Toàn Văn Dự Thảo Luật Hải Cảnh Trung Quốc

Biên dịch: các thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tổ chức thực hiện.

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 4/11/2020, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc công bố dự thảo Luật Hải cảnh Trung Quốc do Quân uỷ Trung ương Trung Quốc soạn thảo và đệ trình. Bản dự thảo được đăng trực tuyến để lấy ý kiến của công luận cho tới ngày 3/12/2020, và dự kiến được thông qua trong các kỳ họp tương lai.

Dự thảo luật mới trao nhiều quyền hạn cũng như nghĩa vụ cho lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc trong vùng biển mà Trung Quốc coi là thuộc quyền tài phán của mình. Những vùng biển mà Trung Quốc yêu sách quyền tài phán ở Biển Đông bao phủ phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tải bản dự thảo (tiếng Trung) ở đây.

Gửi nhận xét trực tuyến ở đây.

Các nhận xét cũng có thể được gửi bằng thư đến địa chỉ sau:

全国人大常委会法制工作委员会

北京市西城区前门西大街1号 邮编: 100805

No. 1 West Qianmen Avenue, Xicheng District, Beijing 100805

Trên phong bì ghi rõ “海警法草案征求意见” (Góp ý Dự thảo Luật Hải cảnh).

Dưới đây là bản dịch toàn văn dự thảo. Tải bản PDF ở đây.

————

DỰ THẢO LUẬT HẢI CẢNH NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA 

MỤC LỤC

CHƯƠNG 1: QUY ĐỊNH CHUNG

CHƯƠNG 2: CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ

CHƯƠNG 3: BẢO VỆ AN NINH TRÊN BIỂN

CHƯƠNG 4: THỰC THI PHÁP LUẬT HÀNH CHÍNH TRÊN BIỂN

CHƯƠNG 5: ĐIỀU TRA PHẠM TỘI TRÊN BIỂN

CHƯƠNG 6: SỬ DỤNG CÔNG CỤ HỖ TRỢ VÀ VŨ KHÍ

CHƯƠNG 7: XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VÀ PHỐI HỢP

CHƯƠNG 8: HỢP TÁC QUỐC TẾ

CHƯƠNG 9: GIÁM SÁT

CHƯƠNG 11: ĐIỀU KHOẢN BỔ SUNG

CHƯƠNG 1: QUY ĐỊNH CHUNG

ĐIỀU 1

Luật này được ban hành nhằm quy phạm hóa và bảo đảm cơ quan Hải cảnh và nhân viên công tác của cơ quan Hải cảnh thực thi trách nhiệm theo pháp luật, bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền lợi biển quốc gia; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, pháp nhân và các tổ chức khác.

ĐIỀU 2

Cơ quan Hải cảnh là lực lượng vũ trang quan trọng trên biển và lực lượng thực thi pháp luật hành chính của Nhà nước.

ĐIỀU 3

Luật này được áp dụng cho cơ quan Hải cảnh khi triển khai công tác thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển và trên không tại các vùng biển thuộc quyền tài phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

ĐIỀU 4

Trong triển khai công tác thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi trên biển, Cơ quan Hải cảnh kiên trì theo sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc, quán triệt quan điểm tổng thể về an ninh quốc gia, tuân thủ nguyên tắc quản lý theo pháp luật, quản trị tổng hợp, quy phạm hiệu quả, công bằng văn minh.

ĐIỀU 5

Nhiệm vụ cơ bản triển khai công tác thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển của cơ quan Hải cảnh bao gồm: duy trì trật tự trị an trên biển, tổ chức bảo vệ an ninh trên biển, phòng ngừa buôn lậu trên biển; kiểm tra giám sát và xử phạt trong phạm vi quyền hạn đối với các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, hoạt động sản xuất nghề cá trên biển; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động phạm tội, hành vi vi phạm pháp luật trên biển.

ĐIỀU 6

Cơ quan Hải cảnh và các nhân viên công tác của cơ quan Hải cảnh khi thực thi nhiệm vụ theo pháp luật đều được sự bảo vệ của pháp luật; Không tổ chức, cá nhân nào được phép từ chối, cản trở và can thiệp bất hợp pháp. 

ĐIỀU 7

Nhân viên công tác của cơ quan Hải cảnh phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật, đạo đức xã hội, tuân thủ nghiêm ngặt đạo đức nghề nghiệp, tôn trọng danh dự, trung thành với cương vị công tác, công bằng, nghiêm túc, đứng đắn, chính trực, liêm khiết.

ĐIỀU 8

Các cá nhân và tổ chức có đóng góp nổi bật trong công tác thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển sẽ được tuyên dương và khen thưởng theo các quy định pháp luật liên quan.

CHƯƠNG 2: CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ

ĐIỀU 9

Cục Hải cảnh Trung Quốc thống nhất thực hiện chức năng nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển.

Căn cứ theo phạm vi đơn vị hành chính và nhiệm vụ của các địa phương ven biển, Nhà nước thành lập các Chi cục và Cục trực thuộc Cục Hải cảnh Trung Quốc, các Cục Hải cảnh cấp tỉnh, Cục Hải cảnh cấp thành phố và các Đồn Hải cảnh để thực hiện công tác thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển trong các vùng biển do đơn vị hành chính đó quản lý.

ĐIỀU 10

Khu vực phụ trách của các cơ quan Hải cảnh thuộc Cục Hải cảnh Trung Quốc phải được phân chia và điều chỉnh hợp lý căn cứ theo nhu cầu công tác thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển, có thể không theo địa giới đơn vị hành chính.

ĐIỀU 11

Cơ quan Hải cảnh thực hiện các chức năng nhiệm vụ dưới đây theo pháp luật:

1. Phụ trách triển khai tuần tra, cảnh giới trên biển; trực ban canh giữ các đảo, đá trọng yếu trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc; quản lý bảo vệ đường phân định ranh giới trên biển; phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ các hành vi gây nguy hại đến chủ quyền, an ninh và quyền lợi biển quốc gia. 

2. Phụ trách bảo đảm an toàn cho các mục tiêu trọng yếu và các hoạt động lớn trên biển; áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ các đảo, đá trọng yếu cũng như bảo đảm an toàn cho cho các đảo nhân tạo, trang thiết bị và cấu trúc nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Trung Quốc.

3. Phụ trách công tác quản lý và bảo vệ trật tự trị an trên biển, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về quản lý trật tự trị an, xuất nhập cảnh trên biển; ngăn chặn và xử lý hoạt động khủng bố trên biển, duy trì trật tự trị an trên biển.

4. Phụ trách tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải, hàng hóa, vật phẩm có dấu hiệu buôn lậu trên biển; kiểm tra xử lý các hành vi buôn lậu trên biển.

5. Phụ trách kiểm tra, giám sát trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình đối với việc sử dụng vùng biển, bảo vệ hải đảo và khai thác sử dụng hải đảo không có người ở, thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản biển, trải đặt và bảo vệ đường dây cáp, đường ống dưới đáy biển, điều tra đo đạc biển, đo vẽ cơ bản bản đồ biển, nghiên cứu khoa học biển có liên quan yếu tố nước ngoài; kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

6. Phụ trách tiến hành kiểm tra, giám sát, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi quyền hạn đối với các dự án xây dựng công trình biển, vụ việc xả thải gây ô nhiễm biển, hoạt động bảo vệ và sử dụng khu vực biển tính từ đường bờ biển tại khu bảo tồn thiên nhiên biển; tham gia việc điều tra, xử lý và ứng phó khẩn cấp theo thẩm quyền quy định đối các sự cố ô nhiễm môi trường biển.

7. Phụ trách tiến hành kiểm tra giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với các tàu đánh cá lưới rê trong các vùng biển bên ngoài khu vực cấm đánh bắt cá, hoạt động sản xuất nghề cá trong các ngư trường tài nguyên nghề cá đặc biệt, hoạt động bảo vệ động vật biển hoang dã; tổ chức hoặc tham gia điều tra xử lý theo pháp luật các sự cố an toàn sản xuất nghề cá trên biển và tranh chấp về sản xuất nghề cá.

8. Phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra, xử lý các hoạt động tội phạm trên biển.

9. Xử lý các sự cố phát sinh trên biển, tham gia cứu hộ cứu nạn khẩn cấp trên biển theo phân công chức năng nhiệm vụ.

10. Căn cứ theo các quy định của pháp luật Trung Quốc và các điều ước quốc tế mà Trung Quốc tham gia ký kết, đảm nhận nhiệm vụ thực thi pháp luật, quản lý, giám sát nghề cá tại khu vực bên ngoài vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

11. Các chức năng nhiệm vụ khác theo quy định của Nhà nước.

Phân công chức năng nhiệm vụ giữa cơ quan Hải cảnh với các bộ ngành chủ quản khác như công an, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, giao thông vận tải, ngư chính nghề cá, hải quan…thực hiện theo quy định liên quan của Nhà nước.

ĐIỀU 12

Các bộ, ngành chức năng cấp Trung ương thực hiện chỉ đạo nghiệp vụ đối với công tác thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển theo quy định có liên quan của Nhà nước.

Cục Hải cảnh Trung Quốc và Chi cục Hải cảnh khu vực căn cứ các quy định liên quan của Nhà nước thực hiện điều phối, chỉ đạo đội ngũ thực thi pháp luật trên biển của chính quyền các địa phương ven biển trong việc triển khai công tác thực thi pháp luật liên quan đến sử dụng vùng biển, bảo vệ và khai thác hải đảo, bảo vệ môi trường sinh thái biển, quản lý nghề cá trên biển; đồng thời tiến hành giám sát đối với công tác thực thi pháp luật.

Căn cứ yêu cầu công tác, Cục Hải cảnh Trung Quốc và các Chi cục Hải cảnh khu vực có thể điều phối, huy động lực lượng tàu thuyền, nhân viên của đội ngũ thực thi pháp luật trên biển thuộc chính quyền các địa phương ven biển để tham gia các hoạt động thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển có quy mô lớn.

CHƯƠNG 3: BẢO VỆ AN NINH TRÊN BIỂN

ĐIỀU 13

Để duy trì trật tự trị an trên biển, cơ quan Hải cảnh có quyền tiến hành nhận dạng, xác minh theo pháp luật đối với tàu thuyền nước ngoài đi lại, neo đậu, tác nghiệp trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc; làm rõ các thông tin cơ bản của tàu thuyền và tình hình cơ bản về hoạt động đi lại, tác nghiệp của tàu thuyền đó. Đối với các tàu thuyền nước ngoài có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan Hải cảnh có thể thực hiện việc theo dõi và giám sát.

ĐIỀU 14

Với các tàu thuyền ngoại quốc đi vào nội thuỷ, lãnh hải trái phép, cơ quan Hải cảnh có quyền và trách nhiệm yêu cầu tàu thuyền đó lập tức rời khỏi hoặc áp dụng các biện pháp như tạm giữ, xua đuổi, và cưỡng chế lai kéo.

ĐIỀU 15

Do nhu cầu chấp hành nhiệm vụ bảo vệ an toàn trên biển, nhân viên cơ quan Hải cảnh có thể tiến hành lên tàu, kiểm tra đối với các tàu thuyền đi lại, dừng đậu, tác nghiệp trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.

Khi lên tàu kiểm tra theo quy định của pháp luật, Cơ quan Hải cảnh cần sử dụng mệnh lệnh rõ ràng để yêu cầu tàu thuyền bị kiểm tra dừng lại, tiếp nhận kiểm tra. Tàu thuyền bị kiểm tra cần dừng tàu tiếp nhận kiểm tra theo mệnh lệnh của cơ quan Hải cảnh, đồng thời tạo điều kiện cần thiết cho việc kiểm tra; đối với các tàu thuyền từ chối phối hợp kiểm tra, cơ quan Hải cảnh có thể cưỡng chế kiểm tra; các tàu thuyền bỏ chạy khỏi hiện trường, cơ quan Hải cảnh có thể áp dụng các biện pháp cần thiết để tiến hành ngăn chặn, truy đuổi. 

Nhân viên thực thi pháp luật của cơ quan Hải cảnh kiểm tra tàu có quyền kiểm tra giấy tờ liên quan đến tàu thuyền và hoạt động sản xuất của tàu thuyền đó và thông tin nhân thân của nhân viên trên tàu, kiểm tra kết cấu tàu thuyền và các hàng hoá, hiện vật trên tàu, tiến hành điều tra, lấy chứng cứ đối với các sự việc vi phạm pháp luật liên quan. 

Khi tiến hành lên tàu, kiểm tra, truy đuổi, Cơ quan Hải cảnh tuân thủ các quy định liên quan trong các điều ước quốc tế mà Trung Quốc ký kết, tham gia. 

ĐIỀU 16

Cơ quan Hải cảnh có thể áp dụng các biện pháp sau để xử lý các yêu cầu cấp thiết trong các sự kiện đột xuất phát sinh trên biển: 

1. Ra lệnh cho tàu thuyền dừng di chuyển, dừng tác nghiệp.

2. Ra lệnh cho tàu thuyền thay đổi hành trình hoặc đi tới các địa điểm được chỉ định.

3. Ra lệnh cho nhân viên trên tàu thuyền rời khỏi tàu thuyền hoặc hạn chế, cấm nhân viên lên, xuống tàu thuyền.

4. Ra lệnh cho tàu thuyền dỡ hàng hoá hoặc hạn chế, cấm tàu thuyền dỡ hàng hoá.

5. Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 17

Đối với các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài khi xây dựng công trình kiến trúc, cấu trúc hoặc lắp đặt các loại thiết bị cố định hoặc thả nổi trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc mà chưa được các cơ quan chủ quản Trung Quốc phê chuẩn, cơ quan Hải cảnh có quyền và trách nhiệm yêu cầu dừng các hoạt động vi phạm pháp luật hoặc điều chỉnh, thay đổi hành vi có (hoặc không có) thời hạn; đối với các tổ chức, cá nhân từ chối dừng hoạt động vi phạm hoặc từ chối điều chỉnh, thay đổi hành vi có (hoặc không có) thời hạn, khi cần thiết, cơ quan Hải cảnh có thể cưỡng chế dỡ bỏ theo pháp luật.

ĐIỀU 18

Đối với tàu thuyền quân sự nước ngoài và tàu thuyền chính phủ nước ngoài hoạt động phi thương mại trong vùng biển thuộc quyền tài phán Trung Quốc mà có hành vi vi phạm quy định pháp luật Trung Quốc, cơ quan Hải cảnh có quyền áp dụng các biện pháp cảnh giới hoặc kiểm soát cần thiết để ngăn chặn, ra lệnh cho tàu thuyền đó lập tức rời khỏi vùng biển liên quan; đối với các tàu thuyền kiên quyết không rời đi, gây ra nguy hại hoặc uy hiếp nghiêm trọng, cơ quan Hải cảnh có quyền áp dụng các biện pháp như xua đuổi hoặc cưỡng chế lai kéo. 

ĐIỀU 19

Khi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên biển bị các tổ chức, cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp, hoặc đang đối mặt với nguy hiểm cấp bách bị xâm phạm bất hợp pháp, cơ quan Hải cảnh có quyền áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, bao gồm sử dụng vũ khí để ngăn chặn việc xâm hại, loại trừ nguy hiểm theo các quy định của Luật này hoặc các bộ luật, quy định khác liên quan. 

CHƯƠNG 4: THỰC THI PHÁP LUẬT HÀNH CHÍNH TRÊN BIỂN

ĐIỀU 20

Đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về quản lý hành chính như trị an, hải quan, khai thác và sử dụng tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, quản lý nghề cá trên biển, và các quy định khác, cơ quan Hải cảnh có thể tiến hành theo luật các biện pháp cưỡng chế hành chính, xử phạt hành chính hoặc các biện pháp được quy định trong các quy định, pháp luật liên quan.

Cơ quan Hải cảnh căn cứ quy định pháp luật hành chính liên quan đến các lĩnh vực khai thác và sử dụng tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, quản lý nghề cá trên biển, v.v… có thể tiến hành giám sát, kiểm tra hiện trường tác nghiệp sản xuất trên biển.

Do yêu cầu điều tra hành vi vi phạm pháp luật trên biển, cơ quan Hải cảnh có quyền thu thập, lấy chứng cứ từ những cá nhân, tổ chức liên quan. Cá nhân và tổ chức liên quan cần cung cấp chứng cứ theo đúng sự thật. 

Để duy trì, bảo vệ trật tự trị an trên biển, đối với các nghi phạm vi phạm pháp luật, cơ quan Hải cảnh tiến hành thẩm vấn tại hiện trường, kiểm tra hoặc tiếp tục thẩm vấn theo quy định của Luật Cảnh sát nhân dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

ĐIỀU 21

Nhân viên cơ quan Hải cảnh khi cần lên tàu, kiểm tra hoặc truy đuổi để triển khai thực thi pháp luật hành chính thì chấp hành theo Điều 15 Luật này.

ĐIỀU 22

Khi xảy ra một trong các tình huống sau đây, cơ quan Hải cảnh từ cấp tỉnh trở lên có thể xác định khu cảnh giới trên biển tạm thời trong vùng biển thuộc quyền tài phán Trung Quốc, hạn chế hoặc cấm tàu thuyền và người qua lại, neo đậu:

1. Khi cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên biển.

2. Khi cần thiết để chống các hoạt động tội phạm, phạm pháp trên biển.

3. Khi cần thiết để xử lý các sự vụ xảy ra đột xuất trên biển.

4. Khi cần thiết để bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên biển.

5. Các tình huống khác cần xác định khu cảnh giới trên biển tạm thời.

Cơ quan Hải cảnh khi xác định khu cảnh giới trên biển tạm thời cần làm rõ và công bố phạm vi, thời hạn, biện pháp quản lý, và những thông tin khác của khu cảnh giới trên biển tạm thời. Trong đó, trong trường hợp có khả năng ảnh hưởng tới an toàn giao thông, cần xin ý kiến các cơ quan quản lý hải sự trước khi xác định, đồng thời đăng ký phát hành thông báo hoặc cảnh báo hàng hải với các cơ quan quản lý hải sự theo các quy định liên quan; đối với việc sử dụng biển cho mục đích quân sự hoặc có thể ảnh hưởng tới sử dụng và an toàn thiết bị quân sự trên biển, cần xin ý kiến nhất trí của đơn vị quân đội liên quan.

Trong trường hợp không cần tiếp tục hạn chế hoặc cấm người hoặc tàu thuyền qua lại, neo đậu, cơ quan Hải cảnh cần kịp thời xoá bỏ khu cảnh giới trên biển tạm thời đã thiết lập trước đó.

ĐIỀU 23

Đối với các tàu thuyền bị nghi ngờ phạm pháp, đang chịu điều tra xử lý của cơ quan Hải cảnh, cơ quan Hải cảnh có thể ra lệnh cho tàu đó dừng đi lại, tác nghiệp, neo đậu ở nơi chỉ định hoặc cấm rời cảng. Khi cần thiết, cơ quan Hải cảnh có thể cưỡng chế áp giải tàu thuyền nghi phạm đến địa điểm chỉ định để tiếp nhận điều tra.

ĐIỀU 24

Cơ quan Hải cảnh cần tiến hành giám sát, quản lý theo pháp luật đối với tàu thuyền của các tổ chức quốc tế, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài khi tiến hành các hoạt động như nghiên cứu khoa học biển, lắp đặt dây cáp và ống dẫn dưới đáy biển, hoạt động nghề cá và các hoạt động khảo sát, khai thác tài nguyên thiên nhiên, v.v… trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc mà chưa được cơ quan chủ quản Trung Quốc phê chuẩn. Khi cần thiết, cơ quan Hải cảnh có thể cử nhân viên thực thi pháp luật giám sát, quản lý theo tàu. 

ĐIỀU 25

Nhằm phòng chống và xử phạt các hành vi vi phạm quy định pháp luật liên quan đến an ninh, hải quan, tài chính, môi trường hay quản lý xuất nhập cảnh trên lãnh thổ lục địa, nội thuỷ hoặc lãnh hải của Trung Quốc, cơ quan Hải cảnh có quyền thực hiện quyền kiểm soát tại vùng tiếp giáp lãnh hải, thực hiện theo quy định các biện pháp cưỡng chế hành chính hoặc các biện pháp khác.

ĐIỀU 26

Khi xác nhận có sự vụ vi phạm pháp luật trong một trong các tình huống sau, nhân viên thực thi pháp luật của cơ quan Hải cảnh có thể ra quyết định xử phạt tại hiện trường:

1. Phạt tiền lên tới 500 nhân dân tệ hoặc cảnh cáo đối với cá nhân, phạt tiền lên tới 5000 nhân dân tệ hoặc cảnh cáo đối với tổ chức.

2. Nếu không ra quyết định phạt tiền tại chỗ thì sau khó chấp hành xử phạt.

ĐIỀU 27

Đối với các vụ việc hành chính trên biển không phù hợp với xử phạt tại hiện trường, nhưng vi phạm rõ ràng, đương sự tự nguyện nhận sai, nhận phạt, không có ý kiến khác với sự việc vi phạm và áp dụng quy định pháp luật, cơ quan Hải cảnh có thể xử lý nhanh thông qua hình thức đơn giản hoá việc thu thập bằng chứng và xem xét phê duyệt.

Đối với các vụ việc hành chính trên biển đủ điều kiện xử lý nhanh, đương sự viết tay hoặc xác nhận trong ghi chép tra hỏi về sự việc vi phạm, nhận sai, nhận phạt, đồng thời có chứng cứ đầy đủ có khả năng xác nhận lẫn nhau như ghi chép bằng hình ảnh, âm thanh, dữ liệu điện tử, ghi chép kiểm tra, v.v…, cơ quan Hải cảnh có thể không tiếp tục triển khai công tác thu thập chứng cứ, điều tra.

Việc ghi hình, ghi âm trong quá trình tra hỏi bằng thiết bị để thực thi pháp luật có thể thay thế cho ghi chép giấy tờ. Khi cần thiết có thể ghi nội dung chú thích đối với các nội dung ghi âm, ghi hình quan trọng và thời gian ghi tương ứng.

Đối với các vụ việc hành chính xử lý nhanh, cơ quan Hải cảnh cần ra quyết định xử lý trong 48 tiếng sau khi đương sự trình diện.

ĐIỀU 28

Các vụ việc hành chính trên biển có các tình tiết sau thì không phù hợp xử lý nhanh:

1. Đương sự là người khiếm thị, khiếm thính, câm, chưa thành niên hoặc nghi có bệnh tâm thần.

2. Theo luật định cần tham gia thủ tục điều trần.

3. Có khả năng tạm giữ hành chính từ 10 ngày trở lên.

4. Có ảnh hưởng xã hội nghiêm trọng.

5. Có khả năng bị tình nghi phạm tội.

6. Các tình tiết không phù hợp với xử lý nhanh khác.

ĐIỀU 29

Trước khi cơ quan Hải cảnh thực hiện các biện pháp cưỡng chế hành chính, cần báo cáo người phụ trách tại đơn vị phê chuẩn. Trong tình huống khẩn cấp mà nhân viên thực thi pháp luật cơ quan Hải cảnh phải thực hiện biện pháp cưỡng chế hành chính tại hiện trường trên biển thì cần báo cáo người phụ trách tại đơn vị trong 24 tiếng, kịp thời làm thủ tục xin phê chuẩn bổ sung ngay sau khi cập bến; nếu gặp các tình huống bất khả kháng, không thể báo cáo người phụ trách tại đơn vị trong 24 tiếng thì cần báo cáo người phụ trách tại đơn vị trong 24 tiếng sau khi tình huống bất khả kháng đó kết thúc. Nếu người phụ trách cơ quan Hải cảnh cho rằng không nên áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính thì phải ngay lập tức huỷ bỏ.

ĐIỀU 30

Khi đương sự không thực hiện quyết định xử phạt của cơ quan Hải cảnh trong thời hạn đặt ra, cơ quan Hải cảnh ra quyết định xử phạt có thể áp dụng các biện pháp dưới đây theo luật định:

1. Với trường hợp không nộp phạt trong thời gian quy định, mỗi ngày quá hạn tăng 3% số tiền phạt.

2. Niêm phong, thu giữ và bán đấu giá tài sản, xử lý theo luật định hoặc đóng băng tài khoản tiền gửi, chuyển tiền để nộp phạt.

Đối với các trường hợp mà Luật này hoặc các Luật khác không quy định có thể thi hành cưỡng chế hành chính thì yêu cầu Toà án nhân dân cưỡng chế thi hành.

ĐIỀU 31

Cục Hải cảnh Trung Quốc quyết định phạm vi tài phán của cơ quan Hải cảnh đối với các vụ việc hành chính trên biển.

Nếu có tranh chấp về tài phán giữa cơ quan Hải cảnh và các cơ quan khác, cơ quan Hải cảnh và cơ quan khác đó tiến hành thương lượng với nhau trên nguyên tắc có lợi cho việc thu thập chứng cứ và xử lý vụ việc.

ĐIỀU 32

Khi xử lý vụ việc hành chính trên biển, nếu có chứng cứ cho thấy đương sự có hành vi phá huỷ chứng cứ, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ của cơ quan Hải cảnh, cơ quan Hải cảnh có thể giảm tiêu chuẩn chứng minh vụ việc một cách phù hợp hoặc đương sự có trách nhiệm chứng minh vụ việc.

ĐIỀU 33

Trong khi cơ quan Hải cảnh triển khai trình tự thực thi pháp luật hành chính trên biển, nếu Luật này không quy định thì áp dụng các quy định trong các Luật liên quan như Luật xử phạt hành chính nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Luật cưỡng chế hành chính nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Luật xử phạt quản lý trị an nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

CHƯƠNG 5: ĐIỀU TRA PHẠM TỘI TRÊN BIỂN

ĐIỀU 34

Khi xử lý vụ án hình sự phát sinh trên biển, Cơ quan Hải cảnh căn cứ Luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và quy định liên quan của Luật này về quyền điều tra để thực hiện biện pháp điều tra và biện pháp cưỡng chế hình sự. 

ĐIỀU 35

Cơ quan Hải cảnh sau khi lập án, đối với vụ án về phạm tội gây nguy hại cho an toàn quốc gia, phạm tội hoạt động khủng bố, phạm tội tổ chức mang tính xã hội đen, phạm tội ma túy lớn hoặc các loại phạm tội khác gây hại nghiêm trọng cho xã hội thì căn cứ Luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và quy định liên quan, thông qua thủ tục phê chuẩn nghiêm ngặt, có thể áp dụng biện pháp điều tra kỹ thuật, căn cứ quy định giao cho cơ quan hữu quan thi hành. 

Khi được phê chuẩn, có thể phát lệnh truy nã, áp dụng biện pháp điều tra kỹ thuật cần thiết để truy bắt bị cáo, nghi phạm đang bỏ trốn. 

ĐIỀU 36

Trong khi truy bắt nghi phạm đang bỏ trốn, cơ quan Hải cảnh các cấp trong phạm vị phân cấp hành chính tương ứng, có thể phát lệnh truy nã, áp dụng biện pháp có hiệu quả, truy bắt quy án. 

Cơ quan Hải cảnh có thể đề nghị cơ quan Công an hỗ trợ truy bắt đối với nghi phạm bị phát lệnh truy nã. 

ĐIỀU 37

Nhân viên Hải cảnh nếu cần tiến hành lên tàu kiểm tra, truy đuổi tàu thuyền có liên quan để tiến hành xử lý hình sự vụ án thì căn cứ quy định tại điều 15 Luật này để thực hiện. 

ĐIỀU 38

Cơ quan Hải cảnh, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân căn cứ theo pháp luật để quyết định quyền bảo lãnh đối với nghi phạm, bị cáo liên quan đến vụ án hình sự trên biển và do cơ quan Hải cảnh tại nơi cư trú của người được bảo lãnh thi hành. Nếu nơi cư trú của người được bảo lãnh chưa thiết lập cơ quan Hải cảnh thì việc thi hành bảo lãnh giao cho cơ quan công an nơi cư trú của người được bảo lãnh; khi cần thiết, cơ quan Hải cảnh phụ trách xử lý vụ án sẽ phối hợp để cùng triển khai thực hiện. 

ĐIỀU 39

Cơ quan Hải cảnh, Viện Kiểm sát Nhân dân, Tòa án Nhân dân căn cứ theo pháp luật để quyết định giám sát tại chỗ đối với nghi phạm, bị cáo liên quan đến vụ án hình sự trên biển và do cơ quan Hải cảnh tại nơi cư trú của người bị giám sát thi hành; nếu cơ quan Hải cảnh phụ trách vụ án đối với người bị giám sát chưa có cơ sở tại khu vực thành phố, huyện thì có thể chỉ định nơi lưu trú để thực hiện giám sát. Đối với tội phạm liên quan đến nguy hại an toàn quốc gia, hoạt động khủng bố, nơi chỉ định lưu trú giám sát có thể gây trở ngại cho việc điều tra thì có thể xin phê chuẩn của cơ quan Hải cảnh cấp trên để chỉ định nơi lưu trú giám sát. Tuy nhiên, không được cho lưu trú tại nơi bắt giữ hoặc khu vực thực hiện vụ án.  

ĐIỀU 40

Đồn Hải cảnh phụ trách điều tra vụ án hình sự xảy ra trong nội thành thuộc phạm vi quản lý của mình. 

Cục Hải cảnh cấp thành phố trở lên phụ trách điều tra đối với tội phạm nghiêm trọng liên quan đến an toàn quốc gia, hoạt động khủng bố, có yếu tố nước ngoài, phạm tội kinh tế, phạm tội có tổ chức cũng như các vụ án phạm tội nghiêm trọng khác trong thành phố thuộc phạm vi quản lý của mình. 

Nếu cơ quan Hải cảnh cấp trên nhận thấy cần thiết, có thể tiến hành điều tra vụ án hình sự thuộc phạm vi quản lý của cơ quan Hải cảnh cấp dưới; cơ quan Hải cảnh cấp dưới nhận thấy tình tiết vụ án nghiêm trọng cần được cơ quan Hải cảnh cấp trên tiến hành điều tra thì có thể báo cáo cơ quan Hải cảnh cấp trên.

ĐIỀU 41

Với những vụ án hình sự cần xin lệnh bắt hoặc di lý khởi tố, cơ quan Hải cảnh cần xin phép Viện Kiểm sát Nhân dân tương ứng ở sở tại. 

CHƯƠNG 6: SỬ DỤNG CÔNG CỤ HỖ TRỢ VÀ VŨ KHÍ

ĐIỀU 42

Luật này chưa quy định về việc nhân viên Hải cảnh sử dụng công cụ hỗ trợ và vũ khí nên sẽ căn cứ theo quy định sử dụng công cụ hỗ trợ và vũ khí của Cảnh sát nhân dân và quy định luật pháp liên quan khác. 

ĐIỀU 43

Khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây nếu cảnh cáo không có tác dụng, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng vũ khí cầm tay khi: 

1. Có chứng cứ cho thấy tàu thuyền chở nghi phạm hoặc vận chuyển trái phép vũ khí, đạn dược, tài liệu mật nhà nước, ma túy và những vật phẩm trái phép khác, mà cố tình bỏ trốn sau khi hải cảnh ra lệnh dừng lại.

2. Tàu thuyền nước ngoài sản xuất, hoạt động trái phép trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc không chấp hành hiệu lệnh của hải cảnh về việc dừng tàu, lên kiểm tra, mặc dù Hải cảnh đã sử dụng biện pháp khác nhưng không đủ để ngăn chặn hành vi trái phép. 

ĐIỀU 44

Ngoài vũ khí cầm tay, hải cảnh có thể sử dụng tàu thuyền hoặc vũ khí trang bị trên tàu khi xảy ra một trong các trường hợp sau:

 1. Thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố trên biển.

 2. Xử lý vụ việc bạo lực nghiêm trọng trên biển.

 3. Phương tiện tàu thuyền, thiết bị bay của hải cảnh bị tấn công bằng vũ khí hoặc hình thức nguy hiểm khác. 

ĐIỀU 45

Khi sử dụng vũ khí theo pháp luật, nhân viên hải cảnh có thể sử dụng lập tức trong trường hợp không kịp cảnh báo hoặc sau khi cảnh cáo có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn.

ĐIỀU 46

Nhân viên hải cảnh căn cứ vào mức độ cấp bách, tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội và hành vi của người phạm tội, phán đoán hợp lý về mức độ cần thiết của việc dụng vũ khí, tránh và hạn chế tối đa việc gây tổn thất về người và tài sản; khi sử dụng vũ khí với tàu thuyền, cần tránh tối đa việc bắn vào vị trí dưới đường nước (thuỷ tuyến).

ĐIỀU 47

Nhân viên Hải cảnh có thể sử dụng công cụ hỗ trợ hoặc các phương tiện, trang thiết bị khác tại chỗ khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây: 

1. Khi lên tàu, kiểm tra, dừng chặn, truy đuổi tàu thuyền, cần phải cưỡng chế để tàu thuyền dừng lại. 

2. Xua đuổi, cưỡng chế lai kéo tàu thuyền.

3. Nhân viên Hải cảnh bị cản trở, gây nguy hại trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

4. Các tình huống khác nhằm ngăn chặn tại chỗ hành vi phạm pháp. 

CHƯƠNG 7: XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VÀ PHỐI HỢP

ĐIỀU 48

Nhà nước xây dựng cơ chế bảo đảm kinh phí cho cơ quan Hải cảnh trên cơ sở điều tiết giữa nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển với xây dựng phát triển và tương ứng với sự phát triển của kinh tế xã hội. Kinh phí cần thiết được đưa vào dự toán ngân sách nhà nước theo các quy định liên quan. 

ĐIỀU 49

Cơ sở hạ tầng, thiết bị, phục vụ cho thực thi pháp luật thi hành án, huấn luyện, sinh hoạt… của cơ quan Hải cảnh trong việc triển khai công tác thực thi pháp luật trên biển được đưa vào quy hoạch xây dựng cơ bản, quy hoạch tổng thể xây dựng đô thị và nông thôn cũng như các quy hoạch khác dựa trên các quy định liên quan của quốc gia để đảm bảo kinh phí. 

ĐIỀU 50

Cơ quan Hải cảnh cần hoàn thiện hệ thống lực lượng, đẩy mạnh xây dựng đội ngũ nhân tài, tăng cường đào tạo bồi dưỡng, đảm bảo nhân viên cơ quan Hải cảnh được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tố chất trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao năng lực thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi trên biển.

Cơ quan Hải cảnh cần xây dựng chế độ chứng nhận huấn luyện và quản lý tư cách đối với nhân viên thực thi pháp luật trên biển.

ĐIỀU 51

Cơ quan Hải cảnh cần tăng cường xây dựng, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, thúc đẩy thực thi pháp luật công khai, đẩy mạnh dịch vụ tiện ích, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bảo vệ quyền lợi trên biển.

Cơ quan Hải cảnh cần mở kênh tổng đài liên lạc cho các vấn đề trên biển, kịp thời hỗ trợ khẩn cấp cũng như tiếp nhận xử lý thông tin của quần chúng nhân dân.

ĐIỀU 52

Cơ quan Hải cảnh xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và phối hợp công tác với các bộ, ngành chức năng như: ngoại giao, công an, tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, giao thông vận tải, ngư nghiệp ngư chính, quản lý ứng phó khẩn cấp, hải quan cũng như cơ quan chức năng của Viện kiểm sát nhân dân và quân đội.

Bộ, ngành chức năng liên quan cần kịp thời cung cấp cơ sở dữ liệu, giấy phép hành chính, chính sách quản lý hành chính… cùng dịch vụ thông tin và hỗ trợ kỹ thuật có liên quan cho cơ quan Hải cảnh khi triển khai công tác thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi trên biển. 

Cơ quan Hải cảnh cần phản hồi kịp thời cho bộ, ngành chức năng liên quan về các số liệu, thông tin… liên quan đến kiểm tra giám sát, điều tra xử lý vi phạm trên biển. Phối hợp với bộ, ngành chức năng liên quan làm tốt công tác quản lý hành chính trên biển. Cơ quan Hải cảnh thực hiện xử phạt hành chính theo pháp luật, đối với việc tạm dừng giấy phép phù hợp với quy định của pháp luật cần di lý hồ sơ liên quan đến cơ quan cấp phép để xử lý. 

ĐIỀU 53

Trong quá trình thực thi pháp luật, nếu cần thiết, cơ quan Hải cảnh có thể đề nghị các bộ, ngành chức năng liên quan hỗ trợ. Lĩnh vực đề nghị hỗ trợ thuộc phạm vi chức năng của bộ, ngành liên quan nào thì bộ, ngành liên quan đó phối hợp hỗ trợ. 

ĐIỀU 54

Cơ quan Hải cảnh quyết định tạm giữ hành chính đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, tạm giữ thẩm tra người nước ngoài cũng như quyết định tạm giữ hình sự, thực hiện bắt giữ đối với nghi phạm theo pháp luật được giam giữ tại nhà giam hoặc nơi tạm giữ của cơ quan Hải cảnh sở tại. 

ĐIỀU 55

Với những tài sản bị tịch thu, tạm giữ trước khi có phán quyết của Tòa án hoặc quyết định xử phạt của cơ quan Hải cảnh thì không được xử lý. Tuy nhiên, nếu được Cục Hải cảnh Cảnh cấp thành phố trở lên phê chuẩn, có thể tiến hành thanh lý hoặc đấu giá, đồng thời thông báo cho người sở hữu với những vật phẩm sau đây: 

1. Đồ nguy hiểm. 

2. Đồ khó bảo quản lâu ngày như tươi sống, dễ thiu thối, dễ hỏng.

3. Đồ nếu lâu ngày không sử dụng sẽ ảnh hưởng đến tính năng cơ khí và hư hao giá trị như: ô tô, tàu thuyền.

4. Đồ có kích thước lớn, khó bảo quản.

5. Đồ được người sở hữu đề nghị thanh lý hoặc bán đấu giá trước. 

Khoản tiền có được từ việc thanh lý hoặc bán đấu giá sẽ được cơ quan Hải cảnh tạm giữ. Sau khi kết thúc hồ sơ sẽ xử lý theo quy định. 

ĐIỀU 56

Cơ quan Hải cảnh cần trả lại tài sản có liên quan đến vụ án cho chủ sở hữu hoặc đương sự, thông báo cho chủ sở hữu hoặc đương sự nhận lại tài sản trong vòng 6 tháng. Nếu không xác định được chủ sở hữu thì cần áp dụng hình thức thông báo công khai để chủ sở hữu được biết và đến nhận. Nếu đã thông báo cho chủ sở hữu, đương sự hoặc thông báo công khai trong vòng 6 tháng không ai đến nhận thì áp dụng xử lý tài sản theo hình thức vô chủ và sau khi đăng ký sẽ nhập vào ngân khố quốc gia hoặc số tiền sau khi thanh lý, đấu giá sẽ nộp cho ngân khố quốc gia. Nếu gặp trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài thời gian xử lý, thời gian kéo dài không quá 3 tháng. 

CHƯƠNG 8: HỢP TÁC QUỐC TẾ

ĐIỀU 57

Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa căn cứ hiệp định ký kết, hoặc tham gia các điều ước quốc tế, hoặc dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi, cùng có lợi, triển khai hợp tác quốc tế về thực thi pháp luật trên biển.

ĐIỀU 58

Cục Hải cảnh Trung Quốc trong thẩm quyền quy định có thể cùng cơ quan thực thi pháp luật trên biển các nước hoặc các tổ chức quốc tế liên quan triển khai hợp tác quốc tế về thực thi pháp luật trên biển; tổ chức hoặc tham gia việc thực hiện các điều ước quốc tế về thực thi pháp luật trên biển liên quan; đàm phán ký kết văn kiện có tính hợp tác thực thi pháp luật trên biển.

ĐIỀU 59

Nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan Hải cảnh trong triển khai hợp tác quốc tế về thực thi pháp luật trên biển là tham gia xử lý các vụ việc đột xuất trên biển có yếu tố nước ngoài; điều phối giải quyết tranh chấp thực thi pháp luật trên biển; quản lý, kiểm soát khủng hoảng; hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của các nước và tổ chức quốc tế liên quan tấn công tội phạm xuyên quốc gia trên biển, bảo vệ môi trường tài nguyên biển, cùng duy trì bảo vệ an ninh công cộng và trật tự biển quốc tế và khu vực.

ĐIỀU 60

Cơ quan Hải cảnh có thể cùng với cơ quan thực thi pháp luật trên biển các nước và các tổ chức quốc tế triển khai các hợp tác quốc tế về thực thi pháp luật trên biển sau:

1. Xây dựng cơ chế hợp tác về thực thi pháp luật trên biển song phương, đa phương với các cơ quan thực thi pháp luật trên biển các nước và các tổ chức quốc tế liên quan;

2. Tham gia các hoạt động về cơ chế hợp tác thực thi pháp luật trên biển với các tổ chức quốc tế hoặc song phương và đa phương;

3. Giao lưu và chia sẻ thông tin tình báo về thực thi pháp luật trên biển;

4. Tuần tra, kiểm tra, diễn tập, luyện tập chung trên biển;

5. Cùng tấn công các hoạt động tội phạm trên biển;

6. Cứu trợ nhân đạo trên biển;

7. Giao lưu giáo dục bồi dưỡng;

8. Cử nhân viên tham gia hợp tác quốc tế về thực thi pháp luật chung trên biển;

9. Các hoạt động hợp tác quốc tế về thực thi pháp luật trên biển khác.

CHƯƠNG 9: GIÁM SÁT

ĐIỀU 61

Cơ quan Hải cảnh và các nhân viên làm việc cần căn cứ theo pháp luật, các quy định pháp quy hành chính, quyền hạn và trình tự thực hiện chức trách, thực hiện quyền lực, không được vượt quá chức trách, lạm dụng chức quyền, không được xâm phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức.

ĐIỀU 62

Cơ quan Hải cảnh cần tôn trọng và bảo đảm quyền được biết, quyền tham dự và quyền giám sát của công dân, pháp nhân và tổ chức khác đối với việc thực thi pháp luật của cơ quan hải cảnh theo quy định của pháp luật; tăng cường độ minh bạch và lòng tin trong việc thực thi pháp luật.

Cơ quan Hải cảnh cần căn cứ các quy định hữu quan của nhà nước, chủ động hoặc tuân thủ các thao tác, thu thập thông tin công khai được trong quá trình thực thi chức trách, cần ghi lại và lưu trữ thông tin với hình thức nhất định.

Cơ quan Hải cảnh cần căn cứ những quy định trong công tác báo chí dư luận, kịp thời cung cấp những thông tin chính xác về công tác thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi trên biển.

ĐIỀU 63

Khi Cơ quan hải cảnh thực hiện điều tra hoặc tiến hành kiểm tra thực thi pháp luật hành chính, phải có ít nhất hai nhân viên thực thi pháp luật, cần mặc trang phục theo quy định, hoặc cung cấp giấy phép thực thi pháp luật ghi rõ thông tin cá nhân cho đương sự hay những người liên quan khác. Đương sự hoặc những người liên quan khác có quyền yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận thực thi pháp luật.

Cơ quan hải cảnh được coi là đã thể hiện rõ tư cách thực thi pháp luật khi sử dụng tàu thuyền, máy bay thực thi pháp luật có phù hiệu chuyên dụng khi triển khai công tác thực thi pháp luật trên biển như tuần tra, cảnh giới, ngăn cản, truy đuổi khẩn cấp.

ĐIỀU 64

Khi tiến hành chất vấn, thẩm vấn, truy vấn, xác định nghi phạm cũng như tiến hành kiểm tra an toàn, thu thập thông tin đối với nghi phạm và các hoạt động thực thi pháp luật khác, nhân viên thực thi pháp luật của cơ quan Hải cảnh phải thực hiện tại nơi làm việc. Trừ những trường hợp khẩn cấp cần phải thực hiện điều tra, thẩm vấn ngay tại hiện trường hoặc những nơi khác không tiện cho việc tiến hành điều tra, thẩm vấn tại nơi làm việc.

Cơ quan Hải cảnh cần căn cứ theo các quy định của nhà nước liên quan về các hình thức dưới dạng văn bản, ghi âm, ghi hình để tiến hành ghi chép, lưu trữ dữ liệu đối với quá trình hoạt động thực thi pháp luật thực thi quyền lợi trên biển.

ĐIỀU 65

Cơ quan Hải cảnh và nhân viên Hải cảnh khi triển khai hoạt động thực thi pháp luật thực thi quyền lợi trên biển chịu sự giám sát của cơ quan kiểm sát và cơ quan giám sát quân đội theo pháp luật.

ĐIỀU 66

Chính quyền nhân dân và các cơ quan hữu quan, công dân, pháp nhân và các tổ chức khác có quyền tố cáo, tố giác với cơ quan kiểm sát và cơ quan giám sát quân đội về các hành vi vi phạm của nhân viên cơ quan Hải cảnh; đồng thời có thể tố cáo qua đường dây nóng trên biển đối với nhân viên cơ quan Hải cảnh có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật hoặc thiếu trách nhiệm.

Không cơ quan và cá nhân nào được áp đặt, đả kích, trả đũa đối với công dân, pháp nhân và các tổ chức khác tố cáo, tố giác theo pháp luật.

ĐIỀU 67

Cơ quan Hải cảnh cấp trên cần tiến hành giám sát đối với việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi trên biển của cơ quan Hải cảnh cấp dưới; phát hiện biện pháp xử lý hoặc quyết định xử lý sai sót thì có quyền thu hồi, thay đổi hoặc ra lệnh cơ quan hải cảnh cấp dưới thu hồi, thay đổi biện pháp xử lý hoặc quyết định xử lý sai sót đó; nếu phát hiện cơ quan hải cảnh cấp dưới không thực hiện đúng chức trách theo quy định thì cơ quan Hải cảnh cấp trên có quyền căn cứ theo pháp luật để xử lý.

ĐIỀU 68

Cơ quan hải cảnh cần xây dựng kiện toàn cơ chế giám sát và chế độ truy cứu trách nhiệm sai phạm trong thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi trên biển.

CHƯƠNG 10: TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ

ĐIỀU 69

Cá nhân hoặc tổ chức có một trong những hành vi cản trở nhân viên cơ quan hải cảnh thực hiện chức trách theo pháp luật dưới đây sẽ bị cơ quan công an hoặc cơ quan hải cảnh xử phạt về việc cản trở lực lượng cảnh sát nhân dân thực thi công vụ theo “Luật xử phạt về quản lý trị an nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”:

1. Thóa mạ, uy hiếp, bao vây, ngăn chặn, tấn công nhân viên cơ quan hải cảnh đang thực thi công vụ.

2. Cản trở nhân viên thực thi pháp luật của cơ quan hải cảnh thu thập chứng cứ.

3. Cố tình xông vào vùng cấm tạm thời trên biển do cơ quan hải cảnh thiết lập.

4. Ngăn cản hải cảnh thực hiện các nhiệm vụ như truy bắt, kiểm tra, lục soát, cứu hộ, bảo vệ.

5. Ngăn cản hoạt động đi lại của tàu thuyền, thiết bị bay, xe cộ, nhân viên hải cảnh đang trong quá trình lưu thông thực thi pháp luật. 

6. Có các hành vi lái tàu nguy hiểm, tạo chướng ngại… để đưa tàu thuyền bỏ trốn, gây nguy hiểm cho an toàn tàu thuyền và nhân viên thực thi pháp luật; 

7. Các hành vi khác ngăn cản lực lượng hải cảnh thực thi công vụ.

ĐIỀU 70

Nhân viên hải cảnh trong quá trình thực thi pháp luật nếu vi phạm một trong các hành vi sau sẽ bị xử lý theo quy định liên quan của Quân ủy Trung ương: 

1. Tiết lộ bí mật quốc gia, bí mật thương mại và thông tin cá nhân.

2. Làm giả, che giấu, bao che, dung túng cho hoạt động phạm tội; 

3. Ép cung, vi phạm thân thể hoặc ngược đãi nghi phạm; 

4. Sử dụng công cụ hỗ trợ và vũ khí sai quy định; 

5. Tước đoạt, hạn chế trái phép tự do cá nhân, kiểm tra hoặc lục soát trái phép nhân thân, hàng hóa, phương tiện giao thông, nơi ở hoặc nơi làm việc; 

6. Tống tiền, đòi, nhận hối lộ hoặc dự chiêu đãi, nhận quà của đương sự và người đại diện cho đương sự.

7. Thực hiện xử phạt, áp dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc thu phí trái phép;

8. Xem thường cương vị công tác, không thực hiện nghĩa vụ theo pháp luật;

9. Các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật khác.

ĐIỀU 71

Các hành vi vi phạm quy định của Luật này được xem là cấu thành tội phạm, sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật.

ĐIỀU 72

Các tổ chức và cá nhân không đồng ý đối với các hành vi hành chính của cơ quan hải cảnh, có quyền căn cứ theo quy định của “Luật khiếu nại hành chính nước Công hòa nhân dân Trung Hoa” gửi đơn xét lại lên cơ quan hải cảnh cấp trên; hoặc căn cứ theo quy định của “Luật tố tụng hành chính nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” tiến hành đệ đơn tố tụng lên Tòa án nhân dân trong phạm vi thuộc quyền quản hạt của Tòa án nhân dân.

ĐIỀU 73

Nhân viên của cơ quan hải cảnh lợi dụng chức quyền, xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tạo nên những tổn thất, phải bồi thường theo “Luật bồi thường nhà nước nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” và các quy định và luật pháp liên quan khác.

CHƯƠNG 11: ĐIỀU KHOẢN BỔ SUNG

ĐIỀU 74

Nội hàm từ ngữ sử dụng trong Luật này như sau:

1. Cục Hải cảnh cấp tỉnh là do Cục Hải cảnh Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo, được thiết lập tại các tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc trung ương ven biển. Cục Hải cảnh cấp thành phố là do Cục Hải cảnh cấp tỉnh chỉ đạo, được thiết lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc khu tự trị và khu trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương ven biển. Đồn Hải cảnh thông thường do Cục Hải cảnh cấp thành phố chỉ đạo, được thiết lập các cơ sở tại các khu vực hành chính cấp huyện. 

2. Vùng biển thuộc quyền tài phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bao gồm: lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa cũng như các vùng biển khác thuộc quyền tài phán của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nội thủy là vùng nước bên trong đường cơ sở lãnh hải về phía đất liền của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, trong đó bao gồm vịnh và khu vực cửa sông. 

Khái niệm “tàu thuyền” để chỉ các loại phương tiện di chuyển trên biển có lượng choán nước hoặc không có lượng choán nước như: thuyền, ca-nô, bè, vật thể bay trên nước, thiết bị lặn…, không bao gồm các giàn tác nghiệp dầu mỏ, khí đốt trên biển. 

ĐIỀU 75

Chính phủ và cơ quan thực thi pháp luật trên biển nước ngoài nếu có hành vi nghiêm cấm, hạn chế hoặc các biện pháp đặc biệt khác mang tính kỳ thị đối với công dân, pháp nhân và tổ chức khác của Trung Quốc, thì nước ta sẽ căn cứ tình hình thực tế để có biện pháp đối đẳng tương ứng với các tổ chức và cá nhân nước đó.

ĐIỀU 76

Các biện pháp áp dụng với tàu thuyền được quy định trong Luật này cũng áp dụng với các công trình kiến trúc, thiết bị cố định hoặc nổi, các giàn cố định hoặc lưu động.

ĐIỀU 77

Cơ quan Hải cảnh khi thực hiện nhiệm vụ tại khu vực bên ngoài vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp, quy định và cam kết, tham gia điều ước quốc tế khác. Các trình tự thủ tục liên quan tham khảo quy định có liên quan của Luật này.  

ĐIỀU 78

Cục Hải cảnh Trung Quốc căn cứ luật pháp, quy định hành chính và quyết định của Quốc Vụ viện, Quân ủy Trung ương, trong phạm vi quyền hạn của mình để công bố các quy định, quyết định liên quan việc thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi trên biển.

ĐIỀU 79

Cơ quan Hải cảnh thực hiện nhiệm vụ tác chiến phòng vệ và các nhiệm vụ khác theo Luật Quốc phòng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Luật Cảnh sát vũ trang nhân dân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quy định quân sự, và mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương. 

ĐIỀU 80

Luật này có hiệu lực thi hành từ… ngày… tháng… năm./.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Mọi khoản tài trợ xin gửi về: Tài khoản Paypal: sukybiendong@gmail.com. Hay chuyển khoản: Hoàng Việt. Số tài khoản: 207503269. Ngân hàng ACB (Asia Commercial Bank). Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

2 thoughts on “Toàn Văn Dự Thảo Luật Hải Cảnh Trung Quốc

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.