Bản Tin Biển Đông Số 123 + 124 – Phần 2: Trên Thực Địa, Quân Sự, Công Nghệ Và An Ninh Mạng

(Tuần từ 07/11 – 21/11/2022) 

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Trần Phạm Bình Minh, Đinh Tùng Lâm, Ngô Trung Hiếu, Hương Nguyễn, Nguyễn Huy Hoàng

Biên tập: Nguyễn Nhật Minh

Tư liệu: South China Sea News

Bản đồ Hải quân Hoa Kỳ cập nhập ngày 21/11/2022. Ảnh: USNI News.

Tải Bản PDF ở

—————

Trong Bản Tin Biển Đông Số 123 + 124 – Phần 2 có những nội dung sau:

I- TRÊN THỰC ĐỊA

II- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ

III- MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI TRONG QUÂN SỰ

IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ

V- CHUYỂN ĐỘNG AN NINH MẠNG

—————

I- TRÊN THỰC ĐỊA

Cập nhật bản đồ Hải quân Hoa Kỳ ngày 21/11/2022

Xem thêm:

USNI News ngày 21/11/2022: USNI News Fleet and Marine Tracker: Nov. 21, 2022 

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ: Hải trình tới Thái Bình Dương gần đây của USS Zumwalt là ‘bước đầu tiên’ cho tương lai của tàu với trang bị tên lửa siêu thanh

Trước khi lắp đặt tên lửa siêu thanh vào năm tới, Hải quân Hoa Kỳ đã đưa một trong những tàu chiến tiên tiến nhất của họ ra khơi trong ba tháng ở Tây Thái Bình Dương để kiểm tra năng lực và độ tin cậy của con tàu, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ nói với USNI News.

Xem thêm:

USNI News ngày 21/11/2022: USS Zumwalt’s Recent Pacific Underway is ‘First Step’ for Future of the Class, Says PACFLEET Commander 

Nhóm Sẵn sàng Đổ bộ và Đơn vị Viễn chinh Thuỷ quân Lục chiến âm thầm triển khai tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

Soái hạm USS Makin Island của Nhóm Sẵn sàng Đổ bộ Makin Island đã rời khỏi Căn cứ Hải quân San Diego để triển khai tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cùng kết hợp với Đơn vị Viễn chinh Thuỷ quân lục chiến số 13 trong nỗ lực thúc đẩy tích hợp hải quân ở khu vực, theo USNI News.

Xem thêm:

USNI News ngày 09/11/2022: Makin Island ARG, 13th MEU Quietly Deploy to Indo-Pacific

Câu chuyện nổi bật nhất tuần qua: Một loạt tiếng nổ được nghe thấy gần đảo Thị Tứ trước giờ Phó Tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Philippines, sau cuộc chạm trán trên biển giữa Philippines và Trung Quốc

Cư dân đảo Thị Tứ hiện do Philippines kiểm soát đã nghe thấy một loạt tiếng nổ vào Chủ nhật ngày 20/11/2022, đủ mạnh để làm rung chuyển mặt đất và tạo ra gợn sóng trên đảo. Một báo cáo từ cảnh sát địa phương cho biết “những âm thanh lặp đi lặp lại” được cho là phát ra từ “đạn pháo/vũ khí” từ Đá Xu Bi do Trung Quốc chiếm giữ, một trong số bảy đảo nhân tạo lớn nhất do Bắc Kinh xây dựng ở quần đảo Trường Sa, cách đó khoảng 26 km. Nhưng ít nhất hai quan chức nói chuyện với Inquirer với điều kiện ẩn danh cho biết nguồn gốc của những tiếng nổ lớn, được nghe thấy từ 11:30 sáng đến 3 giờ chiều, vẫn đang được xác minh.

“Các vụ nổ không xảy ra ở đây, nhưng chúng tôi cảm thấy chấn động,” một người dân ở đảo Thị Tứ cho biết.

Các vụ nổ xảy ra hai ngày trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris tới tỉnh đảo Palawan. Các vụ nổ xảy ra vài giờ sau cuộc chạm trán trên biển giữa Hải quân Philippines và Hải cảnh Trung Quốc (CCG) gần đảo.

Cụ thể, theo Phó Đô đốc Bộ Tư lệnh Miền Tây Alberto Carlos,  một chiếc thuyền dân sự do Hải quân Philippines điều khiển đã tới gần một bãi cát cách đảo Thị Tứ khoảng 3,7 km để thu hồi các mảnh vỡ tên lửa bị nghi ngờ của Trung Quốc. Khi các thủy thủ Philippines kéo mảnh vỡ về đảo, một tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5203 đã chặn đường họ hai lần và hạ thuỷ xuồng cao su áp sát, cắt dây cáp nối thuyền dân sự đang chở mảnh vỡ với tàu của Hải quân Philippines rồi đoạt lại mảnh vỡ. 

Carlos cho biết các thủy thủ Philippines không hề hấn gì nhưng đã không thể lấy lại mảnh vỡ. Vụ việc đã được báo cáo cho Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia trên Biển Tây Philippines “để có hành động thích hợp”.

Chuyến thăm ba ngày của Harris đến Palawan nhằm nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc duy trì trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông, tái khẳng định các cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ theo Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines và sự ủng hộ của Hoa Kỳ với phán quyết trọng tài năm 2016 bác bỏ các yêu sách biển bành trướng của Trung Quốc. Harris là quan chức cấp cao nhất của Mỹ đến thăm đảo quốc này. Theo kế hoạch, bà sẽ lên một trong những con tàu khổng lồ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines được giao nhiệm vụ tuần tra Biển Tây Philippines, BRP Teresa Magbanua, và có bài phát biểu sau cuộc họp ngắn về các hoạt động an ninh hàng hải ở Palawan. Bà cũng sẽ gặp gỡ ngư dân và dân làng để thể hiện sự ủng hộ đối với sinh kế hàng hải và chống lại việc đánh bắt cá bất hợp pháp.

Xem thêm:

Philippine Daily Inquirer ngày 21/11/2022: Blasts heard in Pag-asa Island after PH, China sea encounter

Tàu chiến Úc bị quân đội Trung Quốc thách thức gần quần đảo Trường Sa

Trong một cuộc “Triển khai hiện diện khu vực” cùng với hải quân Hoa Kỳ và Nhật Bản vào tháng trước, hai tàu chiến Úc đã bị quân đội Trung Quốc theo dõi chặt chẽ khi đi qua một số hòn đảo được Bắc Kinh củng cố nghiêm ngặt nhất ở Biển Đông.

Một sĩ quan quốc phòng ẩn danh cho biết quân đội Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ các tàu và “gia tăng đáng kể về sự nhạy bén chiến thuật và năng lực sử dụng EM (tác chiến điện tử)”.

Xem thêm:

ABC News ngày 15/11/2022: Australian warships challenged by Chinese military near heavily fortified Spratly Islands 

Trung Quốc mở triển lãm quốc gia tuyên truyền những hình ảnh phát triển Tam Sa

Tam Sa là đơn vị hành chính được Trung Quốc thiết lập ngày 24/7/2022 để quản lý các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa. Đây là thành phố cực nam của Trung Quốc với dân số ít nhất, nhưng được coi là thành phố lớn nhất của Trung Quốc. Cuộc triển lãm giới thiệu hình ảnh phát triển của Tam Sa trong thập kỷ qua, khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 08/11/2022.

Xem thêm:

Global Times ngày 09/11/2022: National image tour exhibition of Sansha’s development kicks off in Beijing

Tàu chiến Hoa Kỳ USS Benfold quá cảnh Eo biển Đài Loan vào đầu tháng 11

Đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu ngày 18/11/2022 rằng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Benfold (DDG-65) đã tiến hành một chuyến đi qua Eo biển Đài Loan không báo trước vào ngày 05/11. Đây là lần thứ tư một tàu chiến Hoa Kỳ đi qua Eo biển Đài Loan kể từ tháng 7. Sau Benford hồi cuối tháng 7 là USS Antietam (CG-54) và USS Chancellorsville (CG-62) vào tháng 8 và USS Higgins (DDG-76) vào tháng 9.

Xem thêm:

USNI News ngày 20/11/2022: USS Benfold Conducted Taiwan Strait Transit in Early November 

Trung Quốc triển khai tàu hải cảnh trang bị vũ khí hạng nặng tới quần đảo Senkaku

Các nguồn tin từ Nhật Bản cho biết vào buổi sáng ngày 15/11/2022, Trung Quốc lần đầu tiên triển khai tàu hải cảnh được trang bị vũ khí hạng nặng nhất mang số hiệu CCG2204 tới vùng biển tiếp giáp lãnh hải quần đảo Senkaku. Tại đây vốn đã hiện diện 4 tàu hải cảnh. 

CCG2204 được trang bị hải pháo cỡ nòng 76 mm.

Xem thêm:

Kyodo News ngày 16/11/2022: 中国向尖阁派遣搭载76毫米舰炮的海警船 

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản chia sẻ thông tin giám sát theo thời gian thực với hải quân

Lực lượng bảo vệ bờ biển của Nhật Bản đang lên kế hoạch chia sẻ tất cả thông tin giám sát theo thời gian thực, bao gồm cả ảnh chụp từ trên không bởi máy bay không người lái, với Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của quốc gia. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc nỗ lực bành trướng trên biển và một số vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên. Chính phủ Nhật Bản cũng chuẩn bị cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia, hướng dẫn chính sách dài hạn và biên soạn ngân sách ban đầu cho năm tài chính 2023, sẽ đến hạn vào cuối năm nay.

Xem thêm:

Kyodo News ngày 07/11/2022: Japan Coast Guard to share real-time surveillance info with navy 

Hải quân và Cảnh sát biển Nhật Bản lần đầu tiên tập trận chung mô phỏng tấn công vũ trang vào quần đảo Senkaku

Lực lượng Phòng vệ Hàng hải và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản có kế hoạch lần đầu tiên tiến hành một cuộc tập trận chung mô phỏng một cuộc tấn công vũ trang vào quần đảo Senkaku, theo các nguồn tin chính phủ Nhật Bản.

Nguồn sơ đồ: The Yomiuri Shimbun

Xem thêm:

The Yomiuri Shimbun ngày 09/11/2022: MSDF, JCG to hold drill simulating armed attack on Senkakus 

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada và Anh  tập trận chung quy mô lớn ở vùng biển Nhật Bản 

Các tàu chiến của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Canada cùng với một tàu tuần tra của Hải quân Anh hiện đang tổ chức các cuộc tập trận chung quy mô lớn ở vùng biển Nhật Bản và quốc tế, Hải quân Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Tư ngày 09/11/2022. Đây là lần đầu tiên Hải quân Anh tham gia cuộc tập trận.

Không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, Hạm đội 7 cho biết cuộc tập trận “Keen Sword” kéo dài hai tuần một lần bao gồm các kịch bản được thiết kế để “thử thách các khả năng quan trọng cần thiết để hỗ trợ phòng thủ Nhật Bản và sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Chuỗi cuộc diễn tập Keen Edge/Keen Sword hàng năm luân phiên mỗi năm giữa Keen Edge, một cuộc diễn tập chỉ huy và Keen Sword, một cuộc tập trận thực địa được thiết kế để bảo vệ Nhật Bản chống lại sự xâm lược của nước ngoài. Năm 1960, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã ký Hiệp ước Hợp tác và An ninh chung, hình thành một liên minh được xây dựng trên tầm nhìn chung về hòa bình, thịnh vượng, dân chủ và ổn định khu vực. Keen Sword là một ví dụ về việc Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục củng cố liên minh và đáp ứng các mục tiêu của hiệp ước.

Xem thêm:

AFP/Inquirer ngày 20/11/2022: UK Navy takes part in Pacific exercise for first time 

Việc hoàn thành bến tàu mới trị giá 128 triệu đô la đánh dấu ‘thời khắc lịch sử’ cho căn cứ hải quân Hoa Kỳ tại Nhật Bản

Việc hoàn thành một bến tàu trị giá 128 triệu đô la sẽ mở rộng sức chứa tàu của căn cứ, năng lực năng bảo trì và khả năng tiếp nhận các tàu chiến thế hệ tiếp theo.

Xem thêm:

Stars & Stripes ngày 18/11/2022: New $128M pier completion marks ‘historic moment’ for US naval base in Japan 

Trung Quốc, Nhật Bản sẽ “nhanh chóng” thiết lập đường dây nóng an ninh hàng hải và hàng không

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ nhanh chóng mở đường dây nóng trực tiếp theo cơ chế liên lạc hàng hải và hàng không như một phần của sự đồng thuận 5 điểm mà hai nước đạt được nhằm phát triển quan hệ song phương ổn định hơn. Sự đồng thuận được đưa ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gặp nhau tại Bangkok bên lề hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới trong gần ba năm.

Xem thêm:

Caixin Global ngày 18/11/2022: China, Japan to Move Quickly on Maritime and Air Security Hotline 

Quân đội Hàn Quốc, Nhật Bản thông báo một vụ phóng tên lửa khác của Triều Tiên

Theo quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản, Triều Tiên đã bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hôm thứ Sáu, rơi xuống vùng biển cách lãnh thổ Nhật Bản chưa đầy 150 dặm.

Xem thêm:

Stars & Stripes ngày 18/11/2022: South Korea, Japan military report another missile launch by the North 

Ấn Độ hoãn phóng tên lửa vì tàu gián điệp Trung Quốc

Sau nhiều đồn đoán, Ấn Độ đã hoãn vụ phóng thử tên lửa, theo kế hoạch ban đầu từ ngày 10-11/11/2022 tại Khu vực Ấn Độ Dương. Kế hoạch mới hiện là ngày 23-24 tháng 11. Nhiều nhà báo và nhà phân tích quốc phòng cho rằng sự hiện diện của “tàu nghiên cứu” Yuan Wang 6 của Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc hoãn lại.

Lớp tàu Yuan Wang được biết là có năng lực theo dõi và giám sát tên lửa và vệ tinh mạnh mẽ. Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLASSF), chi nhánh của quân đội Trung Quốc chịu trách nhiệm về chiến tranh không gian, mạng và điện tử, vận hành các tàu này. Mặc dù được phân loại là tàu nghiên cứu phi quân sự, Trung Quốc sử dụng tàu Yuan Wang cho mục đích gián điệp.

Xem thêm:

The Diplomat ngày 15/11/2022: India and the Chinese Spy Ship Saga Redux

Ấn Độ, Hoa Kỳ tiến hành cuộc tập trận chung thường niên Yudh Abhyas, địa điểm năm nay chỉ cách Trung Quốc 100 km

Cuộc tập trận Yudh Abhyas được tiến hành hàng năm giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ với mục đích trao đổi các phương pháp, chiến thuật, kỹ thuật và trình tự tốt nhất giữa quân đội của hai quốc gia.

Trong lần thứ 18 này, cuộc tập trận đã được tổ chức tại Auli ở Uttarakhand. Theo Quân đội Ấn Độ, cuộc tập trận chung năm nay đặt trọng tâm vào việc triển khai Nhóm Tiểu đoàn Bộ binh trong các hoạt động Gìn giữ Hòa bình và Cứu trợ Thiên tai dưới sự ủy thác của Liên Hợp Quốc. “Cuộc tập trận sẽ giúp cả hai nước đối đầu với Trung Quốc bằng cách hỗ trợ lẫn nhau. Cuộc tập trận kéo dài 15 ngày sẽ tập trung vào chiến tranh ở độ cao lớn, khí hậu cực lạnh”, Quân đội Ấn Độ cho biết.

Xem thêm:

The Times of India ngày 19/11/2022: India, US join ‘Yudh Abhyas’ military exercise 100 km from China 

Năm tàu sân bay chuẩn bị cho tập trận chung của NATO ở Châu Âu

Tàu sân bay Hoa Kỳ USS George H.W. Bush (CVN-77) và USS Gerald R. Ford (CVN-78) sẽ tập trận với các tàu sân bay từ Pháp, Ý và Anh như một phần của hoạt động chung trên khắp Châu Âu nhằm thể hiện năng lực tương tác của NATO, phó thư ký báo chí Lầu năm Góc Sabrina Singh nói với các phóng viên hôm thứ Năm ngày 17/11/2022.

Singh cho biết: “Các hoạt động này tạo cơ hội cho các quốc gia đồng minh phối hợp sức mạnh chiến đấu quan trọng trên khắp khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương đồng thời thể hiện sự gắn kết và năng lực tương tác của NATO. Đây cũng là cơ hội để kiểm tra sự hợp tác của các đồng minh và thực hành các khái niệm răn đe và bảo vệ của NATO trên tất cả các khu vực địa lý, môi trường tác chiến (trên không, trên bộ, trên biển, trong không gian và không gian mạng) và khu vực chức năng của liên minh.”

Xem thêm:

USNI News ngày 17/11/2022: 5 Aircraft Carriers Set to Operate Together in Europe for NATO Exercise 

The Geobukseon: Các ‘lâu đài cát’ của PLA ở Biển Đông có những điểm yếu

Mặc dù các đảo nhân tạo khổng lồ ở Biển Đông đã đem tới cho Trung Quốc nhiều lợi thế trên không và trên biển, giúp Trung Quốc có thể thực hiện các chiến dịch quấy nhiễu dài ngày trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á, vẫn tồn tại nhiều điểm yếu khiến cho những tiền đồn này không được ổn định vững chãi về cấu trúc, địa mạo do quá trình cacbonat hoá các kết cấu bê tông, độ ẩm khắc nghiệt, sương mù muối cao, sóng biển và bức xạ mặt trời rút ngắn tuổi thọ các kết cấu bê tông và kim loại của các công trình xây trên nước biển. Sự thiếu hụt nguồn nước ngọt cũng khiến việc khai thác và sử dụng các đảo nhân tạo bị hạn chế nghiêm trọng. Nước uống phải lấy từ các nhà máy khử muối. Điều kiện sống khắc nghiệt cũng đã ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý của các quân nhân sinh sống ở đây.

Bởi vậy, các đảo nhân tạo có thể là quân bài chiến lược của Trung Quốc trong chủ trương giành chiến thắng mà không cần chiến đấu, nhưng sẽ trở nên vô dụng khi chiến tranh nổ ra.

Xem thêm:

Shephard Media ngày 10/11/2022: PLA ‘sand castles’ in the South China Sea have vulnerabilities (Opinion). Một bản PDF được lưu ở đây

Taipei Times ngày 11/11/2022: Reef building is a mirage of power

AMTI: Sự thăng trầm số tàu dân quân Trung Quốc ở Biển Đông 

Phân tích hành vi của lực lượng dân quân Trung Quốc ở từng thực thể ở Biển Đông trong năm qua (cập nhật tới tháng 9/2022) cho thấy mô hình hoạt động của lực lượng dân quân Trung Quốc phù hợp với các mô hình đã được quan sát hai năm trước đó, và nhiều khả năng mô hình này sẽ tiếp tục trong tương lai gần và trở thành bình thường mới ở Biển Đông.

Xem thêm:

AMTI ngày 09/9/2022: The Ebb and Flow of Beijing’s South China Sea Militia

———-

II- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ

Biden đạt được đột phá quan trọng trong bối cảnh Đông Nam Á tăng cường sức mạnh quân sự

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khiến các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ ở Châu Á tăng cường quân đội. Xu hướng đó đang mở rộng sang một số quốc gia Đông Nam Á, những quốc gia vốn trước đó đã giữ khoảng cách với Hoa Kỳ.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đang tìm mua máy bay trực thăng Chinook và đẩy nhanh các cuộc đàm phán để thực hiện hiệp ước hợp tác quốc phòng cho phép quân đội Hoa Kỳ tiếp cận nhiều hơn trên lãnh thổ Philippines. Động thái này diễn ra 6 năm sau khi Tổng thống tiền nhiệm Rodrigo Duterte chấm dứt các cuộc tuần tra chung với lực lượng quân đội Hoa Kỳ và tìm kiếm thêm vũ khí từ Trung Quốc.

Indonesia – quốc gia có đa số người Hồi giáo đông nhất thế giới – đã mở rộng các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, công bố kế hoạch hiện đại hóa quân đội trị giá 125 tỷ USD vào năm ngoái và đang đàm phán về việc mua hàng chục máy bay chiến đấu F-15EX của Boeing Co. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã ca ngợi “những tiến bộ đáng kể” trong mối quan hệ sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto vào tháng trước.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 09/11/2022: Biden Gets Key Break as Southeast Asia Bolsters Militaries. Một bản PDF được lưu ở đây

Bloomberg ngày 08/11/2022: Philippines to Speed Up US Defense Pact for Troops, Bases. Một bản PDF được lưu ở đây

Reuters ngày 15/11/2022: U.S. to spend $66 mln on new facilities at Philippines military bases 

Nikkei Asia ngày 15/11/2022: Philippines to accelerate U.S. defense deal on base access. Một bản toàn văn được lưu ở đây.

Philippines củng cố vị trí của mình giữa căng thẳng Mỹ-Trung

Việc Philippines đang tiếp tục nối lại quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ mang lại sự rõ ràng về chính sách đối ngoại của Manila nhưng cũng khiến nước này phải đối mặt với sự kết hợp giữa gậy và cà rốt từ Trung Quốc. Vào ngày 08/11/2022, Bộ Quốc phòng Philippines đã công bố kế hoạch hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ để đẩy nhanh các dự án theo Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) của hai nước, cho phép Hoa Kỳ liên tục luân phiên quân đội ở Philippines. sử dụng các căn cứ của Philippines trong thời gian lưu trú kéo dài, đồng thời xây dựng và vận hành các cơ sở trong nước với nhân viên của chính họ. Là một phần của sự hợp tác mới này theo EDCA, Bộ Quốc phòng Philippines tuyên bố rằng họ sẽ nâng cấp và sửa chữa năm căn cứ quân sự mà Hoa Kỳ duy trì ở Philippines theo thỏa thuận trong khi ”khám phá các địa điểm mới [cho các căn cứ quân sự bổ sung] với mục đích xây dựng một tư thế phòng thủ chung đáng tin cậy hơn.” Việc thực hiện đầy đủ EDCA có nghĩa là sẽ hiện diện căn cứ thường trực trên thực tế của quân đội Hoa Kỳ tại Philippines, thể hiện một sự thay đổi đáng chú ý trong chính sách đối ngoại và lập trường quân sự của Manila so với chính phủ tiền nhiệm. Cũng trong ngày 08/11, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cam kết hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của nước này để “sẵn sàng cho mọi tình huống”, bao gồm cả việc bảo vệ lãnh thổ, một ám chỉ gián tiếp về xung đột tiềm tàng với Trung Quốc ở Biển Đông, hoặc xa hơn nước có thể là Eo biển Đài Loan. 

Xem thêm:

RANE ngày 16/11/2022: The Philippines Secures Its Spot in the Middle of U.S.-China Tensions. Một bản PDF được lưu ở đây.

Philippines hướng tới một thỏa thuận quân sự với Nhật Bản giữa căng thẳng Biển Đông

Philippines sẵn sàng đồng ý để quân đội Nhật Bản tiến hành các cuộc tập trận ở nước này. Thỏa thuận Lực lượng Thăm viếng (VFA) sẽ phù hợp với mong muốn của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhằm thúc đẩy mối quan hệ bền chặt hơn với Nhật Bản, quốc gia đang tăng cường quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á trong bối cảnh Trung Quốc có những yêu sách sâu rộng trên Biển Đông.

Xem thêm:

The Straits Times ngày 14/11/2022: Philippines eyes military deal with Japan amid South China Sea tensions 

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tham dự diễn đàn an ninh, thăm các quốc gia Châu Á trong chuyến đi kéo dài một tuần nhấn mạnh căng thẳng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ tới Canada và hai quốc gia Châu Á trong chuyến công du nhằm củng cố các chiến lược an ninh và quốc phòng với các đồng minh, Lầu Năm Góc cho biết hôm thứ Tư ngày 16/11/2022. Austin sẽ rời Hoa Kỳ đến Nova Scotia vào thứ Sáu để tham dự Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax. Tại đó, Austin sẽ có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn và sẽ làm việc với các đối tác Canada để xây dựng một “kiến trúc an ninh linh hoạt hơn” với các đồng minh và đối tác trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Châu Âu. Tại Canada, ông cũng sẽ gặp bộ trưởng quốc phòng Canada Anita Anand để củng cố mối quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ – Canada, cũng như tầm quan trọng của “các khoản đầu tư quốc phòng chiến lược”.

Kế đó, Austin sẽ tới Jakarta ở Indonesia để gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính phủ và quân đội nước này nhằm “thúc đẩy tiến độ trong các sáng kiến ​​song phương quan trọng nhằm hỗ trợ khả tương tác, phát triển năng lực, chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang Indonesia,” Bộ Quốc phòng cho biết trong một tuyên bố.

Ông sẽ lần đầu tiên đích thân tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng lần thứ 9 vào ngày 23/11 tại Seam Reap, Campuchia. Chuyến thăm Campuchia nhằm củng cố sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với các đồng minh và đảm bảo “sự ổn định, minh bạch và cởi mở hơn” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Xem thêm:

Stars & Stripes ngày 16/11/2022: Austin to attend security forum, visit Asian nations during weeklong trip that underscores tension in Indo-Pacific region 

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ngày 21/11/2022: Readout of Secretary of Defense Travel to Indonesia 

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Trung Quốc gặp nhau tại Campuchia

Trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN được tổ chức tại Campuchia, hai bên đã có một cuộc họp thảo luận “sự cần thiết phải quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm và duy trì các đường dây liên lạc cởi mở,” theo một thông cáo của Lầu Năm Góc về cuộc họp. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã đối chất với tướng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa về các hoạt động “ngày càng nguy hiểm” của máy bay quân sự Trung Quốc và nhấn mạnh sự cần thiết phải liên lạc tốt hơn trong khủng hoảng. Theo một quan chức cấp cao, Austin cũng đã thảo luận rất lâu về Đài Loan và đề xuất khởi động lại một số nỗ lực song phương đã bị đình chỉ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tới quốc đảo này.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Hoa KỳKỳ ngày 22/11/2022: Readout of Secretary of Defense Lloyd J. Austin III’s Meeting With People’s Republic of China (PRC) Minister of National Defense General Wei Fenghe 

Reuters ngày 22/11/2022: Pentagon chief raises concern about Beijing’s ‘dangerous’ behavior with Chinese counterpart

AP News ngày 22/11/2022: US and Chinese defense chiefs meet amid strained relations 

​​Tân Hoa Xã ngày 22/11/2022: China, U.S. defense ministers hold talks on ties in Cambodia 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 22/11/2022: 魏凤和与美国国防部长会谈 

Global Times ngày 22/11/2022: Red line over Taiwan question reiterated in talks between Chinese, US defense chiefs 

Các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao Nhật Bản, Hoa Kỳ sẽ gặp nhau vào tháng Giêng

Các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Nhật Bản và Hoa Kỳ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp vào tháng 1/2023, các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết hôm thứ Tư ngày 09/11/2022.

Các bộ trưởng Nhật Bản dự kiến sẽ thông báo cho những người đồng cấp Hoa Kỳ về ba tài liệu an ninh quốc gia quan trọng của Tokyo mà sẽ được cập nhật vào cuối năm nay. Tokyo cũng hy vọng rằng hai bên sẽ thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và quân đội Hoa Kỳ. Hai bên cũng dự kiến sẽ thảo luận về các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và căng thẳng gia tăng về vấn đề Đài Loan.

Xem thêm:

Jiji Press ngày 10/11/2022: Japan, U.S. Foreign, Defense Ministers to meet in Jan.

Ukraine sản xuất vũ khí chung với ít nhất 6 nước NATO

Ba Lan, Cộng hòa Séc, Pháp, Đan Mạch và các nước NATO khác sẽ sản xuất và phát triển vũ khí hạng nặng cũng như các thiết bị quân sự khác cùng với Ukraine, công ty quốc phòng chính của Ukraine Ukroboronprom cho biết hôm 18/11/2022.

Xem thêm:

Ukroboronprom ngày 18/11/2022: Брифінг від 18.11.2022 

Iran giúp Nga sản xuất máy bay không người lái ‘được trang bị vũ khí’ cho chiến tranh ở Ukraine

The Washington Post trích dẫn nguồn tin tình báo mới từ Hoa Kỳ và các cơ quan an ninh phương Tây rằng Iran và Nga đã “âm thầm” đạt được thỏa thuận lắp ráp “hàng trăm máy bay không người lái được trang bị vũ khí” ở Nga.

Việc thiết lập dây chuyền lắp ráp máy bay không người lái của Iran có thể giúp Nga tăng đáng kể kho dự trữ các hệ thống vũ khí tương đối rẻ và hiệu quả này, vốn sẽ được sử dụng để duy trì mối đe dọa thường xuyên đối với khả năng cung cấp điện và nhiệt của Ukraine trong năm tới. Nếu được thực hiện đầy đủ, thỏa thuận mới cũng sẽ là một cột mốc quan trọng trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Nga-Iran và có thể thúc đẩy Tehran tìm kiếm các lợi ích kinh tế, quân sự và công nghệ bổ sung từ Moscow.

Xem thêm:

The Washington Post ngày 19/11/2022: Iran will help Russia build drones for Ukraine war, officials say. Một bản PDF được lưu ở đây

RANE WorldView ngày 21/11/2022: Russia, Iran: Iran Agrees to Help Russia Build Drones for Ukraine War. Một bản PDF được lưu ở đây.

Putin thăm Armenia dự hội nghị CSTO

Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 23/11/2022 sẽ tới Armenia dự hội nghị cấp cao của các nguyên thủ quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể. Các quốc gia thành viên sẽ thảo luận về an ninh quốc tế và khu vực, cải thiện cơ chế ứng phó khủng hoảng của tổ chức và các biện pháp chung để hỗ trợ Armenia sau các cuộc đụng độ với lực lượng Azerbaijan trong những tháng gần đây. Các báo cáo cho thấy Putin có thể đến Yerevan sớm, có thể là vào ngày 22 tháng 11, để có các cuộc gặp bổ sung với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian về các cuộc đàm phán hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan cũng như tình trạng tương lai của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh.

Syed Fazl-e-Haider: Trung Quốc tăng cường hỗ trợ cho quá trình hiện đại hóa hải quân của Pakistan trong mối quan tâm về khu vực Ấn Độ Dương

Vào giữa tháng 7/2022, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và Hải quân Pakistan (PN) đã tổ chức cuộc tập trận “Người bảo vệ biển-2” ở vùng biển ngoài khơi Thượng Hải. Các cuộc tập trận hải quân chung tập trung vào việc vô hiệu hóa các mối đe dọa an ninh hàng hải, đặc biệt là những mối đe dọa có thể gây nguy hiểm cho các tuyến đường biển chiến lược. Cuộc tập trận song phương cũng bao gồm diễn tập mục tiêu chung, diễn tập chống tàu ngầm, phòng không và chống tên lửa. Sự tham gia của khinh hạm tên lửa dẫn đường Taimur, tàu chiến tiên tiến nhất do Trung Quốc chế tạo cho PN, thể hiện mức độ hỗ trợ ngày càng tăng của Trung Quốc đối với việc huấn luyện và hiện đại hóa lực lượng hải quân Pakistan.

Xem thêm:

China Brief ngày 03/11/2022: China Increases Support for Pakistan’s Naval Modernization with an Eye on the Indian Ocean

———-

III- MÁY BAY KHÔNG NGƯỜI LÁI TRONG QUÂN SỰ

Global Times: Máy bay không người lái Wing Loong 3 mới của Trung Quốc có tầm hoạt động xuyên lục địa, sẽ sớm thực hiện chuyến bay đầu tiên

Máy bay không người lái Wing Loong 3 mới được công bố của Trung Quốc có tầm hoạt động xuyên lục địa và có thể được trang bị vũ khí hạng nặng với nhiều loại thiết bị, bom và tên lửa bao gồm cả tên lửa không đối không, và dự kiến sẽ sớm thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Xem thêm:

Global Times ngày 10/11/2022: Exclusive: China’s new Wing Loong 3 drone has intercontinental range, to make first flight soon

Israel yêu cầu các công ty phát triển máy bay không người lái vũ trang tầm xa, tàng hình mới

Các hệ thống vũ khí nhẹ và mang đầu đạn “rất mạnh” và cho phép tiếp nhiên liệu trên không cho UAV vũ trang cũng được đưa ra thảo luận, theo một nguồn tin có hiểu biết về các cuộc thảo luận.

Xem thêm:

Breaking Defense ngày 11/11/2022: Israel asks industry to develop new long-range, stealthy armed drones 

Hàn Quốc tiết lộ khái niệm ‘Navy Sea GHOST’ không người lái mới

Trong buổi lễ kỷ niệm 77 năm ngày thành lập vào ngày 11/11/2022, Hải quân Hàn Quốc đã tiết lộ một khái niệm hoạt động mới kết hợp các hệ thống có người lái và không người lái.

“Khái niệm Navy Sea GHOST được tiết lộ ngày hôm nay, dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo có người lái và không người lái, là một yếu tố “thay đổi cuộc chơi’ sẽ thống trị không gian chiến đấu trong tương lai. Chúng tôi sẽ cống hiến những nỗ lực và nguồn lực của mình để [hiện thực hóa tầm nhìn này] và tạo ra một lực lượng hải quân mạnh mẽ và hùng mạnh,” Tham mưu trưởng Hải quân Hàn Quốc, Đô đốc Lee Jong-ho, nói.

Là một phần của “Cuộc cách mạng Quốc phòng 4.0” do Bộ Quốc phòng đề xuất, khái niệm Navy Sea GHOST hướng tới một lực lượng tinh gọn và cơ động bao gồm sự hợp tác chặt chẽ giữa các hệ thống có người lái và không người lái. Theo khái niệm này, Hải quân Hàn Quốc sẽ có được công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến và một số hệ thống không người lái đồng thời cũng có kế hoạch tăng cường khả năng liên kết dữ liệu của mình để bảo mật thông tin liên lạc giữa các hệ thống khác nhau.

Xem thêm:

USNI News ngày 17/11/2022: South Korea Reveals New Unmanned ‘Navy Sea GHOST’ Concept

Tayfun Ozberk và Tyler Rogoway: Lần đầu tiên trong chiến tranh hải quân, đạn tuần kích tấn công pháo hạm thành công

Đạn tuần kích (loitering munition), hay còn được gọi là máy bay không người lái cảm tử, là một loại hệ thống vũ khí trên không, trong đó đạn quần thảo trên bầu trời khu vực mục tiêu trong một thời gian và chỉ tấn công khi đã xác định được vị trí của mục tiêu.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đang ngày càng trở thành chiến địa thử nghiệm các loại máy bay không người lái khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau. Thế giới đã chứng kiến hiệu quả của các hệ thống không người lái kể từ khi bắt đầu chiến tranh, nhưng cuộc tấn công gần đây của đạn tuần kích vào pháo hạm lần đầu tiên cho thấy đạn tuần kích có thể hiệu quả trong chiến tranh hải quân, cung cấp một phương tiện tấn công hiệu quả về mặt chi phí. Khả năng quần thảo trên bầu trời trong khu vực mục tiêu của các hệ thống này cho phép người dùng có thời gian để phát hiện và theo dõi các mục tiêu tiềm năng trước khi thực hiện tấn công. Đạn tuần kích có thể mang lại độ chính xác cao hơn so với các loại vũ khí tương tự.

Bên cạnh đó, năng lực phối hợp giữa các máy bay không người lái trong cuộc tấn công quy mô lớn đã nhấn mạnh một năng lực đang được tiến hoá nhanh chóng mà có thể được tiếp cận bởi cả tác nhân nhà nước và phi nhà nước.

Xem thêm:

The Drive ngày 01/11/2022: Ukraine’s Unprecedented Mass Drone Boat Attack Was A Wakeup Call 

Naval News ngày 06/11/2022: Loitering Munition Strikes Ukrainian gunboat, a first in Naval Warfare 

RFE/RL ngày 04/11/2022: How Western Tech In Iranian Drones Is Helping Russia Wage War On Ukraine 

Alessio Patalano: Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào căn cứ hải quân Nga là sáng tạo về mặt chiến thuật nhưng không mang tính cách mạng

Vũ khí kỳ diệu không giành chiến thắng trong chiến tranh. Máy bay không người lái giết người có thể thu hút trí tưởng tượng phổ biến và gợi lên nỗi sợ hãi về một số điều lạc hậu trong tương lai. Nhưng thực tế chiến trường lại hoàn toàn khác. Người Nga đang học ở Ukraine điều mà người Đức và nhiều quốc gia khác đã phải học trước họ: không có đổi mới công nghệ nào có thể cứu một quốc gia khỏi một chiến lược thất bại. Điều duy nhất có thể ngăn người Ukraine tiến xa hơn là ý chí hỗ trợ của Hoa Kỳ và các đồng minh NATO cũng như các quốc gia đối tác khác. Nếu ý chí đó được giữ vững, người Ukraine xem như chắc thắng.

Xem thêm:

The Strategist ngày 10/11/2022: Ukraine’s drone raid on Russian naval base was tactically innovative but not revolutionary

Seth G. Jones et al. (2022) Combined Arms Warfare and Unmanned Aircraft Systems – A New Era of Strategic Competition

​​Các hệ thống máy bay không người lái (Unmanned aircraft systems – UAS) đã đóng một vai trò quan trọng trong chiến tranh trong hai thập kỷ qua, bao gồm cả việc tiến hành các hoạt động chống khủng bố. Nhưng đã có một cuộc tranh luận ngày càng tăng về lợi ích của chúng đối với cạnh tranh và chiến tranh giữa các quốc gia. Để hiểu rõ hơn về tiện ích của UAS, báo cáo này áp dụng phương pháp nghiên cứu so sánh cuộc chiến Nagorno-Karabakh vào năm 2020, chiến tranh Ukraine vào năm 2022 và cuộc tập trận Northern Edge-21 ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào năm 2021. Những trường hợp này chứng minh rằng UAS đã ngày càng được tích hợp vào chiến tranh vũ trang kết hợp, một sự thay đổi lớn so với quá khứ. Ngoài ra, UAS có khả năng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong một số loại nhiệm vụ như là một phần của cuộc cạnh tranh chiến lược và chiến tranh với các quốc gia như Trung Quốc và Nga, bao gồm cảnh báo sớm, nhận thức miền, nhắm mục tiêu cho các cuộc tấn công đối đầu, không kích, chiến tranh điện tử và tác chiến thông tin.

Tải toàn văn báo cáo ở đây.

———-

IV- CHUYỂN ĐỘNG QUÂN SỰ – CÔNG NGHỆ

Hoa Kỳ trừng phạt Chuỗi cung ứng quân sự toàn cầu của Nga, Mạng lưới, Giới tinh hoa và tài sản ở phương Tây có liên kết với Điện Kremlin

Ngày 14/11/2022, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ cùng với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đặt lệnh trừng phạt một mạng lưới mua sắm công nghệ xuyên quốc gia hỗ trợ tổ hợp công nghiệp quân sự Nga. OFAC cũng nêu tên một mạng lưới toàn cầu gồm những người hỗ trợ tài chính, những người hỗ trợ và những người khác có liên quan đến hai người thuộc giới tinh hoa chủ chốt có liên hệ với Điện Kremlin và có tài sản ở phương Tây. Tổng cộng, các hành động trừng phạt đã được áp dụng cho 14 cá nhân và 28 tổ chức, đồng thời xác định 8 máy bay là tài sản bị phong tỏa.

“Các doanh nghiệp trên toàn thế giới nên thực hiện trách nhiệm giải trình để tránh trở thành mục tiêu của các biện pháp trừng phạt,” Ngoại trưởng Antony Blinken nói. Ông cho biết Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục trấn áp những nỗ lực của Nga nhằm trốn tránh các lệnh trừng phạt quốc tế để tài trợ cho cỗ máy chiến tranh của mình.”

Xem thêm:

Bộ Tài chính Hoa Kỳ ngày 14/11/2022: Treasury Sanctions Global Russian Military Supply Chain, Kremlin-linked Networks, and Elites with Western Fortunes 

Defense News ngày 14/11/2022: US announces sanctions targeting Russian military suppliers

Quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ: Bộ Quốc phòng sẽ phải thay đổi cách nghĩ về xung đột vũ trang, không gian mạng trong bối cảnh chiến tranh Ukraine

Mieke Eoyang, phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách chính sách mạng, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về mạng của Viện Aspen rằng cuộc chiến ở Ukraine là một dịp rất quan trọng để Bộ Quốc phòng quan sát và rút ra những bài học, và một trong những điều bà ấy đang thấy là khi Nga không thể huỷ diệt thông qua tấn công mạng, họ sẽ tìm cách phá huỷ về mặt vật lý.

Eoyang cho biết Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hiện đang suy nghĩ về các hoạt động không gian mạng trong bối cảnh xung đột vũ trang theo bốn cách:

– Đảm bảo mạng lưới và thông tin liên lạc giữa chính phủ với chính phủ được an toàn, được thể hiện trong cách thức liên lạc của Bộ Quốc phòng với Ukraine đã giúp cho phép chia sẻ thông tin tình báo và quốc phòng.

– Tầm quan trọng của thông tin liên lạc an toàn trong quân đội, như cách quân đội Ukraine có thể chia sẻ thông tin với các chỉ huy tiền phương.

– Trong không gian thông tin, suy nghĩ về ý nghĩa của việc công dân Ukraine có thể giao tiếp với thế giới và kể câu chuyện của họ thông qua các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, Twitter và Facebook.

– Giá trị cố hữu trong việc đảm bảo các chức năng “thiết yếu” của chính phủ. “Khi bạn xem xét những nỗ lực phá hủy loại dữ liệu thiết yếu tạo nên một quốc gia…chẳng hạn như hồ sơ hộ chiếu, hồ sơ khai sinh, hồ sơ tài sản… Chính phủ cần những gì để có thể tiếp tục vận hành chức năng thiết yếu của nó?” 

EU đạt được thỏa thuận về hệ thống Internet vệ tinh mới giảm phụ thuộc vào nước ngoài

Liên minh Châu Âu thông báo đã đạt được thỏa thuận về hệ thống internet vệ tinh trị giá 6 tỷ euro nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài. Các quan chức nói rằng họ hy vọng hệ thống internet vệ tinh mới sẽ giúp triển khai internet băng thông rộng khắp Châu Âu và thậm chí cả một số vùng của Châu Phi để cung cấp giải pháp thay thế cho các đối thủ Trung Quốc. Thỏa thuận này được đưa ra khi mối lo ngại gia tăng về những tiến bộ của Nga và Trung Quốc trong việc phóng vệ tinh và không gian.

Xem thêm:

Reuters ngày 09/11/2022: EU countries, lawmakers likely to clinch deal next week on satellite internet system, sources say

Reuters ngày 17/11/2022: EU secures deal on satellite internet system

Pháp đặt mục tiêu quân sự khi chiến tranh trở lại ở Châu Âu

Tổng thống Emmanuel Macron hôm thứ Tư ngày 09/9/2022 rằng chiến lược quân sự của Pháp phải củng cố đất nước xuyên suốt thập kỷ này với tư cách là một cường quốc vũ trang hạt nhân độc lập, được tôn trọng, đồng thời cảnh báo về nguy cơ leo thang và các tác động toàn cầu khác từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

“Châu Âu không còn được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái. Và chúng ta phải tích hợp thực tế này,” ông Macron nói khi phát biểu trên tàu sân bay trực thăng Dixmude, cập cảng tại căn cứ quân sự Toulon ở Địa Trung Hải, nơi đồn trú của hơn 24.000 quân.

Xem thêm:

Military ngày 09/11/2022: France Sets Its Military Goals as War Is Back in Europe

Canada sẵn sàng chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Trung Quốc

Canada sẽ sớm công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới để thách thức Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền trong khi hợp tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về biến đổi khí hậu và các mục tiêu chung khác, Ngoại trưởng Melanie Joly cho biết.

Xem thêm:

Reuters ngày 09/11/2022: Canada readies new Indo-Pacific strategy amid tense China ties

Nhà nghiên cứu Trung Quốc dự đoán “Máy tính lượng tử vạn năng” trong vòng thập kỷ tới

Truyền thông Trung Quốc dẫn lời nhà nghiên cứu Trung Quốc Pan Jianwei – được biết đến ở Trung Quốc với tư cách là cha đẻ của điện toán lượng tử – nói rằng nhóm của ông đang tìm cách phát triển “máy tính lượng tử vạn năng” trong “10 đến 15 năm”. Ông cho biết nhóm của ông hiện đang nghiên cứu các mô phỏng lượng tử tập trung vào các vấn đề cụ thể và có kế hoạch bắt đầu phát triển các máy tính lượng tử vạn năng sau 5 năm.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 21/11/2022: How far off are practical quantum computers? Maybe a decade, says China’s leader in the field. Một bản PDF được lưu ở đây.

Iran tuyên bố đạt được năng lực tên lửa siêu thanh nội địa

Tướng Amir Ali Hajizadeh, chỉ huy hàng không vũ trụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, nói với truyền thông nhà nước Iran rằng Tehran đã chế tạo một tên lửa đạn đạo siêu thanh. Ông cho biết tên lửa “có thể di chuyển vào và ra khỏi bầu khí quyển” ở tốc độ cao để chọc thủng các hệ thống chống tên lửa của đối phương. Ông cũng gọi đó là “một bước nhảy vọt lớn mang tính thế hệ trong lĩnh vực tên lửa”. Bất chấp những bình luận của ông, không có báo cáo nào về vụ thử tên lửa như vậy ở Iran. Các nhà phân tích quân sự phương Tây lưu ý rằng đôi khi Tehran đã phóng đại các chương trình vũ khí của mình.

Xem thêm:

Bloomberg ngày 10/11/2022: Iran Builds New Missile Amid US Fears of Arms Sales to Russia. Một bản PDF được lưu ở đây.

Reuters ngày 10/11/2022: Iran says it has built hypersonic ballistic missile -Tasnim

Ashley Yablon: Cuộc chiến công nghệ Hoa Kỳ – Trung Quốc nhìn từ bên trong ZTE

Ashley Yablon, cựu cố vấn của ZTE, thảo luận về cách ông phát hiện ra một kế hoạch bất hợp pháp tại công ty công nghệ Trung Quốc để bán thiết bị giám sát trị giá hàng tỷ đô la cho các quốc gia bị cấm vận.

Xem thêm:

The China Project ngày 16/11/2022: ​​The U.S.-China tech battle from inside ZTE 

Trung Quốc sẽ hoàn thành các mục tiêu kỷ niệm 100 năm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân vào năm 2027 như thế nào?

Theo các nhà báo ở Tân Hoa Xã, một bài báo được viết bởi Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng có tiêu đề “Làm thế nào để hoàn thành các mục tiêu cho kỷ niệm 100 năm của PLA” (如期实现建军一百年奋斗目标) và được đăng trong cuốn sách được xuất bản gần đây mang tên 辅导读物 (Tutorial Readings) có thể cung cấp một số manh mối. Các bài báo trong sách được viết bởi các quan chức cấp cao của Trung Quốc.

Xem thêm:

Ginger River Review ngày 09/11/2022: How will China fulfill the goals for the centenary of the People’s Liberation Army in 2027?

Tân Hoa Xã ngày 07/11/2022: 如期实现建军一百年奋斗目标(认真学习宣传贯彻党的二十大精神)-新华网 

P J Maykish và cộng sự: Một bản ghi nhớ dành cho Tổng thống về khả năng cạnh tranh công nghệ của Hoa Kỳ

Phân tích của nhóm tác giả chỉ ra rằng Trung Quốc đã có thể điều chỉnh hệ sinh thái đổi mới của mình như thế nào với nhu cầu chiến lược quốc gia và tạo ra những con đường quan trọng hướng tới lợi thế trong các lĩnh vực công nghệ then chốt. Báo cáo chỉ ra những lỗ hổng là kết quả của một cuộc cạnh tranh về hệ sinh thái đổi mới. Chúng phản ánh thành công của Trung Quốc cho đến nay trong việc sắp xếp đầu tư mạo hiểm với các ưu tiên quốc gia, tập trung các chủ thể đổi mới vào việc thu hẹp khoảng cách công nghệ, chỉ định các nhà vô địch quốc gia và thúc đẩy “sự hợp nhất quân sự-dân sự” để khuyến khích, hợp tác và, nếu cần, buộc các chủ thể tư nhân hỗ trợ các mục tiêu quốc gia.

Xem thêm:

SCSP 2-2-2 ngày 23/11/2022: A Memo for the President on U.S. Technology Competitiveness

———-

V- CHUYỂN ĐỘNG AN NINH MẠNG

Giám đốc mạng quân sự Pháp nói về các hệ thống mới

Defense News đã nói chuyện với Kỹ sư trưởng Bruno, người đứng đầu sứ mệnh không gian mạng tại cơ quan mua sắm quốc phòng DGA của Pháp. Bruno đã thảo luận về việc mua sắm mới các hệ thống mạng của Pháp, sự phát triển của AI và điện toán đám mây, tầm quan trọng của khả năng tương tác trong các hệ thống mới và sự hợp tác trên mạng với các đối tác Châu Âu.

Xem thêm:

Defense News ngày 08/11/2022: Four questions with France’s military cyber mission lead

EU vạch kế hoạch cho Chính sách Phòng thủ Mạng

Các cơ quan hành pháp và ngoại giao của EU đã công bố chính sách phòng thủ mạng của EU nhằm tăng cường an ninh mạng Châu Âu, phát triển kỹ năng mạng và thúc đẩy hợp tác quân sự và dân sự.

Xem thêm:

EURACTIV ngày 11/11/2022: EU sets out plan for Cyber Defence Policy

Phần mềm Nga cải trang thành Mỹ tìm đường vào Quân đội Hoa Kỳ

Hàng nghìn ứng dụng điện thoại thông minh trong các cửa hàng trực tuyến của Apple và Google chứa mã máy tính được phát triển bởi một công ty công nghệ, Pushwoosh, tự giới thiệu là có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhưng thực ra là của Nga, theo một báo cáo điều tra của Reuters.

Xem thêm:

Reuters ngày 14/11/2022: Exclusive: Russian software disguised as American finds its way into U.S. Army, CDC apps 

Biden mở đường dẫn đến các quy định về mạng cho cơ sở hạ tầng quan trọng

Nhà Trắng và một nhóm nòng cốt gồm các cơ quan liên bang đã tiếp tục ban hành các hướng dẫn và yêu cầu về an ninh mạng cập nhật nhằm bảo vệ tốt hơn các công ty tư nhân trong các lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất. Các luật sư cho biết việc chính quyền Biden tập trung liên tục vào việc củng cố an ninh mạng của cơ sở hạ tầng quan trọng là một dấu hiệu cho thấy có thể sớm có nhiều hành động pháp lý hơn.

Xem thêm:

Bloomberg Law ngày 21/11/2022: Biden Lays Path to Cyber Regulations for Critical Infrastructure 

Quan chức hàng đầu Ukraine cảnh báo Twitter có thể trở thành một “nguồn chính” của thông tin sai lệch

Phó thủ tướng Ukraine Olga Stefanishyna hôm thứ Bảy ngày 19/11/2022 cho biết bà lo ngại rằng thông tin sai lệch về cuộc chiến Ukraine có thể trở thành một “xu hướng lớn” trên Twitter. Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax hôm thứ Bảy, Stefanishyna cho biết Kyiv rất biết ơn và đã nhận được sự đảm bảo cho hoạt động liên tục của hệ thống internet vệ tinh Starlink từ Giám đốc điều hành SpaceX, Elon Musk, nhưng việc ông tiếp quản Twitter đã làm dấy lên lo ngại về việc kiểm duyệt thông tin một cách thích đáng và thao túng thông tin.  

Xem thêm:

Breaking Defense ngày 20/11/2022: Top Ukrainian official raises concerns about Elon Musk’s ‘manipulation’ of information

Giám đốc điều hành an ninh mạng cảnh báo tin tặc Iran nhắm mục tiêu vào máy bay không người lái của Israel, Hoa Kỳ

Boaz Dolev, Giám đốc điều hành của công ty an ninh mạng ClearSky Cyber Security của Israel, đã cảnh báo hôm thứ Hai ngày 21/11/2022 rằng tin tặc Iran đang tiến gần hơn đến khả năng hack và kiểm soát máy bay không người lái của Israel và Hoa Kỳ. Dolev cũng cảnh báo rằng tin tặc Iran đang nghiên cứu phát triển năng lực “zero-day”. Ông cũng cho biết Tehran đang chia sẻ nhiều công cụ tấn công mạng hơn với Hezbollah ở Lebanon.

Xem thêm:

The Jerusalem Post ngày 21/11/2022: Iran hackers closer to penetrating Israel, US drones – cyberdefense CEO

Chiến thuật phòng thủ mạng của Ukraine có thể dạy cho các quốc gia khác điều gì

Một trong những điều bất ngờ trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine là an ninh mạng của Ukraine cho đến nay đã tỏ ra kiên cường như quân đội của họ.

Các chiến thuật mạng của Kyiv – bao gồm chuyển dữ liệu sang đám mây, hợp tác với các công ty phương Tây và sử dụng thiết bị đầu cuối Starlink của Elon Musk để kết nối với internet qua vệ tinh – đã tỏ ra hiệu quả cao. Hệ thống phòng thủ của Ukraine cũng đã được hỗ trợ bởi gói hỗ trợ công nghệ thông tin trị giá 6 triệu bảng Anh và giúp phát hiện các mối đe dọa mạng của Nga do Anh cung cấp, theo một tuyên bố hồi đầu tháng này.

Xem thêm:

Financial Times ngày 09/11/2022: What Ukraine’s cyber defence tactics can teach other nations. Một bản PDF được lưu ở đây.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.