Bản Tin Chuyển Động Trên Biển: Việt Nam, Philippines Và Câu Chuyện Trung Quốc Tăng Ngưỡng Vùng Xám

Thực hiện: Nhóm theo dõi thực địa | Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

Trong lúc truyền thông Philippines và học giả quốc tế tập trung theo dõi diễn biến Bãi Cỏ Mây nơi hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc neo đậu và ngăn chặn tàu Philippines tiếp tế, thì đối với Việt Nam, Bãi Tư Chính hiện cũng đang là bãi cạn nơi hải cảnh Trung Quốc thường xuyên neo đậu trong những đợt hoạt động ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và phía nam Biển Đông. Nguồn ảnh vệ tinh: CSIS/AMTI/DigitalGlobe

Trung Quốc tiếp tục thử nghiệm tăng giới hạn cưỡng ép đe dọa dưới ngưỡng chiến tranh ở Biển Đông

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 13/2/2023, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines cho biết thuỷ thủ đoàn trên tàu BRP Malapascua (MRRV-4403) của họ đã bị hải cảnh Trung Quốc số hiệu 5205 quấy rối khi đang trên đường tiếp tế định kỳ cho tiền đồn của Philippines trên Bãi Cỏ Mây. Sự việc xảy ra chỉ cách Bãi Cỏ Mây 10 hải lý. Phía Philippines đã cáo buộc hải cảnh Trung Quốc sử dụng tia laser “cấp quân sự” vào thuỷ thủ đoàn Philippines gây mù tạm thời.[1]

Hải cảnh Trung Quốc cũng di động áp sát một cách nguy hiểm, chỉ cách tàu Malapascua khoảng 137 mét, để ngăn chặn tàu của Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây. Tàu BRP Malapascua sau đó đã rút lui và gia nhập BRP Teresa Magbanua (MRRV-9701) để hỗ trợ một nhiệm vụ tiếp tế khác cho tiền đồn của Philippines ở đảo Vĩnh Viễn.

Năng lực tàu Malapascua

BRP Malapascua (MRRV-4403) là một trong 10 tàu tuần tra lớp Parola được Nhật Bản đóng cho Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines trong một dự án do Tokyo và Manila đồng tài trợ giai đoạn 2016-2018. Tàu chỉ có chiều dài 44.5 m, với các thiết bị quan trọng bao gồm hệ thống giám sát vô tuyến và định hướng vô tuyến, cảm biến nhìn đêm, cầu chống đạn, ba hệ súng máy 50-caliber. Malapascua đã từng phục vụ trong các nhiệm vụ chống khủng bố và cứu trợ/cứu hộ sau thảm họa.

Tia laser như một vũ khí quân sự

Tia laser cường độ thấp có thể được sử dụng như một thiết bị chỉ hướng cầm tay để đảm bảo an toàn hàng hải. Mắt có cơ chế tự bảo vệ giúp một người có thể ngay lập tức quay đi khỏi nguồn sáng trong vòng một phần tư giây và có thể bảo vệ mắt khỏi hư hại. Tuy nhiên, với các tia laser có cường độ mạnh hơn, thời gian gây tổn thương ngắn hơn thời gian mắt người kịp thời phản ứng. Tia laser cường độ mạnh bởi vậy có thể được sử dụng ở cấp độ quân sự có khả năng tấn công làm mù hoặc làm mất phương hướng của quân địch cũng như làm rối loạn hoặc phá hủy các cảm biến điện quang nhạy cảm. Hoa Kỳ, Israel, Nga và các quốc gia khác đang tìm cách sử dụng các tia laser cường độ mạnh để chống lại máy bay không người lái và tên lửa. Mặt khác, đã có một quy định được đưa vào Công ước Geneva về Một số Vũ khí Thông thường cấm sử dụng tia laser theo cách gây mù vĩnh viễn hoặc làm tổn hại thị lực của con người.[2]

Tàu BRP Malapascua (MRRV-4403) của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Ảnh: Public Affairs Office, Philippine Coast Guard 

Ranh giới hành vi cưỡng ép dưới ngưỡng chiến tranh

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có hành vi khiêu khích nguy hiểm đối với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Phía Philippines cũng cho biết vào tháng 8/2022, khi Trung Quốc triển khai hải cảnh 5205 và 5102 cùng hai tàu dân quân biển đã triển khai phong toả không cho tàu Philippines tiếp cận Bãi Cỏ Mây. Hải cảnh Trung Quốc đã có hành vi đặc biệt khiêu khích khi gỡ bỏ lớp che khẩu pháo chính của 5202 ngầm đe dọa BRP Teresa Magbanua tiếp cận Bãi Cỏ Mây.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng tia laser có khả năng gây tổn thương khi muốn chặn hành trình đối phương trên biển hoặc trên không. Theo Sébastien Roblin viết trên Popular Mechanics, quân đội Trung Quốc đã sử dụng vũ khí laser gây chói mắt như một hình thức quấy rối máy bay Hoa Kỳ, bao gồm một sự cố vào năm 2018 khi quân đội Trung Quốc đóng tại Djibouti gây ra “vết thương nhẹ ở mắt” cho phi hành đoàn của một máy bay vận tải C-130 của Hoa Kỳ hạ cánh xuống một căn cứ gần đó của Hoa Kỳ. Bên cạnh khả năng gây suy giảm thị lực lâu dài, các cuộc tấn công như vậy làm tăng rủi ro tai nạn hàng không khiến phi hành đoàn mất phương hướng.[3]

Cũng theo Roblin, các công ty Trung Quốc là những nơi đầu tiên phát triển tia laser gây mù như vũ khí tấn công. Từ những năm 1990, các vũ khí tia laze Norinco ZM-87 đã được thương mại hoá và được Nga và Triều Tiên mua và sử dụng đối với phi hành đoàn trực thăng của Canada và Hoa Kỳ trong một số cuộc chạm trán. Xe tăng Type 99 của Trung Quốc cũng được cho là sử dụng đèn laser nhằm làm mù các xạ thủ xe tăng đối phương.

Sau các hành vi tiềm ẩn rủi ro leo thang bao gồm sử dụng tàu chiến, tàu hải cảnh, dân quân biển với kích thước và số lượng lớn để phong tỏa tiếp cận, sử dụng vòi rồng, Trung Quốc tiếp tục tiến thêm một bước nguy hiểm hơn là sử dụng các tia laser để làm suy yếu và có khả năng ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của đối phương. Mặc dù bị coi là vi phạm những chuẩn mực về an toàn trên biển và trên không, những hành vi này vẫn ở dưới ngưỡng kích hoạt một phản ứng quân sự. Tổng thống Philippines nói rằng việc hải cảnh Trung Quốc sử dụng tia laser cấp độ quân sự chống lại tàu tuần tra của Philippines là không đủ để ông viện dẫn hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ.[4]

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân biện minh cho hành vi sử dụng tia laser của hải cảnh Trung Quốc là phản ứng “một cách chuyên nghiệp và kiềm chế tại địa điểm phù hợp với luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế” và khẳng định tàu Philippines đã xâm phạm vùng biển Trung Quốc trong sự cố ngày 6/2.[5] 

Riêng trong năm 2022, Philippines đã phải gửi gần 200 công hàm phản đối các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bãi Cỏ Mây: “Chào mừng tới Trung Quốc”

Tham gia một chuyến bay tuần tra cùng với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines ngày 21/2/2023, phóng viên Philippine Daily Inquirer cho biết khi bay qua Bãi Cỏ Mây, họ đã nhận được tin nhắn báo chuyển vùng viễn thông, như thể họ là những du khách đến Trung Quốc, dù họ đang ở không phận của Bãi Cỏ Mây là một bãi chìm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Philippines, và do vậy thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines.[6] 

Chiếc máy bay tuần tra của Philippines cũng nhận được cảnh báo rằng họ đang “đi vào vùng lân cận lãnh thổ Trung Quốc” và yêu cầu máy bay rời đi ngay lập tức. Phóng viên quan sát được một tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 5304 đứng gác bên ngoài, chỉ cách bãi cạn 1 hải lý, trong khi có 4 tàu dân quân Trung Quốc neo đậu bên trong, bất chấp phản đối ngoại giao của Philippines trước đó.

Tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc neo đậu ở Bãi Cỏ Mây trong những không ảnh chụp ngày 21/2/2023. Ảnh: Niño Orbeta/PDI

Phóng viên Philippines cũng cho biết khi họ đến thăm Bãi Cỏ Mây vào tháng 6 năm ngoái, không bắt được sóng di động nào của Philippines.

Sóng di động Trung Quốc cũng đã từng xâm thực sang đảo Việt Nam đóng quân

Theo các báo cáo truyền thông trong nước, Việt Nam bắt đầu khảo sát, đặt các trạm phát sóng ở quần đảo Trường Sa từ năm 2007. Tính tới năm 2022, toàn bộ 21 đảo với 33 điểm đảo và khu vực DK1, giàn khoan mỏ Rồng đều đã có sóng Viettel. Để đảm bảo kết nối thông suốt giữa Trường Sa và đất liền, Tập đoàn Viễn thông Quân đội cũng phải thường xuyên thực hiện các chuyến bảo dưỡng mà theo ghi nhận của phóng viên vào năm 2022, sẽ lênh đênh trên biển 4 tháng mang theo hơn 40 tấn thiết bị.[7]

​​Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy vùng 4 Hải Quân cho biết: “Sóng điện thoại là kênh thông tin quan trọng trong chỉ huy tác chiến và trong cuộc sống đời thường, góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo chắc tay súng, yên tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”[8]

Tuy nhiên, năng lực hạ tầng cơ sở viễn thông Việt Nam so với Trung Quốc vẫn còn là một câu hỏi.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam Đoàn Công Huynh, khi ông ra thăm Cô Lin vào năm 2015, “nhìn qua Gạc Ma thấy đèn điện rực sáng như một thành phố. Sóng di động của họ xâm thực sang đảo ta. Trên máy của tôi hiện mấy chữ “trung quốc di động” (trung quốc mobile) 中國 移 动。”

Một quân nhân Việt Nam thường xuyên có các chuyến đi ra thực địa cũng xác nhận hiện tại sóng di động của Trung Quốc vẫn có thể tràn sang các thực thể mà Việt Nam đóng quân.

Theo Chuẩn đô đốc Đỗ Minh Thái, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, hiện tượng sóng di động Trung Quốc xâm thực sang chỗ Việt Nam đóng quân sẽ “tuỳ từng khu vực, nhưng nói chung sóng Viettel ổn định.”

Còn ông Huynh cho biết thêm, tới tận tháng 9/2022, khi ông đi thăm Pò Hèn, vẫn có hiện tượng máy di động của ông nhận được tin nhắn chuyển vùng “Chào mừng tới Trung Quốc” ở khu vực biên giới bên đất Việt Nam.

Mặc dù kênh thông tin liên lạc dân sự và quân sự có thể hoạt động theo những cách thức riêng rẽ, và mỗi nước hẳn đã chuẩn bị những kịch bản tác chiến điện tử, năng lực hạ tầng cơ sở viễn thông của mỗi nước sẽ đóng vai trò quan trọng. Bài học từ cuộc chiến ở Ukraine cho thấy cuộc chiến điện tử đã xảy ra trước khi tiếng súng nổ ra trên thực địa.

Philippines đối phó với Trung Quốc: minh bạch thông tin, thúc đẩy hiện đại hoá lực lượng, thảo luận tuần tra chung với Hoa Kỳ và Úc

Trước hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, bên cạnh việc xác nhận các báo cáo truyền thông và của các nhà nghiên cứu độc lập theo dõi diễn biến thực địa bằng các công nghệ từ xa, công bố các hình ảnh, thước phim quay lại diễn biến sự cố chạm trán với tàu Trung Quốc trên biển, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) đã để cho các nhà báo tham gia các chuyến tuần tra thực địa, chứng kiến trực tiếp hiện tượng các tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc đang neo đậu ở Bãi Cỏ Mây.  

Các nhà báo Philippines đã tham gia cuộc tuần tra trên không của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines trên Bãi Cỏ Mây Bãi Sa Bin vào ngày 21/2/2023. Ảnh: Niño Orbeta/PDI)

Hôm thứ Sáu ngày 17/2/2023, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã kêu gọi các nhà lập pháp ủng hộ chương trình hiện đại hóa của họ.[9]

“Đã đến lúc chúng ta cần mua thêm các tàu tuần tra xa bờ để có thể liên tục tuần tra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines,” Thiếu tướng Jay Tarriela, người phát ngôn của PCG, cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Philippines đang có những cuộc đàm phán với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Úc về việc tăng cường các cuộc tập trận giữa lực lượng hải quân và không quân, và về khả năng tuần tra chung trên Biển Đông.[10]

Mối quan hệ thương mại hạn chế con đường chính trị – ngoại giao của Việt Nam?

Tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra vào tuần trước, Chủ tịch Quỹ Hội nghị An ninh Munich Christoph Heusgen tiết lộ: vào năm 2021 khi Việt Nam và Đức cùng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, Việt Nam được hỏi vì sao không đưa vấn đề ngư dân Việt Nam bị quấy nhiễu ở Biển Đông lên bàn thảo luận của Hội đồng Bảo An bởi đây là vấn đề về an ninh và hoà bình và Hội đồng Bảo An là nơi để làm điều này, phía Việt Nam trả lời Việt Nam “có mối quan hệ thương mại rất quan trọng với Trung Quốc nên chúng tôi không muốn làm vậy.”

Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cũng cho rằng việc đưa vấn đề Biển Đông ra Hội đồng Bảo An sẽ khó khăn khi Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng. Tuy nhiên, ông đề xuất có thể tổ chức những cuộc tranh luận công khai tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc để nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam tham gia hội đàm hợp tác quân sự với Trung Quốc, Lào và Brunei

Nhóm công tác của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã gặp đại diện quân sự của Lào, Việt Nam và Brunei trong các cuộc hội đàm từ ngày 8 đến ngày 15/2/2023, theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc.[11]

Nhóm đã thảo luận về quan hệ quân sự với quân đội và chia sẻ các vấn đề an ninh khu vực đáng quan tâm. Hai bên cũng tiến hành tham vấn sâu về xây dựng cơ chế hợp tác quốc phòng song phương, theo tuyên bố.

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc điều máy bay ném bom H-6K tập trận chung tầm xa trên Biển Đông

Cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc PLA Daily hôm thứ Ba ngày 19/2/2023 cho biết máy bay ném bom H-6K đã phối hợp với các máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm trong các cuộc tấn công mô phỏng trên Biển Đông kéo dài hơn 7 giờ. Máy bay ném bom đã bay hơn 5.000km (3.100 dặm).[12]

Trần Gia Lạc, đại úy kiêm phi đội trưởng của một trung đoàn không quân giấu tên thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam, cho biết đây là cuộc tập trận dài nhất mà ông từng tham gia. Trần nói thêm rằng ông đã nhìn thấy dưới cánh của H-6K là “Quần đảo Nam Sa xinh đẹp”. Nam Sa là tên riêng của Trung Quốc gọi Quần đảo Trường Sa. 

Timothy Heath, một nhà nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation, cho biết báo cáo của PLA Daily tiết lộ cách Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng ở Biển Đông để thực hiện các nhiệm vụ tấn công tên lửa vào các mục tiêu trong chuỗi đảo đầu tiên.

“Có thể máy bay chiến đấu [đã] được triển khai từ các căn cứ trên đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa để hỗ trợ các cuộc tấn công mô phỏng ở Biển Đông” và những căn cứ này cho phép Trung Quốc sử dụng máy bay ném bom cho các cuộc tấn công tầm xa ở Biển Hoa Đông hiệu quả hơn.[15]

—————

Chú thích

[1] Philippine Coast Guard. (2023, February 13). PCG statement on Chinese vessel using laser at PCG ship in Ayungin. Retrieved February 25, 2023, from https://coastguard.gov.ph/index.php/11-news/5001-pcg-statement-on-chinese-vessel-using-laser-at-pcg-ship-in-ayungin

NBC News. (2023, February 13). Video shows “Chinese coast guard ship pointing laser at Philippines patrol boat” [Video]. YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=AchlNQAPMWs

[2] Roblin, S. (2023, February 22). China Blinded a Coast Guard Crew With a Military-Grade Laser. Popular Mechanics. https://www.popularmechanics.com/military/weapons/a42863850/china-uses-military-grade-laser-blind-philippine-coast-guard/

[3] Đã dẫn.

[4] JIM GOMEZ Associated Press. (2023, February 18). Marcos: China laser not enough to activate US defense pact. ABC News. https://abcnews.go.com/International/wireStory/marcos-china-laser-activate-us-defense-pact-97304800

[5] China justifies beaming laser light, alleges PCG vessel intruded into its waters. (2023, February 14). Manila Bulletin. https://mb.com.ph/2023/02/14/china-alleges-pcg-vessel-intruded-chinese-waters-justifies-beaming-laser-light/

[6] Mangosing, F. (2023, February 23). ‘Welcome to China’ greets PCG aircraft over Ayungin. INQUIRER.Net. https://globalnation.inquirer.net/211336/welcome-to-china-greets-pcg-aircraft-over-ayungin

[7] P. (2022, May 10). Cánh sóng Viettel giữa Trường Sa. Báo Điện Tử Tiền Phong. https://tienphong.vn/canh-song-viettel-giua-truong-sa-post1437180.tpo

[8] Đã dẫn.

[9] Mendoza, J. E. (2023a, February 21). PCG to lawmakers: It’s time to modernize in wake of China harassment in WPS. INQUIRER.Net. https://globalnation.inquirer.net/211162/pcg-to-lawmakers-its-time-to-modernize-in-wake-of-china-harassment-in-wps

[10] Mendoza, J. E. (2023a, February 21). PCG to lawmakers: It’s time to modernize in wake of China harassment in WPS. INQUIRER.Net. https://globalnation.inquirer.net/211162/pcg-to-lawmakers-its-time-to-modernize-in-wake-of-china-harassment-in-wps

Lariosa, A. (2023, February 15). China Harasses PCG Vessel Amid Increased Philippine Maritime Security Cooperation with Japan, U.S. Naval News. https://www.navalnews.com/naval-news/2023/02/china-harasses-pcg-vessel-amid-increased-philippine-maritime-security-cooperation-with-japan-u-s/

[11] Dougherty, R. (2023, February 17). China holds military cooperation talks with Laos, Vietnam and Brunei. Defence Connect. https://www.defenceconnect.com.au/key-enablers/11442-china-holds-military-cooperation-talks-with-laos-vietnam-and-brunei

[12] China sends H-6K bomber on long-range joint drill over South China Sea. (2023, February 18). South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/military/article/3210616/china-military-pla-sends-h-6k-bomber-long-range-joint-drill-over-south-china-sea

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Dựa vào hỗ trợ tài chính từ cộng đồng là cách để chúng tôi có thể tồn tại độc lập, không phụ thuộc vào tổ chức chính trị hay thương mại nào. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy cần phải có một dự án tri thức độc lập, hãy chung tay với chúng tôi để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.