Tập Trận Ở Hoàng Sa: Trung Quốc Tiếp Tục Coi Thường Trật Tự Pháp Lý Quốc Tế

Tác giả: Raul “Pete” Pedrozo | Lawfare ngày 10/8/2021

Biên dịch: Lê Xuân Phương | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Bản đồ khu vực tập trận và cấm bay do Trung Quốc đặt ra ở quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Lê Đức Tâm/Dự án Đại Sự Ký Biển Đông với dữ liệu toạ độ từ các Cục Hải sự Trung Quốc.

Một lần nữa, Trung Quốc cho thấy quốc gia này đang coi thường trật tự pháp lý quốc tế điều chỉnh các hoạt động trên biển. Vào ngày 4/8, Cục An toàn hàng hải Hải Nam của Trung Quốc đã đưa ra thông báo cho biết Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) sẽ tiến hành các cuộc tập trận quân sự trên vùng biển ở Biển Đông từ ngày 6 đến ngày 10/8 trong một khu vực được xác định có tọa độ sau:

Diễn tập quân sự trong khu vực được giới hạn bởi các toạ độ sau: 

A: 18-42.60/110-51.92E; 

B: 19-45.38N/112-19.00E; 

C: 18-43.17N/113-30.78E; 

D: 17-50.92N/114-25.67E; 

E: 17-25.05N/114-42.07E; 

F: 16-10.85N/113-40.33E;

G: 15-48.53N/112-37.65E; 

H: 18-10.78N/110-43.90E

Từ 051600 giờ UTC  ngày 21/8 đến 101600 giờ UTC ngày 21/8.

Thông báo cũng lưu ý thêm rằng việc tiếp cận khu vực trên sẽ “bị cấm” trong suốt thời gian diễn tập. Cuộc diễn tập bắt đầu vào ngày 5/8 và sẽ bao gồm các cuộc diễn tập bắn đạn thật sử dụng loại tên lửa chống hạm được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”.

Khu vực diễn tập giống như một hộp chữ nhật lớn kéo dài về phía Đông – Đông Nam của đảo Hải Nam, bao gồm hầu hết các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, cũng như những vùng biển nằm ngoài giới hạn 12 hải lý của bất kỳ thực thể địa lý nào, nơi mà các quyền tự do hàng hải, tự do hàng không được bảo đảm theo UNCLOS (tại các Điều 58, 86-87, 89-90). Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, việc di chuyển qua khu vực tập trận bị cấm đối với tất cả các tàu thuyền và máy bay.

Điều 25 UNCLOS cho phép các quốc gia ven biển tạm thời đình chỉ việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài tại các khu vực nhất định trong lãnh hải của mình nếu việc đình chỉ đó là cần thiết để bảo đảm an ninh của quốc gia đó, bao gồm cả các cuộc diễn tập quân sự. Việc đình chỉ đi lại không gây hại (innocent passage) 6 ngày trong vùng lãnh hải 12 hải lý để tiến hành một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn sẽ được coi là “tạm thời” và vì vậy nó hợp pháp. Điều 9, Công ước Chicago cũng quy định thẩm quyền tương tự cho các quốc gia hạn chế hoặc cấm máy bay nước ngoài bay qua các khu vực nhất định trong lãnh hải quốc gia mình vì các lý do cần thiết về quân sự hoặc an toàn chung. Tuy nhiên, các khu vực bị cấm này phải phù hợp về mức độ và vị trí để không cản trở hoạt động hàng không một cách không cần thiết.

Tuy nhiên, trong trường hợp phạm vi khu vực hạn chế di chuyển mở rộng ra khỏi lãnh hải hoặc vùng trời quốc gia, Trung Quốc chỉ có thể thiết lập một vùng cảnh báo tạm thời để thông báo cho tàu thuyền và máy bay về việc quốc gia này đang tiến hành một cuộc diễn tập quân sự có thể gây nguy hiểm cho tự do hàng hải và hàng không. Tàu thuyền và máy bay có quyền đi qua khu vực với nhận thức rằng sẽ có nhiều rủi ro nếu làm như vậy.

Trung Quốc có thể đã thiết lập một vùng cấm/vùng đặc quyền bất hợp pháp vượt quá giới hạn 12 hải lý. Ngoài lãnh hải, các quốc gia không được quy định bất kỳ phần nào của biển cả, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thuộc chủ quyền của họ (Điều 58, 89 UNCLOS). Bên ngoài lãnh hải, tàu thuyền và máy bay của tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không trên biển cả và các hoạt động khác phù hợp với luật pháp quốc tế có liên quan đến các quyền tự do này (Điều 58, 86-87, 90, UNCLOS). Việc Trung Quốc “cấm biển” ở cả các khu vực bên ngoài lãnh hải của nước này khi tiến hành tập trận rõ ràng không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Một phần khu vực tập trận tồn tại vấn đề khác vì nó chồng lấn phần lớn quần đảo Hoàng Sa, nơi mà cả Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều đưa ra tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc đã cam kết (a) tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông theo quy định của luật quốc tế, bao gồm UNCLOS; (b) giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán của mình bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; (c) tự kiềm chế đối với việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp và gây ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định của khu vực. Tuyên bố một vùng cấm bao gồm quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển xung quanh, cũng như các khu vực của EEZ và biển cả là không phù hợp với tất cả các cam kết kể trên. Cuộc tập trận hải quân là một nỗ lực bất chính khác của Trung Quốc nhằm củng cố các tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông thông qua vũ lực và đe dọa.

Cộng đồng quốc tế đã để Trung Quốc “tự do” thực hiện những hành vi độc hại của họ quá lâu. Nhưng Trung Quốc sẽ không ngừng coi thường trật tự quốc tế dựa trên luật lệ cho đến khi các quốc gia trong khu vực Biển Đông, cùng với các quốc gia Thái Bình Dương khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Hoa Kỳ, và các quốc gia hàng hải khác như Ấn Độ, Anh, Pháp và Đức giữ vững lập trường và đẩy lùi các hành động gây hấn liên tục của Trung Quốc trong khu vực.

Tất cả các quốc gia có lợi ích liên quan nên ngay lập tức lên án về mặt ngoại giao việc Trung Quốc coi thường các quyền và tự do hàng hải được quốc tế công nhận ở Biển Đông. Hoa Kỳ và các cường quốc hải quân khác trong khu vực cũng nên triển khai tàu và máy bay để thể hiện sự không chấp nhận nỗ lực khẳng định chủ quyền phi pháp đối với các khu vực nằm ngoài lãnh hải của Trung Quốc. Việc cộng đồng quốc tế tiếp tục không đưa ra hành động nào để thách thức những yêu sách quá mức của Trung Quốc sẽ cho phép những yêu sách đó được củng cố theo thời gian và giúp Trung Quốc tạo ra những cơ sở pháp lý tiềm năng chống lại những thách thức trong tương lai.

Đại tá Raul (Pete) Pedrozo, Hải quân Hoa Kỳ (đã về hưu), Là Chủ tịch Howard S. Levie về Luật Xung đột Vũ trang và Giáo sư Luật Quốc tế ở Trung tâm Stockton về Luật Quốc tế tại Trường Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ. Ông hiện là một trong hai Đại diện của Hoa Kỳ tại Nhóm chuyên gia quốc tế về Sổ tay hướng dẫn San Remo về Luật áp dụng cho các cuộc xung đột vũ trang trên biển, do Viện Luật nhân đạo quốc tế biên soạn. Trước khi nghỉ hưu từ Hải quân, ông là Cố vấn Pháp lý cấp cao thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, và là Trợ lý Đặc biệt của Thứ trưởng Quốc phòng đặc trách về Chính sách. Pedrozo là đồng tác giả của cuốn sách sắp xuất bản, “Công nghệ mới nổi và Luật Biển” (Nhà xuất bản Đại học Oxford). Nguồn bài viết gốc: https://www.lawfareblog.com/chinas-continued-disdain-international-legal-order.

Lê Xuân Phương là Thạc sỹ Luật Biển quốc tế và là Trợ lý Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Thạc sỹ Nguyễn Thế Phương là thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

One thought on “Tập Trận Ở Hoàng Sa: Trung Quốc Tiếp Tục Coi Thường Trật Tự Pháp Lý Quốc Tế

  1. Cám ơn thông tin của ĐKSBĐ. Tôi nghĩ : TQ coi thường luật pháp QT từ lâu rồi. …Trên EEZ của VN họ đi lại có chủ đích ,theo đúng luật biển ..gián tiếp họ coi luật chẳng là gì, thậm chí còn bị họ lợi dung tối đa. Ở biển Đông khi họ xâm chiếm các đảo HS-TS là xong rồi….”đường 9 đoạn” là động tác giả cho vui..

    Like

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.