Bản Tin Biển Đông Số 101

(Tuần từ 04/04 – 11/04/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lưu Đức Tâm, Đoàn Thị Hằng Ni, Trần Phạm Bình Minh, Hương Nguyễn, Đinh Tùng Lâm

Biên tập: Trần Bằng

Tư liệu: South China Sea News

Ngày 7/4/2022, Bốn quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương đã được mời tham dự cuộc họp của NATO tại Brussels. Ảnh: US Mission to NATO

Tải bản PDF ở

—————

Trong Bản Tin Biển Đông Số 101 có những nội dung sau:

I- CHUYỂN ĐỘNG VIỆT NAM, ASEAN

II- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

IV- QUAN HỆ MỸ – TRUNG

V- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC

VI- CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ DẤY LÊN LO NGẠI VỀ NGUY CƠ DIỆT CHỦNG NGƯỜI UKRAINE DƯỚI DANH NGHĨA “PHI PHÁT XÍT HOÁ”

VII- TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU CỦA CUỘC CHIẾN NGA – UKRAINE

VIII- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

—————

I- CHUYỂN ĐỘNG VIỆT NAM, ASEAN

Tân Hoa Xã: Đường sắt Trung Quốc-Lào chứng kiến lượng hành khách, vận chuyển hàng hóa tăng nhanh trong 4 tháng đầu khai trương

Theo tờ báo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tính đến ngày Chủ Nhật 3/4/2022, đường sắt Trung Quốc-Lào đã đón hơn 2,25 triệu chuyến hành khách và vận chuyển 1,31 triệu tấn hàng hóa kể từ khi đi vào hoạt động vào tháng 12.

Xem thêm:

Xinhua ngày 4/4/2022: China-Laos Railway sees brisk passenger, cargo transport over inaugural 4 months-Xinhua 

Bắc Kinh cảnh báo Manila trước thềm bầu cử

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin tại An Huy hôm 3/4/2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thúc giục Manila không để bên ngoài “quấy rầy” làm  ảnh hưởng tới chính sách với Trung Quốc và ngăn căng thẳng phát sinh từ tranh chấp Biển Đông ảnh hưởng tới quan hệ song phương trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 tới. Ông Vương cũng cam kết Trung Quốc giữ ổn định chính sách với Philippines.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 4/4/2022: In lead-up to Philippine election, Beijing warns Manila to avoid ‘disturbances’ upsetting its China policy. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Ứng viên tổng thống Philippines muốn sử dụng Phán quyết Tòa trọng tài như đòn bẩy trong giải quyết tranh chấp Biển Đông

Ứng cử viên Tổng thống Manila Isko Moreno và Phó Tổng thống Leni Robredo của Philippines khẳng định sẽ sử dụng phán quyết trọng tài làm đòn bẩy trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Khi được hỏi rằng, với tư cách tổng thống, ông sẽ làm gì để đoàn kết ASEAN chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, Moreno đã chọn đưa cuộc đấu tranh lên Liên Hợp Quốc. Ông thể hiện sẽ tham dự các phiên họp của Đại Hội đồng và nhấn mạnh với tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc công nhận phán quyết của La Hay. Moreno cũng cho biết, Philippine sẽ làm việc với các nước láng giềng và tiếp tục thương mại “công bằng” nhưng ông sẽ không tha thứ cho bất kỳ cuộc xâm phạm nào vào vùng biển của đất nước. Bên cạnh đó, ứng viên Robredo cho rằng Philippines sẽ đi đầu trong việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc.

Xem thêm: 

Rappler ngày 4/4/2022: Robredo, Moreno push for Hague ruling as leverage in South China Sea row 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm

Theo tờ Rappler, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh qua điện thoại kéo dài một giờ đồng hồ vào ngày 8/4/2022, trong đó họ thảo luận về vấn đề Biển Đông và tình hình ở Ukraine, đồng thời xem xét quan hệ song phương giữa hai nước dưới thời chính quyền Duterte.

Hai bên đã nhấn mạnh sự cần thiết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông thông qua kiềm chế, xóa tan căng thẳng và xây dựng một khuôn khổ hợp tác chức năng được cả hai đồng thuận. Ngay cả khi tranh chấp còn tồn tại, hai bên vẫn cam kết mở rộng không gian cho các cam kết tích cực, thể hiện mối quan hệ năng động và đa chiều của Philippines và Trung Quốc.

Trước đó, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc gặp trực tiếp song phương với người đồng cấp Philippines tại Tunxi ngày 3/4/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hai bên cần loại bỏ sự can thiệp, và quản lý khác biệt một cách bình tĩnh và đúng đắn để tránh ảnh hưởng đến quan hệ tổng thể Trung Quốc – Philippines. Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Philippines để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, giúp Philippines đạt được nhiều kết quả hơn trong chương trình “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng.”

Xem thêm:

Rappler ngày 9/4/2022: Duterte, Xi discuss South China Sea, Ukraine in telesummit 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/4/2022: Wang Yi Holds Talks with Philippine Foreign Minister Teodoro Locsin 

Nhật Bản, Philippines hướng tới hiệp ước hợp tác quốc phòng mới

Nhật Bản và Philippines hôm 9/4/2022 đã nhất trí hướng tới việc ký kết một hiệp ước nhằm tạo điều kiện cho các cuộc tập trận chung và các chuyến thăm qua lại của quân đội và các cơ quan khác của hai bên trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng kiên quyết theo đuổi yêu sách chủ quyền ở các vùng biển khu vực mà hai bên tuyên bố chủ quyền.

Một hiệp ước như vậy, mà Nhật Bản gần đây nhất đã ký với Australia, sẽ giúp giảm bớt các hạn chế trong việc vận chuyển vũ khí và vật tư cho các hoạt động huấn luyện chung và cứu trợ thảm họa.

Xem thêm:

The Japan Times ngày 9/4/2022: Japan, Philippines to aim for new defense cooperation pact. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Singapore chào đón Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ

Vào ngày 5/4/2022, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Singapore để thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “có tham vọng cao” do chính quyền Biden đề xuất. Thay vì tham gia lại CPTPP như nhiều nước trong khu vực đã kêu gọi, Hoa Kỳ đang chuẩn bị khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) mới hứa hẹn các tiêu chuẩn cao về lao động và môi trường, mở rộng – sắp xếp các luồng dữ liệu và chuỗi cung ứng an toàn. Bà Katherine Tai đã kiên quyết rằng Hoa Kỳ sẽ không còn theo đuổi tự do hóa thương mại không có kiểm soát. 

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 5/4/2022: Singapore welcomes US ‘high-ambition’ trade engagement in Asia. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Mỹ “quyết tâm” tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh, tăng cường gắn kết với ASEAN

Phát biểu tại Hội nghị Hoa Kỳ – Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington vào thứ Ba ngày 5/4/2022, Tiến sĩ Kurt Campbell, Điều phối viên về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết về cơ bản, chìa khóa để gắn kết hiệu quả giữa Mỹ và ASEAN là xem mối quan hệ này ở nhiều khía cạnh và không giới hạn ở ngoại giao và an ninh. Bên cạnh đó, ông cũng thể hiện quyết tâm tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN dù có khó khăn trong việc sắp xếp lịch trình. 

Xem thêm: 

The Straits Times ngày 9/4/2022: US determined to hold summit, deepen engagement with Asean

Mỹ lên kế hoạch cho các cuộc gặp thương mại với các nhà lãnh đạo ASEAN trong kế hoạch khởi động khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới vào đầu tháng 5

Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang nỗ lực hợp tác với các nước Đông Nam Á để thúc đẩy một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới. Tại Hội nghị Hoa Kỳ – Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ngày 6/4/2022, Phó Trợ lý Bộ trưởng Châu Á, Quản lý Thương mại Quốc tế tại Bộ Thương mại Hoa Kỳ Pamela Phan đã cho biết chính quyền Bịden muốn có một cuộc gặp thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo ASEAN “trong vài tháng tới”, xem đây là “một phần quan trọng để thúc đẩy mối quan hệ”.

Mỹ có thể khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới vào đầu tháng 5, một quan chức thương mại chủ chốt cho biết hôm thứ Tư, khi Washington tìm kiếm mối quan hệ thương mại và chuỗi cung ứng mạnh mẽ hơn với Nhật Bản và Đông Nam Á để chống lại ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 7/4/2022: US plans trade meetings with Asean leaders as it retools Indo-Pacific strategy | South China Morning Post

Nikkei Asia ngày 8/4/2021: US aims to launch new Indo-Pacific framework as early as May – Nikkei Asia

Quân đội Hoa Kỳ lần đầu sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Patriot trong cuộc tập trận Balikatan ở Philippines

Kurt Stahl, Phát ngôn viên của Sư đoàn Thủy quân lục chiến số 3, Hoa Kỳ, cho biết cuộc tập trận ngày 29/3/2022 đã đánh dấu lần đầu tiên hệ thống tên lửa đất đối không Patriot triển khai ở Philippines. Đây là một phần của cuộc tập trận Balikatan 22 với sự tham gia của 5.100 lính Mỹ và 3.800 binh lính Philippines bắt đầu từ ngày 28/3 và kết thúc vào 1/4/2022. Ông Stahl cho biết bốn bệ phóng và 130 binh sĩ thuộc Lực lượng Lục quân Bravo, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Pháo phòng không số 1 được triển khai từ Okinawa cho cuộc tập trận.

Xem thêm:

Stars and Stripes ngày 4/4/2022: US military marks a Patriot air-defense first during Balikatan drills in the Philippines.

Tập trận chung Indonesia-Hoa Kỳ sẽ bao gồm 14 quốc gia và hàng nghìn binh sĩ, củng cố mối quan hệ quốc phòng

Theo quan chức quân đội Indonesia, cuộc tập trận thường niên Garuda Shield giữa Indonesia và Mỹ năm nay sẽ là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất với việc có thêm sự tham gia của 14 quốc gia, trong đó có Anh, Úc và Nhật Bản. Danh sách đầy đủ chưa được tiết lộ. Trong cuộc tập trận này, các quốc gia sẽ tham gia các cuộc tập trận trên bộ và đổ bộ trên bãi biển từ ngày 1 đến 14/8/2022 tại quần đảo Nam Sumatra và phía Đông đảo Borneo của Indonesia.

Ian Francis, Chánh văn phòng Hợp tác Quốc phòng tại Đại sứ quán Mỹ ở Jakarta nói sự mở rộng cuộc tập trận năm nay là “sự phát triển tự nhiên về năng lực của quân đội Indonesia và sự sẵn sàng làm việc rộng rãi hơn với các đối tác.”

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 10/4/2022: Indonesia-US war games to include 14 countries and thousands of soldiers, strengthens defence ties. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Tàu chiến Anh triển khai tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cập cảng Singapore

Sau 5 thập kỷ, Vương quốc Anh triển khai thường trực lần đầu tiên tàu chiến ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm tập trung thúc đẩy các “lợi ích thương mại, ngoại giao và nhân đạo của Anh”. Hai tàu chiến – HMS Tamar và HMS Spey đã cập bến Singapore mới đây. Tàu HMS Tamar sẽ được  bảo dưỡng sau khi kết thúc  cuộc tập trận Bersama Shield, với sự tham gia của Australia, Malaysia, New Zealand, Singapore và Anh. Theo kế hoạch, các tàu HMS Tamar và Spey sẽ được triển khai ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong ít nhất 5 năm tới nhằm phát triển các mối quan hệ và tăng cường vai trò của Anh trên toàn cầu thời hậu Brexit.

Xem thêm:

The Straits Times ngày 8/4/2022: British warship deployed to Indo-Pacific region docks in Singapore

———–

II- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Giới chức Trung Quốc so sánh chính sách của Mỹ tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với NATO

Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 6/4/2022, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố mục tiêu của Mỹ, Anh và Australia trong hợp tác AUKUS thực chất là xây dựng một “NATO Châu Á – Thái Bình Dương”.

Đây không phải lần đầu giới chức tại Bắc Kinh đưa ra các nhận định kiểu như vậy. Trước đó, hôm 24/3, tờ Global Times của Trung Quốc cũng có bài viết nhận định chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ còn gây ra thiệt hại lớn hơn cả NATO.

Hôm 19/3, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành – người được dự báo có khả năng kế nhiệm ông Vương Nghị sau đại hội đảng sắp tới – cũng nhận định “một số quốc gia” đi ngược lại xu thế, theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, gây rối khắp nơi, lập các nhóm nhỏ, và khiến khu vực bị chia rẽ và phân nhóm. Theo ông Lạc, chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “nguy hiểm như việc NATO mở rộng về hướng đông”.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 6/4/2022: Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian’s Regular Press Conference on April 6, 2022

Global Times ngày 24/3/2022: US Indo-Pacific Strategy may be more destructive to region than NATO is to Europe

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/3/2022: ​Cherish Peace, Work Together in Unity, and Pursue a Win-Win Future for the Asia-Pacific

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 19/3/2022: 珍惜和平,团结合作,共赢亚太未来

Tài liệu bị rò rỉ chứng tỏ Trung Quốc đang “dối trá” về kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân ở quần đảo Solomon

Trung Quốc đã bác bỏ việc nước này sẽ xây dựng căn cứ hải quân ở đảo quốc Thái Bình Dương trong bản thỏa thuận được ký kết giữa hai bên. Ngày 6/4/2022, Đại sứ quán Trung Quốc tại Quần đảo Solomon cho biết những lo ngại rằng hiệp ước có thể cho phép thành lập một căn cứ của quân đội Trung Quốc (PLA) là “thông tin sai lệch hoàn toàn và được cố tình lan truyền với động cơ chính trị”, đồng thời bác bỏ những lo lắng của Canberra, Wellington và các đảo quốc trong khu vực Thái Bình Dương rằng thỏa thuận có thể dẫn đến quân sự hóa khu vực. Tuy nhiên, tài liệu thu được từ các nguồn ở Quần đảo Solomon cho thấy các kế hoạch thiết lập sự hiện diện quân sự của Trung Quốc đã được thảo luận từ trước cho đến năm 2020. Tài liệu được cho là bức thư do ông Rong Qian, Chủ tịch công ty Kỹ thuật Dự án Quốc tế Avic thuộc Nhà nước Trung Quốc gửi cựu Thủ hiến của tỉnh Isobel Leslie Kikolo viết rằng “ý định của chúng tôi trong việc nghiên cứu cơ hội phát triển các dự án hải quân và cơ sở hạ tầng trên đất thuê độc quyền trong 75 năm cho Hải quân Trung Quốc  tại tỉnh Isobel”.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc cũng bày tỏ nghi ngờ: “Hiện tại, họ đang nói với chính quyền Quần đảo Solomon rằng sẽ không có cảng quân sự ở Quần đảo Solomon. Tôi rất nghi ngờ điều đó, và tôi không nghĩ họ chân thành, và tôi nghĩ đó là một sự tuyên truyền nên được chỉ ra.”

Michael Shoebridge, một học giả tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, đã chỉ ra một tiền lệ trước đó ở Djibouti. Ban đầu, các phát ngôn viên của Trung Quốc khăng khăng khẳng định rằng Trung Quốc chỉ hợp tác với Djibouti để xây dựng một trung tâm hậu cần cho tàu Trung Quốc thực hiện các nhiệm vụ quốc tế, đặc biệt là các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Nhưng ba năm sau, công trình được hoàn thành cho thấy đó là một căn cứ hải quân, và là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Mới đây, tàu chiến của Trung Quốc đã được phát hiện neo đậu ở đó.

Tác giả chỉ ra chiến thuật của Trung Quốc là thường hạ thấp ý định thật sự của mình.

Vào tháng Tư tới, Điều phối viên đặc trách khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Kurt Campbell sẽ tới thăm Quần đảo Solomon cùng với quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink.

Xem thêm:

Financial Times ngày 11/4/2022: The Chinese companies trying to buy strategic islands. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

News.com.au ngày 7/4/2022: Leaked document proves China is lying about plans to build naval base in Solomon Islands

Financial Times ngày 9/4/2022: US to send officials to Solomon Islands due to tensions over China security pact. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

ABC News ngày 9/4/2022: Top US official Kurt Campbell reportedly heading to Solomon Islands to discuss Chinese security pact concerns

The Strategist ngày 11/4/2022: Djibouti shows what Sogavare’s deal with China really means 

Phó Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh hỗ trợ cho các công ty thương mại nước ngoài

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hu Chunhua hôm thứ Bảy kêu gọi nỗ lực nhiều hơn để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngoại thương và đảm bảo ngoại thương ổn định. Lưu ý rằng ngoại thương Trung Quốc đã có khởi đầu tốt đẹp trong quý đầu tiên của năm dựa trên nỗ lực của các cơ quan chức trách chính phủ và các doanh nghiệp, Hu nhấn mạnh môi trường bên ngoài đang trở nên gay gắt và phức tạp hơn cho ngoại thương.

Xem thêm:

Xinhua ngày 2/4/2022: ​​Chinese vice premier stresses support for foreign trade companies 

Ở phố Wall, giá trị các công ty công nghệ giảm phản ánh thực tế mới của công nghệ Trung Quốc

Andy Wong, giám đốc quỹ tại LW Asset Management Advisors Ltd. ở Hồng Kông, cho biết: “Mặc dù cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc có thể chạm đáy, nhưng chúng tôi không thấy bất kỳ chất xúc tác tăng trưởng nào mới.” “Những gì chúng tôi chờ đợi là những thay đổi trong mô hình kinh doanh để hoạt động với quy định mới bình thường, nhưng chúng tôi không nhìn thấy gì nhiều.”

Xem thêm:

Bloomberg ngày 2/4/2022: Wall Street’s Slashed Prices Reflect New Reality for China Tech. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Trung Quốc: phát huy hết tác dụng của đòn bẩy trái phiếu đặc biệt

Theo tờ Economic Daily trích dẫn dữ liệu từ Bộ Tài chính, cho đến nay, Trung Quốc đã phát hành 1,46 nghìn tỷ trái phiếu chính phủ đặc biệt, hơn 60% hạn ngạch hàng năm. Điều này đánh dấu một tốc độ tăng nhanh mà các nhà phân tích cho rằng do áp lực bởi kinh tế đi xuống và nhu cầu ổn định tăng trưởng của Trung Quốc. Zhao Wei, một nhà kinh tế, lưu ý rằng 65% trái phiếu như vậy đã được chuyển đến các dự án cơ sở hạ tầng trong hai tháng đầu năm nay, cao hơn khoảng 10% so với năm ngoái.

Xem thêm:

Economic Daily ngày 4/4/2022: 发挥好专项债杠杆作用 

Tỷ lệ dự trữ quốc tế của nhân dân tệ tăng lên mức cao kỷ lục 2,79%

Tỷ lệ của đồng nhân dân tệ Trung Quốc trong dự trữ ngoại hối chính thức đã tăng lên 2,79% trong quý cuối cùng của năm ngoái, mức cao kỷ lục kể từ cùng quý năm 2016 và đứng thứ 5 trên thế giới, theo dữ liệu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế công bố.

Xem thêm:

Yicai ngày 1/4/2022: Yuan’s Share of International Reserves Rises to Record High 2.79%

Xinhua ngày 4/4/2022: China’s RMB cross-border payments soar in 2021: report 

Trung Quốc đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng với thay đổi về trọng tâm

Trong bối cảnh phong toả vì đại dịch COVID-19, bất động sản suy thoái và giá dầu tăng cao sau khi Nga xâm lược Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng của mình. Kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ đô la của Trung Quốc cao hơn gấp đôi mức chi tiêu mới trong gói cơ sở hạ tầng mà Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua vào năm ngoái, tổng cộng 1,1 nghìn tỷ USD trải dài trong 5 năm. Hơn một nửa số dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các ngành sản xuất và dịch vụ.

Sự thay đổi về trọng tâm phản ánh cam kết của Bắc Kinh trong việc đảm bảo Trung Quốc giữ được thị phần thống trị trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu, ngay cả khi nước này chuyển sang các lĩnh vực tiên tiến hơn như xe điện và pin, năng lượng tái tạo và vi mạch.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 6/4/2022: China’s $2.3 Trillion Infrastructure Plan Puts America’s to Shame. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc đã sẵn sàng cạnh tranh với hệ thống GPS

Các công ty Trung Quốc đang tiếp cận hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu trong cuộc đua giành vị trí thống trị toàn cầu. Sự phát triển của hệ thống Bắc Đẩu đi cùng với ứng dụng rộng lớn của hệ thống trên các thiết bị tiêu dùng, và tích hợp với nhiều ngành công nghiệp như giao thông vận tải, an toàn công cộng và nông nghiệp.

Xem thêm:

SupChina ngày 6/4/2022: BeiDou is ready to take on GPS

Các nhà sản xuất ở Trung Quốc ngừng hoạt động ở Trung Quốc bởi phong toả do dịch COVID-19 mở rộng

Các nhà cung cấp cho Apple và Tesla nằm trong số các công ty đang gặp khó khăn trong việc duy trì một số hoạt động tại Trung Quốc khi các đợt phong toả do Covid-19 kéo dài và ngày càng mở rộng làm cạn kiệt nguồn cung và tắc nghẽn các tuyến đường và cảng của xe tải. Thượng Hải đang thắt chặt hơn nữa việc quản lý khép kín các xe container ra vào cảng vận chuyển container lớn nhất thế giới trong bối cảnh tình hình dịch bùng phát ngày càng trầm trọng. Các hãng tàu đã cảnh báo rằng việc thiếu xe tải chuyển hàng khiến hàng hóa nhập khẩu không thể được thông quan, khiến một số tàu không thể chuyển tải.

Xem thêm:

The Wall Street Journal ngày 8/4/2022: China’s Covid Lockdowns Hit Supplies to Companies Like Apple and Tesla. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nói cần các biện pháp mới để thúc đẩy nền kinh tế

Trước những khủng hoảng địa chính trị và sức khỏe cộng đồng, Chính phủ Trung Quốc muốn nghiên cứu các biện pháp mới để hỗ trợ nền kinh tế, song song với việc thực thi “càng sớm càng tốt” các biện pháp hiện tại, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói. Mục tiêu bây giờ là ổn định giá tiêu dùng và thị trường việc làm. Tuần tới, văn phòng thống kê sẽ công bố số liệu kinh tế của quý đầu tiên.

Xem thêm:

Table.China ngày 11/4/2022: Li wants to boost the economy. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

South China Morning Post ngày 9/4/2022: China’s coronavirus-hit economy needs ‘policy support to intensify’, Premier Li Keqiang says. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

———-

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Australia thông qua gói ngân sách trị giá 7,5 tỷ USD cho tình báo tín hiệu và an ninh mạng để đối phó với Trung Quốc

Ngày 29/3/2022, gói chi tiêu trị giá 7,5 tỷ USD (10 tỷ AUD) đã được công bố nhằm tăng cường tiềm lực cho các đơn vị phụ trách tình báo tín hiệu và không gian mạng của Bộ Quốc phòng Australia cùng với khoảng 27,6 tỷ USD cho việc tăng cường lực lượng quốc phòng nói chung. Đây là một phần trong báo cáo ngân sách hàng năm của Chính phủ Australia nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Xem thêm:

Stars and Stripes ngày 30/3/2022: Australia sends a $7.5 billion cyber signal to China

Nhật Bản di chuyển đơn vị radar đến gần khu vực Đài Loan và quần đảo Senkaku

Ngày 1/4/2022, Lực lượng Phòng vệ Trên không của Nhật Bản đã bố trí lại đơn vị radar di động TPS-102 đến đảo Yonaguni, cách bờ biển phía đông của Đài Loan khoảng 70 hải lý và là lãnh thổ cực tây của Nhật Bản để tăng cường phòng thủ, đối phó với hoạt động gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Động thái này sẽ “tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước chúng ta vào thời điểm các nước láng giềng đang gia tăng hoạt động”, Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản cho biết.

Xem thêm:

Stars and Stripes ngày 4/4/2022: Chinese military activity spurs Japan to move radar unit closer to Taiwan, Senkaku islands

Cập nhật diễn tiến thực hiện Quan hệ Đối tác Australia – Vương quốc Anh – Hoa Kỳ (AUKUS)

Ngày 5/4/2022, Thủ tướng Scott Morrison của Australia, Thủ tướng Boris Johnson của Vương quốc Anh và Tổng thống Joseph R. Biden của Hoa Kỳ đã xem xét tiến độ thực hiện quan hệ đối tác ba bên hay còn được gọi là AUKUS trong đó tái khẳng định cam kết về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, và rộng hơn, một hệ thống quốc tế tôn trọng nhân quyền, pháp quyền và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Việc triển khai Quan hệ đối tác AUKUS hiện đã bắt đầu với hai nội dung chính:

Tàu ngầm: AUKUS sẽ cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trang bị vũ khí thông thường sớm nhất có thể nhưng vẫn duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các năng lực quân sự nâng cao: AUKUS sẽ phát triển và cung cấp các năng lực quân sự tiên tiến chung để thúc đẩy an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao gồm năng lực dưới biển (dự án Hệ thống Robot Tự động Dưới đáy biển), các công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chiến tranh điện tử, chia sẻ thông tin, vũ khí siêu thanh và khả năng khắc chế chúng, đẩy mạnh các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực quốc phòng.

Tờ The Economist nhận định, những phát triển mới của AUKUS mở rộng sang các lĩnh vực khác ngoài tàu ngầm hạt nhân cho thấy các đồng minh phương Tây nhận thấy nhu cầu cấp bách phải tập hợp các nguồn lực và nhân tài để cạnh tranh với Trung Quốc. Công nghệ tàu ngầm hạt nhân là thứ nhạy cảm có thể chỉ nằm trong khuôn khổ ba nước Mỹ – Anh – Úc. Nhưng sự hợp tác trong các lĩnh vực khác – bao gồm cả chiến tranh điện tử – có thể cho phép sự tham gia của những đối tác khác trong tương lai, như Ấn Độ hoặc Nhật Bản.

Xem thêm:

The White House ngày 5/4/2022: FACT SHEET: Implementation of the Australia – United Kingdom – United States Partnership (AUKUS)

Joe Courtney ngày 6/4/2022: AUKUS Working Group Issues Statement as New Details of the Trilateral Defense Alliance Emerge

Nikkei Asia ngày 6/4/2022: U.S., U.K., Australia announce cooperation on hypersonic weapons. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

The Economist ngày 9/4/2022: AUKUS, a strategic submarine pact, turns to missiles 

Úc đẩy nhanh việc nâng cấp tên lửa trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cho biết hôm thứ Ba ngày 5/4/2022 rằng Canberra đang đẩy nhanh kế hoạch mua tên lửa tấn công tầm xa trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc. Theo thời gian biểu được tính toán lại, các máy bay chiến đấu FA-18F Super Hornet của Australia được trang bị tên lửa mới do Mỹ sản xuất vào năm 2024, trước kế hoạch  3 năm. Các tàu hộ vệ  lớp ANZAC và tàu khu trục lớp Hobart cũng sẽ được trang bị tên lửa mới của Na Uy vào năm 2024, trước thời hạn 5 năm. Việc nâng cấp sẽ được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc đe dọa Đài Loan và đang thúc đẩy một hiệp ước an ninh tiềm năng giữa Quần đảo Solomon và Bắc Kinh.

Xem thêm:

AP News ngày 5/4/2022: Australia accelerates missile upgrade due to growing threats 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phê duyệt thương vụ hỗ trợ hệ thống phòng không của Đài Loan trị giá 95 triệu USD

Hợp đồng sắp tới, có thể sẽ được ký kết trong một tháng, bao gồm việc Mỹ cung cấp việc triển khai, đào tạo và bảo trì Hệ thống Phòng không Patriot ở Đài Loan để phòng thủ trước cuộc xâm lược của Trung Quốc. Thỏa thuận này sẽ là một sự nâng cấp đáng kể đối với hệ thống phòng không của Đài Loan, vì tuy nước này đã có một số tên lửa Patriot và hệ thống Sky Bow được phát triển trong nước, hệ thống phòng thủ của Đài Loan có thể sẽ bị áp đảo bởi loạt tên lửa Trung Quốc mở màn cho một cuộc tấn công. Việc Ukraine có thể làm suy yếu ưu thế trên không của Nga trong cuộc chiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan sớm hơn.

Xem thêm:

Defense Connect ngày 7/4/2022: Pentagon approves Taiwan request for Patriot missile training  

NATO và các đối tác Châu Á – Thái Bình Dương đồng ý tăng cường hợp tác

Ngày 7/4/2022, các thành viên NATO đã nhất trí tăng cường “hợp tác thực tế và chính trị” với Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc với trọng tâm là phòng thủ mạng, công nghệ mới và chống lại hoạt động đưa tin sai lệch. 

Trước cuộc họp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken nói rằng “Chúng tôi đang xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn giữa NATO và các đối tác Châu Á – Thái Bình Dương, bắt đầu từ Nhật Bản. Và chúng tôi cũng có Hàn Quốc; chúng tôi đã có Úc và New Zealand ở đây ngày hôm nay. Và đây là điều sẽ được thực hiện trong hội nghị thượng đỉnh ở Madrid, xây dựng sự gắn kết hơn, hợp tác nhiều hơn giữa Châu Âu và Châu Á, giữa các đối tác NATO và Châu Á – Thái Bình Dương.” Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho biết đây là lần đầu tiên Nhật Bản tham gia một cuộc họp của NATO.

Còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: “Chúng tôi nhất trí đẩy mạnh hợp tác với các đối tác ở Châu Á – Thái Bình Dương vì cuộc khủng hoảng có tính chất toàn cầu. Bốn quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương đã được mời tham dự cuộc họp của NATO tại Brussels. Việc Trung Quốc không sẵn lòng lên án Nga gây hấn mà đứng về phía Moscow trong việc ngăn cản  các quốc gia khác tự chọn con đường đi cho mình là một thách thức nghiêm trọng”.

NATO cũng nhất trí sẽ hỗ trợ các đối tác bao gồm Gruzia, Bosnia và Herzegovina tăng cường khả năng tự vệ. Trong đó, Gruzia có thể nhận được các gói hỗ trợ trong các lĩnh vực truyền thông và an ninh mạng; Bosnia và Herzegovina có thể tiếp nhận các gói nâng cao năng lực quốc phòng mới.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 6/4/2022: NATO seeks Asia-Pacific support to thwart Russia-China alliance

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 7/4/2022: Secretary Antony J. Blinken and Japanese Foreign Minister Yoshimasa Hayashi Before Their Meeting 

NATO ngày 7/4/2022: Press conference by NATO Secretary General Jens Stoltenberg following the meetings of NATO Ministers of Foreign Affairs

Nikkei Asia ngày 8/4/2022: NATO, Asia-Pacific partners agree to bolster cooperation. Bản toàn văn được lưu trữ ở đây.

Cuộc họp 2 + 2 của Ấn Độ, Nhật Bản dự kiến vào cuối tháng 4 đã bị hoãn lại

Ấn Độ và Nhật Bản đã kế hoạch họp cấp bộ trưởng 2 + 2 giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng vốn được lên kế hoạch vào cuối tháng này tại Tokyo, với lý do được đưa ra là “các vấn đề về lịch trình”. 

Trọng tâm của cuộc họp dự kiến là tăng cường hợp tác hàng hải trước thách thức Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hai bên cũng có những bất đồng trong việc xử lý mối quan hệ với Nga liên quan đến việc Nga xâm lược Ukraine.

Xem thêm:

The Economic Times ngày 9/4/2022: India, Japan 2+2 meet scheduled for end of April postponed 

EU nắm bắt các cánh cửa cơ hội thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của Biden

Các nhà lãnh đạo EU muốn chốt nhanh những tiến bộ đạt được trong tranh chấp thương mại và công nghệ ngay trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden để tránh những thành quả đạt được có thể bị đảo ngược nếu Mỹ thay thế chính quyền ở nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo. Bên cạnh đó, Pháp, hiện đang nắm quyền chủ tịch EU và là nước ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường quyền tự chủ chiến lược của Châu Âu, cảnh báo rằng khối này nên chuẩn bị cho sự thay đổi đường lối ở Washington và cần duy trì quyền tự do pháp lý của khối. Cả hai bên cũng đang có kế hoạch thống nhất một loạt biện pháp về hợp tác kinh tế trong cuộc họp tiếp theo của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Hoa Kỳ – EU vào ngày 15-16/5 tại Pháp. Trong đó, mục tiêu của EU cho cuộc họp này bao gồm tăng cường tham vấn song phương về kiểm soát xuất khẩu, sàng lọc đầu tư và các hàng rào phi thuế quan. Một số nước trong đó có Pháp, Đức và Bỉ không muốn Hội đồng Thương mại và Công nghệ Hoa Kỳ – EU trở thành nền tảng chống Trung Quốc.

Xem thêm:

The National Law News ngày 4/4/2022: Transatlantic Trade | US and Europe – Week of March 28, 2022

Nikkei Asia ngày 5/4/2022: Singapore welcomes US ‘high-ambition’ trade engagement in Asia. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Bloomberg ngày 8/4/2022: EU Sees Window in Biden’s First Term to Lock In Trade Gains. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

———-

IV- QUAN HỆ MỸ – TRUNG

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ: Hoa Kỳ không có ý định “ly hôn” với Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg Television trong chuyến công du tới Singapore để xác định những lĩnh vực hợp tác trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bà Katharine Tai nói Mỹ đang tìm cách thiết lập lại quan hệ thương mại với Trung Quốc hơn là tìm kiếm một cuộc “ly hôn” giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chính sách của chính quyền Tổng thống Biden tập trung vào “tái tổ chức trong nền kinh tế toàn cầu”. Điều đó bao gồm giải quyết tình trạng thiếu sự rõ ràng, trách nhiệm giải trình và đa dạng trong chuỗi cung ứng đã dẫn đến gián đoạn trong những năm gần đây. Chính sách muốn mang lại cải cách và một cách tiếp cận chiến lược hơn cho thương mại.

Xem thêm:

Business Standard ngày 5/4/2022: United States isn’t seeking a ‘divorce’ from China, trade chief says 

Trung Quốc tiếp tục ký hợp đồng mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ

Công ty NextDecade có trụ sở tại Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho ENN của Trung Quốc 1,5 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm trong 20 năm, bắt đầu từ năm 2026, từ dự án xuất khẩu Rio Grande được đề xuất ở Texas. Đáng chú ý, đây là thỏa thuận LNG Mỹ-Trung thứ tư được ký kết trong vòng hai tuần qua.

Xem thêm:

Energy Voice ngày 7/4/2022: China signs another deal to buy US LNG 

Trung Quốc nên xem xét bài học từ cuộc xâm lược Ukraine của Nga, quan chức Mỹ nói

Sự kém cỏi của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine và phản ứng về kinh tế ngoại giao của cộng đồng quốc tế là những bài học cảnh tỉnh cho Trung Quốc và những nước khác có thể muốn thực hiện các hành động gây hấn ở Thái Bình Dương, người đứng đầu chính sách khu vực của Lầu Năm Góc, Ely Ratner, cho biết hôm thứ Hai tại Hội nghị Sea-Air-Space bên ngoài Washington, D.C.

Khi liên hệ vấn đề Ukraine đối với các loại gây hấn có thể xảy ra ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Ratner cho biết Eo biển Đài Loan đứng đầu trong danh sách.

Xem thêm:

Defense One ngày 4/4/2022: ​​China Should Heed Lessons from Russia’s Ukraine Invasion, US Official Says

Trung Quốc trong điều trần của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng, Tướng Mark Milley trước Uỷ ban Các lực lượng Vũ trang Thượng viện

Trong điều trần về ngân sách Bộ Quốc phòng Mỹ cho năm tài khoá 2023 vào ngày 7/4/2022, Tướng Milley khẳng định Trung Quốc vẫn là thách thức địa chiến lược số 1 trong dài hạn của Hoa Kỳ. Trung Quốc tiếp tục thách thức sự ổn định và an ninh ở Thái Bình Dương và gia tăng xuất khẩu năng lực gây bất ổn của họ ra nước ngoài. Trung Quốc đã và đang tiếp tục phát triển các năng lực quân sự hạt nhân, vũ trụ, mạng, đất liền, trên không và trên biển, và họ đang nỗ lực hàng ngày để thu hẹp khoảng cách về công nghệ với Hoa Kỳ và các đồng minh. Tóm lại, họ vẫn có ý định sửa đổi nền tảng trật tự quốc tế toàn cầu theo hướng có lợi cho họ trong tư duy giữa thế kỷ trước, họ dự định trở thành một đối thủ cạnh tranh quân sự với Hoa Kỳ vào năm 2035 và có ý định phát triển năng lực quân sự để chiếm lấy Đài Loan vào năm 2027. Hơn nữa, họ còn tích cực theo dõi các sự kiện ở Ukraine và có ý định khai thác các nỗ lực nhằm làm suy yếu Mỹ và các đồng minh ủng hộ Ukraine. Trong khi Nga là một mối đe dọa cấp tính, CHND Trung Hoa là thách thức ngày càng gia tăng đối với an ninh quốc gia địa chiến lược, lâu dài của Mỹ. Tướng Milley dùng từ “thách thức” để nói về Trung Quốc chứ không nói Trung Quốc là “mối đe dọa”.

Xem toàn văn điều trần của Tướng Milley ở đây.

Trung Quốc trong điều trần của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trước Uỷ ban Các lực lượng Vũ trang Thượng viện

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cũng khẳng định Trung Quốc là mối thách thức đang gia tăng đáng kể với những nỗ lực mang tính áp đặt và ngày càng tích cực nhằm thay đổi hiện trạng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và hệ thống quốc tế phù hợp với lợi ích và ưu tiên của nước này. Trung Quốc đã mở rộng và hiện đại hóa gần như mọi khía cạnh của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), bao gồm cả các lực lượng thông thường và năng lực hạt nhân, với trọng tâm là đối trọng với các lợi thế quân sự của Hoa Kỳ. Trung Quốc tìm cách chia rẽ các liên minh và quan hệ đối tác an ninh của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ tận dụng ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của PLA để cưỡng ép và đe dọa lợi ích quốc gia quan trọng của các nước láng giềng. PLA cũng đang nhanh chóng phát triển và tích hợp các năng lực chiến tranh không gian, đối không, không gian mạng, điện tử và thông tin để hỗ trợ cách tiếp cận tổng thể của lực lượng này trong tác chiến tích hợp.

Tải toàn văn điều trần của Bộ trưởng Austin ở đây.

———-

V- QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến EU-Trung Quốc: Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu gọi đây là cuộc điện đàm này là “Cuộc đối thoại của những người điếc”

Như tin đã đưa, vào ngày 1/4/2022, Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU – Trung Quốc được tổ chức giữa các lãnh đạo Liên minh Châu Âu và Trung Quốc, cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên sau hơn hai năm. Nội dung thảo luận chính của hội nghị là cuộc chiến của Nga ở Ukraine và tác động đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, cũng như an ninh toàn cầu và nền kinh tế. Ông Josep Borrell, người đứng đầu cơ quan đối ngoại của EU, cho biết các lãnh đạo Trung Quốc “không muốn nói về Ukraine và nhân quyền” mà chỉ muốn nói về những vấn đề tích cực. Các nhà lãnh đạo EU cũng cho biết rằng họ không thể đạt được đồng thuận về bất cứ vấn đề nào và có lẽ đây là “cuộc đối thoại của những người điếc”.

Borrell nói với Nghị viện Châu Âu hôm thứ Ba rằng “phía Châu Âu đã nói rõ rằng việc chia nhỏ này là không khả thi, không thể chấp nhận được.” Ông nói thêm: “Đối với chúng tôi, cuộc chiến ở Ukraine là một thời điểm xác định liệu chúng ta đang sống trong một thế giới được điều hành bởi các luật lệ hay bởi vũ lực.”

Xem thêm:

European Union ngày 6/4/2022: EU-China Summit: Speech by High Representative/Vice-President Josep Borrell at the EP plenary | EEAS Website

Bloomberg ngày 6/4/2022:  EU’s Top Diplomat Calls Summit With China’s Xi Jinping a ‘Deaf Dialog’ – Bloomberg. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

———-

VI- CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ DẤY LÊN LO NGẠI VỀ NGUY CƠ DIỆT CHỦNG NGƯỜI UKRAINE DƯỚI DANH NGHĨA “PHI PHÁT XÍT HOÁ”

Như đã đưa tin trong Bản Tin Biển Đông tuần trước, truyền thông nhà nước Nga đã đăng tải một khái niệm mới về “phi phát xít hoá” không theo nghĩa mà thế giới thường sử dụng. Nga có một định nghĩa hoàn toàn mới về khái niệm này, theo đó những người phát xít quốc xã là những người Ukraine từ chối thừa nhận là người Nga. Sự gắn bó mật thiết với văn hoá Ukraine, tất cả những gì liên quan tới những giá trị đặc thù của Ukraine, hay khát vọng hướng về Liên minh Châu Âu của người Ukraine cần phải được giải mã là một hình thức “Chủ nghĩa Quốc xã mới” nguy hiểm hơn. Vì lý do này, Ukraine không được phép tồn tại như hiện tại.

Nhận thức này đã không chỉ dừng lại ở một bài báo (đã được Dự án Đại Sự Ký Biển Đông dịch toàn văn), mà đã tiếp tục được phơi bày qua phát ngôn của các quan chức cấp cao, cố vấn chiến lược trong nội các của Tổng thống Nga Putin, trên các kênh truyền hình nhà nước có nhiều người xem nhất. Dmitry Medvedev phát biểu rằng Ukraine là một quốc gia hoàn toàn giả tạo và là bản sao của Đệ Tam Đế chế không xứng đáng tồn tại. 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga nói rằng người Ukraine chỉ muốn món súp “borscht” (một loại súp củ cải đỏ truyền thống của Ukraine) chỉ thuộc về một dân tộc, không muốn chia sẻ công thức cho người khác, không muốn cho người nội trợ được nấu theo cách riêng của mình…” và cô coi đây là ví dụ về sự cực đoan, phát xít ở Ukraine, là lý do chính mà Nga gây chiến ở Ukraine.

Người Việt Nam muốn thử món súp củ cải đỏ truyền thống này của Ukraine có thể ghé thăm Nhà hàng Bud’mo tại 61 đường Tô Ngọc Vân, Hà Nội. Đây một nhà hàng với ẩm thực đặc trưng Ukraine và do người Ukraine làm chủ. Hai món ăn truyền thống, Ukraine borscht cùng với thịt nướng theo phong cách Ukraine rất tuyệt vời, rất thơm ngon. Và trong lúc phía Nga dấy lên lòng hận thù giữa hai dân tộc Nga và Ukraine thì tại nhà hàng này từ nhiều năm nay đã luôn song hành ẩm thực Ukraine và ẩm thực Nga. Những người Nga làm việc ở Hà Nội thường xuyên ghé tới đây ăn.

Các học giả, các nhà tuyên truyền kỳ cựu của Nga cũng góp phần đổ dầu vào lửa trên những kênh truyền hình được nhiều người xem nhất ở Nga. Vladimir Solovyov trên chương trình trò chuyện hàng đầu của Rossia-1 nói trong tiếng hò reo của khán giả: “Vladimir Zelensky là Tổng thống cuối cùng của Ukraine vì sẽ không có Ukraine nào sau đó”. Alexei Martynop trên Rosiya-1: “Rõ ràng thời khắc (cho các nhà lãnh đạo Ukraine cứu đất nước họ) đã trôi qua. Sẽ không còn đất nước Ukraine nữa, sẽ không còn tồn tại một quốc gia như thế.” 

Cũng trên truyền hình Nga, các nhà lập pháp và học giả nói Ukraine phải là một phần của Nga dù điều này đi ngược ý muốn của họ. Tất cả các biểu tượng tự nhiên của Ukraine phải được thay thế bằng các biểu tượng của Nga / Liên Xô.

Nhà cố vấn chiến lược của Tổng thống Nga Putin Alexander Dugin nói rằng Ukraine là một căn cứ quân sự của NATO để tấn công Nga, và bởi vậy chỉ khi Nga chiếm được toàn bộ lãnh thổ Ukraine, lật đổ Tổng thống Ukraine Zelenskyy thì khi đó mới có thể coi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đã đạt được thành tựu.

Sergey Karaganov nói rằng Nga coi Ukraine giống như Đức Quốc xã thời những năm 1930s và do vậy cần phải bị xé thành nhiều mảnh nhỏ.

Aleksandr Sladkov, một nhân viên hàng đầu của kênh truyền hình nhà nước lớn nhất của Nga Rossiya, nói rằng những cái chết ở Mariupol phải chứng minh được cho các các thành phố khác của Ukraine rằng “một thành phố hoặc là phải đầu hàng hoặc bị xóa sổ”. Quân đội Nga sẽ xóa sổ các thành phố ở phía Tây Ukraine, không phải để chiếm chúng, mà chỉ để phá huỷ chúng.

Các kênh Telegram tuyên truyền thân Nga đăng các mẫu hàng hoá theo chủ đề Thảm sát Bucha với nội dung: “Thảm sát Bucha: chúng ta có thể làm lại”. Đây là một khẩu hiệu phổ biến của Nga thường được sử dụng trong bối cảnh Thế chiến II. Ví dụ: “Chúng ta đã đến Berlin một lần, chúng ta có thể làm lại.”

Nhà xã hội học Greg Yudin từ Moscow đã phân tích tính nguy hiểm của nhận thức này như sau: “Điều tôi cảm thấy đáng lo ngại hơn là nhận thức phi quốc xã hoá này này biến thành một khái niệm hoạt động cho quân đội trên mặt đất, và điều đó rất, rất đáng lo ngại. Ý tôi là, chúng ta đã thấy nó dẫn đến điều gì vì một khi quân đội coi đây là một cuộc chiến chống lại phát xít, họ bắt đầu làm những gì họ đang làm ở Bucha. Họ đang cố gắng thanh trừng, để thanh lọc, làm sạch vùng đất khỏi chủ nghĩa Quốc xã. Và vì người Ukraine đã chống lại, điều đó rõ ràng ngụ ý rằng người dân dường như cũng đang bị quốc xã hóa. Bởi vậy binh lính phải tiêu diệt chúng hoàn toàn.”

Đây cũng là quan điểm được chia sẻ bởi nhiều nhà nghiên cứu về diệt chủng và thảm sát, trong bối cảnh liên tục có những báo cáo về số thương vong dân thường có thể lên tới cả chục ngàn người ở những thành phố khác ở Ukraine. 

Đặc biệt, ngày càng có nhiều báo cáo về việc phụ nữ và các bé gái người Ukraine bị lính Nga cưỡng hiếp ở các thành phố bị Nga chiếm đóng. Một nạn nhân kể lại: Các binh sĩ Nga cho biết “họ sẽ bị cưỡng hiếp đến mức không muốn tiếp xúc tình dục với bất kỳ người đàn ông nào, để ngăn họ có con là người Ukraine.”

Theo Công ước Geneva ngày 12/8/1949, “Phụ nữ phải được bảo vệ đặc biệt trước bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào danh dự của họ, đặc biệt là phải được bảo vệ khỏi nạn cưỡng hiếp, cưỡng bức mại dâm hoặc bất kỳ hình thức tấn công khiếm nhã nào.”

Xem thêm:

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 8/4/2022: Một Kế Hoạch Diệt Chủng Người Ukraine Được Xuất Bản Trên Truyền Thông Nhà Nước Nga 

Phát ngôn của Dmitry Medvedev

Phát ngôn của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga

Vladimir Solovyov on Rossia-1’s flagship talk show

Pundit Alexei Martynov on Rossiya 1 TV

“Ukraine phải là một phần của nước Nga. Biểu tượng của Ukraine phải bị xoá bỏ…”

Turkiye Gazetesi ngày 11/4/2022: Putin’in danışmanı Dugin: İstanbul zirvesi sabote edildi

Nhân viên truyền hình quốc gia Nga nói về sự xoá sổ các thành phố ở Ukraine

“Thảm sát Bucha: chúng ta có thể làm lần nữa.”

Timothy Snyder: Russia’s genocide handbook

Intelligencer ngày 7/4/2022: ‘Russia Is Completely Depoliticized’ A sociologist from Moscow explains how the nation learned to deny reality

Văn hoá Ukraine đang bị người Nga chiếm đóng xoá bỏ ở Kherson

Những thước phim của The Associated Press ghi lại cảnh thành phố Mariupol bị san phẳng bởi bom đạn, trẻ em bị giết chết

The New Voice of Ukraine ngày 8/4/2022: What is known about scale of sexual violence committed by Russian troops in Ukraine

BBC News ngày 12/4/2022: Ukraine conflict: ‘Russian soldiers raped me and killed my husband’ 

———-

VII- TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU CỦA CUỘC CHIẾN NGA – UKRAINE

Thành viên Nghị viện Châu Âu yêu cầu cấm vận hoàn toàn đối với nhập khẩu năng lượng của Nga 

Trong một nghị quyết được thông qua với 513 phiếu bầu vào thứ Năm, các thành viên Nghị viện Châu Âu (MEP) kêu gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm “một lệnh cấm vận hoàn toàn ngay lập tức đối với nhập khẩu dầu, than, nhiên liệu hạt nhân và khí đốt của Nga”. Trong đó, các nghị sĩ châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo EU loại Nga khỏi G20 và các tổ chức đa phương khác và việc chuyển giao vũ khí đến Ukraine phải tiếp tục được đẩy mạnh. 

Xem thêm:

European Parliament ngày 7/4/2022: MEPs demand full embargo on Russian imports of oil, coal, nuclear fuel and gas

Mỹ cân nhắc xây dựng các căn cứ lâu dài ở Đông Âu

Ngày 5/4/2022, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley cho biết Mỹ nên xây dựng các căn cứ quân sự lâu dài ở Đông Âu trong bối cảnh phương Tây đang tìm cách thích ứng với tình hình an ninh mới sau cuộc chiến tại Ukraine. Các quốc gia trong khu vực bao gồm Romania, Ba Lan và các nước vùng Baltic “rất sẵn lòng” có các căn cứ thường trực, ông Milley cho biết trong bài phát biểu tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ. Tướng Milley cũng cho rằng các căn cứ nên có lực lượng viễn chinh luân chuyển thay vì các đơn vị được triển khai thường trực.

Xem thêm:

The National News ngày 6/4/2022: US weighs building permanent bases in Eastern Europe

Romania kêu gọi sự hiện diện thường xuyên của Mỹ, kiểm soát trên không để răn đe Nga

Ngay sau khi Nga xâm lược Ukraine, Bộ Tư lệnh Không quân NATO đã nhanh chóng triển khai các máy bay chiến đấu của Mỹ để tiến hành Chính sách trên không tăng cường ở khu vực Biển Đen, nơi mà nhiều năm xây dựng đang mang lại kết quả. Nhưng các quan chức quốc phòng Romania nói rằng nhiệm vụ răn đe phải chuyển sang nhiệm vụ phòng thủ thường trực để ngăn chặn sự xâm lược của Nga trong tương lai.

Xem thêm:

Air Force Magazine ngày 7/4/2022: Romania Calls for Permanent US Presence, Air Policing to Deter Russia

Thương mại toàn cầu giảm 2,8% do cuộc chiến của Nga ở Ukraine ảnh hưởng đến vận tải container

Sự sụt giảm phản ánh hoạt động cảng giảm mạnh ở cả hai quốc gia, EU bị ảnh hưởng nhiều hơn Trung Quốc và Mỹ.

Xem thêm:

Financial Times ngày 6/4/2022: Global trade falls 2.8% as Russia’s war in Ukraine hits container traffic. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Nga chuyển sang sản xuất vi mạch cho thẻ ngân hàng nội địa ở Trung Quốc để đối phó với lệnh trừng phạt của phương Tây

Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cắt Moscow ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu. Oleg Tishakov, thành viên Hội đồng quản trị Hệ thống thanh toán thẻ quốc gia, cho biết Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu vi mạch khi các nhà sản xuất Châu Á tạm ngừng sản xuất trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các nhà cung cấp châu Âu đã ngừng hợp tác với Moscow sau các lệnh trừng phạt. Ông Tishakov cho biết đã tìm kiếm các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc để đối phó với tình trạng thiếu chip cho hệ thống thẻ Mir của Nga.

Xem thêm:

Reuters ngày 6/4/2022: Russia turns to China for microchips for in-demand domestic bank cards

Nga kêu gọi tích hợp hệ thống thanh toán BRICS

Vào ngày 8/4/2022, Bộ trưởng Tài chính Nga, Anton Siluanov, đã phát biểu trong cuộc họp cấp Bộ trưởng với BRICS, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, rằng tình hình kinh tế toàn cầu đã trở nên tồi tệ hơn đáng kể do các lệnh trừng phạt. Do đó, Nga đã kêu gọi nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS mở rộng việc sử dụng tiền tệ quốc gia và tích hợp hệ thống thanh toán.

Xem thêm:

Reuters ngày 10/4/2022: Russia calls for integrating BRICS payment systems | Reuters 

S&P cắt xếp hạng ngoại tệ của Nga xuống “vỡ nợ có chọn lọc”

S&P hôm thứ Bảy đã hạ xếp hạng ngoại tệ của Nga xuống mức “vỡ nợ có chọn lọc” do rủi ro gia tăng rằng Moscow sẽ không thể và không sẵn sàng thực hiện các cam kết với những chủ nợ nước ngoài.

Xem thêm:

Reuters ngày 9/4/2022: S&P cuts Russia’s foreign currency rating to ‘selective default’ 

Nỗi lo sợ về Nga thúc đẩy các nhà nhập khẩu khí đốt Nhật Bản tìm kiếm nhà cung cấp mới

Các công ty khí đốt Nhật Bản đang chuẩn bị kế hoạch tìm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Malaysia, Australia và Mỹ trong bối cảnh lo ngại có thể bị gián đoạn nguồn cung từ các dự án LNG mà Nhật Bản cùng phát triển với Nga.

Xem thêm:

Financial Times ngày 10/4/2022: Russia fears push Japanese gas importers to seek new suppliers. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

———-

VIII- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Tara Davenport: Cuộc chiến pháp lý trong các tranh chấp ở Biển Đông

Trong bối cảnh Biển Đông, các bên tranh chấp đã sử dụng nhiều cơ chế pháp lý và diễn đàn khác nhau để theo đuổi các mục tiêu khác nhau như việc Malaysia và Việt Nam đệ trình yêu sách thềm lục địa mở rộng lên Ủy ban Giới hạn của Thềm lục địa (CLCS) hay Philippines kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài.

Một số câu hỏi được đặt ra về giá trị của các biện pháp pháp lý này và việc liệu việc sử dụng “luật lệ” có làm trầm trọng thêm các tranh chấp ở Biển Đông hay không. Tác giả đã đề cập tới hai lợi ích đáng chú ý. 

Thứ nhất, quy trình CLCS và thủ tục tố tụng trọng tài năm 2016 đã đóng vai trò như một phương tiện quan trọng để truyền đạt các yêu sách của các bên, dẫn đến việc các bên phải làm rõ các yêu sách biển của mình ở Biển Đông. Sự tương tác với các cơ chế pháp lý này đã buộc các bên tranh chấp phải xem xét vị trí pháp lý của mình và trao đổi với nhau. Do đó, các yêu sách biển đối với quần đảo Trường Sa được làm rõ và phạm vi của tranh chấp được xác định.

Thứ hai, Phán quyết của Tòa làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý như quyền lịch sử hay giải thích quy định về “đá” trong điều 121. Phán quyết này được coi là phán quyết cuối cùng và là phương tiện bổ trợ để xác định tập quán quốc tế, nguyên tắc luật quốc tế hay các quy phạm pháp luật quốc tế để các quốc gia khác, Tòa án hay Toà trọng tài dựa vào.

Bài viết kết luận rằng, mặc dù trước mỗi hành động pháp lý được đưa ra, các bên sẽ có những phản ứng mạnh mẽ, làm gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến hiện trạng nhưng việc này là cần thiết để thúc đẩy giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông.

Xem thêm:

The Interpreter ngày 1/4/2022: Lawfare” in the South China Sea disputes

Sun Zhe: Chiến tranh Ukraine đã cho thấy hùng biện “phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang suy yếu” là sai lầm

Giám đốc Trung tâm Quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho rằng chiến tranh Ukraine sẽ có ít nhất 4 tác động trực tiếp đối với trật tự thế giới.

Trước hết, trái với luận điểm của Fareer Zakaria trong “Thế giới hậu Mỹ” viết năm 2009, thực tế cho thấy các nước đang phát triển không “cùng nhau vươn lên” để thách thức trật tự hiện tại: “Nói một cách khác, một số quốc gia trỗi dậy không chỉ thất bại trong việc bắt tay vào con đường phát triển bền vững, mà các quốc gia như Nga, Nam Phi và Brazil đã chứng kiến sức mạnh của họ suy giảm trong những năm gần đây và mức độ sẵn sàng hợp tác tập thể của các nước đang phát triển cũng giảm dần.”

Thứ nhì, Sun cho rằng chiến tranh sẽ tăng cường sự chia rẽ kinh tế. “Thâm hụt hoà bình trên toàn cầu” nhiều hơn và vai trò Liên Hợp Quốc ngày càng suy giảm. Làm thế nào để từ bỏ tư duy cũ về trò chơi tổng bằng không trong Chiến tranh Lạnh, từ bỏ luật rừng và tìm kiếm hoà bình thông qua hợp tác, khái niệm tham vấn chung và cùng xây dựng nền quản trị hòa bình toàn cầu vẫn còn là một thách thức to lớn đối với hoạt động của hệ thống quốc tế trong tương lai.

Cuối cùng, Trung Quốc và Mỹ sẽ đóng vai trò lớn hơn khi ảnh hưởng của Nga trên trường thế giới suy tàn, đến mức nước này sẽ bị loại khỏi cuộc cạnh tranh cường quốc.

Xem thêm:

孙哲:俄乌冲突对全球格局的四大冲击_爱思想 

Bill Clinton: Ý tưởng rằng chúng tôi phớt lờ, không tôn trọng hoặc cố gắng cô lập Nga là sai

Trong bài viết trên The Atlantic, vị Tổng thống thứ 42 của Mỹ đã tiết lộ rằng Mỹ đã làm tất cả để tạo cơ hội cho Nga có thể trở thành thành viên NATO, điều mà ông đã nói rõ với Yeltsin và sau đó khẳng định với Vladimir Putin.

Điều đó bao gồm một khoản tiền 1,6 tỷ USD cho Nga để nước này đủ khả năng đưa binh lính của mình tại các nước Baltic trở về và cung cấp nhà ở cho họ. Năm 1994, Nga trở thành quốc gia đầu tiên tham gia Hiệp định Đối tác vì Hòa bình, một chương trình hợp tác song phương bao gồm các cuộc tập trận chung giữa NATO và các nước Châu Âu không thuộc NATO. Cùng năm đó, Hoa Kỳ đã ký Bản ghi nhớ Budapest cùng Nga và Vương quốc Anh, trong đó đảm bảo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine để đổi lại việc Ukraine đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 thế giới. Năm 1995, sau khi Hiệp định Dayton kết thúc Chiến tranh Bosnia, một thỏa thuận bổ sung quân đội Nga vào các lực lượng gìn giữ hòa bình mà NATO có tại Bosnia đã được thực hiện. Năm 1997, Mỹ ủng hộ Đạo luật NATO – Nga, giúp Nga có tiếng nói nhưng không có quyền phủ quyết trong các vấn đề của NATO và ủng hộ việc Nga gia nhập G7, biến nó thành G8. Năm 1999, khi cuộc xung đột ở Kosovo kết thúc, Bộ trưởng Quốc phòng Bill Cohen đã đạt được một thỏa thuận với Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Theo đó, quân đội Nga có thể tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình NATO do Liên Hợp Quốc chấp thuận. Thông qua tất cả những hành động này, Mỹ đã để ngỏ cánh cửa để cho Nga cuối cùng có thể trở thành thành viên NATO, điều mà ông đã nói rõ với Yeltsin và sau đó tiếp tục khẳng định với người kế nhiệm, Vladimir Putin.

Bởi vậy, tác giả cho rằng, xung đột xảy ra hay không phụ thuộc ít hơn vào NATO và nhiều hơn vào việc liệu Nga có còn là một nền dân chủ và cách quốc gia này xác định sự vĩ đại của mình trong thế kỷ 21. Liệu Nga sẽ chọn xây dựng một nền kinh tế hiện đại dựa trên tài năng của con người về khoa học, công nghệ và nghệ thuật, hay tìm cách tái tạo một phiên bản của đế chế thế kỷ 18 được thúc đẩy bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên và được đặc trưng bởi một chính phủ độc tài mạnh mẽ với một quân đội mạnh?

Xem thêm:

The Atlantic ngày 7/4/2022: Bill Clinton: I Tried to Put Russia on Another Path 

Dan Williams: Ivo Daalder nói rằng việc mở rộng NATO đã không đi đủ xa

Trong một bài báo đăng tải trên The Economist vào ngày 19/3/2022, Giáo sư John Mearsheimer đã lập luận trách nhiệm chính đối với cuộc khủng hoảng Ukraine là phương Tây và đặc biệt là Mỹ với quyết định kết nạp thêm các thành viên mới. Ông John Mearsheimer đã đặc biệt đổ lỗi cho Mỹ vì năm 2008 nước này đã thúc đẩy việc mở rộng tư cách thành viên NATO cho Ukraine (và Gruzia), vượt qua giới hạn đỏ của Moscow. Tuy nhiên, theo Ivo Daalder, Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương, vấn đề không phải là việc mở rộng NATO đã đi quá xa mà là không đi đủ xa. Nếu Ukraine là thành viên của NATO và nếu quân đội Mỹ, NATO được triển khai trên lãnh thổ của Ukraine thì Tổng thống Nga Putin sẽ phải suy nghĩ rất kỹ trước khi bắt đầu cuộc chiến. Đây là một bài học thật sự cho tương lai khi cuộc chiến kết thúc, NATO sẽ phải quyết định mời Ukraine tham gia liên minh hay không để ngăn chặn khả năng Nga tiếp tục xâm lược. Với những thiệt hại và sự tàn phá mà Nga đã gây ra, đó sẽ là một quyết định dễ dàng đối với NATO.

Xem thêm:

The Economist ngày 9/4/2022: Ivo Daalder says NATO enlargement didn’t go far enough

Julian G. Ku: Trung Quốc đã từ bỏ các nguyên tắc riêng để ủng hộ Nga

“Trung Quốc luôn phản đối việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Tuyên bố này đã thường xuyên được Bộ Ngoại giao Trung Quốc lặp lại như một nguyên tắc cơ bản trong cách tiếp cận luật pháp quốc tế và như một đặc điểm quan trọng của hình ảnh mà Trung Quốc tự miêu tả mình – một quốc gia trung lập, hoà bình, trái ngược với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi cho đến khi Moscow xâm lược Ukraine. Trung Quốc đã nhiều lần từ chối chỉ trích cuộc xâm lược tàn bạo của Nga đối với Ukraine, dường như đã từ bỏ vị thế ngoại giao và pháp lý lâu đời của mình.

Cách giải thích thứ nhất, khá thông thường với nhiều nhà phân tích, đó là Trung Quốc tạm thời muốn ủng hộ đồng minh chiến lược của mình. Tuy nhiên, tác giả cho rằng còn có một cách giải thích thứ hai, đáng lo ngại hơn. 

Đó là việc tuân thủ nguyên tắc pháp lý đó chỉ hấp dẫn và có lợi với Trung Quốc khi nước này chưa có sức mạnh quân sự đáng kể bên ngoài biên giới của mình. Nhưng trong khi Trung Quốc chưa bằng Hoa Kỳ về mặt quân sự, họ có tham vọng địa chính trị ngày càng tăng ở Châu Á cũng như trên toàn thế giới. Trung Quốc không chỉ bị lôi kéo vào các tranh chấp biên giới tiềm tàng bạo lực với hầu hết các nước láng giềng bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ, mà còn thiết lập hoặc đang cân nhắc hiện diện quân sự ở Trung Đông và ở các khu vực xa xôi như Đại Tây Dương và Nam Thái Bình Dương.

Với sức mạnh quân sự toàn cầu đang lên, Trung Quốc có thể thay đổi lập trường của mình, chọn một lập trường ít cam kết hơn với các giới hạn của Hiến chương Liên Hợp Quốc về sử dụng vũ lực, coi mình là một quốc gia không cần bị ràng buộc bởi các quy tắc đó. Và đây là một mối đe doạ đáng ngại hơn nhiều so với khả năng thứ nhất.

Tác giả cho rằng cần phải xem xét lại bản chất vị trí của Trung Quốc trong trật tự toàn cầu và khả năng tồn tại của các nguyên tắc luật quốc tế như cấm sử dụng vũ lực trong trật tự đó.

Xem thêm:

Foreign Policy ngày 7/4/2022: China Has Ditched Its Own Principles to Back Russia. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Trung Quốc khai thác cuộc chiến ở Ukraine để phá bỏ trật tự thế giới hiện tại và đẩy nhanh sự suy thoái của phương Tây

Trong bài viết trên Nikkei Asia, Hiroyuki Akita cho rằng ngày 24/2/2022 là một bước ngoặt trong cuộc đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ – Trung. Trong khi phương Tây đang hết sức ngăn cản hành động gây chiến của Putin đối với Ukraine và coi đây là điều cốt yếu để giữ cho thế giới không trở về thời luật rừng, Tập Cận Bình của Trung Quốc có quan điểm hoàn toàn ngược lại. Ông Tập tin tưởng vào việc phá huỷ trật tự thế giới thời hậu chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo và Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành nhà lãnh đạo thế giới vào năm 2050. Tập đã nói trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2017 rằng công dân Trung Quốc sẽ sống trong một “xã hội thịnh vượng vừa phải”, trong khi quốc gia này hướng tới một vị trí trọng tâm trên thế giới. 

Để đạt được mục tiêu của mình, Trung Quốc cần Nga trong nhiệm vụ làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ và thúc đẩy thế giới hướng tới một tương lai đa cực. Điều cuối cùng mà Bắc Kinh muốn thấy bây giờ là sự sụp đổ của chính phủ Putin. Ông Tập và giới lãnh đạo Trung Quốc đã đứng về phía Nga trong cuộc xung đột Ukraine, từ chối gọi các hành động của Moscow là “xâm lược”, thay vào đó chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Một chuyên gia về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ am hiểu thông tin tình báo cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị hỗ trợ quân sự, nếu không muốn nói là hỗ trợ vũ khí sát thương, cho Nga.

Nếu mọi thứ diễn ra như ông Tập hy vọng, đó sẽ là hồi chuông báo tử cho hệ thống quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đã duy trì sự ổn định toàn cầu trong suốt thời kỳ hậu chiến. Trong trật tự mới, Putin vẫn nắm quyền và chỉ phải trả một cái giá nhỏ cho sự hiếu chiến của mình, và thế giới sẽ bị mắc kẹt trong một cơn đại dịch bạo lực và vô pháp. 

Có lẽ sẽ không thể tránh khỏi một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa phương Tây và Trung Quốc. Nhưng trong cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc, phương Tây phải đối mặt với một đối thủ khó hơn nhiều bởi nhiều nước Châu Á có mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc gần gũi hơn với Mỹ.

Các cường quốc hàng đầu của phương Tây, bao gồm cả Nhật Bản, cần phải bắt đầu vạch ra các chiến lược hiệu quả để ứng phó với hai cuộc chiến tranh lạnh này.

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 3/4/2022: New cold wars emanating from Russia, China put Asia on edge. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.

The Economist ngày 19/3/2022: The war in Ukraine will determine how China sees the world 

China Digital Times ngày 8/4/2022: China Supports Russia in UN Vote, Despite Evidence of Civilian Killings in Ukraine

The Washington Post ngày 8/4/2022: China is Russia’s proxy in the country’s disinformation wars over Ukraine. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

The New York Times ngày 4/4/2022: Bristling Against the West, China Rallies Domestic Sympathy for Russia. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

The documentary on Youku – 历史虚无主义与苏联解体_纪录片–优酷 

South China Morning Post ngày 30/3/2022: Russia’s war on Ukraine: China schools its teachers with classroom guide to Beijing’s messaging. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

RFA Tiếng Trung ngày 28/3/2022: 中国引导学生”正确”认识俄乌战争课程以亲俄仇美为主 

David Bandurski: “Chỉnh khung nhận thức” cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine

Qua phân tích một số bài bình luận trên truyền thông chính thống Trung Quốc về những mối nghi ngờ về “chương trình vũ khí sinh học” của Mỹ tại Ukraine, tác giả chỉ ra Trung Quốc coi câu chuyện về vũ khí sinh học là cách hiệu quả nhất để hướng khỏi các câu hỏi về cuộc chiến của Nga với Ukraine và quan hệ Trung – Nga. Với cách đưa tin của Bắc Kinh, cuộc chiến tại Ukraine được “chỉnh khung nhận thức”, để thế giới thấy được mối đe dọa từ sự vô trách nhiệm và bá quyền của “ông kẹ” Mỹ, vượt qua hành động của Nga.

Xem thêm:

China Media Project ngày 1/4/2022: Reframing Russia’s Invasion of Ukraine

Nhân dân Nhật báo ngày 2/4/2022: With hegemonic thinking, the U.S. can’t vindicate itself of its bio-military activities

Nhân dân Nhật báo ngày 2/4/2022: Commentary: U.S. rakes in flurry of profits in time of war

Nhân dân Nhật báo ngày 3/4/2022: Who is protracting the Russia-Ukraine conflict?

China Military ngày 4/4/2022: US govt and Hunter Biden should clarify involvement in Ukrainian biological labs

China Military ngày 4/4/2022: US military industrial complex profiteers from Russia-Ukraine conflict

Logan Wright: Nga đào hố sâu ngăn cách một Trung Quốc “chính trị” và một Trung Quốc “kỹ trị”

Theo tác giả, các thông điệp mâu thuẫn được Bắc Kinh phát đi kể từ khi Nga tấn công Ukraine cho thấy sự chia tách bên trong hệ thống quản trị Trung Quốc, giữa một bên là “chính trị” và một bên là “kỹ trị”. Bên “chính trị” quan tâm đến cách Trung Quốc tận dụng quan hệ với Nga trong cạnh tranh với Mỹ và đồng minh và coi trọng sự “độc lập” và khiến thế giới phụ thuộc vào mình. Trong khi đó, bên “kỹ trị” – thường bao gồm các quan chức trong lĩnh vực như tài chính – ngân hàng  – cho rằng Trung Quốc vẫn cần tương tác với phần còn lại của thế giới để đạt được tham vọng chính trị lâu dài, và thường được gọi đến để giải quyết các hậu quả trong quyết định của “chính trị”.

Sau khi Nga tấn công Ukraine, bên “chính trị” muốn làm mọi cách để giảm phụ thuộc vào USD, nhưng bên “kỹ trị” chỉ ra không có lựa chọn thay thế nào khác. Bên “chính trị” muốn các công ty Trung Quốc rời các sàn chứng khoán của Mỹ để quay về Thượng Hải hay Hong Kong, nhưng bên kỹ trị cho rằng điều này gây ra hậu quả về lâu dài trong thu hút đầu tư. Bên “chính trị” thúc đẩy giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu vật liệu thiết yếu và thúc đẩy chính sách công nghiệp theo hướng tự chủ, nhưng bên “kỹ trị” chỉ ra Trung Quốc cần có môi trường đầu tư thuận lợi để phát triển ngành công nghệ.

Tác giả cho rằng các quan ngại của bên “kỹ trị” sẽ không bị bỏ qua, nhưng bên “chính trị” sẽ luôn giành chiến thắng. Theo tác giả, việc Trung Quốc có còn đáng để đầu tư hay không phụ thuộc vào việc bên “kỹ trị” có giành lại một phần quyền kiểm soát về đâu là lợi ích quốc gia dài hạn của Trung Quốc hay không.

Xem thêm:

The Wire China ngày 3/4/2022: Russia Pits Political China Against Technocratic China

Một bản PDF được lưu trữ tại đây

Lyle Goldstein: Quan hệ Trung – Nga sau cuộc chiến tại Ukraine

Theo tác giả, ít có khả năng quan hệ Trung – Nga sẽ đứt gãy hoàn toàn sau cuộc chiến tại Ukraine, bất chấp khả năng quan hệ Trung – Mỹ tốt lên. Tác giả chỉ ra quan hệ giữa Nga và Trung Quốc vừa có các yếu tố về lịch sử – văn hóa sâu sắc. Trong lĩnh vực quân sự, quan hệ song phương cũng đạt mức độ thể chế hóa cao, trong khi nhiều quan chức cấp cao Trung Quốc từng học ở Nga. Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc vẫn cần số lượng lớn tài nguyên thiên nhiên mà Nga sở hữu. Bên cạnh đó, theo tác giả, Nga cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành “đối tác nhỏ hơn” trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Xem toàn văn bình luận tại đây.

Helena Legarda: Bài học từ Ukraine cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 

Bài viết đề cập đến bài học mà Châu Âu học được từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng, kết quả của mối quan hệ thân thiết với Nga, sẽ là bằng chứng cho thấy cuộc chiến này không chỉ là một cuộc khủng hoảng ở Châu Âu, và rằng không còn có thể coi Châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là hai chiến trường riêng biệt. Theo tác giả, nếu Châu Âu muốn trở thành một tác nhân địa chính trị thực sự phù hợp và bảo vệ hiệu quả lợi ích và an ninh của khối trên toàn cầu, thì việc tăng cường tham gia vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là điều cần thiết.

Về sức mạnh cứng và tư duy chiến lược, cuộc chiến tranh giúp thống nhất EU và rộng hơn là phương Tây. Cuộc chiến đã củng cố tầm quan trọng của tư duy chiến lược và quyền lực cứng ở Brussels và khắp các thủ đô Châu Âu, đồng thời nâng tầm quan trọng của NATO lên hàng đầu. Bên cạnh đó, sự hung hăng của Nga trong cuộc chiến này đã khiến EU và NATO phản ứng mạnh mẽ và một liên minh do phương Tây dẫn đầu gồm các đồng minh và đối tác – bao gồm cả ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – đang liên kết với nhau. Cuối cùng, “một trong những bài học mà chúng ta phải học từ cuộc xâm lược Ukraine là hơn bao giờ hết, Châu Âu phải suy nghĩ một cách chiến lược về khối, môi trường của khối và thế giới”, trích lời của Josep Borrell trong bài phát biểu trước Nghị viện Châu Âu vào ngày 1/3/2022. 

Xem thêm:

Internationale Politik Quarterly ngày 11/3/2022: Lessons from Ukraine for the Indo-Pacific

Thomas Corbett và cộng sự: Trung Quốc đang học gì từ cuộc chiến tại Ukraine

Từ các khái niệm chiến trường đến địa chính trị, Bắc Kinh chắc chắn đang theo dõi chiến sự tại Ukraine với một sự quan tâm cuồng nhiệt và một chút lo lắng.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từ lâu đã có những vấn đề nghiêm trọng của riêng mình trong các hoạt động phối hợp và đã bắt đầu thực hiện các bước để thay đổi, nhưng có khả năng vẫn còn lâu mới có thể triển khai các hoạt động phối hợp thực sự hiệu quả và liền mạch. Đối với Trung Quốc, cuộc xâm lược Ukraine sẽ củng cố tầm quan trọng của các hoạt động hiệp đồng tác chiến, đồng thời cho thấy khả năng tiến hành các hoạt động như vậy trên thực địa là rất khó khăn. Một vấn đề khác Trung Quốc cũng cần phải lưu ý đó là chất lượng của lực lượng lính nghĩa vụ thấp đã khiến Nga thảm bại tại Ukraine. PLA có khoảng 660.000 lĩnh nghĩa vụ hai năm nhưng nhiều binh lính trong số đó có trình độ chưa hết trung học phổ thông trong khi lãnh đạo Trung Quốc chỉ chú trọng giáo dục chính trị mà ít tập trung huấn luyện về chuyên môn nghiệp vụ. PLA cũng cần rút kinh nghiệm về thất bại của Nga trong cuộc chiến thông tin tại Ukraine cũng như vấn đề hậu cần. PLA đã có những bước đi nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng tác chiến không gian mạng, chiến tranh điện tử, vũ trị và thông tin cũng như cải cách và hiện đại hóa lực lượng hậu cần của mình.

Xem thêm:

Defense One ngày 3/4/2022: What Is China Learning from the Ukraine War?

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.