Tác giả: Mai Thanh Hải
>> Kỳ 1: Hải Phận Không Yên Tĩnh: https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/12/xua-duoi-tau-khong-la-ky-1-hai-phan-khong-yen-tinh/
Không chỉ những năm 80-90 mà ngay hiện nay, nhiệm vụ theo dõi đẩy đuổi các tàu nước ngoài có hoạt động bất thường tại vùng biển Trường Sa luôn được lực lượng bảo vệ biển Việt Nam đặt lên hàng đầu. Dù mưa gió bão bùng, bên cạnh quân số bảo vệ đảo, luôn có các tàu trực canh ở các điểm đóng quân và canh giữ các bãi đá mà nước ngoài rập rình chiếm giữ như Ba Đầu, Én Đất, Bàn Than…
Đẩy đuổi không xuể
Đại tá Cao Ánh Đăng, nguyên Lữ đoàn trưởng 146 – BTL Vùng 4 Hải quân (thời điểm 1977-1982) cười: “Những năm 70-80, tàu nước ngoài le ve suốt ngày quanh các đảo, bãi đá của ta ngoài Trường Sa. Đẩy đuổi miết nhưng không xuể!”.

Lịch sử Lữ đoàn 146 cũng ghi lại: Từ tháng 3.1978, trên khu vực quần đảo Trường Sa thường xuyên xuất hiện máy bay và tàu thuyền của một số nước xâm phạm và tiến hành trinh sát các đảo của ta. Diễn biến tình hình ngày càng có nhiều phức tạp, khi Philippines đóng giữ đảo Panata và bổ sung lực lượng trên các đảo đã chiếm đóng, tăng cường hoạt động trinh sát trên các đảo của ta… Ngoài ra, còn có tàu thuyền giả dạng đánh cá của Malaysia, Hong Kong, Trung Quốc, xuất hiện ở vùng Đá Giữa, (Đá Đông), Hòn Sập (Phan Vinh), Thuyền Chài… Máy bay của Mỹ và Philippines có nhiều hành động trinh sát thăm dò trên toàn quần đảo.
Tình hình này kéo dài đến năm 1985 và Đại tá Phạm Công Phán, nguyên Lữ đoàn trưởng 146 (thời kỳ 1982-1987), hiện đang nghỉ hưu tại huyện Đông Hưng, Thái Bình thuật lại: Trước tình hình đó, Nghị quyết Đảng uỷ Quân chủng Hải quân đã ra chỉ rõ “Phải tập trung khẩn trương mọi nỗ lực cao nhất của toàn Quân chủng vào việc chuẩn bị chiến đấu; sẵn sàng đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành cho được thắng lợi từ trận đầu, bảo vệ vững chắc vùng biển, hải đảo của Tổ quốc”. Thời gian này, cùng với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị khẩn trương tập trung tổ chức lực lượng ra đóng giữ các đảo mới theo kế hoạch và bổ sung trang bị kỹ thuật tăng về số lượng và chủng loại cho một số đảo (Trường Sa, Nam Yết, Sơn Ca…).
“Quân chủng nhận định: Thời gian tới, nước ngoài sẽ đẩy mạnh hoạt động quân sự lấn chiếm ở Biển Đông có thể gây xung đột vũ trang và nhiều thủ đoạn khác, chúng có thể dùng tàu ngầm, tàu chiến để trinh sát, khiêu khích, bao vây, gây căng thẳng hoặc cản trở tiếp tế, chi viện của ta cho các đảo và hoạt động trinh sát hoặc gây rối!” – Đại tá Phán nhớ lại và rành rọt: “Chủ trương của ta là tăng cường tổ chức lực lượng, tổ chức cụm lực lượng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo Trường Sa, hết sức tránh khiêu khích mắc mưu, không để địch lấy cớ gây xung đột trên biển và trên các đảo, nhưng nếu địch tấn công thì ta kiên quyết tiêu diệt. Hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Liên Xô hoạt động trong Vùng 4 và căn cứ Cam Ranh!”.

Vào gần là bắn
Thực tế, ngay từ đầu năm 1987, phía Trung Quốc đã tập trận ở Trường Sa (16.5-6.6). Giữa tháng 10 và 11, Trung Quốc cho tàu Hải Dương 4 và nhiều tàu chiến liên tục đi qua đảo An Bang, Thuyền Chài, Trường Sa Đông, Trường Sa, Song Tử Tây… có lúc đi sát đảo ta chỉ khoảng 1 hải lý. Ngày 14.12, Trung Quốc tổ chức 14 chiếc tàu cá thăm dò ở Trường Sa và đặt bia kỷ niệm ở bãi Ma-i-xa-ti…

Kể lại chuyện đối phó với tàu Trung Quốc thời kỳ này, Đại tá Cao Ánh Đăng (khi đó đã giữ chức vụ Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) không giấu nổi sự nặng nề: “Tàu của ta ngoài ấy toàn loại nhỏ, cũ nát và đang tập trung làm nhiệm vụ củng cố xây dựng các đảo nên không thể đối đầu liên tục với các tàu Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu có điều kiện là tàu ta sẵn sàng áp mạn ngăn cản tàu họ và thường là họ vòng tránh ngay ra xa, chỉ quay pháo và lên loa líu lo đe dọa!”, rồi bật mí: “Ngay từ thời điểm ấy, Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương đã chỉ đạo cách đối phó với tàu Trung Quốc và các tàu vận tải của ta bắt đầu được gia cố mũi nhọn, để dễ đâm va!”.
Cựu chiến binh Phạm Quốc Toàn (sinh năm 1964, nguyên chiến sĩ đảo Trường Sa thời điểm 1982-1985, hiện đang công tác tại TP. Đông Hà, Quảng Trị) rành rọt: “Nhiều nhất là tàu Trung Quốc, Mỹ, Philippin lượn quanh các đảo. Có khi chúng ở ngoài xa, thả khinh khí cầu bay vào đảo ta để quay phim chụp hình trận địa, hầm hào, công sự” và thẳng thắn: “Máy bay, vật thể bay lạ lượn vòng thứ 2, tàu xuồng nước ngoài cách đảo 5 hải lý là bắn tiêu diệt, kể cả treo cờ Liên Xô!”…
(Còn nữa)
Mai Thanh Hải
* Trong năm 2013, BTLBĐBP đã tham mưu cho UBND các tỉnh đưa vào kế hoạch huy động 753 phương tiện nhân sự, 6.116 nhân lực sẵn sàng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển khi có yêu cầu theo Nghị định 30 của Chính phủ; tổ chức huy động 52 lượt tàu thuyền, 315 người dân tham gia tuần tra, bảo vệ chủ quyền vùng biển cùng với BĐBP các địa phương; độc lập tổ chức tuần tra, kiểm soát 708 lượt tổ, 35.920 lượt phương tiện, 125.209 lượt người; phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm đối với tàu thuyền nước ngoài 26 vụ, 88 tàu, 440 người (trong đó: tàu cá Trung Quốc 11 vụ, 17 tàu, 135 người; tàu cá Campuchia 10 vụ, 65 phương tiện, 238 người; tàu vận tải 5 vụ, 6 tàu, 67 người). Hình thức xử lý là lập biên bản, cảnh cáo, phóng thích và xua đuổi ra khỏi vùng biển Việt Nam.

* Vào lúc 8 giờ ngày 4.1.2014, phương tiện công suất 80CV của Philippines (không biển kiểm soát) chở 4 ngư dân hành nghề câu thì bị chết máy ở khu vực đảo Pa-la-van (Philippines) trôi dạt ra khu vực quần đảo Trường Sa, được tàu cá QNg-90325.TS (do ông Nguyễn Hữu Phúc, ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) phát hiện và cứu vớt. Sáng ngày 10.1.2014, tàu cá đã đưa các ngư dân nước ngoài về cảng Sa Kỳ, giao BCHBĐBP Quảng Ngãi chăm sóc y tế và trao trả về nước.
Nguồn bài phóng sự: Trang cá nhân của nhà báo Mai Thanh Hải. Đăng lại với sự đồng ý của tác giả.
[…] https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/15/xua-duoi-tau-khong-la-ky-2-giu-bien-truong-sa/https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/15/xua-duoi-tau-khong-la-ky-2-giu-bien-truong-sa/ […]
LikeLike
[…] https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/15/xua-duoi-tau-khong-la-ky-2-giu-bien-truong-sa/ […]
LikeLike
Reblogged this on MY VIETNAM.
LikeLike
[…] https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/04/15/xua-duoi-tau-khong-la-ky-2-giu-bien-truong-sa/ […]
LikeLike