Những Chân Trời Xám Xịt Bao Trùm Chiến Lược Vùng Xám Biển Đông Của Bắc Kinh

Tác giả: Mateusz Chatys | East Asia Forum ngày 23 tháng 5 năm 2024

Biên dịch: Dương Ngô

Tóm tắt

Các chiến thuật “vùng xám” như chiến tranh ủy nhiệm và cải tạo đảo là những nỗ lực nằm trong chiến lược của Trung Quốc nhằm tăng cường kiểm soát Biển Đông, đặc biệt là khu vực xung quanh Bãi Cỏ Mây. Tuy nhiên, chiến lược này vẫn chưa mang lại kết quả hữu hình. Philippines với chiến lược công khai các hành động quyết đoán của Trung Quốc, cùng với sự thành công của các nhiệm vụ tiếp tế, đã thu hút được ủng hộ của quốc tế và gia tăng tâm lý phản đối Trung Quốc trong nước. Những điều này có khả năng đẩy Trung Quốc vào tình thế phức tạp hơn.

Bãi Cỏ Mây, cùng với Bãi cạn Scarborough, đã trở thành một điểm nóng quan trọng trong tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Hai thực thể địa lý này cũng trở thành trọng tâm trong các sáng kiến ​​chiến lược của Trung Quốc với đặc trưng là các hoạt động “vùng xám”. 

Những hoạt động này bao gồm chiến thuật chiến tranh ủy nhiệm, với biểu hiện là các biện pháp cưỡng chế do các chủ thể như Hải cảnh Trung Quốc (CCG) và Dân quân biển thuộc Lực lượng Vũ trang Nhân dân thực hiện. Thông qua chiến thuật vùng xám, chính quyền Bắc Kinh đã củng cố vị thế chiến lược của mình tại Biển Đông từ năm 2013. 

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực gia tăng các hoạt động xung quanh Bãi Cỏ Mây, chính phủ Trung Quốc vẫn khó lòng đạt được những thành quả hữu hình. Điều này đặt ra câu hỏi liệu rằng Trung Quốc đã chạm tới giới hạn đối với hiệu quả của chiến thuật vùng xám.

Năm 2013, Trung Quốc khởi động chiến dịch lấn đất xây đảo quy mô lớn để khẳng định và củng cố các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông. Đồng thời, CCG bắt đầu các cuộc tuần tra định kỳ xung quanh Bãi Cỏ Mây và cản trở các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines cho tiền đồn của Lực lượng Vũ trang Philippines tại tàu BRP Sierra Madre. 

Đây là con tàu từ thời Thế chiến thứ hai mà Philippines cố tình cho mắc cạn vào năm 1999 để phản ứng lại việc Trung Quốc chiếm đóng Đá Vành Khăn gần đó vào năm 1994. Tiền đồn này nằm ở vị trí đòi hỏi phải có sự thay lính luân phiên và tiếp tế nhu yếu phẩm. Tuy có xảy ra những sự cố nhỏ lẻ nhưng tình hình vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, kể từ năm 2022 các hoạt động của CCG và Dân quân biển của Lực lượng vũ trang nhân dân leo thang, cùng với các chiến thuật ngày càng hung hãn được triển khai xung quanh Bãi Cỏ Mây.

Năm 2023 diễn ra đợt đụng độ đáng kể nhất giữa các tàu Philippine và Trung Quốc, ghi nhận 5 sự cố nghiêm trọng. Tháng 2/2023, một tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng tia laser quân sự nhằm vào một tàu Philippines hỗ trợ nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế. Trong các tháng 8, tháng 11 và tháng 12, Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng phun vào các tàu tiếp tế. Các vụ va chạm giữa các tàu cũng xảy ra vào tháng 10 và tháng 12, đều do các hoạt động nguy hiểm của Hải cảnh Trung Quốc khơi mào.

Trong bối cảnh các sự vụ trên biển leo thang xung quanh Bãi Cỏ Mây, căng thẳng Biển Đông dự kiến ​​sẽ tiếp tục leo thang. Các sự kiện trong quý đầu tiên của năm 2024 càng cho thấy chiều hướng này. Tháng 3 năm 2024 xảy ra hai tình huống nguy hiểm khi Hải cảnh Trung Quốc có những hành động đánh lái nguy hiểm và sử dụng vòi rồng khiến cho 7 thành viên thủy thủ đoàn trên một tàu tiếp tế của Philippines bị thương nhẹ.

Bất chấp việc Trung Quốc triển khai hoạt động vùng xám với các biện pháp hung hãn, các nhiệm vụ tiếp tế của Philippines được thực hiện vào năm 2023 và đầu năm 2024 đều thành công. Bắc Kinh đã không đạt được mục tiêu cắt đứt các nguồn cung thiết yếu tới tiền đồn BRP Sierra Madre để tiến tới tạo điều kiện thuận lợi cho việc giành quyền kiểm soát Bãi Cỏ Mây. Diễn biến này cho thấy Bắc Kinh đã vắt kiệt hết các chiêu bài có thể để ngăn chặn Philippines mà không để vượt ngưỡng xung đột vũ trang.

Chiến thuật mới của Philippines – công khai hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông – được áp dụng từ tháng 02 năm 2023 cũng có hiệu quả hạn chế các hoạt động vùng xám của Trung Quốc.

Việc chính phủ Philippines cung cấp tài liệu và công bố một cách có hệ thống về các hoạt động của tàu Trung Quốc ở Biển Đông, cũng như hợp tác với các cơ quan truyền thông đã củng cố sự ủng hộ của công chúng đối với các biện pháp bảo vệ chủ quyền. 

Công khai hóa các thông tin về nhiệm vụ tiếp tế là rất quan trọng. Năm 2021, chỉ có 43% nhiệm vụ được tiết lộ so với  80% vào năm 2023. Các cuộc khảo sát dư luận tháng 12/2023 cho thấy 61% ủng hộ phản ứng của chính quyền Ferdinand Marcos Jr đối với tranh chấp Biển Đông, tiếp tục tăng so với các quý trước.

Những nỗ lực hướng tới sự minh bạch của Philippines liên quan đến tranh chấp Biển Đông cũng thúc đẩy các mục tiêu quốc tế và gia tăng áp lực đối với Trung Quốc. Báo cáo về các vụ việc Philippines gặp phải sự cưỡng ép của Trung Quốc ngày càng thu hút sự chú ý của quốc tế. 

Sau vụ việc Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng nhắm vào nhiệm vụ tiếp tế hồi tháng 3 năm 2023, Liên hiệp Châu Âu và một số quốc gia đã đưa ra các tuyên bố đặc biệt. Những tuyên bố này thể hiện tình đoàn kết với Philippines, lo ngại về căng thẳng leo thang và lên án các hành động của Trung Quốc, trên cơ sở đó đã củng cố ảnh hưởng của Philippines trên trường quốc tế. 

Các hoạt động của Trung Quốc gần bãi Cỏ Mây đã không thành công trong việc tăng cường kiểm soát các khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Thay vào đó, cách tiếp cận của Bắc Kinh đã làm sâu sắc hơn sự hoài nghi của công chúng Philippines đối với Trung Quốc. Theo một khảo sát năm 2024, nếu bị buộc phải liên kết với Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ, hầu hết người Philippines chọn liên kết với Hoa Kỳ. 

Philippines đã nổi lên trở thành thành viên ASEAN ủng hộ Hoa Kỳ nhiều nhất trong hai năm liên tiếp. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục có những hành động hung hăng dai dẳng chống lại Philippines, ngần ngại tham gia đối thoại mang tính xây dựng hoặc giảm thiểu căng thẳng thông qua các cơ chế như đường dây nóng. Những dấu hiệu này cho thấy chính phủ Trung Quốc không lo lắng dù sự ủng hộ của công chúng Philippines có giảm đi.

Tâm lý phản đối Trung Quốc ở Philippines gia tăng có thể được coi là một bước thụt lùi khác trong chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã điều chỉnh lại định hướng của lực lượng vũ trang Philippines từ các mối đe dọa bên trong ra các mối đe dọa bên ngoài. Manila củng cố quan hệ với Hoa Kỳ và phát triển quan hệ song phương với các bên liên quan trong khu vực, bao gồm Nhật Bản và Úc. Manila cũng đẩy sâu hơn hợp tác trong các khuôn khổ nhỏ như nhóm ba bên Philippines-Nhật Bản-Hoa Kỳ. 

Vị thế của Philippines đã được củng cố. Nếu Bắc Kinh đẩy xung đột lên với một đòn tấn công trực tiếp, thì họ cần tính tới chuyện Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951 sẽ được kích hoạt và các cường quốc khác trong khu vực sẽ tham gia, đặc biệt là Úc và Nhật Bản.

Mateusz Chatys là Chuyên gia cao cấp tại Trung tâm các vấn đề Châu Á, Đại học Lodz. Dương Ngô là ứng viên cộng tác với Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Có thể đọc bài viết gốc ở đây: https://eastasiaforum.org/2024/05/23/grey-horizons-for-beijings-south-china-sea-strategy/

Nguyên tắc hoạt động của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tồn tại dựa trên tài trợ của cộng đồng. Nếu quý độc giả muốn có một nguồn thông tin tri thức khách quan, đa chiều, hệ thống hoá và có chiều sâu chuyên môn, dựa trên dữ liệu (facts-based), Dự án Đại Sự Ký Biển Đông là một địa chỉ mà mọi người có thể tin tưởng. Hãy chung tay cùng với chúng tôi duy trì Dự án bằng cách tài trợ cho Dự án, và khuyến khích bạn bè, đồng nghiệp cùng tài trợ Dự án. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.