(01/09 – 04/10/2021)
Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Lưu Việt Hà, Trần Phạm Bình Minh, Đoàn Thị Hằng Ni
Biên tập: Vân Phạm
Tư liệu: South China Sea News

Tải Bản PDF ở
———-
Trong Bản Tin Biển Đông Số 78 có những nội dung sau:
I. TÀU NGHIÊN CỨU/KHẢO SÁT TRUNG QUỐC TIẾP TỤC HOẠT ĐỘNG TÍCH CỰC TRONG THÁNG 9/2021
II. HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH BỘ TỨ MỸ – ÚC – NHẬT BẢN – ẤN ĐỘ
III. CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC
IV. CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
V. CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
VI. QUAN HỆ HOA KỲ – TRUNG QUỐC
VII. PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
VIII. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH
———-
I. TÀU NGHIÊN CỨU/KHẢO SÁT TRUNG QUỐC TIẾP TỤC HOẠT ĐỘNG TÍCH CỰC TRONG THÁNG 9/2021
Trong tháng 9/2021, các tàu khảo sát, nghiên cứu khoa học của Trung Quốc đã hoạt động trên khắp các khu vực của Biển Đông trong đó có 6 lượt tàu hoạt động tại các vùng đặc quyền kinh tế của các nước xung quanh Biển Đông. Cụ thể:
– Tàu Hải Dương Địa Chất 10 đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia tại khu vực quần đảo Natuna, cách đảo Pulau Laut thuộc quần đảo Natuna từ hơn 60 hải lý đến 130 hải lý trong suốt tháng 9/2021 với sự hỗ trợ của các tàu Hải cảnh 6305 (từ 26-29/9/2021) và Hải cảnh 4303 (từ 7-17/9/2021). Ngày 29/9, tàu rời khu vực tác nghiệp di chuyển về Đá Chữ Thập và đến ngày 3/10 đã tiếp tục rời Chữ Thập và có thể sẽ quay lại vùng biển Natuna.
– Tàu Hướng Dương Hồng 10 hoạt động tại vùng biển tỉnh Bình Thuận từ 15/8-18/9/2021; vị trí gần nhất cách đảo Phú Quý khoảng 130 hải lý. Trước đó, Hướng Dương Hồng 10 đã hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia và Brunei từ ngày 10/7-12/8 với vị trí gần nhất cách bờ biển hai nước này chỉ khoảng gần 60 hải lý.
– Tàu Da Yang Hao của Trung Quốc cũng đã bắt đầu tại vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Brunei và Philippines từ ngày 26/9 từ khu vực cụm bãi cạn Nam Luconia đến khu vực phía tây nam đảo Palawan của Philippines (với sự hỗ trợ của Hải cảnh 6307). Khoảng cách gần nhất đến bờ biển Malaysia, Brunei và Philippines được ghi nhận tính đến 2/10 lần lượt là: 65, 67 và 35 hải lý.
– Tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines: Tàu Hải Dương Địa Chất 12 hoạt động từ ngày 1-8/9/2021 với khoảng cách gần nhất đến bờ biển là 110 hải lý. Tàu nghiên cứu khoa học Shen Kuo cũng đã hoạt động từ 14-24/9/2021 với khoảng cách gần nhất đến bờ biển nước này là 155 hải lý. Ngoài ra, tàu nghiên cứu khoa học Thực Nghiệm 1 cũng đã hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại eo Bashi với khoảng cách gần nhất đến bờ biển là gần 40 hải lý.
– Tại eo Bashi, ngoài tàu Thực nghiệm 1, chúng tôi còn thấy sự hiện diện của các tàu Đại Dương, Đông Phương Hồng 3 và đáng chú ý nhất là hoạt động của tàu Shen Kuo từ 1-8/9 khi tàu này di chuyển khá gần quần đảo Pratas, hiện do Đài Loan quản lý.
– Ngoài ra, dữ liệu từ Marine Traffic cho thấy, tàu Hướng Dương Hồng 14 đã hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa từ ngày 18/9/2021. Hướng Dương Hồng 14 đã có mặt tại Đá Gạc Ma ngày 18/9, Đá Châu Viên ngày 27/9 và Đá Chữ Thập ngày 29/9, tuy nhiên tín hiệu AIS của tàu nghiên cứu Trung Quốc bị đứt đoạn nên chúng tôi không rõ các khu vực hoạt động cụ thể.
—–
II. HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH BỘ TỨ MỸ – ÚC – NHẬT BẢN – ẤN ĐỘ
Phản ứng của Trung Quốc trước thềm hội nghị
Trong cuộc họp báo Thường kỳ ngày 14/9/2021, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nói rằng bất kỳ cơ chế hợp tác khu vực nào cũng phải theo xu hướng hòa bình và phát triển, thúc đẩy sự tin cậy và hợp tác lẫn nhau giữa các nước trong khu vực, và rằng “Hội nghị Thượng đỉnh không nên nhằm vào một bên thứ ba hoặc làm suy yếu lợi ích của họ”. Đồng thời ông cho rằng Bộ tứ sẽ thất bại nếu kết “bè phái” và độc quyền nhằm vào nước thứ ba bởi vì điều này đi ngược lại với xu hướng của thời đại và đi chệch hướng so với kỳ vọng của các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, Triệu nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc là động lực chính trong việc thúc đẩy tăng cường kinh tế ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, là người bảo vệ vững chắc cho hòa bình và ổn định của khu vực. Cũng vì lí do này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc các nước có liên quan nên loại bỏ tư tưởng và nhận thức về địa chính trị lỗi thời, thay vào đó nhìn nhận sự phát triển Trung Quốc một cách tích cực, tôn trọng nguyện vọng của các nước trong khu vực, từ đó mang lại sự đoàn kết và hợp tác sâu sắc.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/9/2021: Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian’s Regular Press Conference on September 14, 2021
Jonathan Stromseth: Phản ứng của ASEAN về Bộ Tứ: Bế tắc về chiến lược hay lối đi cho sự hợp tác?
Ở Đông Nam Á, theo tác giả, Bộ Tứ không được sự đón nhận nồng nhiệt của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN, bởi các quốc gia ASEAN vẫn nghi ngờ sự hợp nhất của Bộ Tứ và coi đó là một thách thức đối với “vai trò trung tâm của ASEAN”. Bên cạnh đó, các nước ASEAN cũng lo lắng về sự mất ổn định trật tự khu vực khi nghi ngờ chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” như một chiến lược được che đậy nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo từ bốn quốc gia thuộc Bộ Tứ, ASEAN bày tỏ sự quan tâm về vấn đề Covid. Các quốc gia ASEAN cần được tiếp cận với số lượng lớn vaccine hơn và đặc biệt đánh giá cao về đóng góp 25 triệu liều vaccine của Hoa Kỳ từ trước cho đến nay.
Từ quan điểm chiến lược rộng lớn hơn, các nhà hoạch định chính sách và phân tích khu vực còn đặc biệt quan tâm đến việc liệu Bộ Tứ, đặc biệt là Hoa Kỳ, có thể mang lại sự cân bằng cho vai trò kinh tế ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong khu vực thông qua việc thực hiện về vấn đề cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực kinh tế khác hay không. Khi sự cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng leo thang, Bắc Kinh ngày càng đạt được các mục tiêu chiến lược của mình thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), vai trò chủ động trong việc hình thành Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới và thỏa thuận thương mại lớn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hội nhập nền kinh tế của Trung Quốc với ASEAN.
Xem thêm:
Brookings ngày 23/9/2021: ASEAN and the Quad: Strategic impasse or avenue for cooperation?
Các cuộc họp song phương trước thềm hội nghị
Cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ
Vào chiều ngày 23/9/2021, Thủ tướng Ấn Độ Shri Narendra Modi và Thủ tướng Nhật Bản H.E. Ngài Suga Yoshihide đã có cuộc gặp tại Washington DC. Trong cuộc gặp này, Thủ tướng Suga bày tỏ hy vọng rằng Trung tâm Hội nghị và Hợp tác Quốc tế Varanasi, được xây dựng bằng viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản sẽ được sử dụng như một “biểu tượng của tình hữu nghị giữa Nhật Bản và Ấn Độ”. Còn Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố rằng quan hệ của Ấn Độ với Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng không chỉ đối với cả hai nước mà còn đối với sự ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Modi và Thủ tướng Suga đã tái khẳng định hợp tác chặt chẽ với nhau cũng như với Mỹ và Australia cam kết hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, tăng cường kết nối trong khu vực, hình thành một trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền.
Cả hai nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác trong việc giải quyết vấn đề Covid-19, cũng như trong lĩnh vực an ninh, bao gồm tổ chức vòng tiếp theo của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Nhật – Ấn (“2 + 2”) vào một ngày sớm nhất; tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực kinh tế bao gồm kỹ thuật số, công nghệ xanh, chăm sóc sức khỏe và tăng cường kết nối. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản đề cập đến các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như thiết lập mạng 5G an toàn và đáng tin cậy và cáp ngầm, tăng cường khả năng cạnh tranh công nghiệp và chuỗi cung ứng, thực hiện chuyển đổi năng lượng thực tế, tiếp nhận lao động từ Ấn Độ theo hệ thống Công nhân có tay nghề cụ thể (SSW) , tăng cường trao đổi các chuyên gia công nghệ thông tin, và thúc đẩy sự phát triển của Vùng Đông Bắc Ấn Độ. Họ còn tái khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác hướng tới tiến độ ổn định của dự án Đường sắt cao tốc, chia sẻ quan điểm rằng sẽ có nhiều nỗ lực khác nhau được thực hiện vào Lễ kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Ấn Độ vào năm 2022 để đưa quan hệ hai bên là “Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu” lên một tầm cao mới.
Thủ tướng Modi hoan nghênh việc ra mắt Sáng kiến Khả năng Phục hồi Chuỗi Cung ứng (SCRI) giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Australia vào đầu năm nay như một cơ chế hợp tác để kích hoạt các chuỗi cung ứng linh hoạt, đa dạng và đáng tin cậy. Đồng thời, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển quan hệ đối tác song phương trong lĩnh vực sản xuất, MSME và phát triển kỹ năng.
Thủ tướng Suga tái khẳng định cam kết thúc đẩy các nỗ lực thúc đẩy việc triển khai dự án Đường sắt cao tốc Mumbai-Ahmedabad (MAHSR) diễn ra suôn sẻ và kịp thời. Cuộc thảo luận cũng diễn ra về các vấn đề biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng xanh, và tiềm năng hợp tác của Nhật Bản với Phái đoàn Năng lượng Hydrogen Quốc gia của Ấn Độ.
Cuối cùng, Thủ tướng Suga bày tỏ tin tưởng rằng động lực mạnh mẽ mà quan hệ đối tác Ấn Độ – Nhật Bản đạt được trong vài năm qua sẽ tiếp tục ngay cả dưới chính quyền mới ở Nhật Bản. Và đáp lại điều đó, Thủ tướng Modi cho biết ông mong được đón tiếp Thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản đến Ấn Độ tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên Ấn Độ – Nhật Bản trong thời gian tới.
Xem thêm:
Ministry of External Affairs Government of India ngày 23/9/2021: Meeting between Prime Minister Shri Narendra Modi and HE Mr. SUGA Yoshihide, Prime Minister of Japan
Ministry of Foreign Affairs of Japan ngày 23/9/2021: Japan-India Summit Meeting
Cuộc họp Thượng đỉnh của Nhật Bản và Australia
Tiếp sau cuộc họp với Thủ tướng Ấn Độ, buổi sáng ngày 24/9/2021 đã diễn ra cuộc họp Thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide với Thủ tướng Australia Scott Morrison. Hai nhà lãnh đạo khẳng định “Quan hệ Đối tác Chiến lược Đặc biệt” Nhật Bản-Australia đã được tăng cường và nhất trí rằng Nhật Bản và Australia sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để hiện thực hóa “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”, bao gồm cả việc thúc đẩy quan hệ song phương trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế.
Để giải quyết vấn đề cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, hai nhà lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ với các đồng minh và các nước cùng chí hướng, trong đó có hợp tác giữa Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ. Thủ tướng Suga nêu rõ, Nhật Bản hoan nghênh việc thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên Australia-Anh-Mỹ (AUKUS). trong khi tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN như một nền tảng.
Xem thêm:
Ministry of Foreign Affairs of Japan ngày 24/9/2021: Japan-Australia Summit Meeting
Hội nghị Thượng đỉnh Bộ Tứ – Tuyên bố chung
Về COVID-19, các nhà lãnh đạo đã thành lập Nhóm Bộ Tứ đối tác vaccine, bao gồm các chuyên gia hàng đầu từ các quốc gia trong Bộ Tứ, chịu trách nhiệm xây dựng mối quan hệ bền chặt và điều chỉnh tốt hơn các kế hoạch để hỗ trợ an ninh y tế khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đối phó với COVID-19. Đồng thời, tích cực cải thiện phối hợp các nỗ lực để hỗ trợ, đảm bảo sản xuất vắc-xin và tiếp cận công bằng, với sự hợp tác chặt chẽ với các nỗ lực đa phương bao gồm cơ chế COVAX. Ngoài ra, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã cam kết tài trợ hơn 1,2 tỷ liều vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả trên toàn cầu. Cho đến nay, các quốc gia Bộ tứ đã cung cấp gần 79 triệu liều vaccine được đảm bảo chất lượng cho các quốc gia ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Khẳng định việc sản xuất vaccine bổ sung ở Ấn Độ sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay nhờ sự tài trợ của Nhóm Bộ Tứ đối tác vaccine để tăng năng lực sản xuất tại Biological E LTD. Các nhà lãnh đạo của các quốc gia Bộ tứ đảm bảo những vaccine được sản xuất mở rộng sẽ được xuất khẩu cho cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thế giới. Dự kiến ít nhất một tỷ liều vắc xin COVID-19 an toàn và hiệu quả sẽ được sản xuất vào cuối năm 2022. Nhật Bản sẽ tiếp tục giúp các đối tác trong khu vực mua vắc xin thông qua Khoản vay Hỗ trợ Khẩn cấp Ứng phó Khủng hoảng Covid-19 trị giá 3,3 tỷ USD. Úc sẽ cung cấp 212 triệu đô la viện trợ không hoàn lại để mua vaccine cho Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Ngoài ra, Úc sẽ phân bổ 219 triệu đô la để hỗ trợ triển khai vaccine và dẫn đầu trong việc điều phối các nỗ lực phân phối của Bộ Tứ ở những khu vực đó.
Tuyên bố chung cho biết Bộ Tứ coi khủng hoảng khí hậu là vấn đề cấp bách đòi hỏi các quốc gia của Bộ Tứ phải hợp tác, cũng như tiếp cận các bên liên quan chính trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để giải quyết.
Trong Hội nghị Thượng đỉnh, các nhà lãnh đạo cũng ra mắt “Bộ nguyên tắc Bộ Tứ về Thiết kế, Phát triển, Quản trị và Sử dụng Công nghệ” với mục đích hướng dẫn không chỉ khu vực mà cả thế giới hướng tới sự đổi mới có trách nhiệm, cởi mở, tiêu chuẩn cao. Dựa trên mỗi nỗ lực cơ sở hạ tầng khu vực, Bộ Tứ đang khởi động quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng Bộ Tứ mới, lập bản đồ nhu cầu cơ sở hạ tầng của khu vực và phối hợp về các nhu cầu và cơ hội của khu vực. Bộ Tứ sẽ hợp tác để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, trao quyền cho các đối tác khu vực bằng các công cụ đánh giá và sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng bền vững tiêu chuẩn cao ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ đã tái khẳng định sự quan tâm của họ trong việc tiếp tục gắn bó với mạng lưới Blue Dot. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các hoạt động cho vay cởi mở, công bằng và minh bạch phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế đối với các quốc gia chủ nợ lớn, bao gồm cả về tính bền vững và trách nhiệm giải trình của khoản nợ, đồng thời kêu gọi tất cả các chủ nợ tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn này.
Tuyên bố chung cũng cho biết Bộ Tứ bắt đầu sự hợp tác mới về không gian mạng và cam kết hợp tác cùng nhau để chống lại các mối đe dọa mạng, thúc đẩy khả năng phục hồi và bảo đảm cơ sở hạ tầng quan trọng này.
Bốn nhà lãnh đạo thành lập Học bổng Bộ Tứ được quản lý bởi Schmidt Futures, một sáng kiến từ thiện và với sự hỗ trợ từ Accenture, Blackstone, Boeing, Google, Mastercard và Western Digital, chương trình học bổng thí điểm này sẽ cung cấp 100 suất học bổng cho các sinh viên sau đại học hàng đầu về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở bốn quốc gia để tạo nên thế hệ tài năng STEM tiếp theo dẫn dắt Bộ Tứ và các đối tác cùng chí hướng hướng tới những đổi mới sẽ định hình tương lai chung.
Tuyên bố cho biết vì tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương, họ sẽ nỗ lực gấp đôi để đảm bảo rằng Bộ Tứ là lực lượng vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng trong khu vực. Từ đó, họ sẽ tiếp tục ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt như được phản ánh trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), để đối phó với các thách thức đối với trật tự dựa trên quy tắc hàng hải, bao gồm cả ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Các nhà lãnh đạo và ngoại trưởng của các quốc gia Bộ Tứ sẽ gặp nhau hàng năm và các quan chức cấp cao của cũng sẽ gặp nhau thường xuyên để tạo ra sự hợp tác cần thiết, xây dựng một khu vực mạnh mẽ hơn.
Xem thêm:
The White House ngày 24/9/2021: Joint Statement from Quad Leaders
The White House ngày 24/9/2021: Fact Sheet: Quad Leaders’ Summit
The White House ngày 24/9/2021: Quad Principles on Technology Design, Development, Governance, and Use
Prime Minister of Australia ngày 24/9/2021: Doorstop – Washington DC, USA
Prime Minister of Australia ngày 24/9/2021: Quad Leaders’ Summit Communique
Ministry of Foreign Affairs of Japan ngày 24/9/2021: The Second Japan-Australia-India-U.S. Summit Meeting
Phân tích: Viễn cảnh sau Hội nghị
Còn quá sớm để khẳng định rằng Bộ Tứ có đạt được những mục tiêu sâu xa của mình
Sau Hội nghị Thượng đỉnh của bốn quốc gia Bộ Tứ ngày 24/9/2021, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã nhấn mạnh trong tuyên bố chung rằng họ đặt niềm tin vào “pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”, và mỗi nguyên tắc này đều nhằm vào Bắc Kinh. Bên cạnh đó, sự kết hợp với hiệp ước quân sự AUKUS mới giữa Hoa Kỳ, Anh, Australia và một mạng lưới dày đặc các hiệp định song phương trong khu vực, từ đó các sự hợp tác này đã nhấn mạnh ý định một cách rõ ràng hơn.
Tuy nhiên còn quá sớm để nói liệu Bộ Tứ có đạt được những mục tiêu sâu xa của mình: ngăn chặn một Trung Quốc độc tài và đang trên đà trở thành bá chủ của châu Á. Nhiều kế hoạch của Bộ Tứ vẫn chưa rõ ràng. Lấy ví dụ về “Mạng lưới vận tải xanh” chưa được giải thích rõ sẽ yêu cầu chính xác những gì hoặc tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng sẽ cao như thế nào khi thực sự xây dựng ở Châu Á.
Dù vậy, mức độ mà bốn quốc gia đã đi sâu vào và triển khai hợp tác là một điều gây bất ngờ. Đặc biệt là cam kết thúc đẩy “các công nghệ quan trọng và mới nổi” có cả ý nghĩa thương mại và chiến lược. Có thể hình dung một tương lai, trong đó hợp tác các quốc gia Bộ Tứ ngăn chặn các công ty viễn thông Trung Quốc như Hoa Vi và ZTE thống trị mạng 5G toàn cầu, duy trì lợi thế của thế giới dân chủ trong chất bán dẫn và ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc đối với các công nghệ mới nổi như sinh học tổng hợp, giải trình tự bộ gen và trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó việc triển khai chương trình “Học bổng Bộ Tứ” cũng sẽ tài trợ cho 100 sinh viên thạc sĩ và tiến sĩ mỗi năm, từ 25 quốc gia, để nghiên cứu khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học ở Hoa Kỳ.
Liệu Ấn Độ có thể nắm bắt những cơ hội tiềm năng các hình thức tham gia mới về quốc phòng và an ninh của các thành viên AUKUS?
Về mối quan hệ đối tác an ninh của liên minh AUKUS, Ấn Độ không xác nhận hay chỉ trích một cách rõ ràng nhưng nhìn chung có thể thấy được cách nhìn tích cực của Ấn Độ về vấn đề này. Sự im lặng tương đối của Delhi về AUKUS không cho thấy sự thiếu quan tâm. Sự phát triển này có sự tham gia của ba đối tác thân cận nhất của Ấn Độ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đó là Úc, Pháp và Mỹ, và một đối tác mới nổi thứ tư trong khu vực đó, Anh. Ấn Độ coi những quốc gia này là có giá trị hữu ích trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực thuận lợi và trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực và trên toàn cầu.
Trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách và phân tích của Ấn Độ, từ lo lắng về sự hiện diện và quan tâm quá nhiều của Mỹ ở Ấn Độ Dương sang lo lắng về việc Washington chú ý quá ít đến khu vực này. AUKUS có thể giảm bớt mối lo ngại này, cũng như các cuộc triển khai luân phiên tăng cường của Mỹ và các hoạt động khác được dự kiến trong các cuộc thảo luận gần đây.
Liệu Bộ Tứ, đặc biệt là Hoa Kỳ, có thể mang lại sự cân bằng cho vai trò ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong khu vực hay không?
Chính quyền Biden hứa sẽ ưu tiên cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và thúc đẩy các liên minh của Washington. Ngoài một số chuyến thăm cấp cao, sáng kiến đáng chú ý nhất của Biden là nâng Bộ Tứ lên cấp thượng đỉnh được thể hiện rõ ràng trong cuộc họp Hội nghị Thượng Đỉnh của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ.
Bên cạnh đó, liên minh AUKUS cũng là lý do làm nên khác biệt. Chỉ riêng thương vụ tàu ngầm đã khiến Hoa Kỳ và Anh tham gia vào khu vực trong nhiều thập kỷ. Nhưng tham vọng hơn, ngoài tàu ngầm, AUKUS tìm cách giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc bằng cách tập hợp các nguồn lực và tích hợp chuỗi cung ứng cho các ngành khoa học, công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến quốc phòng. Đây được xem là mục đích đa diện và kéo dài hàng thập kỷ của AUKUS – một dự án xuyên quốc gia đang chạy đua để giành lấy lợi thế về trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và công nghệ mạng.
Xem thêm:
LAWFARE ngày 24/9/2021: India, the Quad and AUKUS – Lawfare
East Asia Forum ngày 29/9/2021: AUKUS is deeper than just submarines
WSJ Opinion ngày 30/9/2021: Opinion | The Quad Enters the Ring With China
—–
III. CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC
Hội đàm song phương Hoa Kỳ – Philippines cấp bộ trưởng quốc phòng – Những sáng kiến mới
Ngày 10/9/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tại Lầu Năm Góc để kỷ niệm 70 năm Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines và thảo luận về các cách thức để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đồng minh quan trọng này. Hai bên đã đồng ý thực hiện một số sáng kiến mới nhằm đảm bảo liên minh song phương được đảm bảo để giải quyết những thách thức mới và đang nổi lên. Những sáng kiến này bao gồm:
- phát triển một tuyên bố tầm nhìn chung về các ưu tiên chung cho giai đoạn tiếp theo của hợp tác liên minh hai bên;
- ký kết khuôn khổ hàng hải song phương nhằm thúc đẩy các hoạt động quân sự và hợp tác trong không gian biển;
- nối lại các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng tại các địa điểm đã thỏa thuận trong Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường ở Philippines; và
- Tái khởi động Đối thoại Chiến lược Song phương vào cuối năm nay.
Tại hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết cần phải xem xét lại toàn diện quan hệ đồng minh của nước ông với Hoa Kỳ, phàn nàn rằng Manila nhận được ít mối quan hệ với Washington hơn các đồng minh không tham gia hiệp ước bất chấp áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc.
Ông Lorenzana nói hiệp ước của Mỹ với Nhật Bản, kẻ thù trong Thế chiến thứ hai của họ, rõ ràng hơn hiệp ước với Manila khi xác định phạm vi áp dụng của hiệp ước ở khu vực biển Thái Bình Dương, nơi Philippines đang chịu sức ép gia tăng từ các yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.
Xem thêm:
Reuters ngày 8/9/2021: Philippines defense minister says U.S. treaty needs comprehensive review
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 10/9/2021: Readout of Secretary of Defense Lloyd J. Austin III’s Meeting With Philippine Secretary of National Defense Delfin Lorenzana
Sau AUKUS, Australia ra tuyên bố khẳng định cam kết với vai trò trung tâm của ASEAN
Ngày 20/9/2021, Đại sứ Australia tại ASEAN Will Nankervis đã ra tuyên bố khẳng định cam kết của nước này với vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế của ASEAN. Theo ông, cam kết này tiếp tục vững chắc sau AUKUS. Ông Nankervis cũng khẳng định AUKUS không phải một liên minh hay hiệp ước phòng thủ mà sẽ làm tăng khả năng của Australia trong việc hợp tác với các đối tác trong khu vực. Các tàu ngầm mới của Australia sẽ không mang vũ khí hạt nhân, và Australia sẽ ủng hộ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia ngày 20/9/2021: Australia’s steadfast commitment to ASEAN centrality
Tàu hải quân Australia đến cảng Cam Ranh
Ngày 20/9/2021, Đội tàu Nhóm tác chiến nỗ lực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương 2021 (IPE21) của Hải quân Hoàng gia Australia, gồm: Tàu tấn công đổ bộ HMAS Canberra, tàu hộ vệ tên lửa HMAS Anzac và tàu tiếp dầu HMAS Sirius, cùng hơn 700 cán bộ, sĩ quan lực lượng quốc phòng Australia (ADF) đã cập cảng quốc tế Cam Ranh, Việt Nam, bắt đầu chuỗi hoạt động hợp tác song phương giữa Việt Nam và Australia.
Các hoạt động hợp tác song phương trong khuôn khổ IPE21 bao gồm: Hoạt động trao đổi về các chủ đề hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; giới, hòa bình và an ninh; hợp tác về an ninh biển; kết nối giữa sĩ quan Hải quân trẻ của ADF và các học viên sĩ quan từ Học viện Hải quân… nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cũng như tăng khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng an ninh trong khu vực.
Xem thêm:
Quân đội Nhân dân ngày 20/9/2021: Đội tàu Hải quân Hoàng gia Australia cập cảng quốc tế Cam Ranh
Tổng thống Duterte khẳng định tầm quan trọng của phán quyết Biển Đông tại Liên Hợp Quốc
Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố “Phán quyết (chỉ Phán quyết Trọng tài 2016 về Biển Đông) cần được xem là điều mang lại lợi ý cho bất cứ ai tuân thủ sự uy nghiêm của luật pháp. Dù bất cứ quốc gia nào, lớn và mạnh đến đâu đi chăng nữa, cố ý coi thường, tầm quan trọng của Pháp quyết Trọng tài không giảm sút”.
Xem thêm:
Rappler ngày 22/9/2021: FULL TEXT: President Duterte’s speech at 2021 UN General Assembly
Mỹ – Philippines nối lại kế hoạch xây dựng các cơ sở quân sự dùng chung
Các quan chức của cả Philippines và Hoa Kỳ cho biết kế hoạch xây dựng các cơ sở cho quân đội Mỹ ở Philippines vốn đã bị đình trệ nhiều năm do tranh cãi về quy tắc đối với lực lượng thăm viếng đang trở lại đúng hướng. Trước đó, Philippines đã cho phép Hoa Kỳ hoạt động ở các cơ sở tại năm căn cứ theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng tăng cường năm 2014, thỏa thuận này cũng cho phép các lực lượng Hoa Kỳ có quyền kiểm soát đối với các cơ sở dùng chung đồng thời cho phép quân đội Hoa Kỳ dự trữ thiết bị và vật tư quốc phòng. Tháng 2/2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt đầu quá trình chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng khiến cho việc xây dựng các cơ sở của Mỹ bị đình trệ và chỉ được phép nối lại sau cuộc gặp giữa Nhà lãnh đạo Philippines và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vào tháng Bảy vừa qua.
Xem thêm:
Star and Stripes ngày 23/9/2021: ‘We plan to move fairly quickly’: US, Philippines to restart work on shared military facilities
Chủ tịch nước Việt Nam tiếp các doanh nghiệp năng lượng Mỹ
Ngày 23/9/2021, trong khuôn khổ chuyến đi tới New York dự phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có các buổi tiếp lãnh đạo một số tập đoàn năng lượng của Mỹ như Exxon Mobil, Next Decade, cũng như quỹ đầu tư Blackrock (có mong muốn đầu tư vào dự án lọc dầu Dung Quất). Ông Phúc khẳng định Việt Nam mong muốn nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, góp phần phát triển thương mại hai chiều hài hòa và bền vững. Ông cũng cho rằng hoạt động của các công ty dầu khí lớn của Mỹ, trong đó có Exxon Mobil, tại các vùng biển của Việt Nam, nhất là những khu vực nước sâu và nhiều tiềm năng, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai phía mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng, phục vụ mục tiêu chung của cả Việt Nam và Mỹ là góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực.
Trước đó, ngày 22/9, tập đoàn AES (Mỹ) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đã trao đổi Thỏa thuận liên doanh dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, Bình Thuận. Dự án này có tổng công suất lắp đặt lên đến 450 TBtu với tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD.
Xem thêm:
VnExpress ngày 23/9/2021: AES và PV Gas liên doanh làm dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ
Người Lao Động ngày 24/9/2021: Chủ tịch nước tiếp các doanh nghiệp năng lượng hàng đầu Mỹ
Việt Nam đưa Trường Sa, Hoàng Sa vào quy hoạch cảng biển
Trong bản Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được thủ tướng Việt Nam phê duyệt, khu vực huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc nhóm cảng biển số 3. Cụ thể, cảng biển Đà Nẵng gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa, cảng biển Khánh Hòa gồm khu vực huyện đảo Trường Sa.
Xem thêm:
Tuổi Trẻ ngày 23/9/2021: Đưa huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa vào quy hoạch cảng biển Việt Nam
Tổng Bí thư Việt Nam, Trung Quốc điện đàm
Ngày 24/9/2021, Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm. Trong đó, ông Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục dành ưu tiên cao cho việc triển khai hợp tác phòng chống COVID-19 và phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19, khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ song phương và “tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác trên biển, thúc đẩy bàn bạc, thương lượng về tiến hành phân định và triển khai hợp tác, xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển, phối hợp hiệu quả, cùng ASEAN tích cực nỗ lực đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.
Trong khi đó, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh hai nước “là láng giềng hữu nghị xã hội chủ nghĩa núi sông liền một dải, là cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược”, “có rất nhiều lợi ích chung và mối quan tâm chung”, cũng như “bảo vệ an ninh cầm quyền của Đảng Cộng sản và an ninh chế độ xã hội chủ nghĩa là lợi ích chiến lược căn bản nhất của hai nước Trung – Việt”. Ông tuyên bố hai bên “cần phải tăng cường điều phối và phối hợp công việc quốc tế và khu vực, giữ gìn hòa bình và ổn định của Nam Hải, phản đối chính trị hóa vấn đề truy tìm nguồn gốc vi rút nCoV, thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự, thúc đẩy xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại”.
Xem thêm:
Báo Thế giới & Việt Nam ngày 24/9/2021: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Tân Hoa Xã ngày 24/9/2021: 习近平同越共中央总书记阮富仲通电话
CRI Tiếng Việt ngày 24/9/2021: Tổng Bí thư Tập Cận Bình điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Hải quân Philippines tham gia tập trận với hải quân Australia
Từ ngày 26/9/2021, khinh hạm BRP Antonio Luna FF151 của Philippines cùng với ba tàu hải quân Hoàng gia Australia là (HMAS) Canberra III, Anzac và Sirius đã tiến hành một loạt hoạt động trong khuôn khổ cuộc diễn tập thường niên Indo-Pacific Endeavour 2021 (IPE21) tại vùng biển ngoài khơi đảo Cabra. IPE21 được tổ chức nhằm tăng cường quan hệ đối tác của Australia với khu vực và trên toàn Đông Nam Á thông qua các sự kiện đào tạo và diễn tập song phương. Philippines là điểm dừng cuối cùng của IPE21 vào tháng 9/2021.
Xem thêm:
ABS CBN News ngày 27/9/2021: PH Navy conducts naval exercises with Australia
Chính phủ Thái Lan “bật đèn xanh” cho dự án thủy lợi của Trung Quốc
Chính phủ Thái Lan đã bật đèn xanh cho một dự án thủy lợi lớn tại khu vực phía Tây Thái Lan, gần biên giới Myanmar, với sự tham gia của một công ty Trung Quốc chưa rõ danh tính. Dự án này bao gồm một con đập 69 mét trên sông Yuam để tạo ra một hồ chứa, cũng như một con kênh ngầm dài 61 km dưới rừng nguyên sinh để chuyển nước sang hồ Bhumibol.
Theo nghị sĩ Veerakorn Kamprakob của đảng Palang Pracharath cầm quyền, người được coi là thân Trung Quốc và đảm nhiệm cương vụ phó chủ tịch ủy ban đánh giá dự án của quốc hội Thái Lan, công ty mong muốn thực hiện dự án đã liên hệ trực tiếp với ông và tiết lộ kế hoạch thực hiện dự án trong 4 năm với giá 40 tỷ baht (gần 1,2 tỷ USD). Ông Veerakorn cho biết công ty này “là một trong số 5 doanh nghiệp nhà nước hàng đầu của Trung Quốc” và từng xây dựng các con đập lớn.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 24/9/2021: Thai water project gives Beijing a new Belt and Road foothold
Ngoại trưởng Thái Lan, Singapore thăm Mỹ
Ngày 27/9/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có các cuộc gặp với Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan. Trong các cuộc gặp, ông Blinken đã tái khẳng định cam kết đối với các mối quan hệ với hai quốc gia này, cũng như thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực như biến đổi khí hậu, kinh tế hay vấn đề Myanmar.
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/9/2021: Secretary Blinken’s Meeting with Thai Deputy Prime Minister and Foreign Minister Don
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/9/2021: Secretary Blinken’s Meeting with Singapore Foreign Minister Balakrishnan
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc – Malaysia điện đàm
Ngày 27/9/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa và Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein đã có cuộc điện đàm. Trong đó, ông Ngụy tuyên bố Trung Quốc “sẵn sàng làm việc với Malaysia để chống lại chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền”.
Trước đó, sau tuyên bố thành lập AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia, ông Hishammuddin Hussein đã bày tỏ mong muốn tìm hiểu quan điểm của Trung Quốc về thỏa thuận.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 27/9/2021: Chinese defense minister holds video talks with Malaysian counterpart
Global Times ngày 27/9/2021: China ready to work with Malaysia to strengthen communication and properly handle differences on South China Sea issue: Chinese Defense Minister
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được đề xuất bổ sung một số quyền
Tại dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), Bộ Công Thương rà soát, chỉnh sửa một số nội dung về quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhằm phù hợp với quy định hiện hành. Các quyền mới này bao gồm: Tổ chức triển khai điều tra cơ bản về dầu khí trên toàn bộ lãnh thổ đất liền, hải đảo và vùng biển của Việt Nam; Phê duyệt các chương trình tìm kiếm thăm dò dầu khí, tìm kiếm thăm dò dầu khí bổ sung, tận thăm dò dầu khí; Phê duyệt điều chỉnh kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí…
Xem thêm:
Báo điện tử Chính phủ ngày 28/9/2021: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được bổ sung một số quyền
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam: Không có gì có thể ngăn cản hợp tác Việt – Nga trong lĩnh vực dầu khí
Trong cuộc họp báo sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hôm 28/9/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết hợp tác dầu khí giữa hai nước đã vượt qua nhiều thách thức và có thể khẳng định rằng không có gì có thể ngăn cản sự hợp tác của hai bên trong lĩnh vực chiến lược này.
Cũng trong buổi họp báo, ông Lavrov cho biết Nga và Việt Nam đã quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của Gazprom, Zarubezhneft và Novatek tại Việt Nam và PetroVietnam tại Nga.
Xem thêm:
TASS ngày 28/9/2021: Nothing can threaten Russian-Vietnamese oil and gas cooperation, says minister
PetroTimes ngày 29/9/2021: Việt Nam – Liên bang Nga tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dầu khí
Đại sứ Mỹ tại Indonesia: AUKUS không khởi động chạy đua vũ trang
Trong một buổi webinar được tổ chức hôm 29/9/2021 bởi Câu lạc bộ báo chí nước ngoài Jakarta, Đại sứ Mỹ tại Indonesia Sung Kim khẳng định ông “không lo ngại” về một cuộc chạy đua vũ trang hay phổ biến vũ khí hạt nhân. Ông cũng cho biết AUKUS “không nhắm vào quốc gia nào” mà sẽ “cải thiện năng lực và khả năng của ba quốc gia trong việc phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với các nước Đông Nam Á”.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 29/9/2021: Aukus won’t spark Asian arms race: US Ambassador to Indonesia
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ ra 5 nguy cơ từ AUKUS
Trong các cuộc điện đàm với ngoại trưởng Malaysia và Brunei hôm 29/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã chỉ ra 5 nguy cơ đến từ AUKUS: nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, nguy cơ chạy đua vũ trang, nguy cơ phá hoại sự thịnh vượng và phát triển của khu vực, nguy cơ phá hoại khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân và nguy cơ tiềm ẩn về sự nổi lên của tư duy kiểu Chiến tranh Lạnh.
Xem thêm:
CGTN ngày 29/9/2021: Wang Yi stresses five dangers of AUKUS nuclear-sub cooperation
Nhiều tướng lĩnh cảnh sát biển Việt Nam bị kỷ luật
Ngày 30/9-1/10/2021, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển nhiệm kỳ 2015 – 2020 vì “vi phạm nguyên tắc, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Tư lệnh CSB và nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ, lãnh đạo chủ chốt Bộ Tư lệnh và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trực thuộc thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Quốc phòng trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm vật tư, trang bị kỹ thuật và trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển”. Các cơ quan trên cũng đã ra quyết định khai trừ đảng các tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 và 4, cũng như cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với một số tướng lĩnh Cảnh sát biển cấp cao, bao gồm Tư lệnh đương chức Nguyễn Văn Sơn, nguyên Tư lệnh Nguyễn Quang Đạm, nguyên Chính ủy Hoàng Văn Đồng.
Xem thêm:
VOV ngày 29/9/2021: Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương đề nghị kỷ luật 1 tổ chức, 14 cá nhân
VTV ngày 30/9/2021: Xem xét kỷ luật nhiều tướng lĩnh Cảnh sát biển Việt Nam
Báo Tin tức ngày 1/10/2021: Ban Bí thư thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020 và một số cá nhân
Philippines tiếp tục gửi công hàm phản đối Trung Quốc ở Biển Đông
Hôm 30/9/2021, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đăng tải trên Twitter bài viết chỉ thị Bộ Ngoại giao Philippines phản đối các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Cụ thể, ông yêu cầu phản đối “radio của Trung Quốc thách thức một cách trái phép đối với lực lượng tuần tra biển của Philippines”, “sự hạn chế trái phép không ngừng của Trung Quốc với các hoạt động đánh bắt hợp pháp của ngư dân Philippines ở bãi Scarborough” và “sự hiện diện liên tục của tàu cá Trung Quốc gần đá Khúc Giác (Iroquois Reef)”.
Các báo cáo của Philippines cho biết hơn 150 tàu cá Trung Quốc vẫn nằm trong vùng biển mà Manila coi là của mình.
Xem thêm:
RFA ngày 30/9/2021: Philippines Files New Protests Over Chinese Presence in South China Sea
International Business Times ngày 1/10/2021: South China Sea: Over 150 Chinese Vessels Still Continue On Philippine Territory; Manila Files Protest
Tàu HMS Richmond của Hải quân Anh thăm Việt Nam
Ngày 1/10/2021, tàu HMS Richmond của Hải quân Anh đã đến cảng Cam Ranh, bắt đầu chuyến thăm 4 ngày tại Việt Nam. Trong chuyến thăm, tàu HMS Richmond sẽ tiến hành các hoạt động hợp tác song phương với phía Việt Nam, bao gồm một cuộc diễn tập hôm 4/10. “Chuyến thăm [đến Việt Nam] của HMS Richmond tái khẳng định chiến lược hướng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Vương quốc Anh và cam kết của Anh trong việc mở rộng mối quan hệ quốc phòng với các đối tác chủ chốt trong khu vực.”, Đại sứ Anh tại Việt Nam, Gareth Ward chia sẻ trong lễ đón tại cảng Cam Ranh ngày 1/10.
Trước đó, ngày 27/9, tàu đã đi qua eo biển Đài Loan khi trên đường đến thăm Việt Nam. “Sau một thời gian bận rộn làm việc với các đối tác và đồng minh ở Biển Hoa Đông, chúng tôi hiện đang trên đường qua eo biển Đài Loan để thăm Việt Nam và Hải quân Nhân dân Việt Nam,” thông điệp được đăng tải trên Twitter của HMS Richmond cho biết. Bắc Kinh thường xuyên lên án việc Hải quân Hoa Kỳ đi qua tuyến đường thủy nhạy cảm về chính trị ngăn cách Trung Quốc với Đài Loan. Trong năm 2021, tàu chiến Hoa Kỳ đã 9 lần đi qua eo biển Đài Loan, lần gần đây nhất diễn ra vào ngày 17/9.
Xem thêm:
Stars and Stripes ngày 27/9/2021: British frigate sails through Taiwan Strait on its way to Vietnam
BBC Tiếng Việt ngày 1/10/2021, Chiến hạm HMS Richmond thăm Cam Ranh, Anh-Việt thêm gắn bó
Quân đội nhân dân ngày 1/10/2021: Chiến hạm HMS Richmond cập cảng Quốc tế Cam Ranh
Tuổi Trẻ ngày 2/10/2021: Việt Nam sẽ diễn tập hải quân với khinh hạm HMS Richmond, Anh
—–
IV. CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG
Giám đốc Không gian mạng Quốc gia Hoa Kỳ nói về chiến lược của mình
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với báo chí kể từ khi nhậm chức với quyền lực giới hạn, Giám đốc Không gian mạng Quốc gia đầu tiên của Hoa Kỳ Chris Inglis nói với Politico rằng ông có kế hoạch sử dụng vị trí đang gây được nhiều chú ý và ‘quyền lực mềm’ của mình để thúc giục các cơ quan ‘cùng nhau bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng, tăng cường khả năng tự chủ lâu dài và ưu tiên an ninh mạng trong ngân sách của họ’.
Xem thêm:
Politico ngày 30/8/2021: The first national cyber director has big plans to toughen U.S. digital defenses
Hội nghị Uỷ ban Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương lần thứ năm – diễn tiến quá trình gia nhập Hiệp định của Anh
Ngày 1/9/2021, các Bộ trưởng và Quan chức cấp cao, đại diện cho Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã gặp nhau tại cuộc họp lần thứ năm của Ủy ban CPTPP, do Nhật Bản đăng cai tổ chức vào ngày 1/9. Sau cuộc họp, các nước đã có tuyên bố chung tái khẳng định đóng góp đáng kể của Hiệp định đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như tầm quan trọng của sự tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực. Bản tuyên bố cũng đề cập đến quá trình gia nhập CPTPP của Anh. Bản tuyên bố nhận định việc Anh có thể gia nhập sẽ tạo cơ hội để thúc đẩy các quy tắc tiêu chuẩn cao của CPTPP cho thế kỷ 21 và thúc đẩy hơn nữa thương mại tự do, thị trường mở và cạnh tranh cũng như hội nhập kinh tế ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và xa hơn thế. Bản tuyên bố cho biết CPTPP mở cửa cho các nền kinh tế cam kết với các mục tiêu của Hiệp định, có thể đáp ứng và tuân thủ các tiêu chuẩn cao cũng như các cam kết mở cửa thị trường đầy tham vọng, đồng thời thể hiện một khuôn mẫu tuân thủ các cam kết thương mại.
Xem thêm:
Các doanh nghiệp Mỹ thúc giục Biden gỡ bỏ hàng rào thuế quan với hàng hoá Trung Quốc. Các nhà sản xuất Mỹ muốn công ăn việc làm cho người lao động Mỹ
Sau bảy tháng kể từ ngày bắt đầu chính quyền mới, Tổng thống Mỹ Biden vẫn chưa làm rõ cách họ nhìn nhận các mối quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, và hiện vẫn đang trong quá trình đánh giá chính sách thương mại với Trung Quốc đã kéo dài nhiều tháng và chưa có mốc thời gian công khai nào để đưa ra kết luận.
Trong bối cảnh đó, theo tờ The New York Times, các công ty đã tích cực vận động hành lang thúc giục Mỹ gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hoá Trung Quốc để có thể dễ dàng dựa vào các nhà máy ở Trung Quốc thay vì đầu tư vào Hoa Kỳ hoặc các nơi khác. Và họ muốn được đảm bảo rằng họ có thể kinh doanh với Trung Quốc, một thị trường quan trọng về tài chính.
Trong khi đó, Hiệp hội Quốc gia của các nhà sản xuất Mỹ đã gửi thư tới Bộ trưởng Ngoại giao, Cố vấn An ninh Quốc gia và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy các chính sách nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất và tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người lao động Mỹ.
Xem thêm:
The New York Times ngày 1/9/2021: Businesses Push Biden to Develop China Trade Policy
Letter by National Association of Manufacturers
Điều khoản ‘Mua hàng Mỹ’ được bổ sung vào dự luật chính sách quốc phòng của Mỹ
Ủy ban Vũ trang Hạ viện Hoa Kỳ đã bổ sung điều khoản “Mua hàng của Mỹ” vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm tài chính 2022 đã được ban hội thẩm thông qua hôm thứ Năm, yêu cầu Lầu Năm Góc tăng cường mua sắm quốc phòng lớn từ các nguồn trong nước.
Norcross, chủ tịch tiểu ban lực lượng chiến thuật trên bộ và không quân của Hạ viện, cho biết điều khoản này sẽ củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng và bảo vệ chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ khỏi các lỗ hổng có thể bị Trung Quốc khai thác.
Xem thêm:
Inside U.S. Trade ngày 7/9/2021: New ‘Buy American’ provision added to defense policy bill. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Trưởng đoàn đàm phán thương mại Đài Loan: Đài Loan “lạc quan” nhưng “thực tế” về tiềm năng Hiệp định Thương mại tự do với Mỹ
Mặc dù trong những năm gần đây, một số nhà lập pháp Mỹ thúc ép Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ theo đuổi một hiệp định thương mại tự do với Đài Loan phục vụ cho việc chống lại Trung Quốc và thúc đẩy an ninh và tăng trưởng kinh tế, Chính quyền Biden cho biết họ sẽ tập trung vào các ưu tiên trong nước trước khi theo đuổi các hiệp định thương mại tự do mới.
Trưởng đoàn đàm phán thương mại Đài Loan John Deng nói rằng chính phủ Đài Loan hiểu thực tế này, nhưng vẫn lạc quan về triển vọng cho một hiệp định thương mại tự do Mỹ-Đài Loan trong tương lai, và nói rằng nước này muốn tận dụng “mọi cơ hội” có thể để hướng tới mục tiêu đó.
Xem thêm:
Inside U.S. Trade ngày 7/9/2021: Minister: Taiwan ‘optimistic’ but ‘realistic’ about potential for FTA with the US. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Hải quân Hoàng gia Anh triển khai hai tàu tuần tra tới Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong vòng 5 năm
Ngày 7/9/2021, Hải quân Hoàng gia Anh thông báo rằng hai trong số các tàu tuần tra ngoài khơi lớp River Batch II – HMS Spey và HMS Tamar – đã bắt đầu triển khai kéo dài 5 năm đến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để củng cố sự hiện diện của Anh trong khu vực.
Xem thêm:
Janes ngày 8/9/2021: Two Royal Navy OPVs begin five-year deployment to Indo-Pacific region
EU triển khai kế hoạch “Cổng toàn cầu” để ứng phó với Vành đai Con đường của Trung Quốc
Liên minh Châu Âu sẽ khởi động “Cổng toàn cầu” (Global Gateway) như một kế hoạch để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc – mạng lưới đầu tư cơ sở hạ tầng và giao thông khổng lồ, có ảnh hưởng địa chính trị mà Bắc Kinh sử dụng để liên kết các nhà xuất khẩu của mình với các thị trường phương Tây.
“Chúng tôi muốn biến Global Gateway thành một thương hiệu đáng tin cậy trên toàn thế giới”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trong bài phát biểu thường niên của Nhà nước Liên minh hôm thứ Tư ngày 15/9/2021. “Chúng tôi sẽ xây dựng quan hệ đối tác Global Gateway với các quốc gia trên thế giới. Chúng tôi muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng, kết nối hàng hóa, con người và dịch vụ trên toàn thế giới.”
Bà không né tránh mục tiêu chính của mình – Trung Quốc, quốc gia bị phương Tây chỉ trích vì đã mở rộng phạm vi chiến lược và tạo ra sự phụ thuộc vào nợ thông qua cơ sở hạ tầng và kế hoạch đầu tư hàng tỷ đô la.
“Chúng tôi muốn tạo liên kết chứ không phải phụ thuộc!” von der Leyen nói.
Bà nói thêm, ưu tiên của EU sẽ là thảo luận về các dự án kết nối với châu Phi.
Xem thêm:
Politico ngày 15/9/2021: EU launches ‘Global Gateway’ to counter China’s Belt and Road
Đài Loan tăng cường vũ khí với tên lửa và tàu chiến trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ đại lục
Đài Loan đang có kế hoạch chi 240 tỷ Đài tệ (8,7 tỷ USD) trong 5 năm tới với các loại vũ khí trong nước bao gồm tên lửa có khả năng tấn công đại lục như một phần trong nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo này. Ngày 14/9, nội các Đài Loan đã phê duyệt một khoản ngân sách đặc biệt sẽ được dùng để mua một số loại tên lửa như: tên lửa hành trình Wan Chien (Ten Thousand Swords), tên lửa đạn đạo tầm xa Tien Kung (Sky Bow), tên lửa đạn đạo tầm ngắn Tien Chien (Sky Sword) và tầm trung Hsiung Feng (Brave Wind). Khoản tiền này cũng sẽ được chi trả cho các tàu hải quân và tuần duyên được trang bị vũ khí chống hạm và vũ khí phòng không cũng như các phương tiện bay không người lái.
Xem thêm:
South China Sea Morning Post ngày 16/9/2021: Taiwan to boost arms spending with extra cash for missiles and ‘carrier killers’
Hạ viện Mỹ thông qua dự luật mời Đài Loan tham dự RIMPAC 2022
Ngày 23/9/2021, sau hai ngày cân nhắc và bỏ phiếu, Hạ viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài chính 2022 với 316 phiếu thuận và 113 phiếu chống trong đó bao gồm việc kêu gọi Đài Loan tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương năm 2022 (RIMPAC 2022) và tăng cường hợp tác quân sự với chính quyền Đài Bắc. RIMPAC là cuộc tập trận tác chiến hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới do quân đội Hoa Kỳ dẫn đầu, được tổ chức hai năm một lần và được coi là cuộc tập trận rất quan trọng để “bảo vệ các tuyến đường hàng hải quan trọng và đảm bảo tự do hàng hải qua các vùng biển quốc tế”.
Xem thêm:
Taiwan News ngày 24/9/2021: US House passes bill inviting Taiwan to take part in 2022 RIMPAC
Nhóm tàu sân bay tấn công Ronald Reagan trở lại Biển Đông
Ngày 24/9/2021, nhóm tàu sân bay tấn công USS Ronald Reagan (bao gồm USS Ronald Reagan, phi đội bay CVW 5, đội đặc nhiệm 70, tàu tuần dương USS Shiloh) đã quay trở lại Biển Đông lần thứ hai trong năm 2021 sau khi kết thúc chiến dịch bảo vệ các lực lượng Mỹ và liên quân rút khỏi Afghanistan. Tại Biển Đông, nhóm tàu sân bay sẽ tiến hành các hoạt động diễn tập không quân, diễn tập tấn công trên biển, hoạt động tác chiến chống ngầm và huấn luyện chiến thuật phối hợp đồng thời làm việc với các đối tác và đồng minh để đảm bảo an ninh hàng hải và tự do thương mại ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trước đó, trong tháng 7/2021, USS Ronald Reagan đã tiến hành các cuộc tập trận với một nhóm tàu sân bay tấn công khác là USS Nimitz nhằm “hỗ trợ một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” trong bối cảnh Trung Quốc đang thực hiện các cuộc tập trận gần quần đảo Hoàng Sa.
Xem thêm:
DVIDS ngày 24/9/2021: Ronald Reagan Carrier Strike Group Returns to the South China Sea
South China Sea Morning Post, ngày 27/9/2021, US sends warships through South China Sea in latest transit
Lầu Năm Góc cố gắng ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ vũ trụ quan trọng của Hoa Kỳ
Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, cơ quan này đang quan tâm đến các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp không gian của Hoa Kỳ và việc sử dụng phần mềm Trung Quốc của các nhà thầu quốc phòng. Bộ Quốc phòng sẽ kiểm tra các công ty khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm đặc biệt trong lĩnh vực không gian để đảm bảo họ được nhận các “nguồn vốn sạch” và Ủy ban liên ngành về Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) sẽ có thẩm quyền xem xét các giao dịch hợp nhất của các pháp nhân nước ngoài với các công ty của Hoa Kỳ. Ngoài ra, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng cũng sẽ xem xét các giao dịch được đánh giá là có thể do nước ngoài “kiểm soát ảnh hưởng”.
Xem thêm:
Space News ngày 30/9/2021: DoD trying to keep China from accessing critical US space technology
Thủy quân Lục chiến Okinawa lần đầu phối hợp không kích, tấn công mặt nước với tàu sân bay
Tại cuộc tập trận Noble Jaguar bắt đầu vào ngày 28/9, lần đầu tiên các chỉ huy hải quân và sỹ quan tình báo trên tàu sân bay USS Carl Vinson đã phối hợp với các sỹ quan tại trụ sở Sư đoàn Thủy quân lục chiến 3 để tham gia cuộc tập trận. Trong khi đó, thủy thủ đoàn của tàu sân bay cũng tham gia cuộc tập trận liên lạc cùng các đơn vị khác của Hạm đội 7. Cuộc tập trận có sự tham gia của 60 lính thủy đánh bộ thuộc Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến, Trung đoàn 12 Thủy quân lục chiến; các đội tên lửa từ Tiểu đoàn 3; Phi đội bay số 1 và số 12 của Không quân Hải quân Hoa Kỳ với các nội dung tìm kiếm, phát hiện mục tiêu, thông tin liên lạc thông qua Hải quân và Không quân nhưng trọng tâm chính vẫn là việc ghép nối thông tin liên lạc hỗn hợp.
Xem thêm:
Stars and Stripes ngày 1/10/2021: Okinawa Marines coordinate air, surface strikes with a Navy aircraft carrier for first time
Diễn tập chung tàu sân bay Mỹ, Anh và Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương
Các cuộc biểu dương sức mạnh hải quân của đồng minh tiếp tục ở Tây Thái Bình Dương trong tuần này khi hai nhóm tấn công tàu sân bay của Mỹ – Carl Vinson và Ronald Reagan – tập trận cùng với Nhóm tấn công tàu sân bay 21 của Vương quốc Anh (CSG21) và tàu sân bay trực thăng của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) JS Ise (DDH-182). Tổng cộng, 17 tàu chiến của sáu hải quân đã tham gia vào bốn cuộc tập trận trên tàu sân bay, bao gồm các tàu hộ tống từ Hải quân Hoàng gia Canada, Hải quân Hoàng gia Hà Lan và Hải quân Hoàng gia New Zealand. Đại diện của JMSDF cho biết đội hình này tham gia vào các cuộc tập trận chống tàu ngầm, phòng không, di chuyển chiến thuật và thông tin liên lạc. Nhật Bản cũng đạt được một cột mốc quan trọng của riêng mình khi tàu JS Izumo nặng 24.000 tấn, một tàu sân bay trực thăng khác của JMSDF, đã là nơi triển khai một số máy bay chiến đấu F-35B của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vào hôm thứ Hai. Đó là những hoạt động tiêm kích trên tàu sân bay đầu tiên được thực hiện bởi JMSDF kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và chúng đã cho thấy những tiến bộ trong nỗ lực của Nhật Bản trong việc chuyển đổi hai tàu khu trục đa năng lớp Izumo thành tàu sân bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (STOVL). Izumo và Kaga sẽ trải qua một loạt sửa đổi tiếp theo để phù hợp với F-35B, và Izumo dự kiến sẽ hoạt động đầy đủ với khả năng mới này vào năm 2026.
Xem thêm:
USNI News ngày 4/10/2021: US, UK Aircraft Carriers Drill with Japanese Big Deck Warship in the Western Pacific
—–
V. CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC
Ông Tập Cận Bình phát biểu trước Liên Hợp Quốc
Trong phiên thảo luận cấp cao của các nhà lãnh đạo tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu gửi đến dưới hình thức video. Trong đó, ông đề cập đến 4 yêu cầu lớn với thế giới: đánh bại Covid-19; phục hồi kinh tế, phát triển toàn cầu một cách mạnh mẽ, xanh và cân bằng hơn; tăng cường đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng; cải thiện quản trị toàn cầu và thực thi chủ nghĩa đa phương một cách thực chất.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 22/9/2021: Xi Jinping’s full speech at the U.N.’s 76th General Assembly
Trung Quốc đàm phán mua trực thăng tấn công hạng nặng Ka-52K của Nga
Trung Quốc đang đàm phán mua 30 trực thăng hải quân tấn công của Nga nhằm nâng cấp thế hệ tàu tấn công đổ bộ mới của nước này. Các nhà phân tích quân sự cho biết thỏa thuận này sẽ là thỏa thuận lớn thứ ba đối với Trung Quốc và sẽ báo hiệu mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn giữa hai nước khi đối mặt với “sự thù địch” của Hoa Kỳ. Ka-52K hay “Cá mập đen” được phát triển bởi Phòng thiết kế Kamov dành cho Hải quân Nga. Đây là một biến thể trên tàu của trực thăng chiến đấu Ka-52 Alligator, với hệ thống điện tử hàng không hiện đại để điều hướng trên biển có cánh gấp với trọng lượng cất cánh cao hơn, đồng thời có thể tiết kiệm không gian và đáp ứng các nhu cầu của các tàu đổ bộ Type 075 LHD của PLA.
Xem thêm:
South China Sea Morning Post ngày 22/9/2021: PLA in market for Russian Ka-52K heavy attack helicopters
Trung Quốc muốn trở thành cường quốc sở hữu trí tuệ vào năm 2035
Hôm 23/9/2021, Trung Quốc đã ban hành “Hướng dẫn về việc xây dựng cường quốc sở hữu trí tuệ (2021-2035). Trong đó, nước này đặt ra mục tiêu trở thành “nền công nghiệp tập trung vào bằng sáng chế” vào năm 2025 và “một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới” về tính cạnh tranh trong sở hữu trí tuệ vào năm 2035. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nỗ lực lập pháp để bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ mới như Big Data, trí tuệ nhân tạo hay công nghệ gen.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 23/9/2021: China wants to be a ‘powerful intellectual property nation’ by 2035 amid tech race with the US
Trung Quốc tiếp tục triển khai tàu cá ở các vùng biển xa
Trung Quốc ngày càng tăng cường triển khai các đội tàu cá trên các vùng biển xa sau nhiều thập kỷ đánh bắt quá mức ở gần bờ. Mùa hè năm ngoái, công đồng quốc tế đã phản đối kịch liệt việc hàng trăm tàu cá Trung Quốc đánh bắt mực gần quần đảo Galapagos, một di sản thế giới được UNESCO công nhận thuộc Ecuador trong khi Bắc Kinh nói rằng họ không khoan nhượng đối với đánh bắt cá bất hợp pháp bao gồm cả các hành động pháp lý như lệnh cấm đánh bắt cá tạm thời ở vùng biển khơi trong đó có Biển Đông. Quy mô của hạm đội Trung Quốc và sự xuất hiện của chúng tại châu Mỹ làm dấy lên lo ngại về việc Trung Quốc có thể làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển cả từ châu Âu và Hoa Kỳ.
Xem thêm:
AP ngày 24/9/2021: Great Wall of Lights: China’s sea power on Darwin’s doorstep
Ông Tập Cận Bình gửi thư chúc mừng lãnh đạo Quốc Dân Đảng tại Đài Loan
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng ông Eric Chu (Chu Lập Luân) đắc cử Chủ tịch Quốc Dân Đảng, đảng đối lập với đảng cầm quyền tại Đài Loan. Trong thư, ông Tập nói tình hình ở eo biển Đài Loan đang “phức tạp và khó khăn”. Ông cũng kêu gọi hai đảng hợp tác “vì hòa bình ở eo biển Đài Loan, vì thống nhất và phục hưng dân tộc”.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 26/9/2021: 中共中央总书记习近平电贺朱立伦当选中国国民党主席 朱立伦复电习近平表示感谢
Reuters ngày 26/9/2021: China’s Xi warns of ‘grim’ Taiwan situation in letter to opposition
Trung Quốc thử nghiệm robot cơ năng học không người lái sử dụng tia Manta ở Biển Đông
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, các nhà nghiên cứu Trung Quốc từ Đại học Bách khoa Tây Bắc (NWPU) ở Tây An có liên hệ với quân đội nước này đã hoàn thành một cuộc thử nghiệm ngoài khơi đầu tiên ở quần đảo Hoàng Sa về một robot cơ năng học có hình dáng và khả năng bơi giống như một con cá đuối sử dụng tia Manta. Theo các nhà phát triển đây là phương tiện cơ năng học không người lái dưới nước (UUV) đầu tiên trên thế giới có thể lặn sâu hơn 1.000 mét ngoài biển khơi, với động cơ đẩy cánh lướt và khả năng vỗ cánh có thể đóng vai trò quan trọng trong việc “bảo vệ môi trường biển”.
Tuy nhiên, Alexandre Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương (APCSS) cho rằng: “Trung Quốc sẽ sử dụng các robot phỏng cơ năng học này cho các mục đích quân sự. Điều này phù hợp với chiến lược kết hợp quân – dân sự của nước này”. Theo Sharkey từ Đại học Sheffield, robot tia Manta “chắc chắn có thể được sử dụng để khảo sát những gì đang xảy ra ở vùng biển xung quanh nó và có thể ở trên nó và thu thập thông tin tình báo”.
Xem thêm:
RFA ngày 27/9/2021: Spy Fish? China Tests Manta Ray Submersible Drone in South China Sea
Các công ty dầu khí Trung Quốc dự định chi hơn 120 tỷ USD vào khai thác dầu khí
Theo Energy Voice, ba tập đoàn dầu khí CNPC, CNOOC và Sinopec của Trung Quốc trong khoảng thời gian từ 2021 đến 2025 sẽ đầu tư 123 tỷ USD vào khai thác dầu khí để đảm bảo nguồn cung nội địa. Con số này có sự gia tăng đáng kể so với khoản tiền 96 tỷ USD từ năm 2016 đến năm 2020.
Xem thêm:
Energy Voice ngày 27/9/2021: China’s NOCs to spend $120bn on drilling in effort to cut oil imports
Trung Quốc ban hành cơ chế tích hợp giá trị xã hội chủ nghĩa vào pháp luật, quy định
Ngày 27/9/2021, Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Văn phòng Ủy ban Thường vụ Nhân đại Trung Quốc và Bộ Tư pháp Trung Quốc đã ban hành “Dự thảo ý kiến về cơ chế tích hợp hài hòa giá trị quan cơ bản của chủ nghĩa xã hội vào pháp luật và quy định”.
Xem thêm:
Tân Hoa Xã ngày 27/9/2021: 中央宣传部、中央政法委、全国人大常委会办公厅、司法部印发《关于建立社会主义核心价值观入法入规协调机制的意见》
Tân Hoa Xã ngày 27/9/2021: China to establish coordination mechanism for integrating core socialist values into laws, regulations
Goldman Sachs: Nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc chiếm một nửa GDP
Theo các nhà kinh tế học tại Goldman Sachs, nợ chính quyền địa phương của Trung Quốc năm 2020 đã đạt 53 nghìn tỷ nhân dân tệ (8,2 nghìn tỷ USD), tăng từ 16 nghìn tỷ USD năm 2013. Con số này ngang với 52% GDP của Trung Quốc.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 29/9/2021: China Hidden Local Government Debt Is Half of GDP, Goldman Says
Trung Quốc ưu tiên thăng chức cho các chỉ huy quân đội tại khu vực phía Tây
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lựa chọn cẩn thận các sĩ quan quân đội và nhanh chóng thăng chức vào các vị trí chủ chốt trong PLA cho thấy mong muốn củng cố quân đội và đối phó với các lo ngại về những thách thức an ninh đang nổi lên ở các khu vực xa xôi phía tây. Với tư cách là Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Tập đã nhanh chóng thăng chức cho các tướng trẻ và đưa họ vào những vị trí quan trọng để giành được lòng trung thành nhằm tăng cường hơn nữa quyền kiểm soát quân đội của ông. Mặc dù Hải quân là lực lượng đang được ưu tiên hiện đại hóa, Bộ tư lệnh Quân khu miền Đông và Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam là trọng tâm chiến lược của PLA, nhưng kể từ năm 2016 ông, Tập đã thăng chức cho 39 tướng lĩnh trong đó có 20 người từ lục quân, 10 người từ không quân và chỉ 4 người từ hải quân; có 5 vị tướng xuất phát từ Bộ Tư lệnh Quân khu miền Tây trong khi chỉ có 3 người đến từ Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam và 2 người đến từ Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông.
Với biên giới đất liền rộng lớn, Trung Quốc đã phải đối mặt với nhiều tranh chấp và đe dọa trên biên giới phía tây bắc của mình hơn là các phương pháp tiếp cận hàng hải phía đông nam trong suốt lịch sử của mình. Những yếu tố chiến lược và lịch sử này khiến Trung Quốc nhấn mạnh việc bảo vệ các khu vực phía tây của mình và PLA có truyền thống tập trung phòng thủ trên bộ hơn là phòng thủ bờ biển. Việc các Tư lệnh và Chính ủy Bộ Tư lệnh Quân khu miền Tây đều được lựa chọn để thăng chức cho thấy Bắc Kinh đang tập trung vào những thách thức an ninh đang nổi lên ở các khu vực xa xôi ở phía tây của mình.
Xem thêm:
The Strategist ngày 1/10/2021: China military watch
Tập Cận Bình sẽ không tới Rome tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã thông báo với các quan chức của Nhóm 20 quốc gia rằng Chủ tịch Tập Cận Bình hiện không có kế hoạch đích thân tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Ý vào tháng này.
Cuộc họp G-20 diễn ra vào thời điểm quan trọng với các chủ đề từ biến đổi khí hậu đến nguồn cung cấp vắc xin Covid được đưa vào chương trình nghị sự, và nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn do thiếu hụt mọi thứ từ lao động đến chất bán dẫn và năng lượng. Trung Quốc có vị trí trung tâm trong nhiều vấn đề này và sự vắng mặt của ông Tập sẽ khiến việc đạt được thỏa thuận thực chất trở nên khó khăn hơn, theo các nhà ngoại giao được trích dẫn bởi Bloomberg.
Các hội nghị thượng đỉnh cũng tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo gặp gỡ trực tiếp bên lề và các cuộc trò chuyện song phương đó thường chứng tỏ hiệu quả nhất trong việc giải quyết các khác biệt. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và ông Tập đã nói chuyện qua điện thoại vào tháng trước trong một cuộc trò chuyện mang lại rất ít kết quả và Chủ tịch Trung Quốc không đưa ra lời đề nghị cho một cuộc gặp trực tiếp tiềm năng. Tuy nhiên, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan sẽ gặp gỡ nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Thụy Sĩ trong tuần này.
Thời điểm Hội nghị thượng đỉnh G-20 gần với thời điểm nhạy cảm tại Trung Quốc. Đảng cầm quyền của Trung Quốc sẽ triệu tập lần đầu tiên vào tháng 11 sau hơn một năm, tạo tiền đề cho đại hội đảng kéo dài hai lần một thập kỷ vào năm 2022 có thể kéo dài nhiệm kỳ lãnh đạo của Tập Cận Bình.
Xem thêm:
Bloomberg ngày 5/10/2021: G-20: Xi Jinping Does Not Plan to Attend Rome Summit This Month. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
—–
VI. QUAN HỆ HOA KỲ – TRUNG QUỐC
Chính quyền Biden bảo vệ việc đã phê duyệt cấp phép cho chip tự động của Huawei
Bộ Thương mại Mỹ nói rằng họ đã không “nới lỏng hoặc sửa đổi” các hạn chế dưới thời chính quyền Trump về thương vụ công nghệ đối với Huawei. Tuyên bố này được đưa ra để đáp lại câu hỏi của Thượng nghị sĩ Marco Rubio về việc phê duyệt giấy phép với lý do an ninh quốc gia.
Xem thêm:
Reuters ngày 27/8/2021: Biden admin defends approving licenses for auto chips for Huawei
Hoa Kỳ gọi việc mua lại nhà sản xuất chip của Hàn Quốc của Quỹ Trung Quốc là ‘Rủi ro An ninh Quốc gia’
Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thay mặt cho Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), cho biết họ đã “xác định các rủi ro đối với an ninh quốc gia” của Hoa Kỳ từ thương vụ thâu tóm nhà sản xuất chip Hàn Quốc Magnachip Semiconductor Corp được niêm yết tại New York bởi quỹ đầu tư tư nhân Wise Road Capital có trụ sở tại Bắc Kinh. Thương vụ trị giá 1,4 tỷ USD. CFIUS sẽ bản đánh giá thương vụ này cho Tổng thống Joe Biden để đưa ra quyết định cuối cùng.
Xem thêm:
Reuters ngày 31/8/2021: U.S. Treasury says China private equity’s Magnachip purchase poses security risks
South China Morning Post ngày 1/9/2021: US says Chinese private equity fund’s acquisition of South Korean chip maker poses a ‘national security risk’
Chính quyền Biden vẫn đang “đánh giá toàn diện chính sách thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc
Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai nói rằng chính quyền ông Biden và Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ đang tiến hành “đánh giá toàn diện chính sách thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc.” Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn ngày 19/8/2021, bà Tai nói rằng Mỹ đang “tích cực làm việc” cùng với các đối tác để thiết lập luật lệ cho nền kinh tế số. Các quan chức Mỹ và EU cho biết họ sẽ có cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Thương mại và Công nghệ vào tháng 9 này.
Xem thêm:
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ ngày 24/8/2021: Readout of Ambassador Katherine Tai’s Virtual Meetings with U.S. Chamber China Center Advisory Board and US-China Business Council
Phòng Thương mại Hoa Kỳ ngày 24/8/2021: U.S. Chamber China Center Advisory Board Welcomes Meeting with USTR Katherine Tai Pledges Cooperation to Support U.S. Workers, Advance Innovation, and Strengthen the U.S. Economy
Inside U.S. Trade ngày 16/8/2021: Potential for progress, obstacles as US-EU trade and tech council gets started. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
Northwest Asian Weekly ngày 19/8/2021: Talking trade with Ambassador Tai
Bắc Kinh nói với Washington rằng hợp tác về biến đổi khí hậu không thể tách rời khỏi các mối quan hệ rộng lớn hơn
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với nhà ngoại giao hàng đầu đặc trách vấn đề biến đổi khí hậu của Mỹ John Kerry rằng quan hệ Mỹ-Trung kém có thể cản trở hợp tác về biến đổi khí hậu. Chính quyền Joe Biden đã nỗ lực theo đuổi hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu với Bắc Kinh, đồng thời trừng phạt các quan chức Trung Quốc và duy trì các mức thuế do Tổng thống Donald Trump áp đặt.
South China Morning Post ngày 2/9/2021: China drives John Kerry talks beyond climate change to US relations
Chủ tịch Microsoft: Mỹ và Trung Quốc cần sửa chữa mối quan hệ công nghệ song phương
Vào ngày 9/9/2021, Chủ tịch Microsoft Brad Smith lập luận rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc phải thúc đẩy mối quan hệ cùng làm việc về các vấn đề thương mại và công nghệ để mang lại “sự rõ ràng hơn và ổn định hơn” cho các thị trường toàn cầu.
Smith, người lãnh đạo các doanh nghiệp, nhóm pháp lý và công ty khác nhau của tập đoàn phần mềm và dịch vụ đám mây khổng lồ có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã mô tả mối quan hệ Mỹ-Trung hiện tại là “mối quan hệ công nghệ song phương quan trọng nhất thế giới và chắc chắn là mối quan hệ công nghệ song phương phức tạp nhất thế giới.”
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 9/9/2021: US and China need to repair tech ties: Microsoft president
Các hình phạt của Hoa Kỳ đối với việc bán công nghệ cho Trung Quốc đã tăng vọt trong năm nay, quan chức Bộ Thương mại cho biết
Vào ngày 8/9/2021, Jeremy Pelter thuộc Cục Công nghiệp và An ninh đã điều trần trước Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung (USCC) và báo cáo rằng các biện pháp trừng phạt của Bộ Thương mại Mỹ đối với việc bán các công nghệ nhạy cảm cho các công ty Trung Quốc đã tăng mạnh từ năm 2020 đến năm 2021.
Xem thêm:
South China Morning Post ngày 9/9/2021: US penalties for tech sales to China have soared, commerce official says
Biden và Tập điện đàm
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút vào thứ Năm ngày 9/9/2021, cuộc hội thoại đầu tiên của họ sau bảy tháng. Hai bên đã thảo luận về cách giữ cho sự cạnh tranh từ Bắc Kinh và Washington không leo thang thành xung đột. Theo thông cáo Nhà Trắng, cuộc thảo luận này, như Tổng thống Biden đã nói rõ, là “một phần trong nỗ lực không ngừng của Hoa Kỳ nhằm quản lý một cách có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và CHND Trung Hoa. Tổng thống Biden nhấn mạnh mối quan tâm lâu dài của Hoa Kỳ đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và thế giới.” Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ông Tập nhấn mạnh “những khó khăn nghiêm trọng” trong quan hệ nhưng đồng ý duy trì liên lạc và cải thiện thông tin liên lạc.
Xem thêm:
Nhà Trắng ngày 9/9/2021: Readout of President Joseph R. Biden Jr. Call with President Xi Jinping of the People’s Republic of China
Reuters ngày 10/9/2021: Facing stalemate in ties, Biden and China’s Xi discuss avoiding conflict in call
BBC ngày 10/9/2021: US Biden and China’s Xi hold first call in seven months
Tân Hoa Xã ngày 10/9/2021: Xi holds extensive strategic communication with Biden
Nhân dân Nhật báo ngày 10/9/2021: 习近平同美国总统拜登通电话–时政–人民网
Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ cảnh báo các nhà đầu tư về rủi ro từ một số tổ chức kinh doanh của Trung Quốc
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) hôm thứ Hai đã đưa ra cảnh báo mới nhất cho những người muốn đầu tư vào các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Hoa Kỳ.
Để cảnh báo cho các nhà đầu tư, SEC đã nêu chi tiết những rủi ro tiềm ẩn khi đưa tiền vào các công ty niêm yết của Hoa Kỳ có hợp đồng nhưng không có quyền kiểm soát đối với thực thể Trung Quốc có lãi suất thay đổi. Đây là động thái gần đây nhất của cơ quan này nhằm giải quyết lo ngại rằng các công ty Trung Quốc đang vi phạm các quy tắc để tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.
Xem thêm:
Reuters ngày 21/9/2021: U.S. SEC warns investors of risks from certain Chinese business entities
Căng thẳng Mỹ-Trung làm ảnh hưởng đến 96% đầu tư công nghệ song phương
Vào ngày 20/9/2021, một báo cáo của Bain & Company cho thấy cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung trong 5 năm qua đã khiến vốn FDI trong lĩnh vực công nghệ giảm 96%.
Anne Hoecker, đối tác của Bain & Co., người đứng đầu cuộc nghiên cứu, nói với Nikkei Asia rằng các khoản đầu tư từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh hơn nhiều so với chiều ngược lại do Washington đàn áp các công ty Trung Quốc tạo ra những bất ổn địa chính trị cho các doanh nghiệp.
Xem thêm:
Nikkei Asia ngày 20/9/2021: U.S.-China tensions knock 96% off of bilateral tech investment
Báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson về tình hình Trung Quốc mua hàng của Mỹ theo thoả thuận thương mại giai đoạn 1
Tính đến tháng 8/2021, tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ Hoa Kỳ là 89,4 tỷ USD, so với mục tiêu 129,9 tỷ USD từ đầu năm. Tính đến tháng 8/2021, lượng mua tất cả các sản phẩm từ của Trung Quốc đạt 69% (hàng nhập khẩu của Trung Quốc) hoặc 62% (hàng xuất khẩu của Mỹ) so với mục tiêu hàng năm. Chỉ còn 4 tháng cam kết mua hàng theo thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một, Trung Quốc đang trên đà thiếu hụt hơn 30% hàng hóa Mỹ mà họ hứa sẽ mua vào năm 2021.
Xem thêm:
PIIE ngày 27/9/2021: US-China phase one tracker: China’s purchases of US goods
Trung Quốc kêu gọi Mỹ hành động để đưa quan hệ trở lại đúng hướng
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba ngày 28/9/2021 đã kêu gọi Hoa Kỳ đưa lời nói thành hành động cụ thể và đưa chính sách Trung Quốc của họ trở lại đường hướng hợp lý và thực dụng.
Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Trung Quốc đã đưa ra hai danh sách cho phía Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán song phương vào tháng 7 tại Thiên Tân của Trung Quốc, một trong số đó là Danh sách những việc làm sai trái của Hoa Kỳ cần phải dừng lại và danh sách còn lại là Danh sách các trường hợp cá nhân chính mà Trung Quốc có quan ngại. Cả hai danh sách đã yêu cầu rõ ràng rằng phía Hoa Kỳ nên loại bỏ các cáo buộc sai lầm đối với Mạnh Văn Chu của Hoa Vi và đảm bảo cô ấy trở về Trung Quốc an toàn càng sớm càng tốt. Trước đó, ngày 24/9/2021, Thẩm phán Canada đã ký lệnh trả tự do và dỡ bỏ mọi điều kiện giám sát tại ngoại với Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Hoa Vi. Ngay sau đó, hai công dân Canada bị bắt làm con tin tại Trung Quốc cũng đã được phía Trung Quốc trả tự do.
Xem thêm:
CGTN ngày 28/9/2021: China urges U.S. to take actions to bring ties back on right track
Phó Chủ tịch Trung Quốc nói gì với người bạn cũ ở Mỹ về tính chính danh của Đảng Cộng sản
John Thornton, một trong số ít người được tiếp cận với một số quan chức quyền lực nhất của Trung Quốc, đã gặp Vương Kỳ Sơn vào đầu năm nay. Tờ South China Morning Post dẫn lời một số nguồn tin nói rằng người điều hành Phố Wall không có vai trò trong chính phủ, nhưng là cầu nối cho sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc như Henry Kissinger vào năm 1971.
Các quan chức ở Bắc Kinh không tin tưởng vào các quan chức Mỹ trẻ hơn, những người mà họ coi là thù địch với Trung Quốc và tập trung quá nhiều vào cạnh tranh ý thức hệ. Họ thích giao dịch với những “người bạn cũ” đáng tin cậy như Thornton, người nằm trong số rất ít người duy trì mối quan hệ và tiếp cận với một số quan chức quyền lực nhất của Trung Quốc.
Trên Hoàn cầu Thời báo, học giả Lü Xiang từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc bình luận rằng việc phóng thích Mạnh Văn Chu và chuyến thăm Trung Quốc của Thornton cho thấy bầu không khí hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ đang được tăng cường. Các liên minh khác nhau do Mỹ dẫn đầu chủ yếu nhằm thỏa mãn tổ hợp công nghiệp-quân sự và không có nhiều ý nghĩa. Quan hệ Trung – Mỹ có thể được nhìn nhận với thái độ thận trọng tích cực. Theo vị học giả này, cả hai nước đều có điểm mấu chốt – không bên nào sẽ dùng đến chiến tranh. Người ta tin rằng hai bên sẽ có một số cuộc đàm phán cụ thể về kinh tế và thương mại trong quý IV năm nay.
Xem thêm:
Global Times ngày 28/9/2021: Thornton trip not a Kissinger moment, but positive signal
Bộ trưởng Thương mại Mỹ thúc đẩy thương mại Trung Quốc bất chấp ‘mối quan hệ phức tạp’
Raimondo nói với các phóng viên hôm thứ Hai rằng: “Không có ích gì khi nói về việc tách rời” hai nền kinh tế. “Như tổng thống đã nói, chúng tôi không quan tâm đến một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Nó quá lớn so với một nền kinh tế – chúng tôi muốn tiếp cận nền kinh tế của họ, họ muốn tiếp cận nền kinh tế của chúng tôi.”
Raimondo cho biết thêm rằng bà muốn làm việc với châu Âu để điều chỉnh các hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm cho các công ty Trung Quốc với chế độ kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề này trong tuần này tại Pittsburgh, nơi các quan chức Mỹ và EU sẽ thảo luận về thương mại và chuỗi cung cấp.
Xem thêm:
Financial Times ngày 28/9/2021: US commerce chief pushes China trade despite ‘complicated relationship’
Mỹ nói chính phủ Trung Quốc chặn thương vụ máy bay Boeing
Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo hôm thứ Ba cho biết Chính phủ Trung Quốc đang ngăn cản các hãng hàng không nội địa mua “hàng chục tỷ đô la” máy bay do Hoa Kỳ sản xuất.
Raimondo nói rằng Trung Quốc đã không tuân thủ các cam kết mua hàng hóa của Mỹ mà nước này đưa ra vào năm 2020 như một phần của thỏa thuận thương mại được thực hiện với chính quyền trước đó.
Xem thêm:
Reuters ngày 29/9/2021: U.S. says Chinese government blocking Boeing airplane purchases
Đối thoại Mỹ – Trung về điều phối chính sách quốc phòng
Trong hai ngày 28 và 29/9/2021, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng đặc trách vấn đề Trung Quốc, TS. Michael Chase, đã cùng với Thiếu tướng Huang Xueping, Phó Giám đốc Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đồng tổ chức Đàm phán trực tuyến về Điều phối Chính sách Quốc phòng song phương lần thứ 16.
Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, hai bên đã thảo luận thẳng thắn, sâu sắc và cởi mở về một loạt vấn đề ảnh hưởng đến mối quan hệ quốc phòng Mỹ – Trung. Cả hai bên tái khẳng định sự đồng thuận để giữ cho các kênh liên lạc luôn mở. Phía Hoa Kỳ cũng tái khẳng định cam kết trong việc duy trì các nguyên tắc chung với các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ngày 30/9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết họ sẵn sàng liên lạc và hợp tác với các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, cùng nhau giải quyết các tranh chấp nhưng phản đối các hành vi ép buộc. “Chúng tôi hy vọng rằng phía Hoa Kỳ có thể thể hiện sự dũng cảm và sửa chữa những sai lầm của mình”, Ngô Khiêm, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết.
Ông Ngô cũng xác nhận rằng các lực lượng vũ trang của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã duy trì liên lạc bất chấp “những hành động khiêu khích từ phía Hoa Kỳ” và những thách thức trong quan hệ song phương, đồng thời cho biết Trung Quốc hy vọng quân đội hai nước có thể cùng nhau tìm cách cải thiện quan hệ song phương để mang lại lợi ích cho người dân hai nước và trên toàn thế giới.
Xem thêm:
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/9/2021: Readout of U.S. – PRC Defense Policy Coordination Talks
Tân Hoa Xã ngày 2/10/2021: Chinese military welcomes communication, cooperation with U.S. armed forces
Foreign Policy: Trung Quốc tăng số lượng máy bay xâm nhập vùng định dạng phòng không của Đài Loan
Trung Quốc dường như đang leo thang các phi vụ vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan trong vài ngày qua, với kỷ lục mới về số máy bay. Ngày thứ Sáu 1/10/2021: 38 máy bay, thứ Bảy 2/10: 39 máy bay, và đến thứ Hai ngày 4/10, số máy bay tăng lên 56.
Đáp lại một tuyên bố của Hoa Kỳ rằng các động thái này vừa “khiêu khích” và “gây bất ổn”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ tự tạo ra căng thẳng thông qua việc bán vũ khí cho Đài Loan và gửi tàu hải quân Hoa Kỳ qua eo biển Đài Loan.
Vậy Trung Quốc định làm gì?
Theo phân tích của Foreign Policy, để hiểu quy mô những gì đang diễn ra trên vùng biển gần Đài Loan, điều đầu tiên cần hiểu là vùng nhận dạng phòng không, hay ADIZ, không giống như không phận quốc gia. ADIZ giống như một vùng đệm mở rộng ra ngoài phạm vi mở rộng 12 hải lý tính từ biên giới quốc gia được coi là vùng không gian có chủ quyền theo luật pháp quốc tế. ADIZ của Đài Loan, thậm chí kéo dài hơn 200 dặm vào Trung Quốc đại lục ở điểm phía tây bắc của nó, chỉ là một trong nhiều vùng không quân quốc gia chồng lấn ở Biển Hoa Đông. Nói một cách đơn giản, việc bay vào ADIZ không phải là hành động khiêu khích, nhưng tần suất mà Trung Quốc thực hiện đã làm dấy lên lo ngại rằng các chuyến bay có thể là màn dạo đầu cho một cuộc xâm lược hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của riêng mình.
“Tất cả những gì họ đang làm là gia tăng số lượng. Theo quan điểm của tôi, họ không làm bất cứ điều gì khác biệt cơ bản với những gì họ đã làm trong quá khứ gần đây”, Bonnie Glaser, một chuyên gia về quan hệ xuyên eo biển Đài Loan tại Quỹ Marshall của Đức nói với Foreign Policy.
Glaser lưu ý rằng ngoài huấn luyện quân sự, các chuyến bay phục vụ ba mục đích: làm mệt mỏi các phi công của lực lượng không quân Đài Loan, những người phải liên tục di chuyển để chặn; làm mất tinh thần người dân Đài Loan trong khi khơi dậy chủ nghĩa dân tộc ở quê nhà và gửi thông điệp răn đe đến Hoa Kỳ.
Glaser nói: “Tất cả những hành động cưỡng ép ngoại giao, quân sự và kinh tế này thực sự nhằm mục đích gây ra cảm giác tuyệt vọng về tâm lý, trong số những người dân [Đài Loan] rằng Trung Quốc quá hùng mạnh đến nỗi họ phải bỏ cuộc,” Glaser nói. “Tôi nghĩ theo thời gian đó là mục tiêu mà họ tìm cách đạt được — họ muốn giành chiến thắng mà không phải chiến đấu”.
Nếu, như một số người đã đề xuất, việc tăng chuyến bay là do chu kỳ huấn luyện quân sự của Trung Quốc sắp kết thúc, thì con số này sẽ giảm trong những ngày tới. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang tập trung vào việc quốc tế hóa tranh chấp để làm loãng hình ảnh về cuộc đấu tranh thuần túy giữa Mỹ và Trung Quốc đối với Đài Loan, một chiến lược được minh chứng bằng việc tàu chiến Anh quá cảnh gần đây qua eo biển Đài Loan vào tháng 9.
Đài Loan đã cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã “nắm bắt đầy đủ các chuyển động của quân đội cộng sản và đã đưa ra các phản ứng thích hợp”, và nói thêm rằng họ đang hợp tác “với các nước thân thiện để cùng ngăn chặn các hành động khiêu khích ác ý của cộng sản Trung Quốc.”
Xem thêm:
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/10/2021: Increasing People’s Republic of China Military Pressure Against Taiwan Undermines Regional Peace and Stability
AMTI ngày 13/6/2017: Counter-Coercion Series: East China Sea Air Defense Identification Zone
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phác thảo “Cách tiếp cận mới cho mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc” của Chính quyền Biden-Harris, sắp đối thoại với Trung Quốc về những thiếu hụt trong thỏa thuận với Trump
Trong một bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ, bà Tai cho biết tầm nhìn của Tổng thống Biden là một chính sách thương mại lấy người lao động Mỹ là trung tâm. Trong những tháng gần đây, Chính quyền Biden – Harris đã tiến hành đánh giá toàn diện và dưới đây là điểm khởi đầu trong tầm nhìn chiến lược của Chính quyền về việc thiết kế lại các chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của công nhân, doanh nghiệp, nông dân và nhà sản xuất của Mỹ, đồng thời củng cố tầng lớp trung lưu Mỹ.
Điều đầu tiên, Hoa Kỳ sẽ tập trung vào việc thực thi các cam kết đã đưa ra trong thỏa thuận thương mại chưa thực hiện với Trung Quốc khi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai nói chuyện với Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He, trong cuộc họp đầu tiên mà bà chủ yếu nhấn mạnh đến những thiếu sót của Trung Quốc trong thỏa thuận đạt được dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Thứ hai, Mỹ sẽ bắt đầu một quy trình loại trừ thuế quan có mục tiêu nhằm đảm bảo rằng cấu trúc thực thi hiện tại phục vụ tối ưu lợi ích kinh tế của Mỹ.
Thứ ba, Mỹ sẽ tiếp tục nêu những lo ngại nghiêm trọng về các hoạt động thương mại lấy nhà nước làm trung tâm và phi thị trường của Trung Quốc mà không được giải quyết trong thỏa thuận Giai đoạn Một và sẽ sử dụng đầy đủ các công cụ hiện có và phát triển các công cụ mới khi cần thiết để bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ khỏi các chính sách và thực tiễn có hại.
Cuối cùng Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh để hình thành các quy tắc cho thương mại công bằng trong thế kỷ 21 và tạo điều kiện cho cuộc chạy đua lên vị trí dẫn đầu cho các nền kinh tế thị trường và dân chủ.
Xem thêm:
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ ngày 4/10/2021: Remarks As Prepared for Delivery of Ambassador Katherine Tai Outlining the Biden-Harris Administration’s “New Approach to the US-China Trade Relationship”
Các nhà đầu tư lớn của phương Tây đang lùi bước khỏi các công ty Trung Quốc vì sự không chắc chắn
Hôm thứ Ba ngày 5/10/2021, đại diện của Man Group, Soros Fund Management và Elliott Management đã nêu quan ngại về triển vọng đối với cổ phiếu Trung Quốc giao dịch ở New York và ở Châu Á. Những bình luận của họ được đưa ra vài tuần sau khi công ty đầu tư trị giá 59 tỷ USD Marshall Wace cho biết một số doanh nghiệp trong số đó đã trở nên “không thể đầu tư được”.
Dawn Fitzpatrick, Giám đốc đầu tư của Soros, cho biết tại hội nghị trực tuyến Bloomberg Invest, “Chúng tôi không đổ tiền vào Trung Quốc ngay bây giờ.”
Xem thêm:
Bloomberg ngày 5/10/2021: Chinese Stocks: Soros, Elliott Sound Alarm as They Back Away. Một bản PDF được lưu trữ ở đây.
—–
VII. PHÂN TÍCH/BÌNH LUẬN
Mike Gallagher: Chiến lược răn đe của Lầu Năm Góc bỏ qua những bài học về cán cân quyền lực
Cuộc rút lui hỗn loạn của chính quyền Biden khỏi Afghanistan đã đặt ra câu hỏi về độ tin cậy trong các cam kết của Hoa Kỳ và tình trạng răn đe quân sự thông thường. Nhưng ngay cả trước khi chính quyền Afghanistan đầu hàng Taliban, Lầu Năm Góc đã phải vật lộn với những cán cân quyền lực quân sự ngày càng bất lợi, đặc biệt là liên quan đến Trung Quốc. Vào tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã phác thảo một mô hình mới mà ông gọi là “răn đe tích hợp” có thể sẽ là nền tảng của Chiến lược Quốc phòng Quốc gia sắp tới của Lầu Năm Góc dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, mô hình này đã bỏ qua những bài học quan trọng từ các chính quyền gần đây về sự hiệu quả.
Xem thêm:
Washington Post ngày 29/9/2021: Opinion | The Pentagon’s ‘deterrence’ strategy ignores hard-earned lessons about the balance of power
Ashley Townshend và cộng sự: Hoa Kỳ và Australia cần một chiến lược để giải quyết vùng xám của Trung Quốc
Quyết định gần đây của Australia về việc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thông qua quan hệ đối tác công nghệ quốc phòng mới AUKUS đã cho thấy nỗ lực ngăn chặn sức mạnh quân sự đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, các tàu ngầm của Úc sẽ chỉ có thể đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2030 do đó để bảo vệ hiệu quả các lợi ích an ninh của mình và định hình môi trường chiến lược trong thời gian tạm thời, Canberra cần có một chiến lược tích cực hơn để ngăn chặn hành động cưỡng bức vùng xám của Trung Quốc ngay từ bây giờ. Hoa Kỳ và Australia nên theo đuổi vấn đề này cùng nhau.
Xem thêm:
War On The Rocks ngày 29/9/2021: The US-Australian Alliance Needs a Strategy to Deter China’s Gray-Zone Coercion
Erik Sand: Thỏa thuận Quốc phòng AUKUS tập trung vào chia sẻ công nghệ nhưng vẫn còn có nhiều nghi ngại
Vào giữa tháng 9 vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson và Thủ tướng Úc Scott Morrison đã công bố một thỏa thuận quốc phòng ba bên mới có tên AUKUS với nền tảng là sự chia sẻ công nghệ. Bởi vì AUKUS tập trung vào việc chia sẻ công nghệ, nó khác với việc bán vũ khí truyền thống và là một tín hiệu mạnh mẽ hơn về mối quan tâm lâu dài của các bên tham gia về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong lịch sử các thỏa thuận chia sẻ công nghệ thường không đạt được mục đích như ban đầu. Hoa Kỳ và Ấn Độ đã công bố Sáng kiến Công nghệ Quốc phòng và Thương mại, một chương trình hợp tác công nghệ gần 10 năm trước, nhưng nó vẫn chưa đi đến được mục đích cuối cùng. Mặc dù, Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair cùng tuyên bố rằng Mỹ sẽ chia sẻ mã nguồn của F-35 với Vương quốc Anh vào năm 2006, nhưng nhiều năm sau người Mỹ vẫn từ chối làm như vậy.
Ngoài ra, thông báo của AUKUS rất mơ hồ. Các nước vẫn chưa xác định liệu các tàu ngầm của Mỹ hay Anh sẽ làm cơ sở cho việc chế tạo tàu ngầm của Australia và thông báo bao gồm khoảng thời gian 18 tháng để ba bên xác định con đường phía trước. Sự mơ hồ còn ở chỗ ba quốc gia này vẫn chưa thống nhất được nơi đặt cơ sở cho các thành phần khác nhau của chuỗi cung ứng thiết bị tàu ngầm và nhà máy sản xuất động cơ đẩy hạt nhân. Thủ tướng Australia thông báo rằng các tàu ngầm sẽ được đóng ở Adelaide nhưng Thủ tướng Anh lại tuyên bố rằng ông kỳ vọng chương trình sẽ mang lại việc làm trên khắp Vương quốc Anh. Nếu Hoa Kỳ và Anh sản xuất các bộ phận quan trọng ở trong nước sau đó chuyển giao cho Australia lắp ráp cuối cùng thì việc chuyển giao công nghệ sẽ ít hơn so với kỳ vọng của quốc gia thuộc Châu Đại Dương.
Xem thêm:
War On The Rocks ngày 29/9/2021: Don’t Count Your Submarines Before They’re Built
Nguyễn Trung: Việt Nam cần vươn lên thực hiện vai trò phải có ở Đông Nam Á trong tình hình mới
Theo tác giả, các sự kiện xảy ra gần đây trên thế giới cho thấy trận địa trung tâm của tranh chấp toàn cầu giữa các thế lực lớn trên thế giới đã chuyển hẳn về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, Việt Nam cần xác định chỗ đứng của mình trong bàn cờ mới này của thế giới. Tác giả cho rằng Việt Nam cần xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược đúng nghĩa với Trung Quốc và Mỹ, hai đối tác quan trọng nhất và không thể thiếu với Việt Nam nhằm bảo vệ an ninh, phát triển của bản thân và thực hiện nghĩa vụ của quốc gia ở vị trí địa đầu đối với hoà bình, hợp tác và phát triển của khu vực Đông Nam Á.
Xem thêm:
Viet-studies ngày 24/9/2021: Việt Nam cần vươn lên thực hiện vai trò phải có ở Đông Nam Á trong tình hình mới
Ristian Atriandi Supriyanto: Tại sao ASEAN nên hoan nghênh AUKUS?
Học giả người Indonesia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc phòng tại Đại học Quốc gia Úc ở Canberra chỉ ra phản ứng của các nước ASEAN với AUKUS đã nhẹ nhàng hơn nhiều so với một số sáng kiến kiềm chế Trung Quốc có sự tham gia của Mỹ trong quá khứ như chiến lược “xoay trục” năm 2011. Theo tác giả, nguyên nhân đến từ việc AUKUS chính là nhân tố chiến lược mà ASEAN cần để có thêm đòn bẩy ngoại giao trước Trung Quốc. Với AUKUS, Australia đã chứng tỏ giá trị của mình với khu vực. Qua việc thắt chặt liên minh với Anh và Mỹ, Australia cũng bảo vệ sự độc lập trước Trung Quốc, không lùi bước trước sức ép về kinh tế hay ngoại giao của nước này. Tác giả nhận định đây là một bài học cho ASEAN: thay vì nghĩ về những mất mát khi phản đối Trung Quốc, ASEAN cần suy nghĩ về khả năng chịu đựng của mình cũng như họ đã mất đi bao nhiêu độc lập khi chấp nhận không phản đối Trung Quốc. Thay vì sợ các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, ASEAN cần có một chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương công nhận AUKUS, nhóm Bộ Tứ và các tập hợp lực lượng tương tự.
Xem thêm:
Foreign Policy ngày 28/9/2021: Why Southeast Asia Should Welcome AUKUS. Một bản PDF được lưu trữ tại đây
Catharin Dalpino: Washington tìm thấy chỗ đứng ở Đông Nam Á
Theo tác giả, bên cạnh việc khẳng định “nước Mỹ đã trở lại”, các chuyến thăm trong thời gian qua của các quan chức Mỹ đến Đông Nam Á còn có một số mục tiêu quan trọng khác như nhấn mạnh các mối quan hệ quan trọng của Mỹ trong khu vực, khẳng định vị thế của Mỹ như một nhà cung cấp vaccine hàng đầu, và đặc biệt là khôi phục thỏa thuận về lực lượng thăm viếng (VFA) với Philippines. Tác giả cũng chỉ ra một số vấn đề mà chính quyền Biden đã, đang và sẽ cần giải quyết như mối quan hệ với các đồng minh, đối tác, đại dịch Covid-19 hay vấn đề Myanmar. Theo tác giả, các nước trong khu vực sẽ kỳ vọng Mỹ làm nhiều hơn là các chuyến thăm ngoại giao và xây dựng chính sách vững chắc hơn, đặc biệt là về thương mại và quan hệ với ASEAN.
Xem thêm:
Comparative Connections tháng 9/2021: Washington Finds Its Feet in Southeast Asia – Comparative Connections
Renato De Castro: Washington đang thay đổi quan điểm về Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines 1951
Tác giả chỉ ra quan điểm của Mỹ về Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines 1951 với Biển Đông đã có sự thay đổi. Mỹ đã công khai thách thức các tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi làm rõ rằng hiệp ước năm 1951 sẽ buộc Mỹ thực thi cam kết với Philippines. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã cam kết hiệp ước sẽ có hiệu lực trong các cuộc tấn công vào lực lượng, tàu thuyền và máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông. Hai sự kiện là biểu hiện của sự thay đổi này: thứ nhất, năm 2019, cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana rằng hiệp ước năm 1951 sẽ áp dụng trên Biển Đông. Thứ hai, Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ và ủng hộ Philippines sau khi nước này tuyên bố về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu tháng 3/2021.
Xem thêm:
BusinessWorld ngày 28/9/2021: Washington’s changing position on the 1951 Mutual Defense Treaty
Sebastian Strangio phỏng vấn Amitav Acharya về ASEAN
Sebastian Strangio, biên tập viên khu vực Đông Nam Á của tờ Diplomat, mới đây có bài phỏng vấn với chuyên gia hàng đầu về Đông Nam Á Amitav Acharya. Trong bài phỏng vấn, ông Acharya đã đề cập đến các thành tựu của ASEAN, bản chất của tổ chức này, vấn đề Myanmar và chính sách không can thiệp của ASEAN hay vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Theo ông Acharya, ASEAN cần đặt các vấn đề nội bộ là ưu tiên để ít bị tổn thương hơn trước ảnh hưởng từ bên ngoài.
Xem thêm:
Diplomat ngày 29/9/2021: Amitav Acharya on ASEAN and Its Discontents
Hà Anh Tuấn: Hợp tác Việt Nam-Philippines ở Biển Đông: Đối tác chiến lược và trách nhiệm
Tác giả chỉ ra dù có tranh chấp trong yêu sách tại quần đảo Trường Sa, quan hệ giữa Việt Nam và Philippines nói chung và ở Biển Đông nói riêng vẫn phát triển tốt đẹp. Nguyên nhân đến từ việc hai nước cùng coi trọng hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp và bất đồng trên biển, ứng xử khéo léo đối với các khác biệt và chồng lấn về yêu sách, nghiêm túc thực hiện tự kiềm chế theo đúng thỏa thuận theo DOC ký với Trung Quốc. Quá trình xây dựng lòng tin trên biển giữa hai nước đã được bồi đắp qua nhiều cơ chế và cấp độ, bao gồm cả các hoạt động giao lưu tại các điểm đóng quân ở Trường Sa. Tác giả nhận định chỉ những đối tác chiến lược, có lòng tin và trách nhiệm mới thực hiện được những việc như thế.
Theo tác giả, Việt Nam và Philippines có cơ hội xây dựng mô hình kiểu mẫu trong quan hệ quốc tế ở Biển Đông với cơ sở là sự kết hợp giữa các quy định pháp lý của UNCLOS với cam kết chính trị song phương và trong COC. Tác giả cho rằng hai nước cần duy trì tương tác giữa lãnh đạo, triển khai và làm sâu sắc thêm các cơ chế hợp tác giữa các lực lượng hải quân và chấp pháp, phát triển thêm các hình thức hợp tác song phương và phối hợp trong các cơ chế đa phương về nghề cá nói riêng và ngành thuỷ sản nói chung và tăng cường các kênh trao đổi về biển giữa các cơ quan nghiên cứu.
Xem thêm:
Báo Thế giới & Việt Nam ngày 30/9/2021: Hợp tác Việt Nam-Philippines ở Biển Đông: Đối tác chiến lược và trách nhiệm
Michael Hart: Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc mắc cạn tại Philippines
Tác giả chỉ ra nhiều dự án trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Philippines vẫn chưa hoàn thành dù nhiệm kỳ của Tổng thống Rodrigo Duterte đã sắp hết. Tác giả nhận định các dự án của Trung Quốc tại Philippines sẽ mang tính rải rác và có quy mô nhỏ hơn tại các quốc gia Đông Nam Á khác với nguyên nhân đến từ hoàn cảnh địa lý của nước này. Bắc Kinh cũng không tỏ ra gấp gáp vì nước này được lợi ít hơn về chiến lược tại Philippines so với các nước khác. Do đó, tác giả kết luận việc Tổng thống Duterte chuyển hướng sang Trung Quốc có làm tăng đầu tư của nước này vào Philippines trong sáng kiến Vành đai và Con đường, nhưng không ở quy mô lớn như những nơi khác trong khu vực.
Xem thêm:
Geopolitical Monitor ngày 23/9/2021: China’s Belt and Road Runs Aground in the Philippines
George Magnus: Phải chăng đây là thời điểm để tránh đầu tư vào Trung Quốc?
Tác giả nhận định tương lai của việc tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc không mấy sáng sủa. Nguyên nhân nằm ở các chính sách với khu vực kinh tế tư nhân mà nước này đang thực hiện, làm tăng rủi ro của việc đầu tư. Tác giả nhận định các nhà đầu tư cần đánh giá rủi ro cẩn thận hơn, hướng đến các doanh nghiệp ít khả năng chịu ảnh hưởng của các quy tắc, cũng như trả giá để đề phòng các rủi ro về chính trị, kinh tế và các quy định.
Xem thêm:
Financial Times ngày 24/9/2021: Is it time to avoid investing in China?
Tom Stevenson: Bài học về đầu tư từ Trung Quốc và khủng hoảng năng lượng
Tác giả đã rút ra ba bài học cho các nhà đầu tư từ kinh tế Trung Quốc và cuộc khủng hoảng năng lượng mà nước Anh đang phải hứng chịu. Bài học đầu tiên là khi mọi thứ có vẻ quá tốt, thường là nó có vấn đề – tác giả đã rút ra từ trường hợp của tập đoàn Evergrande tại Trung Quốc. Bài học thứ hai – đến từ tình trạng giá nhiên liệu tăng tại Anh – là nghĩ đến những thứ có thể đi chệch hướng và không bỏ trứng vào một giỏ. Bài học thứ ba – cũng đến từ cuộc khủng hoảng năng lượng – là phải tính đến tính bền vững và khả năng phục hồi, thay vì chỉ nghĩ đến lợi ích ngắn hạn.
Xem thêm:
Telegraph ngày 23/9/2021: The investment lessons to learn from the China and energy crises
Dominic Meagher: Phản ứng thế nào trước việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP
Tác giả khuyên các nước thành viên CPTPP xem xét kỹ lập trường của mình và không vội vàng phản ứng. Các nước nên mời đại diện của Trung Quốc cũng như những ai có kinh nghiệm về lịch sử tuân thủ của Trung Quốc với các hiệp ước đến điều trần. Các nước cũng cần đảm bảo mọi hiệp định với Trung Quốc cần phù hợp với tinh thần của CPTPP. Bên cạnh đó, các nước cũng cần mở một diễn đàn để xem xét cách Trung Quốc xây dựng lòng tin cần thiết để có thể gia nhập hiệp định – cơ chế này cần được tiếp tục kể cả khi Trung Quốc được kết nạp vào khối. Ngoài ra, các nước cần đảm bảo rằng các hành động thù địch của Trung Quốc không thể được coi là con bài đàm phán.
Xem thêm:
The Strategist ngày 29/9/2021: How to respond to China’s bid to join the CPTPP
Zoya Sheftalovich & Stuart Lau: Trung Quốc đã để mất Australia như thế nào
Gần 10 năm trước, Australia dường như đang có một tình bạn đẹp với Bắc Kinh. Tuy vậy, đến nay, tình hình đã hoàn toàn khác. Các tác giả đã điểm lại quá trình Trung Quốc “để mất” Australia với nguyên nhân là những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kiểm soát môi trường kinh tế và văn hóa bên ngoài. Năm 2013, sau khi lên nắm quyền, ông Tập đã ngầm siết chặt Australia – mắt xích yếu nhất của liên minh phương Tây. Các hành động mà Trung Quốc đã thực hiện bao gồm các cuộc tấn công mạng, tấn công vào báo chí tiếng Hoa tại Australia, can dự vào nền chính trị nước này, tăng cường tiềm lực quân sự hay thực hiện “ngoại giao chiến lang”.Các hành động này đã khiến Australia rời xã Trung Quốc.
Xem thêm:
Politico ngày 27/9/2021: How Xi Jinping lost Australia
Trung Quốc tăng cường khả năng vận tải đổ bộ bằng phà dân sự
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã và đang tăng cường khả năng sử dụng phà dân dụng để chuyển quân và trang thiết bị vũ khí trong các chiến dịch đổ bộ. Tháng 8/2020, PLA đã tổ chức cuộc tập trận Vận tải Phương Đông – Dự báo 2020A (东部 运 投 —2020A) đưa các phương tiện quân sự từ phà dân sự trực tiếp lên bãi biển bằng một modul cầu tàu nổi. Hình ảnh vệ tinh thương mại về một cuộc tập trận đổ bộ của PLA vào mùa hè 2021 cho thấy Trung Quốc đã cải tiến hệ thống cầu tàu nổi để hỗ trợ hoạt động đổ bộ. Phà dân dụng là giải pháp giúp PLA gia tăng đáng kể năng lực vận tải đổ bộ và trở thành tàu đổ bộ phụ trợ giúp bù đắp thiếu hụt cần thiết để thực hiện một cuộc đổ bộ xuyên eo biển Đài Loan.
Xem thêm: CIMSEC, ngày 9/9/2021, Civilian Shipping: Ferrying the People’s Liberation Army Ashore
Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng đối với mạng lưới cáp quang biển toàn cầu
Trong những năm gần đây, các công ty viễn thông quốc doanh Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào cáp ngầm; chỉ trong năm 2021, ba công ty viễn thông nhà nước của Trung Quốc là China Moble, China Telecom và China Unicom đã có cổ phần sở hữu trong 31 tuyến cáp mới được triển khai, phần lớn các khoản đầu tư này tập trung vào các cơ sở hạ tầng bên ngoài Trung Quốc đại lục và diễn ra trong bối cảnh quốc tế ngày càng lo ngại về hoạt động công nghệ của Trung Quốc, bao gồm: cách chính phủ Trung Quốc đang làm để “phá hoại” mạng internet toàn cầu, việc kiểm soát đối với các công ty internet Trung Quốc và liệu rằng các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài của chính phủ Trung Quốc có phải là một cách để phát triển công nghệ gián điệp mạng và gia tăng sự phụ thuộc công nghệ vào Trung Quốc hay không.
Xem thêm:
The Jamestown Foundation ngày 23/9/2021: Beijing’s Growing Influence on the Global Undersea Cable Network
VIII. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC/BÁO CÁO CHÍNH SÁCH
Michal Mochtak & Richard Turcsanyi (2021) Studying Chinese Foreign Policy Narratives – Introducing the Ministry of Foreign Affairs Press Conferences Corpus
Các tác giả đã xây dựng bộ dữ liệu hoàn chỉnh bao gồm gần 23.000 câu hỏi – trả lời (phiên bản tiếng Anh chính thức được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố) trong các cuộc họp báo của cơ quan này từ ngày 15/10/2002 đến hết năm 2020. Sau đó, các tác giả đã thử sử dụng bộ dữ liệu này để phân tích sự thay đổi về phát ngôn của Trung Quốc liên quan đến Mỹ giữa thời kỳ Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình, cũng như các phát ngôn của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông. Theo các tác giả, bộ dữ liệu sẽ có thể giúp các học giả nghiên cứu Trung Quốc cả về định tính lẫn định lượng và có thể áp dụng vào các lĩnh vực phân tích trên máy tính.
Xem toàn văn nghiên cứu tại đây
The American Chamber of Commerce in Shanghai (2021) China Business Report
Báo cáo thường niên khảo sát các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc của AmCham Thượng Hải năm 2021 có một số kết luận đáng chú ý sau đây:
1. Các doanh nghiệp Mỹ vẫn lạc quan với Trung Quốc
2. Tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về tình hình kinh doanh trong tương lai tăng trở lại
3. Tỷ lệ đạt lợi nhuận trong năm 2020 cao hơn dự tính
4. Thu nhập của doanh nghiệp năm 2021 dự kiến sẽ tăng
5. Đầu tư sẽ tăng sau đại dịch
6. Các doanh nghiệp chú trọng vào môi trường, quan hệ với xã hội và chính phủ (ESG)
7. Công việc sản xuất ở lại Trung Quốc và không chuyển sang Mỹ
8. Việc thu hút nhân tài tại chỗ khó khăn hơn khi phải cạnh tranh với các công ty nội
9. Khó khăn trong di chuyển gây ra vấn đề nhân sự và vận hành
10. Sự minh bạch trong các quy định là không ổn định, nhưng không ngăn cản công việc kinh doanh
11. Các công ty Mỹ tiếp tục chú trọng Trung Quốc
Xem toàn văn báo cáo tại đây
AidData (2021) AidData’s Global Chinese Development Finance Dataset, Version 2.0
AidData đã tổng hợp dữ liệu chi tiết của 13.427 dự án phát triển với tổng giá trị 843 tỷ USD. Các dự án này được thực hiện bởi hơn 300 thực thể Trung Quốc tại 165 quốc gia trong giai đoạn 200-2017.
Xem toàn bộ bộ dữ liệu tại đây
Ammar A. Malik et. al. (2021) Banking on the Belt and Road: Insights from a new global dataset of 13,427 Chinese development projects
Từ bộ dữ liệu trên, các nhà nghiên cứu tại AidData rút ra 5 kết luận chính:
1. Các dự án tài chính ngoài nước của Trung Quốc mở rộng trong 20 năm qua
2. Các ngân hàng nhà nước của Trung Quốc có vai trò ngày càng gia tăng trong BRI
3. Các biện pháp đảm bảo được áp dụng khi rủi ro gia tăng
4. Các dự án của Trung Quốc tạo ra các khoản nợ không được báo cáo, có giá trị khoảng 385 tỷ USD
5. Khoảng 35% dự án thuộc BRI gặp vấn đề lớn khi triển khai như tham nhũng, xâm phạm quyền lao động, tác động đến môi trường hay chịu ảnh hưởng của công chúng.
Xem thêm:
Toàn văn báo cáo tại đây
Wall Street Journal ngày 28/9/2021: Hidden Debt Plagues China’s Belt and Road Infrastructure Plan, Studies Find
Aid Data’s Blog ngày 29/9/2021: AidData’s new dataset of 13,427 Chinese development projects worth $843 billion reveals major increase in ‘hidden debt’ and Belt and Road Initiative implementation problems
Wendy Leutert and Sarah Eaton (2021) Deepening Not Departure – Xi Jinping’s Governance of China’s State-owned Economy
Các tác giả nhận định chính sách quản lý các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình là sự tiếp nối các chính sách dưới thời người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào: xây dựng các cơ chế quan liêu, quản lý nhân sự, tổ chức và công tác Đảng. Ông Tập chú trọng hơn vào hệ thống Đảng, khác với hệ thống chính quyền như ông Hồ. Tuy vậy, điều này dường như không phải là một sự thay đổi lớn trong chính sách.
Xem toàn văn nghiên cứu tại đây
Joseph Fewsmith (2021) Balances, Norms and Institutions – Why Elite Politics in the CCP Have Not Institutionalized
Qua phân tích nền chính trị Trung Quốc từ khi cải cách mở cửa đến nay, tác giả chỉ ra các thể chế của Đảng Cộng sản Trung Quốc còn yếu. Thay vào đó là sự cân bằng, được thể hiện qua sự phân bố quyền lực và các quy tắc phi chính thức. Bên cạnh đó, các lãnh đạo có xu hướng củng cố và kéo dài quyền lực thông qua bổ nhiệm và vai trò “nguyên lão” sau khi nghỉ hưu. Xu hướng củng cố quyền lực và cá nhân hóa đang có dấu hiệu gia tăng dưới thời Tập Cận Bình, khiến các quy tắc và cân bằng bị phá vỡ.
Xem toàn văn nghiên cứu tại đây
Task Force on U.S.-China Policy (2021) China’s new direction – Challenges and opportunities for U.S. policy
Nhóm nghiên cứu về chính sách Mỹ – Trung của Trung tâm quan hệ Mỹ – Trung thuộc Hiệp hội châu Á (Asia Society) và trường UC San Diego đã phát hành bản báo cáo toàn diện về các xu hướng đang xuất hiện bên trong Trung Quốc và khuyến nghị chính sách cho Mỹ trên nhiều mặt, từ chính trị nội bộ, xã hội, nhân quyền, kinh tế đến công nghệ, quân sự, ngoại giao và biến đổi khí hậu.
Xem toàn văn báo cáo tại đây
IRSEM (2021) Les Opérations d’Influence Chinoises: Un Moment Machiavélien
Báo cáo dài gần 650 trang của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng Pháp trình bày về các chiến dịch gây ảnh hưởng của Bắc Kinh ra bên ngoài, từ ngoại giao công chúng đến các chiến lược can thiệp bí mật. Báo cáo nhận định các chiến dịch của Trung Quốc có thể thành công về chiến thuật nhưng đã thất bại về chiến lược.
Xem toàn văn báo cáo tại đây
Đỗ Thị Thủy (2021) “Firm in principles, flexible in strategy and tactics”: Understanding the logic of Vietnam’s China policy
Theo tác giả, chính sách của Việt Nam với Trung Quốc được định hình bởi bốn nhân tố chính: địa lý, lịch sử, chính sách của Trung Quốc và thay đổi trong quan hệ giữa các nước lớn. Trong đó, địa lý và lịch sử là hai nhân tố bất biến, để lại cho Việt Nam bài học về xây dựng chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, không theo đuổi chủ nghĩa bài Trung Quốc hay xây dựng liên minh nhằm cân bằng với Trung Quốc. Do đó, Việt Nam lựa chọn vừa xây dựng quan hệ với Trung Quốc, vừa áp dụng các biện pháp cân bằng nước đôi theo hướng “cân bằng mềm” và tự xây dựng tiềm lực quân sự. Theo tác giả, Việt Nam cho rằng chính sách này là thành công và sẽ tiếp tục được thực hiện trong tương lai. Tuy vậy, Việt Nam sẽ cần cải cách để tăng cường nội lực của mình.
Xem toàn văn nghiên cứu tại đây
———–
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.