Bản Tin Biển Đông Số 104

(Tuần từ 25/04 – 02/05/2022)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Đoàn Thị Hằng Ni, Trần Phạm Bình Minh, Hương Nguyễn, Đinh Tùng Lâm

Biên tập: Phạm Huệ Việt & Trần Bằng

Tư liệu: South China Sea News

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản tới Việt Nam. Ảnh: Báo Chính phủ.

Tải bản PDF ở

—————

Trong Bản Tin Biển Đông Số 104 có những nội dung sau:

I- ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HỢP QUỐC THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT CÓ TÍNH BƯỚC NGOẶT ĐỐI VỚI QUYỀN PHỦ QUYẾT CỦA THÀNH VIÊN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG BẢO AN

II- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ

III- QUÂN SỰ – MẠNG – CÔNG NGHỆ

IV- TRÊN BIỂN

V- CHUYẾN CÔNG DU ĐÔNG NAM Á CỦA THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN

VI- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG-THÁI BÌNH DƯƠNG & CHÂU ÂU-ĐẠI TÂY DƯƠNG

VII- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN

VIII- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

IX- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

X- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

—————

I- ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HỢP QUỐC THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT CÓ TÍNH BƯỚC NGOẶT ĐỐI VỚI QUYỀN PHỦ QUYẾT CỦA THÀNH VIÊN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG BẢO AN 

Bối cảnh

Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an vốn được coi là những nước đại diện cho các thành viên Liên Hợp Quốc duy trì hòa bình và an ninh thế giới theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và những nguyên tắc luật quốc tế. Quyền phủ quyết của các thành viên được coi như là một công cụ để các thành viên thực hiện trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, sự kiện Nga sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng để phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo An kêu gọi nước này rút khỏi Ukraine vô điều kiện, một ngày sau khi nước này xâm lược Ukraine, đã một lần nữa dấy lên những lo ngại trong cộng đồng quốc tế về việc lạm dụng quyền phủ quyết phục vụ cho những lợi ích chính trị của riêng mình, thậm chí ngay cả khi lợi ích đó làm đổ vỡ những nền tảng căn bản nhất mà Liên Hợp Quốc dựa trên đó để hình thành.

Nội dung nghị quyết

Ngày 26/4/2022, Đại Hội đồng thông qua nghị quyết mang tính bước ngoặt, nhằm yêu cầu 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng quyền phủ quyết tài liệu. Nghị quyết được thông qua theo hình thức không bỏ phiếu do không có nước nào yêu cầu bỏ phiếu.

Nghị quyết thể hiện rằng, Chủ tịch Đại Hội đồng sẽ triệu tập cuộc họp chính thức với 193 thành viên trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày có ít nhất một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu phủ quyết, và tổ chức cuộc thảo luận về tình huống mà quyền phủ quyết được đưa ra, với điều kiện là Đại Hội đồng đang không trong một phiên họp đặc biệt khẩn cấp về cùng một tình huống.

83 nước đồng bảo trợ nghị quyết – Mỹ, Anh, Pháp đứng về phía thay đổi. Nga, Trung Quốc không ủng hộ

Nghị quyết do công quốc Liechtenstein đề xuất và được đồng bảo trợ bởi 83 Quốc gia thành viên, bao gồm ba thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an – Pháp, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Danh sách các quốc gia bảo trợ được cập nhật cho tới trước khi Đại hội đồng quyết định thông qua.

Danh sách các nước đồng bảo trợ, bao gồm: Albania, Andorra, Australia, Áo, Bahamas, Bỉ, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Canada, Cabo Verde, Costa Rica, Croatia, Czechia, Cyprus, Cộng hoà Dân chủ Congo, Đan Mạch, Djibouti, Cộng hoà Dominican, Ecuador, Estonia, Fiji, Phần Lan, Pháp, Gambia, Georgia, Đức, Hy Lạp, Guatemala, Hungary, Iceland, Ireland, Italy, Jamaica, Nhật Bản, Jordan, Kenya, Kuwait, Latvia, Lebanon, Lesotho, Liberia, Libya, Liechtenstein, Lithuania, Luxembourg, Maldives, Malta, Mauritania, Quần đảo Marshall, Mexico, Federated States of Micronesia, Monaco, Montenegro, Morocco, Myanmar, Hà Lan, Bắc Macedonia, Na Uy, Nhà nước Palestine, Panama, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Qatar, Cộng hoà Hàn Quốc, Cộng hoà Moldova, Rumani, San Marino, Singapore, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Nam Sudan, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ, Timor-Leste, Tonga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Hiệp chủng Quốc Hoa Kỳ, Uruguay, Vanuatu.

Xem thêm:

Toàn văn dự thảo Nghị quyết đã được thông qua: “​​Standing mandate for a General Assembly debate when a veto is cast in the Security Council”

UN News, ngày 26/4/2022: UN General Assembly mandates meeting in wake of any Security Council veto  

UN Meetings Coverage and Press Releases, ngày 26/4/2022: General Assembly: 69th & 70th Meetings (AM & PM)

France 24 ngày 27/4/2022: UN raises bar for using Security Council veto

Tài liệu hướng dẫn về Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc

Sổ tay về Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc bao gồm các điều khoản có liên quan từ các quy tắc thủ tục Đại Hội đồng, đặc biệt là những thay đổi được thiết lập trong các nghị quyết gần đây về việc tăng cường hoạt động của Đại Hội đồng, các thẩm quyền nằm trong các nghị quyết và quyết định của Đại Hội đồng. Sổ tay cũng cung cấp thêm bài học kinh nghiệm từ các cựu Chủ tịch Đại Hội đồng.

Xem thêm:

A practical guide to the United Nations General Assembly.pdf 

———–

II- CHUYỂN ĐỘNG HỢP TÁC QUÂN SỰ

Hoa Kỳ, Đồng minh thành lập “Nhóm liên lạc” về vấn đề Ukraine

Như đã đưa tin trong Bản Tin Biển Đông Số 104, vào hôm thứ Ba ngày 26/4/2022, Mỹ đã tiếp đón hơn 40 quốc gia tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin thông báo vào cuối cuộc họp rằng cuộc họp giờ đây sẽ là một sự kiện hàng tháng với một “nhóm liên lạc” thường trực tập trung vào vấn đề Ukraine. Các cuộc họp sẽ tập trung vào việc điều phối viện trợ quốc phòng cho Kyiv và đảm bảo năng lực tự vệ của Ukraine nhằm đảm bảo an ninh và chủ quyền lâu dài của nước này sau chiến tranh. Austin nói thêm tại hội nghị rằng “Ukraine tin tưởng rõ ràng rằng họ có thể giành chiến thắng và tất cả mọi người ở đây cũng vậy.”

Tuy nhiên, trong trao đổi riêng, các quan chức lo lắng hơn một chút về những tuần sắp tới. Mặc dù một số nhà phân tích quân sự cho rằng năng lực tấn công của Nga có thể gần cạn kiệt, Điện Kremlin dường như quyết tâm tung con xúc xắc may rủi và chiếm càng nhiều lãnh thổ Ukraine càng tốt. Chính phủ ở Kyiv sẽ cần hậu thuẫn từ bên ngoài để xây dựng một nền quốc phòng bền vững. “Thời gian không đứng về phía Ukraine,” Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, cho biết trong những bình luận kín dành cho các phóng viên đi cùng ông. “Kết quả của trận chiến này, ngay tại đây, ngày hôm nay, phụ thuộc vào những người trong căn phòng này.”

Xem thêm:

DW ngày 26/4/2022: US plans regular Ramstein Air Base meetings on Ukraine

Air Force Magazine ngày 26/4/2022: Austin: Partners Must ‘Move at the Speed of War’ to Help Ukraine

Defense News ngày 26/4/2022: US, allies to meet monthly on Ukraine defense needs 

The New York Times ngày 26/4/2022: As Diplomacy Hopes Dim, US Marshals Allies to Furnish Long-Term Military Aid to Ukraine. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Tổng thư ký NATO: NATO cam kết hỗ trợ Ukraine trong nhiều năm

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tại một hội nghị thượng đỉnh Tuổi Trẻ NATO hôm thứ Năm rằng liên minh sẵn sàng duy trì sự ủng hộ của mình đối với Ukraine “lâu dài” vì cuộc chiến có thể “kéo dài nhiều tháng và nhiều năm”. Ông nói thêm NATO sẽ giúp Kyiv chuyển đổi “từ trang bị cũ thời Liên Xô sang vũ khí và hệ thống hiện đại hơn theo tiêu chuẩn NATO” và các thành viên liên minh sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa lên Moscow để ngăn chặn cuộc xâm lược. Phát biểu của ông được đưa ra sau khi Điện Kremlin cảnh báo các chuyến hàng vũ khí của phương Tây đến Ukraine sẽ “gây bất ổn”.

Xem thêm:

Reuters ngày 28/4/2022: NATO says it’s ready to back Kyiv for years in war against Russia

 Thủ tướng Quần đảo Solomon bác bỏ quân sự hóa Thái Bình Dương

Thủ tướng Manasseh Sogavare của Quần đảo Solomon cho biết hôm thứ Sáu ngày 29/4/2022 rằng hiệp ước an ninh gần đây của quốc gia ông với Trung Quốc là cần thiết vì thỏa thuận an ninh trước đây với Úc là “không đủ”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ông đồng ý với cảnh báo của Mỹ và Nhật Bản chống lại việc cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở quần đảo Solomon. Sogavare nói rằng đất nước ông không cần phải “nhắc nhở về cuộc chiến tốn kém” và sẽ không bao giờ ủng hộ việc quân sự hóa Thái Bình Dương,  đặc biệt là với những kinh nghiệm trong Thế chiến thứ hai. Những lời trấn an của Sogavare được đưa ra trong bối cảnh Mỹ, Úc, Nhật Bản và nhiều nước Thái Bình Dương lo ngại thỏa thuận an ninh mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. 

Xem thêm:

Reuters ngày 29/4/2022: Solomon Islands PM says won’t accept militarisation of Pacific

Thủ tướng Nhật Bản đồng ý thỏa thuận quốc phòng với Thái Lan – một trong chín nước Đông Nam Á bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết Liên Hợp Quốc lên án Nga xâm lược

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Thái Lan đã công bố một thỏa thuận quốc phòng mới vào thứ Hai ngày 2/5/2022 cũng như kế hoạch nâng cấp quan hệ kinh tế. Thái Lan là điểm đến cuối cùng trong chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới ba nước Đông Nam Á.

Thỏa thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao phần cứng và công nghệ quốc phòng từ Nhật Bản sang Thái Lan, quốc gia có một trong những quân đội lớn nhất và được trang bị tốt nhất trong khu vực và có lịch sử quan hệ lâu dài với quân đội Hoa Kỳ.

Ông Prayuth cho biết ông đã thảo luận về những cải tiến trong chuỗi cung ứng và việc soạn thảo quan hệ đối tác kinh tế kéo dài 5 năm với Nhật Bản, nhà đầu tư lớn nhất của Thái Lan. Hai bên cũng đã nhất trí về sự cần thiết phải nâng tầm quan hệ song phương lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.

Về cuộc chiến ở Ukraine, Thủ tướng Nhật Bản cho biết hai nhà lãnh đạo “nhất trí rằng chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ hành vi xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nào ở bất kỳ khu vực nào, bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và chúng tôi phản đối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.”

Xem thêm:

Reuters ngày 2/5/2022: Japan PM agrees defence deal with Thailand

The Japan Times ngày 3/5/2022: Kishida agrees to defense deal with Thailand

—————

III- QUÂN SỰ – MẠNG – CÔNG NGHỆ

Đảng cầm quyền thúc giục Thủ tướng Nhật Bản tăng gấp đôi chi tiêu quân sự

Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản đã yêu cầu Thủ tướng Fumio Kishida tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng lên ít nhất 2% GDP của Nhật Bản, từ 47 tỷ USD lên khoảng 94 tỷ USD vào năm 2023. Đảng Dân chủ Tự do cho biết điều này sẽ đưa chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản phù hợp với các nước NATO và cho phép quốc gia này chuẩn bị đẩy lùi một Trung Quốc hung hăng hơn. Đề xuất được đưa ra trùng hợp với việc Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản sẽ được xem xét sửa đổi trong thời gian tới. Đây là lần sửa đổi lần đầu tiên kể từ năm 2013

Nếu được thông qua, sự kiện này sẽ có ý nghĩa cho thấy Nhật Bản không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi các giới hạn chi tiêu không quá 1% được áp đặt sau Thế chiến thứ hai, sự suy yếu trong cam kết của Nhật Bản đối với Điều 9 trong Hiến pháp, vốn từ bỏ chiến tranh.

Vào năm 2014, chính phủ của Shinzō Abe đã đảo ngược lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản – một sự thay đổi được thiết kế để đảm bảo hợp đồng cho hạm đội tàu ngầm mới của Úc. Kể từ đó, họ đã bán các radar hàng hải cho Philippines, ký thỏa thuận chung để xuất khẩu vũ khí cho Việt Nam và đang đàm phán với Indonesia để đóng mới 8 tàu khu trục nhỏ.

Việc Trung Quốc nhanh chóng vươn lên vị thế cường quốc, một Triều Tiên không thể đoán trước và tranh chấp đảo của Nhật Bản với Nga đang dẫn đến niềm tin ở Nhật Bản rằng những hạn chế về phòng thủ sau chiến tranh không phù hợp với thực tế hiện nay. Bất ổn chính trị ở Hoa Kỳ, có thể đe dọa các đảm bảo an ninh của Washington, cũng đang gây ra lo ngại.

Đáp lại, Trung Quốc có thể sẽ kích động tình cảm công chúng ở các quốc gia khác chống lại sự mở rộng phòng thủ của Nhật Bản bằng cách khai thác di sản của chủ nghĩa thực dân Nhật Bản.

Xem thêm:

Kyodo News ngày 27/4/2022: Japan’s ruling LDP asks gov’t to double defense budget 

Bloomberg ngày 27/4/2022: Former Japan Minister Seeks ‘Substantial’ Defense Spending Hike. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Quân đội Hoa Kỳ sẽ triển khai những năng lực mới về tác chiến điện tử

Các quan chức lục quân Mỹ nói rằng các năng lực Tác chiến Điện tử mới được triển khai trong năm tới sẽ nâng cao khả năng cảm biến và tấn công điện tử, đồng thời cung cấp cho các chỉ huy cái nhìn sâu sắc hơn về môi trường điện tử chiến trường. Công cụ quản lý và lập kế hoạch tác chiến điện tử của quân đội sẽ cải thiện năng lực hình dung phổ điện từ chiến trường cho các chỉ huy và do đó dẫn đến quyết định tốt hơn về hệ thống tác chiến điện tử nào sẽ được sử dụng trong các hoạt động thực tế. Bên cạnh đó, Lục quân cũng đang phát triển hai hệ thống được gọi là Terrestrial Layer Systems, dự kiến sẽ cung cấp năng lực chiến tranh điện tử và không gian mạng tích hợp cho những người lính trên chiến trường. Nền tảng này dự kiến sẽ cung cấp cho binh lính năng lực chiến tranh điện tử, không gian mạng và năng lực tình báo tín hiệu.

Xem thêm: 

Breaking Defense ngày 25/4/2022: Army progresses on electronic warfare revamp

Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia của Hoa Kỳ phát triển các chiến lược mã hoá cho kỷ nguyên máy tính lượng tử

Mặc dù thế hệ tiếp theo của máy tính lượng tử thậm chí còn chưa tồn tại, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) của Mỹ đang chuẩn bị cho các chiến lược bảo vệ mã hóa, các chuyên gia trong lĩnh vực này được thúc giục phát triển các biện pháp bảo vệ chống lại việc giải mã bằng máy tính lượng tử. Người ta cho rằng máy tính lượng tử có thể đơn giản hóa nhiệm vụ bẻ khóa các thế hệ mã hóa hiện tại được sử dụng để bảo vệ thông tin liên lạc như email. Có lẽ, các dịch vụ tình báo của chính phủ đã và đang thu thập các thông tin liên lạc được mã hóa để chuẩn bị cho việc giải mã trong “tương lai lượng tử”.

Xem thêm:

The Washington Post ngày 26/4/2022: Government is racing against the clock to keep encryption secure. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Yêu cầu ngân sách Hải quân bao gồm hệ thống vũ khí siêu thanh diệt hạm

Theo các tài liệu giải trình sử dụng  ngân sách cho năm tài khoá 2023, chương trình HALO (Hypersonic Air-Launched Offensive Warfare Weapon) sẽ cung cấp “một hệ thống vũ khí phóng từ trên không, tốc độ cao hơn, tầm xa hơn” được tối ưu hoá cho năng lực  đối biển. Tài liệu giải trình sử dụng ngân sách là sự thừa nhận công khai đầu tiên rằng hệ thống mới sẽ có tính chất siêu thanh, kế nhiệm hệ thống Tên lửa Chống Hạm Tầm Xa đang hoạt động.

Xem thêm:

Breaking Defense ngày 27/4/2022: Navy’s next-gen, ship-killing missile will be a hypersonic weapon dubbed HALO

Lần đầu tiên, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ có giám đốc công nghệ

Giám đốc CIA William Burns hôm thứ Sáu ngày 29/4/2022 thông báo rằng ông đã bổ nhiệm một doanh nhân giàu có ở Thung lũng Silicon làm giám đốc công nghệ đầu tiên của cơ quan.

Nand Mulchandani – người đồng sáng lập và điều hành một số công ty khởi nghiệp công nghệ và gần đây nhất là giám đốc công nghệ và giám đốc tạm thời của Trung tâm trí tuệ nhân tạo chung của Lầu Năm Góc – sẽ đảm nhận vị trí mới được tạo ra vào mùa hè này.

Việc bổ nhiệm này đánh dấu bước mới nhất của Giám đốc CIA nhằm cải tiến cách tiếp cận của cơ quan này đối với công nghệ và cạnh tranh, đặc biệt là chống lại Trung Quốc.

Xem thêm:

The Record ngày 29/4/2022: CIA announces first-ever chief technology officer 

DJI khăng khăng rằng các tín hiệu AeroScope theo dõi máy bay không người lái đã được mã hoá – và bây giờ họ phải thừa nhận là không phải vậy

Tháng trước, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov cáo buộc DJI giúp Nga giết thường dân Ukraine theo cách bất thường – bằng cách cho phép Nga tự do sử dụng hệ thống theo dõi máy bay không người lái có tên DJI AeroScope để định vị chính xác vị trí của các phi công máy bay không người lái Ukraine và tiêu diệt họ bằng các cuộc tấn công bằng súng cối và tên lửa.

Vì vậy, The Verge đã viết một bài giải thích chuyên sâu về DJI AeroScope hoạt động như thế nào và có thể làm gì để ngăn mọi người bị giết khi sử dụng công nghệ của công ty này. Nhưng một tin tặc đã chỉ ra rằng DJI không trung thực về ít nhất một điểm – và công ty hiện đang thừa nhận điều đó. DJI hiện cho biết các tín hiệu AeroScope được phát bởi mọi máy bay không người lái DJI hiện đại không thực sự được mã hóa.

Xem thêm:

The Verge ngày 28/4/2022: DJI insisted drone-tracking AeroScope signals were encrypted — now it admits they aren’t 

Tên lửa Nga tấn công Kyiv trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đang có chuyến thăm. Guterres thừa nhận sự thất bại của Hội đồng Bảo An

Nga đã tiến hành các cuộc tấn công trên khắp Ukraine hôm thứ Năm ngày 29/4/2022, bao gồm các cuộc tấn công tên lửa vào thủ đô Kyiv trong khi Nga biết rõ Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang hiện diện tại đó. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các cuộc tấn công ở Kyiv đã phá hủy “các tòa nhà sản xuất” tại nhà máy quốc phòng Artem. RFERL cho biết một trong những nhà báo của họ, Vira Hyrych, đã chết sau khi vụ tấn công tòa nhà dân cư mà cô đang sống, mặc dù Nga luôn khẳng định chỉ tấn công các khu quân sự. Antonio Guterres đã phải thừa nhận sự thất bại của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong việc ngăn chặn và chấm dứt chiến tranh Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy lên án vụ tấn công là một nỗ lực của Moscow nhằm “làm bẽ mặt” Liên Hợp Quốc vốn được “đòi hỏi phải có phản ứng mạnh mẽ tương ứng”. Chuyến thăm của ông Guterres được cho là tập trung vào việc thiết lập các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường khỏi các khu vực xung đột, cụ thể là từ nhà máy thép Azovstal ở cảng Mariupol. Hiện đã bắt đầu có những dân thường được đưa ra khỏi tầng hầm nhà máy thép sau nhiều ngày không thấy ánh mặt trời.

Xem thêm:

Aljazeera ngày 28/4/2022: Air attacks hit near UN chief as Antonio Guterres visits Ukraine 

BBC News ngày 29/4/2022: Ukraine hopes to evacuate civilians holed up with fighters in Mariupol steel works

RFERL ngày 29/4/2022: RFE/RL Journalist Dies In Russian Missile Strikes On Kyiv 

AP News ngày 30/4/2022: Ukraine slams Kyiv attack amid efforts for new Mariupol evac

BBC News ngày 30/4/2022: Ukraine war: Rockets hit Kyiv as UN chief admits failings

Thuỵ Điển và Đan Mạch cáo buộc máy bay trinh sát Nga vi phạm không phận, triệu tập Đại sứ Nga

Các nhà chức trách của cả Đan Mạch và Thụy Điển cho biết máy bay do thám Nga đã đi vào không phận Đan Mạch phía đông đảo Bornholm vào tối thứ Sáu ngày 29/4/2022, sau đó đi vào không phận Thụy Điển. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Thuỵ Điển và Phần Lan đang dự định sẽ sớm có quyết định cuối cùng về việc đệ đơn gia nhập NATO, với sự ủng hộ của các đảng phái trong Quốc hội và công chúng của các nước lên cao chưa từng có do lo ngại mối đe doạ từ Nga sau khi Nga xâm lược Ukraine. Còn Đan Mạch mới đây đã gửi vũ khí hỗ trợ Ukraine.

Xem thêm:

Aljazeera ngày 1/5/2022: Denmark, Sweden summon Russian ambassadors over spy plane flight

RFERL ngày 1/5/2022: Denmark, Sweden Summon Russian Envoys Over Airspace Breaches

Tass ngày 30/4/2022: Swedish military claim Russian plane violated the country’s airspace 

The Straits Times ngày 1/5/2022: Sweden accuses Russian spy plane of violating airspace

Đơn vị Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc đóng ở căn cứ quân sự ở Djibouti tập trận kỷ niệm 73 năm thành lập Hải quân

Trang tin của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng tải những hình ảnh diễn tập và thượng Quốc kỳ Trung Quốc tại căn cứ quân sự nước ngoài của Trung Quốc ở Djibouti nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Hải quân Quân giải phóng Nhân dân.

Xem thêm:

Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 24/4/2022: PLA support base in Djibouti celebrates PLAN’s 73rd birthday   

Trung Quốc muốn tăng cường hậu cần của PLA với hệ thống không người lái

Thị trường hệ thống không người lái ứng dụng trong quốc phòng của Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ chưa từng có khi Bắc Kinh tập trung nỗ lực thúc đẩy đổi mới và mở rộng chức năng của các hệ thống không người lái sang các lĩnh vực mới.

Xem thêm:

Janes ngày 29/4/2022: China looks to bolster PLA’s logistics as its unmanned systems market swells

Ngoại trưởng Đài Loan nói Đài Loan đã chuẩn bị để sẵn sàng tự vệ trong cuộc xung đột với Trung Quốc, kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia hỗ trợ vũ khí

Trả lời phỏng vấn được thực hiện bởi Fareed Zakaria của CNN, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu (吳 釗 燮) nói rằng người Đài Loan đã “sẵn sàng và chuẩn bị” để tự vệ. Ông kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia khác cung cấp cho Đài Loan vũ khí phòng thủ và hỗ trợ Đài Loan trên trường quốc tế.

“Hãy cho chúng tôi một cái gì đó để chúng tôi tự vệ. Và hãy lên tiếng ủng hộ Đài Loan để chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi không đơn độc trong cuộc đấu tranh cho chính mình,” Wu nói.

Ông chỉ ra rằng người Ukraine đã thành công trong việc chống lại cuộc xâm lược của Nga vì ý chí quyết tâm cao và vận dụng hiệu quả chiến tranh phi đối xứng và phòng thủ dân sự. Do đó, Đài Loan đã và đang nỗ lực để truyền cho quân đội của mình ý chí chiến đấu và cải thiện năng lực huy động các lực lượng dự bị.

Xem thêm:

Taiwan News ngày 2/5/2022: https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4525274

CNN Video ngày 1/5/2022: On GPS: Is Taiwan next?

Lực lượng vũ trang Ấn Độ được cho là đang mua hệ thống súng phòng không của Đức

Các Lực lượng Vũ trang Ấn Độ đã bắt đầu quá trình gọi thầu nhằm mua 220 đơn vị hệ thống Pháo Phòng không Thế hệ tiếp theo (NGADG). Đây là đợt pháo đầu tiên được mua để đáp ứng yêu cầu trước mắt, và sau đó Bộ Quốc phòng Ấn Độ sẽ tiếp tục mua nhiều hơn. Những nguồn tin cho rằng đối tác của thương vụ này là công ty Rheinmetall của Đức, cung cấp hệ thống pháo Phòng không Skyshield cho Ấn Độ theo sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ và họ đã đề nghị liên doanh với BHEL, một công ty nhà nước Ấn Độ. 

Xem thêm:

IgMp Bureau ngày 1/5/2022: Indian Armed Forces starts process to procure 220 units of German Skyshield NGADG 

Nhà máy đóng tàu nội địa của Ấn Độ hạ thuỷ tàu tuần tra nhanh

Chiếc tàu mới hạ thủy thuộc lớp Priyadarshini dài 46 mét, trọng lượng choán nước 215 tấn, có tầm hoạt động 2400 hải lý với tốc độ hành trình 12 hải lý/giờ, tốc độ tối đa là 24 hải lý/giờ.

Garden Reach Shipbuilders & Engineers Ltd là một trong những nhà máy đóng tàu hàng đầu của Ấn Độ có trụ sở ở Kolkata, Tây Bengal, chuyên đóng mới và sửa chữa các tàu thương mại và hải quân.

Xem thêm:

Navy Recognition ngày 2/5/2022: Indian shipyard launches Fast Patrol Vessel Kamla Devi

———-

IV- TRÊN BIỂN

Sabah hối thúc Chính phủ Malaysia có hành động nghiêm khắc chống lại việc tàu nước ngoài xâm phạm vùng Đặc quyền kinh tế

Một quan chức Chính quyền bang Sabah của Malaysia, TS. Jeffrey Kitingan,  cho biết trong suốt năm 2021, “Hải quân Malaysia đã báo cáo 23 trường hợp xâm phạm vùng Đặc quyền Kinh tế của Malaysia. Những vụ xâm phạm này dường như được bắt đầu từ năm 2013. Ông kêu gọi chính phủ Malaysia cần có hành động nghiêm khắc đảm bảo chủ quyền vùng biển và vùng trời quốc gia.

Tuy ông Jeffrey Kitingan không nhắc trực tiếp Trung Quốc, nhưng dữ liệu qua ứng dụng theo dõi hàng hải và báo cáo truyền thông trong thời gian qua khiến mọi người ngầm hiểu rằng thủ phạm là tàu Trung Quốc.

Xem thêm:

The Star ngày 1/5/2022: Putrajaya urged to take stern action against repeated maritime, airspace intrusions into Sabah

Hải cảnh Trung Quốc thông báo lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương thường niên trên Biển Đông bắt đầu từ ngày 1/5, dự kiến kết thúc vào ngày 16/8

Trong ba ngày tới, Hải cảnh Trung Quốc phụ trách khu vực Biển Đông và chính quyền địa phương sẽ tuần tra các “ngư trường và cảng quan trọng” để đảm bảo rằng lệnh cấm sẽ được tuân thủ. Khu vực áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá được tính từ vĩ độ 12 độ Bắc. 

Xem thêm:

Chính phủ Trung Quốc ngày 1/5/2022: China kicks off annual summer fishing ban in South China Sea

———–

V- CHUYẾN CÔNG DU ĐÔNG NAM Á CỦA THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN

Như chúng tôi đã đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản đã có chuyến công du tới 3 nước Đông Nam Á trong một nỗ lực kết nối Đông và Tây nhằm chấm dứt cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine. Ba nước mà Thủ tướng Nhật Bản dừng chân là Indonesia, Việt Nam và Thái Lan. Indonesia và Thái Lan đã bỏ phiếu ủng hộ Nghị quyết ngày 2/3/2022 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lên án cuộc xâm lược của Nga và kêu gọi Nga chấm dứt tiếng súng, rút quân về nước ngay lập tức. Việt Nam ngầm phê phán cuộc xâm lược của Nga đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, nhưng bỏ phiếu trắng trong bối cảnh có nhiều ràng buộc quan hệ với Nga trong lĩnh vực vũ khí và dầu khí.

Nhật Bản – Indonesia

Tại buổi Họp báo chung hôm thứ Sáu ngày 29/4/2022 sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Indonesia đã kêu gọi ngừng chiến tranh ở Ukraine ngay lập tức. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết: “Cuộc chiến Ukraine phải được chấm dứt ngay lập tức và chúng tôi đồng ý tạo ra một tình huống có lợi để có thể nhanh chóng đạt được các cuộc đàm phán và một giải pháp hòa bình.”

Ông Widodo nói ông đã gửi lời mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tới tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Bali vào tháng 11. Ông cũng đồng thời mời cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Putin cũng đã bày tỏ ý muốn tham dự Hội nghị, trong bối cảnh nhiều nước phương Tây muốn Indonesia không mời Nga để tỏ rõ thái độ đối với cuộc chiến Nga đang gây ra ở Ukraine. Hiện không rõ ông Zelenskiy có nhận lời mời, và cũng không rõ ông Putin sẽ tham dự hội nghị trực tiếp hay trực tuyến.

Tổng thống Indonesia nói rằng ông muốn sử dụng vai trò lãnh đạo của Indonesia với G-20 “như một chất xúc tác cho phản ứng nhân đạo và phục hồi kinh tế thế giới.”

Trước đó vào ngày 28/4/2022, tờ Tempo của Indonesia đã trích dẫn thông tin từ Văn phòng Tổng thống Nga cho biết hai bên đã có một cuộc điện đàm theo lời của Tổng thống Indonesia, thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm sự kiện G-20. Theo yêu cầu của Tổng thống Widodo, ông Putin đã đưa ra đánh giá của Nga về tình hình Ukraine liên quan đến cuộc chiến mà phía Nga gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt”. 

Trong cuộc điện đàm, Widodo cũng đã trực tiếp hối thúc Nga ngay lập tức ngừng chiến tranh và cho các cuộc đàm phán hòa bình một cơ hội. Tổng thống Indonesia cũng đã xác nhận trên Twitter điều này, đồng thời nói rằng “Indonesia sẵn sàng đóng góp cho mục tiêu này.”

Về quan hệ song phương, Thủ tướng Nhật Bản Kishida cho biết Tokyo đang cân nhắc trao cho Indonesia các tàu tuần tra để lực lượng bảo vệ bờ biển của họ có thể tăng cường an ninh hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc gây sức ép lên Jakarta về các hoạt động khoan dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông. Ông Kishida bày tỏ “phản đối mạnh mẽ những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng và cưỡng áp kinh tế ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.”

Tổng thống Jokowi Widodo đã đề nghị Nhật Bản giúp đỡ củng cố quần đảo Natuna và vùng nước xung quanh. Nhật Bản đang trong giai đoạn thứ hai của việc xây dựng trung tâm tích hợp hàng hải và nghề cá bao gồm nhiều cảng biển và chợ cá. Nhật Bản cũng đã cam kết giúp đỡ Indonesia phát triển các hòn đảo ở phía rìa ngoài quốc gia quần đảo, bao gồm Sabang ở Aceh, Morotai, các quần đảo Saumlaki và Moa ở Maluku, và Biak ở Papua.

Ông Widodo cho biết Indonesia đang hy vọng có thêm đầu tư của Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, xi măng, công nghệ nông nghiệp và y tế, đồng thời ông hy vọng Nhật Bản sẽ đưa Indonesia trở thành một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho các ngành công nghiệp của mình.

Nhật Bản đang là điểm đến xuất khẩu lớn thứ ba và là nhà đầu tư lớn thứ năm của Indonesia. Hợp tác giữa hai nước bao gồm hệ thống Giao thông Nhanh chóng Quy mô lớn Jakarta và Cảng Patimban ở tỉnh Tây Java.

Xem thêm: 

Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 28/4/2022: Indonesia Welcomes Japan Prime Minister Visit On April 29 30 2022 

AP News ngày 29/4/2022: Japan, Indonesia urge immediate halt to war in Ukraine

Kyodo News ngày 29/4/2022: Japan, Indonesia confirm cooperation toward free, open Indo-Pacific 

Benar News ngày 29/4/2022: Japan PM begins SE Asia trip, urges open seas, response on Ukraine 

The Asahi Shimbun/AP ngày 30/4/2022: Japan, Indonesia urge immediate halt to war in Ukraine 

Tempco ngày 28/4/2022: Jokowi, Putin Phone Conversation Discusses G20 And Peace Negotiations

The Jakarta Post ngày 29/4/2022: PM Kishida is on a brand new mission to Indonesia – Academia. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Stars and Stripes ngày 29/4/2022: Japan, Indonesia urge immediate halt to war in Ukraine 

Press Conference by the Prime Minister regarding the Japan-Indonesia Summit Meeting and Other Matters (Speeches and Statements by the Prime Minister)

Nhật Bản – Việt Nam

Điểm dừng chân tiếp theo của Thủ tướng Nhật Bản là Việt Nam. Cùng với ông còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, Bộ Giao thông, Cơ sở hạ tầng và Đất đai, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp của Nhật Bản.

Quan hệ song phương hai nước

Sau buổi tối gặp gỡ thân mật, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã có hội đàm chính thức vào sáng ngày 1/5/2022. Trong cuộc Họp báo chung sau hội đàm, ông Chính cho biết cuộc hội đàm đã diễn ra “rất hiệu quả, thực chất và thành công. Hai bên đánh giá những tiến triển tích cực trong việc triển khai các thỏa thuận cấp cao đạt được từ cuộc gặp gỡ giữa hai Thủ tướng tháng 11/2021 tại Tokyo, Nhật Bản; nhất trí cao về các phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm đưa quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á” bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần “tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả”.”

Việt Nam muốn hợp tác toàn diện mọi lĩnh vực với Nhật Bản trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông, như các tuyến đường sắt đô thị và các công trình hạ tầng giao thông chiến lược mới như tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, tăng cường kết nối Việt Nam và Lào và định hướng hợp tác phát triển đường sắt cao tốc Bắc – Nam; tăng cường kết nối hai nền kinh tế và chuỗi sản xuất – cung ứng, đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại, phát triển công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng…; ưu tiên triển khai các sáng kiến mới phù hợp với quan tâm và lợi ích chung của hai bên như “đối tác hợp tác đổi mới công nghệ”, “tăng cường chuỗi cung ứng”, “chuyển đổi số”; tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư bao gồm doanh nghiệp Nhật Bản, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Biển Đông

Về Biển Đông, hai bên tái khẳng định thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 trong các hoạt động trên biển, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Vấn đề Ukraine

Về tình hình Ukraine, theo truyền thông Việt Nam, hai bên khẳng định tôn trọng nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, nhất là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nước; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; kêu gọi các bên kiên trì thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài. Việt Nam sẽ hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine thông qua các tổ chức nhân đạo quốc tế.

Nhiều người Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội rằng nếu Thủ tướng đứng ra kêu gọi gây quỹ ủng hộ nhân đạo cho Ukraine, người dân sẽ đóng góp. Đây là hình thức mà lãnh đạo nhiều nước như Đài Loan, các nước EU đã làm.

Còn theo truyền thông Nhật Bản trích lời Thủ tướng Kishida, hai nhà lãnh đạo khẳng định họ “phản đối mạnh mẽ các lời đe dọa và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như các cuộc tấn công vào dân thường.” Tuy nhiên bản tường thuật của phía Việt Nam không đề cập đến chi tiết này.

Ông Kishida nói với các phóng viên rằng: “Có nhiều quốc gia đã không thực hiện các bước tương tự như Nhóm G-7 trong quan hệ với Nga. Điều quan trọng là phải đạt được sự hiểu biết và hợp tác của họ càng nhiều càng tốt. Tôi đánh giá cao việc Việt Nam công bố viện trợ nhân đạo cho Ukraine lần đầu tiên như một bước đầu tích cực.”

Liệu Việt Nam và Nhật Bản có thể đạt được một thỏa thuận cùng hợp tác với nhau chống lại sự xâm lược của Nga đối với Ukraine được coi là một trọng tâm của chuyến công du của ông Kishida tới Việt Nam.

Khi được phóng viên hỏi “Liệu thái độ của Việt Nam đối với Nga có phải do nước này phụ thuộc vào vũ khí của Nga hay không?” Thủ tướng Kishida trả lời:

“Đôi khi đúng vậy. Rồi còn có một lịch sử lâu dài và kết nối. Trong số các nhà điều hành Việt Nam hiện nay, có nhiều nhóm du học Liên Xô cũ. Tôi nhận thức được rằng có một mối quan hệ như vậy.”

Những hợp tác cụ thể

Thủ tướng Kishida Fumio cho biết ông đã đảm nhiệm vai trò là thành viên Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt trong suốt hàng chục năm qua. “Tôi có mối lương duyên với Việt Nam”, ông nói.

Thủ tướng Nhật Bản cho biết hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuyển đổi số và hợp tác công nghệ trong khuôn khổ Sáng kiến Tương lai Châu Á của Nhật Bản.

Hai bên sẽ nỗ lực sớm hoàn thành dự án đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh; hợp tác nâng cao kỹ năng của các thực tập sinh Việt Nam tại Nhật; Nhật Bản hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, thúc đẩy dự án vệ tinh quan sát Trái Đất của Việt Nam với độ phân giải cao; tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, bảo đảm an ninh mạng…

Trong 21 văn kiện hợp tác mà các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp hai nước ký kết nhân sự kiện này, có các thoả thuận hợp tác như Công hàm trao đổi cho khoản vay lần 2 Dự án Phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát Trái đất, Bản ghi nhớ về chuyển đổi số, Biên bản hợp tác ngăn ngừa gián đoạn chuỗi cung ứng, v.v…

Khi được phóng viên hỏi “Liệu Nhật Bản có sẵn sàng xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam?” Ông Kishida cho biết “Nhật Bản đã ký hiệp định trang bị quốc phòng với Việt Nam. Và hôm nay phía Việt Nam cũng muốn tiến hành các cuộc thảo luận để hiện thực hóa dựa trên thỏa thuận này. Điều quan trọng là phải suy nghĩ về những gì Nhật Bản có thể làm dựa trên thỏa thuận đó. Trong hợp tác với Việt Nam, ông cho rằng an ninh cũng là một lĩnh vực quan trọng.

Phát biểu tại Hội thảo hợp tác Việt – Nhật trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hoá chuỗi cung ứng sau hội đàm và gặp gỡ báo chí, Thủ tướng Kishida nói rằng “Khả năng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là không có giới hạn.” Việt Nam đang là nước đứng đầu trong số 92 dự án của Nhật Bản nhằm đa dạng hoá chuỗi cung ứng được Nhật Bản hỗ trợ tại ASEAN.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản được mời ăn trưa thân mật với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Tường thuật của các trang thông tin chính thức như Văn phòng Chủ tịch nước, Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Đảng Cộng sản đều không cho biết chi tiết nội dung hai bên thảo luận về vấn đề Ukraine. 

Xem thêm:

Báo Chính phủ ngày 30/4/2022: Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bắt đầu thăm chính thức Việt Nam

Báo Chính phủ ngày 1/5/2022: Việt Nam-Nhật Bản đạt tiến triển mới trong hợp tác hạ tầng chiến lược

Báo Chính phủ ngày 1/5/2022: Thủ tướng Nhật Bản: Khả năng hợp tác với Việt Nam là không có giới hạn

Báo Chính phủ ngày 1/5/2022: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Văn phòng Chủ tịch nước ngày 1/5/2022: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp và mời cơm thân mật Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Vietnamplus ngày 1/5/2022: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Kyodo News ngày 1/5/2022: Japan, Vietnam affirm respect for sovereignty amid Ukraine war

NHK World-Japan ngày 1/5/2022: Kishida: Japan working with Vietnam to respond to Russian invasion

Nippon/Jiji Press ngày 1/5/2022: Japan, Vietnam Oppose Use of Nuclear Weapons

The Japan Times ngày 1/5/2022: Japan and Vietnam underscore opposition to use of force amid Ukraine war

Reuters ngày 1/5/2022: Vietnam, Japan agree to boost trade, security ties

Trang Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản ngày 1/5/2022: ​​日・ベトナム首脳会談等についての会見 

Bộ Ngoại giao Nhật Bản ngày 2/5/2022: Exchange of Notes concerning Yen Loans and Grant Aid to Viet Nam

Nhật Bản – Thái Lan

Hôm thứ Hai ngày 2/5/2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã hội đàm với người đồng cấp Thái Lan Prayuth Chan-o-cha tại Bangkok. Ông Kishida cho biết ông Prayuth đề xuất nâng cấp Thái Lan thành đối tác chiến lược toàn diện của Nhật Bản.

Ông Prayuth cho biết hai quốc gia đang soạn thảo một kế hoạch chiến lược 5 năm cho mối quan hệ đối tác kinh tế. Ông cho biết ông và ông Kishida đã nhất trí về tầm quan trọng của kết nối chuỗi cung ứng để tăng cường phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ truyền thông 5G, trí tuệ nhân tạo, robot, xe điện và các linh kiện. Nhật Bản vốn là một nhà đầu tư kinh tế lớn ở Thái Lan.

Hai nhà lãnh đạo đã ký thỏa thuận về chuyển giao công nghệ và xuất khẩu thiết bị quốc phòng từ Nhật Bản sang Thái Lan, mà ông Kishida cho đây là một bước tiến lớn trong việc mở rộng hợp tác quốc phòng song phương. Nhật Bản và Thái Lan sẽ quyết định về các thiết bị cụ thể để chuyển giao từ bây giờ, ông nói thêm. Ông Prayut bày tỏ hy vọng rằng hiệp ước vừa được ký kết sẽ “giúp thúc đẩy đầu tư của Nhật Bản vào ngành công nghiệp quốc phòng Thái Lan,”

Về tình hình ở Ukraine, Thái Lan bày tỏ sự lo ngại về tính nghiêm trọng của diễn biến xảy ra ở Ukraine thúc giục chấm dứt vũ lực. Prayuth cho biết ông đã đề xuất một cách tiếp cận mới để chấm dứt cuộc đối đầu bằng cách tập trung vào các mối quan tâm nhân đạo nhân đạo và cách tiếp cận tương tự có thể hữu ích trong việc khôi phục hòa bình ở nước láng giềng của Thái Lan, Myanmar, do quân đội cai trị. Ông khẳng định sẽ tiếp tục cùng hợp tác với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế trong viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Xem thêm:

NHK World-Japan ngày 2/5/2022: ​​Kishida holds talks with Thai prime minister

AP News ngày 2/5/2022: Japan’s Kishida holds talks with Thailand’s leader 

The Japan Times ngày 3/5/2022: Kishida agrees to defense deal with Thailand 

Nhật Bản hoàn thiện Kế hoạch Tổng thể Phát triển Khu vực Vịnh Subic 

Trước chuyến công du của Thủ tướng Nhật Bản Kishida, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez vào ngày 25/4/2022 và nhấn mạnh ý định của Nhật Bản trong việc tăng cường hợp tác với Philippines với tư cách là đối tác chiến lược của nước này vì một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Mở.” Ông đã nêu ra nhiều thách thức bao gồm “những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.” 

Ngày 26/4/2022, Bộ Tài chính Philippines đã công bố về việc chính thức thông qua Kế hoạch Tổng thể Phát triển Khu vực Vịnh Subic, được hoàn thiện với sự hỗ trợ của một nhóm khảo sát của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và sẽ đóng vai trò như một bản thiết kế nhằm tối đa hóa tiềm năng phát triển kinh tế của Vịnh Subic và các khu vực lân cận.

Cho tới nay, Nhật Bản vẫn là đối tác Hỗ trợ Phát triển Chính thức hàng đầu của Philippines, với cam kết cho vay ròng khoảng 10,02 tỷ USD và khoản viện trợ không hoàn lại là 181,15 triệu USD, chiếm 31,84% tổng danh mục ODA của cả nước.

Xem thêm:

Department of Finance ngày 26/4/2022: Japan finalizes the Subic Bay Regional Development Masterplan

Philstar ngày 26/4/2022: Japan to strengthen cooperation with Philippines in Indo-Pacific 

Lê Thu Hường: Vai trò then chốt của Nhật Bản ở Đông Nam Á trong Chiến tranh Ukraine

Trong một bài bình luận trên trang của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington vào tháng trước, TS. Lê Thu Hường nhận định rằng Nhật Bản có lẽ là cơ hội tốt nhất để thúc đẩy các quốc gia Đông Nam Á thận trọng – những quốc gia, ngoại trừ Singapore, đã không tham gia chiến dịch trừng phạt quốc tế chống lại Nga – tiến tới một vị trí tích cực hơn nhằm chấm dứt cuộc chiến. Chính sách ngoại giao tích cực và khéo léo của Tokyo có thể không đảm bảo rằng ảnh hưởng được Jakarta, Bangkok, Phnom Penh hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng đó là cơ hội tốt nhất cho sự tiếp cận một cách xây dựng hơn.

Xem thêm:

CSIS ngày 22/4/2022: Japan’s Crucial Role in Southeast Asia amid the Ukraine War

———-

VI- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG-THÁI BÌNH DƯƠNG & CHÂU ÂU-ĐẠI TÂY DƯƠNG

Quan chức cấp cao của Mỹ, EU, Anh ​cảnh báo Trung Quốc về quan hệ với Nga, đánh giá lại mức độ quan hệ quốc tế và kinh tế với những quốc gia không chia sẻ chung giá trị

Trong khi bày tỏ hy vọng rằng Mỹ và các đồng minh có thể “làm việc cùng với Trung Quốc để cố gắng ngăn chặn” sự xuất hiện của một trật tự kinh tế lưỡng cực, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen kêu gọi “kết giao bạn bè”, hay nói cách khác là nỗ lực xây dựng một hệ thống chống lại các hành vi được cho là đe dọa an ninh quốc gia và nhân quyền.

Còn Phó Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Josep Borrell viết trong một bài bình luận trên trang blog của Cơ quan Đối ngoại Liên minh Châu Âu rằng:

“Tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia hùng mạnh nhất, phải góp phần duy trì và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Một số có trách nhiệm quốc tế cụ thể. Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và luôn tuyên bố gắn bó với việc bảo vệ chủ quyền và bất khả xâm phạm biên giới của các nước. Với mối quan hệ kinh tế quan trọng với Liên minh Châu Âu cũng như với Ukraine, sẽ là hợp lý nếu Trung Quốc sử dụng mối quan hệ tốt đẹp của mình với Nga để giúp đưa Tổng thống Putin đến con đường luật pháp và hòa bình. Thật không may, chúng ta không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy điều này xảy ra vào lúc này.”

Tại bữa tiệc phục sinh ngày 27/4/2022, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết địa chính trị đã trở lại và đưa ra lập luận về việc khởi động lại phương pháp tiếp cận của thế giới tự do nhằm đối phó với những kẻ xâm lược toàn cầu sau cuộc khủng hoảng Ukraine. Trong đó, các phương pháp tiếp cận mới dựa trên ba lĩnh vực bao gồm: sức mạnh quân sự, an ninh kinh tế và các liên minh toàn cầu sâu rộng hơn. 

Ngoại trưởng Anh cho rằng sẽ là sai lầm nếu đặt vấn đề lựa chọn giữa an ninh Châu Âu – Đại Tây Dương và an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. “Trong thế giới hiện đại, chúng ta cần cả hai… Chúng ta cần xử lý trước các mối đe dọa ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, làm việc với các đồng minh của chúng ta như Nhật Bản và Australia để đảm bảo Thái Bình Dương được bảo vệ,” bà nói.

Đối mặt với yêu cầu phải nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga đã xây dựng trong nhiều thập kỷ, các quan chức chính phủ từ Rome đến Praha cũng cho biết rằng họ đang đánh giá lại mức độ quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc.

Xem thêm:

South China Sea Morning Post ngày 14/4/2022: Ukraine war: US Treasury Secretary Janet Yellen warns China over Russia ties. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

EEAS ngày 26/4/2022: Russia’s war against Ukraine: where do we stand and what can the future bring?  

GOV.UK ngày 27/4/2022: The return of geopolitics: Foreign Secretary’s Mansion House speech at the Lord Mayor’s 2022 Easter Banquet – GOV.UK

Bloomberg ngày 29/4/2022:  Alarmed by Russia’s Invasion, Europe Rethinks Its China Ties – Bloomberg. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

Hạ viện Đức thông qua Kiến nghị “Bảo vệ hoà bình và tự do ở Châu Âu – Hỗ trợ toàn diện cho Ukraine” có tính bước ngoặt đối với chính sách và quan hệ quốc tế của Đức trong tương lai

Ngày 28/4/2022, với số phiếu áp đảo 586/736 chấp thuận, Hạ viện Đức đã thông qua Kiến nghị “Hỗ trợ toàn diện cho Ukraine”. Tuyên bố rằng “Đức có trách nhiệm đặc biệt phải làm mọi thứ để đảm bảo rằng chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến và chủ nghĩa đế quốc không còn chỗ đứng ở Châu Âu và thế giới trong thế kỷ 21,” Hạ viện Đức hoàn toàn ủng hộ quyền tự vệ và quyền tự quyết của Ukraine, lên án Nga đã gây ra chiến tranh và những tội ác chiến tranh ở mức độ “mạnh mẽ nhất có thể.”

Kết quả bỏ phiếu tổng thể và số liệu của một số đảng chủ chốt tại Hạ viện Đức.

Bản kiến nghị cho rằng “Cùng với sự cô lập về kinh tế và tách Nga ra khỏi thị trường quốc tế, biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga là tăng cường và đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí hiệu quả và các hệ thống phức tạp bao gồm vũ khí hạng nặng.” Hạ viện Đức kêu gọi Chính phủ Liên bang tiếp tục và, nếu có thể, đẩy nhanh việc chuyển giao các thiết bị cần thiết cho Ukraine, đồng thời mở rộng việc cung cấp vũ khí hạng nặng và các hệ thống phức tạp… mà không gây nguy hiểm cho năng lực phòng thủ của Đức.

Bản kiến nghị khẳng định “Giết hại dân thường và hãm hiếp phụ nữ có chủ đích ở Ukraine là những tội ác chiến tranh cần được giải quyết khẩn cấp. Việc cản trở viện trợ nhân đạo, bao vây toàn bộ thành phố, pháo kích có chủ đích vào các cơ sở dân sự và khước từ tạo hành lang nhân đạo cũng là những vi phạm nghiêm trọng của luật nhân đạo quốc tế.” Hạ viện Đức ủng hộ các cuộc điều tra của Tòa hình sự Quốc tế, các cơ quan tố tụng hình sự Ukraine cùng các tổ chức quốc tế như OSCE, và kêu gọi Chính phủ Đức hỗ trợ tài chính cho Tòa Hình sự Quốc tế.

Bản kiến nghị cho rằng Chính phủ Nga phải bị cô lập hơn nữa trên các diễn đàn quốc tế, trong các tổ chức và uỷ ban quốc tế. Bản kiến nghị kêu gọi Chính phủ Đức tiếp tục hạn chế nghiêm ngặt các quan hệ kinh tế với Nga và Belarus nhằm làm cạn kiệt các nguồn thu nhập chính của họ, hạn chế khả năng hành động của chế độ này và ngăn chặn nước Đức trở lại phụ thuộc kinh tế một chiều vào các nước chuyên quyền. Tăng cường thực thi toàn cầu các biện pháp trừng phạt đã được thỏa thuận thông qua các nỗ lực ngoại giao tích cực nhằm thu hút sự tham gia của các quốc gia Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.

Đáng chú ý, bản kiến nghị kêu gọi Chính phủ Đức thông báo với Trung Quốc rằng Trung Quốc có thể sẽ bị áp dụng các lệnh trừng phạt về kinh tế và đối với các cá nhân nếu hỗ trợ vũ khí cho Nga, hoặc giúp Nga lách được các lệnh trừng phạt.

Bản kiến nghị kết luận với khẳng định cần bám sát mục tiêu thiết lập một trật tự hoà bình và an ninh của Châu Âu áp dụng bình đẳng cho tất cả các quốc gia và đảm bảo biên giới của các quốc gia là bất khả xâm phạm.

Trước đó, Thủ tướng Đức đã nhiều lần bày tỏ miễn cưỡng không muốn vận chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine, cũng như chần chừ trong việc cấm vận nhập khẩu dầu của Nga và trừng phạt ngân hàng lớn nhất của Nga do lo ngại đứt gãy trong thanh toán năng lượng. Tuy nhiên, một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển tiến bộ của nước Đức, đó là vai trò phản biện của giới chuyên gia trí thức và truyền thông, cùng thái độ không thờ ơ của công chúng Đức. Một sự phản biện thẳng thắn, trực diện, có dữ liệu và lý lẽ logic, sắc sảo, thái độ cương quyết đứng về lẽ phải bất chấp lời đe dọa vũ khí hạt nhân của Nga trong các tầng lớp khác nhau của Đức đã góp phần không nhỏ vào sự thay đổi có tính bước ngoặt của Thủ tướng Đức sau này. Nước Đức đã sẵn sàng với việc dừng nhập khẩu dầu của Nga cũng như loại bỏ ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. 

Trả lời những kiến nghị kêu gọi không cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, Thủ tướng Scholz nói rằng ông tôn trọng mọi chủ nghĩa hoà bình và thái độ. Nhưng sẽ là khó hiểu với công dân Ukraine nếu họ được yêu cầu phải tự vệ trước hành động xâm lược của Putin mà không được trang bị vũ khí. Đã không còn thời gian nữa.

Ảnh: Giới học giả Đức ủng hộ việc gửi vũ khí giúp Ukraine tự vệ đã nhắc lại bài học lịch sử năm 1941, khi nhượng bộ trước Hitler đã không ngăn được mà còn kích thích tham vọng của Hitler, dẫn đến chiến tranh càng lan rộng. 

Trong khi đó, khi được hỏi “Ông muốn nhắn nhủ điều gì tới Nga?” Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck nói ngắn gọn rằng “Hãy dừng chiến tranh… và về nhà đi!”

Xem thêm:

Toàn văn kiến nghị của Hạ viện Đức: Bảo vệ hoà bình và tự do của Châu Âu – Hỗ trợ toàn diện cho Ukraine

Thủ tướng Đức chọn Nhật, không phải Trung Quốc, trong chuyến công du đầu tiên tới Châu Á

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đến thăm Nhật Bản hôm thứ Năm ngày 28/4/2022 trong chuyến công du chính thức đầu tiên tới Châu Á ở tư cách thủ tướng. Ông cho biết chuyến đi là một “tín hiệu chính trị rõ ràng rằng Đức và EU sẽ tiếp tục và tăng cường can dự ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.” Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh sự đoàn kết của Berlin và Tokyo chống lại sự xâm lược của Nga vào Ukraine và cảnh báo về những dã tâm thay đổi biên giới lãnh thổ ở Châu Á bằng vũ lực, đề cập đến những lo ngại về ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Xem thêm:

DW ngày 27/4/2022: Germany and Japan seek deeper ties during Scholz visit

Reuters ngày 28/4/2022: Germany’s Scholz visits ally Japan, not China, on first Asian trip 

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Đức triển khai hội đồng liên chính phủ củng cố quan hệ an ninh song phương

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nhất trí thành lập một hội đồng liên chính phủ có sự tham gia của hai nhà lãnh đạo nhằm tăng cường mối quan hệ an ninh song phương trong bối cảnh cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đặt ra những thách thức an ninh mới đối với phương Tây. Thủ tướng Nhật Bản cho biết cuộc họp đầu tiên của hội đồng dự định sẽ được tổ chức vào năm tới. Thủ tướng Đức cho biết khuôn khổ đối thoại an ninh mới “sẽ nâng quan hệ Đức-Nhật lên một tầm cao mới về chất.”

Ông Kishida hoan nghênh sự quan tâm và tham gia nhiều hơn của Đức vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cho biết hai nước sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để đối phó với nhiều thách thức khác nhau, bao gồm cả thách thức từ Trung Quốc.

Xem thêm:

Kyodo News ngày 28/4/2022: Japan, Germany leaders to launch panel to reinforce security ties 

Cộng hòa Séc kêu gọi Trung Quốc dừng ủng hộ Nga

Nhà báo Josh Rogin của Washington Post cho biết Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky tiết lộ với ông rằng Praha đang kêu gọi Trung Quốc dừng ủng hộ Nga. Quan chức này nhận định phương Tây cần nhận ra Trung Quốc và Nga đại diện cho một mối đe dọa trung với trật tự thế giới, và mối đe dọa này cần được đối phó một cách khẩn cấp.

Ông Lipavsky khẳng định đã cảnh báo với Trung Quốc rằng nếu Bắc Kinh giúp đỡ Nga, quan hệ giữa họ và EU sẽ bị ảnh hưởng. Ông cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa Cộng hòa Séc và Mỹ về Trung Quốc, cũng như khẳng định cần thảo luận về cách có thể giúp đỡ Đài Loan và bảo vệ nền dân chủ của vùng lãnh thổ này.

Xem thêm:

Washington Post ngày 26/4/2022: The Czech Republic is calling out China over Ukraine

Tổng thống Hoa Kỳ sẽ tới thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ chưa thấy Trung Quốc hỗ trợ Nga về kinh tế và quân sự

Tổng thống Joseph R. Biden, Jr. sẽ thăm Hàn Quốc và Nhật Bản từ ngày 20 đến ngày 24/5/2022 để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa các chính phủ, nền kinh tế và nhân dân. Bên cạnh đó, chuyến đi này sẽ thúc đẩy cam kết vững chắc của Chính quyền Biden-Harris đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở cũng như các liên minh hiệp ước của Hoa Kỳ với Hàn Quốc và Nhật Bản.

Các quan chức Mỹ nói với Reuters trong những ngày gần đây rằng nhìn chung họ vẫn cảnh giác về sự ủng hộ lâu dài của Trung Quốc đối với Nga, nhưng chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc hỗ trợ Nga về kinh tế và quân sự, ít nhất là vào lúc này.

Tân Hoa Xã đăng toàn văn phỏng vấn ngoại trưởng Ukraine, để nguyên từ “xâm lược”

Ngày 30/4/2022, Tân Hoa xã đăng tải toàn văn bài phỏng vấn của hãng thông tấn này với Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba. Đáng chú ý, Tân Hoa xã giữ nguyên văn các cụm từ “xâm lược”, “chiến tranh” của ông Kuleba, cũng như những chỉ trích của ông nhằm vào Nga. Dù vậy, bài phỏng vấn không đề cập tới vụ việc tại Bucha hay những quan ngại về tội ác chiến tranh nghi do Nga thực hiện tại Ukraine.

Bên cạnh bài phỏng vấn ngoại trưởng Ukraine, Tân Hoa xã còn phỏng vấn cả Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Hai bài phỏng vấn dường như không được đăng trên trang tiếng Anh của hãng thông tấn này.

Xem thêm: 

The White House ngày 27/4/2022: Statement by Press Secretary Jen Psaki on the President’s Travel to the Republic of Korea and Japan

 Reuters ngày 3/5/2022: U.S. relieved as China appears to heed warnings on Russia 

Tân Hoa xã ngày 30/4/2022: 乌克兰外长德米特里·库列巴接受新华社专访

China-Russia Report ngày 1/5/2022: Xinhua’s Dueling Interviews w/Lavrov and Kuleba

Tweet của phóng viên Politico Europe Stuart Lau tại đây

Hoa Kỳ công bố Thỏa thuận toàn cầu về “Tương lai của Internet”

Chính quyền Biden hôm thứ Năm ngày 28/4/2022 đã thông báo về việc khởi động một thỏa thuận không ràng buộc quốc tế tập trung vào việc giảm các hạn chế của chính phủ đối với Internet. Hơn 55 quốc gia đã đồng ý ký “Tuyên bố cho tương lai Internet” nhằm thúc đẩy nhân quyền kỹ thuật số, đặc biệt là để đối phó với xu hướng độc tài trong không gian mạng. Tuyên bố đạt được hôm thứ Năm sau nhiều tháng đàm phán liên quan đến các chính phủ, các nhóm xã hội dân sự, các công ty Big Tech và các nhóm người dùng. Trong các bên ký kết có Israel, Đài Loan và Ukraine nhưng không có Nga hay Trung Quốc. Các quốc gia cam kết thực hiện các mục tiêu của tuyên bố, thừa nhận những thách thức đáng kể, bao gồm cách các cuộc tấn công mạng và thông tin sai lệch đe dọa nhân quyền.

Xem thêm:

CNN ngày 28/4/2022: US and over 55 other countries commit to democratic internet governance

The White House ngày 28/4/2022: FACT SHEET: United States and 60 Global Partners Launch Declaration for the Future of the Internet

The White House ngày 28/4/2022: A Declaration for Future of Internet

Bà Pelosi dẫn đầu Phái đoàn Quốc hội Hoa Kỳ đến Kyiv

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã dẫn đầu một phái đoàn quốc hội đến Kyiv vào thứ Bảy ngày 30/4/2022 để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Pelosi cho biết chuyến thăm bí mật của phái đoàn nhằm thể hiện sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Kyiv trong bối cảnh Nga xâm lược và nắm được tình hình một cách trực tiếp cho gói viện trợ mới cho Ukraine. Bà Pelosi là quan chức Mỹ cấp cao nhất đến thăm Ukraine kể từ khi chiến tranh xâm lược của Nga bắt đầu. Sau đó bà đã gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Warsaw vào thứ Hai.

Xem thêm:

US Speaker of the House ngày 1/5/2022: https://www.speaker.gov/newsroom/5122

AP News ngày 1/5/2022: Pelosi, in surprise Kyiv trip, vows unbending US support

The Washington Post ngày 1/5/2022: Pelosi, in surprise Kyiv trip, vows U.S. support ‘until the fight is done’. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

The Wall Street Journal ngày 2/5/2022: Nancy Pelosi Leads US Delegation to Ukraine in Show of Support. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ gặp nhau thứ Tư để thảo luận về chiến tranh Ukraine và Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vào thứ Tư ngày 4/5/2022 tại Hoa Kỳ để thảo luận về cuộc chiến của Nga ở Ukraine và các cách để củng cố liên minh song phương trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán, theo Lầu Năm Góc.

Cuộc gặp sẽ diễn ra trong chuyến đi của Kishi tới Hoa Kỳ từ ngày 3 đến ngày 6/5. Tham vọng và tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên cũng sẽ nằm trong nghị trình thảo luận. 

Xem thêm:

The Japan Times ngày 30/4/2022: US and Japan defense chiefs to meet Wednesday to discuss Ukraine war and China. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Tình báo Mỹ: Nga lên kế hoạch sáp nhập một số khu vực của Ukraine

Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết thông tin tình báo “rất đáng tin cậy” chỉ ra rằng Nga có thể sẽ tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý gian lận vào giữa tháng 5, trong đó công dân của Donetsk, Luhansk hoặc Kherson dường như bày tỏ sự ủng hộ đối với việc rời Ukraine và trở thành một phần của Nga. Sau đó, Nga có thể sẽ cài đặt các nhà lãnh đạo trung thành với Moscow vào các khu vực đó.

Xem thêm:

The Washington Post ngày 3/5/2022: Russian planning to annex Donetsk, Luhansk, Kherson, US says. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Thư ký Hội đồng Quốc phòng Ukraine: Hiệp ước hoà bình với Liên bang Nga là không thể có – chỉ có thể là Liên bang Nga xin đầu hàng”

Chiến tranh sẽ không kết thúc nhanh chóng, và bước ngoặt trên chiến trường vẫn chưa xảy ra, nhưng nó chắc chắn sẽ xảy ra, với khối lượng viện trợ to lớn mà các nước đồng minh dành cho Ukraine, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia cho biết Alexey Danilov. Ngoài ra, giám đốc Cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Kirill Budanov lưu ý rằng Điện Kremlin đang chuẩn bị công bố lệnh tổng động viên vào ngày 9/5/2022.

Ngoại trưởng Nga so sánh Tổng thống Ukraine với Hitler, nói rằng Hitler cũng có “dòng máu Do Thái”

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý hôm Chủ nhật ngày 1/5/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy là người Do Thái không thể phủ nhận được những yếu tố Quốc xã của quốc gia này. Lavrov nói rằng lãnh tụ Đức Quốc xã Adolf Hitler cũng “có dòng máu Do Thái”. 

“Zelenskyy là Do Thái thì sao. Thực tế đó không thể phủ nhận các yếu tố Quốc xã ở Ukraine. Tôi tin rằng Hitler cũng có dòng máu Do Thái. Một số kẻ chống người Do Thái tồi tệ nhất là người Do Thái,” Lavrov nói.

Xem thêm:

Haaretz ngày 1/5/2022: Lavrov compares Ukraine’s Zelenskyy to Hitler, who also ‘had Jewish blood’. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Haaretz ngày 2/5/2022: Yad Vashem: Lavrov has turned victims into criminals. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Phần Lan chấm dứt hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 7,8 tỷ USD với Rosatom của Nga

Dự án Hanhikivi 1 mà Rosatom có 34% cổ phần đã bị trì hoãn nhiều lần nhưng việc xây dựng đã được lên kế hoạch vào năm 2023 với ngày hoàn thành là 2029.

Việc Nga công nhận Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk vào ngày 21/2/2022 đã khiến Phần Lan phải xem xét lại hợp đồng, và khi chiến tranh nổ ra, Phần Lan đã quyết định chấm dứt nó.

Xem thêm:

Bellona ngày 2/5/2022: Finland pulls plug on Russian-backed nuclear reactor project

———-

VII- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN

Philippines tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác hàng hải với EU

Trong cuộc họp ủy ban hỗn hợp Philippines-EU lần thứ hai tại Makati vào ngày 26/4/2022, Manila đã đề xuất với EU về một tiểu ban mới về các vấn đề hàng hải và đưa ra khả năng mở rộng hợp tác về các khu vực tài phán trên biển, an ninh, quản trị đại dương, vận tải biển và lao động trên biển giữa hai bên.

Xem thêm:

Philippine News Agency ngày 27/4/2022: PH seeks expanded maritime cooperation with EU 

Cuộc họp Uỷ ban Hỗn hợp EU – Việt Nam lần thứ 3

Cuộc họp lần thứ ba của Ủy ban hỗn hợp EU-Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội ngày 28/4/2022.

Theo thông cáo của Cơ quan Đối ngoại Liên minh Châu Âu, EU và Việt Nam đã thảo luận về một loạt các chủ đề trong mối quan hệ song phương, bao gồm hợp tác an ninh và quốc phòng, thương mại và đầu tư, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng bền vững, nghề cá và nạn phá rừng cũng như quản trị tốt, nhà nước pháp quyền và quyền con người. Họ đã thảo luận về tiềm năng tăng cường hợp tác an ninh trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, an ninh mạng và quản lý khủng hoảng. 

Những mối quan ngại sâu sắc đã được bày tỏ về cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Cuộc họp tái khẳng định xung đột phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc chủ quyền và tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Bắt buộc phải chấm dứt ngay các hành động thù địch để tránh thêm thương vong cho dân thường, đồng thời cho phép tiếp cận hỗ trợ nhân đạo một cách an toàn và không bị cản trở. EU nhắc lại sự lên án mạnh mẽ hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine và người dân Ukraine, đồng thời kêu gọi rút toàn bộ lực lượng quân sự Nga ngay lập tức khỏi lãnh thổ Ukraine.

Xem thêm:

EEAS ngày 28/4/2022: EU-Vietnam: 3rd Joint Committee 

Doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn do khan hiếm nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc

Theo Báo Tuổi Trẻ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề là nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc đã không được chuyển đến Việt Nam trong ba tháng qua do phong toả ở nhiều nơi của quốc gia láng giềng bởi đại dịch COVID-19.

Xem thêm:

Tuổi Trẻ News ngày 2/5/2022: Vietnamese firms in trouble due to dearth of material imports from China

Kinh tế Indonesia có dấu hiệu khả quan trở lại. Indonesia trở thành giải pháp thay thế đầu tư của Châu Á trong bối cảnh triển vọng tại Trung Quốc không sáng sủa

Các chỉ số đang cho thấy nền kinh tế Indonesia đang có những dấu hiệu khả quan: Chỉ số chứng khoán IDX Composite tại Jakarta tăng 7,8% trong năm 2022 và 19,4% trong 12 tháng qua. Các nhà kinh tế dự kiến quốc gia này có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5,2% trong năm 2022. 12% công ty trên sàn chứng khoán Indonesia kinh doanh tốt hơn kế hoạch trong quý 1 năm 2022.

Xem thêm:

Real Money ngày 22/4/2022: Upbeat Indonesia Becomes Asia’s Investment Alternative as China’s Prospects Sour

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel J. Kritenbrink sẽ tới thăm Campuchia và Lào

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Daniel J. Kritenbrink sẽ tới thăm Phnom Penh và Vientiane trong tuần đầu tháng Năm để hiểu rõ hơn các vấn đề mà sông Mekong đang đối mặt cũng như các cơ hội mở rộng thịnh vượng và tự do ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 29/4/2022: Assistant Secretary of State for East Asian and Pacific Affairs Daniel J. Kritenbrink’s Travel to Cambodia and Laos 

Tòa án quân sự Myanmar tuyên án đối với nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi

Cựu lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, Aung San Suu Kyi, đã bị kết án 5 năm tù vì cáo buộc tham nhũng. Bà hiện đang phải đối mặt với các tội danh bổ sung có thể dẫn đến bản án tù hơn một trăm năm.

Xem thêm:

France 24 ngày 27/4/2022: Myanmar junta court convicts Suu Kyi of corruption: spokesman

———-

VIII- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Tập Cận Bình muốn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại

Như chúng tôi đã đưa tin cách đây vài tuần, ông Tập đang có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại Hội nghị lần thứ 11 của Uỷ an Kinh tế Tài chính Trung ương Trung Quốc ngày 26/4/2022, ông Tập đã kêu gọi nỗ lực hết mình thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Cuộc họp còn có sự tham gia của Lý Khắc Cường, Vương Hỗ Ninh.

Cuộc họp cho rằng cơ sở hạ tầng của đất nước vẫn chưa tương thích với nhu cầu phát triển và an ninh quốc gia. Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ có ý nghĩa to lớn đối với việc đảm bảo an ninh quốc phòng, thông suốt lưu thông trong nước, tạo điều kiện “lưu thông kép” thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, mở rộng nhu cầu trong nước và thúc đẩy phát triển chất lượng cao. Theo các nhà phân tích, đẩy nhanh tiến độ xây dựng để thúc đẩy tăng trưởng là sự trở lại của một giải pháp cũ trong bối cảnh những thành phố lớn của Trung Quốc là Bắc Kinh và Thượng Hải bị phong tỏa bởi chủ trương Zero Covid của người lãnh đạo Trung Quốc không muốn phiêu lưu chính trị. Mức tăng trưởng kinh tế hiện nay của Trung Quốc đang dưới 5% mỗi năm, có nguy cơ sẽ là kết quả kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1978.

Xem thêm:

Tân Hoa Xã ngày 26/4/2022: Xi Focus: Xi calls for efforts to build modern infrastructure system

Nhân dân Nhật báo ngày 27/4/2022: 全面加强基础设施建设构建现代化基础设施体系为全面建设社会主义现代化国家打下坚实基础 

Bloomberg ngày 26/4/2022: Xi Calls for ‘All Out’ Infrastructure Push to Boost Economy. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Sinolytics: Trung Quốc dựa vào năng lượng hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng

Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã phê duyệt việc xây dựng sáu nhà máy điện hạt nhân mới vào tháng 4/2022. Tốc độ phê duyệt đã tăng nhanh đáng kể kể từ năm 2019, dựa trên sự trưởng thành ngày càng tăng của công nghệ điện hạt nhân trong nước của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cam kết mở rộng nhanh chóng năng lực năng lượng hạt nhân và coi năng lượng hạt nhân là một đóng góp quan trọng để đạt được an ninh năng lượng đồng thời đạt được các mục tiêu giảm thải cacbon.

 Xem thêm:

​​Sinolytics: China relies on nuclear power for energy security

Chủ tịch công ty đầu tư Hong Kong nhận định tiêu cực về kinh tế Trung Quốc

Ông Weijian Shan, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch PAG – công ty đầu tư tài sản tư nhân lớn nhất châu Á, quản lý hơn 50 tỷ USD tài sản – nhận định Trung Quốc đang trong “khủng hoảng kinh tế sâu sắc, và cho biết công ty của ông đã đa dạng hóa hoạt động ra ngoài Trung Quốc và “cực kỳ cẩn trọng” với hoạt động tại quốc gia này.

Xem thêm:

Financial Times ngày 28/4/2022: China in ‘deep crisis’, says Hong Kong private equity chief. Một bản PDF được lưu trữ ở đây

Chỉ số PMI của Trung Quốc giảm sâu hơn dự đoán

Theo số liệu của cơ quan thống kê Trung Quốc, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc trong tháng 4 chỉ đạt 47,4 điểm, giảm 2,1 điểm so với tháng 3. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số này sụt giảm, và đã đạt mốc thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Con số này còn thấp hơn cả con số 48 điểm được đưa ra bởi khảo sát của Reuters đối với 26 nhà kinh tế.

Chỉ số PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất sụt giảm so với tháng trước đó.

Xem thêm:

Reuters ngày 30/4/2022: China April factory activity contracts at steeper pace as lockdowns bite

Trung Quốc gặp gỡ các ngân hàng để thảo luận về việc bảo vệ tài sản khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ

Một hội nghị nội bộ đã được tổ chức khẩn cấp vào ngày 22/4/2022 bởi các nhà quản lý Trung Quốc, với sự tham gia của các quan chức ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Trung Quốc, giám đốc điều hành các các ngân hàng trong nước và quốc tế, để thảo luận về cách bảo vệ tài sản của nước này ở nước ngoài khỏi các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu, tương tự như các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine. 

Tuy nhiên, đáng chú ý quan chức Trung Quốc không chỉ lo ngại về các lệnh trừng phạt thứ cấp khi Trung Quốc duy trì sự ủng hộ với cuộc xâm lược của Nga, mà còn chuẩn bị trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự trong khu vực hoặc các cuộc khủng hoảng khác, theo Financial Times.

Xem thêm:

Financial Times ngày 1/5/2022: China meets banks to discuss protecting assets from US sanctions. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Hoa Kỳ tiến gần hơn tới việc huỷ bỏ niêm yết các công ty có tên tuổi của Trung Quốc

Một số cổ phiếu  các công ty có tên tuổi của Trung Quốc bao gồm Alibaba Group Holding Ltd. và Baidu Inc. phải đối mặt với viễn cảnh bị loại khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York và Nasdaq nếu họ từ chối không cho các cơ quan quản lý Hoa Kỳ kiểm tra tài chính của họ. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ bắt đầu quá trình này theo luật năm 2020 và sự kiện này đang được các nhà đầu tư theo dõi. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc dường như chuyển sang khả năng xóa bỏ một rào cản lớn đã cản trở các cơ quan quản lý của Mỹ trong nhiều năm.

Bài báo trên The Washington Post giải thích vì sao Mỹ muốn thực hiện kiểm toán đối với các công ty Trung Quốc, quá trình thực hiện thế nào và khả năng các công ty Trung Quốc bị huỷ niêm yết.

Xem thêm:

The Washington Post ngày 29/4/2022: How the US Is Moving Closer to Delisting Chinese Firms. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

Trung Quốc, Mỹ thảo luận về thỏa thuận kiểm toán

Giới chức Trung Quốc và Mỹ đang thảo luận về chi tiết của một thỏa thuận kiểm toán mà Bắc Kinh hy vọng có thể được ký kết vào năm nay, như nỗ lực nhằm giữ các công ty Trung Quốc ở lại sàn chứng khoán Mỹ. Nguồn tin của Reuters cho biết một thỏa thuận khung về hợp tác giám sát kiểm toán đã hình thành với việc Trung Quốc xếp ít thông tin vào hàng “bí mật” hơn.

Xem thêm:

Reuters ngày 30/4/2022: China, U.S. discussing audit deal plan as delistings loom

Một số quỹ đầu tư nước ngoài lựa chọn ở lại sàn chứng khoán Trung Quốc

Trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chiến lược kiểm soát dịch của Trung Quốc và quan hệ Trung – Nga, một số quỹ đầu tư lớn như UBS Global Wealth Management, RBC Wealth Management hay GW&K Investment Management lựa chọn tiếp tục mua hoặc khuyến cáo mua chứng khoán Trung Quốc với các lý do như giá thành rẻ hay tiềm năng chính sách sẽ chuyển theo hướng hỗ trợ tốt hơn.

Xem thêm:

Yahoo Finance ngày 29/4/2022: Some Funds Refuse to Give Up on China Stocks as World Flees

Nga kỳ vọng thương mại với Trung Quốc sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2024

Hôm thứ Bảy ngày 30/4/2022, Georgiy Zinoviev, người đứng đầu Vụ Châu Á của Bộ Ngoại giao Nga, nói với hãng thông tấn Interfax rằng họ dự kiến dòng chảy hàng hóa với Trung Quốc sẽ tăng trưởng và giao dịch thương mại với Bắc Kinh đạt 200 tỷ USD vào năm 2024, trong bối cảnh Moscow đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng từ phương Tây.

Xem thêm:

Reuters ngày 30/4/2022: Russia expects trade with China to reach $200 billion by 2024 

———- 

IX- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Oleksandra Matviichuk: Cuộc chiến của Ukraine là cuộc chiến của thế giới

Trong bài viết trên Project Syndicate, tác giả cảnh báo rằng nếu cộng đồng quốc tế cho phép cuộc chiến của Putin thành công, một thế giới mới sẽ ra đời, trong đó các quốc gia lớn hơn một lần nữa có thể xâm lược các nước láng giềng mà không bị trừng phạt. Một giai đoạn ngắn ngủi trong lịch sử nhân loại, khi ý chí chủ quyền của người dân làm nền tảng cho chính quyền, sẽ kết thúc. Các cường quốc xét lại theo chủ nghĩa tân đế quốc sẽ tạo ra “phạm vi ảnh hưởng” bằng cách sử dụng áp lực kinh tế, chiếm đoạt chính trị, thông tin sai lệch và cưỡng bức quân sự để biến các nước láng giềng nhỏ hơn thành chư hầu. Một thế giới cởi mở, kết nối và an toàn hơn sẽ nhường chỗ cho một thế giới khép kín, phân mảnh và bạo lực hơn. 

Khi đó, cái giá mỗi quốc gia phải trả sẽ vượt xa chi phí ngắn hạn của việc cung cấp hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine hiện nay. Bên cạnh đòi hỏi chi tiêu quân sự phải tăng lên đáng kể, sự xuất hiện của các khối thương mại biệt lập sẽ khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao. Thông tin sai lệch phát triển, việc lợi dụng các xã hội cởi mở và phương tiện truyền thông tự do sẽ làm suy yếu sự gắn kết xã hội và sự tin tưởng vào các thể chế. Muốn giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất, cần phải sử dụng mọi công cụ có thể để răn đe Putin trong hiện tại. 

Tất cả các nước có nhiệm vụ đứng lên chống lại chủ nghĩa đế quốc hung hãn của Nga. Liên Hợp Quốc được thành lập trên cơ sở bình đẳng và quyền tự quyết của các thành viên, tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản cũng như nghĩa vụ giải quyết các xung đột một cách hòa bình. Ngày nay, Nga đang chà đạp lên tất cả những nguyên tắc này và mặc dù đại đa số các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đều thống nhất lên án, nhưng có quá nhiều quốc gia không lên tiếng. Tác giả đề cập đến 35 nước bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết ngày 2/3/2022 lên án và yêu cầu Nga chấm dứt hành động quân sự ở Ukraine. Khi đó, đã có 142 nước bỏ phiếu thuận. 

Tác giả cho rằng vẫn còn cơ hội cho 35 quốc gia bỏ phiếu trắng rút lại sự ủng hộ ngầm đối với Nga và cùng tham gia sự phê phán toàn cầu đối với Putin. Tác giả giới thiệu Tuyên bố Kyiv, một văn kiện được khởi xướng bởi hơn một trăm nhà lãnh đạo xã hội dân sự Ukraine và được các cựu lãnh đạo thế giới tán thành. Tuyên bố đưa ra sáu yêu cầu cần cộng đồng quốc tế giúp đỡ khẩn cấp. 

Xem thêm:

Project Syndicate ngày 28/4/2022: Ukraine’s Fight Is the World’s Fight. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.

———-

X- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Kolja Brockmann and Dmitry Stefanovich (2022) Hypersonic Boost-glide Systems and Hypersonic Cruise Missiles- Challenges for the Missile Technology Control Regime 

Ngày càng có nhiều quốc gia theo đuổi các chương trình phát triển tên lửa siêu thanh. Tên lửa siêu thanh kết hợp tốc độ siêu thanh và khả năng cơ động, và một số tên lửa siêu thanh được phát triển làm hệ thống phân phối cho cả tải trọng hạt nhân và thông thường. Sự kết hợp của những khả năng này có thể gây ra những tác động leo thang căng thẳng hoặc gây mất ổn định. Điều quan trọng là đảm bảo rằng các hướng dẫn và danh sách kiểm soát của Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR) bao gồm đầy đủ các tên lửa siêu thanh cũng như hàng hóa và công nghệ liên quan. Bài báo này nhằm nâng cao hiểu biết về tên lửa siêu thanh, nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách và quan chức kiểm soát xuất khẩu, đồng thời cập nhật các cuộc thảo luận chính sách và kỹ thuật đang diễn ra về MTCR nhằm tăng cường nỗ lực hạn chế phổ biến tên lửa siêu thanh.

Tải toàn văn báo cáo ở đây.

Agatha Kratz et al. (2022) Chinese FDI in Europe- 2021 Update

Báo cáo này Nhóm Rhodium và Viện Mercator tóm tắt dấu ấn đầu tư của Trung Quốc vào EU-27 và Vương quốc Anh trong năm 2021, phân tích tác động của đại dịch cũng như các phát triển chính sách ở Châu Âu và Trung Quốc.

Báo cáo cho thấy bản chất đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu đang thay đổi. Sau nhiều năm bị chi phối bởi M&A, đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu đã tập trung hơn vào các lĩnh vực xanh. Năm 2021, đầu tư vào lĩnh vực xanh đạt 3,3 tỷ EUR, giá trị cao nhất từng được ghi nhận, chiếm gần một phần ba tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc.

Ngoài ra, báo cáo cho thấy rằng vốn đầu tư mạo hiểm (VC) của Trung Quốc đang đổ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Châu Âu. Năm 2021, đầu tư của VC Trung Quốc vào Châu Âu đã tăng hơn gấp đôi lên mức kỷ lục 1,2 tỷ EUR. Khoản đầu tư này tập trung ở Anh và Đức, và tập trung vào một số lĩnh vực bao gồm thương mại điện tử, fintech, game, AI và robot

Tải toàn văn báo cáo ở đây.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.