Bản Cáo Trạng Của Liên Hợp Quốc Về Nga Và Những Hệ Quả Lâu Dài

Tác giả: Greg Austin | IISS Analysis ngày 10/3/2022

Biên dịch: Đinh Tùng Lâm

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về “tội ác xâm lược” của Nga ở Ukraine có ý nghĩa chưa từng có. Theo Greg Austin thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies – IISS), cho dù có bất kỳ giải pháp ngoại giao nào cho cuộc khủng hoảng thì ý nghĩa pháp lý của bản cáo trạng này sẽ còn tồn tại trong nhiều năm tới.

Đáp lại việc phủ quyết của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, vào ngày 2 tháng 3 năm 2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) đã ủng hộ nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức rút các lực lượng quân sự khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Nghị quyết không chỉ để khẳng định quan điểm đạo đức rằng cuộc xâm lược là sai trái, mà nó còn tạo ra những hậu quả tiềm tàng nhất định cho Nga và các nhà lãnh đạo của nước này, sẽ xảy ra trên chính trường và trong các phòng xử án trong vòng 10 đến 20 năm tới.

Thẩm quyền bảo vệ an ninh quốc tế

Nghị quyết Nga-Ukraine đã được thông qua trong phiên họp khẩn cấp mới chỉ lần thứ 11 của Đại hội đồng kể từ khi tiền lệ được thiết lập vào năm 1950. Trong năm đó, bằng nghị quyết Đoàn kết vì Hòa bình, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã cho phép sử dụng vũ lực dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc chống lại các lực lượng xâm lược của Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đưa ra trách nhiệm duy trì an ninh quốc tế khi Hội đồng Bảo an không thể thực thi trách nhiệm.

Mặc dù là kết quả của những năm mở đầu Chiến tranh Lạnh, nhưng Nghị quyết năm 1950 có vai trò quan trọng bởi nó tạo ra một nguyên tắc pháp lý mới. Theo đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, bên cạnh Hội đồng Bảo an, có thể lãnh trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh quốc tế trong các trường hợp Hội đồng Bảo an đã thất bại trong việc thực thi trách nhiệm khi đối mặt với sự xâm lược và các mối đe dọa khác đối với hòa bình. Các phiên họp khẩn cấp được triệu tập nếu chín thành viên bất kỳ của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu tán thành (không áp dụng quyền phủ quyết) hoặc đa số thành viên Liên Hợp Quốc trong hội đồng có mặt và biểu quyết.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: Các phiên họp khẩn cấp được tổ chức cho đến nay

Tình huống khủng hoảng – Tên theo Liên Hợp Quốc sử dụng vào thời điểm đóKết quả của nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Suez2-10/11/1956
Hungary4-10/11/1956
Lebanon21/8/1958
Công-gô20/9/1960
Trung Đông4/7 – 18/9/1967
Afghanistan14/1/1980
Palestine29/7/1980 – 24/9/1982
Namibia11-14/9/1981
Lãnh thổ Ả Rập bị chiếm đóng phía đông Jerusalem và lãnh thổ của người Hồi giáo5/2/1982
Phía đông Jerusalem và lãnh thổ của người Hồi giáo bị chiếm đóng25/4/1997 – 13/6/2018
Ukraine2/3/2022

Theo các quy tắc được thông qua bởi nghị quyết Đoàn kết vì Hòa bình năm 1950, một phiên họp khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc “trong trường hợp vi phạm hòa bình hoặc có hành động xâm lược”, có quyền đề xuất các thành viên Liên Hợp Quốc hành động đến mức độ “được sử dụng vũ lực khi cần thiết”.

Thuật ngữ có tầm quan trọng cơ bản đối với nghị quyết sinh ra từ phiên họp khẩn cấp về Ukraine là thuật ngữ “hành động xâm lược”. Tòa án Nuremberg truy tố tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã đã đưa ra nguyên tắc của luật pháp quốc tế rằng chiến tranh xâm lược là “tội ác quốc tế tối cao”. Theo luật hiện hành của Nga – điều 353 của bộ luật hình sự – tiến hành một cuộc chiến như vậy là phạm tội chống lại hòa bình và an ninh của nhân loại và có thể bị phạt tù tới 20 năm. Đây là trường hợp xảy ra ở khu vực tài phán, nghĩa là mỗi quốc gia có thể tiến hành các cuộc điều tra hoặc truy tố tội phạm chiến tranh của riêng quốc gia đó như Đức vừa làm.

Tại thời điểm xét xử, một số người, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Robert Taft, coi “tội ác” xâm lược quốc tế là công lý của người chiến thắng, nhưng nó đã được luật quốc tế giải quyết một phần dựa trên Hiệp ước Kellogg-Briand năm 1928 giữa Hoa Kỳ và Pháp nhằm loại trừ chiến tranh xâm lược.

Nghị quyết năm 2022 của Nga-Ukraine dựa trên nghị quyết 3314 ngày 14 tháng 12 năm 1974 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó xác định hành vi xâm lược “là việc một Quốc gia sử dụng vũ lực chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của một Quốc gia khác”. Nghị quyết tháng 3 năm 2022 có tên chính thức là “Hành động xâm lược nhằm vào Ukraine” và trong đó Đại hội đồng Liên Hợp Quốc “sử dụng những điều khoản mạnh mẽ nhất về hành động xâm lược của Liên bang Nga đối với Ukraine”. Nghị quyết đưa ra một danh sách dài các hiệp ước quốc tế có liên quan, bao gồm sự bảo đảm an ninh mà Nga trao cho Ukraine để đổi lại việc nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Thẩm quyền đạo đức và pháp lý của nghị quyết được thể hiện ở số lượng rất lớn phiếu bầu ủng hộ. Số phiếu này vượt quá 2/3 đa số cần thiết cho “các câu hỏi quan trọng”, bao gồm các câu hỏi liên quan đến “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”. Theo nghị quyết Đoàn kết vì Hòa bình, những điều này có thể bao gồm khuyến nghị các thành viên hành động đơn phương hoặc tập thể để khôi phục hòa bình trong trường hợp có hành động xâm lược. 2/3 được tính dựa trên số thành viên “có mặt và bỏ phiếu”, trong trường hợp Ukraine là 141 ủng hộ và 5 phản đối. Có 35 phiếu trắng, tức là các thành viên có mặt nhưng không bỏ phiếu. Việc 95 quốc gia tài trợ cho nghị quyết là một thước đo khác về sức nặng đạo đức và chính trị của nghị quyết.

Hiệu quả ngôn ngữ của nghị quyết Ukraine trong một cáo trạng đối với một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là chưa từng có tiền lệ về phạm vi và ý nghĩa pháp lý, đối với cả chính phủ Nga và các nhà lãnh đạo đương nhiệm của quốc gia này, những người đã phát động chiến tranh. Nghị quyết khẳng định sẽ không có được bất kì lãnh thổ nào Nga có được sau sự xâm lược này được công nhận. Điều này cũng có ý nghĩa lâu dài đối với căng thẳng quốc tế ở Châu Âu.

Hiện tại, điều gì đang xảy ra?

Có lẽ lâu dài hơn sẽ là những tác động theo luật pháp quốc tế và các tài phán của các quốc gia đối với các nhà lãnh đạo của Nga, những người, theo phiếu bầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trên cơ sở thực tế bị truy tố về tội xâm lược nghiêm trọng nhất. Điều này sẽ diễn ra tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ – cơ quan xét xử chính của Liên hợp quốc) và Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nơi các cuộc điều tra đã bắt đầu. Nó cũng sẽ buộc một số chính phủ khởi động các cuộc truy tố trong nước và thực hiện các biện pháp trừng phạt khác đối với các nhà lãnh đạo Nga chịu trách nhiệm về cuộc chiến.

ICJ đã tổ chức một phiên điều trần vào ngày 7 tháng 3 sau khi Ukraine đệ đơn tố cáo các tuyên bố mà Nga sử dụng để biện minh cho cuộc xâm lược này. Theo đó, Nga chỉ hành động để ngăn chặn tội ác diệt chủng của các nhóm người Nga thiểu số ở Ukraine. Kyiv đã kêu gọi tòa án thực hiện các biện pháp tạm thời, bao gồm cả phán quyết rằng Nga phải ngừng các hoạt động quân sự của mình. (Về bản chất, các biện pháp tạm thời thể hiện một lệnh tạm thời để bảo vệ quyền của các bên trong khi chờ phán quyết cuối cùng của tòa án.)

Vào ngày 28 tháng 2, công tố viên trưởng của ICC thông báo rằng ông sẽ mở một cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh có thể xảy ra ở Ukraine. Đây sẽ là cuộc điều tra thứ hai như vậy của ICC, sau cuộc điều tra kéo dài từ năm 2014 đến năm 2020 và kết luận trong một tuyên bố rằng bằng chứng về tội ác chiến tranh đã được tìm thấy và cuộc điều tra chính thức (chống lại các cá nhân) sẽ được tiến hành. Giống như tuyên bố năm 2020, tuyên bố năm 2022 thể hiện rằng “có cơ sở hợp lý để tin rằng cả tội ác chiến tranh bị cáo buộc và tội ác chống lại loài người đều đã được thực hiện ở Ukraine”.

Chưa một thành viên thường trực nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bị khiển trách một cách chính thức và điều tra bởi Liên Hợp Quốc, các cơ quan liên quan và các thành viên Liên Hợp Quốc, cho một hành động được thông qua bằng đa số phiếu mà Đại hội đồng gọi là tội ác xâm lược. Tuy nhiên, ICJ và ICC hoạt động độc lập với chính trị thực dụng của các cường quốc. Nếu các tòa án này, hoặc các cơ quan tài phán nội địa, kết luận Nga phạm tội ác chiến tranh thì sẽ không có bất kỳ thỏa thuận nào trong tương lai giữa Nga và phương Tây có thể ngăn chặn việc áp dụng các cáo buộc chống lại Nga hoặc các nhà lãnh đạo của của quốc gia này.

Tiến sĩ Greg Austin là thành viên cao cấp, lãnh đạo Chương trình Xung đột Không gian mạng, Không gian và Tương lai. Chương trình có trụ sở tại văn phòng Singapore của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Nguồn bài viết: The UN’s indictment of Russia and its long-term consequences.

Đinh Tùng Lâm là cộng tác viên thử việc phụ trách mảng Luật quốc tế của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.