Mike Pence: Tránh Được Chiến Tranh Lạnh Hay Không là Tùy Vào Trung Quốc

Nguồn: Josh Rogin | The Washington Post 13 tháng 11 năm 2018

Biên dịch: Đặng Sơn Duân | Dự án Đại Sự Ký Biển Đông 14 tháng 11 năm 2018

iowcf6i2b44kraryyanbtbnuv4
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence tại một cuộc họp báo ở tư gia Thủ tướng Nhật Bản ở Tokyo hôm thứ Ba vừa rồi. Nguồn: Franck Robichon/ Bloomberg News.

Trên Air Force Two, Biển Đông – Khi Tổng thống Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina vào cuối tháng này, tình trạng căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc toàn cầu của thế giới sẽ đối mặt với một thử thách quan trọng. Nếu Trung Quốc muốn tránh một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện với Mỹ và các đối tác của mình, thì nước này phải thay đổi cơ bản hành vi của mình, theo Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Hoa Kỳ sẽ không thoái lui, ông đảm bảo với tôi.

Khi Pence đến Singapore để đại diện nước Hoa Kỳ tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trong tuần này, câu hỏi trong tâm trí của tất cả nhà lãnh đạo khu vực là liệu Washington và Bắc Kinh có hướng tới một cuộc đối đầu kinh tế và chiến lược trường kỳ hay không. Cả Pence và Tập sẽ tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea vào cuối tuần này, nhưng họ sẽ không gặp nhau. Tập dự kiến sẽ gặp Trump tại thủ đô Buenos Aires tại hội nghị của nhóm G 20 sắp tới, bắt đầu vào ngày 30 tháng 11.

Pence nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn rằng Trump để mở cánh cửa cho một thỏa thuận với Tập ở Argentina, nhưng chỉ khi Bắc Kinh sẵn lòng thực hiện những thay đổi lớn mà Hoa Kỳ đang đòi hỏi trong các hoạt động kinh tế, quân sự và chính trị của họ. Phó Tổng thống nói đây là cơ hội tốt nhất (nếu không phải cuối cùng) của Trung Quốc để tránh một viễn cảnh chiến tranh Lạnh với Mỹ.

“Tôi nghĩ phần lớn sẽ phụ thuộc vào (cuộc gặp ở) Argentina,” ông Pence nói. “Thái độ của Tổng thống là, chúng tôi muốn bảo đảm chắc chắn rằng họ biết lập trường của chúng tôi, những gì chúng tôi chuẩn bị làm, để họ có thể đến Argentina với những đề xuất cụ thể để không chỉ giải quyết thâm hụt thương mại mà chúng ta phải đối mặt… Chúng tôi tin Trung Quốc biết lập trường của chúng ta.”

Ngoài thương mại, Pence nói Trung Quốc còn phải nhượng bộ một số vấn đề, bao gồm nhưng không giới hạn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ tràn lan, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, hạn chế tiếp cận thị trường Trung Quốc, tôn trọng những quy tắc và chuẩn mực quốc tế, những nỗ lực hạn chế quyền tự do hải hành ở các vùng biển quốc tế và sự can thiệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào chính trị của các nước phương Tây.

Nếu Bắc Kinh không đưa ra những nhượng bộ đáng kể và cụ thể, Mỹ sẵn sàng leo thang áp lực kinh tế, ngoại giao và chính trị lên Trung Quốc, Pence nói. Ông tin rằng nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để trụ được trước một sự leo thang như vậy trong khi nền kinh tế Trung Quốc kém bền vững hơn.

“Dù sao đi nữa chúng tôi thực sự tin rằng chúng tôi đang ở trong một vị thế mạnh mẽ. Hiện tại chúng tôi đang ở mức 250 tỷ đô la (áp thuế), chúng tôi có thể tăng hơn gấp đôi,” Pence nói. “Tôi không nghĩ đó là vấn đề hứa hẹn. Chúng tôi đang tìm kiếm kết quả. Chúng tôi đang tìm kiếm sự thay đổi tư thế.”

Vào sáng thứ ba, Pence có cuộc gặp ở Tokyo với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người vừa trở về từ cuộc hội đàm của riêng ông với ông Tập. Pence nói cách tiếp cận mới của ông Tập với Nhật Bản là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh cuối cùng cũng đang xem xét nghiêm túc các yêu cầu của chính quyền Trump.

“Tôi rời Nhật Bản với sự tin tưởng hơn bao giờ hết rằng Trung Quốc đã nhận được thông điệp,” Pence nói. “Họ biết lập trường của chính quyền chúng ta là gì. Họ biết quan điểm của tổng thống là gì.”

Sứ mệnh của Pence ở Đông Nam Á trong tuần này là trấn an các đồng minh và đối tác rằng Hoa Kỳ đang cung cấp cho khu vực một giải pháp thay thế thực sự và cạnh tranh đối với sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Chính quyền Trump tin rằng Bắc Kinh đang sử dụng các chương trình cho vay bóc lột làm suy yếu sự thượng tôn pháp luật và nền quản trị tốt ở các nước tham gia.

Tại khu vực, Pence sẽ không lặp lại bài phát biểu chỉ trích Trung Quốc thậm tệ mà ông đọc tại Viện Hudson vào tháng trước, vốn vạch ra cách tiếp cận mới của chính quyền với những lời lẽ trần trụi. Thay vào đó, ông sẽ cố gắng đưa ra một luận điểm dứt khoát khẳng định rằng Mỹ và các đối tác của mình có tầm nhìn tốt hơn và có thể cung cấp an ninh và thịnh vượng lâu dài cho khu vực.

“Chúng tôi tìm kiếm một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương nơi mọi quốc gia… tự do đi theo con đường riêng và theo đuổi lợi ích riêng của họ, nơi biển và bầu trời mở cho tất cả tham gia vào hoạt động hòa bình, và nơi các quốc gia có chủ quyền cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn,” Pence nói trong một cuộc họp báo ở Tokyo. “Chủ nghĩa độc tài và xâm lược không có chỗ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Và tôi biết tầm nhìn này được chia sẻ bởi Hoa Kỳ và Nhật Bản.”

Giới chức Hoa Kỳ và Nhật Bản đang thảo luận một tuyên bố chung vạch ra nhiều khu vực hợp tác với mục đích thực thi “chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của chính quyền Trump, bao gồm điều phối các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng, hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự và hợp tác viện trợ phát triển, bao gồm cả Úc. Những “thành phẩm” này nhỏ nhưng là những bước có ý nghĩa tiến tới phía trước cho thấy Hoa Kỳ không đơn độc trong việc cung cấp cho các quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương một sự thay thế hợp lý so với những gì Trung Quốc mời chào.

Bản thân chuyến đi này cũng có mục đích cho thấy Hoa Kỳ không có ý định từ bỏ sự ảnh hưởng hoặc sự kiểm soát khu vực cho Bắc Kinh. Trên đường từ Tokyo đến Singapore, máy bay chở ông Pence đã băng qua Biển Đông ở khoảng cách chỉ 50 dặm so với quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đã vi phạm các cam kết quốc tế khi xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo.

Ông Pence nói với tôi rằng tự thân chuyến bay là một dạng sứ mệnh “tự do hải hành”. “Chúng ta sẽ không bị hăm dọa,” ông nói. “Chúng ta sẽ không thoái lui. Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hải hành.”

Khi tôi hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh không đồng ý hành động ở châu Á theo cách có thể tránh được một cuộc chiến tranh lạnh với Hoa Kỳ, ông Pence nói: “Vậy thì đành thế thôi. Chúng ta hiện diện ở đây là để ở lại.”

Nhà báo Đặng Sơn Duân là cựu phóng viên mảng quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh và là cộng tác viên năm thứ nhất của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông theo cơ chế tự nguyện không nhận nhuận bút. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com.

Nguồn bản gốc tiếng Anh: Pence: It’s up to China to avoid a cold war – The Washington Post 13/11/2018.

———–

Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.