Bản Tin Biển Đông Số 45

(Tuần từ 16/11 – 22/11/2020)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức TâmTrần Phạm Bình Minh

Biên tập: Nguyễn Trịnh Đôn

Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Ngày 18 và 21/11/2020, Hải cảnh 5204 thực hiện 02 lần tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại Lô 06.1 và Lô 05.2 tương ứng với các lần tiếp cận thứ 27 và 28. Khoảng cách gần nhất đến giàn khai thác tại mỏ khí Lan Tây (Lô 06.1) lần lượt là hơn 4 hải lý (ngày 18/11/2020) và hơn 2 hải lý (ngày 21/11/2020); đến giếng 05-2-NT-1RX (Lô 05.2) là hơn 3 hải lý (ngày 21/11/2020). Ảnh: Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

———-

Theo đề nghị của các nhà nghiên cứu, bắt đầu từ tuần này, chúng tôi thử nghiệm đăng trọn vẹn nội dung bản tin trên website để tiện cho việc tra cứu. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về sukybiendong@gmail.com hoặc để lại trong phần bình luận dưới bản tin.

Tải bản PDF ở

———-

MỤC LỤC

I- DIỄN ĐÀN HỢP TÁC KINH TẾ CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG

II- TOÀN VĂN DỰ THẢO LUẬT HẢI CẢNH TRUNG QUỐC

III- KẾ HOẠCH NĂM NĂM LẦN THỨ 14 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035 CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

V- QUAN HỆ MỸ – TRUNG

VI- QUAN HỆ TRUNG – ÚC

VII- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

VIII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

IX- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU HỌC THUẬT

———-

I- DIỄN ĐÀN HỢP TÁC KINH TẾ CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG

Được thành lập vào năm 1989, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được coi là nền tảng thảo luận về thương mại và hợp tác kinh tế của các quốc gia tiếp giáp Thái Bình Dương, chiếm 48% tỷ trọng thương mại thế giới và 60% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Các nước và lãnh thổ thành viên APEC bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

Từ ngày 11 đến 20/11/2020, Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 27 diễn ra dưới hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Malaysia. Trong số các hoạt động của Tuần lễ này, sự kiện quan trọng nhất là Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO APEC) ngày 19/11 và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 27 vào ngày 20/11/2020, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cao nhất của mỗi quốc gia.

Tại hội thảo lần này, các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ thảo luận về các mục tiêu phát triển mới trong 20 năm tới, thay thế mục tiêu Bogor được đặt theo tên một thị trấn ở Indonesia nơi các lãnh đạo đồng ý vào năm 1994 cam kết tự do và mở cửa thương mại và đầu tư.

Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đối thoại CEO APEC

Tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC ngày 19/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu với tựa đề truyền tải thông điệp quen thuộc: “Thúc đẩy một mô hình phát triển mới & theo đuổi lợi ích chung và hợp tác đôi bên cùng có lợi”.

Bài phát biểu cho biết tại Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cân nhắc và thông qua các khuyến nghị để xây dựng Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc. Theo các khuyến nghị, Trung Quốc sẽ hoàn thành việc xây dựng một xã hội thịnh vượng tầm trung về mọi mặt trong khung thời gian đã định. Từ năm sau, Trung Quốc sẽ bước vào một hành trình mới hướng tới xây dựng hoàn toàn một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, và áp dụng triết lý phát triển mới. Trung Quốc sẽ thúc đẩy một mô hình phát triển mới với lưu thông trong nước là trụ cột và lưu thông trong nước và quốc tế củng cố lẫn nhau. Mô hình phát triển mới là một quyết định chiến lược của Trung Quốc dựa trên giai đoạn và điều kiện phát triển hiện tại của Trung Quốc và có cân nhắc đầy đủ đến toàn cầu hóa kinh tế và những thay đổi của môi trường bên ngoài.

Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, thông qua đàm phán, các hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao với nhiều quốc gia hơn, và tích cực tham gia vào các cơ chế song phương, đa phương và khu vực về hợp tác thương mại và đầu tư. Mục đích là xây dựng một nền kinh tế mở tiêu chuẩn cao hơn ở Trung Quốc. Ông Tập kêu gọi các nước thành viên APEC đi theo xu hướng thị trường, nắm bắt các cơ hội do toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập kinh tế khu vực tạo ra và trở thành những quốc gia tiên phong thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. 

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 19/11/2020: 习近平在亚太经合组织工商领导人对话会上的主旨演讲(全文)

Ông Tập nói sẽ ‘tích cực cân nhắc’ tham gia CPTPP

Tại hội nghị trực tuyến ngày 20/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ “tích cực cân nhắc gia nhập Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP), báo hiệu kế hoạch của Trung Quốc về việc đóng vai trò kinh tế lớn hơn trong khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc nói khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy thương mại tự do và đầu tư. Trước ông Tập, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong hôm 19/11 cho biết nước này sẽ có “thái độ cởi mở và tích cực” đối với ý tưởng gia nhập CPTPP.

Xem thêm:

VnExpress ngày 20/11/2020: Ông Tập nói sẽ ‘tích cực cân nhắc’ tham gia CPTPP

South China Morning Post ngày 21/11/2020: China may join trade pact that replaced Trans-Pacific Partnership, Xi Jinping tells Apec

Tổng thống Donald Trump lần đầu tiên tham dự APEC kể từ năm 2017

Cuối tuần trước, các quan chức Mỹ cho biết, họ vẫn đang xác định ai sẽ đại diện cho đất nước tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo. Tổng thống Trump tham dự Hội nghị cấp cao APEC tại Việt Nam năm 2017, nhưng đã cử Phó Tổng thống Mike Pence đến Papua New Guinea năm 2018.

Ông Trump cũng đã không tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, và hôm thứ Sáu đã không phát biểu tại cuộc họp APEC CEO như dự kiến.

Bởi vậy, theo ABC News, sự tham gia của ông Trump vào diễn đàn trực tuyến APEC gây bất ngờ khi ông đang thách thức kết quả cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, mà ông Joe Biden được nhiều hãng truyền thông dự đoán là người giành chiến thắng.

Nhà Trắng cho biết trong bài phát biểu, tổng thống Mỹ “tái khẳng định cam kết của Mỹ trong tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 cũng như thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ”.

Các nhà lãnh đạo tham dự diễn đàn, bao gồm Tổng thống Trump, đã cam kết nỗ lực hướng tới thương mại và đầu tư tự do, cởi mở và không phân biệt đối xử để hồi sinh nền kinh tế bị tấn công bởi đại dịch COVID-19.

Xem thêm:

ABC News ngày 20/11/2020: APEC leaders, including Trump, begin virtual meeting

BBC Tiếng Việt ngày 21/11/2020: Tổng thống Donald Trump ‘bất ngờ tham dự’ APEC 2020

The Economic Times ngày 21/11/2020: APEC leaders, including Donald Trump, agree on free trade

Tuổi Trẻ Online ngày 21/11/2020: Ông Trump bất ngờ phát biểu tại diễn đàn APEC trực tuyến

Tuyên bố Kuala Lumpur 2020

Kết thúc Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á-Thái Bình Dương, một bản tuyên bố đã được đưa ra trong đó cho biết Tầm nhìn APEC 2040 là một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hoà bình vào năm 2049, vì thịnh vượng của toàn thể người dân và các thế hệ mai sau. Các quan chức cấp cao các nước sẽ hoàn thành kế hoạch thực hiện toàn diện để các nhà lãnh đạo xem xét vào năm 2021.

Đây là lần đầu tiên diễn đàn có thể đưa ra được tuyên bố chung kể từ năm 2017.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 20/11/2020: 2020 Kuala Lumpur Declaration

———-

II- TOÀN VĂN DỰ THẢO LUẬT HẢI CẢNH TRUNG QUỐC

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 4/11/2020, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc công bố dự thảo Luật Hải cảnh Trung Quốc do Quân uỷ Trung ương Trung Quốc soạn thảo và đệ trình. Bản dự thảo được đăng trực tuyến để lấy ý kiến của công luận cho tới ngày 3/12/2020, và dự kiến được thông qua trong các kỳ họp tương lai. 

Dự thảo luật mới trao nhiều quyền hạn (ví dụ như quyền sử dụng vũ khí, phá huỷ các công trình “bất hợp pháp” của nước ngoài) cũng như nghĩa vụ (ví dụ như bảo vệ các đảo, khai thác sử dụng các hòn đảo không người) cho lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc trong vùng biển mà Trung Quốc coi là thuộc quyền tài phán của mình. Những vùng biển mà Trung Quốc yêu sách quyền tài phán ở Biển Đông bao phủ phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. 

Toàn văn dự thảo đã được các thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tổ chức thực hiện dịch sang tiếng Việt.

Xem thêm:

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 23/11/2020: Toàn văn Dự thảo Luật Hải cảnh Trung Quốc

———–

III- KẾ HOẠCH NĂM NĂM LẦN THỨ 14 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035 CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC

Phó Thủ tướng thứ nhất Hàn Chính đưa ra suy nghĩ về Tầm nhìn đến năm 2035 của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Bài viết vẫn chỉ đề cập đến những vấn đề mà Đảng cộng sản Trung Quốc hy vọng sẽ giải quyết được vào năm 2035, vốn không còn xa lạ với những người theo dõi tình hình Trung Quốc. Điểm đáng chú ý trong bài viết là những thách thức mà lãnh vực công nghệ phải đối mặt. Đó là:

– Năng lực đổi mới không đáp ứng được yêu cầu về phát triển chất lượng cao.

– Nhiều lĩnh vực, như chip và các thành phần cơ bản, đang phải đối mặt với các ‘điểm nghẽn”.

– Trong những lĩnh vực mà sự phát triển công nghệ đang phải đối mặt với áp lực và ràng buộc bên ngoài, nhu cầu tăng tốc độ đổi mới có tính cấp thiết.

Ông Hàn cũng nhấn mạnh tăng trưởng chất lượng hơn tăng trưởng số lượng, phải thực hiện chuyển đổi từ phát triển kinh tế dựa trên quy mô sang dựa trên cải tiến chất lượng và hiệu quả, từ nền kinh tế lớn sang nền kinh tế mạnh.

Xem thêm:

Chính phủ Trung Quốc ngày 19/11/2020: 韩正:到二〇三五年基本实现社会主义现代化远景目标

———-

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng với Nhóm Ngũ nhãn: nếu dám xâm hại lợi ích của Trung Quốc, có thể sẽ bị móc mù mắt

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 19/11/2020, một phóng viên hỏi liên quan đến tuyên bố của Liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes): “Bộ trưởng ngoại giao của Hoa Kỳ, Úc, Canada, New Zealand và Anh đã ra tuyên bố chung yêu cầu chính phủ Trung Quốc xem xét lại các hành động chống lại các nhà lập pháp Hồng Kông và ngay lập tức khôi phục tư cách thành viên liên quan. Trung Quốc phản ứng như thế nào về điều này?”

Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nói: “Người Trung Quốc không bao giờ gây rắc rối, và chúng tôi cũng không sợ rắc rối. Bất kể họ có ‘năm mắt’ hay ‘mười mắt’, chỉ cần họ dám xâm hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc thì họ nên coi chừng, nếu không sẽ bị móc mù mắt”.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 18/11/2020: Joint Statement on Hong Kong

Bộ Ngoại giao Trung Quốc: 2020年11月19日外交部发言人赵立坚主持例行记者会 — 中华人民共和国外交部

Bộ Thương mại Trung Quốc: Trung Quốc tăng tốc đàm phán hiệp ước đầu tư với EU

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, Trung Quốc đang đẩy nhanh các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về hiệp ước đầu tư Trung Quốc-EU. Hai bên hiện đang tiến hành vòng đàm phán thứ 34, hoặc vòng đàm phán chính thức thứ chín trong năm nay.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 19/11/2020: China speeds up investment treaty negotiations with EU: commerce ministry

Các chiến dịch tấn công vào hệ thống máy tính các công ty trên toàn thế giới có thể do Trung Quốc tài trợ

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một chiến dịch tấn công quy mô lớn sử dụng các công cụ và kỹ thuật tinh vi để xâm phạm hệ thống mạng của các công ty trên khắp thế giới.

Các tin tặc, rất có thể đến từ một nhóm nổi tiếng được chính phủ Trung Quốc tài trợ, được trang bị cả các công cụ có sẵn và công cụ tùy chỉnh. Một công cụ như vậy khai thác Zerologon, tên được đặt cho lỗ hổng máy chủ Windows, được vá vào tháng 8, có thể cấp cho kẻ tấn công đặc quyền quản trị viên tức thì trên các hệ thống dễ bị tấn công.

Xem thêm:

Ars Technica ngày 19/11/2020: Massive, China-state-funded hack hits companies around the world, report says

Tàu Trung Quốc di chuyển bất thường ngoài khơi quần đảo Senkaku

Dữ liệu do Đài phát thanh truyền hình Nhật Bản (NHK) thu được cho thấy các tàu tuần tra Trung Quốc đã nhiều lần di chuyển phức tạp ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Senkaku thuộc tỉnh Okinawa, buộc các tàu tuần duyên Nhật Bản phải đối phó với nhiều khó khăn hơn. Các nguồn tin thân cận với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cũng cho NHK biết các tàu Nhật Bản gần đây thường phải đối phó với tàu Trung Quốc đồng thời ở nhiều nơi. Các tàu Trung Quốc đang có những động thái khó lường, như thể đang thử thách và thăm dò phản ứng của Nhật Bản.

Xem thêm:

NHK World – Japan ngày 19/11/2020: China ships making complicated moves off Senkakus

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm Nhật Bản và Hàn Quốc

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Vương Nghị, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sẽ thăm Nhật Bản từ ngày 24 đến ngày 25/11 để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật-Trung với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu vào ngày 24/11/2020. 

Sau chuyến thăm hai ngày tới Nhật Bản, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ tới Seoul hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha trong một chuyến thăm ba ngày. “Các bộ trưởng sẽ thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm, bao gồm quan hệ song phương về trao đổi và hợp tác cấp cao trong cuộc chiến chống COVID-19; tình hình trên Bán đảo Triều Tiên; và các vấn đề khu vực và quốc tế khác”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một thông cáo.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 20/11/2020: H.E. Mr. Wang Yi, State Councilor and Foreign Minister of the People’s Republic of China, to Visit Japan

Yonhap News ngày 20/11/2020: Foreign ministers of S. Korea, China to hold talks in Seoul next week

———-

V- QUAN HỆ MỸ – TRUNG

Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo “Các yếu tố của Thách thức Trung Quốc”

Ngày 17/11/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo “Các yếu tố của thách thức Trung Quốc” (“The Elements of the China Challenge”) được thực hiện bởi chuyên viên hoạch định chính sách của Văn phòng Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó tóm tắt hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phân tích nguồn gốc tư tưởng đằng sau hành vi đó và những lỗ hổng mà chế độ Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt, và đưa ra đề xuất về cách Hoa Kỳ nên ứng phó với những thách thức từ Trung Quốc.

Báo cáo nói rằng “nhận thức ngày càng tăng ở Hoa Kỳ – và ở các quốc gia trên thế giới – rằng ĐCSTQ đã kích hoạt một kỷ nguyên mới về cạnh tranh quyền lực lớn. Tuy nhiên, rất ít người nhận thức được mô hình xâm nhập của Trung Quốc trong mọi khu vực trên thế giới, và còn ít hơn số người nhận thức được hình thức thống trị cụ thể mà đảng mong muốn.”

Bản báo cáo mô tả chế độ Cộng sản Trung Quốc “được mô phỏng theo chế độ độc tài theo chủ nghĩa Mác-Lênin trong thế kỷ 20”.

Báo cáo bao gồm năm phần: Thách thức Trung Quốc, Hành vi của Trung Quốc, Tư tưởng đằng sau ứng xử của Trung Quốc, Các lỗ hổng của Trung Quốc, và Bảo vệ Tự do.

Báo cáo cho biết, “ĐCSTQ không chỉ nhắm vào tính ưu việt trong trật tự thế giới đã được thiết lập – một trật tự dựa trên các quốc gia tự do và có chủ quyền, xuất phát từ các nguyên tắc phổ quát mà dựa trên đó nước Mỹ được thành lập, và thúc đẩy lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ – mà còn điều chỉnh lại trật tự thế giới một cách căn bản, đặt Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) vào vị trí trung tâm và phục vụ các mục tiêu độc tài và tham vọng bá quyền của Bắc Kinh .”

Báo cáo kết luận rằng “việc đối mặt với thách thức Trung Quốc đòi hỏi Hoa Kỳ phải quay trở lại các nguyên tắc cơ bản. Để bảo đảm tự do, Mỹ phải cải tiến chính sách đối ngoại của mình theo mười nhiệm vụ.”

Mười nhiệm vụ bao gồm:

1. Đảm bảo quyền tự do trước hết ở Mỹ bằng cách duy trì chính phủ hợp hiến, thúc đẩy thịnh vượng và thúc đẩy một xã hội dân sự vững mạnh.

2. Duy trì quân đội mạnh nhất, nhanh nhẹn và công nghệ tinh vi nhất thế giới đồng thời tăng cường hợp tác an ninh. 

3. Củng cố trật tự quốc tế mở, tự do và dựa trên luật lệ mà nước Mỹ đã dẫn đầu trong việc tạo ra sau Thế chiến thứ hai.”

4. Đánh giá lại hệ thống liên minh và toàn cảnh các tổ chức quốc tế.

5. Tăng cường hệ thống liên minh bằng cách chia sẻ trách nhiệm với bạn bè và đối tác một cách hiệu quả hơn và bằng cách thành lập nhiều nhóm và liên minh khác nhau để giải quyết các mối đe dọa cụ thể đối với tự do.

6. Thúc đẩy lợi ích của Mỹ bằng cách tìm kiếm cơ hội hợp tác với Bắc Kinh, tuân theo các tiêu chuẩn công bằng và có đi có lại.

7. Giáo dục công dân Mỹ về phạm vi và tác động của thách thức Trung Quốc.

8. Đào tạo một thế hệ công chức mới – về ngoại giao, quân sự, tài chính, kinh tế, khoa học và công nghệ và các lĩnh vực khác – và các nhà tư tưởng chính sách công không chỉ thông thạo tiếng Trung mà còn có kiến ​​thức sâu rộng về văn hóa và lịch sử của Trung Quốc.

9. Cải cách nền giáo dục Hoa Kỳ, trang bị cho sinh viên gánh vác trách nhiệm lâu dài của quyền công dân trong một xã hội tự do và dân chủ bằng cách hiểu di sản tự do của Hoa Kỳ.

10. Nêu gương các nguyên tắc tự do; các bài phát biểu; sáng kiến ​​giáo dục; và ngoại giao công chúng.

Một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ nói với Axios: “Trong khi đại dịch đã mở mắt cho thế giới về thách thức Trung Quốc, nhiều người ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác vẫn không đánh giá cao quyết tâm của ĐCSTQ trong việc lập lại trật tự thế giới nhằm đạt được vị thế thượng đẳng trên toàn cầu”.

Toàn văn báo cáo:

U.S. Office of the Secretary of State (2020) The Elements of the China Challenge

Phản ứng của Trung Quốc

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều ngày 19/11/2020, người phát ngôn Triệu Lập Kiên nói rằng: “Văn kiện này chỉ là thêm một tập hợp những lời dối trá chống Trung Quốc do một số ‘hóa thạch sống Chiến tranh Lạnh’ của Bộ Ngoại giao Mỹ ngụy tạo. Tài liệu đã phơi bày đầy đủ tư duy Chiến tranh Lạnh thâm căn cố đế và định kiến ​​ý thức hệ của một số người ở Mỹ, đồng thời thể hiện nỗi sợ hãi, lo lắng và tâm lý không lành mạnh của họ trước sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc. Âm mưu thâm độc tái khởi động Chiến tranh Lạnh của họ tất sẽ bị nhân dân Trung Quốc và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới từ chối không thương tiếc. Họ và những nỗ lực của họ sẽ chẳng đi đến đâu ngoài cái thùng rác của lịch sử.”

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Trung Quốc: Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian’s Regular Press Conference on November 19, 2020

Phân tích

Báo cáo, theo Axios, lấy cảm hứng từ một bài báo có ảnh hưởng được xuất bản năm 1947 bởi người sáng lập nhóm hoạch định chính sách, nhà ngoại giao Hoa Kỳ George Kennan. Trong bài báo, ông đưa ra ý tưởng ngăn chặn như một chiến lược để đối phó với Liên Xô.

Theo Bethany Allen-Ebrahimian, báo cáo đã không trình bày chủ nghĩa đơn phương vốn đã trở thành đặc trưng trong một số yếu tố trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Báo cáo duy trì các chủ trương bảo thủ, bao gồm cả việc nhấn mạnh vào tự do kinh tế và quân đội mạnh.

Chính quyền Trump kết luận rằng hành vi kiên quyết và các mục tiêu tự nhận của ĐCSTQ đòi hỏi Hoa Kỳ và các quốc gia khác xem xét lại các giả định và phát triển một học thuyết chiến lược mới để giải quyết thách thức Trung Quốc.

Theo Rush Doshi đến từ Viện Brookings ở Mỹ, báo cáo tập trung vào tư tưởng của Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào đến hành vi của họ. Điều này hiếm khi được đề cập trong các tài liệu của chính phủ Mỹ trước đây và có thể trở thành tài liệu tham khảo cho các cuộc thảo luận chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng ông cho rằng báo cáo đã bỏ qua một số hạng mục then chốt, chẳng hạn như chính sách công nghiệp của các đồng minh, quy trình dữ liệu xuyên biên giới và liên minh công nghệ mới.

Xem thêm:

George F. Kennan (1947) The Sources of Soviet Conduct

Axios ngày 17/11/2020: Scoop: State Department to release Kennan-style paper on China

Nhà Trắng tiếp tục thúc đẩy các chính sách đối ngoại liên quan tới Trung Quốc

Nhà Trắng đã chỉ đạo quyền Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm Christopher Miller tập trung sự chú ý của mình vào chiến tranh mạng và chiến tranh phi truyền thống, đặc biệt là tập trung vào Trung Quốc, một quan chức chính quyền nói với CNN.

Xem thêm:

CNN ngày 18/11/2020: Trump team looks to box in Biden on foreign policy by lighting too many fires to put out

Thủ tướng Singapore kêu gọi mối quan hệ mang tính xây dựng giữa Mỹ và Trung Quốc

Trong một cuộc phỏng vấn với Tổng biên tập Bloomberg John Micklethwait tại Diễn đàn Kinh tế Mới, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng một khuôn khổ mới giữa các quốc gia sẽ cho phép cả hai quốc gia “phát triển các lĩnh vực lợi ích chung và hạn chế các lĩnh vực bất đồng” về các vấn đề như thương mại, an ninh, biến đổi khí hậu, Triều Tiên và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhà lãnh đạo Singapore cũng bác bỏ mọi nỗ lực chia rẽ các quốc gia theo “kiểu Chiến tranh Lạnh”.

“Tất cả chúng tôi đều muốn làm việc cùng với Hoa Kỳ, tất cả chúng tôi đều muốn hợp tác với các nền kinh tế sôi động khác, chúng tôi muốn hợp tác trong khu vực,” ông Lý nói. “Tôi nghĩ rằng không nhiều nước muốn tham gia một liên minh về cơ bản chống lại những nước đã bị loại trừ, mà đầu bảng là Trung Quốc.” Ông Lý là một trong những lãnh đạo nước ngoài đã gửi lời chúc mừng tới ông Joe Biden sau khi truyền thông tuyên bố ông Biden đắc cử nhiệm kỳ tổng thống sắp tới.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 17/11/2020: Singapore PM Calls for U.S.-China Truce After ‘Tumultuous’ Years

———-

VI- QUAN HỆ TRUNG – ÚC

‘Nếu bạn biến Trung Quốc trở thành kẻ thù, Trung Quốc sẽ là kẻ thù’: Lời đe dọa mới của Bắc Kinh gửi tới Australia

Bắc Kinh đã đưa ra một cuộc tấn công bất thường nhằm vào chính phủ Australia, với cáo buộc “đầu độc quan hệ song phương” trong một tài liệu mà được đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra gửi tới các tờ báo lớn ở Australia.

Danh sách những bất bình đối với chính phủ Australia bao gồm: “thả ngư lôi” vào thỏa thuận Vành đai và Con đường của Victoria; các bài viết “không thân thiện hoặc chống đối” về Trung Quốc của các phương tiện truyền thông độc lập của Úc; tài trợ của chính phủ cho nghiên cứu “chống Trung Quốc” tại Viện Chính sách Chiến lược Australia; truy quét các nhà báo Trung Quốc và hủy thị thực học tập; “mở đầu cuộc thập tự chinh” tại các diễn đàn đa phương về các vấn đề Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương; kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19; cấm Huawei tham gia mạng 5G vào năm 2018 và chặn 10 thương vụ đầu tư nước ngoài của Trung Quốc trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và chăn nuôi.

“Trung Quốc đang tức giận. Nếu bạn biến Trung Quốc trở thành kẻ thù, Trung Quốc sẽ là kẻ thù,” một quan chức chính phủ Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo với phóng viên tại Canberra ngày 17/11/2020.

Quan chức Trung Quốc cho biết nếu Australia lùi bước khỏi các chính sách trong danh sách trên, “sẽ có lợi cho bầu không khí tốt hơn”.

Xem thêm:

The Sydney Morning Herald ngày 18/11/2020: ‘If you make China the enemy, China will be the enemy’: Beijing’s fresh threat to Australia

Thủ tướng Úc phản hồi Trung Quốc: Nền dân chủ của chúng tôi không phụ thuộc vào thương mại

Phản hồi danh sách “16 bất bình” của Trung Quốc đối với Úc, Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng Úc sẽ tiếp tục đưa ra “quyết định của riêng mình phù hợp với lợi ích quốc gia của chúng tôi”. 

Trả lời một tài liệu dài một trang do đại sứ quán Trung Quốc ở Canberra đưa ra phác thảo sự ràng buộc giữa Úc và Bắc Kinh, ông Morrison nói “nền dân chủ của chúng tôi không phụ thuộc vào thương mại và chủ quyền của chúng tôi không phụ thuộc vào thương mại”.

Ông cũng nhấn mạnh giả định rằng Australia đã hành động theo “lệnh của Mỹ” là cáo buộc “vô nghĩa”.

Việc Thủ tướng Morrison bảo vệ các chính sách của chính phủ về sự can thiệp của nước ngoài, các quy tắc đầu tư và cấm Huawei tham gia vào việc triển khai 5G của Úc đã được Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ ủng hộ.

Xem thêm:

The Weekend Australian ngày 19/11/2020: Our democracy is not up for trade, Scott Morrison tells China. Bản PDF được lưu trữ ở đây.

———–

VII- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Hà Lan công bố chiến lược châu Á, kêu gọi EU lên tiếng về Biển Đông

Bộ Ngoại giao Hà Lan ngày 13/11/2020 đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chiến lược này được xây dựng dựa trên chiến lược dành riêng cho Trung Quốc năm 2019 bằng cách bày tỏ lo ngại trước các hành động gây hấn của Trung Quốc, đặc biệt là ở Biển Đông. Hà Lan lo ngại nhất về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bao gồm việc phát triển và triển khai vũ khí trên các địa hình đất liền trong khu vực. 

Mối quan tâm này phần nào phản ánh lợi thế kinh tế của Hà Lan trong khu vực: gần một phần tư hàng hóa nhập khẩu của Hà Lan đến từ châu Á và Hà Lan là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Chiến lược của Hà Lan dựa trên các chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Pháp và Đức được ban hành trong năm qua, đồng thời tạo cơ sở cho Liên minh châu Âu xây dựng một chiến lược châu Á cho toàn khối nhằm thúc đẩy sức mạnh kinh tế của mình để chống lại Trung Quốc.

Xem thêm:

Toàn văn Chiến lược: Indo-Pacific: een leidraad voor versterking van de Nederlandse en EU-samenwerking met partners in Azië

RFA ngày 17/11/2020: Netherlands Unveils Asia Strategy, Urges EU to Speak Out on South China

Bộ Tứ Ấn Độ – Úc – Nhật Bản – Mỹ lần đầu tập trận Malabar

Lực lượng hải quân của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản đã tiến hành Cuộc tập trận Malabar lần thứ 24 ở Vịnh Bengal bắt đầu từ ngày 3/11. Hôm 17/11, bốn nước bắt đầu phần 2 của cuộc tập trận hải quân chung Malabar tại biển Bắc Ả Rập.

Cuộc tập trận chung kéo dài 4 ngày, có sự tham gia của hai tàu sân bay: INS Vikramaditya của Ấn Độ và USS Nimitz của Mỹ. Ngoài ra, nhiều tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu cũng tham gia tập trận.

Theo phía Hoa Kỳ, cuộc tập trận nhằm thúc đẩy một trật tự dựa trên luật pháp ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Steven DeMoss nhấn mạnh cuộc tập trận này: “là cơ hội tăng cường hơn nữa khả năng phối hợp và nâng cao quan hệ đối tác”.

Xem thêm:

ShareAmerica ngày 17/11/2020: Nations partner to advance a free and open Indo-Pacific

Báo Thanh Niên ngày 19/11/2020: Hai tàu sân bay tham gia diễn tập hải quân ‘bộ tứ’ Ấn Độ – Úc – Nhật Bản – Mỹ

Nhật Bản và Australia ký thỏa thuận quốc phòng song phương

Ngày 17/11 vừa rồi, Thủ tướng Scott Morrison đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Suga Yoshihide tại Tokyo để ký kết một thỏa thuận quốc phòng mà ông gọi là “mang tính bước ngoặt”. Cuộc họp diễn ra chỉ vài tuần sau khi các bộ trưởng ngoại giao của liên minh Quad, bao gồm cả Mỹ và Ấn Độ, tổ chức các cuộc thảo luận tại thủ đô Nhật Bản. Morrison và Suga đã ký đạt được sự đồng thuận có tính nguyên tắc về Thỏa thuận Tiếp cận Hỗ tương (The Reciprocal Access Agreement), mà Kyodo News của Nhật Bản cho biết sẽ thiết lập khuôn khổ pháp lý và hành chính cho phép quân đội hai bên hiện diện trên lãnh thổ của nhau để cùng tham gia huấn luyện và những chiến dịch hỗn hợp, qua đó tăng cường năng lực hợp tác và phối hợp tác chiến. Các quan chức đã dành sáu năm để đàm phán về thỏa thuận này, và tiến trình bị ngăn cản bởi bất đồng hai bên về án tử hình ở Nhật (án tử hình bị bãi bỏ trên toàn lãnh thổ Australia từ năm 1985, do đó những thoả thuận quốc tế giữa Australia với những nước còn duy trì án tử hình sẽ phải trải qua nhiều thủ tục xem xét hơn đối với những nước khác)

“Thỏa thuận củng cố vững chắc quyết tâm của cả Nhật Bản và Australia trong việc đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương,” Suga nói tại một cuộc họp báo với Morrison ở Tokyo.

Thủ tướng Morrison cho rằng thỏa thuận sẽ là một điểm tựa then chốt trong phản ứng của Úc và Nhật Bản “đối với một môi trường an ninh ngày càng thách thức trong khu vực trong bối cảnh chiến lược ngày càng bất định.”

Các quan chức quốc phòng tin rằng thỏa thuận này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa hai nước, bao gồm cả trong các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Trong một tuyên bố chung được đưa ra vào cuối ngày thứ Ba, hai nhà lãnh đạo “bày tỏ quan ngại nghiêm trọng” về tình hình ở cả hai vùng biển và “tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ của họ đối với bất kỳ nỗ lực cưỡng ép hoặc đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và do đó làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

Hiện giờ thoả thuận đang chờ Quốc hội Nhật phê chuẩn.

Xem thêm:

Thông cáo báo chí của Thủ tướng Úc Morrison ngày 17/11/2020: Reciprocal Access Agreement

Bloomberg ngày 17/11/2020: Australia Seeks to Build Defense Ties to Counter China Squeeze

ABC News ngày 18/11/2020: Australia and Japan agree ‘in principle’ to historic defence pact

Tuyên bố chung Úc – Nhật về Biển Đông

Theo bản Tuyên bố chung sau cuộc họp song phương, hai nhà lãnh đạo Nhật và Úc bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình ở Biển Đông và tái khẳng định sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ nỗ lực cưỡng ép hoặc đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và do đó làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Họ cũng chia sẻ những lo ngại nghiêm trọng về những diễn biến tiêu cực gần đây và các sự cố nghiêm trọng ở Biển Đông, bao gồm việc tiếp tục quân sự hóa các địa điểm còn tranh chấp, sử dụng các tàu tuần duyên và ‘lực lượng dân quân hàng hải’ một cách nguy hiểm và mang tính cưỡng ép, sự kiện phóng tên lửa đạn đạo, và các nỗ lực phá hoại hoạt động khai thác tài nguyên của các quốc gia.

Các nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng tự do hải hành và không hành ở Biển Đông, và tất cả các tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và phán quyết Biển Đông năm 2016. Phán quyết được đưa ra theo thủ tục hợp pháp theo UNCLOS, là phán quyết cuối cùng và ràng buộc pháp lý đối với các bên tranh chấp. 

Nhật Bản và Úc kêu gọi bất kỳ Bộ Quy tắc ứng xử nào ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế như được phản ánh trong UNCLOS, không phương hại đến chủ quyền và quyền và lợi ích hợp pháp của các bên không tham gia Bộ Quy tắc ứng xử hoặc quyền của tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế, củng cố cấu trúc khu vực bao trùm hiện có và tăng cường cam kết của các bên trong việc ngừng các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng.

Xêm thêm:

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 17/11/2020: Japan-Australia Leaders’ Meeting Joint Statement

Tư lệnh Thuỷ quân Hoa Kỳ và Thủ tướng Nhật Bản cam kết duy trì khả năng ngăn chặn Trung Quốc

Ngày 18/11/2020, tại Văn phòng Thủ tướng, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã tiếp xã giao Đại tướng David H. Berger, Tư lệnh Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Hai bên cam kết duy trì một lực lượng đủ mạnh để ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản và tờ Stars & Stripes.

Hai bên cũng nhất trí rằng việc tăng cường quan hệ với các nước đồng chí như Australia và Ấn Độ là vô cùng quan trọng.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 18/11/2020: バーガー米海兵隊総司令官による表敬

Stars & Stripes ngày 19/11/2020: Marine commandant, Japanese prime minister pledge to ‘maintain the deterrence’ against China

Báo cáo của Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về Chương trình nghị sự cụ thể cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương về vấn đề Trung Quốc

Ngày 18/11/2020, Chủ tịch Uỷ ban Đối Ngoại Thượng viện Mỹ công bố báo cáo về hợp tác Mỹ – Liên minh châu Âu (EU) trước những thách thức từ Trung Quốc.

Báo cáo cho biết, Hoa Kỳ và châu Âu ngày càng đồng thuận rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) đặt ra những thách thức chính trị, kinh tế và thậm chí là an ninh đáng kể. Các nhà lập pháp ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã đóng vai trò tích cực và dẫn đầu trong việc chuyển đổi cách tiếp cận để đáp ứng những thách thức này. Bước tiếp theo là biến sự đồng thuận ngày càng tăng này thành một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mang tính xây dựng và cụ thể để bảo vệ các lợi ích và giá trị chung. Báo cáo này đưa ra các ý tưởng cụ thể cho sự hợp tác trong sáu lĩnh vực chính:

• Chống lại ảnh hưởng chính trị xấu,

• Bảo vệ sự toàn vẹn của các tổ chức quốc tế,

• Giải quyết các hành vi kinh tế và thương mại chống cạnh tranh,

• Đầu tư vào các công nghệ tương lai và định hình cách chúng được sử dụng,

• Đối mặt với các tác động an ninh của các khoản đầu tư chiến lược của CHND Trung Hoa vào năng lượng, vận tải, và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số thông qua “Một vành đai, một con đường” (OBOR) và

• Tăng cường quan hệ đối tác ở Châu Phi và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Tải toàn văn báo cáo ở đây.

Cố vấn An ninh Hoa Kỳ O’Brien tới Việt Nam, Philippines

Ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ trong hai ngày 20 và 21/11/2020 đã có mặt tại Hà Nội để gặp gỡ các quan chức cao cấp Việt Nam trước khi sang Manila. Ông O’Brien đã gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ quốc Phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ công an Tô Lâm, và nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao. 

Ông Robert O’Brien là quan chức cấp cao thứ hai của chính quyền Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam trong vòng một tháng qua, sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo từ ngày 29 đến ngày 30/10.

Chuyến công du của ông O’Brien diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 sắp kết thúc vào ngày 20/1/2020. Ông Joe Biden được nhiều hãng truyền thông dự đoán là tổng thống đắc cử. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đang sử dụng các công cụ pháp lý để thách thức kết quả do truyền thông công bố.

Trong sáng ngày 21/11/2020, ông O’Brien đã hội đàm cùng Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm, để thảo luận về những nỗ lực chung trong việc chống tội phạm xuyên quốc gia, ủng hộ Quan hệ Đối tác Mỹ – Mê Kông mới, và mở rộng hợp tác trong nhiều vấn đề an ninh, theo thông tin từ Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ.

Theo Thế giới & Việt Nam, một trang tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại cuộc hội đàm chiều ngày 21/11/2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien đều nhất trí đánh giá quan hệ hai nước chưa bao giờ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, khẳng định coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và cùng có lợi.

Hai bên cũng trao đổi về các biện pháp thúc đẩy làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới, trong đó ưu tiên thúc đẩy sớm nối lại các hoạt động trao đổi đoàn thường xuyên, đặc biệt là đoàn cấp cao; tăng cường hợp tác nhân đạo, và khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục tạo thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư song phương trên cơ sở cùng có lợi.

Trong cuộc hội đàm giữa ông O’Brien và Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, hai bên đã thảo luận về hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề hậu quả chiến tranh, vốn mở đường cho quan hệ song phương ngày càng vững mạnh hơn, các cam kết về quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày càng mở rộng và một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương an toàn và an ninh hơn.

Tại buổi nói chuyện với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông O’Brien đã cùng với Thủ tướng Phúc thảo luận về sức mạnh của Quan hệ Đối tác Toàn diện Hoa Kỳ – Việt Nam và các nỗ lực chung của hai bên nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng, theo thông tin từ Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Tại buổi nói chuyện với sinh viên Học viện Ngoại giao Việt Nam, ông O’Brien nói: “Chúng tôi đầu tư rất nhiều vì một nước Việt Nam vững mạnh và thịnh vượng nằm ngay trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Chúng tôi trông đợi hoàn thành những điều tuyệt vời cùng các bạn trong tương lai”. 

“Tình hữu nghị của hai quốc gia được xây dựng dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng sâu sắc đối với tự do, độc lập và chủ quyền của nhau. Hệ thống chính trị của chúng ta có thể khác nhau, nhưng các giá trị tương đồng đều được ghi nhận trong các bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ và Việt Nam,” ông O’Brien phát biểu.

Theo thông tin từ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh, Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Trong thời gian tại Hà Nội, ông C. O’Brien và Chủ tịch Ngân hàng xuất nhập khẩu Hoa Kỳ Kimberly Reed đã chứng kiến lễ ký kết dự án điện khí hoá lỏng (LNG) Long Sơn giữa các đại diện của GE, GENCO3, Tổng công ty Thái Bình Dương, PECC 2, Mitsubishi và Tập đoàn TTC. Trong dự án này, GE sẽ cung cấp thiết bị, dịch vụ và đóng góp vốn đầu tư, với tổng giá trị tham gia là 1 tỷ USD. Dự án sẽ cung cấp 1.500 MW điện sạch và đáng tin cậy cho Việt Nam.

Ông cũng thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam về dự định tổ chức một cơ chế đối thoại mới giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về thực thi pháp luật quốc tế.

Xem thêm:

Thế giới & Việt Nam ngày 21/11/2020: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien

Đại sứ quán và Tổng lãnh sự Mỹ tại Việt Nam ngày 22/11/2020: Remarks by APNSA O’Brien at Diplomatic Academy of Vietnam

RFI Tiếng Việt ngày 19/11/2020: Cố vấn an ninh của Trump đến Việt Nam trong nỗ lực cuối chống Bắc Kinh

Vietreader ngày 22/11/2020: Vietnam, US firms sign US$1 billion LNG power deal in O’Brien visit

Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh ngày 23/11/2020: Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam về nhu cầu năng lượng

Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam: Chuyến thăm Việt Nam của Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert C. O’Brien

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ : Việt Nam nên ngưng trung chuyển hàng xuất khẩu Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông O’Brien cho biết ông đã nói với các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng họ phải hạn chế việc trung chuyển “bất hợp pháp” các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc và mua thêm hàng hóa của Hoa Kỳ như khí đốt tự nhiên hóa lỏng và thiết bị quân sự để tránh bị Mỹ áp thuế trừng phạt.

Ông O’Brien, người đã gặp các quan chức bao gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, cho biết họ “rất lo ngại” về các hành động của Trung Quốc ngăn cản Việt Nam khai thác các nguồn tài nguyên ngoài khơi như cá và khí đốt tự nhiên.

Ông cho biết Việt Nam muốn được chia sẻ thông tin quân sự nhiều hơn cũng như có được các thiết bị bổ sung của Cảnh sát biển Hoa Kỳ để bảo vệ tốt hơn các khu vực biển. Ông nói với họ rằng Mỹ có thể cung cấp tài chính để giúp mua máy bay trực thăng của Mỹ nhằm giảm bớt thâm hụt mậu dịch song phương với Việt Nam, vốn đang trên đà phá vỡ kỷ lục 56 tỷ USD của năm ngoái.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 22/11/2020: Trump Aide Tells Vietnam to Curb China Shipments to Avoid Duties

Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ kêu gọi thành lập hạm đội mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Tuần vừa rồi, Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Kenneth Braithwaite đã kêu gọi thành lập Hạm đội mới đánh số 1, đóng ở ngã tư quan trọng của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Nhưng trong khi Braithwaite cho biết các nỗ lực đang được tiến hành, các quan chức Hải quân nói rằng chưa có quyết định nào được đưa ra về thời gian và vị trí của Hạm đội số 1 tiềm năng.

Braithwaite nói rằng một Hạm đội số 1 sẽ củng cố dấu ấn của Hải quân ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và giảm bớt gánh nặng cho Hạm đội 7 Hoa Kỳ căn cứ ở Nhật Bản, hiện đang được giao nhiệm vụ giám sát hơn 77 triệu dặm vuông, kéo dài từ đường đổi ngày quốc tế tới biên giới Ấn Độ – Pakistan, lên đến quần đảo Kuril ngoài khơi nước Nga và xuống tận Nam Cực. Một hạm đội như vậy cũng sẽ mở rộng quan hệ đối tác trong khu vực, với mục đích chống lại một quân đội Trung Quốc ngày càng quyết đoán và mạnh mẽ hơn.

“Chúng ta phải hướng đến các đồng minh và đối tác khác như Singapore, Ấn Độ, và thật sự đặt một hạm đội ở một nơi cực kỳ xác đáng”, Bộ trưởng Hải quân Mỹ nói về tầm quan trọng của các đồng minh ở châu Á. Theo ông, nếu hạm đội không đặt thường trú ở Singapore thì sẽ được xây dựng theo hướng hạm đội viễn chinh. Bộ trưởng Braithwaite cho biết ông dự kiến sẽ đến Ấn Độ trong vài tuần tới để thảo luận về các thách thức an ninh cũng như hợp tác giữa hải quân Mỹ và Ấn Độ.

Hải quân Hoa Kỳ từng có Hạm đội 1 ở Thái Bình Dương cho đến năm 1973, khi hạm đội này được sáp nhập vào Hạm đội 3 phụ trách vùng biển phía đông Thái Bình Dương.

Xem thêm:

Tuổi Trẻ ngày 18/11/2020: Mỹ muốn lập hạm đội đệ nhất để đối phó Trung Quốc

Navy Times ngày 20/11/2020: SECNAV calls for standing up new numbered fleet in the Indo-Pacific

Lữ đoàn Hỗ trợ Lực lượng An ninh số 5 của Hoa Kỳ tập trận chống xâm lược trước khi triển khai Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Các binh sĩ Hoa Kỳ từ Lữ đoàn Hỗ trợ Lực lượng An ninh số 5 hiện đang thực hiện một cuộc tập trận ở bang Louisiana được thiết kế xung quanh việc bảo vệ một hòn đảo Thái Bình Dương khỏi cuộc xâm lược của một lực lượng quân sự truyền thống, theo các quan chức đơn vị. Cuộc tập trận này là một sự chuyển hướng so với các nhiệm vụ tập trung vào chống nổi dậy ở Afghanistan trước đây. 

Lữ đoàn Hỗ trợ Lực lượng An ninh số 5 có trụ sở tại Washington dự kiến sẽ bắt đầu gửi các nhóm tư vấn đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong những tháng tới.

Xem thêm:

Army Times ngày 20/11/2020: SFAB fends off an invasion in exercise ahead of Indo-Pacific missions

Khai mạc Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng Hoa Kỳ – Đài Loan lần thứ nhất

Ngày 20/11/2020, dưới sự bảo trợ của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) và Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (TECRO) tại Hoa Kỳ, Đối thoại Đối tác kinh tế Thịnh vượng Hoa Kỳ – Đài Loan (Đối thoại EPP) đã được tổ chức lần đầu tiên tại Washington, DC. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Đối thoại là cơ hội để tiếp tục những hoạt động trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế hiện có đồng thời củng cố những mối quan hệ kinh tế mới giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.

Đối thoại EPP đề cập đến một loạt các vấn đề kinh tế bao gồm mạng sạch, mạng 5G và an ninh viễn thông, chuỗi cung ứng, sàng lọc đầu tư, hợp tác cơ sở hạ tầng sạch, năng lượng tái tạo, sức khỏe toàn cầu, khoa học và công nghệ cũng như trao quyền kinh tế cho phụ nữ, giáo dục và tinh thần kinh doanh. Như một dấu hiệu của cam kết tiếp tục và mở rộng trong hợp tác khoa học và công nghệ, AIT và TECRO cũng đã thông báo ý định đàm phán một thỏa thuận khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác chung về nhiều chủ đề khoa học và công nghệ.

Các đối thoại EPP trong tương lai sẽ giúp củng cố mối quan hệ kinh tế Hoa Kỳ-Đài Loan, tăng cường hơn nữa sự tôn trọng dân chủ của hai xã hội và củng cố cam kết chung của hai nước đối với thị trường tự do, tinh thần kinh doanh và tự do, theo thông cáo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 20/11/2020: Inaugural U.S.-Taiwan Economic Prosperity Partnership Dialogue

Đài Loan nói thành viên nội các Trump sẽ tiếp tục tới thăm

Đài Bắc thông báo rằng Andrew Wheeler, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, sẽ thăm Đài Loan vào tháng 12. Đây sẽ là chuyến thăm thứ ba của một quan chức cấp cao của Mỹ kể từ tháng 8 và được dự đoán là có thể sẽ khiến Trung Quốc tức giận.

Xem thêm:

Reuters ngày 20/11/2020: Taiwan says Trump cabinet member to visit, angering China

Điện đàm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Indonesia

Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller ngày 20/11/2020 đã điện đàm với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto để thảo luận về các ưu tiên quốc phòng song phương. Cả hai nhà lãnh đạo đều chia sẻ mong muốn tăng cường cam kết quốc phòng giữa Indonesia và Hoa Kỳ. Hai bên ghi nhận tầm quan trọng của trao đổi quân sự song phương và cam kết tăng cường cơ hội giáo dục và đào tạo giữa hai nước.

Quyền Bộ trưởng Miller và Bộ trưởng Prabowo cũng đã thảo luận về các hoạt động mua sắm quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quốc phòng của Indonesia.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 20/11/2020: Readout of Acting Secretary of Defense Christopher C. Miller’s Phone Call With Indonesian Minister of Defense Prabowo Subianto

Hải quân Mỹ đưa khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Barry trở lại Biển Đông

Hải quân Mỹ đã đưa tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Barry tới Biển Đông tham gia chiến dịch an ninh hàng hải và thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực. 

“Sự hiện diện liên tục ở Biển Đông là thiết yếu để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Việc tất cả các nước được hoạt động trong vùng biển quốc tế rất quan trọng. Chuyến đi của tàu Barry qua eo biển Đài Loan ngày 21/11 là đảm bảo quyền này và củng cố niềm tin của tất cả các nước đối với thương mại và liên lạc ở Biển Đông”, chỉ huy tàu USS Barry Chris Gahl cho biết.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry thuộc Đơn vị tàu khu trục 15, đội tàu khu trục lớn nhất của Mỹ, liên tục duy trì sự hiện diện ở Biển Đông. Đây là lần thứ 5 trong năm 2020 tàu Barry tiến hành các hoạt động theo lộ trình ở Biển Đông. Gần đây nhất, tàu Barry tham gia tập trận Kiếm sắc (Keen Sword) giữa các lực lượng Mỹ-Nhật.

Xem thêm:

VOV Tiếng Việt ngày 23/11/2020: Hải quân Mỹ đưa khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Barry trở lại Biển Đông

———-

VIII- PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN

Lavender Au và Benjamin Wilhelm: Bên cạnh Trung Quốc, ASEAN cũng là bên chiến thắng trong RCEP

Thật là là sai lầm khi cho rằng chỉ có Trung Quốc chiến thắng trong RCEP, theo Lavender Au viết trên World Politics Review, vì các nước Đông Nam Á nhỏ hơn thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng sẽ được hưởng lợi ích lớn. RCEP lớn “gần gấp đôi giá trị thương mại hàng năm của CPTPP và GDP cộng lại”, quy mô thị trường kết hợp của khối này gấp 5 lần các nước CPTPP và có thể chiếm 50% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2030, theo HSBC báo cáo, Au lưu ý. 

Thoả thuận cuối cùng của RCEP nhấn mạnh ưu tiên mạnh mẽ của ASEAN đối với “đối xử khác biệt” – chấp nhận rằng các nước sẽ giảm các rào cản thương mại ở các mức khác nhau. Myanmar, Campuchia và Lào chỉ được yêu cầu xoá bỏ thuế quan đối với 30% hàng hoá do có nền kinh tế nhỏ hơn. Về tổng thể, RCEP loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với 65% hàng hoá giao dịch trong khối RCEP, và sẽ tăng lên 90% trong vòng 20 năm.

Đáng chú ý, theo Au, Trung Quốc đã không độc quyền đàm phán mà để ASEAN dẫn đầu để tránh xung đột với Nhật Bản. Dù vậy, Trung Quốc vẫn sẽ là nước hưởng lợi chính từ RCEP vì thoả thuận phù hợp với Sáng kiến Vành đai & Con đường khổng lồ của Bắc Kinh và sẽ tạo điều kiện cho các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư của Trung Quốc trên khắp Đông Nam Á.

RCEP cải thiện mớ hỗn độn của các hiệp định thương mại tự do ở Châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một trong những khu vực tích cực nhất trong việc đàm phán các hiệp định thương mại, đến nỗi đã vấp phải sự chỉ trích vì một số chuyên gia gọi là các hiệp định song phương hoặc ba bên “chất lượng thấp” không chỉ quá hẹp mà còn chồng chéo. Thương mại khu vực đã bị bao vây bởi sự lộn xộn và phức tạp, buộc nhiều doanh nghiệp phải chịu chi phí giao dịch cao hơn.

Các tác giả kết luận, nhìn chung, RCEP là một khuôn khổ để hội nhập kinh tế khu vực hơn nữa. Một số ngôn ngữ của thỏa thuận còn lộn xộn, nhưng các thỏa thuận thương mại ASEAN có xu hướng được cập nhật và mở rộng dần dần. Hiện tại, các bên tham gia RCEP đang lên kế hoạch cho các cuộc đàm phán sâu hơn về thương mại điện tử và tự do hóa dịch vụ, cho thấy rõ rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu.

Xem thêm:

World Politics Review ngày 18/11/2020: RCEP Is More of a Win for Southeast Asia Than China Alone. Bản PDF được lưu trữ ở đây.

Luiza Ch. Savage: Trung Quốc có thể bóp nghẹt chương trình nghị sự của Biden như thế nào

Bài viết đặt ra vấn đề về sự phụ thuộc của Mỹ vào các khoáng sản quan trọng phải nhập từ Trung Quốc. Bài viết cho biết nền kinh tế và an ninh của Mỹ ngày càng phụ thuộc vào các kim loại hiếm và khoáng chất được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, từ pin sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch khí hậu của Joe Biden cho đến nam châm công suất cao cần thiết cho vũ khí dẫn đường chính xác của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, Trung Quốc gần như độc quyền kiểm soát những nguồn tài nguyên kim loại và khoáng chất then chốt này, dấy lên lo ngại về sự tổn thương của Mỹ cả về kinh tế và quân sự trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.

Năm 2018, theo lệnh hành pháp từ Tổng thống Donald Trump, Bộ Nội vụ đã xác định danh sách 35 mặt hàng khoáng sản được coi là quan trọng đối với an ninh và sự thịnh vượng kinh tế của Mỹ, tuyên bố rằng sự phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu nước ngoài “tạo ra một sự tổn thương chiến lược” cho hai kinh tế và quân sự Hoa Kỳ.

Gián đoạn nguồn cung cấp những nguyên liệu này có thể gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Trung Quốc chỉ cần thao túng hoạt động buôn bán nguyên liệu thô và năng lực công nghiệp là có thể kết thúc chiến tranh trước khi nó bắt đầu.

Xem thêm:

Politico ngày 18/11/2020: How China could strangle Biden’s agenda

———-

IX- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU HỌC THUẬT

CMSI Translation — Zou Ligang and Wang Zhangping (2020) Research on Legal Issues Related to Security and Defense of China’s Overseas Military Bases

Bài báo xem xét các lựa chọn của Trung Quốc để đảm bảo an ninh cho các căn cứ ở nước ngoài từ góc độ luật pháp trong nước và quốc tế. Nghiên cứu này được thúc đẩy bởi một sự việc năm 2017, một người nhái Nhật Bản được cho là đã được phát hiện hoạt động trong vùng lân cận của một tàu chiến Trung Quốc cập cảng Djibouti.

Tác giả đầu tiên của bài báo là Trâu Lập Cương (Zou Ligang), giáo sư tại Trường Luật Đại học Hải Nam. Ngoài công việc dân sự, Giáo sư Trâu còn là cố vấn pháp lý cho Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam (Southern Theater) của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Bài báo được đăng trên Tạp chí Đại học Hải dương Trung Quốc (Ấn bản Khoa học Xã hội) năm 2020. Nghiên cứu trong bài báo này được thực hiện như một phần của dự án khoa học xã hội và nhân văn của Bộ Giáo dục Trung Quốc mang tên “Nghiên cứu về việc xây dựng các cơ sở hỗ trợ ở nước ngoài để bảo vệ an ninh của Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc.”

Bài báo được Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ dịch sang tiếng Anh.

Tải bản dịch tiếng Anh ở đây.

Tham khảo thêm: 薛桂芳 & 郑 洁 (2017) 中国21世纪海外基地建设的现实需求与风险应对

(Tạm dịch: Xây dựng căn cứ ở nước ngoài thế kỷ 21: Nhu cầu thực tế và rủi ro)

Gabriel Collins & Andrew S. Erickson (2020) Hold the line through 2035 – A strategy to offset China’s revisionist actions and sustain a rules-based order in the Asia-Pacific

Hai nhà nghiên cứu đến từ Viện Baker và Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ đề xuất các các chiến lược nhằm mục đích chống lại một Trung Quốc ngày càng hung hăng và định vị khu vực Ấn Độ Dương -Châu Á-Thái Bình Dương để tiếp tục phát triển và thịnh vượng trong một trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Các khuyến nghị của hai tác giả là một sự pha trộn năng động giữa hành động ngoại giao, thông tin, quân sự và kinh tế.

Các khuyến nghị bao gồm:

– Từ nay đến năm 2035, buộc Trung Quốc trả giá cho các hành động không thể chấp nhận được của nước này ở tầm chiến lược, trong khi theo đuổi “ngoại giao quốc phòng” hậu trường với Bắc Kinh. Cách thức này sẽ mang lại một con đường bền vững để tác động đến hành vi của CHND Trung Hoa và định vị Ấn Độ Dương – Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục thịnh vượng và tăng trưởng theo một hệ thống khu vực dựa trên luật lệ.

– Hoa Kỳ nên chống lại việc nhường các nguyên tắc và vị trí chiến lược cho CHND Trung Hoa) đang phải đối mặt với những hạn chế ngày càng tăng về tiềm lực kinh tế, tăng trưởng sức mạnh quốc gia và ưu tiên cạnh tranh hơn phúc lợi của công dân.

– Hoa Kỳ nên chấp nhận rủi ro chiến lược lớn hơn để “giữ lợi thế” chống lại chủ nghĩa xét lại của CHND Trung Hoa ở châu Á – Thái Bình Dương thông qua cột mốc lập kế hoạch quốc gia năm 2035 có tính then chốt của Trung Quốc.

– Dữ liệu thực nghiệm và các xu hướng cơ cấu mới nổi cho thấy rằng vào năm 2035, sự suy giảm nhân khẩu học, quá tải nợ và các kỳ vọng của xã hội về cơ bản sẽ hạn chế đáng kể tăng trưởng quyền lực quốc gia của Trung Quốc so với mức dự kiến hiện tại. Triển vọng kiêu ngạo hiện tại của Bắc Kinh có thể sẽ bị giảm sút trong những điều kiện như vậy.

– Trong những năm 2020, Bắc Kinh có thể đạt đến đỉnh cao về khả năng huy động các nguồn lực để trấn áp trong và ngoài nước. Do đó, năm 2035 có khả năng đóng “cửa sổ dễ bị tổn thương” với nguy cơ xung đột cao giữa CHND Trung Hoa và các nước láng giềng trong khu vực, bao gồm chính Hoa Kỳ.

– “Giữ vững ranh giới” không phải là một chính sách thụ động và có khả năng đòi hỏi các hành động thực thi chủ động thường xuyên và bền vững để ngăn chặn các cuộc tấn công của CHND Trung Hoa vào trật tự dựa trên luật lệ ở Châu Á – Thái Bình Dương. Hành vi thăm dò và khiêu khích của CHND Trung Hoa phải được đáp ứng với một loạt các phản ứng đối xứng và bất đối xứng khiến Trung Quốc phải trả giá thực tế.

– Các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải hiểu rằng dưới sự cai trị mạnh mẽ của nhà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình, việc củng cố quyền lực chính trị cá nhân sẽ quyết định hành vi của CHND Trung Hoa. Washington phải chuẩn bị cho các cử tri Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác ở nước ngoài về khả năng căng thẳng sẽ theo định kỳ lên đến mức khó chịu.

– Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng phải nói rõ với những người đồng cấp của họ ở Trung Quốc rằng các chính sách đặt tích cực giao thiệp lên hàng đầu đã chi phối chủ yếu trong 25 năm qua giờ đã kết thúc, và CHND Trung Hoa sẽ phải gánh chịu những rủi ro và chi phí nặng nề nhất cho chủ nghĩa phiêu lưu đang và tiếp tục diễn ra trong tương lai.

– Để giảm đòn bẩy của CHND Trung Hoa, chính phủ các cấp ở Hoa Kỳ nên thực hiện các bước để hủy liên kết chuỗi cung ứng đối với các mặt hàng quốc phòng và y tế quan trọng từ CHND Trung Hoa và các đơn vị có trụ sở tại CHND Trung Hoa càng nhanh càng tốt.

– Chiến lược giữ vững ranh giới đến năm 2035 mở ra một con đường để đón nhận Trung Quốc hội nhập đầy đủ hơn vào hệ thống dựa trên luật lệ trong khu vực nếu và khi Bắc Kinh chịu lùi bước trong chính sách nhấn mạnh chủ nghĩa dân tộc hung hăng và chủ nghĩa xét lại khu vực hiện nay của ĐCSTQ.

Tải toàn văn báo cáo ở đây.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Mọi khoản tài trợ xin gửi về: Tài khoản Paypal: sukybiendong@gmail.com. Hay chuyển khoản: Hoàng Việt. Số tài khoản: 207503269. Ngân hàng ACB (Asia Commercial Bank). Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.