Bản Tin Biển Đông Số 95

(Tuần từ 14/02 – 21/02/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lê Đức Tâm, Đoàn Thị Hằng Ni, Trần Phạm Bình Minh

Biên tập: Phạm Huệ Việt

Tư liệu: South China Sea News

Bản đồ vị trí Hải quân Hoa Kỳ trên toàn cầu cập nhật ngày 17/2/2022. Nguồn: Stratfor.

Tải bản PDF ở

Đây là bản được cập nhật lúc 9h53′ ngày 22/02/2022 – giờ Berlin, tức 15h53′ giờ Hà Nội, thay thế cho bản cũ trước đó chứa một số lỗi chính tả cần sửa lại.

—————

Trong Bản Tin Biển Đông Số 95 có những nội dung sau:

I- TRÊN BIỂN

II- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

V- CÁC THOẢ THUẬN THƯƠNG MẠI TRONG KHU VỰC

VI- QUAN HỆ MỸ – TRUNG – NGA

VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

VIII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

—————

I- TRÊN BIỂN

Tàu Hải quân Trung Quốc chiếu laser vào máy bay tuần tra Úc. Vì sao đây là sự cố nguy hiểm?

Ngày 19/02/2022, Bộ Quốc phòng Úc đã xác nhận rằng vào ngày 17/02/2022, một máy bay P-8A Poseidon đã phát hiện ra tia laser chiếu sáng chĩa vào máy bay khi đang bay qua các hướng tiếp cận phía bắc của Australia. Tia laser được phát hiện là phát ra từ tàu Hải quân – Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA-N). 

Bộ Quốc phòng Úc đã lên án hành vi được cho là thiếu chuyên nghiệp và không an toàn, khẳng định việc tàu Trung Quốc rọi đèn vào máy bay là sự cố nghiêm trọng tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Thủ tướng Scott Morrison tuyên bố vụ việc là một “hành động đe dọa” khiến tính mạng quân nhân gặp nguy hiểm. Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cho rằng đây là một “hành động gây hấn, bắt nạt”.

Con tàu này cùng với một tàu hải quân Trung Quốc PLA-N khác đang đi về phía đông qua Biển Arafura vào thời điểm xảy ra vụ việc. 

Bản đồ các tàu Hải quân Trung Quốc gần bờ biển Úc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Úc.

John Blaxland: Cuộc tấn công bằng laser có nghĩa là gì?

Tất cả các tàu chiến hiện đại đều được trang bị laser. Chúng được sử dụng chủ yếu để xác định tầm bắn và chỉ định mục tiêu ngay lập tức trước khi phóng vũ khí. 

Tia laser được coi là nguy hiểm vì ít nhất hai lý do. Việc chiếu tia laser thường được gọi là “vẽ mục tiêu” trước khi bắn đạn thật, chẳng hạn như đạn pháo, súng máy hoặc tên lửa. Nó được nhiều người coi là một hành động thù địch, chỉ trong gang tấc khi vượt qua ngưỡng xung đột hoặc chiến tranh công khai. Đây có thể là một trải nghiệm căng thẳng đối với những người phải hứng chịu những chùm tia như vậy.

Ngoài ra, bản thân chùm tia laser rất nguy hiểm vì chúng có thể gây mù vĩnh viễn nếu chiếu vào mắt ai đó, cũng như làm hỏng hệ thống điều hướng quan trọng và các hệ thống liên quan khác, quan trọng đối với an toàn hàng không.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Úc ngày 19/02/2022: Chinese vessel lasing ADF aircraft

ABC News ngày 19/02/2022: Prime Minister Scott Morrison accuses Chinese warship of ‘reckless and irresponsible’ act after laser was shone at RAAF aircraft 

The Australian ngày 20/02/2022: Australia slams China for ‘intimidation’ after navy ship directed laser at Australian aircraft

The Canberra ngày 21/02/2022: What was the Chinese laser attack about and why does it matter?

Tàu chiến Anh triển khai cùng tàu tuần tra và tuần duyên Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương

Theo Hải quân Hoa Kỳ, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Sampson đã tham gia “Chiến thuật cấp sư đoàn” (Divisional Tactics) để tiến hành các nỗ lực cứu trợ thiên tai ở Tonga cùng với tàu tuần duyên Cutter Stratton và tàu Hải quân Hoàng gia Anh HMS Spey. “USS Sampson đang triển khai theo lịch trình tại khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Hoa Kỳ để tăng cường khả năng tương tác với các đồng minh, đối tác và là lực lượng sẵn sàng phản ứng hỗ trợ một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, trích thông báo của Hải quân Hoa Kỳ.

Xem thêm:

UK Defence Journal ngày 2/2/2022: British patrol ship works with U.S. Navy and Coastguard in Pacific

Bộ Quốc phòng Đài Loan: Trực thăng chống ngầm Trung Quốc lần đầu tiên xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan

Trong một thông cáo thường kỳ, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết một máy bay trực thăng KA-28 ASW đã được nhìn thấy bay trong khu vực phía tây nam vùng nhận diện phòng không của Đài Loan vào thứ Tư ngày 16/02/2022. Thông cáo không cung cấp chi tiết về đường bay.

Cùng ngày, một máy bay tình báo điện tử Y-8 (Y-8 ELINT) và một máy bay tác chiến điện tử tầm xa Y-8 (Y-8 EW) cũng được phát hiện đang tiến vào ADIZ của Đài Loan.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 16/2/2022: 我西南空域空情動態 

RFA ngày 17/02/2022: Chinese anti-sub helicopter enters Taiwan ADIZ for first time 

Đài Loan tiết lộ kế hoạch tập trận bắn đạn thật tại các đảo nhỏ gần Trung Quốc đại lục

Tờ South China Morning Post dẫn thông báo từ lực lượng vũ trang Đài Loan cho biết Đài Loan sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật trong hai ngày 16 và 17/03/2022 tại các đảo Đông Dẫn, Kim Môn và Bành Hồ. Theo kế hoạch, cuộc tập trận sẽ diễn ra vào buổi sáng và ban đêm, mô phỏng các kịch bản đẩy lùi các cuộc xâm lược vào các đảo nhỏ bởi máy bay chiến đấu và tàu đổ bộ tấn công. Theo các nhà quan sát, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, kịch bản chiếm đảo nhỏ dễ xảy ra hơn là một cuộc chiến toàn diện

Đông Dẫn và Kim Môn là các đảo nhỏ tiền tuyến nằm gần các thành phố Phúc Châu và Hạ Môn của Trung Quốc. Bành Hồ nằm giữa tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc và thành phố Gia Nghĩa của Đài Loan.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 20/02/2022: Taiwan reveals plans for live-fire drills at islets near Chinese mainland

Bản đồ vị trí Hải quân Hoa Kỳ trên toàn cầu cập nhật ngày 17/2/2022

Bản đồ hải quân hiển thị vị trí gần đúng hiện tại của các Nhóm tàu sân bay tấn công Hoa Kỳ (CSG) và Nhóm sẵn sàng đổ bộ (ARG), dựa trên thông tin nguồn mở có sẵn. Không có thông tin mật hoặc hoạt động nhạy cảm nào được đưa vào bản cập nhật hàng tuần này. CSG và ARG là chìa khóa để Hoa Kỳ thống trị các đại dương trên thế giới. CSG tập trung vào một tàu sân bay và bao gồm khả năng tấn công tấn công đáng kể. Một ARG tập trung vào ba tàu chiến đổ bộ, với một Đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến.

Xem thêm:

Stratfor ngày 17/2/2022: US Naval Update Map: Feb. 17, 2022

———-

II- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN

Myanmar mua vũ khí từ Pakistan dưới sự hỗ trợ của Trung Quốc

Quân đội Myanmar đang đẩy nhanh kế hoạch mua lô súng cối 60 và 81 mm, súng phóng lựu M-79 và Súng máy hạng nặng từ Pakistan sau khi một phái đoàn cao cấp của Tổng cục mua sắm quân sự từ quốc gia Đông Nam Á này dự kiến đến thăm Pakistan để kiểm tra trước khi vận chuyển vũ khí. Ngoài ra, Myanmar cũng đang nhắm đến việc mua tên lửa Không đối đất để lắp đặt trên  máy bay chiến đấu JF-17 từ Pakistan. JF-17 Thunder là loại máy bay chiến đấu đa năng do Tổ hợp Hàng không Pakistan và Tập đoàn Công nghiệp Máy bay Thành Đô của Trung Quốc hợp tác phát triển. Sau cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, Pakistan với sự hỗ trợ của Trung Quốc đã nhận thấy cơ hội mở rộng quan hệ đối tác quốc phòng với Myanmar. Islamabad đang kỳ vọng hợp tác sâu hơn với Bắc Kinh trong lĩnh vực phát triển thiết bị tác chiến phụ, để Pakistan bảo trì và đại tu các thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc.

Xem thêm:

The Economic Times ngày 11/2/2022: Myanmar and Pakistan in arms deal, guided by China

Trung Quốc trao hàng viện trợ quân sự cho Philippines

Ngày 9/2/2022, lễ trao tặng chính thức phần đầu tiên của gói viện trợ quân sự trị giá 130 triệu nhân dân tệ (khoảng 20 triệu USD) của Trung Quốc cho Philippines đã diễn ra với sự tham dự của Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên (Huang Xilian), Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Andres Centino.

Trước đó, ngày 17/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng tuyên bố giúp Philippines 100 triệu nhân dân tệ (gần 16 triệu USD) để tái thiết sau cơn bão Rai/Odette cuối năm 2021. Đồng thời, ông cũng tuyên bố “quyết định chiến lược” của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trong quan hệ với Trung Quốc) “phù hợp với lợi ích căn bản” của hai nước và khu vực. 

Xem thêm:

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines ngày 10/2/2022: China Handed Over the First Batch of 130 Million RMB Military Donations to the Philippines

PNA ngày 17/1/2022: China pledges P800-M grant for ‘Odette’ reconstruction works

SCMP ngày 18/1/2022: Wang Yi urges Philippines not to ditch Duterte’s China-friendly policy after election

Ứng viên hàng đầu cho cuộc bầu cử Tổng thống Philippines muốn “hiện diện quân sự” ở Biển Đông 

Trong cuộc tranh luận trên truyền hình ngày 15/2/2022, ứng viên Ferdinand Marcos Jr., người đang đứng đầu trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử tổng thống Philippines tháng 5 tới, cho biết ông muốn có sự hiện diện quân sự ở Biển Đông “không phải để bắn” vào các tàu thuyền mà để “cho Trung Quốc thấy chúng ta đang bảo vệ những gì mà chúng ta cho là vùng biển của mình”. Ông cũng gọi quan hệ với Trung Quốc là “rất quan trọng” và tuyên bố sẽ “đi giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Xem thêm:

Reuters ngày 15/2/2022: Philippines’ Marcos wants military presence to defend its waters in South China Sea

Ngoại trưởng ASEAN nhóm họp sau một tháng tạm hoãn

Trong hai ngày 16-17/2/2022, các ngoại trưởng ASEAN đã nhóm họp tại Campuchia sau một tháng tạm hoãn. Các ngoại trưởng Thái Lan, Brunei và Việt Nam tham dự cuộc họp theo hình thức trực tuyến, trong khi Myanmar không chỉ định đại diện phi chính trị tham dự cuộc họp.

Theo tuyên bố chủ tịch được Campuchia đưa ra sau hội nghị, các ngoại trưởng “được cổ vũ bởi sự tiến triển trong các cuộc đàm phán thực chất tiến tới việc sớm hoàn tất một COC ‘hiệu lực và thực chất’ (effective and substantive), phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982”, cũng như “nhấn mạnh nhu cầu bảo đảm và thúc đẩy môi trường thuận lợi cho đàm phán COC”.

Sự kiện này vốn dự kiến diễn ra vào ngày 18-19/1, nhưng đã bị hoãn họp “do một số ngoại trưởng ASEAN khó có thể tham dự”, theo Bộ Ngoại giao Campuchia.

Xem toàn văn tuyên bố chủ tịch hội nghị tại đây.

Philippines bày tỏ mong muốn Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông không bỏ qua các nước ngoài khu vực

Trong hội nghị với các ngoại trưởng ASEAN ngày 17/2/2022, Ngoại trưởng Philippines Tedoro Locsin tuyên bố muốn sớm đạt được một COC hiệu lực và thực chất ở Biển Đông mà không bỏ qua quốc gia hay cường quốc nào ử phần còn lại của thế giới. Ông cũng đề xuất kỷ niệm 20 năm ngày ký Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và 40 năm UNCLOS 1982. 

Ngoài ra, ông cũng tuyên bố ủng hộ đề xuất của Indonesia rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa ASEAN và Mỹ sắp tới chỉ có hoạt động của các nhà lãnh đạo chứ không có cuộc gặp giữa các lãnh đạo ASEAN và giới lập pháp Mỹ.

Xem thêm:

CNN Philippines ngày 18/2/2022: PH seeks early conclusion of South China Sea Code of Conduct

Bộ trưởng Quốc phòng Singapore: Khuôn khổ khu vực và quan hệ đối tác quân sự tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa các quốc gia

Tham dự phiên thảo luận với chủ đề “Bắc cầu giữa những vùng nước khó khăn – Suy nghĩ lại về Hợp tác An ninh Hàng hải ở Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” trong khuôn khổ Hội nghị Bàn tròn An ninh Hàng hải tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 58, TS Ng Eng Hen đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các khuôn khổ khu vực, đặc biệt là đối với Singapore. Ông cho biết Singapore cho rằng điều quan trọng đối với sự ổn định là luật quốc tế như Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được tôn trọng. Bên cạnh đó, quan hệ đối tác quân sự bao trùm tăng cường hợp tác giữa các quốc gia. 

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Singapore ngày 19/02/2022: Dr Ng: Regional Frameworks and Military Partnerships Facilitate Cooperation Among States 

Đại sứ mới của Việt Nam tại Mỹ, Liên Hợp Quốc nhận công tác

Trong tuần qua, tân Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng và tân Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang đã tới nhiệm sở để nhận công tác, thay thế cho các ông Hà Kim Ngọc và Đặng Đình Quý kết thúc nhiệm kỳ.

Xem thêm:

Vietnamnet ngày 18/2/2022: Tân Đại sứ Việt Nam tại Mỹ tới Washington D.C bắt đầu nhiệm kỳ

Báo Tin tức ngày 18/2/2022: Đại sứ Đặng Hoàng Giang bắt đầu nhiệm kỳ Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc

Thái Lan quan tâm đến tiêm kích F-35

Phát biểu bên lề Triển lãm hàng không Singapore (Singapore Airshow) hôm 16/2/2022, Phó Chủ tịch cấp cao tập đoàn Lockheed Martin Tim Cahill xác nhận Thái Lan đã bày tỏ quan tâm tới tiêm kích F-35 của hãng này. Tuy vậy, ông cũng cho biết quyết định phụ thuộc vào chính phủ Mỹ.

Trước đó, hồi tháng 1, không quân Thái Lan đã dành ra 413 triệu USD dự định mua 4 chiếc F-35. 

Xem thêm:

Reuters ngày 17/2/2022: Thailand purchase of F-35 stealth jets depends on U.S. government, says Lockheed Martin exec

———-

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Điện đàm Thủ tướng Anh – Nhật Bản

Hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ hợp tác với nhau giải quyết các mối đe dọa hiện nay và trong tương lai, thông qua sự hợp tác chặt chẽ về công nghệ quốc phòng và tầm nhìn chung vì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Về thương mại, Thủ tướng Boris Johnson gửi lời cảm ơn Thủ tướng Kishida đã ủng hộ việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP và cho biết Vương quốc Anh mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại với Nhật Bản trong tương lai gần.

Xem thêm:

GOV.UK ngày 16/2/2022: PM call with Prime Minister Fumio Kishida: 16 February 2022

Nhóm cảm biến máy bay chiến đấu mới thúc đẩy chương trình nghị sự quốc phòng Anh – Nhật

Anh và Nhật Bản đã mở rộng quan hệ đối tác công nghệ – quốc phòng, một thỏa thuận được thông báo vào ngày 15/2/2022 nhằm thực hiện nghiên cứu chung về một cảm biến phản lực chiến đấu quan trọng. Bộ trưởng Bộ Mua sắm Quốc phòng Anh Jeremy Quin cho biết mối quan hệ này là yếu tố quan trọng để duy trì lợi thế công nghệ trong không chiến. 

Xem thêm:

Defense News ngày 15/2/2022: New warplane sensor team boosts UK-Japan defense agenda 

Anh và Australia ký thỏa thuận an ninh và quốc phòng mới. Vương quốc Anh dành 34 triệu USD cho An ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Hôm thứ Năm ngày 17/02/2022, Vương quốc Anh đã cam kết 25 triệu bảng Anh (34 triệu đô la) để tăng cường an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như một phần của thỏa thuận chung với Australia. Thỏa thuận có thể sẽ tăng cường các nỗ lực chung về không gian mạng, các mối đe dọa của nhà nước và an ninh hàng hải.

Xem thêm:

City A.M. ngày 16/02/2022: UK and Australia sign new defence and security agreement 

Reuters ngày 17/02/2022: UK pledges $34 mln to enhance security in Indo-Pacific 

Al Jazeera ngày 17/02/2022: Australia and UK deepen security ties amid China worries

Sáng kiến xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của Vương quốc Anh – Úc

Cùng ngày 17/02/2022, Chính phủ Anh đã ban hành hướng dẫn về Sáng kiến xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng được thiết lập chung bởi Anh và Australia. Hướng dẫn cho biết các quốc gia cùng mối quan tâm về khả năng phục hồi các chuỗi cung ứng quan trọng có thể tham gia vào sáng kiến được thiết kế để hỗ trợ họ phát triển phương pháp tiếp cận vấn đề.

Xem thêm:

Gov.uk ngày 17/02/2022: UK-Australia supply chain resilience capability building initiative

Anh trì hoãn việc loại bỏ Huawei khỏi mạng viễn thông

Chính phủ Anh đã trì hoãn kế hoạch loại bỏ Huawei khỏi mạng viễn thông của Anh trong sáu tháng, thông báo rằng thời hạn đã được lùi lại đến ngày 31/07/2023, “do những khó khăn mà các nhà cung cấp phải đối mặt trong đại dịch”. Chính phủ Anh cho biết một cuộc tham vấn đã được thực hiện với các công ty viễn thông về các công cụ pháp lý được đề xuất để kiểm soát việc sử dụng Huawei trong các mạng của Vương quốc Anh, theo yêu cầu của Đạo luật Viễn thông (An ninh) mới.

Xem thêm:

The Telegraph ngày 18/02/2022: Britain delays removal of Huawei from telecoms network 

Chính phủ Anh ngày 20/02/2022: Government consults on legal direction to restrict Huawei in UK telecoms networks

Đài Loan bác bỏ nhận xét của ứng cử viên Tổng thống Pháp ‘Đài Loan là một phần của Trung Quốc’

Vào ngày 15/2/2022, Chính phủ Đài Loan đã bác bỏ tuyên bố gần đây của một ứng cử viên tổng thống Pháp Fabien Roussel rằng Đài Loan là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) và quốc gia này nên tuân theo thỏa thuận “một quốc gia, hai hệ thống” do Bắc Kinh đề xuất. Bình luận của Roussel đã bị chỉ trích bởi nhiều chính trị gia Pháp, trong đó, một bài Twitter của Eric Bothorel, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Pháp – Đài Loan, đã phản bác rằng Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và bày tỏ mong muốn tốt đẹp đối với nền dân chủ, người dân và Tổng thống Đài Loan.

Xem thêm: 

Focus Taiwan ngày 15/2/2022: Taiwan refutes French presidential candidate’s ‘Taiwan part of China’ remark – Focus Taiwan

Ngoại trưởng Pháp phê phán nỗ lực của Trung Quốc nhằm ‘phá vỡ hiện trạng’ đối với Đài Loan

Trong một cuộc phỏng vấn bằng văn bản với Nikkei Asia, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian tin rằng an ninh ở eo biển Đài Loan cần thiết cho an ninh của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và cho biết Paris “rất muốn hành động để ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột nào”.

Jean-Yves Le Drian không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng “lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm phá hoại hiện trạng, bất kỳ hành động nào có khả năng gây ra sự cố dẫn đến leo thang.”

Ông nói, Pháp muốn giúp các đối tác “khẳng định và bảo vệ” chủ quyền, đồng thời cảnh báo về “một thế giới mà một số cường quốc đang gia tăng các hành vi can thiệp và hành vi săn mồi, và không giấu giếm mục tiêu bá quyền của họ.”

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 20/02/2022: France slams China’s attempts to ‘break the status quo’ on Taiwan. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây.

Đài Loan cho rằng Tập Cận Bình hiện tại sẽ không có hành động quân sự với Đài Loan 

Đài Loan tin rằng Tập Cận Bình đang quá tập trung vào cuộc họp quan trọng của đảng để kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo Trung Quốc nên sẽ không có hành động quân sự ngay bây giờ, bất kể chuyện gì xảy ra giữa Nga và Ukraine, theo hai quan chức cấp cao liên quan đến các vấn đề an ninh ở Đài Bắc.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 16/02/2022: Taiwan Sees China’s Xi as Too Focused on Party Reshuffle for Any Attack. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

Đài Loan thông qua dự luật về gián điệp trong ngành công nghiệp chip nhằm đối phó với Trung Quốc

Ủy ban Hành pháp Đài Loan hôm thứ Năm ngày 17/02/2022 đã thông qua dự thảo sửa đổi Đạo luật An ninh Quốc gia cho phép kết tội việc tham gia vào “hoạt động gián điệp kinh tế” hoặc sử dụng các công nghệ quốc gia quan trọng và bí mật thương mại bên ngoài Đài Loan mà không được sự phê chuẩn của cấp có thẩm quyền. Các bản án trừng phạt lên đến lần lượt 12 năm và 10 năm tù. Ngoài ra, bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào được chính phủ Đài Loan ủy thác hoặc trợ cấp để tiến hành các hoạt động liên quan đến các công nghệ quốc gia quan trọng sẽ cần phải nhận được sự chấp thuận của chính phủ cho bất kỳ chuyến đi nào đến Trung Quốc. Nếu không có thể bị phạt từ 2 triệu đến 10 triệu Đô la Đài Loan (tương đương với 71.000 đến 358.000 USD).

Xem thêm:

Nikkei Asia ngày 17/02/2022: Taiwan takes aim at China with draft laws on chip sector espionage. Một bản toàn văn được lưu trữ ở đây

Pompeo sẽ đến thăm Đài Loan

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ thăm Đài Loan vào tuần tới, theo Chính phủ Đài Loan. Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết Pompeo từ lâu đã ủng hộ Đài Bắc và chuyến thăm hiếm hoi của một cựu quan chức cấp cao của Mỹ cho thấy cam kết “vững chắc” của Mỹ đối với Đài Loan.

Xem thêm:

Reuters ngày 21/02/2022: US former top diplomat Pompeo, sanctioned by China, to visit Taiwan

Bloomberg ngày 21/02/2022: Pompeo to Visit Taiwan in Rare Trip by Ex-Top US Diplomat. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

———-

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố cần “vận dụng pháp trị vào đấu tranh quốc tế”

Tạp chí Cầu Thị tháng 2/2022 đăng tải toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại phiên học tập tập thể số 35 của Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 6/12/2021 với chủ đề xây dựng hệ thống pháp luật XHCN đặc sắc Trung Quốc. Trong đó, ông Tập tuyên bố cần xây dựng hệ thống pháp luật và quy định pháp luật liên quan tới bên ngoài (涉外), tăng cường sự hiệu quả tư pháp trong lĩnh vực trên nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích phát triển của đất nước.

Ông cũng yêu cầu “vận dụng pháp trị vào đấu tranh trên bình diện quốc tế”. Theo ông, cần cùng đẩy mạnh pháp trị trong nước và liên quan tới bên ngoài. Dựa trên nguyên tắc ưu tiên những điều cấp bách, cần tăng cường hoạt động lập pháp liên quan tới bên ngoài; hoàn thiện quy định và pháp luật chống cấm vận, chống can thiệp, chống thẩm quyền trị ngoại (long-arm jurisdiction); tăng cường vai trò của hợp tác chấp pháp, tư pháp trong quan hệ song phương và đa phương; cũng như xây dựng đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, ông Tập cũng yêu cầu tăng cường pháp luật trong các lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc gia, khoa học công nghệ…

Xem thêm:

Cầu Thị ngày 15/2/2022: 坚持走中国特色社会主义法治道路 更好推进中国特色社会主义法治体系建设

Bản dịch tiếng Anh tại đây

SCMP ngày 16/2/2022: Xi Jinping urges China to arm itself with stronger laws and better lawyers for ‘international struggle’ 

Trung Quốc thúc tiến độ xây dựng kế hoạch thúc đẩy “thịnh vượng chung”

Trong một cuộc họp báo ngày 17/2/2022, ông Thường Thiết Uy (Chang Tiewei), Phó vụ trưởng vụ Việc làm, Phân phối thu nhập và Tiêu dùng thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Trung Quốc (NDRC) cho biết cơ quan này đang tăng tốc xây dựng kế hoạch để thúc đẩy “thịnh vượng chung”. Ông Thường cho biết kế hoạch này chủ yếu hướng tới giảm khoảng cách giữa các khu vực, giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo. Kế hoạch sẽ giúp xây dựng một hệ thống cơ bản cho việc phân phối cơ bản, tái phân phối và “phân phối cấp ba” (三次分配). Ông cũng cho biết chính phủ cũng đang nghiên cứu một kế hoạch để mở rộng tầng lớp trung lưu nước này.

Xem thêm:

China Securities Journal ngày 17/2/2022: 国家发改委:推动制定出台《促进共同富裕行动纲要》 牵头研究制定扩大中等收入群体实施方案

Chính phủ Trung Quốc ngày 18/2/2022: NDRC to promote common prosperity

Nhân dân Nhật báo ngày 18/2/2022: 国家发改委谈浙江高质量发展建设共同富裕示范区推进情况 – 推动更多低收入群体跨入中等收入行列

Nhà nước Trung Quốc bơm tiền vào metaverse

Vào thứ Tư ngày 16/2/2022, Ủy ban Công nghiệp Metaverse mới được thành lập của Trung Quốc đã thông báo rằng 17 công ty đã được đưa vào tổ chức để “thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, có trật tự và bền vững của metaverse”. Ủy ban, được thành lập vào tháng 10/2021 bởi công ty viễn thông nhà nước China Mobile, nhằm mục đích để các công ty thảo luận về các quy tắc, chính sách và dự án mới. Đây là một trong nhiều sáng kiến liên quan đến các nhóm được nhà nước hậu thuẫn và các quan chức địa phương cũng đang tìm kiếm cổ phần trong các công ty metaverse trong bối cảnh cơn sốt đầu tư.

Xem thêm:

Financial Times ngày 16/02/2022: Chinese state pumps money into metaverse stakes. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Trung Quốc mở thêm một đường tàu đến Đức

Một đường tàu hai chiều giữa thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc và thành phố Mannheim của Đức đã đi vào hoạt động từ ngày 18/2/2022. Chuyến tàu đầu tiên – xuất phát từ Thanh Đảo – chở theo các nguyên liệu hóa học thô, các bộ phận của xe ô tô, hàng thiết yếu và các mặt hàng khác, với tổng giá trị khoảng 2,5 triệu USD. Tàu sẽ tới Mannheim trong 19 ngày. Cùng ngày, một chuyến tàu khác từ Mannheim cũng khởi hành tới Thanh Đảo và dự kiến sẽ tới vào giữa tháng 3.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 18/2/2022: New freight train route connects China, Germany

———-

V- CÁC THOẢ THUẬN THƯƠNG MẠI TRONG KHU VỰC

Philippines và New Zealand không chấp nhận Myanmar gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực 

Philippines đã nối tiếp New Zealand bác bỏ việc đưa Myanmar vào hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới trong bối cảnh quốc tế mở rộng sang các biện pháp trừng phạt ngoại giao và thương mại đối với chính quyền quân sự Myanmar. Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr đã nói với những người đồng cấp Đông Nam Á về quyết định này của Philippines trong cuộc họp hôm thứ Năm ngày 17/02/2022 tại Campuchia. 

Xem thêm:

AP News ngày 18/02/2022: Philippines, like New Zealand, rejects Myanmar in trade pact 

Đơn xin gia nhập CPTPP của Trung Quốc và Đài Loan sẽ được xem xét trong tuần

Ủy ban giám sát Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ thảo luận về đơn xin gia nhập Hiệp định của Đài Loan cùng với các đệ trình từ Trung Quốc và Ecuador.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 14/2/2022: Chinese and Taiwanese trade pact bids on CPTPP agenda this week: report. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Trung Quốc nói đang đàm phán với các thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện & Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

Trong cuộc họp báo ngày 17/2/2022, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tuyên bố nước này đang trong giai đoạn liên hệ và đàm phán với các nước thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông cũng tuyên bố Trung Quốc đã tìm hiểu kỹ hiệp định và sẵn sàng nỗ lực để cải cách nhằm đáp ứng hoàn toàn các quy định và tiêu chuẩn của CPTPP.

Xem thêm:

Tân Hoa xã ngày 17/2/2022: China in talks with CPTPP members over accession procedures: MOC

STCN ngày 17/2/2022: 商务部:中方已就CPTPP内容进行了充分、全面和深入的研究评估

Vương quốc Anh đạt cột mốc đầu tiên quan trọng trong tiến trình gia nhập CPTPP

Ngày 18/02/2022, Nhóm công tác xem xét đơn gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh (AWG) đã được Nhật Bản triệu tập. AWG đã đạt được sự đồng thuận để kết thúc cuộc họp đầu tiên và chuyển sang giai đoạn tiếp theo của các cuộc đàm phán tiếp cận thị trường. Bộ trưởng Thương mại Anh Anne-Marie Trevelyan sẽ đến thăm Indonesia, Nhật Bản và Singapore trong tuần này để giám sát việc khởi động giai đoạn gia nhập cuối cùng.

Xem thêm:

Chính phủ Anh ngày 18/02/2022: Trade Secretary secures major trade bloc milestone ahead of Asia visit 

Readout on First Senior Officials Meeting of the Comprehensive and Progressive for Trans-Pacific Partnership

Mỹ ‘không có ý định’ tương tác với Trung Quốc về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết Mỹ “không có ý định” tương tác với Trung Quốc trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sắp tới, nhưng đang có những cuộc thảo luận ban đầu với các đối tác có cùng tầm nhìn về một khu vực tự do và cởi mở, không có sự ép buộc.

Xem thêm:

Reuters ngày 17/02/2022: US has ‘no intention’ to engage with China on Indo Pacific Economic Framework

———-

VI- QUAN HỆ MỸ – TRUNG – NGA

Phản ứng của Trung Quốc về Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân tuyên bố “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” chứa những ý đồ xấu. Những gì Mỹ nói trong “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” khác với những gì họ đang thực sự làm. Mỹ tuyên bố thúc đẩy “tự do và cởi mở” trong khu vực, nhưng trên thực tế đang hình thành một nhóm độc quyền thông qua AUKUS và QUAD. Chiến lược khẳng định sẽ tăng cường an ninh khu vực, nhưng đang tạo ra những nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng có thể phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực. Chiến lược tuyên bố sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực, nhưng đang gây ra sự phản đối và đối đầu giữa các nước trong khu vực và đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các kết quả và triển vọng phát triển của hợp tác khu vực. Ông Bân cho rằng chiến lược làm sống lại tâm lý Chiến tranh Lạnh và sẽ chỉ mang lại sự chia rẽ và bất ổn cho Châu Á – Thái Bình Dương, và bởi vậy chắc chắn sẽ được chào đón không gì khác ngoài sự cảnh giác và từ chối từ các nước trong khu vực.

Xem thêm:

Foreign Ministry Spokesperson Wang Wenbin’s Regular Press Conference on February 14, 2022 

Washington và Bắc Kinh cùng hối thúc các biện pháp thương mại mới để đấu tranh với nhau

Báo cáo thường niên của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) về sự tuân thủ của Trung Quốc đối với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới cho rằng Hoa Kỳ cần phải “tăng cường các công cụ thương mại hiện có” và phát triển các công cụ mới để chống lại các khoản trợ cấp và lạm phát tài chính của Trung Quốc. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc cần tăng cường các phương tiện pháp lý để tiến hành một “cuộc đấu tranh quốc tế” chống lại các lệnh trừng phạt và can thiệp thương mại.

Xem thêm:

Stratfor ngày 16/02/2022: US, China: Washington and Beijing Urge New Trade Measures to Combat Each Other. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

USTR (Feb 2022) 2021 Report to Congress On China’s WTO Compliance.pdf 

Các quy định trừng phạt mới của Hoa Kỳ nhằm vào hàng chục công ty Trung Quốc có liên quan đến quân đội 

Ngày 15/2/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã ban hành các quy định nhằm thực hiện các lệnh trừng phạt đối với 59 công ty liên quan đến quân đội Trung Quốc nhằm ngăn chặn Bắc Kinh xây dựng lực lượng vũ trang bằng tiền mặt thu được từ thị trường tài chính Mỹ. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào các bộ phận của khu liên hợp công nghiệp quân sự có liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế dân sự ở Trung Quốc, mà Bắc Kinh gọi là “chiến lược tổng hợp”. Bên cạnh đó, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính cũng cho biết rằng các biện pháp kiểm soát trừng phạt chi tiết hơn sẽ được thông báo sau.

Xem thêm: 

Washington Times ngày 15/2/2022: New US sanction rules hit dozens of Chinese firms linked to military – Washington Times

Hoa Kỳ cân nhắc yếu tố Trung Quốc khi soạn thảo kế hoạch trừng phạt Nga 

Cho đến nay, các quan chức chính quyền Mỹ cho rằng Bắc Kinh không có khả năng can thiệp đáng kể vào bất kì lệnh trừng phạt nào của Mỹ vì điều đó có thể gây nguy hiểm cho các công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường nội địa rộng lớn của Mỹ, các mạng lưới tài chính sâu rộng và các công nghệ quan trọng. Một quan chức cấp cao cho biết các quan chức chính quyền Hoa Kỳ đã cảnh báo các quan chức Trung Quốc rằng các hình phạt đối với một cuộc xâm lược tiếp theo của Nga vào Ukraine có thể khiến các công ty Trung Quốc có giao dịch với các thực thể của Nga bị ảnh hưởng.

Xem thêm:

The Wall Street Journal ngày 15/2/2022: U.S. Weighs China Factor in Drafting Plans to Punish Russia

Dân biểu đề xuất luật Luật cấm các quan chức ĐCSTQ và gia đình theo học tại các trường đại học Hoa Kỳ 

Dân biểu Vicky Hartzler đã đề xuất Đạo luật Bảo vệ Giáo dục Đại học khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, đạo luật này sẽ cấm “các quan chức phục vụ trong Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc và các thành viên gia đình của họ được nhận thị thực học sinh hoặc thị thực nghiên cứu” để theo học tại các trường đại học của Hoa Kỳ.

Xem thêm:

China Trade Monitor ngày 17/2/2022: Proposed U.S. Legislation Would Ban CCP Officials and Families from Attending American Universities

Nhà Trắng, Quốc hội Mỹ cân nhắc giám sát các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc

Theo Politico, Quốc hội Mỹ đang xem xét một dự luật cho phép chính phủ sàng lọc các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc và các quốc gia đối địch khác – và có khả năng bác bỏ chúng nếu đe dọa an ninh quốc gia. Đồng thời, Nhà Trắng đang thảo luận về việc ban hành các lệnh hành pháp nhằm tăng cường giám sát việc người Mỹ tài trợ cho các công ty khởi nghiệp và công nghệ Trung Quốc, mở rộng lệnh cấm đang áp dụng đối với một số công ty liên kết với quân đội Trung Quốc.

Xem thêm:

Politico ngày 19/02/2022: ‘We’re in an economic war:’ White House, Congress weigh new oversight of US investments in China 

Bắc Kinh một lần nữa trừng phạt Lockheed, Raytheon vì bán vũ khí cho Đài Loan

Trung Quốc đã đặt Lockheed Martin và Raytheon Technologies vào lệnh trừng phạt vì thương vụ bán vũ khí trị giá 100 triệu USD cho Đài Loan mà Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân cáo buộc là “làm suy yếu lợi ích an ninh của Trung Quốc, phá hoại nghiêm trọng quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ và hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Đây ít nhất là lần thứ ba nước này công bố các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ. 

Xem thêm:

Reuters ngày 21/02/2022: Beijing sanctions Lockheed, Raytheon again over Taiwan arms sales 

———-

VII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

Jeff M. Smith: Chiến lược Ấn Độ Dương  – Thái Bình Dương cần các thông tin cụ thể

Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới được công bố của chính quyền Biden gồm nhiều ưu tiên và sáng kiến nhưng tài liệu đi kèm lại rất ít và không chi tiết về phương pháp, phương tiện để đối đầu với các thách thức trong đó có sự trỗi dậy của một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến. Tài liệu về chiến lược mới vẫn giữ nguyên khuôn khổ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được chính quyền Trump thông qua trước đó vốn là khuôn khổ hợp nhất Đông và Nam Á, Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương cộng lại. Chiến lược mới phản ánh chiến lược trước đây về sự cần thiết phải tăng cường liên minh của Hoa Kỳ, tái khẳng định vai trò của Hoa Kỳ như một cường quốc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nâng tầm Bộ Tứ, hỗ trợ Ấn Độ trỗi dậy, mở rộng hoạt động của lực lượng tuần duyên trong khu vực,… nhưng vẫn nhiều “mơ hồ và ẩn ý” và thiếu đi các đề xuất cụ thể, thiếu ý tưởng mới để đối phó với các thách thức mà Trung Quốc đã và đang gây ra ở khu vực. Chiến lược mới của chính quyền Biden cũng không nói gì đến cạnh tranh quân sự với Trung Quốc hay các bước đi cần thiết để đẩy lùi sự đe dọa của nước này đối với đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.

Xem thêm:

Defense One ngày 15/2/2022: The Indo-Pacific Strategy Needs Indo-Specifics – Defense One

Patrick M. Cronin: Những điểm mạnh và cạm bẫy tiềm ẩn của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ 

Theo tác giả, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới nhất của Hoa Kỳ áp dụng cách tiếp cận thực dụng nhưng có nguyên tắc đối với các vấn đề khu vực. Trước sự rộng lớn và giàu có của khu vực này cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt bậc, một nghi vấn được đặt ra là cuộc tranh giành quyền lực trong khu vực sẽ gây xáo trộn như thế nào.

Tác giả đã đưa ra những điểm mạnh của Chiến lược bao gồm: (1) Đây là chiến lược neo Mỹ ở trung tâm quyền lực toàn cầu; (2) Chiến lược giải quyết trực tiếp sự cạnh tranh Mỹ-Trung mà không để cạnh tranh giữa các cường quốc xác định ranh giới của những gì quan trọng; (3) Tốt hơn so với các chiến lược trước đây của Washington, chiến lược này thể hiện cam kết sức mạnh toàn diện của Mỹ tới tất cả các ngõ ngách của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thúc đẩy các quan hệ đồng minh và đối tác, đồng thời dựng lên các hàng rào ngăn cản xung đột, (4) Chiến lược này cho thấy sự lạc quan và nhiệt tình của người Mỹ đối với các giá trị dân chủ cùng với sự tôn trọng đối với quyền tự chủ. 

Bên cạnh đó, tác giả cũng chỉ ra những cạm bẫy tiềm tàng của chiến lược này thông qua các nghi vấn, bao gồm: (1) Bản chất của sự cạnh tranh Mỹ-Trung là gì, và chính quyền Biden xác định “trạng thái kết thúc” của sự cạnh tranh đó như thế nào?; (2) Các liên minh có hoành tráng như giới thiệu không?; (3) Mắt xích yếu nhất trong chiến lược khu vực của Hoa Kỳ: một chính sách kinh tế và thương mại không đầy đủ; (4) Chính quyền Biden có thể làm cho khu vực trở nên an toàn hơn không?; (5) Liệu Hoa Kỳ có hứa hẹn quá mức so với việc thực hiện? 

Xem thêm:

The Straits Times ngày 19/2/2022: US’ Indo-Pacific Strategy – strengths and potential pitfalls. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Alec Blivas: Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Chính quyền Biden thiếu sự rõ ràng về Trung Quốc

Theo tác giả, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới của Chính quyền Biden được đưa ra hầu như không làm rõ các mục tiêu cụ thể của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với Trung Quốc, các cách thức và phương tiện mà chiến lược sẽ theo đuổi các mục tiêu đó, cũng như chi phí cơ hội và sự đánh đổi của những hành động đó. Bên cạnh đó, tác giả cũng chỉ ra một vài thiếu sót của tài liệu, chẳng hạn như: Tài liệu chiến lược không trả lời được những câu hỏi quan trọng về sự cân bằng mong muốn giữa cạnh tranh và hợp tác với Trung Quốc; Chiến lược không thể hiện chi tiết đầy đủ các kế hoạch rộng lớn hơn của chính quyền Biden đối với Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ giải quyết những khó khăn do Trung Quốc gây ra; Thay vì xác định các chính sách cụ thể mà Nhà Trắng sẽ theo đuổi theo chiến lược năm mũi nhọn nhằm định hình hành vi của CHND Trung Hoa, tài liệu chỉ đề cập đến ý định của chính quyền Biden nhằm cân bằng cạnh tranh và hợp tác trong mối quan hệ với Trung Quốc; Trong lĩnh vực quân sự, tài liệu này không đề cập đến bất ổn chiến lược gây ra bởi cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tăng trong khu vực, một phần là do Trung Quốc phát triển các công nghệ tiên tiến bao gồm trí tuệ nhân tạo, vũ khí siêu thanh, hệ thống vũ khí tự động, cũng như khả năng tác chiến không gian và mạng tiên tiến; Về Đài Loan, chiến lược này không chỉ rõ cách Washington sẽ duy trì các mối quan hệ hòa bình xuyên eo biển Đài Loan, đặc biệt là khi hỗ trợ các lực lượng an ninh của Đài Loan.

Cuối cùng, tác giả hy vọng rằng các văn bản quản lý sắp tới như Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Quốc phòng sẽ giải quyết được những lỗ hổng rõ ràng trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

The Diplomat ngày 18/2/2022: The Biden Administration’s Indo-Pacific Strategy Lacks Clarity on China

Brahma Chellaney: Nước Mỹ đang tập trung vào sai kẻ thù 

Tác giả cho rằng hệ thống chính trị đa Đảng và sự phân cực sâu sắc đang làm xói mòn nền dân chủ của Mỹ và cản trở việc theo đuổi các mục tiêu dài hạn. Theo một cuộc khảo sát vào tháng 3/2021, đảng Cộng hòa lo ngại nhất về Trung Quốc, trong khi đảng Dân chủ lo lắng về Nga hơn so với các mối đe dọa khác. Đây cũng chính là lý do Tổng thống Mỹ Joe Biden lại xem một nước Nga “bất hảo” như một đối thủ ngang hàng, trong khi lẽ ra ông nên tập trung vào thách thức từ đối thủ thực sự của Mỹ là Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã mắc một sai lầm chết người kể từ Chiến tranh Lạnh: bằng cách hỗ trợ sự trỗi dậy của Trung Quốc, họ đã giúp tạo ra đối thủ lớn nhất mà đất nước của họ từng phải đối mặt. Thêm vào đó, Mỹ tiếp tục dành sự quan tâm và nguồn lực không đầy đủ cho một loạt các vấn đề toàn cầu quá mức, từ chủ nghĩa xét lại của Nga và sự hung hăng của Trung Quốc đến các mối đe dọa ít hơn ở Trung Đông, châu Phi và trên Bán đảo Triều Tiên. Và điều đó đã vô tình củng cố ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt là thông qua việc nước này lạm dụng các biện pháp trừng phạt. Bên cạnh đó, mặc dù Nga và Trung Quốc giữ khoảng cách với nhau trong nhiều thập kỷ, tuy nhiên các lệnh trừng phạt do Mỹ đưa ra sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 đã thúc đẩy Tổng thống Vladimir Putin theo đuổi củng cố mối quan hệ Nga – Trung. Và điều này được xem là kết quả tồi tệ nhất có thể xảy ra của cuộc khủng hoảng Ukraine. Thay vào đó, kết quả tốt nhất sẽ là một thỏa hiệp với Nga để đảm bảo rằng nước này không xâm lược và có thể thôn tính Ukraine. Theo tác giả, nếu chính quyền Biden không nhận ra quy mô thực sự của mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra và sớm áp dụng một chiến lược nhắm mục tiêu phù hợp, thì bất kỳ cơ hội nào để duy trì sự ưu việt của Mỹ vẫn có thể đóng lại.

Xem thêm: 

Project Syndicate ngày 14/2/2022: America Is Focusing on the Wrong Enemy by Brahma Chellaney – Project Syndicate

George J. Veith: Trung Quốc và sự sụp đổ của Nam Việt Nam: Bí mật lớn cuối cùng của Chiến tranh Việt Nam

Qua trao đổi của tác giả với Nguyễn Xuân Phong, đại diện chính quyền Việt Nam Cộng hòa đàm phán hòa bình tại Paris, tác giả nhận định Trung Quốc có lẽ đã tìm cách thiết lập một miền Nam Việt Nam trung lập vào năm 1975.

Ông Phong cho biết ông từng liên lạc với Trung Quốc để cứu chế độ Việt Nam Cộng hòa. Ngay trước chuyến thăm của Henry Kissinger tới Bắc Kinh tháng 7/1971, ông Phong được giới thiệu với một quan chức tại văn phòng Thủ tướng Chu Ân Lại tại Đại sứ quán Miến Điện tại Paris. Ông cho biết nhiều thông điệp của Trung Quốc được gửi đến nhằm tìm cách thiết lập kênh đối thoại với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nhưng ông Thiệu không trả lời. Vào những ngày cuối tháng 4/1975, khi trở lại Sài Gòn, ông mang theo một thông điệp bí mật của Trung Quốc. 

Theo ông Phong, Trung Quốc muốn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam nắm quyền qua một liên minh với ông Dương Văn Minh. Sau khi liên minh được thiết lập, ông Minh sẽ kêu gọi giúp đỡ và người Pháp sẽ trả lời rằng một liên minh quân sự quốc tế sẽ vào miền Nam để “bảo vệ” chính phủ mới, trong đó lực lượng đầu tiên sẽ là hai sư đoàn Trung Quốc tới Biên Hòa. Bắc Kinh đề nghị 4 ngày để sắp đặt quân và đưa quân đến căn cứ.

Xem thêm:

Wilson Center ngày 9/2/2022: China and the Fall of South Vietnam: The Last Great Secret of the Vietnam War

Charles Parton: Ngày tôi bị tình báo Trung Quốc theo dõi

Kể lại câu chuyện của bản thân từng được tình báo Trung Quốc liên hệ, tác giả nhận định tình báo Trung Quốc vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống và rất tích cực trong việc tuyển mộ. Một trong những phương pháp mà tình báo Trung Quốc sử dụng là hoạt động “tảng băng”: đủ mở để ngăn chặn, nhưng những gì nhìn thấy chỉ là một phần câu chuyện. Tác giả cũng cho rằng đây là một nguy cơ với Anh, và London cần thiết lập một cơ quan chống can thiệp nước ngoài, một đạo luật đăng ký đại diện nước ngoài tương tự Mỹ, xây dựng năng lực điều tra các luồng tài chính, cũng như hiểu tác động của các quan chức nghỉ hưu – những người có thể nhận tiền của các công ty Trung Quốc – đến chính phủ.

Xem thêm:

The Spectator ngày 5/2/2022: The day I was tapped up by Chinese intelligence

Nghiên cứu chỉ ra điểm yếu công nghệ của Trung Quốc bị xóa sau khi đăng tải

Theo Science, hôm 30/1/2022, các tác giả thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IISS) thuộc Đại học Bắc Kinh công bố một báo cáo về ngành công nghệ nước này, trong đó nhận định Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn Mỹ qua sự “phân tách” về công nghệ, cũng như thừa nhận Trung Quốc vẫn chưa bắt kịp Mỹ trong các ngành công nghệ cốt lõi – cụ thể là bán dẫn chất lượng cao, phần mềm và hệ thống vận hành, cũng như vũ trụ. Nghiên cứu này được giám sát bởi giáo sư Vương Tập Tư (Wang Jisi), Chủ tịch IISS. Tuy vậy, báo cáo đã bị gỡ xuống trong chưa đầy một tuần.

Xem thêm:

Science ngày 8/2/2022: A Beijing think tank offered a frank review of China’s technological weaknesses. Then the report disappeared

Loạt bài kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Nixon trên Project Syndicate

Trong loạt bài kỷ niệm 50 năm Tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Trung Quốc của Project Syndicate, cựu Thống đốc Hong Kong Chris Patten nhận định di sản lớn nhất từ chuyến thăm của ông Nixon là sự mở cửa kinh tế của Trung Quốc. Ông nhận định trong khi cần kiềm chế Trung Quốc, Mỹ và các nền dân chủ cần tránh cô lập Trung Quốc để ngăn chặn nước này cư xử tồi tệ. Ông cũng cho rằng Trung Quốc chưa thể thành công trong việc tìm một mô hình quản trị trong dài hạn, và dân chủ vẫn là phương án tốt hơn.

Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) phản đối ý tưởng rằng chuyến thăm của ông Nixon là một sai lầm. Ông chỉ ra điều này đem lại lợi ích cho cả hai bên, mang tới 40 năm hòa bình, thịnh vượng và ổn định – cho đến khi Chủ tịch Tập Cận Bình nắm quyền. Chuyến thăm cũng giúp Đặng Tiểu Bình sau này không phải bắt đầu từ đầu khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Ông cũng chỉ ra khó có thể có một chuyến thăm “Nixon đảo ngược” tới Nga để phá vỡ liên kết giữa Moscow và Bắc Kinh. 

Từ New Delhi, giáo sư Brahma Chellaney nhận định Mỹ không nên bị xao lãng bởi Nga mà cần tập trung vào mối đe dọa chính từ Trung Quốc nếu muốn giữ vị thế hàng đầu của mình. Ông nhận định Trung Quốc có tham vọng hất cẳng Mỹ để trở thành cường quốc toàn cầu, trong khi Nga chỉ muốn giảm thiểu mối đe dọa an ninh xung quanh mình. Bên cạnh đó, các biện pháp cấm vận của Mỹ đang vô tình khiến Trung Quốc hưởng lợi.

Giáo sư Stephen S. Roach của Đại học Yale chỉ ra chuyến thăm của ông Nixon đã khiến Liên Xô bị rơi vào thế cô lập trước Mỹ – Trung. Chính sách “ngoại giao tam giác” là canh bạc thành công của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, Trung Quốc sẽ hướng tới vận dụng chính chính sách này, và quan hệ Trung – Nga có thể khiến cán cân quyền lực thế giới thay đổi với sự dễ tổn thương của Mỹ.

Cựu Ngoại trưởng Tây Ban Nha lại cho rằng dù không trở thành đồng minh hoàn hảo, mối quan hệ “hôn nhân vụ lợi” giữa Nga và Trung Quốc vẫn có thể tác động đến trật tự thế giới dựa trên luật lệ, và phương Tây cần chung tay bảo vệ điều này.

Trong khi đó, giáo sư Nina L. Khrushcheva cho rằng với việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc và bước vào mối quan hệ bất bình đẳng với Bắc Kinh, Nga sẽ tiếp tục là bên chịu thiệt. Trung Quốc sẽ không ủng hộ Nga trong mọi cuộc đấu tranh với Mỹ và NATO vì nước này không đánh đổi sự thịnh vượng của mình bằng việc thách thức Mỹ, trong khi sẽ muốn giữ Nga trong một mối quan hệ phụ thuộc vào mình. Do đó, nước này sẽ chỉ làm vừa đủ để giữ Nga tồn tại và đối đầu với phương Tây, cũng như giữ ông Putin ở lại điện Kremlin.

Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) Richard Haass coi chính sách của chính quyền Nixon là sáng tạo, đồng thời kêu gọi Washington tiếp tục có một cách tiếp cận sáng tạo như vậy để hồi sinh hợp tác song phương. Hai bên cần nhận thức quan điểm của nhau về Đài Loan, giữ hợp tác về kinh tế và tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu, trong khi Mỹ cần giải quyết những chia rẽ trong nội bộ, tăng cường hợp tác với các nước Âu – Á và tham gia các hiệp định thương mại.

Cuối cùng, giáo sư Shang-Jin Wei tại Đại học Columbia chỉ ra nước Trung Quốc ngày này không còn là nước Trung Quốc của 50 năm trước. Theo ông, việc đảo ngược tương tác kinh tế với Trung Quốc vì lý do địa chính trị sẽ đem lại những nguy cơ lớn, cả với nền kinh tế và vị thế chính trị của Mỹ.

Xem thêm:

Project Syndicate ngày 17/2/2022: Nixon in China at 50

———-

VIII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

ISEAS (2022) The State of Southeast Asia- 2022 Survey Report

Như thường lệ, Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS, Singapore đã tiến hành khảo sát quan điểm thường niên của người Đông Nam Á trong các khu vực (a) hàn lâm, tư vấn chính sách và nhà nghiên cứu; (b) đại diện doanh nghiệp và tài chính; (c) đại diện xã hội dân sự, tổ chức phi chính phủ và truyền thông; (d) các quan chức chính phủ; và (e) nhân viên các tổ chức khu vực và quốc tế. Các thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cũng đã được mời tham gia khảo sát. Dưới đây là báo cáo toàn văn kết quả khảo sát mà chúng tôi nhận được. 

Dù vậy, đây là báo cáo được đăng tải và chia sẻ công khai, miễn phí trên các mạng xã hội, chứ không phải là báo cáo nội bộ như một số độc giả đã bị hiểu lầm và email hỏi chúng tôi. Chúng tôi chưa giới thiệu chỉ là vì báo cáo sẽ được tóm tắt và đưa vào Bản Tin Biển Đông tuần này.

Báo cáo năm 2022 có một số điểm chính sau:

1. Các mối lo ngại chính của người Đông Nam Á là nguy cơ với sức khỏe từ Covid-19, thất nghiệp và suy thoái, tác động của biến đổi khí hậu.

2. Về ASEAN, mối lo ngại lớn nhất của người dân lo ngại là sự chậm chạp và thiếu hiệu quả, là đấu trường cạnh tranh nước lớn, không vượt qua thách thức từ đại dịch.

3. Hơn một nửa người được hỏi cảm thấy chính phủ đối phó tốt hoặc ổn trước Covid-19, sụt giảm so với năm ngoái.

4. Các loại vaccine được tin tưởng nhất là Pfizer/Moderna, Sinopharm/Sinovac.

5. Những người được hỏi có quan điểm chia rẽ về cách ASEAN phản ứng với tình hình tại Myanmar, với số câu trả lời đồng tình/phản đối và trung lập không quá chênh lệch.

6. Hơn 50% người được hỏi hoan nghênh QUAD. 36,5% coi AUKUS có thể giúp cân bằng với sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, 22,5% lo ngại nguy cơ chạy đua vũ trang, trong khi 18% coi AUKUS làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN.

7. Số người coi việc Trung Quốc gia nhập CPTPP làm tăng/giảm căng thẳng về kinh tế trong khu vực đều là khoảng 30%, với số câu trả lời “giảm” cao hơn một chút. Gần một nửa số người được hỏi coi việc Mỹ không tham gia CPTPP làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, trong khi 23,2% lo ngại về căng thẳng trong khu vực khi Mỹ hướng nhiều hơn đến các hiệp ước an ninh mang tính loại trừ.

8. Nhật Bản tiếp tục là cường quốc được tin tưởng nhất ở Đông Nam Á, cao hơn Mỹ và EU. Trung Quốc bị “không tin tưởng” nhiều nhất.

Xem toàn văn báo cáo tại đây

Lương Nguyễn An Điền (2022) A study of Vietnam’s control over online anti-state content

Tác giả chỉ ra giới chức Việt Nam đã thực thi nhiều chiến lược kiểm duyệt nhằm vào các nội dung chống nhà nước để đạt được “mục tiêu kép”: Tạo ra sự “mở” ở bề ngoài nhưng giữ sự kiểm soát thảo luận trên mạng. Việt Nam cũng tiếp cận có chọn lọc một số phương pháp của Trung Quốc. Tuy vậy, khác với Trung Quốc, Việt Nam không cấm hoàn toàn các kênh truyền thông phương Tây và tận dụng chúng vì lợi ích của mình, đối phó với các nội dung chống nhà nước trên Internet. Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam khiến Facebook và Youtube đáp ứng nhu cầu của Việt Nam. 

Xem toàn văn nghiên cứu tại đây

Shuxian Luo & Jonathan G. Panter (2021) China’s Maritime Militia and Fishing Fleets – A Primer for Operational Staffs and Tactical Leaders

Các lực lượng phi quân sự đã được Trung Quốc sử dụng để theo đuổi các mục tiêu an ninh trong Chiến lược Vùng xám của nước này mà không gây ra xung đột vũ trang, trong đó dân quân biển là lực lượng quan trọng nhất cùng với các đội tàu đánh cá xa bờ dân sự công khai được sự hậu thuẫn của chính phủ. Tàu đánh cá và dân quân biển giúp Trung Quốc “viết lại các quy tắc về tự do hàng hải, củng cố yêu sách chủ quyền, khai thác các nguồn tài nguyên biển và mở rộng phạm vi kinh tế trên toàn cầu”. Các lực lượng này ngày càng thu hút sự chú ý của các học giả và chuyên gia quốc phòng. Bài báo của Shuxian Luo và Jonathan G. Panter gồm 3 phần: Phần 1 mô tả các chiến lược lớn của Trung Quốc trên biển; Phần 2 mô tả hạm đội tàu đánh cá và dân quân biển của Trung Quốc và Phần cuối cùng đề cập đến các thách thức mà các nhân tố này đặt ra đối với Hoa Kỳ đặc biệt là nguy cơ leo thang căng thẳng ngoài ý muốn.

Tải toàn văn bài báo ở đây.

Cortney Weinbaum et al. (2022) Assessing Systemic Strengths and Vulnerabilities of China’s Defense Industrial Base – With a Repeatable Methodology for Other Countries  

Báo cáo của RAND đánh giá về các điểm mạnh, yếu của cơ sở công nghiệp quốc phòng Trung Quốc trong 6 khía cạnh: kinh tế; quản trị và quy định; nghiên cứu, phát triển và đổi mới; nguồn nhân lực; công nghiệp chế tạo và nguồn nguyên liệu đặc biệt là các lĩnh vực mà Trung Quốc phụ thuộc vào Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ. Trung Quốc không còn là cường quốc khoa học công nghệ mới nổi mà đã vươn lên để cạnh tranh với Hoa Kỳ để giành vị trí dẫn đầu về khoa học và công nghệ toàn cầu. Trong công nghệ quân sự, Trung Quốc có lợi thế về số lượng bằng sáng chế tuy nhiên hệ thống đổi mới quốc phòng của Trung Quốc có mối liên kết yếu giữa các thành phần, giữa các tổ chức khoa học công nghệ của Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu.

 Tải toàn văn báo cáo ở đây.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.