Tác giả: Mai Thanh Hải
Kỳ 1: Hải phận không yên tĩnh:
https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/12/xua-duoi-tau-khong-la-ky-1-hai-phan-khong-yen-tinh/
Kỳ 2: Giữ biển Trường Sa:
https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/15/xua-duoi-tau-khong-la-ky-2-giu-bien-truong-sa/
Kỳ 3: “Đâm Va – Cản Phá”:
https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/26/xua-duoi-tau-khong-la-ky-3-dam-va-can-pha/
Sau sự kiện Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương – 981 vào vùng biển Tri Tôn (Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng) tháng 5-7.2014, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của nước ta càng có thêm kinh nghiệm đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển và cùng với việc được Chính phủ đầu tư phương tiện, trang thiết bị, đã trở nên lớn mạnh, đảm đương mọi nhiệm vụ đẩy đuổi, cản phá các tàu thuyền – phương tiện nổi của nước ngoài, khi chúng có ý định hoặc mới xâm phạm lãnh hải Việt Nam.

Đơn cử: Tối 5.6. 2015, tàu khảo sát thăm dò dầu khí Tân Hải – 517 của Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng lãnh hải trên biển của Việt Nam, cách đảo Hòn Tre (TP. Nha Trang, Khánh Hòa)khoảng 31 hải lý, với vận tốc di chuyển 8 hải lý/giờ. Đây là tàu khảo sát thăm dò dầu khí, có thể kéo theo các phao khảo sát 2D – 3D, tàu có trọng tải 1240 tấn (dài 60m, rộng 12m, mớn nước 3m). Ngay khi tàu Tân Hải – 517 chuẩn bị ngang qua Vịnh Vân Phong (Ninh Hòa, Khánh Hòa), Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3 đã lệnh cho tàu CSB-2010 của Vùng Cảnh sát Biển 3 bám theo, cùng với đội hình của Chi đội Kiểm ngư 4 (Cục Kiểm ngư Việt Nam) đón lõng chặn đầu. Sáng ngày 6.6.2015, tàu Tân Hải – 517 cố tình đổi hướng đi và xâm phạm vào vùng lãnh hải Việt Nam (vượt quá 5 hải lý theo đường cơ sở) với mục đích sẽ đi sâu xuyên qua giữa đảo Phú Quý (Bình Thuận) và đất liền Việt Nam. Ngay sau đó, nhận lệnh của cấp trên, các tàu trong biên đội tàu Chi đội Kiểm ngư 4 đã chặn đầu và tổ chức đội hình, cùng với tàu CSB-2010ép tàu Tân Hải – 517 phải đổi hướng ra ngoài lãnh hải Việt Nam. Đến chiều ngày 6.6.2015, tàu Tân Hải – 517 đã đi ra khỏi lãnh hải, cách Đông nam đảo Phú Quý 15 hải lý và “được” tàu CSB-2010 “áp giải” cho đến khivượt qua lãnh đường giới hạn thềm lục địa…

Tiếp ngay sau đó, ngày 11.6.2015, tàu kéo dịch vụ Haiyang Shiyou 681 kéo giàn khoan ENSCO-105 với vận tốc ban đầu là 4.4 hải lý/giờ đi vào vùng biển của Việt Nam ở khu vực phía Đông – Đông nam bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) gần 60 hải lý. Ngay lập tức, tàu CSB-6006 (Hải đội 202, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 2) và các tàu của Chi đội Kiểm ngư 3 (Chi cục Kiểm ngư Việt Nam) đã đón lõng, chặn đầu. Tuân thủ Công ước Luật Biển 1982 về quyền đi qua không gây hại, các tàu CSB và KN Chi đội 3 đã bám sát tàu kéo và giàn khoan, đến khu vực phía đông Cù Lao Xanh (TP. Quy Nhơn, Bình Định) có thêm lực lượng tiếp ứng của biên đội tàu Kiểm ngư Chi đội 4. Ngày 15.6.15, khi cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 40 hải lý, tàu kéo và giàn khoan ENSCO-105 đổi hướng tiến thẳng vào vùng biển Việt Nam. Ngay lập tức, các tàu CSB, KN đã tiếp cận ở khoảng cách gần, ép sát chặn đầu và bật loa tuyên truyền, buộc tàu kéo Haiyang Shiyou 681, sau hơn 1 tiếng đồng hồ giằng co, phải đổi hướng ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong quá trình đeo bám tàu kéo và giàn khoan Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật trên biển Việt Nam còn bị 1 máy bay quân sự màu ghi, không số hiệu tiến hành trinh sát – uy hiếp 2 vòng ngay phía trên đội hình tàu CSB-KN, ở khu vực phía Nam-Đông nam đảo Hòn Hải (thuộc huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận).

Trưa 18.6.2015, giàn khoan cùng tàu kéo Trung Quốc ra khỏi biển Việt Nam và đi vào vùng biển Singgapore, lực lượng tàu Việt Nam kết thúc nhiệm vụ, riêng tàu CSB-2009 (BTL Cảnh sát Biển 3) ở lại khu vựcgần đường phân định ranh giới biển, làm nhiệm vụ theo dõi xem tàu kéo và giàn khoan có quay trở lại hay không…
Mặn máu, mặn mồ hôi

Một thuyền trưởng lâu năm của lực lượng tàu trực, cho đến bây giờ vẫn chỉ quen ăn cơm với… thân cây chuối bóc vỏ ngoài thái nhỏ, cho dù ngồi trước bữa cơm ê hề rau xanh – thịt cá. Anh kể: “Trước mỗi chuyến đi làm nhiệm vụ dài ngày, ngoài rau xanh ăn ngay, củ quả dùng dần, trên tàu luôn có mấy chục thân cây chuối để thái mỏng, ăn thay rau khi rau củ quả hết sạch sau vài tháng trời lênh đênh trên biển!” và rơm rớm nước mắt: “Có những chuyến đi dài 2-3 tháng, anh em táo bón hết lượt!”.

Ngồi với những người canh biển của những đơn vị chỉ đơn thuần là phiên hiệu bí ẩn, mới thấm thía nỗi vất vả khi biền biệt, lênh đênh vài tháng liền trên biển, vì tính chất nhiệm vụ nên không được nhắn 1 dòng tin, gọi 1 cuộc điện thoại về người thân ở bờ (mà muốn gọi, cũng đâu có sóng điện thoại), nhiều tàu canh cho đất liền ăn Tết, khi về bờ tổ chức Tết chả tìm đâu ra bánh chưng – dưa hành vì tiết trời đã nắng nóng tháng 3… Tôi có may mắn được gặp những người canh biển, có cơ hội được sát vai bên họ làm nhiệm vụ cản phá, xua đuổi giàn khoan – tàu hộ tống Trung Quốc, những tưởng đã thấm thía nỗi vất vả, thiếu thốn và sự can trường, dũng cảm của họ. Té ra tôi thấy mình vẫn xa lạ, khi kết thúc chuyến công tác trên vùng biển sang tàu khác về bờ, người thuyền trưởng trên con tàu KN mà tôi đã ở mở két nước, chỉ ngấn nước vàng khè đục ngầu theo nhịp lắc sóng: “Nhà báo được ưu tiên nước uống đóng chai, còn anh em vẫn phải uống nước này!” và vỗ vai tôi động viên: “Đừng lo! Chúng tớ quen rồi! Không canh từ ngoài này, chúng nó vào tận mép nước thì ăn nói thế nào với nhân dân?”. Tôi – Định động viên anh em vài câu trước khi rời tàu, nhưng không thể bởi biết sẽ là sáo rỗng, trước những người bao năm thầm lặng canh biển…
Mai Thanh Hải.
Trong những năm qua, Lữ đoàn 161 (BTL Vùng 3 Hải quân) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuần tiễu bảo vệ chủ quyền vùng biển. Năm 2004, Lữ đoàn cùng các lực lượng của Quân chủng, Vùng và các tàu dân sự thực hiện thành công nhiệm vụ cản phá, làm thất bại ý đồ hạ đặt giàn khoan KATAN 03 của nước ngoài. Năm 2005, thực hiện 12 lần xua đuổi tàu thăm dò nước ngoài ở khu vực cửa Vịnh Bắc Bộ, khu vực Thăng Long. Năm 2006 – 2009, Lữ đoàn đã tổ chức tốt lực lượng tuần tiễu quản lý vùng biển, giám sát Hiệp định nghề cá và các hoạt động của giàn khoa Nam Hải 05, đặc biệt các tàu của Lữ đoàn cùng với các lực lượng của Quân chủng đã ngăn cản thành công tàu thăm dò nước ngoài Nôrích, 20 lần xua đuổi tàu thăm dò khu vực cửa Vịnh Bắc bộ, giữ vững chủ quyền, buộc đối phương phải từ bỏ ý đồ thăm dò hạ đặt giàn khoan và làm nhiệm vụ bảo vệ tàu khoan thăm dò của ta ở cửa Vịnh Bắc bộ. Đặc biệt năm 2013, lực lượng tàu của Lữ đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho tàu thăm dò dầu khí (Bình Minh 02, Viking II) hoạt động tại các vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam…

(Báo cáo Thành tích nhân kỷ niệm 35 năm thành lập Lữ đoàn 161, BTL Vùng 3 Hải quân)
Nguồn bài phóng sự: Trang cá nhân của nhà báo Mai Thanh Hải. Đăng lại với sự đồng ý của tác giả.