(Tuần từ 21/02 – 07/03/2022)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lê Đức Tâm, Đoàn Thị Hằng Ni, Trần Phạm Bình Minh, Đinh Tùng Lâm
Biên tập: Phạm Huệ Việt
Tư liệu: South China Sea News

Tải bản PDF ở
—————
Trong Bản Tin Biển Đông Số 96 có những nội dung sau:
I- PHIÊN ĐIỀU TRẦN TẠI QUỐC HỘI MỸ: CÁCH TRUNG QUỐC HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH
II- TRÊN BIỂN
III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN
IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
VI- QUAN HỆ TRUNG – MỸ
VII- TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU CỦA CUỘC CHIẾN NGA – UKRAINE
VIII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
IX- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/SÁCH
—————
I- PHIÊN ĐIỀU TRẦN TẠI QUỐC HỘI MỸ: CÁCH TRUNG QUỐC HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH
Ngày 27/1/2022, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung (USCC) tổ chức buổi điều trần với chủ đề “Hoạch định chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đại hội Đảng lần thứ 20”. Buổi điều trần gồm ba phần chính: Chính trị tinh hoa tại Trung Quốc và Đại hội Đảng lần thứ 20, Hoạch định chính sách kinh tế, Hoạch định chính sách đối ngoại và an ninh.
Xem toàn bộ các bài tham luận và video từ buổi điều trần tại đây
Phần 1: Chính trị tinh hoa tại Trung Quốc và Đại hội Đảng lần thứ 20
Joseph Fewsmith, Đại học Boston
Đầu tiên, tác giả khẳng định bản chất Leninist của nhà nước Trung Quốc, đây sẽ là lăng kính mà ông dùng để phân tích nền chính trị nước này. Ông chỉ ra cấu trúc của nền chính trị tinh hoa Trung Quốc có đặc điểm là nhiều ứng viên chạy đua vào số vị trí hạn chế ở trên đỉnh hệ thống. Bên cạnh đó, đây là hệ thống có thứ bậc, chấp nhận và khuyến khích sự tập trung quyền lực. Điều này có thể đến từ việc các nhà lãnh đạo lựa chọn nhân sự cho những vị trí quan trọng, và cũng gây ra mầm mống của sự chia rẽ phe phái.
Tác giả nhận định nếu nhìn vào các nhân sự được bổ nhiệm và cách Chủ tịch Trung Quốc tác động tới chính sách, ông Tập đã khá thành công trong củng cố quyền lực. Ông cũng chỉ ra hệ thống chính trị Trung Quốc chưa bao giờ được thể chế hóa. Sự cá nhân hóa mà ông Tập thực hiện là kết quả của những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt trong những năm 1990s – 2000s. Đây có thể coi là sự thay đổi của một hệ thống dưới áp lực.
Trong kỳ đại hội đảng tới, ông Tập sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba, cũng như đưa người thân cận vào Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Tác giả cũng chỉ ra cần phải cẩn trọng khi sử dụng từ “phe phái” với trường hợp Trung Quốc: Có những lúc thuật ngữ này chỉ các nhóm gắn kết, chung định hướng chính sách, “cùng nổi cùng chìm”, nhưng cũng có thể chỉ các nhóm chung định hướng chính sách nhưng không gắn bó về chính trị. Giờ đây, “phe phái” có nghĩa là “những người theo sau đáng tin cậy”, còn các “nguyên lão” có rất ít vai trò.
Tác giả cũng chỉ ra quy trình hoạch định chính sách của Trung Quốc: Một cơ quan có vai trò lãnh đạo, xem xét các đề xuất, thu thập ý kiến khác nhau, tranh luận. Khi có ý kiến tương đối thống nhất hoặc ông Tập cảm thấy tự tin, văn bản sẽ được đưa ra cho Bộ Chính trị hoặc Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị để lấy ý kiến. Nếu có ý kiến khác biệt lớn, đề án sẽ tạm thời được để qua một bên.
Tác giả khuyến nghị Mỹ cần làm mọi điều để tăng lợi thế cạnh tranh trước Trung Quốc, cũng như nhớ rằng hành động mang tính ngăn chặn của Mỹ có thể bị Trung Quốc coi là gây hấn.
Xem toàn văn bài điều trần tại đây
Jessica Teets, Đại học Middlebury
Theo tác giả, Chủ tịch Tập Cận Bình coi việc tập trung hóa về chính trị là cách sửa chữa các sai lầm tồn tại trước khi ông nắm quyền như tham nhũng, pháp trị yếu kém hay suy giảm vai trò lãnh đạo của đảng.
Một số cơ chế tập trung hóa bao gồm: thiết lập các tiểu tổ lãnh đạo trong cơ quan đảng, phát động các chiến dịch, chống tham nhũng, đặt ra mục tiêu chính sách, sử dụng công cụ quản trị kỹ thuật số. Các chính sách này chuyển lại quyền lực trực tiếp về cho cơ quan đảng và người lãnh đạo cơ quan đảng, giảm sự đối lập và đa dạng nhưng tăng khả năng huy động nguồn lực và sự tiêu chuẩn hóa. Sự tự do thực hiện ở cấp địa phương vẫn tồn tại, nhưng chỉ trong các vấn đề không được trung ương ưu tiên.
Các chính sách này được người dân ủng hộ vì dẫn tới giảm tham nhũng và thực hành chính sách tốt hơn ở cấp địa phương. Tuy vậy, điều này có thể dẫn tới giảm sự tự do của địa phương trong thí điểm chính sách, áp dụng chính sách quá cứng rắn bất chấp hoàn cảnh địa phương và giảm sự nhiệt tình của quan chức địa phương.
Đối với giới tinh hoa, tập trung hóa loại bỏ hệ thống phe phái trong nền chính trị Trung Quốc, khiến việc được thăng chức của quan chức phụ thuộc vào thực hiện các mục tiêu và trung thành với đảng. Nhưng điều này cũng dẫn đến việc con đường thăng tiến của một số quan chức trẻ chậm hơn, không rõ ràng bằng, cũng như có thể gây ra sự bất ổn trong việc chuyển giao quyền lực cho người kế vị.
Tác giả lưu ý việc tập trung hóa vẫn đang diễn ra, chứ không phải là một mô hình mới hoàn toàn. Bà nhận định điều này sẽ vẫn được tiếp tục trong thời gian tới, dẫn tới cải cách ở các lĩnh vực vốn nhiều thách thức như hệ thống hộ khẩu, kinh tế hay đất đai.
Xem toàn văn bài điều trần tại đây
Neil Thomas, Eurasia Group
Tác giả nhận định nền chính trị tinh hoa Trung Quốc như một “hộp đen”. Người quan sát bên ngoài có thể bỏ lỡ các tín hiệu, diễn giải sai lầm các chỉ thị, tự tin không có cơ sở, hoặc “lấp chỗ trống” bằng những quan sát không rõ ràng. Tuy vậy, ông chỉ ra chúng ta biết hầu hết “đầu vào” (cấu trúc hệ thống chính trị Trung Quốc, ai là người nắm quyền…) và “đầu ra” (văn bản chính sách, tài liệu truyền thông…) của hộp đen đó. Đây là cơ sở của phân tích.
Theo tác giả, thay đổi lớn nhất về thể chế mà ông Tập đưa ra là sự tập trung hóa: từ nhà nước sang đảng, từ địa phương tới trung ương, từ tập thể lãnh đạo tới cá nhân lãnh đạo. Điều này được nhiều thành phần trong giới tinh hoa ủng hộ. Ông Tập cũng thể chế hóa sự lãnh đạo của đảng bằng cách cải thiện pháp trị. Tác giả nhận định ông Tập khá thành công trong các vấn đề ngắn, dễ đo lường như Covid-19, nhưng gặp khó khăn với cải cách để đối phó với các vấn đề mang tính hệ thống. Dù vậy, ông Tập cũng đã giúp tăng tính chính danh của đảng trong mắt công chúng.
Tác giả nhận định ông Tập sẽ dùng Đại hội 20 sắp tới để củng cố quyền lực, tiếp tục thực thi chính sách, tăng vị thế của bản thân trong điều lệ đảng và đưa các đồng minh chính trị vào ban chấp hành trung ương khóa mới và củng cố quyền lực trong các tổ chức đảng. Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ hướng đến việc tiếp tục thi hành các chính sách của ông Tập (thay vì thay đổi), cũng như nhấn mạnh hơn tới chính sách “thịnh vượng chung và các chiến dịch điều chỉnh, nới lỏng chính sách “Zero Covid-19” và khuấy động lại căng thẳng trong các tranh chấp lãnh thổ.
Về nền chính trị Trung Quốc, tác giả chỉ ra Ủy ban Thường vụ Bộ Chính Trị là cơ quan có ảnh hưởng nhất, và ông Tập muốn đưa các đồng minh vào cơ quan này sau Đại hội 20. Tác giả cũng phân tích từng ứng viên cho các vị trí chủ chốt của Trung Quốc sau đại hội.
Theo tác giả, Mỹ không nên đánh giá quá cao khả năng ảnh hưởng tới chính trị Trung Quốc (như thay đổi cán cân quyền lực ở Bắc Kinh), nhưng cũng không nên đánh giá quá thấp (vẫn có thể ảnh hưởng tới quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc). Ngoài ra, tác giả cũng cho rằng Mỹ cần tăng cường thêm khả năng hiểu Trung Quốc.
Xem toàn văn bài điều trần tại đây
Phần 2: Hoạch định chính sách kinh tế
Victor Chung Shih, Đại học California San Diego
Tác giả chỉ ra các cơ cấu tiểu tổ lãnh đạo/ủy ban của Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp Chủ tịch Tập Cận Bình có thêm quyền lực, khi ông là chủ nhiệm của hầu hết các tiểu tổ/ủy ban này và chủ trì nhiều cuộc họp về chính sách. Tuy vậy, khi các tiểu tổ được nâng lên thành ủy ban vào năm 2018, lãnh đạo văn phòng của các ủy ban cũng nhắm quyền lực lớn vì họ có thể kiểm soát thông tin/chương trình nghị sự.
Tác giả chỉ ra ba nhân tố chính tác động đến quá trình hoạch định chính sách của Trung Quốc: quyết định của đại hội đảng, các cú sốc bên ngoài và nhân tố cá nhân người đứng đầu – được thể hiện qua tỷ lệ được thảo luận của từng vấn đề trong các phiên họp.
Tác giả rút ra hai hàm ý lớn: Thứ nhất, những chủ thể – bao gồm cả các quốc gia – muốn được ông Tập chú ý thì cần phải đấu tranh để nhận được sự chú ý này. Thứ hai, việc kiểm soát thông tin của các quan chức có thể gây ra sai lầm chính sách – như vấn đề với lĩnh vực bất động sản mới đây.
Tác giả đưa ra hai đề xuất cho Quốc hội Mỹ: thúc đẩy nghiên cứu về Trung Quốc ở các trường đại học và ủng hộ chính quyền tổ chức các cuộc gặp song phương cấp cao với Trung Quốc
Xem toàn văn bài điều trần tại đây
Nis Grünberg, MERICS
Tác giả chỉ ra Đảng Cộng sản Trung Quốc đã được tích hợp vào mọi cấp quyết định trong cấu trúc chính sách kinh tế Trung Quốc. Đảng lãnh đạo chiến lược và điều phối, trong khi nhà nước chịu trách nhiệm thực thi. Ông chỉ ra một số cơ quan đáng chú ý đối với hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc: Ủy ban Cải cách Toàn diện Sâu rộng Trung ương (CCDR), Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương (CCEF), Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), Ngân hàng trung ương (PBoC), Bộ Tài chính, Cục Thống kê. Tác giả cũng đề cập đến tình trạng báo cáo không đúng tình hình, dẫn đến các kênh khác để lãnh đạo thu thập thông tin.
Ngoài Chủ tịch Tập Cận Bình, tác giả chỉ ra một số cá nhân quan trọng trong hoạch định chính sách kinh tế bao gồm: Vương Hộ Ninh, Lưu Hạc, Thống đốc PBoC Quách Thụ Thanh và Bộ trưởng phụ trách NDRC Hà Lập Phong. Ngoài ra, các tỉnh thành lớn, các doanh nghiệp lớn và các trung tâm nghiên cứu cũng đóng vai trò nhất định.
Theo tác giả, tư duy chính sách kinh tế của Tập Cận Bình và những người ủng hộ đang chiếm ưu thế tại Trung Quốc, dù trước đây thường có hai phe “cải cách” và “bảo thủ”. Ông nhận định kinh tế Trung Quốc trong thời gian này – nhất là năm 2022 – sẽ được định hình bởi mong muốn giữ ổn định của giới lãnh đạo.
Tác giả chỉ ra việc lựa chọn cán bộ cấp cao của Trung Quốc vẫn còn là bí ẩn. Ở cấp cao, trung thành với Tập Cận Bình có thể là một nhân tố, nhưng không phải duy nhất. Ở địa phương, quy trình phức tạp và mang tính thủ tục hơn với một số điều kiện nhất định. Ở các doanh nghiệp nhà nước, việc lựa chọn có thể phụ thuộc vào quan hệ chính trị, hiểu biết với ngành nghề và kỹ năng quản lý.
Tác giả đề ra hai khuyến nghị chính sách chính với Quốc hội Mỹ: đầu tư vào việc hiểu Trung Quốc hơn và có chính sách phối hợp, nhất quán, đảm bảo sự dẻo dai về chính trị và ổn định xã hội nội bộ.
Xem toàn văn bài điều trần tại đây
Yuen Yuen Ang, Đại học Michigan
Tác giả chỉ ra mục tiêu “thịnh vượng chung” sẽ là chủ đề lớn trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập. Đây không chỉ là một chiến dịch chống bất bình đẳng, mà còn là nỗ lực đưa Trung Quốc vượt qua “thời đại hoàng kim” (Gilded Age) tới “thời đại tiến bộ” (Progressive Era).
Tác giả chỉ ra dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc có đại chiến lược, họ cũng có thể sai lầm – không biết cách đạt được mục tiêu, vượt quá mức và phải lùi lại, hoặc thất bại hoàn toàn. Do đó, khi đánh giá Trung Quốc, cần tính đến cả tham vọng và khả năng thất bại. Kết quả của các chính sách cũng không chỉ phụ thuộc vào tầm nhìn của lãnh đạo, mà còn phụ thuộc vào việc phổ biến và thực hiện (do hệ thống quan liêu lớn của Trung Quốc). Tuy vậy, hai vấn đề này chưa được chú ý đúng mức.
Một ví dụ: về “thịnh vượng chung”, ông Tập vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho bài toán khó: đối phó với các vấn đề của chủ nghĩa tư bản nhưng không gây tổn hại tới tinh thần kinh doanh. Do đó, ông yêu cầu các quan chức thích ứng và thử nghiệm.
Tác giả cũng chỉ ra có nhiều nguồn tài liệu mở về hoạch định chính sách của Trung Quốc trong các bài phát biểu và chỉ thị, qua đó có thể hiểu tư duy lãnh đạo và cách bộ máy quan liêu Trung Quốc vận hành. Tác giả khuyến cáo chính phủ Mỹ cần đầu tư đào tạo đội ngũ chuyên gia có khả năng đọc hiểu văn bản của Trung Quốc.
Xem toàn văn bài điều trần tại đây
Alex He, Trung tâm Sáng kiến Quản trị Quốc tế (CIGI)
Theo tác giả, Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc là trung tâm của quá trình hoạch định chính sách. Các cơ quan quan trọng khác về chính sách kinh tế là Quốc vụ viện, các tiểu tổ lãnh đạo/ủy ban của trung ương đảng (nhất là Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương). Các thông tin dùng cho hoạch định chính sách cấp cao được cung cấp bởi Quốc vụ viện, chính quyền địa phương, trong đó Ủy ban Tài chính Kinh tế Trung ương (có thẩm quyền cao hơn) và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) đóng vai trò quan trọng trong điều phối, ra dự thảo chính sách.
Tác giả so sánh mối quan hệ giữa đảng (cụ thể là Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị) và chính phủ tại Trung Quốc như mối quan hệ giữa ban giám đốc và đội ngũ điều hành một công ty. Ông chỉ ra các nhân vật có tầm ảnh hưởng đến chính sách kinh tế bao gồm Phó Thủ tướng Lưu Hạc, và Bộ trưởng phụ trách NDRC Hà Lập Phong, trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền kiểm soát về nhân sự và quy trình.
Ông chỉ ra mối quan hệ với giới hoạch định chính sách chủ chốt là một nhân tố quan trọng để đánh giá ảnh hưởng của các think tank/cơ quan nghiên cứu. Một số đơn vị có ảnh hưởng lớn bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc vụ viện (DRC), Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) và nhóm Economists 50 Forum.
Theo tác giả, một số khuynh hướng tư duy chính sách kinh tế chính bao gồm: tái cơ cấu dựa trên kinh tế trọng cung, giữ nền kinh tế thị trường nhưng tăng kiểm soát, vượt bẫy thu nhập trung bình nhờ đổi mới và công nghệ, giữ vững chính sách cải cách mở cửa, xoa dịu chống đối bên trong và tăng tính chính danh của đảng qua “thịnh vượng chung” và phát triển xanh.
Tác giả cũng chỉ ra ưu tiên chính sách của Trung Quốc trong thời gian tới là sự ổn định. Ông chỉ ra, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thách thức lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong hoạch định chính sách kinh tế là cân bằng giữa tái cơ cấu kinh tế (có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng) và giữ tăng trưởng ổn định, đồng thời giúp giữ sự ổn định xã hội (nhưng có thể khiến một số cải cách chưa thể thực hiện).
Tác giả chỉ ra cách tiếp cận “từ trên xuống” trong hoạch định chính sách của ông Tập có một số điểm cơ bản: sử dụng các tiểu tổ lãnh đạo để thiết lập khung thể chế và nắm giữ quá trình hoạch định chính sách, nhấn mạnh đến sự kiểm soát hoàn toàn của đảng trong công tác kinh tế. Các tiếp cận này tồn tại một số vấn đề: về thực thi chính sách ở địa phương, về đối phó với khủng hoảng, sự thiếu hiệu quả khi không tiếp nhận ý kiến trái chiều, cũng như ảnh hưởng tới mục tiêu đạt đột phá về công nghệ.
Tác giả đề ra một số khuyến nghị chính sách cho Quốc hội Mỹ: tài trợ cho các sáng kiến giúp hiểu Trung Quốc hơn, khuyến khích trao đổi giữa các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hai nước, cũng như các quan chức ở cấp thấp hơn của Trung Quốc, xem xét hợp tác trong chống biến đổi khí hậu, khuyến khích Mỹ gia nhập lại CPTPP hoặc khởi động hiệp định tương tự với các đồng minh, ra dự luật khuyến khích chính phủ đáp trả BRI qua các tổ chức quốc tế.
Xem toàn văn bài điều trần tại đây.
Phần 3: Hoạch định chính sách đối ngoại và an ninh
Tôn Vân, Stimson Center
Sau khi điểm lại quy trình ra chính sách đối ngoại của Trung Quốc nói chung, tác giả nhận định ông Tập đã xây dựng một mô hình ra quyết sách đối ngoại mới, tập trung vào thẩm quyền của mình. Tác giả nhìn nhận sự tập trung quyền lực về đối ngoại của ông Tập được thể hiện qua 4 điểm chính: đưa ra Tư tưởng Tập Cận Bình về đối ngoại, thiết lập thể chế, sắp xếp nhân sự và các dự án đối ngoại chủ chốt. Thay đổi về thể chế quan trọng nhất mà ông Tập thực hiện là việc thiết lập Ủy ban An ninh Quốc gia năm 2013 với vị thế và vai trò cao hơn Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương, điều này có thể gây ra tình trạng “an ninh hóa” vấn đề đối ngoại.
Tác giả cũng chỉ ra hệ thống thu thập thông tin cho lãnh đạo không thay đổi nhiều dưới thời ông Tập. Trong các cơ quan chính quyền về an ninh quốc gia, thông tin chủ yếu đi theo ngành dọc. Ngoài ra, thông tin còn đến từ các think tank chính thức hay bán chính thức. Dưới thời ông Tập, tuy việc thành lập và phát triển các think tank được chú trọng, sự tự do ngôn luận lại bị siết chặt.
Tác giả nhận định chính sách đối ngoại quyết đoán của Trung Quốc dưới thời ông Tập đến từ các nguyên nhân về mặt thể chế, bao gồm ba nhân tố: cá nhân ông Tập, sự “an ninh hóa” đối ngoại và “hiệu ứng lôi kéo” trong giới quan chức cũng như dư luận.
Xem toàn văn bài điều trần tại đây
James Mulvenon, CIRA/SOSi
Theo tác giả, việc tái nhắc đến “chế độ trách nhiệm của chủ tịch quân ủy” (军委主席负责制) trong các văn kiện, bài báo về quân đội Trung Quốc cho thấy vai trò lấn át của ông Tập với quân đội. Trong khi đó, chức vụ “Tổng chỉ huy” của Trung tâm Chỉ huy Tác chiến liên hợp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng nhận được nhiều sự chú ý. Ông cũng nhận định sự thay đổi trong cơ cấu Quân ủy Trung ương Trung Quốc sau Đại hội 19 thể hiện sự thay đổi của quân đội Trung Quốc sau khi cải cách cơ cấu.
Xem toàn văn bài điều trần tại đây
Joel Wuthnow, Đại học Quốc phòng Mỹ
Tác giả chỉ ra một số thay đổi lớn bao gồm thiết lập hệ thống Ủy ban An ninh Quốc gia ở các cấp, cải cách quân đội, vũ cảnh và các cơ quan pháp luật – an ninh. Tác giả chỉ ra các thay đổi giúp tăng cường quyền lực của ông Tập qua tăng cường vai trò của các cơ quan mà ông kiểm soát, làm giảm vai trò của các trung tâm quyền lực cạnh tranh, tăng uy tín cá nhân của ông trong các lực lượng an ninh, thúc đẩy các cuộc điều tra chống tham nhũng, bổ nhiệm nhân sự và kéo dài nhiệm kỳ. Các cuộc cải cách cũng là sự tiếp diễn của xu hướng dưới thời ông Tập: chuyển quyền lực từ nhà nước sang đảng. Chúng cũng hướng tới mục tiêu tăng sự hiệu quả của các lực lượng trên, bao gồm trong đối phó với tình huống khẩn cấp.
Dù vậy, các cải cách của ông Tập vấp phải một số thách thức: tương lai của mô hình hiện tại sau thời ông Tập, sự đánh đổi giữa chính trị và chuyên môn, sự không rõ ràng trong phân công lao động giữa các ủy ban thuộc trung ương đảng, cũng như sự thiếu vắng đại diện trong lĩnh vực an ninh quốc gia trong Bộ Chính trị. Theo tác giả, Đại hội 20 sẽ cho thấy các nhân sự mới trong lĩnh vực an ninh quốc gia, cũng như các ưu tiên của ông Tập và cách Đảng Cộng sản Trung Quốc được tổ chức để điều hành hệ thống an ninh quốc gia.
Tác giả đề ra ba khuyến nghị cho Quốc hội Mỹ: Đầu tiên, cần hỗ trợ hoạt động phân tích nguồn mở. Thứ hai, cần cập nhật các yêu cầu đối với các báo cáo về Trung Quốc. Thứ ba, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung (USCC) có thể xem xét nghiên cứu sâu về các vấn đề cụ thể.
Xem toàn văn bài điều trần tại đây
Roderick Lee, Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Trung Quốc, Không quân Mỹ
Tác giả chỉ ra Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố khả năng kiểm soát lực lượng vũ trang nước này trên hai phương diện: giảm số tầng lớp quan liêu giữa bản thân ông và người lính, cũng như giảm ảnh hưởng của các chủ thể dân sự tới quân sự.
Ông cũng dựa vào ba cách thức để kiểm soát quá trình ra quyết sách về quân sự: Thứ nhất, ông trực tiếp tham gia vào các vấn đề có ưu tiên cao như cải cách quân đội. Thứ hai, ông xây dựng mạng lưới thân cận – những người có mối quan hệ cá nhân với ông được giao phó các chức vụ và công tác. Thứ ba, ông dựa vào hệ thống đảng ủy các cấp như cơ chế kiểm soát chính thức.
Tác giả chỉ ra hệ thống ra quyết sách của Trung Quốc vẫn tồn tại những điểm yếu nhất định: thiếu một cơ chế tốt cho các hoạt động có sử dụng vũ khí hạt nhân, hoạt động bên ngoài hệ thống chỉ huy cấp chiến khu, tình báo quân sự hay khả năng làm chủ không gian (counterspace).
Tác giả khuyến nghị Mỹ cần hiểu về cơ cấu ra quyết sách quân sự của Trung Quốc, giảng dạy vấn đề này cho lực lượng vũ trang Mỹ cùng các đồng minh, đối tác, cũng như giữ ưu thế trong việc ra quyết sách.
Xem toàn văn bài điều trần tại đây
Jean-Pierre Cabestan, Đại học Baptist Hong Kong
Tác giả chỉ ra các cơ quan ra quyết sách về đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc là Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương (FAC) – cơ quan có quan hệ mật thiết với Bộ Ngoại giao. Ông cũng đề cập đến vai trò của Phó Chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn và Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đinh Tiết Tường trong chính sách đối ngoại. Bên cạnh đó, ông nhận định Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành có thể sẽ đảm nhiệm cương vị cao hơn sau Đại hội 20.
Tác giả nhận định việc nâng cấp Tiểu tổ Lãnh đạo Công tác ngoại sự trung ương thành FAC và thiết lập Ủy ban An ninh Quốc gia là hai thay đổi lớn được ông Tập thực hiện. Tuy vậy, việc phân công lao động giữa hai tổ chức là không rõ ràng. Tác giả cho rằng các cơ quan của đảng – như FAC – quyết định về nguyên tắc chung, nhưng không có công việc để xử lý công việc hàng ngày như nhà nước. Theo tác giả, quá trình hoạch định chính sách đối ngoại tại Trung Quốc vốn đã tập trung trong tay người đứng đầu, nhưng các thay đổi trên giúp ông Tập tăng khả năng kiểm soát.
Tác giả chỉ ra hai xu hướng đối lập về vai trò của đối ngoại địa phương dưới thời ông Tập: giảm sự tự chủ nhưng có cơ hội tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Trong khi đó, theo tác giả, hai loại va chạm có thể nổ ra trong bộ máy đối ngoại của Trung Quốc là bất đồng về chính sách và mâu thuẫn giữa các cơ quan. Ông cho rằng tình hình kinh tế trong nước và mức độ tập trung quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ảnh hưởng đến cách Trung Quốc hành xử trên trường quốc tế.
Ông đề ra một số khuyến nghị cho Mỹ: tiếp cận với tất cả nhân tố chủ chốt trong chính sách đối ngoại Trung Quốc, thiết lập kênh liên lạc trực tiếp với Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương và Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng như tăng cường đối thoại và thiết lập cơ chế giải quyết khủng hoảng với Quân ủy Trung ương nước này.
Xem toàn văn bài điều trần tại đây
II- TRÊN BIỂN
Trung Quốc tập trận trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, Trung Quốc coi đây là khu vực chưa có phân định biển chính thức giữa hai nước
Ngày 4/3/2022, Cục Hải sự Hải Nam, Trung Quốc, công bố nước này sẽ tổ chức tập trận tại khu vực Vịnh Bắc Bộ giữa đảo Hải Nam và bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế của Việt Nam từ ngày 4 đến 15/3/2022. Đây là khu vực hiện chưa được phân định ranh giới biển giữa hai nước sau nhiều vòng đàm phán. Đáng chú ý, khu vực tập trận đã vượt qua đường “trung tuyến bờ – bờ” giữa đảo Hải Nam và bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế tại nơi vào sâu nhất tới 20 hải lý về phía Việt Nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Vị trí gần nhất của khu vực tập trận cách bờ biển Việt Nam khoảng hơn 50 hải lý và cách đảo Hải Nam tới hơn 90 hải lý. Tàu thuyền bị cấm đi vào khu vực tập trận trong suốt thời gian này.
Qua dữ liệu AIS từ Marine Traffic, chúng tôi thấy có sự hiện diện của tàu Hải cảnh 5901 (số hiệu cũ là 3901), tàu hải cảnh lớn và hiện đại nhất của Trung Quốc từ ngày 2/3 cùng với Hải cảnh 5304 từ ngày 1/3 và Hải cảnh 4304 trong các ngày 4 và 5/3/2022 tại khu vực tập trận.
Phản ứng trước sự kiện này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết “Một phần khu vực thông báo hàng hải nêu trên thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình, qua đó góp phần duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông.” Bà cũng cho biết phía Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này
Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc ngay trước cửa nhà mình là hợp lý và đúng luật.”
Trước đó, Trung Quốc cũng đã tổ chức tập trận vào các ngày 01 và 02/3/2022 tại vùng biển phía nam đảo Hải Nam, cách căn cứ Du Lâm khoảng 25 hải lý.
Chúng tôi sẽ có riêng một bài viết khác về khía cạnh luật quốc tế đối với các hoạt động tập trận quân sự nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển.
Xem thêm:
Cục Hải sự Hải Nam ngày 4/3/2021: 军事演习–【琼航警0023/22】
Reuters ngày 5/3/2022: China announces South China Sea drills close to Vietnam coast
Thế giới & Việt Nam ngày 7/3/2022: Đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam
The Star ngày 8/3/2022: Vietnam says China’s sea drills violate its economic zone
Hải cảnh Trung Quốc hoạt động tại vùng biển phía tây nam
Tại vùng biển phía tây nam Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng 2 tàu hải cảnh số hiệu 5202 và 5302 tuần tra khẳng định “yêu sách chủ quyền” đồng thời tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại các lô 05.2, 05.3 và 06.1 kể từ đầu năm 2022. Trong đó, Hải cảnh 5302 đã hoạt động tại khu vực này từ cuối tháng 12/2021 đến cuối tháng 01/2022 với 4 lần tiếp cận gần giàn khai thác mỏ Lan Tây (Lô 06.1) và mỏ Hải Thạch (Lô 05.2) vào các ngày 26/12/2021, 4/1, 11/1 và 21/1/2022. Sau đó, Hải cảnh 5202 thay thế tiếp tục thực hiện thêm 3 lần tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam vào các ngày 25/1, 2/2 và 11/2/2022. Sau khi Hải cảnh 5202 rời đi (ngày 17/2/2022), chúng tôi chưa phát hiện tàu Hải cảnh nào khác của Trung Quốc tại khu vực này qua dữ liệu AIS.
Nhiều tàu cá Việt Nam nằm bờ vì thiếu lao động
Theo một phóng sự của Dân Trí, từ sau Tết Nguyên đán năm 2022 đến nay, nhiều tàu cá của tỉnh Bình Định, Việt Nam đang phải nằm bờ vì giá dầu tăng cao, sản lượng khai thác không đạt và tiền công trả cho lao động cao nên nhiều chủ tàu không tuyển được lao động đi biển.
Xem thêm:
Dân Trí ngày 5/3/2022: Nhiều tàu cá nằm bờ vì thiếu lao động
Tàu hải quân Pháp, Nhật Bản thăm Việt Nam
Ngày 5/3/2022, tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa, tàu hộ vệ F734 Vendémiaire của Hải quân Pháp đã luyện tập chung trên biển cùng tàu 015 – Trần Hưng Đạo, thuộc Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân Việt Nam. Đây là một phần trong chuyến thăm cảng Cam Ranh của tàu Vendémiaire từ ngày 1-5/3.
Trước đó, từ 24-26/2, tàu huấn luyện Hatakaze và tàu hộ vệ Inazuma thuộc Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản cũng có chuyến thăm tới Đà Nẵng.
Xem thêm:
Báo Hải quân Việt Nam ngày 5/3/2022: Tàu Hải quân Việt Nam và tàu Hải quân Pháp luyện tập chung trên biển
Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam ngày 1/3/2022: Tàu huấn luyện Hatakaze và tàu hộ vệ Inazuma thuộc Lực lượng Tự vệ trên biển Nhật Bản thăm Đà Nẵng
Australia xây dựng căn cứ phụ mới cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân
Các quan chức Úc đã thông báo rằng một căn cứ tàu ngầm mới sẽ được thành lập trên bờ biển phía đông của đất nước để cung cấp hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai. Cơ sở mới sẽ bổ sung cho căn cứ tàu ngầm hiện có của Hải quân Hoàng gia Úc (RAN) tại Garden Island, gần Sydney, và ba địa điểm hiện đang được coi là nơi đóng quân tiềm năng, bao gồm Brisbane, Newcastle và Port Kembla. Thủ tướng Scott Morrison nói rằng cơ sở mới sẽ không thay thế bất kỳ cơ sở nào hiện có, và cũng có thể là nơi thường xuyên triển khai các tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Hoàng gia và Hoa Kỳ. Bộ Quốc phòng Australia ước tính rằng cơ sở mới và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ trị giá hơn 10 tỷ AUD.
Xem thêm:
USNI News ngày 7/3/2022: Australia to Build New Sub Base for Nuclear Attack Boat Fleet
Hải quân và Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ diễn tập với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản
Vào đầu tháng 2/2022, Lực lượng Thủy quân lục chiến và Hải quân Hoa Kỳ cùng với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tổ chức diễn tập thử nghiệm các ý tưởng trong kế hoạch Marines’ Force Design 2030 ở Biển Philippines và Biển Hoa Đông. Đây là hoạt động mở đầu cho một cuộc tập trận quy mô lớn giữa các lực lượng Hoa Kỳ và Nhật Bản dự kiến diễn ra vào cuối năm nay tại Nhật Bản. Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu sân bay USS Abraham Lincoln (CVN-72), tàu khu trục USS Dewey (DDG-105), đổ bộ USS Essex (LHD-2), Đơn vị Thủy quân lục chiến số 11 và số 31 của Hoa Kỳ cùng với tàu khu trục JS Kongo (DDG-173) của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản. Nội dung cuộc diễn tập bao gồm tiếp liệu, tiếp tế, phối hợp tác chiến giữa các lực lượng và tấn công mô phỏng các mục tiêu bằng máy bay từ tàu sân bay USS Abraham Lincoln.
Xem thêm:
USNI News ngày 21/2/2022: Navy, Marines Drill with Japanese Forces in Test of New Island-Hopping Concept
Tàu tác chiến ven biển USS Charleston kết thúc đợt hoạt động tại Biển Đông
Ngày 14/2/20222, tàu tác chiến ven biển USS Charleston đã trở về căn cứ Guam sau đợt hoạt động kéo dài 19 ngày liên tục ở Biển Đông. Trước đó, con tàu đã có mặt tại Guam từ giữa tháng 1 để tiến hành kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu sau đó có một chặng dừng ngắn tại Vịnh Subic để nạp nhiên liệu và hoạt động tại Biển Đông từ ngày 21/1 đến 8/2. Chuẩn tướng Chris Engdahl, chỉ huy, Nhóm tấn công viễn chinh số 7 cho biết, hoạt động của USS Charleston bao gồm bổ sung trên biển, diễn tập bắn đạn thật và huấn luyện kiểm soát thiệt hại thường xuyên là tiếp nối những gì đã triển khai ở Ấn Độ – Thái Bình Dương để nhanh chóng đáp ứng các nhiệm vụ cũng như tăng cường hiện diện trong khu vực để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trực thuộc Hải đội Khu trục (DERSON) 7, Charleston đang được triển khai luân phiên đến các khu vực thuộc Hạm đội 7 phụ trách nhằm hỗ trợ và an ninh đồng thời hợp tác với đồng minh và đối tác để duy trì ổn định hàng hải, một trụ cột quan trọng của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Xem thêm:
DVIDS ngày 21/2/2022: USS Charleston concludes extended period in South China Sea
Trung Quốc diễn tập bổ sung nhiên liệu cho tàu đổ bộ tại Biển Đông
Báo Global Times ngày 21/2/2022 đưa tin, tàu tiếp liệu Honghu (Hull 906) đã tiến hành tiếp liệu cho tàu đổ bộ Jinggangshan (Hull 999) và tàu đổ bộ đổ bộ Qilianshan (Hull 985) tại Biển Đông trong một cuộc diễn tập gần đây. Bản tin không nói rõ thời gian và địa điểm cụ thể của cuộc diễn tập nhưng cho biết đây là hoạt động của Bộ Tư lệnh Quân khu phía Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Cũng tại cuộc diễn tập này, tàu đổ bộ đổ bộ Qilianshan đã thử nghiệm thả các quả đạn gây nhiễu ngư lôi của đối phương.
Xem thêm:
Global Times ngày 21/2/2022: Replenishment-at-sea conducted in South China Sea
———-
III- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN
Campuchia đề xuất hoãn Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ
Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ mời các nhà lãnh đạo ASEAN tới Washington dự hội nghị thượng đỉnh vào các ngày 28-29/3/2022. Mỹ khẳng định sẽ mời đại diện phi chính trị của Myanmar tham dự hội nghị.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen đã yêu cầu hoãn Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Hoa Kỳ vì ngày mà Hoa Kỳ dự định cho hội nghị chưa đạt được sự thống nhất giữa các nước thành viên ASEAN.
Xem thêm:
Reuters ngày 2/3/2022: U.S. to invite ‘non-political’ Myanmar representative to summit with ASEAN
Phnompenh Post ngày 7/3/2022: Hun Sen asks for ASEAN-US meet to be pushed back amid date debate
Quan chức phụ trách vấn đề khí hậu Anh, EU, Mỹ lần lượt thăm Việt Nam
Trong thời gian qua, Bộ trưởng Chính phủ Anh, Chủ tịch COP26 Alok Sharma, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) về Thỏa thuận Xanh châu Âu Frans Timmermans, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Khí hậu John Kerry đã lần lượt có chuyến thăm tới Việt Nam và gặp gỡ các nhà lãnh đạo tại Hà Nội.
Xem thêm:
VTV ngày 14/2/2022: Việt Nam quyết tâm lớn thực hiện cam kết tại COP26
VietnamPlus ngày 18/2/2022: Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xã giao Phó Chủ tịch điều hành EC
Báo Điện tử Chính phủ ngày 23/2/2022: Chủ tịch nước tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ
Viện nghiên cứu Việt Nam đầu tiên tại Australia được thành lập
Ngày 22/2/2022, Đại học RMIT, Asia Society Australia, Asialink và Đối thoại Lãnh đạo Australia-Việt Nam đã chính thức ra mắt Viện Chính sách Australia – Việt Nam (AVPI) tại thành phố Melbourne. Đây là viện nghiên cứu Việt Nam đầu tiên tại Australia.
Xem thêm:
Báo Tin tức ngày 22/2/2022: Ra mắt viện nghiên cứu Việt Nam đầu tiên tại Australia
RMIT ngày 23/2/2022: RMIT co-launches Australia’s first-ever Australia Vietnam Policy Institute
Chủ tịch nước Việt Nam thăm Singapore
Từ ngày 24-26/2/2022, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm tới Singapore. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một lãnh đạo nước ngoài Singapore kể từ khi đại dịch bùng phát năm 2020, theo Channel News Asia.
Trong tuyên bố báo chí chung được hai nước đưa ra sau chuyến thăm, về quốc phòng – an ninh, hai bên “hoan nghênh việc ký Hiệp định hợp tác quốc phòng song phương”, giúp tạo điều kiện tổ chức thường xuyên “các cuộc đối thoại, giao lưu quốc phòng, đào tạo và huấn luyện, hợp tác về quân y, tình báo quốc phòng, chống khủng bố, tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai”. Hai bên cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chống tội phạm xuyên quốc gia” và thống nhất đẩy nhanh nỗ lực ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh mạng.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên vẫn khẳng định các nguyên tắc cơ bản như lập trường nhất quán của ASEAN, hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, hoàn tất COC thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế (UNCLOS 1982).
So với Tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia sau chuyến thăm của ông Phúc tới Phnom Penh tháng 12/2021, bản tuyên bố báo chí chung lần này có thêm một số ý như: Khẳng định UNCLOS 1982 “đã được quốc tế công nhận là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương”, “cần thiết duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho đàm phán COC” hay ủng hộ tổ chức hoạt động kỷ niệm 40 năm UNCLOS 1982 có hiệu lực.
Tuyên bố lần này cũng có đoạn nhắc đến vấn đề Myanmar, trong đó hai nhà lãnh đạo bày tỏ “quan ngại sâu sắc”, “bao gồm việc thiếu tiến triển trong thực hiện Đồng thuận 5 điểm của ASEAN”, cũng như “bày tỏ ủng hộ vai trò tích cực của ASEAN trong việc hỗ trợ Myanmar”.
Xem thêm:
CNA ngày 25/2/2022: Vietnam president to make state visit to Singapore
VOV ngày 25/2/2022: Tuyên bố báo chí chung giữa Việt Nam – Singapore về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược
Bộ Ngoại giao Singapore ngày 25/2/2022: Joint Press Statement Between the Socialist Republic of Vietnam and the Republic of Singapore on Strengthening Strategic Partnership and Recovery Cooperation
Quân đội nhân dân ngày 22/12/2021: Tuyên bố chung Việt Nam – Campuchia
Thủ tướng Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Việt – Mỹ tăng cường hợp tác
Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ năm tại Hà Nội. Tại đó ông kêu gọi doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.
Xem thêm:
Vietnam+ ngày 8/3/2022: PM calls on Vietnamese, US businesses to further beef up partnerships
Singapore tuyên bố tăng 6,5% ngân sách quốc phòng năm 2022
Ngày 21/2/2022, Singapore đã công bố ngân sách quốc phòng năm 2022 là 12,16 tỷ USD tăng 6,5% so với năm ngoái. Một phần của sự gia tăng này được cho là do sự chậm trễ của các dự án mua sắm do đại dịch Covid-19. Ngân sách năm 2022 có thể sử dụng để mua sắm các loại xe bọc thép mới và pháo cỡ nòng 155 mm cho Lục quân; máy bay chiến đấu F-35, trực thăng H225M và CH-47F cho Không quân cùng với tàu ngầm Type 218SG và các tàu chiến mặt nước đa nhiệm cho Hải quân. Mặc dù, Singapore không có bất kỳ tranh chấp lớn nào ngoài bất đồng biên giới trên biển với Indonesia và Malaysia nhưng nước này vẫn duy trì chi tiêu quốc phòng ít nhất 3% GDP hàng năm.
Xem thêm:
Janes ngày 21/2/2022: Singapore announces 6.5% increase in 2022 defence budget
EU trừng phạt thêm quan chức và công ty dầu khí Myanmar
Ngày 21/2/2022, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào chính quyền Myanmar, bao gồm 22 quan chức – trong đó có các bộ trưởng trong chính phủ và sĩ quan cấp cao trong lực lượng vũ trang – và công ty dầu khí của nước này (MOGE).
Xem thêm:
SCMP ngày 22/2/2022: EU sanctions 22 Myanmar officials and gas company over coup violence
Nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc: Nga, Trung Quốc, Serbia cung cấp vũ khí cho Myanmar sau đảo chính
Nhóm chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc về Myanmar ngày 22/2/2022 tuyên bố ba quốc gia Nga, Trung Quốc, Serbia đã cung cấp vũ khí cho chính quyền quân sự Myanmar sau cuộc đảo chính năm 2021. Theo nhóm chuyên gia này, các loại vũ khí trên đã được sử dụng trên dân thường.
Xem thêm:
Reuters ngày 23/2/2022: U.N. Myanmar expert says junta using new Russian, Chinese arms against civilians
———-
IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Trung Quốc ra quy định áp đặt thực hiện “thịnh vượng chung”
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) ngày 18/2/2022 công bố văn bản “Một số chính sách về thúc đẩy sự phục hồi và phát triển trong các lĩnh vực khó khăn của ngành dịch vụ”. Văn bản này đề ra các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc, trong đó có việc “định hướng” các doanh nghiệp vận chuyển thức ăn giảm phí cho các nhà hàng nhỏ, đặc biệt trong những khu vực nguy cơ cao do Covid-19.
Theo Stratfor, kế hoạch này cho thấy một trong những cách Trung Quốc thực thi chính sách “thịnh vượng chung” của mình khi trực tiếp chỉ đạo các công ty hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, qua đó chuyển tài sản trực tiếp từ các ông lớn công nghệ tới các nhà hàng của hộ gia đình.
Xem thêm:
Stratfor ngày 18/2/2022: China: Service Economy Policies Show Coercive Side of ‘Common Prosperity’. Một bản PDF được lưu trữ tại đây
Toàn văn văn bản chính sách của NDRC tại đây
Bài viết của Tân Hoa xã về đối ngoại Trung Quốc
Mới đây, Tân Hoa xã đã có một bài viết dài hơn 5.000 chữ về đối ngoại Trung Quốc. Bài viết được nhiều trang web và truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải lại, bao gồm đăng trên trang hai Nhân dân Nhật báo bản in ngày 22/2/2022.
Dẫn chứng qua các sự kiện, bài viết nhận định “đối ngoại nước lớn” Trung Quốc cần nắm vững hai bối cảnh là cơ sở: sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa và những thay đổi trăm năm chưa từng thấy trên thế giới. Theo đó, Trung Quốc cần có cách thức mới để ứng xử với các quốc gia: “tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa, hợp tác cùng thắng”, hợp tác mở ra tương lai tươi sáng “cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại”.
Xem thêm:
Nhân dân Nhật báo ngày 22/2/2022: “牢牢把握服务民族复兴、促进人类进步这条主线” – “十个明确”彰显马克思主义中国化新飞跃述评之九
Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng 7,1%, vượt mục tiêu GDP
Ngày 5/3/2022, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tiết lộ một ngân sách quốc gia mới giúp tăng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc lên 7,1% vào năm 2022. Mức tăng này theo mô hình bảy năm, trong đó ngân sách được giới hạn ở mức tăng một con số, mặc dù mức tăng cho năm 2022 được cho là là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 2019 và vượt xa dự đoán của Bắc Kinh về tăng trưởng kinh tế, vốn thường là chỉ dấu cho chi tiêu quốc phòng của họ; dự báo cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm tới trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản đình trệ và tiêu dùng nội địa tăng mạnh. Sự gia tăng sẽ đưa tổng chi tiêu được báo cáo của Trung Quốc lên 229,47 tỷ USD – so với yêu cầu ngân sách quốc phòng của Mỹ là 770 tỷ USD – nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng con số này không bao gồm nhiều khoản chi được tính trong ngân sách của các quốc gia khác, và chi tiêu thực tế có thể sẽ cao hơn nhiều. Sự tăng chi tiêu quốc phòng được cho là phản ánh nỗ lực của Trung Quốc trong việc hiện đại hóa hệ thống hậu cần quân sự và xây dựng các năng lực tiên tiến như hạm đội tàu sân bay, cũng như mối quan tâm của Bắc Kinh với một loạt các vấn đề khu vực, bao gồm cả tuyên bố chủ quyền của họ đối với Đài Loan, Biển Đông và những căng thẳng biên giới lâu dài với Ấn Độ.
Xem thêm:
Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 5/3/2022: Defense budget proposed to grow by 7.1%, military urged to upgrade, remain resolute
Nikkei Asia ngày 5/3/2022: China to raise defense spending 7.1%, outpacing GDP target
———-
V- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Cuộc họp ba bên của Bộ trưởng Blinken với Ngoại trưởng Úc Payne và Ngoại trưởng Anh Truss
Vào ngày 19/02/2022, Ngoại trưởng Antony J. Blinken, Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Ngoại trưởng Vương quốc Anh Elizabeth Truss đã tổ chức một cuộc họp ba bên, bên lề Hội nghị An ninh Munich. Thông qua cuộc họp, họ đã thảo luận về những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các sáng kiến trong quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS, tập trung vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và kiên cường. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng của ba nước cũng ghi nhận mong muốn tăng cường hợp tác về các khả năng quân sự và công nghệ tiên tiến bổ sung.
Xem thêm:
U.S. Department of State ngày 19/2/2022: Secretary Blinken’s Trilateral Meeting with Australian Foreign Minister Payne and UK Foreign Secretary Truss on AUKUS – United States Department of State
Pháp, Trung Quốc hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng trị giá 1,7 tỷ đô la
Sau cuộc họp trực tuyến giữa tổng thống Emmanuel Macron và chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 16/2/2022 trong khuôn khổ thỏa thuận Hợp tác thị trường bên thứ ba của hai nước, Pháp và Trung Quốc đã thành lập một thỏa thuận nhằm tham gia xây dựng bảy dự án cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới với tổng giá trị hơn 1,7 tỷ USD. Bên cạnh đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết bảy dự án sẽ được xây dựng ở Châu Phi, Đông Nam Á và Trung và Đông Âu và sẽ bao gồm cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và năng lượng.
Xem thêm:
Global Construction Review ngày 22/2/2022: France, China team up on infrastructure projects worth $1.7bn – Global Construction Review
Diễn đàn Bộ trưởng về Hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Vào ngày 22/2/2022, Pháp với tư cách Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) và Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại và Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Josep Borrell Fontelles, đã đồng tổ chức Diễn đàn Bộ trưởng cho Hợp tác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Paris. Diễn đàn quy tụ các tổ chức Châu Âu, các Bộ trưởng Ngoại giao hoặc đại diện của họ, từ 27 nước EU và khoảng 30 Bộ trưởng từ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như Đại diện của các tổ chức khu vực từ cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Cả Trung Quốc và Mỹ đều không được mời.
Sự kiện này được tổ chức nhân dịp Pháp trở thành Chủ tịch Hội đồng và sau khi thông qua Chiến lược Hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào tháng 9/2021. Thông qua cuộc họp, các cuộc thảo luận đã giúp xác định các ý tưởng và con đường hợp tác giữa EU và các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU và Chiến lược Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway Strategy) được thông qua gần đây.
Xem thêm:
EEAS ngày 22/2/2022: Ministerial Forum for Cooperation in the Indo-Pacific
Tuyên bố chung của Liên minh Châu Âu, Úc, Comoros, Ấn Độ, Nhật Bản, Mauritius, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Sri Lanka về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân
Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Rome G20 thừa nhận việc thúc đẩy luồng dữ liệu tự do với sự tin tưởng là chìa khóa để khai thác các cơ hội của nền kinh tế kỹ thuật số. Để thúc đẩy luồng dữ liệu tự do với sự tin tưởng, điều quan trọng là phải được đảm bảo bởi các khuôn khổ pháp lý tương ứng, tôn trọng các cá nhân quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân như một giá trị cốt lõi và quyền tự do cơ bản. Việc thiếu tin tưởng vào cách xử lý dữ liệu đã tác động tiêu cực đến các xã hội và nền kinh tế đa dạng của chúng ta, vì các cá nhân và cộng đồng có thể miễn cưỡng áp dụng công nghệ mới, các cơ quan công quyền có thể do dự chia sẻ dữ liệu cá nhân với các đối tác nước ngoài và việc trao đổi thương mại có thể gặp trở ngại. Tóm lại, nếu không có sự tin tưởng, xã hội của chúng ta không thể nắm bắt và nhận thức đầy đủ những lợi ích của cuộc cách mạng kỹ thuật số, vốn là chìa khóa của sự phát triển và đặc biệt là để đạt được Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển Bền vững và các Mục tiêu Phát triển.
Xem thêm:
EEAS ngày 23/2/2022: Joint Declaration by the European Union, Australia, Comoros, India, Japan, Mauritius, New Zealand, the Republic of Korea, Singapore, Sri Lanka on privacy and the protection of personal data
———-
VI- QUAN HỆ TRUNG – MỸ
Trung Quốc phát biểu về các bài học nhân 50 năm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Nixon
Khi được hỏi về các bài học rút ra từ lễ kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 21/2/2022 tuyên bố nguyên nhân sâu xa của các vấn đề hiện nay trong quan hệ Trung – Mỹ là do một số người dân Mỹ có nhận thức không đúng về Trung Quốc, coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính – thậm chí là “kẻ thù tưởng tượng – và muốn kiềm chế Trung Quốc về mọi mặt. Ông Uông tuyên bố sự phát triển của Trung Quốc là vì cuộc sống tốt hơn của người dân nước này, không phải là thách thức hay thay thế Mỹ, Mỹ không nên tìm cách thay đổi hay áp chế Trung Quốc. Theo ông Uông, hai nước có nhiều điều tương đồng hơn khác biệt, có lợi ích từ hợp tác vì bị thiệt hại bởi xung đột.
Theo ông Uông, hai nước cần liên lạc chân thành để giải quyết bất đồng, ngăn tính toán sai lầm về chiến lược, ngăn chặn xung đột và đối đầu. Ông cũng cho rằng chuyến thăm của ông Nixon chỉ ra hai nước có chế độ và lộ trình phát triển khác nhau có thể chung sống hòa bình nếu tôn trọng lẫn nhau, “cầu đồng tồn dị” và hợp tác cùng thắng.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 21/2/2022: Foreign Ministry Spokesperson Wang Wenbin’s Regular Press Conference on February 21, 2022
Bản tiếng Trung tại đây
Nhà Trắng trì hoãn kế hoạch kiểm soát đầu tư vào Trung Quốc
Các quan chức an ninh quốc gia, dẫn đầu bởi cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, đã vận động trong nhiều tháng để Tổng thống Joe Biden ban hành lệnh hành pháp cấm nhiều khoản đầu tư của Mỹ vào các công ty công nghệ và công ty khởi nghiệp của Trung Quốc. Họ cho rằng cần phải đảm bảo các ngân hàng Mỹ không giúp các công ty Trung Quốc phát triển phần mềm hoặc thiết bị được Quân Giải phóng Nhân dân sử dụng sau này.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính và Thương mại Mỹ đang đẩy lùi kế hoạch này vì cho rằng các quy tắc mới sẽ làm giảm đáng kể hoạt động kinh doanh mới của Mỹ ở Trung Quốc và đặt các công ty Mỹ vào thế bất lợi cạnh tranh với các ngân hàng Châu Âu và Châu Á đang tiếp tục tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Xem thêm:
Politico ngày 7/3/2022: White House split delays plans for investment controls on China
VII- TÁC ĐỘNG TOÀN CẦU CỦA CUỘC CHIẾN NGA – UKRAINE
Danh sách những tập đoàn rút khỏi Nga kể từ khi nước này xâm lược Ukraine
Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang khiến một số thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới – từ Apple đến Disney và Ikea – đột ngột rút khỏi một quốc gia giờ đây đang trở thành một kẻ bị ruồng bỏ toàn cầu. Gần như không một công ty, một tập đoàn đa quốc gia nào muốn phải đối mặt các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và phương Tây, theo nhà kinh tế học Mary Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington.
Xem thêm:
CBS News ngày 8/3/2022: These are the corporations that have pulled out of Russia since its invasion of Ukraine
Biden cấm Hoa Kỳ nhập khẩu dầu và khí đốt tự nhiên của Nga, Anh thông báo sẽ tiếp bước
Ngày 8/3/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một lệnh hành pháp cấm bất kỳ ai ở Hoa Kỳ nhập khẩu “dầu thô của Nga và một số sản phẩm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và than đá”. Lệnh này cũng cấm đầu tư mới của Hoa Kỳ trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng của Nga hoặc vào các công ty nước ngoài đang đầu tư vào sản xuất năng lượng ở Nga.
Quyết định của ông Biden có hiệu quả ngăn chặn dòng dầu tương đối nhỏ vào Hoa Kỳ khi quốc gia này chỉ nhận dưới 10% nguồn năng lượng từ Nga. Các đảng viên Cộng hòa và Dân chủ trong Quốc hội đã thúc giục Tổng thống thực hiện bước đi để đảm bảo rằng ông Putin không thu lợi từ việc mua dầu của Mỹ.
Cùng ngày, Anh thông báo sẽ tham gia hành động cùng Hoa Kỳ. Trong một thông báo cùng thời điểm khi ông Biden đang phát biểu, Anh cho biết nước này sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay để gia tăng sự cô lập về kinh tế đối với Tổng thống Nga Putin.
Xem thêm:
The New York Times ngày 8/3/2022: Biden Bans All Imports of Russian Oil Into US
Giá dầu Trung Quốc tăng vọt trước tác động của cuộc chiến tranh tại Ukraine
Vào ngày 7/3/2022, giá bán buôn theo thời gian thực của xăng đạt trung bình 10.306 nhân dân tệ (1.630 USD) / tấn, tăng 30% so với ngày 1/1, trong khi giá dầu diesel tăng 15,5% lên 8.657 nhân dân tệ / tấn, theo số liệu từ nhà cung cấp thông tin thị trường năng lượng 315i .com. Cả hai mức giá đều đã chạm mức cao nhất trong 10 năm.
Xem thêm:
Caixin Global ngày 8/3/2022: China’s Oil Prices Go Through the Roof as Ukraine Crisis Hits Home
Các biện pháp trừng phạt Nga gây báo động cho các ngân hàng Trung Quốc
Trong khi các tổ chức Trung Quốc về mặt kỹ thuật có thể tiếp tục tham gia với các thực thể Nga bị trừng phạt theo luật trong nước, động thái này đã thúc đẩy một số tổ chức tài chính Trung Quốc đánh giá các giao dịch kinh doanh của họ ở Nga và đánh giá rủi ro cũng như mức độ tiềm ẩn trong lúc chờ đợi hướng dẫn thêm từ người đứng đầu.
Xem thêm:
Caixin Global ngày 8/3/2022: Sanctions on Russia Sound Alarm for Chinese Banks
Trung Quốc thúc đẩy thuyết âm mưu của Nga biện minh cho cuộc chiến
Trung Quốc cáo buộc quân đội Mỹ vận hành các phòng thí nghiệm sinh học “nguy hiểm” ở Ukraine nhưng không đưa ra được bằng chứng nào hậu thuẫn cho cáo buộc của mình. Phát ngôn của Trung Quốc lặp lại thuyết âm mưu của Nga mà các quan chức phương Tây cảnh báo có thể là một phần trong nỗ lực biện minh cho cuộc xâm lược của Putin sau khi đã xảy ra.
Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine vào hồi cuối tháng Hai đã gọi thuyết âm mưu này là “thông tin sai lệch của Nga liên quan đến quan hệ đối tác mạnh mẽ Mỹ-Ukraine nhằm giảm các mối đe dọa sinh học .”
Xem thêm:
Bloomberg ngày 8/3/2022: China Pushes Russia Conspiracy Theory About US Labs in Ukraine. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian’s Regular Press Conference on March 8, 2022
USA Today ngày 25/2/2022: Fact check: Claim of ‘US biolabs’ in Ukraine is disinformation
Chiến tranh Ukraine là hồi chuông cảnh tỉnh cho Đài Loan về mối đe dọa từ Trung Quốc
Tại Đài Loan, cuộc tranh luận đã đi vào cốt lõi của xã hội Đài Loan và cách thức hoạt động của nó. Tan Le-i, Tổng thư ký Hiệp hội Dân quân Đài Loan, một nhóm dân sự cho biết: “Ở Ukraine, hàng nghìn người đã tham chiến trong cuộc xung đột ở phía đông, nhưng chúng ta không có gì như vậy cả.” “Trong xã hội của chúng ta, mọi người đều mong đợi chính phủ hành động, vì vậy có rất ít tổ chức cộng đồng từ dưới lên và việc huy động sẽ rất chậm.”
Xem thêm:
Financial Times ngày 8/3/2022: Ukraine war serves as wake-up call for Taiwan over China threat. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Tôn Vân: Đánh giá chiến lược của Trung Quốc về Nga: Phức tạp hơn bạn nghĩ
Qua các cuộc trao đổi với học giả Trung Quốc, cũng như các nghiên cứu Trung Quốc, tác giả chỉ ra nhân tố chính khiến Nga và Trung Quốc liên kết chặt chẽ với nhau là việc hai nước cùng cảm thấy đe dọa bởi “sự thù địch” của Mỹ. Với việc liên kết, hai nước có thể giảm nhẹ tác động của việc bị phương Tây cô lập, khiến Mỹ phải chia sẻ nguồn lực trên cả hai hướng, cũng như đối mặt với bài toán phức tạp hơn khi lên kế hoạch quân sự.
Bên cạnh đó, sự luyến tiếc quá khứ Liên Xô của lãnh đạo Trung Quốc – bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình – cũng đem lại tác động nhất định. Ông Tập cũng tỏ ra ngưỡng mộ Putin như một nhà lãnh đạo mạnh của nước Nga suy yếu. Điều này có thể khiến ông đánh giá quá cao sức mạnh và mức độ tín nhiệm của Nga.
Tuy vậy, giữa Trung Quốc và Nga vẫn có sự khác biệt về cách nhìn nhận trật tự thế giới – Bắc Kinh muốn ổn định, còn Nga muốn bất ổn. Trung Quốc cũng coi Nga là một cường quốc có tham vọng lớn nhưng thực lực có hạn. Ngoài ra, Trung Quốc sợ Nga phản bội như cách Trung Quốc phản bội Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, cũng như nhận thức rằng hai nền kinh tế không thể bổ sung hoàn toàn cho nhau.
Xem thêm:
War on the Rocks ngày 4/3/2022: China’s strategic assessment of Russia: more complicated than you think
Li Yuan: Trung Quốc tiếp nhận tuyên truyền từ Nga – và phiên bản của nước này về chiến tranh – như thế nào
Tác giả chỉ ra truyền thông Trung Quốc dường như đang tiếp nhận tuyên truyền của Nga về cuộc chiến tại Ukraine, giúp Nga có cơ hội định hình quan điểm của công chúng Trung Quốc về vấn đề này. Nhiều người Trung Quốc coi đây là hành động chống phương Tây, chống sự mở rộng NATO và chống phát xít. Nhiều người gọi Ukraine là “cực đoan”, “phát xít mới”, coi tiểu đoàn Azov là đại diện cho cả đất nước Ukraine. Do đó, quan điểm của công chúng Trung Quốc trên Internet mang đậm màu sắc ủng hộ Nga.
Xem thêm:
New York Times ngày 4/3/2022: How China Embraces Russian Propaganda and Its Version of the War
Liana Fix và Michael Kimmage: Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga thắng ở Ukraine?
Đưa ra kịch bản Nga sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh tấn công vào Ukraine, tác giả nhận định “thường thì mầm mống của rắc rối nằm ngay bên dưới lớp vỏ chiến thắng quân sự. Nga có thể đè bẹp Ukraine trên chiến trường, có thể làm cho Ukraine trở thành một quốc gia thất bại. Nhưng họ chỉ có thể làm vậy bằng cách phát động một cuộc chiến tranh tội lỗi, và bằng cách tàn phá cuộc sống của một quốc gia-dân tộc chưa bao giờ xâm lược Nga. Mỹ và châu Âu có thể là hiện thân thay thế cho các cuộc chiến tranh xâm lược. Những nỗ lực của Nga trong việc gieo rắc sự hỗn loạn có thể được đem ra so sánh với những nỗ lực của phương Tây nhằm khôi phục trật tự. Phương Tây có thể đặt mình về phía chính trực và phẩm giá trong cuộc xung đột này. Chẳng có chiến thắng nào là mãi mãi. Thường thì các quốc gia tự khiến mình lụn bại vì đã phát động và sau đó giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh sai trái.
Xem thêm:
Foreign Affairs ngày 18/02/2022: What if Russia Wins?
Bản dịch tiếng Việt của Dự án Nghiên cứu Quốc tế: Điều gì xảy ra sau khi Nga thắng ở Ukraine?
———-
VIII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Những điểm nghẽn chính cản trở tiến trình đàm phán COC
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, DOC chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình khi chưa thể ngăn cản các hành vi làm phức tạp tình hình. Ông nhận định COC cần khắc phục hạn chế thiếu hiệu quả của DOC qua một cơ chế kiểm tra kiểm soát. Theo ông, quan điểm của ASEAN và Trung Quốc về COC đang tồn tại một số khác biệt về mức độ chi tiết, phạm vi áp dụng, hiệu lực và hiệu quả, các biện pháp chi tiết kiểm soát hành vi, cũng như hai đề xuất về phát triển dầu khí và diễn tập quân sự với các nước bên ngoài của Trung Quốc. Ông chỉ ra để đạt được đột phá, Trung Quốc cần phải chấp nhận không có “quyền lịch sử” trên Biển Đông. Ông cũng cho rằng việc ASEAN có các nhóm lợi ích khác nhau là một thách thức trong đàm phán.
Theo giáo sư Carl Thayer, Covid-19 và hoạt động gây hấn của Trung Quốc cũng là các trở ngại lớn cho đàm phán.
Xem thêm:
VOV ngày 26/1/2022: Những điểm nghẽn chính cản trở tiến trình đàm phán COC
Phiên bản tiếng Anh: Major barriers to South China Sea COC negotiations
Stewart Paterson: Tăng cường thương mại nội khối ASEAN để giảm thiểu phụ thuộc vào nhập khẩu
Theo tác giả, lập luận cho rằng sự tăng trưởng nhanh của kinh tế Trung Quốc đem lại lợi ích đang ngày càng sai lầm, khi không dẫn đến tăng xuất khẩu vào Trung Quốc. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc tạo ra sự phụ thuộc trong khu vực. Do đó, ASEAN cố gắng hội nhập “theo chiều dọc” ở cấp độ cao hơn và tăng cường kết nối nội khối. Theo tác giả, việc tăng cường thương mại nội khối ASEAN có thể giải quyết sự bất đối xứng về thương mại giữa khối này và Trung Quốc.
Xem thêm:
Hinrich Foundation ngày 22/2/2022: To ease ASEAN’s import dependency, strengthen intra-ASEAN trade
Loro Horta: Cuộc chiến cấp vốn giữa Trung Quốc và phương Tây: Chính trị của việc gọi vốn ở các nước đang phát triển
Tác giả chỉ ra, trong hàng thập kỷ qua, các định chế tài chính phương Tây đặt ra các điều kiện không thực tế và ép buộc thực hiện cải cách khi cấp vốn, dẫn tới việc các nước đang phát triển cảm thấy bị bỏ rơi. Do đó, các nước này quay sang Trung Quốc, nước sẵn sàng cho vay với ít điều kiện. Để đối phó, phương Tây đã đề ra nhiều sáng kiến mới. Tuy vậy, chúng có sự chồng lấn lẫn nhau. Theo tác giả, thay vì đề ra quá nhiều sáng kiến, các nước phương Tây cần điều phối tốt hơn và hiểu nhu cầu của các nước đang phát triển. Đối với các nước đang phát triển, cuộc cạnh tranh giữa các thể chế tài chính Trung Quốc và phương Tây giúp họ có nhiều lựa chọn hơn. Tuy vậy, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực nếu lãnh đạo đất nước không phục vụ lợi ích của người dân, khi các vấn đề như chống tham nhũng, nhân quyền… bị xem nhẹ hơn.
Xem thêm:
Think China ngày 22/2/2022: Funding wars between China and the West: The politics of bankrolling developing countries
Diêu Trung Nguyên: Trung Quốc thi hành chiến thuật vùng xám
Theo tác giả, việc Trung Quốc đại lục cử máy bay vào vùng trời Đài Loan trong thời gian qua thể hiện Bắc Kinh đang sử dụng chiến thuật “vùng xám” với Đài Loan. Tác giả chỉ ra Trung Quốc có thể “bình thường hóa” việc tập trận ở các đảo xa của Đài Loan trước khi tiến hành các hoạt động “vùng xám”, rồi ngăn chặn tàu thuyền, máy bay tiếp cận khu vực và thực hiện chiến dịch đánh chiếm một số đảo để buộc Đài Bắc phải đàm phán. Theo tác giả, Bộ Quốc phòng Đài Loan cần xem xét lại quy trình ứng phó khẩn cấp của quân đội trong thời bình, đánh giá và chỉnh sửa nội dung các cuộc tập trận thường niên và chiến lược quân sự, cũng như có chiến lược mới để đối phó với chiến thuật vùng xám và bảo vệ các đảo xa.
Xem thêm:
Taipei Times ngày 5/3/2022: China deploying ‘gray zone’ tactics
Lời nói và hành động trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Biden
Mặc dù chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới của chính quyền Biden đã có nhiều tín hiệu tốt, nhưng không thể đánh giá chiến lược này một cách tách biệt với những lời hứa hàng thập kỷ của Mỹ về việc ưu tiên Châu Á vốn thường xuyên không được thực hiện. Một nghi vấn được đặt ra rằng nếu chiến lược này dành cho khán giả Châu Á, thì sẽ được đón nhận ở đó như thế nào? Nỗ lực của Nhà Trắng trong việc xây dựng và điều phối chiến lược một cách cẩn thận được các quan chức chính phủ nước ngoài đánh giá cao, nhưng các quan chức Châu Á lại lo lắng về khả năng của Mỹ để biến những lời này thành hành động. Chiến lược này, giống như các văn bản gần đây khác do chính quyền hai đảng ban hành, thường có vẻ khoa trương hơn là thực tế. Tác giả nhận định còn rất nhiều việc phải làm để thuyết phục các quốc gia trong khu vực rằng Hoa Kỳ đã thực sự “trở lại” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các nhà quan sát Châu Á hiện đang tìm kiếm những hành động cụ thể trong việc thử nghiệm chiến lược của nhóm Biden cho khu vực quan trọng này.
Xem thêm:
War on The Rock ngày 21/2/2022: Words Versus Deeds in Biden’s Indo-Pacific Strategy – War on the Rocks
Claude Barfield: Tìm kiếm chính sách kinh tế Hoa Kỳ – Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Trong khi chính quyền Biden đã đạt được một số tiến bộ trên mặt trận an ninh bằng cách nâng cấp ‘Quad’ và đảm bảo thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS, Hoa Kỳ đã không phát triển được một biện pháp kinh tế đáng tin cậy. Vào năm 2022, sự kết hợp giữa các mệnh lệnh kinh tế và các nguy cơ an ninh càng trở nên cấp bách hơn. Theo tác giả, trên thực tế, nền tảng chính trị cho những tiến bộ kinh tế quốc tế của Hoa Kỳ là những khó khăn trong mối quan hệ thù địch giữa hai Đảng nội bộ của chính quyền Biden. Bên cạnh đó, chính quyền Biden đã làm tăng thêm những thách thức khi không thể nhất quán và bằng cách chào hàng các lựa chọn thay thế kém thuyết phục cho các quy tắc thương mại và đầu tư mạnh mẽ. Ngoài ra, trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ đã khăng khăng chỉ đàm phán các hiệp ước thương mại “có thể thực thi”. Để phù hợp với sự nhấn mạnh của chính quyền Biden về các vấn đề công bằng trong xã hội, bà Tai đã bày tỏ sự hoài nghi về tính đầy đủ của các hiệp định tự do hóa thương mại truyền thống. Bà cũng ví khuôn khổ này giống như cố vấn mới của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Hoa Kỳ – EU. Nếu một thỏa thuận hành pháp như vậy được dự tính, nó sẽ bị hạn chế – có thể sửa đổi bởi tổng thống tiếp theo và không bị ràng buộc bởi luật pháp Hoa Kỳ. Và cuối cùng, tác giả cho biết nếu không có các cam kết nhượng bộ và mở cửa thị trường mà Hoa Kỳ đưa ra trong CPTPP, Washington sẽ vô cùng khó thuyết phục các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rằng khuôn khổ này tương đương với những nhượng bộ hạn chế mà Trung Quốc đã hứa trong RCEP.
Xem thêm:
East Asia Forum ngày 22/2/2022: In search of a US-Indo-Pacific economic policy
Emily Taylor: Liên minh Châu Âu tạo ra một bước tiến lớn nhờ vi mạch
Đạo luật về chip dược xem là một bước đột phá lập pháp mới nhất của EU, và hứa hẹn sẽ thay đổi khối trở thành một công ty toàn cầu trong thị trường bán dẫn, đồng thời hỗ trợ chủ quyền kỹ thuật số của EU, quyền tự chủ chiến lược và các giá trị dân chủ. Bốn trụ cột hỗ trợ các mục tiêu chính sách này gồm: Thứ nhất, đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và phát triển; Thứ hai, điều phối, hợp tác và tiêu chuẩn hóa các công nghệ bán dẫn trong EU; Thứ ba, kích thích kinh tế để tạo ra một môi trường thân thiện với thị trường và ngành công nghiệp; Và cuối cùng quan hệ đối tác quốc tế với các quốc gia cùng chí hướng. Với 4 trụ cột này, Đạo luật chip đã đáp ứng nhu cầu can thiệp rõ ràng để giới thiệu những quốc gia mới tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu được củng cố cao của lĩnh vực vi mạch. Vẫn chưa rõ liệu sáng kiến này có được mở cho các nhà sản xuất và nhà đầu tư không thuộc EU hay không, nhưng với mức độ khó khăn và chuyên môn hóa của quy trình sản xuất, thì điều đó có khả năng cao sẽ xảy ra. Ngoài ra, dự luật đáp ứng nhu cầu về một cách tiếp cận nhất quán hơn của các nhà hoạch định chính sách đối với chất bán dẫn, vốn đã bị thiếu trong những năm gần đây.
Xem thêm:
World Politics Review ngày 22/2/2022: The EU Makes a Big Move on Microchips. Một bản PDF được lưu ở đây.
Erica Gaston: Khủng hoảng Nga – Ukraine đã xóa bỏ mọi nghi ngờ. Chúng ta quả thực đang trong Chiến tranh Lạnh Mới
Những va chạm thời gian qua (căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, việc NATO triển khai các biện pháp trừng phạt và đáp trả, cạnh tranh Trung – Mỹ) cho thấy đã xuất hiện một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với hình thái hỗn hợp. Cuộc chiến tranh hỗn hợp này nhấn mạnh cả vào vũ khí và chiến thuật phi động học lẫn sức mạnh quân sự tổng hợp. Trong đó, siêu sức mạnh hay vũ khí chính của Hoa Kỳ và Trung Quốc là sự thống trị của họ đối với các khớp nối quan trọng trong hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu, điều này giúp họ có quyền xác lập chương trình nghị sự và kiểm soát, cũng như khả năng vũ khí hóa sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu. Ngày nay, vị trí này có ý nghĩa hơn so với kho vũ khí hạt nhân của họ xét từ góc độ hai nước này có thể phân định phạm vi ảnh hưởng và định hình chuyển dịch quyền lực toàn cầu. Nga có ít quyền lực hơn, song cách Nga tận dụng quyền phủ quyết của Liên Hiệp Quốc, khả năng lực lượng viễn chinh và di sản quân sự – công nghiệp của Liên Xô, đã cho phép đất nước này cạnh tranh ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu. Nga không độc quyền về các chiến thuật quân sự mà nước này dựa vào – việc triển khai “những người đàn ông xanh nhỏ” và việc sử dụng thông tin sai lệch và tấn công mạng, để nuôi dưỡng các đồng minh ủy nhiệm trong các khu vực phương Tây quan tâm – nhưng Moscow có thể triển khai chúng trên nhiều vũ đài một cách đồng thời theo cách mà ít nước nào khác có thể làm được. Nhìn chung, loại vũ khí và chiến thuật mà Mỹ, Trung Quốc và Nga đang triển khai đại diện cho một tập hợp sức mạnh chính trị, kinh tế và sức mạnh quân sự mà ít quốc gia khác có thể cạnh tranh được. Và nhũng yếu tố trên đã góp phần khẳng định rằng chúng ta đang trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
Xem thêm:
World Politics Review 22/2/2022: The Russia-Ukraine Crisis Has Removed All Doubt. We’re in a New Cold War
Katrina Northrop: Tiền hùn vốn cho giám sát
Qua điều tra, The Wire chỉ ra CUE Group – một công ty công nghệ có trụ sở tại Thượng Hải Trung Quốc, nhận vốn từ hãng đầu tư KKR của Mỹ – đã hợp tác với giới chức Trung Quốc để sản xuất một sản phẩm dùng cho việc giám sát người dân. Bài viết cũng chỉ ra cách thức mà công ty này có quan hệ với một viện nghiên cứu thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc để phát triển sản phẩm, cũng như những điểm yếu của Mỹ trong kiểm soát đầu tư vào Trung Quốc.
Xem thêm:
The Wire China ngày 20/2/2022: The Surveillance Stake. Một bản PDF được lưu trữ tại đây.
Christopher Paul: Trung Quốc chơi trên các luật khác nhau – với cái giá phải trả cho các nước khác – thế nào?
Theo tác giả, việc các công ty truyền thông Trung Quốc có sự hiện diện tại Mỹ là điều đáng quan ngại, vì các công ty này không có sự ngăn cách lớn với chính phủ. Trong khi đó, các công ty nước ngoài không thể hoạt động như vậy tại Trung Quốc, do quy định của Bắc Kinh. Do đó, theo tác giả, Mỹ có thể đòi Trung Quốc mở cửa thị trường truyền thông nếu không muốn các công ty nước này rời khỏi Mỹ – đây sẽ là cái cớ hợp lý để buộc các công ty Trung Quốc rời đi. Tác giả cũng khuyến nghị giới chức Mỹ điều tra kỹ về chủ sở hữu của các công ty truyền thông.
Xem thêm:
The Hill ngày 6/2/2022: How China plays by different rules — at everyone else’s expense
Thôi Lập Như (Cui Liru): Khác biệt trong nhận thức về “quan hệ cạnh tranh” giữa Trung Quốc và Mỹ
Cựu Chủ tịch Viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc (CICIR) Thôi Lập Như nhận định Mỹ cho rằng cạnh tranh với Trung Quốc mang tính toàn cầu và trên nhiều phương diện từ kinh tế, chính trị, quân sự, công nghệ… Do đó, tất cả những mối quan hệ hay sự kiện đều cần được đánh giá và kiểm nghiệm lại qua lăng kính cạnh tranh. Dưa trên quan điểm hiện thực, để giữ địa vị bá quyền, Mỹ cho rằng Trung Quốc đã trở thành đối thủ chủ yếu. Theo Mỹ, Trung Quốc đặt ra thách thức toàn diện cả về sức mạnh và tư tưởng. Sự khuếch trương về ngoại giao của Bắc Kinh đến từ trào lưu dân tộc chủ nghĩa, trong khi Bắc Kinh cho rằng Mỹ đã bắt đầu suy yếu. Trong khi đó, “chủ nghĩa nhà nước” về kinh tế và chủ nghĩa tập quyền về chính trị của Trung Quốc đặt ra thách thức với mô hình phát triển và trật tự thế giới được phương Tây thực hiện. Tác giả cho rằng chừng nào chính sách đối ngoại Mỹ còn tuân theo chủ nghĩa hiện thực và nước này không từ bỏ vị trí bá quyền, Trung Quốc vẫn sẽ phải đối mặt với chiến lược cạnh tranh từ Mỹ.
Theo Trung Quốc, nhận thức của Mỹ đến từ việc Washington đã không hiểu Bắc Kinh. Về phần mình, Trung Quốc cho rằng quan hệ song phương không chỉ có cạnh tranh và có thể thiết lập hợp tác cùng thắng. Nhận thức của Trung Quốc về Mỹ gồm hai phương diện: tuyên bố chính sách và thực hiện chính sách. “Tuyên bố” dựa trên “chủ nghĩa kiến tạo hướng tới tương lai” (未来的建构主义), trong khi “thực thi” dựa trên logic hiện thực. Trung Quốc cổ vũ tư duy kiến tạo trên thế giới, nhưng lại phải đối mặt với sự át chế chiến lược theo chủ nghĩa hiện thực của Mỹ. Do đó, theo tác giả, phương hướng ngoại giao nước lớn của Trung Quốc sẽ là “chủ nghĩa kiến tạo hiện thực”.
Xem thêm:
Aisixiang ngày 20/2/2022: 崔立如:中美对“竞争关系”的认知分歧
———-
IX- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/SÁCH
Xiaoming Zhang (2010) Deng Xiaoping and China’s Decision to go to War with Vietnam
Sử dụng các nguồn tài liệu từ Trung Quốc và các nghiên cứu trước đó về chiến tranh biên giới Việt – Trung, tác giả chỉ ra kế hoạch tấn công Việt Nam ban đầu được Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc đề ra nhằm đáp trả các sự cố biên giới và vấn đề Hoa kiều. Sau hội nghị TW3 Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1978, Đặng Tiểu Bình – người muốn mở cửa và hiện đại hóa kinh tế – dần tăng ảnh hưởng trong nền chính trị nước này. Trên phương diện cá nhân, ông Đặng không có sự gắn bó cá nhân với Việt Nam và cảm thấy khó chịu với thái độ “vô ơn” của Hà Nội – giống như giới lãnh đạo Trung Quốc. Trên bình diện chiến lược, Việt Nam trở thành mối đe dọa với Trung Quốc khi thực hiện “chủ nghĩa bá quyền khu vực” và liên kết chặt chẽ với Liên Xô. Cuộc chiến này cũng cho Mỹ thấy “lợi ích quốc gia Trung Quốc nhất quán với Mỹ”. Về phương diện nội bộ, dù có thể có những ý kiến phản đối ban đầu, uy tín của Đặng Tiểu Bình khiến quyết định của ông không bị thách thức. Ngoài ra, ông cũng lập luận cuộc chiến sẽ giúp quân đội Trung Quốc khôi phục uy tín và bồi dưỡng kinh nghiệm, cũng như tạo điều kiện cho chương trình hiện đại hóa đất nước.
Xem toàn văn nghiên cứu tại đây. Bản dịch tiếng Việt của Nghiên cứu Quốc tế tại đây
Bài giảng của tác giả về cùng chủ đề tại đây
Mahamad Amer Musa & Noraini Zulkifli (2022) The US-Malaysia Maritime Security Cooperation and Implication Towards Malaysia’s National Security
Theo các tác giả thuộc Đại học Quốc phòng Malaysia, trong bối cảnh phải đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống ở các tuyến hàng hải chính (eo biển Malacca, Biển Đông và biển Sulu), Malaysia tiến hành hợp tác quốc phòng đa phương để giải quyết những điểm yếu của mình như sự lỗi thời, thiếu trang bị hay khả năng chấp pháp. Hợp tác an ninh biển là chiến lược có sự tham gia của chính phủ và nhiều cơ quan an ninh biển khác nhau của mỗi nước nhằm phối hợp hoạt động của các cơ quan trên, qua đó tăng cường sự ổn định của khu vực.
Xem toàn văn nghiên cứu tại đây
Raul (Pete) Pedrozo (2022) Does the Revised U.S. South China Sea Policy Go Far Enough?
Lo ngại gia tăng căng thẳng giữa CHND Trung Hoa và các bên tranh chấp tại khu vực Biển Đông, Hoa Kỳ đã công bố chính sách năm 1995 về khu vực này với bốn điểm chính. Trong khi đó, CHND Trung Hoa đã có những hành động đi ngược lại chính sách trên nhằm củng cố các tuyên bố bất hợp pháp của mình ở Biển Đông và gây bất lợi cho các bên tranh chấp khác. Bài nghiên cứu của Đại tá về hưu Raul (Pete) Pedrozo, Giáo sư Luật Xung đột Vũ trang tại Trung tâm Luật quốc tế Stockton thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, chỉ ra rằng, chính sách của Hoa Kỳ đã không đạt hiệu quả vì Hoa Kỳ đã im lặng trước hành vi không tuân thủ đàm phán của Trung Quốc với Philippines. Bên cạnh đó, đại diện Nhà Trắng cũng không gây áp lực để Trung Quốc thực hiện phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Biển Đông.
Để chống lại hành vi bành trướng của Trung Quốc, chính sách sửa đổi của Hoa Kỳ chủ yếu dựa vào phán quyết của vụ kiện Trọng tài Biển Đông. Tuyên bố năm 2020 của Hoa Kỳ nhấn mạnh lại rằng “quyết định của Tòa Trọng tài là quyết định cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên”, đồng thời nước này cũng điều chỉnh chính sách về “các yêu sách hàng hải ở Biển Đông phù hợp với quyết định của Tòa”. Những sửa đổi này phù hợp và nhấn mạnh thêm các nội dung chính của chính sách năm 1995. Tuyên bố năm 2021 một lần nữa thể hiện rằng Hoa Kỳ sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn trước các hành động đe dọa hòa bình và ổn định khu vực của của Trung Quốc.
Theo tác giả, để tăng cường tính hiệu quả của chính sách năm 1995, Hoa Kỳ nên thực hiện các biện pháp, bao gồm (a) sửa đổi lập trường trung lập đối với các tuyên bố chủ quyền. Hoa Kỳ vẫn có thể không đứng về bên nào, nhưng đã đến lúc cần phải khẳng định CHND Trung Hoa không có tuyên bố hợp lệ đối với bất kỳ thực thể nào ở Biển Đông và yêu cầu CHND Trung Hoa dỡ bỏ các tiền đồn bất hợp pháp của mình, đặc biệt là những tiền đồn được xây dựng ở thực thể chìm ở triều cao, như Đá Vành Khăn, nằm trong EEZ / thềm lục địa của Philippines, theo Phán quyết của Tòa trọng tài. (b) từ chối công nhận bất kỳ vùng biển nào và để tàu thuyền thực hiện quyền tự do hàng hải trên những vùng tranh chấp. (c) làm rõ các yếu tố cấu thành một cuộc tấn công vũ trang theo Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Hoa Kỳ và Philippines; (d) Hoa Kỳ nên khẳng định là không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào liên quan tới những thực thể ở quần đảo Hoàng Sa và tiến hành các hoạt động hải quân và trên không phù hợp với khẳng định đó. Các tuyên bố của Hoa Kỳ đối với quần đảo Trường Sa cần phải lưu ý không dùng từ “đảo” để phù hợp với phán quyết của Tòa.
Cuối cùng, bài viết nhấn mạnh rằng, nhằm khuyến khích các quốc gia phản đối các yêu sách của CHND Trung Hoa, giúp đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn, lành mạnh, thịnh vượng và tự do, đồng thời để duy trì vị thế của hải quân Hoa Kỳ, Nhà Trắng cần thay đổi chính sách Biển Đông và không nhân nhượng trước các hành động bành trướng của Trung Quốc.
Tải toàn văn nghiên cứu ở đây.
John Fitzgerald (2022) Taking the low road: China’s influence in Australian states and territories
Cuốn sách nghiên cứu sự tương tác giữa Trung Quốc và các bang, lãnh thổ liên bang, chính quyền địa phương, thành phố, trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ tại Australia. Cuốn sách cho thấy sự tương tác này đã phát triển về cả chiều rộng và chiều sâu, là kết quả của mối quan hệ kinh tế và quan hệ giữa nhân dân hai nước trong nhiều thập kỷ. Tuy vậy, Trung Quốc cũng đã nỗ lực gây ảnh hưởng tới các cá nhân, địa phương và thể chế của Australia.
Xem toàn văn cuốn sách tại đây
Xem thêm:
ASPI ngày 15/2/2022: Taking the low road: China’s influence in Australian states and territories
Yu Yongding (2022) Macroeconomy in China – 14 Observations
Giáo sư Dư Vĩnh Định, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một trong những nhà kinh tế nổi danh của nước này, rút ra 14 quan sát từ nền kinh tế vĩ mô Trung Quốc:
1. Cần nhìn tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2021 một cách khách quan. Nếu xét theo quý, tỷ lệ tăng thực tế thấp hơn năm 2019.
2. Nền kinh tế Trung Quốc có đặc điểm là lạm phát thấp, thậm chí giảm phát – dẫn tới nền kinh tế có thể tăng tốc hơn nữa. Tốc độ tăng trưởng là yếu tố quan trọng.
3. Có nhiều sai lầm về phương pháp trong khi tranh luận về việc liệu nước này có cần cố gắng đạt tỷ lệ tăng trưởng cao hay không. Nhân tố hệ thống không thể giải thích cho tăng trưởng theo năm hay quý.
4. Nếu muốn tăng tiêu dùng, cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu nhập hộ gia đình và nâng cao kỳ vọng của người dân. Chính sách trợ cấp sau đại dịch là cần thiết, nhưng mang tính xã hội nhiều hơn kinh tế.
5. Cần “dò đá qua sông” trong hoạch định chính sách kinh tế.
6. Trung Quốc cần đặt mục tiêu tăng trưởng cao nhất có thể nếu không có nguy cơ lạm phát hay khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống. Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế lâu dài có thể khiến sự gia tăng lại là khó khăn.
7. Giữ tốc độ tăng trưởng nhất định không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề địa chính trị.
8. Chính phủ Trung Quốc cần đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2022.
9. Cần giữ tốc độ tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng nhất định. Ông nhận định lợi thế của Trung Quốc – so với các quốc gia khác như Mỹ là có thể kiểm soát được lượng đầu tư cơ sở hạ tầng.
10. Đầu tư bất động sản có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
11. Cần giải quyết vấn đề tài chính để tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng. Tác giả nhận định nguồn tiền chủ yếu nên tới từ trái phiếu chỉ phủ, thay vì vay ngân hàng qua các nền tảng tài chính địa phương.
12. Trung Quốc cần nới lỏng thêm chính sách tiền tệ trong năm 2022, cũng như tăng phối hợp và gắn kết giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.
13. Do tình hình lạm phát, Mỹ sẽ bắt đầu từ bỏ chính sách tiền tệ nới lỏng trong 12 năm qua. Tuy vậy, điều này sẽ không ảnh hưởng mạnh đến môi trường kinh tế bên ngoài của Trung Quốc.
14. Thị trường (và tác giả) đồng thuận tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 là 5.5%.
Xem toàn văn nghiên cứu tại đây
Kasper Ingeman Beck & Kjeld Erik Brødsgaard (2022) Corporate Governance with Chinese Characteristics: Party Organization in State-owned Enterprises
Qua các tài liệu chính thức, phỏng vấn lãnh đạo các doanh nghiệp, quan chức chính phủ và chuyên gia, cũng như những nguồn tài liệu thứ cấp khác, các tác giả phân tích vai trò của Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc trong quản trị các doanh nghiệp nhà nước của nước này. Tác giả chỉ ra kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền, vai trò của ĐCS Trung Quốc trong các doanh nghiệp nhà nước đã được chính thức hóa. Các tác giả chỉ ra ĐCS Trung Quốc đạt được mục tiêu này qua các đảng tổ/đảng ủy trong doanh nghiệp, cũng như qua các cơ chế ra quyết sách, bổ nhiệm nhân sự và giám sát. Kết quả thu được là một mô hình quản lý doanh nghiệp hỗn hợp do Đảng lãnh đạo. Các tác giả chỉ ra mô hình này có thể đảm bảo sự tuân thủ cả các doanh nghiệp, khả năng tương tác với lãnh đạo cấp cao hơn và thuận lợi cho thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, nó cũng có các mặt trái như tác động tiêu cực đến cải cách và sự hiệu quả của doanh nghiệp.
Do vấn đề về bản quyền, Dự án không có quyền chia sẻ tài liệu. Độc giả quan tâm có thể liên hệ các tác giả tại đây
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.