Tác giả: Dave Keating | World Politics Review ngày 10/3/2022
Biên dịch: Trần Phạm Bình Minh | Hiệu đính: Phạm Huệ Việt

Ngày 10/3/2022, Hai mươi bảy nhà lãnh đạo của Liên minh Châu Âu có mặt tại Versailles để tham dự một hội nghị thượng đỉnh có thể trở thành lịch sử. Họ dự kiến sẽ ký “Tuyên bố Versailles”, nhằm chính thức hóa những thay đổi về chính sách sâu rộng nhưng mang tính đột xuất mà EU đã thực hiện để đối phó với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, hiện đang bước sang tuần thứ ba. Các biện pháp đang được thảo luận sẽ tăng cường khả năng quân sự, kinh tế và kiểm soát biên giới hiện có của liên minh, đồng thời trao cho khối quyền lực mới trong những lĩnh vực sẽ đẩy khối này đi sâu hơn trên con đường hướng tới chủ nghĩa liên bang.
Tính biểu tượng của việc ký vào bản tuyên bố tại Cung điện Versailles – nơi Hiệp ước Versailles, một văn kiện quan trọng khác chứng tỏ vai trò trung tâm của việc tái thiết Châu Âu sau Thế chiến thứ nhất, được ký vào năm 1919 – không bị mất đi đối với bất kỳ ai. Vào năm 1919, các nhà lãnh đạo Châu Âu đã rất sai lầm. Liệu lần này họ có hành động đúng không? Rất khó để nói, vì không ai biết thế giới sau cuộc chiến ở Ukraine sẽ như thế nào.
Đứng đầu chương trình nghị sự thảo luận của các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh sẽ là các khía cạnh quân sự của cuộc chiến, đang bước sang giai đoạn cấp bách mới chỉ trong một đêm, với việc Bộ Quốc phòng Nga đã thừa nhận sử dụng vũ khí nhiệt áp ở Ukraine và Mỹ cảnh báo rằng Nga cũng có thể chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học như một phần của cuộc tấn công giả danh bên khác (a false flag attack). Các nhà lãnh đạo của khối sẽ chính thức hóa quyết định lịch sử của tuần trước về việc tài trợ cho việc mua và chuyển giao lượng vũ khí trị giá 500 triệu USD cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, khối sẽ gửi vũ khí đến một khu vực xung đột. Họ cũng có thể sẽ đồng ý tăng tài trợ cho Quỹ Hòa bình Châu Âu, vốn sẽ được sử dụng để chi trả cho chương trình chuyển giao vũ khí mới, mặc dù Đức vẫn hoài nghi và cho rằng vẫn còn một lượng tiền đáng kể chưa tiêu trong quỹ.
Dự kiến, các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ ủng hộ hoàn toàn khái niệm về Liên minh Quốc phòng Châu Âu, một dự án quan trọng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người ủng hộ thẳng thắn nhất của khối cho “quyền tự chủ chiến lược” của Châu Âu — trước đây vốn có nghĩa là dần dần đưa Châu Âu khỏi Đảm bảo an ninh của Mỹ, nhưng giờ đã bao gồm việc giải phóng khối khỏi sự phụ thuộc năng lượng vào Nga. Có lẽ đáng kể nhất, một số nhà lãnh đạo từ các quốc gia thành viên Đông Âu sẽ thúc đẩy việc bản tuyên bố nói rõ ràng hơn về Điều 42.7 của Hiệp ước Lisbon, một điều khoản phòng vệ chung mơ hồ. Paris dường như đồng ý với đề xuất đó, nhưng câu hỏi lớn là liệu các quốc gia thành viên trung lập, không thuộc NATO của EU – Ireland, Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Malta và Cyprus – có ký một tuyên bố bao gồm một đảm bảo chặt chẽ hơn rằng các quốc gia thành viên EU sẽ tham chiến trong trường hợp có cuộc tấn công nhằm vào một thành viên khác của khối. Phần Lan, Thụy Điển và Áo đã cho thấy có sự thay đổi trong suy nghĩ của họ – Ireland, không quá nhiều. Nếu xuất hiện ngôn ngữ làm xáo trộn điều khoản phòng vệ lẫn nhau trong tuyên bố, Ireland và có lẽ các quốc gia trung lập khác có thể yêu cầu miễn trừ cụ thể trong một ghi chú bên lề.
Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là khoảnh khắc của Macron dưới ánh mặt trời. Mặc dù hội nghị thượng đỉnh Versailles hôm nay đã được lên kế hoạch nhiều tháng trước trong khuôn khổ nhiệm vụ chủ tịch luân phiên Hội đồng EU của Pháp, nhưng giờ đây, ông dường như đã được minh oan cho những ý tưởng mà ông đã ủng hộ từ lâu về mặt quốc phòng của EU và các lĩnh vực chính sách khác. Ngay cả Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, thường là một người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương vững chắc và trước đây là người hoài nghi các đề xuất tự chủ chiến lược của Macron, hôm qua cũng thừa nhận rằng “chúng ta phải tăng cường quyền tự chủ chiến lược của mình, điều mà Pháp đã thúc giục từ lâu”.
Hội nhập kinh tế và năng lượng toàn Châu Âu rộng lớn hơn cũng đang được thảo luận tại cuộc họp ngày hôm nay, một hệ quả khác của việc Nga xâm lược Ukraine. Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về một chiến lược được Ủy ban Châu Âu thông qua vào thứ Ba có thể giảm 2/3 sự phụ thuộc của EU vào nhập khẩu năng lượng của Nga trong vòng một năm. Ủy ban đã ngừng đưa ra một ngày chắc chắn mà theo đó EU sẽ hoàn toàn không có dầu và khí đốt của Nga, để lại quyết định đó cho các nhà lãnh đạo EU, những người sẽ quyết định trong cuộc họp Versailles có đặt một ngày như vậy hay không cũng như có tán thành tất cả đề xuất của ủy ban về năng lượng hay không.
Macron cũng có thể thúc đẩy sự tương hỗ hơn nữa về nợ của EU, sau quyết định lịch sử đã được khối này đưa ra vào năm 2020 để tài trợ cho một quỹ phục hồi đại dịch. Macron và các nhà lãnh đạo EU khác đang đề xuất một quỹ mới để giảm bớt tác động từ phản ứng dữ dội và hậu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế mà liên minh đã giáng vào Nga để đáp trả cuộc xâm lược Ukraine. Nhưng một số người khác, chẳng hạn như Rutte, nói rằng quỹ phục hồi đại dịch hầu như không được sử dụng và muốn EU sử dụng lại quỹ đó để quản lý tác động kinh tế của cuộc chiến tranh Ukraine.
Vào cuối cuộc họp thượng đỉnh vào ngày mai, hai văn kiện dự kiến sẽ được ký kết: Tuyên bố Versailles vạch rõ sự thay đổi dài hạn đối với Liên minh Châu Âu và một tuyên bố vạch ra các bước tiếp theo ngắn hạn cho cuộc chiến ở Ukraine.
Bất chấp những nỗ lực hết mình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sẽ không có tiến triển lớn đối với yêu cầu của Ukraine về việc gia nhập nhanh chóng vào Liên minh Châu Âu. Phần lớn các nhà lãnh đạo EU phản đối việc trao quy chế ứng cử viên cho Ukraine vào thời điểm này, và nhiều người thậm chí còn hoài nghi về khái niệm Ukraine là một quốc gia thành viên EU, cho rằng nó quá xa về phía đông và quá rộng lớn. Nếu Ukraine được gia nhập EU, nước này sẽ trở thành quốc gia thành viên lớn thứ tư tính theo dân số và lớn nhất theo diện tích. Nhiều người trong khối tin rằng sự hiện diện của nó trong liên minh sẽ chuyển trọng tâm của EU về phía “phía đông phi tự do”. Một quan chức của Elysee nhận định rằng việc đẩy nhanh việc gia nhập Ukraine vì các lý do địa chính trị thuần túy mà không tính đến triển vọng thực tế về một kết quả thành công, như đã làm với Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ là “những lời hứa mà chúng ta không thể giữ”.
Nguồn bản gốc: https://www.worldpoliticsreview.com/trend-lines/30388/the-ukraine-russia-war-is-transforming-the-eu
Trần Phạm Bình Minh và TS. Phạm Huệ Việt lần lượt là cộng tác viên và thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.