Công Trình Nghiên Cứu của Hội Luật Quốc Tế của Trung Quốc: Bước Tiến về Luật Pháp hay Sự Nguỵ Biện dưới Chiêu Bài Khoa Học?

Tác giả: Nguyễn Thị Lan Anh

Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế Số 2 (113), Tháng 6 năm 2018

can-stock-photo_csp2874356
Ảnh: Tượng Nữ thần Công lý ở Frankfurt, Đức. Nguồn: Internet.

Tóm tắt

Tháng 6/2018, Hội Luật quốc tế của Trung Quốc đăng tải một công trình nghiên cứu dài hơn 500 trang của các học giả Trung Quốc tại một tạp chí có uy tín thuộc hệ thống tạp chí chuyên ngành của trường Đại học Oxford (Vương quốc Anh). Các lập luận trong Nghiên cứu cho thấy Trung Quốc thực sự có tham vọng hạn chế quyền tự do hàng hải của các quốc gia tại Biển Đông; đồng thời, biến tất cả Biển Đông thành khu vực Trung Quốc có quyền lịch sử và quyền tài phán. Thực hiện các hoạt động trên biển nhằm hiện thực hóa tham vọng này sẽ tạo ra hình ảnh về một cường quốc thiếu trách nhiệm, không tuân thủ luật quốc tế và tiếp tục làm cho tình hình Biển Đông phức tạp trong thời gian tới.

Từ khoá: Hội Luật quốc tế Trung Quốc, phán quyết, vụ kiện Biển Đông.

Tháng 6/2018, Hội Luật quốc tế của Trung Quốc đăng tải một công trình nghiên cứu dài hơn 500 trang của các học giả Trung Quốc để chỉ trích Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc (2016).[1] Đây là một công trình công phu, với hình thức một công trình nghiên cứu khoa học pháp lý toàn diện và được đăng tải trên một tạp chí có uy tín thuộc hệ thống tạp chí chuyên ngành của trường Đại học Oxford (Vương quốc Anh). Nội dung của nghiên cứu không gây ngạc nhiên cho người đọc bởi đa số các lập luận chỉ trích không mới, vẫn là những lập luận thiếu cơ sở pháp lý nhằm chỉ trích từng câu, chữ của Phán quyết Trọng tài. Tuy nhiên, công trình nghiên cứu này cũng cung cấp nhiều chi tiết, giúp quốc tế hiểu hơn về quan điểm và chính sách pháp lý của Trung Quốc về Biển Đông, từ đó dự báo được các bước đi của Trung Quốc trong thời gian tới. Bài viết này sẽ tập trung giới thiệu về các luận điểm chính về lập trường pháp lý của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh vào những nội dung mới, đồng thời đánh giá chính sách pháp lý của Trung Quốc trong thời gian tới và tác động với tình hình Biển Đông.

Các lập luận pháp lý trong nghiên cứu của Hội Luật quốc tế Trung Quốc

Nghiên cứu dài hơn 500 trang của các học giả Trung Quốc tập trung chỉ trích Phán quyết Trọng tài về hai điểm chính là thẩm quyền của Tòa Trọng tài và nội dung phán quyết.

Về thẩm quyền của Tòa Trọng tài, Nghiên cứu lặp lại những lập luận phản đối đã được nêu ra tại Tài liệu lập trường của Trung Quốc công bố năm 2014 rằng tồn tại tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và phân định biển và bản chất của các đệ trình của Phi-líp-pin trước Tòa là các vấn đề về các tranh chấp này.[2] Đây là các lập luận cũ, đơn thuần là cách giải thích gượng ép, bó buộc tất cả mọi vấn đề trên biển vào vấn đề chủ quyền nhằm loại bỏ khả năng sử dụng các cơ chế tài phán nhằm làm sáng tỏ tranh chấp và đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ trong phán quyết.[3] Nghiên cứu cũng chỉ trích phán quyết chia tách các vấn đề của tranh chấp Biển Đông bằng cách trích dẫn một cách chắp nối kết luận của Tòa Công lý quốc tế (ICJ) trong một số vụ việc, nhưng bối cảnh áp dụng của các vụ việc được trích dẫn không có liên quan đến tranh chấp giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc.[4] Nghiên cứu cũng lặp lại chỉ trích thẩm quyền của Tòa Trọng tài dựa trên lập luận về thủ tục rằng Trung Quốc và các bên đã có lựa chọn biện pháp đàm phán theo thỏa thuận song phương hoặc đa phương thông qua Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và Phi-líp-pin chưa hoàn thành nghĩa vụ trao đổi quan điểm.[5] Tất cả những lập luận này cũng đã được Tòa giải đáp thỏa đáng tại phán quyết trên cơ sở phân tích các quy định của luật pháp quốc tế, quá trình đàm phán và các nội dung thỏa thuận giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc.[6]

Điểm mới trong lập luận phản bác thẩm quyền là việc chỉ trích Tòa Trọng tài về các vấn đề liên quan đến thủ tục tố tụng. Trước hết, Nghiên cứu lập luận Tòa vi phạm nguyên tắc non ultra patia khi mở rộng kết luận ra ngoài phạm vi yêu cầu của Phi-líp-pin.[7] Chỉ trích của phán quyết đưa ra vấn đề là mặc dù Phi-líp-pin chỉ đưa ra yêu cầu kết luận về quy chế pháp lý với một số cấu trúc, Tòa Trọng tài đã ra kết luận với tất cả các cấu trúc của Trường Sa. Trên thực tế, Phi-líp-pin đã rất tinh tế khi yêu cầu Tòa Trọng tài kết luận Bãi Cỏ Mây và Bãi Vành Khăn là bãi cạn lúc nổi lúc chìm và thuộc thềm lục địa của Phi-líp-pin. Yêu cầu này đòi hỏi trước hết Tòa Trọng tài nghiên cứu các đặc điểm tự nhiên của Bãi Cỏ Mây và Vành Khăn để kết luận hai cấu trúc này là bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Đồng thời, Tòa Trọng tài phải xem xét vị trí địa lý của hai cấu trúc và xác định hai cấu trúc có thuộc vùng biển của bất kỳ cấu trúc nào khác hay chỉ nằm trên thềm lục địa của Phi-líp-pin. Để giải quyết nhiệm vụ này việc xem xét và kết luận quy chế pháp lý của tất cả các cấu trúc của Trường Sa là cần thiết. Chính vì vậy, việc Tòa đưa ra kết luận về quy chế pháp lý của các cấu trúc vẫn nằm trong phạm vi yêu cầu của Phi-líp-pin.

Nghiên cứu cũng cho rằng Tòa vi phạm vấn đề thủ tục tố tụng khi cho phép Phi-líp-pin bổ sung, điều chỉnh yêu cầu khởi kiện nhiều lần.[8] Đây là chỉ trích thiếu căn cứ bởi Điều 5 của Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã quy định rằng trừ phi các bên có thỏa thuận khác, thủ tục tố tụng của Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS sẽ do Trọng tài tự quyết định nhằm đảm bảo các bên có đầy đủ cơ hội được trình bày và đại diện trước Tòa. Trong mọi giai đoạn của quá trình tố tụng, Tòa Trọng tài đã gửi các thông báo và luôn để ngỏ khả năng cho Trung Quốc tham dự.[9] Tuy nhiên, Trung Quốc luôn tự từ bỏ quyền của mình trong quá trình tố tụng bằng nguyên tắc không tham gia quá trình tố tụng, không công nhận thẩm quyền của Tòa và không thực hiện phán quyết.

Về nội dung phán quyết, Nghiên cứu chỉ trích từng kết luận của Trọng tài dựa trên cách giải thích sai lệch về luật quốc tế đối với quyền lịch sử và quy chế pháp lý của Trường Sa. Đối với quyền lịch sử, Nghiên cứu vẫn dựa trên cái gọi là thực tiễn trước khi có UNCLOS để khẳng định về sự tồn tại của quyền lịch sử và danh nghĩa lịch sử. Đáng chú ý, Nghiên cứu dẫn lại một loạt các tài liệu về hoạt động của người dân Trung Quốc tại các đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định sự tồn tại của quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông.[10] Tuy nhiên, các tài liệu này chủ yếu chỉ dẫn các “bằng chứng” về thực tiễn đánh cá, thu thập sản vật hoặc sinh sống tại Hoàng Sa và Trường Sa, không bao gồm các thực tiễn liên quan đến tài nguyên dầu mỏ và khí đốt. Từ đó, việc Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử rộng lớn đối với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật biển là thiếu cơ sở pháp lý. Trên thực tế, quyền lịch sử mới chỉ tồn tại rất hạn chế qua yêu sách biển của một vài quốc gia. Theo đó, quyền lịch sử là các quyền được yêu sách dựa trên lịch sử sử dụng biển lâu dài của quốc gia ven biển và phải được các quốc gia hữu quan công nhận.[11] Trong những điều kiện chặt chẽ này, quyền lịch sử cũng mới chỉ được Tòa thừa nhận với phạm vi hạn chế ở quyền đánh cá.[12] Tại Biển Đông, yêu sách quyền lịch sử cho vùng nước nằm trong đường chín đoạn chưa từng nhận được sự công nhận của các quốc gia hữu quan.[13] Trong phán quyết, Tòa Trọng tài cũng đã phân tích tòan diện và rút ra kết luận rằng nếu Trung Quốc đã từng có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển ở Biển Đông thì những quyền đó đã bị xóa bỏ khi Công ước có hiệu lực do các quyền này không phù hợp với hệ thống các vùng biển của Công ước, vì vậy không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên tại vùng nước nằm trong đường chín đoạn, Trung Quốc chỉ có các quyền theo quy định của UNCLOS.[14] Ngoài ra, Nghiên cứu cũng viện dẫn một cách lựa chọn nhiều tuyên bố, quy định của Trung Quốc từ sau năm 1949 nhưng cố tình bỏ qua nội dung thừa nhận tồn tại công hải ngoài phạm vi lãnh hải 12 hải lý tại Biển Đông trong Tuyên bố năm 1958 và thực tiễn ủng hộ quy chế vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc trong quá trình đàm phán UNCLOS.

Về quy chế pháp lý của Trường Sa, Nghiên cứu đã phát triển đầy đủ hơn lập luận về chủ quyền và vùng biển đối với quần đảo xa bờ. Theo đó, toàn bộ tất cả các cấu trúc gần Trường Sa được gộp lại thành quần đảo Trường Sa, từ đó, Nghiên cứu cho rằng thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đồng thời, vùng biển của “quần đảo” Trường Sa theo quy định của “tập quán quốc tế”, tương tự quy chế của quốc gia quần đảo, tức là có đường cơ sở bao quanh tất cả các cấu trúc xa nhất của quần đảo và từ đó xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho cả quần đảo.[15] Điểm đáng chú ý là nghiên cứu đã “chứng minh” sự tồn tại của “tập quán quốc tế” này thông qua thực tiễn của 17 quốc gia lục địa. Tuy nhiên, 10 trong số 17 thực tiễn này diễn ra trước khi UNCLOS ra đời. Trong 7 thực tiễn sau UNCLOS, 2 thực tiễn là của Trung Quốc và đều gặp phải sự phản đối của các quốc gia khác. Đặc biệt, Nghiên cứu cố tình bỏ qua lịch sử đàm phán UNCLOS, phương án áp dụng đường cơ sở quần đảo cho nhóm đảo xa bờ đã được đề xuất nhưng cuối cùng đã được các nước thành viên trong đó có Trung Quốc nhất trí loại bỏ.[16] Các thực tiễn ít ỏi, thiếu nhất quán và bị phản đối sau khi UNCLOS có hiệu lực không đủ để hình thành một tập quán quốc tế về việc áp dụng đường cơ sở thẳng kiểu quần đảo cho nhóm đảo xa bờ của quốc gia lục địa.

Từ các lập luận về quyền lịch sử và quy chế của Trường Sa, Nghiên cứu tiếp tục cho rằng các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là các hoạt động bảo vệ chủ quyền và thực thi quyền tài phán.[17] Tuy nhiên, do quyền lịch sử của Trung Quốc bị bác bỏ và các cấu trúc của Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, phần lớn Biển Đông là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước ven biển, theo đó, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng bắt bẻ câu chữ khi cho rằng Tòa lập luận về hành động gây tổn hại cho hệ sinh thái không đồng nhất với ô nhiễm môi trường biển.[18] Đồng thời, nghiên cứu cũng cho rằng hành động của tàu thực thi pháp luật với các tàu của Phi-líp-pin không vi phạm Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs) mà nhằm trấn áp hành vi vi phạm quyền qua lại không gây hại tại Bãi Cỏ Mây.[19] Bãi Cỏ Mây chỉ là bãi cạn lúc nổi lúc chìm, nằm ngoài phạm vi 12 hải lý của các đảo của Trường Sa, vì vậy, trong bất kỳ trường hợp nào, Trung Quốc cũng không thể yêu sách lãnh hải cho Bãi Cỏ Mây và không thể “trấn áp” vi phạm của tàu thuyền Phi-líp-pin.

Ngoài hai lập luận chính về thẩm quyền và nội dung, Nghiên cứu cũng đưa ra lập luận về tiến trình tố tụng “hợp lý” và bằng chứng. Nghiên cứu một lần nữa ngụy biện khi cho rằng “không chấp nhận” và “không tham gia” khác với “không có mặt”. Từ đó, Tòa không thể sử dụng tố tụng khi một bên không có mặt với việc không chấp nhận và không tham gia của Trung Quốc.[20] Với bằng chứng Nghiên cứu đưa ra, lập luận trở nên thiếu cơ sở pháp lý khi cho rằng truyền thống văn hóa phương Đông cũng là một dạng bằng chứng.[21] Đồng thời, Nghiên cứu cũng chỉ trích vai trò của Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), thẩm phán Shunji Yunai, khi cho rằng việc bổ nhiệm trọng tài thiếu tính đại diện[22] trong khi đó quyền quyết định của Chủ tịch ITLOS đã được quy định rõ trong Phụ lục VII.[23] Chính việc Trung Quốc từ chối không bổ nhiệm trọng tài đã làm phát sinh quyền của Chủ tịch ITLOS trong việc bổ nhiệm trọng tài đại diện cho Trung Quốc và các trọng tài viên còn lại.

Đánh giá chính sách pháp lý của Trung Quốc và tác động đến tình hình Biển Đông

Nghiên cứu dài hơn 500 trang của Hội Luật quốc tế của Trung Quốc, mặc dù thiếu cơ sở pháp lý, nhưng có thể cho thấy bước chuyển trong chính sách pháp lý của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Các lập luận trong Nghiên cứu cho thấy các học giả Trung Quốc đã chủ động và tự tin sử dụng ngôn ngữ pháp lý quốc tế để tranh luận về một chủ đề rất nhạy cảm.[24] Trung Quốc có lẽ vẫn nỗ lực tạo ra hình ảnh tuân thủ pháp luật, chưa thực sự bất chấp và bỏ qua luật pháp và đã tài trợ để tạo ra các công trình nghiên cứu chiến lược về luật pháp quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu này.[25] Về hình thức, các lập luận trong Nghiên cứu cũng có hình thức chế bản của một công trình khoa học pháp lý khi trích dẫn nhiều án lệ của các cơ quan tài phán quốc tế, báo cáo của Uỷ ban Luật Quốc tế của Liên Hợp Quốc và các công trình nghiên cứu của các học giả Trung Quốc và quốc tế. Khi biện minh cho việc áp dụng khác với điều ước quốc tế, nghiên cứu cũng nỗ lực chứng minh sự tồn tại của tập quán quốc tế. Đồng thời, về quy mô, Nghiên cứu có độ dài không kém phán quyết của Tòa Trọng tài và đưa ra lập luận để bác bỏ từng câu, từng chữ của phán quyết.

Tuy nhiên, về nội dung, các lập luận trong nghiên cứu thể hiện góc nhìn sai lệch của học giả Trung Quốc với luật quốc tế, thực sự rất khác biệt với nhận thức và thực tiễn chung của thế giới. Sự khác biệt này có thể đến từ hai lý do. Thứ nhất, các học giả Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm mọi lập luận để bảo vệ cho lập trường chính thức của Trung Quốc, bảo vệ các yêu sách thiếu cơ sở pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông.[26] Thứ hai, các học giả Trung Quốc có thể có chung nhận thức là Trung Quốc bị bắt nạt nhiều lần trong lịch sử và không chấp nhận một trật tự pháp luật do các quốc gia phương Tây dẫn dắt. Đới Bỉnh Quốc – Cựu Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đã từng phát biểu rằng: “Trung Quốc đã chịu đựng đủ chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền và sự bắt nạt của các cường cuốc phương Tây trong thời kỳ hiện đại. Hội nghị Hòa bình Versailles kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất đã cưỡng ép việc chia tách tỉnh Sơn Đông. Ủy ban Lytton, do Hội Quốc Liên cử đến khi Nhật xâm lược các tỉnh phía Bắc của Trung Quốc, chỉ giúp biện minh cho việc xâm lược của Nhật. Thậm chí quá trình đàm phán Hiệp định Hòa bình San Francisco do Mỹ dẫn dắt cũng loại bỏ sự tham dự của Trung Quốc. Các hồi ức này vẫn còn sống động trong trí nhớ của chúng tôi. Đó là lý do vì sao Trung Quốc sẽ cương quyết về vấn đề chủ quyền trong tương lai và không chấp nhận bất kỳ giải pháp nào do một bên thứ ba ép buộc”.[27] Xuất phát từ nhận thức này, hiện nay, khi sức mạnh của Trung Quốc ngày càng gia tăng, thì Trung Quốc đủ tự tin để bác bỏ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp hiện hành để xây dựng một trật tự pháp lý mới phù hợp với “truyền thống phương Đông”, nơi Trung Quốc là “thiên tử” và có thể cai trị bằng pháp luật theo ý chí của mình. Các học giả Trung Quốc, do vậy, có thể phải nhận nhiệm vụ xây dựng và thúc đẩy trật tự pháp lý mới.

Với Biển Đông, nghiên cứu cho thấy tham vọng kiểm soát Biển Đông thông qua việc tiếp tục duy trì đồng thời hai cơ sở pháp lý là quyền lịch sử trong vùng nước bên trong đường lưỡi bò và quy chế quốc gia quần đảo cho các nhóm đảo xa bờ. Về quyền lịch sử, nghiên cứu cho thấy, trái với một số nhận định và trông đợi của quốc tế sau phán quyết, các học giả Trung Quốc không từ bỏ đường lưỡi bò, không muốn giải thích đường lưỡi bò phù hợp với luật pháp quốc tế mà vẫn đang tìm cách giải thích, biện minh cho đường lưỡi bò trên cơ sở cái gọi là thực tiễn tồn tại trước UNCLOS. Nghiên cứu đã đưa ra lập luận về việc danh nghĩa lịch sử, quyền lịch sử có quy chế linh hoạt, có thể là quyền mang tính chủ quyền hoặc không mang tính chủ quyền và không loại trừ tự do hàng hải thông qua ví dụ cụ thể về quy chế Vịnh lịch sử giữa ba nước là Hôn- đu-rát, En Xan-va-đo và Ni-ca-ra-goa vẫn thừa nhận quyền qua lại không gây hại của các quốc gia khác.[28] Lập luận này có thể cho thấy sự tính toán để dung hòa và vô hiệu hóa phản đối của các nước về tự do hàng hải tại Biển Đông.

Về quy chế quần đảo, Nghiên cứu lần đầu tiên đưa ra lập luận chỉ rõ Bãi Cỏ Rong cũng thuộc phạm vi của quần đảo Trường Sa. Nghiên cứu làm rõ việc vận dụng quy chế quốc gia quần đảo cho nhóm đảo xa bờ nhằm tạo ra đường giới hạn cho yêu sách chủ quyền. Từ đó, Nghiên cứu mở rộng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tới các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, cách xa Trường Sa và thuộc thềm lục địa, thậm chí gần bờ, của các quốc gia ven biển. Đồng thời, từ đường cơ sở quần đảo này, Nghiên cứu vẫn tiếp tục đưa ra yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Kết hợp với lập luận về Tứ Sa được đánh động trên phương tiện thông tin đại chúng vào tháng 9/2017,[29] có thể thấy triển vọng Trung Quốc sẽ quy thuộc tất cả các cấu trúc, cho dù nổi hay lúc nổi lúc chìm tại Biển Đông vào bốn nhóm đảo để từ đó xác lập yêu sách chủ quyền trên cơ sở “quần đảo”. Từ các cấu trúc này, Trung Quốc sẽ vẽ đường cơ sở quần đảo và vùng nước bên trong các đường cơ sở quần đảo này sẽ là lãnh hải lịch sử, nơi mà Trung Quốc có đầy đủ quyền lịch sử và quyền tài phán với tài nguyên sinh vật và phi sinh vật, còn các quốc gia khác có thể được hưởng quyền qua lại vô hại nhưng theo quy định của luật pháp Trung Quốc. Từ đường cơ sở của các quần đảo, Trung Quốc sẽ tiếp tục yêu sách vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Kết hợp giữa lập luận về quyền lịch sử và quy chế quốc gia quần đảo cho thấy, Trung Quốc thực sự có tham vọng hạn chế quyền tự do hàng hải của các quốc gia tại Biển Đông, đồng thời, biến tất cả Biển Đông thành khu vực Trung Quốc có quyền lịch sử và quyền tài phán. Đồng thời, điểm đáng lưu ý của Nghiên cứu là sự thiếu tách bạch giữa yêu sách vùng biển và chủ quyền lãnh thổ. Điều này thể hiện qua việc Trung Quốc đưa ra lập luận về quyền lịch sử với vùng nước bên trong đường lưỡi bò qua nhiều “bằng chứng” về thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.[30]

Sự điều chỉnh chính sách pháp lý như trên có thể khiến tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới. Với việc giải thích phạm vi quyền lịch sử và quy chế pháp lý của các quần đảo như lập luận trong Nghiên cứu, Trung Quốc sẽ có thể tuyên bố đường cơ sở quần đảo cho Trường Sa và Trung Sa (bao gồm cả Bãi cạn Scarborough); đồng thời, mở rộng phạm vi các hành động bất hợp pháp vào sâu trong các vùng biển của các quốc gia ven biển. Tuy nhiên, các hành động như vậy sẽ trái với nghĩa vụ ràng buộc của Trung Quốc trong việc thực thi phán quyết, trái với các quy định của UNCLOS và không nằm trong phạm vi loại trừ của Điều 298 về các ngoại lệ của cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Vì vậy, các quốc gia bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp trên biển vẫn có lựa chọn sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS để phản bác các hành động vi phạm pháp luật quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông và bảo vệ quyền lợi của mình tại Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS.

Kết luận

Giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán là một trong những biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp được quy định tại Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tại châu Á, nhiều quốc gia cũng đã thành công trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và biển thông qua các Tòa án và Trọng tài quốc tế. Thủ tục tố tụng tại các cơ quan này luôn duy trì tối đa cơ hội để các bên có thể trình bày quan điểm, lập luận của mình và phản bác quan điểm của các bên khác. Trung Quốc đã từ tự từ bỏ cơ hội để đưa ra các quan điểm và lập luận chính thức của mình một cách văn minh theo các nghĩa vụ mà Trung Quốc tự cam kết khi gia nhập UNCLOS. Thay vào đó, Trung Quốc lựa chọn biện pháp không công nhận, không tham gia vào tiến trình tố tụng. Chỉ đến khi phán quyết đã được công bố, Trung Quốc lại phản bác và không thi hành phán quyết. Học giả Trung Quốc, thay vì nói lên tiếng nói khoa học để đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách, lại đưa ra các lập luận thiếu cơ sở pháp lý để củng cố cho lập trường chính thức. Tất cả những lập luận này, mặc dù có thể giúp cộng đồng quốc tế hiểu thêm về suy nghĩ và cách diễn giải của Trung Quốc với luật quốc tế nhưng không có giá trị, và không thay đổi bản chất ràng buộc pháp lý của phán quyết đối với Trung Quốc.[31] Trên thực tế, tiếp tục thực hiện các hoạt động trên biển dựa trên các chính sách pháp lý này chỉ tạo ra hình ảnh về một cường quốc thiếu trách nhiệm, không tuân thủ luật quốc tế và tiếp tục làm cho tình hình Biển Đông phức tạp hơn trong thời gian tới./.

——

Về tác giả

TS. Nguyễn Thị Lan Anh là Phó giáo sư, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông thuộc Học viện Ngoại giao Việt Nam. Quan điểm trong bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Bài viết được in lần đầu trong Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại Giao Việt Nam, số 2 (112) tháng 6 năm 2018. Email liên hệ: tapchi_ncqt@mofa.gov.vn. Điện thoại: +84-24-38.344.540 Ext. 2107 (bộ phận phát hành). Fax: +84-24-38.343.543. Website: https://www.dav.edu.vn hoặc https://www.isr.vn

———–

Chú thích

[1] Chinese Society of International Law, “The South China Sea Arbitration Awards: A Critical Study,” Chinese Journal of International Law, Volume 17, Issue 2 (01/6/2018): 207-748. Sau đây gọi tắt là Nghiên cứu.

[2] Nghiên cứu, đoạn 48-204.

[3] Kết luận tại đoạn 153, Phán quyết về Thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc của Tòa Trọng tài ngày 29/10/2015, toàn văn tại: https://www.pcacases.com/web/sendAttach/1506.

[4] Ví dụ như tại đoạn 119, Nghiên cứu trích dẫn kết luận của Phán quyết của ICJ trong vụ kiện giữa Ca-ta và Ba-ranh rằng “chủ quyền và phân định biển là hai vấn đề bổ sung cho nhau không thể chia tách và cần phải giải quyết toàn diện cùng nhau”. Tuy nhiên, vấn đề Phi-líp-pin đệ trình không liên quan đến chủ quyền và phân định biển mà thuần tuý là việc áp dụng UNCLOS để xác định quy chế pháp lý của các cấu trúc địa lý. Đây là quá trình xác định khách quan, phụ thuộc vào đặc trưng tự nhiên của các cấu trúc không phụ thuộc vào chủ thể sở hữu cấu trúc đó. Tại đoạn 120, Nghiên cứu cũng trích dẫn kết luận của ICJ trong vụ sử dụng vũ lực giữa Nam Tư (cũ) và Bỉ về việc xem xét tổng thể khía cạnh pháp lý của cuộc ném bom. Kết luận này hoàn toàn không liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông.

[5] Nghiên cứu, đoạn 270-352.

[6] Kết luận tại các đoạn 302, 310, 321, Phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý.

[7] Nghiên cứu, đoạn 353-374.

[8] Nghiên cứu, đoạn 375-423.

[9] Xem các thông cáo báo chí số 1-10 của Toà Trọng tài. Toàn văn các thông cáo báo chí được đăng tải tại: http://www.pcacases.com/web/view/7.

[10] Nghiên cứu, đoạn 514-519.

[11] Symmons định nghĩa rằng: “Khái niệm quyền lịch sử rộng hơn vùng nước lịch sử. Theo cách hiểu rộng nhất, quyền lịch sử hàm ý về việc một quốc gia yêu sách một số quyền chủ quyền thường có tại vùng nước lịch sử, đặc biệt nhất là quyền đánh cá. Tuy nhiên, các quyền này về cơ bản phải thỏa mãn các điều kiện giống hoặc tương tự như các điều kiện về lịch sử sử dụng lâu dài và sự công nhận của các quốc gia khác.” Xem thêm tại Clive R. Symmons, Historic Waters in the Law of the Sea: A Modern Re-Appraisal (Leiden and Boston: Martinus Nijhoff Publishers, 2008): 4. Các điều kiện để quyền lịch sử được thừa nhận cũng được phân tích tại Y. Blum, “Historic Rights,” Encyclopaedia of Public International Law (Amsterdam: Elsevier, Tập 2, 1984): 710-715.

[12] Nội dung này đã được các tòa án và trọng tài quốc tế đề cập đến trong hầu hết các phán quyết. Ví dụ như Vụ Ngư trường giữa Đức và Ai-xơ-len, 1974, đoạn 47; Vụ Ngư trường giữa Anh và Ai-xơ-len, 1974, đoạn 55; Vụ Phân định Vịnh Maine giữa Mỹ và Ca-na-đa, Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 1984, đoạn 237; Vụ phân định biển tại khu vực giữa Greenland và Jan Mayen (Đan Mạch và Na-uy), Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 1993, đoạn 75; Vụ Phân định biển giữa Ê-ri-tơ-rê-a và Y-ê-men, 1999, đoạn 64; Vụ phân định biển giữa Bác-ba-đốt và Tơ-ri-ni-đat và Tô-ba-gô, 2006, đoạn 268.

[13] Mỹ, qua tuyên bố của Ngoại trưởng Hilary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào năm 2010 và 2012 và Nghị quyết của Thượng viện Mỹ về Biển Đông (ngày 3 tháng 8 năm 2012), đã kêu gọi các bên tranh chấp làm rõ các yêu sách của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 (Tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton  tại         ARF                             ngày                12/7/2012, http://www.state.gov/secretary/rm/2012/07/194987.htm và Nghị quyết S.Res.524 ngày 2/8/2012 của Thượng viện Mỹ về Biển Đông). Phi-líp-pin cũng đã đưa ra công hàm phản đối yêu sách vùng biển tiếp liền và vùng biển có liên quan trong đó có đính kèm bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc và cho rằng các vùng biển này có giới hạn và cần được xác định phù hợp với quy định của Công ước Luật Biển 1982 (Công hàm của Phi-líp-pin gửi tới Liên Hợp Quốc ngày 5/4/2011 tại www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/phl_re_chn_2011.pd     f). Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao của Xinh-ga-po cũng bày tỏ quan điểm rằng việc công bố bản đồ đường 9 đoạn của Trung Quốc tạo ra quan ngại cho cộng đồng hàng hải quốc tế vì những yêu sách biển mập mờ và kêu gọi Trung Quốc làm rõ các yêu sách biển của mình (Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trả lời câu hỏi của báo chí nhân chuyến thăm của tàu hải giám Haixun 31 đến Xinh-ga-po ngày 20/6/2011). Việt Nam cũng có công hàm gửi tới Liên Hợp Quốc phản đối giá trị pháp lý của bản đồ này về cơ sở pháp lý lịch sử và thực tế (Công hàm của Việt Nam ngày 8/5/2009 có thể xem tại www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/vnm_chn_2009re_m ý_vnm_e.pdf).

[14] Đoạn 278, Phán quyết về nội dung của vụ kiện Phi-líp-pin – Trung Quốc, http://www.pcacases.com/pcadocs/PH-CN%20-%2020160712%20-%20Award.pdf (sau đây gọi tắt là Phán quyết về nội dung).

[15] Nghiên cứu, đoạn 540-727.

[16] Ashley Roach, “Offshore Archipelagoes enclosed by Straight Baselines: An Accessive Claim?,” 49(2) ODIL (2018): 176-178.

[17] Nghiên cứu, đoạn 7780820.

[18] Nghiên cứu, đoạn 790-791.

[19] Nghiên cứu, đoạn 848-857.

[20] Nghiên cứu, đoạn 888.

[21] Nghiên cứu, đoạn 908-910.

[22] Nghiên cứu, đoạn 911.

[23] Điều 3(e) Phụ lục VII của UNCLOS.

[24] Douglas Guifoyle, “A new twist in the South China Sea Arbitration: The Chinese Society of International Law’s Critical Study,European Journal of International Law, ngày 25/5/2018, https://www.ejiltalk.org/a-new-twist-in-the-south-china-sea- arbitration-the-chinese-society-of-international-laws-critical-study/.

[25] Anthena Robert, “China’s Strategic Use of Research Funding on International Law,” ngày 8/11/2017, https://lawfareblog.com/chinas-strategic-use-research-funding- international-law.

[26] Anthena Robert, Is International Law International? (Oxford: Oxford University Press, 2017).

[27] Phát biểu của Đới Bỉnh Quốc, cựu Uỷ viên Quốc vụ viện Trung Quốc tại Washington D.C. ngày 5/07/2016.

[28] Nghiên cứu, đoạn 188-189 và 487-489.

[29] Bill Gertz, “Beijing Adopts New Tactic for S. China Sea Claims,” The Washington Free Beacon, ngày 21/09/2017, xem chi tiết tại: http://freebeacon.com/national- security/beijing-adopts-new-tactic-s-china-sea-claims/.

[30] Nghiên cứu, đoạn 514-519. Guifoyle cũng cho rằng danh nghĩa lịch sử với các cấu trúc không đồng nghĩa với quyền lịch sử theo nghĩa rộng tại các vùng biển. Xem thêm Douglas Guifoyle, tlđd, chú thích 24.

———-

Tài Liệu Tham Khảo 

Văn kiện

  1. Công hàm của Phi-líp-pin gửi tới Liên Hợp Quốc ngày 5/4/2011: http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/phl_re_chn_2011.pdf

2. Công hàm của Việt Nam ngày 8/5/2009: http://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mysvnm33_09/vnm_chn_2009re_mys_vnm_e.pdf

3. Nghị quyết của Thượng viện Mỹ về Biển Đông số 524 ngày 2/8/2012.

4. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào năm 2010 và 2012: http://www.state.gov/secretary/rm/2012/07/194987.htm.

5. Tuyên bố lập trường của Trung Quốc, ngày 12/07/2016: http://www.fmprc.gov.cn/nanhai/eng/snhwtlcwj_1/t1379493.htm.

6. Các phán quyết của Tòa án và Trọng tài quốc tế.

7. Vụ kiện Biển Đông giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc, Phán quyết về nội dung của vụ kiện: http://www.pcacases.com/pcadocs/PH- CN%20-%2020160712%20-%20Award.pdf.

8. Vụ kiện Biển Đông giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc, Phán quyết về thẩm quyền và khả năng thụ lý vụ việc của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, ngày 29/10/2015: https://www.pcacases.com/web/sendAttach/1506.

9. Vụ kiện Biển Đông giữa Phi-líp-pin và Trung Quốc, Thông cáo báo chí số 1-10 của Tòa Trọng tà http://www.pcacases.com/web/view/7.

10. Vụ kiện về chủ quyền và phân định biển Ca-ta và Ba-ranh, Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 2001.

11. Vụ Ngư trường giữa Anh và Ai-xơ-len, Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 1974.

12. Vụ Ngư trường giữa Đức và Ai-xơ-len, Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 1974.

13. Vụ phân định biển giữa Bác-ba-đốt và Tơ-ri-ni-đat và Tô-ba-gô, Phán quyết Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc,

14. Vụ Phân định biển giữa Ê-ri-tơ-rê-a và Y-ê-men, Phán quyết Trọng tài, 1999.

15. Vụ phân định biển tại khu vực giữa Greenland và Jan Mayen (Đan Mạch và Na-uy), Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 1993.

16. Vụ Phân định Vịnh Maine giữa Mỹ và Ca-na-đa, Phán quyết, Báo cáo của ICJ, 1984.

Sách và Tạp chí

17. Robert, Anthena. “China’s Strategic Use of Research Funding on International Law.” ngày 8/11/2017. https://lawfareblog.com/chinas- strategic-use-research-funding-international-law.

18. Robert, Anthena. Is International Law International? (Oxford: Oxford University Press, 2017).

19. Roach, “Offshore Archipelagoes enclosed by Straight Baselines: An Accessive Claim?.” 49(2) ODIL (2018).

20. Gertz, “Beijing Adopts New Tactic for S. China Sea Claims.” The Washington Free Beacon, ngày 21/09/2017: http://freebeacon.com/national-security/beijing-adopts-new-tactic-s- china-sea-claims/.

21. “Historic Rights.” Encyclopaedia of Public International Law. Amsterdam: Elsevier, Tập 2, 1984.

22. Chinese Society of International Law. “The South China Sea Arbitration Awards: A Critical Study.” Chinese Journal of International Law volume 17 (2018): 207-748.

23. Guifoyle, Douglas. “A new twist in the South China Sea Arbitration: The Chinese Society of International Law’s Critical Study.” European Journal of International Law, ngày 25/5/2018: https://www.ejiltalk.org/a-new-twist-in-the-south-china-sea- arbitration-the-chinese-society-of-international-laws-critical-study/

24. Symmons. Historic Waters in the Law of the Sea: A Modern Re- Appraisal. Leiden and Boston: Martinus Nijhoff Publishers, 2008.

———-

Mọi sự sử dụng lại hay trích dẫn các ấn phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông phải ghi rõ nguồn và dẫn link tới bài gốc trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Sử dụng cho mục đích thương mại phải được sự đồng ý bằng văn bản của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích và muốn giúp Dự án duy trì hoạt động phi chính trị và phi lợi nhuận, hãy tài trợ cho chúng tôi thông qua địa chỉ Paypal sukybiendong@gmail.com. Báo cáo tài chính sẽ được thông báo vào cuối mỗi năm. Xin trân trọng cảm ơn.

 

3 thoughts on “Công Trình Nghiên Cứu của Hội Luật Quốc Tế của Trung Quốc: Bước Tiến về Luật Pháp hay Sự Nguỵ Biện dưới Chiêu Bài Khoa Học?

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.