Tàu Dân Quân Biển Trung Quốc ở Bãi Ba Đầu (Phần 1)

PHẦN 1: PHẢN ỨNG CỦA CÁC NƯỚC

Tác giả: Vân Phạm, Lê Đức Tâm và một số thành viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

Bãi Ba Đầu (Whitsun Reef) là một rạn san hô lớn nhất ở cụm Sinh Tồn (Union banks) và nằm ở cực đông bắc của cụm, có hình dạng giống như một chiếc boomerang. Bãi Ba Đầu có hình dạng lý tưởng để xây đường băng máy bay nếu được bồi đắp thành đảo nhân tạo, như Trung Quốc đã làm đối với bãi Vành Khăn và Xu Bi. Với vị trí ở đầu cực đông bắc của cụm Sinh Tồn, nếu Trung Quốc bố trí thêm các tàu chấp pháp kết hợp với tàu cá chốt chặn tại các cửa ngõ thì có thể kiểm soát tàu của các quốc gia khác tiếp cận khu vực này.

Ảnh vệ tinh toàn cảnh cụm đảo Sinh Tồn. Nguồn: cố nhà báo Nguyễn Đình Quân.

Cụm Sinh Tồn có khoảng trên 20 thực thể trong đó Việt Nam đang kiểm soát đảo Sinh Tồn, đảo Sinh Tồn Đông, đá Cô Lin và đá Len Đao, Trung Quốc kiểm soát đá Tư Nghĩa sau khi chiếm đóng vào tháng 2/1988 và đá Gạc Ma sau cuộc thảm sát khiến 64 công binh hải quân Việt Nam hy sinh vào đầu tháng 3/1988. Các thực thể còn lại hiện chưa có nước nào kiểm soát hoàn toàn. Về mặt địa lý, cụm Sinh Tồn nằm gần vị trí trung tâm quần đảo Trường Sa, khoảng cách đến các thực thể xa nhất ở quần đảo này theo các hướng khoảng từ 100 đến 150 hải lý. Ngoài ra, cụm Sinh Tồn cũng khá gần đảo Ba Bình (do Đài Loan kiểm soát); đảo Nam Yết  (do Việt Nam kiểm soát) và Bãi Én Đất. 

Về mặt tình trạng pháp lý, theo Philippines trong phần trả lời Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016, các bản đồ có trong tài liệu UKHO mô tả bãi Ba Đầu là thực thể chìm ở triều cao (low-tide elevation), phù hợp với khảo sát của riêng Philippines.[1] Ngoại lệ duy nhất là một bản đồ của Nhật Bản cho thấy có một khoảng đất lộ ra ở phía nam bãi đá Ba Đầu.[2] Tất cả các bản đồ hiện đại, không kể bản đồ của Nga, mô tả bãi Ba Đầu là thực thể chìm ở triều cao.[3] Bởi vậy áp dụng Phán quyết trọng tài vụ kiện Biển Đông cũng như các án lệ trước đó, bãi Ba Đầu không phải là đối tượng có thể yêu sách chủ quyền riêng rẽ.

Bãi Ba Đầu nằm khoảng 175 hải lý phía Tây Bataraza thuộc Palawan, phía Philippines khẳng định Bãi Ba Đầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và do vậy thuộc quyền chủ quyền của Philippines. Mặt khác, Bãi Ba Đầu cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng 6 hải lý, một thực thể địa lý nổi ở triều cao theo các tài liệu UKHO và khảo sát của Philippines.[4] Dựa trên các án lệ trước đây, nếu vẽ đường cơ sở xung quanh đảo Sinh Tồn Đông thì có thể nói Bãi Ba Đầu thuộc về đáy biển của lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông chứ không phải vùng đặc quyền kinh tế của nước khác.[5] Và do vậy Bãi Ba Đầu thuộc chủ quyền của quốc gia nào có chủ quyền đối với đảo Sinh Tồn Đông. Hiện giờ Việt Nam đang đóng quân và khẳng định chủ quyền ở đảo Sinh Tồn Đông. Các nước Philippines, Trung Quốc, Đài Loan đều có yêu sách chủ quyền. 

Là một thực thể lớn nhất nằm ở cực Bắc của cụm Sinh Tồn, Bãi Ba Đầu đã từng là thực thể mà Trung Quốc có ý định và đổ quân chiếm đóng vào tháng 3/1992, nhưng sau đó bị Việt Nam phản đối. Cho tới nay, những tấm ảnh vệ tinh cho thấy thực thể không có người ở cũng như không có công trình nào được dựng ở đó. 

Mặc dù vậy, từ nhiều năm nay, đã có những báo cáo từ một số nhà báo Việt Nam cho thấy Việt Nam nhiều lần âm thầm đấu tranh trên thực địa với tàu Trung Quốc có ý đồ bất thường ở Bãi Ba Đầu. Ví dụ một báo cáo năm 2014 cho biết tàu Trung Quốc mang số hiệu 712 thả một vật thể lạ lên Bãi Ba Đầu và tàu Việt Nam đã ra kéo vật thể lạ về.[6]

Một báo cáo khác vào tháng 6/2016 cho biết từ đầu năm 2016, các tàu Trung Quốc thường tập trung neo đậu và thả các tốp 2 – 3 người đi thuyền nhỏ lùng sục khắp khu vực bãi đá để lặn ngụp giống như đo sâu. Các bãi được “đặc biệt quan tâm” là các bãi Ba Đầu, Ho Li, Lâu Vơ (cụm đảo Sinh Tồn), Én Đất, Bàn Than (cụm đảo Nam Yết), Chim Biển (cụm đảo Trường Sa)… Thậm chí ở bãi Ba Đầu, 2 tàu cá bọc sắt số hiệu 89029, tàu gỗ 09088 của Trung Quốc áp sát nhau neo đậu cả tháng.[7]

Thượng tá Trần Như Hải, nguyên chỉ huy đảo Phan Vinh và là một trong những chỉ huy có nhiều năm nhất ở quần đảo Trường Sa, cho Báo Thanh Niên biết tàu cá Trung Quốc tập trung nhiều nhất tại khu vực Trường Sa từ tháng 2 đến tháng 5. Đặc biệt là cụm đảo Sinh Tồn, có thời điểm xung quanh đá Huy Gơ có hàng trăm tàu cá Trung Quốc tập trung, ban đêm bật đèn như thành phố nổi. Có khi các tàu cá Trung Quốc kéo dài đến gần đảo Sinh Tồn Đông, khiến xuồng chủ quyền của đảo và tàu trực phải liên tục xua đuổi. Một tấm ảnh chụp tháng 3/2020 cho thấy ngư dân Trung Quốc đánh bắt hải sản trong Bãi Ba Đầu, phía xa là tàu dân quân bảo vệ. Các tàu cá Trung Quốc thường bật giàn đèn dùng lưới đánh bắt cá ban đêm, có khi đi vào sát mép xanh của đảo và nối nhau vây xung quanh. Buổi sáng, các tàu cá kéo nhau ra xa, neo đậu thành cặp hoặc cụm vài chục chiếc, nghỉ ngơi.[8]

Ngư dân Trung Quốc đánh bắt hải sản trong bãi cạn Ba Đầu, phía xa là tàu dân binh bảo vệ, tháng 3/2020. Ảnh: Mai Thanh Hải/Báo Thanh Niên

Bên cạnh các tàu cá, có rất nhiều tàu giả dạng tàu cá, cũng treo đèn và lưới nhưng không bao giờ đánh bắt, chỉ nhăm nhe vào sát mép xanh các đảo để… nghe ngóng. 

Với sự phổ biến hoá các công cụ giám sát biển như ảnh vệ tinh, các ứng dụng theo dõi tàu thuyền qua AIS, từ năm 2020, việc theo dõi Bãi Ba Đầu từ xa trở nên dễ dàng hơn. Truyền thông quốc tế đã bắt đầu có những báo cáo về sự hiện diện của tàu Trung Quốc Bãi Ba Đầu. Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã có nhiều báo cáo về sự hiện diện một số lượng lớn tàu ở Bãi Ba Đầu, tổng hợp thông tin từ các nhà báo Việt Nam, báo cáo của RFA, và số liệu AIS và ảnh vệ tinh của riêng Dự án. Những báo cáo này phản ánh sự hiện diện liên tục của tàu Trung Quốc ở Bãi Ba Đầu, cho thấy dường như Trung Quốc muốn neo đậu lâu dài ở một thực thể mà Trung Quốc từng có ý định chiếm đóng.

Sáng sớm thứ Hai ngày 22/6/2020, khoảng hơn trăm tàu Trung Quốc đồng loạt xuất hiện trên bản đồ AIS với định danh là tàu cá, nhưng những hình ảnh và phân tích thực tế trước đó cho thấy đây là tàu dân quân biển. Ảnh: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông/Vessel Finder.
Bãi Ba Đầu ngày 8/5/2020. Định danh AIS cho thấy đây là những tàu dân quân biển, theo một phân tích trước đó của AMTI về nhóm tàu Việt Đài Ngư (Yuetaiyu: tàu cá). Ảnh: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.
Ảnh vệ tinh cho thấy các tàu dàn hàng thành những bè dài tới 290 m, lưu trú ở đây lâu ngày. Ảnh: Viện Nghiên cứu Biển Đông/Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Tàu dân quân biển Trung Quốc ở Bãi Ba Đầu vào năm 2020. Ảnh: Mai Thanh Hải/Báo Thanh Niên.
Tàu dân quân biển Trung Quốc ở Bãi Ba Đầu. Ảnh chụp năm 2020 bởi nhà báo Mai Thanh Hải/Báo Thanh Niên.
Cận cảnh 1 tàu dân quân biển Trung Quốc. Ảnh: Mai Thanh Hải/Báo Thanh Niên.

Câu chuyện phát triển lên một bước mới khi những ngày vừa rồi, Chính phủ Philippines đã có những tuyên bố chính thức, khẳng định Bãi Ba Đầu thuộc vùng đặc quyền kinh tế và do vậy thuộc quyền chủ quyền của Philippines, và yêu cầu tàu cá Trung Quốc rút khỏi Bãi Ba Đầu. Ngoại trưởng Philippines cho biết Philippines đã gửi công hàm phản đối tới Trung Quốc.[9]

Ảnh vệ tinh cung cấp bởi đối tác Dự án Đại Sự Ký Biển Đông cho thấy sự hiện diện số lượng tàu lớn ở Bãi Ba Đầu vào đầu tháng 3, phù hợp với báo cáo của Philippines.

Giải thích về việc hơn hai trăm tàu cá neo đậu ở Bãi Ba Đầu mà Philippines ghi lại được hôm 7/3/2021, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bãi Ba Đầu là một phần của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc, và nói rằng tàu cá trú ẩn do thời tiết xấu. 

Năm 1995, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng có những tuyên bố tương tự khi giải thích sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc và các công trình Trung Quốc xây dựng ở bãi Vành Khăn. Đến ngày 13/5/1995, các quan chức Bộ Quốc phòng Philippines tổ chức một tàu hải quân đi khảo sát thực địa tới bãi Vành Khăn với sự tham gia của các phóng viên trong nước và quốc tế. Khi tàu chỉ cách Vành Khăn khoảng 10 km, 2 tàu chiến Trung Quốc xuất phát từ Gạc Ma đã tiến đến chặn đường buộc tàu Philippines quay về. Trung Quốc chính thức giành quyền kiểm soát bãi Vành Khăn và hiện đã biến rạn san hô chìm thành một căn cứ quân sự hải quân cơ động.[10] 

Theo điều 5 Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông được ký kết năm 2002 giữa Trung Quốc và các thành viên ASEAN, các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng.

Tuy nhiên Tuyên bố là một văn bản mang tính chính trị, không có ràng buộc pháp lý. Năm 2012, Trung Quốc lấy cớ bảo vệ tàu cá đã giành quyền kiểm soát với bãi cạn Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Hiện vẫn chưa thấy có tuyên bố chính thức gì từ Việt Nam, sau hai ngày Philippines khẳng định công khai quyền chủ quyền đối với Bãi Ba Đầu, với báo cáo tố cáo công khai về tàu dân quân biển Trung Quốc, thu hút sự chú ý rộng rãi của truyền thông quốc tế và báo chí Việt Nam.

Nhóm tác giả chân thành cảm ơn nhà báo Mai Thanh Hải đã chia sẻ những tấm ảnh quý chụp trực tiếp từ Bãi Ba Đầu. Bản quyền các tấm ảnh thuộc về nhà báo Mai Thanh Hải và Báo Thanh Niên. Vui lòng không sử dụng lại nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu.

—————

Chú thích:

[1] Reefs in South China Sea Northern Portion, UKHO Ref. F6064 (1966); Reefs in South China Sea Northern Portion, UKHO Ref. Z15 (1941); Survey fair chart of 1931 combined survey operation (covering West York, Flat Island, Nanshan and other features), UKHO Ref. E3615; Survey fair chart of Union Bank (Sin Cowe Island, Sin Cowe East, Johnson Reef, McKennan Reef, Hughes Reef) (1931), UKHO Ref. E3618. Từ hồ sơ vụ kiện trọng tài Biển Đông 2016.

[2] Field Chart of Shinan Guntao (the Southern Archipelago), UKHO Ref. E7824-524. Từ hồ sơ vụ kiện trọng tài Biển Đông 2016.

[3] See Atlas of Relevant Features, SWSP, Vol. II, p. 203-204. Từ hồ sơ vụ kiện trọng tài Biển Đông 2016.

[4] See Field Chart of Shinan Guntao (the Southern Archipelago), UKHO Ref. E7824-524; Reefs in South China Sea Northern Portion, UKHO Ref. F6064 (1966); Reefs in South China Sea Northern Portion, UKHO Ref. Z15 (1941); Survey fair chart of 1931 combined survey operation (covering West York, Flat Island, Nanshan and other features), UKHO Ref. E3615; Survey fair chart of Union Bank (Sin Cowe Island, Sin Cowe East, Johnson Reef, McKennan Reef, Hughes Reef) (1931), UKHO Ref. E3618. Từ hồ sơ vụ kiện trọng tài Biển Đông 2016.

[5] Ví dụ xem Phán quyết Toà án Công lý quốc tế đối với vụ tranh chấp chủ quyền Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge giữa Malaysia và Singapore.

[6]  Nguyễn Đình Quân, “Chuyện thường ngày ở bãi Ba Đầu,” Blog Thiềm Thử ngày 3/2/2014

[7] Mai Thanh Hải, “Trường Sa không yên tĩnh,” Báo Thanh Niên ngày 12/6/2016: https://thanhnien.vn/doi-song/truong-sa-khong-yen-tinh-712558.html

[8]  Mai Thanh Hải, “Nhận dạng tàu cá Trung Quốc – Kỳ 6: Lần mò xuống TrườngSa,” Báo Thanh Niên ngày 1/9/2020: https://thanhnien.vn/thoi-su/nhan-dang-tau-ca-trung-quoc-ky-6-lan-mo-xuong-truong-sa-1271065.html

[9] National Task Force for the West Philippine Sea statement on the presence of China’s maritime militias at the West Philippine Sea: https://www.ptvnews.ph/national-task-force-for-the-west-philippine-sea-statement-on-the-presence-of-chinas-maritime-militias-at-the-west-philippine-sea/

[10]  Hồ sơ đảo nhân tạo ở Biển Đông, Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 15/5/2015: trang 71. Truy cập ở đây.

———-

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

5 thoughts on “Tàu Dân Quân Biển Trung Quốc ở Bãi Ba Đầu (Phần 1)

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.