(Tuần từ 07/02 – 14/02/2022)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lưu Việt Hà, Lê Đức Tâm, Đoàn Thị Hằng Ni, Trần Phạm Bình Minh, Lê Xuân Phương
Biên tập: Phạm Huệ Việt
Tư liệu: South China Sea News

Tải bản PDF ở
—————
Trong Bản Tin Biển Đông Số 94 có những nội dung sau:
I- HOA KỲ CÔNG BỐ CHIẾN LƯỢC ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG BIDEN
II- HỘI NGHỊ NGOẠI TRƯỞNG BỘ TỨ
III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
IV- TRÊN BIỂN
V- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
VI- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
VII- QUAN HỆ TRUNG – MỸ
VIII- QUAN HỆ TRUNG – NGA
IX- LUẬT QUỐC TẾ VÀ CHUYỂN ĐỘNG LIÊN HỢP QUỐC
X- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN
XI- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH
—————
I- HOA KỲ CÔNG BỐ CHIẾN LƯỢC ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG BIDEN
Nội dung Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Vào ngày 11/2/2022, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở với trọng tâm là sự hợp tác bền vững và sáng tạo với các đồng minh, đối tác và thể chế cả bên trong lẫn bên ngoài khu vực. Chiến lược 5 trụ cột chính, bao gồm:
Thứ nhất là “Tự do và rộng mở”. Ở trụ cột này, (1) Mỹ sẽ thúc đẩy các thể chế dân chủ, tự do báo chí và xã hội dân sự sôi động; (2) Nâng cao sự minh bạch về tài chính để chống tham nhũng và thúc đẩy cải cách; (3) Bảo đảm các vùng biển và vùng trời được quản trị và sử dụng theo luật pháp quốc tế; (4) Thúc đẩy những cách tiếp cận chung đối với công nghệ quan trọng và mới nổi, internet và không gian mạng.
Thứ hai là “Kết nối”. Trong đó,Mỹ sẽ làm sâu sắc 5 quan hệ liên minh với Úc, Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; Tăng cường quan hệ với các đối tác khu vực, gồm Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam và các quốc đảo Thái Bình Dương. Mỹ cũng sẽ đóng góp cho một ASEAN đoàn kết và được trao quyền; Tăng cường Bộ Tứ và thực hiện các cam kết của nhóm; Ủng hộ Ấn Độ vươn lên và đảm trách vai trò lãnh đạo khu vực; Hợp tác để xây dựng năng lực chống chịu cho các quốc đảo Thái Bình Dương; Thúc đẩy kết nối giữa Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với Châu Âu – Đại Tây Dương; Mở rộng hiện diện ngoại giao của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhất là ở Đông Nam Á và các quốc đảo Thái Bình Dương.
Thứ ba là “Thịnh vượng”. Trong trụ cột này, Mỹ sẽ đề xuất một khuôn khổ kinh tế cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo đó, Mỹ sẽ phát triển những cách tiếp cận mới để đáp ứng những tiêu chuẩn cao về lao động về môi trường; Quản trị các nền kinh tế kỹ thuật số và dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới dựa trên nguyên tắc cởi mở, bao gồm thông qua một khuôn khổ kinh tế số mới; thúc đẩy các chuỗi cung ứng bền vững và bảo đảm với các tính chất đa dạng, cởi mở và có thể dự đoán; Thu hẹp khoảng cách hạ tầng thông qua sáng kiến Xây dựng lại tốt hơn cùng với các đối tác G7.
Thứ tư là “An ninh”. Mỹ sẽ thúc đẩy an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, sử dụng tất cả các công cụ quyền lực để ngăn chặn sự gây hấn và chèn ép, bằng cách: nâng cao năng lực răn đe tổng hợp; Làm sâu sắc quan hệ hợp tác và tương tác với các đồng minh và đối tác; Duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan; Đổi mới để hoạt động trong môi trường ngày càng bị đe doạ, bao gồm không gian mạng, không gian vũ trụ và các lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ tăng cường năng lực răn đe mở rộng và phối hợp với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản và theo đuổi phi hạt nhân hoá hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; Tiếp tục thực hiện AUKUS; Mở rộng hiện diện của lực lượng tuần duyên Mỹ và hợp tác chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia; Làm việc với Quốc hội để tài trợ cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương và Sáng kiến an ninh biển.
Cuối cùng là “Khả năng chống chịu tốt”. Đối với trụ cột này, Mỹ sẽ nỗ lực tăng cường khả năng chống chịu của khu vực trước các mối đe dọa xuyên quốc gia của thế kỷ 21, bao gồm: Làm việc với các đồng minh và đối tác để đề ra mục tiêu cho các năm 2030 và 2050, các chiến lược, kế hoạch và chính sách phù hợp với mục tiêu khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng trên 1,5 độ C; Giảm tính dễ bị tổn thương của khu vực trước biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường; Chấm dứt đại dịch COVID-19 và thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu.
Xem thêm:
The White House ngày 11/2/2022: Indo-Pacific Strategy of the United States
The White House ngày 11/2/2022: FACT SHEET: Indo-Pacific Strategy of the United States
Chiến lược của Tổng thống Obama (2015)
Khung chiến lược của Tổng thống Trump
Bản Khái niệm Khung Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Bản ghi chú khái niệm được tiết lộ năm 2021 phác thảo một cấu trúc được đề xuất cho thỏa thuận về Khung Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: các quốc gia sẽ tham gia một khuôn khổ bao trùm (không cần phải là một thỏa thuận ràng buộc) bao gồm các lĩnh vực hợp tác riêng rẽ, mỗi lĩnh vực đều có các nguyên tắc và mục tiêu. Bằng cách ký vào khuôn khổ, các quốc gia sẽ xác nhận các nguyên tắc và mục tiêu, thể hiện một tầm nhìn kinh tế tích cực, chung cho Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các lĩnh vực hợp tác độc lập sau đó có thể di chuyển với các tốc độ đàm phán khác nhau và các nước tham gia không nhất thiết phải tham gia vào tất cả các lĩnh vực hợp tác để có thể ký vào khuôn khổ, trong khi các nước không ký khuôn khổ đầy đủ có thể tham gia một số đường lối đàm phán nhất định, nếu thích hợp.
Các lĩnh vực hợp tác tiềm năng cho khuôn khổ bao gồm: Tạo thuận lợi cho thương mại công bằng, bền vững và lấy người lao động làm trung tâm; Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; Cơ sở hạ tầng; Giảm thải carbon và năng lượng sạch; Kiểm soát xuất khẩu và sàng lọc đầu tư; Thuế và chống tham nhũng.
Xem thêm:
Indo-Pacific Economic Framework Concept Note (2021) .pdf
Tuyên bố của Thư ký Báo chí Jen Psaki về việc Hoa Kỳ đăng cai tổ chức APEC vào năm 2023
Trong một tuyên bố về việc Hoa Kỳ đăng cai tổ chức APEC vào năm 2023, Thư ký Báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki đã thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư công bằng và cởi mở, tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ và đảm bảo một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Bên cạnh đó, bà Jen Psaki cũng cho biết ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Biden-Harris là trở thành một đối tác mạnh mẽ, đáng tin cậy của các nền kinh tế APEC và xác định những cách thức chung nhằm mở ra cơ hội kinh tế, sự thịnh vượng và tăng trưởng.
Xem thêm:
The White House ngày 10/2/2022: Statement by Press Secretary Jen Psaki on the United States Hosting APEC in 2023
Mỹ tổ chức cuộc họp Hành động COVID-19 Toàn cầu
Ngoại trưởng Antony J. Blinken sẽ triệu tập cuộc họp Hành động COVID-19 Toàn cầu trực tuyến vào ngày 14/2/2022. Thông qua cuộc họp, Ngoại trưởng của các nước, các nhà lãnh đạo từ các tổ chức khu vực và quốc tế sẽ thảo luận về vai trò lãnh đạo cũng như những hành động sẽ được thực hiện trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động COVID-19 Toàn cầu, được xây dựng dựa trên các chủ đề của Hội nghị Thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu của Tổng thống Biden về tiêm chủng cho thế giới và xây dựng an ninh y tế tốt hơn.
Xem thêm:
U.S. Department of State ngày 11/2/2022: COVID-19 Global Action Meeting
Đánh giá ban đầu của một số chuyên gia
Craig Singleton, thành viên cấp cao của Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ, cho biết chiến lược của Biden “gần như không thể phân biệt được” với chiến lược của Obama, mặc dù từ năm 2016 tới nay đã có rất nhiều thay đổi trong khu vực.
Singleton cho rằng kế hoạch này thiếu tính cụ thể, thiếu chi tiết và có những lỗ hổng lớn trong việc tăng cường vị trí địa kinh tế của Mỹ ở châu Á.
Những nỗ lực trước đây nhằm tập trung sự chú ý vào Thái Bình Dương đã gặp khó khăn một phần vì thực tế địa chính trị ở các khu vực khác đang đòi hỏi sự chú ý. Đối với Obama, đó là Trung Đông. Đối với Biden, đó là Nga. Ngay trước khi Nhà Trắng công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vào thứ Sáu, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng Nga có thể xâm lược Ukraine bất cứ lúc nào và kêu gọi người Mỹ rời khỏi đất nước trong vòng hai ngày.
Một số chuyên gia đang tìm hiểu xem liệu Biden có thực sự tuân theo chiến lược hứa hẹn tăng cường cam kết với khu vực và tái định hướng các liên minh hay không.
Brent Sadler, một sĩ quan Hải quân đã nghỉ hưu từng là tùy viên quốc phòng cho biết: “Lời nói và chiến lược cũng như tuyên bố chính sách là tuyệt vời, nhưng điều thực sự quan trọng là những gì sẽ xảy ra trong sáu tuần tới sáu tháng tới trong đầu tư thực sự để hiện thực hóa chiến lược này.”
Xem thêm:
Defense One ngày 11/2/2022: Biden’s Indo-Pac Strategy Will Rely On Partnerships To Counter China
———-
II- HỘI NGHỊ NGOẠI TRƯỞNG BỘ TỨ
Bộ Ngoại giao Mỹ: Hoa Kỳ và Úc: Quan hệ Đối tác Quan trọng cho Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Thế giới
Trước thềm cuộc họp Bộ Tứ trực tiếp tại Melbourne, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố văn bản về quan hệ Hoa Kỳ – Úc mà Mỹ gọi là “Quan hệ Đối tác Quan trọng cho Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thế giới”.
Trước tiên đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhóm Bộ Tứ đã đạt được những tiến bộ rõ ràng đối với những thách thức quan trọng trong khu vực, đặc biệt là mối quan hệ đối tác vắc xin đã cam kết mở rộng sản xuất vắc xin COVID-19 an toàn và hiệu quả. Đồng thời, các quốc gia Bộ Tứ cũng đang làm việc với các quốc gia xung quanh khu vực để tăng cường an ninh hàng hải, chống khủng bố, chống thông tin sai lệch và an ninh mạng cũng như cứu trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa, bao gồm hợp tác hỗ trợ Tonga sau vụ phun trào núi lửa, tro bụi, và sóng thần gần đây. Bên cạnh đó, quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS – Úc, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ – được tăng cường, thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc phục hồi và củng cố các mối quan hệ đối tác nhằm đối mặt với những thách thức của thế kỷ 21. Đối với thế giới, sự hợp tác song phương giữa Hoa Kỳ và Úc đã thúc đẩy nghiên cứu đổi mới, nâng cao năng suất kinh tế và duy trì các tiêu chuẩn cao nhất cho các công nghệ mới nổi, bao gồm khoa học thông tin lượng tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất tiên tiến và công nghệ năng lượng sạch. Cả hai nước cũng đang nỗ lực xây dựng các chuỗi cung ứng mạnh mẽ, có trách nhiệm về các khoáng sản và kim loại năng lượng sạch thông qua Sáng kiến Quản trị Tài nguyên Năng lượng (ERGI) và sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác song phương thông qua Nhóm Công tác về Khí hậu của các quốc gia Bộ Tứ và các sáng kiến đa phương có liên quan khác. Ngoài ra, mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ và ngày càng phát triển của hai nước cũng đóng vai trò củng cố niềm tin và lợi ích chung trên toàn thế giới.
Xem thêm:
U.S. Department of State ngày 8/2/2022: The United States and Australia: A Vital Partnership for the Indo-Pacific Region and the World
Hội nghị Ngoại trưởng Bộ Tứ lần thứ tư
Vào ngày 11/02/2022, Australia khai mạc Hội nghị các Ngoại trưởng Nhóm Bộ Tứ lần thứ tư, với sự tham dự của Ngoại trưởng các nước Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ. Trong cuộc họp, Ngoại trưởng của các nước đã tập trung vào việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để giải quyết những thách thức quan trọng nhất của khu vực. Họ khẳng định tiếp tục hỗ trợ các đối tác ASEAN thúc đẩy việc triển khai thực tế Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Về dịch bệnh COVID-19, các đối tác của nhóm Bộ Tứ cam kết tài trợ hơn 1,3 tỷ liều vắc xin trên toàn cầu, hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế, chống lại sự chậm trễ về vắc xin và tăng cường cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin. Về sự gia tăng của các thảm họa thiên nhiên, đặc biệt là vụ phun trào núi lửa, tro bụi và sóng thần của đảo Hunga Tonga-Hunga Ha’apai vào tháng 1/2022, Ngoại trưởng của bốn nước cam kết tăng cường hơn nữa sự hợp tác và xây dựng mối liên kết giữa các cơ quan ứng phó nhằm cung cấp hỗ trợ nhân đạo và ứng phó thiên tai (HADR) kịp thời và hiệu quả cho khu vực. Bên cạnh đó, Bộ Tứ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), để đối phó với các thách thức đặt ra với trật tự dựa trên luật lệ trên biển, kể cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bộ Tứ quyết tâm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác với các đối tác trong khu vực, bao gồm: Thông qua nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật, để tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải; Bảo vệ khả năng phát triển các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với UNCLOS; Đảm bảo tự do hàng hải và hàng không; Chống lại các thách thức, chẳng hạn như đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát; Và thúc đẩy an toàn và an ninh của các tuyến giao thông trên biển. Ngoài ra, tuyên bố chung của Hội nghị cũng đề cập đến những nỗ lực của các quốc gia Bộ Tứ bao gồm: trao đổi thông tin về các mối đe dọa ngày càng tăng và làm việc với các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như tại các diễn đàn đa phương, để chống lại mọi hình thức khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực; hỗ trợ các nước láng giềng trong khu vực xây dựng khả năng phục hồi và chống lại thông tin sai lệch.
Các cuộc họp bên lề Hội nghị. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ phát biểu về Bộ Tứ
Bên lề Hội nghị, Ngoại trưởng Antony J. Blinken đã có cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hayashi Yoshimasa. Hai bên nhấn mạnh sự hợp tác đối với các ưu tiên chung về chuỗi cung ứng, khoáng sản quan trọng và nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm cả việc thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Tổng thống Biden đề xuất.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Blinken cũng có cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne. Cả hai đã thảo luận về tầm quan trọng của Bộ Tứ trong việc đạt được tiến bộ rõ ràng về những thách thức và cơ hội cấp bách mà khu vực đang đối mặt cũng như các bước để thúc đẩy việc thực hiện quan hệ đối tác ba bên AUKUS.
Cuối cùng, trong bài phát biểu trước báo chí trên đường đi Melbourne của Bộ trưởng Antony J. Blinken, ông cho biết sau hội nghị, ông sẽ di chuyển đến Fiji và cuối cùng kết thúc chuyến đi ở Hawaii cho một cuộc họp với các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc tại đây.
Không nằm ngoài dự đoán, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối cuộc họp Bộ Tứ. Trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Úc, khi được yêu cầu bình luận về sự phản đối của Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói rằng Bộ Tứ ở đây để đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực. Hành động và lập trường của Bộ Tứ là khá rõ ràng. Việc chỉ trích Bộ Tứ liên tục không làm cho Bộ Tứ kém tín nhiệm hơn.
Xem thêm:
U.S. Department of State ngày 8/2/2022: Secretary Antony J. Blinken Remarks to the Press En Route Melbourne, Australia
U.S. Department of State ngày 11/2/2022: Joint Statement on Quad Cooperation in the Indo-Pacific
U.S. Department of State ngày 11/2/2022: Secretary Blinken’s Meeting with Japanese Foreign Minister Hayashi
U.S. Department of State ngày 11/2/2022: Secretary Blinken’s Meeting with Australian Foreign Minister Payne
Australia and India Foreign Minister’s Press conference | 12.02.2022 | Full PC
———-
III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật Cạnh Tranh Trung Quốc
Vào ngày 4/2/2022, Hạ viện đã thông qua dự luật nhằm tăng khả năng cạnh tranh kinh tế của Hoa Kỳ với Trung Quốc được gọi là Đạo luật Cạnh Tranh Trung Quốc. Dự luật với mục đích sẽ dành gần một phần tư nghìn tỷ đô la để trợ cấp cho sản xuất chất bán dẫn trong nước và nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và các công nghệ quan trọng khác.
Xem thêm:
Lawfare ngày 7/2/2022: House of Representatives Passes China Competition Bill
Các tàu đổ bộ mới có thể được trang bị cho lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc
Lực lượng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ cho biết họ cần tàu chiến đổ bộ hạng nhẹ có thể nhanh chóng tiếp cận các bãi biển ở Tây Thái Bình Dương để đưa binh lính và các phương tiện bắn tên lửa lên các thực thể nhằm đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Xem thêm:
Star Advertiser ngày 7/2/2022: Army vessels could be transferred to Marines to counter China threat
Hoa Kỳ ban hành danh sách cập nhật các công nghệ quan trọng và mới nổi
Các công nghệ quan trọng và mới nổi (CET) là một tập hợp con của các công nghệ tiên tiến có thể quan trọng đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Hướng dẫn Chiến lược Tạm thời năm 2021 xác định ba mục tiêu an ninh quốc gia là: bảo vệ an ninh của người dân Hoa Kỳ, mở rộng cơ hội và thịnh vượng kinh tế, hiện thực hóa và bảo vệ các giá trị dân chủ. Danh sách mới được phát hành xác định 19 CET có tiềm năng thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, vật liệu mới, công nghệ sinh học, năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo và công nghệ vũ trụ được xây dựng dựa trên Chiến lược quốc gia về công nghệ quan trọng và mới nổi vào tháng 10/2020.
Xem thêm:
U.S. Department of State ngày 8/2/2022: United States Releases Updated List of Critical and Emerging Technologies
Tải toàn văn danh sách ở đây.
Mỹ đồng ý cung cấp thiết bị và dịch vụ quân sự trị giá 100 triệu USD cho Đài Loan để “duy trì, bảo dưỡng và cải tiến” hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot
Theo Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chấp thuận đề nghị của Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Washington về việc bán thiết bị và dịch vụ quân sự trị giá 100 triệu USD cho Đài Loan nhằm “cải thiện an ninh, hỗ trợ ổn định chính trị, cân bằng quân sự, kinh tế và tiến bộ trong khu vực”. Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng cho biết: “việc mua bán này phục vụ lợi ích quốc gia, kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ thông qua hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng vũ trang [của Đài Loan] và duy trì khả năng phòng thủ đáng tin cậy của hòn đảo này”.
Bộ Ngoại giao Đài Loan đã ra tuyên bố hoan nghênh quyết định này của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trong khi đó tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã đe doạ “sẽ thực hiện các biện pháp thích hợp và mạnh mẽ để bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích an ninh của mình,” tuy nhiên ông Kiên không nói rõ các biện pháp đáp trả của Bắc Kinh.
Xem thêm:
The Defense Security Cooperation Agency ngày 72/2022: TAIPEI ECONOMIC AND CULTURAL REPRESENTATIVE OFFICE IN THE UNITED STATES – INTERNATIONAL ENGINEERING SERVICES PROGRAM (IESP) AND FIELD SURVEILLANCE PROGRAM (FSP) SUPPORT
Reuters ngày 8/2/2022: U.S. approves $100 million sale for Taiwan missile upgrades
Đài Loan gọi tuyên bố chung Nga – Trung là sự xúc phạm chủ quyền của Đài Loan
Vào ngày 5/2/2022, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã lên án tuyên bố chung do Nga và Trung Quốc đưa ra cùng ngày về Đài Loan. Thông cáo nói dù Chính phủ Trung Quốc có cố gắng bóp méo quan điểm về Đài Loan như thế nào thì cũng không thể thay đổi được thực tế rằng Trung Quốc chưa bao giờ cai trị Đài Loan và chỉ một Chính phủ do người Đài Loan bầu chọn tự do mới có thể đại diện cho quốc gia này trên trường quốc tế.
Xem thêm:
Taiwan News ngày 5/2/2022: MOFA calls Russia-China joint statement an affront to Taiwan’s sovereignty
Đài Loan nhận thấy dư địa ‘rất lớn’ cho hợp tác với EU trong ngành công nghiệp chip
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết họ nhận thấy dư địa hợp tác “rất lớn” với EU về sản xuất chất bán dẫn cũng như mở rộng thương mại và đầu tư với khối. Hôm thứ Ba ngày 8/2/2022, EU đã công bố một kế hoạch kêu gọi khối này chi 48 tỷ USD tới năm 2030 để thúc đẩy ngành công nghiệp chip và coi Đài Loan là một “đối tác cùng chí hướng” mà Châu Âu nên hợp tác trong vấn đề này. Lời kêu gọi hợp tác lớn hơn được đưa ra trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Xem thêm:
Reuters ngày 9/2/2022: Taiwan sees ‘enormous’ room for chip cooperation with EU
South China Morning Post ngày 9/2/2022: EU rolls out a red carpet for TSMC and other semiconductor giants
Ủy ban của Quốc hội Australia ủng hộ Đài Loan gia nhập CPTPP
Trong một báo cáo vào ngày 10/2/2022, Ủy ban Thường trực hỗn hợp về Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại của Quốc hội Australia khuyến nghị chính phủ “khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc Đài Loan gia nhập” Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và xem xét một hiệp định thương mại song phương với Đài Bắc. Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết Ủy ban thường trực của Quốc hội Australia kêu gọi chính phủ nước này ủng hộ nỗ lực tham gia CPTPP của Anh, Hàn Quốc. Ủy ban cũng kêu gọi Mỹ xem xét lại việc tham gia hiệp định, đồng thời ủng hộ các cuộc đàm phán không chính thức để tiến tới kết nạp thêm Indonesia, Thái Lan và Philippines.
Xem thêm:
The Australian ngày 10/2/2022: ‘Taiwan should join trade bloc’: Parliamentary committee recommends. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Trang Quốc hội Úc: Applications to the CPTPP: the United Kingdom, China, Taiwan and South Korea
Đài Loan, Canada, Nhật Bản, Anh muốn cùng tham gia với EU trong vụ kiện Trung Quốc tại WTO
Tờ Politico dẫn nguồn tin từ các quan chức và nhà ngoại giao cho biết, Đài Loan, Canada và Nhật Bản đã yêu cầu tham gia vụ kiện của EU đối với Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cáo buộc Bắc Kinh có hành động mang tính phân biệt đối xử trong lĩnh vực thương mại nhằm vào Litva. Trong một tuyên bố của Canada về các vấn đề toàn cầu, chính phủ nước này đã nêu rõ sự quan ngại về việc các hành động thương mại gần đây của Trung Quốc đối với Litva, cũng như hàng hóa và dịch vụ của EU liên quan Litva, có thể làm suy yếu hệ thống thương mại dựa trên luật lệ quốc tế và các thể chế liên quan. Bên cạnh đó, Canada cũng phản đối mọi hành động mang tính cưỡng ép trong lĩnh vực kinh tế và ủng hộ thương mại quốc tế dựa trên quy tắc của WTO.
Theo Reuters, Anh cũng sẽ cùng với Mỹ và Australia ủng hộ vụ kiện của Liên minh Châu Âu. Bộ trưởng Thương mại Anh cho biết sẽ phản đối “các hoạt động thương mại mang tính ép buộc”.
Xem thêm:
Reuters ngày 7/2/2022: Britain joins EU-China WTO challenge over Lithuania
Politico ngày 10/2/2022: Taiwan, Canada, Japan ask to join EU’s WTO case against China
Nhật Bản sẽ cung cấp một phần dự trữ LNG cho Châu Âu trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine
Vào ngày 9/2/2022, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết Nhật Bản sẽ cung cấp một phần khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu cho Châu Âu từ tháng 3 khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây âm ỉ về vấn đề Ukraine làm suy yếu an ninh năng lượng trong khu vực.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 9/2/2022: Japan to supply part of LNG reserves to Europe amid Ukraine crisis
Các hoạt động của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar trong chuyến thăm đến Úc, Đức, Pháp
Vào ngày 10/02/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã bắt đầu chuyến thăm Australia và tham dự Hội nghị các Ngoại trưởng Nhóm Bộ Tứ lần thứ tư. Ngoài ra, ông S. Jaishankar cũng đã có cuộc đối thoại với người đồng cấp Australia Marise Payne. Điểm dừng chân tiếp theo của Jaishankar sẽ là Munich, Đức. Tại đây, ông dự kiến sẽ tham gia Hội nghị An ninh Munich diễn ra từ ngày 18 đến 20/2/2022, đồng thời đây cũng là chuyến thăm cấp cao đầu tiên từ Delhi tới Đức kể từ khi Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo chính phủ mới. Cuối cùng, Ngoại trưởng S. Jaishankar sẽ dừng chân ở Pháp, nơi ông sẽ tham gia Diễn đàn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương – Paris vào ngày 22/02/2022 dưới sự chủ trì của Pháp, Chủ tịch Hội đồng Liên hiệp Châu Âu. Tại đây, ông cũng sẽ có cuộc họp ba bên với Ấn Độ và Úc. Một cuộc họp khác sẽ diễn ra là cuộc gặp gỡ của các bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ, Indonesia và Australia.
Xem thêm:
The Hindu ngày 9/2/2022: Jaishankar heads for Quad meet with vaccines, tech, China on agenda
Wio News ngày 10/2/2022: EAM Jaishankar to visit Munich, Paris; India, Australia, France FMs trilateral on anvil
———-
IV- TRÊN BIỂN
Tàu giám sát đại dương của Hải Quân Hoa Kỳ hoạt động tại Biển Đông. Hải cảnh Trung Quốc duy trì tiếp cận hoạt động dầu khí của Việt Nam
Trong khi các tàu giám sát đại dương của Hoa Kỳ luân phiên hoạt động tại Biển Đông với mục đích có lẽ nhằm giám sát hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc vào, ra căn cứ Á Long, giám sát tuyến đường di chuyển của tàu ngầm qua eo Bashi và khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, Hải cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì hiện diện lâu dài tại Bãi Tư Chính và tiếp cận các khu vực khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực Lô 06.1, Lô 05.2 và Lô 05.3.
Xem thêm:
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 10/2/2022: Tàu Giám Sát Đại Dương Của Hải Quân Hoa Kỳ Hoạt Động Tại Biển Đông. Hải Cảnh Trung Quốc Duy Trì Tiếp Cận Hoạt Động Dầu Khí Của Việt Nam
Máy bay không người lái “bí ẩn” bay quanh đảo Đông Dẫn của Đài Loan
Ngày 6/2/2022, Taiwan News đưa tin quân đội Đài Loan đang mở cuộc điều tra về 1 máy bay không người lái (UAV) “bí ẩn” đã bay quanh đảo Đông Dẫn, hòn đảo tiền tiêu có diện tích gần 4 km2 thuộc nhóm đảo Mã Tổ, gần tỉnh Phúc Kiến. Người dân địa phương cho biết đã phát hiện một chiếc UAV bay ở độ cao thấp xung quanh hòn đảo vào chiều 5/2 vừa qua và đây không phải lần đầu tiên một chiếc UAV không xác định bay lượn trên đảo. Nhiều người nghi ngờ đây là một UAV của Trung Quốc nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng xác nhận.
Theo Ian Easton từ Dự án 2049, việc Trung Quốc đưa một “máy bay dân sự” tới hòn đảo Đông Dẫn là một bước đi chính trị “kinh điển” bởi vì nếu Đài Loan nổ súng sẽ kích hoạt hành động vũ trang còn nếu kiềm chế thì có vẻ như Đài Loan “đang yếu đi”.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, Trung Quốc đã đưa 1 máy bay do thám Y–8 RECCE và 1 máy bay tiêm kích săn ngầm Y-8 ASW đi vào vùng nhận diện phòng không phía Tây Nam của Đài Loan trong ngày 5/2. Con số này trong các ngày sau đó lần lượt là: 2 chiếc tiêm kích săn ngầm Y-8 ASW trong ngày 6/2; 5 máy bay quân sự (bao gồm: 1 chiếc Y-8 EW, 1 chiếc Y-8 ASW, 1 chiếc máy bay trinh sát điện tử Y-8 ELINT và 2 chiếc tiêm kích J-16) trong ngày 9/2 và 11 chiếc (bao gồm: 1 chiếc Y-8 EW, 1 chiếc Y-8 ASW, 1 chiếc Y-8 RECCE và 8 chiếc J-16) trong ngày 10/2.
Theo tờ Hoàn cầu Thời báo, hôm thứ Năm ngày 9/2/2022, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tập trận đồng thời ở ba vùng biển lớn nhằm phô diễn khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Trung Quốc sau khi Mỹ và Nhật Bản tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn dọc theo chuỗi đảo đầu tiên gần đảo Đài Loan khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 bắt đầu. Ba vùng biển đó là Biển Hoa Đông, Biển Đông và Hoàng Hải.
Xem thêm:
Taiwan News ngày 6/2/2022: Mysterious drone flies over Taiwan’s Dongyin Island
Bình luận của Ian Easton ngày 9/2/2022
Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 5/2/2022: 我西南空域空情動態
Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 6/2/2022: 我西南空域空情動態
Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 9/2/2022: 我西南空域空情動態
Bộ Quốc phòng Đài Loan ngày 10/2/2022: 我西南空域空情動態
Global Times ngày 10/2/2022: PLA holds simultaneous drills after US, Japan exercise near Taiwan island
Hải quân Hoa Kỳ xác nhận video rò rỉ về vụ rơi máy bay F-35C ở Biển Đông
Ngày 7/2/2021, Hải quân Hoa Kỳ đã xác nhận tính xác thực của đoạn video bị rò rỉ được cho là của máy bay chiến đấu F-35 đâm vào tàu sân bay sau đó rơi xuống Biển Đông. Trong tháng 1, Hải quân cho biết một chiếc F-35C Lightning II đã gặp “trục trặc khi hạ cánh” trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson khi thực hiện các hoạt động diễn tập. Đoạn clip dài 1 phút về vụ việc đã bị rò rỉ và bắt đầu xuất hiện trên một số phương tiện truyền thông. Trong đoạn video ngắn, người ta có thể nghe thấy tiếng la hét khi máy bay bất ngờ mất lái và lao xuống boong tàu USS Carl Vinson sau đó bốc cháy và va chạm với boong tàu trước khi rơi xuống Biển Đông. Hải quân Hoa Kỳ trước đó cũng xác nhận, phi công đã kịp phóng ra khỏi máy bay trước khi nó rơi xuống biển. Vụ tai nạn đã làm 7 người bị thương trong đó 3 người phải điều trị tại một cơ sở y tế ở Philippines trong khi 4 người còn lại được điều trị trực tiếp trên tàu sân bay.
Zachary Harrell, phát ngôn viên của Lực lượng Phòng không Hải quân, xác nhận rằng đoạn video là từ vụ tai nạn và một cuộc điều tra đang được tiến hành. “Chúng tôi được biết rằng đã có sự phát tán trái phép đoạn phim video từ camera trên boong tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN 70) về vụ tai nạn F-35C Lightning II xảy ra vào ngày 24/1 ở Biển Đông”, Zachary Harrell cho biết.
Xem thêm:
CNN ngày 7/2/2022: See leaked footage of fighter jet crashing into South China Sea
Fox News ngày 7/2/2022: Video shows Navy jet crashing onto deck of USS Carl Vinson in South China Sea
The Hill ngày 7/2/2022: Navy confirms leaked video of F-35 crash on carrier in South China Sea
Đài Châu Á Tự do ngày 8/2/2022: US Navy investigates leak of F-35 crash video
———-
V- CHUYỂN ĐỘNG ĐÔNG NAM Á
Thư ngày 22/12/2021 của Đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc tự đánh giá nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Trong thư, đại diện Việt Nam đã đánh giá lại các công việc của phái đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ giữ chức vụ Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Những công việc Việt Nam đã thực hiện bao gồm: Tại khu vực Châu Phi: các vấn đề liên quan đến Mali, Vùng Hồ lớn, Sudan và Nam Sudan, Ethiopia, Libya, Somalia, Tây Sahara; Tại khu vực Châu Á: hỗ trợ và thúc đẩy các công tác nhằm mục tiêu hòa bình tại Myanmar; Tại khu vực Trung Đông: Tích cực trong việc thúc đẩy các hoạt động giải quyết vấn đề Trung Đông của Cộng hòa Ả Rập thống nhất, Yemen, các vấn đề có liên quan đến Palestine; Tại khu vực Châu Âu: một cuộc họp cũng đã được tổ chức tại Kosovo nhằm kêu gọi các bên tham gia đối thoại, tìm kiếm các giải pháp giải quyết xung đột; Tại khu vực Châu Mỹ, các vấn đề liên quan đến Colombia và những thách thức mà quốc gia này đối mặt cũng được quan tâm giải quyết.
Ngoài ra trong thư cũng đề cập đến các vấn đề khác như các mối đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế do các hoạt động khủng bố gây ra. Trong nhiệm kỳ làm việc của mình, Việt Nam cũng đã cùng với Hội đồng bảo an giải quyết các vấn đề liên quan đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, xung đột bạo lực tình dục, hoạt động hợp tác của Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực và tiểu vùng, bảo vệ người dân trong các cuộc xung đột vũ trang.
Xem toàn văn Thư tại đây: Letter dated 22 December 2021 from the Permanent Representative of Viet Nam to the United Nations addressed to the President of the Security Council
Bộ Quốc phòng Trung Quốc tặng vaccine cho Bộ Quốc phòng Việt Nam
Tối ngày 8/2/2022, lễ bàn giao 300.000 liều vaccine Vero-Cell của Sinopharm do Bộ Quốc phòng Trung Quốc tặng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã được tổ chức tại sân bay Nội Bài. Sự kiện có sự hiện diện của Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến và Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba. Trước đó, ngày 23/8/2021, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã trao tặng Bộ Quốc phòng Việt Nam 200.000 liều vaccine Vero-Cell.
Xem thêm:
Quân đội Nhân dân ngày 8/2/2022: Bộ Quốc phòng Trung Quốc tặng Bộ Quốc phòng Việt Nam thêm 300.000 liều vaccine
Không quân Nhật Bản hỗ trợ Không quân Việt Nam trong tìm kiếm cứu nạn
Theo trang Facebook của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, ngày 9/2/2022, Bộ trưởng Kishi Nobuo đã có cuộc gặp với các nhân sự của Lực lượng Phòng vệ trên không của nước này được gửi sang Việt Nam để cố vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
Xem bài đăng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản tại đây
Việt Nam tổng kết, đánh giá “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”
Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” ngày 10/2/2022, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo, nhận định Việt Nam cần tổng kết, đánh giá lại Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI trong tình hình mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam và tình hình phát triển đất nước, tình hình thế giới hiện nay. Ông cho biết theo dự kiến, Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII (tháng 10 năm 2023) sẽ tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết này.
Xem thêm:
Công an Nhân dân ngày 10/2/2022: Tích cực chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Indonesia tái cơ cấu Hải quân, tập trung vào thực thi các tuyên bố hàng hải
Bộ Tư lệnh Hạm đội Indonesia (Komarda Ri) mới đây đã thông báo tái cơ cấu trong đó tập trung vào các vùng biển tranh chấp ở khu vực phía tây của nước này như vùng biển Natuna, eo biển Malacca, eo biển Singapore và biên giới trên biển giữa Indonesia với Ấn Độ. Việc tái cơ cấu này diễn ra trong bối cảnh Indonesia đang tăng cường năng lực quốc phòng nhằm hỗ trợ các hoạt động hải quân tại các vùng biển gần quần đảo Natuna mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Việc tái cơ cấu có thể không thay đổi ngay lập tức cán cân quyền lực trong khu vực nhưng có thể tăng nguy cơ xảy ra xung đột cục bộ với Trung Quốc vốn đã tăng cường các hoạt động hàng hải trong vùng biển Natuna nhiều chưa từng thấy trong năm 2021.
Xem thêm:
Stratfor ngày 4/2/2022: Indonesia: Naval Restructuring Highlights Focus on Enforcing Maritime Claims
Pháp ký thỏa thuận bán 42 máy bay phản lực Rafale trị giá 8,1 tỷ USD cho Indonesia
Ngày 10/2/2022, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết Indonesia sẽ đặt hàng 42 máy bay chiến đấu Rafale trong hợp đồng trị giá 8,1 tỷ USD là một phần của thỏa thuận phát triển tàu ngầm và vũ khí của quốc gia Đông Nam Á này. Thỏa thuận mới sẽ đưa Jakarta trở thành khách hàng vũ khí lớn thứ hai của Pháp tại khu vực Đông Nam Á sau Singapore và giúp Pháp mở rộng quan hệ địa chính trị ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sau khi Mỹ, Anh và Australia thành lập liên minh chiến lược mới mang tên AUKUS vào năm ngoái. Một quan chức Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, các máy bay trong hợp đồng mới sẽ được sản xuất tại Dassault Aviation, Safran và Thales; giai đoạn đầu hơn 6 máy bay phản lực Rafale sẽ được thực hiện trong vài tháng tới trong khi 36 chiếc còn lại sẽ được bàn giao vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Xem thêm:
Reuters ngày 10/2/2022: France seals $8.1 billion deal with Indonesia to sell 42 Rafale jets
Hoa Kỳ chấp thuận thương vụ máy bay F-15ID trị giá 13,9 tỷ USD cho Indonesia
Theo Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đồng ý có thể bán máy bay chiến đấu F15ID và các thiết bị liên quan trị giá 13,9 tỷ USD cho Indonesia. Việc bán được đề xuất bao gồm 13,9 tỷ USD cho máy bay F-15ID và các thiết bị liên quan. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto cho biết họ đang xem xét thương vụ này bên cạnh việc mua hàng từ các quốc gia khác để nâng cấp các hạm đội không quân của quốc đảo này.
Xem thêm:
Reuters ngày 10/2/2022: US approves $13.9 billion potential sale of F-15ID aircraft to Indonesia
Defense Security Cooperation Agency ngày 10/2/2022: Indonesia – F-15ID Aircraft
Nhật Bản, Philippines lần đầu họp “2+2” cấp bộ trưởng
Nhật Bản và Philippines dự kiến sẽ lần đầu tổ chức cuộc họp theo thể thức 2+2 vào tháng 2 này, Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao. Đây là một phần của thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước vào tháng 11 vừa qua. Philippines là quốc gia thứ 9 – và là nước Đông Nam Á thứ hai (sau Indonesia) – thiết lập cơ chế này với Nhật Bản.
Xem thêm:
Japan Times ngày 9/2/2022: Japan and Philippines to hold ‘two-plus-two’ security talks in late February
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á sắp tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao
ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp Ngoại trưởng thường niên từ ngày 16 đến 17/2/2022 tại Campuchia, đánh dấu sự khởi đầu chính thức của Campuchia với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2022. Trong số các nội dung nằm trong nghị trình, nhóm sẽ thảo luận về cuộc xung đột đang diễn ra ở Myanmar và tiến trình của Thỏa thuận 5 điểm (FPC) và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. ASEAN đang khẳng định tính hợp pháp của mình đối với FPC, và chính quyền Myanmar sẽ không có đại diện chính trị tại cuộc họp này do thiếu tiến bộ về FPC. Tuy nhiên, Campuchia đã bất đồng với các thành viên khác về việc loại trừ chính quyền Myanmar khỏi các cuộc họp ASEAN.
Xem thêm:
Stratfor ngày 12/2/2022: The Weekly Rundown: An EU-AU Summit, the German Chancellor in Ukraine and Russia
———-
VI- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Cơ quan quản lý Trung Quốc nói các ông chủ công nghệ Trung Quốc hoan nghênh hướng dẫn của Bắc Kinh sau một năm bão tố về những quy định siết chặt ngành công nghệ
Các ông chủ của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, bao gồm Pony Mã Hóa Đằng của Tencent Holdings và Daniel Dũng của Alibaba Group Holding, đã hoan nghênh các hướng dẫn chính sách công nghệ mới nhất của Bắc Kinh được đưa ra tại một hội nghị chuyên đề vào tháng trước, Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) công bố hôm thứ Năm 10/2/2022.
“Ông Mã cho biết ông ấy một lần nữa cảm nhận được sự quan tâm và chăm sóc mà Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản, Quốc vụ viện và các cấp chính quyền đã dành cho sự phát triển của ngành công nghiệp Internet,” tuyên bố cho biết.
Chủ tịch Alibaba thì nói rằng các quy định được tạo ra với mục đích “phát triển lành mạnh hơn” và tuân thủ là điều kiện tiên quyết để tăng trưởng kinh doanh, theo tuyên bố.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 10/2/2022: China tech bosses hail Beijing’s guidance after year of regulatory storm
Dự thảo quy định mới của Trung Quốc tăng quyền lực cho Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin trong việc chuyển dữ liệu xuyên biên giới
Ngày 11/2/2022, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) đã công bố dự thảo quy định cập nhật về dữ liệu với các quy định khắt khe hơn bản thảo trước đó được ban hành vào tháng 9/2021 trong việc quản lý và chuyển dữ liệu. Dự thảo mới không cho phép các công ty xử lý dữ liệu “cung cấp dữ liệu được lưu trữ ở Trung Quốc cho các cơ quan thực thi pháp luật về công nghiệp, viễn thông và vô tuyến ở nước ngoài mà chưa được sự chấp thuận của MIIT”.
Nếu quy định – hiện đang được lấy ý kiến phản hồi từ công chúng cho đến ngày 21/2 – có hiệu lực sẽ giúp MIIT trở thành một nhân tố mạnh mẽ khác cùng với Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) trong việc quản lý các luồng dữ liệu xuyên biên giới đồng thời làm tăng độ phức tạp và chi phí đối với các công ty cộng nghiệp và công nghệ hoạt động tại Trung Quốc. Quy định mới cũng yêu cầu chủ sở hữu dữ liệu phải báo cáo trong vòng 3 tháng nếu có sự thay đổi 30% hoặc lớn hơn của “dữ liệu quan trọng hoặc cốt lõi”, bao gồm dữ liệu có thể tác động đến chính trị, lãnh thổ, quân sự, kinh tế, công nghệ, internet, sinh thái, tài nguyên và an ninh hạt nhân của Trung Quốc xuất phát từ quy mô hay nội dung của dữ liệu.
Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã tăng cường luật pháp và quy định liên quan đến dữ liệu. Luật Bảo vệ thông tin cá nhân sâu rộng là một trong những luật nghiêm khắc nhất trên thế giới về bảo mật dữ liệu cá nhân đã có hiệu lực vào tháng 11 năm ngoái. Ngoài ra, CAC cũng đã ban hành các quy định về bảo mật dữ liệu yêu cầu các công ty xử lý dữ liệu người dùng của hơn một triệu người phải được cơ quan này xem xét trước khi niêm yết ở nước ngoài. Vào tháng 10/2021, CAC đã ban bố dự thảo liên quan đến việc rà soát bảo mật dữ liệu truyền đi ngoài đất nước, tự trao quyền kiểm tra và phê duyệt việc truyền dữ liệu cá nhân hoặc quan trọng xuyên biên giới.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 10/2/2022: China’s industry ministry gives itself more power over data transfers in updated rules
———
VII- QUAN HỆ TRUNG – MỸ
Trung Quốc kêu gọi Mỹ dỡ bỏ thuế quan bổ sung, các lệnh trừng phạt
Phản ứng với báo cáo của Mỹ cho biết Trung Quốc đã không thực hiện cam kết mua hàng theo Thỏa thuận Thương mại giai đoạn 1, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói rằng Trung Quốc đã nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện chung thỏa thuận kinh tế và thương mại giai đoạn một với Hoa Kỳ kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực. Trung Quốc đã vượt qua nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ông Cao kêu gọi hành động từ Hoa Kỳ nhằm tạo bầu không khí có lợi và điều kiện hợp lý để hai bên mở rộng hợp tác thương mại. Ông nói thêm rằng các nhóm công tác kinh tế và thương mại của hai bên đang liên lạc thường xuyên.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 10/2/2022: China urges US to scrap additional tariffs, sanctions-Xinhua
Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm chuyến thăm Trung Quốc của Nixon
Cũng theo Tân Hoa Xã, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tổ chức một loạt hoạt động kỷ niệm 50 năm chuyến thăm Trung Quốc của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của Tổng thống Nixon tới Trung Quốc và sự kiện ký kết Thông cáo chung Thượng Hải.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 10/2/2022: China, US to commemorate anniversary of Nixon’s China visit
———-
VIII- QUAN HỆ TRUNG – NGA
Vladimir Putin: Nga và Trung Quốc: Một đối tác chiến lược hướng tới tương lai
Trong bài viết gửi tới Tân Hoa xã trước thềm cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin khẳng định quan hệ giữa hai nước đã bước vào thời kỳ mới, đạt mức độ “chưa từng có” và trở thành hình mẫu của sự hiệu quả, trách nhiệm và hướng tới tương lai. Các nguyên tắc cơ bản của quan hệ hai nước được ông Putin liệt kê là bình đẳng, tính đến lợi ích của nhau, thoát khỏi trói buộc về chính trị và ý thức hệ, cũng như tác động từ quá khứ. Ông cũng chỉ trích một số quốc gia “chính trị hóa thể thao”, gọi đây là hành động đi ngược lại tinh thần và nguyên tắc của Olympics.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 3/2/2022: 普京通过新华社发表署名文章《俄罗斯和中国:着眼于未来的战略伙伴》
Bản dịch tiếng Anh của Tân Hoa xã: Full text of Putin’s signed article for Xinhua
Bản dịch tiếng Anh của điện Kremlin: Article by Vladimir Putin ”Russia and China: A Future-Oriented Strategic Partnership“ for the Chinese News Agency Xinhua
Trung Quốc thực sự đang nói gì về Nga và Ukraine
Khi cuộc khủng hoảng Ukraine đang diễn ra, nhiều nhà phân tích và chính trị gia đã đánh giá về vai trò của các siêu cường khác trên thế giới trong đó có Trung Quốc, từ việc Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới lựa chọn của Putin như thế nào đến việc liệu Bắc Kinh có lợi dụng cuộc khủng hoảng ở Châu Âu để tấn công Đài Loan hay không? Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc như PLA Daily gần đây đã đăng tải các bài viết cho rằng Mỹ và NATO là những “kẻ khiêu khích” trong cuộc “chiến tranh hỗn hợp” chống Nga và coi Ukraine là “con tốt trên bàn cờ” của họ, đồng thời cho rằng “an ninh khu vực” không nên được đảm bảo bằng cách tăng cường hay mở rộng các khối quân sự. Trung Quốc cũng tham gia với Nga để phản đối các lệnh trừng phạt “đơn phương” và tấn công “tâm lý Chiến tranh Lạnh” của Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay các quan điểm này vẫn chưa chuyển thành sự ủng hộ thực chất đối với hành động của Nga khi các tuyên bố của chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh “tính trung lập” và không can thiệp, giống như lập trường mà họ đã từng thực hiện trong cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014. Thay vào đó, Bắc Kinh đã bày tỏ sự ủng hộ đối với một giải pháp ngoại giao hòa bình phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận Minsk II năm 2015.
Xem thêm:
Defense One ngày 3/2/2022: What China Is Actually Saying About Russia and Ukraine
———-
IX- LUẬT QUỐC TẾ VÀ CHUYỂN ĐỘNG LIÊN HỢP QUỐC
Ủy ban Luật quốc tế: Chương trình làm việc tạm thời cho kỳ họp thứ 73
Ngày 12/1/2022, Ủy ban Luật quốc tế đã thông qua chương trình làm việc tạm thời cho kỳ họp thứ 73, sẽ được triệu tập tại Giơ-ne-vơ ngày 19/4/2022 với các nội dung:
1. Tổ chức các hoạt động của kỳ họp
2. Quyền miễn trừ của các quan chức Nhà nước khỏi cơ quan tài phán hình sự nước ngoài
3. Bảo vệ môi trường liên quan đến xung đột vũ trang
4. Các quy phạm bắt buộc của luật quốc tế (Jus Cogen)
5. Sự kế thừa quốc gia trong mối liên hệ đến trách nhiệm quốc gia
6. Các nguyên tắc chung của pháp luật
7. Vấn đề mực nước biển dâng trong luật pháp quốc tế
8. Chương trình, thủ tục và phương pháp làm việc và các tài liệu của Ủy ban
9. Ngày và địa điểm của phiên họp thứ bảy mươi tư
10. Hợp tác với các cơ quan khác
11. Các vấn đề có liên quan khác
Xem toàn văn chương trình làm việc tại: Provisional agenda for the seventy-third session
Cuộc chiến vì UNCLOS đã quay trở lại với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Theo Breaking Defense đưa tin vào ngày 4/2/2022, một nhóm dân biểu Đảng Dân chủ đang đổi mới cuộc chiến lập pháp tại Hoa Kỳ để thúc đẩy quốc gia này phê chuẩn UNCLOS 1982, một điều ước quốc tế mà từ lâu Hoa Kỳ đã chống lại mặc dù trên thực tế quốc gia này đã góp phần xây dựng nên. Theo đó, một sửa đổi cho “Nhận thức của Quốc hội” đã khẳng định rằng lợi ích tốt nhất đối với Hoa Kỳ là phê chuẩn UNCLOS và được Hạ viện nước này đặt ra trong Đạo luật Cạnh tranh, một dự luật mới nhằm thúc đẩy các nhà sản xuất của quốc gia này tăng cường khả năng cạnh tranh với Trung Quốc. Nhận thức mới này cũng được đánh giá là đưa ra vào thời điểm Lầu năm góc đang tập trung vào việc chống lại Trung Quốc thông qua việc khẳng định sức mạnh tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Các ý kiến ủng hộ đa phần lập luận rằng việc phê chuẩn UNCLOS sẽ giúp Hoa Kỳ có thêm đòn bẩy, gây áp lực buộc các quốc gia khác phải làm điều tương tự. Những lập luận được tìm thấy từ những người ủng hộ cũng cho rằng giới lãnh đạo quân đội gần như nhất quán bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phê chuẩn UNCLOS. Trong khi đó, những người phản đối cho rằng UNCLOS sẽ hạn chế một số cấp độ quyền lực về chủ quyền trên biển của quốc gia này, đồng thời không cho rằng việc phê chuẩn sẽ hỗ trợ việc quản lý hành vi của các quốc gia khác như Trung Quốc.
Để phê chuẩn UNCLOS, bài viết cho rằng cần thiết phải nhận được sự ủng hộ từ Tổng thống Joe Biden. Đặc biệt, Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ cần giải quyết những khác biệt và bất đồng liên quan đến dự luật, trong quá trình đó những nội dung liên quan đến UNCLOS có thể bị loại bỏ hoặc thay đổi. Tuy nhiên việc dự luật có được thông qua hay không vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Xem thêm:
Breaking Defense ngày 4/2/2022: The fight for UNCLOS is back with the Indo-Pacific in mind
Mauritius dong buồm đến Maldives để xác định quyền đối với Quần đảo Chagos
Vào ngày 8/2/2022, Mauritius đã cử một đoàn thám hiểm khoa học khảo sát khu vực biên giới biển của nước này với Maldives liên quan đến tranh chấp đang diễn ra với Anh về chủ quyền của Quần đảo Chagos. Thông tin từ chính phủ Mauritius cho biết, cuộc khảo sát này được tiến hành sẽ góp phần giải quyết tranh chấp giữa hai bên liên quan đến biên giới trên biển gần khu vực quần đảo Chagos.
Chuyến khảo sát lần này cũng là một sự kiện mang tính chất lịch sử đối với Mauritius khi đây là lần đầu tiên quốc gia này thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Chagos với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền đối với quần đảo này. Đặc biệt là sau sự kiện Liên Hợp Quốc đã xuất bản tấm bản đồ thế giới sửa đổi trong đó thể hiện Quần đảo Chagos là một phần của Mauritius và không còn là “Lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh” vào tháng 2/2020. Tuy nhiên, hành động lần này của Mauritius vấp phải sự phản đối của Maldives khi quốc gia này vẫn không chính thức công nhận các tuyên bố chủ quyền của Mauritius đối với Quần đảo Chagos bất chấp kết luận của Đại hội đồng LHQ vào năm 2019.
Sự kiện này cũng một lần nữa đưa vấn đề chủ quyền đối với Quần đảo Chagos trở thành tâm điểm chú ý bởi những tuyên bố chồng lấn về các vùng biển giữa Mauritius và Maldives trong các khu vực gần quần đảo này.
Xem thêm:
RFI ngày 9/2/2022: Mauritius sails to Maldives to ascertain rights over Chagos Archipelago
Nghị quyết ngày 9/12/2021 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về Đại dương và Luật biển
Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 76, Nghị điểm số 78 (b) về Đại dương và Luật Biển, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết ngày 9/12/2021 về các vấn đề liên quan đến đại dương và luật biển. Nghị quyết có nội dung toàn diện đề cập đến tất cả các vấn đề liên quan đến đại dương và luật biển, từ việc các vấn đề liên quan đến luật biển như thực thi Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các văn kiện liên quan, nâng cao năng lực, giải quyết hòa bình tranh chấp, hoạt động của các cơ chế, tổ chức liên quan đến Công ước Luật Biển 1982, đến các vấn đề cụ thể của đại dương như an toàn, an ninh hàng hải, môi trường và tài nguyên biển biển, nghiên cứu khoa học biển và hợp tác khu vực.
Xem toàn văn nghị quyết tại: Resolution adopted by the General Assembly on 9 December 2021
Dự thảo Nghị quyết về Nghề cá bền vững
Trong khuôn khổ Nghị điểm 78 (b) về Đại dương và Luật biển ngày 9/12/2021 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, đã có 21 quốc gia tham gia soạn thảo và 29 quốc gia bảo trợ dự thảo Nghị quyết về nghề cá bền vững, kể cả thông qua Hiệp định năm 1995 về thực hiện các điều khoản của UNCLOS ngày 10/12/1982 liên quan đến việc bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa, cùng các văn kiện có liên quan.
Xem toàn văn nội dung chương trình nghị tại: Seventy-sixth session Agenda item 78 (b) Oceans and the law of the sea
———-
X- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN
Richard Heydarian: Biển Đông: Đối phó với ngoại giao cao bồi của Hun Sen
Theo tác giả, để đề phòng chính sách “ngoại giao cao bồi” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen – thể hiện qua chuyến thăm Myanmar vừa qua – các nước ASEAN chủ chốt cần: (1) Không để Campuchia lạm dụng đặc quyền của nước chủ tịch mà gây tổn hại đến các nguyên tắc và lợi ích chung của khối; (2) xây dựng các cơ chế hợp tác tiểu đa phương về an ninh biển, đặc biệt giữa các nước đối mặt trực tiếp với Trung Quốc; (3) điều phối các nỗ lực ngoại giao cùng các nước chung chí hướng ngoài khu vực nhằm đạt được một COC ràng buộc pháp lý.
Xem thêm:
AMTI ngày 3/2/2022: South China Sea: Countering Hun Sen’s Cowboy Diplomacy
Michael Heazle: Tăng cường lực lượng thực thi luật pháp trên biển ở Đông Nam Á và Biển Đông
Năm năm rưỡi kể từ ngày Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ yêu sách rộng lớn trên Biển Đông của Trung Quốc vào tháng 7/2016, trật tự hàng hải quốc tế ở Đông Á vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn khi Trung Quốc tiếp tục củng cố quyền kiểm soát của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, một số thực thể ở quần đảo Trường Sa đồng thời gia tăng các hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của hầu hết các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Trật tự hàng hải trong khu vực theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) là trọng tâm của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ coi là trung tâm của an ninh và thịnh vượng khu vực. Tuy nhiên, việc chiến thuật vùng xám của Trung Quốc vẫn tiếp diễn đang làm suy yếu giá trị và tính liên của UNCLOS 1982 khi thiếu vắng một lập trường chung và thống nhất của khu vực.
Các mối đe dọa từ Bắc Kinh không chỉ làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà còn làm gia tăng đáng kể đòn bẩy kinh tế và chính trị của Trung Quốc đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á khiến Australia, Nhật Bản và Mỹ gặp khó khăn hơn nhiều trong việc xây dựng, sử dụng các biện pháp ngoại giao trong khu vực và khiến cho xung đột dễ xảy ra hơn.
Việc Trung Quốc “độc chiếm Biển Đông” có thể khiến các quốc gia xung quanh vùng biển này mất đi nguồn tài nguyên và quyền tự do hàng hải và khiến cho các kế hoạch hợp tác đa phương về quản lý tài nguyên biển trở nên vô nghĩa và khiến cho việc đánh bắt cá bất hợp pháp ở các vùng biển vốn đã cạn kiệt của Đông Nam Á và các vùng biển xung quanh bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và Australia trở nên nghiêm trọng hơn. Bằng cách hỗ trợ các quốc gia như Philippines, Malaysia, Việt Nam và Indonesia trong nỗ lực kiểm soát đánh bắt cá bất hợp pháp và các hoạt động hàng hải khác, các quốc gia thành viên Bộ Tứ bao gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia có thể gián tiếp đẩy lùi chiến lược vùng xám của Trung Quốc đồng thời giúp các quốc gia nói trên quản lý tốt hơn các vùng biển góp phần vào sự thịnh vượng chung trong tương lai.
Xem thêm:
The Strategist ngày 4/2/2022: Boosting maritime law enforcement in Southeast Asia and the South China Sea
Các chuyên gia Đông Nam Á nhận định về COC
Trong cuộc tọa đàm với chủ đề “Theo dõi Trung Quốc: Góc nhìn từ Đông Nam Á” hôm 9/2/2022, chuyên gia Hoo Tiang Boon từ Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) Singapore nhận định COC khó đạt được ngay cả trong năm 2023 vì vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải quyết như cơ chế thực thi, cơ chế giải quyết tranh chấp. Theo ông, “thà không có bộ quy tắc hơn là một bộ quy tắc tệ”, và Trung Quốc đang cố gắng câu giờ để thay đổi tình hình trên thực địa. Đồng tình với quan điểm của ông Hoo, nhà nghiên cứu Trần Thị Bích thuộc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) cũng cho rằng thà không có COC còn hơn là một COC dựa trên “điều khoản của Trung Quốc”. Trong khi đó, giáo sư Renato Cruz De Castro tại Đại học De La Salle, Manila, nhận định Trung Quốc cũng muốn tạo “sự đã rồi” trên Biển Đông, cũng như muốn loại Mỹ và Nhật ra khỏi cuộc chơi, nhưng việc Philippines chào đón sự hiện diện của hải quân Mỹ, Australia, Anh và Nhật Bản trong khu vực “phá hủy kế hoạch của Trung Quốc”.
Xem thêm:
SCMP ngày 10/2/2022: South China Sea: China-Asean code of conduct unlikely by end of the year, experts say
Brian Wong: Ba thách thức cho quan hệ Trung Quốc – ASEAN năm 2022 và cách đối phó
Theo tác giả, các thách thức trong quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN trong năm tới bao gồm: (1) Các sáng kiến kinh tế của Trung Quốc không hòa nhập đủ sâu vào hệ thống kinh tế khu vực. (2) Cho vay quá dễ dàng, dẫn đến thiếu hiệu quả. (3) Tâm lý chống Trung Quốc ở một số quốc gia. Tác giả chỉ ra, để giải quyết các vấn đề này, hai bên cần xây dựng quan hệ bình đẳng hơn trong kinh tế. Các thiết chế như BRI hay Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cần có cơ chế đánh giá hiệu quả, bao gồm cả lợi ích đối với đa số người dân lẫn môi trường, phát triển bền vững và tác động xã hội. Ngoài ra, Trung Quốc cần chinh phục cả “trái tim và khối óc” của người dân ASEAN qua hoạt động nhân đạo, minh bạch trong đầu tư và dừng giọng điệu hiếu chiến trong ngoại giao.
Xem thêm:
China-US Focus ngày 8/2/2022: Three Challenges Ahead for Sino-ASEAN Relations in 2022 — And How to Overcome Them
Luke Patey: Đối phó với cưỡng ép kinh tế
Bài viết chỉ ra các nước phương Tây đang xây dựng các động lực để chống lại sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc, bao gồm các hành động tập thể, đặc biệt khi các nước nhận thấy việc chống lại Trung Quốc đem lại ít hậu quả hơn họ từng nghĩ tới trước đây (qua trường hợp của Canada và Australia). Các chuyên gia nhận định, để chống lại sự cưỡng ép kinh tế của Trung Quốc, các nước có thể sử dụng nhiều công cụ: hỗ trợ tài chính cho nạn nhân, đa dạng hóa bạn hàng, chuẩn bị chiến lược giảm thiểu thiệt hại, chia sẻ thông tin giữa các nạn nhân, hỗ trợ các nước nhỏ kiện lên WTO, thậm chí là xây dựng liên minh thương mại.
Xem thêm:
The Wire China ngày 6/2/2022: Confronting Coercion. Một bản PDF được lưu trữ tại đây
Stratfor: Các cuộc gặp với lãnh đạo thế giới tại Olympic cho thấy ưu tiên đối ngoại của Tập Cận Bình
Bài viết nhận định các cuộc gặp của ông Tập với lãnh đạo nước ngoài nhân dịp Olympic cho thấy Trung Quốc đã đạt được mục tiêu ngoại giao, bất chấp sự tẩy chay của Mỹ và một số nước phương Tây vì lý do nhân quyền. Trong các cuộc gặp, Trung Quốc đạt được sự ủng hộ về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), mục tiêu an ninh lương thực, bảo vệ lợi ích trong khu vực và quan điểm về nhân quyền, cũng như thúc đẩy quan hệ với Trung Đông, Mỹ Latinh, Trung Á và Đông Âu.
Xem thêm:
Stratfor ngày 7/2/2022: China: Meetings With World Leaders Amid Olympics Show Xi’s Foreign Policy Priorities. Một bản PDF được lưu trữ tại đây
Eryk Bagshaw: Ba lý do khiến Đài Loan tiếp tục nói về mối đe dọa chiến tranh với Trung Quốc
Theo tác giả, lý do đầu tiên bắt nguồn từ trong nước, “mối đe dọa tấn công từ Trung Quốc” có thể giúp xã hội Đài Loan tiếp tục ủng hộ Chính phủ. Chiến lược này có lẽ đã mang lại kết quả khi Đảng Dân tiến của bà Thái Anh Văn đã thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử vào năm 2020. Lý do thứ hai là nhằm duy trì ý chí, Đài Loan muốn sử dụng áp lực từ Trung Quốc để giúp chính quyền Đài Bắc “mạnh mẽ hơn”. Và lý do cuối cùng là Đài Loan vẫn muốn sử dụng mối đe dọa từ Trung Quốc để kêu gọi sự ủng hộ từ Mỹ và các nước đồng minh, đối tác nhằm hỗ trợ Đài Loan trở thành “biểu tượng toàn cầu của nền dân chủ tự do” xứng đáng để bảo vệ. Đài Loan lo ngại kịch bản Hoa Kỳ và đồng minh rút khỏi Afghanistan có thể lặp lại và quyết tâm “chiến đấu cho chính mình” để tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Xem thêm:
The Sydney Morning Herald ngày 31/1/2022: The three reasons Taiwan keeps talking up the threat of war with China. Bản PDF được lưu trữ ở đây.
John Lee: Đừng sẵn sàng nhường thế thượng phong cho Chủ tịch Tập và Tổng thống Putin
Hiện nay, các nhà nước độc tài đang phát triển mạnh mẽ trong khi các nền dân chủ ngày càng bị coi là yếu ớt và thiếu trật tự, mà điển hình là Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, tác giả cho biết con đường phía trước của hai nhà nước này bấp bênh hơn nhiều so với các nhà nước dân chủ mà cả hai đối đầu. Trong đó, Vladimir Putin và Tập Cận Bình dường như đã trở thành đồng minh trong lập trường chống lại các nền dân chủ tự do trên thế giới và xem các mối đe dọa đối với quyền lực cá nhân là mối nguy hiểm cho đất nước. Tuy nhiên, tác giả cho biết, đối với bất kỳ vấn đề nào, bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng có thể tác động làm thay đổi sự tính toán của cả hai nhà cầm quyền này thông qua việc thể hiện đủ quyết tâm để buộc Nga và Trung Quốc phải cân nhắc cái giá phải trả và rủi ro của hành động quyết đoán của hai nhà lãnh đạo. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cần phải thay đổi tâm lý và thay đổi góc nhìn với Nga và Trung Quốc như cách họ nhìn các nước dân chủ. Cuối cùng các nước dân chủ không nên tự tạo ra khủng hoảng niềm tin mà thay vào đó hãy quan sát tất cả những sai sót cũng như điểm mạnh điểm yếu của đất nước mình và sẽ phát hiện các quốc gia dân chủ có khả năng phục hồi và thích ứng cao hơn so với các lựa chọn thay thế của Nga hoặc Trung Quốc.
Xem thêm:
The Australian ngày 6/2/2022: Don’t be so ready to cede the upper hand to Xi, Putin. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Jean-Pierre Cabestan: Các mục tiêu Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đầy tham vọng của Pháp cho vị trí Chủ tịch Liên minh Châu Âu
Việc đảm nhận chức chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu trong nửa đầu năm nay giúp Pháp có cơ hội xác định chương trình nghị sự của EU và tác động đến các chính sách dài hạn của khối này. Pháp đã rất nỗ lực trong việc tiếp cận và thỏa hiệp với các quốc gia thành viên khác khi nước này muốn biến chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Pháp thành đặc điểm ổn định trong chính sách đối ngoại và an ninh chung EU. Một nghi vấn được đặt ra: Liệu nỗ lực này có củng cố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU cũng như khả năng hành động của EU hay không? Tuy nhiên theo tác giả, EU thiếu sự thống nhất, sự chuẩn bị và các phương tiện quân sự để đưa ra các chính sách và hành động an ninh hiệu quả hơn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Pháp và EU có khả năng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách hơn, chẳng hạn như cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Pháp và cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine, khiến họ không thể thực hiện được nhiều điều như đã hứa trên mặt trận Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Xem thêm:
The German Marshall Fund of the United States ngày 8/2/2022: France’s Ambitious Indo-Pacific Goals for Its EU Presidency
Nông Hồng: Chính sách Trung Quốc của ông Biden có thay đổi trong năm 2022?
Theo Giám đốc Điều hành Viện Nghiên cứu Trung – Mỹ – một tổ chức tư vấn chính sách lãnh đạo bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc có trụ sở ở Washington nhằm thúc đẩy hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước Trung – Mỹ, các hành động của Mỹ cho thấy quan hệ Mỹ – Trung sẽ tiếp tục chiều hướng gia tăng cạnh tranh và khác biệt trong năm 2022. Tuy vậy, theo tác giả, bất chấp những khác biệt “không thể hòa giải”, hai bên đều không tạo ra mối nguy mang tính sống còn với nhau. Do đó, “quản lý sự không thể hòa giải” nên là ưu tiên hàng đầu của cả hai nước, thay vì quản lý cạnh tranh, điều này có thể được thực hiện qua các cơ chế trao đổi. Tác giả nhận định các hợp tác “có tổng dương” về thương mại, công nghệ và biến đổi khí hậu có thể giảm nhẹ cạnh tranh chiến lược, cũng như đề ra các giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.
Xem thêm:
ICAS ngày 10/2/2022: Will Biden’s China policy change in 2022?
Phương Châu: Những ngày cuối của Tập Cận Bình
Gần đây, một bài luận gồm 40.000 chữ Hán đánh giá về Tập Cận Bình đã tạo ra nhiều ý kiến. Đây là bản dịch của Geremie R. Barmé cho phần kết luận của bài tiểu luận. Về cơ bản, bài luận cho rằng ngôi sao danh vọng của ông Tập đã đạt đến đỉnh do sự tự phóng đại bản thân và những thất bại trong chính sách.
Xem thêm:
China Heritage ngày 10/2/2022: Requiem for an Autocrat — Fang Zhou on Xi Jinping’s End of Days
RFI ngày 4/2/2022: 网络文摘:客观评价习近平
———-
XI- NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH
Charles Parton (2022) China watching in the ‘New Era’ – A guide
Báo cáo gợi ý cách để đọc hiểu các thông điệp trong các tài liệu của Trung Quốc – điều tác giả cho là nguồn tài nguyên quan trọng.
Tác giả chỉ ra những tài liệu nên được xem xét bao gồm:
1, Tài liệu của đại hội đảng, hội nghị trung ương, hội nghị Bộ Chính trị, hội nghị thường vụ Bộ Chính trị (ít được đưa tin), cuộc họp của các ban đảng, tiểu tổ. Tài liệu của cuộc họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, báo cáo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cuộc họp báo bên lề của các bộ trưởng, các kế hoạch 5 năm.
2. Các kế hoạch, hướng dẫn, ý kiến, văn bản chính sách của đảng và chính phủ. Quy định, quy tắc của đảng, luật và quy định của nhà nước.
3. Phát biểu, tuyên bố. Các bài bình luận trên báo chí tiếp sau các phát biểu quan trọng. Các bài xã luận trên Nhân dân Nhật báo.
4. Sách trắng của chính phủ.
5. Tài liệu từ các sự kiện quan trọng khác.
6. Các bài viết trên Nhân dân Nhật báo, Cầu Thị, Tân Hoa xã, Hoàn Cầu, Giải phóng quân báo, tiếng Anh và tiếng Trung. Nguồn tin từ các tỉnh thành.
Đề cập đến “10 hướng dẫn đọc tài liệu Trung Quốc” của giáo sĩ dòng Tên Lazlo Ladany, cựu biên tập China News Analysis, tác giả chỉ ra một số lưu ý:
1. Phân biệt thực tế và tuyên truyền.
2. So sánh với tài liệu tương tự trong quá khứ.
3. Để ý đến phần “vấn đề”.
4. Chú ý đến các khẩu hiệu, biệt ngữ. Dùng Baidu để tra cứu ý nghĩa.
5. Chú ý cả đến những điều không xuất hiện.
Tác giả cũng chỉ ra người đọc cần chuẩn bị trước một số kiến thức nền về cách Trung Quốc vận hành, Đảng Cộng sản Trung Quốc, lịch sử và văn hóa Trung Quốc, cũng như bản chất và vai trò của tham nhũng. Bên cạnh đó, cũng cần đặt ra các câu hỏi về sự mâu thuẫn, quan hệ giữa chính sách và thực tiễn, nhìn sự việc dưới con mắt quan chức Trung Quốc, hiểu về “quan hệ”, các nhóm tội phạm hay quân đội Trung Quốc.
Xem toàn văn báo cáo tại đây
Chengyuan Ji & Hanzhang Liu (2021) State as Salesman: International Economic Engagement and Foreign News Coverage in China
Qua khảo sát hơn 33.000 bản tin của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) từ năm 2003 đến năm 2018, các tác giả nhận định có mối liên hệ giữa cách truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về một quốc gia với mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và quốc gia đó. Cụ thể, các quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc được đưa tin tốt hơn. Điều này được thực hiện qua đưa tin có chọn lọc, các sự kiện tiêu cực (như xung đột vũ trang) ít được đưa tin hơn trong các quốc gia kể trên. Theo các tác giả, nghiên cứu chỉ ra Chính phủ Trung Quốc quản lý chặt chẽ việc đưa tin thời sự quốc tế tương ứng với lợi ích của nước này trong nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy thay vì kiểm duyệt, nước này tích cực tham gia vào sản xuất thông tin để định hình ý kiến dư luận.
Xem toàn văn nghiên cứu tại đây
Devin Thorne (2022) Elephants Must Learn to Street Dance – The Chinese Communist Party’s Appeal to Youth in Overseas Propaganda
Qua các tài liệu từ Trung Quốc như phát biểu của lãnh đạo, văn bản chính thức, sản phẩm của truyền thông nhà nước Trung Quốc và các bài viết của giới lý luận truyền thông, báo cáo đánh giá tư duy chiến lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc gây ảnh hưởng tới quan điểm về Trung Quốc của giới trẻ toàn cầu.
Báo cáo chỉ ra các nội dung được Trung Quốc xác định là hấp dẫn đối với giới trẻ, bao gồm các vấn đề toàn cầu như nhân quyền và bảo vệ môi trường, các vấn đề của Trung Quốc, cũng như văn hóa nước này. Các kênh ảnh hưởng đến giới trẻ bao gồm cho họ cơ hội “trải nghiệm cá nhân” – như thăm Trung Quốc hay tham gia tọa đàm, phương tiện giải trí – như hoạt hình, truyện tranh, game, sách, phim, hay mạng xã hội. Báo cáo chỉ ra Trung Quốc còn phải đối mặt với nhiều điểm yếu – từ định nghĩa “giới trẻ” không rõ ràng, thiếu mô tả về đặc điểm của nhóm đối tượng này, chưa phân biệt rõ giữa các nước hay thiếu đánh giá dựa trên bằng chứng. Tuy vậy, Trung Quốc cũng đã đạt được những thành công, và đang tìm cách vượt qua những điểm yếu nêu trên qua các khảo sát, nghiên cứu và tuyển dụng nhân tài.
Xem toàn văn báo cáo tại đây
Congressional Research Service (1/2022) Renewed Great Power Competition: Implications for Defense – Issues for Congress
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Quốc hội Mỹ đánh giá cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc với Trung Quốc và Nga đã thay đổi sâu sắc vấn đề quốc phòng của Hoa Kỳ so với thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Hoạt động chống khủng bố và hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông vốn được coi là trọng tâm trong các cuộc thảo luận về các vấn đề quốc phòng Hoa Kỳ sau vụ khủng bố 11/9/2001 hiện đã ít chiếm ưu thế hơn các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Nga. Các điểm nhấn mới được quan tâm hàng đầu hiện nay là:
– Chiến lược lớn và địa chính trị trong cạnh tranh giữa các cường quốc;
– Thay đổi cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ;
– Vấn đề vũ khí hạt nhân, răn đe hạt nhân và kiểm soát vũ khí hạt nhân;
– Sự phân bổ và triển khai lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trên toàn cầu;
– Khả năng quân sự của Hoa Kỳ và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương;
– Khả năng quân sự của Hoa Kỳ và NATO ở Châu Âu;
– Các khái niệm hoạt động quân sự mới của Hoa Kỳ;
– Khả năng tiến hành chiến tranh;
– Việc duy trì ưu thế của Hoa Kỳ đối với các công nghệ vũ khí thông thường;
– Đổi mới và phát triển hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ;
– Khả năng huy động cho một cuộc xung đột quy mô lớn kéo dài;…
Ngoài ra, Báo cáo cũng đưa ra những vấn đề đối với Quốc hội Hoa Kỳ trong việc lập kế hoạch quốc phòng và phản ứng trước sự xuất hiện của các cường quốc cạnh tranh với Trung Quốc và Nga cũng như vấn đề tài trợ quốc phòng và các đề xuất của Chính quyền Biden đối với cạnh tranh với các cường quốc.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
Congressional Research Service (1/2022) China Naval Modernization: Implications for U.S. Navy Capabilities – Background and Issues for Congress
Trong giai đoạn hiện nay, nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, bao gồm cả hiện đại hóa Hải quân, đã trở thành trọng tâm hàng đầu trong việc lập kế hoạch và chi tiêu ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ. Trải qua hơn 25 năm hiện đại hóa kể từ đầu những năm 1990, Hải quân Trung Quốc đã trở thành lực lượng quân sự đáng gờm ở các vùng biển gần nước này và đang ngày càng tăng cường năng lực ở các vùng biến xa hơn như Tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và các vùng biển xung quanh Châu Âu. Hải quân Trung Quốc đã đặt ra thách thức lớn đối với khả năng duy trì quyền kiểm soát đối với các vùng biển xa ở Tây Thái Bình Dương – thách thức đầu tiên mà họ phải đối mặt kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nỗ lực hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc bao gồm các chương trình mua sắm tàu, máy bay, trang bị vũ khí cũng như những cải tiến về bảo trì và hậu cần, học thuyết quân sự, đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự nhằm: nâng cao khả năng kiểm soát tình hình Đài Loan về mặt quân sự nếu cần; tăng cường kiểm soát đối với các khu vực biển gần Trung Quốc đặc biệt là Biển Đông; thực thi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng biển; bảo vệ các tuyến hàng hải quốc tế của Trung Quốc đặc biệt là tuyến nối Trung Quốc với khu vực Vùng Vịnh; thay thế ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương và khẳng định vị thế của Trung Quốc với tư cách là cường quốc hàng đầu khu vực và là cường quốc lớn trên thế giới.
Hải quân Hoa Kỳ trong những năm gần đây đã thực hiện một số hoạt động để đối phó với nỗ lực hiện đại hóa của Hải quân Trung Quốc như tăng cường các hạm đội đến Thái Bình Dương; đưa các tàu chiến và máy bay mới với năng lực cao nhất và đội ngũ tốt nhất đến Thái Bình Dương; duy trì hoặc tăng cường các hoạt động hiện diện chung, các cuộc tập trận chung cũng như tăng cường hợp tác với Hải quân các nước đồng minh và các nước khác ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; tăng quy mô dự kiến trong tương lai của Hải quân; khởi xướng hoặc đẩy nhanh nhiều chương trình phát triển vũ khí, công nghệ quân sự mới với tàu chiến, máy bay và phương tiện không người lái cũng như vũ khí mới. Ngoài ra, Mỹ cũng bắt đầu phát triển các khái niệm tác chiến mới với sự kết hợp của lực lượng Hải quân và Thủy quân Lục chiến để đối phó với chiến thuật chống tiếp cận và từ chối khu vực (A2/ AD) của Trung Quốc với cấu trúc hạm đội phân tán hơn, sử dụng nhiều tàu chiến nhỏ và các phương tiện không người lái.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
Congressional Research Service (1/2022) U.S.-China Strategic Competition in South and East China Seas: Background and Issues for Congress
Trong vài năm qua, Biển Đông đã nổi lên như là một “điểm nóng” trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung. Các hành động của Trung Quốc bao gồm xây dựng và cải tạo các cơ sở trên các thực thể mà nước này chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, hành động của các lực lượng chấp pháp nhằm “khẳng định yêu sách chủ quyền” làm dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc đang kiểm soát hiệu quả Biển Đông, khu vực có tầm quan trọng về chiến lược, chính trị và kinh tế đối với Hoa Kỳ, các nước đồng minh và đối tác.
Mục tiêu chung tiềm năng của Hoa Kỳ đối với cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ở Biển Đông và Biển Hoa Đông bao gồm: thực hiện cam kết an ninh của Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương bao gồm các cam kết với Nhật Bản và Philippines; duy trì và nâng cao cấu trúc an ninh do Hoa Kỳ lãnh đạo ở Tây Thái Bình Dương; duy trì cán cân quyền lực trong khu vực có lợi cho Hoa Kỳ, đồng minh và đối tác; bảo vệ nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp; bảo vệ tự do hàng hải, hàng không; ngăn chặn Trung Quốc trở thành bá chủ ở khu vực Đông Á;… Mục tiêu cụ thể bao gồm: ngăn cản Trung Quốc tiến hành xây dựng căn cứ bổ sung ở Biển Đông cũng như đưa thêm quân nhân, trang thiết bị và vũ khí lên các thực thể mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông; ngăn chặn Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo hoặc căn cứ quân sự tại bãi cạn Scarborough; ngăn chặn Trung Quốc tuyên bố các đường cơ sở thẳng quanh các thực thể mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng như thiết lập vùng nhận diện phòng không tại vùng biển này; khuyến khích Trung Quốc giảm hoặc chấm dứt hoạt động của các lực lượng hàng hải tại quần đảo Senkaku cũng như ngừng các hoạt động gây sức ép tại các thực thể do Philippines chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, giúp ngư dân Philippines tiếp cận nhiều hơn đến các vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough và khu vực quần đảo Trường Sa thông qua quyền tự do hàng hải; khuyến khích Trung Quốc chấp nhận và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài vào tháng 7/2016 trong vụ kiện liên quan đến Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông.
Tải toàn văn báo cáo ở đây.
—————
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.