Ghi chép của nhà báo Đỗ Hùng
Đêm hôm ấy, sóng biển vỗ đều vào thân tàu, nhiều người ngồi lại viết thư về cho gia đình, làm thơ, viết nhật ký và hát cùng nhau. Có một bài thơ như thế này được chép trong sổ tay:
“Em nghĩ gì mà đem lòng yêu lính,
những con người vì nghĩa vụ mà đi.
Đừng em ơi! yêu lính để làm gì.
rồi cực khổ em ơi! đừng yêu lính!
Em sẽ buồn khi chịu cảnh chia ly
Bao kỉ niệm sẽ chôn vào nỗi nhớ
Để bây giờ phải chịu cảnh cô đơn
Và đôi khi em sẽ tự giận hờn
Em sẽ khóc vì là người yêu lính…!
rồi cực khổ em ơi! đừng yêu lính!”
Tới khuya, một số nghỉ ngơi, số còn lại túc trực canh gác đợi thủy triều rút xuống sẽ lên bãi Gạc Ma dựng nhà và làm cột cờ khẳng định chủ quyền.
Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 14 tháng 3, ngay khi thủy triều đã xuống, đơn vị công binh E83 gồm bảy, tám người bắt đầu hạ xuồng nhôm từ tàu vào bãi đá Gạc Ma để đào lỗ định vị làm nhà và cột để kéo cờ. Công việc hoàn tất vào lúc khoảng 5 giờ sáng, đơn vị công binh quay về tàu, bàn giao lại cho bộ phận hải đồ gồm có trung úy Lê Đình Thơ cùng hạ sĩ Trương Văn Hiền và hạ sĩ Phạm Văn Trường vào đo đạc, khảo sát chiều rộng, chiều dài, độ sâu, mực nước lên xuống để tiếp tục tiến hành cắm mốc. Khi thực hiện xong xuôi, lực lượng hải đồ quay trở về tàu ăn sáng và thông báo lại tình hình cho trung đoàn công binh bắt tay tiếp tục vận chuyển vật liệu ra bãi đá Gạc Ma để xây dựng.
Lúc này ở trên tàu, Trung đội trưởng Nguyễn Mậu Phong của Lữ đoàn 146 và Trung đội phó Trần Văn Phương gọi trung sĩ Lê Hữu Thảo cùng một vài chiến sĩ dậy, dặn dò mượn hai khẩu súng AK của thủy thủ đoàn và cắt cử thêm hai đồng đội để ra bãi đá bảo vệ cờ. Nhận được lệnh, trung sĩ Lê Hữu Thảo liền gọi hạ sĩ Nguyễn Văn Thành quê ở Hương Khê, Hà Tĩnh dậy cùng thực hiện nhiệm vụ nhưng Thành vẫn còn bị say sóng, không nhấc nổi người nên được cho nằm lại nghỉ ngơi. Hạ sĩ Thảo gọi hai đồng đội khác là Đậu Xuân Tư, quê Nghệ An và Nguyễn Văn Chúc, quê Hương Điền, Huế. Cả ba người cùng Trung đội trưởng Nguyễn Mậu Phong, Trung đội phó Trần Văn Phương được hai lính công binh E83 chèo xuồng nhôm chở ra Gạc Ma canh gác, bảo vệ cờ. Lúc này trong bãi cạn đã có sẵn một cây cột được những người lính công binh dựng lên.
Thủy triều xuống thấp, nhấp nhô những rạn san hô. Năm chiến sĩ lữ đoàn tiến hành kiểm tra cột cờ và xác định vị trí thuận lợi để dựng lán. Xong xuôi, Trung đội trưởng Nguyễn Mậu Phong theo xuồng trở lại tàu để chỉ huy khâu bốc dỡ vật liệu.
Lúc này ở trên tàu HQ-604, trung tá Trần Đức Thông, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, gọi mọi người dậy ăn sáng, tập thể dục, lau chùi vũ khí để tiến hành cắm cờ trên bãi đá Gạc Ma. Khoảng 5 giờ kém 15, thượng úy Nguyễn Văn Chương, chỉ huy lực lượng thuộc Trung đoàn công binh E83, cầm chiếc radio duy nhất lên boong tàu để bắt sóng. Ông bắt được Đài Tiếng nói Việt Nam, đến chương trình Thể dục buổi sáng thì mọi người cùng tập. Không khí trên tàu bắt đầu nhộn nhịp khi mọi người dậy đông đủ và lục đục sửa soạn, chuẩn bị cho công việc xây dựng bãi đá Gạc Ma.
Trên bãi đá, trung sĩ Lê Hữu Thảo lấy thuốc lá ra châm và mời đồng đội. Được khoảng chừng 30 phút thì từ phía tàu, hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh thuộc đơn vị công binh cởi trần, mặc chiếc quần đùi màu đỏ đứng trên mũi tàu nhảy xuống biển và bơi vào chỗ những người lính canh gác đang đứng. Hạ sĩ Lanh vào trò chuyện, hút thuốc, trêu đùa cùng lực lượng lính tác chiến. Thời điểm này tàu Trung Quốc chưa đến, không khí vẫn yên bình, chỉ có tiếng sóng nước vỗ liên hồi, tiếng rít thuốc từng đợt của các chiến sĩ và tiếng xì xào trò chuyện, nói cười qua lại.
Trung úy Nguyễn Mậu Phong sau khi trở về tàu thì cùng các chiến sĩ công binh chèo xuồng trở ra Gạc Ma, kéo một sợi dây từ tàu ra ngoài bãi cạn dùng để ổn định xuồng. Trung úy Phong cùng năm người lính công binh giữ lấy đầu dây cáp còn số khác tiếp tục chèo xuồng vào ra để vận chuyển vật liệu. Thủy triều lúc này đã lên tới đầu gối.
Đến khoảng 5 giờ 30, quân Trung Quốc bắt đầu xuất hiện. Họ đi trên ba tàu tên lửa tiến lại gần tàu Việt Nam. Lần lượt ba chiếc tàu chiến ở cách một khoảng 400 mét, 300 mét mang số 502, 503 áp sát tàu HQ-604. Ngay khi nhận ra tất cả tàu đều là tàu chiến, không khí trên tàu phía Việt Nam bắt đầu nóng lên, mọi người ngưng trêu đùa và tập trung quan sát động thái của đối phương. Nhận thấy tình hình căng thẳng, trung tá Trần Đức Thông bàn với thượng úy Nguyễn Văn Chương các phương án hành động, cuối cùng đi đến thống nhất là phải khẩn trương tập kết tất cả vật liệu lên bãi đá Gạc Ma. Lợi dụng thời cơ thủy triều xuống, tất cả lính công binh phải vận chuyển cho xong tất cả vật liệu lên bãi đá, đề phòng Trung Quốc giở trò cho lính đổ bộ lên xâm chiếm trước.
Thượng úy Chương nhớ lại: “Tôi tới nhận nhiệm vụ thì anh Trần Đức Thông bảo: Sau khi chuyển tất cả vật liệu xuống thì chiều tối ta nghỉ ngơi, tôi có chai rượu ngon mời anh em ra để cùng rút kinh nghiệm cũng như trao đổi nhiệm vụ.”
Tàu Trung Quốc sau khi tới đã lập tức thả ba chiếc xuồng máy, chở khoảng 50 người tiến vào đá Gạc Ma. Theo quan sát của những chiến sĩ trên bãi cạn đã chạm mặt trực tiếp, lính Trung Quốc được trang bị súng AK bên hông, mang trước ngực một tạp dề và băng đạn, dưới chân còn có dao phay thủ sẵn. Một binh sĩ Trung Quốc đi cuối cùng mang bộ đàm sau lưng. Còn viên chỉ huy toán quân được miêu tả có ngoại hình cao to, cầm súng ngắn trên tay, bước xuống xuồng sau cùng và đứng gần chỗ bộ đội công binh Việt Nam đang nắm giữ dây cáp.
Khi đặt chân lên Gạc Ma, lính Trung Quốc bắt đầu xé mì gói ra ăn sáng, nói chuyện xì xồ xì xào với nhau và duy trì đội hình vòng cung bao vây xung quanh. Binh sĩ Trung Quốc gần nhất lúc này đứng cách các chiến sĩ Việt Nam chỉ tầm một mét rưỡi. Không khí căng thẳng theo từng bước chân của đối phương. Hạ sĩ Ngô Văn Phúc, thuộc Trung đoàn công binh E83 đối mặt với người lính Trung Quốc gần nhất, thuật lại: “Quân địch cũng như bọn tôi vẫn đang ăn lương khô, chúng mời thì tôi từ chối và nói ăn rồi, Việt Nam ăn rồi, no rồi. Lúc đó còn nói đùa với nhau, vô tư vậy đó.”
Nhưng không phải trên bãi đá ai cũng mang một tâm trạng giống nhau. Nhận nhiệm vụ quan sát và đếm tổng số quân Trung Quốc, trung sĩ Lê Hữu Thảo thống kê có tất cả 58 người, ngoài 50 người trên bãi đá, còn lại tám người đứng trên ba xuồng máy. Có một chiếc xuồng máy của Trung Quốc được trang bị đại liên chạy vòng quanh tàu HQ-604 và chĩa súng lên tàu khiêu khích. Còn các tàu tên lửa đã mở bạt súng, pháo và đều chĩa về phía hai tàu HQ-604 và HQ-505. Quân Trung Quốc tiếp tục chiêu bài bắc loa kêu gọi bộ đội Việt Nam rời khỏi bãi đá Gạc Ma.
Linh tính về cuộc xung đột sẽ xảy ra, trung sĩ Lê Hữu Thảo vừa hút thuốc vừa báo cáo tình hình với Trung đội trưởng Nguyễn Mậu Phong về số lượng vũ khí và sự chênh lệch binh lực giữa hai bên. Thảo e ngại nếu xảy ra tranh chấp giành cờ thì quân Việt Nam chịu thiệt hại nặng. Đứng trước tình thế nguy cấp, Trung đội trưởng Nguyễn Mậu Phong bình tĩnh căn dặn các chiến sĩ giữ nguyên vị trí, tiếp tục chốt ở chỗ cột cờ để vừa bảo vệ, vừa quan sát mọi động tĩnh của phía Trung Quốc. Lệnh của Trung đội trưởng còn chỉ rõ các chiến sĩ được phép tùy cơ ứng biến trên nguyên tắc không được khiêu khích hay tự ý nổ súng trước. Nghe xong chỉ thị, trung sĩ Lê Hữu Thảo tiếp tục cùng đồng đội Đậu Xuân Tư đấu lưng bảo vệ cờ.
Về phía tàu HQ-604, ngay khi thấy lính Trung Quốc tiếp cận bãi đá, chỉ huy cụm đảo là trung tá Trần Đức Thông liền ra lệnh cho các thủy thủ và lực lượng công binh ai biết bơi lập tức nhảy khỏi tàu vào hỗ trợ, phối hợp với các đồng đội hình thành tuyến phòng thủ để đối phương không thể tiến lên. Ngay lập tức có khoảng 20 người nhảy vào bãi cạn tiếp trợ. Vẫn mặc nguyên quần cộc, áo lót trên người và không có giáp bảo hộ, hai lính công binh Nguyễn Tuân và Ngô Văn Luận lao nhanh vào bãi Gạc Ma đang nửa nổi nửa chìm: “Lúc ấy tôi chẳng nghĩ gì nhiều, cứ thế bơi hết tốc lực vào trong bờ để cổ động tinh thần đồng đội”, Ngô Văn Luận nhớ lại.
Song song đó, lực lượng công binh kéo xuồng nhôm vẫn cấp tốc chuyển nhanh tất cả vật liệu lên bãi đá. Mọi người làm việc trong không khí khẩn trương, căng thẳng. Khi chiếc xuồng thứ ba đang quay lại tàu để chuyển vật liệu thì xuồng máy Trung Quốc chạy quanh và cắt phăng sợi dây nối. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lục thuộc Trung đoàn công binh E83 đang nắm giữ sợi dây vận tải chuyển hàng từ tàu ra vị trí tập kết liền vươn người theo, lao tới giằng co với lính Trung Quốc để giữ lại sợi dây. Cùng với Lục là hạ sĩ Đậu Hồng Biên và hạ sĩ Lê Thanh Miện hợp sức giằng mạnh sợi dây để đảm bảo con đường vận chuyển không bị đứt mạch. Khi Lục chạy ra nối dây thì một lính Trung Quốc rút súng chĩa vào đầu từng người lính công binh đang ra sức phản kháng, giật lại sợi dây và vứt hẳn ra xa. “Đó là lần đầu tiên có súng chĩa thẳng vào đầu tôi. Thú thực lúc đó tôi sợ lắm vì chúng nói rất to, rất rõ bằng tiếng Việt chứ không phải tiếng xì xà xì xồ: Mày mà nối dây là tao bắn chết”, hạ sĩ Lục kể.
Hạ sĩ Lê Văn Đông đang ở trên tàu bốc hàng xuống xuồng nhôm thì phát hiện chiếc xuồng bị thủng. Đông nhảy xuống xuồng tát nước ra. Đang hì hục thì anh cảm thấy có mũi súng lạnh toát phía sau lưng. Lúc này, không biết phải làm sao nên anh tiếp tục tát nước: “Mặc cho chúng kề súng sát người, tôi vẫn tiếp tục tát. Sau nhìn thấy chúng cắt dây và đồng đội mình giằng co kéo lại thì tôi nhảy lên tàu thông báo cho mọi người biết.”
Sau khi khống chế được hầu hết lực lượng công binh Việt Nam, lính Trung Quốc trên xuồng máy đồng loạt chĩa súng lên tàu HQ-604 khiêu khích. Căng thẳng giữa hai bên dâng lên đến cực điểm, Trung Quốc vẫn không ngừng bắc loa từ trên tàu 502 yêu cầu bộ đội Việt Nam rút lui khỏi bãi đá Gạc Ma, “ngưng ngay mọi hành vi bồi đắp đảo và xây dựng nhà trên lãnh thổ của Trung Quốc”. Nghe tới đây, hạ sĩ Đậu Xuân Tư quay sang nói nhỏ với trung sĩ Lê Hữu Thảo: “Bọn mình bắn bỏ mẹ nó đi Thảo ơi”. Nhớ lời dặn của Trung đội trưởng Nguyễn Mậu Phong trước đó, Thảo trấn an đồng đội hãy bình tĩnh chờ mệnh lệnh, tay vẫn giữ chắc súng phòng trường hợp xấu. Thế nhưng chỉ khoảng năm phút sau câu nói ấy của Thảo, viên chỉ huy cao to vạm vỡ cầm súng ngắn bên phía Trung Quốc liền bắn chỉ thiên mấy phát. Tiếng đạn rít nghe buốt cả tai. Đồng loạt tất cả 50 tên lính Trung Quốc xông vào cướp lấy cờ. Cuộc giằng co giáp lá cà giữa hai bên bắt đầu…
——-
Ghi chú của nhà báo Đỗ Hùng:
Mình và Bùi Thư ghi lại theo lời kể của các cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương, Lê Hữu Thảo, Lê Văn Đông, Trương Văn Hiền, Ngô Văn Phúc, Nguyễn Văn Thống, Nguyễn Văn Lục.
Ảnh 1: Người cầm điện thoại chụp selfie là anh Lê Văn Đông. Anh Đông ở Bố Trạch, Quảng Bình. Nghe anh Đông kể chuyện, mình liên tưởng đến câu thơ “Cưới nhau xong là đi” trong bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan. Anh Đông ở đơn vị, về quê ăn tết, bị giục cưới bèn cưới luôn. Nhưng anh chỉ ở với vợ được một đêm, hôm sau phải khăn gói trở lại đơn vị để chuẩn bị cho chuyến đi Trường sa đầy sóng gió. Chỉ một đêm nhưng anh đã kịp khiến cho vợ mang bầu. Hơn ba năm sau anh mới trở về từ nhà tù Trung Quốc. Ngồi nói chuyện, anh đùa: “Tui là hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Ảnh 2: Thượng úy Chương (quê Lệ Thủy, Quảng Bình, phải) và anh Thoa (Bình Định, trái). Sau cuộc thảm sát, anh Thoa bị bắt làm tù binh. Cũng ngay sau đó, anh Chương cùng tàu Chữ Thập Đỏ trở lại vùng biển Gạc Ma để tìm kiếm đồng đội (còn sống hoặc đã hy sinh) nhưng bị tàu vũ trang Trung Quốc xua đuổi nên phải quay về. 30 năm đã trôi qua, nhiều nỗ lực “ngoại giao” đã được triển khai nhưng phía Trung Quốc vẫn chưa cho Việt Nam tiếp cận để quy tập hài cốt liệt sĩ. Trong khoảng thời gian này, một số nỗ lực “không chính thức” đã được triển khai nhưng cũng chỉ mới vớt được một số bộ phận cơ thể của một số ít liệt sĩ Gạc Ma. Phần lớn các anh vẫn nằm dưới lòng biển xanh.
Bài viết được đăng lại từ Facebook của nhà báo Đỗ Hùng.
———-
Xem thêm những bài liên quan: