Bản Tin Biển Đông Số 74

(Tuần từ 26/07 – 02/08/2021)

Thực hiện: Nguyễn Nhật Minh, Lê Đức Tâm, Lưu Việt Hà, Trần Phạm Bình Minh, Lê Xuân Phương

Biên tập: Vân Phạm

Nguồn tư liệu: Nhóm South China Sea News

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin duyệt đội cận vệ danh dự cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang trong lễ đón tại Hà Nội hôm thứ Năm ngày 29/7/2021. Ảnh: STR /Thông tấn xã Việt Nam/AFP-JIJI

Tải Bản PDF ở

———-

Trong Bản Tin Biển Đông Số 74 có những nội dung sau:

I- BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG HOA KỲ THĂM SINGAPORE, VIỆT NAM, PHILIPPINES VÀ ĐIỆN ĐÀM VỚI BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG NHẬT BẢN, HÀN QUỐC

II- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

V- QUAN HỆ HOA KỲ – TRUNG QUỐC

VI- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

———-

I- BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG HOA KỲ THĂM SINGAPORE, VIỆT NAM, PHILIPPINES VÀ ĐIỆN ĐÀM VỚI BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG NHẬT BẢN, HÀN QUỐC

Từ ngày 27-30/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Lloyd Austin, thành viên nội các đầu tiên của chính quyền Biden đã có chuyến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines. Đáng chú ý, Singapore là đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ còn Việt Nam và Philippines là những quốc gia có “tiếng nói gay gắt nhất” với Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông. Đây cũng là ba quốc gia liên kết chiến lược nhất với Hoa Kỳ và ủng hộ mạnh mẽ nhất sự hiện diện của Hoa Kỳ trong khu vực.

Chuyến đi phản ánh cách tiếp cận theo hai hướng mà Washington cần thực hiện đối với khu vực. Một mặt, ủng hộ ASEAN với tư cách là cấu trúc duy nhất trong khu vực. Nhưng trong bối cảnh, ASEAN dường như “bất lực” khi đối mặt với các vấn đề an ninh và chính trị cấp bách trong khu vực từ tranh chấp Biển Đông, vấn đề sông Mekong và cuộc khủng hoảng ở Myanmar, Mỹ cũng hướng đến cách tiếp cận thứ hai đó là tiếp cận song phương với các quốc gia “quan trọng” như Philippines, Việt Nam và Singapore cũng như thông qua các cơ chế ngoài ASEAN như nhóm Bộ tứ an ninh. Chuyến thăm đến Việt Nam và Philippines cùng với các cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Hàn Quốc ngay sau khi kết thúc chuyến thăm đến Philippines thể hiện hướng tiếp cận thứ hai này.

Tại Singapore

Bài phát biểu của ông Austin tại IISS Fullerton đã trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực rằng Đông Nam Á rất quan trọng với chính quyền Biden. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng hy vọng sẽ tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác bao gồm cả ASEAN. Ông Austin đã nêu ra khái niệm đặc trưng của mình về “răn đe tích hợp”, nghĩa là kết nối tốt hơn các khía cạnh phi truyền thống của quyền lực Hoa Kỳ và quốc gia đối tác là không gian mạng, công nghệ và thông tin liên lạc để nâng cao khả năng răn đe.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Singapore tái khẳng định mối quan hệ quốc phòng song phương lâu đời và nhiều mặt của cả hai nước. Phía Mỹ cảm ơn Singapore vì sự hỗ trợ hậu cần mà nước này đối với các máy bay và tàu chiến Hoa Kỳ cũng như tạo điều kiện cho việc triển khai luân phiên, thường xuyên các tàu tác chiến ven bờ và máy bay tuần tra P-8 Poseidon.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Singapore khen ngợi các lĩnh vực hợp tác mới và đang phát triển trong quan hệ đối tác song phương bao gồm việc Singapore thành lập Cơ sở Thông tin Chống Khủng bố đa phương, mà Hoa Kỳ là một quốc gia đối tác, Singapore cũng vui mừng tham gia Đối tác trí tuệ đa quốc gia về quốc phòng. Hai bên bày tỏ hi vọng về sự hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực phòng thủ mạng, thông tin liên lạc chiến lược, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.

Tại Việt Nam

Tại các cuộc hội kiến của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và cuộc đàm phán với người đồng cấp Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang, nhiều vấn đề đã được nêu ra thảo luận như: phát triển quan hệ giữa hai nước, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, khắc phục hậu quả chiến tranh, chống đại dịch COVID-19, ổn định và an ninh khu vực, tự do hàng không, hàng hải trên các vùng biển và đại dương trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Theo tờ South China Morning Post, các nguồn tin cho biết các cuộc thảo luận hôm thứ Năm giữa Austin và người đồng cấp Phan Văn Giang tại Hà Nội sẽ bao gồm việc cung cấp các tàu tuần duyên của Hoa Kỳ đến Việt Nam để tuần tra hàng hải và khả năng có chuyến thăm hàng không mẫu hạm Mỹ thứ ba để báo hiệu mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn giữa hai nước.

Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ Việt Nam.

Nhìn chung, chuyến thăm đến Hà Nội diễn ra tương đối cởi mở khi trước đó Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã đóng cuộc điều tra về cáo buộc thao túng tiền tệ của Việt Nam cũng như việc Mỹ tài trợ cho Việt Nam 3 triệu liều vắc xin Moderna vài ngày trước đó. Các bên dường như cũng đã hạn chế những bất đồng và chỉ tập trung vào các lợi ích chung. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng tuyên bố không bắt buộc Việt Nam phải chọn bên.

Tại Philippines

Đây có thể là địa điểm “khó khăn nhất” đối với ông Austin trong chuyến công du tới Đông Nam Á lần này khi Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) giữa hai nước liên tục bị trì hoãn và đe dọa bị hủy bỏ bởi Tổng thống Rodrigo Duterte. Tuy nhiên, cuộc gặp với Tổng thống Philippines ngay sau khi đến Manila diễn ra rất tốt đẹp, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của liên minh giữa hai nước. Trong cuộc họp báo chung vào sáng hôm sau, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana thông báo Tổng thống Duterte đã đồng ý tiếp tục Thỏa thuận sau khi bổ sung thêm “một phụ lục” để giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Rõ ràng đây là kết quả quan trọng nhất trong chuyến công du của ông Austin đến Đông Nam Á lần này. VFA sẽ là tiền đề để hai bên củng cố lại quan hệ liên minh cho các thách thức chung đặc biệt là vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc và vấn đề Biển Đông trong chuyến công du của ông Austin

Trong bài phát biểu tại IISS Fullerton, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng, tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông đe dọa “quyền và sinh kế” của các bên tranh chấp ở Đông Nam Á. Ông Austrin cũng cho biết, ông theo đuổi mối quan hệ mang tính xây dựng, ổn định với Trung Quốc bao gồm cả việc liên lạc trong trường hợp khủng hoảng. Ông cũng nhắc lại, tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn Biển Đông là “không có cơ sở trong luật pháp quốc tê” và “ảnh hưởng đến chủ quyền của các quốc gia trong khu vực”. Ông cho biết, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia ven biển trong khu vực duy trì các quyền theo luật pháp quốc tế và vẫn cam kết thực hiện các nghĩa vụ hiệp ước với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku và với Philippines ở Biển Đông.

“Việc Bắc Kinh không sẵn sàng giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình và tôn trọng pháp quyền không chỉ diễn ra trên biển. Chúng tôi cũng đã chứng kiến ​​sự xâm lược chống lại Ấn Độ… gây mất ổn định hoạt động quân sự và các hình thức cưỡng bức khác đối với người dân Đài Loan… và tội ác diệt chủng và tội ác chống lại loài người đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết.

Ngoài ra, ông Austin còn cho biết, Hoa Kỳ đang làm việc với Đài Loan để nâng cao khả năng ngăn chặn các mối đe dọa và ép buộc… duy trì các cam kết theo Đạo luật quan hệ Đài Loan và nhất quán với chính sách một Trung Quốc của Hoa Kỳ.

Điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Hàn Quốc

Ngày 30/7, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi. Tại cuộc điện đàm, hai bên đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với liên minh Mỹ – Nhật và vai trò của liên minh trong việc duy trì một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hai bộ trưởng đã đồng ý về sự cần thiết phải tiếp tục tăng cường hợp tác của liên minh Hoa Kỳ – Nhật Bản để giải quyết các vấn đề an ninh trong khu vực vốn đang ngày càng bất ổn, đồng thời mong muốn xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ với người đồng cấp Hàn Quốc, Suh Wook diễn ra cùng ngày, hai bên tái khẳng định liên minh giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc là vững chắc và có vai trò quan trọng. Hai bên cũng nhất trí về tầm quan trọng trong việc duy trì một thế trận quốc phòng kết hợp vững chắc đồng thời trao đổi về các vấn đề quan trọng để đảm bảo liên minh Hoa Kỳ – Hàn Quốc vẫn là trụ cột của hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Xem thêm:

Defense One ngày 27/7/2021, ‘We Will Not Flinch’: Austin Promises US Will Continue to Bolster Taiwan’s Self-Defense

US Dept Of Defense, ngày 27/7/2021, Secretary of Defense Remarks at the 40th International Institute for Strategic Studies Fullerton Lecture (As Prepared)

US Dept Of Defense, ngày 27/7/2021, Joint Statement by United States Secretary of Defense Lloyd J. Austin III and Singapore Minister for Defence Dr Ng Eng Hen

South China Morning Post ngày 28/7/2021, US defence secretary Lloyd Austin’s Vietnam visit to focus on maritime cooperation, distrust over wartime history

AP ngày 29/7/2021: US defense secretary visits Vietnam, vows support for region

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 29/7/2021: U.S., Vietnam Discuss COVID-19 Aid, New Program to Find War Dead

CSIS, ngày 30/7/2021: Austin Accomplishes Two Missions in Southeast Asia

US Dept Of Defense, ngày 30/7/2021, Readout of Secretary of Defense Lloyd J. Austin III’s Phone Call With Japanese Defense Minister Nobuo Kishi

US Dept Of Defense, ngày 30/7/2021, Readout of Secretary of Defense Lloyd J. Austin III’s Phone Call With Republic of Korea Minister of Defense Suh Wook

John Reed and Kathrin Hille, ngày 30/7/2021, Philippines restores military pact with US

US Dept Of Defense, ngày 30/7/2021, Secretary of Defense Lloyd J. Austin III Holds a Joint Press Conference With Philippines Defense Secretary Delfin Lorenzana, Manila, Philippines

—–

II- CHUYỂN ĐỘNG ASEAN VÀ ĐỐI TÁC

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Anh tại Việt Nam

​​Như đã được đề cập trong Bản Tin Số 73, hôm 22/7/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã có bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao Việt Nam. Trên website Chính phủ Anh đã đăng tải toàn văn bài phát biểu của ông.

Trong đó, ông Wallace khẳng định Anh bác bỏ yêu sách của Trung Quốc dựa trên đường 9 đoạn và khái niệm “quần đảo ngoài khơi của quốc gia lục địa”. Trong vấn đề này, Anh đồng ý với kết luận của Tòa trọng tài năm 2016. Ông cũng cho rằng việc tàu cá Việt Nam bị đâm và tàu Trung Quốc tập trung ở đá Ba Đầu đe dọa đến ổn định trong khu vực và pháp quyền (rule of law). Theo ông Wallace, đây không chỉ là vấn đề của khu vực hay vấn đề về hàng hải. Ông Wallace khẳng định đây là lý do nước Anh chủ động và kiên trì can dự hơn vào khu vực.

Sau tuyên bố của ông Wallace, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã lên tiếng phản đối. Cơ quan này cho rằng phát biểu của ông Wallace là “rất vô trách nhiệm”, “không quan tâm đến lịch sử và thực tế khách quan” ở Biển Đông, đe dọa đến hòa bình và ổn định ở khu vực.

Xem thêm:

Chính phủ Anh ngày 24/7/2021: Defence Secretary Vietnam Diplomatic Academy speech

Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh ngày 27/7/2021: 驻英国使馆发言人就英国国防大臣涉南海问题言论答记者问

Tân Hoa Xã ngày 27/7/2021: British official’s remarks on South China Sea disregard facts, undermine regional stability: embassy

Nhóm tàu sân bay tấn công Anh tập trận với hải quân Singapore

Ngày 26/7/2021, nhóm tàu sân bay tấn công Anh do HMS Queen Elizabeth dẫn đầu đã tham gia cuộc tập trận với Hải quân Singapore nhằm nâng cao khả năng tương tác và phối hợp giữa hải quân hai nước. Tham gia cuộc tập trận ngoài tàu sân bay HMS Queen Elizabeth còn có khinh hạm HMS Kent của Anh, khinh hạm HNLMS Evertsen của Hà Lan, tàu khu trục USS The Sullivans của Mỹ. Phía Hải quân Singapore có sự tham gia của khinh hạm lớp RSS Intrepid Formosystem, tàu tác chiến ven bờ RSS Unity, tàu đổ bộ lớp RSS Resolution Endurance.

Nhóm tàu sân bay tấn công của Anh dự kiến sẽ tham gia một loạt cuộc tập trận đa quốc gia với các đồng minh Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản tại Biển Philippines trước khi quay trở lại Singapore vào cuối năm nay.

Việc triển khai nhóm tàu sân bay tấn công đa quốc gia bao gồm Hải quân Hoa Kỳ, Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, Hải quân Hà Lan và Hải quân Hoàng gia Anh gửi tín hiệu về cam kết mạnh mẽ của Anh, Mỹ và các nước đồng minh đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Khi được yêu cầu đưa ra bình luật về hoạt động của tàu sân bay Anh ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Ngô Khiêm cho biết, Trung Quốc tôn trọng quyền tự do hàng hải ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế, nhưng phản đối bất kỳ quốc gia nào tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực với mục đích khiêu khích. Ông Ngô cũng cảnh báo rằng quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để đối phó với các hành động khiêu khích.

Vài giờ sau đó, Vương quốc Anh cho biết, nước này không có kế hoạch đối đầu với Hải quân Trung Quốc ở Biển Đông và nhóm tấn công tàu sân bay của mình sẽ di chuyển theo tuyến đường trực tiếp nhất qua vùng nước đang tranh chấp từ Singapore đến Biển Philippines.

Xem thêm:

The UK Government ngày 27/7/2021: UK Carrier Strike Group conducts exercise with Republic of Singapore Navy

CGTN ngày 29/7/2021: China firmly opposes any country increasing military presence in South China Sea

The Guardian ngày 30/7/2021: UK says it has no plans for South China Sea confrontation after Beijing warning

Real Clear Defense ngày 29/7/2021, U.S. F-35s on U.K. Carrier a Powerful Message of Commitment, Consensus and Collaboration

Indonesia tổ chức huấn luyện quân sự lớn nhất từ trước đến nay với Hoa Kỳ

Từ ngày 1 – 14/8/2021, Indonesia và Mỹ sẽ tổ chức cuộc tập trận chung Lá chắn Garuda (Garuda Shield) lớn nhất từ trước đến nay giữa quân đội hai nước với hơn 4.500 binh sĩ tại các hòn đảo của Indonesia. Nội dung tập trận bao gồm: huấn luyện thực địa, bắn đạn thật, y tế và các bài diễn tập không quân. Cuộc tập trận năm 2019 đã có sự tham gia của 1.400 binh sĩ trong đó một nữa đến từ Hoa Kỳ.

Xem thêm:

Benar News ngày 27/7/2021: Indonesia to Host US for Largest-Ever Army Joint Training

Philippines dự định tăng cường hai tàu tuần tra mới

Philippines dự định tăng cường thêm 2 tàu phản ứng đa năng (MMRV) được đóng tại Nhà máy Shimonoseki của Mitsubishi Shipbuilding Co., Nhật Bản cho Lực lượng Phòng vệ Bờ biển nước này nhằm cải thiện khả năng an ninh, an toàn hàng hải và tăng cường sự hiện diện tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Chương trình đóng mới hai tàu tuần tra này được tài trợ theo thỏa thuận vay 149,5 tỷ USD được ký kết vào tháng 10/2016 giữa Nhật Bản và Philippines. Hai tàu MRRV dự kiến dài 97 mét, tốc độ tối đa 24 hải lý/ giờ và tầm hoạt động đến 4.000 hải lý được mô phỏng theo các tàu lớp Kunigami của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản. Lễ bàn giao tàu đầu tiên dự kiến vào tháng 5/2022.

Xem thêm:

The Maritime Executive ngày 27/7/2021: Philippine Coast Guard Gets Boost With Two New Patrol Vessels

Nhà Trắng xác nhận Phó Tổng thống Mỹ sẽ thăm Việt Nam và Singapore

Nhà Trắng hôm 30/7/2021 đã xác định thông tin đã được dẫn trong Bản Tin Biển Đông Số 73 về việc Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ đến thăm Việt Nam và Singapore trong tháng 8. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một Phó Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, cũng như là lãnh đạo cấp cao nhất của chính quyền Biden đến thăm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng và Châu Á nói chung.

Theo phát ngôn viên của Harris, Symone Sanders, bà Phó Tổng thống tới thăm Singapore và Việt Nam để thảo luận về an ninh khu vực, ứng phó COVID-19, biến đổi khí hậu và “nỗ lực chung để thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”

Xem thêm:

CNBC ngày 30/7/2021: Vice President Kamala Harris to visit Vietnam and Singapore amid tensions with China

Reuters ngày 30/7/2021: U.S. Vice President Harris to visit Vietnam, Singapore

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chuẩn bị tham dự Hội nghị trực tuyến với các nhà ngoại giao Đông Nam Á

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp các quan chức Đông Nam Á, bao gồm cả những người đồng cấp ASEAN, trong 5 ngày liên tiếp trong tuần này để thể hiện cam kết của Washington đối với khu vực và giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar.

Xem thêm:

Axios ngày 31/7/2021: Secretary Blinken to meet with Southeast Asian officials next week

Reuters ngày 31/7/2021: U.S top diplomat Blinken to court Southeast Asia in virtual meetings next week

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/8/2021: Briefing With Senior State Department Officials Previewing Secretary Blinken’s Participation in This Week’s ASEAN-Related Ministerials

—–

III- CHUYỂN ĐỘNG ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ kêu gọi đầu tư vào phần mềm quân sự để cạnh tranh với Trung Quốc

Hạ nghị sĩ Rick Larsen thuộc Ủy ban Quân vụ, Thượng viện Mỹ cho biết tầm quan trọng của phần mềm trong việc cạnh tranh với Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn trong tuần qua khi Hoa Kỳ, các đồng minh NATO và các nước đối tác đã lên án Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc sử dụng tin tặc trong một loạt các âm lưu tống tiền trên diện rộng và ăn cắp thông tin cá nhân. Ông Rick Larsen cũng kêu gọi Mỹ cần cân bằng giữa đầu tư vào phần cứng quân sự với khả năng phần mềm như trí tuệ nhân tạo, học máy,…

Xem thêm:

USNI News ngày 23/7/2021: Lawmaker Calls for Investment in U.S. Military Software in Competition with China

Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ thăm Nhật Bản

Ngày 25/7/2021, Đô đốc Mike Gilday, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ đã đến thăm Nhật Bản và gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Nhật Bản. Tại các cuộc gặp, ông Gilday khẳng định Liên minh Hoa Kỳ – Nhật Bản là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hai bên cũng đã chia sẻ tầm nhìn về một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở đồng thời hợp tác để duy trì an ninh và ổn định tại một trong những khu vực quan trọng nhất thế giới.

Xem thêm:

U.S. Indo-Pacific Command ngày 27/7/2021: Chief of Naval Operations Visits Tokyo, Meets With Senior Japanese Leaders

Đối thoại chiến lược Nhật Bản – Mỹ – Đài Loan lần đầu tiên được tổ chức nhằm tăng cường thống nhất đối phó với Trung Quốc

Tờ The Sankei News dẫn lời một nguồn tin tiết lộ “Đối thoại chiến lược Nhật Bản-Hoa Kỳ-Đài Loan” đầu tiên giữa các nghị sĩ hàng đầu từ Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan được tổ chức dưới hình thức hội nghị trực tuyến vào ngày 29/7/2021. Mục đích của đối thoại nhằm tăng cường sự thống nhất giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ và Đài Loan, những nước có cùng giá trị dân chủ và chia sẻ các biện pháp đối phó với Trung Quốc – nước đang tăng cường hành vi bá quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. 

Xem thêm:

The Sankei News ngày 28/7/2021: <独自>初の日米台戦略対話、29日開催で調整 対中結束強化へ

Tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan

Ngày 28/7/2021, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Benfold đã di chuyển qua eo biển Đài Loan “theo quy định của luật pháp quốc tế”. “Việc tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Quân đội Hoa Kỳ sẽ đi qua và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép” – Trích Thông báo của Hạm đội 7. Đây là lần thứ 7 trong năm 2021, tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan. Trước đó, USS Benfold đã thực hiện tuần tra đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải (FONOP) gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 12/7/2021.

Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ là nguyên nhân lớn nhất cho bất ổn và căng thẳng ở eo biển Đài Loan. “Mỹ là kẻ hủy diệt lớn nhất đối với hòa bình và ổn định… và là kẻ gây ra rủi ro an ninh lớn nhất trên eo biển Đài Loan” – Trích Tuyên bố của Bộ Tư lệnh quân khu phía Đông, PLA. Tuyên bố cũng cho biết, Quân khu phía Đông sẵn sàng đối phó với mọi đe dọa và khiêu khích, đồng thời sẽ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Xem thêm:

Commander, U.S. 7th Fleet ngày 28/7/2021: 7th Fleet Destroyer transits Taiwan Strait

South China Morning Post ngày 29/7/2021, China says Taiwan Strait crossing by US warship shows America as ‘biggest destroyer of peace’

Đài Loan mua sáu bộ thiết bị trinh sát từ Hoa Kỳ

Đài Loan đã ký một thỏa thuận trị giá 9,63 tỷ Đài tệ (343 triệu USD) với Hoa Kỳ để mua sáu thiết bị trinh sát và các thiết bị liên quan. Những thiết bị này cho phép lực lượng không quân của họ tăng cường giám sát các hoạt động ven biển của hải quân Trung Quốc, phòng thủ trước mối đe dọa từ Bắc Kinh. Các thiết bị trinh sát MS-110 sẽ được chuyển đến Hoa Liên ở phía đông Đài Loan, nơi lực lượng không quân Đài Loan đặt căn cứ phi đội máy bay chiến đấu F-16.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 28/7/2021: Taiwan signs US$340 million deal for reconnaissance pods to allow surveillance of Beijing’s navy

EU đánh giá lại chính sách Trung Quốc

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell cho biết EU đang đánh giá lại chính sách Trung Quốc và dự kiến một báo cáo phân tích mối quan hệ EU – Trung Quốc sẽ được trình lên Hội đồng Châu Âu vào cuối mùa hè.

Hai nhà ngoại giao cấp cao của EU cho biết khối này đã phải chịu áp lực từ Bắc Kinh – cũng như một số nước thành viên – để xóa bỏ mô tả về Trung Quốc như một đối thủ mang tính hệ thống. Borrell không cho biết liệu đây có phải là một phần của quá trình đánh giá lại hay không.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 30/7/2021: EU foreign policy chief flags review of China strategy ‘in months’

Politico ngày 29/7/2021: EU mulls review of China policy, again

Chuyến công du của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tới Ấn Độ

Những thông tin dưới đây được tổng hợp bởi Manoj Kewalramani.

Blinken gặp gỡ đại diện của Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ

Ngày 28/7/2021 tại Delhi, Blinken đã có cuộc gặp ngắn với Geshe Dorji Damdul, người đã tặng ông một chiếc khăn quàng cổ từ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Geshe Dorji Damdul là đại diện của Cục Quản lý Trung ương Tây Tạng (CTA) và nằm trong số những người được mời tham gia cuộc trò chuyện của Blinken với các đại diện của tổ chức xã hội dân sự ở thủ đô của Ấn Độ. Sau cuộc họp, Dorji nói với truyền thông Ấn Độ rằng Ấn Độ và Mỹ nên hợp tác để ngăn chặn “chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc”.

Đạt Lai Lạt Ma vốn bị Trung Quốc coi là một nhà ly khai nguy hiểm. Tại buổi họp báo ngày 29/8/2021, khi được đề nghị bình luận về cuộc gặp của Blinken với đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói “Các vấn đề của Tây Tạng hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, không cho phép nước ngoài can thiệp. Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thực chất không phải chỉ là một nhân viên tôn giáo, mà là một người lưu vong chính trị từ lâu đã tham gia vào các hoạt động ly khai chống Trung Quốc và cố gắng chia cắt Tây Tạng khỏi Trung Quốc. Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi hình thức tiếp xúc giữa các quan chức nước ngoài và Đạt Lai Lạt Ma. Bất kỳ hình thức liên lạc nào giữa phía Hoa Kỳ và nhóm Đạt Lai đều là vi phạm cam kết của Hoa Kỳ trong việc thừa nhận Tây Tạng là một phần của Trung Quốc, không ủng hộ ‘Độc lập Tây Tạng’ và không ủng hộ các nỗ lực chia rẽ Trung Quốc. Phía Hoa Kỳ nên tôn trọng cam kết của mình, ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc với lý do là vấn đề Tây Tạng và không ủng hộ lực lượng ‘Tây Tạng độc lập’ tham gia vào các hoạt động ly khai chống Trung Quốc. Trung Quốc sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của chính mình.”

Xem thêm:

Reuters ngày 28/7/2021: Risking China’s anger, Blinken meets representative of Dalai Lama in India

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 29/7/2021: Foreign Ministry Spokesperson Zhao Lijian’s Regular Press Conference on July 29, 2021

Latest World English News ngày 30/7/2021: ‘US & India must unite to stop Chinese expansionism’: Geshe Dorji Damdul

Hội đàm song phương Ngoại trưởng Mỹ – Ấn Độ

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Đối ngoại của Ấn Độ cho biết hai bên đã nói về “các mối quan tâm của khu vực, các thể chế đa phương và các vấn đề toàn cầu.” Trong số nhiều vấn đề đã được đưa ra thảo luận, Jaishankar cho biết ông đặc biệt lưu ý đến Afghanistan, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và vùng Vịnh.

Ông cho biết “trong khuôn khổ của Bộ tứ, chúng tôi tham gia vào an ninh hàng hải, HADR, chống khủng bố, kết nối về cơ sở hạ tầng, mối quan tâm về mạng và kỹ thuật số, ứng phó COVID-19, hành động khí hậu, giáo dục và chuỗi cung ứng linh hoạt và đáng tin cậy.”

Ông cũng đề cập đến “tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy tắc và chuẩn mực, bao gồm cả UNCLOS.” Ông đề cập đến Vùng Vịnh, ASEAN, UNSC, Myanmar và biến đổi khí hậu, nói thêm “những cuộc thảo luận như vậy không chỉ cần thiết trong một thế giới dân chủ, đa dạng và đa cực mà còn thực sự khẳng định rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới”.

Bộ trưởng Jaishankar cho biết hai bên đã đạt được sự đồng thuận nhiều hơn, dù vẫn có một số bất đồng ở một số vấn đề do sự khác nhau về lợi ích và bối cảnh. 

Về phía Ngoại trưởng Mỹ, Blinken bắt đầu với nền dân chủ. Ông cho biết Mỹ sẽ gửi thêm 25 triệu đô la để hỗ trợ các nỗ lực tiêm chủng trên khắp Ấn Độ.

Tiếp đó ông nói về Bộ Tứ, Afghanistan, đại dịch, biến đổi khí hậu và “các giá trị chung” được chia sẻ bởi hai bên.

“Chúng tôi chia sẻ tầm nhìn – Ấn Độ và Hoa Kỳ – về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, an toàn và thịnh vượng… chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển trên toàn thế giới và làm việc trong các tổ chức quốc tế để củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.”

Nói về Bộ Tứ, Blinken bình luận rằng Bộ Tứ đơn giản là các nước có cùng ý chí – Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Úc – cùng hợp tác làm việc tập thể về một số vấn đề quan trọng nhất của thời đại mà sẽ có tác động thực sự đến cuộc sống của người dân, và làm điều đó theo cách hy vọng đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho người dân trong khu vực. “Vì vậy, những gì chúng tôi đang làm cùng nhau là phối hợp, tổng hợp các nguồn lực của chúng tôi, tổng hợp tư duy của chúng tôi và tích cực cộng tác trong nhiều vấn đề có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân của chúng tôi… Bộ tứ không phải là một liên minh quân sự; nó không phải là điều đó. ”

Xem thêm:

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 28/7/2021: Secretary Antony J. Blinken and Indian External Affairs Minister Dr. Subrahmanyam Jaishankar at a Joint Press Availability

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 28/7/2021: Secretary Antony J. Blinken with Indrani Bagchi of The Times of India

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 28/7/2021: Secretary Antony J. Blinken with Zakka Jacob of CNN-News18

Cựu lãnh đạo lực lượng vũ trang Đài Loan: Các cuộc xâm nhập quân sự của Trung Quốc đã vượt xa giới hạn “vùng xám”

Đô đốc Lee Hsi-min, cựu lãnh đạo lực lượng vũ trang của Đài Loan, nói rằng các cuộc xâm nhập quân sự của Trung Quốc vào không gian của Đài Loan là điên cuồng và đã vượt xa hành vi “vùng xám”.

Xem thêm:

The Globe and Mail ngày 1/8/2021: In Taiwan’s standoff with China, a tilting balance of power puts the island on edge

Đức loan báo hải trình hướng tới Biển Đông

Hôm thứ Hai ngày 2/8/2021, Đức thông báo rằng khinh hạm Bayern và 230 thành viên thủy thủ đoàn đã rời cảng Wilhelmshaven để thực hiện chuyến đi kéo dài một tháng qua Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nó sẽ thực hiện các chuyến thăm cảng ở Úc, Guam, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ và bờ biển phía đông của châu Phi.

Xem thêm:

The Sydney Morning Herald ngày 3/8/2021: German warship to visit Australia before heading to South China Sea

—–

IV- CHUYỂN ĐỘNG TRUNG QUỐC

Series hỏi đáp về tư tưởng Tập Cận Bình

Từ ngày 19/7, Nhân dân Nhật báo, tờ báo chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng tải series về tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Series này trả lời các câu hỏi mang tính chỉ dẫn về lập trường liên quan đến tư tưởng Tập Cận Bình của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Xem thêm:

Tổng hợp các bài trong series trên Nhân đân Nhật báo tại đây

Trung Quốc nghiên cứu tia laser để cải thiện tốc độ tên lửa và máy bay siêu thanh

Theo tờ South China Morning Post, Một nhóm các chuyên gia laser tại Đại học Kỹ thuật Không gian Bắc Kinh đã phát triển một loại súng laser cực mạnh gắn trên đầu của máy bay siêu thanh và tên lửa siêu thanh để phá vỡ các phân tử không khí mỏng ngay phía trước giúp giảm lực cản không khí từ 70% trở lên, nhằm giúp máy bay quân sự siêu thanh và tên lửa siêu thanh bay nhanh và xa hơn.

Trung Quốc có sẽ sử dụng các công nghệ mới về laser khi chế tạo vũ khí mặc dù vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 27/7/2021: China military scientists work on laser to improve hypersonic missile and plane speeds

Trung Quốc ra bộ sách về quan điểm an ninh quốc gia tổng thể

Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại của Trung Quốc đã phát hành bộ sách 6 cuốn về quan điểm an ninh quốc gia tổng thể của nước này. 6 cuốn này bao gồm các chủ đề về địa lý, lịch sử, văn hóa, an toàn sinh học, sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc, cũng như “sự thay đổi trong 100 năm” (百年变局) và quan hệ với an ninh quốc gia.

Xem thêm:

Nhân dân Nhật báo ngày 30/7/2021: 不断提升全民国家安全意识(新书评介) – “总体国家安全观系列丛书”简评

Tập Cận Bình thúc giục phát triển quân sự hơn nữa 

Trước lễ kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi phát triển mạnh mẽ hơn nữa quốc phòng và quân đội. Ông nói rằng Trung Quốc phải chuẩn bị cho “cuộc đấu tranh quân sự” khi nước này phải đối mặt với các mối đe dọa an ninh quốc gia, cụ thể là sự bất ổn ở Afghanistan với sự rút lui của các lực lượng nước ngoài, và căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Nhận xét của ông được đưa ra tại một phiên nghiên cứu của Bộ Chính trị.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 31/7/2021: Xi calls for greater focus on Chinese military development

—–

V- QUAN HỆ HOA KỲ – TRUNG QUỐC

Đại sứ Tần Cương phát biểu trước truyền thông Hoa Kỳ và Trung Quốc

Như đã đưa tin trong Bản Tin Biển Đông Số 73, Tân đại sứ Tần Cương đã tới Hoa Kỳ hôm thứ Ba ngày 27/7/2021 để đảm nhiệm vị trí mới. Ngay khi tới nơi, ông đã phát biểu trước các phương tiện truyền thông Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhắc lại sự kiện chuyến đi bí mật của Henry Kissinger tới Trung Quốc, đặt dấu mốc cho việc bình thường hoá quan hệ hai nước Mỹ – Trung. Ông cũng cho biết sẽ dựa trên tinh thần cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “vào đêm giao thừa Tết Trung Hoa”, và tìm cách xây dựng những cây cầu giao tiếp và hợp tác với tất cả các khu vực của Hoa Kỳ để bảo vệ nền tảng quan hệ Trung – Mỹ, đề cao lợi ích chung của nhân dân hai nước, nỗ lực đưa quan hệ hai nước trở lại đúng hướng và hoà hợp với nhau – tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi và chung sống hoà bình.

Các phương tiện truyền thông tham dự sự kiện bao gồm Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa xã, CCTV, CGTN, Phoenix TV, Reuters, CBS News và National Public Radio.

Cùng ngày, ông Tần Cương cũng gửi lời chào và lời nhắn nhủ tới Hoa kiều yêu nước và sinh viên Trung Quốc ở Mỹ.

Xem thêm:

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 28/7/2021: Ambassador Qin Gang Delivered Remarks to Chinese and American MediaBản tiếng Trung: 秦刚大使向中美媒体发表讲话— 中华人民共和国驻美利坚合众国大使馆

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 28/7/2021: 秦刚大使致全美侨胞的问候信— 中华人民共和国驻美利坚合众国大使馆

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 28/7/2021: 秦刚大使致在美中国留学生的问候信— 中华人民共和国驻美利坚合众国大使馆

Lizzi C. Lee: Tần Cương, đại sứ mới của Trung Quốc tại Mỹ, là ai?

Tần Cương (秦刚) là nhà ngoại giao Trung Quốc mang hàm thứ trưởng. Ông gia nhập Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 1988 và từng là người phát ngôn, cũng như quan chức phụ trách lễ tân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tác giả chỉ ra ông Tần không có kinh nghiệm về Mỹ trước đây, khác với người tiền nhiệm Thôi Thiên Khải. Ông Tần có cách tiếp cận quyết đoán, thậm chí là gay gắt khi trả lời báo giới. Tuy vậy, ông được đánh giá là nhà ngoại giao chuyên nghiệp có thái độ cẩn trọng thay vì một chiến binh thu hút sự chú ý.

Tác giả cho rằng việc ông Tần được bổ nhiệm cho vị trí đại sứ tại Mỹ là điều bất ngờ, khi một số nhà quan sát cho rằng vị trí này sẽ được giao cho các ứng viên như Trịnh Trạch Quang – người đang là đại sứ tại Anh, các thứ trưởng Mã Triều Húc, Lạc Ngọc Thành hay Tạ Phong. Theo tác giả, sự nghiệp của ông Tần đi lên từ khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo bộ phận lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, vị trí giúp ông có thể tiếp cận các nhà lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy vậy, chưa rõ quan hệ của ông Tần với giới lãnh đạo có giúp ông tiếp cận được với tầng lớp ra quyết định cấp cao hay không. Bên cạnh đó, tác giả nhận định còn quá sớm để biết quan điểm của ông Tần về các vấn đề trong quan hệ Trung – Mỹ. Tuy vậy, ông Tần là người không ngại tranh luận, thậm chí có lúc hiếu chiến khi trả lời báo giới.

Xem thêm:

SupChina ngày 28/7/2021: Who is Qin Gang, China’s new ambassador to the U.S.?

Cảnh sát biển Hoa Kỳ tái đàm phán thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc trong thực thi pháp luật trên biển đối với vấn đề IUU

Lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tìm cách khôi phục một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động thực thi pháp luật chung, theo tờ South China Morning Post. Đô đốc Karl Schultz của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ cho biết thỏa thuận cho phép lực lượng hai nước tái khởi động lại hợp tác vốn đã không hoạt động “trong hơn một năm nay” trong lĩnh vực ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Thỏa thuận này sẽ cho phép hai lực lượng bảo vệ bờ biển lên tàu của nhau trong quá trình tuần tra và ủy quyền hành động thay mặt họ.

Xem thêm:

South China Morning Post ngày 3/8/2021: US Coast Guard renegotiating enforcement deal with China amid Pacific forays

—–

VI- PHÂN TÍCH – BÌNH LUẬN

Nguyễn Thị Lan Hương: Sử dụng vũ lực trong Luật quốc tế và Luật Cảnh sát biển Trung Quốc

Biển Đông là một trong những điểm nóng quan trọng nhất ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi có nhiều quốc gia là bên liên quan và cũng là nơi các cường quốc cạnh tranh. Các tranh chấp lãnh thổ và biển, cả song phương và đa phương đang thách thức an ninh, ổn định và phát triển của khu vực. Hơn nữa, trong vùng biển nửa kín này, có một loạt các mối đe dọa trên biển truyền thống và xuyên quốc gia như cướp biển, khủng bố, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU).

Trong vài năm qua, các quốc gia ven biển đã ngày càng đầu tư vào việc mở rộng và nâng cấp các cơ quan thực thi pháp luật trên biển (MLEA) của mình để đối phó với những thách thức nhiều mặt này. Trong khi đó, Trung Quốc đưa ra các yêu sách chủ quyền trên biển quá mức và gia tăng các hoạt động đơn phương, như cải tạo đất và điều tàu Trung Quốc vào vùng biển của các nước khác làm cho căng thẳng leo thang. Các hành động của Trung Quốc cũng đã dẫn đến những sự cố nghiêm trọng trên Biển Đông. Vào ngày 22/1/2021, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua luật mới cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) có thẩm quyền sử dụng vũ lực nhiều hơn. Qua đó, Đạo luật này đã làm dấy lên lo ngại giữa các quốc gia trong khu vực và các cường quốc bên ngoài về một trật tự dựa trên quy tắc hàng hải đối với Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nghiên cứu này của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương đã tiến hành đánh giá luật Hải cảnh mới của Trung Quốc và sự phù hợp của nó với luật pháp quốc tế. 

Xem thêm:

Issues & Insights Vol. 21, trang 21: Nguyen Thi Lan Huong (2021) Use of Force in International Law and the China Coast Guard Law

Aristyo Rizka Darmawan: Hướng đến Bộ quy tắc ứng xử nghiêm ngặt ở Biển Đông

Các vấn đề về Biển Đông đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng gần đây. Tất cả các phái đoàn đều nhất trí rằng việc duy trì hòa bình và an ninh đối với các vùng tranh chấp là một trong những vấn đề quan trọng nhất của khu vực và kêu gọi các quốc gia đoàn kết trong lĩnh vực quốc phòng. Để giữ gìn hòa bình khu vực, cần phải duy trì động lực trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo tác giả, mặc dù nội dung của các cuộc đàm phán là bí mật, nhưng dường như có ít nhất bốn vấn đề pháp lý quan trọng cần được xem xét và giải quyết trong tương lai bao gồm: (1) Thỏa thuận chính xác về việc thiết lập khu vực địa lý của COC. (2) Trả lời câu hỏi liệu COC có ràng buộc pháp lý đối với các bên hay không?. (3) Phải xây dựng được các cơ chế giám sát và tuân thủ để đảm bảo tính hiệu quả của COC. (4) Cần thiết việc xây dựng một cơ chế giải quyết tranh chấp đối với COC.

Xem thêm:

East Asia Forum ngày 30/7/2021: Towards a rigorous Code of Conduct for the South China Sea.

Robert Beckman và Tara Davenport: Phán quyết trọng tài Biển Đông không phải là “một tờ giấy lộn”

Năm năm trôi qua, vẫn còn nhiều nhầm lẫn về quá trình dẫn đến phán quyết đối với tranh chấp Philippines – Trung Quốc. Góc nhìn cận cảnh về luật biển sẽ làm sáng tỏ các thủ tục tố tụng và hiệu lực pháp lý của phán quyết. Bài viết này nhằm cố gắng làm sáng tỏ một số nhận thức sai lầm xung quanh các vấn đề về thủ tục chính của Trọng tài, giải thích cách Philippines đệ trình tranh chấp lên Hội đồng trọng tài, quy chế của Tòa, vai trò của Tòa trọng tài thường trực PCA, tác động của việc Trung Quốc từ chối tham gia, và hiệu lực pháp lý của phán quyết. 

Thứ nhất, các quốc gia có thể đơn phương đệ trình các tranh chấp liên quan đến UNCLOS lên tòa án.

Một trong những đặc điểm đặc biệt của UNCLOS là cơ chế bắt buộc đối với các quốc gia thành viên về việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều khoản của Công ước. Khi một quốc gia phê chuẩn UNCLOS, quốc gia đó cũng đồng thời đồng ý trước rằng nếu có tranh chấp phát sinh với một quốc gia thành viên khác về việc giải thích hoặc áp dụng các điều khoản trong UNCLOS và tranh chấp đó không thể được giải quyết thông qua thương lượng, thì một trong hai bên tranh chấp có thể tiến hành tố tụng để chống lại bên còn lại. Chính vì vậy, việc tiếp tục đồng ý đối với các thủ tục giải quyết tranh chấp khi một tranh chấp cụ thể phát sinh là không cần thiết. Do đó, khi Philippines đệ trình tranh chấp lên tòa, Manila chỉ đơn giản là thực hiện các quyền của mình theo điều khoản giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Sự đồng ý của Trung Quốc trong trường hợp này là không cần thiết vì quốc gia này đã đồng ý với quy trình tố tụng này trước đó khi phê chuẩn UNCLOS. 

Thứ hai, Hội đồng trọng tài được thành lập phù hợp theo các quy định của UNCLOS

Một vấn đề nhầm lẫn khác liên quan đến quy chế của Hội đồng trọng tài và việc lựa chọn trọng tài viên. UNCLOS cho phép các quốc gia thành viên lựa chọn một loạt các cơ chế giải quyết tranh chấp bao gồm ICJ, ITLOS, hoặc Hội đồng trọng tài adhoc, nếu các bên tranh chấp lựa chọn các thiết chế tài phán khác nhau, hoặc không lựa chọn thì “thủ tục mặc định” là Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS. Phụ lục VII của UNCLOS cũng đưa ra các quy định về thủ tục tiến hành tố tục đối với Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục này, theo đó, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, hội đồng trọng tài sẽ bao gồm 5 thành viên. Một trọng tài viên được chỉ định bởi quốc gia khởi xướng thủ tục tố tụng. Quốc gia còn lại có quyền định một trọng tài viên sau đó, trong vòng 30 ngày. 03 trọng tài viên còn lại sẽ do 02 bên tranh chấp thỏa thuận lựa chọn. 

Trong trường hợp một quốc gia không chỉ định trọng tài viên, hoặc hai bên không thể thống nhất về 03 trọng tài còn lại thì chánh án tòa ITLOS sẽ chỉ định các trọng tài này dựa trên sự tham khảo ý kiến của các bên tranh chấp.

Đối với tranh chấp Biển Đông, Philippines đã chỉ định 01 trọng tài, còn phía Trung Quốc đã không chỉ định cũng như không thống nhất với Philippines trong việc bổ nhiệm 03 thẩm phán còn lại vì quốc gia này từ chối tham gia vào vụ việc. Chính vì vậy trong Philippines đã yêu cầu Chánh án ITLOS chỉ định các trọng tài còn lại theo đúng trình tự và thủ tục. 

Thứ ba, Vụ tranh chấp được xét xử bởi Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS chứ không phải PCA

Một số phương tiện truyền thông đã tạo ra sự nhầm lẫn về phán quyết khi mô tả phán quyết được ban hành bởi PCA, chứ không phải một hội đồng trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS đã tạo ra sự nghi ngờ về phán quyết. 

Thứ tư, Trung Quốc không tham gia

Khi một vụ án được khởi tố để chống lại một quốc gia bất kỳ, quốc gia đó có thể áp dụng bất kỳ chiến lược tố tụng nào mà họ cho là phù hợp, bao gồm cả việc quyết định từ chối tham gia một phần hoặc toàn bộ vụ án. Tuy nhiên, giống như hầu hết các Tòa và Trọng tài quốc tế, Phụ lục VII UNCLOS quy định trong trường hợp một bên vắng mặt hoặc từ chối tham gia vào tranh chấp, bên còn lại vẫn có quyền tiếp tục yêu cầu tòa án tiến hành thủ tục tố tụng và và đưa ra phán quyết, sự vắng mặt của một bên không phải là rào cản đối với quá trình tố tụng. Phụ lục VII cũng quy định trong những trường hợp như vậy, trước khi đưa ra phán quyết tòa phải đảm bảo rằng Tòa có thẩm quyền đối với tranh chấp, cũng như đảm bảo các tuyên bố của Tòa có đầy đủ cơ sở rõ ràng trên thực tế và pháp luật. Chính vì vậy, việc Trung Quốc không tham gia đã đặt ra gánh nặng lớn hơn cho Hội đồng trọng tài so với các trường hợp thông thường. Và Tòa cũng đã thực hiện các bước để đảm bảo rằng Tòa có thẩm quyền đối với vụ việc và yêu cầu của Philippines là phù hợp với thực tế và pháp luật quốc tế. 

Thứ năm, hiệu lực pháp lý của phán quyết

Trung Quốc đã tuyên bố rằng phán quyết này vô hiệu, không có hiệu lực ràng buộc đối với Trung Quốc, và nên bị cộng đồng quốc tế coi như một “mảnh giấy lộn”. Tuy nhiên, những giải thích của Trung Quốc không làm mất đi hiệu lực pháp lý của phán quyết theo pháp luật quốc tế. UNCLOS đã quy định rất rõ ràng rằng phán quyết của Hội đồng trọng tài có giá trị chung thẩm, không bị kháng cáo và được các bên tranh chấp tuân thủ. Điều này áp dụng ngay cả khi một trong các bên tranh chấp không tham gia vào vụ việc. 

Xem thêm:

Straits Times ngày 30/7/2021: South China Sea arbitral award is not ‘a piece of waste paper’

Nurliana Kamaruddin: Cạnh tranh Mỹ – Trung: ASEAN cần quan tâm đến điều gì?

Tác giả cho rằng nhấn mạnh quá mức vào giá trị không phải là cách tiếp cận hiệu quả cho Mỹ ở Đông Nam Á. Đầu tiên, nhiều người Đông Nam Á không cho rằng chế độ dân chủ thành công hơn chủ nghĩa xã hội mà Trung Quốc xúi giục.Thứ hai, chủ nghĩa chuyên chế (authoritarianism) không hoàn toàn đối lập với dân chủ. Thứ ba, các quốc gia dân chủ chưa chắc đáng tin cậy hơn. Do đó, các nước ASEAN không xem cạnh tranh Mỹ – Trung là cuộc cạnh tranh giữa chế độ chuyên chế và dân chủ, mà là vấn đề sống còn vì “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”. Bên cạnh đó, tác giả chỉ ra công dân ASEAN thường quan tâm nhiều hơn đến khả năng của chính phủ trong lĩnh vực phát triển và đảm bảo phúc lợi xã hội. Do đó, sự chuyển đổi từ nền chính trị quyền lực dựa trên nhà nước sang an ninh con người và phát triển sẽ hấp dẫn người dân trong khu vực. Theo tác giả, điều ASEAN cần là sự giúp đỡ của tất cả nước lớn, trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19 là ưu tiên của khu vực trong tương lai gần.

Xem thêm:

The Interpreter ngày 22/7/2021: US-China rivalries: What matters for ASEAN

Webinar về nỗ lực của Trung Quốc trong định hướng truyền thông Việt Nam

Hôm 23/7/2021, viện nghiên cứu ISEAS – Yusof Ishak Institute tổ chức buổi webinar về nỗ lực của Trung Quốc trong định hướng truyền thông Việt Nam với sự tham gia của hai nhà nghiên cứu Drew Thompson và Lương Nguyễn An Điền.

Ông Thompson chỉ ra mục tiêu chủ yếu của các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc là bảo vệ quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Truyền thông nhà nước là phương tiện chủ yếu của Trung Quốc nhầm định hình môi trường thông tin toàn cầu. Các chiến dịch gây ảnh hưởng này được điều phối bởi nhiều cơ quan Đảng và chính quyền, quan trọng nhất là cơ quan tuyên truyền.

Tuy vậy, Trung Quốc không mấy thành công trong định hướng môi trường truyền thông ở Việt Nam. Động thái kiểm duyệt Internet, kiểm soát và giới hạn quyền sở hữu với truyền thông của Việt Nam không cho các công ty Trung Quốc bước vào thị trường. Truyền thông nhà nước Việt Nam được chính phủ chi ngân sách, do đó ít cần nguồn tiền từ Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam cũng sử dụng các công cụ như Trung Quốc trong quản lý truyền thông nội địa, khiến Trung Quốc khó có thể xâm nhập môi trường truyền thông của Việt Nam.

Ông Lương Nguyễn An Điền nhận định nỗ lực định hình “câu chuyện” (narrative) của Trung Quốc trên truyền thông chính thống Việt Nam đã thất bại. Ngoài các biện pháp kiểm soát truyền thông, nguyên nhân còn đến từ tình cảm chống Trung Quốc ở Việt Nam. Hầu hết nỗ lực của Trung Quốc được thực hiện trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook – qua hai trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM.

Ông Điền cho rằng quan hệ Việt – Trung xấu đi làm tăng tình cảm chống Trung Quốc ở Việt Nam, cũng như khiến Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ về quốc phòng và kinh tế với Mỹ. Do đó, ông kết luận Trung Quốc còn mất nhiều công sức để tạo dựng hình ảnh “đáng yêu” ở Việt Nam.

Xem thêm:

ISEAS ngày 23/7/2021: Webinar on “China’s Efforts to Shape the Media Landscape in Vietnam”

Lê Hồng Hiệp: Bộ trưởng Austin thăm VN: Xây dựng lòng tin để củng cố quan hệ quốc phòng

Tác giả nhận định trong khi khía cạnh kinh tế của quan hệ Việt – Mỹ đã phát triển vượt bậc, quan hệ an ninh – quốc phòng vẫn còn khiêm tốn và thiếu thực chất. Các trở ngại bao gồm mong muốn của Việt Nam trong việc duy trì sự cân bằng chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, sự ngờ vực trong một bộ phận giới lãnh đạo Việt Nam, cũng như mong muốn được Mỹ nhượng bộ trong việc giúp giải quyết các vấn đề di sản chiến tranh.

Theo tác giả, trong chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Hà Nội, ông Austin có thể sẽ khẳng định lại cam kết của Hoa Kỳ trong việc “tôn trọng hệ thống chính trị của Việt Nam” nhằm giải quyết mối lo ngại của một số nhà lãnh đạo Việt Nam. Bên cạnh đó, hai bên dự kiến ký kết bản ghi nhớ về giải quyết di sản chiến tranh, trong đó cung cấp cơ sở pháp lý cho việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm, xác định danh tính và quy tập hài cốt của hàng trăm nghìn liệt sĩ Việt Nam nhằm thúc đẩy hòa giải và xây dựng lòng tin giữa hai nước, cũng như tạo tiền đề hợp tác quốc phòng thực chất và có ý nghĩa hơn trong tương lai. Tác giả cho rằng việc ký bản ghi nhớ có thể sẽ là kết quả quan trọng nhất trong chuyến thăm Việt Nam của ông Austin.

Xem thêm:

Nghiên cứu Quốc tế ngày 28/7/2021: Bộ trưởng Austin thăm VN: Xây dựng lòng tin để củng cố quan hệ quốc phòng

Fulcrum ngày 28/7/2021: Secretary Austin’s Visit to Vietnam: Building Trust to Strengthen Defence Ties

Rachel Cheung: Cách tiếp cận “chiến lang” của Trung Quốc đã lan tới công chúng

Tác giả chỉ ra giọng điệu hiếu chiến của Trung Quốc đã lan đến công chúng. Trong tuần qua, tại Trung Quốc nổi lên làn sóng thù địch đối với nhà báo nước ngoài đưa tin về tình hình lũ lụt tại Trịnh Châu, đến từ sự nghi ngờ và ác cảm đối với những nhà báo này. Ví dụ, Đoàn Thanh niên Cộng sản tỉnh Hà Nam kêu gọi mọi người báo cáo hành tung của nhà báo Robin Grant của BBC, người đặt ra câu hỏi về cách chính phủ xử lý lũ lụt. Sau đó, hai nhà báo Alice Su của Los Angeles Times và Mathias Boelinger của Deutsche Welle bị đám đông bao vây vì nhầm tưởng với Grant. Bản thân hai nhà báo này cũng trở thành mục tiêu quấy rối khi đưa tin về thông tin này.

Xem thêm:

World Politics Review ngày 28/7/2021: China’s ‘Wolf Warrior’ Approach Is Filtering Down to the General Public. Một bản PDF được lưu trữ tại đây

—–

VII- BÁO CÁO CHÍNH SÁCH/NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Lê Thị Hằng Nga & Triệu Hồng Quang (2021) Public Diplomacy in Strengthening India- Vietnam Relations

India Quarterly

Hai tác giả cho rằng ngoại giao công chúng là một trong những nhân tố giúp đảm bảo sự ổn định và phát triển của quan hệ Việt Nam – Ấn Độ. Những nỗ lực tối ưu hóa ngoại giao công chúng của cả Ấn Độ và Việt Nam trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây giúp hai nước liên tục tăng cường quan hệ song phương và gia tăng hiểu biết lẫn nhau và khắc phục tình trạng thiếu thông tin về nhau. Các tác giả cho rằng để tăng cường quan hệ song phương nhờ ngoại giao công chúng, hai bên cần: 1) có chiến lược tổng thể chính thức về ngoại giao công chúng; 2) Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm ngoại giao công chúng; 3) Có kế hoạch hợp tác hàng năm nhằm triển khai ngoại giao công chúng; 4) Hợp tác nhằm tăng cường hiện diện của truyền thông nước này tại nước kia.

Xem toàn văn nghiên cứu tại đây

Thomas G. Mahnken et al. (2021) Implementing Deterrence by Detection – Innovative Capabilities, Processes, and Organizations for Situational Awareness in the Indo-Pacific Region

Center for Strategic and Budgetary Assessments 

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách với tiêu đề “Thực hiện Răn đe bằng cách phát hiện” được công bố ngày 23/7/2021 đã đề xuất cách tiếp cận mới với các hệ thống cảm biến tự động được phối hợp giữa Mỹ và đồng minh nhằm ngăn chặn Trung Quốc trên Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương một cách liên tục, hiệu quả và ít rủi ro hơn. Ý tưởng được đưa ra là thiết lập một hệ thống đa lĩnh vực kết hợp các khí tài quân sự và các thiết bị thương mại sẵn có bao gồm hệ thống thông tin tình báo, giám sát và trinh sát; máy bay không người lái cỡ lớn MQ-4 Triton hoặc MQ-9 Reaper; các cảm biến nổi Sail Drone kể cả máy bay vũ trụ “Dream Chaser” của Sierra Nevada Corp. Cách tiếp cận này cho phép giám sát 24/7 chứ không phải theo định kỳ tại eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông như trong báo cáo năm 2020.

Xem thêm:

USNI ngày 26/7/2021: New Report Calls for Allied Monitoring of Chinese in Pacific as Part of ‘Deterrence by Detection’ Plan

Tải toàn văn báo cáo ở đây.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.