Tác giả: Bill Hayton
Biên dịch: Thuỳ Anh. Hiệu đính: Tuấn Đinh
Theo Nghiên Cứu Biển Đông

Tóm tắt
Phán quyết gần đây của Tòa Trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc thúc đẩy các luật sư xem xét lại những bằng chứng lịch sử do các bên tranh chấp Biển Đông đưa ra. Mặc dù Tòa Trọng tài không giải quyết các vấn đề liên quan đến chủ quyền hay ranh giới lãnh thổ, nhưng Tòa vẫn có quyền đặt nghi vấn về quyền lịch sử Trung Quốc tuyên bố để củng cố yêu sách của nước này. Các bằng chứng mới từ những nguồn khác cũng cho thấy thảo luận về vấn đề này không nên chỉ giới hạn trong những lập luận được đưa ra trong một số bài viết cách đây 30 năm. Xem xét kỹ các tài liệu được sử dụng trong các bài viết này cho thấy chúng chủ yếu dựa vào các nguồn của Trung Quốc. Các nghiên cứu lịch sử gần đây đưa ra những tư liệu mới về quá trình phát triển của các yêu sách chủ quyền đối lập tại Biển Đông. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận pháp lý quốc tế vẫn chưa xem xét những tư liệu này. Bài viết sẽ điểm một số tác phẩm nổi bật trong lĩnh vực này và kêu gọi các bên đánh giá lại những tài liệu này. Theo đó, các bên có thể thảo luận về tranh chấp dựa trên cơ sở của các bằng chứng có thể xác minh được, đồng thời được phạm vi hóa thay vì chỉ dựa vào sự khẳng định mang tính dân tộc chủ nghĩa.
Giới thiệu
Tranh chấp Biển Đông bắt nguồn từ một số lập luận về chủ quyền lãnh thổ gây nhiều tranh cãi nhất vào đầu thế kỷ 21. Có năm nước, sáu bên tranh chấp các đảo, đá ở Biển Đông bao gồm Trung Quốc (Trung Hoa Dân Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc), Malaysia, Philippines, Việt Nam và Brunei. Những yêu sách này ngày càng phức tạp bởi tranh chấp về quyền đối với vùng biển được xác định từ các thực thể cụ thể; việc phân định các vùng biển; và khả năng các quốc gia có thể ngăn cản hoạt động của các tàu quân sự trong vùng biển của mình.
Các tranh chấp này có ảnh hưởng rất lớn bởi tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông đối với Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác. Một vài nhà quan ước tính giá trị thương mại đi qua Biển Đông mỗi năm là hơn 5 nghìn tỷ USD.[1] Khu vực này cũng là tuyến đường biển quan trọng để các tàu quân sự trung chuyển giữa Châu Á, Trung Đông và Châu Âu. Theo góc nhìn của các nhà phân tích phương Tây, Biển Đông cũng là phép thử chiến lược cho việc trỗi dậy thành cường quốc của Trung Quốc. Các học giả này đánh giá quan điểm của Trung Quốc đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)[2] sẽ phản ảnh việc giới lãnh đạo nước này trong tương lai sẽ tuân thủ những quy tắc của hệ thống quốc tế hiện hành hay thách thức trật tự này.[3]
Nhằm làm rõ các tranh chấp, Philippines đã chính thức kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS. Mặc dù Tòa không thể giải quyết vấn đề liên quan đến chủ quyền hay phân định biển, nhưng Tòa đã làm rõ liệu Trung Quốc có thể khẳng định “quyền lịch sử” ở Biển Đông hay không. Theo phán quyết ngày 12/7/2016: “Sau khi xem xét nội dung và bối cảnh của Công ước, Tòa Trọng tài khẳng định bác bỏ mọi quyền lịch sử một quốc gia có thể từng có ở khu vực hiện nay là một phần trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của quốc gia khác.”[4] Nói cách khác, Trung Quốc không thể yêu sách quyền đối với tài nguyên biển vượt quá các quyền được quy định trong UNCLOS. Việc phủ định trực tiếp quyền lịch sử này, mà Trung Quốc dựa vào để củng cố yêu sách biển mơ hồ của nước này, có thể là một động lực cho việc xem xét một cách nghiêm túc hơn về câu chuyện này.
Tranh chấp Biển Đông chỉ bắt đầu hình thành từ những năm 1900. Mặc dù các bên yêu sách hiện nay đưa ra các bằng chứng sớm hơn để củng cố yêu sách của mình, nhưng rõ ràng giữa các bên không có tranh chấp bất kỳ hòn đảo nào trước thế kỷ 20. Bài viết này chỉ ra rằng tranh chấp đầu tiên diễn ra giữa Trung Quốc (nhà Thanh) và Nhật Bản đối với đảo Pratas, bắt nguồn từ việc phát hiện một thương nhân Nhật Bản tiến hành hoạt động khai thác phân chim. Sự kiện trên dẫn đến việc Trung Quốc bồi thường cho thương nhân này và Nhật Bản công nhận yêu sách của Trung Quốc vào cuối năm 1909. Điều này cũng dẫn đến việc Trung Quốc đưa ra yêu sách đối với một số thực thể tại quần đảo Hoàng Sa vào tháng 6/1909.[5] Tranh chấp mở rộng trong những năm 1920 và 1930, với việc Pháp, các chính quyền khác nhau của Trung Quốc, và Nhật Bản theo đuổi các yêu sách tranh chấp ban đầu là Hoàng Sa và sau đó là Trường Sa.
Việc các bên tranh chãi gay gắt về lịch sử của tranh chấp ảnh hưởng lớn đến các nghiên cứu về yêu sách. Mục tiêu tìm kiếm một câu chuyện rõ ràng đã bị cản trở bởi những bí mật của chính quyền, tiếp cận hạn chế đối với các nguồn dữ liệu và rào cản ngôn ngữ. Tranh cãi trong giới luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế bị hạn chế do thiếu gắn kết với các lĩnh vực nghiên cứu khác; đặc biệt việc xem xét các nghiên cứu lịch sử đã bị bỏ qua. Tuy nhiên, việc số hóa tài liệu khiến các dữ liệu vốn không thể tiếp cận lần đầu tiên được tiếp cận một cách dễ dàng. Hiện nay các nhà nghiên cứu dễ dàng hơn trong việc tìm tài liệu phản biện các câu chuyện được khẳng định trước đó.
Trong nỗ lực nắm bắt nguồn gốc của tranh chấp, nhiều người viết về pháp lý đã coi các bài viết của một bên này hay bên khác trong tranh chấp là bằng chứng của sự thật. Tác giả cho rằng nhiều văn bản trong số này là nhằm tạo ra yêu sách thay vì là bằng chứng cho các yêu sách sẵn có. Để hiểu được toàn bộ nguồn gốc của tranh chấp, cần có quan điểm phản biện trước mọi bằng chứng các bên đưa ra. Bài viết chỉ ra rằng, thông qua các nghiên cứu chi tiết về các nguồn tham khảo được sử dụng trong một số bài nghiên cứu nổi bật và so sánh với kết quả từ những nghiên cứu lịch sử gần đây, các nguồn tham khảo cơ bản cho việc thảo luận về Biển Đông trong cộng đồng luật quốc tế phạm phải những sai lầm nghiêm trọng. Những sai lầm này dẫn đến việc “các luật sư giỏi” đã viết “sai lịch sử” – hoàn toàn khác biệt với các bằng chứng đã được xác minh. Những tác giả này sử dụng những lập luận không có cơ sở, dựa vào tư duy chủ nghĩa dân tộc, hơn là đánh giá một cách trung lập. Việc viết “sai lịch sử” khiến các tác giả này đưa ra hàng loạt kết luận sai lệch.
Đọc toàn bộ bản dịch ở http://nghiencuubiendong.vn/trung-tam-du-lieu-bien-dong/doc_download/1104-khi-cac-lut-s-gii-vit-sai-lch-s-cac-bng-chng-thiu-tin-cy-va-tranh-chp-lanh-th–bin-ong
Bản quyền bản dịch thuộc Nghiên cứu Biển Đông.
Bill Hayton, nhà nghiên cứu tại Chương trình Nghiên cứu Châu Á, Viện Nghiên cứu Chatham House, London, Vương quốc Anh. Bài viết được đăng trên Ocean Development & International Law, Vol. 48, 2017.
Có thể xem toàn văn bản gốc tiếng Anh ở http://www.viet-studies.net/kinhte/BillHayton_GoodLawyers.pdf
———-
Chú thích:
[1]B. S. Glaser, “Armed Clash in the South China Sea: Contingency Planning Memorandum Update” (2015), Council on Foreign Relations, www.cfr.org/sasia-and-pacific/conflict-south-china-sea/p36377.
[2] Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, 1833 U.N.T.S.397
[3]A. S. Erickson, “America’s Security Role In The South China Sea,” Naval War College Review, 69 (2016): 7–20.
[4]In the Matter of the South China Arbitration (the Philippines and China), Award, 12/7/2016, đoạn 247, trang web của Tòa Trọng tài Thường trực, www.pca-cpa.org.
[5]B. Hayton, The South China Sea: The Struggle for Power in Asia (New Haven, CT: Yale University Press, 2014), 65.