Tác giả: Kerry Brown
China Quaterly of International Strategic Studies số 3, năm 2017
Biên dịch: Bùi Ngọc Hà
Hiệu đính: Trần Bằng và Vân Phạm
Tóm tắt:
Thành công của Trung Quốc trong phát triển kinh tế từ năm 1978 đi kèm với sự gia tăng vai trò địa chính trị của quốc gia này. Trong những năm gần đây, vai trò này càng được nổi bật bởi những lầm tưởng ngày càng lớn của Mỹ và các đồng minh về tính bền vững của hệ thống và tầm nhìn của Trung Quốc. Trung Quốc chưa bao giờ có thể gây ảnh hưởng và giới thiệu giá trị và tầm nhìn của họ như hiện nay. Họ đã tạo ra một loạt cách giải thích về chính sách ngoại giao thể hiện tầm nhìn này theo cách cố gắng tránh các chuẩn mực song vẫn khẳng định những lợi ích hợp pháp của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong năm năm qua, nhiều thách thức cho Trung Quốc đã xuất hiện và sẽ tiếp tục định hình rõ nét hình ảnh và vai trò toàn cầu của Trung Quốc trong tương lai.
Ở một mức độ nào đó, chiến lược chính sách đối ngoại mà Trung Quốc theo đuổi từ năm 2012 đến năm 2013 khi Tập Cận Bình (Xi Jinping) nắm quyền có thể được đặc tả như một nỗ lực giải quyết một vấn đề ngoại giao trọng tâm hóc búa nổi lên từ trước đó dưới thời đại của Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao): Làm thế nào để chuyển tải tới thế giới bên ngoài những ý định của Trung Quốc theo cách tránh bị hiểu là hung hăng nhưng sát với mong muốn đóng vai trò trong khu vực và toàn cầu với vị thế ngoại giao đặc thù và những mục tiêu đi kèm.
Sự tiến hoá vị thế đối ngoại của Trung Quốc.
Từ năm 1978, Trung Quốc đã bước ra khỏi chủ nghĩa biệt lập tương đối, hướng tới tăng cường vai trò trung tâm và trỗi dậy của mình. Tuy nhiên, động thái đó của Trung Quốc trong suốt thời kỳ này có thể được nhận định rõ nhất thông qua câu nói của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), rằng Trung Quốc cần ‘bình tĩnh quan sát; bảo vệ vị thế; bình tĩnh ứng phó; giấu mình chờ thời; giữ vị trí thấp; quyết không đi đầu’. Bên cạnh đó là kháng cự không ngừng đối với chủ nghĩa bá quyền, tránh xung đột cường quốc, và, từ những năm 1990, ủng hộ thế giới đa cực.
Trong những năm 2000, có ba vấn đề quan trọng cần được nhận biết. Thứ nhất, sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, quốc gia này đã bước vào “một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ và thần tốc, tăng cường mở cửa với nền kinh tế toàn cầu. Trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2012, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần, mặc cho sự tác động của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và giảm quy mô thị trường xuất khẩu giữa Trung Quốc – Hoa Kỳ – Châu Âu, và đã gây ra một cuộc tái thẩm định và điều chỉnh lại mô hình phát triển Trung Quốc. Đến năm 2012, Trung Quốc chính thức trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ. Sự tăng trưởng kinh tế như vậy cho thấy, bất kể tầm nhìn nội bộ ra sao, Trung Quốc đã là một nhân tố nổi bật và đáng chú ý hơn nhiều đối với bên ngoài. Sự giàu có và sức mạnh về thương mại đã làm tăng cường sức ảnh hưởng của quốc gia này đối với các vấn đề khác nhau, từ môi trường đến tự do thương mại hay không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trên thực tế, với vai trò là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 100 quốc gia trong giai đoạn này thì việc Trung Quốc có thêm ảnh hưởng địa chính trị là điều tất yếu. Trung Quốc được biết đến là một cường quốc giàu có. Tất cả dường như đang đặt câu hỏi, họ định làm gì với sức mạnh đó.
Vấn đề thứ nhì và cũng liên quan tới vấn đề trên: Đó là việc Hoa Kỳ và nhiều quốc gia gia tăng yêu cầu Trung Quốc làm rõ tầm nhìn quốc tế. Một ví dụ nổi tiếng nhất là sự kiện xảy ra vào năm 2005, khi đó Ngoại trưởng Hoa Kỳ Robert Zoellick tuyên bố: “Bây giờ chúng ta cần khuyến khích Trung Quốc trở thành một bên có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế. Là bên có trách nhiệm, Trung Quốc sẽ không chỉ là thành viên – họ sẽ làm việc cùng chúng ta để duy trì hệ thống quốc tế mà nhờ đó họ đã có thể thành công.” Yêu cầu này sau đó đã được đưa ra ở những nơi khác trên thế giới.
Vấn đề thứ ba là đã có những động thái bên trong Trung Quốc bắt đầu làm rõ tầm nhìn này một cách chi tiết. Đã có hai bước quan trọng của quá trình này. Thứ nhất là hình thành quan niệm ‘trỗi dậy hoà bình’ vào năm 2005. Thuyết này gắn liền với học giả nhiều ảnh hưởng Trịnh Tất Nhiên (Zheng Bijian) của Trung Quốc, cũng là phát ngôn viên tiêu biểu của học thuyết này. Học thuyết này ít nhất chứa đựng sự công nhận rằng người Trung Quốc hiểu quốc gia của mình đang trỗi dậy đến một vị trí chưa từng có trong lịch sử hiện đại và cần có sự công nhận về điều này từ cả trong và ngoài Trung Quốc. Một cụm từ cụ thể hơn, mang nghĩa “lợi ích cốt lõi” được Uỷ viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc (Dai Bingguo) sử dụng vào năm 2009. Các lợi ích bao gồm “duy trì hệ thống nền tảng và bảo vệ nhà nước; tiếp theo là [bảo vệ] chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; và thứ ba là [ủng hộ] tiếp tục sự phát triển ổn định nền kinh tế và xã hội.”
Vào thời điểm Tập Cận Bình (Xi Jinping) lên nắm quyền, tầm quan trọng gắn liền với việc làm thế nào để Trung Quốc có thể truyền đạt tốt hơn tình hình chính sách đối ngoại của mình đã trở nên rất rõ ràng. Kể từ năm 2012, đã xuất hiện một số nhân tố thúc đẩy đóng góp cho vấn đề này.
Đầu tiên là mệnh lệnh phải tạo ra một cách diễn tả hợp lí cho cả đối nội và đối ngoại về sự mới trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc có nghĩa là gì. Sự trỗi dậy hoà bình đã phần nào trả lời được câu hỏi này, nhưng nó cũng luôn nhận được phản ứng bằng câu hỏi “trỗi dậy hoà bình để làm gì?” Đã có một nhu cầu đòi hỏi thêm thông tin cho câu hỏi rằng nếu khu vực hay thế giới sắp xếp bao quanh Trung Quốc nhiều hơn thì sẽ ra sao, và tầm nhìn của Trung Quốc có thể là gì. Trong một cuộc họp Bộ Chính trị đầu thời kì của Tập, nhiều báo cáo cho rằng giới lãnh đạo đã nhận ra sự cần thiết của việc “kể một câu chuyện về Trung Quốc”. Điều này có nghĩa cần tạo ra một câu chuyện toàn diện, tổng thể để đạt được mục tiêu này.
Đọc toàn văn bài nghiên cứu ở Kerry Brown (2017) Chính sách Ngoại giao Trung Quốc từ năm 2012-SCSCI
Kerry Brown là giáo sư chuyên ngành nghiên cứu Trung Quốc và là giám đốc Viện Lau về Trung Quốc tại King’s College, London. Bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí China Quaterly of International Strategic Studies số 3 – năm 2017, với tựa đề “China’s Foreign Policy Since 2012: A Question of Communication and Clarity”.
Trần Bằng là thành viên Nhóm Biển Đông tại Pháp. Bùi Ngọc Hà và Vân Phạm đến từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
———-
Đọc thêm về Nghiên cứu Trung Quốc: https://daisukybiendong.wordpress.com/tag/nghien-cuu-trung-quoc/