Bản Tin Biển Đông Số 55

(Tuần từ 08/03 – 15/03/2021)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh, Lưu Việt Hà, Lê Xuân Phương

Biên tập: Vân Phạm

Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Ảnh vệ tinh mới phân tích bởi nhóm The Intel Lab cho thấy tương tự như đang làm ở biên giới với Việt Nam, Trung Quốc cũng đang mở rộng các sân bay quân sự và xây dựng sân bay trực thăng mới gần eo biển Đài Loan. Chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn trong một báo cáo cho bản tin tuần sau. Ảnh: @detresfa_/The Intel Lab

Tải bản PDF ở


Trong Bản Tin Biển Đông Số 55 có những nội dung sau:

I- BỘ TỨ KIM CƯƠNG – CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

II- QUAN HỆ MỸ – TRUNG QUỐC

III- LUẬT HẢI CẢNH TRUNG QUỐC

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

V- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á VÀ CÁC ĐỐI TÁC

VI- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC


I- BỘ TỨ KIM CƯƠNG – CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Cuộc họp thượng đỉnh Bộ Tứ đầu tiên với thỏa thuận về vaccine, tuyên bố chung về “Tinh thần của Bộ Tứ”

Ngày 12/3/2021, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển Bộ Tứ kim cương Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ, bốn lãnh đạo các quốc gia thành viên – Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga – đã gặp nhau thông qua một Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhằm tái khẳng định cam kết hợp tác Bộ Tứ trong tầm nhìn chung là một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. 

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã khởi động Sáng kiến Vaccine, thiết lập một cơ chế tài chính nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực sản xuất vaccine của các công ty Ấn Độ, trong đó 1 tỷ liều sẽ được dành cho Đông Nam Á. Loại vaccine được lựa chọn là vaccine của hãng Johnson & Johnson của Mỹ, vừa được Tổ chức Y tế thế giới và EU chấp thuận, Nhật Bản chịu trách nhiệm về tài chính, và Úc phụ trách phân phối. 

Đây được xem như một nỗ lực của Mỹ trong việc giành lại vai trò lãnh đạo thế giới chống lại đại dịch COVID-19 trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng qua chiến dịch ngoại giao vaccine tới các nước đang phát triển. Theo Michael Green ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, các nước Đông Nam Á đã âm thầm đề nghị Bộ Tứ hỗ trợ vaccine.

Bốn nhà lãnh đạo đã đưa ra một bản tuyên bố chung về “Tinh thần của Bộ Tứ”, trong đó khẳng định sẽ nỗ lực vì một khu vực tự do, rộng mở, bao trùm, lành mạnh, được duy trì bởi các giá trị dân chủ và không bị hạn chế bởi sự ép buộc. Họ cam kết cùng nhau thúc đẩy một trật tự tự do, rộng mở dựa trên luật lệ, ủng hộ rule of law, tự do hải hành và không hành, giải quyết các tranh chấp một các hoà bình, ủng hộ các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ.

Đông Nam Á là một tâm điểm chú ý của Bộ Tứ trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thông cáo chung của bốn nước một lần nữa khẳng định ủng hộ mạnh mẽ sự thống nhất và tính trung tâm của ASEAN cũng như Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Ấn Độ cho biết bốn nhà lãnh đạo thành viên Bộ Tứ sẽ trực tiếp gặp mặt nhau vào một thời điểm trong năm bên lề một hội nghị thượng đỉnh lớn.

Kết thúc Hội nghị, bốn nhà lãnh đạo Bộ Tứ đã cùng chấp bút trong một bài xã luận trên The Washington Post, tái khẳng định mối quan hệ hợp tác ở tầm cao nhất để giải quyết các thách thức chung của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Những vấn đề như biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 là những thách thức cụ thể được đề cập trong bài xã luận. Cũng như trong Tuyên bố chung, bài xã luận không nhắc đến Trung Quốc, tuy nhiên tái khẳng định cam kết sẽ nỗ lực vì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở, an toàn và thịnh vượng.

“Bốn nhà lãnh đạo đã thảo luận về thách thức mà Trung Quốc đặt ra và họ nói rõ rằng không ai trong số họ có bất kỳ ảo tưởng nào về Trung Quốc, nhưng về cơ bản cuộc họp hôm nay không phải về Trung Quốc,” Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Sullivan nói sau hội nghị thượng đỉnh.

Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla nhấn mạnh rằng Bộ Tứ là một “chương trình nghị sự tích cực, mang tính xây dựng”, bác bỏ những đề xuất rằng đây là một cơ chế kiểm soát sức mạnh của Trung Quốc.

Bốn nhà lãnh đạo khẳng định Bộ Tứ là một nhóm linh hoạt gồm các đối tác có cùng chí hướng, nhằm thúc đẩy một tầm nhìn chung và đảm bảo hòa bình và thịnh vượng. Bộ Tứ hoan nghênh và sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc với tất cả những bên có chung mục tiêu đó.

Trước đó, trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/3/2021, một câu hỏi được phóng viên đặt ra là liệu Mỹ có mời Hàn Quốc tham gia Bộ Tứ trong tương lai, và Hàn Quốc có nên đầu tư cho hoà bình và an ninh cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hơn là chỉ tập trung vào bán đảo Triều Tiên.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết ông không thể trả lời điều gì lúc này. Tuy nhiên, Hàn Quốc là một đồng minh hiệp ước quan trọng, là một đồng minh hiệp ước không thể thiếu của Mỹ. Hai bên chia sẻ nhiều lợi ích chung, bao gồm thách thức Triều Tiên, một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Và hai nước đã nhấn mạnh cam kết của chung cả hai đối với khu vực.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/3/2021: Department Press Briefing – March 9, 2021

Reuters ngày 10/3/2021: EXCLUSIVE-Quad nations meeting to announce financing to boost India vaccine output -U.S. official

The White House ngày 12/3/2021: Remarks by President Biden, Prime Minister Modi of India, Prime Minister Morrison of Australia, and Prime Minister Suga of Japan in the Virtual Quad Leaders Summit

The White House ngày 12/3/2021: Quad Leaders’ Joint Statement: “The Spirit of the Quad”

VOA News ngày 12/3/2021: The ‘Quad’ Aims to Increase Vaccine Production to 1 Billion Doses for Southeast Asia

Financial Times ngày 12/3/2021: US and Asia allies launch major vaccine drive to counter China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

The Washington Post ngày 14/3/2021: Opinion: Our four nations are committed to a free, open, secure and prosperous Indo-Pacific region. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Phân tích/Bình luận

Michael J. Green, người chứng kiến sự hình thành Bộ Tứ những ngày đầu tiên khi còn là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ bình luận thỏa thuận vaccine là một bước đi đầu tiên táo bạo và thông minh của Biden ở châu Á nhằm chống lại Trung Quốc. Dù vậy, Quad không phải là một liên minh. Không có cam kết an ninh tập thể nào – ví dụ, tuyên bố rằng một cuộc tấn công vào một thành viên cũng tức là tấn công vào cả bốn thành viên. Vẫn còn khoảng cách giữa Ấn Độ và ba quốc gia còn lại, đặc biệt là khi các câu hỏi đặt ra về sự tụt lùi của nền dân chủ dưới thời Modi. Về mặt quân sự, bộ ba Mỹ-Nhật-Úc có khả năng tương tác tốt hơn nhiều so với cả bốn bên cùng nhau, mặc dù việc nối lại các cuộc tập trận hải quân chung gần đây sẽ giúp ích. Bộ tứ sẽ là một phần của hình thái bất định của các liên minh và ngoại giao ở châu Á. Và Hội nghị thượng đỉnh này cho thấy đây sẽ là một trong những phần quan trọng nhất. 

Bước tiếp theo có thể không hoàn toàn dễ dàng đối với Biden. Các đồng minh của Hoa Kỳ vẫn muốn thấy Hoa Kỳ trở lại khu vực với quy chế kinh tế vì hiện đã có hai hiệp định thương mại lớn ở châu Á (CPTPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, hay RCEP) đã được ký kết mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã tham gia RCEP và Tập Cận Bình cho biết hiện ông cũng muốn tham gia CPTPP. Tokyo và Canberra sẽ làm chậm lại điều đó, nhưng nhóm Biden phải nói rõ rằng họ đã chuẩn bị gia nhập lại, nếu không khu vực này có thể chịu áp lực trực tiếp của Trung Quốc – hoặc bị thu hút bởi quy mô tuyệt đối của nền kinh tế Trung Quốc. Các thành viên của nhóm Quad cũng sẽ phải tìm ra cấu hình tốt nhất để mở rộng thành viên – rất có thể là sự tham gia vào các cuộc tập trận hải quân của các nước như Anh, Canada, Pháp và Hàn Quốc. 

James Curran trên tờ The Australian Financial Times đặt câu hỏi: Liệu nội dung thực tế có theo kịp “tinh thần” của Bộ Tứ? Diễn đàn Bộ Tứ đã tiến lên một tầm vóc mới với cuộc họp cấp lãnh đạo. Nhưng cụm từ “tinh thần” được sử dụng làm tựa đề tuyên bố chung Bộ Tứ có lẽ là thuật ngữ lỏng lẻo nhất mà Hoa Kỳ từng sử dụng về một hình thái kiến trúc ngoại giao trong lịch sử của mình. Thách thức thật sự là liệu những đối thoại Bộ Tứ có thiết lập được các cam kết có tính ràng buộc về việc khiến Trung Quốc phải trả giá. Bằng cách nào? Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng quân sự, Bộ Tứ sẽ vận hành về mặt quân sự như thế nào? Đó là những câu hỏi mà tác giả đặt ra và sẽ còn cần thời gian cho câu trả lời, mà sự leo thang cưỡng bức của Trung Quốc sẽ là yếu tố thúc đẩy có tính quyết định. 

Trong bối cảnh người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi quân đội Trung Quốc phải sẵn sàng cho chiến tranh, Greg Sheridan trên tờ The Weekend Australian cho rằng mục đích tồn tại của Bộ Tứ phải là chống lại Trung Quốc, và tránh chiến tranh.

Trung tá Không quân Hoa Kỳ Justin L. Diehl trên Journal of Indo-Pacific Affairs của Bộ Không quân Hoa Kỳ viết trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng chủ nghĩa bành chướng và mở rộng ảnh hưởng như một bá chủ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với các hoạt động làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong trật tự khu vực, không có quốc gia nào đứng một mình có thể có đủ năng lực răn đe đáng tin cậy để chống lại Trung Quốc. Bộ Tứ sẽ cần trở thành giải pháp răn đe tập thể, khả thi và đáng tin cậy. 

Trước đó, trên cùng tạp chí của Bộ Không quân Hoa Kỳ, Evan A. Laksmana cho rằng đối với người Đông Nam Á, ý tưởng về Bộ Tứ thúc đẩy các thể chế ASEAN có lẽ hấp dẫn hơn việc mở rộng Bộ Tứ thành “Bộ Tứ cộng” với việc mời các nước nước như Hàn Quốc, New Zealand, Brazil, Israel và Việt Nam. Chìa khóa cho mối quan hệ Bộ Tứ – ASEAN trong tương lai nằm ở việc tìm kiếm một mối quan hệ đối tác được điều chỉnh dựa trên các nguyên tắc và lợi ích chung cũng như các cam kết hợp tác thiết thực. 

Xem thêm:

Foreign Policy ngày 12/3/2021: Quad Summit’s Vaccine Deal Is Biden’s Bold First Move in Asia

The Weekend Australian ngày 12/3/2021: China arms for war, as Quad fights back. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Financial Review ngày 14/3/2021: Will the substance match the ‘spirit’ of the Quad?. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Justin L. Diehl (2021) Indo-Pacific Deterrence and the Quad in 2030

Evan A. Laksmana (2020) Whose Centrality? ASEAN and the Quad in the Indo-Pacific

Nhật Bản tài trợ 41 triệu USD cho việc phân phối vaccine ở 25 nước Châu Á – Châu Đại Dương

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ngày 9/3, chính phủ nước này quyết định tài trợ 41 triệu USD cho 25 nước châu Á, bao gồm 10 nước Đông Nam Á (trừ Singapore), 5 nước Nam Á và 10 quốc đảo ở Châu Đại Dương.

Khoản viện trợ này, được phân phối thông qua kênh UNICEF, sẽ được sử dụng để đảm bảo duy trì hoạt động ổn định cho các cơ sở bảo quản lạnh, phương tiện vận chuyển và các thiết bị khác cần thiết cho việc phân phối vaccine.

Trước đó, Nhật Bản cũng đã tuyên bố đóng góp 200 triệu USD cho chương trình phân phối vaccine COVAX của Liên hợp quốc.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 9/3/2021: Press Releases: Emergency Grant Aid in Improving Cold Chain in Southeast and Southwest Asian and Pacific Island countries that suffer from the impact of Novel Coronavirus Disease (COVID-19)

Đại sứ Nhật Bản: Australia “không đơn độc” trong cuộc chiến chống lại sự ép buộc của Trung Quốc

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản tại Australia cho biết Canberra “không đơn độc” trong việc đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng, báo hiệu Tokyo sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với chính phủ Australia để chống lại các hành vi ép buộc kinh tế và các mối đe dọa an ninh trong khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng trừng phạt kinh tế với Australia, ách lại các lô hàng Australia xuất khẩu sang Trung Quốc, gây khó khăn cho nền sản xuất của Úc.

“Tôi có thể đảm bảo với tất cả các bạn rằng Úc không đi một mình vì đây là điều mà Nhật Bản đã trải qua khoảng 10 năm trước,” đại sứ Nhật Bản tại Úc, Shingo Yamagami, nói với Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh do Australian Financial Review tổ chức hôm thứ Ba ngày 9/3/2021.

Ông nói: “Mỗi ngày Nhật Bản đang phải vật lộn vì … Trung Quốc, và sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự gia tăng mạnh mẽ chi tiêu quốc phòng và hành vi ngày càng quyết đoán, thậm chí gây hấn, cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. “[Đó là một] nguyên nhân khiến chúng tôi vô cùng quan tâm.”

Xem thêm:

The Australian Financial Review ngày 9/3/2021: Japan says Australia is ‘not alone’ in battling Chinese coercion. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Thủ tướng Nhật Bản đề cập vấn đề Hồng Kông, Biển Đông, Tân Cương trong điện đàm với Thủ tướng Modi của Ấn Độ

Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi cho biết trong một cuộc điện đàm kéo dài 40 phút vào thứ Ba ngày 9/3 rằng họ sẽ hợp tác cùng nhau để hiện thực hóa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong cuộc trò chuyện, Suga bày tỏ lo ngại về “những nỗ lực đơn phương” của Trung Quốc  “nhằm thay đổi hiện trạng” Biển Đông và Biển Hoa Đông, cũng như tình hình ở Hồng Kông và khu vực xa xôi phía tây Tân Cương, nơi Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với thiểu số người Uygur theo đạo Hồi.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương cũng như với Hoa Kỳ và Úc, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết. 

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 10/3/2021:  ‘Uncomfortable signal to China’: Japan raises Hong Kong in call to India

Joseph Borrell: Liên minh châu Âu cần một cách tiếp cận chiến lược cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Trang web chính thức của Cơ quan đối ngoại Liên minh châu Âu đã đăng tải bài viết của Đại diện Cấp cao/ Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cho rằng sự dịch chuyển trọng tâm của thế giới sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nhưng đại dịch đang đẩy nhanh tiến độ đó. Liên minh châu Âu cần xem xét các hậu quả về địa chính trị và địa kinh tế, xác định cách tiếp cận đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và làm phần việc của mình để giữ trật tự khu vực rộng mở và dựa trên luật lệ.

Xem thêm:

EEAS ngày 12/3/2021: The EU needs a strategic approach for the Indo-Pacific

Antony J. Blinken và Lloyd J. Austin III: Các mối quan hệ đối tác của Mỹ là hệ số nhân sức mạnh

Trong khoa học quân sự, force multiplier được định nghĩa là một hoặc kết hợp nhiều yếu tố mang lại cho các quân nhân hoặc vũ khí (hoặc các phần cứng khác) khả năng đạt được những chiến công lớn hơn khi không có những yếu tố đó. Trong bài xã luận đăng trên The Washington Post, hai Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ cho rằng các quan hệ đối tác của Mỹ chính là hệ số nhân sức mạnh của Mỹ trên trường quốc tế. Bài viết được đăng tải trước thềm chuyến công du Nhật Bản và Hàn Quốc của hai vị Bộ trưởng vào tuần này.

Khác với Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ cũng như bài xã luận của bốn nhà lãnh đạo, hai Bộ trưởng Mỹ đã nhắc trực tiếp đến sự xâm lược và mối đe doạ từ Trung Quốc. hợp tác với các đồng minh then chốt rất quan trọng để có thể đẩy lùi mối đe doạ Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, làm xói mòn quyền tự chủ ở Hồng Kông một cách có hệ thống, tấn công vào nền dân chủ Đài Loan, củng cố các yêu sách biển ở Biển Đông vi phạm luật quốc tế. “Nếu chúng ta không hành động dứt khoát và giành vai trò dẫn đầu, Bắc Kinh sẽ làm,” bài xã luận viết.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13/3/2021: Austin, Blinken Trip All About Partnerships With Asian Allies

The Washington Post ngày 15/3/2021: Opinion | America’s partnerships are ‘force multipliers’ in the world. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Fact Sheet: Reaffirming the Unbreakable U.S.-Japan Alliance

Bộ Tứ tham gia cuộc tập trận chung do Pháp dẫn đầu

Ấn Độ sẽ tham gia cuộc tập trận “La Pérouse” do Pháp dẫn đầu sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 năm nay tại Vịnh Bengal. Như vậy với sự hiện diện của Hải quân Ấn Độ, tất cả các nước thành viên Bộ Tứ sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân chung do Pháp khởi xướng.

Pháp đã khởi xướng cuộc tập trận hải quân chung “La Pérouse” vào năm 2019, và lần đó mới có sự tham gia của các lực lượng Mỹ, Nhật Bản và Australia. Các cuộc tập trận được đặt theo tên của La Pérouse, một sĩ quan hải quân và nhà thám hiểm người Pháp từ thế kỷ 18.

Xem thêm:

DNA ngày 14/3/2021: Quad member countries to be part of France-led joint exercises

II- QUAN HỆ MỸ – TRUNG QUỐC

Cuộc gặp song phương Mỹ – Trung tại Alaska tuần này

Trước cuộc gặp Mỹ-Trung ở Alaska vào ngày 18/3/2021, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng “bất đồng là khó tránh khỏi,” và ông hy vọng hai nước có thể tìm thấy nhiều điểm chung hơn. Trung Quốc kêu gọi phía Hoa Kỳ nhìn nhận Trung Quốc và mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ một cách khách quan và hợp lý, từ bỏ Chiến tranh Lạnh và tâm lý tổng bằng không, tôn trọng chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, tập trung vào hợp tác và quản lý những khác biệt theo tinh thần của cuộc đối thoại giữa các hai nguyên thủ quốc gia và đưa mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ trở lại đúng hướng và phát triển ổn định.

Trước đó một ngày, các Thượng nghị sĩ Mỹ đã trình một nghị quyết lên án Luật Hải cảnh Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jim Risch dẫn đầu nhóm 8 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hoà trình lần hai Đạo luật Chiến lược nhằm thúc đẩy một chiến lược toàn diện cho Mỹ bao gồm tăng cường thương mại, củng cố liên minh khu vực, công nghệ, kinh tế và địa chính trị để cạnh tranh với Trung Quốc. 

Đây được coi là thông điệp từ các đại biểu đại diện cho các cử tri Mỹ gửi tới Đảng Cộng sản Trung Quốc trước thềm cuộc họp song phương Mỹ – Trung. 

Jen Psaki, thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là cuộc họp đầu tiên của chính quyền với các quan chức Trung Quốc được tổ chức trên đất Mỹ và diễn ra sau khi chúng tôi đã gặp và tham khảo ý kiến chặt chẽ với các đối tác và đồng minh ở cả châu Á và châu Âu.”

“Chúng tôi sẽ thẳng thắn và giải thích cách hành động và hành vi của Bắc Kinh thách thức an ninh, sự thịnh vượng, các giá trị của không chỉ Hoa Kỳ, mà còn của các đối tác và đồng minh của chúng tôi,” Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói.

Theo một quan chức cấp cao chính phủ Hoa Kỳ, các chủ đề được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp song phương sẽ bao gồm đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và các vấn đề bất đồng bao gồm lập trường của Trung Quốc đối với Hồng Kông và áp lực đối với Đài Loan, và “các lệnh cấm vận kinh tế ngầm” mà Trung Quốc đã áp dụng đối với Australia. Mỹ cũng sẽ thảo luận về các hoạt động của Trung Quốc được coi là gây tổn hại cho công nhân và nông dân Mỹ, cũng như hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ và nhân quyền, quan chức này cho biết.

Xem thêm:

Resolution condemning military aggression and use of force by the Chinese Coast Guard against peaceful foreign vessels that purportedly violate the unlawful maritime sovereignty of China

United States Senate Committee on Foreign Relations ngày 10/3/2021: Risch leads colleagues in re-introducing comprehensive legislation to compete with China

Toàn văn Đạo luật Chiến lược

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11/3/2021: Department Press Briefing – March 11, 2021

Tân Hoa Xã ngày 11/3/2021: China, U.S. top diplomats to meet in Alaska next week

Gov.cn ngày 12/3/2021: Premier Li Keqiang Meets the Press: Full Transcript of Questions and Answers

The Wall Street Journal ngày 10/3/2021: Top U.S., China Officials to Meet Next Week in Alaska on Range of Issues. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Các công ty Hoa Kỳ ở Trung Quốc nói rằng căng thẳng chính trị vẫn là mối quan ngại hàng đầu

Một nửa số công ty Hoa Kỳ tỏ ra bi quan về ảnh hưởng mà quan hệ song phương có thể có đối với hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc trong hai năm tới, với chỉ 16% số người được hỏi bày tỏ sự lạc quan, theo Khảo sát Khí hậu Kinh doanh hàng năm của Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, được công bố tuần trước tại Bắc Kinh. Phòng đã khảo sát 345 công ty vào tháng 10 và tháng 11 năm 2020.

Xem thêm:

The Wall Street Journal ngày 8/3/2021: U.S. Companies in China Say Political Tensions Remain Top Concern. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Mỹ chỉ danh 5 công ty Trung Quốc đe doạ an ninh quốc gia

Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) hôm thứ Sáu đã chỉ danh 5 công ty Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia theo luật năm 2019 nhằm bảo vệ các mạng truyền thông của Hoa Kỳ. Đó là Huawei Technologies Co, ZTE Corp, Hytera Communications Corp, Hangzhou Hikvision Digital Technology Co và Zhejiang Dahua Technology Co.

Quyền Chủ tịch FCC Jessica Rosenworcel cho biết trong một tuyên bố: “Danh sách này cung cấp hướng dẫn có ý nghĩa sẽ đảm bảo rằng khi các mạng thế hệ tiếp theo được xây dựng trên toàn quốc, chúng sẽ không lặp lại những sai lầm trong quá khứ hoặc sử dụng thiết bị hoặc dịch vụ sẽ gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ. ”

Xem thêm:

Reuters ngày 13/3/2021: Five Chinese companies pose threat to U.S. national security: FCC

Jude Blanchette: Tầm nhìn của Bắc Kinh về sự suy yếu của Mỹ

Trong hơn một thập kỷ, giới tinh hoa trí thức ở Trung Quốc đã chuẩn đoán về sự suy yếu kinh tế và chính trị Mỹ với sự tự tin ngày càng tăng. Nhưng ngày càng có nhiều ý kiến ​​cho rằng họ có thể hiểu sai về tác động của hỗn loạn chính trị, biến động văn hóa và những thời kỳ suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ. Các sự kiện ở Mỹ trong 12 tháng qua càng khiến những người theo thuyết nước Mỹ suy yếu thêm phấn khích tột độ: Mỹ sai lầm trong xử lý đại dịch COVID-19 dẫn tới suy thoái kinh tế, các cuộc biểu tình châm ngòi sau cái chết của George Floyd và hỗn loạn sau khi Trump phản đối kết quả bầu cử tổng thống.

Hai ngày sau khi những kẻ bạo loạn xông vào Tòa nhà Capitol, một bài báo trên Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân đã tuyên bố: “Những sự kiện gây sốc tại [Tòa nhà Capitol] nêu bật một thực tế nghiệt ngã: Không chỉ nước Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và suy thoái kinh tế, nhưng hệ thống chính trị và xã hội cũng đang trải qua một cuộc khủng hoảng sâu sắc.”

Kế đó là cuộc khủng hoảng quyền lực ở Texas vào tháng trước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã dành thời gian trong một cuộc họp thường kỳ để nói rằng sự hỗn loạn ở Houston “khiến chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ hơn rằng Trung Quốc đang đi đúng hướng.”

Viết trên tờ Nhật báo Bắc Kinh gần đây, giáo sư Luật Khoa học Chính trị và Chính trị Trung Quốc Qi Kai tuyên bố, “Texas là bang kinh tế mạnh thứ hai ở Mỹ, và là bang sản xuất năng lượng lớn, [và vì vậy] thật đáng kinh ngạc khi xảy ra tai nạn mất điện nghiêm trọng. Theo tôi, điều này phản ánh hệ sinh thái hỗn loạn của xã hội Mỹ. “

Thông điệp từ Bắc Kinh rất đơn giản: Nước Mỹ đang tan vỡ.

“Đối thủ chính của nước Mỹ là chính nước Mỹ,” đó là một tiêu đề trong một ấn bản gần đây của tờ Nhân dân Nhật báo. Tác giả bài báo, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, lập luận, “Hoa Kỳ đạt đến tình trạng hiện tại là do việc thiết kế và vận hành hệ thống chính trị và kinh tế của họ đã trở nên tồi tệ, kết quả tất yếu của việc theo đuổi lợi nhuận thiển cận.”

Mặc dù không thể biết được mức độ đồng thuận về kịch bản nước Mỹ suy thoái ở Trung Quốc vì những ràng buộc chặt chẽ về diễn ngôn ở nước này cũng như không có dữ liệu thăm dò ý kiến, tác giả tin rằng sự tự tin về kịch bản này đã đạt đến điểm tới hạn được thúc đẩy bởi những sự kiện xảy ra ở Mỹ, biểu hiện qua thái độ “chiến lang” đã thể hiện trong năm qua. Một câu hỏi bỏ ngỏ là liệu Bắc Kinh có đang tự nhốt mình trong thói kiêu ngạo kinh niên khiến Bắc Kinh đánh giá thấp các nguồn khả năng phục hồi và cải cách trong hệ thống chính trị Mỹ.

Như Sun Zhe, một học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, gần đây đã cảnh báo: “Các cuộc thảo luận đánh giá thấp Hoa Kỳ và tin rằng tầm quan trọng của Hoa Kỳ đã giảm, ở một mức độ nào đó, đã hạn chế sự đánh giá khách quan của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và đã cản trở sự phát triển lành mạnh của quan hệ Trung-Mỹ.”

III- LUẬT HẢI CẢNH TRUNG QUỐC

Tàu Hải cảnh Trung Quốc hiện diện trên vùng biển gần quần đảo Senkaku tổng cộng 26 ngày trong tháng 2

Trong cuộc họp báo đầu tháng 3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Katsunobu Kato cho biết, tàu Hải cảnh Trung Quốc đã được phát hiện bên trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku 26 ngày trong tháng 2/2021. Các tàu này đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản 6 lần trong đó có 5 lần tiếp cận các tàu cá Nhật Bản.

Ông Kato cũng cho biết thêm, vào lúc 8 giờ sáng thứ Hai (1/3), hai tàu Cảnh sát biển của Trung Quốc đã di chuyển vào khu vực tiếp giáp xung quanh các đảo do Nhật Bản quản lý tại biển Hoa Đông.

Liên quan đến các diễn biến gần đây tại khu vực gần quần đảo Senkaku, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã biện minh cho các hoạt động của nước này là hợp pháp. Theo thông báo được đăng trên website của mình, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, quần đảo Điếu Ngư (theo cách gọi của Trung Quốc) là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc và các tàu công vụ Trung Quốc trong lãnh hải của nước này là “hợp pháp và không thể tranh cãi, và sẽ tiếp tục được tiến hành bình thường.”

Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo khẳng định, quần đảo Senkaku là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản, về mặt lịch sử, luật pháp quốc tế và hiện cũng nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản. Kishi cho biết các hoạt động tuần duyên của Trung Quốc dựa trên các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế và là không thể chấp nhận được. Ông cho biết Bộ của ông sẽ hợp tác với các cơ quan chính phủ khác để thu thập thông tin và nỗ lực hết sức để tuần tra và giám sát.

Xem thêm:

Nippon ngày 1/3/2021: Chinese Ships Spotted off Senkakus on 26 Days in Feb

NHK ngày 2/3/2021: China justifies activities off Senkaku Islands

Hải cảnh Trung Quốc tiếp tục tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí Việt Nam

Sau lần tiếp cận ngày 6/3/2021, Hải cảnh 5304 tiếp tục thực hiện thêm 2 lần tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại mỏ Hải Thạch và mỏ Lan Tây vào ngày 8 và 10/3/2021 tương ứng là lần thứ 6 và thứ 7. Khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác tại mỏ Lan Tây lần lượt là 1,6 hải lý (ngày 8/3) và 1,1 hải lý (ngày 10/3); đến giàn khai thác tại mỏ Hải Thạch lần lượt là 0,9 hải lý (ngày 8/3) và 1,2 hải lý (ngày 10/3). 

Khác với những lần trước đó của Hải cảnh 5204, 5402 và của bản thân 5304 (từ lần 1 đến lần 5), sau hai lần áp sát gần nhất, Hải cảnh 5304 đã không di chuyển về neo tại khu vực phía tây nam bãi Tư Chính mà neo tại vị trí các giàn khai thác mỏ Hải Thạch khoảng 15 hải lý về phía nam (từ 6-8/3) và cách giàn khai thác mỏ Lan Tây từ 8 đến 12 hải lý về phía tây nam (từ 8-13/3), hai vị trí này cách Côn Đảo khoảng 140 hải lý, tức là đã nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sơ đồ hoạt động của Hải cảnh 5304 trong tuần từ ngày 6 – 13/3/2021. Ảnh: Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Marine Traffic

Quan chức ngoại giao Mỹ và Nhật Bản hội đàm, chia sẻ lo ngại luật Hải cảnh mới của Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ngày 4/3/2021, các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng nước này đã có cuộc hội đàm trực tuyến với những người đồng cấp Nhật Bản. Hai bên đều thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác nhằm tăng cường quan hệ đồng minh song phương. Hai bên cũng chia sẻ những lo ngại về luật bảo vệ bờ biển mới của Trung Quốc đồng thời nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ của họ đối với những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bức ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ngoài ra, Mỹ và Nhật Bản cũng cam kết, tiếp tục hợp tác chặt chẽ để duy trì một Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tăng cường khả năng răn đe và củng cố liên minh Nhật – Mỹ.

Các Bộ trưởng Nhật Bản và Mỹ sẽ bày tỏ quan ngại về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc

Hôm thứ Năm ngày 11/3/2021, các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết trong cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước gặp nhau vào tuần tới, Nhật Bản và Hoa Kỳ có kế hoạch bày tỏ quan ngại về luật mới của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực trong các vùng biển tranh chấp. Rất hiếm khi các đồng minh nêu đích danh và chỉ trích nước thứ ba trong một tuyên bố chung. 

Theo các nguồn tin chính phủ Nhật Bản nói với Kyodo News hôm thứ Bảy ngày 13/3/2021, Trung Quốc nói rằng họ đang “thực thi tự kiềm chế” trong việc sử dụng vũ khí và xua đuổi các tàu Nhật Bản đi vào vùng biển xung quanh các đảo. Tuy nhiên Trung Quốc sẽ không ngừng các hành động ngăn cản tàu thuyền Nhật Bản đi vào vùng biển xung quanh các đảo nhỏ, bao gồm cả vùng tiếp giáp lãnh hải. 

Nhật Bản trả lời rằng yêu sách của Trung Quốc là không thể chấp nhận được và khẳng định rằng không tồn tại tranh chấp chủ quyền với quần đảo này.

Trước đó, trong một bài bình luận trên Inquirer, cựu thẩm phán Philippines Antonio T. Carpio nói rằng việc chấp nhận lời hứa của Trung Quốc rằng họ sẽ “kiềm chế” khi thực hiện luật mới là một sự ngu ngốc, vì luật mới của Trung Quốc không chỉ vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc mà còn có thể bị Trung Quốc sử dụng bất cứ lúc nào để chống lại bất kỳ quốc gia ven biển nào.

Xem thêm:

The Mainichi ngày 12/3/2021: Japan, US to express concern over China’s coast guard law

Kyodo News ngày 13/3/2021: China “exercising self-restraint” against Japan ships near Senkakus

The Straits Times ngày 11/3/2021: China’s three warfares strategy for the South China Sea: Inquirer columnist

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hoà Mỹ đồng đề nghị Nghị quyết Lên án hành động xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngày 10/3/2021, các Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Cộng Hoà gồm Dan Sullivan, Rick Scott, Josh Hawley, Thom Tillis và Roger Wicker giới thiệu một nghị quyết lên án các hành động quân sự hóa trên Biển Đông của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoan nghênh các thành viên của Hải quân và Cảnh sát biển Hoa Kỳ đã nỗ lực đảm bảo hoạt động tự do hàng hải, đồng thời gửi một thông điệp rõ ràng rằng Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho việc Trung Quốc mở rộng quyền lực vào các vùng biển ngoài ranh giới lãnh hải hợp pháp mà quốc gia này được hưởng. 

Một số điểm đáng chú ý trong nghị quyết mà các Thượng nghị sĩ công bố bao gồm:

1. Lên án việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ủy quyền bất hợp pháp cho phép hải cảnh Trung Quốc tấn công quân sự đối với các tàu nước ngoài;

2. Lên án các yêu sách trái pháp luật của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với Biển Đông;

3. Hoan nghênh Hải quân và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải nhằm khẳng định các quyền quốc tế về tự do hàng hải và duy trì một trật tự quốc tế tự do và cởi mở, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng;

4. Kêu gọi tất cả các quốc gia lên án hành vi sử dụng quyền lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang đe dọa  trật tự dựa trên các quy định và luật pháp quốc tế;

5. Kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia và lên án các tuyên bố trái pháp luật của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi;

6. Khuyến khích tất cả các quốc gia lên án và cùng nhau chống lại những nỗ lực của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác.

Xem thêm:

Thông cáo báo chí của Thượng nghị Sĩ Sullivan: Sullivan cosponsors resolution condemning China’s aggression in the South China Sea

Xem toàn văn Nghị quyết tại đây

Các nhà phân tích châu Á tiếp tục lên tiếng về Luật Hải cảnh Trung Quốc

Học giả Trung Quốc

GS Nông Hồng, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Mỹ – Trung, khẳng định Luật Hải cảnh Trung Quốc lần đầu tiên quy định rõ ràng các trường hợp lực lượng hải cảnh được phép sử dụng vũ khí trên tàu thuyền nước ngoài. Các quy định chặt chẽ trong luật quy định những loại vũ khí có thể được sử dụng. Trong khi lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai bên duy nhất sở hữu tàu đủ lớn để mang tên lửa chống hạm, thì hiện tại chỉ có tàu tuần duyên Trung Quốc được trang bị vòi rồng và một số vũ khí tự vệ. Mục đích của việc sử dụng vũ lực của lực lượng bảo vệ bờ biển là thực hiện các biện pháp chống lại các tàu bị nghi ngờ vi phạm pháp luật nghiêm trọng và không tuân theo mệnh lệnh. Cách hiểu này tuân theo nguyên tắc sử dụng vũ lực tối thiểu và không được hình thành để khuyến khích việc sử dụng vũ lực trong chiến đấu. 

Các quốc gia ven biển cho phép nhân viên thực thi pháp luật trên biển sử dụng vũ lực đối với tàu thuyền nước ngoài là một thông lệ. Tuy nhiên các hoạt động tương tự của Trung Quốc gây ra sự hoài nghi xuất phát từ sự chênh lệch ngày càng tăng về năng lực trên biển  giữa Trung Quốc và các quốc gia ven biển đang có tranh chấp với Trung Quốc. Để giảm bớt lo lắng này, Trung Quốc nên thể hiện ý chí chính trị lớn hơn trong việc tham gia với các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong khu vực để giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố trên biển. Trung Quốc cũng nên chủ động thể chế hóa các cuộc tập trận và huấn luyện chung với các lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác. Cuối cùng, Trung Quốc nên nỗ lực để đưa các hoạt động thực thi pháp luật trên biển của mình phù hợp với thông lệ quốc tế – ví dụ, bằng cách thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế các hành vi trái phép, bốc đồng và lạm dụng vũ lực của hải cảnh địa phương.

Học giả Đài Loan

Phó Tổng thư ký Hội Luật quốc tế Đài Loan Lâm Đình Huy cho biết Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan phản đối việc luật cho phép hải cảnh ngăn chặn tàu nước ngoài đi vào các khu vực biển tranh chấp thuộc quyền tài phán của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS. Mặc dù Điều 73 (1) của UNCLOS quy định rằng một quốc gia ven biển có thể thực hiện các biện pháp như vậy, bao gồm lên tàu, kiểm tra, bắt giữ và tố tụng tư pháp, tuy nhiên luật Hải cảnh mới của Trung Quốc cho phép tàu và máy bay công vụ sử dụng vũ khí trong tình huống mà họ nhận thấy là nguy hiểm mà không cần thông báo trước và không theo các quy định cụ thể tại Điều 73. Điều đó cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ có hai lực lượng hoạt động như hải quân để thực hiện tham vọng trên biển của mình một cách hiệu quả.

Trong những năm gần đây, các đảo xa xôi của Đài Loan – Kim Môn như quần đảo Matsu (Mã Tổ), đảo Pratas (Đông Sa) và đảo Taiping (Ba Bình) – thường bị bao vây bởi tàu hút cát hoặc tàu đánh cá của Trung Quốc, và Cảnh sát biển Đài Loan đã tiến hành tuần tra để đẩy lùi các tàu này. Nếu Quân ủy Trung ương ra lệnh cho hải cảnh Trung Quốc giúp các tàu Trung Quốc phản ứng trái phép bằng cách sử dụng vũ khí trên tàu, thì một vấn đề thuộc vùng xám có thể dễ dàng leo thang thành xung đột vũ trang giữa Đài Loan và Trung Quốc. Tương tự, các hoạt động quân sự của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông có thể khiến Nhật Bản và các bên tranh chấp khác thực hiện các biện pháp đối phó. Do đó, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định và an ninh  biển của  khu vực Đông Á.

Học giả Malaysia

Giám đốc Trung tâm Eo biển Malacca thuộc Viện Hàng hải Malaysia Sumathy Permal cho rằng Luật Hải cảnh cũng như quy định cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc phá hủy các công trình do các bên tranh chấp khác xây dựng, ngụ ý rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và các quyền trên biển của mình ở các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Luật Hải cảnh được coi là hành vi thô bạo và báo hiệu mối đe dọa đối với việc thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia khác, bao gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Đài Loan.

Trong bối cảnh phát triển mới này, các bên ở Biển Đông nên sử dụng tất cả các công cụ quản lý khủng hoảng có liên quan như Bộ Quy tắc ứng xử về các vụ chạm trán bất ngờ trên biển và Cơ chế Quản lý Khủng hoảng ASEAN để ngăn chặn các sự cố phát sinh từ việc Hải cảnh Trung Quốc  thực thi các quyền lực mới của mình ở Biển Đông. Điều quan trọng nữa là Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp và chuẩn mực quốc tế và đảm bảo rằng luật mới không đe dọa hoặc xâm phạm quyền của các quốc gia khác. Các sáng kiến hiện có nhằm tăng cường và thúc đẩy hợp tác hàng hải bao gồm các diễn đàn khu vực và đa phương khác nhau, chẳng hạn như Hội nghị Người đứng đầu Cảnh sát biển Châu Á, Diễn đàn lãnh đạo các cơ quan Hàng hải Châu Á – Thái Bình Dương, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Diễn đàn biển ASEAN mở rộng và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng. Các diễn đàn này cung cấp các con đường đủ rộng để giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Do đó, Trung Quốc và các bên liên quan khác ở Biển Đông nên sử dụng các nền tảng này để thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển của họ và thực hiện các thực tiễn tốt nhất để áp dụng trong các khu vực biển chồng lấn.

Học giả Việt Nam

PGS Nguyễn Hồng Thao của Học viện Ngoại giao Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định Luật Hải cảnh Trung Quốc tạo tiền lệ cho việc Trung Quốc sử dụng luật quốc gia để giải quyết các tranh chấp quốc tế tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông như được định nghĩa theo UNCLOS.  Điều này đã vi phạm Điều 27 của Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969, quy định rằng “Một bên không thể viện dẫn những quy định của pháp luật trong nước của mình làm lý do cho việc không thi hành một điều ước”. 

Thứ nhất, luật pháp Trung Quốc  hợp pháp hóa các hành động bất hợp pháp của Hải cảnh, cho phép bắn, đâm và đánh chìm tàu đánh cá của các nước khác tiến hành các hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế của mình theo UNCLOS. Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm do Trung Quốc áp đặt kể từ năm 1998, phần lớn được thực thi bởi lực Hải cảnh sẽ thách thức cộng đồng ngư dân trong khu vực. Thứ hai, bằng cách cho phép hải cảnh Trung Quốc phá dỡ các công trình của các nước khác “trên các đảo thuộc quyền tài phán của Trung Quốc”, luật này đã phá vỡ nguyên tắc tự kiềm chế đã được thống nhất trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và thay đổi hiện trạng ở quần đảo Trường Sa.  Thứ ba, luật hợp pháp hóa các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên do các công ty Trung Quốc thực hiện trên thềm lục địa của các nước khác. Thứ tư, luật cho phép hải cảnh Trung Quốc ngăn chặn mọi hoạt động tự do hàng hải và hàng không hợp pháp, bao gồm cả hoạt động của Hoa Kỳ và các đồng minh, ở Biển Đông và Hoa Đông. Nổ súng trong vùng biển tranh chấp sẽ vi phạm nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ giữa các quốc gia, được quy định tại Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc. Luật cũng nhằm biện minh cho việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết của trọng tài năm 2016 trong tranh chấp của Trung Quốc với Philippines.

Về cơ bản, luật mới có thể làm lung lay trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Theo luật, hải cảnh Trung Quốc không phải là một cơ quan chấp pháp trên biển mà là một lực lượng quân sự dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương. Bất kỳ hành vi sử dụng vũ lực nào của các cơ quan nhà nước trên vùng biển của các quốc gia khác mà Trung Quốc tuyên bố là của mình đều có thể được coi là hành động chiến tranh. Các quốc gia khác sau đó sẽ đáp trả dựa trên quyền tự vệ, dẫn đến bất ổn trong khu vực. Cuối cùng, điều này sẽ làm giảm lòng tin giữa các bên và gây ra thất bại trong các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. 

TS Nguyễn Hồng Thao cũng là thành viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Học giả  Singapore

PGS Ja Ian Chong, Khoa Khoa học Chính trị của Đại học Quốc gia Singapore đánh giá Luật Hải cảnh Trung Quốc sẽ làm thay đổi điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận đang diễn ra về quy tắc ứng xử giữa Bắc Kinh và ASEAN. Vì quy tắc ứng xử được cho là nhằm thiết lập các hành vi được chấp nhận chung cho các bên trong các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, các bên khác chỉ còn lựa chọn là phải chấp nhận chủ nghĩa ngoại lệ Trung Quốc, yêu cầu đối xử tương tự hoặc yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ luật. Nếu không có phương án nào trong số này được cả hai bên chấp nhận, thì Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về sự bế tắc hoặc thậm chí thất bại của các cuộc đàm phán. Ngay cả khi các bên khác, bao gồm cả Singapore, không công khai bày tỏ sự nghi ngờ của họ, thì sự phẫn uất thầm lặng này có thể làm căng thẳng mối quan hệ trong tương lai của Trung Quốc với ASEAN và các bên khác.

Học giả Nhật Bản

Đô đốc Takashi Saito, Chủ tịch Nhóm Nghiên cứu An ninh Hàng hải tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Nakasone, đưa ra quan điểm cho rằng một số phần của luật Hải cảnh không phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Việc ban hành Luật hải cảnh đã chà đạp lên luật pháp và trật tự hàng hải quốc tế cũng như nguyên tắc tự do biển cả đã được hình thành từ những nỗ lực lịch sử. Trung Quốc không được phép hợp pháp hóa các hành động của hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông. Càng không nên cho phép sự thống trị của Trung Quốc trên các vùng biển trở thành một kết luận đã được dự báo trước.

Học giả Hàn Quốc

GS Seokwoo Lee,  Đại học Luật Inha, Incheon, Hàn Quốc, nhận định với việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh mới, xung đột về quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển liên quan có thể sẽ leo thang. 

Trong khi luật dường như chủ yếu nhắm vào Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia ven biển của Biển Đông, thì Hoàng Hải tiếp giáp với Bán đảo Triều Tiên và vùng biển xung quanh Ieodo (còn gọi là Đá Socotra) ở phía bắc Biển Hoa Đông cũng sẽ không thoát khỏi việc Trung Quốc thực thi pháp luật. 

Trong trường hợp việc ban hành luật mới này làm gia tăng căng thẳng trong vùng biển khu vực, các hoạt động hàng hải xung quanh khu vực áp dụng biện pháp tạm thời ở Hoàng Hải có thể sẽ trở thành một vấn đề nhạy cảm liên quan đến mức độ thực thi pháp luật của các quốc gia có liên quan. Nếu biểu hiện của việc thực thi pháp luật của Trung Quốc trở nên dễ nhận biết, phương thức phản ứng chính từ Hàn Quốc có thể là phi quân sự; tuy nhiên, hành động bán quân sự cũng có thể xảy ra. 

Đặc biệt, nếu nhu cầu thực thi pháp luật liên quan đến gia tăng sức mạnh trên biển của Trung Quốc xuất hiện, các vùng biển lân cận của Hàn Quốc có thể đột nhiên biến thành vùng biển xung đột. Các xung đột có thể liên quan đến nghiên cứu khoa học biển, khảo sát quân sự, thăm dò tài nguyên, thực thi pháp luật hoặc lắp đặt cơ sở vật chất. Việc đánh giá từng loại xung đột theo luật quốc tế có thể được chia thành các hoạt động được phép trong phạm vi quyền tài phán chồng chéo (tức là các khu vực biện pháp tạm thời) và các phản ứng bắt buộc như một phần của việc thực hiện các quyền chủ quyền đơn phương. 

Luật hải cảnh của Trung Quốc rõ ràng sẽ mở rộng các xung đột liên quan đến những vấn đề nhạy cảm về các hoạt động và thực thi pháp luật trên biển ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, bản thân việc ban hành luật không phải là vi phạm luật quốc tế. Thay vào đó, nó nên được coi là việc áp dụng một quyền chủ quyền yêu cầu các quốc gia khác thực hiện các biện pháp kiềm chế trong trường hợp các khu vực biện pháp tạm thời.

Điều này có nghĩa là lực lượng thực thi pháp luật của hải cảnh Trung Quốc nên xem xét cẩn thận các quyết định tư pháp quốc tế, thực tiễn nhà nước và môi trường địa chính trị của cộng đồng quốc tế. Trong thời gian chờ đợi, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hàn Quốc phải tiếp tục theo dõi việc nhà nước Trung Quốc thực hành liên quan đến việc thực thi pháp luật trên biển. Trong khi đó, việc vi phạm Điều 74 (3) và 83 (3) UNCLOS, cũng như các chuẩn mực quốc tế liên quan khác, cần được nêu ra khi thực thi pháp luật ở các vùng biển chưa phân định. Do đó, điều quan trọng là dựa các quy chuẩn về thực thi pháp luật trên biển trong cộng đồng quốc tế khi diễn giải các luật trong tương lai của Trung Quốc. 

Trong khi Đạo luật Bảo vệ Bờ biển của Hàn Quốc đang có hiệu lực, cần phải tăng cường hơn nữa các hoạt động để thiết lập các tiêu chuẩn cho việc sử dụng vũ khí của lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc. Điều này sẽ được sử dụng làm cơ sở cho việc thực thi pháp luật cụ thể của các cơ quan cũng như là điều kiện tiên quyết để cung cấp nền tảng giáo dục về các phản ứng thích hợp. Trong một môi trường mà các quốc gia đấu tranh giành quyền bá chủ và xung đột về các hoạt động trên biển trên các vùng biển của khu vực ngày càng gia tăng, rõ ràng là việc Trung Quốc ban hành Luật hải cảnh sẽ làm tăng thêm sự quan sát giám sát kỹ lưỡng của quốc tế.

Xem thêm:

Maritime Awareness Project ngày 11/2/2021: Voices: The Chinese Maritime Police Law

Asia Maritime Transparency Initiative ngày 1/3/2021: Beijing bolsters the role of the China coast guard

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Tập Cận Bình nói với quân đội Trung Quốc ‘hãy sẵn sàng ứng phó’ trong thời điểm bất ổn

Ông Tập phát biểu khi tham dự một phiên họp toàn thể Đoàn đại biểu Quân giải phóng nhân dân và Lực lượng Công an vũ trang nhân dân, tại kỳ họp thứ tư của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ 13.

Đề cao sự phát triển quân sự theo định hướng đổi mới, Tập kêu gọi các nỗ lực tăng cường và các biện pháp cụ thể hơn trong việc theo đuổi sự đổi mới độc lập trong khoa học và công nghệ, tận dụng đầy đủ vai trò của khoa học và công nghệ như là phương tiện hỗ trợ chiến lược cho sự phát triển quân sự.

Ông nói, đổi mới trong khoa học và công nghệ liên quan đến quốc phòng phải được thúc đẩy mạnh.

Nêu bật những “bất ổn” trong hoàn cảnh an ninh của Trung Quốc hiện nay, ông Tập nói: Tình hình an ninh hiện tại của đất nước chúng ta phần lớn là không ổn định và không chắc chắn. Toàn quân phải phối hợp chặt chẽ giữa nâng cao năng lực và sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng ứng phó với nhiều tình huống phức tạp, khó khăn bất cứ lúc nào, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng toàn diện. một nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại.

Phá vỡ “thế kìm kẹp” của Hoa Kỳ về công nghệ là một chủ đề thảo luận quan trọng khác tại cuộc họp. Phó Đô đốc Hải quân Shen Jinlong nói rằng để giành chiến thắng trong một cuộc chiến trong tương lai, quân đội Trung Quốc phải tăng cường khả năng sử dụng các công nghệ tiên tiến và cần có thêm sự hỗ trợ của nhà nước cho các ngành và dự án quan trọng.

Xem thêm

Tân Hoa Xã ngày 9/3/2021: Xi calls for good start in strengthening military, national defense in 2021-2025

Tân Hoa Xã ngày 9/3/2021: Key development blueprint offers glimpse into China’s sci-tech future

South China Morning Post ngày 9/3/2021: Xi tells China’s military ‘be prepared to respond’ in unstable times

Trung Quốc thúc đẩy chính sách mới để thu hút nhân tài cao cấp ở nước ngoài: “Kế hoạch ngàn nhân tài” 2.0?

Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC) lần thứ 13, kết thúc vào thứ Năm ngày 11/3/2021, đã thông qua nghị quyết về Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và các mục tiêu dài hạn đến năm 2035. Phần thứ hai của nghị quyết chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho tài năng cao cấp từ nước ngoài để họ giúp phát triển các lĩnh vực tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, khoa học đời sống, hàng không và vũ trụ. Mục đích là để đạt được mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành siêu cường về khoa học và công nghệ.

Nghị quyết cũng đề cập rằng, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách nhân tài cởi mở hơn và xây dựng một khu vực dành riêng nghiên cứu và đổi mới quy tụ những tài năng xuất sắc trong và ngoài nước. Đồng thời, Trung Quốc sẽ cải thiện các chính sách cho các tài năng và chuyên gia cao cấp nước ngoài tới Trung Quốc nghiên cứu và trao đổi, cải thiện các chính sách về thường trú cho người nước ngoài. Các chính sách bao gồm một hệ thống lương thưởng và phúc lợi hợp lý, giáo dục cho trẻ em, an sinh xã hội và các ưu đãi về thuế sẽ thu hút nhân tài nước ngoài. Ngoài ra, tài liệu cũng xem xét việc thành lập một tổ chức công nghệ quốc tế và cho phép người nước ngoài làm việc trong các tổ chức công nghệ nhà nước của Trung Quốc.

Chương trình Ngàn tài năng của Trung Quốc (TTP) được khởi động tại Trung Quốc vào năm 2008. Sau đó, một số học giả của TTP đã phải chịu sự giám sát của Cục Điều tra Liên bang vì bị cáo buộc hoạt động gián điệp ở Hoa Kỳ.

Xem thêm:

RFA Tiếng Trung ngày 11/3/2021: 中国将推新政吸引海外高端人才 “千人计划”2.0?

“Nếu Việt Nam khởi kiện, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tham gia”

Bản kế hoạch đến năm 2025 được đưa ra tại kỳ họp lưỡng hội diễn ra tại Bắc Kinh kêu gọi Trung Quốc xây dựng luật hàng hải cơ bản, một nhiệm vụ được thực hiện từ giai đoạn 5 năm trước đó.

“[Chúng ta] phải nghiên cứu các hoàn cảnh hiện tại, giảm thiểu rủi ro và [chuẩn bị cho] các cuộc đấu tranh pháp lý,” kế hoạch đến năm 2025 cho biết. “[Chúng ta] phải kiên quyết bảo vệ các lợi ích quốc gia trên biển”.

Zhu Feng, một chuyên gia về quan hệ quốc tế của Đại học Nam Kinh, cho biết trong khi kế hoạch 5 năm mới không đề cập đến vụ kiện Biển Đông năm 2016, ngôn ngữ của nó cho thấy một cảm giác khủng hoảng đang gia tăng trên Biển Đông.

“Trung Quốc không muốn thấy một vụ kiện pháp lý khác nhưng có khả năng sẽ có một vụ kiện pháp lý, vì vậy tôi nghĩ rằng việc chuẩn bị đang được tiến hành,” Zhu nói. “Nếu Việt Nam khởi kiện, bây giờ có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thực sự tham gia.”

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 11/3/2021: Beijing’s focus on maritime law ‘reflects concerns over South China Sea’

Trung Quốc thử nghiệm robot lặn ở độ sâu đến 11.000 mét

Một nhóm nghiên cứu do nhà nghiên cứu robot Guorui Li thuộc Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu, Trung Quốc dẫn đầu mới đây đã thử nghiệm thành công robot lặn ở độ sâu từ 70 mét đến 11.000 mét. Độ sâu 11.000 mét mà nhóm đã thử nghiệm được thực hiện tại Challenger Deep, phần sâu nhất của rãnh Mariana thuộc Thái Bình Dương. Tại vị trí này, áp suất từ ​​toàn bộ nước bên trên gấp khoảng một nghìn lần áp suất khí quyển ở mực nước biển, tương đương khoảng 103 triệu pascal do đó Robot biển sâu truyền thống hoặc tàu lặn có người lái được gia cố rất nhiều bằng khung kim loại cứng để không bị vỡ vụn.

Thiết kế của robot lặn mới được lấy ý tưởng từ loài cá ốc biển sống tại rãnh Mariana giúp nó có thể tồn tại được dưới biển sâu mà không ảnh hưởng đến kết cấu cũng như các thiết bị điều khiển. Ngoài ra, robot còn được thiết kế thêm hai vây để đẩy mình trong nước để di chuyển.

Cecilia Laschi của Đại học Quốc gia Singapore và Marcello Calisti của Đại học Lincoln ở Anh viết rằng cỗ máy này “vượt qua ranh giới của những gì có thể đạt được” với các robot mềm được lấy cảm hứng sinh học. Họ cũng cho rằng cỗ máy này vẫn còn lâu mới được triển khai bởi vì nó bơi chậm hơn các robot dưới nước khác và chưa có khả năng chịu được dòng chảy mạnh dưới nước. 

Xem thêm:

Science News ngày 3/3/2021: This soft robot withstands crushing pressures at the ocean’s greatest depths

Trung Quốc tiếp tục tập trận tại Biển Đông

Theo thông báo của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, từ 0 giờ đến 2 giờ các ngày từ 12 đến 14/3, Trung Quốc sẽ tiến hành tập trân tại khu vực có bán kính 5,5 hải lý quanh tọa độ (19-37.12N/110-57.32E). Khu vực tập trận thuộc ven biển phía đông bắc đảo Hải Nam. Đây là lần thứ hai Trung Quốc thông báo tổ chức tập trận trong tháng 3/2021, trước đó nước này đã tổ chức tập trận tại khu vực phía tây bán đảo Lôi Châu trong vòng 1 tháng bắt đầu từ ngày 1/3.

Ngoài ra, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc còn đưa tin về một tập trận đổ bộ tại đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa. Trước thông tin này, ngày 11/3, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế; quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo này, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quan hệ hòa bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông.

V- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á VÀ CÁC ĐỐI TÁC

Tham mưu trưởng Hải quân Philippines: BrahMos – vũ khí lý tưởng cho dự án tên lửa Hải quân Philippines

Phó Đô đốc Giovanni Carlo Jamero Bacordo, Tham mưu trưởng Hải quân Philippines, mới đây đã đánh giá hệ thống tên lửa hành trình siêu thanh tầm trung BrahMos là vũ khí lý tưởng cho dự án tên lửa chống hạm trên bờ đã được lên kế hoạch của Hải quân Philippines.

Ông Bacordo cho biết, dự án mua một hệ thống BrahMos (gồm ba bệ phóng tự động di động với hai hoặc ba ống tên lữa mỗi bệ) từ Ấn Độ đang được trình lên lãnh đạo cấp cao sau đó là Tổng Tư lệnh phê duyệt là một phần yêu cầu hiện đại hóa của hải quân Philippines được dự kiến triển khai từ năm 2018 đến năm 2022 với ngân sách khoảng 300 tỷ Peso (tương đương hơn 6 tỷ USD).

Xem thêm:

Thông tấn xã Philippines ngày 10/3/2021: BrahMos ideal weapon for Navy missile project

Khinh hạm Pháp cập cảng Việt Nam để sửa chữa trực thăng

Một tàu khu trục nhỏ của Pháp đã neo đậu tại Cảng Cam Ranh từ thứ Ba đến thứ Sáu để sửa chữa trực thăng trên tàu. Theo lời Marc Razafindranaly, Tuỳ viên quốc phòng Pháp tại Việt Nam, chuyến đi tới Việt Nam cũng là một cơ hội để xem liệu hải quân Pháp có thể hoạt động bình thường trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra hay không.

Chuyến thăm của khinh hạm tới Việt Nam là một phần của khuôn khổ hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Pháp, theo Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội.

Đại sứ Nicolas Warnery cho biết: “Chuyến thăm của tàu khu trục nhỏ vào thời điểm này nhằm đưa ra một thông điệp ủng hộ quyền tự do trên không và trên biển.

Xem thêm:

VnExpress ngày 12/3/2021: French frigate docks in Vietnam for helicopter repairs

VI- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

Lê Đình Tĩnh, Lại Anh Tú: Sự phát triển trong chính sách đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Trong bài viết trên trang The Diplomat, học giả ngoại giao Việt Nam cho rằng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam có 4 bước phát triển mới đáng chú ý liên quan đến chính sách đối ngoại.

Đầu tiên và đáng chú ý nhất là sự nhấn mạnh đến vai trò tiên phong của đối ngoại. Bước phát triển mới này có 2 thành tố chính, mang hàm ý rằng, ngoại giao cần giữ vai trò trung tâm và tích cực hơn, cũng như công nhận tầm quan trọng và đóng góp của ngành đối ngoại trong việc xây dựng một chiến lược quốc gia toàn diện cho Việt Nam.

Thứ hai, Đại hội lần thứ XIII nhấn mạnh nhu cầu xây dựng một nền ngoại giao “toàn diện, hiện đại”. “Toàn diện” có nghĩa là Việt Nam sẽ thúc đẩy một cách rõ ràng tất cả các hình thái ngoại giao: chính trị, kinh tế, quốc phòng, công chúng, văn hóa và nghị viện, trong khi “hiện đại” hàm ý Việt Nam sẽ tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ và hạ tầng đối ngoại cũng như thúc đẩy các sáng kiến mới như “ngoại giao số”.

Thứ ba, báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII tập trung đánh giá một cách biện chứng và toàn diện hơn về môi trường chiến lược của Việt Nam, trong đó xác định cả những thách thức mà Việt Nam có thể phải đối mặt trong những thập niên tới, thay vì tập trung chủ yếu vào nhận diện cơ hội như Đại hội XII.

Thứ tư, Đại hội lần thứ đã quyết định nâng tầm đối ngoại đa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chính sách đối ngoại của Việt Nam chỉ tập trung vào đối ngoại đa phương mà thay vào đó, Việt Nam sẽ kết hợp cân bằng giữa các nỗ lực ngoại giao song phương và đa phương.

Theo các tác giả, có nhiều nhân tố mang tính then chốt cả về đối nội lẫn đối ngoại, lý giải động lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy những sáng kiến kể trên.

Thứ nhất là sự thay đổi lớn hơn trong tư duy chiến lược của lãnh đạo Việt Nam. Tại các kỳ Đại hội trước, chiến lược an ninh và phát triển của Việt Nam luôn chiếm ưu thế áp đảo trong các cuộc thảo luận chính sách. Hiện nay, chính sách đối ngoại Việt Nam đã hướng đến cả việc nâng cao hơn nữa vị thế quốc tế của đất nước.

Thứ hai, kể từ Đại hội lần thứ XII của Đảng đến nay, định vị quốc gia của Việt Nam cũng đã khác trước. Với năng lực cao quốc gia ngày càng tăng, Việt Nam đang hướng đến một vai trò chủ động hơn trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, có lợi cho việc theo đuổi các mục tiêu an ninh và phát triển.

Thứ ba, môi trường chiến lược quốc tế thay đổi nhanh chóng đã mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức mới

Tuy vậy, liệu Việt Nam có thành công với những chính sách mới hay không không chỉ phụ thuộc vào những nỗ lực tự thân, mà còn vào dựa vào sự ủng hộ và hợp tác của mạng lưới bạn bè và đối tác của mình, hai học giả thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam kết luận.

Xem thêm:

The Diplomat ngày 10/3/2021: The Evolution of Vietnamese Foreign Policy After the 13th Party Congress

Bản dịch của Báo Thế giới & Việt Nam: Sự phát triển trong chính sách đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Đinh Hoàng Thắng: Ngoại giao Việt Nam: Làm thế nào để dẫn dắt?

Chính phủ Việt Nam nói đã và đang sẵn sàng đóng vai trò dẫn dắt, vai trò tiên phong, đóng góp vào công việc của khu vực và thế giới.

Vị học giả đến từ Viện Nghiên cứu các vấn đề về Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Hà Nội cho rằng trước khi bàn khía cạnh quốc tế, Việt Nam nên ưu tiên dẫn dắt chính bản thân mình. Để dẫn dắt, rất cần tư duy đột phá. Trước hết là đột phá trong các vấn đề sát sườn đối với an ninh và phát triển của đất nước.

Muốn ngoại giao Việt Nam đóng góp hiệu quả vào việc giải quyết những vấn đề chung thì nội lực bên trong phải mạnh. Có mạnh trong nước thì đối ngoại mới hiệu quả, mới có hy vọng dẫn dắt trong khối. VN phải “hoà nhi bất đồng” chứ không thể “đồng nhi bất hoà”.

TS. Đinh Hoàng Thắng hiện là Giám đốc Truyền thông Viện PLD – Viện Nghiên cứu các vấn đề về Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Hà Nội.

Xem thêm: BBC Tiếng Việt ngày 13/3/2021: Ngoại giao Việt Nam: Làm thế nào để dẫn dắt?

Bilahari Kausikan: Đông Nam Á trong kỷ nguyên cạnh tranh nước lớn

Trong bài điểm một số quyển sách gần đây về Đông Nam Á: Under Beijing’s Shadow: Southeast Asia’s China Challenge của Murray Hiebert, In the Dragon’s Shadow: Southeast Asia in the Chinese Century của Sebastian Strangio và Where Great Powers Meet: America and China in Southeast Asia của David Shambaugh, Bilahari Kausikan, nhà ngoại giao kỳ cựu người Singapore đã đưa ra quan điểm của mình về Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn.

Theo Kausikan, ba cuốn sách này đã đính chính quan điểm sai lầm, đơn giản hóa, về Đông Nam Á. Ông cho rằng, không quốc gia Đông Nam Á nào chấp nhận chỉ quan hệ với Trung Quốc, Mỹ hay bất cứ cường quốc nào, không nước nào chấp nhận chọn phe.

Kausikan cũng cho rằng, ba cuốn sách không phạm phải sai lầm coi các nước Đông Nam Á sẵn sàng từ bỏ lợi ích quốc gia vì miếng lợi kinh tế. Theo ông, dù đóng vai trò quan trọng, quan hệ giữa các nước thành viên ASEAN với Trung Quốc không chỉ đơn thuần dựa vào thương mại và đầu tư, mà chủ nghĩa dân tộc vẫn là một nhân tố quan trọng.

Các tác giả của ba cuốn sách cũng đã nhận ra rằng, sự hiện diện của người Hoa ở Đông Nam Á không nhất thiết phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Ngoài ra, trong khi các học giả phương Tây thường coi Biển Đông là ví dụ rõ ràng nhất cho tham vọng bành trướng của Trung Quốc, Hiebert và Strangio chỉ ra hành động của Trung Quốc đối với sông Mekong đáng quan ngại không kém.

Tuy vậy, theo Kausikan, cả 3 cuốn sách không đề cập đầy đủ đến ASEAN. Ít học giả hiểu cách ASEAN vận hành. Mục đích của ASEAN không phải là giải quyết các vấn đề mà là kiềm chế sự mất lòng tin và các khác biệt giữa các thành viên và giữ ổn định cho khu vực, làm giảm nguy cơ bị các cường quốc can thiệp.

Kausikan cũng cho rằng, dù không phải nước nào cũng bày tỏ công khai, hầu hết các nước ASEAN nhận ra rằng không tập hợp lực lượng nào thiếu Mỹ có thể cân bằng lại Trung Quốc.

Ông đánh giá cao phân tích của Shambaugh về việc sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á không dẫn tới sự đi xuống trong quan hệ kinh tế và an ninh của khu vực với Mỹ. Tuy vậy, Kausikan không hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng cho rằng quan hệ giữa Đông Nam Á và Mỹ “tốt nhất trong lịch sử” dưới thời Obama. Theo ông, dù chính quyền Obama thực thi nhiều quyền lực mềm, họ thiếu đi quyền lực cứng. Trong khi đó, dường như Donald Trump hiểu tầm quan trọng của việc biểu thị sức mạnh cứng.

Kausikan kết luận, chính quyền Biden không nên ngần ngại dùng sức mạnh cứng của chính quyền Trump, cẩn trọng trong việc thúc đẩy các giá trị Mỹ, cũng như tránh sai lầm của chính quyền Obama rằng nước Mỹ cần giảm cạnh tranh để đảm bảo sự hợp tác của Trung Quốc.

Xem thêm:

Foreign Affairs số tháng 3-4/2021: The Arena: Southeast Asia in the Age of Great-Power Rivalry

VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Nguyễn Ngọc Anh (2020) Ba cấu trúc của quan hệ Việt – Trung: Góc nhìn của chủ nghĩa kiến tạo cấu trúc

Sử dụng mô hình “ba hệ thống của Wendt”, tác giả đã phân tích mối quan hệ Việt – Trung từ khởi thủy đến nay. Theo tác giả, quan hệ Việt-Trung đã trải qua cả ba hệ thống: hệ thống Hobbes (các nước đối đầu với nhau, thiếu vắng niềm tin và luôn có xu hướng sử dụng sức mạnh), hệ thống Locke (các quốc gia có thể cạnh tranh, đối đầu, nhưng cũng có thể hợp tác và kết minh tùy theo mục đích, lợi ích và tình thế) và hệ thống Kant (các nước sống với nhau trong tình huynh đệ, tin tưởng, hòa bình).

Từ năm 113 trước công nguyên đến cuối thế kỷ 12, chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc khiến quan hệ Việt Trung dựa trên hệ thống Hobbes. Do các nhân tố bên ngoài, từ năm 1164 – thời điểm nhà Tống công nhận Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền – quan hệ giữa hai nước chuyển sang hệ thống Locke. Trong giai đoạn 1164-1885, quan hệ giữa hai nước thay đổi luân phiên giữa hệ thống Hobbes và Locke, mà nguyên nhân là cả các nhân tố bên ngoài và bên trong. Trong giai đoạn 1885-1949, cơ sở của hệ thống Kant được hình thành. Từ năm 1950 đến tháng 7/1978, chủ nghĩa cộng sản giúp hệ thống Kant chi phối quan hệ hai nước. Từ năm 1978, hệ thống Locke thay thế hệ thống Kant, và hệ thống này vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong quan hệ Việt – Trung cho đến ngày nay.

Xem toàn văn bài nghiên cứu ở đây.

Congressional Research Service (Mar 9 2021) China Naval Modernization- Implications for U.S. Navy Capabilities—Background and Issues for Congress

Cập nhật ngày 9/3/2021

Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ đánh giá, Hải quân Trung Quốc đã không ngừng hiện đại hóa trong hơn 25 năm qua và trở thành một lực lượng đáng gờm trong các khu vực biển gần Trung Quốc và tiến hành ngày càng nhiều các hoạt động ở vùng biển xa hơn bao gồm cả Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và các vùng biển xung quanh châu Âu. Điều này đặt ra thách thức lớn đối với Hoa Kỳ trong việc duy trì kiểm soát đối với các vùng biển xa tại Tây Thái Bình Dương.

Hiện đại hóa của Hải quân Trung Quốc bao gồm nhiều loại tàu, máy bay và vũ khí nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề Đài Loan về mặt quân sự nếu cần thiết; để kiểm soát hoặc thống trị lớn hơn đối với các khu vực biển gần Trung Quốc đặc biệt là Biển Đông và để thay đổi ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương cũng như khẳng định vị thế của Trung Quốc với tư cách là cường quốc hàng đầu khu vực và cường quốc lớn trên thế giới.

Hải quân Trung Quốc cho đến nay là lực lượng hải quân lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á và đã vượt qua Hải quân Hoa Kỳ về số lượng tàu chiến trong khi đó họ vẫn đóng tàu mặt nước với tốc độ chóng mặt. Cuối năm 2020, Trung Quốc có 360 tàu chiến so với 297 của Mỹ. Đến năm 2025, Trung Quốc có thể sẽ có 400 tàu và đến 2030 con số sẽ là 425 tàu.

Không chỉ về số lượng, tàu hải quân, máy bay và vũ khí của Trung Quốc hiện đại hơn rất nhiều so với những năm đầu 1990 và hiện có thể sánh ngang với hải quân nhiều nước phương Tây. Gần đây, Trung Quốc đã tập trung nhiều hơn vào việc nâng cao chất lượng các khí tài quân sự song song với tăng về mặt số lượng. Ngoài ra, trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng tăng cường quy mô lực lượng Hải cảnh của mình cùng với lực lượng dân quân biển bao gồm một lượng lớn tàu cá, tàu cá dân binh để bảo vệ và khẳng định các yêu sách chủ quyền của mình trong các vùng biển gần trong khi lực lượng hải quân tiếp cận ở khoảng cách xa hơn.

Tuy nhiên, Hải quân Trung Quốc hiện cũng được đánh giá là có những hạn chế và điểm yếu trong một số lĩnh vực nhất định như việc phối hợp, hiệp đồng của các lực lượng; chiến tranh chống tàu ngầm; nhắm mục tiêu tầm xa; năng lực tiếp tế trên biển hạn chế làm giảm tầm hoạt động của các tàu chiến; nhu cầu đào tạo nhân lực vận hành hệ thống tàu, máy bay, vũ khí mới cùng với kinh nghiệm tác chiến còn hạn chế của lực lượng hải quân.

Để đối phó với các thách thức từ Trung Quốc, Hải quân Mỹ đã đưa một tỷ lệ lớn hơn các hạm đội đến Thái Bình Dương và đã ưu tiên các tàu chiến tốt nhất với những nhân sự tốt nhất đến vùng biển này; duy trì hoặc tăng cường các hoạt động hiện diện chung, đào tạo huấn luyện, đẩy mạnh các cuộc tập trận; tham gia và hợp tác với hải quân các nước đồng minh và các nước ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; tăng quy mô dự kiến trong tương lai của Hải quân; bắt đầu tăng hoặc tăng tốc nhanh hơn các chương trình phát triển công nghệ quân sự mới, mua tàu chiến mới, máy bay không người lái, phương tiện và vũ khí.

Tải toàn văn báo cáo ở đây.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.