Sự Hình Thành Khái Niệm “An Ninh Biển” Ở Đông Nam Á: Tương Đồng Và Khác Biệt

Lược dịch và tóm tắt: Lưu Việt Hà

Với sự hiệu đính của các thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

Serie 14 bài viết đăng trên Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á phân tích các khái niệm an ninh biển được định nghĩa, sử dụng và hình thành ở 7 nước Đông Nam Á (Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan), ASEAN với tư cách một khối, cũng như bốn nước trong nhóm Bộ Tứ, qua đó chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt.

Một số câu hỏi mà các bài viết trả lời bao gồm:

– “An ninh biển” trong ngôn ngữ quốc gia của nước đó?

– Định nghĩa của nước đó về an ninh biển?

– Các tài liệu chủ chốt của nước đó về an ninh biển?

– Các nhân tố trong cách tiếp cận của nước đó với an ninh biển (bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, quản lý nghề cá, quản lý tài nguyên, chống khủng bố, thực thi pháp luật, hoạt động hải quân, răn đe)?

– Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển của nước đó?

– Bổ sung về bối cảnh.

Xem thêm:

AMTI ngày 15/12/2021: Conceptualization of “Maritime Security” in Southeast Asia: Convergence and Divergence

John Bradford: Sự hình thành khái niệm an ninh biển đang phát triển tại Đông Nam Á

Tác giả chỉ ra chưa có một định nghĩa chung về an ninh biển. Tại Đông Nam Á, khái niệm này có thể có phạm vi rộng và được xem như thành tố biển của an ninh quốc gia. Tác giả chỉ ra khái niệm an ninh biển chỉ xuất hiện ở Đông Nam Á trong thập niên 90 của thế kỷ XX, được đưa từ kênh II vào diễn ngôn chính thức. Bước sang thế kỷ XXI, hàng loạt sự kiện khiến nhận thức về mối đe dọa của các nước Đông Nam Á thay đổi, đặt an ninh biển lên vị trí hàng đầu. Đến cuối những năm 2000, khái niệm này đã được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, các “người chơi” ngoài khu vực tại Đông Nam Á – Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia – cũng sử dụng an ninh biển như một khái niệm khung từ những năm 2000. Theo tác giả, khái niệm an ninh biển tại Đông Nam Á thu hút nhiều yếu tố liên quốc gia từ những năm 2000 trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc xấu đi vì tranh chấp lãnh thổ của nước này với một số thành viên ASEAN. Tuy vậy, trái với các nước ngoài khu vực hướng đến cạnh tranh nước lớn, Đông Nam Á quan tâm đến cả các mối đe dọa trên biển là chủ thể nhà nước lẫn phí nhà nước, cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội.

Xem thêm:

AMTI ngày 4/11/2021: Evolving Conceptualizations of Maritime Security in Southeast Asia

Jay Batongbacal: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Philippines

“An ninh biển” trong ngôn ngữ Philippines

Philippines sử dụng tiếng Anh cho văn bản chính thức. Khái niệm “maritime security” được chấp nhận và sử dụng rộng rãi, thường liên quan đến quản trị và thực thi pháp luật, thể hiện mối quan tâm lớn với việc kiểm soát các hoạt động trên biển, thường bao hàm hòa bình và trật tự trên biển.

Định nghĩa chính thức và sử dụng

Khái niệm an ninh biển được định nghĩa trong Chính sách Biển Quốc gia (1994) là “tình trạng mà các tài sản biển, tập quán biển, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình và trật tự ở vùng ven biển của quốc gia được bảo vệ, duy trì, giữ gìn và đề cao”.

Các tài liệu chủ chốt

Chính sách An ninh Quốc gia (National Security Policy) và Chiến lược An ninh Quốc gia (National Security Strategy).

Các nhân tố

Bao gồm toàn bộ nhân tố được nhắc đến. “Tài sản biển, tập quán biển” bao gồm bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, quản lý nghề cá và tài nguyên. “Toàn vẹn lãnh thổ” chỉ các hoạt động và sự răn đe hải quân. “Hòa bình và trật tự ở vùng ven biển” chỉ việc chống khủng bố và thực thi pháp luật”. Tuy nhiên, đây là khái niệm trên lý thuyết và có thể có khác biệt trong thực tế.

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

Theo những gì rút ra từ Chính sách An ninh Quốc gia, thực tế áp dụng của khái niệm này không toàn diện như lý thuyết. Điều này chủ yếu gây ra bởi quan điểm dựa vào đất liền là chủ yếu trong hoạch định chính sách, cũng như diễn ngôn quản trị biển bị chi phối bởi lực lượng thực thi pháp luật và chuyên gia an ninh.

Bổ sung về bối cảnh

Về bối cảnh trong nước, sự cạnh tranh giữa các chủ thể nội bộ Philippines rất gay gắt, chủ yếu là giữa các cộng đồng giàu và nghèo, góp phần gây ra các vấn đề an ninh biển như đánh bắt cá trái phép hay buôn bán ma túy. Về bối cảnh khu vực, các nước còn nhiều tranh chấp, trong khi chủ nghĩa dân tộc tác động tiêu cực tới hợp tác. Về bối cảnh toàn cầu, vị trí chiến lược của Philippines biến nước này trở thành nơi cạnh tranh giữa các nước lớn.

Xem thêm:

AMTI ngày 4/11/2021: The Philippines’ Conceptualizations of Maritime Security

Nguyễn Nam Dương: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Việt Nam

“An ninh biển” trong ngôn ngữ Việt Nam

Thuật ngữ “an ninh biển” đang được sử dụng, thường được dùng trong mối quan hệ với an ninh quốc gia. Thuật ngữ này đối lập với an ninh đất liền. Bên cạnh đó, thuật ngữ an ninh hàng hải cũng được sử dụng rộng rãi, nhưng không thực sự liên quan tới an ninh quốc gia, mà tới các tuyến đường biển hay tàu biển. Thuật ngữ an ninh biển rộng hơn an ninh hàng hải, nhưng cũng có lúc được dùng thay thế cho nhau, gây ra sự mơ hồ nhất định.

Định nghĩa

Việt Nam không có định nghĩa chính thức về an ninh biển trong các tài liệu của Đảng, Nhà nước hay chính phủ. Tuy vậy, trong 5-10 năm qua, giới chức Việt Nam ngày càng có sự đồng thuận về cách sử dụng thuật ngữ này. Thuật ngữ này cũng gắn với các cuộc thảo luận của giới tinh hoa về an ninh quốc gia. Một số bài viết của các sĩ quan quân đội cấp cao đã tìm cách làm rõ thuật ngữ an ninh biển, trong đó thuật ngữ này gắn chặt vào an ninh quốc gia và an ninh trên Biển Đông, bao gồm mặt truyền thống và phi truyền thống.

Các tài liệu chủ chốt

Sách trắng Quốc phòng 2019, Tuyên bố ngày 12/5/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Tuyên bố ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, Luật Dầu khí, Luật Biên giới Quốc gia, Luật Thủy sản, Bộ luật Hàng hải, Luật Biển, Luật Cảnh sát biển.

Các tài liệu trên trình bày nhiều mặt khác nhau của khái niệm an ninh biển tại Việt Nam. Tuy vậy, không tài liệu nào trực tiếp đề cập đến khái niệm an ninh biển.

Các nhân tố

Không có quy định rõ ràng, nhưng có khả năng bao gồm toàn bộ nhân tố được nhắc đến vì Việt Nam có thừa nhận khía cạnh phi truyền thống của an ninh biển.

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

Khái niệm an ninh biển chỉ được sử dụng từ cuối những năm 2000. Trước đó, chỉ có khái niệm an ninh hàng hải được sử dụng. Từ những năm 2010, khái niệm này được sử dụng nhiều hơn trong các bài viết về an ninh quốc gia, đặc biệt liên quan tới Biển Đông.

Bổ sung về bối cảnh

Việc khái niệm an ninh biển được sử dụng rộng rãi có thể đến từ hai nguyên nhân: Thứ nhất là sự căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, thứ hai là sự “xã hội hóa” của Việt Nam trong diễn ngôn an ninh ASEAN.

Xem thêm:

AMTI ngày 4/11/2021: Vietnam’s Conceptualizations of Maritime Security

Asyura Salleh: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Brunei

“An ninh biển” trong ngôn ngữ Brunei

Khái niệm an ninh biển thường được đề cập trong văn kiện của Brunei bằng tiếng Anh – ngôn ngữ của các văn bản về an ninh quốc gia. Trong các bài báo hay diễn văn, khái niệm này có thể được dịch sang tiếng Malay là “keselamatan maritim”, trong đó “keselamatan” có cả nghĩa là “an toàn”, nhưng điều này không có nghĩa Brunei ưu tiên an toàn hơn là an ninh – ổn định.

Định nghĩa chính thức và sử dụng

Không có một định nghĩa chung về an ninh biển trong chính phủ Brunei. Các cơ quan nhìn lĩnh vực này qua lăng kính lĩnh vực của mình. Ủy ban về an ninh biển điều phối hoạt động của các cơ quan trong lĩnh vực này.

Các tài liệu chủ chốt

Đạo luật Nghề cá 1973, các sách trắng của Bộ Quốc phòng.

Các nhân tố

Sách trắng Quốc phòng Brunei 2021 liệt kê hàng loạt nhân tố từ khủng bố, cướp biển, xâm nhập trái phép, đánh bắt trái phép buôn bán vũ khí, ma túy và buôn người, cho đến nguy cơ từ tính toán sai lầm và quân sự hóa trên biển.

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

Phụ thuộc vào môi trường ngoại vi trực tiếp của đất nước. Sự thay đổi trong môi trường sẽ dẫn đến thay đổi về định nghĩa an ninh biển của Brunei.

Bổ sung về bối cảnh

Là nước có yêu sách ở Biển Đông, Brunei có vị trí bấp bênh vì kích thước và năng lực nhỏ. Nước này phải đối mặt với thách thức thích ứng với những sự tiến triển về an ninh một cách nhanh chóng, cẩn thận để không kích động sự đe dọa của các nước láng giềng. Các lựa chọn của Brunei là các cơ chế điều phối khu vực hay tập trận hải quân đa phương.

Xem thêm:

AMTI ngày 22/11/2021: Brunei Darussalam’s Conceptualizations of Maritime Security

Tharishini Krishnan: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Malaysia

“An ninh biển” trong ngôn ngữ Malaysia

Thuật ngữ thường được dùng trong tiếng Malaysia là “keselamatan maritim”, với “keselamatan” mang cả ý nghĩa an ninh lẫn an toàn. Do đó, thuật ngữ này mang ý nghĩa rộng, cả về mặt quân sự lẫn thương mại của sức mạnh trên biển của Malaysia.

Định nghĩa chính thức và sử dụng

Cho đến nay, giới chức Malaysia không có định nghĩa chính thức về an ninh biển. Thuật ngữ này được sử dụng một cách rộng rãi và linh hoạt bởi nhiều cơ quan, liên quan tới các lợi ích trên biển.

Các tài liệu chủ chốt

Chính sách An ninh Quốc gia (Dasar Keselamatan Negara – DKN), Sách trắng 2019, Đạo luật Cơ quan Thực thi Pháp luật trên biển Malaysia (MMEA), chương trình “15 to 5 Transformation Program”, Chiến lược Quốc phòng Biển, Đạo luật An ninh Biển.

Các nhân tố

Gần như toàn bộ khía cạnh của sức mạnh biển và bảo vệ lợi ích trên biển có thể được coi là thành tố của an ninh biển tại Malaysia. Chúng có thể được chia thành khía cạnh thương mại và quân sự, truyền thống và phi truyền thống. Mọi điều khiến chính phủ phải trả giá/chịu thiệt hại về ngân khố trên biển – kể cả tạo dựng hình ảnh xấu với cộng đồng quốc tế – có thể coi là thành tố của an ninh biển.

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

Sự tiến triển này dựa trên lợi ích của Malaysia trong từng giai đoạn cụ thể hay sự kiện nhất định, ví dụ cuộc xung đột tại Lahad Datu (2013) hay đại dịch Covid-19.

Bổ sung về bối cảnh

Các nhiệm vụ quân sự và cảnh sát được phân chia giữa hải quân Malaysia và cơ quan dân sự – MMEA.

Xem thêm:

AMTI ngày 22/11/2021: Malaysia’s Conceptualizations of Maritime Security

Gilang Kembara: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Indonesia

“An ninh biển” trong ngôn ngữ Indonesia

Thuật ngữ “keamanan maritim” hoặc “keamanan laut” được sử dụng trong tiếng Indonesia.

Định nghĩa

Indonesia không có định nghĩa chính thức về an ninh biển. Trong các văn bản chính thức, chính phủ thường ám chỉ khả năng giảm thiểu các mối đe dọa từ cả trong lẫn ngoài nước, cũng như khả năng của Indonesia trong thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực. Sắc lệnh Tổng thống số 16/2017 tạo ra cách hiểu thống nhất khi đề ra 5 trụ cột của phát triển biển tại Indonesia, trong đó an ninh biển là một trụ cột. Trước sắc lệnh này, mỗi cơ quan bộ ngành có một cách hiểu khác nhau, đôi lúc dẫn đến sự khác biệt về quan điểm khi giải quyết vấn đề.

Các tài liệu chủ chốt

Sắc lệnh Tổng thống số 16/2017 về Chính sách Biển Indonesia, Luật số 32/2014 về Biển, Sắc lệnh số 128/2019 về Sách trắng Ngoại giao Biển, Luật số 17/2008 về Hàng hải, Sắc lệnh Tổng thống số 81/2005 thành lập Cơ quan Điều phối An ninh biển Indonesia, Luật số 6/1996 về Lãnh hải Indonesia.

Các nhân tố

Chính phủ Indonesia không nói rõ các nhân tố an ninh biển.

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

Khái niệm an ninh biển của Indonesia phát triển toàn diện hơn từ khái niệm an ninh, an toàn hàng hải. Dưới thời Suharto, mối quan tâm chủ yếu của Chính phủ là phát triển và an ninh trên bờ. Hầu hết các định nghĩa và mô tả được chính phủ sử dụng trong lĩnh vực an ninh biển được hình thành dưới thời Tổng thống Jokowi.

Bổ sung về bối cảnh

Văn hóa chiến lược Indonesia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc chiến cách mạng 1945-1949 và thời kỳ dài quân đội giữ quyền lực tuyệt đối sau đó, đặc biệt dưới thời Suharto. Do đó, giới chức Indonesia thường coi mối đe dọa lớn nhất đến từ bên trong. Chỉ sau thời Suharto, Indonesia mới thúc đẩy an ninh biển thành một nhân tố quan trọng của đất nước.

Xem thêm:

AMTI ngày 22/11/2021: Indonesia’s Conceptualizations of Maritime Security

YingHui Lee: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Singapore

“An ninh biển” trong ngôn ngữ Singapore

Singapore sử dụng tiếng Anh cho các văn kiện chính sách. Thuật ngữ “martime security” được sử dụng tương tự các nước nói tiếng Anh khác.

Định nghĩa chính thức và sử dụng

Không có định nghĩa chính thức về an ninh biển tại Singapore. Tuy vậy, có sự nhất trí trong chính phủ Singapore về nội hàm khái niệm này, bao gồm cả an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. Singapore thiết lập một đội chuyên trách/chỉ huy về an ninh biển dưới sự lãnh đạo của Hải quân Singapore.

Các tài liệu chủ chốt

Không có tài liệu nào định nghĩa về an ninh biển của Singapore. Các tiếp cận toàn chính phủ của nước này về an ninh biển được thể hiện qua hai cơ chế điều phối phản ứng liên cơ quan trước các mối đe dọa: Hệ thống An ninh biển Quốc gia (National Maritime Security System) và Trung tâm Khủng hoảng biển Singapore (Singapore Maritime Crisis Centre – SMCC).

Các nhân tố

Không có tài liệu thống nhất về các nhân tố. Qua các phát biểu, tài liệu chính thức và website của Chính phủ, đảm bảo an ninh các tuyến đường hàng hải để đảm bảo tự do hàng hải và đề phòng khủng bố trên biển là hai thành tố chính. Bên cạnh đó, Singapore cũng quan tâm tới các vấn đề khác như cướp biển, tội phạm trên biển…

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

Vụ khủng bố 11/9 và vụ khủng bố Mumbai 2008 giúp hình thành quan điểm về an ninh biển của Singapore, cho thấy mối đe dọa khủng bố từ biển. Các hoạt động khủng bố trên biển thành công ở Đông Nam Á càng nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức không gian biển (maritime domain awareness- MDA) và hợp tác khu vực.

Bổ sung về bối cảnh

Sự phụ thuộc mang tính sống còn vào biển giúp hình thành quan điểm về an ninh biển của Singapore. Tuy vậy, dường như có sự thiết kết nối giữa an ninh biển và văn hóa biển. Một chiến lược biển quốc gia có thể kết nối hai vấn đề này.

Xem thêm:

AMTI ngày 1/12/2021: Singapore’s Conceptualization of Maritime Security

Somjade Kongrawd: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Thái Lan

“An ninh biển” trong ngôn ngữ Thái Lan

“An ninh biển” trong tiếng Thái Lan là “ความมั่นคงทางทะเล” (kwarm-mun-kong-tarng-talay), trong đó “kwarm-mun-kong” vốn có nghĩa là ổn định, nhưng trong bối cảnh này cũng có thể được dịch là an ninh. Trong khi đó, “tarng-talay” nghĩa là “liên quan đến biển”.

Định nghĩa

Có thể rút ra định nghĩa từ Kế hoạch An ninh biển quốc gia (2015-2021) là: “đất nước có hoàn cảnh biển thuận lợi cho việc thực hiện các hoạt động trên biển một cách tự do, an toàn và phù hợp để thực hiện lợi ích quốc gia “.

Các tài liệu chủ chốt

Kế hoạch và Chính sách Quốc gia về An ninh Quốc gia (2019-2022) và Kế hoạch An ninh biển Quốc gia (2015-2021).

Các nhân tố

Bao gồm tất cả các nhân tố được nhắc đến.

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

Trước Kế hoạch An ninh biển Quốc gia (2015-2021), không có kế hoạch cụ thể nào về an ninh biển mà chỉ có gắn với an ninh quốc gia nói chung. Các kế hoạch trước đó chỉ liên quan đến an ninh quốc gia nói chung. Điều này có nghĩa là có sự nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của lợi ích biển và việc thừa nhận mạnh mẽ hơn an ninh biển như là một mối quan tâm riêng. Sự thừa nhận mới này xuất phát từ vai trò lãnh đạo cá nhân, tầm quan trọng của việc bảo vệ không gian biển và sự hình thành của các chuẩn mực khu vực.

Bổ sung về bối cảnh

Hiện nay, các vấn đề về đánh bắt IUU, người nhập cư trái phép, tìm kiếm cứu nạn, buôn lậu ma túy và bảo vệ, phục hồi ôi trưởng biển có tầm quan trọng đối với chính phủ Thái Lan.

Xem thêm:

AMTI ngày 1/12/2021: Thailand’s Conceptualizations of Maritime Security

Dita Liliansa: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của ASEAN

Định nghĩa

ASEAN không có định nghĩa chính thức về an ninh biển. Khái niệm này trong ASEAN thường gắn với các tội phạm xuyên quốc gia, dù không phải lúc nào cũng vậy. Việc đạt được sự thống nhất không dễ dàng vì có nhiều cơ quan thuộc ASEAN có liên quan tới lĩnh vực này.

Các tài liệu chủ chốt

Tuyên bố ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (1997), kế hoạch hành động về an ninh biển của ARF, Công ước Asean về chống khủng bố (2007), Tuyên bố về Thoả ước ASEAN II (Bali II – 2003), các Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN, tuyên bố của cơ chế ARF, ADMM, ADMM+, Chương trình Hành động Vientiane (2004), Kế hoạch tổng thể APSC (2009, 2015).

Các nhân tố

Khái niệm an ninh biển ở ASEAN rộng, bao gồm nhiều nhân tố, từ bảo vệ môi trường, an toàn hàng hải, quản lý nghề cá, chống khủng bố, thực thi pháp luật đến hoạt động hải quân… Khái niệm này cũng bao hàm cả an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó an ninh phi truyền thống được chú ý hơn. Khoảng cách giữa an ninh và an toàn là không rõ ràng.

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

ASEAN lần đầu tham gia vào cuộc thảo luận về an ninh biển có lẽ thông qua sự thành lập ARF năm 1994, nhưng việc đề cập rõ ràng ở các cơ chế chính của ASEAN chỉ xuất hiện lần đầu vào năm 2003. Hai nguyên nhân chính là sự nổi lên của các vấn đề cướp biển và đánh bắt cá IUU.

Bổ sung về bối cảnh

ASEAN có các đặc điểm: tiếp cận dựa trên 3 trụ cột (chính trị – an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội), có các quan hệ đối tác với các nước bên ngoài, tự định vị mình là trung tâm gây ảnh hưởng trong các tiến trình khu vực.

Xem thêm:

AMTI ngày 1/12/2021: ASEAN Conceptualizations of Maritime Security

David Letts: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Australia

“An ninh biển” trong ngôn ngữ Australia

Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc gia của Australia.

Định nghĩa

Không có định nghĩa chính thức. Các cơ quan có thể sử dụng thuật ngữ này, nhưng không đi kèm định nghĩa, cũng như không có sự thống nhất giữa các cơ quan. Thuật ngữ này gồm 2 khía cạnh riêng biệt: khía cạnh vĩ mô (chủ yếu là về bên ngoài) là mối quan tâm của Bộ Ngoại giao & Thương mại và Bộ Quốc phòng Australia; khía cạnh vi mô (chủ yếu là nội bộ) được giám sát bởi Bộ Nội vụ, Lực lượng Biên giới Australia và nhiều cơ quan hỗ trợ.

Các tài liệu chủ chốt

Hướng dẫn Bố trí An ninh biển Australia (GAMSA) 2020, Sách trắng Chính sách Đối ngoại, Cập nhật Chiến lược Quốc phòng.

Các nhân tố

Bao gồm tất cả các nhân tố được nhắc đến.

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

Australia đã đối phó với các thách thức an ninh biển, cả ở cấp độ vĩ mô lẫn vi mô, trong suốt 20 năm qua.

Bổ sung về bối cảnh

Sự thiếu hụt một định nghĩa chung, bao hàm về an ninh biển là một đặc điểm của các nghiên cứu học thuật trong lĩnh vực này. Do đó, việc chính phủ Australia không có một định nghĩa không phải là điều đáng chú ý. Thực tế, điều này có thể có ích khi sự không rõ ràng có thể hỗ trợ nhiều mục tiêu an ninh rộng lớn hơn của chính phủ.

Xem thêm:

AMTI ngày 9/12/2021: Australia’s Conceptualization of Maritime Security

Prakash Gopal: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Ấn Độ

“An ninh biển” trong ngôn ngữ Ấn Độ

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Ấn Độ. Thuật ngữ “maritime security” được sử dụng giống với các nước nói tiếng Anh khác. Thuật ngữ tương tự trong tiếng Hindi là समुद्री सुरक्षा (samudri suraksha).

Định nghĩa chính thức và sử dụng

Không có định nghĩa chính thức trên toàn quốc về an ninh biển. Tài liệu Học thuyết Biển Ấn Độ của Hải quân Ấn Độ gọi đây là “không có mối đe dọa ở hoặc từ biển”, nhưng đây không có quá nhiều tác dụng như một định nghĩa. Có thể cho rằng thiếu đi sự đồng thuận giữa các cơ quan chính phủ về vấn đề này, đôi lúc dẫn đến mâu thuẫn.

Các tài liệu chủ chốt

Học thuyết Biển Ấn Độ, Đảm bảo An ninh Biển: Chiến lược An ninh biển Ấn Độ.của Hải quân Ấn Độ.

Các nhân tố

Tài liệu chiến lược biển Ấn Độ phân biệt thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó coi khủng bố, cướp biển, đánh bắt IUU, tội phạm trên biển, phổ biến lực lượng vũ trang tư nhân, biến đổi khí hậu và thảm họa tự nhiên là thách thức phi truyền thống với Ấn Độ. Tuy không được đề cập, những lĩnh vực như bảo vệ môi trường hay an toàn hàng hải cũng được công nhận là thách thức an ninh biển.

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

Vụ khủng bố Mumbai 2008 là tác nhân quan trọng nhân thay đổi quan điểm về an ninh biển ở Ấn Độ. Trước đó, chính phủ ít quan tâm tới an ninh biển và không thiết lập cơ chế liên cơ quan để giải quyết. Sau vụ tấn công, Ấn Độ nỗ lực tăng cường cơ chế điều phối về an ninh biển, với Hải quân Ấn Độ là cơ quan chủ đạo. Ngoài ra, năng lực của lực lượng cảnh sát biển nước này cũng gia tăng trong những năm qua.

Bổ sung về bối cảnh

Ấn Độ có truyền thống biển phong phú, nhưng bị mai một dưới thời thực dân và sau khi giành độc lập. Hải quân Ấn Độ có vai trò lãnh đạo trong việc hình thành diễn ngôn về an ninh biển, đặc biệt qua các văn kiện. Tuy vậy, vai trò của hải quân là hạn chế trong hình thành một “văn hóa biển” tác động tới mọi cấp chính quyền.

Xem thêm:

AMTI ngày 9/12/2021: India’s Conceptualization of Maritime Security

Kentaro Furuya: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Nhật Bản

“An ninh biển” trong ngôn ngữ Nhật Bản

Thuật ngữ thường được sử dụng là “海洋安全保障 (Kaiyo anzen hosho)”, với “kaiyo” là hải dương, “anzen” là an toàn nói chung, “hosho” là bảo đảm. Ngoài ra, “海上警備 (kaijou keibi)” và “領海警備 (Ryokai keibi)” cũng được dùng trong các ngữ cảnh nhất định.

Định nghĩa chính thức và sử dụng

Không có định nghĩa chính thức về an ninh biển ở Nhật Bản. Tuy vậy, từ này thường xuyên xuất hiện trong các tài liệu chính thức.

Các tài liệu chủ chốt

Kế hoạch Cơ bản về Chính sách biển, Hướng dẫn Chương trình Quốc phòng, Sách trắng Quốc phòng.

Các nhân tố

Tất cả nhân tố được nhắc đến được coi là thách thức an ninh biển theo Kế hoạch Cơ bản về Chính sách biển. Văn bản này cũng đề ra khái niệm “an ninh biển toàn diện”.

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

Định nghĩa về an ninh biển thay đổi theo nhận thức về các đe dọa. Sau Chiến tranh Lạnh, an ninh biển được mở rộng để bao gồm cả các thách thức an ninh phi truyền thống như tội phạm xuyên quốc gia hay khủng bố. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng phải đối mặt với thách thức trước hoạt động vùng xám của Trung Quốc hay các mối đe dọa với các tuyến đường hàng hải chính của Nhật Bản.

Bổ sung về bối cảnh

Mối đe dọa trên biển lớn nhất với Nhật Bản là hoạt động của Hải cảnh Trung Quốc quanh quần đảo Senkaku. Bên cạnh đó, sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông cũng là vấn đề quan trọng.

Xem thêm:

AMTI ngày 9/12/2021: Japan’s Conceptualization of Maritime Security

Blake Herzinger: Sự hình thành khái niệm an ninh biển của Mỹ

“An ninh biển” trong ngôn ngữ Mỹ

Tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc của chính phủ Mỹ. Thuật ngữ an ninh biển có nghĩa rộng trong giới chính sách Mỹ, có lúc bao gồm tất cả hoạt động hải quân, nhưng thường đề cập tới các nhiệm vụ “an ninh phi truyền thống”.

Định nghĩa chính thức và sử dụng

Mỹ không có định nghĩa chính thức, công khai về an ninh biển. Một số tài liệu cũng đề cập đến vấn đề này, nhưng không đưa ra định nghĩa.

Các tài liệu chủ chốt

Chiến lược Quốc gia về An ninh biển 2005 và các kế hoạch phụ trợ, các chiến lược hải quân, tài liệu “A Cooperative Strategy for 21st Century Seapower” và “Advantage at Sea”.

Các nhân tố

Định nghĩa an ninh biển ở Mỹ thường gắn với các hoạt động hải quân, liên quan tới các hoạt động thấp hơn xung đột vũ trang giữa các quốc gia, và là hoạt động trong thời bình. Bên cạnh đó, ít cơ quan chuẩn bị cho việc đối mặt với các thách thức an ninh biển ngoài định nghĩa hẹp của mình, việc phối hợp liên chính phủ thường cũng rất hạn chế.

Sự tiến triển trong sử dụng khái niệm an ninh biển

Khoảng 20 năm trước, sau vụ khủng bố 11/9, thuật ngữ này được chú ý trong diễn ngôn an ninh của chính phủ Mỹ. Tuy vậy, kể từ đó, việc định nghĩa và sử dụng thuật ngữ này chưa thể đạt đến mức độ có ý nghĩa. Khái niệm cạnh tranh chiến lược cũng có thể đang gây ra sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ về an ninh biển, hướng tới các mặt trận mới nhằm gây áp lực lên Trung Quốc như đánh bắt IUU hay môi trường.

Bổ sung về bối cảnh

An ninh biển của Mỹ có nhiều chủ thể tham gia từ các cơ quan khác nhau thuộc chính phủ: Bộ Thương mại, Quốc phòng, Năng lượng, An ninh nội địa, Ngoại giao, Giao thông… Các bộ này cũng cần sự hỗ trợ của các bang và chính quyền địa phương. Bộ Quốc phòng giữ vai trò lớn nhất, nhưng khó có thể nhận dạng một “chuỗi chỉ huy” cấp quốc gia về an ninh biển. Di sản vụ khủng bố 11/9 cũng khiến nhiều biện pháp, kế hoạch về an ninh biển dường như tập trung quá mức vào khủng bố, cướp biển và vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong khi không đánh giá đúng mức các vấn đề như đánh bắt IUU hay chia sẻ thông tin.

Xem thêm:

AMTI ngày 15/12/2021: The United States’ Conceptualization of Maritime Security

John Bradford: Sự hình thành khái niệm an ninh biển ở Đông Nam Á: Hàm ý từ sự tương đồng và khác biệt

Tác giả chỉ ra vẫn chưa có sự thống nhất trong định nghĩa an ninh biển. Các nước Đông Nam Á nhìn thuật ngữ này một cách toàn diện hơn, bao gồm toàn bộ thách thức từ chủ thể nhà nước, phi nhà nước cho đến cả thách thức về môi trường, tương ứng với các hoạt động từ quân sự, cảnh sát đến phát triển kinh tế – xã hội. Các nước tuy quan ngại về hành động của Trung Quốc nhưng không phát triển năng lực an ninh biển chỉ để đối phó với Trung Quốc. Trong khi đó, các nước thuộc nhóm Bộ Tứ định nghĩa hẹp hơn, chỉ nhắm đến hoạt động chống lại thách thức từ các chủ thể nhà nước và phi nhà nước. Trên cả mặt nội bộ lẫn đối với an ninh khu vực, việc sử dụng thuật ngữ an ninh biển một cách mơ hồ có một số lợi ích, nhưng cũng đặt ra các vấn đề. Tác giả đề xuất các nước cần lựa chọn từ ngữ để thông điệp rõ ràng nhất có thể trong các tuyên bố về an ninh biển.

Xem thêm:

AMTI ngày 15/12/2021: Maritime Security Conceptualizations in Southeast Asia: The Implications of Convergence and Divergence

Lưu Việt Hà là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phụ trách chuyển động Trung Quốc và ASEAN.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.