Tác giả: Vũ Hải Đăng

Hành vi “đảo hóa” của Trung Quốc chính là cơ sở để một cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền đưa ra các biện pháp tạm thời nhằm tránh gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường biển. Điều 290 (1) của Công ước Luật biển quy định một tòa án quốc tế có thể đưa ra một biện pháp tạm thời bất kỳ nhằm tránh những tổn thương nghiêm trọng đến môi trường biển trước khi đưa ra phán quyết của mình. Trên thực tế, trong các Án lệnh của mình, cả Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Luật biển Quốc tế đều đã cho rằng các hành động tương tự như những gì Trung Quốc đang làm là gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường biển và là cơ sở để thiết lập các biện pháp tạm thời.Trong vụ Thềm lục địa biển Ê-gê giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Tòa án Công lý Quốc tế, trong Án lệnh số 11 ngày 11/9/1976, đã khẳng định một cách gián tiếp rằng các hành vi có nguy cơ gây ra tổn thương vật lý đối với đáy biển, lòng đất dưới đáy biển hoặc tài nguyên thiên nhiên tại các khu vực này như “việc xây dựng trên hay dưới đáy biển của thềm lục địa” có thể là cơ sở để Tòa đưa ra các biện pháp tạm thời. Trong vụ Cải tạo đất trong và xung quanh vịnh Johor giữa Malaysia và Singapore, Tòa án Luật biển Quốc tế đã ra Án lệnh ngày 8 tháng 10 năm 2003 cho rằng Singapore không được tiếp tục tiến hành các hoạt động cải tạo đất theo hướng có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng đối với môi trường biển.
Các hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa hoàn toàn đi ngược lại xu thế khu vực về bảo vệ môi trường biển. Nó diễn ra trong khi nhiều bên có yêu sách chủ quyền ở khu vực này như Việt Nam, Philippines và thậm chí là cả Đài Loan cũng như là giới học giả đều đang kêu gọi thiết lập các khu bảo tồn biển để bảo vệ môi trường biển của quần đảo Trường Sa (từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 742/QĐ-TTG phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020 theo đó dự kiến sẽ thiết lập một khu bảo tồn biển tại đảo Nam Yết). Bên cạnh đó, nhiều tổ chức khu vực về bảo vệ môi trường biển mà Trung Quốc cũng là một thành viên như Cơ quan Điều phối các vùng biển Đông Á (COBSEA) hay Tổ chức Đối tác quản lý môi trường các vùng biển Đông Á (PEMSEA) đã và đang cố gắng thúc đẩy hợp tác nhằm bảo vệ các rặng san hô ở Biển Đông, khu vực được coi là có một trong những hệ sinh thái san hô đa dạng và phong phú vào bậc nhất trên thế giới.
Đọc toàn bộ bài viết ở http://nghiencuubiendong.vn/y-kien-va-binh-luan/4873-hanh-vi-dao-hoa-cua-trung-quoc-dang-huy-hoai-nghiem-trong-moi-truong-bien-dong