Asean và Trung Quốc Bắt Đầu Đồng Ý về Một Bản Dự Thảo Duy Nhất cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC)

Tác giả: Carl Thayer

The Diplomat ngày 27 tháng 7 năm 2018

Biên dịch: Hà Hiển

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 3 tháng 8 năm 2018

h9dj1njq43

Sự đồng thuận này giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đối với một văn bản đàm phán dự thảo COC duy nhất có ý nghĩa như thế nào?

Theo bản dự thảo có chú thích của Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 sẽ được ban hành ở Singapore vào đầu tháng tới mà báo The Diplomat đã được xem thì các Bộ trưởng

… ghi nhận với sự hài lòng rằng các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý về một Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất (Single Draft COC Negotiating Text) tại Hội nghị Các quan chức cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 15 về thực hiện Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông [SOM-DOC] tại Changsha, Trung Quốc vào ngày 27 tháng 6 năm 2018.

Một báo cáo nội bộ của ASEAN về SOM-DOC lần thứ 15, cũng được báo The Diplomat xem qua, ghi nhận sự tán thành của các quan chức cấp cao về bốn điểm.

Thứ nhất, “tất cả các bên phải giữ bí mật một cách nghiêm ngặt Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất này trong suốt toàn bộ quá trình đàm phán về COC.”

Thứ hai, Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất này “sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán về COC… [và là] một tài liệu sống. Tất cả các bên bảo lưu quyền tham khảo ý kiến các cơ quan trong nước của mình và quyền đệ trình các ý kiến mới hoặc sửa đổi.”

Thứ ba, Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất này sẽ được đệ trình lên Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc (PMC) được tổ chức ở Singapore trong hai ngày 2 và 3 tháng 8 để được ghi chú. Việc đưa ra thông báo rằng ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý về Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất “sẽ được dành riêng cho Hội nghị Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc.”

Thứ tư, các quan chức cấp cao nhất trí rằng, “sẽ có ít nhất ba phiên họp thảo luận về Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất này” bởi Nhóm làm việc chung ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (JWG-DOC). Sau mỗi lần họp, nội dung của bản dự thảo này “sẽ được đệ trình lên SOM-DOC”. Nhóm làm việc chung JWG-DOC “sẽ không bị ngăn cấm việc đưa các vấn đề về COC cho SOM-DOC để được xem xét và hướng dẫn trong khi mỗi phiên họp vẫn đang diễn ra.”

Có thể phiên họp đầu tiên thảo luận Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất này sẽ được tiến hành tại phiên họp JWG-DOC lần thứ 25 được tổ chức tại Siem Reap, Campuchia vào ngày 1 và 2 tháng 9 và phiên họp thứ hai sẽ diễn ra tại cuộc họp JWG-DOC lần thứ 26, được tổ chức liền kề với phiên họp SOM-DOC lần thứ 16 ở Manila, từ ngày 23 đến 26 tháng 10.

Vậy sự kiện các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc cùng đồng ý về một Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo Duy Nhất có ý nghĩa gì?

Cần nhắc lại rằng, ASEAN và Trung Quốc bắt đầu thảo luận lần đầu tiên về bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông sau khi Trung Quốc chiếm đóng bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef) vào năm 1995. Hai bên đã trao đổi các bản dự thảo tương ứng của mình về  Bộ Quy tắc Ứng xử COC vào tháng 3 năm 2000 và đồng ý soạn thảo một văn bản hợp nhất. Tuy nhiên, họ đã không thể đạt được thỏa thuận về bốn vấn đề chính: phạm vi địa lý (bao gồm quần đảo Hoàng Sa), các giới hạn về xây dựng trên các thực thể bị chiếm đóng và chưa bị chiếm đóng, các hoạt động quân sự ở vùng biển giáp với quần đảo Trường Sa và có hay không việc các ngư dân trong vùng biển tranh chấp bị câu lưu và bắt giữ.

Kết quả là vào tháng 11 năm 2002, ASEAN và Trung Quốc đã kết thúc các cuộc đàm phán về DOC – một tuyên bố chính trị không ràng buộc. Tuyên bố này nói rằng: “Các bên liên quan tái khẳng định rằng việc chấp nhận một quy tắc ứng xử trên Biển Đông sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực và đồng ý làm việc trên cơ sở đồng thuận, nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng này”.

Phải mất hai năm thảo luận trước khi ASEAN và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về các điều khoản tham chiếu để thành lập Nhóm làm việc chung ASEAN-Trung Quốc để thực hiện Tuyên bố (DOC) này.

Tại cuộc họp đầu tiên của Nhóm làm việc chung (JWC-DOC) vào tháng 8 năm 2005, ASEAN đã đưa ra bản dự thảo các hướng dẫn để thực hiện DOC. Điểm thứ hai của dự thảo này của ASEAN kêu gọi việc tham khảo ý kiến trong ASEAN trước khi gặp Trung Quốc. Điều này hoá ra lại trở thành một điểm tắc nghẽn (sticking point) ngăn cản việc tiến tới một thỏa thuận. Đã mất thêm sáu năm nữa cho những cuộc thảo luận không liên tục cùng với hai mươi mốt bản thảo kế tiếp nhau được trao đổi trước khi đạt được thỏa thuận cuối cùng. ASEAN đã sửa đổi điểm thứ hai thành ASEAN sẽ “thúc đẩy đối thoại và trao đổi ý kiến giữa các bên.”

Tóm lại, các cuộc thảo luận về việc thực thi DOC và đề ra một Bộ Quy tắc ứng xử COC là các cuộc thảo luận giữa Trung Quốc với 10 nước thành viên ASEAN, chứ không phải thảo luận trong bản thân khối ASEAN với nhau. Trước cuộc họp SOM-DOC lần thứ 15 vào tháng 6 năm nay, đã có một số bản dự thảo trình bày bởi các nước riêng lẻ được lưu hành, điều này trở thành một sự nhạy cảm về chính trị, nếu không phải là một trở ngại để đạt được thỏa thuận về một văn bản hợp nhất. Hiện nay, mỗi bên trong số 11 bên này đều trở thành các bên liên quan của quá trình soạn thảo Văn Bản Đàm phán Dự Thảo COC Duy Nhất này.

Trong khi có thể có ánh sáng ở cuối con đường hầm COC thì cũng cần lưu ý rằng việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC năm 2002 là điều kiện tiên quyết trước khi COC có thể được thực hiện. DOC kêu gọi hợp tác trong năm lĩnh vực: bảo vệ môi trường sinh vật biển; nghiên cứu khoa học biển; an toàn giao thông và liên lạc trên biển; các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ; và chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn đối với các hoạt động buôn bán thuốc cấm, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển và vận chuyển vũ khí bất hợp pháp.

Báo cáo nội bộ của ASEAN về SOM-DOC lần thứ 15 lưu ý rằng đã có tiến bộ trong lĩnh vực này. SOM đã thông qua kế hoạch làm việc về việc thực hiện DOC (2016-18) và ghi nhận hai cuộc họp chuyên môn cho việc này được tổ chức cùng với cuộc họp lần thứ 24 của nhóm JWG-DOC vào ngày 25 tháng 6. Các cuộc họp chuyên môn đã thảo luận về bảo vệ môi trường biển và an toàn đi lại ở Biển Đông.

Tiến bộ cũng có thể bị trì hoãn ở đây. Báo cáo nội bộ của ASEAN về SOM-DOC lần thứ 15 lưu ý rằng “một số bên đã khuyến khích việc triệu tập các cuộc họp chuyên môn cho việc tăng cường hợp tác thiết thực vì lợi ích của việc thực hiện DOC.” Trong các cuộc thảo luận về tình hình Biển Đông, báo cáo nội bộ của ASEAN ghi nhận rằng “một số bên đã nhắc lại tầm quan trọng của việc tự kiềm chế và phi quân sự hóa và chấm dứt các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”. Từ ngữ của hai câu này cho thấy vẫn chưa có được sự đồng thuận và vẫn còn những công việc nữa cần phải làm.

Bản dự thảo kèm theo những chú thích về Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 51 dài tới 29 trang, bao gồm 70 đoạn văn được đánh số. Bảy quốc gia cộng với Ban thư ký ASEAN đã đưa vào 176 thay đổi được đề xuất. Thái Lan đứng đầu danh sách với 30%, theo sau là Indonesia (21%), Brunei (16%), Malaysia (14%), Philippines (10%), Singapore (6%), Myanmar và Ban thư ký ASEAN là 3% còn lại. Campuchia, Lào và Việt Nam không có ý kiến gì.

Phần Biển Đông của Thông cáo chung Hội nghị AMM lần thứ 51 chỉ có hai đoạn văn. Ba nước đã đề xuất tổng cộng sáu bản sửa đổi – Brunei bốn, Philippines và Singapore mỗi nước một bản.

Đoạn đầu tiên của phần Biển Đông (điểm 65) tái khẳng định tầm quan trọng của “hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hải hành [1] và bay qua khu vực Biển Đông và công nhận lợi ích của việc đảm bảo Biển Đông như là một vùng biển của hòa bình, ổn định và thịnh vượng.” Tiếp theo đó là lời kêu gọi “thực hiện đầy đủ và hiệu quả” DOC “với nội dung nguyên vẹn của nó.” Phần tiếp theo của đoạn này ghi nhận tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN rằng:

… nhiệt liệt hoan nghênh sự hợp tác đang được cải thiện giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, và được khích lệ bởi tiến bộ của các cuộc đàm phán quan trọng hướng tới kết luận sớm về một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) có hiệu quả trên cơ sở một lịch trình được các bên đồng ý.

Văn bản sau đó đề cập đến “sự hài lòng” của các Bộ trưởng Ngoại giao rằng “các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc đã đồng ý về một Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất” tại SOM-DOC lần thứ 15. Đoạn văn bản này có ghi  một chú thích của Brunei yêu cầu xóa câu này với lý do nên để Hội nghị PMC ASEAN – Trung Quốc đưa ra thông báo này vì nó sẽ được tiến hành sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 51.

Theo phần chú thích thì Singapore đáp lại rằng câu trên nên được giữ lại bởi vì Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 “có thể sẽ được công bố sau Hội nghị PMC ASEAN – Trung Quốc. Vì thế, chúng ta có thể tham chiếu Bản Dự Thảo Duy Nhất ở thông cáo này.” Singapore cũng lưu ý rằng sự đồng thuận về một Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất “là một thực tế, bất kể nội dung thông báo mà Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ đưa ra như thế nào.” Với tư cách là Chủ tịch khối ASEAN, Singapore dường như muốn buộc chặt việc tham chiếu tới Văn Bản Đàm Phán Dự Thảo COC Duy Nhất ở cả hai cấp quan chức cao cấp và cấp bộ trưởng.

Văn bản này cũng ghi nhận việc thử nghiệm thành công đường dây nóng để quản lý các tình huống hàng hải khẩn cấp trên Biển Đông giữa các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN và việc thực hiện Tuyên bố chung về việc Áp Dụng Quy Tắc cho Các Va Chạm Bất Ngờ (CUES) ở Biển Đông. Nó cũng nhấn mạnh rằng đã có tiến bộ đối với hai trong số năm lĩnh vực hợp tác đã được nêu rõ trong DOC.

Theo phần chú thích, Brunei gợi ý đưa vào một đoạn mới, và văn bản được bổ sung thêm đoạn mới này sẽ là: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện xây dựng lòng tin và các biện pháp phòng ngừa nhằm tăng cường, ngoài những điều khác, sự tin cậy và lòng tin giữa các bên”.

Đoạn thứ hai của phần Biển Đông (điểm 66) “ghi nhận những lo ngại của một số quốc gia về các hoạt động cải tạo đất đai ‘và các hoạt động’ (chú thích thêm của Brunei) trong khu vực mà đã làm xói mòn lòng tin và sự tin cậy, làm gia tăng căng thẳng và có thể gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.” Brunei đề nghị một chỉnh sửa nhỏ ở phần sau của câu văn.

Sự can thiệp cuối cùng, của Philippines, là đề nghị chuyển vị trí một câu đề cập đến cuộc diễn tập hàng hải ASEAN-Trung Quốc sắp tới đến một phần trước đó của bản Thông cáo chung. Trong phần đầu của Thông cáo chung dưới tiêu đề Xây dựng Cộng đồng ASEAN, Philippines cũng đề nghị chuyển vị trí điểm 8 nói về “việc tôn trọng đầy đủ các quy trình pháp lý và ngoại giao“, thành điểm 2 để làm nổi bật tầm quan trọng của Tòa án Trọng tài đã xét xử vụ kiện mà Philippines đưa ra để chống lại Trung Quốc.

Bản dự thảo vắn tắt (zero draft) về Tuyên bố của Chủ tịch Phiên họp 10 +1 (PMC) tiếp theo sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với các đối tác đối thoại (ngày 2 và 3 tháng 8), theo The Diplomat đã xem, lặp lại đúng nguyên văn những từ ngữ trong phần dự thảo được chú thích của Thông cáo chung của Hội nghị các AMM lần thứ 51 liên quan đến Văn Bản Đàm Phán COC Duy Nhất và được thêm vào cụm từ “và khuyến khích tiến bộ xa hơn nữa hướng tới một Bộ Quy tắc COC có hiệu quả”.

Dường như dưới sự dẫn dắt về ngoại giao của Singapore với tư cách là Chủ tịch ASEAN và cũng là điều phối viên của ASEAN với Trung Quốc, đang có tiến bộ trong việc phát triển các hoạt động hợp tác đã được vạch ra trong Tuyên bố DOC năm 2002 – một điều kiện tiên quyết để thực hiện COC. Đồng thời Singapore đã thành công trong việc tập trung sự chú ý của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc vào việc hoàn thành một Văn Bản Đàm Phán COC Duy Nhất theo một lộ trình thời gian đã được các bên cùng nhau thỏa thuận, bao gồm ít nhất ba cuộc họp để bàn về nội dung của dự thảo.

Những nỗ lực thành công của Singapore nhằm tạo sự đồng thuận tại AMM lần thứ 51 là tương phản với những rạn nứt xuất hiện hồi đầu tháng 4, khi phần về Biển Đông trong Tuyên bố của Chủ tịch tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN lần thứ 23 đã giảm từ bảy xuống còn một đoạn văn trong một nỗ lực nhằm che giấu những sự khác biệt. Lần này Campuchia và Việt Nam đã gây chú ý vì sự im lặng của họ.

———–

Chú thích của người dịch:

[1] Theo từ điển Oxford, “navigation” có nghĩa “the movement of ships or aircraft”. Như vậy “freedom of navigation” chỉ có nghĩa “tự do đi lại trên biển hoặc trên không,” không bao gồm tự do trong tất cả các hoạt động hàng hải.

Sau khi tra cứu từ điển Hán Nôm và xin ý kiến tư vấn từ nhà nghiên cứu cổ sử Trung Quốc Hồ Bạch Thảo, nhóm dịch và hiệu đính lựa chọn từ “tự do hải hành” mà chúng tôi cho rằng sẽ chính xác hơn khi dịch cụm từ “freedom of navigation”.

Nhóm dịch và hiệu đính xin gửi lời cảm ơn nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo đã cho ý kiến tư vấn về vấn đề trên.

Bản gốc tiếng Anh: https://thediplomat.com/2018/07/asean-and-china-set-to-agree-on-single-draft-south-china-sea-code-of-conduct/

———-

Bản dịch được hỗ trợ kinh phí từ quỹ tài chính chung của Dự án Sự Ký Biển Đông, được tài trợ bởi những nhà tài trợ. Xem thông tin các nhà tài trợ tại https://daisukybiendong.wordpress.com/nha-tai-tro/.

Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.

 

 

Advertisement

2 thoughts on “Asean và Trung Quốc Bắt Đầu Đồng Ý về Một Bản Dự Thảo Duy Nhất cho Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.