Thực hiện bản tin: Nhật Minh
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 21 tháng 10 năm 2018

Tham vấn song phương Trung Quốc – Philippines về Biển Đông
Vào ngày 18 tháng 10 năm 2018 tại Bắc Kinh đã diễn ra Cuộc họp lần thứ ba thuộc Cơ chế Tham vấn song phương Trung Quốc – Philippines về Biển Đông (BCM). Phái đoàn Philippines do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines đặc trách vấn đề chính sách Enrique Manalo dẫn đầu và Phái đoàn Trung Quốc do Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao Khổng Huyễn Hựu dẫn đầu.
Theo nội dung thông cáo báo chí chung, hai bên đã tái khẳng định cam kết về nguyên tắc tự do hải hành ở Biển Đông. Tuy nhiên bản thông cáo không nói rõ là các tàu và máy bay quân sự có thuộc phạm vi điều chỉnh của cam kết này hay không.
Chỉ vừa mới đây thôi, tàu khu trục Trung Quốc đã gần như gây đụng độ với tàu chiến Hoa Kỳ ở gần một đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa trong lúc tàu Hoa Kỳ đang thực hiện một hoạt động tự do hải hành trong khu vực.
Phản ứng về sự kiện này, cựu Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano đã khuyên hai cường quốc nên có một cuộc nói chuyện chân thành và thẳng thắn, và ông lưu ý rằng định nghĩa của mỗi nước về hoạt động tự do hải hành không giống nhau, đặc biệt khi hoạt động đó liên quan đến quân sự.
Hai bên cũng đồng ý giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua “tham vấn và đàm phán thân thiện” bởi các nước có toàn vẹn chủ quyền trực tiếp liên quan.
Trong việc quản lý các yêu sách đối lập, hai bên đồng ý “hợp tác và tiếp tục tìm kiếm những cách thức hướng tới tăng cường” lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau.
Hai bên cũng thảo luận về khả năng hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí chung trên biển mà không ảnh hưởng tới lập trường mỗi bên về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.
Nguồn: PH, China reaffirm commitment to freedom of navigation – Manila Bulletin
Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM)
Tái khẳng định cam kết tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử đối với các đụng độ không báo trước trên biển (CUES) và các luật lệ quốc tế có liên quan, nhằm tăng cường an toàn hoạt động và tránh các sự cố không mong muốn trên biển, khuyến khích xây dựng các thông số kỹ thuật và hoạt động cụ thể cho Bộ Hướng dẫn Tương tác trên Biển của ADMM;
Áp dụng Bộ Hướng dẫn về Đụng độ Quân sự trên Không, và các Phụ lục đi kèm về Tuân thủ các Quy Ứớc và Quy Tắc Hàng Không Hiện Hành, Truyền thông An toàn và Chuyên nghiệp, Các Thủ Tục Bay Tiêu Chuẩn, và Khuyến khích Niềm Tin và Sự Tín Nhiệm Lẫn Nhau trên Không, trong đó có một loạt các hướng dẫn tự nguyện mà máy bay quân sự có thể thực hành để tăng cường an toàn và an ninh của các tuyến đường trên không.
Toàn văn Bộ Hướng dẫn về Đụng độ Quân sự trên Không – Bộ Quốc phòng Singapore.
Ông Mattis kêu gọi Nhật Bản và Hàn Quốc hợp tác với Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông
Phát biểu sau cuộc gặp 3 bên với những người đồng cấp Nhật Bản Takeshi Iwaya và Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Singapore hôm 19 tháng 10, ông Mattis cho biết Mỹ không muốn một quốc gia đơn lẻ nào có thể viết lại luật lệ quốc tế và hy vọng mọi quốc gia lớn nhỏ tôn trọng những luật lệ này.
Tái khẳng định quan điểm không chấp nhận Trung Quốc quân sự hóa hoặc có hành vi cưỡng ép ở Biển Đông, ông Mattis kêu gọi 3 nước tăng cường hợp tác để chống lại hành vi này.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ở Singapore hôm 19 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya cũng nhấn mạnh những hành động đơn phương ở Biển Đông là “không thể chấp nhận”.
Nguồn:
Mỹ: Không để biển Đông bị nước nào thống trị – Người Lao động
Mỹ kêu gọi đồng minh hợp tác ngăn chặn quân sự hóa Biển Đông – Thanh Niên
Mattis: US, Japan, South Korea must work together against China on South China Sea – The Hill
Japan defense chief says unilateral action in S. China Sea unacceptable – Kyodo News.
Pháp sẽ gửi tàu sân bay tới Biển Đông vào năm sau
Ngày 19 tháng 10 vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly thông báo Pháp sẽ gửi tàu sân bay Charles de Gaulle tới Ấn Độ Dương vào đầu năm sau để bảo vệ tự do hải hành trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng hung hăng ở Biển Đông.
“Bất cứ khi nào có những vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, như đang diễn ra ở vùng biển phía nam Trung Quốc, chúng tôi sẽ phô diễn tự do của chúng tôi trong hoạt động và đi lại trên những vùng nước đó,” bà nói.
Nguồn: France to send aircraft carrier to Indian Ocean next year – The Economic Times.
Nhật Minh là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Phương pháp thực hiện bản tin: Chọn lọc, trích đoạn và biên dịch (khi cần) những thông tin đáng chú ý xung quanh vấn đề Biển Đông được đăng tải trong ngày trên truyền thông quốc tế và trong nước. Email liên hệ: sukybiendong@gmail.com.
———-
Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.