(Tuần từ 22/02 – 01/03/2021)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Trần Phạm Bình Minh, Lưu Việt Hà, Lê Xuân Phương
Biên tập: Nguyễn Hồng Thao, Nguyễn Trịnh Đôn
Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Tải bản PDF ở
Trong Bản Tin Biển Đông Số 53 có những nội dung sau:
I- LUẬT HẢI CẢNH TRUNG QUỐC
II- TRUNG QUỐC – ASEAN – MỸ
III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
V- QUAN HỆ TRUNG – MỸ
VI- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
VIII- DIỄN TIẾN TRANH CHẤP QUẦN ĐẢO CHAGOS
I- LUẬT HẢI CẢNH TRUNG QUỐC
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc trang bị pháo tự động đi vào vùng biển gần quần đảo Senkaku, quấy rối tàu cá Nhật Bản
Theo Japan Times, ngày 16/2/2021, hai tàu hải cảnh Trung Quốc – trong đó có một tàu trang bị pháo tự động đã tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trong ngày thứ hai liên tiếp và truy đuổi một tàu cá Nhật Bản. Đây là cuộc xâm nhập lần thứ ba của các tàu hải cảnh Trung Quốc vào vùng biển này kể từ đầu năm 2021 và là lần đầu tiên với một tàu vũ trang kể từ khi Bắc Kinh ban hành Luật Hải cảnh gây tranh cãi vào ngày 1/2/2021. Trước đó, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã hiện diện 333 ngày trên vùng biển gần quần đảo Senkaku trong năm 2020.
Xem thêm:
Newsweek ngày 16/2/2021: China Ship Armed With Autocannon Enters Japanese Waters, Harasses Fishing Vessel
Mỹ thúc giục Trung Quốc dừng các hoạt động trong vùng biển quần đảo Senkaku
Trong một cuộc họp báo ngày 23/2/2021, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc tránh các hành động như sử dụng tàu hải cảnh, “có thể dẫn đến tính toán sai lầm và có thể gây thiệt hại về sinh mạng và vật chất.”
Xem thêm:
NHK World ngày 24/2/2021: US urges China to stop actions in Japanese waters
Kyodo News ngày 27/2/2021: Pentagon says remarks on Senkaku Islands sovereignty were “error”
Nhật Bản có thể bắn các tàu công vụ nước ngoài có ý định đổ bộ lên quần đảo Senkaku
Tiếp tục tiến thêm một bước sau khi đã bày tỏ quan ngại đối với Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc, các quan chức Nhật Bản cho biết Cảnh sát biển Nhật Bản có thể trực tiếp nổ súng vào các tàu công vụ nước ngoài có ý định đổ bộ lên quần đảo Senkaku, theo lời của các thành viên đảng cầm quyền trả lời trước báo giới vào thứ năm ngày 25/2/2021.
Trước đó, giới chức Nhật Bản cho biết Cảnh sát biển Nhật Bản chỉ được phép nổ súng trực tiếp vào các tàu nước ngoài trong trường hợp tự vệ và thoát hiểm khẩn cấp.
Giải thích cho sự thay đổi này, phía Nhật Bản cho rằng việc các tàu nước ngoài có ý định đổ bộ lên quần đảo có thể được coi là đã phạm tội có tính bạo lực và do vậy Cảnh sát biển Nhật Bản được phép nổ súng theo luật định.
Cũng trong thứ Năm, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đã trở nên nghiêm trọng và bày tỏ lo ngại rằng “việc mở rộng khả năng quân sự thiếu minh bạch và nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng bách vẫn còn tiếp diễn ” trong khu vực, mặc dù ông không trực tiếp nhắc đến Trung Quốc.
Xem thêm:
Kyodo News ngày 26/2/2021: Japan could shoot at official vessels aiming to land on Senkaku Islands
Ngư dân Nhật Bản kêu gọi bình tĩnh với Luật Hải cảnh Trung Quốc
Kể từ khi Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực, Chính quyền trung ương, Bộ Quốc phòng và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã rất đề phòng. Nhật Bản lo ngại nguy cơ xung đột ngẫu nhiên trong tương lai đặc biệt là tại vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.
Tuy nhiên, ngư dân Nhật Bản lại kêu gọi lãnh đạo Nhật Bản bình tĩnh để đối phó với vấn đề này vì hầu như không có tàu cá địa phương của Nhật Bản đi vào gần quần đảo Senkaku do khoảng cách khá xa (170 km tính từ chợ cá lớn gần nhất ở Ishigaki, tỉnh Okinawa), điều kiện địa lý không thích hợp, và ngư dân có những ngư trường tốt hơn.
Xem thêm:
The Japan Times ngày 26/2/2021: Fishermen call for calm in wake of China coast guard law
Bất chấp Luật Hải cảnh Trung Quốc, Philippines khẳng định chủ quyền ở Biển Tây Philippines
Tờ The Straits Times ngày 22/2/2021 dẫn lời Thiếu tướng Edgard Arevalo, phát ngôn viên quân đội Philippines, khẳng định quân đội Philippines vẫn kiên quyết bảo vệ vùng biển của đất nước, bất chấp luật Hải cảnh mới của Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình theo Hiến pháp và nhất quán khẳng định chủ quyền của chúng tôi ở Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông)” – ông Arevalo cho biết.
Ông Arevalo khẳng định: “Như chúng tôi vẫn luôn làm, kiên quyết trong việc bảo vệ các vùng biển của chúng tôi, bất kể luật nào mà các quốc gia khác có thể thông qua.”
Xem thêm:
The Straits Times ngày 22/2/2021: Unmoved by China’s new law, Philippine military asserts sovereignty in West Philippine Sea
Pháp luật TP. Hồ Chí Minh ngày 23/2/2021: ‘Philippines quyết bảo vệ chủ quyền, bất chấp Luật hải cảnh’
Hải cảnh 5304 tiếp tục tiếp cận các giàn khai thác của Việt Nam. Người phát ngôn Việt Nam khẳng định các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi diễn biến trên Biển Đông
Ngày 22/2/2021, sau khi tiếp cận gần giàn khai thác tại mỏ Hải Thạch, Hải cảnh 5304 đã di chuyển tới tiếp cận giàn khai thác tại mỏ khí Lan Tây với khoảng cách gần nhất dưới 1 hải lý trước khi quay về neo tại khu vực phía tây nam bãi Tư Chính. Sáng 24/2, Hải cảnh 5304 thực hiện lần áp sát thứ 2 đến giàn khai thác tại Lan Tây và giàn khai thác tại Hải Thạch với khoảng cách gần nhất đến 2 giàn này lần lượt là gần 2 hải lý và hơn 1 hải lý. Trưa 24/2, Hải cảnh 5304 di chuyển về khu vực phía tây nam bãi Tư Chính và đến sáng 25/2 thì di chuyển xuống khu vực bãi cạn Luconia (ngoài khơi Malaysia) nơi cũng có 1 tàu chấp pháp của Trung Quốc là Hải cảnh 5202 đang hoạt động.
Ngày 25/2/2021, tại cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị xác minh thông tin tàu Hải cảnh 5304 của Trung Quốc tiến gần giàn khoan Hải Thạch ở lô 05.2 và 05.3 của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển Việt Nam, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982.
“Hoạt động của các nước ở Biển Đông cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước quốc gia ven biển đã được quy định tại UNCLOS, đóng góp cho hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông,” bà Hằng nói.
Xem thêm:
Tiền Phong ngày 25/2/2021: Việt Nam nói về việc tàu Trung Quốc áp sát giàn khoan Hải Thạch
Raul (Pete) Pedrozo (2021) Maritime Police Law of the People’s Republic of China
Trong bài nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nghiên cứu Luật quốc tế của Trung tâm Luật quốc tế Stockton thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, Raul (Pete) Pedrozo đã lập luận rằng do hầu hết các yêu sách biển của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS 1982, Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc với mục đích khẳng định quyền tài phán của nước này đối với tàu nước ngoài ở những khu vực mà Trung Quốc yêu sách bất hợp pháp là đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Nhiều quy định khác trong luật mới này cũng có vấn đề.
Phân tích về các quy định sử dụng vũ khí của nhân viên Hải cảnh trong Luật (chương VI), tác giả cho rằng có thể xem xét là phù hợp với các tiêu chuẩn thực thi pháp luật quốc tế trên biển.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là một quốc gia được đánh giá cao về việc tuân thủ các trật tự của pháp luật quốc tế khi thực thi pháp luật trên biển. Hải cảnh Trung Quốc đã nhiều lần quấy rối và sử dụng vũ lực quá mức đối với ngư dân Việt Nam, Nhật Bản và Philippines để tăng cường các tuyên bố chủ quyền phi pháp của mình tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, ngăn chặn một cách bất hợp pháp quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi trong các EEZ của các quốc gia này. Với hành vi gây hấn trước đây của Hải cảnh Trung Quốc và sự coi thường luật pháp quốc tế, rất khó có khả năng Luật hải cảnh mới sẽ được thực hiện theo các thông lệ thực thi pháp luật trên biển đã được thiết lập.
Trung Quốc sẽ phạm một sai lầm nghiêm trọng nếu như sử dụng luật mới như một phương tiện bổ trợ để củng cố các yêu sách chủ quyền phi pháp tại Biển Hoa Đông và Biển Đông, tiếp tục can thiệp vào các quyền khai thác tài nguyên của các quốc gia ven biển, hoặc can thiệp vào việc sử dụng biển hợp pháp của cộng đồng quốc tế. Hoa Kỳ sẽ đứng về phía các đồng minh và đối tác trong khu vực để bảo vệ quyền chủ quyền của các quốc gia đó phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời đảm bảo các quyền tự do hàng hải để duy trì một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Các quốc gia trong khu vực cũng cần phải thực hiện vai trò của mình và buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành động bất hợp pháp, cho dù đó là trước tòa án quốc tế hay tòa án trong nước, thông qua các biện pháp ngoại giao hoặc sử dụng các biện pháp đối phó khác như dư luận quốc tế.
Tải toàn văn nghiên cứu ở đây.
Ryan D. Martinson: Đánh giá rủi ro thực sự của luật Hải cảnh mới của Trung Quốc
Dẫn chứng nhiều luật mà Trung Quốc đã ban hành trong quá khứ nhưng không thực thi trên thực tế, tác giả tiên liệu rằng Luật Hải cảnh mới cũng có khả năng như vậy. Sở dĩ điều này được tiên liệu là vì việc áp dụng các luật này nhằm chống lại tàu thuyền nước ngoài là một vấn đề chính trị, đặt ra một câu hỏi lớn về chính sách đối ngoại. Nếu việc áp dụng pháp luật như vậy diễn ra trên thực tế thì đây sẽ là một chính sách đối ngoại tồi tệ làm cho Trung Quốc ngày càng xa rời với các quốc gia láng giềng, và đẩy các quốc gia này lại gần hơn với các đối thủ của Trung Quốc là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nó cũng khiến cho Malaysia, Indonesia và Việt Nam khó giữ được vị trí trung lập trong giai đoạn cạnh tranh cường quốc hiện nay, đồng thời có nguy cơ xóa bỏ tất cả những nỗ lực mà Trung Quốc đã làm để thu hút Manila rời khỏi quan hệ đồng minh với Washington. Nó cũng là hành động khiêu chiến với Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Mặc dù vậy, các quốc gia trong khu vực không nên phớt lờ Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc mà cần phải quan tâm thích đáng. Việc Trung Quốc đưa các điều khoản cưỡng chế nhất vào luật mới tức là họ đã hình dung rõ ràng các tình huống khi áp dụng chúng sẽ có ý nghĩa chính trị. Khi dự thảo được ban hành vào tháng 10, Trung Quốc đã liệt kê bốn lý do về sự cần thiết của Luật Hải cảnh. Lý do đầu tiên liên quan đến việc xây dựng Trung Quốc trở thành “một cường quốc hàng hải” và để “bảo vệ các quyền và lợi ích hàng hải”.
Vì vậy, ngay cả khi khả năng xảy ra một vụ khiêu khích lớn mới hiện nay là nhỏ, các quốc gia trong khu vực phải thực hiện các bước thực chất để chuẩn bị cho khả năng đó trong tương lai.
Ngoài ra, các quốc gia này cần yêu cầu Trung Quốc đưa ra một định nghĩa chính xác về “các vùng biển thuộc quyền tài phán” của họ. Khi cho phép lực lượng hải cảnh của mình sử dụng vũ lực để duy trì các yêu sách biển, Bắc Kinh đã vượt qua ranh giới. Các nhà ngoại giao nên nói với các đối tác Trung Quốc rằng sự mơ hồ dưới bất kỳ hình thức nào đơn giản là không còn được chấp nhận.
Xem thêm:
The Strategist ngày 23/2/2021: Gauging the real risks of China’s new coastguard law
Pratnashree Basu: Luật Hải cảnh Trung Quốc tạo điều kiện dễ dàng leo thang xung đột
Lực lượng bảo vệ bờ biển ở nhiều quốc gia được trao những quyền hạn đặc biệt trong hoàn cảnh thời chiến hoặc trong những trường hợp cực kỳ cấp bách. Sự khác biệt của Luật Hải cảnh Trung Quốc nằm ở chỗ định nghĩa về phạm vi hoàn cảnh cấp bách đã được mở rộng quá mức. Các biện pháp thường được áp dụng trong thời kỳ khủng hoảng và chiến tranh cũng được cho phép trong các tình huống bình thường. Do đó rất dễ leo thang và khuếch đại các tình huống mà lẽ ra có thể được xử lý theo cách khác.
Xem thêm:
Observer Research Foundation ngày 24/2/2021: China’s new coast guard law: Will recurrent maritime coercion lead to a denouement at sea?
The Economic Times: Cần có cách tiếp cận thống nhất để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng Luật Hải cảnh mới ở Biển Đông
Theo các chuyên gia, các thành viên ASEAN cần làm rõ các hành động sử dụng vũ lực nào của Trung Quốc trong vùng biển của họ sẽ được coi là hành động chiến tranh. Phó Đô đốc Koda Yoji, nguyên Tư lệnh Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản (JMSDF) bình luận với VnExpress rằng “đối với Việt Nam, cũng như Nhật Bản, tình huống nguy hiểm nhất không phải là việc Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí theo quy định của pháp luật mà cốt lõi của vấn đề là việc Trung Quốc sử dụng luật pháp như một công cụ chính của “chiến tranh pháp lý” để mở rộng lãnh thổ của mình một cách “hòa bình”. Đồng thời, Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cần đưa ra quan điểm nhất quán về vấn đề này.
Xem thêm:
The Economic Times ngày 11/2/2021: Unified approach necessary to deter China from using new Coast Guard Law in South China Sea
II- TRUNG QUỐC – ASEAN – MỸ
Trung Quốc trao đổi không chính thức về việc gia nhập CPTPP với các nước thành viên
Trong một cuộc họp báo ngày 24/2/2021, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết, Bộ này đã triển khai các cuộc thảo luận không chính thức với một số thành viên Hiệp định đối tác toàn diện & tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Ông Vương, người cũng giữ vai trò Phó Đại diện thương mại quốc tế Trung Quốc, cho biết các cuộc thảo luận này nhằm đạt được “những hiểu biết chính xác hơn” về mặt mặt kỹ thuật của hiệp định.
Tiết lộ này cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục xem xét khả năng gia nhập CPTPP sau tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 11 năm ngoái, rằng Trung Quốc sẽ “tích cực cân nhắc” việc trở thành thành viên.
Tháng 12 năm ngoái, Hội nghị công tác kinh tế trung ương của Trung Quốc – hội nghị thường niên đặt ra các kế hoạch về kinh tế, tài chính của Trung Quốc – chính thức đặt ưu tiên vào sáng kiến gia nhập CPTPP.
Xem thêm:
Caixin Global ngày 24/2/2021: China Starts Informal Talks With CPTPP Countries in Membership Pursuit
Mỹ tiếp tục bán vũ khí cho Philippines dù không có cải cách về nhân quyền
Chính quyền Mỹ tái khẳng định rằng “không có hạn chế” trong việc bán vũ khí cho quân đội Philippines, sau khi Manila kêu gọi gia tăng viện trợ quốc phòng.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách củng cố và nâng cao hợp tác an ninh nhằm chia sẻ những thách thức an ninh chung và tôn trọng quyền con người,” Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Mike Howard trả lời Nikkei Asia.
Ông Howard từ chối bình luận về các thương vụ vũ khí cụ thể, viện dẫn chính sách của chính phủ, nhưng ông cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin “khẳng định cam kết của Hoa Kỳ” đối với các thỏa thuận quân sự với Philippines trong cuộc điện đàm ngày 9/2 với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana.
Đầu tháng này, Philippines tiết lộ ý định mua 15 trực thăng S-70i Black Hawk để thay thế phi đội Bell UH-1.
Hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Lực lượng Vũ trang Philippines khiến một số đảng viên Đảng Dân chủ đề xuất một đạo luật dừng mọi hỗ trợ an ninh cho quốc gia này vào năm ngoái. Tháng trước, Biden cũng đã dừng việc bán vũ khí cho Saudi Arabia và Liên bang tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vì vấn đề nhân quyền.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 24/2/2021: US to sell Philippines arms despite no human rights reforms
Ông Duterte: ‘Trung Quốc cho chúng tôi mọi thứ, nhưng chưa bao giờ đòi hỏi gì’
Trong ngày nhận được lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên gồm 600.000 liều từ Trung Quốc, Tổng thống Duterte cho biết ông đã đảm bảo với Bắc Kinh rằng sẽ không cho phép vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện diện trên lãnh thổ Philippines. Ông tuyên bố sẽ “chấm dứt ngay lập tức” Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Washington nếu phát hiện vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ Philippines.
Đề cập tới Trung Quốc, ông Duterte khẳng định: “Tôi đã đưa ra tuyên bố chúng tôi sẽ theo chính sách đối ngoại độc lập”.
Theo báo The Philippine Star, khi được hỏi liệu lô vắc xin ngừa COVID-19 mà Trung Quốc cung cấp có thể tác động gì lên chính sách đối ngoại của Manila, Tổng thống Duterte nói: “Trung Quốc cho chúng tôi mọi thứ, nhưng chưa bao giờ đòi hỏi chúng tôi bất kỳ thứ gì”.
Xem thêm:
Báo Tuổi Trẻ ngày 1/3/2021: Ông Duterte: ‘Trung Quốc cho chúng tôi mọi thứ, nhưng chưa bao giờ đòi hỏi gì’
Đảng Cộng sản Việt Nam công bố toàn văn Nghị quyết Đại hội 13
Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho công bố toàn văn Nghị quyết Đại hội 13, đã được thông qua vào ngày 1/2/2021. Đây là văn kiện mang tính định hướng chính sách cho Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực trong 5, 10 năm tới, cũng như đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2045. Nghị quyết khẳng định bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Xem toàn văn nghị quyết tại đây.
Việt Nam tái đề cử ứng viên vào Ủy ban Luật pháp quốc tế
Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc tại New York và Genève đã gửi công hàm đến Liên hợp quốc và các quốc gia, thông báo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tiếp tục ứng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2023–2027, chính thức khởi động chiến dịch vận động tái tranh cử của thành viên Việt Nam vào cơ quan pháp lý quan trọng của Liên hợp quốc.
Năm 2016, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao trở thành người Việt Nam đầu tiên trúng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế.
Xem thêm:
Thế giới & Việt Nam ngày 25/2/2021: Việt Nam tái đề cử ứng viên vào Ủy ban Luật pháp quốc tế
Trung Quốc và Singapore bắt đầu tập trận hải quân chung
Ngày 24/2/2021, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chung với Hải quân Singapore theo thỏa thuận được ký kết năm 2019 nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các nước Đông Nam Á. Nội dung cuộc diễn tập theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ bao gồm các nội dung cơ bản là tìm kiếm cứu nạn và liên lạc tương tự các cuộc tập trận của Mỹ và đối tác ở khu vực như Thái Lan.
“Cuộc tập trận này là sự đồng thuận của hải quân hai nước, nhằm tăng cường tin cậy lẫn nhau, làm sâu sắc hơn tình hữu nghị, thúc đẩy hợp tác và cùng thúc đẩy xây dựng một cộng đồng hàng hải với một tương lai chung,” phát ngôn viên Hải quân, Trung Quốc Cao Tú Thành (Gao Xiucheng) cho biết trong tuyên bố.
Bắc Kinh đã và đang tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước Đông Nam Á để đối phó với việc Hoa Kỳ tăng cường hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Khoảng 3.000 binh sĩ của Campuchia và Trung Quốc dự kiến sẽ có cuộc tập trận kéo dài hai tuần vào tháng 3 tới tuy nhiên kế hoạch được cho là đã bị đình chỉ do “đại dịch COVID-19” và lũ lụt lớn.
Tháng 11 năm ngoái, tại Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg sau chiến thắng bầu cử của Joe Biden, thủ tướng Lý Hiển Long đã bác bỏ ý tưởng Singapore sẽ tham gia cái gọi là “liên minh các nền dân chủ” của tân Tổng thống Mỹ để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở châu Á – một khái niệm mà ông Lý mô tả là theo kiểu “Chiến tranh lạnh”. Là một quốc gia phụ thuộc vào thương mại, Singapore vừa muốn duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ tại châu Á và cho Mỹ sử dụng hạ tầng quân sự của nước mình, vừa trông cậy vào Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 24/2/2021: China military may face tough year ahead as Beijing tightens purse strings
Bloomberg ngày 17/11/2021: Singapore PM Calls for U.S.-China Truce After ‘Tumultuous’ Years. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Việt Nam phản hồi về việc Trung Quốc có thể xây căn cứ tên lửa đất đối không gần biên giới Việt Nam, tàu chiến Pháp và Mỹ đi qua Biển Đông
Như thông tin Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã đưa trước đó, ảnh vệ tinh được phân tích bởi đối tác của chúng tôi cho thấy một căn cứ tên lửa đất đối không (surface-to-air missile – SAM) đang được hoàn tất ở huyện Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây, cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km, cách công trình được cho là một sân bay trực thăng quân sự đang được xây dựng khoảng 40 km.
Một công trình khác với nhiều dấu hiệu là căn cứ tên lửa đất đối không đang được xây dựng ở thành phố Mông Tự thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách biên giới Việt Nam dưới 70 km. Công trình được bắt đầu vào khoảng tháng 6 – tháng 7 năm 2020, và theo nguồn tin của chúng tôi, hiện tại vẫn chưa hoàn tất.
Trả lời câu hỏi về vấn đề này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết quan điểm của Việt Nam là chính sách quốc phòng của tất cả các quốc gia cần đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Về việc tàu ngầm tấn công hạt nhân của Pháp được điều đến Biển Đông ngày 9/2/2021 và các chiến dịch tự do hải hành của Mỹ ở gần hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, bà Hằng cho biết, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là thành viên UNCLOS 1982, Việt Nam tuân thủ các quy định của công ước, kể cả các quy định liên quan đến hoạt động hàng hải, hàng không trên vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước. Việt Nam mong muốn các nước tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế tại Biển Đông.
Xem thêm:
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 3/2/2021: Trung Quốc Đang Xây Một Căn Cứ Tên Lửa Đất Đối Không Gần Biên Giới Việt Nam
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 24/2/2021: Trung Quốc Có Thể Đang Xây Căn Cứ Tên Lửa Đất Đối Không Thứ Hai Gần Biên Giới Việt Nam
Báo Thanh Niên ngày 25/2/2021: Bộ Ngoại giao nói về thông tin Trung Quốc xây căn cứ tên lửa thứ 2 gần biên giới Việt Nam
Tiền Phong ngày 25/2/2021: Việt Nam nói về việc tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát giàn khoan Hải Thạch
Bình luận về việc Trung Quốc xây căn cứ tên lửa đất đối không ở gần biên giới Việt Nam
Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii, nhận định: “Đây là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh dọc theo biên giới của mình. Đó là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh, có thể không phải hôm nay, ngày mai mà là trong dài hạn”.
Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, cho biết PetroVietnam đang đề xuất các dự án thăm dò khí đốt tự nhiên mới ở Biển Đông, vì vậy căn cứ tên lửa gần đó có thể là một “cảnh báo từ Trung Quốc”.
Xem thêm:
VOA ngày 26/2/2021: China Said to be Installing Missile Base Near Border with Vietnam
Lê Thu Hường: Đại dịch COVID-19 và địa chính trị Đông Nam Á
Bài viết phân tích cách COVID-19 và các biện pháp ứng phó đại dịch này ảnh hưởng đến bức tranh địa chính trị và các tính toán trong khu vực. Theo tác giả, việc đánh giá sai ảnh hưởng của COVID-19 sẽ để lại hậu quả lớn. COVID-19 không phải là tác nhân đẩy nhanh các xu hướng ở Đông Nam Á, như nhiều người nhìn nhận, mà là tác nhân gây ngắt quãng, gây nên những thay đổi sâu sắc ở các cấp độ khác nhau – điều khiến nó trở nên nguy hiểm. Do đánh giá thấp tính nghiêm trọng của đại dịch và phản ứng chậm, Indonesia đã phải trả giá.
Theo tác giả, trật tự địa chính trị, cụ thể là sự liên kết chính trị và các mối quan hệ an ninh ở Đông Nam Á đang có sự dịch chuyển, thay vì bị đóng băng trong đại dịch. Nếu các nước Đông Nam Á lựa chọn chờ đợi sự thay đổi chiến lược thay vì chủ động trước thay đổi, họ sẽ mất cơ hội.
Tác giả cho rằng, những thách thức đối với Đông Nam Á đang gia tăng, từ Trung Quốc đến biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, bất ổn chính trị, tôn giáo cực đoan… Các nước Đông Nam Á cần có khả năng giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc để đối phó với các thách thức này.
Tác giả kết luận, Đông Nam Á cần nhận thức được rằng khu vực này không thể dựa vào bất cứ cường quốc nào để xử lý các thách thức. Sự chủ động của các nước sẽ quyết định cách khu vực thích ứng với trật tự mới, cũng như tham gia vào việc tạo lập trật tự này.
Xem thêm:
Southeast Asia and Covid-19 ngày 27/1/2021: The COVID-19 Pandemic and Geopolitics in Southeast Asia
The Economist: Cạnh tranh Mỹ – Trung phụ thuộc vào Đông Nam Á
Bài viết cho rằng, trong cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc, Đông Nam Á sẽ là khu vực đối đầu chính. Việc không có chiến tuyến rõ ràng ở khu vực này khiến tình hình thêm phức tạp. Hai nguyên nhân khiến cuộc cạnh tranh thêm gay gắt là vị trí chiến lược của Đông Nam Á với Trung Quốc – đây là cửa ngõ, con đường vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa của Trung Quốc và là con đường thông ra Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; cũng như giá trị thương mại của khu vực này. Dù Trung Quốc đang có những lợi thế như là đối tác thương mại hàng đầu của Đông Nam Á, khu vực này cũng vẫn lo ngại về Trung Quốc. Theo bài viết, để giúp Đông Nam Á tránh rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc, Mỹ cần khuyến khích để giúp khu vực này có lựa chọn khác và tạo dựng nên đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc, qua việc hội nhập khu vực sâu hơn hay tăng cường quan hệ với các quốc gia khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc; cũng như tránh buộc các nước Đông Nam Á phải chọn phe.
Xem thêm:
Economist ngày 27/2/2021: The rivalry between America and China will hinge on South-East Asia. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Thủ tướng Anh tìm cách tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc, tự nhận mình là người yêu Trung Quốc nhiệt thành
Trong một hội nghị bàn tròn phố Downing vào ngày 12/2/2021 với sự tham gia của một số doanh nghiệp hoạt động tích cực ở Trung Quốc, ông Boris Johnson nói rằng ông là một người “yêu Trung Quốc nhiệt thành” và quyết tâm cải thiện mối quan hệ bất kể những khó khăn về chính trị.
Johnson cũng phát tín hiệu muốn nối lại các cuộc thảo luận thương mại chính thức giữa hai nước bao gồm diễn đàn – Đối thoại Kinh tế và Tài chính, một cuộc thảo luận thường niên giữa hai nước và Ủy ban Kinh tế và Thương mại hỗn hợp Trung-Anh (Jetco), vốn đã bị đình chỉ sau khi xảy ra các sự kiện đàn áp nhân quyền của Trung Quốc ở Hong Kong.
Các nhà bình luận Trung Quốc, trên các trang báo chính thống của Trung Quốc như Tân Hoa Xã, phê phán Anh đang chơi trò chính sách hai mặt và không nhất quán. Một mặt các thành viên nội các chính phủ Anh như Ngoại trưởng Dominic Raab phê phán công khai Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, chặn Huawei và truyền thông Trung Quốc ở Anh, nhưng lại vẫn muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Nếu muốn duy trì một mối quan hệ lành mạnh và lâu dài với Trung Quốc, Anh cần phải biết cách nuôi dưỡng lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau.
Xem thêm:
The Guardian 21/2/2021: Boris Johnson declares he is ‘fervently Sinophile’ as UK woos China
Global Times ngày 22/2/2021: UK’s opportunist and adventurist diplomacy with China a dead end pursuit
Tân Hoa Xã ngày 23/2/2021: Britain’s Janus-faced China policy.
Pháp gửi tàu chiến đến Biển Đông trước cuộc tập trận với Mỹ và Nhật Bản
Tờ Naval News ngày 18/2/2021 cho biết tàu đổ bộ tấn công hạng nặng Tonnere và chiến hạm tàng hình Surcouf lớp La Fayette đã rời cảng Toulon và đang trên đường tới Biển Đông và khu vực Thái Bình Dương. Dự kiến các tàu chiến này sẽ đi vào Biển Đông hai lần và tham gia cuộc tập trận hỗn hợp với quân đội Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5/2021. Tuần trước, tàu ngầm hạt nhân tấn công Emeraude và tàu hỗ trợ Seine của Pháp cũng đi qua biển Đông, động thái đã vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc. Tuy nhiên Paris bỏ qua điều này và cho rằng họ vẫn tuân thủ luật pháp quốc tế.
Đại úy Arnaud Tranchant, sĩ quan chỉ huy tàu Tonnerre, nói với Naval News rằng hải quân Pháp sẽ “hành động để tăng cường” quan hệ đối tác của Pháp với Bộ Tứ An ninh Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.
Xem thêm:
Naval News ngày 18/2/2021: French Amphibious Ready Group Set Sails For The Indo-Pacific
An ninh Thủ đô ngày 22/2/2021: Pháp quyết định điều thêm chiến hạm tàng hình tới biển Đông
Lo ngại sự xâm lược địa chính trị của Trung Quốc, các nước nhỏ ở châu Âu chặn các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu
Các chính phủ từ vùng Baltic đến vùng biển Adriatic gần đây đã huỷ bỏ các gói thầu mà các công ty nhà nước Trung Quốc đã giành được, hoặc cấm các công ty Trung Quốc đầu tư hoặc ký hợp đồng ở nước họ. Các quan chức có liên quan cho biết những quyết định này được thúc đẩy bởi sự đan xen những lo ngại về an ninh quốc gia lẫn thất vọng về hiệu quả hoạt động của các nhà thầu Trung Quốc. Một số dự án bị huỷ bỏ nằm trong sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu của Trung Quốc, dự án Vành đai và Con đường.
Xem thêm:
The Wall Street Journal ngày 23/2/2021: China Faces European Obstacles as Some Countries Heed U.S. Pressure. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Mỹ tăng cường đàm phán với Đài Loan để đảm bảo chuỗi cung ứng chip
Các quan chức Hoa Kỳ đã gặp gỡ đại diện của các công ty công nghệ và chip Đài Loan để tìm hiểu thêm các kết nối chuỗi cung ứng. Cuộc họp diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Biden ban hành lệnh hành pháp xem xét lại chuỗi cung ứng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong các chuỗi cung ứng công nghệ.
Cùng thời gian, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Hoa Kỳ Chuck Schumer cho biết ông đã chỉ đạo các nhà lập pháp soạn thảo một gói các biện pháp để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, tận dụng thái độ cứng rắn của lưỡng đảng đối với Bắc Kinh tại Quốc hội để củng cố công nghệ Hoa Kỳ và chống lại các hành vi không công bằng.
Xem thêm:
Reuters ngày 24/2/2021: Biden to press for $37 billion to boost chip manufacturing amid shortfall
Reuters ngày 24/2/2021: Top U.S. Senate Democrat directs lawmakers to craft bill to counter China
Nikkei Asia ngày 25/2/2021: US steps up talks with Taiwan to secure chip supply chain
Nhật Bản tăng cường bảo vệ quân đội Mỹ trong bối cảnh ‘môi trường an ninh nghiêm trọng’
Trong năm 2020, Nhật Bản đã thực hiện 25 nhiệm vụ “bảo vệ tàu và máy bay của Mỹ” (tăng 11 nhiệm vụ so với năm 2019), một động thái cho thấy sự hợp nhất ngày càng tăng của lực lượng vũ trang hai nước trong bối cảnh “môi trường an ninh trong khu vực ngày càng nghiêm trọng hơn,” theo cách gọi của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Trong đó có 4 lần Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bảo vệ các tàu Hải quân Mỹ trong các hoạt động thu thập thông tin về tên lửa đạn đạo, tuần tra kiểm soát và 21 lần bảo vệ các máy bay Hoa Kỳ khi tham gia huấn luyện chung với các đối tác Nhật Bản.
Xem thêm:
CNN ngày 24/2/2021: Japan increases protection for US military amid ‘severe security environment’
Đại sứ Nhật Bản: Hợp tác an ninh Úc – Nhật ‘là thiết yếu để chống lại Trung Quốc’
Đại sứ mới của Nhật Bản đã ca ngợi cách tiếp cận chiến lược của chính phủ Morrison đối với Biển Đông và nói rằng việc mở rộng hợp tác an ninh Úc-Nhật là quan trọng trước những “hành vi liều lĩnh” của Trung Quốc đối với Đài Loan.
Đại sứ Yamagami Shingo cho biết hợp tác an ninh, với tư cách là một “trụ cột tương đối mới và đang phát triển nhanh” trong quan hệ, ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Xem thêm:
The Weekend Australian ngày 27/2/2021: Security co-operation ‘vital to counter China’, says Japanese ambassador. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Thomas de Maizière và A. Wess Mitchell: NATO cần có chiến lược toàn diện đối phó Trung Quốc
Theo Maizière, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức, và Mitchell, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ trong chính quyền Trump, Liên minh phương Tây chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để chống lại thách thức trực tiếp và ngày càng gia tăng từ Bắc Kinh. Đây là vấn đề cần phải được đặt trên bàn nghị sự hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Brussels, một cuộc họp quan trọng bàn về tương lai của NATO. Đây cũng là sự kiện quốc tế quan trọng đầu tiên đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người cam kết ưu tiên việc củng cố liên minh trong chính sách đối ngoại. Những quyết định đạt được trong cuộc họp này sẽ xác định các kế hoạch và ưu tiên của NATO trong một thời gian dài phía trước.
Hiện giờ, quan điểm của các nước thành viên trong khối NATO vẫn chưa thống nhất. Một số nước cho rằng Trung Quốc không phải là việc của NATO, trong khi những nước khác lo ngại rằng việc đưa Trung Quốc vào chương trình nghị sự sẽ gây phật lòng đối tác thương mại lớn.
Các tác giả lập luận rằng sự hiện diện của Trung Quốc ở phương Tây không đơn thuần chỉ là thương mại. Thông qua chiến lược quân dân dung hợp, Bắc Kinh đang khai thác công nghệ và nhân tài từ khu vực tư nhân của các quốc gia thành viên NATO phục vụ cho các mục tiêu quân sự của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Các tàu và máy bay quân sự của Trung Quốc hoạt động ngày càng tích cực ở phía đông Địa Trung Hải, bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Đồng thời, Trung Quốc đang tiến hành các chiến dịch thông tin ngày càng phức tạp, tinh vi nhằm tác động đến công chúng và các nhà thiết kế quan điểm trong các nước thành viên NATO – và chia rẽ liên minh từ bên trong. Bởi vậy, nếu ai đó nghĩ rằng chỉ cần bỏ qua những điều này và các khía cạnh an ninh hiển nhiên khác của hoạt động Trung Quốc sẽ giúp xã hội của họ an toàn hơn hoặc giàu có hơn, thì họ đã sai lầm.
Hai tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm đối phó với Trung Quốc, bao gồm cập nhật các khái niệm chiến lược, thực hiện các bước đi có tính thực tế để giải quyết thách thức Trung Quốc, xây dựng một chiến lược toàn diện về Trung Quốc, củng cố các quan hệ đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tăng cường hợp tác thông qua hình thức NATO + 4 hiện có (NATO, Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc), hoặc thông qua sự tham gia của NATO với Đối thoại An ninh Tứ giác (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Hoa Kỳ), hay trực tiếp thiết lập quan hệ đối tác chính thức với Ấn Độ.
Các tác giả nhấn mạnh rằng để đối phó với thách thức Trung Quốc sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo chính trị ở các cấp cao nhất, và cần phải hành động ngay từ bây giờ trước khi quá muộn.
Xem thêm:
Foreign Policy ngày 23/2/2021: NATO Needs to Deal With China Head-On
IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Dương Khiết Trì: Vững vàng duy trì và thực hành chủ nghĩa đa phương, kiên trì thúc đẩy xây dựng một cộng đồng vì một tương lai chung cho nhân loại
Đó là tựa đề bài viết của Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trên tờ Nhân dân Nhật báo dành cho độc giả trong nước. Bài viết cho biết sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Tổng bí thư Đảng Tập Cận Bình đã đưa ra những kế hoạch tổng thể, chiến lược và định hướng về mô hình chủ nghĩa đa phương, và đưa ra những ý tưởng cốt lõi và đề xuất cho chủ nghĩa đa phương trong thời kỳ mới vì mục tiêu “xây dựng một cộng đồng vì một tương lai chung cho nhân loại”, xây dựng quan hệ quốc tế mới theo hướng thúc đẩy thế giới đa cực, tôn trọng sự đa dạng trong ý thức hệ, bảo vệ thẩm quyền của Liên Hợp quốc và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Xem thêm:
Nhân dân Nhật báo ngày 21/2/2021: 坚定维护和践行多边主义 坚持推动构建人类命运共同体
Tập Cận Bình muốn thúc đẩy hợp tác với Tổng thống Pháp Macron
Trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị Trung Quốc và Pháp tích cực thúc đẩy tiến bộ trong các lãnh vực hợp tác thiết thực như năng lượng, hàng không, và các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, đồng thời thúc đẩy các động lực mới cho hợp tác song phương.
Ông Tập chú ý đến việc ông Macron kêu gọi Liên hiệp châu Âu (EU) cần có độc lập chiến lược, và tỏ ý ủng hộ lời kêu gọi. Ông nói rằng Trung Quốc tin rằng một châu Âu mạnh hơn có lợi cho một thế giới đa cực, và sẽ giúp thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và EU để cùng giải quyết các thách thức toàn cầu.
Như đã đề cập trong Bản Tin Biển Đông Số 51, Tổng thống Pháp không mặn mà với ý tưởng hình thành khối thống nhất EU – Mỹ chống Trung Quốc, mà theo ông sẽ có khả năng dẫn tới xung đột.
Mặt khác, Pháp là một trong những nước đã cùng với các nước phương Tây khác là Mỹ, Úc, Đức, Canada và Nhật đưa tàu tới Biển Đông nhằm “khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy tắc duy nhất có hiệu lực” ở bất kỳ vùng biển nào. Pháp cũng cùng với Anh và Đức đệ trình Liên Hợp quốc bày tỏ lập trường phản đối một số yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông mà có thể ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 26/2/2021: Xi eyes new driving forces for China-France cooperation
VOA ngày 22/2/2021: Western Countries Send Ships to South China Sea in Pushback Against Beijing
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 17/9/2020: Lập Trường Chung Của Pháp, Đức, Anh Về Biển Đông.
Trung Quốc bắt đầu cuộc tập trận kéo dài một tháng
Ngày 1/3/2021, Trung Quốc bắt đầu cuộc diễn tập kéo dài một tháng tại khu vực có bán kính khoảng 5km về phía tây bán đảo Lôi Châu nhằm xây dựng quân đội Trung Quốc đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh hiện đại trong bối cảnh Mỹ và các nước tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Thông báo phát đi bởi Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc cảnh báo rằng các tàu khác không nên đi vào khu vực này trong tháng 3.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố ngày 1/3: “Chúng ta sẽ không để mất một tấc đất nào do tổ tiên để lại cho chúng ta”. “Chúng tôi quyết tâm duy trì hòa bình và ổn định của Biển Đông. Chúng tôi phản đối bất kỳ quốc gia nào tạo ra căng thẳng và tăng cường hiện diện quân sự dưới danh nghĩa tự do hàng hải”.
Ngoài cuộc tập trận gần khu vực bán đảo Lôi Châu, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, Bộ Tư lệnh 3 quân khu miền Bắc, miền Đông và miền Nam đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung ở biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông trong những ngày vừa qua.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 1/3/2021: South China Sea: PLA starts month-long drill in push to modernise soldiers while resisting US operations
V- QUAN HỆ TRUNG – MỸ
Trung Quốc kêu gọi thiết lập lại quan hệ, Hoa Kỳ nói Bắc Kinh vẫn lảng tránh trách nhiệm
Hôm thứ Hai ngày 22/2/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng mở lại đối thoại nhằm cải thiện quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên ông kêu gọi Washington tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, ngừng “bôi nhọ” Đảng Cộng sản cầm quyền, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Bắc Kinh và ngừng “thông đồng” với các lực lượng ly khai đòi độc lập của Đài Loan. Ông cũng kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc và từ bỏ điều mà ông cho là sự đàn áp phi lý đối với lãnh vực công nghệ của Trung Quốc.
Đáp lại, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói với các phóng viên rằng những bình luận của Vương Nghị phản ánh xu hướng của Bắc Kinh tiếp tục lảng tránh không nhận lỗi về các hoạt động kinh tế mang tính săn mồi, thiếu minh bạch, không tôn trọng các thỏa thuận quốc tế và đàn áp quyền con người có tính phổ quát.
Phía Trung Quốc sau đó vẫn một mực bác bỏ cáo buộc của Price. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói rằng: “Về những cáo buộc của Mỹ, chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình, trình bày sự thật và dữ liệu. Bất cứ ai không thiên vị Trung Quốc đều có thể đưa ra kết luận khách quan và công bằng.”
Xem thêm:
Reuters ngày 22/2/2021: China calls for a reset, but U.S. says Beijing trying to ‘avert blame’
Global Times ngày 23/2/2021: Chinese FM refutes ‘avert blame’ accusations by US State Dept, urges constructive dialogue
Ứng cử Đại diện Thương mại Mỹ nói Trung Quốc phải thực hiện Hiệp định thương mại giai đoạn 1
Bà Katherine Tai (Đới Kỳ), ứng cử viên của Tổng thống Joe Biden cho vị trí Đại diện thương mại Mỹ, đã xác nhận Trung Quốc “cần thực hiện” các cam kết trong hiệp định thương mại với Hoa Kỳ trong phiên điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ. Đây là tín hiệu cho thấy chính quyền mới có kế hoạch tiếp tục xây dựng thỏa thuận chính phủ tiền nhiệm đã đạt được thay vì hủy bỏ nó.
Bà Tai thừa nhận rằng các cựu quan chức trước đây đã cố gắng đạt được những thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế Trung Quốc và gặp phải những trở ngại, đồng thời cho rằng chính quyền Biden cần phải “khám phá tất cả các lựa chọn”.
Nhưng bà Tai không đưa ra nhiều chi tiết cho kế hoạch buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm.
Quan điểm của bà Tai là Trung Quốc đồng thời vừa là một đối thủ vừa là một đối tác thương mại, một đối thủ vượt trội mà Mỹ vẫn cần hợp tác để giải quyết một số thách thức toàn cầu nhất định.
Khi được hỏi về quan điểm của Trung Quốc trước những phát biểu của bà Tai tại phiên điều trần, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng “quan hệ kinh tế thương mại Trung – Mỹ về bản chất là hai bên cùng có lợi. Các vấn đề xảy ra trong thương mại cần được giải quyết hợp lý trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và tham vấn bình đẳng. Chúng tôi kiên quyết phản đối những cáo buộc vô căn cứ chống lại và thậm chí là bêu xấu các hoạt động kinh tế và thương mại bình thường của Trung Quốc.”
Xem thêm:
Office of the United States Trade Representative ngày 24/2/2021: Opening Statement of Ambassador-designate Katherine Tai Before the Senate Finance Committee
Bloomberg ngày 25/2/2021: Biden Trade Pick Says China Must Deliver on Phase-One Pact. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 25/2/2021: Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian’s Regular Press Conference on February 25, 2021
Trung Quốc là một trong bốn ưu tiên hàng đầu của ứng cử viên giám đốc cơ quan tình báo Trung ương Mỹ
Ứng cử viên của Tổng thống Joe Biden cho vị trí Giám đốc Cục tình báo trung ương (CIA), William Burns, đã nói với Ủy ban tình báo Thượng viện hôm thứ Tư rằng một trong bốn ưu tiên hàng đầu của ông là chống lại sự lãnh đạo đối nghịch và cưỡng bách của Bắc Kinh, bằng cách tăng cường tập trung và củng cố kiến thức chuyên môn về Trung Quốc.
Bốn ưu tiên hàng đầu của Burns là “người dân, quan hệ đối tác, Trung Quốc và công nghệ.”
Burns gọi Trung Quốc là “một kẻ thù đáng gờm, độc tài”, đang tăng cường khả năng đánh cắp tài sản trí tuệ, đàn áp người dân, mở rộng phạm vi tiếp cận và xây dựng ảnh hưởng trong nước Mỹ.
Burns nói rằng cạnh tranh với Trung Quốc không giống như cuộc cạnh tranh với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, vốn chủ yếu về an ninh và ý thức hệ. Đây là một đối thủ cực kỳ tham vọng về công nghệ và có khả năng về kinh tế. “Chúng ta phải thắt dây an toàn trong một chặng đường dài để cạnh tranh với Trung Quốc,” ông nói.
Xem thêm:
Politico ngày 24/2/2021: Biden’s CIA pick vows to focus on a rising China
Reuters ngày 24/2/2021: Biden CIA nominee Burns to focus on ‘authoritarian adversary’ China
The New York Times ngày 24/2/2021: Biden’s C.I.A. Pick Warns of China and Russia at Amicable Confirmation Hearing
Signal: Trung Quốc muốn có một khởi đầu mới với Mỹ. Liệu Biden có thể xây dựng một chiến lược đối ngoại mạch lạc?
Nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh cho biết đã đến lúc phải thiết lập lại quan hệ Mỹ – Trung sau 4 năm quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi nhanh chóng. Ngoại trưởng Vương Nghị hôm thứ Hai đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sâu rộng mà chính quyền Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc và nương tay cho các công ty công nghệ Trung Quốc mà Washington nhắm tới vì lo ngại an ninh quốc gia. Chính quyền Biden sẽ trả lời như thế nào trước lời đề nghị muốn hoà giải này? Đến giờ, phần lớn sự đồng thuận ở Washington là Trung Quốc nên được coi như một đối thủ. Điều đó có nghĩa là Biden không có khả năng tỏ ra yếu đuối. Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi cho đến thời điểm hiện tại, Biden đã giữ nguyên áp lực từ thời Trump đối với Trung Quốc. Nhưng đồng thời, ông muốn phân biệt cách tiếp cận của mình bằng cách nỗ lực hợp tác hiệu quả hơn với các đồng minh để gây áp lực với Trung Quốc về các vấn đề thương mại, chiến lược, công nghệ và nhân quyền. Hơn nữa, những thách thức toàn cầu trong bức tranh lớn như phục hồi kinh tế sau đại dịch và trên hết, vấn đề biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi sự hợp tác đáng kể với Bắc Kinh để thành công. Biden đang ở trong tình thế khó khăn – liệu ông có thể xây dựng một chiến lược đối ngoại mạch lạc không?
VI- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Trung Quốc tăng cường tàu và máy bay hỗ trợ hậu cần để vươn xa hơn
Báo cáo Cân bằng Quân sự 2021 (Military Balance 2021 report) của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London công bố ngày 25/2 vừa qua cho biết, Trung Quốc ngày càng tăng cường khả năng hậu cần cả trên không và trên biển trong nỗ lực trang bị vũ khí hiện đại nhằm đưa nước này trở thành siêu cường. Theo đó, các tàu hỗ trợ hạm đội của Trung Quốc hiện có số lượng 12 chiếc, tăng 7 chiếc so với năm 2015, trong khi đó số lượng máy bay vận tải hạng nặng Y-20 tăng lên đã giúp cho lực lượng không quân Trung Quốc tăng gấp đôi số lượng máy bay vận tải hạng nặng của mình trong bốn năm qua.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng duy trì một tiền đồn quân sự ở Djibouti (miền Đông châu Phi, án ngữ lối vào Biển Đỏ từ Ấn Độ Dương) với tham vọng phát triển sức mạnh ở Ấn Độ Dương. Nhà nghiên cứu Nick Childs của IISS cho biết, cơ sở hạ tầng được mở rộng trên đất liền cùng với những bước nhảy vọt về hậu cần hỗ trợ cho phép Trung Quốc triển khai ở tầm xa hơn với bước quan trọng tiếp theo là khả năng Trung Quốc triển khai nhóm tàu sân bay đến Ấn Độ Dương.
Xem thêm:
Defense News ngày 25/2/2021: New report flags Chinese push to field support ships, planes for greater reach
Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu thế giới về mức tăng chi tiêu cho quốc phòng năm 2020
Theo dữ liệu được công bố trong tuần qua của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (The International Institute for Strategic Studies) có trụ sở tại London, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia có chi tiêu cho quốc phòng tăng nhiều nhất trên thế giới trong năm 2020. Trong đó, Mỹ đứng đầu thế giới với 738 tỷ USD chiếm 40,3% tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Trong khi đó mặc dù không tăng mạnh như năm 2019 nhưng Trung Quốc cũng đã chi 193,3 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2020 nhiều hơn 12 tỷ USD (tăng 5,2%) so với năm 2019. Trong khi đó, chi tiêu quốc phòng của châu Âu chỉ tăng 2% trong năm 2020 so với 4,1% năm 2019. Cũng theo báo cáo này, tổng chi tiêu cho quốc phòng toàn cầu năm 2020 là 1,83 nghìn tỷ USD – tăng 3,9% so với số liệu năm 2019.
Xem thêm:
UPI ngày 25/2/2021: U.S., China lead world as military spending increases globally
VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Meia Nouwens et al. (2021) China’s Digital Silk Road – Integration into national IT infrastructure and wider implications for Western defence industries
Ngay cả khi Washington thành công trong việc ngăn các đồng minh và đối tác nhập khẩu thiết bị viễn thông của Huawei, đó chỉ là một trong nhiều cách Trung Quốc đang làm để thâm nhập vào nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của các quốc gia, tạo ra những sự phụ thuộc mà cuối cùng có thể làm suy yếu mối quan hệ giữa các nước này với Mỹ. Và nhiều quốc gia trong số này thậm chí không biết tất cả những cách thức khác nhau mà Bắc Kinh đang xây dựng ảnh hưởng, và không có kế hoạch đối đầu với thách thức này.
Báo cáo được xuất bản bởi Viện quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược đã xem xét chiến lược “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc, bao gồm đầu tư công nghệ, các thỏa thuận song phương hợp tác nghiên cứu, tài trợ cho sinh viên tìm hiểu về công nghệ Trung Quốc, cung cấp công nghệ an ninh đến các chế độ chuyên quyền, và hơn thế nữa. Các trường hợp cụ thể được xem xét là Indonesia, Hàn Quốc, Liên bang Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, Israel và Ba Lan, nhưng những vấn đề này liên quan đến hầu hết các quốc gia.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
VIII- DIỄN TIẾN TRANH CHẤP QUẦN ĐẢO CHAGOS
Trước khi Mauritius giành được độc lập vào năm 1968 từ Vương quốc Anh, năm 1965, Vương quốc Anh đã tách Quần đảo Chagos khỏi Mauritius. Những năm sau đó, Vương Quốc Anh đã cưỡng chế tái định cư hàng ngàn cư dân từ các đảo thuộc quần đảo này. Vương quốc Anh cũng cho Hoa Kỳ thuê hòn đảo lớn nhất của quần đảo, Diego Garcia, nhằm thiết lập một căn cứ quân sự như một tài sản chiến lược ở Ấn Độ Dương. Mauritius đã liên tục đòi lại Quần đảo Chagos, và cho rằng quốc gia mình bị cưỡng chế từ bỏ quần đảo, đồng thời việc tách quần đảo khỏi thuộc địa cũ của Anh là vi phạm một số nghị quyết của Liên hợp quốc về phi thực dân hóa, bao gồm Nghị quyết 1514 (1960), trong đó cấm việc chia cắt các thuộc địa trước khi độc lập. Anh từ chối giải quyết tranh chấp tại Tòa án quốc tế.
Các diễn biến pháp lý trong quá trình Mauritius đấu tranh giành chủ quyền quần đảo có thể để lại những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, một quốc gia có hoàn cảnh tương tự như Mauritius, bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền và nắm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa. Cũng giống như Anh, Trung Quốc từ chối giải quyết tranh chấp tại Tòa.
Với suy nghĩ đó, từ năm 2017, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã khởi động quá trình theo dõi và nghiên cứu diễn tiến tranh chấp chủ quyền Quần đảo Chagos với ấn phẩm đầu tiên là bản thảo phân tích việc Mauritius đưa tranh chấp ra cơ chế tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế. Bản Tin Biển Đông sẽ tiếp tục cập nhật diễn tiến câu chuyện.
Năm 2017, Mauritius đã thành công trong việc vận động Đại hội đồng Liên hợp Quốc ban hành nghị quyết yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra ý kiến tư vấn về hai câu hỏi liên quan đến hậu quả pháp lý của việc tách quần đảo Chagos khỏi Mauritius vào năm 1965.
Năm 2018, Việt Nam đã bày tỏ lập trường ủng hộ việc Mauritius sử dụng cơ chế tư vấn để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Vào năm 2019, ICJ nhận thấy rằng quá trình phi thực dân hóa của Mauritius đã không được tiến hành một cách hợp pháp và yêu cầu Anh chấm dứt việc quản lý quần đảo này nhanh nhất có thể. Sau ý kiến tư vấn, Đại hội đồng yêu cầu Vương quốc Anh rút chính quyền thuộc địa của mình khỏi quần đảo trong vòng sáu tháng, tạo điều kiện cho Mauritius hoàn thành việc phi thực dân hóa lãnh thổ của mình.
Xem thêm:
Trần Hữu Duy Minh (2018) Ranh giới giữa chức năng giải quyết tranh chấp và cho ý kiến tư vấn của Toà ICJ
ICJ (2019) Legal consequences of the separation of the Chagos Archipelago from Mauritius in 1965
Toà án Quốc tế về Luật Biển xác nhận chủ quyền của Mauritius đối với quần đảo Chagos
Vào ngày 28/1/2021, trong Phán quyết về Các phản đối sơ bộ trong tranh chấp liên quan đến Vụ phân định ranh giới biển giữa Mauritius và Maldives ở Ấn Độ Dương, Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đã bác bỏ những phản đối của Maldives đối với thẩm quyền của Tòa. Một trong những lập luận Maldives đưa ra để thách thức thẩm quyền của Tòa là (1) Vương quốc Anh là bên thứ ba không thể thiếu trong tranh chấp và (2) chủ quyền đối với Quần đảo Chagos đang bị tranh chấp.
Dựa trên những quyết định pháp lý quốc tế trước đây, trong đó có ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý Quốc tế năm 2019, Toà án Quốc tế về Luật Biển đã kết luận rằng rằng (1) Anh không có đủ lợi ích hợp pháp với Quần đảo Chagos và (2) Mauritius là một bên liên quan của quá trình phân định ranh giới biển liên quan đến Quần đảo Chagos. Qua những kết luận này, Toà gián tiếp xác nhận Mauritius là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo.
Xem thêm:
Library of Congress ngày 23/2/2021: International: International Tribunal for the Law of the Sea Confirms Sovereignty of Mauritius over Chagos Archipelago
Blake Herzinger: Sức mạnh của hành động thực tế: Sự hiện diện của nước Mỹ ở Diego Garcia
Mặc dù Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Quốc tế về Luật Biển lần lượt tuyên bố Anh không có chủ quyền đối với quần đảo Chagos, Anh vẫn chưa từ bỏ yêu sách chủ quyền của mình đối với các đảo này. Đồng thời, Hoa Kỳ cũng không có khuynh hướng cho thấy quốc gia này sẽ từ bỏ vị trí chiến lược của mình ở Ấn Độ Dương. Cả hai quốc gia này đều lo sợ những hậu quả tiềm ẩn của việc nhường lại quyền kiểm soát đối với đảo Chagos và những thay đổi bất thường có thể đuổi họ rời khỏi những căn cứ không quân tại đây.
Không thể phủ nhận rằng, việc trao trả lại quần đảo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, chính phủ Mauritius có thể không chào đón Hoa Kỳ, và kết thúc hợp đồng thuê đảo. Chính phủ Mauritius đã tìm cách xoa dịu những lo ngại của Hoa Kỳ qua hai lần đề nghị cho Hoa Kỳ thuê đất với thời hạn lên đến 99 năm, nếu quốc gia này giành lại quyền kiểm soát đối với quần đảo. Đại sứ Mauritius tại Liên hợp quốc nói rõ việc ủng hộ sự hiện diện tiếp tục của Hoa Kỳ tại Diego Garcia, cũng như ảnh hưởng của Hoa Kỳ đến sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương. Thủ tướng Mauritius đưa ra những đảm bảo của riêng mình rằng “Sự kết thúc quyền cai quản của Vương quốc Anh không có liên quan đến căn cứ quân sự Hoa Kỳ tại Diego Garcia, Mauritius cam kết vẫn tiếp tục duy trì.” Do đó, chính quyền Biden có cơ hội để tháo gỡ căng thẳng giữa lợi ích chiến lược và tuyên bố ủng hộ một trật tự dựa trên quy tắc.
Nỗ lực biện minh cho việc Anh tiếp tục kiểm soát Quần đảo Chagos giống như phá hủy trật tự dựa trên luật lệ và củng cố tầm nhìn của Trung Quốc về thế giới mà sức mạnh chiến thắng lẽ phải, những người yếu thế gánh chịu những gì họ phải gánh chịu.
Xem thêm:
The Interpreter ngày 15/2/2021: The power of example: America’s presence in Diego Garcia
Benjamin Herscovitch: Sự im lặng của Úc đối với tranh chấp Chagos không giúp ích được gì
Sự im lặng của Úc trước việc Anh và Hoa Kỳ phớt lờ các phán quyết pháp lý quốc tế liên quan đến quần đảo Chagos sẽ là tiền lệ xấu cho những động thái tiêu cực của Trung Quốc ở khu vực. Đặc biệt, có nguy cơ làm phá vỡ trật tự hoạt động của cộng động quốc tế dựa trên hệ thống các quy tắc pháp lý.
Úc bảo vệ các trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc có tính đến các lợi ích của chính quốc gia Úc. Sách Trắng về Chính sách Đối ngoại năm 2017 của Úc nêu rõ: “Chúng tôi sẽ hành động trên nguyên tắc rằng Úc sẽ an toàn và thịnh vượng hơn trong một trật tự toàn cầu mà các nguyên tắc đã được thống nhất thay vì chỉ dựa trên việc thể hiện quyền lực.” Tuy nhiên, trong trường hợp phi thực dân hóa Quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương, Úc dường như đã bỏ qua lợi ích của mình trong việc bảo vệ các quy tắc và luật lệ quản lý toàn cầu. Cụ thể, Úc đã cùng với 5 quốc gia khác bỏ phiếu chống lại nghị quyết (vào tháng 5/2019) của Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi phi thực dân hóa đối với quần đảo này. Úc cũng giữ im lặng trước phán quyết do Tòa án Quốc tế về Luật Biển đưa ra với nội dung ủng hộ ý kiến tư vấn trước đó của Tòa án Công lý Quốc tế.
Động thái này của Úc đã suy yếu nỗ lực của chính quốc gia này trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế. Úc dường như ngầm tán thành việc các cường quốc cố ý phớt lờ luật pháp quốc tế nhưng lại đồng thời kêu gọi các quốc gia khác tôn trọng. Việc áp dụng một tiêu chuẩn kép như vậy sẽ làm suy yếu nỗ lực của Úc nhằm đảm bảo cho Trung Quốc và các quốc gia khác tuân theo các quy tắc của luật pháp quốc tế.
Xem thêm:
The Interpreter ngày 25/2/2021: Australia’s silence on Chagos dispute doesn’t help
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.