Biển Đông: Mỹ Tham Gia Cuộc Chiến Công Hàm

Tác giả: Nguyễn Hồng Thao | The Diplomat 10/6/2020

Biên dịch: Trần Thành Đạt | Hiệu đính: Nguyễn Hồng Thao

Hạm đội tàu USS Theodore Roosevelt. Nguồn: US Navy

Công thư Washington về Biển Đông gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc ủng hộ quan điểm của Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia.

Ngày 1/6/2020, Trưởng Phái đoàn Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), Đại sứ Kelly Craft đã gửi một công thư tới Tổng Thư ký LHQ liên quan đến Công hàm số CML/14/2019. Công hàm này được gửi bởi Phái đoàn Thường trực Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại LHQ ngày 12/12/2019 nhằm phản hồi đệ trình trong cùng ngày của  Malaysia về thềm lục địa mở rộng  ngoài 200 hải lý  của nước này gửi tới Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa (CLCS). 

Bằng hành động này, Mỹ – một quốc gia không có yêu sách chủ quyền và nằm cách xa khu vực Biển Đông, đã tham gia vào cuộc chiến công hàm qua lại giữa Trung Quốc với Malaysia, Philippines, Việt Nam và Indonesia kể từ tháng 12/2019. 

Tuy nhiên, công thư này không bình luận về Đệ trình của Malaysia lên CLCS và cũng không được đưa lên trang web của CLCS. Có một vài lý do đằng sau việc này. Một trong số đó là việc Mỹ chưa phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các tiêu chí xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa là một quy phạm  điều ước quốc tế, không phải tập quán quốc tế. Điều 76 của UNCLOS – xác định  thềm lục địa – là thỏa thuận mới [giữa các quốc gia thành viên], trong khi đó bề rộng tiêu chuẩn của lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đều là các quy phạm tập quán  ràng buộc với tất cả các quốc gia, thành viên hay không thành viên của UNCLOS. Đệ trình một phần năm 2019 của Malaysia cũng như Đệ trình chung của Việt Nam và Malaysia năm 2009 về thềm lục địa mở rộng là các hành động nhằm thực thi các nghĩa vụ của các quốc gia thành viên của UNCLOS. Việc chấp nhận những đệ trình này phụ thuộc vào các quy trình xem xét và khuyến nghị của CLCS, cơ quan được thành lập bởi UNCLOS và do đó, không  tính Mỹ như  một thành viên. 

Bỏ qua những câu hỏi đó, công thư mới nhất gửi tới LHQ nhắc lại những phản đối của Mỹ đối với những yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông. Công thư của Đại sứ Craft thể hiện một lập trường cứng rắn hơn so với Công hàm của Mỹ gửi ngày 28/12/2016 từ nhiều góc độ khác nhau. 

Đầu tiên, trong khi Công hàm ngày 28/12/2016 chủ yếu tập trung vào 3 văn kiện  mà Trung Quốc đưa ra ngày 12 và 13/6/2016 để phản đối phán quyết trọng tài về Biển Đông thì công thư ngày 1/6/2020 nhấn mạnh rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là chung thẩm và bắt buộc đối với cả Trung Quốc và Philipines dựa theo Điều 296 của UNCLOS. Công thư nhắc lại đánh giá của Tòa rằng “yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử [tại Biển Đông] là không phù hợp với Công ước do nó vượt quá các giới hạn của các vùng biển mà Trung Quốc có thể yêu sách theo quy định cụ thể” tại điều 2, 57 và 76 của UNCLOS. Công thư cũng nhấn mạnh rằng Mỹ có trách nhiệm đưa ra “kháng nghị chính thức đối với những đòi hỏi phi lý” can thiệp vào các quyền và sự tự do mà Mỹ và tất cả các quốc gia khác đang được hưởng. 

Công thư cũng mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc đưa ra các yêu sách biển  phù hợp với luật pháp quốc tế như đã được quy định tại UNCLOS; tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016; và dừng các hành động khiêu khích tại Biển Đông. Khái niệm “các hành động khiêu khích” không xuất hiện trong Công hàm ngày 28/12/2016 nhưng đã được sử dụng thường xuyên trong các phát biểu gần đây của các quan chức Mỹ như trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ về Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tháng 11/2019.

Công thư cũng loại trừ “bất cứ yêu sách nào về các vùng nội thủy giữa các đảo nằm phân tán mà Trung Quốc đang yêu sách chủ quyền tại Biển Đông.” Văn bản này nhấn mạnh rằng các thực thể nằm trên mức triều cao tại Trường Sa, được xác định theo Phán quyết của Tòa Trọng tài là đá dựa theo Điều 121 (3), chỉ có đường cơ sở thông thường theo quy định tại Điều 5 của UNCLOS. Phương pháp đường cơ sở thẳng chỉ được áp dụng ở những nơi mà bờ biển (của đất liền hoặc đảo) quanh co và khúc khuỷu, hoặc khi có một chuỗi đảo chạy qua không cách xa bờ biển, hoặc ở nơi mà bờ biển cực kỳ không  ổn định bởi sự tồn tại của một một đồng bằng châu thổ và các điều kiện tự nhiên khác. Không có bất cứ điều kiện nào trên đây được áp dụng tại Trường Sa, hay bất cứ nhóm đảo nào khác mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Mỹ cũng nhấn mạnh rằng các thực thể hoàn toàn chìm dưới mặt nước như Bãi Macclesfield hoặc Bãi cạn James, và các thực thể chìm ở triều cao như Mischief Reef (Đá Vành Khăn) và Second Thomas Shoal (Bãi Cỏ Mây) “không thể tạo ra  lãnh hải  hoặc các vùng biển khác theo luật quốc tế.” Bất cứ hành động nào nhằm cải tạo đảo hoặc xây dựng các căn cứ quân sự trên các thực thể này cũng không thể thay đổi địa vị pháp lý của chúng. 

Cuối cùng, công thư cũng nhấn mạnh rằng các Công hàm trước đây của Philippines, Việt Nam và Indonesia đều có chung quan điểm về những yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Nói cách khác, công thư này ngầm  khuyến khích các quốc gia trong khu vực ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 và luật quốc tế để giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông.

Trên thực tế, bằng việc thu hẹp các vùng biển của các thực thể nổi ở thủy triều cao tại Quần đảo Trường Sa xuống không quá 12 hải lý, Phán quyết đã hé lộ khả năng về có một vùng Biển cả và Vùng – di sản chung của nhân loại – tại trung tâm của Biển Đông. Bên cạnh các quyền tự do truyền thống trên biển, điều khoản về Biển cả và Vùng của  UNCLOS cho phép các quốc gia khác có các quyền đối với các tài nguyên đáy biển và các lợi ích khác. 

Ngày 3/6/2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ những phản đối của Mỹ bằng việc khẳng định Trung Quốc đã tạo lập chủ quyền lãnh thổ thông qua một quá trình lịch sử lâu dài và có các quyền và lợi ích hàng hải tại Biển Đông, những điều này đều phù hợp với Hiến chương LHQ và UNCLOS. Trung Quốc nhấn mạnh rằng Mỹ không phải là một bên trong các tranh chấp tại Biển Đông, do đó Mỹ không nên nhảy vào hoặc làm gia tăng căng thẳng một cách thường xuyên thông qua hiện diện quân sự của mình, gây chia rẽ các quốc gia trong khu vực. Nói theo cách của Trung Quốc, những hành động này không đóng góp gì cho sự ổn định và hòa bình tại Biển Đông.

Trong hoàn cảnh này, cần nhớ rằng Trung Quốc là nước đã sử dụng vũ lực năm 1974 và 1988 để giành quyền kiểm soát các thực thể tại Biển Đông, trái ngược với Điều 2 Hiến chương LHQ.

Công thư của Mỹ có thể khuyến khích các hành động tương tự từ các quốc gia khác nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích biển của họ đã được quy định hợp pháp theo UNCLOS. Công thư cũng góp thêm tiếng nói cho quan điểm chung của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia trong việc coi UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất cho việc xác định, một cách đầy đủ và toàn diện, phạm vi các danh nghĩa biển tương ứng của các nước này tại Biển Đông.

Tình hình tại Biển Đông chỉ có thể được kiểm soát khi các quốc gia tự kiềm chế và hợp tác giải quyết các bất đồng trên cơ sở thiện chí và tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

TS. Nguyễn Hồng Thao là một giáo sư ở Học viện Ngoại giao Việt Nam và là thành viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Bài viết được đăng lần đầu trên The Diplomat và là một sự tiếp tục nghiên cứu của ông về thềm lục địa mở rộng của Malaysia.

Trần Thành Đạt là cộng tác viên tự nguyện năm nhất của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Mọi khoản tài trợ xin gửi về: Tài khoản Paypal: sukybiendong@gmail.com. Hay chuyển khoản: Hoàng Việt. Số tài khoản: 207503269. Ngân hàng ACB (Asia Commercial Bank). Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Advertisement

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.