Tác giả: Mai Thanh Hải
Kỳ 1: Hải phận không yên tĩnh:
https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/12/xua-duoi-tau-khong-la-ky-1-hai-phan-khong-yen-tinh/
Kỳ 2: Giữ biển Trường Sa:
https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/15/xua-duoi-tau-khong-la-ky-2-giu-bien-truong-sa/
Quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển Việt Nam từ thời điểm 2004 cho đến nay, có thể được gọi là “cuộc chiến không tiếng súng” bởi đằng đẵng bao nhiêu năm, hàng ngày hàng giờ, chấp nhận mưa gió hay bão dông, trên mọi vùng biển luôn túc trực những con tàu làm nhiệm vụ canh giữ từng sải nước, tấc đảo. Những con tàu này cũng là chủ công trong việc phát hiện đối tượng xâm phạm chủ quyền và ngăn cản bằng phương pháp truyền thống: “Cản phá – xua đuổi”…
Nhiệm vụ BM06, 07
Cho dù hiện nay, lực lượng bảo vệ chủ quyền trên biển của ta đã phát triển gồm nhiều thành phần (Kiểm ngư, Cảnh sát Biển…), được trang bị hiện đại, nhưng phải khẳng định: Nòng cốt và chủ công nhất vẫn là bộ đội Hải quân. Trong các chuyến công tác trên biển với Hải quân, tôi được nghe các sĩ quan kể nhiều về từng đợt làm nhiệm vụ dài ngày trinh sát, phát hiện, đẩy đuổi tàu thuyền, phương tiện nổi của nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam. Trong số đó, nhiều nhất là của Trung Quốc và tập trung vào các tàu thăm dò dầu khí, giàn khoan kéo vào biển ta.

Trong tài liệu “Hải quân nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ BM06, 07” do Cục Chính trị Hải quân sản xuất tháng 9.2007, nói rõ: Sau Khi hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định phân định nghề cá giữa Việt Nam và Trung Quốc được phê chuẩn (30.6.2004), tình hình trong Vịnh Bắc Bộ có ổn định hơn, nhưng tính chất phức tạp trên vùng biển này có xu hướng đẩy ra ngoài cửa Vịnh.

Từ cuối tháng 5.2006, ở khu vực Cửa vịnh Bắc Bộ, tàu thăm dò Tân Hải 501 và 5 tàu phục vụ của Trung Quốc tiến hành thăm dò ở khu vực Đông bắc đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) từ 75 – 84 hải lý, có ngày vượt sang Tây đường xử lý tạm thời từ 1,5 – 5 hải lý. Đáng chú ý, từ ngày 8.6.2006, Trung Quốc thuê tàu Nordic Service của Mỹ cùng 12 tàu bảo vệ, liên tục tổ chức thăm dò khảo sát ở khu vực Đông bắc đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) từ 80 – 110 hải lý, có lúc vượt sang Tây đường xử lý tạm thời của ta từ 1 – 5 hải lý. Bất kể ban ngày ban đêm, thời tiết xấu, họ dùng từ 3 – 5 tàu vây hãm tàu Việt Nam làm nhiệm vụ, thời kỳ cao điểm, phía Trung Quốc huy động 17 tàu có vũ trang hỗ trợ tàu thăm dò và ngăn cản tàu Việt Nam ra xua đuổi…

Một sĩ quan Hải quân kể lại: “Khi chúng ta đấu tranh bằng loa tuyên truyền, khẳng định chủ quyền Việt Nam thì tàu Hải cảnh, Ngư chính Trung Quốc mở bạt pháo 14,5mm và cho người lên boong chĩa súng AK sang tàu ta đe dọa. Đặc biệt trong các ngày từ 27 – 30.7.2006, phía Trung Quốc đã tăng cường tàu kéo và 6 tàu vận tải loại lớn từ 2.000 – 3.000 tấn ra ngăn cản để gây áp lực. Các tàu của Trung Quốc đã cắt mũi, cắt lái tàu ta rồi đâm thẳng vào các tàu vận tải của Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên vùng biển của mình, khiến các tàu này bị hư hỏng nặng!” và cho tôi xem đoạn băng quay phao nâng bộ phận thăm dò địa chấn của tàu nước ngoài, cùng các thông số trên màn ra đa, máy định vị, chứng minh rành mạch sự xâm phạm trắng trợn của tàu nước ngoài đối với chủ quyền vùng biển Việt Nam, rồi khẳng định:“Không chỉ đâm va ngăn cản, các tàu Trung Quốc vi phạm lãnh hải Việt Nam nhưng láo xược phát loa hú còi, đòi tàu Việt Nam rút khỏi cái gọi là“vùng biển của Trung Quốc”. Những hành động khiêu khích, xâm phạm trái phép chủ quyền vùng biển, thềm lục địa của Việt Nam là không thể chấp nhận!”…
Giữ chủ quyền và giữ môi trường hòa bình

Năm 2007, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thăm dò, xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam. Thời điểm này, họ không chỉ dùng tàu có vũ trang mà còn cho máy bay các loại ngang nhiên xâm phạm vùng trời vùng biển, nhằm uy hiếp, đe dọa tàu của ta hoạt động trên vùng biển Việt Nam. Trước hành động Trung Quốc khiêu khích và xâm phạm vùng biển nước ta một cách trắng trợn, được sự chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng (trực tiếp là Đảng ủy và BTL Hải quân), các biên đội tàu Hải quân Việt Nam đã kiên trì triển khai nhiều phương án nhằm cản phá, xua đuổi có hiệu quả các tàu, máy bay của Trung Quốc xâm phạm vùng biển của ta, vừa đảm bảo giữ vững môi trường hòa bình vừa giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc… – Cục Chính trị Hải quân khẳng định vậy.

(Còn nữa)
Mai Thanh Hải.
Nguồn bài phóng sự: Trang cá nhân của nhà báo Mai Thanh Hải. Đăng lại với sự đồng ý của tác giả.
Reblogged this on MY VIETNAM.
LikeLike
[…] https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/26/xua-duoi-tau-khong-la-ky-3-dam-va-can-pha/ […]
LikeLike