Thế Kỷ Của Hoa Kỳ Ở Biển Đông – Chương Một

(Trích trong Chuyên mục “Mỗi tuần một chương sách” của Bản Tin Biển Đông Số 135. Truy cập tại https://dskbd.org/2024/01/10/ban-tin-bien-dong-so-135-phan-ii/)

Gregory B. Poling (2022). On Dangerous Ground – America’s Century In the South China Sea. Oxford University Press Inc.

Chương 1: Seeds of Discord: 1800–1951

Chương sách tiếp theo phân tích về lịch sử của các tranh chấp phức tạp tại Biển Đông, trong giai đoạn từ năm 1800 – 1951. Biển Đông là tuyến đường thương mại quan trọng và là ngư trường giàu có trong nhiều thế kỷ. Vào đầu thế kỷ 19, Tây Ban Nha và Việt Nam lần đầu đưa ra yêu sách đối với một số đảo. Chính quyền Tây Ban Nha ở Philippines, thỉnh thoảng tiến hành các cuộc khảo sát và đưa Bãi cạn Scarborough vào bản đồ từ năm 1800 nhưng không đưa ra tuyên bố chính thức về chủ quyền đối với thực thể này. Ở Việt Nam, Hoàng đế Gia Long đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816, chính thức cho phép các hoạt động trục vớt tại quần đảo này trong nhiều thập kỷ và thỉnh thoảng tiếp tục sử dụng quần đảo này trong những năm 1830 và 1840. Vào năm 1843, Thuyền trưởng Richard Spratly của Anh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Chính quyền Anh đã nhanh chóng tuyên bố chủ quyền đảo Trường Sa và Đảo An Bang vào năm 1877. Đến năm 1868, Bộ Hải quân Anh đã đưa ra một hải đồ mới về Biển Đông, được sử dụng làm tiêu chuẩn cho đến những năm 1950. Các tài liệu và hành động của nhà Thanh cho thấy Trung Quốc coi đảo Hải Nam là giới hạn cực nam của nước này, ví dụ như Trung Quốc không phản đối việc Gia Long sáp nhập quần đảo Hoàng Sa hoặc hoạt động của Việt Nam ở đó. Đến đầu thế kỷ 20, do lo ngại các hoạt động của Nhật Bản và Pháp, Trung Quốc tăng sự quan tâm đối với quần đảo. Sau nhà Thanh nhượng Đài Loan cho Nhật Bản vào năm 1895, một số cá nhân đã kêu gọi Tokyo sáp nhập Đông Sa vào Đài Loan. Năm 1907, thợ mỏ Nhật Bản Nishizawa Yoshiji tuyên bố chủ quyền với đảo Đông Sa. Trong khi triều đình ở Bắc Kinh không quan tâm thì chính quyền ở Quảng Châu đã tổ chức một cuộc tẩy chay hàng hóa Nhật Bản vào năm 1909, thuyết phục Tokyo tham gia đàm phán và công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Đông Sa để đổi lấy một khoản thanh toán khá lớn cho Nishizawa. Cùng năm này, Đô đốc Quảng Đông Li Zhun sáp nhập quần đảo Hoàng Sa. 

Sau khi nhà Thanh sụp đổ vào năm 1912, chính quyền Trung Quốc dường như đã quên mất quần đảo Hoàng Sa, đối lập với mối quan tâm của Nhật Bản và Pháp tiếp tục tăng lên. Kể từ năm 1917, các thương nhân Nhật Bản đã khai thác lợi ích từ Trường Sa như đưa đội khảo sát, xây dựng nơi ở cho công dân,.. cho đến tận năm 1929. Dù vậy, Tokyo đã trì hoãn việc chính thức sáp nhập các đảo này, có thể do lo ngại với Vương quốc Anh. Theo cuộc khảo sát của Nhật Bản, từ năm 1926 đến năm 1928, Mỹ và Trung Quốc không có yêu sách nào nhưng Đảo Trường Sa và Đảo An Bang được thể hiện là lãnh thổ của Anh trên một số bản đồ. Năm 1921, Thống đốc Quảng Đông tuyên bố sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào Hải Nam. Thống đốc thuộc địa Pháp đề xuất Paris công nhận chủ quyền của Trung Quốc, nhưng yêu cầu một cam kết không bao giờ thiết lập căn cứ quân sự hoặc hải quân và không lắp đặt cơ sở vật chất ở đó.

Năm 1928, đoàn thám hiểm Trung Quốc phát hiện hoạt động của Nhật Bản và Pháp ở quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc phản đối việc Pháp tuyên bố chủ quyền ở quần đảo này vào năm 1932. Còn ở Trường Sa, khi Pháp đã tuyên bố chủ quyền vào năm 1930 và chính thức sáp nhập Trường Sa và Đảo An Bang năm 1933, Anh đã từ bỏ yêu sách của mình trong khi Trung Quốc do dự trong việc phản đối. Cùng thời gian này, Ủy ban Xét duyệt Bản đồ Đất liền và Nước được nhóm họp nhằm xác lập yêu sách của Trung Quốc (lúc này là Trung Hoa Dân Quốc – ROC) tại Biển Đông, dẫn đến việc phát hành tấm bản đồ yêu sách 135 thực thể tại Biển Đông được đặt tên Trung Quốc (dịch hoặc phiên âm từ tiếng Anh), bao gồm Bãi ngầm James và các thực thể khác, được nhóm lại thành Quần đảo Nam Sa, mặc dù chúng không phải là đảo hoặc có liên quan về mặt địa lý. Năm 1936, nhà địa lý Bạch Mi Sơ (Bai Meichu) tự lập một bản đồ riêng của của mình trên cơ sở bản đồ của Ủy ban trong đó vẽ một đường liền nét bao quanh tất cả các thực thể mà Trung Quốc chủ quyền và là cơ sở cho yêu sách đường chữ U sau này. Dù vậy, Trung Quốc đã không sáp nhập tất các thực thể trong tấm bản đồ của Ủy ban, trừ các yêu sách đối với Đông Sa và Hoàng Sa. Năm 1934, Nhật Bản phản đối việc Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa nhưng sau đó hai bên đã đạt được thỏa thuận tạm thời.

Việc Pháp sát nhập quần đảo Trường Sa vào năm 1933 đã khơi dậy mối quan tâm đầu tiên của Philippines trong khu vực. Năm 1933, nhà ngoại giao Isabelo de los Reyes đề xuất Hoa Kỳ yêu sách các thực thể hay vào năm 1937, Thượng nghị sĩ Elpidio Quirino chính thức tuyên bố chủ quyền quần đảo Trường Sa cho Philippines. Nhưng Washington không có hành động nào, Hoa Kỳ tuyên bố quần đảo Trường Sa không nằm trong Hiệp ước Paris năm 1898, ngoại trừ Bãi cạn Scarborough – thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước Washington năm 1900. Năm 1938, Hoa Kỳ công nhận Bãi cạn Scarborough là lãnh thổ của Hoa Kỳ, và sau khi Philippines giành được độc lập vào năm 1946, Hoa Kỳ luôn coi bãi cạn Scarborough là lãnh thổ không tranh chấp của Philippines.

Chương sách tiếp tục đề cập đến chiến tranh Trung – Nhật lần thứ hai, bắt đầu từ năm 1937. Nhật Bản chiếm đóng Đông Sa vào tháng 9 năm 1937, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát eo biển Luzon. Chiến lược của Nhật Bản trong giai đoạn 1937 – 1939 tập trung vào việc tăng cường kiểm soát Trung Quốc mà không khiêu khích các cường quốc phương Tây. Năm 1937, Pháp, được Anh khuyến khích, chuẩn bị chiếm đóng quân sự cả hai nhóm đảo, vi phạm thỏa thuận năm 1934 với Nhật Bản. Nhật Bản thiết lập sự hiện diện quân sự ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1938, và Pháp đáp lại bằng cách triển khai một lực lượng đến Đông Sa và Hoàng Sa. Cả Nhật Bản và Pháp đều duy trì các đơn vị đồn trú quân sự, trong đó Paris chính thức tuyên bố chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa vào 7/1947. Năm 1938, Nhật Bản thất bại trong việc phong tỏa bờ biển Trung Quốc trước lực lượng của Tưởng Giới Thạch nên đã quyết định sáp nhập quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đặt chúng dưới quyền tài phán của Đài Loan, nhằm bảo vệ công dân Nhật Bản trên quần đảo. Năm 1939, việc Nhật Bản xâm chiếm Hải Nam, chính thức sáp nhập quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã bị Hoa Kỳ phản đối, bác bỏ yêu sách của Nhật Bản. Đến giữa năm 1940, Nhật Bản gây áp lực buộc Pháp phải nhượng bộ ở Đông Dương, làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. Việc Nhật Bản chiếm đóng miền nam Đông Dương và lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ đã tạo tiền đề cho cuộc tấn công Trân Châu Cảng và Chiến tranh Thái Bình Dương. Nhật Bản tiếp tục bành trướng khắp Biển Đông với các cuộc tấn công vào Hồng Kông, Mã Lai và Thái Lan và Hồng Kông trong 12/1941. Đến năm 1945, Hoa Kỳ chiếm đóng đảo Đông Sa trong một thời gian ngắn và phá hủy các cơ sở của Nhật Bản.

Sau Thế chiến lần thứ II, các đồng minh có những kế hoạch mâu thuẫn. Tuyên bố Cairo (1943) không nói rõ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc các vùng lãnh thổ sẽ được Nhật Bản trả lại cho Trung Quốc, còn các tài liệu của Hoa Kỳ (1943 – 1944) đưa ra một số lựa chọn như đề xuất ủy thác hoặc thỏa thuận Trung – Pháp đối với các đảo, không công nhận quyền sở hữu duy nhất của Trung Quốc. Nhưng Hoa Kỳ đã không thực sự thúc đẩy bất kỳ lựa chọn nào trong số này. Trong khi Đông Sa đã thuộc về Trung Hoa Dân Quốc, tình trạng của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vẫn chưa chắc chắn. Pháp chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa trong một thời gian ngắn nhưng đã rút lui do những xáo trộn trong nội bộ. Năm 1947, lực lượng Trung Hoa Dân Quốc, lợi dụng sự mất tập trung của Pháp đã đổ bộ lên Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa và Ba Bình ở Trường Sa. Trung Hoa Dân Quốc đã yêu sách cả hai nhóm đảo, cho hải quân đồn trú ở đó và công bố danh sách 159 hòn đảo, đặt tên thuộc Tây Sa và Nam Sa, đánh dấu tuyên bố chủ quyền chính thức đầu tiên. Năm 1952, Bản đồ vị trí các đảo ở Biển Đông với 11 đoạn được lấy từ bản đồ của Bạch được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) chính thức thông qua vào năm 1952 với tên gọi “đường chín đoạn” sau Nội chiến Trung Quốc. Để thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, CHND Trung Hoa đã xóa bỏ hai đoạn trên Vịnh Bắc Bộ một năm sau đó. Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan vẫn giữ nguyên nguyên gốc, gọi nó là “đường chữ U”.  Ngoài ra, Philippines, sau khi giành được độc lập vào năm 1946, đã quan tâm đến Trường Sa vì an ninh quốc gia và đã đòi chủ quyền. Dù vậy, yêu sách chính thức đã không được đưa ra. 

Kết lại, tác giả đề cập đến Hội nghị Hòa bình San Francisco năm 1951, khi các tranh chấp về số phận của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được thảo luận. Cả Trung Quốc và Trung Hoa Dân Quốc đều khẳng định chủ quyền, nhưng những bất đồng nội bộ đã ngăn cản hai bên tham gia hội nghị. Pháp, thay mặt Việt Nam, đã tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo. Liên Xô ủng hộ yêu sách của Trung Quốc, đề xuất sửa đổi để công nhận quyền sở hữu của Trung Quốc còn Hoa Kỳ duy trì tính trung lập. Các quan điểm này dẫn đến một mạng lưới phức tạp các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. 

Xem nội dung chương sách ở đây. Đặt mua sách ở đây.

Nguyên tắc hoạt động của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tồn tại dựa trên tài trợ của cộng đồng. Nếu quý độc giả muốn có một nguồn thông tin tri thức khách quan, đa chiều, hệ thống hoá và có chiều sâu chuyên môn, dựa trên dữ liệu (facts-based), Dự án Đại Sự Ký Biển Đông là một địa chỉ mà mọi người có thể tin tưởng. Hãy chung tay cùng với chúng tôi duy trì Dự án bằng cách tài trợ cho Dự án, và khuyến khích bạn bè, đồng nghiệp cùng tài trợ Dự án. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.