Toàn Cảnh Triển Khai Quân Sự của Trung Quốc ở Trường Sa

Nguồn: AMTI ngày 9 tháng 5 năm 2018

Biên dịch: Nguyễn Trịnh Đôn

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 14 tháng 5 năm 2018

Ảnh chụp từ vệ tinh từ ngày 28 tháng 4 cho thấy hình ảnh đầu tiên của một máy bay quân sự, chiếc ‘Thiểm Tây Y-8’ (Shaanxi Y-8), triển khai đến căn cứ của Trung Quốc ở đá Xu Bi (Subi Reef) trong quần đảo Trường Sa. Trước đó, từ tháng 3 năm 2018, truyền thông Trung Quốc đã nói máy bay Y-8 được đưa đến thực thể này để sơ tán một ngư dân cần trợ giúp y tế. Y-8 được thiết kế làm máy bay vận tải quân sự, nhưng một số phiên bản khác nhau của máy bay này được dùng để tuần tra biển hay cho mục đích tình báo tín hiệu. Đây là điều đặc biệt đáng lo ngại đối với Philippines, nước có khoảng 100 người dân và một điểm đóng quân nhỏ trên đảo Thị Tứ chỉ cách đó có 12 hải lý.

subi-plane-2018-04-28
Một máy bay quân sự Thiềm Tây Y-8 trên đường băng ở đá Subi ngày 28 tháng 4 năm 2018. Nguồn: CSIS/AMTI

Với những cuộc triển khai này, ta có thể khẳng định rằng máy bay quân sự đã đáp trên tất cả ba đường băng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa. Chiếc đầu tiên là một “máy bay tuần tra hải quân”, có thể là Y-8 hay một máy bay tương tự, đáp xuống đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) vào tháng 4 năm 2016 để sơ tán ba người bị bệnh. Tháng vừa rồi, tờ Nhật Báo Điều Tra Philippines (Philippine Daily Inquirer) đăng một bức không ảnh đề ngày 6 tháng 1 chụp hai máy bay vận tải quân sự Tây An Y-7 (Xian Y-7) trên đá Vành Khăn (Mischief Reef). Vụ đáp máy bay này làm Philippines đặc biệt khó chịu vì một phán quyết năm 2016 đã nói Vành Khăn nằm trong thềm lục địa của Philippines.

slide15
Ảnh: Hai máy bay Tây An Y-7 trong sân đỗ trên đá Vành Khăn ngày 6 tháng 1 năm 2018. Nguồn: Nhật báo điều tra Philippines.

Ngoài các máy bay tuần tra và vận tải, Trung Quốc gần đây đã triển khai các phương tiện quân sự khác đến ba tiền đồn lớn ở đá Chữ Thập, đá Vành Khăn, và đá Xu Bi. Ngày 9 tháng 4, Tạp Chí Phố Wall (Wall Street Journal) cho đăng các hình ảnh vệ tinh của chính quyền Hoa Kỳ cho thấy ba xe tải mang thiết bị phá sóng quân sự trên đá Vành Khăn hồi tháng 3. Bài báo trích lời một quan chức Hoa Kỳ cho biết các hệ thống phá sóng cũng đã được triển khai trên đá Chữ Thập. Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) đã xác thực được rằng các hệ thống này xuất hiện rõ ràng trong ảnh vệ tinh chụp đá Vành Khăn ít nhất là từ giữa tháng 2, và vẫn còn tại vị cho đến ngày 6 tháng 5 mặc dù đã được che chắn.

mischief-jammers-2018-05-06-wm
Thiết bị phá sóng quân sự triển khai trên đá Vành Khăn ngày 6 tháng 5 năm 2018. Nguồn: CSIS/AMTI.

Tiếp theo, đến ngày 2 tháng 5, hãng tin CNBC trích dẫn nguồn tin tình báo Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã triển khai các tên lửa hành trình đối hạm YJ-12B và các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9B trên cả ba đá trên trong đợt diễn tập quân sự đầu tháng 4. Trung Quốc đã xây dựng khoang chứa tên lửa trên những thực thể địa lý này vào đầu năm 2017, nhưng đợt triển khai tháng 4 là lần đầu xác thực được việc có những bệ tên lửa như vậy. Không rõ là những bệ tên lửa có còn ở đó hay đã được đem đi sau khi diễn tập (khó có thể xác thực việc này bằng hình ảnh nếu tên lửa được cất trong các khoang chứa hay tòa nhà khác).

Hầu hết các vụ triển khai quân sự ở ba tiền đồn lớn này đều đi theo cách họ đã làm ở đảo Phú Lâm, tiền đồn lớn nhất và là trung tâm điều hành của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa. Từ nạo vét cảng, đường băng, đến nhà chứa máy bay và radar, những đợt nâng cấp trên đảo Phú Lâm là hình mẫu cho những triển khai sau đó trên quần đảo Trường Sa ở phía nam. Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc đã triển khai các tên lửa HQ-9 và tên lửa hành trình đối hạm (YJ-62) đến Phú Lâm năm 2016. Ảnh vệ tinh cũng chụp được 5 máy bay Y-8 trên đảo vào tháng 11 năm 2017.

woody-planes-2017-11-15
Ba máy bay vận tải và trinh sát quân sự Thiềm Tây Y-8 trên đảo Phú Lâm ngày 15 tháng 11 năm 2017
woody-plane-2017-11-15
Hai máy bay vận tải và trinh sát quân sự Thiềm Tây Y-8 trên đảo Phú Lâm ngày 15 tháng 11 năm 2017

Với những cơ sở quân sự tương tự hiện nay đã có mặt trên ba tiền đồn lớn ở Trường Sa, người ta có thể coi những đợt triển khai quân sự gần đây ở đảo Phú Lâm là tín hiệu cho những gì sắp diễn ra ở “Bộ ba” đá Chữ Thập, đá Vành Khăn, và đá Xu Bi. Trung Quốc đã nhiều lần triển khai máy bay chiến đấu J-10 và J-11 đến đảo Phú Lâm. Cuối tháng 10 năm 2017, quân đội Trung Quốc công bố các hình ảnh và đoạn phim cho thấy các máy bay J-11 có mặt ở đảo Phú Lâm để diễn tập. Hình ảnh vệ tinh cũng xác thực việc triển khai các máy bay J-11 đến đảo này hồi tháng 4 năm 2016 và tháng 3 năm 2017. Trung Quốc đã xây dựng các nhà chứa máy bay chiến đấu ở Bộ ba tiền đồn lớn giống hệt như trên đảo Phú Lâm, vậy rất có thể các máy bay J-10 hay J-11 sẽ sớm xuất hiện tại quần đảo Trường Sa ở phía nam.

woody-planes-2016-04-26-inset
Máy bay chiến đấu J-11 đỗ trên đảo Phú Lâm ngày 26 tháng 4 năm 2016. Nguồn: CSIS/AMTI.

Hình ảnh vệ tinh tháng 4 năm 2016 cũng chụp được những máy bay được tin là trực thăng vận tải Cáp Nhĩ Tân Z-8 (Harbin Z-8) và một máy bay không người lái Cáp Nhĩ Tân BZK-005 (Harbin BZK-005) triển khai tới đảo Phú Lâm. BZK-005 là máy bay không người lái có thể đạt độ cao lớn, trinh sát trong thời gian dài, phù hợp cho tuần tra biển. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Trung Quốc có những đợt triển khai tương tự ở Trường Sa.

woody-helicopter-drone-2016-04-261
Một máy bay trực thăng được tin là Cáp Nhĩ Tân Z-8 (Harbin Z-8) và một máy bay không người lái được tin là Cáp Nhĩ Tân BZK-005 trước nhà chứa máy bay ở đảo Phú Lâm ngày 26 tháng 4 năm 2016. Nguồn: CSIS/AMTI

Những đợt triển khai không quân và tên lửa hiện nay và sắp tới ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đang mở rộng một cách vững chắc khả năng triển khai sức mạnh của Trung Quốc từ những tiền đồn của họ.

01
Khả năng phát hiện và phòng thủ của Trung Quốc ở Biển Đông. Vòng tròn nhỏ màu xanh đậm là vị trí các tiền đồn. Vòng tròn viền đỏ đậm là tầm bắn của tên lửa YJ-62 quan sát được. Vòng tròn đỏ nhạt là tầm bắn tên lửa YJ-12B trong báo cáo của CNBC. Nguồn: CSIS/AMTI

Theo dõi tàu thuyền trên mặt biển

Ba tiền đồn lớn của Trung Quốc đều có căn cứ không quân và hải quân, hỗ trợ cho sự hiện diện ngày càng tăng của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Hải cảnh Trung Quốc, và đội tàu đánh cá trên khắp phần phía nam của Biển Đông. Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các khu trục hạm lớn nhỏ, các loại tàu chiến khác của Hải quân Trung Quốc, và các tàu tuần tra của Hải cảnh Trung Quốc cùng nhiều tàu phụ trợ và hậu cần thường xuyên ghé vào các đảo nhân tạo. Cần phải thừa nhận rằng chỉ dựa vào hình ảnh vệ tinh chụp tàu đang ở trong cảng (thay vì đang tuần tra) tại một thời điểm nhất định thì khó đưa ra được nhận định toàn cảnh về các đợt triển khai tàu hải quân và hải cảnh. Nhưng sự hiện diện khắp nơi của tàu Hải quân và Hải cảnh Trung Quốc trong các hình ảnh chụp đá Chữ Thập, đá Vành Khăn, và đá Xu Bi từ đầu năm 2017 cho thấy khả năng hiện diện của những tàu này ở các căn cứ trên đã lớn mạnh tới mức nào.

select-plan-and-ccg-ship-classes-spratly-big-3-jan-17
Một số lớp tàu hải quân và hải cảnh của Trung Quốc được phát hiện ở Đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi từ tháng Giêng năm 2017. Nguồn: CSIS/AMTI

AMTI đã cố gắng xác định nhiều nhất có thể các tàu hải quân và hải cảnh trong các hình ảnh chụp từ tháng 1 năm 2017, từ đó chọn ra những ảnh đại diện cho mỗi lớp tàu (hình dưới đây). Ví dụ, nhiều loại tàu khu trục nhỏ 053 của Hải quân Trung Quốc đã được nhìn thấy ở ba tiền đồn, bao gồm cả các tàu được cho là loại 053H1, 053H1G, và 053H3.

fc-2017-05-04-type-053h1g-jianghu-iii
Tàu khu trục nhỏ nâng cấp Giang Hỗ (Jianghu) loại 053H1G gần Đá Chữ Thập ngày 4/5/2017. Nguồn: CSIS/AMTI
subi-2018-04-28-type-053h3-jiangwei-ii
Tàu khu trục nhỏ Giang Vệ II (Jiangwei II) loại 053H3 ngoài khơi đá Xu Bi ngày 28/4/2018. Nguồn: CSIS/AMTI
subi-2017-12-07-type-053h-jianghu-i
Tàu được cho là tàu khu trục loại nhỏ 053H1 gần Xu Bi ngày 7 tháng 12 năm 2017. Nguồn: CSIS/AMTI.

Tàu khu trục lớp Lữ Hải loại 051B chỉ có một tàu là tàu DDG 167 Thâm Quyến (Shenzhen). Khi được đóng trong thập niên 1990, Thâm Quyến là tàu chiến lớn nhất trên mặt biển của Hải quân Trung Quốc, rồi sau đó Trung Quốc có nhiều mô hình tàu khu trục hiện đại hơn. Hải quân Trung Quốc gần đây đã xem xét lại toàn bộ hệ thống vũ khí lạc hậu của tàu Thâm Quyến để giúp nó đáp ứng được tốt hơn nhu cầu chiến đấu hiện đại.

fc-2017-05-20-type-051b-luhai-dd
Một tàu khu trục Lữ Hải ở Đá Chữ Thập ngày 20/5/2017. Nguồn: CSIS/AMTI.

Hình ảnh cho thấy tàu hộ vệ lớp Giang Đảo (Jiangdao) loại 056 đang thăm các đảo, trong đó có một ảnh chụp hai tàu hộ vệ được neo đậu tại cùng một cầu cảng ở đá Vành Khăn tháng 6 năm 2017 .

mischief-2017-06-28-type-056-jiangdao-ffl
Một cặp tàu hộ vệ loại 056 đang neo đậu ở đá Vành Khăn ngày 28/6/2017. Nguồn: CSIS/AMTI.

Nhiều tàu đổ bộ loại 072 khác nhau, cũng như một tàu đổ bộ loại 073A cũng đã được nhìn thấy ở ba tiền đồn. Tàu đổ bộ loại 072 lớn hơn, có khả năng vận chuyển và cho đổ bộ xe tăng, xe hạng nặng, và tàu cao tốc đệm khí (hovercraft) trong những chiến dịch đổ bộ. Loại tàu vận tải 073A cỡ trung bình có thể vận chuyển xe tăng cỡ nhỏ hơn hoặc binh lính cho những chiến dịch tương tự.

fc-2017-04-08-type-072a-yuting-ii
Tàu đổ bộ loại 072A tại Đá Chữ Thập ngày 8/4/2017. Nguồn: CSIS/AMTI.
mischief-2018-05-06-type-073a-yunshu
Tàu đổ bộ loại 073A cỡ trung bình tại đá Vành Khăn ngày 6/5/2018. Nguồn: CSIS/AMTI.

Hai tàu do thám AGI, một Hải Dương và một loại 815G, đã được nhìn thấy tại cảng ở các tiền đồn trong quần đảo Trường Sa. Tàu loại 815G dường như là tàu 852 Hải Vương Tinh (Haiwangxing), chính là tàu bị phát hiện đang theo dõi cuộc tập trận chung “Talisman Saber” năm 2017 giữa Hoa Kỳ và Australia.

fc-2017-05-20-type-851a-dongdiao-agi
Một tàu do thám loại 815GG, dùng để thu thập tình báo, gần đá Chữ Thập ngày 20/5/2017. Nguồn: CSIS/AMTI.
mischief-2017-03-01-hai-yang-agi
Một tàu do thám AGI Hải Dương gần đá Vành Khăn ngày 1/3/2017.

Ngoài nhiều tàu thuộc những loại tương tự mà AMTI đã nói đến trong bài về các cuộc tuần tra trong cụm bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia, tàu hải cảnh Trung Quốc ở tiền đồn còn có các tàu khu trục nhỏ 053H lớp Giang Hỗ trước đây thuộc Hải quân Trung Quốc, nay được đổi tên là tàu WFF Giang Hỗ 1.

subi-2018-04-28-zhongyang-wps
Một tàu tuần duyên hải cảnh lớp Zhongyang đang neo đậu ở đá Xu Bi ngày 28/4/2017. Nguồn: CSIS/AMTI.
fc-2017-04-23-shuoshi-ii-wps
Tàu tuần tra hải cảnh lớp Shuoshi II gần Đá Chữ Thập ngày 23/4/2017. Nguồn: CSIS/AMTI.
subi-2017-10-30-zhaotim-wps
Tàu tuần tra hải cảnh lớp Zhaotim gần đá Xu Bi ngày 30/10/2017. Nguồn: CSIS/AMTI.
subi-2017-12-07-jianghu-i-wff
Một tàu tuần duyên hải cảnh loại 718B mới đang neo đậu ở đá Xu Bi ngày 7/12/2017. Nguồn: CSIS/AMTI.

Cuối cùng, ngoài những tàu chiến và chấp pháp thì hàng loạt các tàu hỗ trợ bao gồm tàu bồn (tanker), tàu kéo (tugboat), tàu tiếp tế, cũng như một tàu khảo sát hải dương học loại 639 cũng đã được nhìn thấy.

fc-2017-04-15-dayun-af-support-ship-and-hujiu-ata
Một tàu chở hàng loại 904 lớp Đại Vân (Dayun) đi kèm một tàu kéo lớp Hộ Cứu (Hujiu) tại Đá Chữ Thập ngày 15/4/2017. Nguồn: CSIS/AMTI.
fc-2017-09-03-danyao-af-support-ship
Một tàu được tin là tàu hỗ trợ AF Danyao loại 904B đang neo đậu tại Đá Chữ Thập ngày 3/9/2017. Nguồn: CSIS/AMTI.
mischief-2018-05-06-fubai-aot
Một tàu được tin là tàu chở dầu Fubai tại đá Vành Khăn ngày 6/5/2018. Nguồn: CSIS/AMTI.
mischief-2017-03-01-fusu-aor
Một tàu tiếp nhiên liệu AOR lớp Fusu, ở bên phải, đang được tiếp cận bởi một tàu khác gần đá Vành Khăn ngày 1/3/2017. Nguồn: CSIS/AMTI.
fc-2017-04-16-type-639
Một tàu khảo sát hải dương học loại 639A gần Đá Chữ Thập ngày 16/4/2017. Nguồn: AMTI/CSIS.

TS. Nguyễn Trịnh Đôn hiện đang làm việc tại Anh quốc và là cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. 

Nguồn bản gốc tiếng Anh: https://amti.csis.org/accounting-chinas-deployments-spratly-islands/

Những quan điểm nêu trong bài viết không nhất thiết là quan điểm của tất cả các thành viên và cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hay của các nhà tài trợ Dự án.

Bản dịch được hỗ trợ kinh phí từ quỹ tài chính chung của Dự án Sự Ký Biển Đông, được tài trợ bởi những nhà tài trợ. Xem thông tin những nhà tài trợ của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tại https://daisukybiendong.wordpress.com/nha-tai-tro/nha-tai-tro-nam-2015-2017/

 

 

One thought on “Toàn Cảnh Triển Khai Quân Sự của Trung Quốc ở Trường Sa

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.