Biên dịch và Tổng hợp: Nhật Minh
Ngày 29 tháng 8 năm 2018
Ngày 27 tháng 8 tại Hà Nội, Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3 đã khai mạc ở Hà Nội với sự tham gia của các đoàn cấp Thủ tướng, Bộ trưởng và các quan chức cấp cao, các học giả từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Ấn Độ, Mỹ, Singapore, Sri Lanka và Bangladesh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Phía Việt Nam có sự tham gia của gần 100 quan chức và học giả. Hội thảo kéo dài trong hai ngày 27 và 28 tháng 8.
Hội thảo lần này có chủ đề “Xây dựng Kiến trúc Khu vực”, tập trung vào việc xây dựng kiến trúc khu vực và thúc đẩy hợp tác giữa các nước liên quan trong khu vực trong những vấn đề về xây dựng lòng tin, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, cũng như quản lý hàng hải và xử lý những mối đe dọa phi truyền thống.
Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng như các quan chức cấp cao của Sri Lanka, Ấn Độ và Singapore đã chia sẻ quan điểm của họ về tầm quan trọng của việc xây dựng một kiến trúc khu vực dựa trên luật pháp quốc tế và có tính bao trùm, với ASEAN đóng vai trò trung tâm, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng lòng tin.
Tính bao trùm (inclusive) theo diễn giải trước đó của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi là bao gồm tất cả các nước nằm trong khu vực, trong đó có cả Trung Quốc, cũng như các nước liên quan tới khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj nhấn mạnh, khu vực Ấn Độ Dương, với nền văn minh cổ đại và nền kinh tế năng động, là trung tâm của “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và có tính bao trùm”.
Bà cũng khẳng định ASEAN là trung tâm trong cấu trúc hàng hải khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an toàn và an ninh hàng hải, tự do hải hành và bay trên không, đồng thời kêu gọi chú ý tới các mối đe dọa có thể làm suy yếu quản trị và an ninh trong khu vực, bao gồm cướp biển, buôn lậu và cạnh tranh hải quân.
Bà cho biết, vào tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra khái niệm về SAGAR, đề xuất một tầm nhìn toàn diện về sự tham gia của Ấn Độ với khu vực này. SAGAR trong tiếng Hindi nghĩa là đại dương. Tầm nhìn của Thủ tướng Modi là trong thế kỷ này, SAGAR nên là viết tắt của “An ninh (Security) và Tăng trưởng (Growth) cho Tất cả (All) trong Khu vực (Region)”.
Để thực hiện tầm nhìn này, Ấn Độ đưa ra cách tiếp cận bao gồm: (a) dự án thúc đẩy liên kết nội địa và tăng cường kết nối khu vực, (b) liên kết Nam Á với Đông Nam Á (Act East) và Vùng Vịnh (Think West), và (c) đóng vai trò tích cực và xây dựng trong việc tăng cường an ninh hàng hải khu vực.
Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: “Hai đại dương được gắn kết không chỉ về mặt địa lý, mà còn qua sự tương tác thường xuyên với nhau trên nhiều lĩnh vực. Ngày nay, mối quan hệ giữa hai đại dương này đang ngày càng lớn mạnh”.
Ông cho biết: “Mức độ trao đổi cao trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa là động lực thúc đẩy thế kỷ châu Á trở thành thế kỷ Ấn-Á-Thái Bình Dương”.
Ông cảnh báo rằng việc xây dựng bất kỳ kiến trúc khu vực Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương nào đều là “cam kết phức tạp” và góp phần vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực, các nước cần phải thể hiện “bốn yếu tố nền tảng” – tính bao trùm (inclusivity); tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hải hành và dòng chảy thương mại không bị giới hạn; vai trò trung tâm của ASEAN; tôn trọng chủ quyền và độc lập của các quốc gia.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam nói rằng đối với bất kỳ dự án nào trong các sáng kiến hợp tác mới đây – Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ, Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, hoặc Sáng kiến “Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do” của Nhật – Mỹ – đều phải “dựa trên tính tối thượng của luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền tự quyết của quốc gia“.
Ông nói rằng, Hội nghị Ấn Độ Dương được tổ chức lần này nhằm mục đích hình dung các mô hình kiến trúc khu vực khả thi, tăng cường hợp tác trong tương lai, chống lại các xu hướng chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao.
Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh tầm quan trọng của “lợi thế hàng hải“. Có tới 80% khối lượng thương mại toàn cầu và 70% tổng doanh thu hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, hầu hết các tuyến đi qua Ấn Độ Dương, kết nối các nền kinh tế chính ở vùng duyên hải Bắc Đại Tây Dương với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông cho biết, Singapore hoan nghênh hợp tác khu vực, nhưng nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau trong ASEAN và làm thế nào để đạt được kết quả thắng lợi cho tất cả các bên ngay cả khi các cường quốc thế giới đang cạnh tranh để giành vị thế thống trị.
Ngoại trưởng Balakrishnan phát biểu: “Khái niệm then chốt là phụ thuộc lẫn nhau (interdepence). Chúng tôi tin rằng đây chính là con đường để bảo toàn hoà bình và duy trì thịnh vượng trong khu vực. Bằng cách thúc đẩy phụ thuộc lẫn nhau, chúng tôi có thể chứng minh cho mọi người thực tế rằng, chúng tôi đạt được nhiều hơn bằng cách làm việc cùng nhau và giao thương với nhau, đầu tư lẫn nhau, hơn là tham gia vào những cạnh tranh tổng bằng không và sự đối đầu giữa các cường quốc. Chúng ta đều hy vọng cùng thắng. Kịch bản ngược lại là thế giới bị chia thành các khối kình địch nhau, cố thủ với một vị trí độc lập hẹp hòi, tham gia vào những cạnh tranh tổng bằng không và trở thành những con rối của các cuộc chiến ủy nhiệm. Kịch bản này không phải là con đường cho hoà bình và thịnh vượng”.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kazuyuki Nakane đưa ra nhận định: “Các nguyên tắc luật pháp và thương mại trên biển tự do và mở đang bị đe doạ. Cần thiết phải có một sự thực thi pháp luật tốt hơn trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.”
Còn giám đốc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc Cho Byung Jae thì cho biết “Hàn Quốc ủng hộ kiến trúc khu vực có tính bao trùm trong đó lợi ích các bên đều được coi trọng”.
Nói về vị trí của Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cho biết, Ấn Độ và Việt Nam không chỉ kết nối trên biển mà còn cùng chia sẻ tầm nhìn về hoà bình và thịnh vượng. Bởi vậy Hà Nội là địa điểm phù hợp cho những thảo luận về sự phát triển ở Ấn Độ Dương và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Còn theo TS Brahma Chellaney, “Biển Đông là cổng vào khu vực Ấn Độ Dương và Việt Nam là người giữ cổng. Không thể có an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương nếu không có an ninh ở Biển Đông“. TS Chellaney là một nhà tư tưởng và bình luận chiến lược nổi tiếng và cũng là chủ toạ Diễn đàn chuyên đề về Kiến trúc an ninh tại Hội nghị Ấn Độ Dương lần này.
———-
Bản tin trích dịch và tổng hợp từ những nguồn tin sau:
“Khai mạc Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ ba,” Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 27 tháng 8 năm 2018: http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr111027144142/ns180828162534
Nyshka Chandran, “India’s Modi stresses vision for an inclusive Indo-Pacific,” CNBN ngày 1 tháng 6 năm 2018: https://www.cnbc.com/2018/06/01/indias-modi-stresses-vision-for-an-inclusive-indo-pacific.html
“Remarks by External Affairs Minister at the 3rd Indian Ocean Conference, Vietnam (August 27, 2018),” Trung tâm thông tin Bộ Ngoại giao Ấn Độ ngày 27 tháng 8 năm 2018: http://mea.gov.in/Speeches-Statements.htm?dtl/30327/Remarks_by_External_Affairs_Minister_at_the_3rd_Indian_Ocean_Conference_Vietnam_August_27_2018
“Indian Ocean Conference focus on building regional architecture,” Vietnam News Agency ngày 28 tháng 8 năm 2018: https://en.vietnamplus.vn/indian-ocean-conference-focus-on-building-regional-architecture/137207.vnp
“Edited Transcript of Remarks by Minister for Foreign Affairs Dr Vivian Balakrishnan at the Inaugural Session of the 3rd Indian Ocean Conference, 27 August 2018,” Bộ Ngoại giao Singapore ngày 27 tháng 8 năm 2018: https://www1.mfa.gov.sg/Newsroom/Press-Statements-Transcripts-and-Photos/2018/08/28082018
Bản tin được đăng lần đầu trên Bản Tin Biển Đông ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Báo Tiếng Dân tại https://baotiengdan.com/2018/08/29/ban-tin-bien-dong-ngay-29-8-2018/
———-
Kinh phí thực hiện bản tin do cộng tác viên tự chu toàn.
Những bài đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên, cộng tác viên hay nhà tài trợ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.
[…] Xem bài tổng hợp về Hội thảo: Hội thảo Ấn Độ Dương hướng tới xây dựng kiến trúc khu vực. […]
LikeLike