Quốc Hội Thảo Luận về Dự Án Luật Cảnh Sát Biển Việt Nam

Nguồn: Cổng Thông tin Quốc hội Việt Nam và nhiều tờ báo

Ngày 8 tháng 6 năm 2018

cqh_8666

>> Xem Dự Thảo Luật Cảnh Sát Biển Lần 3: Bản Trình Cho Ý Kiến tại Kỳ Họp Thứ 5, Quốc Hội Khóa XIV

Sáng ngày 8 tháng 6, Quốc hội Việt Nam tiếp tục tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, với nội dung thảo luận là Luật Cảnh sát Biển.

Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 Chương, 49 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động và phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; quản lý nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam. Luật áp dụng đối với Cảnh sát biển Việt Nam; cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm hoàn thiện pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển, bảo vệ an ninh, trật tự an toàn, môi trường biển, bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng, hiện nay nước ngoài tăng cường diễn tập, hoạt động chấp pháp, nghiên cứu tôn tạo đảo, sử dụng tàu công vụ tổ chức xua đuổi ngăn cản, thậm chí sử dụng biện pháp cứng rắn làm tổn thất tài sản, gây thương vong cho ngư dân các nước và Việt Nam.

“Gần đây nước ngoài nâng cấp tàu du lịch đưa khách du lịch nước ngoài thường xuyên hơn ra Hoàng Sa, Trường Sa và nhiều điểm khác trên Biển Đông. Hoạt động tội phạm vi phạm pháp luật trên biển như cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản”, đại biểu Hưng nói.

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhấn mạnh đến tình hình vùng biển diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, các tình huống liên quan đến quốc phòng, an ninh trên biển vẫn diễn biến phức tạp do chiến lược tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực; các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam trên biển, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia về ma túy, buôn lậu, vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn trên biển.

“Vì vậy, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam ngày càng nặng nề hơn”, đai biểu Cúc nói.

Do đó, đại biểu cho rằng, để tạo cơ sở pháp lý cho cảnh sát biển hoạt động phù hợp với thực tiễn lập pháp trên thế giới, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 thì việc xây dựng ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách.

Quan tâm đến khoản 1 điều 9 quy định nhiệm vụ của cảnh sát biển Việt Nam là “bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; bảo vệ an ninh quốc gia; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của công dân”,  các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc vì trên biển có nhiều lực lượng tham gia, cần xác định rõ nhiệm vụ, chức năng của cảnh sát biển Việt Nam, phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng để khắc phục sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ.

“Vùng biển chúng ta có 1 triệu km2, trong các đợt tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến ngư dân đánh bắt thủy sản ở vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa rất cần có lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ, vừa giúp ngư dân yên tâm lao động, sản xuất vừa bảo vệ chủ quyền. Trong khi vùng biển này chỉ có tàu lớn mới hoạt động được và chỉ có lực lượng Cảnh sát Biển có phương tiện, chức năng đáp ứng yêu cầu hoạt động ở các vùng biển đó để bảo vệ ngư dân. Do đó, Cảnh sát Biển được đề nghị chủ trì thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển thềm lục địa, vùng biển đặc quyền kinh tế, từ biên giới quốc gia trên biển trở ra để bảo vệ an ninh trật tự trên biển, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ ngư dân, cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã có quy chế phối hợp giữa BĐBP, Hải quân, Cảnh sát Biển, có phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng của các lực lượng, nên không có việc chồng chéo nhiệm vụ”. – Đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh.

Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang?

Về vị trí pháp lý của lực lượng cảnh sát biển việt Nam, dự án Luật quy định, cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, lực lượng nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia, chủ trì thực thi pháp luật trên biển. Cảnh sát biển Việt Nam có chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển; quản lý về an ninh, trật tự, an toàn, môi trường biển và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Thảo luận về nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ đồng tình và cho rằng dự thảo Luật Cảnh sát biển ghi rõ cảnh sát biển là lực lượng vũ trang là đúng đắn.

Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) nhận xét thực tế thời gian qua, cảnh sát biển thực thi nhiệm vụ trong điều kiện phải đấu tranh với các diễn biến ngày càng phức tạp của các hoạt động xâm phạm chủ quyền, các hành vi vi phạm luật pháp của các đối tượng có vũ trang trên biển.

Mặt khác, tại mục 5 điều 3 Luật An ninh quốc gia khẳng định cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc lực lượng vũ trang nhân dân. Khoản c điều 22 của luật này cũng khẳng định cảnh sát biển là cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia.

Như vậy, việc quy định cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân là phù hợp, đại biểu Đỗ Văn Bình kết luận.

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) cho rằng, với cảnh sát biển, khi có xung đột vũ trang trên biển, đây cũng là lực lượng trực tiếp chiến đấu, bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Vì thế, việc quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang là phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn (tỉnh Ninh Bình) lại cho rằng không nhất thiết phải ghi trong Luật Cảnh sát biển là bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân.

“Nếu chúng ta ghi trong luật lực lượng cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân thì rất nhạy cảm. Vì hiện nay trên thế giới nhiều nước có lực lượng giống chúng ta, với tên gọi khác nhau nhưng họ không để trực thuộc Bộ Quốc phòng”, ông Tuấn nói.

Theo đại biểu Tuấn, đưa cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thì điều này có nghĩa là sử dụng lực lượng vũ trang – tức lực lượng quân đội để xử lý xung đột trên biển về mặt dân sự. Do vậy, ông Tuấn băn khoăn với việc có nhất thiết phải đưa vào trong luật quy định như vậy hay không.

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (tỉnh Điện Biên) cho rằng, nếu coi cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân sẽ mâu thuẫn với Luật Quốc phòng (sửa đổi) vừa thông qua. Bởi Luật Quốc phòng (sửa đổi) đã quy định rất rõ: thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân chỉ gồm có: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Dân quân tự vệ. Theo đại biểu, dự thảo Luật chỉ cần quy định theo hướng Cảnh sát biển Việt Nam là một bộ phận cấu thành của Quân đội nhân dân và thuộc Bộ Quốc phòng là thỏa đáng và hợp lý hơn.

Tranh luận với ý kiến đại biểu Tuấn, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng (Phó Chính ủy Quân khu 7) cho hay, cảnh sát biển là một trong những cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia thuộc lực lượng vũ trang. Cụ thể ở đây, cảnh sát biển là lực lượng tác chiến trên biển, cũng giống như công an tác chiến trên nội địa.

“Chúng ta làm điều này không ngại gì với điều ước quốc tế vì hiện nay tình hình vùng biển của chúng ta diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, nếu không tăng cường sức mạnh và phương tiện trên biển, trong đó có cảnh sát biển thì rõ ràng sẽ đánh mất vai trò của lực lượng này”, Thiếu tướng Hoàng nói.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, lực lượng cảnh sát biển không những thực thi pháp luật trên biển mà còn đấu tranh trên biển bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia và chống cướp biển.

“Việc lực lượng cảnh sát biển bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân trên biển, phối hợp với lực lượng hải quân tác chiến để giải quyết các vấn đề trên biển không tăng tính nhạy cảm”, Thiếu tướng Hoàng phân tích thêm.

Đại tá Hồ Văn Thái (Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang) đồng tình, cho rằng không cần phải né tránh việc quy định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân. “Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân là phù hợp và cần thiết trong việc bảo vệ, giữ gìn biển đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo”, ông Thái nói.

Trước vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội – Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm, Cảnh sát biển cũng tương tự như biên phòng. Cảnh sát biển là lực lượng chấp pháp trên biển, còn biên phòng chấp pháp trên đất liền. Cả hai đều liên quan đến công tác phòng thủ đất nước, khi có chiến tranh, đất nước bị tấn công thì cảnh sát biển, biên phòng bao giờ cũng là lực lượng chủ lực. Biên phòng từ trước đến nay là lực lượng vũ trang rồi thì cảnh sát biển không thể không xác định là lực lượng vũ trang.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ cho rằng, mỗi quốc gia có cách nhìn nhận và thể hiện khác nhau về lực lượng chấp pháp trên biển. Việt Nam không cần áp đặt luật của nước khác vào luật của mình.

Giải trình của Trưởng ban soạn thảo Dự thảo luật

Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Cảnh sát biển. Báo cáo giải trình những vấn đề đại biểu quốc hội nêu ra, Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Trưởng ban soạn thảo Dự thảo luật – cho biết, quy định vị trí, chức năng của cảnh sát biển như trong dự thảo nhằm xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất, khai thác tài nguyên biển.

Về quản lý nhà nước đối với cảnh sát biển, “việc quy định vai trò quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với cảnh sát biển như dự thảo luật đảm bảo phù hợp với các khoản, các điều quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các điều quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói.

Vẫn theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, dự thảo luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với cảnh sát biển nhằm đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong quản lý điều hành hoạt động của cảnh sát biển.

“Quy định như trên tránh hiểu cảnh sát biển là lực lượng quân sự, dẫn đến bất lợi trong ứng xử giữa lực lượng chấp pháp của các quốc gia khác với cảnh sát biển trên khu vực Biển Đông, không để các thế lực thù địch lợi dụng, khiêu khích, tạo xung đột vũ trang, góp phần giữ gìn vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững”. Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Một số vấn đề về quyền hạn của Cảnh sát biển và đầu tư nguồn lực cho Cảnh sát biển

Bên cạnh những vấn đề trên, một số nội dung về quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam, về vấn đề hiện đại hoá vũ khí, khí tài trang bị cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Đai biểu Đỗ Văn Bình dẫn khoản 2 điều 15  quy định “cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam không được nổ súng vào tàu thuyền mặc dù biết rõ tàu này là do đối tượng phạm tội điều khiển chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, khi trên tàu thuyền đó có chở người hoặc các con tin để dừng tàu thuyền đó”.

Theo ông Bình, quy định như trên là không rõ, không nổ súng vào tàu thuyền có các con tin có thể hiểu là để đảm bảo an toàn cho con tin đang chở trên tàu, nhưng còn quy định trên tàu thuyền đó có chở người là chưa rõ, vì có thể người là hành khách, không bắn vào tàu thuyền là để bảo đảm an toàn cho hành khách, nhưng cũng có thể người ở đây là đối tượng phạm tội. Đại biểu Bình đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ quy dịnh này.

Băn khoăn đến quyền của cảnh sát biển Việt Nam quy định tại dự thảo luật là “có quyền truy đuổi người, phương tiện vi phạm pháp luật trên biển” và “quyền bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển”, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, dự thảo luật không quy định quyền bắt, tạm giữ người vi phạm là chưa đầy đủ, gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam trong việc thực thi pháp luật trên biển.

Do đó, đại biểu đề nghị quy định bổ sung quyền được bắt, tạm giữ người vi phạm pháp luật của cảnh sát biển Việt Nam để phù hợp hơn với thực tế.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) quan tâm đến việc hiện đại hóa vũ khí, khí tài trang bị cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

Nhấn mạnh việc chấp hành pháp luật bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn, đấu tranh chống tội phạm trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ trung tâm của lực lượng cảnh sát biển, do đó, đại biểu cho rằng, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, cảnh sát biển cần có các loại vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật và vật chất hậu cần phù hợp, đáp ứng yêu cầu cơ động và tác chiến.

“Trong những năm gần đây cảnh sát biển đã được trang bị các loại tàu hiện đại và vũ khí, khí tài đồng bộ tiên tiến, tuy vậy công nghệ vũ khí, khí tài cũng thay đổi liên tục theo hướng hiện đại.

Vì vậy, tôi đề nghị cần rà soát lại khoản 1 điều 5 để quy định cụ thể về hiện đại hóa vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật là một trong những ưu tiên hàng đầu trong xây dựng, phát triển lực lượng cảnh sát biển ở nước ta hiện nay”, đại biểu đề nghị.

Cùng quan điểm cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho Cảnh sát biển, đại biểu Lại Xuân Môn (Cao Bằng) cho biết, tình hình trên biển cực kỳ phức tạp, tranh chấp chủ quyền, cướp biển, buôn lậu, tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam khai thác trộm tài nguyên, thủy sản diễn ra ngày một tăng. Vì vậy, cần đầu tư mạnh cho Cảnh sát biển đủ sức đảm bảo thực thi nhiệm vụ. Hiện nay, phương tiện thực thi pháp luật trên biển rất mỏng khó đáp ứng việc bảo vệ 200 nghìn con tàu của ngư dân.

“200 nghìn con tàu là “cột mốc sống” đang ngày đêm cùng với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, lực lượng bảo vệ ngư dân chưa đáp ứng yêu cầu, do đó rất cần quan tâm đầu tư nguồn lực, vật chất cho lực lượng Cảnh sát Biển tiến thẳng lên hiện đại, đủ sức cùng các lực lượng khác bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền tài phán trên biển”. – Đại biểu Lại Xuân Môn cho biết.

Dự kiến, Luật Cảnh sát biển sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6 – Khoá XIV Quốc hội Việt Nam.

———-

Bản tin được tổng hợp từ các nguồn sau:

Thu Phương và nhóm ảnh, “Quốc hội thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam,” Cổng thông tin Quốc hội ngày 8/6/2018: http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=36141 (truy cập ngày 8/6/2018).

Thảo Nguyên, “Hiện đại hóa vũ khí, khí tài trang bị cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam,” Quân đội nhân dân online ngày 8/6/2018http://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/hien-dai-hoa-vu-khi-khi-tai-trang-bi-cho-luc-luong-canh-sat-bien-viet-nam-540903 (truy cập ngày 8/6/2018).

Viết Hà, “Cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho lực lượng Cảnh sát Biển tiến thẳng lên hiện đại,” Báo điện tử Biên phòng ngày 8/6/2018: http://www.bienphong.com.vn/can-quan-tam-dau-tu-nguon-luc-cho-luc-luong-canh-sat-bien-tien-thang-len-hien-dai/ (truy cập ngày 8/6/2018).

Nguyễn Lê, “Cảnh sát biển có thuộc lực lượng vũ trang?” Vneconomy ngày 8/6/2018.

Ngọc Lương, “Đại biểu QH nêu tình hình Biển Đông để góp ý dự Luật cảnh sát biển,” Dân Việt ngày 8/6/2018: http://danviet.vn/tin-tuc/dai-bieu-qh-neu-tinh-hinh-bien-dong-de-gop-y-du-luat-canh-sat-bien-883517.html

Nhóm tổng hợp đến từ Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Email: sukybiendong@gmail.com.

Những quan điểm nêu trong bản tin tổng hợp không nhất thiết là quan điểm của các thành viên và cộng tác viên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hay của các nhà tài trợ Dự án.

Bản tin tổng hợp được hỗ trợ kinh phí từ quỹ tài chính chung của Dự án Sự Ký Biển Đông, được tài trợ bởi những nhà tài trợ. Xem thông tin những nhà tài trợ của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tại https://daisukybiendong.wordpress.com/nha-tai-tro/nha-tai-tro-nam-2015-2017/

 

 

 

2 thoughts on “Quốc Hội Thảo Luận về Dự Án Luật Cảnh Sát Biển Việt Nam

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.