốc gia trong hệ thống tiền tệ quốc tế.”

Trong một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh vào tháng 3, Guo Li, phó hiệu trưởng Trường Luật Đại học Bắc Kinh, nói rằng để chống lại các lệnh trừng phạt tài chính, đặc biệt là từ Mỹ, Trung Quốc nên thành lập các ngân hàng đặc biệt hoặc sử dụng hệ thống trao đổi hàng hoá trực tiếp không qua tiền tệ đối với các doanh nghiệp liên quan đến lệnh trừng phạt trong ngắn hạn, thúc đẩy CIPS và đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong trung hạn và nỗ lực xóa bỏ quyền bá chủ tài chính của đồng USD trong dài hạn.

Một cựu quan chức cấp cao của ngân hàng trung ương Trung Quốc nói với Nikkei rằng các đường dây chuyên dụng cho thanh toán xuyên biên giới và giữa đại lục, Hồng Kông và Macao cũng có thể là một lựa chọn để ngăn chặn sự xuất hiện của các giao dịch quốc tế với Hoa Kỳ.

“Đồng thời, các giám đốc Trung Quốc tại SWIFT có thể liên kết với các giám đốc khác để thúc đẩy cải cách quản trị của SWIFT nhằm hạn chế cánh tay tài phán nối dài của Hoa Kỳ”, vị quan chức này nói, nhưng đề nghị ẩn danh vì không được phép thảo luận về chủ đề.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 13/4/2022: China scrambles for cover from West’s financial weapons 

‘Thung lũng Silicon’ của Trung Quốc vượt qua New York để trở thành quê hương của các tỷ phú

Theo Danh sách người giàu toàn cầu của Hurun, một bảng xếp hạng hàng năm do một công ty tư nhân có trụ sở tại Thượng Hải tổng hợp, Bắc Kinh là nơi có số lượng tỷ phú nhiều nhất thế giới với 144 người, tiếp theo là Thượng Hải với 121 người. Có 113 tỷ phú ở Thâm Quyến, so với 110 ở New York, trong khi London đứng thứ năm với 101 người.

Xem thêm:

NBC News ngày 9/4/2022: China’s ‘Silicon Valley’ surpasses New York as home for billionaires 

Trung Quốc sử dụng phần mềm AI để cải thiện năng lực giám sát 

Theo hơn 50 tài liệu chính phủ được công khai mà Reuters kiểm tra, trong 4 năm qua, đã có hàng chục đơn vị ở Trung Quốc mua phần mềm sử dụng trí tuệ nhân tạo để sắp xếp dữ liệu thu thập được về cư dân, được gọi là “một người, một tệp hồ sơ”. Ít nhất bốn trong số những người tham gia đấu thầu cho biết phần mềm sẽ có thể lấy thông tin từ các tài khoản mạng xã hội của cá nhân. Một nửa số người tham gia đấu thầu cho biết phần mềm này sẽ được sử dụng để biên dịch và phân tích các chi tiết cá nhân như họ hàng, vòng kết nối xã hội, hồ sơ xe cộ, tình trạng hôn nhân và thói quen mua sắm.

Xem thêm:

Reuters ngày 8/4/2022: China uses AI software to improve its surveillance capabilities 

———-

VII- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Úc đầu tư 1,1 tỷ USD xây dựng cảng mới ở Darwin để ngăn chặn mối đe dọa từ Trung Quốc

Australia sẽ xây dựng một cảng mới trị giá 1,5 tỷ đô la Úc (1,1 tỷ USD) ở Darwin để thúc đẩy xuất khẩu khí đốt và các khoáng sản quan trọng, nhằm cạnh tranh với cảng chính của thành phố đã được cho một công ty Trung Quốc thuê vào năm 2015 trong một hợp đồng gây tranh cãi bởi những mối lo ngại về an ninh quốc gia.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 12/4/2022: Australia to Fund $1.1 Billion Darwin Port to Stem China Threat. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

EU thông báo hội nghị thượng đỉnh Global Gateway

Hôm thứ Hai ngày 11/4/2022, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo một hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến cơ sở hạ tầng và dự án Cổng toàn cầu (Global Gate) nhằm cạnh tranh Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc sẽ được tổ chức vào tháng Sáu. Dự kiến sẽ có khoảng 2.500 người đến Brussels tham dự sự kiện này. 10.000 người khác dự kiến sẽ tham gia trực tuyến trong khuôn khổ Những ngày phát triển châu Âu (EDD). Chính quyền Brussels vẫn để ngỏ danh sách chính xác những người tham gia. Ủy ban Châu Âu cũng muốn xem xét lại chiến lược huy động đầu tư cho Global Gateway tại hội nghị thượng đỉnh này. Ủy ban EU đã công bố kế hoạch huy động khoảng 300 tỷ euro. Một phần lớn trong số này sẽ được cung cấp bởi khu vực tư nhân. Brussels dự định sẽ giới thiệu những dự án cụ thể đầu tiên do Global Gateway tài trợ vào giữa năm nay.

Xem thêm:

Uỷ ban Châu Âu ngày 11/4/2022: Global Gateway: President von der Leyen announces major event on 21-22 June

———-

VIII- QUAN HỆ MỸ – TRUNG

Synopsys bị điều tra về cáo buộc cung cấp công nghệ quan trọng cho các công ty Trung Quốc

Synopsys Inc., nhà cung cấp phần mềm lớn nhất được sử dụng để thiết kế chất bán dẫn, đang bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra về khả năng đã chuyển giao công nghệ quan trọng cho các công ty Trung Quốc nằm trong danh sách cấm của Hoa Kỳ. Các nhà điều tra đang xem xét các cáo buộc rằng Synopsys, làm việc với các chi nhánh ở Trung Quốc, đã cung cấp thiết kế chip và phần mềm cho đơn vị HiSilicon của Huawei Technologies Co. để sản xuất tại Semiconductor Manufacturing International Corp. Các công ty Hoa Kỳ bị cấm bán một số loại công nghệ cho Huawei và SMIC vì những công ty này đã bị Cục An ninh và Công nghiệp của Bộ Thương mại chỉ định là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 13/4/2022: Synopsys Faces Allegations It Gave Chip Tech to Huawei, SMIC. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Giám đốc Cơ quan Tình báo Mỹ gọi Trung Quốc là “thử thách khó khăn nhất mà CIA từng phải đối mặt”

Burns gọi Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu, là “một đối tác thầm lặng trong cuộc xâm lược của Putin” và nói rằng nước này đặt ra “thách thức lớn nhất” đối với Mỹ và là “thử thách khó khăn nhất mà CIA từng phải đối mặt.”

Xem thêm: 

CBS News ngày 14/4/2022: CIA Director William Burns decries Russia’s “horrific” crimes in Ukraine, calls out China as “silent partner in Putin’s aggression”

———-

IX- TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU CỦA CUỘC CHIẾN NGA – UKRAINE

Nguy cơ chiến tranh sẽ kéo dài

Putin nói con đường đối thoại đã chết, quyết theo đuổi chiến tranh

Tổng thống Nga Putin nói rằng đàm phán với Ukraine đã đi “vào ngõ cụt”, bác bỏ các cáo buộc về thảm sát Bucha và thản nhiên nói đó là dàn dựng bất chấp những bằng chứng được thu thập bởi các phương pháp điều tra khoa học, khách quan bởi nhiều tổ chức độc lập khác nhau. Ông Putin cũng nhân cơ hội này bộc lộ quyết tâm theo đuổi chiến tranh và muốn bằng mọi giá giành được chiến thắng vào ngày 9/5, là ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít Đức.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về chủ nghĩa phát xít, diệt chủng, những người dành cả đời đấu tranh chống lại sự phủ nhận Holocaust, đã khẳng định rằng Chính phủ Nga đã “xúc phạm sâu sắc đến ký ức của hàng triệu nạn nhân của Chủ nghĩa quốc xã và những người đã can đảm chiến đấu chống lại nó, bao gồm cả những người lính Hồng quân Nga và Ukraine” khi lạm dụng thuật ngữ diệt chủng, lợi dụng ký ức về Chiến tranh Thế giới thứ hai để biện minh cho hành động xâm lược vô cớ. 

Xem thêm:

TASS ngày 12/4/2022: Russia, Belarus must enhance integration amid West’s sanction war — Putin

TASS ngày 12/4/2022: Talks with Kiev and provocation in Bucha: what Putin, Lukashenko discussed

Bloomberg ngày 12/4/2022: Putin Says Ukraine Talks ‘at Dead End’, Vows to Pursue War. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Dự án Đại Sự Ký  Đông ngày 21/3/2022: Tuyên Bố Của Các Học Giả Nghiên Cứu Về Nạn Diệt Chủng, Chủ Nghĩa Quốc Xã và Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai 

Biden gọi Chiến tranh ở Ukraine là ‘Diệt chủng’

Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên sử dụng từ “diệt chủng” khi đề cập đến cuộc chiến Ukraine. Phát biểu với các phóng viên tại Iowa sau một bài phát biểu, ông Biden nói “Tôi gọi đó là tội diệt chủng vì ngày càng rõ ràng rằng (Tổng thống Nga Vladimir) Putin đang cố gắng xóa sổ ngay cả ý tưởng là người Ukraine. Bằng chứng cho điều này đang ngày càng tăng lên.”

Xem thêm:

The Washington Post ngày 12/4/2022: Biden calls Russia’s war in Ukraine a ‘genocide’. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Lầu Năm Góc gặp gỡ các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Hoa Kỳ

Lầu Năm Góc đã yêu cầu 8 trong số các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ gặp mặt để thảo luận về khả năng sản xuất và chuỗi cung ứng cung cấp cho Ukraine nhằm chuẩn bị cho khả năng cuộc chiến có thể kéo dài. Mỹ đặc biệt quan tâm đến tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger. 

Xem thêm:

Reuters ngày 12/4/2022: ​Pentagon asks top 8 U.S. weapons makers to meet on Ukraine -sources

Defense News ngày 13/4/2022: Pentagon leaders to meet Wednesday with top defense contractors about Ukraine 

Các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu gặp gỡ tại DC để thảo luận về an ninh lương thực

Tại cuộc họp với các nhà lãnh đạo từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các quốc gia G7 và G20, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen  đã kêu gọi các nhà lãnh đạo tài chính thế giới cần có hành động cụ thể chống lại cuộc khủng hoảng đang rình rập về tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn cầu mà cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến tình thế còn tồi tệ hơn. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đang khiến giá lương thực tăng cao và sự thiếu hụt một số nguồn cung cấp như lúa mì, trong đó Nga và Ukraine chiếm 14% nguồn cung lúa mì toàn cầu. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc dự đoán rằng số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực có thể tăng từ 8 triệu lên 13 triệu người vào năm 2023.

Anna Nagurney, một chuyên gia quản lý khủng hoảng tại Đại học Massachusetts Amherst, dự đoán các quốc gia chưa có sự hỗ trợ rõ ràng cho Ukraine – chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ – sẽ nhận ra rằng tình trạng mất an ninh lương thực từ một cuộc chiến kéo dài ở Ukraine sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định quốc gia của chính họ và phúc lợi của công dân của họ.

Xem thêm:

AP News ngày 20/4/2022: Global finance meeting focuses on war-driven food insecurity 

Tổ chức Thương mại Thế giới: Xung đột Ukraine khiến việc phục hồi thương mại toàn cầu gặp rủi ro

Tổ chức Thương mại Thế giới cho biết, cuộc chiến ở Ukraine không chỉ tạo ra những đau khổ to lớn cho con người mà còn đang khiến sự phục hồi vốn dĩ mong manh của thương mại toàn cầu gặp rủi ro và tác động sẽ xảy ra trên toàn hành tinh.

Xem thêm:

United Nations ngày 12/4/2022: Ukraine conflict putting global trade recovery at risk: WTO

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 3,6% do chiến tranh của Nga

Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm thứ Ba ngày 20/4/2022 đã hạ thấp triển vọng của nền kinh tế thế giới trong năm nay và năm tới, chỉ trích cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu, đẩy giá dầu lên cao, đe dọa nguồn cung cấp lương thực và gia tăng sự không bất ổn vốn đã tồn tại bởi đại dịch COVID-19 và các biến thể của nó.

Xem thêm:

AP News ngày 20/4/2022: Citing Russia’s war, IMF cuts global growth forecast to 3.6%  

———-

X- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

Heather Ashby: Cách Điện Kremlin bóp méo Nguyên tắc “Trách nhiệm Bảo vệ”

Trong cuộc chiến Nga nhằm vào Ukraine, một trong những lời biện minh của Moscow cho hành động xâm lược là bảo vệ người dân tộc Nga khỏi bị phân biệt đối xử ở nước ngoài, dựa theo nguyên tắc “Trách nhiệm bảo vệ” (R2P) của Liên Hợp Quốc.

Nguyên tắc R2P, được Liên Hợp Quốc thông qua năm 2005, bao gồm ba trụ cột chính: (i) Mỗi ​​quốc gia có trách nhiệm bảo vệ dân thường của mình khỏi các tội ác tàn bạo hàng loạt; (ii) Cộng đồng quốc tế có trách nhiệm hỗ trợ các quốc gia đáp ứng trách nhiệm bảo vệ này; (iii) Khi một quốc gia không bảo vệ được dân thường của mình, cộng đồng quốc tế nên chuẩn bị để cùng nhau thực hiện các hành động thích hợp phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc. 

Bài viết chỉ ra rằng, sau thỏa thuận nhất trí của Liên Hợp Quốc về nguyên tắc R2P, Nga đã có thêm lý do để biện minh cho sự can thiệp quân sự của mình bằng cách miêu tả người Nga ở các nước hậu Xô Viết là những nhóm dễ bị tổn thương. Sự bóp méo của Nga đối với R2P chủ yếu tập trung vào hai trụ cột của nguyên tắc và bỏ qua trụ cột ba là làm việc theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và thông qua hành động tập thể với các quốc gia khác. Tiêu biểu như, Nga đã viện dẫn R2P khi sử dụng vũ lực ở Gruzia, điều này thiết lập một tiền lệ nguy hiểm.

Trong cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine hiện nay, các nhà lãnh đạo do Nga hậu thuẫn ở Donetsk đã tuyên truyền tình trạng bạo lực ở miền đông Ukraine. Putin cũng tuyên bố rằng Nga đang bảo vệ cộng đồng người Nga tại Ukraine khỏi nạn diệt chủng. Tuy nhiên,  ngày 16/3/2022, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra phán quyết sơ bộ xác định Nga không có căn cứ để tấn công Ukraine dựa trên cáo buộc diệt chủng và ra lệnh cho Nga ngừng các hoạt động quân sự ở Ukraine và ngừng hỗ trợ các lực lượng vũ trang ở miền Đông Ukraine. 

Tác giả khẳng định hành động của Nga sẽ khiến Liên Hợp Quốc và các nước thành viên cần ngăn chặn sự bóp méo nguyên tắc R2P như một cái cớ cho hành động xâm lược quân sự không kiềm chế. Bài viết đề xuất, Ukraine nên theo đuổi trách nhiệm giải trình các tội ác của Nga thông qua các ủy ban và tòa án quốc tế, như Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt theo phán quyết sơ bộ của ICJ. Cuối cùng, các tổ chức quốc tế cần bác bỏ các tuyên bố diệt chủng của Nga, nhằm ngăn chặn tiền lệ xấu do Nga tạo nên. 

Xem thêm:

United States Institute of Peace, ngày 7/4/2022: How the Kremlin Distorts the ‘Responsibility to Protect’ Principle | United States Institute of Peace 

Ian Hill: Hiệu ứng toàn cầu từ chiến tranh ở Ukraine

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm thay đổi cuộc chơi địa chính trị, không chỉ ở Châu Âu mà còn xa hơn thế. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã làm hồi sinh NATO với một ý thức mới về mục đích và sự thống nhất. Quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga dựa trên gắn kết bởi chung nền chính trị độc tài, nhưng mặc dù ngoài mặt tuyên bố đây là quan hệ “không có giới hạn”, mối quan hệ này vẫn đầy tính đề phòng, nặng về giao dịch – và ngày càng bất cân xứng theo hướng có lợi cho Bắc Kinh. Lập trường tương đối trung lập của Ấn Độ về cuộc xung đột Ukraine đã khiến Moscow hài lòng nhưng khiến phương Tây thất vọng. Về lâu dài, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ chỉ khuyến khích toàn cầu chuyển hướng sang đối đầu chính trị và chủ nghĩa dân tộc kinh tế.

Xem thêm:

The Strategist ngày 13/4/2022: The global fallout from war in Ukraine 

Rachel Ziemba: Nền kinh tế Nga đã điều chỉnh thích ứng với các lệnh trừng phạt. Nhưng điều đó không có nghĩa Moscow đang chiến thắng trong cuộc chiến tài chính

Trong những ngày qua, đã có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Nga đang dần thích ứng được với các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt mà phương Tây đặt ra để đáp trả việc Nga xâm lược Ukraine. Giá trị đồng rúp đã tăng trở lại, căng thẳng với ngân hàng nội địa đã giảm bớt. Chính phủ Nga tiếp tục thanh toán được các khoản nợ và vẫn bán được phần lớn dầu, v.v… Những hoạt động này phần nào phản ánh kỹ năng kỹ trị của các quan chức phụ trách chính sách kinh tế Nga, sự bền bỉ của nguồn thu từ năng lượng (nguồn thu quan trọng nhất của Nga), và một kiểu thích ứng rộng rãi với các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên những điều chỉnh này không phải là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ và các đồng minh đang thua trong cuộc chiến kinh tế chống lại Nga. Ít nhất là chưa. Thay vào đó, chúng là lời nhắc nhở rằng nỗ lực áp đặt chi phí kinh tế lên Nga là một cuộc chơi dài hơi nhằm làm suy giảm năng lực tiếp tục gây xung đột và triển vọng tương lai của nước này.

Xem thêm:

Barrons ngày 11/4/2022: Russia’s Strong Ruble Is Not a Sign That It’s Winning the Sanctions War

Mattie Nelles: một câu chuyện đời thường với những người Ukraine tị nạn

Nhà phân tích chính trị người Đức đã kể lại một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa gia đình ông và những người Ukraine tị nạn chiến tranh.

Ở một ngôi làng nông thôn hẻo lánh nước Đức, chúng tôi tình cờ nghe thấy tiếng Ukraine đang bắt đầu trò chuyện. Ngay lập tức, chúng tôi mời họ vào uống trà tại quán rượu của chúng tôi. Vasyl là một giáo sư dạy tiếng Đức ở Ivano-Frankivsk và vợ ông, Soriana, là một giáo viên dạy tiếng Đức.

Họ đã trải qua ba tuần của cuộc chiến tại nhà với người ông 93 tuổi, cụ Vadym. Mặc dù Ivano-Frankivsk không phải hứng chịu nhiều bom đạn, gia đình này đã trải qua hầu hết các đêm, giống như hàng triệu người Ukraine khác, trong tầng hầm lạnh cóng. Khi không còn chịu đựng được nữa, họ bỏ tới Đức. Họ có bạn bè ở Đức. 

Sau vài tách trà, chúng tôi nói chuyện về chính trị và lịch sử. Tôi hỏi liệu có phải cụ ông Vadym đã chiến đấu với quân Đức. Cụ ông 93 tuổi thở dài và nói: “Tôi vẫn nhớ sự chiếm đóng của Đức Quốc xã và tội ác của chúng, nhưng khi đó tôi còn quá nhỏ nên không thể chiến đấu.” Sau khi ngừng một lát, ông nói tiếp: “nhưng tôi đã từng là trinh sát của Quân đội Nổi dậy Ukraine (UPA). Chúng tôi đã chiến đấu hết mình cho nền độc lập của Ukraine, cho đến tận những năm 1950.” 

[Quân đội Nổi dậy Ukraine là một trong những nhóm theo chủ nghĩa dân tộc được hình thành trong Thế chiến thứ II với mục đích giành độc lập cho Ukraine, thời gian đầu đã hợp tác với Đức Quốc xã để nhằm phá vỡ sự chiếm đóng của người Nga đối với Ukraine, nhưng sau đó lãnh đạo của nhóm đã bị Đức Quốc xã bắt đưa vào trại tập trung.] 

Vadym nhắc lại những gì chúng tôi cũng nghe được từ nhiều người Ukraine. Ông nói rằng ông đã thấy những gì người Nga đã làm ở Bucha và các nơi khác ở Ukraine. “Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng những tội ác man rợ như vậy lại có thể xảy ra trong thế kỷ 21!”

Vài giây sau, bố vợ tôi, vốn là người miền đông Ukraine, đã châm chọc dùng từ lóng tiếng Nga: “ồ quỷ quái ơi, anh là người Ukraine dân tộc chủ nghĩa đầu tiên mà tôi gặp và thích.” Mọi người quanh bàn đều phá lên cười. 

Hỡi nước Nga, điều cuộc chiến tàn khốc của bạn đã làm là khiến người Ukraine từ tây sang đông đoàn kết với nhau.

Cho đến ngày 24/2/2022, cha mẹ vợ tôi ở miền đông Ukraine hầu như chỉ nói tiếng Nga và mặc dù họ luôn nghĩ họ là người Ukraine, họ cảm thấy gắn bó với nước Nga, nền văn hoá và lịch sử chung giữa hai nước. Nhưng tất cả những cảm xúc này đã bị phá huỷ khi Nga một lần nữa xâm lược Ukraine.

Những mối gắn kết lâu bền hàng thế kỷ giờ đã tan vỡ. Mỗi cuộc ném bom ở vùng phía đông nói tiếng Nga, sự tàn phá các thành phố như Kharkiv, Severodonetsk và Mariupol sẽ không bao giờ bị lãng quên. Và vâng, sẽ rất khó có thể tha thứ cho người Nga bởi cuộc chiến xâm lược này.

Diane Hu: Trung Quốc và Australia: Phân tách kinh tế?

Tác giả chỉ ra bên cạnh thương mại, sự sụt giảm về đầu tư cũng là chỉ dấu cho thấy quan hệ xấu đi giữa Australia và Trung Quốc: Các dữ liệu thống kê cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Australia bắt đầu sụt giảm từ những năm 2017-2018. Theo tác giả, nguyên nhân đến từ việc các nhà đầu tư Trung Quốc tại Australia đã cảm thấy nguy cơ mối quan hệ xấu đi từ khi đó.

Bên cạnh đó, tác giả cũng chỉ ra hai vụ việc trong năm 2021 cho thấy sự đề phòng của các nhà đầu tư Trung Quốc đã được nâng lên một mức mới: Công ty Đầu tư Trung Quốc (CIC) – quỹ đầu tư quốc gia của Bắc Kinh – tính rút vốn khỏi tháp Grosvenor Place ở Sydney, và việc thứ hạng của Australia sụt giảm mạnh từ top 4 xuống vị trí 15 trong danh sách các điểm đến đầu tư hàng đầu bởi Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS). Tác giả cho rằng mối quan hệ kinh tế giữa Australia và Trung Quốc không thể được xây dựng nếu lòng tin chính trị không được cải thiện.

Xem thêm:

Asialink/University of Mellbourne ngày 7/4/2022: China and Australia: Economic decoupling?

———-

XI- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC – BÁO CÁO CHÍNH SÁCH

Suisheng Zhao (2022) Top-level Design and Enlarged Diplomacy- Foreign and Security Policymaking in Xi Jinping’s China

Theo tác giả, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tập trung hóa việc hoạch định chính sách đối ngoại bằng cách lập ra các thể chế mà ông trực tiếp đứng đầu, qua đó vượt lên trên các lợi ích xung đột và các cản trở của hệ thống quan liêu. Ông Tập cũng kiểm soát toàn bộ các vấn đề mà bản thân quan tâm, cũng như yêu cầu sự trung thành cá nhân hơn các nhà lãnh đạo trước đó. Tác giả chỉ ra dưới thời ông, vị thế chính trị của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã được nâng tầm (trái với xu hướng trước đó), làm tăng sự trung thành của các nhà ngoại giao Trung Quốc. Ngoài ra, ông Tập cũng thúc đẩy “đại ngoại giao” (大外交) qua mở rộng đối ngoại đảng và tăng kiểm soát với đối ngoại quốc phòng. Dù vậy, tác giả nhận định xu hướng “cá nhân hóa” việc ra quyết sách đối ngoại của ông Tập khiến các quyết sách sai lầm ít có cơ hội sửa chữa hơn, và có thể gây ra nguy cơ “phiêu lưu” trong đối ngoại.

Xem toàn văn nghiên cứu tại đây

Defense Intelligence Agency (2022) Challenges to security in space

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ (DIA) đã công bố một báo cáo mới cảnh báo về việc Bắc Kinh đầu tư vào không gian như một lĩnh vực chiến tranh và nói rằng Trung Quốc đang tìm cách làm suy giảm lợi thế của Hoa Kỳ trong không gian trong trường hợp xảy ra xung đột khu vực. Báo cáo nói rằng Trung Quốc đang sử dụng các phương tiện “công khai và bí mật” để có được các công nghệ vũ trụ của nước ngoài. Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đặc biệt tập trung vào việc phát triển năng lực gây nhiễu để ngăn chặn Mỹ và các đồng minh quan sát được rõ ràng về các hoạt động trên mặt đất trong trường hợp xảy ra xung đột.

Kevin Ryder, một nhà phân tích tình báo quốc phòng cấp cao của DIA đã cho biết: “Bằng chứng về ý định của cả Nga và Trung Quốc nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ và đồng minh trong lĩnh vực không gian có thể thấy ở sự tăng trưởng tổng tài sản của hai nước trên quỹ đạo, tăng xấp xỉ 70% chỉ trong hai năm,” Ryder nói. “Việc mở rộng và liên tục này tiếp nối mức tăng hơn 200% từ năm 2015 đến năm 2018.”

Tải toàn văn báo cáo ở đây.

CSIS: Các công ty nước ngoài đã giúp hiện đại hóa hải quân Trung Quốc như thế nào

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại DC đã xuất bản một báo cáo mới về mối liên hệ giữa các công ty đóng tàu của Trung Quốc và các công ty vận tải biển nước ngoài. CSIS tập trung vào Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc (CSSC), chiếm 21,5% ngành đóng tàu toàn cầu (và một nửa thị phần 40,3% của Trung Quốc) bằng cách đóng tàu chở container, tàu chở dầu và tàu chiến cho Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN). CSIS quan sát thấy hơn 60% đơn đặt hàng tàu thương mại của CSSC đến từ các công ty nước ngoài, bao gồm đơn đặt hàng 46 tàu từ CMA CGM của Pháp kể từ năm 2017 và 44 tàu từ Evergreen của Đài Loan kể từ năm 2018, cũng như các thỏa thuận chia sẻ công nghệ giữa các công ty nước ngoài và các công ty con của CSSC. Trong khi các công ty đóng tàu trên toàn thế giới như General Dynamics, Fincantieri và Mitsubishi Heavy đều đóng cả tàu dân sự và tàu quân sự, như CSSC, báo cáo của CSIS nhấn mạnh mối căng thẳng giữa các công ty lớn giúp hiện đại hoá hải quân Trung Quốc trong khi quốc gia quê hương của họ xếp Trung Quốc là mối đe dọa lớn về an ninh.

Xem thêm:

CSIS: In the Shadow of Warships 

SEMI (2022) Worldwide Semiconductor Equipment Market Statistics

Doanh số bán thiết bị sản xuất chất bán dẫn trên toàn thế giới vào năm 2021 đã đạt mức kỷ lục mọi thời đại là 102,6 tỷ USD, tăng 44% so với năm 2020, theo báo cáo mới được công bố của SEMI, hiệp hội công nghiệp đại diện cho chuỗi cung ứng thiết kế và sản xuất sản phẩm điện tử toàn cầu. 

Đáng chú ý, ​Trung Quốc lần thứ hai giành thị trường lớn nhất cho thiết bị bán dẫn với doanh thu 29,6 tỷ USD, tăng 58%, đánh dấu năm tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Hàn Quốc, thị trường thiết bị lớn thứ hai, thu về 25 tỷ USD, tăng 55%. Đài Loan ghi nhận mức tăng trưởng 45%, đạt doanh thu 24,9 tỷ USD và chiếm vị trí thứ ba. Chi tiêu cho thiết bị bán dẫn hàng năm tăng 23% ở Châu Âu và 17% ở Bắc Mỹ, tiếp tục phục hồi sau khi giảm vào năm 2020. Doanh số bán hàng ở các quốc gia còn lại trên thế giới đã tăng 79% vào năm 2021.​

Xem tóm tắt báo cáo ở đây.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.