Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam
Ngày 4 tháng 5 năm 2017
Ngày 25/5/2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ lần thứ 6 của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong năm 2017. Dưới đây là những phần trích từ tường thuật buổi họp báo liên quan tới Biển Đông.
II. Trả lời phóng viên
1. Trong chuyến thăm Hoa Kỳ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vấn đề quân sự hóa trên Biển Đông có phải là một vấn đề trọng tâm sẽ được đề cập không?
Trả lời
Trong chuyến thăm lần này, Lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị – ngoại giao, kinh tế – thương mại, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh, các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
5. Vừa qua có thông tin tàu Việt Nam và tàu Indonesia có va chạm trên Biển Đông và phía Indonesia thông tin là va chạm này xảy ra trên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Xin cho biết phản ứng và thông tin của Bộ Ngoại giao về vấn đề này?
Trả lời
Theo tôi được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông tin chính thức về vụ việc này. Hiện nay, hai bên đang giải quyết vụ việc trên tinh thần hữu nghị và trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
6. Xin cho biết bao nhiêu ngư dân bị bắt trong vụ việc trên và khi nào thì họ được thả?
Trả lời
Như tôi đã đề cập, thông tin chính thức đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra sáng ngày hôm nay. Theo đó, phía Việt Nam đang tiếp tục yêu cầu phía Indonesia thả số ngư dân còn lại và hiện đang bị tạm giữ.
Hai bên đang phối hợp với phía Indonesia để giải quyết vụ việc trên tinh thần hữu nghị và trên cơ sở quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
7. Xin Người Phát ngôn cho biết ý kiến về việc ngày 24/5, một tàu Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn?
Trả lời
Tôi xin nhắc lại quan điểm của Việt Nam là Việt Nam có đầy đủ cơ sở lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa phù hợp các quy định của luật pháp quốc tế.
Là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, lập trường nhất quán của Việt Nam là tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Nhân dịp này, Việt Nam cũng tiếp tục đề nghị tất cả các quốc gia có đóng góp mang tính xây dựng và tích cực phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Xem nội dung đầy đủ buổi họp báo ở https://www.mofa.gov.vn/vi/tt_baochi/pbnfn/ns170529140805
———–
Xem các bài khác trong cùng chuyên mục: