Tóm lược: Thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông
Ngày 6/12/2019, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức Toạ đàm năm 2019 về phát triển của Luật pháp quốc tế, với sự tham gia của các nhà thực hành, nhà nghiên cứu Luật quốc tế đến từ các Bộ, cơ quan trung ương, trường đại học, viện nghiên cứu, một số công ty, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực luật pháp quốc tế tại Việt Nam. Toạ đàm có một ý nghĩa tích cực trong việc trao đổi thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong việc áp dụng Luật quốc tế trong quá trình hội nhập thế giới, cũng như truyền tải những vấn đề chính mà thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối mặt và tìm giải pháp trong các lãnh vực như biển, thương mại, an ninh mạng, quyền con người.
Liên quan tới lãnh vực Biển Đông có riêng một phiên thảo luận với chủ đề “25 năm UNCLOS có hiệu lực, các vấn đề pháp lý nổi bật hiện nay của Luật biển và tác động đến Việt Nam,” trong đó các diễn giả đã trình bày các vấn đề về những đóng góp của Việt Nam tại Uỷ ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc với tư cách là một thành viên của Uỷ ban, các thành tựu Việt Nam đã đạt được trong đàm phán phân định biển với các nước láng giềng (Indonesia, Malaysia, Trung Quốc), các nguyên tắc giải quyết phân định biển, vấn đề về chống đánh bắt cá trái phép và những vướng mắc về pháp lý của Việt Nam, cũng như vấn đề mực nước biển dâng tác động tới hệ thống đường cơ sở và các ranh giới biển.
Theo báo cáo của một diễn giả, việc Việt Nam tham gia vào Uỷ ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp quốc là để nhằm hiện thực hoá chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương và tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ động tham gia đóng góp vào tiến trình phát triển của luật pháp quốc tế vì hoà bình và phát triển bền vững chung của thế giới, trong đó có Việt Nam. Việt Nam đã tích cực tham gia vào các hoạt động của Uỷ ban, đề xuất xây dựng các quy định của luật pháp quốc tế trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, quyền con người và phát triển bền vững.
Thành viên đến từ Việt Nam đã đưa ra nhiều kiến nghị và đề xuất ở các chủ đề khác nhau được thảo luận tại Uỷ ban, trong đó có vấn đề mực nước biển dâng cao liên quan tới việc duy trì các đường cơ sở và ranh giới biển đã thoả thuận phù hợp với UNCLOS. Hiện nay vẫn còn đang có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Chủ đề tiếp theo được đưa ra trong phiên thảo luận của Toạ đàm là các biện pháp giải quyết tranh chấp biển và hệ thống giải quyết tranh chấp theo UNCLOS. Trước khi Luật biển Việt Nam ra đời vào năm 2012, Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp biển thông qua đàm phán thương lượng. Luật biển Việt Nam năm 2012, bên cạnh giải pháp thương lương, đã nhấn mạnh khả năng Việt Nam sử dụng các biện pháp giải quyết hòa bình khác, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc như điều tra, trung gian, hòa giải và thủ tục pháp lý.
Việc hoàn thành phân định biển với các quốc gia láng giềng như Malaysia, Trung Quốc (phân định trong vịnh Bắc Bộ), phân định thềm lục địa với Indonesia có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định phạm vi thẩm quyền Quốc gia, giúp Việt Nam có thể thực hiện được các quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng biển thuộc về Việt Nam.
Hiện tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình đàm phán phân định biển với Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ cho tới quần đảo Hoàng Sa và phân định vùng đặc quyền kinh tế với Indonesia, cũng như giải quyết các vấn đề còn tồn đọng với Philippines.
Một số diễn giải đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật pháp quốc tế trong việc bảo vệ biển đảo của Việt Nam, nhấn mạnh việc Việt Nam cần phải dựa vào Luật pháp quốc tế thì mới có thể giữ vững được chủ quyền biển đảo.
Cũng tại Toạ đàm, các diễn giả cho biết hiện tại các điều ước bảo vệ môi trường biển còn hạn chế, và đã có gợi ý hướng đi sắp tới của Việt Nam có thể là đề xuất các sáng kiến bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu vấn đề rác thải nhựa đại dương. Tọa đàm cũng trao đổi về các biện pháp Việt Nam triển khai để gỡ thẻ vàng của EU và thực hiện chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo, không quản lý (IUU).
Nhìn chung, đây là một hoạt động rất đáng ghi nhận và nên được khuyến khích của Bộ Ngoại giao Việt Nam, qua đó giới thực hành và nghiên cứu Luật quốc tế được cập nhật thông tin một cách toàn diện về các vấn đề đương đại của Việt Nam trong việc thực hành Luật quốc tế, trao đổi các ý tưởng có tính chuyên môn giúp phát triển nghiên cứu cũng như hướng tới các giải pháp tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc trong chính sách.
Các thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã tham gia Toạ đàm, và một số thành viên đã có phát biểu tại Toạ đàm.
———-
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Mọi khoản tài trợ xin gửi về: Tài khoản Paypal: sukybiendong@gmail.com. Hay chuyển khoản: Hoàng Việt. Số tài khoản: 207503269. Ngân hàng ACB (Asia Commercial Bank). Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.